jeudi 27 novembre 2014

NHẦM SỐ



Truyện ngắn

Lưu Dĩ Xương
Nhà văn Trung Quốc ( 1918 -         )


        Sinh tại Thượng Hải năm 1918, tốt nghiệp Đại học St John năm 1941, và bắt đầu viết báo. Sau khi thân phụ qua đời năm 1948, ông một mình sang sinh sống tại Hong Kong, vẫn tiếp tục làm báo. Đã xuất bản một số truyện ngắn, nhưng với cuốn tiểu thuyết đầu tiên "Tửu đồ ", in năm 1963, Lưu Dĩ Xương mới được biết đến như một nhà văn.


I.

     Khi chuông điện thoại reo, Trần Hi đang nằm dài trên giường, mắt nhìn lên trần nhà.  Ngô Lệ Thường gọi rủ anh đi xem phim ở rạp Lợi Vũ đài, xuất năm giờ rưỡi. Điều này khiến anh phấn khích trở lại, anh vội vàng cạo râu, chải đầu, thay quần áo, khẽ huýt sáo điệu nhạc bài "Người Trung Quốc dũng cảm". Thay quần áo xong, anh chăm chú soi gương và nhủ thầm là phải mua một chiếc sơ mi hàng hiệu để mặc đi chơi. Anh yêu Ngô Lệ Thường và cô ấy cũng yêu anh. Chỉ cần anh kiếm được việc làm, và cả hai có thể đến toà thị chính làm thủ tục kết hôn. Anh mới từ Hoa Kỳ về và, tuy có bằng cấp, chỉ có may mắn anh mới kiếm được việc. Nếu gặp may anh mới có việc làm sớm, còn không, anh phải chờ một thời gian. Anh đã gởi bảy, tám thư cho những nơi tuyển dụng, và đang chờ hồi âm những ngày sắp tới đây. Chính vì lẽ đó mà mấy hôm nay anh cứ ở cạnh điện thoại, chờ cuộc gọi từ một trong những người tuyển dụng đó, không dám đi đâu, trừ trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, nếu Ngô Lệ Thường yêu cầu anh đưa cô đi xem phim thì anh không thể có lựa chọn nào khác, nhất thiết anh phải đi thôi. Đã năm giờ kém năm rồi, anh phải vội lên để khỏi đến trễ, nếu không Ngô Lệ Thường sẽ giận. Vậy là anh vội vàng mở cửa, rồi chiếc cổng sắt, và, bước ra ngoài rồi lại quay trở vào đóng cửa, bước vội đến thang máy để xuống đường, nhanh chân đi về hướng trạm xe buýt, lòng thanh thản. Đúng ngay lúc anh vừa tới nơi, một chiếc xe buýt lao nhanh đến, và, không kiểm soát được tốc độ, đâm vào trạm dừng, cán phải Trần Hi, một bà già và một bé gái, nghiến bẹp cả ba người.

II.

      Khi chuông điện thoại reo, Trần Hi đang nằm dài trên giường, mắt nhìn lên trần nhà.  Ngô Lệ Thường gọi rủ anh đi xem phim ở rạp Lợi Vũ đài, xuất năm giờ rưỡi. Điều này khiến anh phấn khích trở lại, anh vội vàng cạo râu, chải đầu, thay quần áo, khẽ huýt sáo điệu nhạc bài "Người Trung Quốc dũng cảm". Thay quần áo xong, anh chăm chú soi gương và nhủ thầm là phải mua một chiếc sơ mi hàng hiệu để mặc đi chơi. Anh yêu Ngô Lệ Thường và cô ấy cũng yêu anh. Chỉ cần anh kiếm được việc làm, và cả hai có thể đến toà thị chính làm thủ tục kết hôn. Anh mới từ Hoa Kỳ về và, tuy có bằng cấp, chỉ có may mắn anh mới kiếm được việc. Nếu gặp may anh mới có việc làm sớm, còn không, anh phải chờ một thời gian. Anh đã gởi bảy, tám thư cho những nơi tuyển dụng, và đang chờ hồi âm những ngày sắp tới đây. Chính vì lẽ đó mà mấy hôm nay anh cứ ở cạnh điện thoại, chờ cuộc gọi từ một trong những người tuyển dụng đó, không dám đi đâu, trừ trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, nếu Ngô Lệ Thường yêu cầu anh đưa cô đi xem phim thì anh không thể có lựa chọn nào khác, nhất thiết anh phải đi thôi. Đã năm giờ kém năm rồi, anh phải vội lên để khỏi đến trễ, nếu không Ngô Lệ Thường sẽ giận. Vậy là anh vội vàng mở cửa, rồi chiếc cổng sắt, và rồi...
     Chuông điện thoại reo lần nữa.
     Nghĩ rằng đây có thể là cuộc điện thoại về việc làm mà mình đang chờ, anh quay vào vội vàng trả lời.
     - Allô!      
     Anh nghe một giọng phụ nữ:
     - Chú có nhà không ạ?
     - Ai?
     - Chú.
     - Không có chú nào ở đây.
     - Thế thì cô có nhà không?
     - Chị gọi số nào vậy?
     - 39 57 ...
     - Có phải ở Cửu Long?
     - Vâng.
     - Chị gọi nhầm số, đây là Hong Kong.

