jeudi 29 mars 2018

NGƯỜI VỢ CÂM






Truyện ngắn

Thomas Burke
Nhà văn Anh
( 1886 - 1945 )


Sinh tại Clapham, ngoại ô thành phố Luân Đôn, nước Anh. Cha chết khi còn rất nhỏ, ông sống với người chú, sau được gởi vào một cô nhi viện. Ở tuổi mười lăm, ông rời trường học đi làm kiếm sống, ông phụ việc cho một cửa hàng bán sách cũ. Ông tập tành viết lách từ sớm, truyện ngắn đầu tiên ông viết lúc mới 16 tuổi. Được khích lệ, ông hoàn thành tập “ Đêm thành phố “ ( Nights in Town ), gồm những bức phác thảo về đời sống dân lao động ở Luân Đôn. Sau đó, ông viết tiếp “ Limehouse Nights” , nói về đời sống cơ cực của kiều dân Trung Hoa ở Limehouse, ngoại ô thủ đo Luân Đôn, với nhân vật Quong Lee. Tác phẩm được đón nhận nồng nhiệt, các nhà xuất bản Anh và Mỹ bắt đầu đặt hàng ông. Ông sáng tác nhiều thể loại, truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận, thơ, thậm chí còn viết lời cho một số ca khúc.

Truyện “ Người vợ câm “ giới thiệu dưới đây nguyên bản là truyện The Dumb Wife, được Alfred Hitchcock giới thiệu trong tuyển tập “ Stories They Wouldn’t Let Me Do on TV “ in năm 1957. 




Chuyện tình này thật tăm tối, cũng tăm tối như các dãy nhà buồn tẻ chắn không cho ánh sáng soi tới những con đường dọc theo bến cảng. Ở những con đường  xám xịt này, vắng hẳn tiếng động, không thấy khung cửa sổ hiếu khách, buổi chiều nào cũng thấy lạnh lẽo. Nơi đó, những vỉa hè chật hẹp tạo thành ranh giới ngăn những cư dân già nua gầy ốm với những mảng đá lót đường không dội lên tiếng bước chân đi.

Tuy nhiên, dù những tình cảm khác chết đi, cái đẹp, tình yêu và sự hy sinh vẫn tồn tại dai dẳng ở đó. Tại những nơi vắng vẻ bên trên dòng sông của thành phố Luân Đôn, những điều bất chính lan truyền và nở rộ, có khuynh hướng huỷ hoại những gì đẹp đẽ và dũng cảm. Tuy vậy, cái đẹp vẫn tồn tại. Ngay trong lòng bóng tối, tình yêu bắt rễ và tạo nên một nỗi đắm say bất diệt từ những khu vườn chang nắng, những ánh trăng soi, những khúc nhạc xuân.

Tại một trong những con đường buồn tênh như thế, cách xa khu Trung hoa một chút, có một tiệm giặt ủi của người Tàu. Bao nhiêu năm dài, một phụ nữ lai châu Á vẫn ngồi nơi chiếc cửa sổ phía trên của tiệm. Chị ngồi đó, ngày qua ngày, tháng qua tháng, gợi nên lòng trắc ẩn nơi những kẻ bất hạnh mà những khổ đau chưa làm tắt cạn sự thương cảm. Mọi người biết một phần câu chuyện của chị. Chị là vợ của ông chủ tiệm giặt ủi, ông Ng Yong, và chị bị câm.

Chừng nào trời còn sáng, chị vẫn còn ngồi nơi cửa sổ và nỗi buồn phiền đã xoá đi mọi biểu lộ cảm xúc trên khuôn mặt vốn bình thản của chị. Chị không nhìn gì, không nghe ngóng gì. Chị bất động và lặng lẽ, như một pho tượng. Và đôi mắt nhỏ phản ánh một nỗi khiếp sợ âm thầm đến độ khiến cho những người lạ đi ngang qua cửa sổ đều muốn bước nhanh chân để sớm ra tới đường chính của khu phố này. Người ta không bao giờ biết được chuyện gì xảy ra mỗi ngày sau khuôn mặt cứng đờ đó. Chỉ có thể tưởng tượng thôi. Có tình cảm hận thù, lo sợ, báo oán, chạy trốn nào, có ý tưởng đen tối nào, có hồi ức còn đen tối hơn nữa nào đang chất chứa trong cái đầu ấy? Điều đó, chúng ta không thể biết được.

