mardi 16 janvier 2024

NGÀY XUÂN ĐỌC THƠ TÌNH

   




Tết và Xuân, Xuân và Tết, thời điểm kỳ lạ trong một năm. Vừa trông chờ vừa mong đừng đến. Vừa lưu luyến rét đông vừa háo hức xuân ấm. Vừa khép kín đoàn tụ gia đình vừa chan hoà xôn xao lễ hội. Vừa lặng lẽ hoài niệm chuyện riêng tư vừa hân hoan cùng nhau “nâng chén ta chúc nơi nơi”. Mỗi người một tâm trạng nên mỗi người một cách đón Xuân. Có cách gì vui Xuân, thưởng Xuân, hưởng Xuân không ồn ào mà vẫn rộn ràng vang vọng, không kiểu cách mà vẫn phong lưu ân tình? Ai kia du Xuân vãng cảnh, kẻ nọ trở gót quy cố hương. Cũng chỉ cố tìm thanh bình trong tâm tưởng. Nhưng e chừng sắm sanh chuẩn bị tư trang hành lý cũng nhiêu khê lắm. Chi bằng ngồi yên mà cho tâm trí bay bổng. Mở trang sách, đàm đạo với tiền nhân. Thử tìm đến vài nhà thơ ở nhiều đất nước khác nhau.

Nếp sống, nếp nghĩ có khác, và tình yêu dù muôn màu muôn vẻ nhưng vẫn có mẫu số chung. Bởi thế cho nên: Ngày Xuân ngồi đọc thơ tình, Thơ ai sao thấy có mình ở trong. Chỉ cần nói với nhau một điều. Thường thơ nhiều ẩn dụ, biểu tượng, hình ảnh, có khi không cần giải bày minh bạch.
Có khi

Chỉ nhắc đến giòng sông, Là thấy ngay biển cả,
Chỉ nhắc đến chiếc lá, Là thấy ngay cỏ cây,
Chỉ nhắc đến đám mây, Là thấy ngay trời rộng,
Chỉ nhắc đến giấc mộng, Là thấy thuở hoa niên
Chỉ nhắc đến cánh sen, Là thấy ngay hương sắc
Chỉ nhìn vào đuôi mắt, Là thấy ngay tình yêu.

Xin mời nhé, năm bài thơ, dịch của năm tác giả Âu Mỹ, kèm theo vài dòng giới thiệu.
Như món quà  gởi đến quý độc giả nhân ngày Xuân về.

  1. MÙA THU

 

pastedGraphic.png

hình 1

 

Anh đành để cho gia đình phân tán
Bao người thân thiết lưu lạc khắp nơi
Một lần nữa, nỗi cô đơn dằng dặc
Vây bủa hồn anh, tràn ngập đất trời.

Túp lều tranh, em và anh ẩn náu
Khu rừng hoang vu không một bóng người
Lối cũ đường mòn, như lời bài hát,
Cỏ dại lan tràn phủ khắp nơi nơi.

Chỉ chúng ta thôi đang ngồi ở đấy
Bức tường gỗ mục buồn bã nhìn ta
Dẫu không hứa phải vượt qua trở ngại
Ta vẫn thực lòng chấp nhận chia xa.

Ta  vẫn bên nhau qua bao giờ khắc
Anh đọc sách và em bận vá may
Khi ta ngừng, thôi không hôn nhau nữa
Ta nào hay đêm đã chuyển sang ngày.

Hỡi lá rừng, hãy cứ rơi xào xạc
Lộng lẫy hơn và cũng kiêu sa hơn.
Trong chiếc cốc đắng cay ngày tháng cũ
Sầu khổ hôm nay hãy rót cho tràn.

Tất cả quyến luyến, hân hoan, say đắm,
Ta tan vào trong ầm ĩ mùa thu
Hãy vùi đắm trong tiếng thu xào xạc
Cứ lặng im hay có thể điên rồ!

Em ngã vào vòng tay anh âu yếm
Tấm thân son trong vải lụa óng mềm
Em khẽ lắc cho xiêm y trút xuống
Như cây rừng trút hết lá rất êm.

Em hạnh phúc trên đường anh khổ luỵ
Khi cuộc sống tồi hơn cả thương đau
Và can đảm là cội nguồn cái đẹp
Chính là điều đưa ta đến với nhau!

 

BORIS PASTERNAK
1890 – 1960
(Nhà thơ Nga – Giải Nobel Văn học 1958)

pastedGraphic_1.png

hình 2

 

