mardi 28 décembre 2010

samedi 18 décembre 2010

mardi 14 décembre 2010

JACQUES PRÉVERT


JACQUES PRÉVERT, nhà thơ của tự do
( 1900 - 1977 )



Phải nói gì đây để giới thiệu JACQUES PRÉVERT ?

Một tác giả chuyên viết kịch bản và đối thoại cho phim ảnh ? Một nhà văn viết truyện thiếu nhi ? Một kịch tác gia sáng tác và phóng tác nhiều vở kịch cho Nhóm Kịch Tháng Mười ? Một người yêu hội họa, bạn thân của các danh họa Braque, Picasso, Max Ernst… , tự minh họa nhiều sách của mình, từng sáng tác và triển lãm tranh cắt dán ? Một nhà thơ lúc nhỏ chỉ ngồi trên ghế nhà trường đến 15 tuổi mà về sau có tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa làm tài liệu học tập cho bao nhiêu thế hệ người học tiếng Pháp ? Một tác giả ca từ của hàng chục bản nhạc được những giọng ca hàng đầu của làng âm nhạc Pháp giới thiệu từ nửa thế kỷ nay và được người yêu nhạc khắp nơi trên thế giới thuộc nằm lòng, kể cả qua các bản dịch ?

Chân dung của JACQUES PRÉVERT đã được khắc họa qua những lĩnh vực đa dạng và phong phú như thế. Sinh ra cùng với thế kỷ XX và sống đến 3/4 thế kỷ này, JACQUES PRÉVERT đã để lại cho đời những dấu vết sâu đậm. Năm 1992, mười lăm năm sau khi Ông qua đời, toàn bộ tác phẩm của Ông đã được in trong Tủ sách Pléiade, một tủ sách “sang trọng” dành cho những tác giả mà tài năng và danh tiếng đã được thừa nhận. Tập thơ Paroles ( Lời nói ) xuất bản lần đầu vào tháng 5 năm 1946, chỉ một tuần sau đã in thêm 5000 bản, đến nay vẫn còn tái bản và tính ra đã có hơn hai triệu bản in. Khắp nơi trên đất Pháp hiện nay có hàng trăm trường học mang tên Ông, chỉ tính riêng trường trung học ( collège / lycée ) có đến 309 trường.

Ngay từ năm 1925, Ông đã đồng hành cùng nhóm Siêu thực, cùng sáng tác và sinh hoạt với các nghệ sĩ của nhóm này như Raymond Queneau, Yves Tanguy, Marcel Duhamel, Louis Aragon và tất nhiên cả André Breton ; nhưng chẳng bao lâu, với bản tính thích độc lập và tự do sáng tạo, Ông đã sớm tách rời trường phái Siêu thực, tách rời mọi ràng buộc phái nhóm.

Trong thời gian từ 1932 đến 1936, Ông tham gia nhóm kịch Tháng Mười, viết nhiều vở kịch có nội dung khuynh tả, bênh vực những người bị áp bức, bóc lột. Nhóm thường trình diễn trong các khu lao động , các nhà máy, cửa hàng, đã từng sang Nga biểu diễn năm 1933. Năm 1950, Ông đã từng lên tiếng ủng hộ Henri Martin, người lính hải quân ( sau này là lãnh tụ của Đảng Cộng sản Pháp ) đứng ra rải truyền đơn kêu gọi nhân dân Pháp chống lại cuộc chiến tranh của Pháp tại Đông Dương. Thế nhưng, khác với Aragon, Ông không hề gia nhập đảng Cộng sản.

Đồng thời với việc viết kịch bản và đối thoại phim – khiến tên tuổi Ông gắn liền với tên tuổi của đạo diễn nổi tiếng Marcel Carné và các diễn viên lừng lẫy như Jean Gabin, Michèle Morgan – JACQUES PRÉVERT làm thơ khá sớm. Suốt thời gian từ 1929 đến 1945, thơ của Ông xuất hiện rải rác trong các tạp chí hoặc dưới dạng bản đánh máy. Mãi đến năm 1946, một người bạn thân của Ông là René Bertelé, phụ trách nhà xuất bản Le Point du Jour, mới tập hợp lại và cho ra mắt người đọc, lấy nhan đề là Paroles, mở đầu cho một loạt tác phẩm đều đặn xuất hiện sau đó : Histoires ( 1946 ), Spectacles ( 1951 ),Grand bal du printemps ( 1951 ), Charmes de Londres (1951 ), L’opéra de la lune ( 1953 ), La pluie et le beau temps ( 1955 ), Lumière d’homme (1955 ), Fatras ( 1966 ), Imaginaires ( 1972 ), Choses et autres ( 1972 ) , Hebdromadaires ( 1972 ) và, sau khi Ông mất, Soleil de nuit ( 1980 ), La cinquième saison ( 1984 ).

Ngay từ các tập đầu tiên, thơ JACQUES PRÉVERT đã chinh phục người đọc mọi lứa tuổi bằng một thứ ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu. Ông không coi trọng cú pháp, vần luật, diễn đạt nhẹ nhàng, hồn nhiên, có khi như là văn nói. Cái nhan đề PAROLES ( Lời nói ) cũng phần nào hàm chứa ý đó. Mà nhìn kỹ một chút thì PAROLES chính là anagramme ( sắp xếp, đảo lộn thứ tự các chữ cái ) của LA PROSE ( văn xuôi ) đó thôi. Cái xu hướng tự do của Ông trước hết thể hiện ở chỗ trong cùng một tác phẩm, Ông đưa vào đủ loại thơ : thơ có vần, thơ tự do, thơ kể chuyện, trữ tình, công kích, có bài như một tiểu phẩm ( saynète ), có những bài rất ngắn ( 3 câu, 4 câu ), có bài dài trên 30 trang ( La crosse en l’air / Gậy quyền chỉ lên trời ). Bài “ Les paris stupides / Những cuộc đánh cá xuẩn ngốc ) chỉ vỏn vẹn thế này :

Un certain Blaise Pascal

Etc..etc..

Một ông Blaise Pascal nào đó

v.v…v.v…

( Ý nghĩa bài này thế nào ? Chưa thấy ai « giải mã ». ).

Ông thoải mái sử dụng đủ mọi hình thức chơi chữ ( jeux de mots ) : điệp âm, đồng âm, lặp lại, nói lái, đảo ngược … Ông đặt tên cho một tác phẩm của mình là HEBDROMADAIRES. Đó là mot valise tức là một từ mới được tạo ra bằng cách ghép một/ vài âm tiết của một từ với một/ vài âm tiết của từ khác ( hebdomadaire + dromadaire ). Tương tự như thế Ông viết un alcolonel ( alcool+colonel ) … Ông chơi chữ với hình thức đồng âm ( homonymie ) : De deux choses lune / l’autre c’est le soleil. ( l’une – l’autre và lune. ) Cũng là đồng âm nhưng ví dụ sau đây thật là bất ngờ :

Les conquérants : Terre ... Horizon . Terrorisons.

Còn học trò Hamlet ( trong bài L’accent grave ) khi chia động từ « être » đã nói

Je suis ou je ne suis pas rồi tiếp : Je suis « où » je ne suis pas

và kết luận : Être « où » ne pas être / C’est peut-être aussi la question.

thì chỉ với một cái dấu accent grave, không chỉ thầy giáo mà cả Shakespeare cũng phải ngạc nhiên.

Bài CHANT SONG trong tập Spectacles không thể nào dịch được vì đây là kiểu chơi chữ đậm phong cách PRÉVERT :

Moon lune

chant song

rivière river

garden rêveur

petite house

little maison ....

Một vài câu trích dẫn ( citations ) Ông đưa ra cũng rất thú vị :

« Người phụ nữ là một tư tưởng, mạnh mẽ nhất của tạo hóa, nhưng là một tư tưởng hay nhảy nhót. » ( La femme est une pensée, la plus forte de la nature, mais c’est une pensée dansante).

( Ta không quên câu của Pascal : « Con người là một cây sậy, yếu đuối nhất của thiên nhiên, nhưng là một cây sậy biết suy tư. » ( « L’homme est un roseau, le plus faible de la nature, mais c’est un roseau pensant. » )

« Nếu lời nói là bạc và im lặng là vàng thì tiếng kêu của con tim là một hạt kim cương muôn màu muôn sắc. » ( Si la parole était d’argent et le silence d’or, le cri du cœur serait alors un diamant multicolore.)

« Khi sự thật không được tự do thì tự do không thật : những sự thật của cảnh sát là những sự thật của hôm nay. » ( Quand la vérité n’est pas libre la liberté n’est pas vraie : les vérités de la police sont les vérités d’aujourd’hui.)

« Có lẽ phải cố gắng hạnh phúc dầu chỉ là để làm gương » ( Il faut essayer d’être heureux, ne serait-ce que pour donner l’exemple. »

Một đặc trưng khác của ngôn ngữ PRÉVERT là việc dùng hàng loạt danh từ, tính từ liên tiếp nhau, tiêu biểu là bài Inventaire/ Liệt kê :

Một viên đá

Hai ngôi nhà

Ba phế tích

Bốn phu đào huyệt

Một khu vườn

Những bông hoa

Người đọc tưởng như đây chỉ là những liên tưởng ngẫu hứng, không có một trật tự, một ý tưởng nào. Nhưng đọc xuống đoạn sau :

Một ông đeo bắc đẩu bội tinh.

đi liền sau câu

Một cánh cửa với tấm thảm chùi chân

hoặc Một vị giáo sĩ một cái mụn nhọt...

thì chắc chắn không phải là ngẫu hứng nữa rồi.

Thế đó, JACQUES PRÉVERT viết như một nhà ảo thuật của ngôn từ nhưng điều này không có nghĩa là thơ Ông dễ dãi, hời hợt. Là người sớm vào đời lao động kiếm sống, Ông tỏ ra đồng cảm với những cảnh đời khốn khó, chia sẻ với những thân phận bị áp bức, bóc lột. Ông lớn tiếng chống lại những thế lực tước đi tự do và hạnh phúc của con người, và, ở đây, không có đề tài nào là cấm kỵ ( tabou ) đối với Ông.

Cho dù đó là tôn giáo :

Lạy Cha chúng tôi ở trên trời

Xin Người cứ ở đó

Còn chúng tôi, chúng tôi cứ ở dưới đất

Trái đất đôi khi rất xinh đẹp...

( Pater Noster )

Cho dù đó là vương quyền :

Louis XIV mà người ta còn gọi là Vua Mặt trời

Thường hay ngồi trên chiếc ghế thủng

Vào khoảng cuối triều đại mình

Một đêm trời tối đen

Vua Mặt trời bước ra khỏi giường

Đến ngồi trên chiếc ghế

Và mất hút.

( L’éclipse )

Ngược lại, Ông luôn ca ngợi tình yêu, thương yêu trẻ em, quan tâm đến thú vật – đấy là những chủ đề quen thuộc trong thơ JACQUES PRÉVERT.

Ông luôn nhắc đến thú vật trong thơ của mình, đặc biệt là loài chim. Chỉ riêng trong tập Paroles chim đã hiện diện trong hơn hai mươi bài. Chim có thể chịu một số phận bi thảm, chim bị mèo vồ ăn mất một nửa rồi được cả làng tổ chức cho một đám tang thật to ( Le chat et l’oiseau / Mèo và chim ), chim chết cả hàng ngàn con khi bay về từ hải đảo vì lóa mắt trước ánh sáng ngọn hải đăng nên va đập vào nhau ( Le gardien de phare aime trop les oiseaux / Người gác hải đăng quá yêu chim ). Nhưng chim bao giờ cũng là biểu tượng của tự do : Vẽ chim thì trước hết phải vẽ cái lồng với cánh cửa để mở, rồi khi chim tự bay vào lồng rồi thì hãy tháo gỡ dần từng chiếc chấn song, có thế chim mới cất tiếng hót ( Pour faire le portrait d’un oiseau / Để vẽ chân dung một con chim ). Chim phải được thoải mái bay chuyền từ cành này sang cành khác ( Le désespoir est assis sur un banc / Tuyệt vọng ngồi trên chiếc ghế băng ).

Càng yêu thương loài vật, Ông càng dành nhiều tình cảm cho tuổi thơ. Trẻ em không thể mãi là cậu học trò nhỏ cứ phải đứng trước lớp để cho « người ta hỏi nó / đủ mọi thứ vấn đề ». Trẻ em phải được quyền nói có với những gì mà nó thích, phải được lấy phấn đủ màu / trên tấm bảng thương đau / vẽ khuôn mặt hạnh phúc. ( Le cancre / Học trò lười ). Trẻ em không thể mãi bị tra tấn bởi những bài học nhàm chán hai với hai là bốn, bốn với bốn là tám ...khi mà từ bên ngoài lớp học tiếng chim hót vọng đến. Trẻ em phải được hát được chơi với chim để cho « tám với tám bỏ đi / và bốn với bốn và hai với hai / cũng lần lượt chuồn theo... » và lúc đó thì :

... các bức tường lớp học

yên lặng sụp đổ

rồi cửa kính trở lại thành cát

mực viết trở lại thành nước

bàn học trở lại thành cây

phấn viết trở lại thành vách đá

cán bút trở lại thành chim.

và trẻ em trở lại với khung trời mơ mộng của lứa tuổi thần tiên. ( Page d’écriture / Trang viết ).

Đối với JACQUES PRÉVERT, tình yêu rất cần cho cuộc sống, yêu là sống và sống là yêu :

Chúng ta yêu nhau và chúng ta đang sống

Chúng ta đang sống và chúng ta yêu nhau

Và chúng ta không biết cuộc đời là gì đâu

Và chúng ta không biết hôm nay là ngày mấy

Và chúng ta không biết tình yêu nó ra sao.

( Chanson / Bài ca )

Đó là tình cảm nhẹ nhàng tinh khiết của những đứa trẻ ôm hôn nhau « trong ánh sáng chói lòa của mối tình đầu tiên » ( Les enfants qui s’aiment / Những đứa trẻyêu nhau ), tình yêu của đôi trai gái cùng mới mười lăm tuổi phải « ăn gian » cọng tuổi cả hai để nói chúng ta đã ba mươi tuổi rồi chúng ta đã có quyền yêu nhau. ( Embrasse-moi / Hãy ôm hôn em ). Thơ tình của JACQUES PRÉVERT bao giờ cũng mượt mà trau chuốt, kể cả những bài rất ngắn. ALICANTE chẳng hạn. ( Alicante là tên một thành phố hải cảng của Tây Ban Nha, cũng là tên một thứ rượu vang nổi tiếng sản xuất ở đây.) Có thể nói Jacques Prévert đã vận dụng sở trường về hội họa và kịch nghệ trong bài này. Bài thơ mở đầu với hình ảnh một bức tranh tĩnh vật :

(1)Một trái cam trên bàn

(2)Áo em trên tấm thảm

Điều thú vị là tác giả đã chuyển hình ảnh này sang đoạn sau bằng sự nhắc lại mà không trùng lặp ở hai câu 4 và 5 :

(4)Tặng phẩm ngọt ngào của hiện tại

(5)Khí mát của đêm thanh

Đến câu thứ ba ( được nhắc lại ở câu thứ 6 ) không gian tĩnh đã nhường chỗ thế giới động với sự xuất hiện của nhân vật :

(3)Và em trên giường anh

………………

(6)Hơi ấm của đời anh.

Và như thế tranh vẽ đã chuyển thành màn kịch ngắn với ngôn ngữ không lời, bố cục độc đáo của bài thơ mở ra nhiều hướng cho người đọc tự cảm nhận.

BARBARA là một kiểu thơ tình khác. Đây là một cuộc tình bi tráng trong chiến tranh. Cô gái “ tươi cười hân hoan rạng rỡ “ vừa mới choáng ngợp trong tình yêu chạy dưới mưa “ ngã vào trong vòng tay “ chàng trai đã sớm đối diện với “ cuộc chiến tranh xuẩn ngốc”. Cả hai phải chia tay trong bối cảnh thành phố Brest bị dội bom khốc liệt đến mức tất cả đều bị hủy diệt :

Xa, xa hẳn Brest

Thành phố không còn chút dấu vết.

Câu kết của bài dịch như trên không diễn được cái âm thanh khô khốc, lạnh lùng, bi thương của từ RIEN trong nguyên tác.

Thơ của JACQUES PRÉVERT còn được chắp cánh bay xa khi chuyển thành nhạc. Bài thơ đầu tiên được phổ nhạc là bài Les animaux ont des ennuis, phần nhạc do một người bạn gái thuở thiếu thời của Ông là Christiane Verger viết từ năm 1928. Về sau, rất nhiều tác giả khác đã sáng tác nhiều ca khúc bất hủ từ thơ của Ông, ngoài Joseph KOSMA ( 1905-1969 ) được nhiều người biết còn có thể kể Louis Bessières, Hanns Eisler, Wal-Berg, Georges Auric, Jo Warfield, Henri Crolla, Sebastien …. Mấy chục năm nay những bài này đã được nhiều thế hệ ca sĩ trình bày như Agnès Capri, Marianne Oswald, Germaine Montero, Fabien Loris , nổi tiếng hơn là Juliette Gréco, Yves Montand, Mouloudji, les frères Jacques, Edith Piaf và hiện nay còn có Jean Guidoni, Catherine Ribeiro, Djemel Charif. Bài LES FEUILLES MORTES ra đời từ 1945, đến nay vẫn còn nhiều người thích hát hoặc thích nghe.



JACQUES PRÉVERT đã đi qua thời đại đầy biến động của Ông với một thái độ tỉnh táo, không gò mình trong khuôn phép của trường phái nghệ thuật, không để bị ràng buộc bởi xu hướng chính trị, tự khẳng định mình qua nhiều hình thức biểu hiện và nổi trội hơn cả vẫn là thơ vì với Ông “ Thơ ca có mặt ở khắp nơi cũng như Thượng đế chẳng có ở đâu cả.Thơ ca là một trong những biệt danh xác thực nhất, hữu dụng nhất của cuộc đời” (La poésie est partout comme Dieu n’est nulle part. La poésie, c’est un des plus vrais, un des plus utiles surnoms de la vie». Thế giới thơ của JACQUES PRÉVERT, cũng như chính con người JACQUES PRÉVERT, bao giờ cũng tự do, tự do như khí trời, tự do như mây gió, tự do như hoa cỏ trong ĐỒNG XANH ( pré vert ) .

THÂN TRỌNG SƠN

dimanche 12 décembre 2010

ÉDITH PIAF tiếng ca huyền thoại của con chim sẻ nhỏ.









Dưới bầu trời Paris (1)

Dưới bầu trời Paris, ngày 19 tháng 12 năm 1915 đã ra đời bé gái Édith Giovanna Gassion. Giấy khai sinh chính thức ghi nơi sinh là bệnh viện Tenon, quận 20, Paris, nhưng nhiều người lại truyền nhau là Édith sinh ra trên lề đường, trước nhà số 72 đường Belleville, thuộc Ménilmontant, một khu phố bình dân cũng ở quận 20. Có lẽ chỉ vì chi tiết này phù hợp hơn với những gì liên quan tới cuộc đời của người sẽ trở thành huyền thoại của nền ca nhạc Pháp : gia cảnh tầm thường, tuổi thơ u ám, sức khỏe mong manh, tình duyên lận đận, sự nghiệp gập ghềnh, tuổi thọ ngắn ngủi.



Bố là nghệ sĩ xiếc uốn dẻo, mẹ là ca sĩ đường phố, sinh con trong thời kỳ chiến tranh, đặt tên con là Édith để tưởng nhớ nữ y tá người Anh là Edith Cavell được xem như là anh hùng sau khi bị quân Ðức xử bắn vì tội đã cứu cả trăm binh lính đồng minh trong Thế chiến thứ nhất. Bố nhập ngũ, mẹ
thiếu điều kiện chăm sóc con nên giao Édith cho bà ngoại, một phụ nữ nát rượu nhận nuôi cháu trong một điều kiện không thể tồi tệ hơn : bỏ bê trong đói khát và dơ bẩn trong một căn phòng thiếu cả phương tiện vệ sinh. Édith sống trong tình trạng này trong 18 tháng mới được bố “giải thoát ” để được đem về gởi cho bà nội ở Bernay, thuộc vùng Normandie, miền Bắc nước Pháp. Thật trớ trêu, bà nội là một chủ nhà chứa. Chính các cô gái làng chơi ở đây yêu thương và chăm sóc bé Édith giúp em dần dần khôi phục sức khỏe. Năm 7 tuổi, Édith bị mù tạm thời do giác mạc bị tổn thương ( kératite ). Với hy vọng chữa khỏi cho em, các cô gái giàu lòng nhân ái này đưa em đến cầu nguyện trước mộ của Thérèse Martin ở Lisieux (2) và thực sự sau đó phép mầu đã giúp em lành bệnh.

Đại chiến kết thúc, bố Édith giải ngũ trở về tiếp tục nghề xiếc rong ngoài đường phố. Édith theo giúp bố và, ngoài việc ngửa nón xin tiền, bắt đầu thử nghiệm giọng ca của mình bằng các bài hát bình dân trình diễn trước đám đông. Dần dần Édith được người nghe tán thưởng và kiếm được tiền nhiều hơn cả bố. Chẳng bao lâu sau Édith tách khỏi bố để bay nhảy tự do bằng đôi cánh của mình.

Tháng 2 năm 1933, Édith 17 tuổi có cuộc tình đầu đời với chàng trai trẻ làm nghề giao hàng Louis Dupont, sinh cho anh ta đứa con gái là Marcelle, 2 năm sau cháu bé qua đời vì bệnh viêm màng não và người tình cũng bỏ đi.

Édith tiếp tục lang thang ca hát trên các khu phố Belleville (3) và Pigalle (4) . Chất giọng đặc biệt của Édith đã được Louis Leplée, chủ một phòng trà ca nhạc sang trọng ở Paris chú ý. Đây là phòng trà Gerny’s, nằm trên đại lộ Champs-Élysées. Louis Leplée nhận ngay ra rằng giọng ca tuyệt vời này không phải để hát trên đường phố mà phải là dưới ánh đèn màu, đưa Édith về hát tại phòng trà của mình. Ông đặt cho Édith nghệ danh “la Môme Piaf ” ( môme là cô bé, piaf, tiếng lóng, nghĩa là con chim sẻ ), cái tên gợi lên vóc dáng mảnh khảnh, nhỏ bé của Édith vốn chỉ cao 1,47m. Ông cũng yêu cầu Édith mặc toàn đồ đen khi lên hát và đây sẽ là hình ảnh độc đáo sẽ theo Édith suốt cuộc đời ca hát của mình. Con mắt tinh đời của Leplée đã không phụ ông : giọng ca của con chim sẻ nhỏ đã chinh phục được khách của Gerny’s. Chẳng mấy chốc cả Paris đổ xô về đấy để tán thưởng một tài năng vừa mới được khám phá. Trên đà thành công của Édith, ông Leplée quyết định giúp cô thu âm đĩa 70 vòng đầu tiên vào năm 1936.


Đời màu hồng (5)

Một sự việc bất ngờ xảy đến, sự nghiệp của Édith vừa lóe sáng đã tắt ngấm : tháng 4 năm đó, Louis Leplée bị giết tại nhà riêng, Édith bị nghi là có dính líu, cảnh sát thẩm vấn, báo chí công kích. Édith phải từ bỏ Gerny’s và có nguy cơ trở lại với đường phố. Trong lúc khó khăn này, một người bạn của Édith là nhạc sĩ Raymond Asso đã giúp cô tìm chỗ trình diễn và nhất là rèn luyện kỹ năng ca hát để trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Năm 1937 Édith được nhận vào nhà hát ABC (6) và ngay lập tức tỏa sáng ở đây. Raymond Asso đề nghị cô đổi nghệ danh thành Édith Piaf , đây sẽ là cái tên mà cô sử dụng suốt đời. Sau thành công ở ABC, Édith còn biểu diễn ở nhà hát Bobino (7), tham gia đóng kịch ( vở Le Bel Indifférent -1940 – do Jean Cocteau viết cho chính cô ) , đóng phim ( Montmartre-sur-Seine -1941- của đạo diễn Georges Lacombe ). Cả kịch và phim này ( Édith diễn chung với Paul Meurisse ) đều thành công, chứng tỏ tài năng của Édith trong lĩnh vực diễn xuất.

Đến tuổi 30, Édith Piaf đã vững vàng trong sự nghiệp nhưng không quên bước khởi đầu gian nan của mình nên nghĩ tới việc giúp đỡ những nghệ sĩ trẻ mới vào nghề. Mùa hè 1944, Édith gặp Yves Montand (8) lúc này chưa nổi tiếng, chỉ làm nhiệm vụ hát mở màn (9) cho những tiết mục của cô ở cabaret Moulin Rouge. Tiếng sét ái tình khiến cô chăm sóc đặc biệt cho Yves, hướng dẫn, giúp đỡ mọi mặt. Cô đề nghị Henri Cortet, nhạc sĩ chuyên viết cho cô hát, sáng tác nhiều bài riêng cho Yves ( “Battling Joe” , “ Luna park” ). Và chính Édith cũng viết dành riêng cho Yves nhạc phẩm Đời màu hồng (1945 ) , bây giờ trở thành bài ca bất tử. ( Khi chàng ôm em trong vòng tay/ Khi chàng âu yếm thì thầm bên tai / Em thấy cuộc đời sao đẹp thay ! ). Cả hai còn cùng nhau đóng phim Ngôi sao không ánh sáng ( Étoile sans lumière ) của đạo diễn Marcel Blistère. Nhưng mối tình nghệ sĩ này không bền lâu, đầu năm 1946 hai người chia tay nhau. Sau này Yves kết hôn với diễn viên Simone Signoret còn Édith bay nhảy với nhiều cuộc tình khác.


Cũng thời gian này, Édith có dịp làm quen với nhóm ca sĩ trẻ Les Compagnons de la chanson (10) ( Những người bạn của ca khúc ) chuyên trình diễn những giai điểu cổ có âm hưởng dân ca. Édith khích lệ nhóm chuyển sang loại nhạc trẻ trung hơn, đề nghị ghi âm chung bài Les trois cloches ( Ba quả chuông ) của nhạc sĩ Thụy Sĩ Jean Villard. Thành công vang dội rất bất ngờ : bán được cả triệu dĩa. Édith quyết định đưa nhóm cùng sang Mỹ trong chuyến lưu diễn đầu tiên vào năm 1947. Chuyến đi này là một dấu mốc mới trong cuộc đời ái tình và sự nghiệp của Édith Piaf.


Bài tụng ca Tình yêu (11)

Không có gì hứa hẹn cho con chim sẻ thành Paris trên đất khách, những buổi trình diễn đầu tiên của cô trong các phòng trà ca nhạc ở New York chưa được khán giả chú ý mấy. Định quay trở về châu Âu thì tình cờ cô đọc được một bài phê bình với lời lẽ khích lệ đặc biệt trên một nhật báo lớn ở đây khiến cô đổi ý. Cô ký hợp đồng hát một tuần cho Café Versailles, một phòng trà khá nổi tiếng ở Manhattan (12) . Chính nơi đây Édith mới được khán giả Mỹ hâm mộ nên tiếp tục cộng tác đến 4 tháng và sau này còn trở lại nhiều lần.

Thời gian này, Édith lao vào một cuộc tình lớn : cô gặp và yêu say đắm Marcel Cerdan, một võ sĩ quyền Anh vô địch thế giới. Tuy Marcel đã có vợ và tuy hai người hoạt động trong hai lĩnh vực khác hẳn nhau, cuộc tình giữa “ ông vua đánh bốc và bà hoàng ca nhạc” vẫn được báo chí xem là cuộc tình lãng mạn nổi tiếng nhất thế kỷ. Định mệnh lại giễu cợt Édith. Chỉ một năm sau, Marcel thiệt mạng trong một tai nạn máy bay khi đi từ Paris sang New York thăm người tình. Tinh thần suy sụp, lại bị hành hạ bởi những cơn đau của chứng bệnh viêm đa khớp ( polyarthrite ), Édith phải sử dụng mooc-phin với liều cao. Cuộc tình này đã để lại nhạc phẩm Édith viết cho anh Bài Tụng ca Tình yêu , một trong những bài ca sẽ đi cùng năm tháng với tên tuổi của tác giả.( … Em sẽ đi đến tận cùng trái đất / Em sẽ nhuộm cho tóc vàng đi / Nếu anh muốn ở em điều đó // Em sẽ hái cả mặt trăng / Em sẽ lấy về bao tài sản / Nếu anh muốn ở em điều đó // Em sẽ chối bỏ cả tổ quốc / Em sẽ từ bỏ cả bạn bè / Nếu anh muốn ở em điều đó // …) .

Nỗi đau vì sự mất mát quá lớn này khó thể nguôi ngoai nhưng Édith vẫn cố gắng tiếp tục làm việc. Năm 1950, cô lại bước ra sân khấu của thính phòng Pleyel (13). Cô kết thân với Charles Aznavour ( ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên trẻ ) qua những mối quan hệ đặc biệt mà không phải là tình nhân : thư ký, tài xế , bạn tâm sự. Ngược lại, Charles Aznavour cũng viết cho cô một số bài khá thành công ( Jezebel, Plus bleu que tes yeux…)

Năm 1951, Édith thân mật với Eddie Constantine (14), ca sĩ diễn viên , cùng diễn vở nhạc kịch “ La p’tite Lili “ tại nhà hát ABC. Bảy tháng sau, thôi diễn vở này, hai người cũng thôi nhau. Năm này, Édith bị hai tai nạn xe hơi, lần sau rất nặng, lại phải điều trị bằng mooc-phin, sự phụ thuộc vào chất gây nghiện này làm sức khỏe cô ngày càng tồi tệ.

Tháng 7 năm 1952 Édith gặp và làm đám cưới với ca sĩ Jacques Pills, cuộc hôn nhân chỉ kéo dài được bốn năm.

Kể từ giai đoạn này, Édith phải thường xuyên điều trị giải độc nhằm hạn chế tác hại của mooc-phin và rượu. Trong hai năm liền cô thu mình âm thầm không xuất hiện, chỉ chuyên chú việc ghi âm. Tuy nhiên, sang năm 1955, khi biết mình sẽ hát ở Olympia(15), nhà hát sang trọng và nổi tiếng nhất Paris , cô hoàn toàn tự tin, phấn khởi, nhiệt tình trở lại với công việc mặc dù sức khỏe vẫn tồi tệ. Ngay trong buổi trình diễn đầu tiên ở đây, cô đã thành công rực rỡ, khán giả chọn lọc của thủ đô Paris hoàn toàn bị chinh phục bởi hình ảnh độc đáo mang thương hiệu Édith Piaf : một thân hình bé nhỏ với trang phục toàn màu đen,một giọng hát mạnh mẽ, ngân vang cất lên từ lồng ngực, một lối trình diễn lột tả trung thực tất cả lời ca ý nhạc. Cũng trong năm này Édith lại sang Mỹ thực hiện một chuyến lưu diễn dài ngày và kết thúc bằng chương trình độc diễn 22 bài trên sân khấu thính phòng Carnegie Hall (16) tại New York. Tất nhiên là cũng thành công vang dội, Édith Piaf trở thành ngôi sao quốc tế, chói sáng trên bầu trời ca nhạc Paris, New York và một số nước Nam Mỹ.

Cuộc phiêu lưu tình ái dõi theo chiếc bóng hạnh phúc của Édith vẫn chưa kết thúc. Năm 1958, cô bắt đầu mối quan hệ tình cảm với ca sĩ trẻ Georges Moustaki, đỡ đầu cho anh và dần dà một cuộc tình sóng gió nữa bắt đầu. Cùng với Marguerite Monnot, Moustaki viết cho cô nhạc phẩm Milord, đây là một trong những bài thành công nhất của Édith. Tháng chín hai người gặp một tai nạn xe hơi nghiêm trọng, sức khỏe Édith tổn thương nặng nề.

Édith vẫn cố gượng dậy. Đầu năm sau khi đang hát ở New York, cô gục ngã trên sân khấu phải giải phẫu khẩn cấp trước khi trở về Paris trong tình trạng thảm thương. Moustaki bỏ đi.


Không, tôi không hối tiếc điều gì. (17)

Năm 1961, Édith bắt đầu một loạt biểu diễn tại nhà hát Olympia Paris mặc những lời can ngăn của bác sĩ và người thân lo ngại cho sức khỏe của cô, chỉ vì lời hứa với giám đốc nhà hát, cô hát để cứu cơ sở này đang lâm vào tình trạng hầu như phá sản. Dịp này Édith đã rút hết gan ruột để diễn tả nỗi lòng mình qua nhạc phẩm Không, tôi không hối tiếc điều gì mà nhạc sĩ trẻ Charles Dumont viết riêng cho cô.

Không, không gì cả/ Tôi không hối tiếc điều gì/Cả điều tốt điều xấu thiên hạ làm cho tôi/Cái gì tôi cũng mặc/(…)Đã trả xong, đã quét sạch, đã quên hết/Tôi chẳng cần quá khứ/Với các kỷ niệm/ Tôi châm lửa/Những nỗi đau, niềm vui/ Tôi không cần chúng nữa/Phủi sạch những cuộc tình/ Với những rung động líu lo/ Phủi sạch vĩnh viễn/ Tôi lại khởi đầu từ số không. (…)

Chân thành, tha thiết, bài ca nghe như lời tâm tình của người ca sĩ tài danh về cuộc đời đầy thăng trầm của mình.


Ngày 25/9/1962, nhân ra mắt cuốn phim Ngày dài nhất (18) cô đã hát từ tầng 1 của Tháp Eiffel ( với độ cao 57m ) cho 25 000 khán giả ngưỡng mộ dưới chân mình ngẩng đầu nhìn lên. Bài hát kết thúc trong ánh sáng muôn màu của hàng ngàn pháo hoa rực sáng cả vùng trời bên bờ sông Seine.

Một tháng sau, ở tuổi 47, kiệt sức, bệnh tật, Édith kết hôn với ca sĩ Theophanis Lamboukas mà cô thường gọi là Sarapo có nghĩa là “Em (anh) yêu anh (em)” theo tiếng Hy Lạp, ngôn ngữ của chàng trai kém cô 21 tuổi này. Đây là người đàn ông cuối cùng trong đời Édith. Hai người còn cơ hội trở lại phòng trà Bobino (7) song ca bài Tình yêu có ích gì ? (19) vào tháng 2 năm 1963. Bài hát này có thể xem như tuyên ngôn của Édith về tình yêu, giúp ta hiểu thêm một khía cạnh cuộc đời bà, mỗi chặng nhỏ trên con đường sự nghiệp đều gắn liền với một cuộc tình.

( … Em vẫn thường hay nghe nói/tình yêu làm ta u sầu /tình yêu làm ta than khóc/ tình yêu có ích gì đâu / Tình yêu nó có ích gì/vừa cho ta mọi niềm vui/lại còn có cả nước mắt/thật buồn mà thật diệu kỳ//… ngay khi ta đã mất đi/ cuộc tình ta hằng ấp ủ/vẫn còn hương vị ngọt ngào/ tình yêu vẫn là bất tử// Thôi thì như em đã hiểu/sống mà không có tình yêu/ với cả niềm vui nỗi khổ/ cuộc sống có nghĩa gì đâu// … Nhưng anh, anh là người cuối/ nhưng anh, anh là người đầu/ trước anh, không có gì cả/ với anh, hạnh phúc xiết bao// Có anh là điều em muốn/ có anh là điều em cần/ anh, người em yêu mãi mãi/ tình yêu có ích thế thôi. )

Édith rơi vào tình trạng hôn mê hai tháng sau. Sarapo đưa Édith về tỉnh dưỡng tại một biệt thự ở Placassier, ngoại ô thành phố Grasse miền Nam nước Pháp để chăm sóc bà cho đến khi bà qua đời ngày 10 tháng 10 năm 1963 tuy nhiên tin buồn chỉ công bố chính thức vào ngày 11 khi thi hài được bí mật chuyển về Paris.


Đám đông (20)

Ngày 14/10/1963, hàng chục ngàn người đã tiễn đưa nữ danh ca đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Père Lachaise (21) trong ngôi mộ của bố cô ( mất năm 1944 ).Đây cũng là nơi an nghỉ của con gái Marcelle (mất năm 1935 ) và người chồng cuối đời Théo Sarapo sau khi qua đời vì tai nạn xe hơi năm 1970.

Nếu trong cuộc đời có lúc phải chịu cảnh cô đơn thì sau khi giã từ cõi tạm lúc nào Édith Piaf cũng thấy ấm cúng giữa đám đông người hâm mộ. Mãi tận hôm nay mộ Édith ngày nào cũng phủ đầy hoa tươi của đông đảo khách viếng từ khắp nơi trên thế giới. Đông đảo tín đồ âm nhạc vẫn đến quảng trường mang tên Édith Piaf, nằm ở góc các đường Belgrand, Capitaine Ferber, và la Py, gần bệnh viện Tenon nơi bà chào đời để tưởng niệm trước bức tượng của bà, được thị trưởng Paris Bertrand Delanoë cho dựng lên vào ngày 11/10/1963 nhân kỷ niệm 40 năm ngày mất của ngôi sao này. Đông đảo người quan tâm đến sự nghiệp và cuộc đời của bà vẫn đến thăm bảo tàng Édith Piaf ở số 5 đường Cresoin du Gast, quận 11 Paris, nơi trưng bày đầy đủ những kỷ vật lưu niệm.

Nhiều tác phẩm kịch nghệ và điện ảnh đã được thực hiện để vinh danh cuộc đời ( vở kịch “Piaf je t’aime” năm 1996 ) và những tác phẩm để đời của Édith Piaf, trong đó không thể không nhắc tới bài hát La vie en rose. Cho đến nay không ít hơn 30 nghệ sĩ lừng danh thế giới đã từng thể hiện ca khúc này : Patricia Kass, Yves Montand (Pháp), Marlene Dietrich ( Đức ), Placido Domingo ( Tây Ban Nha ), Dean Martin, Ella Fitzgerald, LouisArmstrong, Cyndi Lauper (Mỹ), Bạch Yến, Ý Lan ( Việt Nam ) … Điều thú vị là có những cuốn phim không liên quan đến tác giả nhưng xem phim khán giả vẫn nghe được giai điệu bất hủ của Đời màu hồng : Phim Sabrina ( 1995 ) Đạo diễn Sydney Pollack, diễn viên Harrison Ford, Julia Ormond, Greg Kinnear. Phim French Kiss (1995). Đạo diễn Lawrence Kasdan, diễn viên Meg Ryan, Kevin Kline, Timothy Hutton. Phim Something’s Gotta Give (2003 ) Đạo diễn Nancy Meyers, diễn viên Jack Nicholson, Diane Keaton, Keanu Reeves.

Và, tất nhiên rồi, cuốn phim thuật lại đầy đủ và trung thực nhất cuộc đời của Édith Piaf là La Môme của đạo diễn Pháp Olivier Dahan ( tháng 2 năm 2007 ).

Phát hành ngoài nước Pháp phim lấy tên là La vie en rose, do diễn viên trẻ Marion Cotillard vào vai Édith Piaf. Với vai diễn này, Marion Cotillard đã được trao giải Oscar ( 2008, nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.)

Édith Piaf qua đời hơn nửa thế kỷ rồi nhưng tiếng hát của bà vẫn vượt không gian và thời gian, còn ngân mãi trong tim bao thế hệ người yêu nhạc. Hơn thế nữa, cuộc đời của một người sinh ra trong nghèo khốn giữa thời loạn ly, từ cô bé hát rong tiến lên thành ca sĩ phòng trà để cuối cùng trở thành danh ca của các thính phòng, đại hý viện, vẫn mãi là tấm gương về nghị lực phi thường để vượt qua số phận bằng yêu thương và công việc. Édith, người có nghe không, cả thế giới vẫn còn nói mãi Piaf, je t’aime ?





THÂN TRỌNG SƠN

Dalat 12 / 2010



(1) Sous le ciel de Paris. Tên bài hát, lời Jean Dréjac, nhạc Hubert Giraud.(1954)

Tất cả những tiểu mục trong bài viết này đều là tên những bài hát Édith Piaf từng thể hiện.

(2) Thérèse Martin, nữ tu, mất ngày 30/9/1897 ở tuổi 24. Được Giáo Hoàng Pie XI phong thánh ngày 17/5/1925. Thường được gọi là Thánh Têrêsa thành Lisieux .

Lisieux là một thị trấn trong tỉnh Calvados, thuộc vùng hành chính Basse- Normandie.

(3) Khu phố Belleville nằm ở quận 19 và 20 của thành phố Paris. Ngày nay, đây là khu vực đa văn hóa, tập trung nhiều dân nhập cư, nhiều nhất là dân châu Á và châu Phi. Đây cũng là khu phố châu Á thứ hai của Paris, sau Chợ Tàu ở quận 13.

(4) Khu phố Pigalle bao gồm các con phố nằm hai bên đại lộ Clichy và Rochechouart, thuộc Quận 9 và quận 18, ở phía Bắc Paris. Nằm dưới chân đồi Montmartre, đây là nơi tập trung rất nhiều quán bar, quán cà phê, các sex shop. Khu phố này còn hấp dẫn nhờ các cabaret nổi tiếng như Moulin Rouge, Folies Bergère.

(5) La vie en rose do chính Édith Piaf sáng tác nhưng phải đề tên tác giả phần nhạc là Louiguy vì cô không đủ điều kiện để được công nhận là nhạc sĩ sáng tác theo quy định của SACEM, Hiệp hội các nhà soạn nhạc.

(6) ABC : nhà hát hoạt động từ 1935 tại 11 đại lộ Poissonnière, quận 2, Paris. Rất nổi tiếng nhờ sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ và nhóm nhạc tài năng. Đến năm 1965 ABC chuyển thành rạp chiếu phim.

(7) Bobino : nhà hát tạp kỹ ( music-hall) ở khu Montparnasse, quận 14, Paris.

(8) Yves Montand ( 1921-1991 ), ca sĩ, diễn viên gốc Ý.

(9) première partie, hát ở phần đầu chương trình, chuẩn bị cho các tiết mục chính thức.

(10) Les compagnons de la chanson : nguyên là nhóm Những người bạn của Âm nhạc ( les compagnons de la musique ), với 9 thành viên hoạt động từ năm 1946 đến 1985 thì giải thể.

(11) Hymne à l’amour (1950 ) .Lời Édith Piaf – Nhạc : Marguerite Monnot.

(12) Manhattan : một trong năm quận của thành phố New York, ngày nay là khu vực giàu có nhất của Hoa Kỳ.

(13) Salle Pleyel : nằm ở đường Faubourg-Saint-Honoré, quận 8, Paris. Hoạt động từ 1927, thực ra dành chủ yếu cho hòa nhạc giao hưởng. Édith Piaf là ca sĩ đầu tiên hát ở đây.

(14) Eddie Constantine ( 1917-1993), người Mỹ, gốc Nga, sống nhiều năm ở Pháp,hoạt động ca hát vài năm trong thập niên 50 ( tk XX) , sau đó đóng phim.

(15) Olympia : 28 đại lộ Capucines, quận 8, Paris, là nhà hát tạp kỹ xưa nhất nay còn hoạt động ( khai trương năm 1893). Được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993. Hầu như tất cả những danh ca của Pháp đều có lần xuất hiện ở đây : Dalida, Mireille Mathieu, Sylvie Vartan, Guy Béart, Gilbert Bécaud, Georges Brassens, Jacques Brel, Yves Duteil, Johnny Hallyday …

(16) Carnegie Hall : 881 đại lộ số 7, Manhattan, New York, chính thức mang tên này từ 1893 sau 2 năm khai trương. Đây là thính phòng dành cho nhạc cổ điển, Édith Piaf là ca sĩ đầu tiên hát ở đây ( cũng như đã lần đầu tiên hát ở Salle Pleyel Paris năm 1950 – xem chú thích 13 ).

(17) Non, je ne regrette rien. (1960). Nhạc : Charles Dumont. Lời : Michel Vaucaire.

(18) The longest day / Le jour le plus long. Phim của hãng 20th Century Fox, đạo diễn Ken Annakin, Andrew Marton, diễn viên : John Wayne, Robert Mitchum, Henry Fonda, Richard Burton. Nội dung phim kể về ngày D-day, ngày mà quân đồng minh đổ bộ vào bờ biển Normandie, trận đánh đưa đến bước ngoặt của Thế chiến thứ hai, đánh dấu sự bắt đầu những thất bại của quân Đức sau này.

(19) À quoi ça sert l’amour? ( 1962 ) Lời và nhạc : Michel Emer.

(20) La foule. ( 1957 ). Lời : Michel Rivgauche.Nhạc : Angel Cabral.

(21) Nghĩa trang Père Lachaise : nghĩa trang lớn nhất của Paris, nằm tại quận 20, thành lập từ 1804, lúc đó chỉ có 13 ngôi mộ, hơn 200 năm qua, bây giờ đã có hơn 300 000 người được chôn cất nơi đây trong 69 000 phần mộ. Trong số những nhân vật nổi tiếng an nghỉ ở nghĩa trang này có thể kể đến các văn thi sĩ Molière, La Fontaine, Balzac, Musset, Paul Éluard, Alphonse Daudet, Apollinaire, nhạc sĩ Chopin, Georges Bizet...Nghĩa trang Père Lachaise còn được xem như một công viên với trên 5000 cây xanh trên một diện tích 44 ha, thu hút hàng trăm ngàn du khách mỗi năm.