Thỉnh thoảng, không hề báo trước, chị dứt đi nét vô hồn vô cảm và chợt nổi cơn thịnh nộ. Chị chạy ra cửa và những nỗ lực để nói đạt tới cực điểm. Nhưng trong khi chị tuyệt vọng quơ tay về hướng kho cảng Antilles, thì miệng chỉ ú ớ vài âm thanh không thành tiếng. Lúc này, chồng chị chạy đến. Ông buồn rầu nắm lấy tay chị và với vẻ quyết liệt dịu dàng, cố kéo chị về chốn ẩn lánh cô đơn của chị. Hàng xóm ái ngại  cho ông và khâm phục thái độ của ông trong thử thách này.

Ông giải thích với họ nỗi bất hạnh ập lên nhà ông, và nhiều khi, họ cũng giúp ông dỗ dành người bệnh. Là người chồng chu đáo, ông luôn theo vợ những lần hiếm hoi chị đi dạo. Khi chị cứ quẹo hết đường này sang đường khác, như thể muốn tìm một nơi chỉ  mình chị biết, và khi khách qua đường dừng lại, ngạc nhiên nhìn khuôn mặt van nài và đôi môi nhấp nháy vô vọng của chị, ông lại lôi kéo chị đi. Người lạ tránh ra xa còn những người quen biết hai vợ chồng tới gần để tiếp sức ông.

Mọi người chỉ biết có thế. Còn đây là toàn bộ câu chuyện.

Khi Moy Toon sinh ra ở Poplar, từ người mẹ gốc Anh và cha gốc Tàu, chị không được chào đón nồng nhiệt lắm. Bên gia đình mẹ hoàn toàn không biết đến chị, còn phía gia đình cha chỉ mong sao chị khỏi chết đói. Mồ côi từ rất sớm, chị vào làm trong một trà thất khu kiều dân Trung hoa, đảm nhận những công việc nặng nhọc nhất. Tại đây chị đã sống qua những năm cực khổ, không đếm tháng đếm ngày. Chị không nghĩ ngợi gì nhiều. Chị không cảm xúc nhiều. Chị ít khi hỏi chuyện gì. Có thể chị hài lòng với số phận, kiểu như một người nô lệ sinh ra trong cảnh đoạ đày và không được học hỏi gì. Chị đã thừa hưởng tính chịu đựng của người phương Đông nhiều hơn là tính hoài nghi và ý thức đấu tranh của người phương Tây. 

Sự việc diễn ra như nó vốn như thế và chị chấp nhận như vậy. Chị lớn lên nơi kho cảng phức tạp. Chị ít được giáo dục về đạo đức, những gì chị biết chỉ giới hạn trong những điều được dạy cho một phụ nữ ở tầng lớp cu li. Và chị trải qua những năm tháng tuổi trẻ trong cơn mê muội.

Một tối kia, có một chàng thuỷ thủ đến phòng trà trong tình trạng say khướt.  Chị đã thấy anh này nhiều lần ngoài đường và đã mến mộ, theo kiểu của chị, dáng đi tự nhiên, khuôn mặt rám nắng biển của anh. Tối hôm đó, trong khi đang say mèm, anh chàng đã để ý đến cô gái có nét duyên pha trộn giữa sự linh hoạt Âu Tây và sự nghiêm trang phương Đông. Anh đã tán tỉnh chị. Thực ra, anh chỉ cần mở lời, vì cô gái lai đã bị chinh phục ngay bởi người đàn ông kỳ diệu xuất hiện trong đời chị.

Nhiều đêm khác nữa tiếp nối đêm hôm đó. Anh chăm sóc chị từng li từng tí , gọi chị là Baby Doll hoặc đặt nhiều bí danh ngọt ngào khác, tặng chị những món quà rẻ tiền. Khi trở về đất liền, lần sau đó, anh lại tiếp tục đi chơi với chị, vui sướng được gần chị. Vài tháng sau, anh chào từ biệt chị vĩnh viễn và báo với chị là anh sắp cưới vợ, chuyển đến ở một khu vực khác tại Luân Đôn. Chị không còn gặp lại anh nữa. Chị chấp nhận việc anh ra đi, thản nhiên, không oán hận, cũng như chấp nhận mọi chuyện khác, dù là vui vẻ hay buồn đau, và cũng không đòi hỏi gì nơi anh.