     Anh mạnh tay gác máy, vội vàng mở cửa, rồi chiếc cổng sắt, và khi bước ra ngoài rồi lại quay trở vào đóng cửa, bước vội đến thang máy để xuống đường, nhanh chân đi về hướng trạm xe buýt, lòng thanh thản. Khi còn cách khoảng năm mươi mét, anh nhìn thấy một chiếc xe buýt lao nhanh đến, và, không kiểm soát được tốc độ, đâm vào trạm dừng, cán phải một bà già và một bé gái, nghiến bẹp hai người.


THÂN TRỌNG SƠN
Dịch theo bản tiếng Pháp của Brigitte Duzan
( Nguồn : www.chinest-shortstories.com )


lundi 24 novembre 2014

CÁI ĐUÔI


Truyện ngắn

Uông Tăng Kì
( nhà văn Trung Quốc, 1920 - 1997 )


         Sinh năm 1920 tại Cao Bưu, tỉnh Giang Tô, tiếp thu nền giáo dục truyền thống, nhưng sớm có xu hướng thiên về khoa học tự nhiên - toán, lý, hoá, tự tìm hiểu thơ ca, chịu khó chép lại những bài thơ cổ đời nhà Tống, thường gợi nỗi buồn ly biệt, chủ đề mà Uông Tăng Kỳ thường nhắc đến trong truyện của mình sau này.
              Năm 1939, ông chuyển về Vân Nam, thi vào khoa Văn học Trung Quốc, Trường Đại học Liên hợp Tây Nam. Thời gian này, ông viết những truyện ngắn đầu tiên: " Tiểu học giáo đích chung thanh " ( Tiếng chuông trường tiểu học ) và " Phục cừu " ( Trả thù ). 
          Thời gian từ 1948 đến 1958, ông phụ trách biên tập cho 
nhiều tạp chí văn học - nghệ thuật ở Bắc Kinh, rồi chuyển sang viết kịch bản ca kịch, chuyên viết cho Đoàn Kinh kịch Bắc Kinh. 
        Uông Tăng Kỳ được nhắc đến nhiều nhất như một tác giả truyện ngắn, nổi tiếng nhất là " Thụ giới" , " Đại náo ký sự " ( Giải truyện ngắn xuất sắc năm 1981 ), " Tuế hàn tam hữu ". Không khí truyện của Uông Tăng Kỳ là hoài niệm quá khứ, nhắc đến những lễ hội truyền thống, nghi thức tôn giáo, sinh hoạt đời thường của người dân..., báo hiệu khuynh hướng " tầm căn văn học " ( tìm về nguồn ) .


     Cố vấn về nguồn nhân lực Hoàng là một nhân vật rất thú vị. Thực vậy, xí nghiệp không hề có cái chức danh kỳ lạ này, " cố vấn về nguồn nhân lực  ", đơn giản chỉ vì ông ấy đã công tác quá nhiều năm ở phòng nhân sự nên biết rõ hết đường tơ kẽ tóc, hơn nữa, hai năm trở lại đây, ông đã già đi, sức khoẻ suy giảm, ông thường than van đủ thứ bệnh tật, lại cao huyết áp, và ông đã đề nghị để chỉ làm cố vấn, do phần lớn vấn đề người ta thường tham khảo ý kiến ông đều liên quan đến nhân sự, nên mọi người gọi ông là cố vấn về nguồn nhân lực . Ban đầu có vẻ như chỉ là một biệt hiệu, nhưng rồi nghe mãi lại thành ra một chức danh hoàn toàn chính thức. Khi nào ông có thể tránh, ông chẳng tham dự cuộc họp nào liên quan đến vấn đề nhân sự. Còn khi có mặt, có lúc ông lên tiếng, có lúc chẳng nói gì. Và khi ông phát biểu, nhiều người tỏ ra rất thích, có người không. Ông đọc đủ loại sách và thích kể chuyện. Ngay trong những cuộc họp quan trọng nhất ông cũng kể chuyện. Sau đây là một chuyện như thế.

     Trong xí nghiệp kia, anh kỹ sư tên Linh chuẩn bị được đề bạt chức kỹ sư trưởng. Tuy nhiên việc này chưa được sự đồng thuận của ban lãnh đạo, nhiều người tán thành, có người phản đối, và họp đi họp lại nhiều lần vẫn chưa đi đến thống nhất. Lý lẽ của những người tán thành thì không cần bàn, còn ý kiến những người phản đối có thể tóm tắt ở mấy điểm:
       1. Lý lịch gia đình xấu: gia đình tư sản.
     2. Quan hệ xã hội phức tạp, quan hệ với nước ngoài, có anh họ đang ở Đài Loan.
       3.  Có nhiều phát biểu hữu khuynh vào lúc có chiến dịch chống hữu khuynh.
       4.  Quan hệ quần chúng không tốt, hay phát biểu châm chọc...

      Sự phản đối mạnh nhất là từ một người tên là Đồng, trưởng phòng nhân sự, một kẻ dễ kích động, không thể lý luận chặt chẽ, hợp lẽ nên thường chỉ biết lặp lại mấy chữ: " dân trí thức! xì, trí thức! ", đỏ mặt tía tai.

       Ông cố vấn về nguồn nhân lực tham dự nhiều buổi họp mà không phát biểu ý kiến. Và bí thư chi bộ nói với ông: " Sao, ông Hoàng, cho chúng tôi biết ý kiến đi chứ!" Ông Hoàng thong thả, nói từ tốn:
    " Tôi xin kể hầu quý vị một câu chuyện. Xưa có người tên Nghệ Tử. Một hôm khi ngồi trên chiếc thuyền neo bên bờ sông, giữa đêm khuya, ông nghe tiếng khóc vọng lên từ dưới nước. Chú ý lắng tai nghe ông mới biết là đám tiểu dân dưới nước đang khóc. Ông hỏi lý do thì được trả lời: Long vương ra lệnh cho chúng tôi giết hết loài thuỷ dân nào có đuôi, vậy nên chúng tôi mới khóc. Nghe mấy lời đó  lòng  Nghệ Tử thấy thương cảm. Tuy nhiên khi nhìn gần hơn ông thấy có một con ếch cũng khóc. Ông bèn hỏi:  Sao chú cũng khóc? Chú đâu có đuôi!
      Và con ếch đáp: Vâng, nhưng tôi sợ là Long Vương biết được rằng có thời tôi là nòng nọc."


THÂN TRỌNG SƠN
Dịch theo bản tiếng Pháp của Brigitte Duzan
( Nguồn : www.chinest-shortstories.com )

jeudi 16 octobre 2014

Thơ Adonis

Thơ Adonis
Nhà thơ Lebanon - Syria
( 1930 -           )


 


       Nghe như cổ tích chuyện cậu bé Ali Ahmed Saïd Esber, con nhà nông dân vùng Al Qassabina, miền tây nước Syria: từ chỗ nhà nghèo, không được tới trường, sau có cơ hội đi học và đạt trình độ tiến sĩ; từ chỗ thuở nhỏ làm thơ gởi các báo nhưng không bài nào được đăng, sau lại là người sáng lập một tạp chí chuyên về thơ và trở thành " nhà thơ vĩ đại nhất còn sống của thế giới Á Rập" với bút danh Adonis.

       Mọi chuyện bắt đầu khi, ở tuổi mười bốn, được tin vị tổng thống đầu tiên của nước Cộng hoà Syria mới giành độc lập về thăm làng, cậu tìm mọi cách để đến đọc trước mặt tổng thống bài thơ mà cậu viết vào dịp này.  Sự tưởng thưởng tổng thống dành cho cậu ( theo đúng nguyện vọng ) là học bổng để vào học tại một trường của người Pháp ở Tartus. Đỗ tú tài, Adonis học tiếp đại học ở Damascus và tốt nghiệp cử nhân triết học năm 1954. Năm 1956, sau khi ở tù gần một năm vì tham gia vào một đảng phái đối lập, Adonis trốn sang Beirut, thủ đô nước Lebanon rồi trở thành công dân của nước này. Ông đỗ tiến sĩ năm 1973 và trở thành giáo sư văn họcÁ Rập tại Đại học Lebanon, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Damascus và nhiều trường đại học ở Pháp , Thuỵ sĩ và Mỹ. Tình  hình nội chiến ở Lebanon khiến ông phải rời bỏ xứ này và qua sống tại Pháp từ năm 1985.

              Tuy được giáo dục theo truyền thống Hồi giáo, Adonis sớm tiếp thu ảnh hưởng văn hoá phương Tây. Trong thời gian theo học đại học, ông tự học ngoại ngữ và đọc nhiều tác phẩm của Pháp. Ông đã dịch nhiều văn thơ kịch của các tác giả châu Âu, nhất là Pháp ( Baudelaire, Henri Michaux ...).

          Tình yêu đối với thơ ca của Adonis được cha truyền cho từ nhỏ và bút danh này ông ký vào bài thơ đầu tiên được đăng báo lúc 19 tuổi.Thơ của ông là một tổng hợp giữa sự làm mới của chủ nghĩa hiện đại và tính chất huyền bí của Á Rập cổ điển. Vừa là nhà thơ, ông cũng là nhà phê bình văn học, nhà lý thuyết thơ. Ông chủ trương: " Ngày nay, thơ đương đầu với một sự nguy hiểm không do tự chính nó mà do ngôn từ mà nó dẫn tới. Thơ bị che lấp bởi thứ ngôn từ đó. Bây giờ độc giả không đọc chính bài thơ nữa, mà đọc nhà thơ, đọc những thứ liên quan, những xu hướng của nhà thơ. Người ta đọc những gì mọi người phát biểu về nhà thơ và về thơ ca. Đối với nhà phê bình, nhà thơ trở thành một phương tiện để khẳng định sự lựa chọn, để giải bày những lý thuyết, chứ không để tiếp cận bài thơ như nó vốn là thế. Đây là thứ phê bình muốn giải mã thơ ca qua phát ngôn của mọi người. Sự phê bình đích thực hoàn toàn trái ngược hẳn, nó khám phá thế giới thông qua thơ ca. Nó đạt tới sức mạnh của chính ngôn ngữ không bằng phương tiện nào khác hơn chính thơ ca".

               Gần 70 năm sáng tác, Adonis đã xuất bản nhiều tập thơ giá trị, viết bằng tiếng Á Rập và được dịch sang nhiều thứ tiếng. Ngoài Giải thưởng Thơ ca Quốc gia Lebanon ( năm 1974 ), Adonis còn nhận được nhiều giải thưởng cao quý của các nước Nga, Bỉ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, đáng kể nhất là giải thưởng mang tên văn hào Goethe của nước Đức " về toàn bộ tác phẩm " của ông. Chỉ tiếc là giải Nobel Văn học chưa lần nào xướng tên Adonis tuy đã nhiều lần được đề cử, sơm nhất là từ năm 1988.

                Đối với Adonis, sứ mệnh của thơ ca trước sau vẫn là:
" Thơ ca làm cho  cuộc sống trên trái đất này tốt đẹp hơn, bớt phù phiếm, bớt khổ đau hơn. "




NHỮNG BÀI THƠ KHÔNG ĐỀ


Vào một đêm trăng tròn
Hãy thử chăm chú nhìn lên thiên hà
Bạn sẽ thấy nó là dòng sông
Với đôi tay bạn là sông nhánh
Và khuôn ngực là cửa sông.
---
Hôm nay bầu trời đã viết bài thơ
Bằng màu mực trắng
Và gọi tên là tuyết.
---
Giấc mơ của bạn trẻ lại
        trong khi bạn già đi
Giấc mơ lớn lên khi tiến bước
Về phía tuổi thơ.
---
Giấc mơ là con ngựa
Chở ta đến chốn xa
Mà không hề dịch chuyển.
---
Mây lang thang hoài cũng mệt
Nó ghé xuống con sông gần nhất
Để giặt áo
Mây vừa nhúng chân xuống nước
Thì chiếc áo rã tan
Và biến mất.
---
Đoá hồng bước ra khỏi giường
Cầm đôi bàn tay của ban mai
Để giụi mắt.
---
Hắn bước đi trên triền dốc mùa thu
Tựa vào cánh tay mùa xuân.
---
Bầu trời cũng khóc
Nhưng lau nước mắt
Bằng chiếc khăn quàng chân trời.
---
Khi cơn mệt đến
Gió trải tấm thảm không gian
Để nằm dài lên.
---
Làm sao diễn tả cho cây
Hương vị của trái
Cho chiếc cung
Công việc của sợi dây?
---
Như một bàn tay
Ánh sáng di chuyển
Trên thân thể của bóng tối.
---
Tôi ký hoà ước với mây
Để giải thoát cho mưa
Và ký hoà ước khác với gió
Để gió giải thoát
Cho mây và tôi.
---
Ký ức - căn nhà khác của mình
Nơi bạn chỉ có thể bước vào
Với thân thể đã trở thành
Hoài niệm.
---
Hắn khoả thân kia rồi
Chỉ còn khoác lên người
Những lời nói.
---
Hắn đã đóng cửa
Chẳng phải để giam nhốt niềm vui
Mà để giải thoát nỗi sầu.
---
Những giấc mơ ban đêm là những sợi chỉ
Ta lấy để đan dệt
Những chiếc áo của ban ngày.
---
Trong bụi bặm tôi chạm vào
Những ngón tay của gió
Trong cơn gió tôi đọc ra
Chữ viết của bụi bặm.
---
Gió thuyết giảng sự lặng im
Tuy vẫn nói không ngưng nghỉ.
---
Cây thích hát những bài ca
Mà gió không nhớ ra được.
---
Có đôi khi
Mặt trời không thể rọi sáng em
Thế mà ngọn nến lại soi tỏ.
---
Tôi đứng trước gương soi
Không phải để nhìn mình
Mà chỉ để tin chắc
Người tôi đang thấy đó
Đúng thực là chính tôi.
---
Mỗi lần tôi tự vấn
Tôi xẻ thân làm đôi
Tôi và một câu hỏi
Câu hỏi tìm câu trả lời
Và tôi tìm câu hỏi khác.
---
Hy vọng có những ngón tay
Chỉ gom nhặt
Những cánh bướm lụi tàn.
---
Ánh sáng không tự vệ
Ánh sáng tấn công
Hoặc đầu hàng.
---
Mây có những tư tưởng
Tia chớp làm chúng bật ra
Cơn sấm chuyển chúng đi xa.



( Trích dịch từ "Chạm vào ánh sáng", bản tiếng Phápcủa Anne Wack Minkowski )


TÌNH YÊU

Con đường và mái nhà đều yêu thương tôi
Người sống và người chết
Và cái chum đất sét đỏ trong nhà
Được nước yêu thương.

Người láng giềng yêu thương tôi
Cách đồng, sân đập lúa, ngọn lửa.

Cũng yêu thương tôi là những cánh tay lam lũ
Làm cho thế giới tốt đẹp hơn
Chẳng được tưởng thưởng gì cũng hân hoan.

Và những mảnh vương rải đây đó
Bứt ra từ lồng ngực còm cõi của anh tôi
Mảnh thịt da khuất sau những gié lúa mùa gặt
Tựa như những viên hồng ngọc
Còn đỏ hơn màu máu đỏ tươi.

Thần yêu thương sinh cùng lúc tôi ra đời
Yêu thương sẽ ra sao khi tôi không còn nữa?


CÂY SẦU MUỘN


Lá đổ ào rồi nằm yên trong rãnh sâu chữ viết
Mang theo đoá hoa sầu muộn
Trước khi ngôn từ trở thành
Âm vang
Giao hoan trong khoảng tối đen.

Lá lạc đường xoay tròn kiếm tìm mảnh đất mê say
Hết cánh rừng này sang cánh rừng khác
Mang theo đoá hoa sầu muộn.


HAI NHÀ THƠ


Giữa âm vang và tiếng động hai nhà thơ đang đứng
Người thứ nhất lên tiếng tựa như
Một mảnh trăng vỡ
Còn người kia lặng thinh như đứa trẻ con
Hằng đêm ngủ nằm ngoan
Trong đôi tay ngọn hoả sơn.


TẤM GƯƠNG CHO MỘT CÂU HỎI


Tôi đã hỏi và họ đã bảo tôi, cành cây
Phủ trong ngọn lửa là chim,
Họ bảo tôi rằng khuôn mặt tôi
Là những đợt sóng,
và khuôn mặt của thế giới là những tấm gương,
Ngọn hải đăng, nỗi buồn chàng thuỷ thủ.

Tôi đã tới, và thế giới trên đường tôi đi
Là mực, mỗi cử chỉ là một câu văn
Tôi không hay rằng giữa chúng ta
Có một chiếc cầu tên là "Tình Huynh đệ"
Tạo nên bằng những bước chân, lời tiên tri và ngọn lửa.

Tôi không hay rằng khuôn mặt tôi
Là con tàu lướt trong một tia lửa.


TẤM GƯƠNG CHO THẾ KỶ HAI MƯƠI


Một quan tài mang khuôn mặt đứa bé
Một cuốn sách được viết bên trong ruột một con quạ
Một dã thú cầm một đoá hoa lết về phía trước
Một hòn đá
Thở trong phổi một người điên.
              Chính là nó,
              Đó là thế kỷ hai mươi.


TẤM GƯƠNG CHO NHỮNG ÁNG MÂY


Những cánh chim
Nhưng bằng sáp
Và mưa rơi không phải là mưa
Đúng hơn là những con tàu
Chở những giọt nước mắt của chúng ta.


TẤM GƯƠNG CHO MỘT GIẤC MƠ


Hãy lấy giấc mơ của tôi,
May nó, khoác nó vào,
Như chiếc áo.

     Bạn đã làm hôm qua
     Ngủ trong đôi bàn tay tôi
     Dẫn tôi đi loanh quanh
     Quay vòng tôi như tiếng rên
     Trong những chiếc xe của mặt trời,
     Chim hải âu bay vút lên
     Phóng từ đôi mắt tôi.


HOANG PHÍ


Không có đường chân trời giữa chúng ta
Cây yêu thương là bụi bặm
Và đêm là toa tàu chở bước tôi đi
Chở hoang mạc về với chính nó.

Không có đường chân trời giữa chúng ta
Giờ khắc phơi bày không che đậy
Và cái chết của tôi là mảnh vải.
Người thừa kế của cát
Mang viên đá đen làm thực phẩm
Mặt trời là dòng nước và bóng mờ của nó.


TRẺ CON


Trẻ con đọc cuốn sách về hiện tại, và bảo,
Đây là thời điểm đang nở hoa
Từ trong lòng những phiến lá tơi tả.
Chúng viết,
Đây là thời điểm chúng ta nhận ra
Làm thế nào cái chết nuôi nấng trái đất
Và làm thế nào nước và nước phụ bạc nhau.


THÍ NGHIỆM


Vâng, tôi sẽ không ngủ
Tôi sẽ nghiên cứu những con đường này và hiểu được điều nhiều người đã biết
Vâng, tôi sẽ gia nhập đám đông này -
    Một bước, hai bước, ba ... /
      Một người chết, một cảnh sát
Một người chết, một cảnh sát
Một người chết, một cảnh sát... /
Và bạn sẽ không là người làm chứng chống lại chúng tôi.

Tôi đây rồi giữa đại dương ngôn từ
Những cánh buồm nổi trôi trên đỉnh
Và tôi hiểu tôi đang lặp lại điều mọi người từng nói
Và tôi hiểu tôi đang ngủ thiếp.


NHỮNG NHÀ THƠ


Không có nơi nào cho họ, _ họ sưởi ấm
Cơ thể trái đất, họ làm
Chìa khoá cho không gian _
          Họ không tạo ra
          Một dòng tộc      hay một mái nhà
          Cho những huyền thoại của mình.
Họ viết chúng
Như cách mặt trời viết lịch sử của nó.
Không có nơi nào...


TÌM KIẾM


/ ... Một con chim
Giương đôi cánh _ Phải chăng nó sợ
Bầu trời sẽ sập? Hay là sợ
Cơn gió là cuốn sách ẩn trong bộ lông?
      Cổ chim
      Chèn tới chân trời
      Và đôi cánh là chữ nghĩa
      Bơi lội trong mê hồn trận.


LỜI AI ĐIẾU ( dành cho cha tôi )

1.
Cha tôi là một ngày mai
Lềnh bềnh ập xuống chúng tôi
Là một mặt trời,
Và bên trên ngôi nhà chúng tôi mây bay lên.

Tôi yêu ông, một bí mật khó khăn bị chôn vùi
Một vầng trán lấm bụi.

Tôi yêu ông, những chiếc xương đang phân rã và bùn.

2.
Trên ngôi nhà chúng tôi, im lặng lan toả và tiếng khóc thầm trổi dậy
Và khi cha tôi nằm xuống
Một cánh đồng cạn kiệt, một con chim sẻ chạy trốn.


( Trích dịch từ Tuyển tập Thơ Adonis, bản tiếng Anh của Khaled Mattawa ).


THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu.








mercredi 1 octobre 2014

THƠ MALCOLM DE CHAZAL




Thơ MALCOLM DE CHAZAL
Nhà thơ Mauritius
( 1902-1981)

Sinh ra tại vùng đất từng là thuộc địa liên tiếp của Hoà Lan, Pháp và Anh cho đến khi giành lại độc lập - năm 1968 - và trở thành nước Cộng Hoà Mauritius ( tiếng Pháp là Maurice ), Malcolm de Chazal là một tác giả khác thường, kỳ lạ, độc đáo, thường được nhắc tới như một nhà tư tưởng, nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ.

       Mười sáu tuổi ông sang Mỹ học trung học và đại học, tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp chuyên ngành chế biến đường, sang Cuba làm việc trong ngành này, vài tháng sau trở về quê hương tiếp tục công việc. Năm 1937, ông bỏ nghề và chuyển sang làm công chức ngành viễn thông, thăng đến chức Thanh tra Thương mại và nghỉ hưu sớm vào năm 55 tuổi. Quá trình học tập, đào tạo và nghề nghiệp có vẻ như chẳng liên quan đến việc cầm bút, vậy mà sự nghiệp sáng tạo của ông trong suốt cuộc đời lại bay nhảy qua nhiều loại hình đa dạng, phong phú rất bất ngờ.

Ngôn ngữ chính thức của Mauritius là tiếng Anh ( cùng với các thứ tiếng créole, tiếng Pháp và tiếng Hindi ), nhưng ông sử dụng tiếng Pháp :  ông thuộc thế hệ thứ năm của một gia đình gốc miền Auvergne, nước Pháp, di cư sang đảo quốc này từ năm 1763.

         Không kể những bài viết đầu tiên ( trên báo và sau in thành sách ) về các vấn đề kinh tế, những sáng tác văn học của Malcolm de Chazal xuất hiện từ năm 1936 trên một tạp chí, trong đó đã sớm gây chú ý là nhận định:

"Dante thực là vĩ đại vì ông đã hiểu cáiđiều mà rất nhiều nhà văn không biết: rằng chữ nghĩa là những vật sáng tạo sống động. Ông có thể trộn lẫn, phân tích và xếp đặt chúng đúng vào vị trí, để từ đó tạo ra được sự hài hoà về âm thanh và hình ảnh, nhưng ông cũng không bao giờ quên rằng mỗi lời nói là một bản thể. Khi tôi viết " tinh tú" với sáu chữ cái, tôi không ghi ra những dấu hiệu khô chết. Chúng chứa đựng  một thực thể rõ ràng và hữu cơ. Mỗi lời nói là một ma lực của cuộc sống."
          Và có thể nói tuyên ngôn của ông về sứ mệnh của thi ca là:
" Với tư tưởng và sự ngẫu hứng luôn mạnh mẽ, nhà thơ hầu như lúc nào cũng là nhà tiên tri của thời đại mới".
           Năm 1940, ông xuất bản một tập sách nhỏ lấy nhan đề là Tư tưởng I, bao gồm 204 phát biểu ngắn gọn, chỉ vài ba dòng, mà ông gọi là Cách ngôn ( aphorisme ), và sau đó, từ 1942 đến 1947, ông tiếp tục công bố hàng nghìn câu Cách ngôn khác trong các cuốn Tư tưởng II, III, IV, V, VI. Đó là những ý nghĩ bất chợt mà thú vị về mọi đề tài, chẳng hạn như:
           - Chẳng có niềm vui sống nếu không có niềm vui yêu thương.
           - Tiếng cười là thứ thuốc khử trùng tốt nhất cho tâm hồn.
           - Phụ nữ khiến ta thành thi sĩ, trẻ con khiến ta thành triết gia.
           - Trong số các loại người điên khác nhau, thiên tài là những người điên tỉnh táo.
              Những năm đầu của thập niên 50 ( thế kỷ XX ), ông chuyển sang viết kịch,  chỉ có một vở được dàn dựng, vài ba vở được xuất bản, phần lớn thì về sau ông đốt hết.
              Ngẫu hứng sáng tạo của Malcolm de Chazal đẩy đưa đến việc viết truyện ngắn, truyện vừa, và cả tiểu thuyết nữa, nhưng ông không xuất bản tác phẩm nào.

Đến năm 56 tuổi, ông bắt đầu cầm cọ, dù trước đó ông không hề biết vẽ, cũng không tỏ ra có chút thiên hướng gì về ngành nghệ thuật này. Ông chuyên vẽ tranh màu bột và tranh màu nước, những nét vẽ  giống tranh của những hoạ sĩ phái hồn nhiên. Tại quê hương, ông nhiều lần triển lãm, trưng bày hàng trăm tác phẩm nhưng không bán được tranh nào. Vậy mà sau này, ông lại thành công khi tổ chức triển lãm tại Paris, Luân Đôn, Montréal, Grenoble, San Francisco, Dakar.




 


Tác phẩm của Malcolm de Chazal khó đến với độc giả trên thế giới vì ban đầu ông chỉ xuất bản tại quê hương, đảo quốc Mauritius với diện tích 1865 km2 và dân số chưa tới 1 200 000 người, mà có khi chỉ in mỗi cuốn 100 bản.  Có thể nói loại hình nghệ thuật khiến ông nổi tiếng nhất là thi ca và cũng phải chờ đến năm 1947 khi Nhà xuất bản Gallimard của Pháp in cuốn Sens plastique, rồi sau đó là các bài viết trên báo Le Figaro, với nhiều ý kiến khen ngợi, thậm chí cho rằng ông là một nhà thơ thiên tài, và xếp ông sánh ngang với những nhà thơ siêu thực đương thời. Thơ của ông là những bài rất ngắn, gần giống với cách ngôn, nhiều ẩn dụ, thường có màu sắc triết lý, đôi khi hài hước.
            Những bài dịch dưới đây, chọn rải rác trong các tập Sens plastique, Sens magique, Poèmes, dẫn theo trang recoursaupoeme.frvà các trang khác, tạm đặt tên là


MỘT TRĂM BÀI THƠ KHÔNG ĐỀ
( Những chữ số trước mỗi bài không mang ý nghĩa gì, chỉ tiện cho người đọc khi muốn tạm dừng lại để chiêm nghiệm, để tủm tỉm cười, để đồng cảm với một tác giả ở phương trời nào xa lắc mà trải lòng chia sẻ như với bạn tri âm ).


1.
Đá
Khi chết
Chẳng cần
Được chôn cất.

2.
Lửa
Đến chậm
Hoặc nhanh
Ánh sáng
Lúc nào cũng
Đúng giờ.

3.
Vàng
Là kim loại
Có đôi vai
Rộng nhất.

4.
Cầu vồng
Cái đồng hồ
Không có
Nút lên giây.

5.
Ăn mặc
Với phụ nữ
Là cách
Tốt nhất
Để trò chuyện.

6.
Nước
Buông tà váy xuống
Khi mái chèo
Luồn qua.

7.
Mọi vật thể
Khi rơi
Đều
Làm dấu thánh.

8.
Trời nóng
Cơn mưa
Làm chiếc quần
Tụt xuống.

9.
Ngọn lửa
Than phiền
Củi
Không
Hiểu được nó.

10.
Chiếc bàn
Thiếp ngủ
Cuộc trò chuyện
Làm nó chán.

11.
Cái chết
Đến
Khi con người
Vắng mặt.

12.
Bạo lực
Khóc
Trên
Đống đổ nát
Của dịu dàng.

13.
Nước
Chẳng bao giờ
Khoả thân
Khi
Có người nhìn.

14.
Trái đất
Chưa bao giờ
Biết đến
Copernic.

15.
Trời nóng
Đến nỗi
Các loài hoa
Phải dùng đến
Sắc màu
Làm quạt.

16.
Con ong
Lúc rời
Nụ hoa
Bước ra
Dáng say khướt.

17.
Cơn giông
Tiếng kêu
Hấp hối
Của ngọn lửa.

18.
Đêm
Lúc nào
Cũng đi ngủ
Khi có mặt
Ánh sáng.

19.
Những nét vẽ đầu tiên
Mang lại
Cho người
Khuôn mặt
Của ý tưởng.

20.
Bàn tay
Làm tổ
Để bắt lấy
Con chim.

21.
Con đường
Mòn
Không còn
Cảm thấy
Mỏi mệt.

22.
Vỉa hè
Dừng lại
Cứ mỗi lần
Có người
Ngang qua
Để nhìn
Con đường.

23.
Đường sá
Vật duy nhất
Chẳng lãng phí
Thời gian.

24.
Đồng hồ
Thời gian
Bị tháo rời.

25.

Tất cả những gì
Chuyển động
Đều là
Chiếc neo
Của không gian.

26.
Bóng tối
Sức nặng
Của không gian.

27.
Số không
Chính là
Thủ phạm
Của cái
Nó không có.

28.
Mùa đông
Chỉ thấy lạnh
Khi mùa xuân
Gần đến.

29.
Khoảng không
Chẳng bao giờ
Ngừng
Rơi.

30.
Trái cây
Thuộc giống đực
Khi bày ra dĩa
Và giống cái
Khi ở trên cây.

31.
Vàng
Thành hà tiện
Khi
Chế biến làm
Nữ trang.

32.
Tật xấu
Là thứ
Biết vâng lời nhất
Trong số
Các bản năng.

33.
Chiếc gương soi
Là thời gian
Hay quên.

34.
Dòng sông
Chảy chậm hơn
Bờ.

35.
Trái đất
Rất đỗi
Ngạc nhiên
Vì sự đi nhanh
Của con rùa.

36.
Chiếc quạt đẹp nhất
Là cái miệng:
Nó mở ra
Ngay chính giữa.

37.
Chiếc máy
Mỏi mệt
Ngáy
Thời gian
Ngủ
Trong lòng nó.

38.
Chữ nghĩa
Là những chiếc
Bẫy ruồi
Con nhện
Là ý tưởng.

39.
Bom nguyên tử
Đã chọn
Im lặng
Làm mục tiêu.

40.
Ánh sáng
Thọc tay vào
Chiếc túi ban chiều
Và rút ra
Một ngôi sao.

41.
Nước
Sợ
Bị ướt
Và biến thành
Sương.

42.

Đen
Là ánh sáng
Bị chọc thủng.

43.
Ánh sáng
Chỉ thực sự
Khoả thân
Bên bờ nước.

44.
Chiếc gương soi
Không hề có
Trí nhớ.

45.
Không mùi hương nào
Còn trinh nguyên.

46.
Con nhện
Chết
Khi tưởng mình
Là ruồi.

47.
Duyên dáng
Chính là
Khoái cảm
Thường trực.

48.
Cái miệng
Của em bé
Là viên kẹo
Đầu tiên
Của nó.

49.
Mọi tai nạn
Xảy ra
Khi
Con đường
Đổi ý.

50.
" Không "
Chỉ đối lập
Với
" Có "
Trong những chuyện
Tiền bạc.

51.

Nếu không có
Thì muôn hoa
Đều cận thị.

52.
Mỗi
Con chim
Có màu sắc
Theo tiếng kêu.

53.
Rượu
Say
Người
Uống
Không đúng cách.

54.
Thời gian
Chỉ
Được coi trọng
Với những người
Chậm chạp.

55.
Màu xanh
Sức nóng
Của mùa xuân
Hơi lạnh
Của mùa hè.

56.
Con chim
Khi sợ hãi
Cảm thấy
Bị nhốt trong chuồng.

57.
Cái lưỡi
Bộ phận
Trong cơ thể
Ta thấy
Quen thuộc nhất.

58.
Vàng
Giàu hơn
Khi ở cạnh
Ngọc
Và nghèo đi
Trước kim cương.

59.
Trọng lượng
Chỉ
Thấy khoẻ
Ở trong
Chiếc cân.

60.
Sương mù
Là chiếc dù
Không có gọng.

61.
Người
Càng uống
Rượu
Càng ngon.

62.
Lòng tự ái
Những vết thương
Không rỉ máu.

63.
Cơn mưa
Đánh rơi
Chiếc thắt lưng
Trong làn sóng.

64.
Gió
Thấy
Bị hụt hơi
Khi bị
Tát tai.

65.
Chẳng có
Chút ngẫu nhiên nào
Cho
Thiên tài.

66.
Nàng có
Những bước đi
Khôn ngoan
Trên đôi chân
Điên cuồng.

67.
Ánh sáng
Ngủ đứng
Còn ban đêm
Ngủ mọi hướng.

68.
Mặt trời
Choàng
Quanh
Mặt trăng
Một đồng hồ đeo tay.

69.
Cảm giác
Cuối cùng
Của người bị treo cổ
Là ai đó
Lôi
Đôi chân của mình.

70.
Hơi thở
Ca hát
Trong nụ hôn.

71.
Tin tưởng
Sự mỏi mệt
Của người sùng đạo.

72.
Ánh sáng
Tỉa lá dần
Khi
Những cánh hoa
Mùa thu
Rơi rụng.

73.
Nước biển
Lúc nào cũng
Kéo quần lên
Để nhảy qua
Tảng đá ngầm.

74.
Vật duy nhất
Không biết
Dạ dày của mình
Là không khí.

75.
Sự vuốt ve
Chỉ cảm nhận
Mùi hương
Trong da thịt
Trẻ con.

76.
Khi
Cơn gió
Thổi qua
Cỏ
Rạp người xuống
Để làm tình.

77.
Khi
Ấn vào bụng
Ngọn lửa,
Ánh sáng
Cười.

78.
Mọi viên gạch
Trong
Bức tường
Đều cảm thấy
Bị
Chôn sống.

79.
Nếu không khí
Không biến thành
Con bướm
Thì làm sao
Bướm bay được
Trong không khí?

80.
Sự cô đơn
Của những cái mông
Là địa ngục
Của đàn bà.

81.
Con mắt
Ngủ
Khi cái miệng
Nói quá nhiều.

82.
Trong buồn phiền
Con mắt
Làm tính trừ
Và cái miệng
Làm tính cộng.

83.
Nước
Đi chân trần
Ra tắm
Ngoài biển.

84.
Đêm nay
Mặt trăng
Ngủ không ngon
Những đám mây
Gây cho nó
Những ác mộng.

85.
Khoái lạc
Ngay trung tâm
Cơn gió xoáy
Của giác quan.

86.
Trên cửa kính
Con ruồi
Tự hỏi
Đâu là
Phía bên ngoài
Và phía bên trong
Của mọi vật.

87.
Tảng băng
Dưới thác
Chơi
Môn trượt nước.

88.
Khi trời mưa
Biển
Cứ tưởng
Đã sinh ra
Bãi biển.

89.
Chỉ có lửa
Mới có thể
Tự liếm
Vào mắt.

90.
Rễ cây
Nằm trên đất
Chạy lon ton
Như con chim.

91.
Bóng tối
Chiếc va- li
Của không gian.

92.
Chiếc nhẫn
Tự xỏ ngón tay
Vào con mắt của mình.

93.
Người thợ giày đầu tiên
Chiếc xương cá.

94.
Chiếc găng
Chộp lấy
Bàn tay
Khi
Ta mang nó vào.

95.
Vết thương
Cười
Vì đau đớn.

96.
Chiếc nệm
Chờ đợi
Người
Để
Ngủ.

97.
Nếu loài người
Làm tình
Tập thể
Ý nghĩa nụ cười
Sẽ ngừng
Mãi mãi.

98.
Con bò
Tưởng mình
Là ruồi
Khi
Bị ai chích.

99.
Khi sợ hãi
Khuôn mặt
Ứng xử
Như
Bàn tay.

100.
Đường chân trời
Chưa bao giờ
Biết
Thắt nơ.



THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu