mardi 26 décembre 2017

NHÀ VĂN, ANH LÀ AI?



NHÀ VĂN, ANH LÀ AI?
Paulo Coelho.


Đây là trích đoạn bài tựa của cuốn tản văn "Như dòng sông đang chảy" của Paulo Coelho, nhà văn người Brazil. Sinh năm 1947 tại Rio de Janeiro, 40 tuổi mới viết và xuất bản cuốn sách đầu tiên, Paulo Coelho được xem là nhà văn ( còn sống ) được đọc nhiều nhất thế giới: tuy số lượng tác phẩm đến nay chỉ trên 30 cuốn, nhưng đã phát hành đến 210 triệu bản tại 170 quốc gia, trong đó có nhiều cuốn luôn ở trong danh sách best-seller ( số liệu tính đến tháng 6/ 2015 ). Ngày 22/12/2016, trong danh sách 200 tác giả có ảnh hưởng lớn nhất thế giới do công ty Richtopia đề xướng, Paulo Coelho được kể tên ở vị trí thứ 2.

"Như dòng sông đang chảy" không phải là tiểu thuyết, vừa như tuỳ bút, vừa như truyện ngắn, tạm gọi là tản văn. Đây là tập hợp 101 bài viết ông đã đăng trong nhiều nhật báo và tạp chí khắp nơi trên thế giới từ năm 1998 đến năm 2005. Chuyện kể về lẽ sống, cái chết, về định mệnh, số phận, về tình yêu lỡ mất và tìm thấy lại..., giọng văn có khi hài hước, có khi nghiêm túc, nhưng lúc nào cũng thâm trầm sâu sắc. Viết đăng báo nên bài ngắn nhất chỉ dăm bảy dòng, dài nhất là hai ba trang. Đọc "Như dòng sông đang chảy"  ta như bắt gặp bản tóm tắt những giai đoạn của cuộc đời sống động của tác giả, nhiều trắc trở lắm gian truân mà không thiếu những lắng đọng trầm tư.

( Nhan đề bài viết này do người dịch đặt.)


Khi lên mười lăm, tôi nói với mẹ:
" Con đã thấy được thiên hướng của mình. Con muốn làm nhà văn."
Mẹ buồn rầu đáp: " Con ạ, ba con là kỹ sư. Ba là người biết lẽ phải, có cái nhìn rất rõ ràng về nhân gian. Con có thực sự biết làm nhà văn là thế nào không?"
" Là làm một người viết sách."
" Chú Haroldo của con là bác sĩ, chú cũng viết sách, và cũng đã xuất bản mấy cuốn. Nếu con học kỹ sư, con vẫn có thể viết sách khi rảnh."
" Không đâu mẹ, con muốn làm nhà văn, không phải là kỹ sư viết sách."
" Nhưng con có gặp nhà văn nào chưa? Con có thấy nhà văn nào chưa?"
" Chưa hề. Chỉ nhìn ảnh thôi."
" Vậy sao con có thể muốn trở thành nhà văn khi chưa thực sự biết nhà văn là thế nào? "

Để trả lời câu hỏi của mẹ, tôi quyết định đi tìm tòi nghiên cứu. Và đây là những gì tôi tìm hiểu được về việc làm nhà văn là thế nào vào đầu thập niên 1960.

Nhà văn luôn luôn đeo kính và không bao giờ chải đầu. Một nửa thời gian ông cảm thấy tức giận về mọi chuyện, một nửa kia thì thấy buồn chán. Ông mất nhiều thời gian trong đời ở quán rượu, mải tranh cãi với những nhà văn tóc rối và đeo kính khác. Ông   nói những chuyện "thâm sâu". Lúc nào ông cũng có những ý tưởng làm kinh ngạc về tình tiết cuốn tiểu thuyết sắp viết của mình và ghét bỏ cuốn vừa mới in.
Nhà văn có bổn phận và nghĩa vụ không bao giờ để cho người cùng thế hệ thấu hiểu,  ông đoan chắc rằng, người như ông đã sinh ra trong một thời đại tầm thường, ông tin tưởng được thấu hiểu là mất đi cơ hội để được coi như là thiên tài. Nhà văn xem lại, và viết lại một câu cả ngàn lần. Vốn từ vựng của một người trung bình bao gồm 3000 từ, một nhà văn thực thụ không bao giờ dùng từ nào trong số đó, vì còn tới 189 000 từ khác nữa trong từ điển, và ông không phải là người trung bình.
Chỉ những nhà văn khác mới hiểu được những gì mà nhà văn cố diễn đạt. Dù vậy, ông cũng ghét tất cả nhà văn khác, bởi vì hết thảy họ đều mưu mô tranh giành mấy chỗ trống mà văn học sử qua nhiều thế kỷ để lại. Và vì thế mà nhà văn với những người đại loại như thế phải ganh đua tranh giải thưởng " cuốn sách rắc rối nhất ", cuốn nào đạt giải sẽ là cuốn thành công trong việc trở nên khó đọc nhất.
Nhà văn hiểu về những thứ mang những cái tên gây hoang mang, như là ký hiệu học, nhận thức luận, tân cụ thể luận. Khi ông muốn làm ai đấy kinh sợ, ông sẽ nói những điều như là: " Einstein là một người điên", hoặc " Tolstoy là anh hề của tầng lớp tư sản." Mọi người đều thấy bị xúc phạm, tuy nhiên họ sẽ không đi nói với người khác rằng thuyết tương đối là nhảm nhí, hay Tolstoy là người bảo vệ tầng lớp quý tộc Nga.
Khi muốn quyến rũ một phụ nữ, nhà văn sẽ nói: " Tôi là nhà văn" và viết nguệch ngoạc một bài thơ trên khăn bàn ăn. Làm như thế lúc nào cũng chắc ăn.
Phô bày kiến thức rộng rãi của mình, nhà văn có thể hoạt động như một nhà phê bình văn học. Với vai trò này, ông có thể tỏ ra độ lượng khi viết về tác phẩm của bằng hữu. Phân nửa những bài phê bình như thế được lấy từ trích dẫn các tác giả nước ngoài, phân nửa kia là phân tích câu cú, luôn luôn dùng những thuật ngữ như " lát cắt nhận thức luận", hay " một cách nhìn cuộc đời hai chiều được hợp nhất lại". Bất cứ ai đọc bài phê bình này cũng sẽ nói: " Thật là một con người học cao biết rộng!" Nhưng họ sẽ không mua sách vì sợ sẽ không biết đọc làm sao khi lát cắt nhận thức luận xuất hiện.
Khi được mời phát biểu về cuốn sách đang đọc, nhà văn luôn nêu tên cuốn sách mà không ai nghe tới bao giờ.
Chỉ có một cuốn sách gợi lên sự khâm phục thống nhất cho nhà văn và những người đại loại như thế: cuốn Ulysse của James Joyce. Không có nhà văn nào phát biểu bất lợi về tác phẩm này nhưng khi có ai hỏi sách viết về vấn đề gì, thì ông không giải thích được, gây nên sự nghi ngờ rằng không biết ông ta đã đọc sách này chưa.

Trang bị tất cả thông tin này, tôi trở về giải thích cho mẹ chính xác nhà văn là thế nào. Mẹ tôi hơi ngạc nhiên.
" Vậy làm kỹ sư vẫn dễ hơn con ạ. Hơn nữa, con có đeo kính đâu!"




THÂN TRỌNG SƠN
 giới thiệu và dịch

( Trích tuyển tập  LIKE THE FLOWING RIVER -
Nguyên tác tiếng Bồ Đào Nha, bản tiếng Anh của Margaret Jull Costa.
NXB Madison Park Press, New York, 2006 )