vendredi 24 février 2012

KHI TUỔI ĐỜI CHỒNG CHẤT



Góc phố ấy xưa nay rất quen thuộc,
Chừ thấy xa hơn trước gấp đôi.
Họ đắp từ lúc nào đâu biết được
Một đoạn dốc dài leo mệt quá đi thôi!

Thôi đừng chạy theo xe buýt hấp tấp

Bởi lúc này xe khởi động quá nhanh .
Nay cũng thấy họ xây những bậc cấp

Cao hơn nhiều so lúc tuổi còn xanh.

Khi mùa đông đến mưa gió bão bùng

Máy sưởi kia nay chẳng còn đủ ấm.
Và bạn thấy trên các tờ báo sớm,
Chữ in chừ nhỏ quá, phải không?

Bọn thanh niên chừ cũng thay đổi nữa,
Họ trẻ hơn mình vào tuổi họ trước kia,

Còn những kẻ với mình cùng trang lứa,
Càng so càng thấy rõ họ già ghê !


Mới bữa tê tình cờ nơi cuối phố,
Gặp một người quen biết đã lâu rồi.

Người ấy bữa ni già đến nỗi
Sát mặt kề cũng chẳng nhận ra tôi!

Khắp nơi nơi mọi người đều nói nhỏ,
Căng hết tai mà nào có hiểu chi!
Áo quần mình chừ họ may quá bó
Chật cứng cả người, khó chịu quá đi!
**

*
Đó là những vấn vương
Đến với tôi bất chợt
Sáng nay lúc rửa mặt,
Tôi soi mình trong gương.

.Chiếc gương cũng chẳng tốt bằng,
Bốn mươi năm trước mình từng ngắm soi…


THÂN TRỌNGTHỦY phóng dịch

từ bản tiếng Pháp

“Quand les ans s’additionnent” không rõ tác giả



Quand les ans s’additionnent

Le coin de la rue est deux fois
plus loin qu’auparavant !
Et ils ont ajouté une montée que
je n’avais jamais remarquée.

J’ai dû cesser de courir après l’autobus,
Parce qu’il démarre bien plus vite qu’avant.

Je crois que l’on fait les marches
d’escaliers bien plus hautes
que dans notre temps !

L’hiver le chauffage est beaucoup
moins efficace qu’autrefois !

Et avez-vous remarqué les petits caractères
que les journaux se sont mis à employer ?

Les jeunes eux-mêmes ont changé !
ils sont bien plus jeunes que
lorsque j’avais leur âge !

Et d’un autre côté les gens de mon âge
sont bien plus vieux que moi.


L’autre jour je suis tombée sur
une vieille connaissance; elle avait
tellement vieilli qu’elle ne
me reconnaissait pas !

Tout le monde parle si bas qu’on
ne comprend quasiment rien !

On vous fait des vêtements si serrés,
surtout à la taille et aux hanches,
que c’est désagréable !

Je réfléchissais à tout ça
en faisant ma toilette ce matin.
Ils ne font plus d’aussi bons miroirs
qu’il y a 40 ans …

(Auteur inconnu)



Còn sau đây là bản chuyển ngữ của Thân Trọng Sơn:



TUỔI ĐỜI DÀI THEO NĂM THÁNG

Đã bao lần đi về góc phố đó

Sao bây giờ bỗng thấy xa gấp đôi.

Lại còn có thêm một con đường dốc,

Chẳng biết ai đắp từ bao lâu rồi.


Thôi không dám chạy theo xe buýt nữa,

Xe bây giờ sao khởi động quá nhanh.

Những bậc cấp cũng xây cao hơn trước,

Không giống như thuở tóc hãy còn xanh.


Mùa đông về mang theo cơn giá rét

Máy sưởi giờ không còn ấm như xưa.

Rất ngại ngần mỗi khi cầm tờ báo,

Chữ nhỏ xíu, cố lắm mới đọc ra.


Lớp thanh niên giờ quá nhiều thay đổi,

So với mình thời trước họ trẻ hơn.

Và, mặt khác, những người cùng lứa tuổi,

Trông họ già hơn hẳn, lạ quá chừng !


Mới hôm nào gặp người quen biết cũ,

Rất tình cờ khi trên phố dạo chơi,

Giờ đây người sao quá già đến nỗi

Cứ cố nhìn mà chẳng nhận ra tôi !


Chung quanh mình ai cũng ưa nói nhỏ

Cố lắng tai nghe chẳng hiểu câu nào.

Còn áo quần người ta may cũng khác,

Cứ bó sát người, khó chịu làm sao !


Những điều đó tôi nghĩ vơ nghĩ vẩn

Lúc soi gương rửa mặt sáng hôm nay.

Những chiếc gương bây giờ không được tốt

Như vào thời bốn mươi năm trước đây !


Tác giả : Không rõ

THÂN TRỌNG SƠN chuyển ngữ


dimanche 19 février 2012

MỘT NỬA VẦNG TRĂNG

Độ ấy chia phôi

Vầng trăng xé đôi

Mỗi người một nửa


Nửa trăng anh ba chìm bảy nổi

Nửa trăng em bèo dạt mây trôi


Chung rượu nồng ai chuốc lả mềm môi

Khói thuốc đắng chẳng làm vơi trống vắng

Ôi kỷ niệm cứ như nghìn tia nắng

Chiếu mắt em lấp lánh giọt hồng


Núi rừng xa sương khói quá mênh mông

Vẫn hoài cảm bao mùa xuân trang lứa

Đêm viễn xứ

gập ghềnh anh

vó ngựa

Vườn xưa ơi!

Có còn nở hoa hồng?


Anh, chính anh đà đưa sáo sang sông

Đừng khóc nữa, hỡi hồng nhan lận đận!

Nửa vầng trăng sẽ tìm về cố quận

Hoà khúc Rằm sau muôn dặm đau thương.


Phanxipang

Bình Điền, 1988



Đã đăng báo chí:

* Kiến Thức Ngày Nay 84 (15-5-1992)

* Lang Bian 11 (9-1998)

Được trao giải thơ hay do độc giả bầu chọn nhân tạp chí Kiến Thức Ngày Nay tròn 100 số.

In trong các sách:

* Tháng giêng Sài Gòn anh làm thơ yêu em (NXB Văn Nghệ TP.HCM, 1993)

* Ngày xưa Hoàng Thị (NXB Văn Nghệ TP.HCM, 1995)

* Album thơ 1 của Phanxipăng (NXB Trẻ, 1995)

* Thơ từ trường Quốc Học Huế (NXB Văn Học, HN, 1996)

* Thơ tình Việt Nam & thế giới chọn lọc (NXB Thanh Niên, HN, 1998)

* 1000 nhà thơ Huế đương thời (Tập 1 - NXB Hội Nhà Văn, HN, 2006)

Đã phổ thành ca khúc bởi:

* Trần Hữu Pháp

* Phan Huỳnh Điểu

* Hoài Yên



Hoài Yên phổ, Khánh Duy hát:

http://www.youtube.com/watch?v=W3iN7zewFZk

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=8vDlu8Zt6p

vendredi 10 février 2012

CÁNH CỬA SỔ MỞ


Truyện ngắn của SAKI.
LỜI NGƯỜI DỊCH :
( 1 ) - Saki là bút hiệu của nhà văn Hector Hugh Munro (1870-1916), sinh tại Miến Điện ( nay là nước Myanmar ) khi nước này còn là thuộc địa của Anh. Mẹ mất sớm, Ông được gởi sang Anh sống với hai bà cô. Học xong trung học, Ông trở về Miến Điện làm việc trong ngành quân cảnh. Do bệnh tật, chỉ hơn một năm sau, Ông lại trở về Anh và bắt đầu sự nghiệp làm báo, viết văn. Khi Thế Chiến thứ I bùng nổ, tuy đã quá tuổi động viên Ông vẫn tình nguyện nhập ngũ để cuối cùng hy sinh tại chiến trường Pháp bởi một viên đạn bắn tỉa của lính Đức.
Tuy viết nhiều thể loại, SAKI được biết đến như là một tác giả truyện ngắn. Thế giới truyện ngắn của SAKI là con người và đất nước Anh vào đầu thế kỷ XX. Truyện CÁNH CỬA SỔ MỞ dưới đây ( dịch từ nguyên tác THE OPEN WINDOW ) được xem là một trong những truyện ngắn nổi tiếng nhất của SAKI.

“ Cô tôi sẽ xuống ngay thôi, thưa ông Nuttel”, cô thiếu nữ tuổi mười lăm nói với giọng rất tự tin; “ trong khi chờ đợi, xin ông vui lòng cho tôi tiếp chuyện”.
Framton Nuttel cố gắng nói điều gì đấy cho phải lẽ để làm vui lòng cô cháu mà không tỏ ra thiếu tôn trọng người cô sắp xuất hiện. Trong thâm tâm, hơn lúc nào hết, chàng thấy lo ngại không biết những cuộc viếng thăm xã giao những người hoàn toàn xa lạ thế này có giúp được gì cho việc điều trị căn bệnh tâm thần mà chàng đang thực hiện đây không.
“ Chị biết mọi chuyện sẽ xảy ra thế nào,” chị của chàng đã nói như thế khi chàng chuẩn bị về tỉnh dưỡng nơi thôn dã vắng vẻ này; “ em sẽ thui thủi một mình ở đấy, không tiếp xúc với ai, và trạng thái thần kinh của em sẽ tệ hơn vì buồn phiền. Chị sẽ viết thư giới thiệu em với tất cả những người chị quen biết ở đấy. Chị nhớ là vài người trong số đó thực sự rất dễ thương.”
Framton không hiểu bà Sappleton, người mà chàng sắp đưa một trong số thư giới thiệu, có thuộc nhóm người dễ thương đó không.
Khi thấy giữa hai người đã có sự thông cảm lặng lẽ vừa đủ rồi. cô cháu gái liền hỏi : “Ông có quen biết nhiều người ở quanh đây không?”
“ Hầu như không quen biết ai,” Framton lên tiếng. “ Chị tôi khoảng bốn năm trước có ở đây, tại nhà ông mục sư, , và chị viết thư giới thiệu tôi với vài người nơi này.”
Chàng nói ý cuối cùng với một giọng nuối tiếc dễ nhận thấy.
“Vậy là gần như ông không biết gì về bà cô của tôi phải không ạ ?” Cô gái tự tin tiếp tục hỏi.
“ Chỉ biết tên và địa chỉ thôi,” người khách thú nhận. Chàng tự hỏi không biết bà Sappleton có chồng hay góa bụa. Có cái gì đấy không rõ ràng lắm ở trong phòng hình như gợi cho thấy nhà này có sự hiện diện của đàn ông.
“ Một thảm kịch đã xảy ra với cô tôi cách đây đúng ba năm,” cô gái nói, “ có thể vào thời gian chị của ông còn ở đây.”
“ Thảm kịch hả?” Framton hỏi; dẫu sao nơi vùng quê yên tĩnh này thảm kịch có vẻ khó xảy ra.
“ Ông có thể ngạc nhiên tại sao chúng tôi lại để mở cái cửa sổ kia vào một buổi chiều tháng mười như thế này,” cô gái vừa nói vừa chỉ cánh cửa rộng kiểu Pháp thông ra sân cỏ bên ngoài.
“ Thời gian này trong năm trời vẫn ấm,”, Framton nói; “ mà cánh cửa kia thì có liên quan gì đến thảm kịch chứ?”
“Ngày này cách đây ba năm, chồng và hai người em trai của cô tôi đã phóng ra qua cái cửa sổ đó để đi săn . Và họ đã không bao giờ trở về. Khi băng qua cánh đồng hoang để đến nơi săn chim dẽ quen thuộc, cả ba người bị nuốt chững vào một bãi lầy nguy hiểm. Mùa hè ẩm ướt khủng khiếp năm đó, như ông biết đó, có những chỗ mọi năm thì an toàn, nay bỗng sụt lở mà không ai ngờ được. Thi thể của họ không bao giờ được tìm thấy. Đó là điều ghê khiếp nhất của câu chuyện.” Đến đây giọng cô gái mất đi vẻ tự tin mà trở nên ngập ngừng. “ Người cô tội nghiệp của tôi vẫn tin là một ngày kia họ sẽ trở về, ba người và cả con chó cùng biến mất với họ, rồi sẽ vào bằng lối cửa sổ như họ vẫn thường làm. Đấy là lý do tại sao cửa sổ cứ để mở như thế mỗi chiều cho đến khi trời tối hẳn. Bà cô khốn khổ của tôi vẫn kể mãi cho tôi nghe chuyện họ ra đi như thế nào, chồng cô thì khoác chiếc áo choàng trắng trên tay, còn cậu em út Ronnie thì cứ hát “ Bertie ơi, sao lại nhảy lên thế?” như để chọc ghẹo bà, vì bà nói hát như thế làm bà nhức đầu. Ông biết không, những buổi chiều im ắng, tĩnh lặng như thế này, tôi cảm thấy gần như sởn gai ốc khi tưởng tượng là họ sẽ đi vào qua cái cửa sổ kia.”
Cô gái khẽ rùng mình và đột nhiên ngừng lại. Còn Framton thì nhẹ nhõm hẳn khi bà cô vội vã bước vào phòng và rối rít xin lỗi vì đã chậm ra tiếp khách.
“ Tôi hy vọng là cháu Vera đã nói chuyện vui vẻ với ông.”, bà nói.
“ Cô bé thật thú vị.”, chàng đáp.
“Mong là ông không bận tâm vì cánh cửa sổ để mở,” bà Sappleton nói nhanh; “ nhà tôi và mấy cậu em sắp đi săn về và họ vẫn thường vào nhà bằng lối đó. Hôm nay họ đi săn chim dẽ ở đám đầm lầy và thế nào rồi cũng sẽ làm bẩn những tấm thảm của tôi. Đàn ông các ông vẫn thế, phải vậy không?”
Bà vui vẻ tiếp tục huyên thuyên về chuyện đi săn, về chuyện hiếm hoi chim chóc bây giờ và hy vọng sẽ có vịt trời vào mùa đông.Với Framton câu chuyện thực sự khủng khiếp. Chàng cố gắng lái câu chuyện sang một đề tài khác bớt ghê rợn hơn nhưng xem chừng không thành công mấy. Chàng cảm thấy chủ nhà chẳng quan tâm lắm đến mình, mắt thì cứ đăm đăm nhìn về hướng cửa sổ và sân cỏ bên ngoài. Hẳn là một sự trùng hợp ngẫu nhiên không may vì chàng đã viếng thăm vào đúng ngày kỷ niệm tấn thảm kịch.
“ Các bác sĩ đều khuyên tôi tuyệt đối nghỉ ngơi, không để kích động tinh thần và tránh mọi vận động cơ thể mạnh,” Framton cho biết, Vì, như nhiều người, chàng tưởng lầm rằng những người hoàn toàn xa lạ và những người mới tình cờ gặp gỡ thường khao khát được biết những chi tiết nhỏ nhặt về ốm đau, bệnh tật của người khác, cùng nguyên nhân và cách điều trị . “ Riêng về chế độ ăn uống thì các bác sĩ chưa đồng ý với nhau lắm,”, chàng nói tiếp.
“Vậy sao?”, bà Sappleton nói, bằng một giọng chỉ như để thay thế cho cái ngáp sắp tới. Rồi bỗng nhiên mặt bà sáng lên, tỉnh táo chú ý – nhưng không phải tới câu Framton đang nói.
“Có thế chứ, họ về kia rồi!”, bà kêu lên. “ Vừa đúng vào giờ uống trà, và người nào cũng lấm bùn bê bết thế kia!”
Framton khẽ rùng mình, quay sang nhìn cô cháu ngụ ý tỏ sự thông cảm. Nhưng cô gái đang chăm chú nhìn qua cánh cửa sổ để mở với đôi mắt ngạc nhiên hoảng sợ. Trong cơn ớn lạnh vì một nỗi sợ khó gọi tên, Framton cứ xoay tròn trên ghế ngồi, đưa mắt nhìn theo cùng hướng đó.
Trong ánh chiều tà nhá nhem, ba bóng người đang vượt qua sân cỏ; cả ba đều quàng súng, một trong ba người khoác chiếc áo choàng trắng qua vai. Một con chó săn nhỏ màu nâu mệt nhọc chạy theo sau gót họ. Họ lặng lẽ đến gần ngôi nhà, và một giọng hát trẻ trung khàn khàn cất lên trong bóng tối : “ Bertie ơi, sao lại nhảy lên thế?”
Framton quờ quạng vớ lấy chiếc gậy và cái mũ. Cửa ra vào, lối đi rải sỏi và chiếc cổng chính là những gì chàng mơ hồ nhận biết trên đường hấp tấp tháo chạy. Một người đi xe đạp phải phóng vào hàng rào để tránh va chạm đột ngột.
“Bọn anh về đây rồi, em ơi,” người đàn ông khoác áo choàng nhảy vào cửa sổ lên tiếng; “ bùn lầy lấm lem, nhưng cũng gần khô rồi. Người nào vừa phóng ra khi bọn anh vào vậy?”
“Một anh chàng khá kỳ khôi, tên Nuttel gì đó,” bà Sappleton trả lời, “anh ta chỉ nói về bệnh tật của mình rồi vụt bỏ chạy mà chẳng thèm nói lời từ giã hay xin lỗi gì hết khi anh về. Làm như anh ta đã nhìn thấy ma hiện hình vậy.”
“ Cháu đoán có thể vì con chó,” cô cháu nói tỉnh bơ; “ông ấy nói với cháu rằng ông khiếp sợ chó. Có một lần, trong một nghĩa địa ở bên bờ sông Hằng, ông ta bị một bầy chó hoang lùng sục, cuối cùng phải ngủ cả đêm hôm đó trong một cái huyệt mới đào, trong khi bên trên cả bầy chó gầm gừ, nhe răng, sùi bọt mép. Chuyện như thế ai mà không hoảng loạn.”
Bịa chuyện mau lẹ như thế là biệt tài của cô gái.
( 2 ) : Một kiểu “ truyện trong truyện “, truyện về người khách lạ Framton đến vùng một quê yên tĩnh tìm cách chữa bệnh, trong đó lồng vào truyên kể ly kỳ của cô thiếu nữ Vera , kết hợp tài tình sự hài hước và kinh dị. Cô bé đầy tự tin đó lần lượt gây sửng sốt, bất ngờ cho ông khách rồi đến vợ chồng và hai người em của bà cô, và tất nhiên là cả người đọc. Nguyên nhân nào khiến cô bé bịa chuyện và diễn kịch như thế ? Phải chăng vì cuộc sống buồn tẻ, chẳng có việc gì làm trong làng quê này?Hay là tính cô lâu nay vẫn thường hay giở trò như thế ? Hay là chính cô cũng có bệnh lý về tâm thần như ông khách tuy bề ngoài vẫn tỏ ra hoàn toàn bình thường ?Việc giải thích bỏ ngỏ, dành cho người đọc.
THÂN TRỌNG SƠN
( dịch và giới thiệu )