mercredi 21 août 2019

ALICANTE





ALICANTE

Une orange sur la table
Ta robe sur le tapis
Et toi dans mon lit
Doux présent du présent
Fraîcheur de la nuit
Chaleur de ma vie

JACQUES PRÉVERT
(1900 - 1977)


ALICANTE


Một trái cam trên bàn
Áo em trên tấm thảm
Và em trên giường anh
Tặng phẩm ngọt ngào của hiện tại
Khí mát của đêm thanh
Hơi ấm của đời anh.



( Alicante là tên một thành phố hải cảng của Tây Ban Nha, cũng là tên một thứ rượu vang nổi tiếng sản xuất ở đây.)

Có thể nói Jacques Prévert đã vận dụng sở trường về hội họa và kịch nghệ trong bài này. Bài thơ mở đầu với hình ảnh một bức tranh tĩnh vật :
(1)Một trái cam trên bàn
(2)Áo em trên tấm thảm

Điều thú vị là tác giả đã chuyển hình ảnh này sang đoạn sau bằng sự nhắc lại mà không trùng lặp ở hai câu 4 và 5 :
(4)Tặng phẩm ngọt ngào của hiện tại
(5)Khí mát của đêm thanh

Đến câu thứ ba ( được nhắc lại ở câu thứ 6 ) không gian tĩnh đã nhường chỗ thế giới động với sự xuất hiện của nhân vật : 
(3)Và em trên giường anh
            ………………
(6) Hơi ấm của đời anh.

Và như thế tranh vẽ đã chuyển thành màn kịch ngắn với ngôn ngữ không lời, bố cục độc đáo của bài thơ mở ra nhiều hướng cho người đọc tự cảm nhận.
*******




Sinh ra cùng với thế kỷ XX và sống đến 3/4 thế kỷ này, JACQUES PRÉVERT đã để lại cho đời những dấu vết sâu đậm. Năm 1992, mười lăm năm sau khi Ông qua đời, toàn bộ tác phẩm của Ông đã được in trong Tủ sách Pléiade, một tủ sách “sang trọng” dành cho những tác giả mà tài năng và danh tiếng đã được thừa nhận. Tập thơ Paroles ( Lời nói ) xuất bản lần đầu vào tháng 5 năm 1946, chỉ một tuần sau đã in thêm 5000 bản, đến nay vẫn còn tái bản và tính ra đã có hơn hai triệu bản in. Khắp nơi trên đất Pháp hiện nay có hàng trăm trường học mang tên Ông, chỉ tính riêng trường trung học ( collège / lycée ) có đến 309 trường.

Ngay từ năm 1925, Ông đã đồng hành cùng nhóm Siêu thực, cùng sáng tác và sinh hoạt với các nghệ sĩ của nhóm này như Raymond Queneau, Yves Tanguy, Marcel Duhamel, Louis Aragon và tất nhiên cả André Breton ; nhưng chẳng bao lâu, với bản tính thích độc lập và tự do sáng tạo,  Ông đã sớm tách rời trường phái Siêu thực, tách rời mọi ràng buộc phái nhóm.

Trong thời gian từ 1932 đến 1936, Ông tham gia nhóm kịch Tháng Mười, viết nhiều vở kịch có nội dung khuynh tả, bênh vực những người bị áp bức, bóc lột. Nhóm thường trình diễn trong các khu lao động , các nhà máy, cửa hàng, đã từng sang Nga biểu diễn năm 1933.

Đồng thời với việc viết kịch bản và đối thoại phim - khiến tên tuổi Ông gắn liền với tên tuổi của đạo diễn nổi tiếng Marcel Carné và các diễn viên lừng lẫy như Jean Gabin, Michèle Morgan -  JACQUES PRÉVERT làm thơ khá sớm. 
Suốt thời gian từ 1929 đến 1945, thơ của Ông xuất hiện rải rác trong các tạp chí hoặc dưới dạng bản đánh máy. Mãi đến năm 1946, một người bạn thân của Ông là René Bertelé, phụ trách nhà xuất bản Le Point du Jour, mới tập hợp lại và cho ra mắt người đọc, lấy nhan đề là Paroles, mở đầu cho một loạt tác phẩm đều đặn xuất hiện sau đó : Histoires ( 1946 ), Spectacles ( 1951 ),Grand bal du printemps ( 1951 ), Charmes de Londres (1951 ), L'opéra de la lune ( 1953 ), La pluie et le beau temps ( 1955 ), Lumière d'homme (1955 ), Fatras ( 1966 ), Imaginaires ( 1972 ), Choses et autres ( 1972 ) , Hebdromadaires ( 1972 ) và, sau khi Ông mất, Soleil de nuit ( 1980 ), La cinquième saison ( 1984 ).

Ngay từ các tập đầu tiên, thơ JACQUES PRÉVERT đã chinh phục người đọc mọi lứa tuổi bằng một thứ ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu. Ông không coi trọng cú pháp, vần luật, diễn đạt nhẹ nhàng, hồn nhiên, có khi như là văn nói. Cái xu hướng tự do của Ông trước hết thể hiện ở chỗ trong cùng một tác phẩm, Ông đưa vào đủ loại thơ : thơ có vần, thơ tự do, thơ kể chuyện, trữ tình, công kích, có bài như một tiểu phẩm ( saynète ), có những bài rất ngắn ( 3 câu, 4 câu ), có bài dài trên 30 trang ( La crosse en l'air / Gậy quyền chỉ lên trời ). 

