samedi 16 août 2008

CHUYỆN NGHỀ NGHIỆP ( 1 )

GÓP Ý VỀ SÁCH GIÁO KHOA THÍ ĐIỂM TIẾNG PHÁP 6


1. Sách Tiếng Pháp 6 được biên soạn công phu, thể hiện đúng mục tiêu, quan điểm, nội dung và phương pháp giảng dạy được quy định trong nội dung chương trình. Sách do các tác giả Việt Nam biên soạn, phù hợp hơn với tình hình giảng dạy và học tập ở các trường học trong nước, với trình độ chung của học sinh ở các vùng, miền khác nhau. Nội dung bài học vừa phải, các hoạt động rèn luyện, thực hành phong phú, đa dạng, việc học tập và giảng dạy nhờ đó có thể nhẹ nhàng, sinh động, hấp dẫn hơn.


2. Sách trình bày đẹp, chữ to, rõ, dễ đọc. Tranh và hình minh họa khá đẹp và phù hợp với nội dung cần biểu đạt, kể cả những khái niệm khó diễn đạt bằng hình vẽ. ( ví dụ từ une excursion – bài 19 – trang 87 ). Công việc sửa bản in làm cẩn thận, chu đáo. ( Trừ trường hợp từ Révision, in đúng ở trang MỤC LỤC, nhưng 6 lần ở các trang 22, 40, 58, 76, 94, 112 đều in là REVISION ). Xin đề nghị thêm vào MỤC LỤC phần liệt kê các hành động lời nói đã dạy trong sách. Phần này trong cuốn chương trình ghi ở mục “Phân phối ngữ liệu”, dưới tiêu đề savoir-faire ( trang 7 ), tuy nhiên có chỗ chưa cụ thể ( contacts sociaux ), có hành động đã dạy nhưng không thấy ghi ( hỏi và nói giờ...).


3. Sách gồm 24 bài học và sau 4 bài có một bài ôn tập. Tuy không ghi cụ thể nhưng người sử dụng sách có thể hiểu là 24 bài học này được gom thành 6 UNITÉS, thuộc 6 chủ điểm khác nhau. Mỗi Unité gổm 4 bài, kết thúc là bài ôn tập. Thế nhưng Unité 2 gồm các bài 5-6-7-8 bài ôn tập và thêm bài số 9, và Unité 3 chỉ có 3 bài ( ? ). Trong 6 chủ điểm thì các chủ điểm sau đây là cụ thể, dễ hiểu :

1. École

2. Famille

4. Maisons et ville

5. Loisirs.

Riêng 2 chủ điểm thứ 3 ( Amitié ) và thứ 6 ( Activités ) thật khó xác định nội dung phù hợp. Chính vì thế mà trong chủ điểm “Amitié “ có bài 11 ( cinéma ) và bài 12

( musique ) đáng lẽ đưa vào chủ điểm “loisirs “ thì phù hợp hơn. Còn trong chủ điểm “ Activités “ với tên gọi rất chung ( hoạt động gì ? ) thì chỉ dạy về giờ, ngày, tháng (?).

Liên quan đến các chủ điểm là phần từ vựng. Trong cuốn chương trình, phần “phân phối ngữ liệu” ( trang 7 ) có ghi ở cột LEXIQUE : vêtements / couleur nhưng trong sách chưa dạy một từ nào về couleur, còn về vêtements thì trong sách chỉ xuất hiện một lần từ vêtements ( bài 14 ), một lần từ imper ( bài 20 ), còn các loại y phục khác thì không có.


4. Ở mỗi bài học, sau đoạn hội thoại là các ACTIVITÉS khác nhau, trong đó một số là hoạt động rèn luyện thực hành liên quan đến nội dung bài hội thoại, một đôi chỗ đưa vào ngữ liệu mới sau đó mới rèn luyện. Số lượng ACTIVITÉS ở mỗi bài nhiều ít khác nhau, ít nhất là 4, nhiều nhất là 9. 24 bài học có 157 ACTIVITÉS, 6 bài ôn tập có 36 ACTIVITÉS, tổng cộng là 193 ACTIVITÉS. Xin được phân tích nội dung này :

a/ Các bài luyện nói :

- Có 6 bài luyện nói thực sự ( activité 1 / leçon 1 , 4/15, 5/16 , 6/17, 6/18, 2/22 ).

- 12 bài tập đọc, chủ yếu là đọc số ( 8/2, 3/3, 2/4, ¾, 8/ Rév.1 , 7/5, 7/6, 7/7, 7/9, 8/10, 7/11, 5/14 ).

- 22 bài có thể sử dụng vừa luyện nói, vừa luyện viết ( ½, 8/4, 6/6, 3/8, 4/8, 3/9, 3/10, 6/10, 6/11, 3/12, 6/12, 6/13, 2/15, 2/21, 3/22, 4/22, 5/22, 6/22, 7/22, 1/ Rév.6, 2/ Rév.6, 3/Rév.6 ).

b/ Các bài luyện nghe :

- 7 bài học không có phần luyện nghe : 7, 11,17,20,22,23,24.

- Tất cả 6 bài ôn tập đều không có phần luyện nghe.

- Như vậy là trong tổng số 193 activités nói trên chỉ có 19 bài luyện nghe, hầu hết là ở dạng nghe và điền vào chỗ trống.

+ Bài 2/ leçon 6 trang 30 : nghe và viết lại từ nghe được, nhưng các từ này đã in sẵn trong sách rồi, học sinh đâu cần nghe nữa .

+ Một số bài quá đơn giản, học sinh không cần nghe cũng làm được bài vì thực chất đây là dạng bài viết, ví dụ :

- bài 5/ 2 trang 12 : động từ habiter.

- Bài 2 và bài 5 / 8 trang 38-39 : tính từ chỉ định.

- Bài 1/ 13 trang 62 : tính từ chỉ định.

Tỉ lệ các bài luyện nghe như thế là quá ít.

c/ Các bài luyện viết và đọc hiểu :

Các bài luyện tập / thực hành kiểu này chiếm đa số, hình thức đa dạng, phong phú, một số bài có yêu cầu diễn đạt nhưng vừa sức, có thể có tác dụng tốt.

- Học sinh có thể bối rối với bài tập số 3/ leçon 15 : Hãy quan sát sơ đồ dưới đây và vẽ ra đường đi từ nhà Lan đến trường. ( Sơ đồ đã có mũi tên chỉ đường rồi ! )


5. Dựa vào mục tiêu việc dạy/ học ngoại ngữ, sách có ý cung cấp cho học sinh một số hiểu biết về đất nước học. Tuy nhiên sau 99 tiết học của lớp 6, sợ rằng nội dung này quá ít vì qua Sách TIẾNG PHÁP 6, học sinh chỉ biết được chừng này :

- Các thành phố : Paris, Marseille, Nice.

- Một thắng cảnh : Tháp Eiffel.

- Các họ và tên ( noms / prénoms ) :

+ M. Colin, M. Roberto, Mme Dabène, Mme Dupont (4)

+ Sophie, Claire, Laurence, Anne, Marie / Paul, Michel, Pierre, Dominique, Patrick, Marc ( 11).

- Một diễn viên điện ảnh : Louis de Funès.

- Một nhà văn : Jules Verne ( thông qua tên trường )

Chủ yếu là tên người và tên thành phố. Không có cơ hội nào khác để giáo viên giới thiệu về đất nước và con người, văn hóa, phong tục.... nước Pháp.


6. Các nội dung vui chơi, giải trí, hỗ trợ cho việc học tập chưa có nhiều trong sách. Nên chăng thêm vào một số câu đố, ô chữ, châm ngôn, danh ngôn , bài thơ ngắn, bài hát v.v..? Đây là nội dung đã có ghi trong phần “ định hướng phương pháp học tập” : tích cực học thuộc lòng các đoạn văn, bài thơ, quy tắc, lời hay ý đẹp... ( trang 11 ).


7. Sách được biên soạn theo đường hướng mới, thể hiện ở trong nội dung bài học và bài thực hành. Để giúp cho người dạy thể hiện đúng ý đồ của người soạn sách, cần thiết phải cung cấp kịp thời sách hướng dẫn giảng dạy và một số bài kiểm tra đánh giá mẫu với nhiều dạng câu hỏi khác nhau. Cũng nên có kế hoạch đồng bộ để tất cả các trường đều có thể sử dụng các phương tiện thiết bị dạy học.

8. Một vấn đề không thuộc về sách giáo khoa nhưng cũng xin nêu ra ở đây : Tại sao trong lần cải cách nầy lại giảm thời gian học ngoại ngữ ở bậc trung học cơ sở ?


GÓP Ý VỀ SÁCH GIÁO KHOA TIẾNG PHÁP 7

Căn cứ vào tài liệu :

Sách Giáo Khoa Tiếng Pháp 7 của các tác giả Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Mạnh, Đào Thế Lân.

Bản thảo đã sửa chữa – Tháng 4 / 2001.


1. Bản thảo Sách Tiếng Pháp 7 được biên soạn theo đường lối quan điểm đã thể hiện trong Sách Tiếng Pháp 6; nội dung và phương pháp theo đúng chương trình môn Tiếng Pháp của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo. Cấu trúc của sách vẫn bao gồm 24 bài học gom thành 6 chủ điểm. ( Có 2 chủ điểm đã khai thác trong Sách TP 6 : École và Loisirs ). Sau mỗi 4 bài có một bài ôn tập. Nội dung mới của TP 7 là phần Récréation sau các bài ôn tập. Bản thảo đã dự kiến đưa vào nhiều tranh, ảnh minh họa cho bài học.


2. Ở mỗi bài học vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống các TABLEAU để cung cấp ngữ liệu mới.

- Có tất cả 51 Tableaux cho 24 bài học. Các bài học thứ 1, 15, 16 có 3 tableaux mỗi bài. 21 bài còn lại mỗi bài đều có 2 tableaux.

2.1 + Chỉ có 5 / 51 tableaux cung cấp từ vựng : Tab. 2/ L.9, Tab. 2/ L.12, Tab. 1/ L.14, Tab.2/L.15, Tab. 1/ L.16. Một số chủ điểm về từ vựng khác được đưa vào kèm với tranh vẽ : Bài 11, Bài 5, Bài 18...

+ Các từ về Mầu sắc đã bị bỏ sót trong sách Tiếng Pháp 6 nay mới đưa vào ( Bài 16 ), còn chủ điểm vêtements thiếu trong sách TP 6 nay vẫn không có.

+ So với nội dung phần Lexique trong cuốn CHƯƠNG TRÌNH thì số từ vựng liên quan đến “ les disciplines / le concours / l’examen “ không có trong sách. Ngoài ra các từ về phương hướng không được dạy nhưng xuất hiện nhiều trong phần bài tập

( Bài 13 ).

2.2 . + Đại bộ phận các tableau đều là những vấn đề về ngữ pháp.

Trình tự các vấn đề được sắp xếp khá hợp lý, những nội dung dài và khó được cắt ra và trình bầy trong nhiều tableaux liên tiếp. ( Passé Composé / Pronoms personnels...). Nhìn chung các tableau đều ngắn gọn, cô đọng. Điều này đòi hỏi giáo viên khi dạy phải soạn bổ sung. Tuy nhiên đôi lúc quá ngắn gọn nên không đầy đủ :

- Tab. 1 / L. 8 dạy về le futur simple phần lưu ý chỉ nêu bốn động từ avoir, être, faire, aller. Nên chăng thêm vào venir, voir, savoir, pouvoir, vouloir ? Bài ôn tập ở trang 39 cũng đã hỏi đến “saura “ và “pourra ” .

- Tab. 2 / L.10 dạy về Comparaison chỉ dạy Plus ... que, Moins ... que mà không hề đề cập đến aussi ... que.

- Tab. 1 / L.11 dạy về pronoms personnels COD chỉ nêu le, la, les mà không nhắc l’ ( le / la ) trong khi các bài tập bên dưới đều sử dụng đến.

- Tab. 2 / L.23 dạy về adverbes de temps chỉ nêu une fois, quelquefois, souvent, ne ... jamais trong khi bài tập bên dưới lại yêu cầu sử dụng cả toujours, de temps en temps.

hoặc không chính xác ( Tab. 2 / L.7 trang 34 dạy về adverbes de quantité sao lại đưa cả ne ... pas ? ).


3. Sau mỗi tableau là một số ACTIVITÉ nhằm thực hành và rèn luyện các kỹ năng với nhiều loại hình bài tập đa dạng, phong phú.

3.1 : Có tất cả 128 ACTIVITÉ ( dưới đây xin tạm gọi là bài tập.)

+ Các bài có 4 bài tập : Leçon 16, 23,24. ( L. 16 các bài tập được đánh số 1, 2, 4, 5, không có bài số 3 (?) ).

+ Các bài có 5 bài tập : Leçon 8, 9, 11, 15, 18, 19, 22.

+ Các bài có 6 bài tập : Leçon 1, 2, 4, 5, 6, 7, 10, 12, 13, 14, 17, 20, 21. ( Leçon 2 có 6 bài tập được đánh số 1, 2, 3, 3, 4, 5 ).

+ Leçon 3 có 7 bài tập.

3.2 : Không có bài luyện nghe ( với cassette ) như trong sách TP 6.

Thay vào đó có 4 bài tập có yêu cầu là Nghe và nhắc lại ( ? ) : Bài 5/ L.6, Bài 5/ L.9, Bài 3/ L.17, Bài 2/ L.19 . Thầy và trò sẽ làm gì với các bài tập này khi toàn bộ nội dung để “nghe và nhắc lại” đã được in sẵn trong sách ?

3.3 : Có quá ít bài luyện nói ( Bài 1/ L.1, Bài 2/ L.1, Bài 5/ L.7 ). Chỉ có thể khai thác thêm một số bài “thực hiện các cặp thoại theo mẫu : Bài 3/ L.7, Bài 3/ L. 19 ... ).

3.4 : Chiếm tỉ lệ lớn là các bài tập dạng VRAI/FAUX : 14 bài : 6/ L.1, 7/L.3, 6/ L.4, 6/ L.5, 6/ L.6, 5/ L.10, 5/ L.11, 3/L.14, 6/L.17, 5/ L.18, 5/ L.19, 6/ 20, 6/ L.21, 3/ L.22 ).

3.5 : Có 8 bài tập thuộc để viết dạng sắp xếp thứ tự các câu thành bài ( dialogue hoặc texte ) : 2/ L.5, 6/ L.7, 5/ L.8, 3/L.12, 2/ L.15, 2/ L.17, 2/ L. 18, 1/ L. 23.

3.6 : Có 6 bài thuộc dạng sắp xếp các từ để làm thành câu : 3/ L.1, 5/ L.1, 5/ L.2, 6/ L.3, 5/ L.4, 2/ L.10.

+ Học sinh sẽ bối rối khi làm các bài tập sau đây :

1. Bài 5 / Leçon 1 :

- Câu b : Louise/ cadeau / Léon / achète / un / beau / pour/ .

Có thể giải theo 2 cách :

Louise achète un beau cadeau pour Léon.

Léon achète un beau cadeau pour Louise.

- Câu e : Ces fleurs sont pour Anne.

Tuy nhiên, cả 2 câu b và e đều không phù hợp với nội dung bài học :

Để hỏi và trả lời về mục đích, người ta dùng : Pourquoi ? – Pour ( + Verbe infinitif ).

2. Bài 5 / Leçon 2 :

Câu a : est-ce/ qu’elle/ Nicole/ Quand / vient ? Thừa từ Nicole ( ? ) hoặc phải chỉnh lại đề : est-ce / que / Nicole / Quand / vient ? để có đáp án là : Quand est-ce que Nicole vient ?

3. Bài 5 / Leçon 4 :

Câu a và c : Câu quá dài. Câu a có 18 và câu b có 21 yếu tố để sắp xếp.

4. Bài 2 / Leçon 18 :

Câu 5 : Les/ regarder/ préfèrent/ contre/ âgées/ sont/ films/ le / sport / à / la / elles / les / personnes / télé . Câu 2 mệnh đề, cần một dấu virgule “ , ” . Hoặc cắt ra thành 2 câu.

3.7 : Số bài tập còn lại thuộc nhiều dạng khác nhau ( chia động từ, đặt câu hỏi, trả lời, chuyển đổi câu, tập diễn đạt, hoàn chỉnh câu v.v... ). Trong số các bài này có một số bài có thể gây khó khăn cho học sinh :

- Bài 2 / L. 11 : Hãy viết lại đoạn dưới đây bằng cách thay các từ gạch dưới bằng một đại từ phù hợp :

Martine est française. J’ai rencontré Martine dans une fête.

Je l’ ai rencontrée : Học sinh chưa học accord du participe passé ( auxiliaire avoir ).

Khó khăn này sẽ lặp lại ở bài tập 5 / L. 13 : Câu c : Est-ce que vous avez vu cette pièce ? – Non, nous ..........

- Bài 4 / Leçon 11 : Viết tiếp với le même, la même, les mêmes theo mẫu sau.

Câu 3 : Sébastien fait de la natation. Nicolas aussi.

Câu 4 : Sébastien et Nicolas sont en cinquième. Corinne est en cinquième aussi.

Hai câu này không theo mẫu đã đưa ra, học sinh phải tìm danh từ ( sport và classe chẳng hạn ) để chuyển đổi câu.

- Bài 1 / L. 21 : Hãy điền vào chỗ trống :

Dòng thứ 5 / cột bên trái : Vous vous levez après toi. Câu này nghĩa là gì ??

( SÁCH GIÁO VIÊN - trang 91 – cũng ghi lại đáp án như thế ! )

- Bài 2 / L. 21 : Hãy điền vào chỗ trống ......

Câu cuối : Mais, la poupée ne ........... pas parce qu’elle n’........... pas assez.

Thiếu dấu chấm lửng (........) sau assez vì câu không thể kết thúc ở đó được.

3.8 : Một số bài tập có yêu cầu hơi lạ :

- Bài 1 / Leçon 2 : Hãy học thuộc phân từ của một số động từ sau. (?)

- Bài 1 / Leçon 24 : Hãy tìm các câu đã học, trong đó có các anaphores.

- Bài 3 / Leçon 24 : Hãy tìm trong sách các câu được dùng với các từ .....

3.9 : Một số bài tập có yêu cầu quá cao :

- Bài 1/ Leçon 13 : Hãy vẽ bản đồ dự báo thời tiết Việt Nam và Pháp với các thông tin sau. Học sinh làm sao vẽ được bản đồ nước Pháp và xác định vị trí các thành phố Lille, Paris, Strasbourg, Grenoble, Montpellier, Bordeaux ? Ngay cả việc vẽ bản đồ Việt Nam và xác định vị trí của Lao Cai, Lạng Sơn, Hà Nội, Huế, Nha Trang .... cũng đã quá khó rồi !

3.10 : Một bài tập đã giải sẵn :

Bài 3 / Leçon 23 : Điền vào chỗ trống bằng cách chọn các từ sau. ( Các từ une fois, toujours, ne ... jamais, Tous les jours, souvent đều được điền vào câu rồi ! ).

Ngược lại có bài thiếu yêu cầu, không giải được :

Bài 5 / Leçon 16 : Hãy chuyển đổi các câu sau theo mẫu. Câu e : Je vais écrire à Caroline une carte de voeux pour son anniversaire ? không gạch dưới từ nào nên không thể chuyển đổi được ( thay COD hay COI ? ).


4.Các bài ôn tập :

Sau 4 bài học là một bài ôn tập, được đánh số từ Révision 1 đến Révision 6.

4.1 Thông thường ôn tập là củng cố, khắc sâu kiến thức đã học và rèn luyện thực hành thêm các kỹ năng cho thành thạo.

Tuy nhiên các bài ôn tập trong sách đôi lúc lại có những nội dung mới (có khi hơi khó ) :

- Bài 3 / Révision 1 : Hãy viết lại các câu sau ở thời quá khứ.

Dùng auxiliaire avoir với các động từ sortir, rentrer, passer, descendre, monter.

Bài học trước đó không dạy phần nầy.

- Bài 1 / Révision 4 : Hãy chọn một trong các nước có trên bản đồ, sử dụng các biểu tượng và các cụm từ cho dưới đây để viết một bản tin dự báo thời tiết.

Bài tập khó. Các “cụm từ cho dưới đây” đều khó và chưa dạy trong các bài học trước.

4.2: Có bài tập đề ra không chặt chẽ :

Bài 2 / Révision 3 : Hãy đặt 5 câu theo mẫu ( dùng mais và các cặp tính từ trái nghĩa)

- Câu 2 : Elle a le même âge que moi, mais elle est beaucoup plus .......... : Không có cặp tính từ trái nghĩa nào được dùng ở đây !

- Câu 3 : Il est beau, mais il n’est pas ............ du tout. : Nếu dùng từ trái nghĩa của beau vào đây thì câu vô nghĩa !

( Có lẽ vì thế mà SÁCH GIÁO VIÊN – trang 51 – không giải bài tập nầy (?) )

4.3: Révision 6 có 7 bài tập, đánh số 1, 2 , 3, 4, 5, 7, 8 , không có bài số 7.


5. Các hoạt động giải trí ( Récréation ).

So với sách TIẾNG PHÁP 6 thì đây là nội dung mới mà đáng lẽ nên đưa vào từ lớp 6. Nội dung phần này khá phong phú, đa dạng và bổ ích. Chỉ tiếc là chưa có một ít bài hát ( ngắn và dễ ) có thể gây hứng thú cho việc học tập của học sinh hơn.Giáo viên dạy có thể sử dụng các hoạt động này sau từng bài học, không nhất thiết chờ đến sau bài ôn tập.

5.1 : Về các ô chữ ( grille ) :

- Bài 2 Récréation 1 có nêu chủ điểm ( noms de professions ), nhưng các bài khác

( bài 1 / Récréation 2, bài 2 / Récréation 4 ) lại yêu cầu trouver tous les mots nên hơi khó thực hiện. Chẳng hạn bài 2/ Récréation 4, có chấp nhận không nếu học sinh tìm ra các từ : AU ( dòng 3 ), DU ( dòng 4 ), SON ( dòng 8 ), UN ( dòng 10 ), IL ( dòng 11 ), BAS(SE) (dòng 11 ) ?. Ở bài 4/ Récréation 5, từ NOEL xuất hiện 2 lần ( dòng 1 và dòng 8 ô bên phải ).

5.2: Các bài Poème đều ghi tên tác giả. Riêng bài Dans Paris, à l’heure de pointe

( Récréation 2, trang 44 ) không thấy ghi. Thực ra, đây là bài hát khá nổi tiếng của JOE DASSIN với nhan đề là La complainte de l’heure de pointe .

Các câu : Dans Paris, à vélo, on dépasse les autos,

À vélo, dans Paris, on dépasse les taxis.

được lặp lại như một điệp khúc ( refrain ).

Dòng thứ tư : Place des Fêtes, không phải là Place de la Fête.

Dòng thứ 5 : Place Vichy, on ne roule pas. ( thiếu “ ne ” )

5.3 Về các proverbes :

Bài 6 / Récréation 6 (trang 131 ) có đưa câu “ Déshabiller Saint Paul pour habiller Saint Pierre ” là quá khó, có thể khó đối với cả giáo viên chứ không riêng gì học sinh ! Các từ điển Petit Robert và Larousse đều không ghi như thế mà chỉ có câu “ Déshabiller Saint Pierre pour habiller Saint Paul ”.

5.4 : Về những thông tin liên quan đến Tour Eiffel ( Récréation 2 / trang 43 ) : Có tài liệu ghi khác với sách:

TIẾNG PHÁP 7. / PARIS ( Guide de Tourisme MICHELIN )

Poids : 6900 tonnes / 7000 tonnes

Peinture : 40 tonnes / 50 tonnes

Escalier : 1720 marches / 1652 marches


6.Về hệ thống các chỉ dẫn làm bài ( consignes d’exercice ).

Hầu hết được ghi bằng tiếng Việt, có thể dễ hiểu hơn cho học sinh.

6.1: Nhiều consignes dùng từ chưa chính xác :

- Hãy hoàn thiện ( ? ) các câu sau : Bài 4, 6 Révision 1 , Bài 1,2 Révision 2, Bài 6 / Leçon 13.....

- Đề nghị thay bằng từ hoàn thành như đã dùng ở Bài 4 / Leçon 5

Hoặc hoàn chỉnh như đã dùng ở Bài 2 , 5 / L. 14 , Bài 1 / L. 15, Bài 2 / L. 16, Bài 6 / Révision 3.

6.2 : Có consigne ghi không đầy đủ :

Bài 3 / Révision 4. Trả lời khẳng định, sau đó trả lời phủ định các câu hỏi sau. Thiếu yêu cầu dùng đại từ trong câu trả lời.

Bài 4 / Révision 4 : Trả lời các câu hỏi sau. Cũng thiếu yêu cầu như bài 3 nêu trên.

6.3 : Một đôi chỗ dùng tiếng Pháp nhưng không nhất quán :

Récréation 3 : Bài 5 : Trouve le sens .....

Bài 6 : Soulignez les expressions ......

Bài 7 : Exprime la différence ......

6.4 : Có lúc pha trộn vừa tiếng Pháp vừa tiếng Việt rất tùy tiện ( cùng trong một bài tập ) :

- Révision 4 : Câu 8 : Hãy đọc bảng dưới đây :

a) Réponds.

b) Đặt câu theo mẫu.

- Révision 5 : Câu 3 : Hãy giải nghĩa các câu dưới đây.

Câu 6 : Faites ce test culturel.

Câu 7 : Hãy đọc và trả lời các câu hỏi sau.

7. Các kiến thức, thông tin về đất nước học :

Sách đưa vào khá nhiều thông tin loại này.

- Về nhân vật : Victor Hugo, Georges Pompidou, Patricia Kaas, Zidane, Platini, Louis Aragon. Renoir - Astérix, Obélix. Christophe Colomb, Newton ...

- Về địa điểm, công trình kiến trúc... : Cité des Sciences et de l’Industrie, la Géode, Palais de la Découverte, Centre Pompidou, Tour Eiffel, Arc de Triomphe, Place Charles de Gaulle, Le Louvre, Notre-Dame, Grand Palais, Petit Palais, Champs-Eùlysées, Versailles.- Stade de France.- La Bretagne – Bordeaux – la Garonne... Canada – Québec ...

- Về sự kiện, hoạt động : Le système éducatif - Le métro / Le RER. – Fête nationale ( 14 juillet ). – Fête de Pâques – La Toussaint - Région / Département – La BD. ...

Giáo viên giảng dạy cần có kiến thức rộng, hoặïc chí ít cũng phải được cung cấp đầy đủ tranh ảnh và tư liệu cần thiết.


8. Tài liệu để góp ý còn ở dạng bản thảo, chưa có đầy đủ các hình ảnh, tranh vẽ nên không thể có ý kiến gì về phần này.

Mặt khác, bài góp ý này cũng không nêu ra các lỗi về in ấn có thể tìm thấy ở nhiều trang của bản thảo.


GÓP Ý VỀ CHƯƠNG TRÌNH TRUNG HỌC CƠ SỞ

MÔN TIẾNG PHÁP


1. Về mục tiêu môn học :

- Nhất trí với mục tiêu của bộ môn Tiếng Pháp, một bộ môn văn hóa trong chương trình giáo dục của nhà trường phổ thông. Những mục tiêu đề ra rất cụ thể, chính xác, phù hợp với mục tiêu đào tạo của nhà trường phổ thông ở bậc Trung học cơ sở.

- Về các yêu cầu chủ yếu học sinh phải đạt được, định hướng nêu ra là “Ưu tiên các hoạt động đọc hiểu và nghe hiểu ”. Trong chương trình bộ môn Tiếng Anh không xác định điều này. Tại sao không có sự thống nhất giữa hai ngoại ngữ cùng được dạy ở nhà trường Trung học cơ sở ?

- Trong phần này, hình thức diễn đạt không được rõ ràng và có phần tối nghĩa :

“ Mục tiêu của bộ môn trong chương trình giáo dục của nhà trường phổ thông, đó là một môn văn hóa bắt buộc, với mục tiêu là góp phần phát triển tư duy lô gích, hình thành nhân cách của người học là cung cấp một công cụ giao tiếp mới để họ có thể tiếp cận những thông tin khoa học, văn hóa, xã hội- chính trị... phù hợp với lứa tuổi. ”

( Trích nguyên văn ở trang 3 )

Môn tiếng Pháp là một bộ môn văn hóa bắt buộc chứ sao lại Mục tiêu của bộ môn ... là một môn văn hóa bắt buộc ? Câu bắt đầu bằng “ Mục tiêu “ rồi lại “với mục tiêu là “ là sao ?

.. hình thành nhân cách của người học là cung cấp một công cụ giao tiếp ... ?

Sao lại có chữ “là” ở đây ?

2. Về Những quan điểm cơ bản và nguyên tắc xây dựng nội dung chương trình :

- Nhất trí với nội dung phần này.

- Về một số quan điểm cơ bản khi xây dựng chương trình, chưa thấy phân tích “nhu cầu của người học ”. Nhu cầu của học sinh THCS khi học Tiếng Pháp là gì trong khi đó là một bộ môn văn hóa bắt buộc, học sinh dù không có nhu cầu học vẫn phải học ?

- Việc xác định các yêu cầu về các kỹ năng giao tiếp ngôn ngữ là vừa phải, phù hợp với trình độ học sinh.

Tuy nhiên trong kỹ năng đọc hiểu sao lại có cả việc “ đọc thành tiếng tương đối đúng về ngữ âm và ngữ điệu những đoạn văn ngắn phù hợp với trình độ ”? Đề nghị đưa nội dung này sang phần kỹ năng nói vì trước khi nói cần phát âm đúng, đọc đúng ngữ âm, ngữ điệu. Không có yêu cầu gì về đọc hiểu ở đây.


3. Về nội dung chương trình :

- Về các chủ điểm :

+ Sinh hoạt, hoạt động và các vấn đề cá nhân . Nội dung này khá mơ hồ. Các vấn đề cá nhân là vấn đề gì ?

+ Vui chơi, giải trí, ca nhạc, điện ảnh. Sao không có thể thao ?

+ Sao không có chủ điểm về thời gian ( ngày giờ, tháng năm ... ) ?

- Từ việc xác định chủ điểm đến việc thể hiện trong phần Phân phối ngữ liệu và nội dung Sách giáo khoa có khi không thống nhất :

+ Có chủ điểm “ Truyền hình , báo chí cho giới trẻ ” nhưng trong phân phối ngữ liệu chỉ có nội dung báo chí ( Lớp 8 ), không thấy nội dung Truyền hình ở cả 4 lớp.

+ Có chủ điểm “ Tình bạn ” được đưa vào Sách giáo khoa lớp 6 ( Chủ điểm thứ 3 gồm 2 bài 11 và 12). Nhưng nội dung 2 bài này là Cinéma ( bài 11 ) và Musique ( bài 12 ) , đáng lẽ thuộc chủ điểm Loisirs thì phù hợp hơn .

+ Liên quan đến các chủ điểm là phần từ vựng. Phần “phân phối ngữ liệu”( trang 7 ) có ghi ở cột LEXIQUE ( lớp 6 ) : vêtements / couleur nhưng trong sách chưa dạy một từ nào về couleur, còn về vêtements thì trong sách chỉ xuất hiện một lần từ vêtements ( bài 14 ), một lần từ imper ( bài 20 ), còn các loại y phục khác thì không có.


4. Về điều kiện thực hiện chương trình :

- Về giáo viên :

Bản thân người giáo viên, với sự giúp đỡ của các cấp quản lý giáo dục, có thể vươn lên để đảm bảo những điều kiện này. Điều cần thiết là việc bồi dưỡng, tập huấn phải được tổ chức thường xuyên và thuận lợi cho người trực tiếp giảng dạy.

- Về cơ sở vật chất, điều kiện dạy – học :

Những yêu cầu đặt ra tuy gọi là “ tối thiểu ” nhưng trong thực tế một số lớn nhà trường chưa đáp ứng được. Điều này vượt quá tầm tay của người giáo viên trực tiếp giảng dạy.

Trong điều kiện thực tế này, cộng thêm việc tiết giảm thời lượng giảng dạy dành cho bộ môn ngoại ngữ ở trường Trung học cơ sở, cho dù nội dung chương trình mới có tốt, Sách giáo khoa có hoàn thiện đến đâu, việc nâng cao chất lượng đào tạo xem ra vẫn chỉ là điều mơ ước.


Tháng 9 / 2001
THÂN TRỌNG SƠN
Trường CĐSP Dalat

Aucun commentaire: