mardi 25 novembre 2008

CHỮ GỜ ? - KHÔNG CÓ CHỮ GỜ NÀO !



Đã có nhiều ý kiến thắc mắc tại sao các phát thanh viên đọc chữ G tiếng Việt là “GỜ” nhưng VTV thì đọc là Vê Tê Vê mà không phải là Vờ tờ vờ. Câu hỏi không được trả lời và mỗi ngày chúng ta vẫn cứ nghe “ các nước Gờ tám ( G8) ”, “ GTVT Gờ tê vê tê ” …

Cùng một cách đọc như thế là các chữ L “lờ”, M “mờ”, N “nờ”… Vấn đề tưởng chỉ là chuyện nhỏ, muốn đọc sao cũng được, nhưng nếu phân tích kỹ hơn thì cũng có nhiều điều đáng bàn.


Cứ mở đài ra nghe, chưa cần chú ý đặc biệt gì lắm chúng ta cũng có thể phát hiện đôi điều thú vị. Vừa mới nghe “ tòa nhà mờ ba mờ bốn ( M 3 M 4 ) ” sau đó lại là “pê em-mơ u mười tám ( PMU 18 )” . Cứ đọc “ vê nờ chấm com ( vn.com ) ” nhưng đến H5N1 thì ai cũng đọc “ hát năm en-nơ một ”. Luôn luôn gờ nọ gờ kia nhưng đọc chữ Thủ Tướng viết tắt trong tiêu đề các thông tư, quyết định ( Số ….. / QĐ / TTg ) lại đọc là “ Quyết định số …. trên Quy đê trên tê tê jê ( tạm ghi với chữ j ) ”.

Vậy thì chữ G đọc là “gờ” hay “jê” ? Chữ M đọc là “mờ” hay “em-mơ” ? Chữ N đọc là “nờ” hay “en-nơ” ? Tương tự như thế, “bê” hay “bờ”, “xê” hay “cờ” v.v… ? Nếu cho cả hai cách đọc đều đúng thì câu hỏi nêu ra bên trên chưa giải quyết được.


Khi viết GTVT là ta viết tắt bằng những chữ cái đầu của các từ Giao thông vận tải và phải đọc là “jê tê vê tê” đúng như cách đọc của bảng chữ cái tiếng Việt : a, bê, xê, dê, đê, e, jê, hát, i, ca, el-lơ, em-mơ, en-nơ v.v… Thế thì “bờ”, “cờ”, “dờ”, “đờ” v.v.. là gì ? Xin thưa, đó không phải là chữ cái mà là âm. Cần phân biệt chữ cái ( letter) với âm (sound). Các âm được ghi bằng các ký hiệu ( thường được gọi là phiên âm quốc tế ) do Hiệp Hội Ngữ âm Quốc Tế ( IPA) quy định. Các ký hiệu này thường được viết trong dấu ngoặc [ … ]. Hiểu như thế ta sẽ đọc chữ cái b là “bê” và âm [ b ] là “bờ”. Tương tự như thế, ta sẽ đọc chữ cái “jê” và âm “gờ”, chữ cái “em-mơ” và âm “mờ”.


Không biết từ lúc nào ở các lớp tiểu học trong bảng chữ cái tiếng Việt, các phụ âm đều được đọc với âm “ờ” như thế : a, bờ, cờ, dờ, đờ … . Điều này thuận lợi cho các cháu trong việc đánh vần : bờ a ba, cờ a ca … . Nhưng qua giai đoạn ghép vần, các cháu phải được dạy đọc đúng tên bảng chữ cái là a, bê, xê … , phải đọc tam giác ABC a bê xê, không phải tam giác a bờ cờ.


Nói tóm lại, chỉ có âm “gờ”, không có chữ cái “gờ” mà là chữ “jê”. Mặt khác, trong tiếng Việt, âm “gờ” nếu đứng trước a, o, u thì được ghi bằng chữ cái g ( jê), nếu đứng trước e, ê, i thì ghi bằng gh ( jê hát ) : gà, gỗ gụ, ghe, ghế, ghi chép … Không làm gì có chữ cái “gờ” và chữ cái “ gờ ghép”. Lại càng không có chữ cái ‘ngờ” và “ngờ ghép” ( ng và ngh ) !

( Cái thời cơn bão miền Trung, nghe đài truyền hình thông báo còn một số tàu thuyền của tỉnh Quảng Ngãi chưa vào bờ, các tàu mang số hiệu 500 Quy ngờ, 600 Quy ngờ , phải suy nghĩ một hồi mới hiểu đó là hai chữ Quảng Ngãi viết tắt QNg !)


Hơn thế nữa, nếu chữ cái nào cũng ờ ờ như thế, liệu có bất tiện gì không ? – Có đấy. Hai chữ S và X , nếu đọc là ét-xơ và ích-xơ thì phân biệt được ngay, nhưng nếu đọc sờ và xờ thì rất dễ lẫn lộn, nhất là đối với người miền Bắc, thường đọc giống nhau. Bởi thế mới có chuyện cô giáo bày cho học sinh nhận dạng hai chữ S và X để đừng viết sai “ hạt xương “ và “cục sương”. Phải viết đúng hạt sương, các em thấy chữ sờ viết có đầu nhọn như mỏ chim nên tạm gọi chữ đó là “sờ chim”; còn cục xương các em thấy chữ sờ viết xòe ra như cánh bướm nên gọi là “sờ bướm”. Thấy chưa, chiếc xe là sờ bướm, còn chim sẻ là sờ chim. Tất nhiên với hình ảnh sinh động như thế, học sinh hiểu và nhớ ngay. Cuối giờ cô giáo củng cố :


Cô hỏi các em : sung sướng thì sờ gì ? – Thưa cô sờ chim. Còn xao xuyến sờ gì ? – Thưa cô sờ bướm. Và cả lớp đồng thanh : sung sướng thì sờ chim, xao xuyến thì sờ bướm.

Thật buồn khi xem các chương trình vui học trên TV nghe các em học sinh trả lời ký hiệu hóa học của ma-nhê là mờ gờ. Nhưng không trách các em được vì ở trường cô dạy em thế . Nhưng phải nói sao đây khi các thầy dạy ôn thi cũng trên TV cứ nói : trên đoạn thẳng AB ( a bê ) lấy một điểm mờ ( M). Sao thầy không lấy điểm sáng cho các cháu dễ nhìn ?


Sau những điều trình bày bên trên, nếu nhiều người vẫn cứ thích lờ đờ tờ mờ, xin vui lòng đọc lại bài hát sau đây, được viết để giúp cho các cháu học vỡ lòng nhớ cách đọc bảng chữ cái tiếng Việt :


A B C ( a bê xê ) , học chữ vui thích ghê

D Đ E ( dê đê e ) , nghe tiếng ve trưa hè,

G H I K ( jê hát i ca ) , trời mênh mông bao la,

L M N O P Q ( el-lơ em-mơ en-nơ o pê cu ) , Bầy chim trời ca đua,

Cu cúc cu, cu cu cúc cu

R S ( e-rơ, ét-xi ) , mây trôi đi,

T U V ( tê u vê ) , gió đưa về.


Chắc vẫn có người nhớ bài hát trên được phổ biến từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước tại Trường Sư Phạm Quy Nhơn, là trường đào tạo giáo viên tiểu học, bấy giờ gọi là Giáo học cấp bổ túc.


Để kết thúc, xin mượn lối nói của chương trình trò chơi truyền hình « Chiếc nón kỳ diệu » mà khẳng định rằng : Chữ Gờ, không có chữ gờ nào cả. Tiếng Việt không có, tiếng Anh lại càng không, vậy mà, chao ôi, ngày nào cũng bị tra tấn “o rờ gờ” và “gờ meo chấm com” ( org. và gmail.com trong các địa chỉ thư điện tử ) ! Mong sao buổi sáng thức dậy, mở TV không còn phải nghe ai chào ngày mới bằng câu bùa chú bí hiểm “gờ tê cách ích cách i ” ( GT x y, kiểu ký hiệu nhắn tin SMS để gởi đến một tổng đài, rất phổ biến trên truyền hình ) !.


THÂN TRỌNG SƠN

( Kiến Thức Ngày Nay , số 609, ngày 10/7/2007 )


Aucun commentaire: