jeudi 22 octobre 2020

BÁO LÂM ĐỒNG VIẾT VỀ THÂN TRỌNG SƠN

 


NHÀ GIÁO, DỊCH GIẢ THÂN TRỌNG SƠN:

''Người đi dạy là người đi học suốt đời''

Cập nhật lúc 05:10, Thứ Hai, 05/10/2020 (GMT+7)

40 năm dạy học, tác giả của hàng trăm truyện ngắn, thơ và bài viết dịch từ tiếng Pháp, tiếng Anh ra tiếng Việt và từ tiếng Việt ra tiếng Pháp, nhà giáo, dịch giả Thân Trọng Sơn được bạn bè trong và ngoài nước biết đến là tấm gương miệt mài cống hiến, góp phần làm đẹp cho cuộc đời.


 





Tôi biết anh Thân Trọng Sơn gần 30 năm trước, khi anh còn là Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Lâm Đồng, sau đó là cán bộ giảng dạy tiếng Pháp ở Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Anh sinh năm 1945 tại Huế, một lúc tốt nghiệp hai bằng đại học, Sư phạm tiếng Pháp và Văn khoa tiếng Pháp. 40 năm anh dạy học ở Buôn Mê Thuột, Huế và cuối cùng là thành phố Đà Lạt. Năm 1994-1995, anh tu nghiệp ở Pháp và là người vận động thành lập ngành đào tạo giáo viên tiếng Pháp bậc THCS cho tỉnh Lâm Đồng tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Yêu văn chương và sinh ngữ từ thời còn học đại học, anh Thân Trọng Sơn cùng nhóm bạn thành lập tờ báo sinh viên, phổ biến những tinh hoa văn chương cho cộng đồng. Cơ duyên này để khi định cư ở Đà Lạt và thôi nghiệp cầm phấn để nghỉ hưu, anh phát huy những thành tựu về dịch thuật. Tháng 9 năm 2020, tôi gặp anh Thân Trọng Sơn để cùng trò chuyện. 

 

Thưa anh Thân Trọng Sơn, tác phẩm dịch của anh được rất nhiều người đọc từ lâu và thích thú. Duyên nào mà anh thuần thục cả ngôn ngữ Pháp và ngôn ngữ Anh vậy?

 

Tôi được tiếp xúc tiếng Pháp và tiếng Anh từ thời học trung học. Lên đại học, tôi vừa học vừa dạy kèm học sinh luyện thi Tú tài 2. Dạy là phương pháp tốt để học ngoại ngữ, đó là kinh nghiệm đầu tiên của tôi. Tốt nghiệp đại học tôi được phân công dạy cả 2 ngoại ngữ nên càng có điều kiện học. Học là để dạy, dạy tức là học. Kinh nghiệm thứ hai là kết hợp việc học chính quy ở trường lớp với việc tự học, nhất là tự học những gì trường không dạy. Kinh nghiệm thứ ba là khi học một ngoại ngữ, nhất thiết phải tìm hiểu về đất nước và con người sử dụng ngôn ngữ đó. Tôi cũng phải nói thêm, vốn tiếng Anh của tôi được bồi đắp thêm chính từ dịch tiếng Pháp. 

 

Hình như anh còn biết cả tiếng Đức nữa? 

 

Năm 1966, tôi có học tiếng Đức, 2 năm. Năm 1986 tôi có học tiếng Nga, một năm. Lười biếng và thiếu nghị lực, tôi không tiếp tục, coi như không biết gì. Tiếc là do không biết nhiều ngoại ngữ nên tôi buộc phải làm việc tối kỵ là có khi phải dịch qua một bản dịch. 

 

Là người có 40 năm đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức cho học sinh, sinh viên, anh chia sẻ một chút vốn liếng nghề dạy học? 

 

Người đi dạy là người đi học suốt đời. Đã đi dạy là chấp nhận tiếp tục học, không thể bằng lòng với tấm bằng đã tốt nghiệp trước đó. Kiến thức của nhân loại vốn là biển lớn không có bờ. Với ngoại ngữ, ngôn ngữ luôn như một hàm thường biến, gọi là “sinh ngữ” nghĩa là luôn phát triển từ mới, nghĩa mới, do cuộc sống không ngừng vận động. Ngày nay, phương pháp dạy học đã khác nhiều, người thầy giáo càng cần thích ứng. Ví dụ, tính tương tác trước đây rất hẹp, chỉ là thầy-trò, bây giờ ngoài thầy-trò còn có trò-thầy, trò-trò… Tính ứng biến, năng lực ứng khẩu của người thầy càng cần nhiều linh hoạt, năng động, thông minh và sáng tạo hơn. Nghề thầy có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Tôi muốn nói là ngôn ngữ luôn phát triển trong môi trường giao tiếp một cách rất linh động. 

 

Đây cũng là động lực lớn để thầy giáo Thân Trọng Sơn bước sang lĩnh vực dịch thuật một cách đam mê, thưa anh?

 

Tôi tập dịch bài để đăng đặc san thời đi học trung học và đại học. Thập niên 90 của thế kỷ trước, tôi chủ yếu dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp. Làm việc này, tôi có chủ đích: Tôi không dịch cho bạn đọc người Việt biết tiếng Pháp, đọc vì tò mò, đọc chơi cho biết; nếu thích, họ đọc ngay nguyên bản tiếng Việt, hà cớ gì phải đọc vòng qua bản dịch. Tôi dịch thơ Việt sang tiếng Pháp cốt để những người Pháp và người nói tiếng Pháp (francophones) yêu thơ Việt mà không biết tiếng Việt có cơ hội đọc hiểu được. Tôi dịch sách về văn hóa, lịch sử triều Nguyễn. Sau đó, tôi chuyên dịch từ tiếng Anh, tiếng Pháp ra tiếng Việt. Dịch thơ và dịch văn xuôi, chủ yếu là truyện ngắn.

  






Theo tôi biết, đến nay dịch giả Thân Trọng Sơn đã có hàng trăm tác phẩm thơ, truyện ngắn của các nhà văn, nhà thơ, cả rất nổi tiếng, được giải Nobel và cả những tác giả còn khá xa lạ với bạn đọc Việt Nam. Cùng đó là những bài viết, đặc biệt trước mỗi tác giả hay tập sách, anh có bài giới thiệu rất công phu về tác giả và tác phẩm, như là một chuyên luận, càng dễ cho độc giả khi tiếp cận tác phẩm dịch. Độc giả Nguyễn Âu Hồng có nhận xét: “Chữ nghĩa trong các bản dịch của Thân Trọng Sơn mới mẻ, tươi nguyên và như của riêng ông. Đọc tác phẩm của các tác giả cổ điển, qua bản dịch của Thân Trọng Sơn, ta có cảm giác như ông đang giới thiệu một tài năng mới, kiệt xuất, nhưng còn ẩn danh của Việt Nam”. Còn nhà văn, nhà giáo Nguyễn Văn Uông từng nhận xét “không phân biệt được thơ dịch” của Thân Trọng Sơn. Anh có thể chia sẻ điều này?

 

Tôi dịch thơ vì có người nói thơ là thứ không thể dịch. Tôi cố gắng dịch thơ phải bằng thơ. Chọn từ để vừa sát nghĩa vừa đạt được đặc trưng của thi ca. 

 

Nghĩa là cùng lúc vốn ngoại ngữ và tiếng Việt đều phong phú và cảm thụ cao mới trở thành một bài thơ dịch đạt được chỉnh thể hoàn hảo. Đó là đóng góp không nhỏ của dịch giả Thân Trọng Sơn đem đến bạn đọc Việt Nam những áng thơ, văn xuất sắc của nhiều tác giả từ hàng chục quốc gia của cả 5 châu lục. Xin trân trọng cảm ơn năng lượng lao động sáng tạo của nhà giáo, dịch giả Thân Trọng Sơn! Trước khi dừng cuộc trò chuyện này, anh muốn gửi gắm và tâm tư gì thưa anh?

