mercredi 23 décembre 2009

THƯƠNG TÌNH CA




Dìu nhau đi trên phố vắng
Dìu nhau đi trong ánh sáng
Dắt hồn về giấc mơ vàng, nhẹ nhàng
Dìu nhau đi chung một niềm thương.
Nhịp chân êm êm thánh thót
Đừng cho trăng tan dưới gót
Chớ để mộng vỡ mơ tàn, dịu dàng
Đừng cho không gian đụng thời gian.
Đưa nhau vào cõi vô biên
Có chim uyên tình thiêng
Hát ru êm triền miên
Đưa nhau vào chốn không tên, mặc đời quên
Không bến, không thuyền, hết câu nguyền.
Dìu nhau sang bên kia thế giới
Dìu nhau nương thân ven chín suối
Dắt dìu về tới xa vời, đời đời
Dìu nhau đưa nhau vào ngàn thu.



Phạm Duy






mercredi 9 décembre 2009

CÔ GIÁO “ MẤT DẠY ”



Những ngày còn ngồi ghế học trò ở trường Đồng Khánh, tôi vẫn thường mơ một ngày nào đó mình sẽ đứng trước bảng đen, với phấn trắng và học trò. Mổi ngày, nhìn các cô giáo duyên dáng trên bục với những bài giảng hấp dẫn, nhất là các cô giáo Việt Văn, tôi tự nhủ Việt Văn sẽ là môn dạy tôi sẽ chọn. Tôi đã chọn học Ban C, cho dù tôi là một học sinh môn nào cũng khá khá như nhau.Xong Tú Tài, bâng khuâng giữa ngưỡng cửa Đại Học, có bạn chọn Y hay Nha, tôi lại tự hỏi hay là thi vào Y Khoa. Trong gia đình, tôi có ông anh kế đang học Y Khoa Huế.Tôi xin ý kiến.Anh tôi phát biểu: ” Đừng ngu! Con gái mà học Y Khoa khổ lắm.Học xong ra trường là hết cả nhan sắc” Lời khuyên coi bộ hợp ý với cô em ham diện.Tôi thi vào Sư Phạm. Tổ đãi, tôi đậu vào Ban Việt Hán.







Ngôi trường nằm trên khoảng đất nhìn ra sông Hương.Bên kia sông là chợ Đông Ba.Nhìn xa hơn nữa là Cồn Hến. Bốn năm qua về giữa hai Trường Văn Khoa và Sư Phạm, bọn con gái Sư Phạm Việt Hán tụi tôi cứ dung dăng dung dẻ cắp sách đến Trường.Mấy cô bạn bên ban Khoa học ghen tức với sự nhàn nhã của bọn con gái Việt văn. Lớp tôi có biết bao nhiêu cô gái mỹ miều.Kể ra không hết.cô nào cũng có sức cuốn hút các anh bạn đồng môn ( Chưa nói đến cả các Giáo sư cũng ngấp nghé nhìn các cô. Phải không các bạn.May phước cho các bạn .Nếu không thì đã phải gọi KQ là “Cô Chinh”) Nhưng đừng tưởng chúng tôi không cố gắng đèn sách trong 4 năm theo học.Có người bảo “ Học Việt văn nhưng dạy Toán” là dễ nhất trong đời làm nghề gõ đầu trẻ.Chúng tôi học Việt Hán.Bạn thử nghĩ tụi tôi phải học từng chấm từng nét rồi nào là học Tứ Thư Ngũ Kinh, “Đại học chi đạo tại minh minh đức” Khó ơi là khó.May mô, cuối năm thư tư đứa nào cũng tốt nghiệp.


Ra trường đến việc chọn chỗ dạy cũng là một suy tính gay go. Đi mô? Chọn chỗ nào? Nhìn vào số nhiệm sở được đưa ra cho Sinh viên ra trường.Có chỗ Đà Lạt là ngon nhất, anh Cam chọn trước mất rồi. Tôi bèn năn nỉ anh Cam nhường chỗ ấy cho tôi (Ý hẳn muốn làm cô giáo lãng mạn như tác giả Nguyễn Thị Hoàng trong Vòng Tay Học Trò rồi đó ) Nhưng anh Cam đã thẳng thắn trả lời.KQ thấy tôi không.Tôi phải đi Đà Lạt cho phai bớt màu da.Vậy là tôi hết đường năn nỉ.Còn có lý do nào chí lí hơn.Có người bạn là Kim Ngân lúc đó đang dạy ở Cam Ranh dụ dỗ tôi vào đó dạy.Những yếu tố như nhà cửa cư xá sạch sẽ, gần Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang. KN bảo sáng Thứ Bảy dạy xong, xách va-li ra Quốc Lộ I đứng chờ xe Ban Mê Thuột về, leo lên, tối đến Sài Gòn.Hay cuối tuần ra Nha Trang tắm biển.Giáng sinh nghỉ lễ lên Đà Lạt loanh quanh Hồ Than Thở. Nghe bùi tai, tôi chọn Trung Học Cam Ranh.


Từng mơ mộng có lúc nào đó mình sẽ thực hiện ước ao giang hồ vặt. Rứa mà cái ngày Ba tôi cho xe buýt đưa cả nhà xuống Phú Bài tiển con gái út đi lập nghiệp, tôi dầm dề nước mắt.Nghĩ đến phải xa Huế, xa Kim Long, xa căn nhà bên sông, tôi buồn rã rượi. Đến Cam Ranh lại sầu thảm hơn.Ui chao, nghe rằng Thị xã Cam Ranh là một cảng lớn.Có nhà máy chế biến cát Thủy Triều.Cảng Cam Ranh là địa thế hải cảng có tầm vóc quốc tế.Nhưng khi đối diện với thực tế, tôi bổ ngửa. Đi từ Nha Trang vào, tôi nhìn thấy hai bên đường cái gì cũng hiu quạnh, nóng rát.Thị xã hiu hắt.Không phố xá.Nếu nói không ngoa chỉ là một làng ven biển.Ừ thì đúng rồi.Cư xá Cam Ranh với những ngôi nhà do Đại Hàn xây. Trường được Công binh Đại Hàn đo đạc.Tôi chẳng tìm thấy được một chút nào thơ mộng.Trình diện Hiệu trưởng xong, mấy cô bạn Đồng Khánh cũ dạy ở đó dẫn đi ăn cơm tháng.Thế là cô nàng vừa ăn vừa khóc như mưa. Thôi là hết.Từ đây tôi sẽ thành cô giáo làng, xa Huế, không có lấy được một mối tình cầm tay.Nghe như chuyện viễn vông.Cái mặt tôi mà ra đi không có “Người” đưa tiễn,.Không có cảnh “lên xe tiễn em đi chưa bao giờ buồn thế”.Tôi lúc bấy giờ lại sợ chuyện tức cười chắc là nếu phải dạy ở đây hoài ắt sẽ trở thành “Gái ống chề”


Rồi cuộc đời cũng đâu vào đó.Tôi mê nghề đi dạy.Lấy chuyện đến lớp làm niềm vui xa nhà.Học trò xấp xỉ tuổi cô giáo.Các em nữ sinh thấy tôi lẻ loi vào những ngày cuối tuần, bởi lẽ các đồng nghiệp cứ Thứ Bảy là họ về Nha Trang, nên các em tới đi chợ nấu ăn với cô giáo.Học trò tỉnh lẻ rất chân tình và thật thà. Cô giáo mới tới trường đem tới một nguồn sinh lực mới, được bầu làm Trưởng ban Văn Nghệ, cô nàng bèn dạy học trò múa, dạy học trò làm kịch, với sự tiếp tay của đám dân Huế như Kim Ngân, Kim Đôn, Thanh Chi. Tui tôi may sắm y phục, trang điểm cho các em.Thế là một buổi trình diển Văn nghệ lấy tiền giúp học sinh nghèo thành đạt với kết quả khả quan Với những học hỏi từ trường Đại Học Sư Phạm cô Giáo KQ cũng đạt được kết quả đáng kể và được một Trường Tư ở Cam Ranh cho mời dạy thêm.Thôi thế là yên ổn.Tôi bằng lòng với số phận nhưng nhất quyết không làm dâu Cam Ranh.Cũng có vài đám xum xoe nhưng e rằng không duyên phận nên tôi vẫn “ khóc lẻ loi một mình”


Tôi yêu nghề đi dạy. Tôi sống lại được thời còn được cắp sách hai buổi đến trường..Chỉ khác là tôi không phải thức khuya dậy sớm học bài..Còn vui hơn nữa là được xe xua sáng một màu chiều một màu.Tôi khéo tay nên tự may áo dài cho mình..Áo dài mặc hết tháng chưa giáp lại.Trường “làng” nên các cô giáo chẳng buồn may mặc.Tôi đã đánh thức khả năng ăn diện của các bà.Rứa là các học trò được chiêm ngưỡng các Cô khoe sắc.Nói ra thì hơi trẽn, tôi đã diện như thế nào đó mà học trò so sánh với Tú Trinh, Trang Bich Liễu. Những năm ở Cam Ranh, như Kim Đôn đã nhớ, là những năm tháng vui nhất trong đời của bọn tôi.Chúng tôi có tí tiền, đi chơi không phải xin phép cha mẹ.Sáu đứa con gái vào lứa tuổi mơn mởn ở chung một nhà.Cuộc đời đúng nghĩa màu hồng.Sáng ơi ới gọi nhau dậy, dành nhau buồng tắm.Có đứa siêng năng tập thể dục y như đang luyện tập để thi Thế vận hội.Kéo nhau đi ăn sáng và rồi lục tục tới trường. Hồi tôi mới vào Cam Ranh, mấy đứa tôi đi ăn cơm tháng.Được chừng vài tháng tôi đề nghị tại sao mình không tự nấu.Ý kiến được đồng ý.Mổi đứa nấu một ngày., tùy ý bày biện, mua sắm rồi chia đều tiền bạc.Gặp bữa cô nào siêng năng, nhanh nhẹn,chúng tôi ăn uống thịnh soạn.Nhưng cũng có lúc gặp cô chậm rì vì suốt đời nhờ Mạ lo nên chúng tôi chờ tới 1 giờ trưa chưa có miếng cơm bỏ bụng.Cuối tuần rủ nhau ra Nha Trang xem chiếu bóng.Phim hay phim dở gì cũng xem tuốt cho bỏ những ngày ở Cam Ranh khộng có rạp chiếu bóng. Noel rủ nhau lên Đà Lạt bò lên bò xuống dốc đồi Viện Đại Học, ăn mì Quảng ở rạp Ngọc Hiệp, mua áo len ở chợ Hòa Bình.Cũng có đứa cuối tuần ra đứng chờ xe ở Quốc Lộ I bay về Sài Gòn thăm người yêu.Tôi xa nhà lúc 26 tuổi.Cũng không phải quá trẻ để đau khổ vì tình.


Cuộc đời dâu bể.Tôi lại bỏ cha mẹ, bạn bè ra đi theo tiếng gọi của con tim.Đây thật là chia lìa đứt ruột.Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa. Tôi đã thầm khấn vái xin cha mẹ tha lỗi cho đứa con gái nhỏ của họ.Lòng đau như cắt!Nghĩ đến chuyện biết bao giờ mới gặp lại người thân.Cảng Cam Ranh lùi dần trong bóng tối,.. Nhìn lại ngôi trường mình đã dạy.Ôi thôi rồi từ nay tôi sẽ “mất dạy”


Từ sau năm 1978, đời sống ở xứ người phải lao động cực lực. (Bây giờ tôi chợt nghĩ lại mới thấy giật mình là mình ở Mỹ còn lâu hơn ở quê nhà.)Tiền kiếm được giúp chị giúp em.Thay đổi cách sống như lật bàn tay xấp ngửa.Khí hậu khắc nghiệt quá đối với tôi Người tôi xanh xao như con tép.Những buổi đi làm về khuya, tuyết trắng đầy đường làm tôi nhớ nhà nhớ Mạ, nhớ Trương Trung học Cam Ranh và bọn học trò nhỏ.Thèm vô cùng những buổi đến trường..Phấn trắng bảng đen.Nhớ Cam Ranh nắng rát đìu hiu.Có người khuyên tôi đi học lại để làm cô giáo.Ôi lam nghề giáo ở đây không như bên nhà trước kia.Học trò không thân thiết, lạt lẽo.Thôi đành “Thày Giáo tháo giày” kiếm ăn bằng nghề khác.Các bạn tôi ơi! Các bạn được làm Thầy, làm Cô.Các bạn hơn tôi nhiều lắm.Các bạn đã có quá nhiều niềm vui tư nghề gõ đầu trẻ.Ví dầu có phép lạ, quả đất xoay tròn ngược lại, tôi chỉ xin cho tôi làm cô giáo Việt văn, vui đời gõ đầu trẻ.Ước mơ quá xa vời. Nếu có chỉ là trong mộng.



K. Q.





mercredi 7 octobre 2009

CON MÈO TRONG CĂN HỘ TRỐNG



Chết. Đừng nên làm chuyện đó với một con mèo

Nhưng mèo thì làm gì được trong một căn hộ trống ?

Leo lên các bức tường ?

Cọ vào những đồ gỗ ?


Có vẻ như không có gì đổi thay

Vậy mà không có gì như cũ

Không có gì xê dịch

Vậy mà không có gì ở nguyên một chỗ

Và tối đến, không một ánh đèn.


Có tiếng bước chân người nơi cầu thang

Nhưng chẳng phải bước chân quen

Bàn tay ai đặt con cá lên dĩa

Nhưng chẳng phải bàn tay thân.


Có cái gì đó không bắt đầu

Vào đúng giờ thường lệ

Cái gì đó không xảy ra

Như đáng lẽ phải thế.

Có ai đó đã từng ở nơi này

Và bỗng nhiên không thấy nữa

Biến mất tăm.


Nhìn săm soi các tủ

Lục lọi các ngăn kệ

Lẻn chui tìm dưới thảm

Thậm chí còn vào nơi làm việc - phạm điều cấm –

Và xáo tung hết giấy tờ.


Biết làm gì bây giờ ?

Ngủ và chờ đợi.


Chờ anh về

Nếu anh dám

Nói cho anh biết đừng làm thế với một con mèo.


Nó tiến gần đến anh

Dáng bất cần, vẻ kênh kiệu,

Làm bộ như không trông thấy anh

Nó đi thật chậm

Bước chân giận dữ

Và nhất là, không phóng nhảy lên, không kêu gừ gừ,

Chí ít là lúc ban đầu.


WISLAWA SZYMBORSKA

Nhà thơ Ba Lan

Giải Nobel Văn học 1996.


THÂN TRỌNG SƠN

Dịch theo bản tiếng Pháp

UN CHAT DANS UN APPARTEMENT VIDE ( Aaron )



jeudi 1 octobre 2009

KẺ KHỦNG BỐ, HẮN ĐANG NHÌN



Quả bom sẽ nổ trong quán rượu lúc mười ba giờ hai mươi

Bây giờ chỉ mới mười ba giờ mười sáu

Nhiều người còn đủ thời gian để bước ra,

Và những người khác, để đi vào.


Kẻ khủng bố, hắn đã đứng bên kia đường,

Khoảng cách tránh cho hắn khỏi bị thiệt hại,

Và tầm nhìn thật tuyệt, cứ như đang xem phim.


Người phụ nữ mặc áo blouson vàng, bà đi vào,

Người đàn ông đeo kính đen, ông đi ra,

Những chàng trai mặc quần gin, chúng trò chuyện,

Mười ba giờ mười bảy phút và bốn giây,

Gã bé nhất, gã có số hên, phóc lên xe máy,

Còn gã cao nhất, gã đi vào.


Muời ba giờ mười bảy phút bốn mươi giây,

Cô gái, cô vừa đến, tóc buộc dải băng xanh,

Có chiếc xe buýt chạy ngang, không nhìn thấy cô nữa,

Mười ba giờ mười tám phút,

Không còn cô gái nữa,

Cô đã bước vào, cô bé ngốc đó, hay là không,

Rồi sẽ biết khi người ta đưa các thi thể ra.


Mười ba giờ mười chín phút,

Không người nào bước vào nữa,

Chỉ có một lão mập đầu hói bước ra,

Nhưng có vẽ lão đang lục tìm gì trong túi.

Và lúc mười ba giờ hai mươi kém mười giây,

Lão trở vào kiếm đôi găng chết tiệt.


Bây giờ là đúng mười ba giờ hai mươi,

Thời gian sao cứ kéo rề rà thế,

Hẳn phải là lúc này đây,

Không, chưa phải lúc này.

Vâng, lúc này đây,

Quả bom, nó đang nổ.



WISLAWA SZYMBORSKA

Nhà thơ Ba Lan

Giải Nobel Văn học 1996.



THÂN TRỌNG SƠN

Dịch theo bản tiếng Pháp

LE TERRORISTE, IL REGARDE ( Aaron )



vendredi 25 septembre 2009

TÌNH YÊU TỪ CÁI NHÌN ĐẦU TIÊN


Cả hai người đều tin

Một cảm xúc bất chợt gắn kết họ với nhau

Niềm tin mới đẹp làm sao

Nhưng sự hoài nghi còn tuyệt vời hơn nữa.


Họ vẫn nghĩ bởi trước đó chưa hề quen

Nên giữa hai người chẳng có chuyện gì cả.

Vậy thì nói sao đây, những con đường, cầu thang, hành lang đó

Nơi mà từ lâu lắm có thể họ đã từng lướt qua nhau ?


Tôi muốn hỏi họ xem

Liệu họ có còn nhớ

Có thể trong một khung cửa quay

Ngày nào họ đã đứng đối diện

Hay nói lời xin lỗi trong đám đông

Hay qua điện thoại báo nhầm số.

Nhưng tôi biết trước câu trả lời của họ

Không họ chẳng nhớ mảy may.


Họ sẽ ngạc nhiên biết chừng nào

Khi biết rằng

Sự ngẫu nhiên đùa giỡn họ đã từ lâu.

Mà vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng

Trở thành số phận

Kéo họ xích lại gần rồi lại đẩy ra xa

Đứng ngáng đường chặn lối

Kìm nén một tiếng cười

Nhảy tránh sang một bên.


Đã từng có những tín hiệu

Chưa nhận ra ngay, chẳng hề chi,

Có thể đã ba năm rồi

Hay chỉ là thứ ba tuần trước

Một chiếc lá khẽ lướt

Từ vai rồi lại đậu sang vai.

Một vật đánh rơi rồi nhặt được

Nào ai biết, có thể là một trái bóng

Trong bụi rậm của tuổi ấu thơ ?


Đã từng có những tay nắm cửa, những chuông con,

Vết tay ai đặt vào

Chồng lên vết tay người nào trước

Những chiếc va li nằm cạnh nhau

trong kho hành lý

Có thể cùng một giấc mơ trong đêm

Khi thức giấc thì đã vội quên.


Nhưng mọi sự khởi đầu

Chỉ là một tiếp nối

Cuốn sách của duyên phận

Luôn mở ở giữa chừng.



WISLAWA SZYMBORSKA

Nhà thơ Ba Lan

Giải Nobel Văn học 1996.



THÂN TRỌNG SƠN

Dịch theo bản tiếng Anh

LOVE AT FIRST SIGHT ( Walter Whipple )



mercredi 9 septembre 2009

BÀI PHÁT BIỂU CỦA ÔNG TRƯỞNG TỘC HỌ THÂN AN LỖ TẠI HIỆP TẾ 2009


Từ đường họ Thân - An Lỗ



Kính thưa quí vị khách quí và bà con Họ Thân,


Từ bao đời nay, cứ 6 năm một lần Họ Thân Thừa Thiên Huế tổ chức Đại Hiệp tế dòng họ tại Từ đường toạ lạc tại thôn An Lỗ, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền. vào ngày mồng 10 tháng 7 âm lịch. Đây là ngày huý nhật của ngài Thân Đại Lang, thuỷ tổ Họ Thân chúng tôi.

Sử sách, gia phả không có ghi gì về Ngài, tên tuổi, sinh nhật không ai biết! Con cháu hậu duệ chỉ biết về Ngài dưới cai tên chung là Thân Đại Lang.

Ngài xuất thân từ dòng Họ Thân ở miền Bắc, tỉnh Bắc Giang ngày nay. Dưới thời Nhà Trần, vào thế kỷ 14, Ngài được điều cử đi mở mang bờ cõi xuống Phương Nam, từ Nam sông Gianh đến Bắc Hải Vân. Sau khi đã bình định được vùng đất mới, Ngài chọn vùng phía Bắc Bồ Giang để định cư xây làng lập ấp. Cùng với hai vị ngài Đỗ Đại lang và Nguyễn Đại lang, ngài Thân Đại lang đã tạo dựng nên làng An Lỗ ngày nay.
Từ đó trở đi, con cháu hậu duệ của Ngài ngày càng phát triển đông đúc.Tại An Lỗ hình thành 07 phái không phân ngôi thứ: Thân Hữu, Thân Khoa, Thân Khởi, Thân Mạnh, Thân Ngọc, Thân Nguyên, Thân Văn.

Đến đời thứ 9, một con cháu của ngài là Thân Văn Thanh đã chuyển sang lập nghiệp tại làng Cư Chánh rồi sau đó tại làng Nguyệt Biều, lập thêm 4 phòng: Thân Bá, Thân Trọng, Thân Thúc và Thân Quí. Tiếp theo ra đời phái Thân Văn ở Dương Xuân và Thân Đình ở Thanh Tiên. Ngày nay, hậu duệ của Ngài có mặt ở khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam và vươn ra định cư ở hải ngoại, tại Pháp, Hoa Kỳ, Úc,v.v..

Dù sinh sống ở đâu, dưới thời đại nào, người mang Họ Thân có cội nguồn từ An Lỗ đều suy tôn Ngài Thân Đại Lang là Thuỷ Tổ của dòng họ. Triều đình nhà Nguyễn, dưới triều Vua Khải Định cũng đã phong sắc Ngài là một vị khai canh của làng An Lỗ, nay thuộc xã Phong Hiền.

Để tri ân công đức to lớn của Ngài đối với dòng họ, Từ đường Họ Thân và Lăng mộ của Ngài được con cháu hậu duệ xây dựng và trùng tu ngày càng khang trang đẹp đẽ.. Hai công trình này tạo nên một cụm di tích văn hoá tâm linh kết hợp hài hoà giữa phong thuỷ đất trời, hồn thiêng ông bà tổ tiên, truyền thống gia tộc cùng với cảnh quan thiên nhiên hiền hoà của làng An Lỗ, nằm trên bờ Bắc Sông Bồ, cách Cố đô Huế 20 km theo đường chim bay..Hai cây rùng với bạnh vè vững chắc nằm ngay trước mộ tổ đang sung sức vút cao lên không trung đã chứng tỏ hiện tượng này là có thật. Anh linh các Ngài có nơi tập trung về mộ tổ để luôn gần gũi và phù hộ con cháu chúng ta đó.

Sáu năm một lần, vào ngày mồng 10 tháng 07 âm lịch. một đại hiệp tế được tổ chức rất trọng thể trong 3 ngày. Hiệp tế là một dịp để con cháu của Ngài từ khắp nơi trở về quê hương, trước để dâng hương tuởng niệm tổ tiên, cầu siêu cho người thân quá cố, sau để cầu nguyện cho dòng họ luôn được bình an, hưng phát, cho quê hương, đất nước được thanh bình, an lạc. Cuộc hành hương về cội nguồn gia tộc còn là cơ hội để bà con họ Thân, không phân biệt nội ngoại, bạn bè thân hữu gần xa gặp nhau thăm hỏi, hàn huyên trong không khí lễ hội Hiệp tế.

Trong năm 2009 này, để chuẩn bị cho Hiệp tế, Họ Thân chúng tôi đã xây dựng mới lăng mộ trên 500 năm của ngài Thuỷ tổ Thân Đại Lang tại An Lỗ, trùng tu lăng mộ 300 năm ngài Thái sơ tổ Thân Văn Thanh ở Đồi Vọng Cảnh thuộc làng Cư Chánh. Tại Từ đường Họ Thân, chúng tôi có tổ chức Phòng truyền thống của dòng họ. Ở đây có khắc ghi câu tuyên ngôn bất hủ “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” của Tiến sĩ Thân Nhân Trung soạn khắc trên văn bia Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội .

Cũng nhân dịp Hiệp tế, Hội đồng Họ Thân toàn quốc mà chủ tịch là ông Thân Văn Mưu, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức họp thường niên sáng nay..

Kính thưa quí vị quan khách và bà con Họ Thân,

Họ Thân chúng ta là một họ lớn nằm trong trăm họ của nước Đại Việt ngày xưa và nước Việt nam ngày nay sẽ tròn 1000 năm tuổi vào năm 2010 tức là sang năm..Hội đồng Họ Thân Việt Nam, phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 1000 năm Họ Thân tại thủ đô Hà Nội. Tại Cố đô Huế cũng sẽ tổ chức kỷ niệm kết hợp với Hội thảo khoa học về ngài Thân Trọng Huề, vị thượng thư Bộ Học kiêm Bộ Binh dưới Triều Nguyễn, người đã ra tuyên bố bảo vệ Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trước khi dừng lời, cho phép tôi thay mặt Ban tổ chức được gửi đến quí vị và bà con lời cám ơn chân thành, đã không quản ngại đường sá xa xôi, thời tiết khắc nghiệt về dự Hiệp tế Họ Thân năm nay. Kính chúc quí vị và bà con có nhiều sức khoẻ, may mắn, an khang ,thịnh vượng.

Xin trân trọng cám ơn!.

VĂN BIA NGÀI THÂN ĐẠI LANG



Lăng Mộ Ngài THÂN ĐẠI LANG tại An Lỗ




VĂN BIA NGÀI THÂN ĐẠI LANG - THỦY TỔ HỌ THÂN THỪA THIÊN - HUẾ

MẶT 1 CỦA VĂN BIA: THÂN TỘC


Từng nghe: Cây có cội, nước có nguồn. Đó là lời giáo huấn tự bao đời của cổ nhân, nay trở thành luân thường đạo lý vậy.

Thân tộc vốn dòng họ Giáp, phát tích từ miền thượng Bắc Giang, đời đời làm động chủ Động Giáp, Châu Lạng. Từ Hoa Lư núi non hiểm trở, đến Thăng Long phát thếrồng bay, nước Đại Việt không ngừng mở mang bờ cõi... Từ vị thế vùng trời một cõi, Động Giáp thành giải phên dậu cực Bắc của Lý triều. Sử sách lưu danh sự kiện ngài Giáp Thừa Quí trở thành Phò mã từ đầu đời Lý (1010-1225), ân điển ngự ban họ Thân thành Thân Thừa Quí, được tôn xưng Thân tộc Thuỷ tổ. Từ đây, Ngài mở trang sử mới của dòng họ trong quốc sử Việt Nam, rồi lần lượt con cháu Ngài là Thân Thiệu Thái, Thân Cảnh Phúc đều trở thành Phò mã.

Cuộc kháng chiến chống Tống thành công (1075-1077), ghi dấu công lao rỡ ràng của vị Tướng lĩnh - Phò mã tài ba Thiên thần Động Giáp Thân Cảnh Phúc. Lễ hội Đền Hả muôn thuở còn ghi, từ Lục Ngạn toả khắp non sông.

Họ Thân có hậu nhân dưới một người trên muôn người trong Nhị thập bát tú: Tao Đàn phó soái, Tiến sĩ, Đông các Đại học sĩ, Thượng thư bộ Lại, Tế Tửu Quốc Tử Giám Thân Nhân Trung thời Hồng Đức, sống mãi với tuyên ngôn bất hủ: Hiền tài là nguyên khí quốc gia, soạn khắc trên Văn bia tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442) tại Văn Miếu. Thuở ban sơ ba đời Phò mã, đến thời Lê ba đời Tiến sĩ, được ngự ban Thập Trịnh đệ huynh liên quí hiển, Nhị Thân phụ tử mộc ân vinh.

Dấu ấn đền Tả Phủ vùng Lạng Sơn thờ danh nhân, nhà ngoại giao - kinh tế lỗi lạc Hán Quận công Thân Công Tài (1620-1683), người điểm tô trang sử bang giao hữu hảo Việt Nam - Trung Quốc, lập nên phố chợ Kỳ Lừa, được nhân dân vùng biên tôn xưng Lưỡng quốc khách nhân...

Gia phả được quốc sử lưu danh, Thân tộc gắn liền với vận mệnh nước nhà từ Lý triều suốt hành trình thiên niên kỷ. Thân tộc nhất gia từ cội nguồn Động Giáp, vươn đến chốn kinh kỳ Thăng Long, hoà mình vào cuộc mở cõi về Nam, đến vùng Gia Định, rồi vươn xa năm châu bốn biển.

Cây Thân tộc vững chãi cùng dân tộc, cành lá sum suê, hoa trái đầy cành. Công lao trời biển của tiền nhân, bút mực nào kể xiết! Vài dòng điểm xuyết, lưu danh hậu thế. Nhớ về vùng Đất Tổ, nhớ về Dòng Họ, cho xứng đáng với tiền nhân. Tự hào thay!


Hậu thế cẩn đề
Trọng Hạ, Kỷ Sửu (2009)

HỌ THÂN

Họ Thân là một dòng họ lâu đời ở nước ta, bắt nguồn từ đất Bắc Giang từ thế kỷ thứ XI. Đến nay, họ Thân đã có gần 1000 năm lịch sử

Năm 1010, ở biên giới đông bắc nước Đại Việt có vùng đất tên là Lạng Châu (phía bắc tỉnh Bắc Giang và phía nam Ải Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn). Ở đó có Động Giáp mà chúa Động là Giáp Thừa Quý cai quản một bộ lạc dân tộc lớn. Giáp Thừa Quý được vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) gả con gái, trở thành phò mã của triều đình. Từ đây, ông đổi tên họ Giáp 甲 thành họ Thân 申 và lấy tên là Thân Thừa Quý.

Con trai của Thân Thừa Quý là Thân Thiệu Thái nối nghiệp cha tiếp tục cai quản Lạng Châu. Năm 1029, ông được vua Lý Thái Tông gả con gái là công chúa Bình Dương, trở thành phò mã đời 2 của nhà Lý.

Năm 1066, con của Thân Thiệu Thái là Thân Cảnh Phúc cũng được vua Lý Thánh Tông gả con gái là công chúa Thiện Thành. Đây là vị phò mã thứ 3 của tộc Thân đưới triều đại nhà Lý.

Mối quan hệ hôn nhân giữa các vị Thân tộc nói trên với các công chúa nhà Lý đã góp phần quan trọng giúp đất nước ta, từ Ải Nam Quan đến thung lũng sông Lục Nam, củng cố biên giới chiến thắng quân Tống xâm lược và giữ yên bờ cõi.

Trong quá trình mở mang về phương Nam, vào năm 1306 triều đình nhà Trần đã cử một vị quan họ Thân (thường gọi là ngài Thân Đại Lang) vào cai quản vùng đất từ nam sông Gianh đến Hải Vân , tạo nên một cộng đồng họ Thân đầu tiên ngoài cội nguồn tại An Lỗ (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay).


Đến đời Hồng Đức thứ nhất (1470), vua Lê Thánh Tông đã thân chinh vào bình định vùng Chiêm Động, Cổ Lũy và Đồ Bàn, cử ngài triệu cơ Thân Phước Cẩm ở lại cai quản, đặt tên vùng là "Quảng Nam đạo", kéo dài từ Hải Vân đến thành Đồ Bàn (Bình Định ngày nay). Còn vùng đất Bình Định thì được giao cho ngài Thân Văn Ngôn phụ trách. Cộng đồng Thân tộc thứ hai tại Quảng Nam và Bình Định bắt nguồn từ thời điểm đó.

Sự phát triển của đất nước Việt Nam qua hàng mấy thế kỷ đã tạo nên sự phát triển của Thân tộc. Đến nay đã có trên 30 tỉnh thành ở cả ba miền Bắc, Trung và Nam có cộng đồng họ Thân sinh sống. Nhiều nơi có các nhà thờ họ lưu giữ nhiều sắc phong của triều đình qua các thời kỳ lịch sử. Hằng năm hoặc nhiều năm có tổ chức lễ tế họ rất lớn tại địa phương.





Sau năm 1975, hình thành nên một số cộng đồng Thân tộc ở hải ngoại: Pháp, Hoa Kỳ, Úc...

Mặc dù sống rải rác nhiều nơi nhưng bà con Thân tộc đều coi cội nguồn của mình là ở Bắc Giang và bà con Thân tộc là một nhà: "Thân tộc nhất gia"

Trong Thân tộc trải qua gần nghìn năm, nhiều nhân vật nổi tiếng được nêu tên trong lịch sử: ngài Thân Cảnh Phúc được xem là ông tổ của chiến tranh du kích, ngài Thân Công Tài là nhà kinh tế, đi đầu của ngành ngoại thương, ngài Thân Nhân Trung, một nhà trí thức dân tộc có câu viết nổi tiếng "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" được ghi trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội. Nhiều thế hệ gia đình khoa bảng, nhiều đời tiến sĩ đã được lưu truyền trong sử sách. Dưới triều Nguyễn, ngài Thân Văn Di được vua Minh Mạng gả con gái là công chúa Lại Đức (nữ sĩ Mai Am) trở thành phò mã. Ông là một trung thần nghĩa sĩ đã bỏ mình trong cuộc hộ tống vua Hàm Nghi bôn tẩu năm 1885. Thượng thư Thân Trọng Huề là một nhà trí thức du học nước ngoài đã từng xây dựng kế hoạch cải cách giáo dục vào đầu thế kỷ XX. Tên ông gắn liền với quần đảo Hoàng Sa thời ông là thượng thư Bộ Binh. Nhiều hải đội được ông phái ra xây dựng và trấn giữ đảo. Những thế hệ hậu duệ của họ Thân trong các thời kỳ lịch sử tiếp theo cũng đã có nhiều đóng góp cho đất nước và dân tộc rất đáng trân trọng.

Ngày nay, nhiều di tích lịch sử và văn hóa liên quan đến họ Thân đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia: đền Hả ở Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang nơi thờ ngài Thân Cảnh Phúc, đền Tả Phủ ở thành phố Làng Sơn nơi thờ ngài Thân Công Tài. Nhiều lễ hội của Thân tộc đã trở thành lễ hội dân gian.

Một "hội đồng Thân tộc" cấp quốc gia được thành lập và đã đề ra một tộc ước, đồng thời xây dựng một kế hoạch hoạt động lâu dài: biên soạn "tộc phả" vào năm 2005, tổ chức lễ hội "nghìn năm Thân tộc" năm 2010.

Để góp phần chuẩn bị tốt hai sự kiện nói trên, dự kiến một hội thảo về "Thân tộc trong lịch sử Việt Nam" lần thứ nhất sẽ được tổ chức vào tháng 11 năm 2004 tại thành phố Huế (xem thông báo cụ thể in ở mục TTLSVH Huế trong số tạp chí này). Đây sẽ là một hội thảo lớn trong đó có nhiều nhà khoa học xã hội và nhiều nhà nghiên cứu lịch sử tham gia, góp phần khẳng định vị trí của một dòng họ trong tiến trình xây dựng đất nước.


Thân Trọng Ninh

( Huế Xưa & Nay-Số 64 )

PHÓ BẢNG THÂN TRỌNG NGẬT




PHÓ BẢNG THÂN TRỌNG NGẬT

( 1877 – 1946 )

Phan Thuận An*



Là con của Tri phủ Thân Trọng Trữ, Thân Trọng Ngật (1877 - 1946) đỗ Cử nhân năm 1903 dưới thời Thành Thái tại trường thi Thừa Thiên, rồi năm sau (1904), thi đỗ Phó bảng trong khoa thi Hội, lúc 28 tuổi.

Ông làm quan suốt 28 năm, từ 1905 đến 1933 thì về hưu. Hoạn lộ của ông đại khái như sau:


- Năm 1905, được bổ dụng làm Thừa phái ở Bộ Công.

- Từ năm 1909 đến năm 1919, làm Tri huyện rồi Tri phủ ở Thanh Hóa, Khánh Hòa và Quảng Bình.

- Năm 1919 - 1924, về Huế giữ chức Chưởng ấn Ngự sử ở Viện Đô Sát.

- Từ năm 1924 - 1928, ra làm Án Sát ở Quảng Trị, rồi Thanh Hóa.

- Từ năm 1828 đến năm 1832, vào giữ chức Bố chánh Quảng Nam, ra làm Bố chánh Hà Tĩnh, rồi trở lại Bố chánh Quảng Nam.

- Năm 1932, về Huế giữ chức Thự Tham tri ở Bộ Hình, qua năm sau thì về hưu với hàm Tham tri thực thụ.

Về tư liệu liên quan đến phó bảng Thân Trọng Ngật , tôi xin cung cáp một tư liệu chữ Hán và một tư liệu chữ Pháp, trong đó có in tấm ảnh chụp chân dung bán thân của ông.


2. 1. Đoạn văn chữ Hán viết về Phó bảng Thân Trọng Ngật trong “Quốc triều khoa bảng lục” [1]:


“Thân Trọng Ngật: Thừa Thiên, Phong Điền, An Lỗ. Cử nhân Nhiếp chi tôn, Cảnh chi đệ, Thoan chi điệt, Bính chi thúc. Đinh Sửu, nhị thập bát. Quý Mão Cử nhân. Hiện Hoằng Hóa Tri huyện”.


(Thân Trọng Ngật: người làng An Lỗ, huyện Phong Điền, phủ Thừa Thiên. Là cháu nội của Cử nhân Nhiếp, em của Cử nhân Cảnh, cháu của Cử nhân Thoan, chú của Cử nhân Bính. Sinh năm Đinh sửu 1877, đỗ năm 28 tuổi. Nguyên đỗ Cử nhân năm Quí Mão 1903. Hiện làm Tri huyện Hoằng Hóa [2]).


2. 2. Đoạn văn chữ Pháp viết về Thân Trọng Ngật trong quyển “Souverains et Notabilités d’Indochine” do phủ Toàn quyền Đông Dương xuất bản vào năm 1943 tại Hà Nội. Rất đáng tiếc là trong đoạn tiểu sử này, chữ Thân đã bị in nhầm thành chữ Trần và có một số lỗi ‘morasse” khác. Tôi xin mạo muội hiệu chính như sau:


“M.Thân Trọng Ngật, né en 1877 à An Lỗ (Thừa Thiên, An Nam).

Fils de feu M. Thân Trọng Trữ, ancien Tri phủ.

Reçu Cử nhân en 1903, Phó bảng en 1904.

Nommé Thừa phái au Ministère des Travaux Publics en 1905.

Tri huyện de Hoằng Hóa en 1909.

Tri phủ de Ninh Hòa en 1915.

Tri phủ de Vĩnh Linh en 1917.

Ngự sử au Conseil de Censure en 1919.

Án sát de Quảng Trị en 1924.

Án sát de Thanh Hóa en 1926.

Bố chánh de Quảng Nam 1928.

Bố chánh de Hà Tĩnh en 1929 puis Bố chánh de Quảng Nam en 1930.

Tham tri au Ministère de Justice en 1932.

Admis à la retraite avec le grade de Tham tri titulaire en 1933.

promu Ministre honoraire en retraite (1934).

Officier du Dragon d’Annam (1932).

Grand Officier du Mérite Agricole (1937)” [3].


(Ông Thân Trọng Ngật sinh năm 1877 tại làng An Lỗ, phủ Thừa Thiên, Trung Ky).

Con trai thừa tự của cựu Tri phủ Thân Trọng Trữ.

Thi đỗ Cử nhân năm 1903, Phó bảng năm 1904.

Được bổ dụng làm Thừa phái ở Bộ Công năm 1905.

Tri huyện huyện Hoằng Hóa năm 1909.

Tri phủ phủ Ninh Hòa năm 1915.

Tri phủ phủ Vĩnh Linh năm 1917.

Ngự sử ở Viện Đô Sát năm 1919.

Án sát tỉnh Quảng Trị năm 1924.

Án sát tỉnh Thanh hóa năm 1926.

Bố chánh tỉnh Quảng Nam năm 1928.

Bố chánh tỉnh Hà Tĩnh năm 1929 rồi Bố chánh tỉnh Quảng Nam năm 1930.

Tham tri ở Bộ hình năm 1932.

Được về hưu với hàm Tham tri thực thụ năm 1933.

Được tặng quan hàm danh dự Thượng thư Trí sự (1934).

Nhận huân chương Long bội tinh (1932).

Huân chương Đại hạng Nông nghiệp Bội tinh (1937).


Nhìn chung, trên đây chỉ là một ít tư liệu về hai nhà khoa bảng đỗ đạt cao nhất của Thân tộc dưới triều Nguyễn và một số nét về hoạn lộ của họ. Ngoài ra, sử sách cho biết họ Thân còn có 9 vị khác thi đỗ Cử nhân và ra làm quan từ thời Gia Long đến thời Bảo Đại. Cho nên, trong những sách viết về khoa cử triều Nguyễn, các tác giả cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần những cụm từ “Nhiều đời thi đậu”, “Anh em cùng thi đậu”, “Cha con anh em cùng thi đậu”, khi viết về sự đỗ đạt của những ông nghè, ông cống họ Thân. Đó là chưa kể đến nhiều thành viên khác nữa thuộc Thân tộc đã từng ở chốn quan trường dưới triều đại ấy. Điều này chứng tỏ câu truyền ngôn “Nhất Thân nhì Hà...” có lý của nó.


Huế,tháng 9/2004


[1] Cao Xuân Dục, Quốc triều khoa bảng lục, quyển 4, tờ 9b, bản viết tay, nguyên được lưu trữ tại Trường Viễn Đông Bác Cổ, Hà Nội.

[2] Tham khảo thêm: Quốc triều Đăng khoa lục, bản dịch của Lê Mạnh Liêu, Sđd, tr244.

Huyện Hoằng Hóa thuộc tỉnh Thanh Hóa. Phó bảng Thân Trọng Ngật làm Tri huyện Hoằng Hóa từ năm 1809 - 1815.

[3] Souverains et Notabilités d’ Indochine, Editions du Gouvernement Général de l’Indochine, Nhà in Viễn Đông Bác Cổ (I.D.E.O), Hà Nội, 1943, tr58.



GHI CHÚ 1 :
Bài này của tác giả PHAN THUẬN AN. Trong đoạn trích tư liệu tiếng Pháp, tác giả đã dịch : " Fils du feu M. Thân Trọng Trữ, ancien tri Phủ " là " Con trai thừa tự của Cựu Tri phủ Thân Trọng Trữ". Thật ra, "feu" có nghĩa là "quá cố". Vậy xin hiểu là : Con trai của Cựu Tri phủ Thân Trọng Trữ - đã quá cố.
( THÂN TRỌNG SƠN).


GHI CHÚ 2 :
Thông tin thêm :

Các kỳ thi ở triều Nguyễn :

Thi Hương


Thi Hương là khoa thi được tổ chức cho sĩ tử ở một khu vực trong nước, có thể là một trấn hoặc tỉnh trực thuộc trung ương, có thể là một số trấn, tỉnh gần nhau.

Trong đời Lê mỗi khoa thi Hương có 4 kỳ ( xưa gọi là 4 trường) kéo dài khoảng 1 tháng, nội dung thi cơ bản như sau:

-Kì 1 : bài thi gồm 5 đề về tứ thư, ngũ kinh
-Kì 2: bài thi hỏi về chiếu, chế, biểu. Mỗi loại một bài viết theo lối cổ thể. Ngày xưa gọi là thể văn tứ lục,hay là văn biền ngẫu.Văn xuôi có hai vế, vế 6 tiếng, vế 4 tiếng đối nhau.
-Kì 3: làm một bài thơ và một bài phú. Thơ làm thể Đường luật, thất ngôn bát cú; phú cũng làm theo cổ thể( còn gọi là Tao uyển) qui định từ 300 tiếng trở lên.
-Kì 4: làm một bài văn gọi là văn sách, đề tài rút ra từ các kinh sử, tử, tập hỏi về thế vụ (ý thức về việc giúp nước, cứu đời) đòi hỏi phải viết được 1000 tiếng trở lên.

Trong đời Nguyễn lúc đầu nội dung thi cũng giống đời Lê. Năm 1834 vua Minh Mạng đã cải tiến cho thi 3 kỳ cho đỡ nặng nề, bỏ không thi chế, chiếu, biểu. Năm 1850 thấy nội dung 3 kỳ thi quá sơ sài, vua Tự Đức lại cho thi 4 kỳ, nội dung như sau: Kỳ I thi kinh nghĩa, thư nghĩa; Kỳ II thi văn sách; Kỳ III thi chiếu, chế, biểu; Kỳ IV thi thơ phú. Nhà vua thi sĩ coi trọng thơ phú đã để thi cuối cùng chăng?

Thi xong kỳ nào chấm bài kỳ ấy, ai đỗ vào thi tiếp kỳ sau, ai trượt thì có thể về.

Thi đỗ kỳ III, vào kỳ IV không đỗ thì được nhận học vị Sinh đồ, đỗ cả 4 kỳ được nhận học vị Hương cống . Đỗ Hương cống sẽ được dự kỳ thi Hội, sinh đồ thì không. .

Hương cống và sinh đồ là tên gọi do vua Lê Thánh Tông đặt năm 1466. Đến năm 1829 vua Minh Mạng mới đổi gọi Hương cống, sinh đồ là cử nhân, tú tài. Người nào đỗ tú tài hai khoa thì gọi là tú kép, ba khoa thì gọi là tú mền gọi tắt là ông mền, bốn khoa thì gọi là tú đụp gọi tắt là ông đụp.

Số hương cống hoặc cử nhân mỗi trường thi được lấy đỗ từng khoa do triều đình quy định căn cứ vào phong trào học tập chung của khu vực, của số sĩ tử dự thi. Trong đời Lê, cứ lấy đỗ một hương cống được lấy đỗ 9 hoặc 10 sinh đồ. Trong đời Nguyễn, cứ lấy đỗ một cử nhân được lấy đỗ 2 tú tài (sau cho thêm 1 là 3).

Thi Hội

Thi hội là kì thi quốc gia dành cho những người đã kinh qua thi hương và đã có bằng cử nhân và các giám sinh đã mãn khóa ở Quốc tử giám. Sau khi thí sinh đỗ kỳ thi Hương thì năm sau mới được dự thi kỳ thi Hội. Khoa thi này được gọi là "Hội thi cử nhân" hoặc "Hội thi cống sĩ" (các cử nhân, cống sĩ, tức là người đã đỗ thi Hương ở các địa phương, tụ hội lại ở kinh đô để thi) do đó gọi là thi Hội.

Theo quy định từ năm 1434, thi Hội tương tự như thi Hương cũng có 4 kỳ.
• Kỳ I: kinh nghĩa, thư nghĩa;
• Kỳ II: chiếu, chế, biểu;
• Kỳ III: thơ phú;
• Kỳ IV: văn sách.
Trước năm 1442 thí sinh đỗ cả 4 kỳ được công nhận là trúng cách thi Hội, nhưng không có học vị gì. Nếu không tiếp tục thi Đình thì vẫn chỉ có học vị hương cống hoặc cử nhân. Chỉ sau khi thi Đình, người trúng cách thi Hội mới được xếp loại đỗ và mới được công nhận là có học vị các loại tiến sĩ.

Từ năm 1442 thí sinh đỗ thi Hội mới có học vị Tiến sĩ (tức Thái học sinh - tên dân gian là ông Nghè). Người đỗ đầu gọi là Hội Nguyên.

Thái học sinh xuất hiện từ khoa thi Nhâm Thìn (1232) đời Trần Thái Tông cho đến khoa thi Canh Thìn(1400) đời Hồ Quý Li.

Tiến sĩ bắt đầu có từ khoa thi Nhâm Tuất(1442) dời Lê Thái Tông cho tới khoa thi kết thúc lịch sử khoa cử Nho giáo ở nước ta vào năm Kỉ Mùi( 1919) đời Khải Định.

Tiến sĩ chia làm 6 bậc:

1.Trạng nguyên ( đỗ đầu )
2.Bảng nhãn.
ỗ hạng hai )
3. Thám Hoa
. (đỗ hạng ba )

=>Thuộc đệ nhất giáp người đời mệnh danh là tam khôi, có thời gọi là tiến sĩ cập đệ.

4.Hoàng giáp thuộc đệ nhị giáp (chính bảng), cũng có thời gọi là tiến sĩ xuất thân.
5. Tiến sĩ thuộc đệ tam giáp, gọi là đồng tiến sĩ xuất thân.
6. Phó bảng là sản phẩm khoa cử thời Nguyễn bắt đầu xuất hiện từ khoa thi Kỉ Sửu (1829) đời Minh Mạng.

Học vị này có từ năm 1829 khi vua Minh Mạng chủ trương lấy thêm học vị phó bảng "để bổ dụng trước cho được phân biệt với cử nhân, giám sinh không cập cách" (trích Đại Nam thực lục). Từ năm này các thí sinh đỗ thi Hội được chia làm hai bảng theo số điểm bài thi: chánh bảng và phó bảng. Chánh bảng là đỗ chính thức, phó bảng là bảng phụ, lấy đỗ thêm.

Chính bảng và phó bảng cách biệt khá xa. Ngày ra bảng thi Hội, bảng danh sách các chánh bảng được đặt lên án đỏ, có khăn đoạn vàng trùm kín, che lọng đỏ. Án khiêng đi trước, các quan giám thí tuần sát đem quân lính đi sau hộ vệ, rồi đến quan chủ khảo, quan Tri cống cử ngồi võng đi theo, đến Ngọ môn thì dừng lại đem danh sách vào trình vua theo nghi thức, sau đó lại đem ra rồi cả đoàn lại cứ thế đi đến Phu văn lâu đem bảng treo lên 3 ngày. Bảng danh sách Phó bảng chỉ được đem treo lên một ngày, hôm sau cất đi, không có nghi lễ gì.

Phó bảng không được dự thi Đình để xếp loại tiến sĩ. Từ năm 1851 vua Tự Đức có cho thêm một số Phó bảng có điểm số thi Hội gần với điểm chuẩn đỗ chánh bảng được tham dự thi Đình để có thêm cơ hội phấn đấu. Nếu đạt điểm chuẩn đỗ tiến sĩ thì được công nhận là tiến sĩ, nếu không đạt vẫn được công nhận là Phó bảng.

Giữa tiến sĩ và phó bảng được qui định về tỉ lệ và ngạch đỗ.Ví dụ: ở khoa thi 1843 đời Thiệu Trị có 25 người đỗ, thì chỉ cho 10 người đỗ tiến sĩ, còn 15 phó bảng. Nếu tính 30 khoa thi ở Huế ( 1822-1892 ) lấy đỗ 560 người thì có 229 tiến sĩ, số còn lại là phó bảng.


Thi Đình


Thi Đình là một khóa thi cử về nho học cao cấp nhất do triều đình phong kiến tổ chức để tuyển chọn người có tài, học rộng. Người thi đỗ được cấp bằng và có thể nhờ đó mà được vào làm quan chức trong triều chính. Sau khi thí sinh đỗ kỳ thi Hội thì mới được dự thi kỳ thi Đình. Đỗ đầu thi Đình gọi là đình nguyên hay điện nguyên. Gọi là thi Đình vì thi trong điện của vua. Vua ra đề và chấm khảo thi.

Từ 1829, thang điểm thi Đình là:

  • Đạt 10 điểm, đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ nhất danh (Đình nguyên, đỗ đầu thi Đình, tương đương với Trạng nguyên trước kia, vì nhà Nguyễn chủ trương không lấy Trạng nguyên).
  • Đạt 9 điểm, đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ nhị danh (Bảng nhãn).
  • Đạt 8 điểm, đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ tam danh (Thám hoa).
  • Đạt 7 và 6 điểm, đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp).
  • Đạt 5 điểm trở xuống đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (đồng tiến sĩ).
  • Đạt 5 điểm trở xuống đỗ phó bảng.

Năm 1851 khi cho một số phó bảng dự thi Đình, vua Tự Đức giữ nguyên tiêu chuẩn đỗ tiến sĩ cập đệ và tiến sĩ xuất thân, sửa lại tiêu chuẩn đỗ đồng tiến sĩ xuất thân như sau:

  • Đạt 4 điểm đến 5 điểm đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (đồng tiến sĩ).
  • Đạt 3 điểm trở xuống đỗ phó bảng.

Việc phân chia loại đỗ tiến sĩ và phó bảng như trên chẳng khác mấy với việc phân chia các loại đỗ thành giỏi, khá, trung bình và thường hiện nay.

( Nguồn : wikipedia tiếng Việt ).

Trăm năm các nhà yêu nước Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng đỗ đại khoa

Đưa Công chúa Mai Am về nơi an nghỉ cuối cùng xong, một người cháu của ông Thân Văn Di (chồng bà Mai Am) là Thân Trọng Ngật chuẩn bị lều chõng đi dự khoa thi Hội năm Giáp Thìn (1904) - Thành Thái thứ 16.

Khoa này có ông Đặng Văn Thụy, 47 tuổi, người Nghệ An đậu Hòang Giáp sau làm đến Tế tửu trường Quốc Tử Giám;

Năm 5 ông Tiến sĩ là các vị 1.Trần Quý Cáp, 35 tuổi người Quảng Nam; 2.Hòang Kiêm, 31 tuổi người Nghệ An; 3. Hùynh Thúc Kháng, 29 tuổi, người Quảng Nam; 4.Hồ Sĩ tạo, 36 tuổi người Bình Định; 5. Nguyễn Mai, 29 tuổi, người Hà Tĩnh.

Năm ông Phó bảng là các vị: 1.Tạ Thúc Đĩnh, 25 tuổi, ngừơi Thừa Thiên; 2. Hòang Văn Cư, 45 tuổi, người Nghệ An; 3. Nguyễn Đình Tiến, 26 tuổi, người Thừa Thiên, 4. Nguyễn Tư Tái, 36 tuổi, người Nghệ An; 5. Thân Trọng Ngật, 28 tuổi người Thừa Thiên.


Ba năm mới có một khoa thi Hội, chỉ lấy được 11 người. Trong 11 người đó có hai ông Tiến sĩ nổi tiếng yêu nước là Trần Quý Cáp và Hùynh Thúc Kháng. Ông Hòang Giáp Đặng Văn Thụy - một trong bốn người giỏi nhất xứ Nghệ. Ông Thụy làm rể cụ Cao Xuân Dục, ông có người cháu nội là Đặng Văn Việt anh hùng đường số 4 thời chống Pháp. Và, cũng trong khoa nầy có ông Nguyễn Mai (Tiến sĩ thứ 5) là cháu nội đại thi hào Nguyễn Du. Ông Mai chính là người đã đem giống Hồng tiến ở Nghi Xuân quê của Nguyễn Du vào trồng ở vườn An Hiên của bà Nguyễn Đình Chi ở Huế mà ngày nay ta còn thấy phát triển tốt.


( Nguồn : Huế - chuyện 100 năm trước 14:56 06/04/2004 (GMT+7) –

Nguyễn Đắc Xuân – Net Cố Đô : http://netcodo.com.vn/service/printversion?article_id=449 ).

Bài đăng ở báo Thừa Thiên-Huế, Xuân Giáp Thân 2004.