Sau đó đứa con ra đời. Chủ nhà hàng không hài lòng lắm về cách hành xử ăn ở lầm lạc vụng về của chị. Tuy thế ông vẫn lo lắng phần nào cho cô người làm và đứa bé sơ sinh được mang gởi cho một bà già ở Blackwall, vốn là người khá quen biết trong cộng đồng kiều dân Trung hoa. Moy Toon yêu đứa bé điên cuồng. Với chị, đấy là kỷ niệm sống động của cuộc phiêu lưu duy nhất xảy ra trong đời và chị say mê đứa bé. Ban  đầu, chị không chịu xa con. Bằng cách giữ đứa bé bên cạnh mình, chị tỏ ra  khinh thường những người xem nhẹ việc làm mẹ phi thường của chị. Rồi, dần dà chị lại thấy lời họ khuyên là đúng. Với đứa con, chị  không thể hy vọng kiếm được khoản tiền khiêm tốn đang cần, bởi chị không muốn sống như cách những cô gái thuộc tầng lớp và cùng xuất thân như chị. Chị chỉ có một tình yêu duy nhất và, vì lợi ích của con, chị muốn mình nghiêm túc. Chị thích chế độ làm việc cực nhọc ở phòng trà hơn là những cuộc dan díu mờ ám ngoài đường phố. Chị biết là dù được gởi cho những người xa lạ, đứa bé sẽ nhận được những sự chăm sóc cần thiết  mà chị không làm được. Vì thế chị để cho sự khôn ngoan thắng thế tình cảm của mình và chịu gởi đứa bé, với điều kiện là chị được thăm con mỗi khi chị muốn.

Trong sáu năm liền, chị tiếp tục cuộc sống khô cằn của mình. Chị ít nhiều mang ơn là cuộc đời chẳng thú vị gì mỗi tuần lại đứt đoạn bởi những lần chị đi thăm con. Có điều là, trong những năm đó, nhiều lúc chị phải khóc thầm ban đêm. Chị nhớ sức sống trẻ thơ và những cử chỉ dịu dàng của đứa con mà chị không thể công khai đón nhận, và chị cố vươn tay về phía con một cách vô vọng trong bóng đêm. Nó đã lớn, trở thành một bé trai khoẻ mạnh so với tuổi nó, hay chạy chơi trên đường phố cảng. Có những buổi chiều chị vui thích hoá trang cho con thành thuỷ thủ: áo hạ sĩ, nút vàng, mũ cát két có lưỡi trai gắn vô số quân hàm. Chị gọi nó “ cậu thuỷ thủ bé nhỏ của mẹ” và những buổi chiều như thế bù đắp cho những đêm dài cô đơn của chị.

Vào đúng lúc này Ng Yong xuất hiện. Ông đã mua lại tiệm giặt ủi của người đồng hương khi ông này về xứ, và làm ăn phát đạt. Thế nhưng, nhìn kỹ nhà mình, ông phát hiện còn thiếu một thứ. Đó chính là một người vợ. Ông nhận ra rằng người vợ sẽ như là một món đồ gỗ đẹp làm cho cửa hiệu hoàn chỉnh hơn. Ông bắt đầu tìm kiếm một người, và ở phòng trà Trăm Rồng Vàng, ông tìm thấy Moy Toon. Chị chính là món hàng ông đang cần. Ông hỏi thăm chủ phòng trà, và được biết chị không có ràng buộc nào và đang thuộc sở hữu của ông chủ.

Ng Yong rất nghiêm khắc về đức hạnh của phụ nữ ( ông tự đặt mình vào vị trí của người có thể mua ) và đặt ra cho ông chủ hàng loạt câu hỏi về cuộc đời và hạnh kiểm của cô gái. Chủ phòng trà Trăm Rồng Vàng trả lời: không hẳn là thành thật hoàn toàn, nhưng với một sự phóng khoáng có che đậy về vẻ chân thành lôi cuốn. Khi Ng Yong yêu cầu bảo đảm món hàng chưa bị ô uế, ông chủ cam kết ngay. Trên đời không có một nhà buôn nào tự ý làm giảm giá trị món hàng của mình, và ông cũng biết nếu để lộ một mối quan hệ mờ ám nào thì giá bán món hàng sẽ giảm đi nhiều.

Moy Toon cũng được báo trước về bước khai mở cuộc thương lượng và người ta cho chị rõ, bằng cách khoe sự phát đạt của Ng Yong, rằng hoàn cảnh của chị sẽ cải thiện đến mức nào nếu lấy được ông ta. Người ta cũng thêm rằng cần thiết phải giấu kín chuyện đứa con. Người ta thúc ép chị phải từ bỏ nó mãi mãi, nhưng về điều này thì chị không trả lời gì cả. Về cuộc hôn nhân được đề nghị, chị không bác bỏ. Ng Yong đã già, nhưng chị không để ý lắm sự khác biệt tuổi tác, tính cách người Trung hoa của chị khá rõ để làm quen với việc này. Chị nhìn thấy trong cuộc hôn nhân này cơ hội được giúp đỡ, và, một cách gián tiếp, làm cho cuộc sống con trai được tốt hơn. Vì vậy, chị sẵn sàng lấy chồng mà không suy nghĩ gì nhiều hơn. Không lúc nào chị tự hỏi liệu có giữ được bí mật không. Về điều đó, chị hoàn toàn tự tin.

Và như thế, một thời gian sau, Ng Yong gặp thẳng chị, hỏi han chị và tuyên bố ông hài lòng về chị và về tính khiêm tốn của chị. Nhưng ông cũng không quên giảng dạy dài dòng về cách cư xử của người vợ. Ông ngồi trước mặt chị, trong gian bếp của phòng trà, đôi bàn tay mập mạp đặt trên đầu gối, cái đầu già nua gật gù, những thầm kín của đôi mắt được che giấu sau hai mí mắt xếch khiến những trí óc tò mò của bạn bè không sao đoán được. Ông nói, vợ của Ng Yong phải biết vâng lời, luôn phục vụ đức ông chồng, không bao giờ được hỏi, chăm lo việc nhà thường xuyên và chu đáo, cắt đứt mọi quan hệ với những người của phòng trà, và, hơn hết thảy, phải thật thà và chung thuỷ. Vợ phải hoàn toàn thuộc về ông, chỉ mình ông thôi. Ông trích dẫn nhiều đoạn trong Tứ Thư nói về phụ nữ đức hạnh, và những đoạn khác, rồi giọng ông chỉ còn thì thầm khi nhắc đến hình phạt dành cho người vợ nào không tôn trọng điều luật thứ nhất.

Bài thuyết giáo đó, Moy Toon nghe chẳng nhiệt tình lắm, chị trả lời các câu hỏi có vẻ hơi thư thái nhưng vẫn giữ một giọng khiêm tốn. Thế là, vụ việc được cam kết. Còn có nhiều buổi tối mặc cả để thoả thuận được mức giá trung bình. Tiền được trả cho quán Trăm Rồng Vàng và Moy Toon bước qua ngưỡng cửa nhà Ng Yong.

Tất cả những gì ông yêu cầu về chăm sóc và phục tùng, chị đều thực hiện. Nhưng chị không từ bỏ đứa con. Người ta không đòi trái tim chị và chị giữ nó. Con trai là thần tượng của chị và chị tôn sùng nó như một thần tượng. Còn những chuyện khác, chị phục tùng Ng Yong tốt. Chị không có ý muốn làm khác. Chị đặt hết trách nhiệm để đoán biết sở thích của ông, chăm sóc nhà cửa và không nhìn một người đàn ông nào khác.

Thật ra cũng khó để làm khác vì ông chồng luôn luôn ở bên cạnh chị. Có lẽ thái độ khiêm tốn của chị chưa thuyết phục hoàn toàn được ông. Ông chăm chú theo dõi chị. Ông không bao giờ để chị được tự do, thậm chí cả khi chị đi chợ, chị có cảm tưởng là cặp mắt ông vẫn đang theo dõi chị.

Bởi lẽ đó, chuyện chị gặp con trở nên phức tạp. Nếu cứ mỗi thứ năm lại đến nhà ở Canning Town, như chị vẫn làm sáu năm nay, thế nào cũng làm ông Ng Yong nghi  ngờ. Ông sẽ để ý việc chị vắng mặt thường xuyên và định kỳ. Ông sẽ cật vấn chị và sẽ không hài lòng với câu trả lời của chị. Ông sẽ đi theo hoặc sai người khác đi theo, như thế là lộ bí mật. Lúc đó, chỗ nương thân duy nhất của chị sẽ là đường phố và hai mẹ con chị sẽ chết đói. 

Chị suy nghĩ nhiều lắm để tìm ra giải pháp mới rồi quyết định là những cuộc gặp tới đây sẽ để như là ngẫu nhiên. Hai mẹ con sẽ gặp nhau vào những thời điểm không báo trước, và cứ mỗi lần lại định nơi hẹn sắp tới. Sự thận trọng khuyên chị nên từ bỏ, như tuổi Thìn mách bảo. 

Giờ đây chị đang hưởng niềm an ủi đầy tin cậy và cuộc sống hàng ngày đã ổn rồi. Thà đành chấp nhận chỉ nhìn thấy con từ xa, không nói chuyện được mà chỉ biết tin tức qua người lạ, còn hơn là nguy cơ đánh mất sự an bình hiện tại và cả cảnh sung túc, chỉ vì thú vui được ôm hôn con, bởi lẽ, nếu sự thật bị lộ, chị sẽ bị đuổi ra khỏi nhà, điều đó đồng nghĩa với khốn khổ và thiếu thốn. Đầu óc chị không vượt qua được những ý nghĩ này. Những bài thuyết giáo của chồng về sự trung thực vợ chồng, chị không còn nhớ gì cả, như thể chúng đi vào một bên tai và ra phía bên kia. Chồng chị sẽ rất giận dữ, sẽ đuổi chị, hai mẹ con sẽ đau khổ. Và chị không thể tưởng tượng ra cảnh khổ. Chị ghét nó, chị sợ nó.

Tuy nhiên, một đêm, trong tháng đầu tiên sau ngày cưới, chị không ngủ được, chị nhớ đến con, tưởng tượng hai cánh tay nó ôm lấy cổ và giọng nó nói bên tai xin vài xu. Con trai của chị. Sáng hôm sau, thông qua nhiều người trung gian, chị cố sắp xếp để nhắn với bà giữ con chị dẫn nó đến Tunnel Garden vào buổi trưa hôm sau nữa. Nơi đó, chị có thể ở bên cạnh con và người phụ nữ kia, lắng nghe con nói chuyện. Nếu Ng Yong hay bạn bè có nhìn thấy chị trong hoàn cảnh đó, chị có thể nói, có vẻ như thật, là người phụ nữ và thằng bé là người xa lạ, khi chơi đùa, thằng bé làm chị chú ý và chị bắt chuyện với mẹ nó. Điều này chẳng có gì xấu . Chuyện xảy ra như vậy, tốt đẹp cả.

Lần kế tiếp, chị chọn một tiệm bánh kẹo gần Blackwall và đứa bé được nhét đầy các loại bánh. Chị ở lại với con một tiếng đồng hồ và khi về, chị thấy ông Ng Yong đang chờ chị ở đầu cầu thang, trong khi, vào giờ này, ông thường bận trông coi xưởng giặt. Ông nói chị ở bên ngoài khá lâu, chị trả lời chị đi chợ ở Sandwell vì chợ này thứ gì cũng rẻ hơn. Chị nói thêm là chị về trễ do sửa đường. Ông nhìn chị vẻ lạ lùng và chăm chú nhưng chị không để ý. Cặp mắt chị chứa đầy hình ảnh con trai: nó thật đẹp, bộ điệu thật mạnh dạn! 

Sau khi suy nghĩ, chị ấn định chỗ gặp lần tới là một hầm nay dùng vào việc khác, trong một góc khuất kho cảng Antilles. Chị đã phát hiện kho này cách đây mấy năm, và nó cũng không thay đổi gì mấy. Chị với anh thuỷ thủ đã ở đó vài giờ vào một buổi tối mùa hè ẩm ướt vì không kiếm được chỗ trọ tạm thời nào. Chui vào đó rất dễ, và vì trong kho chẳng có gì để đánh cắp nên không có ai canh chừng. Chỗ này bị bỏ hoang từ khi nước sông tràn ngập vào.  Người ta cũng định xây lại nhưng mỗi lần thuỷ triều lên, nước lại ngập tới nửa thân người. Một lối đi hẹp dẫn xuống đó qua một cầu thang với những bậc cấp bị mọt, được che khuất đến nỗi ai biết là có nó thì mới tìm ra.

Chính nơi này đứa bé được dẫn tới.  Nó không sợ đường hầm được Moy Toon lấy đèn pin rọi sáng. Chị tự nhủ, thằng bé có tâm hồn của cha, vì nó thích phiêu lưu, chạy lon ton quanh quẩn khắp nơi, làm cho trái tim mẹ nó rộn rã tiếng cười. Chị đứng cạnh con, mặt sáng ngời tự hào. Chị khuyến khích những trò tinh nghịch của con, không bận tâm đến điều gì khác ngoài cái vòng tròn con chạy nhảy bên trong. Nhưng, giữa lúc cậu bé đang vui đùa, người phụ nữ dẫn nó tới bỗng đưa ngón tay lên căng thẳng:
“ Nghe kìa! Im lặng đi!”

Thằng bé dừng lại đột ngột, Moy Toon ôm con vào lòng. Họ lắng nghe.

“Ơ...ơ...! Có người đến, người phụ nữ kêu lên. Tôi đã nghĩ đến đây là gặp rắc rối mà. Giờ ta phải làm sao đây? Chúng ta đi đâu? Ôi! Ôi! Tôi, tôi sẽ ra khỏi đây. Đây là chuyện của các người. Không phải chuyện của tôi. Không muốn dính dáng... “
 Cuống quýt xoay tròn váy và giày, bà leo lên cầu thang bằng những bước nặng nề. Vẫn đứng bên dưới, Moy Toon  nghe một âm thanh giống như tiếng va chạm đục và tiếng thét sắc vút: “Ôi!”, và sau đó, “ Coi chừng!”

Tiếp theo là khoảnh khắc hoảng loạn. Người phụ nữ đã nhìn thấy cái gì đó khiến bà sợ hãi, và ý nghĩ đầu tiên của Moy Toon, theo phản xạ, là dành cho con trai. Lúc này đây, chị không còn sức nghĩ ngợi gì nữa. Chị nhìn thấy cách đó ba bước một cái hốc mà con chị đã thám hiểm khi chơi. Hốc này được giữ bởi một cánh cửa lớn có ổ khoá và then cài bằng sắt. Chị nắm lấy cánh tay con và kề sát miệng vào tai con:

“ Vào đây đi, con yêu. Nhanh lên, vào đi. Con đừng làm ồn nhé. Làm vì mẹ con nhé!”

Đứa bé hiểu và nhảy vào cái hốc. Moy Toon đóng cửa và nhanh chóng khoá lại. Chị quay lui lấy đèn pin và  bật tắt đèn, rồi xoay người lại và nhìn thấy Ng Yong đang bước xuống bậc thang cuối cùng, bàn tay giơ lên, với một cử chỉ hăm doạ mà theo bản năng chị tuân theo ngay. Ông vào hầm, đứng im, nhìn phải, nhìn trái. Cú sốc bất ngờ do việc ông đến thình lình và do đã cố đóng cửa khiến chị hụt hơi, không biết làm gì, nói gì. Chị tựa vào tường, thở hổn hển, trong đầu chỉ nảy có một ý nghĩ: “Ông đã nhìn thấy gì? Ông đã nhìn thấy gì?” Chị thầm cầu mong sao cho ông lên tiếng.

Cuối cùng, ông bình thản nói:
  • Vậy là đây là nơi cô đến gặp tình nhân. Đưa nó ra.
  • Tình nhân? Em ? .. Không, em không có tình nhân!
  • Vậy thì cô làm gì ở đây? 
  • Mà... kìa... Anh đừng buồn cười thế! Tình nhân ư? Em đến đây để...
  • À, đúng rồi, cô đến đây- chính chỗ này đây- để tán gẫu với một mụ già chứ gì? Thôi đi, đưa tình nhân của cô ra đi.
  • Nhưng, em..., em làm gì có tình nhân.

Bỗng nhiên, chị chợt hiểu rằng để cứu con trai, cách tốt nhất là bám lấy ý nghĩ về một tình nhân, phát triển cái ý đó.
“ Thế này, vâng, em muốn nói là, giả thử là... “
Ông giơ tay lên:
“ Nhìn tôi đây này.”
Bản năng phục tùng khiến chị ngước mắt lên, nhìn ngay vào mặt ông và những điều chị nhìn thấy khiến chị hốt hoảng. Chị ấp úng:
“ Nhưng, em đâu có tình nhân... em không có...
  • Cô... cô... người tôi đã tin tưởng. Đồ chó đẻ!
  • Nhưng, em muốn nói là... em...”

Từ miệng ông thoát ra tiếng càu nhàu. Tay ông đút trong túi. Chị quan sát, mắt lồi ra: ông lục lọi trong áo vét bằng vải. Chị thấy ông lôi ra con dao dài cong, lưỡi bị cùn do lâu ngày không dùng. Ông nắm lấy chiếc cán bằng ngà, chĩa mũi dao về phía chị và chầm chậm, đi ngang, bình tĩnh, tới gần chị. Giống như những giọt nước rơi xuống, những lời lẽ giáo huấn về đức hạnh phụ nữ thấm dần đầu óc chị.

“ Cô đã chọn đúng chỗ. Ở đây ta hoàn toàn yên ổn. Ta đã cho cô biết ta trừng phạt thói bất tuân như thế nào.”

Mỗi lần ông bước tới một bước, chị lại bước lui một bước, tránh xa ông. Ông đi theo chị. Chị run rẩy thụt lùi, tay dang ra. Càng lúc chị càng đứng tựa vào tường, chừng như mong cho nó hút đi.  Ông tiếp tục theo chị từng bước. Cả hai nhẹ bước trên nền đất ẩm. Chị vẫn thụt lùi từng bước, mắt nhìn thẳng vào ông. Ông đi theo chị. Đi theo mãi cho đến lúc chị đi tới cuối bức tường, chỗ hàng rào sắt hướng ra sông. Ở đó, chị đứng yên, mồm há ra, bị dồn đến đường cùng. Như một con thỏ,  chị bị thôi miên bởi lưỡi thép cùn đang từ từ đưa đi đưa lại trước cổ họng, càng lúc càng gần hơn. Chị cảm thấy nó chạm vào ngực, rồi thấy nó chích vào da. Khi ấy, chị mở miệng thật lớn để hét:
“ Xin thương cho! Xin anh thương cho! Em không có tình nhân!”

Tuy nhiên, dù chị đã mở to miệng vẫn không tiếng nào thoát ra được. Lưỡi dao dựng đứng lại và nhích ra khỏi cổ chị vài centimet. Rồi Ng Yong để nó rơi trên người chị và đứng lùi. Ông ngắm nhìn chị hồi lâu trước khi nói lại:
“ Tình nhân của cô đâu?”
Ông nhấp nháy đôi môi, vài âm thanh không rõ bật ra. Chị lắc đầu, chắp tay van xin. Ng Yong cất dao vào áo vét và lắc đầu: sự hoảng sợ Moy Toon cảm thấy khi bị phát hiện và sự đe doạ hình phạt đã khiến đôi tay ông ta không muốn trừng phạt nữa. Chị đã bị trừng trị bằng một phương tiện khôn khéo và tinh vi hơn bất cứ lưỡi dao thép nào: chị đã câm.
Ông nắm lấy tay chị. Chị run run khi ông chạm vào, ông mỉm cười với chị. Ông dẫn chị tới những bậc cấp dẫn ra đường. Trong khi ông dẫn chị đi, chị vùng vẫy và đưa tay chỉ cánh cửa lớn của cái hốc, miệng đưa ra vài âm thanh nhỏ khản đục: “ Myw... Myw...”

Ng Yong cũng nhìn phía cửa và mỉm cười hiểu biết. Ông đẩy chị bước lên bậc cấp. Chị vùng vẫy thoát ra khỏi đôi tay của ông và khoát tay, mấp máy môi như muốn diễn đạt điều gì. Nhưng ông kéo chị ra ngoài, lặng lẽ, cho đến lối đi hẹp, và không ai để ý đến họ trước khi hai người ra đến đường cái. Ông dẫn chị về đến tận nhà và, với nhừng người hỏi thăm thương cảm, ông kể là vợ ông bị kích thích thần kinh sau khi chứng kiến một tai nạn ngoài đường. Từ đó chị mất hẳn tiếng nói và mất trí.



THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu.

( Trích Alfred Hitchcock présente Histoires Abominables, 
coll. Livre de Poche Policier, nxb Robert Laffont, 1973 )






samedi 3 mars 2018

NGƯỜI CÓ HAI CUỘC SỐNG



NGƯỜI CÓ HAI CUỘC SỐNG
Truyện ngắn
Ambroise Bierce



Đây là câu chuyện kỳ quặc về David William Duck, do chính ông kể lại. Duck là một ông già sống tại Aurora, tiểu bang Illinois, nơi ông được mọi người kính trọng. Tuy nhiên, ông lại thường được nhắc đến với cái tên “Duck đã chết.”

“ Vào mùa thu năm 1866, tôi là binh nhì thuộc đội Pháo binh số Mười tám. Đơn vị của tôi là một trong những đơn vị đóng tại đồn Phil Kearney, do đại tá Carrington chỉ huy. Vùng  đất này ít nhiều gắn bó với lịch sử của  đội quân trú phòng ở đây, đặc biệt là vụ người Sioux tàn sát cả một biệt đội gồm tám mươi mốt binh sĩ và sĩ quan - không một ai sống sót - do việc bất tuân lệnh của viên chỉ huy, đại uý Fetterman gan dạ nhưng liều lĩnh. Khi vụ này xảy ra, tôi mang theo các vật dụng quan trọng cố tìm đường thoát đến đồn C.F. Smith, ở Nhánh sông lớn. Do cả vùng đầy cả quân da đỏ thù nghịch, tôi chỉ di chuyển về đêm và cố ẩn nấp tối đa trước khi trời sáng. Để làm được chuyện đó, tôi đi bộ, trang bị khẩu súng trường Henry và mang theo khẩu phần lương thực ba ngày trong túi xách.

“ Điểm ẩn nấp thứ hai tôi chọn trong đêm tối trông như một hẽm núi hẹp dẫn xuyên qua một dãy đồi đá. Nó chứa đầy những tảng đá cuội lớn, bứt khỏi sườn đồi. Đàng sau một tảng đá như thế, trong một bụi cây ngải đắng, tôi làm chiếc giường ngủ ban ngày, và nhanh chóng ngủ thiếp. Có vẻ như tôi chỉ vừa mới chợp mắt, tuy thực ra đã gần giữa trưa, bỗng thức giấc bởi một loạt súng trường, đạn bay xé ngay trên tảng đá bên trên thân hình tôi. Một nhóm quân da đỏ đã lần theo dấu vết của tôi, khiến tôi gần như bị bao vây, phát súng đã được một tên nhìn thấy tôi từ phía đồi bên trên bắn ra với mục đích tồi tệ. Khói súng làm hắn lộ diện, và tôi vừa đứng dậy thì hắn cũng bật lên, lăn tròn xuống con dốc. Sau đấy, tôi khom người chạy lẩn trong các bụi cây, giữa làn mưa đạn của kẻ địch không nhìn rõ mặt. Những tên vô lại không đứng dậy đuổi theo, điều tôi cho là lạ lùng vì lần theo dấu vết tôi hẳn chúng đã biết đang có chuyện với chỉ một người. Lý do chúng không hành động rồi cũng rõ ngay. Tôi cố chạy hết hơi cũng không vượt qua được một trăm thước, đến chỗ đầu cái khe mà tôi tưởng lầm là hẽm núi. Nơi này tận cùng bằng một vùng đá lõm, hầu như dựng đứng, chẳng có cây cối nào. Trong ngõ cụt này tôi bị vây lại khác nào con gấu trong bờ rào. 

“ Chúng chờ đợi. Trong hai ngày đêm, co rúm đàng sau một tảng đá bên trên có mọc cây đậu, trên lưng là dốc đứng, khát khô cả cổ họng, hầu như không chút hy vọng thoát được, tôi chống trả cả hàng dài kẻ địch, thỉnh thoảng nhìn khói súng mà nhắm bắn, bọn chúng cũng bắn tôi kiểu như vậy. Tất nhiên đêm đến tôi không dám chợp mắt, và mất ngủ là một kiểu tra tấn kinh hoàng. 

“ Tôi  còn nhớ buổi sáng ngày thứ ba, mà tôi biết là ngày cuối cùng của tôi. Tôi vẫn nhớ, khá rõ ràng, trong cơn tuyệt vọng và mê sảng, tôi nhảy lên khoảng không và nổ súng liên tiếp mà không thấy đối tượng nào để nhắm. Và tôi không còn nhớ gì nữa về trận đánh này.

Sự việc tiếp theo tôi nhớ được là tôi đã tự ngoi lên khỏi con sông đúng lúc màn đêm buông xuống. Tôi không còn một mảnh vải nào trên người và không biết gì về mọi vật xung quanh, nhưng suốt đêm đó, lạnh căm căm, chân đau buốt, tôi vẫn đi về hướng bắc. Khi rạng sáng, tôi thấy mình đến được đồn C.F. Smith, là nơi tôi muốn đến, nhưng không còn vật dụng mang theo. Người đầu tiên tôi gặp là viên trung sĩ tên là William Briscoe, mà tôi khá quen. Bạn có thể tưởng tượng sự ngạc nhiên của anh ta khi trông thấy tôi trong tình trạng như thế, và sự ngạc nhiên của chính tôi khi anh ta hỏi tôi là ai.

“ Dave Duck, tôi trả lời, tôi có thể là ai khác nữa?”
“ Anh sửng sốt như trên trời rơi xuống.
“ Cậu trông giống lắm”, anh ta nói, và tôi để ý thấy anh ta cố tránh xa tôi ra. “ Có chuyện gì vậy?” anh nói thêm.

“ Tôi kể cho anh ta chuyện xảy đến với tôi ngày hôm trước. Anh nghe hết chuyện, vẫn nhìn chòng chọc, rồi nói:

“ Bạn thân mến, nếu cậu là Dave Duck, tôi phải báo cho cậu biết rằng tôi đã chôn cất  cậu hai tháng trước. Hôm đó tôi đi với nhóm tuần sát và phát hiện thi thể cậu, mình đầy lỗ đạn bắn và da đầu mới bị lột - ít nhiều bị huỷ hoại rồi, rất tiếc phải nói vậy - đúng ở vị trí cậu kể là đã đánh nhau. Đến lều của tôi đi, tôi sẽ đưa cậu quần áo và mấy lá thư tôi tìm thấy trên người cậu, còn các vật dụng khác chỉ huy trưởng đang giữ.”

Anh ta giữ đúng lời hứa. Anh đưa tôi quần áo, tôi quyết định mặc vào, và những lá thư, tôi lấy bỏ vào túi. Anh không phản đối gì, rồi đưa tôi đến chỉ huy trưởng, vị này nghe chuyện tôi kể và lạnh lùng ra lệnh Briscoe dẫn tôi đến trại giam. Trên đường đi tôi nói:
“ Bill Briscoe, có thật là anh đã thực sự chôn cái xác chết trong mớ quần áo đó không?”
“ Chắc chắn rồi,” anh đáp, như tôi vừa kể cho cậu. Đó chính là Dave Duck, đúng thế, nhiều người trong chúng tôi quen biết anh ta. Còn bây giờ, tên mạo nhận khốn kiếp kia, tốt nhất là cho ta biết ngươi là ai.

“Tôi sẽ đưa anh cái này để biết,” tôi nói.

“ Một tuần sau, tôi trốn khỏi trại giam, và lánh khỏi vùng này càng xa càng tốt. Tôi có trở về đó hai lần, cố tìm vị trí oan nghiệt trên các ngọn đồi, mà không sao tìm ra.


THÂN TRỌNG SƠN
dịch từ nguyên bản tiếng Anh