 

Hiện nay, hàng ngày tôi đều đọc và dịch, đọc nhiều thứ rồi mới dịch. Một thứ thể dục trí tuệ, vì nay cũng có tí tuổi rồi. Để đến với bạn đọc, người sáng tác đi đường thẳng, người dịch thuật đi đường vòng. Trên chiếu văn, người ta xếp anh này khép nép bên rìa, tội nghiệp ha! Tôi có nuối tiếc là, ở Đà Lạt dấu ấn nền văn minh Pháp còn rõ rệt; lại là điểm du lịch rất nổi tiếng, nhưng tiếng Pháp không được phát triển mạnh mẽ như mong muốn…

 

MINH ĐẠO (thực hiện)

,



 


dimanche 11 octobre 2020

HẠNH PHÚC

   




Truyện ngắn

Katherine Mansfield.

Nhà văn New Zealand

(1888-1923)

 


















Kathleen Mansfield Beauchamp sinh tại Wellington, New Zealand ngày 14.10. 1888, và nổi tiếng với bút danh Katherine Mansfield khi viết truyện ngắn. Tuy cuộc đời quá ngắn ngủi ( mất năm 1923 vì bệnh lao ) bà vẫn kịp để lại những tuyển tập trứ danh. Năng khiếu văn chương của bà đã bộc lộ từ thời còn học trung học. 

Những truyện ngắn đầu tiên của bà xuất hiện trên các tạp chí học đường từ 1898 và 1899. Năm sau, bà in truyện “ Cô bạn nhỏ của chàng” ( His Little Friend ) trong tờ New Zealand Graphic and Ladies Journal.


Cùng với các chị em, bà được gởi sang nước Anh học tập gần 4 năm rồi trở về quê hương. Nhưng bà lại muốn quay sang Anh trở lại vì đã bị đời sống văn hoá nơi này chinh phục rồi. Ý muốn này được thân phụ chấp thuận, năm 1908, bà lại sang Anh và không bao giờ trở về New Zealand nữa. Tại xứ sở sương mù, Katherine bắt đầu cuộc sống tự do, phóng khoáng. Bà gặp và lui tới với một người, có thai với người ấy nhưng lại kết hôn với người khác. Bà phá thai và hệ luỵ từ cuộc giải phẫu ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ về sau.


Năm 1911, ở tuổi 23, bà gặp John Middleton Murry, chủ biên một tạp chí văn học. Bà dành hết khoản tiền gia đình cung cấp để đầu tư cho tạp chí. Cả hai cộng tác thực hiện nhiều dự án văn chương, giúp bà thâm nhập văn đàn Luân Đôn. Bà kết thân với nhà văn D.H. Lawrence ( tác giả của Sons and Lovers, Con trai và Người tình ) cả hai trở thành đôi bạn lớn cho đến cuối đời. Thời gian này  Katherine di chuyển qua lại giữa Luân Đôn và Paris , rồi cả Bỉ và Đức.

Bà được chẩn đoán đã mắc bệnh lao. Như để chạy đua với thời gian, bà sáng tác không ngừng, cho ra đời liên tiếp nhiều tuyển tập truyện ngắn, ấn phẩm đầu tiên là “ In a German Pension ( 1911 ), và tiếp theo là  Bliss ( Hạnh phúc ), The Garden Party   ( Bữa tiệc trong  vườn ), được bạn đọc tán thưởng. Bà không muốn vào dưỡng đường điều trị vì ngại mất cảm hứng sáng tác mà chọn một khách sạn vắng vẻ, ở Bandon, Pháp. Ở đây bà tiếp tục viết. Đây là thời gian bà sáng tác truyên “Tôi không nói tiếng Pháp “( Je ne parle pas français ) - nhan đề tiếng Pháp. 


Bà qua đời tại Pháp năm 1923, trong sự luyến tiếc một văn tài vắn số, an táng tại Nghĩa Trang Avon, gần Fontainebleau.


Hiện nay, nhiều trường trung học tại New Zealand có nhà tưởng niệm mang tên bà. Trường  Karori ở Wellington  còn dựng tượng  bà trong sân trường với biển ghi lại thời gian bà theo học ở trường và tóm tắt các tác phẩm. Và ngay trên đất Pháp, thành phố Menton, nơi bà có thời gian sống và sáng tác, có một con đường mang tên bà.



*****


BLISS được giới phê bình xem là một trong những truyện ngắn thành công nhất của Katherine Mansfield . Tuy nhiên, do truyện được viết từ năm 1918, độc giả thời nay, sau hơn một thế kỷ, vẫn thấy truyện của K.M. thuộc loại “khó đọc”. Chẳng hạn chủ đề niềm khát khao  đồng tính chỉ được tác giả đề cập nhạt nhoà thông qua ẩn dụ và lối nói bóng gió. 

Nhân vật chính của truyện, Bertha Young là một thiếu phụ 30 tuổi, làm vợ và làm mẹ, hài lòng với cuộc sống trung lưu viên mãn với chồng Harry và đứa con còn nhỏ của họ. Nhưng rồi, theo diễn tiến của câu truyện, người đọc băn khoăn không hiểu nàng thực sự có hài lòng không. 

Mặc dù Bertha có lặp lại rằng nàng đang tận hưởng niềm hạnh phúc tuyệt vời, nhưng sao mối quan hệ giữa nàng với người vú em chăm sóc con nàng chừng như không thuận lắm khi nàng thấy đứa bé được chăm sóc? 

Và chuyện gì xảy ra khi nàng tỏ ra quyến luyến người phụ nữ xinh đẹp, hấp dẫn Pearl Fulton, khách mời của vợ chồng nàng? Cuối buổi tiệc, khi Harry tiễn khách, chàng thân mật khoác áo choàng qua vai Pearl Fulton thì Bertha biểu lộ sự khó chịu, nghi ngờ.


Câu hỏi ở cuối truyện “ Chuyện gì sẽ xảy ra đây?” là lối kết thúc bỏ lửng, buộc người đọc trở lại từ đầu câu truyện để tự tìm lời giải đáp.



————-




Mặc dù đã ở tuổi ba mươi, Bertha Young vẫn có những khoảnh khắc như bây giờ đây,  nàng thích chạy nhảy thay vì đi bộ, thích nhảy nhót bước thấp bước cao theo lề đường, thích chơi đánh vòng, tung vật gì đó lên trời rồi chụp lấy nó, hoặc đứng yên và cười khanh khách - chỉ thế thôi, chẳng vì cái gì cả. 

Biết làm gì đây khi đến tuổi ba mươi, rẽ lối trên đường về nhà, bất chợt bạn bị choáng ngợp bởi một niềm hạnh phúc - hạnh phúc tột cùng - chừng như bạn mới vừa nuốt một mảng nắng chiều muộn rực rỡ, và nó cháy bừng trong lồng ngực bạn, toả ra những tia lấp lánh khắp châu thân, đến từng đầu ngón tay ngón chân?...

Ôi, có cách nào khác hơn để diễn tả cảm giác ấy mà không tỏ ra “ say khướt và hỗn loạn “ Thời đại văn minh sao mà ngây dại? Tại sao được ban cho một thân thể mà lại phải nhốt kín trong cái hộp như thể  nó là một cây đàn quý hiếm?


“Không, ví như cây đàn cũng không hẳn là điều tôi muốn nói,”nàng thầm nghĩ lúc nhảy từng bước lên bậc cấp và thò tay vào túi xách tìm chìa khóa — thôi lại quên nữa rồi - và khua loảng xoảng hộp thư. “Ý mình không phải vậy, bởi vì - À, cám ơn nhé, Mary” — nàng vào nhà. “Vú em đã về chưa?”

“Thưa cô, đã.”

“Và trái cây đã giao rồi chứ?”

“Vâng, thưa cô. Mọi thứ xong xuôi đâu vào đấy cả rồi.”

“Mang trái cây lên phòng ăn, nhớ nhé? Tôi sẽ chưng mâm quả trước khi lên lầu đấy.”

Phòng ăn mờ tối và lạnh ngắt. Nhưng cũng chẳng sao, Bertha cởi tung áo choàng; nàng không chịu nổi cái gò bó của nó nữa, và hơi lạnh chạm vào cánh tay nàng.


Nhưng trong lồng ngực nàng vẫn còn bừng bừng ngời sáng - cái luồng tia lửa lấp lánh chiếu từ đó. Hầu như chới với. Nàng không dám thở kẻo chúng lại bùng lên, nhưng rồi nàng hít thở thật sâu, thật sâu. Nàng không dám nhìn vào tấm gương lạnh lẽo - song nàng vẫn cứ soi gương, và nó phản chiếu hình ảnh một người đàn bà, rạng rỡ, mỉm cười, bờ môi run run, đôi mắt to tròn đen láy và đang lặng yên chờ đợi một điều gì… một điều gì đó linh thiêng sắp xảy đến… nàng biết nó sẽ đến… không ngờ vực gì nữa.

Mary bưng vào khay trái cây kèm theo chậu thủy tinh và một chiếc đĩa mầu xanh dương tuyệt đẹp, bóng loáng lạ mắt như thể mới nhúng vào sữa.

“Có cần bật đèn không Cô?”

“Thôi, chẳng cần. Tôi vẫn nhìn thấy rõ mà.”

Nào là quýt, táo nhuộm màu dâu đỏ. Vài trái lê vàng mịn như lụa, và nho trắng phủ một lớp phấn bạc và chùm nho lớn màu tím. Nho tím nàng đã cốt chọn cho hoà với màu thảm mới trong phòng ăn. Thế đó, nghe có vẻ hoang đường và kỳ dị sao đâu, nhưng đó chính là lý do khi nàng chọn mua. Lúc ở trong hàng trái cây nàng nhủ thầm: “Mình cần phải có quả tím để nâng thảm lên ngang tầm với mặt bàn chứ.” Quả là hợp tình hợp lý khi ấy.


Khi sắp xếp xong hai tháp trái cây gồm những quả tròn trĩnh mầu sắc rực rỡ, nàng đứng lùi ra xa để ngắm nhìn công trình của mình - một cảnh tượng quá lạ thường. Bởi vì chiếc bàn  ăn đậm màu hầu như hoà tan vào vũng ánh sáng mờ mờ và đĩa chưng thủy tinh cùng với chậu mầu xanh dương như trôi bềnh bồng trong khoảng không. Cảnh tượng này dĩ nhiên đối với tâm tư nàng bấy giờ thật quá tráng lệ… Nàng bật cười.


“Thôi chết. Mình hóa điên mất rồi.” Và nàng chụp vội chiếc xắc tay cùng áo choàng và chạy bay lên lầu vào phòng con.

Bà vú ngồi cạnh chiếc bàn thấp đang cho Bé B ăn sau khi bé tắm xong. Bé mặc áo nỉ màu trắng và áo len màu xanh da trời, và tóc màu thẫm mảnh như tơ chải thành một nhúm ngộ nghĩnh trên chỏm đầu. Bé ngước nhìn và khi thấy mẹ là bắt đầu vùng nhảy lên.

“Chóng ngoan, này cưng, ăn cho hết đi nhé,” bà vú dỗ, trề môi ra hiệu cho Bertha biết ý là nàng đã vào thăm không đúng lúc.

“Bé có ngoan không, Vú?”

“Bé ngoan lắm suốt cả chiều nay,” Vú thì thầm. “Lúc nãy ra chơi ngoài công viên tôi ngồi xuống ẵm bé ra khỏi xe đẩy, có con chó bự tới giụi đầu vào đầu gối tôi và bé nắm lấy tai con chó, giựt giựt. Ôi chao, phải chi cô nhìn thấy bé lúc ấy.”

Bertha muốn hỏi xem khi để bé nắm tai con chó lạ nhỡ có nguy hiểm gì không. Nhưng nàng không dám hỏi. Nàng đứng đó ngắm họ, hai cánh tay buông thõng, giống như một đứa trẻ con nhà nghèo trước một đứa trẻ nhà giàu với con búp bê trên tay.

Đứa bé ngẩng lên nhìn nàng lần nữa, ngó sững, và rồi nhoẻn miệng cười dễ thương quá đến nỗi Bertha phải kêu lên:

“Ồ, Vú ơi, hãy để tôi đút cho cháu ăn nốt nhé, để Vú rảnh tay mà dọn dẹp phòng tắm.”

“Cô à, khi bé ăn mà đổi tay như thế không ổn đâu,” Vú nói, vẫn thầm thì. “Sẽ làm rộn bé; thế nào cũng làm rộn bé.”

Sao mà kỳ khôi. Tại sao có con mà lại giao nó — không phải cất giữ trong hộp như cây đàn hiếm qúy — trong vòng tay một người đàn bà khác nhỉ?

“Ồ, để tôi!” nàng nói.

Không hài lòng mấy, Vú trao bé cho nàng.

“Đấy đấy, đừng có làm bé rối cả lên sau bữa ăn nhé. Cô biết đó. Không thì lát nữa đây tôi phải đến khổ với bé thôi!”

Thật may phước! Vú rời khỏi phòng với mớ khăn tắm.


“Giờ thì chỉ có mẹ con mình thôi, bé cưng của mẹ,” Bertha nói, khi đứa bé ngả người về phía nàng.

Bé ăn nhỏ nhẹ, chìa môi chờ đút và vẫy vẫy đôi bàn tay. Có khi nó ngậm chặt chiếc muỗng không chịu nhả; và có khi Bertha vừa mới múc đầy muỗng, nó quơ tay làm thức ăn văng tung toé.


Cho con ăn xong Bertha xoay về hướng lò sưởi. “Ngoan lắm - Bé ngoan lắm!” nàng vừa nói vừa hôn đứa con ấm áp của nàng. “Mẹ thương con, cục cưng của mẹ.”

Và đúng là như thế, nàng yêu Bé B quá đỗi - cái cổ khi bé nghiêng người về phía trước, mấy ngón chân thanh tú nhìn trong suốt qua ánh lửa lò sưởi - rồi là bao nhiêu cảm giác vui sướng ngây ngất ùa về và một lần nữa nàng không biết diễn tả thế nào - không biết phải làm gì với nó.

“Thưa cô có điện thoại,” Vú nói, đắc thắng quay trở lại và giằng lấy Bé B của nàng.

Nàng chạy bay xuống lầu. À thì ra là Harry.

“Ber đó hả? Em à, anh về muộn đấy. Anh sẽ đi taxi về và sẽ gắng vội, em hoãn bữa ăn lại mười phút nhé? Được không em?”

“Vâng, được mà. Mình ơi!”

“Sao?”

Biết nói gì đây? Nàng chẳng biết nói gì. Nàng chỉ muốn gần kề bên chồng trong giây lát. Nàng không thể nào thốt lên một cách vu vơ: “Ngày hôm nay thần tiên quá!”

“Gì thế em?” loáng thoáng một giọng nhát gừng.

“Vâng, được ạ,” Bertha nói và gác ống điện thoại, thầm nghĩ còn mông muội nào hơn thời đại văn minh.


Họ mời khách đến ăn cơm tối. Ông bà Norman Knights - cặp vợ chồng lịch duyệt - ông chồng sắp sửa mở một hý viện, và bà vợ có khiếu trang hoàng nội thất, một thanh niên, Eddie Warren, người vừa ra mắt một tuyển tập thơ và là người mà ai cũng muốn mời mọc thù tạc, và Pearl Fulton - một khám phá mới của Bertha. Cô Pearl làm nghề gì thì Bertha chưa biết. Họ mới gặp nhau ở một câu lạc bộ và Bertha đã cảm thấy say mê cô ta, bởi nàng vốn dĩ thường say mê những người đàn bà đẹp có chút gì là lạ nơi họ.


Có điều không hay lắm là mặc dù họ đã từng vài lần gặp nhau, từng đi chơi chung và chuyện trò với nhau, Bertha vẫn chưa mảy may biết gì về cô ấy. Với một chừng mực nào đó thì có lúc cô Pearl có vẻ đôn hậu, nhưng chỉ vậy thôi, cô không vượt qua khỏi chừng mực đó.


