samedi 14 juin 2014

ĐỨA BÉ



Truyện ngắn
ALBERTO MORAVIA
  

LỜI NGƯỜI DỊCH :

Alberto Moravia ( 1907-1990 ), nhà văn Ý. Căn bệnh lao xương mắc phải từ lúc mới lên 9  khiến Ông không thể tiếp tục đến trường học và chỉ trau dồi kiến thức bằng con đường tự học. Ông còn học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, làm thơ bằng các ngôn ngữ này. Mười chín tuổi, Ông bắt đầu viết tiểu thuyết và ba năm sau,  tự bỏ tiền để xuất bản và nổi tiếng ngay với  tác phẩm  đầu  tay   này ( Những kẻ thờ ơ – Les Indifférents ). Những tiểu thuyết tiếp theo cũng được người đọc tán thưởng, trong số đó có cuốn đã được các đạo diễn lừng danh ( Vittorio De Sica, Jean-Luc Godard, Francesco Maselli ) chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh với các minh tinh tài tử hàng đầu : Gina Lollobrigida, Sophia Loren, Jean-Paul Belmondo, Brigitte Bardot . Alberto Moravia cũng thành công với các truyện ngắn, theo Ông, nghệ thuật của truyện ngắn “ tinh khiết hơn, cơ bản hơn, trữ tình hơn, cô đọng hơn và tuyệt đối hơn, so với tiểu thuyết”. 

Khi người phụ nữ ở Sở Cứu tế Thành phố Rome mang tiền cứu trợ đến cho chúng tôi, cả bà nữa cũng hỏi tại sao chúng tôi lại đẻ nhiều đến thế, và vợ tôi, hôm đó đang cáu gắt, nói huỵch toẹt : “ Nếu chúng tôi có tiền, tối tối chúng tôi sẽ đi xem phim…vì không có nên chúng tôi chỉ việc đi ngủ và cứ thế những đứa con ra đời.” Nghe vậy bà ta tỏ vẻ bất bình và bỏ đi không nói một lời.  Tôi trách vợ tôi bởi sự thật không phải bao giờ cũng nên nói ra, và cũng phải biết mình đang nói với ai nữa chứ.

Hồi còn trẻ, chưa lập gia đình, tôi thường giải trí bằng cách đọc tin tức trong báo chí Rome, thường đầy rẫy chuyện kể về những bất hạnh  xảy đến cho nhiều người: trộm cắp, giết người, tự tử, tai nạn giao thông, vân vân. Trong số những chuyện đó, duy nhất môt điều tôi nghĩ là sẽ không xảy đến cho mình, đấy là trở thành cái mà báo chí gọi là “một trường hợp thương tâm”, tức là hoàn cảnh một người gợi lên lòng thương hại không vì một sự bất hạnh nào đặc biệt, mà chỉ vì lý do là đang hiện hữu. Như  vừa nói, tôi còn trẻ, và tôi không hình dung ra việc nuôi nấng một gia đình đông đúc ra làm sao cả. Nhưng giờ này đây, tôi kinh hoàng nhận ra rằng dần dần mình đang trở thành một trong những “ trường hợp thương tâm” đó. Dạo đó, tôi đọc thấy, chẳng hạn : “ Họ sống trong cùng cực đói khổ…” Vậy mà, bây giờ đây, tôi cũng đang sống trong cùng cực đói khổ. Hoặc là : “ Họ ở trong cái nhà thực ra chỉ có tên gọi là nhà.”  Và, bây giờ tôi đang sống ở Tormarancio, cùng vợ và sáu đứa con, trong một căn phòng chỉ bằng diện tích một tấm nệm, và, mỗi khi trời mưa, nước đổ xuống như trên bến sông Ripetto.Tôi còn đọc thấy :  “Khi người phụ nữ khốn khổ biết mình đã có thai, bà ta đã quyết định một việc tội lỗi là hủy diệt kết quả của tình yêu của mình.” Vậy mà cái quyết định đó, vợ chồng tôi cũng đồng lòng khi khám phá ra rằng vợ tôi đang mang thai đứa con thứ bảy. Tóm lại, vợ chồng tôi quyết định là, ngay khi thời tiết thuận lợi, chúng tôi sẽ mang bỏ đứa bé trong một nhà thờ, trông chờ lòng từ thiện của người nào đầu tiên bắt gặp nó.

Cũng nhờ sự giúp đỡ của những phụ nữ tốt bụng ở Sở Cứu tế, vợ tôi đi sinh ở bệnh viện, và ngay khi mới khỏe trở lại, bà mang con về Tormarancio. Vừa mới tới căn phòng của chúng tôi, bà nói ngay: “Tuy bệnh viện vẫn chỉ là bệnh viện, tui vẫn thích ở lại đó hơn là về lại chỗ này.” Sau câu nói đó, đứa bé chừng như nghe hiểu khóc ré lên nhức nhối đến thủng màng nhĩ. Thằng nhóc sáng sủa, khỏe mạnh và tốt giọng đến nỗi đêm đêm thức giấc khóc thét lên là không ai ngủ được. 

Đến tháng năm, thời tiết bắt đầu ấm, có thể ra ngoài không cần áo khoác, chúng tôi rời Tormarancio để đi Rome. Vợ tôi ôm chặt đứa bé vào lòng, quấn đầy quần áo nhàu nát như thể sẽ đem bỏ nó giữa cánh đồng tuyết; khi ra đến thành phố, để khỏi để lộ sự đau lòng, bà nói luôn miệng, hổn hển, đứt hơi, tóc bay rối, mắt trợn ngược. Khi thì bà nói đến những ngôi nhà thờ, nơi chúng tôi có thể đến bỏ đứa bé, giải thích rằng đấy phải là nhà thờ nào mà những người giàu có thường hay lui tới, bởi nếu những người nghèo nhặt đứa bé thì thà cứ giữ nó còn hơn; khi thì bà bảo tôi phải tìm được nhà thờ cống hiến cho nữ thánh Madone, bởi Thánh Madone cũng có đứa con trai và như thế có thể thông cảm mọi chuyện mà chấp thuận ý nguyện của bà. Sự liến thoắng này khiến tôi mỏi mệt và bị kích động, hơn nữa tôi cũng chẳng hãnh diện gì, chẳng thích việc mình đang làm; nhưng tôi cứ tự nhủ là phải giữ cái đầu lạnh, phải tỏ ra bình tĩnh và giúp vợ can đảm.

Tôi đưa ra vài ý kiến bác bẻ, chủ yếu là để ngắt bớt những lời lẽ huyên thiên kia: “ Tui có ý này… hay là mình đem bỏ nó ở nhà thờ Thánh Pierre?” Bà hơi do dự một lát rồi nói: “Cái nhà thờ đó như là một trụ sở quân sự… có thể chẳng ai trông thấy nó… không, tui phải thử đến nhà thờ nhỏ ở đường Condotti, chỗ đó có nhiều cửa tiệm đẹp đẽ…nhiều người giàu có thường đến đó… đấy mới là địa điểm tốt…”
Chúng tôi lên xe buýt và, ngồi giữa đám hành khách, vợ tôi lặng thinh. Thỉnh thoảng bà lại quấn đứa bé trong chăn chặt hơn, hoặc cẩn thận hé mặt nó ra nhìn. Thằng bé đang ngủ, khuôn mặt trắng hồng vùi trong đám tã lót. Quần áo nó cũng tồi tàn như chúng tôi vậy, chỉ có vẻ tươm tất với đôi găng tay màu xanh nhạt, hai bàn tay xinh xắn thò ra ngoài như thể muốn khoe. Chúng tôi xuống xe ở đại lộ Goldoni, vợ tôi lại tiếp tục dài dòng nhiều chuyện. Bà dừng chân trước một tiệm kim hoàn và chỉ tôi xem những món nữ trang bày trong tủ, trên tấm nhung đỏ và nói : “Ông nhìn mấy món  đẹp quá đây này…người ta đến khu này chỉ để mua nữ trang và các thứ đẹp đẽ… người nghèo như chúng ta không ai mạo hiểm tới đây…, họ thì giữa cửa tiệm này và cửa tiệm khác lại đi vào nhà thờ cầu nguyện một lát…họ đầy thiện tâm…có người sẽ nhìn thấy đứa bé và ẵm nó đi.” Bà nói như thế trong khi vẫn ngắm nghía mấy món nữ trang, ôm đứa bé vào lòng, mày nhíu lại, như thể đang nói với chính mình, còn tôi không dám nói gì ngược lại. Chúng tôi vào bên trong nhà thờ: nó nhỏ xíu, tường lát đá hoa giả màu vàng, ngoài bàn thờ lớn còn có nhiều nhà nguyện. Vợ tôi tuyên bố ngay là hình ảnh bà nhớ về nó khác hẳn, giờ nhìn lại bà chẳng hài lòng chút nào. Tuy thế bà cũng nhúng tay vào nước phép và làm dấu thánh giá. Sau đó, tay ôm con, vợ tôi chậm rãi đi vòng quanh nhà thờ, săm soi với vẻ bất bình và nghi ngờ. Từ vòm nóc, xuyên qua những lớp kính màu, một luồng ánh sáng lạnh lẽo mà sống động đổ xuống; vợ tôi đi từ nhà nguyện này đến nhà nguyện khác, kiểm tra mọi thứ, ghế ngồi, bàn thờ, tranh ảnh, xem thử có thể bỏ đứa bé lại không; còn tôi thì nhìn theo bà từ xa và không hề rời mắt khỏi cánh cửa ra vào. Chúng tôi nhìn thấy có một cô gái cao lớn  đi vào, cô ăn mặc toàn màu đỏ, tóc vàng óng. Lúng túng trong chiếc áo chật bó, cô quỳ xuống và sau vài giây cầu nguyện, cô làm dấu và bỏ đi ra, không thèm nhìn chúng tôi.Vợ tôi theo dõi cảnh này và nói ngay: “Không, không thể được… những người vào đây cũng như cô gái hồi nãy thôi, cứ vội vàng để bỏ đi vui vẻ, rong chơi nơi mấy cửa tiệm…, chúng ta đi thôi.” Miệng nói, chân bà bước ra khỏi nhà thờ ngay.

Chúng tôi đi ngược một đoạn khu Corso, chân rảo bước, vợ tôi đi trước, tôi theo sau, và gần đến quảng trường Venise, chúng tôi đi vào một nhà thờ khác. Nó lớn hơn nhà thờ kia nhiều, một phần chìm trong bóng râm, đầy màn trướng, đồ mạ vàng và hòm thánh tích đựng những quả tim bằng bạc lấp lánh trong bóng tối. Có rất đông người và chỉ nhìn thoáng qua tôi nhận thấy rằng những người này thuộc tầng lớp khá giả, phụ nữ đội nón, đàn ông ăn mặc chỉnh tề. Một vị linh mục đang giảng đạo, hai tay vung lên trên bục giảng; mọi người đứng chăm chú nhìn ông và tôi cho rằng điều này rất tốt vì không ai để ý đến chúng tôi… “ Mình thử bỏ đứa bé lại đây ?” tôi nói nhỏ vào tai vợ; bà ra dấu đồng ý. Chúng tôi tiến tới nhà nguyện bên cạnh, chỗ tối; không có ai cả và có thể nói là không thấy gì ở đây.  Vợ tôi kéo một góc chăn bọc đứa bé che kín mặt nó lại và đặt nó trên một chiếc ghế làm như đặt một gói đồ cồng kềnh cho rảnh tay. Rồi bà quỳ xuống và cầu nguyện khá lâu, tay ôm lấy mặt, trong khi đó, chẳng biết làm gì, tôi đưa mắt nhìn hàng trăm quả tim bạc lớn nhỏ đủ cỡ đính trên tường. Cuối cùng, vợ tôi đứng dậy, vẻ căng thẳng, làm dấu và từ từ rời khỏi nhà nguyện, tôi theo sau cách một quãng. Ngay lúc này vị linh mục la lớn : “ Và Chúa Giê-su nói: Pierre, con đi đâu? ” tôi rùng mình, có cảm giác như ông đang nói với tôi. Nhưng khi vợ tôi sắp vén bức màn cửa thì một giọng nói làm cả hai chúng tôi giật mình: “ Này bà, bà bỏ quên gói gì trên ghế kìa.” Đấy là một phụ nữ ăn mặc toàn đen, một trong những người sùng đạo suốt cả ngày chỉ việc tới lui nơi nhà thờ và kho đồ lễ. “ À! Đúng rồi, cám ơn… tôi quên mất.” vợ tôi nói. Thế là chúng tôi đến lấy lại của nợ và ra khỏi điện thờ, sống dở chết dở.
Ra ngoài, bằng cái giọng của một người bán hàng muốn bán đổ bán tháo món hàng của mình mà không có ai mua, vợ tôi nói: “ Không ai muốn nó cả, thằng bé tội nghiệp của tôi!” Nhưng rồi bà cũng bắt đầu chạy lon ton, những bước chân giật giật như không hề chạm đất.

Chúng tôi đổ ra quảng trường Saints- Apôtres; nhà thờ mở cửa và khi bước vào, thấy nó to lớn, rộng và tối, vợ tôi khẽ nói: “ Chỗ này tốt đây.” Bước chân dứt khoát, bà đi vào nhà nguyện phía bên, đặt đứa bé trên ghế băng và, chừng như mặt đất nóng đến bỏng chân, bà không làm dấu, không cầu nguyện, cũng không hôn lên trán đứa bé mà vội vàng tiến ra phía cửa. Nhưng bà chỉ mới chạy được vài bước thì cả nhà thờ vang dội những tiếng khóc tuyệt vọng: lúc này đúng là giờ đứa bé đòi bú, nó đói. Nghe tiếng ré chát chúa đó, vợ tôi đâm ra luống cuống: mới đầu bà chạy ra cửa, rồi chạy trở lui, và không hề suy nghĩ mình đang ở đâu, bà ngồi xuống ghế, ôm con vào lòng và mở cúc áo cho nó bú. Bà chỉ mới vạch ngực ra là thằng bé đưa tay bám riết vào, ngấu nghiến như sói con, nó mới đỡ thèm thì một giọng nói giận dữ thét lên: “ Những chuyện đó không được làm trong nhà của Chúa… đi ra… đi ra ngay… ra ngoài đường mà làm !” Đó là ông giữ nhà thờ, một lão thấp bé, râu bạc, có giọng nói to hơn người. Vợ tôi đứng dậy, vội vàng che ngực áo và đầu đứa bé rồi nói với ông lão: “ Vậy mà trong tranh lúc nào cũng thấy bà Madone cho con bú.” “ Chị muốn so sánh mình với bà Madone à, đồ tự phụ.” Quá chán, chúng tôi bước ra khỏi nhà thờ, đến ngồi trong vườn chỗ quảng trường Venise; vợ tôi tiếp tục cho con bú cho đến khi thằng bé no nê ngủ lại.

Giờ này, màn đêm đã xuống, các nhà thờ đều đóng cửa, chúng tôi mỏi mệt, đờ đẫn, đầu óc không nảy ra ý tưởng nào. Nghĩ là mình đã nhọc lòng để làm một việc mà lẽ ra không nên làm, tôi cảm thấy tuyệt vọng. Tôi bảo vợ: “ Bà nghe đây, muộn rồi, tui không chịu được nữa… phải quyết định đi chứ.” Vợ tôi trả lời chua chát: “ Nhưng nó là giọt máu của ông!... ông muốn rứt bỏ nó như thế, trong xó xỉnh, như người ta vứt bỏ gói giấy đựng bộ lòng con mèo!” – “ Không, không phải thế, nhưng có những việc ta có thể làm ngay không đắn đo hoặc là không làm được nữa” “ Sự thực là ông sợ tui đổi ý mà mang nó về nhà lại… đàn ông các ông toàn là một lũ hèn!” Tôi nghĩ giờ không phải lúc nói trái ý bà nên thong thả trả lời: “ Tui hiểu bà, nhưng bà phải biết rằng dù mọi việc xoay chuyển theo chiều hướng xấu cho nó thì tốt hơn vẫn là cho nó lớn lên ở Tormarancio, trong căn phòng không cầu tiêu, không bếp núc, giữa đám vi trùng mùa đông và bầy ruồi nhặng mùa hè.” Lần này thì bà không trả lời. 

Chẳng ý thức mình đang đi đâu, chúng tôi theo đường quốc lộ ngược về hướng Tháp Néron. Xuống dưới một chút, tôi để ý thấy một con đường dốc, hoàn toàn vắng vẻ, chỉ có một chiếc xe hơi màu xám, cửa đóng, đỗ trước cổng nhà. Tôi chợt có một ý, đến gần chiếc xe, thử mở tay nắm, cửa xe bật ra. Tôi nói với vợ: “ Mau lên, thời cơ đây rồi… bỏ thằng nhỏ ở băng ghế sau.” Bà nghe lời, mang đặt đứa bé lên ghế và đóng cửa lại. Mọi chuyện xảy ra trong vài giây, không ai nhìn thấy chúng tôi. Tôi nắm cánh tay vợ, chạy tránh xa về phía quảng trường Quirinal.

Quảng trường vắng vẻ, tối om, lác đác vài ngọn đèn rọi xuống các cung điện, vượt lên trên các lan can, ánh sáng thành phố Rome lấp lánh trong đêm. Vợ tôi đến gần bể nước, dưới chân tháp, ngồi xuống ghế và bật khóc, quay lưng về phía tôi như thể đang ngồi một mình. “ Bà làm sao vậy? ” tôi hỏi. “ Bây giờ đã bỏ con rồi, tui thấy nhớ nó… tui thấy thiêu thiếu cái gì ở đây, ở chỗ ngực, chỗ nó hay bám víu vào.” Tôi nói không chủ định: “ Dễ hiểu thôi mà… nhưng rồi mọi việc sẽ qua.” Bà nhún vai và tiếp tục khóc. Rồi đột ngột nước mắt bà ráo hoảnh, như làn gió làm tạnh cơn mưa. Bà đứng dậy, giận dữ, chỉ tôi thấy một trong những cung điện và nói:   “Bây giờ tui biết mình sẽ đi đâu rồi,  tui đi gặp ông vua và sẽ kể hết mọi chuyện.” – “ Bình tĩnh đi, tôi đưa tay giữ bà lại và nói lớn… bà điên rồi, bà biết thời này còn vua chúa nào nữa đâu !” – “ Tui không cần, tui sẽ nói chuyện với người nào thay thế vua… phải có ai đó chứ.” Bà sắp chạy về phía cổng vào, có Trời mới biết bà sẽ gây ra chuyện tai tiếng gì nữa nếu tôi không đột ngột lên tiếng ngoài cả dự định: “ Bà nghe tui đây, tui nghĩ lại rồi… mình trở lại xe và lấy lại đứa nhỏ… bà còn muốn gì nữa, ta sẽ giữ nó… thôi thì, thêm một đứa hay bớt một đứa…” Ý kiến này, hẳn cũng là điều bà đang nghĩ, xóa tan đi cái ý đi nói chuyện với ông vua. “ Nhưng liệu nó còn đó không?” bà vừa nói vừa chạy nhanh đến con đường nơi chiếc xe màu xám đang đỗ.  “Chắc chắn là còn, tôi trả lời, mới năm phút thôi chứ mấy…”
Quả thật chiếc xe vẫn còn ở đó. Nhưng, đúng lúc vợ tôi sắp mở cửa xe thì một người đàn ông trung niên, béo lùn, vẻ mặt hách dịch, xuất hiện trước cổng và la lớn: “ Dừng lại… dừng lại… bà định lấy gì trong xe tôi đó?” Vợ tôi nhoài người vào trong để  ẵm lấy đứa bé trên ghế, trả lời mà không quay lại : –  “Tui muốn lấy cái gì thuộc về tui.” Người đàn ông vẫn khăng khăng :  “Mà bà lấy cái gì?... xe này của tôi… bà hiểu chưa, nó là của tôi…” Phải nhìn thấy vợ tôi lúc đó. Bà đứng thẳng lên và tấn công kiểu thế này : “ Không, ai thèm lấy gì của ông ?... Đừng sợ, không ai lấy gì của ông hết… còn chiếc xe, coi này, tui nhổ vào nó đấy, biết chưa?...” Và thực sự bà nhổ ngay vào cửa xe. Ông kia ngơ ngác hỏi: “ Nhưng mà này, cái gói gì kia ? ” “ Không phải cái gói, mà là con trai tui, nhìn đây này…”
Bà để lộ khuôn mặt đứa bé chìa ra cho ông kia xem và nói tiếp : “ Một thằng con trai xinh xắn thế này, bộ ông tưởng có thể tạo ra được một đứa như thế với vợ ông à… và đừng tìm cách đụng vào tui, nếu không tui sẽ la lên, gọi lính gác và báo là ông muốn bắt cóc con trai tui…” Tóm lại là vợ tôi cứ nói, nói mãi, đến nỗi người đàn ông tội nghiệp kia, mặt đỏ bừng, mồm há hốc, chừng như sắp bị sung huyết.
Cuối cùng, vợ tôi thong thả bỏ đi, tay ôm con, trở lại chỗ tôi đứng ở cuối đường.


THÂN TRỌNG SƠN
( Dịch từ tiếng Pháp – Le bébé – Claude PONCET )

samedi 7 juin 2014

THƠ MAYA ANGELOU



 MAYA ANGELOU
Nhà thơ da đen Hoa Kỳ ( 1928 - 2014 )

 



Gọi là nhà thơ, thật ra là chỉ nhắc đến một khuôn mặt của nhân vật kiệt xuất, ngôi sao sáng nhiều mặt vừa qua đời ngày 28/5/2014 này. Bà là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, người viết tiểu sử, sử gia, giáo sư, nhà biên kịch, nhà làm phim, vũ công, ca sĩ, diễn viên, nhà hoạt động cho dân quyền, chống nạn phân biệt chủng tộc.
Ngắn gọn và đầy đủ, hãy gọi bà là " Người phụ nữ phi thường ", như nhan đề của một bài thơ của chính bà, xin giới thiệu ( với vài bài khác ) sau đây:


NGƯỜI PHỤ NỮ PHI THƯỜNG


Phụ nữ đẹp hay thắc mắc đâu là bí mật của tôi
Tôi không xinh cũng chẳng hợp với vóc dáng của người mẫu
Nhưng khi tôi bắt đầu nói cho họ biết
Họ đều nghĩ là tôi nói dối.

Tôi nói,
Bí mật là ở chỗ tầm với của vòng tay
Khoảng rộng của vòng hông
Bước sải của đôi chân
Nét quyến rũ của môi cong
Một cách phi thường
Tôi là phụ nữ
Người phụ nữ phi thường
Chính là tôi.

Tôi bước chân vào phòng
Bình tĩnh, thản nhiên
Và đến gần người đàn ông
Mấy chàng trai đều đứng lên
Hay đồng loạt quỳ gối
Rồi vây quanh lấy tôi
Như bầy ong thấy mật.
Tôi nói
Bí mật ở chỗ nồng cháy của đôi mắt
Sáng bóng của hàm răng
Đong đưa của vòng eo
Rộn rã của đôi chân
Một cách phi thường
Tôi là phụ nữ
Người phụ nữ phi thường
Chính là tôi.

Ngay cánh đàn ông cũng thường tự hỏi
Họ nhìn thấy gì ở nơi tôi
Họ bõ công tìm kiếm
Nhưng chẳng thể nào khám phá được
Vẻ bí ẩn bên trong của tôi
Ngay cả khi tôi chỉ cho họ
Họ nhận là vẫn chẳng thấy gì.
Tôi nói,
Bí mật của tôi, đó là tấm lưng thon,
Là nụ cười rực nắng,
Là ngực tròn mê đắm,
Là dáng vẻ yêu kiều.
Một cách phi thường
Tôi là phụ nữ
Người phụ nữ phi thường
Chính là tôi.

Bây giờ bạn đã hiểu
Vì sao tôi không phải cúi đầu
Tôi không reo hò hay nhảy bổ
Hoặc phải cố nói thật to
Khi bạn nhìn thấy tôi đi qua
Tôi phải làm sao cho bạn thấy tự hào
Tôi nói
Bí mật là ở chỗ đôi gót chân lách cách
Mái tóc uốn lượn cong
Ở trong lòng bàn tay
Sự quan tâm cần thiết
Bởi vì, một cách phi thường
Tôi là phụ nữ
Người phụ nữ phi thường
Chính là tôi.


CÔNG VIỆC CỦA PHỤ NỮ


Tôi có con cái phải chăm
Áo quần phải vá
Sàn nhà phải lau
Thực phẩm phải sắm
 Rồi con gà phải rán
Đứa bé phải lau khô
 Khách khứa phải đãi ăn
Khu vườn phải làm cỏ
Áo xống phải ủi thẳng.

Tôi phải mặc đồ cho lũ nhỏ
Phải mở nắp chiếc hộp con
Phải làm sạch thoáng căn nhà
Rồi phải chăm lo người bệnh.
Phải tháo gỡ cuộn vải bông.

Hỡi ánh nắng, hãy chiếu sáng tôi
Hỡi cơn mưa, hãy đổ lên người tôi
Hỡi giọt sương, hãy rơi thật khẽ
Và làm mát lại vầng trán tôi.

Hỡi bão tố, hãy thổi tung tôi từ chốn này
Với sức gió dữ dằn mãnh liệt nhất
Cho tôi bay bổng trên bầu trời
Đến khi lại được nghỉ ngơi.

Hỡi những bông tuyết, hãy rơi thật nhẹ
Phủ lên tôi khắp cả châu thân
Những chiếc hôn lạnh lẽo giá băng
Để đêm nay tôi thoả lòng yên nghỉ.

Nắng, mưa, và vòm trời xanh,
Núi, biển, lá cây và đá,
Ánh sao và vầng trăng rực rỡ,
Chỉ  các người tôi mới gọi là của riêng mình.



KHI ANH ĐẾN


Khi anh tự ý đến với em,
Anh vẫy mời
Em đến cõi xa xưa
Nơi kỷ niệm chôn giấu
Trao tặng em, như tặng trẻ con, căn gác thượng,
Góp nhặt sơ sài những tháng ngày qua,
Bộn bề những nụ hôn vụng trộm
Bừa bãi những cuộc tình vay mượn
Đầy dẫy những ngôn từ bí ẩn.

Em bật khóc.




CHẠM CÁNH THIÊN THẦN


Chúng ta, thôi không quen dũng cảm,
Đoạn lìa hẳn mê say,
Sống cuộn mình trong cái vỏ đơn côi,
Cho đến khi tình yêu rời ngôi bảo tháp
Hiện ra trước mắt.
Giải thoát ta đưa về cuộc sống.

Tình yêu đến
Chở theo bao hạnh phúc ngất ngây
Hoài niệm hoan lạc cũ
Hồi ức đau thương xưa
Tuy nhiên nếu ta bạo dạn
Tình yêu tháo gỡ xiềng xích hãi sợ
Từng trói buộc hồn ta.

Ta dứt được thói e dè
Trong niềm phấn khích của hào quang tình ái
Ta mạnh dạn không còn sợ hãi
Và bất chợt ta sẽ nhận ra
Rằng tình yêu trang trải hết cho ta
Bây giờ và mãi mãi.
Chỉ có tình yêu
Mới ban cho ta tự do.



THỜI GIAN QUA ĐI


Da người tựa bình minh
Da tôi như mùi xạ

Một bên khắc hoạ sự khởi đầu
Của một kết thúc nào đó

Bên kia, sự kết thúc của
Một sự khởi đầu rõ ràng.


ĐÀN ÔNG


Thời còn trẻ, tôi thường hay
Quan sát từ phía sau màn cửa
Những người đàn ông xuôi ngược trên đường. Những gã say, những lão già.
Những người trẻ thì hăng như mù tạt.
Tôi nhìn họ. Đàn ông lúc nào cũng
Đi tới nơi nào đấy.
Họ biết tôi đứng đây. Mười lăm
tuổi và khát khao họ.
Dưới khung cửa sổ tôi đứng, có thể họ dừng lại
Đôi vai nhô cao lên
Như vú một cô gái
Vạt sau áo khoác phủ lấy
Cặp mông.
Ôi những người đàn ông.

Một hôm họ giữ bạn trong
lòng bàn tay, dịu dàng, như thể bạn
là quả trứng tươi cuối cùng trên thế giới. Sau đó
Họ siết chặt. Một chút thôi. Lần
siết đầu tiên còn dễ chịu. Một cái ôm vội vàng.
Mềm mại trong sự không thể chống cự của bạn. Thêm
Một chút nữa. Đau đớn bắt đầu. Vặn xoắn
Một nụ cười trượt quanh nỗi sợ. Khi
Không khí biến mất,
Tâm trí bạn bật ra, nổ bùng dữ dội, ngắn ngủi,
Như đầu que diêm trong bếp. Vỡ tan.
Đó là nước ép của bạn
Chảy xuống đôi chân họ. Làm ố giày họ mang.
Khi trái đất tự điều chỉnh lần nữa,
Và mùi vị cố trở lại đầu lưỡi,
Thân thể bạn đóng sầm lại. Mãi mãi.
Không chiếc chìa khoá nào tồn tại.

Khi chiếc cửa sổ phủ đầy lên
Tâm trí bạn. Nơi đó, phía bên kia
Sự lay động của màn cửa, những người đàn ông bước đi
Biết chút gì
Đi đâu đó
Nhưng lần này, tôi chỉ đơn giản
Đứng và nhìn.

Có lẽ.


TÔI BIẾT VÌ SAO CHIM TRONG LỒNG HÓT


Con chim tự do bay nhảy
Trên lưng gió
Thả trôi xuôi
Đến tận cuối giòng
Và nhúng đôi cánh
Trong ánh nắng vàng óng
Và kiêu hãnh đòi lấy không trung.

Nhưng có con chim đứng oai phong
Trong chiếc lồng chật hẹp
Chẳng mấy khi nhìn thấy được
Qua chấn song giận dữ
Đôi cánh bị cắt cụt
Đôi chân bị trói buộc
Nên chim hắng giọng cất tiếng hót.

Con chim trong lồng hót
Với âm rung hãi khiếp
Về những điều chưa biết
Nhưng vẫn mãi ước ao
Âm thanh được vang ra
Đến ngọn đồi nẻo xa
Bởi chim nhốt trong lồng
Cất tiếng hót tự do.

Con chim tự do nghĩ đến làn gió khác
Gió mát lành qua hàng cây thở than
 Chú sâu béo tròn trên bãi cỏ bình minh
Chim gọi trời xanh là của riêng mình.

Đứng trên nấm mồ của những giấc mơ
Bóng chim lồng thất thanh cơn ác mộng
Cánh bị cắt và đôi chân bị cột
Chim hắng giọng cất lên tiếng hót.

Con chim trong lồng hót
Với âm rung hãi khiếp
Về những điều chưa biết
Nhưng vẫn mãi ước ao
Âm thanh được vang ra
Đến ngọn đồi nẻo xa
Bởi chim nhốt trong lồng
Cất tiếng hót tự do.



TÔI VẪN ĐỨNG DẬY


Bạn có thể hạ thấp tôi trong lịch sử
Bằng lời dối trá cay độc quanh co
Bạn có thể dìm tôi xuống chốn bẩn dơ
Nhưng, như hạt bụi, tôi vẫn đứng dậy.

Phải chăng tôi tươi tắn khiến bạn căm tức?
Và cớ sao bạn phiền muộn u sầu?
Vì chân tôi bước như thể giếng dầu
Được bơm vào căn phòng tôi tiếp khách?

Như chốn cung trăng, như những mặt trời
Như dòng thuỷ triều chẳng hề thay đổi
Như nguồn hy vọng vẫn mãi tuôn trào
Tôi vẫn đứng dậy, vẫn ngẩng cao đầu.

Chả lẽ bạn lại muốn tôi suy sụp
Đầu cúi gầm, mắt nhìn xuống đất?
Đôi vai gập, như sa nước mắt
Ủ rũ yếu hèn qua tiếng khóc than?

Tôi kiêu kỳ khiến bạn bị xúc phạm?
Lẽ nào bạn thấy nặng nề tổn thương
Chỉ vì tôi cười vui như cả mỏ vàng
Đào ngay trong sân nhà mà có được?

Bạn có thể bắn tôi bằng câu chữ
Bạn có thể cắt tôi bằng mắt nhìn
Bạn có thể giết tôi bằng oán ghét căm hờn
Nhưng, như khí trời, tôi vẫn sẽ đứng dậy

Vì tôi quyến rũ nên bạn buồn bực?
Khiến bạn cho là chuyện bất thường
Khi tôi nhảy múa như từng có kim cương
Ngay ở chỗ hai đùi tôi gặp gỡ.

Từ chốn tồi tàn của tủi hờn lịch sử
Tôi đứng dậy
Từ nơi nguồn cội của tang thương quá khứ
Tôi đứng dậy
Tôi là đại dương đen, cuồn cuộn mênh mông
Tuôn trào, vỡ căng theo ngọn thuỷ triều dâng
Bỏ lại phía sau những đêm dài khiếp sợ
Tôi đứng dậy
Trong ánh bình minh rạng ngời trong vắt
Tôi đứng dậy
Mang theo tặng phẩm của bao nhiêu thế hệ
Tôi đứng dậy
Tôi là ước mơ, là khát vọng của kiếp người nô lệ
Tôi đứng dậy
Tôi đứng dậy
Tôi đứng dậy.



THÂN TRỌNG SƠN
chuyển ngữ
( Nguồn: poemhunter.com )