Ông thoải mái sử dụng đủ mọi hình thức chơi chữ ( jeux de mots) : điệp âm, đồng âm, lặp lại, nói lái, đảo ngược … Ông đặt tên cho một tác phẩm của mình là HEBDROMADAIRES. Đó là mot valise tức là một từ mới được tạo ra bằng cách ghép một/ vài âm tiết của một từ với một/ vài âm tiết của từ khác ( hebdomadaire + dromadaire ). Tương tự như thế Ông viết un alcolonel ( alcool+colonel ) … Ông chơi chữ với hình thức đồng âm ( homonymie ) : De deux choses lune / l’autre c’est le soleil. ( l’une – l’autre và lune. ) Cũng là đồng âm nhưng ví dụ sau đây thật là bất ngờ :
Les conquérants : Terre ... Horizon . Terrorisons.
Còn học trò Hamlet ( trong bài L’accent grave ) khi chia động từ « être » đã nói
Je suis ou je ne suis pas  rồi tiếp : Je suis « où » je ne suis pas
và kết luận : Être «  où » ne pas être / C’est peut-être aussi la question.
thì chỉ với một cái dấu accent grave, không chỉ thầy giáo mà cả Shakespeare cũng phải ngạc nhiên.

Một đặc trưng khác của ngôn ngữ PRÉVERT là việc dùng hàng loạt danh từ, tính từ liên tiếp nhau, tiêu biểu là bài Inventaire/ Liệt kê :
          Một viên đá
Hai ngôi nhà
Ba phế tích
Bốn phu đào huyệt
Một khu vườn
Những bông  hoa 
Người đọc tưởng như đây chỉ là những liên tưởng ngẫu hứng, không có một trật tự, một ý tưởng nào. Nhưng đọc xuống đoạn sau :
Một ông đeo bắc đẩu bội tinh.
đi liền sau câu
Một cánh cửa với tấm thảm chùi chân
hoặc        Một vị giáo sĩ một cái mụn nhọt...
thì chắc chắn không phải là ngẫu hứng nữa rồi.
Thế đó, JACQUES PRÉVERT viết như một nhà ảo thuật của ngôn từ nhưng điều này không có nghĩa là thơ Ông dễ dãi, hời hợt. Là người sớm vào đời lao động kiếm sống, Ông tỏ ra đồng cảm với những cảnh đời khốn khó, chia sẻ với những thân phận bị áp bức, bóc lột. Ông lớn tiếng chống lại những thế lực tước đi tự do và hạnh phúc của con người, và, ở đây, không có đề tài nào là cấm kỵ ( tabou ) đối với Ông.
Cho dù đó là tôn giáo :
Lạy Cha chúng tôi ở trên trời
Xin Người cứ ở đó
Còn chúng tôi, chúng tôi cứ ở dưới đất
Trái đất đôi khi rất xinh đẹp...
                                 ( Pater Noster )
Cho dù đó là vương quyền :
Louis XIV mà người ta còn gọi là Vua Mặt trời
Thường hay ngồi trên chiếc ghế thủng
Vào khoảng cuối triều đại mình
Một đêm trời tối đen
Vua Mặt trời bước ra khỏi giường
Đến ngồi trên chiếc ghế
Và mất hút.
                  ( L’éclipse )

Ngược lại, Ông luôn ca ngợi tình yêu, thương yêu trẻ em, quan tâm đến thú vật - đấy là những chủ đề quen thuộc trong thơJACQUES PRÉVERT. 
Ông luôn nhắc đến thú vật trong thơ của mình, đặc biệt là loài chim. Chỉ riêng trong tập Paroles  chim đã hiện diện trong hơn hai mươi bài. Chim có thể chịu một số phận bi thảm, chim bị mèo vồ ăn mất một nửa rồi được cả làng tổ chức cho một đám tang thật to ( Le chat et l’oiseau / Mèo và chim ), chim chết cả hàng ngàn con khi bay về từ hải đảo vì lóa mắt trước ánh sáng ngọn hải đăng nên va đập vào nhau  ( Le gardien de phare aime trop les oiseaux / Người gác hải đăng quá yêu chim ). Nhưng chim bao giờ cũng là biểu tượng của tự do : Vẽ chim thì trước hết phải vẽ cái lồng với cánh cửa để mở, rồi khi chim tự bay vào lồng rồi thì hãy tháo gỡ dần từng chiếc chấn song, có thế chim mới cất tiếng hót ( Pour faire le portrait d’un oiseau / Để vẽ chân dung một con chim ). Chim phải được thoải mái bay chuyền từ cành này sang cành khác ( Le désespoir est assis sur un banc / Tuyệt vọng ngồi trên chiếc ghế băng ).

Càng yêu thương loài vật, Ông càng dành nhiều tình cảm cho tuổi thơ. Trẻ em không thể mãi là cậu học trò nhỏ cứ phải đứng trước lớp để cho  « người ta hỏi nó / đủ mọi thứ vấn đề ». Trẻ em phải được quyền nói có với những gì mà nó thích, phải được lấy phấn đủ màu / trên tấm bảng thương đau / vẽ khuôn mặt hạnh phúc. ( Le cancre / Học trò lười ). Trẻ em không thể mãi bị tra tấn bởi những bài học nhàm chán hai với hai là bốn, bốn với bốn là tám ...khi mà từ bên ngoài lớp học tiếng chim hót vọng đến. Trẻ em phải được hát được chơi với chim để cho  «  tám với tám bỏ đi / và bốn với bốn và hai với hai / cũng lần lượt chuồn theo... » và lúc đó thì
... các bức tường lớp học
yên lặng sụp đổ
rồi cửa kính trở lại thành cát
mực viết trở lại thành nước
bàn học trở lại thành cây
phấn viết trở lại thành vách đá
cán bút trở lại thành chim.
và trẻ em trở lại với khung trời mơ mộng của lứa tuổi thần tiên. ( Page d’écriture / Trang viết ). 

Đối với JACQUES PRÉVERT, tình yêu rất cần cho cuộc sống, yêu là sống và sống là yêu :
Chúng ta yêu nhau và chúng ta đang sống
Chúng ta đang sống và chúng ta yêu nhau
Và chúng ta không biết cuộc đời là gì đâu
Và chúng ta không biết hôm nay là ngày mấy
Và chúng ta không biết tình yêu nó ra sao.
( Chanson / Bài ca )
Đó là tình cảm nhẹ nhàng tinh khiết của những đứa trẻ ôm hôn nhau « trong ánh sáng chói lòa của mối tình đầu tiên » ( Les enfants qui s’aiment / Những đứa trẻyêu nhau ), tình yêu của đôi trai gái cùng mới mười lăm tuổi phải « ăn gian » cọng tuổi cả hai để nói chúng ta đã ba mươi tuổi rồi chúng ta đã có quyền yêu nhau. ( Embrasse-moi / Hãy ôm hôn em ). 

JACQUES PRÉVERT đã đi qua thời đại đầy biến động của Ông với một thái độ tỉnh táo, không gò mình trong khuôn phép của trường phái nghệ thuật, không để bị ràng buộc bởi xu hướng chính trị, tự khẳng định mình qua nhiều hình thức biểu hiện và nổi trội hơn cả vẫn là thơ vì với Ông “ Thơ ca có mặt ở khắp nơi cũng như Thượng đế chẳng có ở đâu cả.Thơ ca là một trong những biệt danh xác thực nhất, hữu dụng nhất của cuộc đời” (La poésie est partout comme Dieu n’est nulle part. La poésie, c’est un des plus vrais, un des plus utiles surnoms de la vie».



THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu.


dimanche 18 août 2019

BUỔI HỌC CUỐI CÙNG




Chuyện kể của một cậu bé người xứ Alsace


Truyện ngắn
Alphonse Daudet
(1840-1897)






Alphonse Daudet sinh năm 1840 tại Nîmes, tuổi thơ êm đềm trải qua tại miền nắng gió Provence, sau này sẽ là nguồn cảm hứng cho nhà văn khai thác trong các tác phẩm của mình. Chỉ tiếc là cả gia đình phải sớm rời nơi này để chuyển đến Lyon, khi xưởng tơ vải của người cha bị phá sản phải đóng cửa. Một thời gian sau, ông lại theo anh là Ernest lên Paris sinh sống. Chính người anh này đã khuyến khích Alphonse Daudet tập tành viết lách. Ông sáng tác tập thơ tình ( Les amoureuses ) rồi viết nhiều đoản văn phản ánh hiện thực xã hội. Có thể mầm mống văn tài sớm bộc lộ nên ông được  Công  tước de Morny 
( bộ trưởng dưới thời Napoléon Iii ) nhận làm thư ký, vị trí giúp ông bảo đảm cuộc sống. Cũng nhờ sự bảo trợ của vị này, ông viết được vài vở kịch ngắn, được mang đi trình diễn. (La Dernière idole, 1862; Les Absents, 1864; L'Œillet  blanc, 1865 ). Ông đảm nhiệm việc này cho đến lúc Công tước de Morny qua đời năm 1865. Từ đây Alphonse Daudet bắt đầu chính thức sống bằng ngòi bút của mình. Chỉ một năm sau, những sáng tác đầu tiên đã xuất hiện trên các báo. “ Tartarin de Tarascon “ là trường thiên tiểu thuyết gồm ba quyển, xuất bản năm 1872, được giới phê bình tán thưởng, khẳng định vị trí của tác giả trên văn đàn. 

Ông còn in thêm nhiều truyện dài khác nữa, nhưng đối với độc giả Việt Nam thì quen thuộc hơn hết vẫn là những tác phẩm sau:

Le Petit Chose, truyện dài ( hơn 200 trang, xuất bản năm 1868 ), thuật lại “ những cuộc phiêu lưu của một cậu bé đang dần trở thành người lớn”, vẽ nên khung cảnh thấm đẫm tình cảm nhân văn, với nhân vật chính sớm đánh mất tuổi thơ vì hoàn cảnh cuộc sống không như các bạn cùng lớp. Ai cũng gọi cậu bằng biệt danh “ Le Petit Chose“ mà không bao giờ gọi tên thật Daniel Eyssette. Đây là một dạng tự truyện với rất nhiều chi tiết liên quan đến nhân vật chính hoàn toàn giống với tác giả.

Lettres de mon moulin, tập truyện ngắn, xuất bản năm 1869, là một dạng hồi ký về thời niên thiếu của tác giả. “ Thư viết từ cối xay của tôi “ là khuôn mẫu của thứ văn phong nhẹ nhàng, trau chuốt, với những trang viết từng làm say đắm bao thế hệ học sinh yêu văn chương và ngôn ngữ Pháp. Bốn, năm chục năm sau, những người này vẫn còn nhớ mãi câu chuyện “ Những vì sao “ ( Les étoiles ) kể chuyện anh mục đồng mộng mơ lãng mạn ngắm sao trời ngỡ chuyện yêu thương. Anh thuộc tên các vì sao và muốn tìm hiểu sự bí mật của vũ trụ.
Truyện “ Con dê của ông Seguin “ ( La chèvre de monsieur Seguin ) hấp dẫn bạn đọc trẻ tuổi kiểu khác. Truyện mang tính triết lý, sự yên tĩnh của đồng quê có giới hạn của nó. Con dê đâu chỉ cần an toàn ăn cỏ trên đồng, nó còn thèm khát tự do. Nó bứt dây buộc, lên núi và gặp sói. Nó chiến đấu suốt đêm với con sói hung dữ, dù cuộc chiến không cân sức nhưng vẫn là một câu chuyện đẹp.

Contes du Lundi, tập truyện ngắn ( xuất bản năm 1873 ), gồm ba phần với tổng cộng 42 truyện, tất cả đều lấy cảm hứng từ cuộc Chiến tranh Pháp - Phổ, 1870-1871, trong đó “ La dernière classe “, Buổi học cuối cùng, là truyện đầu tiên và có lẽ cũng là truyện hay nhất của tuyển tập “ Truyện kể ngày thứ hai “ này.

Pháp thua trận, phải giao hai tỉnh Alsace và  Lorraine cho nước Phổ, và chính quyền mới buộc các trường học ở đây phải dạy tiếng Đức thay cho tiếng Pháp. Buổi học cuối cùng, vì thế, không phải là buổi học cuối của năm học để thầy trò chia tay về nghỉ hè, mà là buổi học cuối để sau đó thầy không thể dạy trò không thể học tiếng Pháp được nữa. Đến lúc này, thầy giáo mới có dịp giảng cho học trò rằng tiếng Pháp “là ngôn ngữ đẹp nhất trên thế giới, trong sáng nhất, hợp lý nhất, vững vàng nhất, và cần bảo vệ nó, đừng bao giờ được phép quên điều đó, vì khi một dân tộc bị rơi vào vòng nô lệ, chừng nào còn giữ vững tiếng nói của mình thì không khác gì nắm được chiếc chìa khoá mở cửa tù giam.”
Suy nghĩ bất chợt của cậu học trò Frantz khi nghe tiếng gù gù của mấy  con chim bồ câu “ Liệu người ta có bắt cả chúng nó cũng phải hót bằng tiếng Đức không nhỉ? “ là mối cảm hoài cay đắng, khi nhận ra mảnh đất quê hương không giữ được.




***********



Sáng hôm ấy tôi tới trường trễ, rất lo sẽ bị la, nhất là vì thầy Hamel đã dặn sẽ dò bài về thể phân từ, mà tôi thì không hiểu chữ nào. Có lúc tôi đã nghĩ đến chuyện trốn học, bỏ đi lêu lổng ngoài đồng. Trời thì ấm áp  và tươi đẹp quá thế này.

Nghe có tiếng chim ríu rít ở bìa rừng, và trên cánh đồng Rippert đàng sau xưởng cưa, đám lính Phổ đang tập trận. Những thứ này hấp dẫn tôi hơn cái món mẹo luật phân từ, nhưng tôi cũng còn cưỡng lại được, và tôi ba chân bốn cẳng chạy tới trường.

Khi đi ngang Toà Thị Chính, tôi thấy đám đông người đang tụ tập trước bảng cáo thị. Suốt hai năm qua, mọi tin xấu đều từ nơi đó mà ra, nào tin thua trận, nào là lệnh tuyển binh, rồi các chỉ thị của bộ chỉ huy, tôi tự hỏi, chân vẫn không dừng: “ Lại chuyện gì nữa đây?”
Thế rồi, khi tôi vội vàng chạy qua khu quảng trường, bác thợ rèn Wachter đang đứng đọc bảng cáo thị với anh học việc, nói lớn với theo tôi:
“ Chạy gì nhanh thế, cậu bé. cậu còn cả khối thời gian tới trường mà!” Tôi nghĩ là bác ấy đang giễu cợt tôi, và tôi thở hổn hển khi tới được mảnh sân nhỏ của thầy Hamel.

Thông thường, khi bắt đầu giờ vào lớp, luôn có những âm thanh ầm ĩ, ngoài đường cũng nghe thấy, tiếng mở đóng hộc bàn, tiếng học trò ôn bài đồng loạt, rất ồn ào vì cứ bịt tai mà đọc để nghe cho rõ, còn cả tiếng thầy gõ thước lên bàn nữa.

“ Tất cả im lặng nhé!”

Tôi hy vọng sẽ lợi dụng lúc chộn rộn này để vô lớp không bị ai nhìn thấy. Nhưng hôm nay sao lại yên lặng như đang là sáng chủ nhật thế này! Qua cửa sổ, tôi thấy các bạn đã ngồi vào chỗ đàng hoàng, còn thầy Hamel thì đang đi tới đi lui với cây thước kẻ bằng sắt đáng sợ kẹp dưới nách. Phải mở cửa bước vào trong không khí lặng lẽ đó. Bạn chắc là tưởng tượng ra mặt tôi đỏ rần và tôi run sợ như thế nào.

Thế nhưng, không. Thầy Hamel nhìn tôi không chút giận dữ và dịu dàng nói: “ Hãy vào chỗ ngồi nhanh đi, em Franz. Lớp học bắt đầu mà vắng mặt em đó.”

Tôi nhảy qua băng ghế và ngồi xuống ngay bàn của mình. Đến lúc đó, khi đã bớt lo sợ tôi mới nhận ra là hôm nay thầy mặc cái áo khoác màu xanh thật đẹp, diềm lá sen gấp nếp mịn và đội cái mũ tròn bằng lụa đen thêu mà thầy chỉ mặc những hôm có thanh tra hoặc phát phần thưởng.

Thêm vào đó, hôm nay trường tôi có vẻ gì lạ lùng và trang nghiêm khác thường, nhưng điều làm tôi sững sờ hơn hết là trên mấy băng ghế đặt ở cuối lớp, mọi ngày bỏ trống, hôm nay lại thấy có mấy người dân trong làng đang ngồi lặng lẽ giống như chúng tôi vậy. Ông già Hauser với cái nón xếp ba góc, ông cựu thị trưởng, ông cựu bưu tá, và nhiều người khác nữa, ai trông cũng buồn rầu. Ông Hauser có mang theo quyển sách vỡ lòng cũ, góc đã quăn queo, ông mở sẵn trên đùi, đặt cái kính đeo mắt trên trang sách.

Trong khi tôi đang tự hỏi về tất cả những điều đó thì thầy Hamel ngồi vào ghế của mình, và cất tiếng, cũng với cái giọng nhẹ nhàng và nghiêm trang mà lúc nãy thầy nói với tôi: “ Này các con, đây là buổi học cuối cùng thầy dậy các con. Lệnh đến từ Berlin là tất cả các trường học ở Alsace và Lorraine chỉ được phép dùng tiếng Đức mà thôi. Ngày mai sẽ có thầy mới tới đây và hôm nay là buổi học tiếng Pháp cuối cùng. Thầy mong các con phải chú ý thực kỹ. “

Những lời ấy khác nào sấm sét giáng xuống đầu tôi! Ôi, bọn khốn! Thì ra đây là cái mà chúng đã dán ở Toà Thị Chính!

Buổi học tiếng Pháp cuối cùng của tôi sao! Tôi còn chưa biết viết nữa mà! Tôi không được học nữa sao? Phải ngưng hết việc học ngay lúc này sao? Tôi giận mình biết bao về thời gian bỏ phí bấy lâu, tôi đã trốn học để đi tìm trứng chim hay đi trượt ván ở Saar! Những cuốn sách mà mới khoảnh khắc trước tôi cho là thứ khô khan, mang vác nặng nề, sách ngữ pháp , sách lịch sử linh thiêng, giờ tôi coi như những người bạn cũ, khó khăn lắm mới rời bỏ được. Và thầy Hamel cũng vậy. Nghĩ đến việc thầy sắp sửa đi xa, tôi sẽ không còn gặp thầy được nữa là tôi quên hết những hình phạt, những đòn đánh thước kẻ của thầy trước kia.
Tội Thầy quá!

Chính vì coi trọng buổi học cuối cùng này mà thầy đã mặc bộ đồ đẹp thường chỉ diện ngày chủ nhật, và lúc này tôi mới hiểu tại sao những vị bô lão trong làng đến ngồi trên những băng ghế nơi cuối lớp. Có vẻ như họ cũng hối hận rằng đáng lẽ họ phải đến trường siêng năng hơn. Đó là cách họ tỏ lòng tri ân thầy chúng tôi đã tận tuỵ suốt bốn mươi năm nay, và cũng để biểu lộ tình cảm ân nghĩa đối với tổ quốc nay đã mất đi.

Tôi đang nghĩ về những điều này bỗng nghe tiếng thầy gọi tên. Đến phiên tôi phải đọc bài. Tôi có thể đánh đổi gì để có thể đọc được hết cái quy tắc về phân từ lẫy lừng đó, đọc thật to, thật rõ, không vấp váp chút nào nhỉ? Tôi chỉ ấp úng được mấy chữ đầu tiên thôi, rồi đứng yên như trời trồng, chết dí nơi băng ghế, tim đập mạnh, chẳng dám ngước mắt lên. Tôi nghe thầy Hamel nói với tôi: “ Này Frantz, thầy không la con đâu, con bị trừng phạt thế là đủ rồi, con thấy chưa, ngày nào ta cũng tự bảo: ấy, ta còn khối thời gian mà, để ngày mai rồi học cũng được. Và con thấy kết quả ra sao rồi đó... Ừ, tai hoạ lớn nhất của xứ Alsace chúng ta là bao giờ cũng trì hoãn việc học đến ngày mai. Và giờ đây, những kẻ kia có quyền bảo chúng ta rằng: Thế nào! Các ngươi tự nhận mình là dân Pháp, thế mà sao các ngươi chẳng biết đọc biết viết được tiếng mẹ đẻ của mình! .. Trong chuyện này, trò Frantz à, con đâu phải là người tội lỗi nhất. Tất cả chúng ta đây đều phải tự trách mình cả đấy.

Bố mẹ các con không chăm lo lắm việc học hành của các con. Họ thích các con ra đồng làm việc hay vào nhà máy hơn để kiếm thêm chút tiền. Còn thầy đây, bộ thầy không có gì đáng trách à? Chẳng phải là thầy đã sai các con đi tưới hoa trong vườn thay vì bắt các con phải học bài. Và khi thầy muốn đi câu, thầy chẳng ngần ngại cho các con nghỉ học.

Thế rồi, từ chuyện này bắt sang chuyện khác, thầy Hamel nói về tiếng Pháp, bảo rằng đó là ngôn ngữ đẹp nhất trên thế giới, trong sáng nhất, hợp lý nhất, vững vàng nhất, và cần bảo vệ nó, đừng bao giờ được phép quên điều đó, vì khi một dân tộc bị rơi vào vòng nô lệ, chừng nào còn giữ vững tiếng nói của mình thì không khác gì nắm được chiếc chìa khoá mở cửa tù giam. Rồi thầy mở sách ngữ pháp ra và đọc bài học cho chúng tôi nghe. Tôi ngạc nhiên thấy mình hiểu thật thông suốt. Những điều thầy nói nghe thật dễ hiểu, thực sự rất dễ hiểu. Tôi cũng thấy rằng tôi chưa bao giờ chú ý nghe thầy giảng chăm chú đến thế, mà thầy cũng chưa bao giờ giảng giải mọi điều một cách kiên nhẫn đến thế. Như thể là trước khi đi xa thầy muốn truyền cho chúng tôi tất cả kiến thức của mình, cố trút hết vào đầu óc chúng tôi tất cả một lần.

Sau bài ngữ pháp, đến bài tập viết. Hôm đó, thầy đã chuẩn bị những tờ mẫu mới toanh, trên đó có viết bằng chữ rông thật đẹp: France, Alsace, France, Alsace... Những tờ giấy tập viết như những lá cờ nhỏ bay khắp phòng học, treo trên những thanh gắn trên mặt bàn học chúng tôi. Bạn phải nhìn thấy mọi người chăm chú làm việc như thế nào, và lớp học im lặng ra sao! Chỉ còn nghe được tiếng ngòi bút cào trên giấy. Có lúc, có vài con bọ bay vào phòng, nhưng chẳng ai để ý đến chúng, ngay cả những thằng nhỏ bé nhất đang cố công vạch những nét sổ thẳng, toàn tâm, toàn ý, chừng như những nét sổ đó cũng là tiếng Pháp. Trên mái nhà, những con bồ câu gù gù nho nhỏ, tôi nghe tiếng chim và nhủ thầm: “Liệu người ta có bắt cả chúng nó cũng phải hót bằng tiếng Đức không nhỉ? “

Có khi đang viết tôi ngước nhìn lên, tôi thấy thầy Hamel ngồi bất động trên ghế, mắt chăm chăm nhìn hết vật này sang vật khác, như muốn ghi sâu trong tâm trí mình tất cả hình ảnh ngôi trường nhỏ bé này. Thật lạ! Đã bốn mươi năm nay, thầy chẳng luôn ở đây, vẫn chỗ ngồi đó, vẫn sân chơi trước mặt, vẫn lớp học không đổi hay sao? Chỉ có mấy cái ghế, cái bàn sử dụng lâu ngày nay trơn mòn hơn, những cây hạt óc chó nay mọc cao hơn, và dây hoa bia do chính thầy trồng nay quấn quanh cửa sổ, leo lên tận mái nhà. Hẳn là thầy đau lòng lắm khi phải rời xa tất cả những thứ này, khi nghe tiếng cô em thầy ở tầng trên đang đi đi lại lại, đóng gói đồ đạc vào mấy cái rương, bởi vì họ phải rời khỏi xứ ngay ngày hôm sau.

Nhưng rồi thầy cũng can đảm dạy hết cả buổi học. Sau phần tập viết, chúng tôi học về lịch sử, sau đó các trò nhỏ bi ba bi bô đánh vần. Dưới kia, ở cuối lớp, cụ Hauser đeo cặp  kính vào mắt, hai tay nâng sách vỡ lòng lên cùng đánh vần theo chúng. Ai cũng thấy là cụ cũng rất chăm chú, giọng run run vì xúc động, nghe rất buồn cười khiến chúng tôi vừa muốn cười vừa muốn khóc. Ôi chao, tôi nhớ buổi học cuối cùng ấy biết bao!

Đột nhiên chuông nhà thờ gõ mười hai tiếng. Rồi đến hồi chuông cầu kinh Đức Bà. Đồng thời tiếng kèn đồng của đám lính Phổ đi tập trận về vang lên dưới mấy cửa sổ phòng học. Thầy Hamel đẩy ghế đứng dậy, mặt tái xanh. Chưa lúc nào tôi thấy thầy cao đến vậy.
Thầy nói: “ Các bạn, các bạn, tôi...tôi...”
Có cái gì đó làm thầy nghẹn lại, không nói hết câu được.
Thầy xoay người về phía bảng đen, nhặt một mẩu phấn, và bằng hết sức mình ấn lên phấn, thầy viết hàng chữ to hết cỡ : “ NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM “.

Thế rồi, thầy ngừng tay, đầu gục lên tường, không nói một lời, thầy xua tay ra dấu như bảo chúng tôi: 
“ Lớp học kết thúc...mọi người về đi!”


THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu
theo nguyên bản tiếng Pháp.
( Les Contes du lundi / Chuyện kể ngày thứ hai )




Các bạn có thể nghe đọc truyện ở đây:



mardi 6 août 2019

TRỞ VỀ NHÀ





Truyện ngắn
Pete Hamill
Nhà văn Hoa Kỳ
( 1935 -      )



Pete Hamill sinh tại New York, gia đình gốc người Ireland di cư sang Hoa Kỳ từ năm 1929. Học xong, Hamill thử làm nhiều công việc khác nhau cho đến khi thấy niềm đam mê nghề làm báo thôi thúc.

Mùa hè năm 1960, ông làm phóng viên tại báo The New York Post và bắt đầu học nghề từ đây. Những năm 1962-63, ông làm đặc phái viên cho tờ Saturday Evening Post và được cử sang châu Âu. Thời gian này, ông rong ruổi qua nhiều nước, phỏng vấn các nghệ sĩ, đạo diễn, nhà văn...

Đến năm 1964, ông trở về New York, làm tại báo New York Herald Tribune một thời gian, rồi chuyển về New York Post phụ trách một chuyên mục thường kỳ, đồng thời cộng tác với nhiều báo khác. Ông viết nhiều đề tài ( chiến tranh, âm nhạc, đời sống thị 
dân... ) và di chuyển nhiều nơi. Sau này, ông xuất bản hai tuyển tập các tác phẩm báo chí ( Irrational Ravings và Piecework ).

Hamill còn được biết đến như một nhà văn, tiểu thuyết đầu tiên là “ A Killing for Christ “, nói về âm mưu ám sát Đức Giáo Hoàng vào dịp lễ Phục Sinh tại La Mã. Sau đó là tiểu thuyết tự truyện The Gift, và vài cuốn khác. Ông còn viết hơn một trăm truyện ngắn, đăng từng kỳ trên báo với chuyên mục mang tên “ The Eight Million “ và “ Tales of New York “. Sau này ông tập hợp lại in trong hai cuốn “ The Invisible City: A New York Sketchbookm”, 1980, và “ Tokyo Sketches “ , 1992. 

Truyện ngắn Going Home giới thiệu dưới đây được đăng lần đầu trên báo The New York Post ngày 14/10/1971. Ba tháng sau, truyện được đăng lại trên tạp chí Reader’s Digest.


*******





Cả bọn cùng kéo về Fort Lauderdale, tiểu bang Florida. Tất cả gồm sáu người, ba chàng trai, ba cô gái, họ lên xe ở đường số 34, mang theo bánh mì sandwich và rượu vang, đựng trong những túi giấy. Họ đang mơ tưởng tới những bãi biển vàng và sóng thuỷ triều, bỏ lại sau lưng không khí lạnh lẽo, u ám của mùa xuân thành phố New York. Còn Vingo thì đã lên xe ngay từ đầu.

Khi xe chạy ngang New Jersey để tiến vào Philia, họ bắt đầu để ý Vingo ngồi thù lù một chỗ, không cựa quậy. Anh ngồi ngay trước mặt bọn trẻ, gương mặt bụi bặm khiến khó đoán tuổi, mặc bộ đồ màu nâu trơn không vừa lắm. Các ngón tay cáu bẩn khói thuốc lá, miệng mím lại. Anh ngồi lặng lẽ, chừng như chẳng quan tâm gì đến sự có mặt của những người khác. 

Đêm về khuya, xe chạy ngang vòng ngoài Washington thì dừng lại tại quán ăn Howard Johnson, mọi người đều xuống xe, ngoại trừ Vingo. Đám trẻ bắt đầu ngạc nhiên về Vingo, cố tưởng tượng ra cuộc đời của anh, có lẽ anh là một thuyền trưởng tàu biển, hoặc là người bỏ vợ, hay là cựu quân nhân trở về quê nhà? Khi cả bọn trở lại xe, một cô gái trong nhóm không kìm được tò mò nên đến bắt chuyện với anh. Cô đến ngòi cạnh và tự giới thiệu.

“ Tụi này đi Florida”, cô nói rõ giọng, “ anh cũng đi tới đó chứ? “ 
“ Tôi không biết nữa! “, Vingo đáp.
“ Tôi chưa hề tới đó. Nghe nói đẹp lắm. “
“ Đúng đó.”, anh khẽ nói, như muốn khêu lại điều đã cố quên.
“ Anh sống ở đó à? “
“ Trước tôi từng ở đó, khi còn trong hải quân, tôi ở căn cứ Jacksonville.”
“ Anh dùng chút rượu vang nhé!”  
Anh mỉm cười và cầm lấy chai rượu làm ngay một tợp. Anh cảm ơn và tiếp tục vùi trong im lặng. Một lát sau, cô gái quay lại với nhóm bạn, anh lim dim ngù.

Đến sáng, họ lại dừng ở một quán Howard Jackson khác, lần này Vingo cùng đi với nhóm trẻ. Anh tỏ vẻ ngại ngùng, gọi ly cà phê đen và rít thuốc liên hồi, trong khi đám trẻ vẫn huyên thuyên chuyện nằm ngủ trên bãi biển.

Khi trở lại xe buýt, cô gái vẫn đến ngồi cạnh Vingo. Một lát sau, anh ngập ngừng chậm rãi kể chuyện, giọng khổ sở. Đã bốn năm rồi anh bị giam ở New York và nay đang trở về nhà.
“ Anh có gia đình chưa?”
“ Tôi cũng không chắc.”
“ Ủa, anh không chắc sao?”
“ À, vâng, hồi còn trong tù, tôi có viết cho vợ. Martha à, anh sẽ thông cảm nếu em không thể gắn bó với anh. Tôi nói là tôi vắng nhà lâu quá, nếu nàng không chịu nổi, nếu lũ nhóc cứ dò hỏi thắc mắc này kiavà nàng thấy đau xót, nàng có thể quên tôi đi. Cứ tìm một người đàn ông khác - nàng là một phụ nữ tuyệt vời, thực sự rất đáng giá. Nàng có thể quên tôi đi. Tôi bảo là nàng không cần phải trả lời thư tôi gì cả, và nàng đã không viết gì thật. Cũng đã ba năm rưỡi rồi.

“ Và bây giờ anh trở về nhà, vẫn không biết tình hình thế nào?”
Anh ngại ngùng đáp:
“ Đúng vậy. Mới tuần trước thôi, khi biết chắc sẽ được phóng thích, tôi lại viết cho nàng nữa. Tôi nói nếu nàng có người mới, tôi sẽ thông cảm thôi. Nhưng giả sử nàng vẫn chưa có ai, nàng vẫn chờ đợi tôi về thì hãy cho tôi biết. Chúng tôi vẫn sống ở thành phố Brunswick này, và ở lối vào thành phố có một cây sồi thật to, hùng vĩ lắm, ai cũng biết. Tôi bảo nàng là nếu muốn đón tôi trở về, nàng hãy cột chiếc khăn tay vàng trên cây, tôi nhìn thấy và sẽ xuống xe trở về nhà. Còn trái lại, nàng không yêu tôi nữa thì quên chuyện đó đi. Không có khăn tay, tôi tự hiểu và tiếp tục chuyến đi. 

“Ôi, cô gái nói, ôi!”

Cô gái kể cho các bạn nghe chuyện và ngay lập tức cả bọn ùa đến khi xe gần tới Brunswick, chăm chú nhìn Vingo cho xem ảnh vợ và ba đứa nhóc - người đàn bà đẹp giản dị, ba đứa trẻ, chưa rõ nét trên tấm ảnh đã sờn.

Còn 20 dặm nữa là đến Brunswick, nhóm trẻ đổ xô về những chiếc ghế cạnh cửa sổ phía bên phải, nóng lòng chờ nhìn cây sồi. Vingo không nhìn ra ngoài nữa, khuôn mặt người cựu tù co rúm lại, cố gượng để khỏi chịu đựng sự thất vọng tiếp theo. Còn 10 dặm, rồi 5 dặm, cả chuyến xe đều im thin thít, ngập chìm trong cõi lặng thinh của xa vắng, của những năm tháng mất mát, của khuôn mặt hiền lành người phụ nữ, của lá thư không mong đợi trên bàn ăn điểm tâm, của bầy trẻ ngơ ngác, của những chấn song sắt lạnh lẽo.

Và đột nhiên, tất cả đều đứng bật dậy, reo hò, la hét, khóc thét, rồi ôm nhau nhảy múa trong nỗi hân hoan, phấn khích. Chỉ trừ Vingo .

Vingo vẫn ngồi đó, sững sờ nhìn ra cây sồi già. Cái cây có treo những chiếc khăn tay vàng, có đến 20, 30 chiếc, có lẽ đến hàng trăm chiếc. Cái  cây hiện ra như tấm biểu ngữ chào mừng, cuồn cuộn, phất phơ trong gió, cây biến thành một hình tượng rực rỡ khi xe buýt chạy ngang qua. Khi cả nhóm trẻ vẫn tiếp tục reo hò, người cựu tù binh rời khỏi ghế, vươn mình bước dần ra phía trước xe, chuẩn bị trở về nhà.


Nguồn:



*******


Truyện của Pete Hamill kết thúc ở đó. Tuy nhiên, vẫn còn thứ khác, tạm gọi là



 TRỞ VỀ NHÀ  - NGOẠI TRUYỆN



Pete Hamill cho biết câu chuyện thú vị này anh từng nghe kể. Ít lâu sau, một cuốn phim truyền hình do hãng ABC-TV công bố, lấy tên là The Yellow Handkerchief, Chiếc khăn tay màu vàng, do diễn viên James Earl John thủ vai người cựu tù binh.

Sau đó, đến lượt Irwin Levine và L. Russell Brown sáng tác bài hát Tie a Yellow ‘ Round the Ole Oak Tree và lên tiếng cho biết họ nghe kể chuyện này khi phục vụ trong quân đội. Nội dung bài hát tương tự như truyện ngắn của Pete Hamill, chỉ khác ở chi tiết chiếc khăn tay ( handkerchief ) đổi thành dải ruy- băng ( ribbon ), có thể để dễ hát hơn. 

Bài hát nổi tiếng và được phổ biến rộng khắp rất nhanh ngay trong năm 1973. Pete Hamill đâm đơn kiện hai đồng tác giả xâm phạm bản quyền, biến truyện ngắn của ông thành bài hát mà không xin phép. Nhưng cuối cùng, bài hát được minh oan vì câu chuyện của Pete Hamill thực ra chẳng có gì mới mẻ, nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh nó đã tồn tại rất lâu dưới nhiều biến thể khác nhau. Pete Hamill đành phải rút lại đơn kiện.

Với ca từ rõ ràng và xúc động, giai điệu vui tươi pha lẫn âm hưởng nhạc đồng quê, Tie a yellow ribbon ‘ Round the Ole Oak Tree đã biến hình ảnh dải ruy băng vàng trở thành một biểu tượng quốc gia. Năm 1980, vụ khủng hoảng con tin ở Iran lên đến đỉnh điểm, dải ruy băng vàng tượng trưng cho sự trở về của 400 con tin người Mỹ, lúc này khắp nước Mỹ đi đâu cũng thấy dải băng vàng treo đầy những hàng cây.

Bài hát đạt tới thành công tột đỉnh qua giọng ca của ca sĩ Tony Orlando và nhóm nhạc Dawn. Ngay trong năm 1973, dĩa thu âm bài hát của nhóm nhạc này đã bán được ba triệu bản trong ba tuần lễ.

Từ đó đến nay, Tie a yellow ribbon ‘ Round the Ole Oak Tree vẫn tiếp tục là bài hát tủ của rất nhiều ca sĩ, giai điệu của nó vẫn tiếp tục vang lên, như một thông điệp về tình yêu chung thuỷ, về sự mong chờ ngày về của người thân yêu đi xa.


TIE A YELLOW RIBBON ‘ ROUND THE OLE OAK TREE.


I'm comin' home, I've done my time
Now I've got to know what is and isn't mine
If you received my letter telling you I'd soon be free
Then you'll know just what to do
If you still want me, if you still want me
Whoa, tie a yellow ribbon 'round the ole oak tree

It's been three long years, do you still want me?
If I don't see a ribbon round the ole oak tree
I'll stay on the bus, forget about us, put the blame on me
If I don't see a yellow ribbon 'round the ole oak tree

Bus driver, please look for me
'Cause I couldn't bear to see what I might see
I'm really still in prison and my love, she holds the key
A simple yellow ribbon's what I need to set me free
And I wrote and told her please
Whoa, tie a yellow ribbon 'round the ole oak tree

It's been three long years, do you still want me?
If I don't see a ribbon round the ole oak tree
I'll stay on the bus, forget about us, put the blame on me
If I don't see a yellow ribbon 'round the ole oak tree

Now the whole damned bus is cheerin'
And I can't believe I see
A hundred yellow ribbons round the ole oak tree
I'm comin' home

Tie a ribbon 'round the ole oak tree
Tie a ribbon 'round the ole oak tree
Tie a ribbon 'round the ole oak tree
Tie a ribbon 'round the ole oak tree


HÃY BUỘC DẢI RUY - BĂNG VÀNG QUANH CÂY SỒI GIÀ


Anh đang trên đường trở về nhà
Việc thụ án vậy là đã xong
Anh đã rõ chuyện nào thuộc về mình, chuyện nào không
Và nếu em đã nhận thư anh báo
Sắp đến ngày anh được tự do
Hẳn em biết cần phải làm gì
Nếu em vẫn một lòng một dạ yêu anh.
Nếu em vẫn còn yêu anh, xin em hãy
Buộc dải lụa vàng quanh cây sồi già em nhé.

Ba năm dài đằng đẵng trôi qua
Em vẫn còn yêu anh đấy chứ?
Còn nếu như anh không nhìn thấy dải lụa nào
Thì anh vẫn ngồi lặng yên trên xe buýt
Và quên đi chuyện hai chúng ta
Rồi chỉ tự trách mình mà thôi.

Bác tài ơi, xin hãy nhìn giúp tôi,
Vì tôi nào dám nhìn những gì sẽ xuất hiện trước mắt
Thực ra tôi vẫn còn trong tù ngục
Mà chính nàng, người tôi yêu, đang cầm giữ chìa khoá
Chỉ một dải lụa vàng là thứ tôi cần để được tự do.
Tôi đã gửi thư đi và kỹ lưỡng dặn dò
Em ơi hãy buộc dải lụa vàng quanh cây sồi xưa.

Ba năm dài đằng đẵng đã trôi qua
Em có còn một lòng một dạ yêu anh?
Còn nếu như anh không nhìn thấy dải lụa nào
Anh sẽ ngồi lại trên xe buýt,
Quên đi chuyện của hai ta
Và chỉ tự trách mình thôi
Nếu như anh không nhìn thấy dải lụa vàng quanh cây sồi.

Nhưng kìa, cả đám người chết tiệt trên xe đang mừng reo
Anh không sao tin được những gì hiện ra trước mắt
Cả trăm dải lụa vàng quanh gốc cây
Anh đang về nhà đây!

Hãy buộc dải ruy băng vàng quanh cây sồi già em nhé.
Hãy buộc dải ruy băng vàng quanh cây sồi già em nhé
Hãy buộc dải ruy băng vàng quanh cây sồi già em nhé,
Hãy buộc dải ruy băng vàng quanh cây sồi già em nhé.



6


Mời nghe Orlando hát






THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu
( 7/2019 )