Nghe tên Boris Leonidovich Pasternak (Борис Леонидович Пастернак) mọi người đều nghĩ đến Bác sĩ Zhivago, cuốn truyện nổi tiếng với số phận ly kỳ không kém gì tác giả của nó. Khi tác phẩm ra đời (năm 1955), dưới áp lực những lời công kích, phê phán của giới văn học và chính trị, không một nhà xuất bản nào nhận bản thảo. Phải chờ đến một năm sau, tác phẩm mới được xuất bản tại nước Ý, bản tiếng Nga và bản dịch tiếng Ý! Ngay sau đó, cuốn truyện được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác, xuất bản tại nhiều quốc gia khác (tiếng Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thuỵ Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan…)  Bản tiếng Anh đầu tiên do Max Hayward và Manya Harari dịch, xuất bản vào tháng 8 năm 1958, là bản dịch  tiếng Anh duy nhất được biết trong suốt 50 năm và trong hai năm 1958, 1959 đứng đầu danh sách  best-seller của báo The New York Times trong 26 tuần. Còn bản gốc, tất nhiên bằng tiếng Nga, chỉ được in tại Liên Xô lần đầu tiên vào năm 1988!  Độc giả Việt Nam, may mắn hơn, đã  thưởng thức tuyệt phẩm này qua bản dịch “Vĩnh biệt tình em” của Nguyễn Hữu Hiệu, do Tổ hợp Gió xuất bản tại Saigon năm 1974.
Cần nói ngay rằng Boris Pasternak không phải chỉ là nhà văn. Ngoài cuốn truyện này và một số tác phẩm văn xuôi khác, ông còn nổi tiếng là một dịch giả tài năng. Trong thời gian những sáng tác của mình không phổ biến được, ông chuyên chú dịch thơ cổ điển tiếng Pháp, tiếng Đức (cuốn Faust của Goethe), và nhất là tiếng Anh.  Các bản dịch những bi kịch của Shakespeare được đánh giá là những bản tiếng Nga hay nhất.
Tuy nhiên, thể loại để lại dấu ấn rõ nhất về con người đa tài này vẫn là thơ. Ngay Viện Hàn Lâm Thuỵ Điển khi quyết định trao giải cho ông cũng đã nói rõ Boris Pasternak được chọn “nhờ những thành tựu xuất sắc trong thi ca trữ tình hiện đại, cũng như nhờ sự tiếp nối truyền thống tiểu thuyết sử thi vĩ đại của văn học Nga”.

(Nói thêm một chút về chuyện giải Nobel. Giải Nobel về văn học được trao cho ông vào năm 1958, một sự kiện làm tốn bao nhiêu giấy mực từ thời điểm đó đến tận hàng chục năm về sau. Phản hồi nhanh chóng của Boris Pasternak khi được tin, là bức điện tín gửi ngay sang Thuỵ Điển: “Vô cùng biết ơn, cảm động, tự hào, ngạc nhiên, bối rối”. Tiếp theo là sự công kích, phản đối nặng nề, cay độc, trực diện, việc khai trừ Boris Pasternak ra khỏi Hội Nhà Văn Liên Xô, và sự đe doạ nếu ông đi nhận giải thưởng sẽ không được phép trở về quê hương. Ông đành phải gởi bức điện tín thứ hai: “Nhìn nhận ý nghĩa của sự trọng vọng này trong xã hội tôi đang sống, tôi buộc phải từ chối giải thưởng không xứng đáng được trao cho tôi. Xin đừng xem sự từ chối tự nguyện của tôi là một hành động xúc phạm.” Viện Hàn Lâm Hoàng gia Thuỵ Điển tiếp nhận thông tin này bằng một văn bản chính thức trong đó nêu rõ: “… Tất nhiên sự từ chối này không ảnh hưởng đến hiệu lực của giải thưởng. Chỉ có điều là Viện Hàn Lâm lấy làm tiếc phải thông báo là lễ trao giải không thể diễn ra.”  Hai mươi chín năm sau khi Ông qua đời, tháng 12 năm 1989, con trai của Boris Pasternak là nhà văn Evguenii đã được mời sang Thuỵ Điển nhận giải thưởng thay ông, với những nghi thức long trọng của một lễ trao giải chính thức.)

Năm 1914, ông in tập thơ đầu tiên “Sinh đôi trong đám mây”, gây được nhiều thiện cảm trong công chúng. Năm 1922, ông cho ra đời tập thơ “Chị tôi, cuộc đời”, được các nhà thơ đương thời ( Maïakovski, Tsvetaïeva, Mandelstan, Ehrenburg ) tán thưởng, ông nhanh chóng nổi tiếng từ đây. Một năm sau ông xuất bản tiếp cuốn “Những chủ đề và biến tấu”, đã viết từ năm 1918, nay mới công bố. Và những năm sau đó ông lần lượt cho xuất bản nhiều thi tập khác. Ngay trong cuốn tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago, ông dành hẳn phần cuối truyện để đưa vào 25 bài thơ dưới nhan đề Thơ Yuri Zhivago. Thơ của Yuri Zhivago hẳn là viết cho Lara, nhân vật nữ trong tiểu thuyết, hoá thân của Olga Ivinskaya, tình yêu lớn của tác giả những năm cuối đời.
Bài MÙA THU nằm trong số 25 bài thơ này. Người viết bài không đọc được tiếng Nga nên đành phải giới thiệu từ bản dịch tiếng Anh: Autumn.

 

  1. TIẾNG EM CƯỜI

(YOUR LAUGHTER)

pastedGraphic_2.png

hình 3

 

Nếu em muốn cứ lấy đi không cho anh thức ăn,
Lấy đi cả không khí, nhưng
Đừng lấy đi tiếng em cười khỏi anh.

Đừng lấy đi đoá hồng,
Nụ hoa em đã hái
Giọt nước bất chợt
Vui mừng bắn toé ra
Con sóng bạc
Tình cờ hiển lộ nơi em.

Cuộc đấu tranh gian lao và anh trở về,
Với đôi mắt mệt mỏi
Vì nhiều lúc đã phải nhìn
Trái đất chẳng hề thay đổi
Nhưng khi tiếng em cười
Vang vọng lên không trung tìm kiếm anh
Nó đã mở ra cho anh tất cả
Cánh cửa của nhân sinh.

Em yêu, trong giờ phút đen tối nhất,
Tiếng em cười bật ra,
Và nếu bất chợt
Em thấy máu anh nhuộm bẩn
Gạch đá con đường,
Thì em hãy cười lên, vì tiếng em cười
Sẽ là thanh kiếm mới
Trong tay anh.

Bên cạnh biển trong mùa thu,
Tiếng em cười hẳn sẽ làm cuộn lên
Dập dồn sóng bạc.
Và, vào mùa xuân, em yêu,
Anh muốn tiếng em cười giống như
Đoá hoa anh hằng chờ đợi,
Đoá hồng xanh vọng tưởng quê hương.

Em hãy cười nhạo buổi tối,
Cười ban ngày, cười ánh trăng,
Hãy cười nhạo những con đường
Ngoằn ngoèo trên đảo,
Hãy cười nhạo chàng trai vụng về
Đang yêu em.
Nhưng khi anh
Mở mắt rồi nhắm lại,
Khi anh bước ra đi,
Khi anh bước trở về,
Em có thể khước từ anh thức ăn, không khí,
Ánh sáng, mùa xuân,
Nhưng đừng bao giờ lấy đi tiếng em cười,
Vì anh sẽ chết mất, em ơi!

 

PABLO NERUDA
1904 – 1973
(Nhà thơ Chile – Giải Nobel Văn học 1971)

pastedGraphic_3.png

hình 4

 

Pablo Neruda bắt đầu làm thơ từ lúc mới mười ba mười lăm tuổi. Thi phẩm đầu tiên là “Crepusculario” (Hoàng hôn) in năm 1923 ở tuổi 19. Từ thời điểm này cho đến khi qua đời, ông đã cho xuất bản hơn 40 tập thơ với những kích cỡ, tầm vóc, ngôn ngữ, bút pháp đa dạng, lạ lùng, độc đáo, đôi khi khó hiểu, khó dịch sang ngôn ngữ khác. Ông viết về đủ mọi đề tài, hướng đến độc giả đủ mọi lứa tuổi, viết về tình yêu, về những biến cố lịch sử, về chiến tranh, về đất nước, con người, thiên nhiên, về những sự việc tầm thường…
Đó là tác phẩm đồ sộ Canto general (Bài ca chung), xuất bản năm 1950, gồm 231 bài thơ với hơn 15 000 câu, xếp thành 15 phân đoạn, kiểu như các chương của tiểu thuyết. Tác phẩm nói về toàn thể lục địa Nam Mỹ, đất nước, con người, thiên nhiên, cây cỏ, và về các bi kịch lịch sử của nó. Bài ca kết thúc với những tự sự về cuộc đời, về lý tưởng và những chiêm nghiệm về sự sống và cái chết. Tác phẩm này xuất bản tại Mexico, sau đó được dịch và phổ biến nhiều nơi trên thế giới, nhưng bị cấm tại ngay quê hương của tác giả.
Đó là tác phẩm Odas Elementales (Tụng ca khởi thuỷ), gồm ba tập, xuất bản trong các năm 1954 – 1959, viết về những sự vật tầm thường, nhỏ nhặt, như rượu, trà, củ hành, củ tỏi, cà chua, trái táo, cuốn sách , chiếc xe đạp, con chó con mèo…, khiến mọi người ngỡ ngàng, sửng sốt, nhưng đọc rồi lại thấy thích thú vì những sự vật giản dị đời thường đó hoá ra chẳng tầm thường chút nào mà có lúc ẩn chứa những trầm tư sâu sắc, những lát cắt sắc nhọn bất ngờ của cuộc sống.

Nhưng nói đến thơ Pablo Neruda là phải nói đến thơ tình, bởi những bài thơ tuyệt tác nhất của ông, được độc giả tìm đọc, nhắc đến và yêu thích chính là những bài thơ tình.

Đó là thi phẩm “Veinte poemas de amor y una cancion dêsperada” (Hai mươi bài thơ tình và một bài ca tuyệt vọng), xuất bản năm 1924, được cho là ông viết tặng người yêu đầu đời là Laura Arrue sau cuộc tình dang dở. Tập thơ nhắc đến tình yêu với nhiều uyển ngữ, ẩn dụ, nhắc đến người tình với thi vị mộng mơ và với cả trần tục đời thường, có hơi hướm tình dục, có mái tóc, làn da, nét môi, mà cũng có cả vú, ngực, đùi, háng! Pablo Neruda nhanh chóng nổi tiếng và tác phẩm liên tục được in lại hàng triệu bản. Chính tác giả cũng bày tỏ sự ngạc nhiên “không hiểu tại sao chỉ là những bài thơ Tình sầu, Tình buồn mà có nhiều người thích đến thế, mà có nhiều bạn đọc trẻ yêu thích đến thế”.

Về sau, để tặng vợ là Martilde Urrutia, ông in tiếp thi phẩm “Cien sonetos de amor” (Một trăm bài đoản thi tình yêu), khắc hoạ chân dung tình yêu muôn màu muôn vẻ, không lặp lại, không nhàm chán.
Một trăm hai mươi bài thơ trong hai tập này đều không có nhan đề, chỉ được đánh số thứ tự. Khi trích dẫn từng bài, người ta thường lấy câu đầu của bài thơ làm nhan đề.
Hai năm trước khi qua đời vì bệnh ung thư, Pablo Neruda được trao tặng Giải Nobel về Văn học năm 1971 vì “thơ ông có sức mạnh mãnh liệt mang lại sức sống cho vận mệnh và ước mơ của cả châu lục”. Thực ra, chưa cần đến  giải thưởng này, Ông vẫn được vinh danh là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của thế kỷ XX.

( Thơ Pablo Neruda viết bằng tiếng Bồ Đào Nha. Bản dịch bên trên dựa vào bản tiếng Anh: YOUR LAUGHTER)

 

 3. ĐOẠN RỜI MỘT LÁ THƯ
(FRAGMENT OF A LETTER)


pastedGraphic_4.png

hình 5

Mưa suốt đêm tạt vào cửa sổ
Không thể nào ngủ
Tôi trở dậy bật đèn
Ngồi viết một lá thư.

Nếu tình yêu có thể bay xa
Điều tất nhiên chẳng xảy ra
Và nó cũng không mấy khi ở gần mặt đất
Hẳn nó sẽ cảm thấy mê say được ấp ủ
Trong cơn gió nhẹ thoảng qua.

Nhưng giống như những con ong giận dữ
Dồn những chiếc hôn ghen tị
Trên cơ thể con ong cái ngọt ngào
Và một bàn tay nóng vội
Níu chặt những gì có thể với tới
Và lòng khao khát thì chẳng hề suy giảm
Ngay cả cái chết cũng có thể xảy ra
trong khoảnh khắc hân hoan
mà không hoảng sợ

Nhưng nào ai đã một lần tính được
Bao nhiêu yêu thương gởi gắm
Trong đôi vòng tay rộng mở.

Những lá thư gửi cho phụ nữ
Tôi vẫn chuyển qua cánh chim bồ câu
Ý thức tôi vẫn luôn sáng tỏ
Chẳng bao giờ nhờ cậy diều hâu
Và cũng không nhờ chim ó đâu!

Dưới ngòi bút tôi thơ không còn bay nhảy
Và như giọt lệ đọng lại nơi khóe mắt
Con chữ còn treo lại đàng sau.
Và cuộc đời tôi, đến thời kỳ cuối,
Giờ chỉ là chuyến hành trình hối hả trên con tàu:

Tôi đứng trong toa, bên cửa sổ
Ngày qua ngày
Chạy ngược về quãng thời gian qua
Để lẫn vào đám bụi mờ u sầu
Có nhiều lúc tôi bất lực nắm lấy
Cái phanh cấp cứu của con tàu.

Có lẽ sẽ thêm một lần tôi bắt gặp
Nụ cười một người phụ nữ,
Đọng lại nơi mí mắt
Như một cánh hoa héo hắt.
Có lẽ tôi sẽ còn được phép
Gởi đến đôi mắt nàng ít nhất là một nụ hôn
Trước khi chúng lạc mất trong bóng tối đen.

Có lẽ sẽ thêm một lần tôi nhìn thấy
Một mắt cá chân thon nhỏ
Nổi lên như viên ngọc
Toát ra vẻ dịu dàng ấm áp,
Khiến tôi gần như nghẹt thở vì khát khao.

Bao nhiêu điều con người đành bỏ lại phía sau
Khi chuyến tàu dửng dưng tiến lại gần
Ga Quên Lãng
Với khu vườn lan nhật quang lung linh mờ ảo
Trong hương hoa mọi thứ đều bị lãng quên
Kể cả tình yêu nhân thế.

Đây đã là ga cuối:
Con tàu không đi xa hơn.

 

JAROSLAV SEIFERT
1901 – 1986
(Nhà thơ Czech – Giải Nobel Văn học 1984)

pastedGraphic_5.png

hình 6

 

Cuộc đời Jaroslav Seifert kéo dài hơn 3/4 thế kỷ XX trên một đất nước trải qua nhiều chế độ chính trị khác nhau: Đế quốc Áo Hung ( đến 1918 ), Cộng hoà Tiệp Khắc (1918 – 1960), Cộng Hoà XHCN Tiệp Khắc (1960 – 1990), Cộng Hoà Liên Bang Tiệp Khắc (1990 – 1992), Cộng Hoà Séc – Czech (từ 1-1-1993).
Tuy khởi nghiệp là một nhà báo, Jaroslav Seifert đã sớm từ bỏ lĩnh vực báo chí để chú tâm vào thơ ca. Từ khuynh hướng siêu thực ban đầu, ông chuyển dần sang nội dung thời sự, chính trị, chọn thái độ phản kháng, chống lại những chính sách độc tài, hạn chế tự do. Hội Nhà Văn Tiệp Khắc (mà ông là chủ tịch từ năm 1969) bị giải thể. Tác phẩm của Jaroslav Seifert bị cấm và chỉ được xuất bản dưới hình thức samizdat (tự in ấn và phổ biến  rồi được thế giới biết đến qua các bản dịch tiếng Anh xuất bản ở nước ngoài.
Một mảng lớn thơ ca của ông còn viết về những đề tài phi chính trị, ca ngợi tình yêu, hạnh phúc với những giá trị vĩnh cửu.
Năm 1984, Jaroslav Seifert được Viện Hàn Lâm Thuỵ Điển trao giải Nobel Văn học, vinh danh sự nghiệp “thơ ca chứa đầy sự tươi mới, nhạy cảm và giàu sáng tạo, biểu hiện một hình ảnh rõ ràng của tinh thần và sự đa dạng không thể khuất phục của con người”.
(Bài thơ trên dưa theo bản tiếng Anh, dịch từ tiếng Tiệp, của Ewald Osers)

 

pastedGraphic_6.png

hình 7



4. KHÔNG CÓ GÌ HAI LẦN

     ( NOTHING TWICE )

Không có gì xảy ra hai lần
Thực tế mọi chuyện đều đúng vậy
Ta sinh ra chỉ tình cờ thôi đấy
Rồi chết đi chẳng tính trước được đâu.

Cho dù chỉ là người lười nhác
Và tối dạ nhất ở trên đời
Ta chẳng thể nào học lại lớp:
Khoá học chỉ mở một lần thôi.

Không ngày nào mô phỏng ngày hôm trước
Không có hai đêm trao cùng niềm hạnh phúc
Và cũng sẽ không làm sao có được
Hai nụ hôn, hai tia nhìn giống hệt nhau

Ngày hôm qua em nghe như có tiếng
Ai nhắc tên anh, bất chợt, khác thường
Em cảm thấy như bông hồng chao liệng
Rơi vào phòng, ngan ngát mùi hương.

Hôm nay đây khi ta ở gần nhau
Em mải nhìn lên tường lặng lẽ
Một đoá hồng. Có phải là như thế?
Một bông hoa? Hay là viên đá, biết đâu?

Sao ta cứ nhìn ngày tháng lướt trôi
Với sợ hãi, với âu lo vô ích?
Rất thường tình, mọi thứ rồi sẽ mất,
Ngày hôm nay còn đâu nữa đến mai.

Nở nụ cười, và  ôm nhau thắm thiết
Ta cố tìm sự thân thiện hòa đồng
Dẫu thực lòng chúng ta vẫn từng biết
Mình khác nhau như hai giọt nước trong

 

WISLAWA SZYMBORSKA
1923 – 2012
(Nhà thơ Ba Lan – Giải Nobel Văn học 1996)

pastedGraphic_7.png

hình 8

Bắt đầu đăng thơ từ năm 22 tuổi trên phụ trang hàng tuần của nhật báo Dziennik Polski và tiếp tục phổ biến sáng tác của mình trên các nhật báo và tạp chí. Từ năm 1952 (xuất bản tập thơ đầu tiên) đến lúc qua đời vào năm 2012, đã lần lượt cho phát hành gần 20 thi phẩm, trong đó một số lớn được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Bà được trao bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Adam Mickiewicz tại Poznan (1995), và đã được tặng nhiều giải thưởng văn học: giải thưởng Goethe của Đức (1991); giải thưởng Herder của Áo (1995); giải thưởng của Hội Văn Bút Ba Lan (1996), Giải Nobel Văn học năm 1996. “Ở Szymborska Viện Hàn lâm Thụy Điển muốn vinh danh một đại diện – một đại diện có sự thuần khiết và sức mạnh lạ thường và cứng cỏi – của một quan điểm thơ ca. Của thơ ca với tư cách là một  phản hồi đối với cuộc sống, một lối sống, của nghệ thuật ngôn từ với tư cách là tư tưởng và trách nhiệm”. (Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển –Birgitta Trotzig, nhà văn, thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển. Award Ceremony Speech – Bản tiếng Anh của Rika Lesser).

Tại buổi yến tiệc tổ chức sau lễ trao giải tại Tòa Thị chính Stockholm vào tối 10/12/1996, khi Quốc vương Thụy Điển Karl Gustaf phát biểu chúc mừng bà  bằng tiếng Pháp), WISLAWA SZYMBORSKA đáp lại ngắn gọn (cũng bằng tiếng Pháp):

“Không ai có thói quen được nhận giải Nobel, và cũng không ai có thói quen bày tỏ sự biết ơn của mình về việc đó. Trong tiếng mẹ đẻ của tôi, cũng như trong những ngôn ngữ khác, có nhiều từ đẹp để lựa chọn. Nhưng với tôi, vào dịp này, từ đơn giản nhất là nghiêm túc và có ý nghĩa nhất: Cám ơn  merci- dziêkujê).”

Từ tác phẩm bước ra đời thường, WISLAWA SZYMBORSKA vẫn giữ phong cách riêng như thế.

Lặng lẽ và khiêm nhường, thông minh và sáng tạo, WISLAWA SZYMBORSKA ở tuổi ngoài tám mươi vẫn tiếp tục sáng tác. Năm 2002, bà xuất bản tuyển tập “Khoảnh khắc”gồm 23 bài thơ. Cùng năm đó, tác phẩm “Bài đọc nhiệm ý – Văn xuôi” ra đời, tập hợp những bài phê bình của bà. Năm 2005 thêm một tuyển tập thơ nữa: “Dấu hai chấm”. Vẫn bản tính ưa hài hước châm biếm mà không hề hời hợt, xuê xoa. Vẫn khuynh hướng chuyển hóa những nhận xét qua kinh nghiệm cá nhân thành những suy nghiệm về phận người mong manh, về sự hiện diện của cá thể nhỏ nhoi giữa bao la vũ trụ. Khó tìm thấy một nhà thơ nào khác có nét tương đồng với bà về ngôn ngữ và tư tưởng. Phải chăng vì điều này mà thơ của WISLAWA SZYMBORSKA đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng khác nhau trên thế giới?

Ngày 17/1/2011 Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski đã trao tặng bà phần thưởng cao nhất của nhà nước: Huân chương Đại bàng trắng “để ghi nhận những cống hiến của bà cho nghệ thuật Ba Lan và những thành tựu xuất sắc của bà trong lĩnh vực văn học”.

WISLAWA SZYMBORSKA từng tâm sự rằng khi làm thơ bà chỉ dùng bút chứ không bao giờ sử dụng máy vi tính. Nhất thiết phải có một khung cảnh thật riêng tư. “Tôi không tưởng tượng được có nhà văn nào mà không tìm cho mình thanh bình và yên lặng. Thơ không thể ra đời giữa tiếng ồn, trong đám đông hay trên xe buýt. Phải ở trong bốn bức tường và tin chắc là chuông điện thoại sẽ không reo”. Có khi bà đang viết một bài, rồi để đó bắt đầu một bài khác. Có khi bà làm hai bài cùng một lúc. Số bài thơ bà viết nhiều hơn số đã in. Thơ viết vào buổi tối, sáng hôm sau đọc lại và có thể sẽ cho vào sọt rác để sẵn ở trong phòng. Còn bài thơ mà bà hài lòng nhất thì chính là bài bà đang định viết lúc này đây. Bà thích nên mới quyết định khai bút, còn khi nó đã thành hình, đã được in vào sách thì hãy để nó tự xoay xở lấy. Còn vì sao lại làm thơ ư? Chẳng phải là một sứ mạng to tát gì. Vào một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, khi đã qua tuổi ấu thơ, bạn sẽ bước vào một thế giới đầy rủi ro và trách nhiệm cá nhân, bạn sẽ nghiệm ra rằng chẳng thể làm được gì để tránh điều đó. Cứ làm thơ và sẽ thấy. Có khi bạn sẽ tự biết đó là thơ tồi, mọi người sẽ chối bỏ nó. Nhưng cũng có khi bạn thành công.
(…)Có khi tôi thực sự có nhu cầu tinh thần để nói cái gì đó tổng quát hơn về thế giới, và cũng có khi cái gì đó riêng tư. Tôi thường viết cho một độc giả riêng lẻ – tuy tôi vẫn muốn có nhiều người như vậy. Có nhiều nhà thơ viết cho số đông người tụ họp trong phòng lớn, họ sẽ cùng nhau chia sẻ. Tôi lại thích độc giả của mình tiếp xúc tay đôi với tác phẩm”

Nét nổi bật trong thơ WISLAWA SZYMBORSKA là  ngôn từ, giản dị, cô đọng mà chính xác; bà thường xuyên sử dụng sự hài hước, châm biếm, ngay cả nghịch lý, để làm nổi bật nội dung sâu sắc. Đề tài ưa thích là cuộc sống thường ngày, được kể lại một cách tinh tế, lắm khi mỉa mai, khởi đầu cho những chiêm nghiệm có màu sắc triết lý.

WISLAWA SZYMBORSKA qua đời ngày 1/12/2012.  Trong giá lạnh, tuyết rơi trắng trời, ngày 9 tháng 2 năm 2012, tại thành phố Krakow, nơi bà là công dân danh dự, hơn tám ngàn người đã đến vĩnh biệt bà, trong số đó có Tổng thống Cộng hòa Ba Lan Bronislaw Komorowski cùng phu nhân, Chủ tịch Hạ viện Ewa Kopacz, Chủ tịch Thượng viện Bogdan Boruszewicz, Thủ tướng Donald Tusk, nhiều bộ trưởng và các quan chức Ba Lan, đại diện các cơ quan ngoại giao đoàn, các nhà thơ, nhà văn, dịch giả, các nghệ sĩ, bạn bè và những người mến mộ. Theo ý nguyện của bà, đúng 12 giờ trưa, bình đựng hài cốt của bà được đưa từ nhà tang lễ tới khu mộ gia đình, nơi bố mẹ bà đang an nghỉ.

Bài “Không có gì hai lần” giới thiệu trên đây đã được phổ nhạc và ngay trong tang lễ của Bà, giai điệu bài này đã ngân vang từ trên tháp chuông nhà thờ Mariacki, một nhà thờ cổ kính vào bậc nhất Châu Âu, ở trung tâm cố đô Krakow, thay vì tiếng chuông hiệu vào giờ này hằng ngày.

(Bài thơ dịch theo bản tiếng Anh thay cho nguyên tác tiếng Ba Lan)

 5. LÁ VÀNG RƠI
(LES FEUILLES MORTES)


 

 

pastedGraphic_8.png

hình 9

 

Anh tha thiết mong em còn mãi nhớ
Những ngày xưa thân ái của đôi ta
Vào thuở ấy cuộc đời xinh đẹp quá
Và mặt trời rực rỡ hơn bây giờ.

Ngàn muôn lá vàng xao xác rụng rơi
Em thấy đó, anh không hề quên mất
Ngàn muôn lá vàng xao xác rụng rơi
Bao kỷ niệm, bao nỗi niềm u uất.

Gió vô tình về cuốn lá bay đi
Vào cõi lãng quên tối tăm lạnh buốt
Em thấy đó, anh không sao quên được
Khúc tình ca em thường hát anh nghe.

Khúc hát đó tựa như tình đôi ta
Em yêu anh và anh cũng yêu em
Em và anh, ta chung sống chan hòa,
Anh và em, ta yêu nhau thắm thiết.

Đời làm cho bao lứa đôi xa cách
Lặng lẽ, âm thầm, chẳng để ai hay
Và sóng biển xóa dần trên bãi cát
Dấu chân người tình cũ đã chia tay.

Ngàn muôn lá vàng xao xác rụng rơi
Bao kỷ niệm, bao thương tiếc không nguôi
Tình anh vẫn lặng thầm và chung thủy
Vẫn son tươi và cảm tạ cuộc đời.

Yêu em lắm, em vẫn xinh đẹp quá
Lẽ nào em muốn anh quên em yêu
Thuở có nhau cuộc đời sao thật đẹp
Và mặt trời cũng rực rỡ hơn nhiều.

Em vẫn là người tình hiền dịu nhất
Nhưng giờ đây anh chỉ biết tiếc thương
Và bài ca năm nào em thường hát
Trong hồn anh muôn thuở vẫn còn vương.

 

JACQUES PRÉVERT
1900 – 1977
(Nhà thơ Pháp)

pastedGraphic_9.png

hình 10

Sinh ra cùng với thế kỷ XX và sống đến 3/4 thế kỷ này, JACQUES PRÉVERT đã để lại cho đời những dấu vết sâu đậm. Năm 1992, mười lăm năm sau khi Ông qua đời, toàn bộ tác phẩm của Ông đã được in trong Tủ sách Pléiade, một tủ sách “sang trọng” dành cho những tác giả mà tài năng và danh tiếng đã được thừa nhận. Tập thơ Paroles (Lời nói) xuất bản lần đầu vào tháng 5 năm 1946, chỉ một tuần sau đã in thêm 5000 bản, đến nay vẫn còn tái bản và tính ra đã có hơn hai triệu bản in. Khắp nơi trên đất Pháp hiện nay có hàng trăm trường học mang tên Ông, chỉ tính riêng trường trung học (collège / lycée) có đến 309 trường.

Ngay từ các tập đầu tiên, thơ JACQUES PRÉVERT đã chinh phục người đọc mọi lứa tuổi bằng một thứ ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu. Ông không coi trọng cú pháp, vần luật, diễn đạt nhẹ nhàng, hồn nhiên, có khi như là văn nói. Cái nhan đề PAROLES (Lời nói) cũng phần nào hàm chứa ý đó. Mà nhìn kỹ một chút thì PAROLES chính là anagramme (sắp xếp, đảo lộn thứ tự các chữ cái) của LA PROSE (văn xuôi) đó thôi. Cái xu hướng tự do của Ông trước hết thể hiện ở chỗ trong cùng một tác phẩm, Ông đưa vào đủ loại thơ: thơ có vần, thơ tự do, thơ kể chuyện, trữ tình, công kích, có bài như một tiểu phẩm (saynète), có những bài rất ngắn (3 câu, 4 câu), có bài dài trên 30 trang (La crosse en l’air / Gậy quyền chỉ lên trời).
JACQUES PRÉVERT viết như một nhà ảo thuật của ngôn từ nhưng điều này không có nghĩa là thơ Ông dễ dãi, hời hợt. Là người sớm vào đời lao động kiếm sống, Ông tỏ ra đồng cảm với những cảnh đời khốn khó, chia sẻ với những thân phận bị áp bức, bóc lột. Ông lớn tiếng chống lại những thế lực tước đi tự do và hạnh phúc của con người, và, ở đây, không có đề tài nào là cấm kỵ  tabou) đối với Ông.
Ông luôn ca ngợi tình yêu, thương yêu trẻ em, quan tâm đến thú vật – đấy là những chủ đề quen thuộc trong thơ JACQUES PRÉVERT.

Đối với JACQUES PRÉVERT, tình yêu rất cần cho cuộc sống, yêu là sống và sống là yêu :
Chúng ta yêu nhau và chúng ta đang sống
Chúng ta đang sống và chúng ta yêu nhau
Và chúng ta không biết cuộc đời là gì đâu
Và chúng ta không biết hôm nay là ngày mấy
Và chúng ta không biết tình yêu nó ra sao.
( Chanson / Bài ca )

Đó là tình cảm nhẹ nhàng tinh khiết của những đứa trẻ ôm hôn nhau “trong ánh sáng chói lòa của mối tình đầu tiên” (Les enfants qui s’aiment / Những đứa trẻyêu nhau), tình yêu của đôi trai gái cùng mới mười lăm tuổi phải “ăn gian” cộng tuổi cả hai để nói chúng ta đã ba mươi tuổi rồi chúng ta đã có quyền yêu nhau. (Embrasse-moi / Hãy ôm hôn em). Thơ tình của JACQUES PRÉVERT bao giờ cũng mượt mà trau chuốt, kể cả những bài rất ngắn. ALICANTE chẳng hạn. (Alicante là tên một thành phố hải cảng của Tây Ban Nha, cũng là tên một thứ rượu vang nổi tiếng sản xuất ở đây). Có thể nói Jacques Prévert đã vận dụng sở trường về hội họa và kịch nghệ trong bài này. Bài thơ mở đầu với hình ảnh một bức tranh tĩnh vật :
(1)Một trái cam trên bàn
(2)Áo em trên tấm thảm
Điều thú vị là tác giả đã chuyển hình ảnh này sang đoạn sau bằng sự nhắc lại mà không trùng lặp ở hai câu 4 và 5 :
(4)Tặng phẩm ngọt ngào của hiện tại
(5)Khí mát của đêm thanh
Đến câu thứ ba (được nhắc lại ở câu thứ 6) không gian tĩnh đã nhường chỗ thế giới động với sự xuất hiện của nhân vật :
(3)Và em trên giường anh
………………
(6)Hơi ấm của đời anh.
Và như thế tranh vẽ đã chuyển thành màn kịch ngắn với ngôn ngữ không lời, bố cục độc đáo của bài thơ mở ra nhiều hướng cho người đọc tự cảm nhận.

JACQUES PRÉVERT đã đi qua thời đại đầy biến động của Ông với một thái độ tỉnh táo, không gò mình trong khuôn phép của trường phái nghệ thuật, không để bị ràng buộc bởi xu hướng chính trị, tự khẳng định mình qua nhiều hình thức biểu hiện và nổi trội hơn cả vẫn là thơ vì với Ông “Thơ ca có mặt ở khắp nơi cũng như Thượng đế chẳng có ở đâu cả.Thơ ca là một trong những biệt danh xác thực nhất, hữu dụng nhất của cuộc đời” (La poésie est partout comme Dieu n’est nulle part. La poésie, c’est un des plus vrais, un des plus utiles surnoms de la vie”. Thế giới thơ của JACQUES PRÉVERT, cũng như chính con người JACQUES PRÉVERT,  bao giờ cũng tự do, tự do như khí trời, tự do như mây gió, tự do như hoa cỏ trong ĐỒNG XANH ( pré vert ) .

Thơ của JACQUES PRÉVERT còn được chắp cánh bay xa khi chuyển thành nhạc. Bài thơ đầu tiên được phổ nhạc là bài Les animaux ont des ennuis, phần nhạc do một người bạn gái thuở thiếu thời của Ông là Christiane Verger viết từ năm 1928. Về sau, rất nhiều tác giả khác đã sáng tác nhiều ca khúc bất hủ từ thơ của Ông, ngoài Joseph KOSMA (1905-1969) được nhiều người biết còn có thể kể Louis Bessières, Hanns Eisler, Wal-Berg, Georges Auric, Jo Warfield, Henri Crolla, Sebastien …. Mấy chục năm nay những bài này đã được nhiều thế hệ ca sĩ trình bày như Agnès Capri, Marianne Oswald, Germaine Montero, Fabien Loris , nổi tiếng hơn là Juliette Gréco, Yves Montand, Mouloudji, les frères Jacques, Edith Piaf và hiện nay còn có Jean Guidoni, Catherine Ribeiro, Djemel Charif.

Bài LES FEUILLES MORTES ban đầu là một bài thơ, sau được phổ nhạc và có sức lan toả rộng khắp qua những giọng ca nổi tiếng của từng thế hệ. Bài hát đã từng được dịch sang tiếng Anh (AUTUMN LEAVES hoặc DEAD LEAVES), được trình bày sớm nhất bởi Nat King Cole, và sau đó, Frank Sinatra.
Bài hát này còn được nhiều nhạc sĩ đặt lời tiếng Việt, chẳng hạn “Lá thu vàng” (Lữ Liên), “Lá úa” (Y Vân), “Lá rụng” (Phạm Duy), “Lá rụng” (Nguyễn Đình Toàn) và “Mùa thu lá úa” (Phạm Ngọc Lân).

(Bài dịch thơ bên trên được dịch từ nguyên tác tiếng Pháp)

THÂN TRỌNG SƠN