Có gì ẩn khuất đằng sau thành trì ấy? Harry bảo “Không.” Chàng đan cử cái vẻ ngô nghê của cô ta, và “lạnh lùng như hết thảy mấy kiều nữ tóc vàng, và có lẽ cái bộ não hơi thiếu dinh dưỡng.” Đương nhiên là Bertha không đồng ý với chàng, hay dầu sao nàng cũng chưa vội.

“Không đâu anh, dáng điệu cô ấy ngồi, đầu hơi ngả một bên và miệng mỉm cười, tiềm ẩn một điều gì, Harry à, em quyết tìm cho được xem nó là cái gì.”

“Dễ chừng ấy là cái bụng dạ tốt lành,” Harry trả lời.

Chàng ý nhị nhằm gây sự kinh ngạc khi trả lời nàng đại loại như thế… “can hàn đấy, cưng ơi,” hoặc “bụng đầy hơi,” hay “thận hư,”… Chẳng hiếu sao Bertha lại thấy thích thú, và hầu như rất đỗi ngưỡng mộ cái phong cách ấy nơi chàng.


Nàng vào phòng tiếp khách và nhóm lò sưởi; đoạn, nhặt lấy mấy cái gối bông, từng chiếc một, mà Mary đã bày biện tươm tất, nàng thảy chúng trở lại vào lòng ghế và tràng kỷ. Chỉ có thế mà căn phòng tự dưng thấy linh động hẳn lên. Khi sắp sửa thảy chiếc gối cuối cùng nàng ngạc nhiên khi thấy mình ôm ghì lấy nó vào lòng một cách âu yếm. Nhưng nào nàng có dập tắt ngọn lửa trong lồng ngực được đâu. Ồ, ngược lại là đằng khác!


Khung cửa sổ phòng khách mở ra ban công nhìn xuống khu vườn. Ở cuối góc vườn, bên cạnh bờ tường, cây lê cao mảnh khảnh đơm bông rực rỡ; nó đứng lừng lững, cơ hồ đang trầm tư trên nền trời ngọc bích. Bertha không thể không cảm thấy, cho dù cách xa một khoảng, là nó không có lấy một nụ hoa hay một cánh hoa phai nhạt màu. Phía dưới, trong khu vườn, những luống uất kim hương trĩu hoa vàng đỏ, dường như đang tựa vào bóng tối. Một con mèo xám, bụng kéo lê, đang bò băng qua thảm cỏ, và một con mèo đen — cái bóng của nó — lẽo đẽo theo sau. Cảnh tượng quá mãnh liệt và đột ngột khiến Bertha rùng mình cách lạ thường.

“Cái lũ mèo thật ghê rợn quá!” Nàng lầu bầu, và quay trở vào bắt đầu đi tới đi lui…


Trong căn phòng ấm áp mùi hoa vạn thọ tỏa nồng vô cùng. Có nồng quá không nhỉ? Ồ, không. Rồi như để trấn an, nàng gieo mình xuống lòng tràng kỷ và đưa hai bàn tay lên áp nhẹ vào mắt.

“Tôi đang hạnh phúc — hạnh phúc biết bao!” Nàng thì thầm.

Và dường như trên mí mắt nàng hình ảnh cây lê yêu kiều với những bông hoa nở rộ như là biểu tượng của chính cuộc đời nàng.


Thực sự, vâng, thực sự là nàng có tất cả mọi thứ trên đời. Nàng đương tuổi xuân. Harry và nàng vẫn lửa hương nồng thắm như ngày đầu, vợ chồng sống bên nhau thuận thảo và rất tâm đầu ý hợp. Nàng có một mụn con xinh xắn. Họ chẳng phải bận tâm về tiền bạc. Họ có nhà cửa vườn tược thật đắc ý. Và đám bạn hữu- những người tân tiến, vui nhộn, nào là văn sĩ, họa sĩ, thi sĩ hay những người lịch lãm - đúng là người mà họ thích giao du. Và nào là sách, nào là âm nhạc, và nàng tình cờ tìm được người thợ may tuyệt vời, và họ đi nghỉ hè ở ngoại quốc, và người đầu bếp mới mướn của họ biết làm món trứng chiên tuyệt hảo…

“Mình có khùng không cơ chứ!” Nàng nhỏm dậy; nhưng nàng cảm thấy thật choáng váng, thật mê man. Chắc là tại mùa xuân.

Đúng là tại mùa xuân. Giờ thì nàng mệt nhừ chẳng buồn lê bước lên lầu để thay áo.

Chiếc áo đầm màu trắng, chuỗi cẩm thạch, giầy và vớ màu xanh lục. Nào không phải là không cố ý - nàng đã ngắm nghía bộ trang phục này vài tiếng đồng hồ trước khi đứng bên cửa sổ phòng khách.


Xiêm áo nàng sột soạt bước vào phòng, và nàng hôn bà Norman Knights, đang lúc bà cởi chiếc áo khoác màu cam kỳ lạ có thêu hình mấy con khỉ đen viền quanh gấu và tà áo.

“… Trời hỡi trời! Giới trung lưu thật rõ chán - chẳng có lấy một chút óc khôi hài! Cô à, tôi tới đây được là may mắn lắm đấy -nếu không có ông Norman thần hộ mạng của tôi đây. Bởi vì mấy con khỉ cưng của tôi làm cho cả đoàn tầu hỏa phát khùng đến nỗi nó thách thức một gã đàn ông cứ quấy nhiễu tôi bằng mắt. Không cười - không thấy buồn cười - rằng tôi đáng yêu. Không, chỉ nhìn trân trối - và làm tôi chán ngấy.”

“Nhưng tuyệt nhất là,” Norman nói, tay ấn cái gọng kính đồi mồi to bản vào mắt, “mình không ngại tôi kể chuyện này đó chứ, hả Face?” (Ở nhà và trước mặt bạn bè họ gọi nhau là Face và Mug) “Tuyệt nhất là khi no nê rồi bả quay sang bà bên cạnh hỏi: ‘Bà có thấy khỉ bao giờ chưa?'”

“Thế đấy!” Bà cười hòa theo. “Thế có tuyệt không cơ chứ?”

Buồn cười hơn nữa là khi đã trút bỏ áo choàng bà trông giống như một con khỉ thông minh biết kết vỏ chuối thành cái áo đầm bằng vải lụa mầu vàng kia. Và đôi khuyên tai ngọc hổ phách của bà trông giống như mấy hạt đậu lủng lẳng.

“Đây là tiên bị sa xuống trần!” Mug nói khi đứng dừng lại trước cái xe nôi của Bé B. “Khi xe nôi lăn vào sảnh đường…” và ông buông lửng câu.


Chuông reo. Đó là Eddie Warren, với dáng dấp nho nhã xanh xao như thường lệ, bộ điệu đau khổ.

“Đây có đúng nhà không nhỉ?” cậu hỏi, giọng khẩn khoản.

“Ồ, tôi mong là thế - tôi ước là thế,” Bertha reo lên.

“Tôi vừa mới bị một phen khốn đốn với gã tài xế tắc xi; cái thằng mắc dịch. Tôi không cách nào bảo hắn dừng xe. Tôi càng gõ càng gọi chừng nào thì hắn ta càng phóng nhanh chừng nấy. Và dưới ánh trăng cái bóng dị hợm với cái đầu dẹp lép chúi xuống bánh lái nhỏ xíu xiu…”

Cậu rùng mình, tháo tấm khăn quàng lụa bạch to bản. Bertha để ý thấy đôi vớ của cậu cũng màu trắng - rất điệu đàng.

“Cơ khổ!” nàng thốt lên.

“Vâng, thật vậy,” Eddie nói, bước theo nàng vào  phòng. “Tôi thấy tôi đang lao vào cõi Vĩnh Cửu trên chuyến xe vô tận.”

Anh ta quen biết vợ chồng Norman Knights. Kỳ thực, anh ta sắp sửa viết một kịch bản cho họ khi chương trình dựng kịch trường của họ được hoàn tất.

“Kìa, Warren, vở kịch viết tới đâu rồi?” ông Norman Knights nói, gỡ gọng kính ra cho con mắt được trồi lên trước khi nó lại bị đè xuống.

Và bà Norman Knights: “Ồ, cậu Warren, vớ trông vui mắt nhỉ?”

“Bà thích làm tôi vui lắm,” cậu nói, mắt đăm đăm nhìn xuống chân. “Chúng dường như trắng ngời thêm từ lúc trăng lên.” Và cậu ta hướng khuôn mặt trẻ trung thuôn thuôn sầu muộn về phía Bertha. “Trăng ở ngoài kia, chị biết chứ.”

Nàng chực òa khóc: “Chắc chắn là thế - thường khi!”

Cậu ta khôi ngô nhất trong đám. Nhưng Face cũng vậy, khom người trước lò sưởi dưới lớp áo da vỏ chuối, và Mug cũng thế, phì phèo hút thuốc và vừa búng tàn thuốc vừa nói: “Sao mà chú rể nấn ná lâu thế?”

“Ổng kia rồi.”

Cánh cửa chính mở tung rồi đóng sầm lại. Harry hô rổn rảng: “Xin tổng chào mọi người. Tôi xuống liền tức thì.” Và họ nghe tiếng chàng chạy ào lên thang lầu. Bertha không khỏi mỉm cười; nàng biết chàng thích làm những công việc gấp gáp. Thêm năm phút có đáng gì đâu nhỉ? Nhưng chàng cứ giả vờ với chính mình rằng nó tối ư quan trọng. Và rồi chàng cứ phong thái trịnh trọng bước vào phòng khách thật ung dung tự tại.

Harry yêu đời. Ồ, nàng thích điều đó nơi chàng biết bao. Và sự đam mê phấn đấu của chàng - bởi chàng tìm thấy trong mỗi thứ mà chàng phải đương đầu, sự thử thách sức lực và lòng dũng cảm của chàng - điều đó, nàng cũng hiểu. Cho dù nó khiến chàng đôi khi, dưới mắt mọi người, khi họ không biết nhiều về chàng, hơi lập dị có lẽ… Bởi có những lúc chàng lao vào vòng chiến giả tưởng… Nàng nói nói cười cười hầu như quên bẵng cho đến khi chàng vào phòng (y như nàng tưởng tượng) là Pearl Fulton chưa đến.

“Không chừng cô Fulton đã quên khuấy?”

“Anh cũng nghi vậy,” Harry nói. “Cô ấy có gọi điện thoại không em?”

“A! Taxi tới rồi kia.” Và Bertha mỉm cười, nụ cười ra dáng chủ nhân khi những vị nữ khách mới khám phá của nàng hãy còn mới lạ và bí ẩn. “Cô ấy cứ ở suốt trong xe taxi.”

“Vậy thì cô ấy sẽ chóng phì,” Harry trầm tĩnh nói, tay rung chuông gọi bữa. “Đàn bà tóc vàng thì khiếp lắm.”

“Harry - Đừng anh!” Bertha nhắc chừng, bụng cười thầm về chàng.


Khoảnh khắc kế tiếp, trong lúc chờ đợi, họ chuyện vãn cười đùa, không chút ý tứ và hơi có vẻ phóng túng. Và rồi cô Fulton, với trang phục tuyền một mầu nhũ bạc, bandeau cũng màu bạc buộc mái tóc vàng nhạt, mỉm cười đi vào, đầu nghiêng nghiêng một bên.

“Tôi đến muộn phải không?”

“Không đâu, không muộn chút nào,” Bertha nói. “Mời cô.” Nàng quàng tay cô và họ bước vào phòng ăn.

Cái gì ở trong sự đụng chạm cánh tay đó đã quạt bùng lên — ngọn lửa đam mê bắt đầu bừng cháy mà Bertha chẳng biết làm gì với nó đây?

Cô Fulton không nhìn nàng; vả chăng, họa hoằn cô mới nhìn thẳng ai. Mi mắt trĩu mơ màng và nụ cười nửa miệng khi ẩn khi hiện trên môi như thể cô hiện hữu chỉ để lắng nghe hơn là nhìn ngắm. Nhưng Bertha biết, thốt nhiên, chừng như - qua ánh mắt âu yếm và quyến luyến, họ đã bảo nhau: “Chị cũng thế đấy ư?” 

- rằng Pearl Fulton, đang quậy quậy món súp mầu đỏ trong đĩa xám, cũng đang đồng cảm với nàng.


Và những người khác thì sao? Face và Mug, Eddie và Harry, muỗng của họ nâng lên đặt xuống - khăn ăn chậm lên môi, bánh mì bẻ vụn, ly nĩa khua lơ đãng và chuyện trò.

“Tôi gặp cô ấy ở buổi triển lãm Alpha - một người nhỏ nhắn dị kỳ nhất. Không những tóc cô ta cắt ngắn, mà dường như chân tay, cần cổ và cả cái mũi nữa cũng bị xén cụt ngủn luôn.

“Có phải cô ấy rất thân thiết với Michael Oat?”

“Người viết cuốn Tình Yêu trong Hàm Răng Giả?”

“Ổng muốn soạn một vở kịch cho tôi. Vở kịch một màn cho một người diễn. Quyết định quyên sinh. Nêu đủ mọi lý do tại sao nên và không nên. Và vừa khi nhân vật vừa quyết định xong thì hạ màn. Cốt truyện không đến nỗi tệ lắm.”

“Vậy ổng đặt tên cho nó là gì - ‘Bệnh Bao Tử’ ư?”

“Tôi nghĩ tôi đã đọc cũng cái ý đó đâu trong một bài phê bình tiếng Pháp, tuyệt nhiên chưa biết đến ở Anh quốc.”


Không, họ chưa hề tỏ lộ. Họ là những người khách mà nàng quý chuộng và thích được chiêu đãi họ với những thức ăn ngon rượu quý ở nhà nàng. Thật vậy, nàng mong được nói với họ rằng họ đáng yêu biết bao, và nhóm bạn của nàng thanh lịch biết bao, những người bạn đồng điệu khiến nàng liên tưởng đến một vở kịch của Tchekof!


Harry ăn ngon miệng. Ít nhiều chàng thường - vâng,  không hẳn là bản tính, cũng chẳng phải là bộ điệu của chàng - đề cập đến các món ăn và hết lời ca ngợi cái “đam mê không ngượng ngùng mầu sáng ngời của con tôm hùm” và cái “mầu xanh rêu của đá bào làm bằng hạt dẻ - xanh và lạnh như mí mắt của các vũ công Ai Cập.”

Khi chàng ngước nhìn nàng và nói: “Bertha à, món trứng rán phồng này ngon dễ nể!” nàng suýt khóc hồn nhiên thoả thuê.

Trời ơi, sao đêm nay nàng cảm thấy cuộc đời dịu dàng quá đỗi? Mọi thứ đều tuyệt diệu. Tất cả mọi diễn biến như rót tràn đầy một lần nữa ly rượu sóng sánh hạnh phúc của nàng.

Và, trong tiềm thức nàng, hình ảnh cây lê vẫn hiện diện. Nó bây giờ hẳn đã nhuộm màu bạc, dưới ánh trăng của anh chàng Eddie tội nghiệp, ngời ánh nhũ như cô Fulton - cô đang ngồi đó mân mê trái quýt trong mấy ngón tay mỏng mảnh và nhợt nhạt tựa hồ có luồng ánh sáng toả chiếu từ đấy.


Cái mà nàng chưa thể thấu hiểu - cái điều kỳ diệu - là làm sao mà nàng ước đoán được tâm tư cô Fulton chính xác và chớp nhoáng đến như vậy. Bởi vì nàng không chút ngờ vực rằng mình đúng, nhưng rồi nàng phải tiếp tục thế nào đây? Chịu thôi.

“Chắc điều này hiếm có khi nào xảy ra giữa phụ nữ với nhau. Với đàn ông thì chắc chẳng bao giờ,” Bertha thầm nghĩ, “Nhưng khi mình pha cà-phê trong phòng khách có lẽ cô ấy sẽ ra ám hiệu cho mình.”

Điều đó có ý nghĩa gì nàng không biết, và chuyện gì xảy ra sau đó nàng chẳng thể ngờ.

Đang lúc nghĩ ngợi như thế nàng thấy mình nói nói cười cười. Nàng phải nói vì nàng thèm được cười.

“Nếu không được cười chắc là mình chết mất thôi.”


Nhưng khi nàng bắt gặp Face theo thói quen đang loay hoay độn cái gì đó trước ngực - làm như bà ấy đang lén giấu một mớ hạt  ở đấy - Bertha phải bấm mấy đầu móng tay vào bàn tay - để đừng cười nhiều quá.

Cuối cùng thì cũng xong. “Mời mọi người vào xem cái máy pha cà-phê mới của tôi,” Bertha nói.

“Cứ mỗi hai tuần tụi tôi chỉ sắm máy mới một lần,” Harry nói. Lần này Face quàng tay nàng; cô Fulton nghiêng nghiêng đầu nối gót theo vào.


Trong phòng tiếp khách, ánh lửa trong lò sưởi tàn dần thành một khối châu sa chập chờn như “tổ chim phượng hoàng non,” Face nói.

“Hãy khoan, đừng bật đèn vội. Thật là dễ chịu quá.” Và nàng lại ngồi thu mình trước lò sưởi. Nàng luôn cảm thấy lạnh… “nếu không có chiếc áo dạ mầu đỏ này, dĩ nhiên,” Bertha nghĩ thầm.


Ngay khi ấy cô Fulton ra ám hiệu.

“Chị có một khu vườn chứ nhỉ?” một giọng nói ngái ngủ trầm trầm cất lên.

Có cái gì thật huyền diệu nơi cô ấy khiến tất cả những gì Bertha có thể làm được chỉ là sự tuân phục. Nàng đi băng qua gian phòng, kéo giạt tấm màn, và mở tung cánh cửa sổ.

“Đấy!” nàng thở ra.


Và hai người đàn bà đứng kề bên nhau ngắm nhìn cây hoa rực rỡ và mảnh khảnh. Mặc dầu nó tĩnh lặng nhưng cơ hồ, tựa như ngọn lửa nến, đang rướn mình chỉa thẳng, run rẩy trong khoảng không sáng ngời, mỗi lúc mỗi vươn cao thêm đang lúc họ ngây ngất nhìn - như sắp chạm vào vành trăng bạc.

Họ đã đứng đó bao lâu rồi? Cả hai, như thế đó, chìm đắm trong vũng ánh sáng kỳ ảo, hiểu thấu lòng nhau, là tạo vật của một thế giới nào khác, và tự hỏi họ đang làm gì trong thế giới này với cả một kho tàng hạnh phúc đang âm ỉ cháy trong lồng ngực và đang lả tả từng bông hoa ngân nhũ rơi từ tóc từ bàn tay của họ?

Vĩnh viễn - hay chỉ  trong thoáng chốc? Và cô Fulton thầm thì: “Vâng. Như thế đấy.” Hay phải chăng Bertha đang mơ?


Rồi ánh đèn bật sáng và Face đã pha xong cà-phê và Harry bảo: “Bà Knight thân yêu ơi, xin đừng hỏi han gì về cháu bé của tôi. Tôi có trông thấy nó bao giờ đâu cho tới chừng nào nó cặp bồ,” và Mug gỡ cái tròng kính ra khỏi mắt một lát rồi lại gắn vào và Eddie uống cạn tách cà-phê và đặt tách xuống với vẻ mặt ảo não như thể chàng ta đang say và vừa nhác thấy con nhền nhện.

“Cái mà tôi muốn làm là cống hiến một kịch trường cho đám thanh niên. Tôi tin rằng thủ đô Luân Đôn có đầy dẫy những vở kịch thượng thặng chưa ra lò. Tôi muốn nói với họ rằng: ‘Sân khấu đây rồi. Xin cứ thi thố.”‘

“Anh biết không, tôi sắp sửa trang hoàng một căn phòng cho Jacob Nathans. Ồ, tôi khoái họa kiểu mẫu cá chiên, lưng ghế hình chảo và những tấm màn thêu đầy hình khoanh bánh khoai mỏng mỹ miều.”

“Cái rắc rối với mấy nhà soạn kịch trẻ của chúng ta là họ còn mơ mộng quá. Bạn không thể ra khơi mà ngại bị say sóng hay thiếu cái chậu thau. Ừ nhỉ, tại sao họ không can đảm như mấy cái chậu thau đó?”

“Một bài thơ tệ hại về một cô gái bị thất tiết bởi một gã hành khất không có lỗ mũi trong khu rừng nhỏ…”


Cô Fulton ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế thấp nhất và sâu nhất và Harry đưa thuốc lá lần lượt mời mọi người.

Dựa vào điệu bộ mà chàng đứng trước mặt cô lắc lắc chiếc hộp bằng bạc và nói cộc lốc: “Ai Cập? Thổ Nhĩ Kỳ? Virginia? Lộn xà ngầu,” Bertha hiểu ra rằng không những cô đã làm cho chàng chán; chàng thật sự cũng không ưa cô. Và nàng quyết đoán qua cách cô Fulton nói: “Không, cảm ơn, tôi không hút thuốc lá,” rằng cô cũng cảm thấy điều đó và bị tổn thương.


“Ồ, Harry, đừng ghét bỏ cô ấy chứ. Anh hoàn toàn hiểu lầm về cô ấy. Cô ấy thật tuyệt vời. Và, hơn nữa, sao anh có thể hiểu khác về một người mà em rất mực quý mến. Đêm nay trong khuê phòng em sẽ ráng kể cho anh nghe những gì đang xảy ra — những gì mà cô ấy và em đã san sẻ cho nhau.”

Với những lời tự nhủ đó có cái gì kỳ lạ và gần như kinh dị lao vào tâm trí Bertha. Và cái gì đó mù lòa mỉm cười thì thào với nàng: “Lát nữa đây khách sẽ ra về. Căn nhà sẽ yên ắng. Đèn sẽ tắt. Và riêng bạn với chàng trong phòng tối — gối chăn ấm nồng…”

Nàng đứng bật dậy khỏi lòng ghế và chạy bay đến bên chiếc đàn dương cầm.

“Tiếc thay đàn chẳng ai chơi!” nàng kêu thảng thốt. “Tiếc thay đàn chẳng ai chơi.”


Đây là lần đầu tiên trong đời Bertha Young cảm thấy khao khát chồng nàng. Ôi, nàng vẫn yêu chàng - tất nhiên nàng vẫn hằng say mê chàng, đủ mọi cách khác, nhưng không giống như bây giờ. Và tương tự, tất nhiên, nàng hiểu rằng chàng khác mình. Họ thường tâm sự với nhau. Thoạt đầu khi nghiệm ra mình lãnh cảm nàng đã lo âu sầu muộn, nhưng dần dà điều đó không còn đáng để tâm nữa. Họ đối xử với nhau rất chân tình - như đôi bạn tri kỷ. Đấy là cái tuyệt luân của đời sống mới.

Nhưng giờ đây - nồng nàn! nồng nàn! Chữ đó rạo rực khắp châu thân! Phải chăng đây là cái cảm giác tuyệt đỉnh của hạnh phúc? Ấy thế mà rồi - “Cô à,” bà Norman Knight nói, “khốn nỗi, tụi tôi ở Hampstead, bị bó buộc bởi giờ giấc và xe lửa. Tối nay vui quá thể.”

“Để tôi tiễn chân ông bà,” Bertha đáp. “ Ông bà đến tôi rất vui. Nhưng không thể lỡ chuyến tàu cuối cùng. Tiếc quá nhỉ?”

“Hãy uống một ly whisky rồi hẵng về?” Harry gọi.

“Thôi, cám ơn ông bạn vàng.”

Khi bắt tay chào Bertha xiết nhẹ bàn tay khách.

“Tạm biệt nhé,” nàng kêu lên từ đỉnh bậc cấp, tưởng chừng như chính mình phải rời xa họ mãi mãi.


Nàng trở vào  phòng khách khi những vị khách kia đang sửa soạn ra về.

“… Thì anh cứ đi chung một đoạn đường với tôi.”

“Xin đa tạ cô, thế thì đỡ cho tôi khỏi phải chịu trận một lần nữa, sau chuyến xe kinh hoàng ban nãy.”

“Có thể đón xe taxi ở bến xe cuối ngõ. Đi bộ mươi bước là tới.”

“Vậy thì tốt lắm. Để tôi mặc áo khoác vào đã.”

Cô Fulton tiến ra mé cửa và Bertha nối gót theo sau vừa lúc Harry hầu như lấn bước vượt lên trước.

“Để anh.”


Bertha biết rằng chàng đang đền bù hành vi khiếm nhã của mình - nàng dừng lại nhường bước. Trong cung cách nào đó chàng như đứa trẻ - quá bốc đồng - quá giản dị.

Chỉ còn Eddie và nàng bên lò sưởi.


“Chẳng hay chị đã đọc bài thơ mới ra lò của Bilks nhan đề Thực Đơn Cố Định chưa,” Eddie nói nhỏ nhẹ. “Thực là một tuyệt tác. Trong tuyển tập cuối. Chị có tập thơ đó không? Tôi rất muốn giới thiệu bài thơ đó đến chị. Bài thơ bắt đầu bằng một câu quá ư tuyệt vời: ‘Vì Sao Mãi Mãi Phải Là Canh Cà Chua?'”

“Vâng,” Bertha nói. Và nàng bước khẽ đến bên chiếc bàn đối diện với  phòng tiếp khách và Eddie lướt nhẹ theo sau. Nàng cầm cuốn sách nhỏ và đưa cho cậu; họ tuyệt nhiên không gây một tiếng động nào.

Trong khi cậu lật tìm bài thơ nàng ngoảnh đầu nhìn về phía  phòng tiếp khách. Và nàng thấy… Harry với chiếc áo khoác của cô Fulton vắt trên tay và cô Fulton quay lưng về phía chàng và đầu cô nghiêng nghiêng. Chàng quẳng chiếc áo, đặt hai tay lên vai cô và xoay người cô về phía chàng một cách thô bạo. Môi chàng mấp máy: “ Tôi ngưỡng mộ cô “ và cô Fulton khẽ đặt mấy ngón tay ngời ánh trăng lên hai má chàng và mỉm nụ cười ngái ngủ . Cánh mũi run run, miệng cười nhăn nhở khi chàng thì thào: “Mai nhé,” và qua rèm mi cô Fulton nói: “Vâng.”

“Đây rồi,” Eddie nói. “‘Vì Sao Mãi Mãi Phải Là Canh Cà Chua?’ Quả là chí lý, chị có cảm thấy vậy không? Canh cà chua vĩnh cửu muôn đời.”

“Nếu cô muốn,” giọng Harry dõng dạc vọng từ tiền sảnh, “Tôi có thể gọi xe đến rước cô tận cửa.”

“Ồ, thôi. Không dám làm phiền anh,” cô Fulton nói, và cô tiến lại gần Bertha đưa mấy ngón tay mảnh mai cho nàng cầm lấy.

“Chào chị. Cám ơn chị rất nhiều.”

“Chào cô,” Bertha nói.

Cô Fulton cầm tay nàng thêm một lát nữa.

“Cây lê yêu kiều của chị!” cô thầm thì.


Và rồi cô đi khuất, với Eddie nối gót theo sau, như con mèo đen theo sau con mèo xám.

“Mình đóng cửa tiệm là vừa,” Harry nói, thật ung dung tự tại.

“Cây lê yêu kiều của chị - cây lê - cây lê!”

Bertha chạy bay đến bên khung cửa sổ.

“Ôi, chuyện gì sẽ xảy ra đây?” nàng thảng thốt.


Nhưng cây lê vẫn yêu kiều như lâu nay, vẫn rực rỡ hoa và vẫn tĩnh lặng.



Nguồn


https://americanliterature.com/author/katherine-mansfield/short-story/bliss



THÂN TRỌNG SƠN

dịch và giới thiệu

( tháng 10/2020 ).


vendredi 2 octobre 2020

NGƯỜI ĐÀO NGŨ

LE DÉSERTEUR

( NGƯỜI ĐÀO NGŨ )


TIẾNG HÁT HOÀ BÌNH


Sáng tác của Boris VIAN.


Giai điệu chậm rãi, đơn giản, dễ thuộc, dễ nhớ. Tác giả cố ý làm điều đó để người nghe ghi nhận rõ ca từ với đầy đủ ý nghĩa của nó. Lập luận vững chắc, đanh thép, cốt để truyền đi thông điệp:” Tôi đã nhận được giấy gọi nhập ngũ nhưng tôi sẽ KHÔNG thực hiện. Tôi sinh ra ở đời không phải để giết người đồng loại. Lòng tôi đã quyết: Tôi sẽ đào ngũ.”


Lời bài hát thực chất là một bài thơ gồm 12 khổ bốn câu 6 âm tiết ( hexasyllabe ) . Những lời lẽ nầy của một chàng trai trẻ gởi trực tiếp cho Tổng thống. Boris Vian sáng tác bài này vào ngày 16/2/1954, vào thời điểm chiến tranh Đông Dương chưa kết thúc, và cuộc chiến ở Algérie sắp sửa bùng nổ. Tung ra bài hát có nội dung như thế vào lúc này quả là một hành động dũng cảm. Boris Vian đề nghị nhiều ca sĩ thể hiện, nhiều người từ chối, rốt cuộc chỉ có Mouloudji nhận lời với yêu cầu sửa lại hai câu cuối:



   Que j’ emporte des armes

   Et que je sais tirer .

 ( Rằng tôi có vũ khí

    Và tôi biết bóp cò )

thành:


   Que je n’aurai pas d’ armes

    Et qu’ils pourront tirer.


( Rằng tôi không vũ khí

   Họ cứ việc bóp cò ).


Boris Vian đành chấp nhận: Anh muốn sao cũng được, chính anh là người hát mà!

Và Mouloudji đã hát với chỉnh sửa như trên, sau đó trở thành bản chính thức luôn.


Đầu năm 1955, Boris Vian trực tiếp biểu diễn bài hát của mình tại một hí viện lớn ở Paris rồi đi về các tỉnh. Phản ứng của công chúng rất đa dạng, đa số tán thưởng nhưng cũng có người chống đối, thậm chí thị trưởng Dinard cầm đầu đoàn biểu tình phản đối.


Bài hát vẫn duy trì sức sống của nó, được dịch ra nhiều ngôn ngữ, qua sự trình bày của nhiều danh ca ( Richard Anthony, Marc Lavoine, Juliette Gréco, Serge Reggiany, Johnny Hallyday...). Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, chiến tranh vùng Vịnh và nhiều sự kiện khác nữa, Le déserteur đều có dịp cất tiếng. Mãi cho đến năm 2012, bài hát vẫn vang lên với lời cải biên của phong trào chống vũ khí hạt nhân:


“ Monsieur le Président

  Je ne peux plus me taire.

  L’ énergie nucléaire

  Peut tuer nos enfants. “


Xin mời nghe bản nhạc đã:


https://youtu.be/gjndTXyk3mw



Và đây là ca từ:


LE DÉSERTEUR


Monsieur le Président

Je vous fais une lettre

Que vous lirez peut-être

Si vous avez le temps


Je viens de recevoir

Mes papiers militaires

Pour partir à la guerre

Avant mercredi soir


Monsieur le Président

Je ne veux pas la faire

Je ne suis pas sur terre

Pour tuer des pauvres gens


C'est pas pour vous fâcher

Il faut que je vous dise

Ma décision est prise

Je m'en vais déserter.



Depuis que je suis né

J'ai vu mourir mon père

J'ai vu partir mes frères

Et pleurer mes enfants


Ma mère a tant souffert

Elle est dedans sa tombe

Et se moque des bombes

Et se moque des vers


Quand j'étais prisonnier

On m'a volé ma femme

On m'a volé mon âme

Et tout mon cher passé


Demain de bon matin

Je fermerai ma porte

Au nez des années mortes

J'irai sur les chemins


Je mendierai ma  vie

Sur les routes de France

De Bretagne en Provence

Et je dirai aux gens:


Refusez d'obéir

Refusez de la faire

N'allez pas à la guerre

Refusez de partir.


S'il faut donner son sang

Allez donner le vôtre

Vous êtes bon apôtre

Monsieur le Président


Si vous me poursuivez

Prévenez vos gendarmes

Que je n'aurai pas d'armes

Et qu'ils pourront tirer



NGƯỜI ĐÀO NGŨ


Kính thưa ngài Tổng thống

Tôi  gởi Ngài lá thư

Nếu có chút thì giờ

Ngài sẽ ghé mắt đọc.


Tôi vừa nhận giấy gọi

Buộc tôi thi hành ngay

Việc đầu quân nhập ngũ

Trước thứ tư tuần này.


Nhưng thưa ngài Tổng thống

Tôi không muốn tòng quân

Lẽ nào tôi chỉ sống

Để giết hại lương dân.


Chẳng muốn ngài phật ý

Tôi xin nói lời này

Rằng tôi đà quyết định

Tôi sẽ đào ngũ ngay.


Từ khi tôi ra đời

Đã thấy cha tôi chết

Thấy anh em ra trận

Thấy các con khóc than


Mẹ tôi quá đau đớn

Yên nghỉ dưới mộ rồi

Không ngán gì bom đạn

Chẳng sợ giống bọ giòi.


Khi tôi bị giam giữ

Vợ tôi đã không còn

Linh hồn tôi cũng mất

Với kỷ niệm thân thương.


Từ sáng sớm ngày mai

Tôi sẽ đóng chặt cửa

Khép lại ngày tháng cũ

Theo muôn dặm đường dài.


Tôi sống đời khất thực

Trên vạn nẻo quê hương

Bretagne rồi Provence

Với mọi người tôi nói:


Xin đừng chịu phục tùng

Hãy từ chối ra trận

Xin đừng chịu cầm súng

Hãy từ chối tòng quân. 


Nếu cần phải đổ máu

Kính thưa ngài Tổng thống

Ngài vốn giỏi hô hào

Hãy hiến máu mình đi!


Nếu ngài muốn truy bắt

Hãy báo cho cảnh sát

Rằng tôi không có súng

Họ cứ việc bóp cò.


(TTS dịch)



Bài hát thực ra là một bức thư, xác định rõ người gởi “ tôi “ ( je, mon, ma, mes, m’ ) và người nhận “ ngài tổng thống “ ( Monsieur le Président ). Lời thưa gởi đó xuất hiện nhiều lần trong bài với giọng điệu tôn kính ( si vous avez le temps ).


Bức thư cũng xác định những chỉ dẫn về thời gian ( mercredi soir, demain de bon matin ) và về không gian ( routes de France, de Bretagne en Provence ).


Và chính xác hơn, đây là một bức THƯ NGỎ, của một công dân gửi đến vị Tổng thống của nước mình ( năm 1954, đó là Tổng thống René Cotty ). Giọng văn gần gũi với lối nói bình dân ( C’est pas pour vous fâcher, Je m’en vais déserter, Elle est dans sa tombe.)  thậm chí là ngây ngô, trẻ con với việc sử dụng động từ faire một cách dễ dãi ( faire une lettre, faire la guerre ...)


Những nhận xét trên đưa đến mục đích của tác giả là truyền đi thông điệp của mình. Ông muốn hướng tới nhân dân với lời hô hào ( Refusez, n’allez pas ...) qua đó chứng minh sự tàn độc của chiến tranh: từ đau khổ ( pauvres, mourir, pleurer, tombe, sang ) đến bi thương, hiện thực qua hình ảnh “ những con giòi bọ “ Et se moque des vers “.


Mỗi người hãy cảnh giác vì chiến tranh gieo đau thương đến từng nhà, từng người ( mon père, mes frères, ma mère, mes enfants, ma femme ). Và hơn ai hết, Boris Vian đã khẳng định vị thế của mình: thái độ dấn thân để cất lên Tiếng Hát Hoà Bình. Ông dứt khoát: Je ne veux pas, Ma décision, Je dirais...


Chính điều này đã khiến cho bài hát được trường tồn.


****


Nhưng Boris Vian là ai?


Đây là một nhân vật kỳ lạ nhất trong những người kỳ lạ mọi người được biết. Cuộc đời ngắn ngủi (1920-1959) không hề ngăn trở việc ông kinh qua hàng chục hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau: nhà văn, nhà thơ, người viết ca từ, ca sĩ, nhà phê bình âm nhạc, nhạc công trompette, giám đốc nghệ thuật, kỹ sư, nhà dịch thuật ( tiếng Anh ), diễn giả, hoạ sĩ.

Riêng trong lĩnh vực văn học, ông ký 31 bút danh khác nhau khi sáng tác thơ, ký sự, truyện vừa, kịch, kịch bản điện ảnh. Khó mà sưu tầm để liệt kê hết tác phẩm của ông vì thường không được ghi ngày tháng sáng tác. Lúc sinh thời, ông ít được biết đến nhưng giới trẻ thập niên 1960 lại thích thú tìm đọc ông.


Boris Vian sinh tại ngoại ô thủ đô Paris trong một gia đình gồm bốn anh chị em, sống vui vẻ hoà thuận với sự giáo dục đề cao giá trị văn hoá và tự do.Cái tên Boris do mẹ chọn, dựa vào tên một nhân vật nhạc kịch. Do sức khoẻ mong manh, Boris được cô giáo đặc biệt kèm dạy ở nhà và sớm biết đọc, biết viết. Đến 10 tuổi,  Boris đã đam mê tác phẩm văn học cổ điển. Không may là năm lên 12, anh đã có dấu hiệu bệnh tim.


Anh học trung học tại các trường ở Paris, chuyên ban cổ điển, ngôn ngữ la tinh và Hy lạp. Anh tự học thêm tiếng Anh, đến 17 tuổi đã đỗ Tú tài. Chẳng những ham thích văn học, Boris còn mê cả nhạc jazz, là loại nhạc lúc này chưa phổ biến lắm ở Pháp. Năm 1942, anh đỗ bằng kỹ sư, chuyên ngành luyện kim. 


Công việc kỹ sư chỉ giúp anh cảm hứng để làm văn và viết nhạc.Một số tiểu thuyết của Anh đã được Nhà Gallimard xuất bản. Anh lao vào cổ xuý cho phong trào phát triển nhạc jazz, mở hộp đêm trình diễn loại nhạc này.


Từ thời gian này, Boris Vian bay nhảy, lượn lờ qua nhiều địa danh, trên những lĩnh vực hoạt động nghệ thuật khác nhau. Anh làm việc không mỏi mệt. Sau nhiều năm khước từ đời sống hôn nhân, tháng 2 năm 1954, Boris kết hôn với Ursula Kübler, một cô gái Đức gốc Thuỵ sĩ. Đôi vợ chồng trẻ dọn nhà đến một căn hộ tại khu phố gần quảng trường Blanche, trở thành láng giềng với nhà thơ nổi tiếng Jacques Prévert


Đến tháng 6 năm 1956, Boris bắt đầu suy sụp do bệnh phù phổi, vì làm việc quá sức và vì đã từng bị bệnh tim mạch.

Ngày 23/6/1959, ông dự buổi trình chiếu phim chuyển thể từ tiểu

thuyết J’ irai cracher sur vos tombes. Ông phản đối nhà sản xuất vì vài chi tiết không đúng với ý tưởng của ông và yêu cầu rút tên ông khỏi phần giới thiệu. Khi ngồi xem thấy tên vẫn còn xuất hiện, ông hét lớn: “ Không được !” và gục ngã trên ghế rồi hôn mê. Ông trút hơi thở cuối cùng trên đường tới bệnh viện, kết thúc cuộc đời đầy sóng gió của một nghệ sĩ tài hoa.



THÂN TRỌNG SƠN

( tháng 10/2020 ).