samedi 16 août 2008

CƠ CHI TÔI ĐƯỢC VỀ VỚI HUẾ




Về đến khách sạn tôi mới được biết kế hoạch chặng đường tiếp theo : vậy là chỉ dừng lại ở thành phố này hai đêm và một ngày, rồi đi vào, ghé Đà nẵng, Hội an chứ không ra Quảng Bình thăm Phong Nha nữa. Bây giờ đã là bốn giờ chiều, tôi có quá ít thời gian với quá nhiều công việc phải làm nơi đây. Lật vội sổ tay xem số điện thoại của những người quen biết, tôi chọn số của Nhã và gọi ngay. Không chờ tôi nói gì nhiều, Nhã cắt lời, anh chờ đó, N. tới ngay chừ đây. Chưa đầy mười lăm phút sau đã nghe điện thoại của phòng tiếp tân báo có người đang chờ. Tôi chạy vội xuống : đúng là Nhã thật, không ngờ hắn lẹ làng đến thế. Lên xe N. chở đi, dành cho anh chiều và tối nay, mai N. bận cả ngày. Từ đường Nguyễn Huệ, Nhã chở tôi ngược lên phía ga rồi rẽ vào đường Lê Lợi đi theo hướng cầu sáu vài mười hai nhịp. Mới đi được một đọan, tôi chưa thỏa thích ngắm nhìn hàng cây hai bên choàng tán lá phủ mát con đường áo trắng ngày xưa thì Nhã đã dừng lại và quyết định việc chi tính sau nhưng chẳng lẽ về đây mà không ghé thăm trường cũ. Tôi chưa kịp có ý kiến gì thì Nhã đã chạy xe vô cổng trường. Tuy bây giờ là thời gian nghỉ hè nhưng vẫn thấy đông người vô ra. Nhã lại gần chào nhân viên bảo vệ đang đứng bên trong cổng vào và nói, đây là thầy Thanh trước có dạy trường mình, đã chuyển đi, tui đưa thầy vô thăm trường chút nghe. Anh bảo vệ đồng ý, Nhã quay sang tôi nói không có N. anh không vô được mô nờ. Tôi ậm ừ may quá. Nhã là bạn, vừa là đồng nghiệp dạy cùng môn với tôi, quen nhau đã lâu và thân nhau từ khi cùng đi tu nghiệp ở Sèvres mười năm trước. Ra trường Sư phạm sau tôi hai năm, Nhã dạy ở Quảng Trị rồi đổi vào dạy trường Thống Nhất, mới chuyển về trường này năm bảy năm gì đó. Với chừng đó thời gian chắc chắn Nhã không biết nhiều về ngôi trường này bằng tôi bởi tôi đã từng học bậc trung học ở đây, rời trường để học đại học mất 4 năm, đi dạy xa 4 năm và trở về lại trường cũ nối bước các thầy cô mà phần lớn vẫn còn dạy ở đây.

Từ cổng trường, Nhã dẫn tôi đi thẳng vào bên trong. Dọc theo những hàng cây đều hai bên lối đi, chúng tôi tiến gần đến khu vực trước đây là sân chơi có mái che(préau) và tôi chợt hiểu tại sao trường học lại được bảo vệ cẩn thận đến thế, tại sao phải có người bảo lãnh tôi mới được vào. Thấy tôi ngạc nhiên nhìn tầng lầu ngay phía trên préau, Nhã giải thích đó là hội trường hàng trăm chỗ với trang thiết bị rất chuẩn và rất sang, thỉnh thoảng nhà trường cho các cơ quan bên ngoài thuê làm nơi hội họp. Còn bên dưới thì cho thuê làm nơi dạy võ. Nhã nói tiếp, lát nữa đây anh sẽ thấy cảnh nhộn nhịp đông vui, đó là học viên các lớp ngoại ngữ, cái trung tâm ni là của mấy ông Lê văn Giang và Hồ Trang bạn anh đó.

Chúng tôi rẽ phải đi đến dãy nhà dọc, tôi đến gần căn phòng cuối cùng thử tìm dấu vết của Phòng Giáo sư thuở nào nhưng bây giờ đó chỉ là phòng học. Ngay bên trên phòng này trước đây là Phòng Khánh tiết bây giờ cũng là phòng học. Phòng Khánh tiết là nơi diễn ra các sinh hoạt văn nghệ, thuyết trình, phát phần thưởng…Mới vào học đệ tam, lần đầu tiên tôi bước vào phòng này là để nghe chị Bùi Ánh Loan học đệ nhất thuyết trình về đề tài “ Một chuyến du xuân”. Bằng giọng nói truyền cảm, chị đã dẫn dắt người nghe đi qua nhiều vùng miền của đất nước, lúc thì giới thiệu phong cảnh, khi thì trích dẫn văn thơ. Học trên mình có hai lớp, sao chị lại hiểu rộng biết nhiều như thế, tôi ngồi nghe mà lòng thầm phục. Các buổi lễ phát thưởng tổ chức tại đây luôn để lại một ấn tượng sâu sắc đối với học sinh và phụ huynh ( học sinh được thưởng thì nhà trường mời phụ huynh đến dự ). Phần thưởng lớp nào, hạng nào cũng rất lớn, chủ yếu là sách giáo khoa (đủ dùng cho năm học sau ), sách đọc thêm, từ điển, vở, dụng cụ học tập… Nếu là phần thưởng Danh dự toàn trường hay Nhất toàn Khối lớp thì “ phải thuê xích lô mới chở về hết “ vì đó là phần thưởng của tổng thống, của bộ trưởng, tỉnh trưởng … Học sinh được thưởng còn có vinh dự thấy tên mình được in trong cuốn Tưởng thưởng lục cùng với những trang giới thiệu về trường cùng danh sách giáo sư và nhân viên của trường. Một thông lệ rất có ý nghĩa nữa là mỗi năm nhà trường chọn một giáo sư đọc “ Diễn văn thường lệ “ vào dịp này. “Được thay mặt Hội đồng giáo sư để đọc diễn văn vào dịp lễ long trọng này là một vinh dự lớn cho tôi, một giáo sư tuổi đời còn rất trẻ và tuổi nghề còn đếm được trên đầu ngón tay … “ Tôi chưa quên lời phát biểu đó của Thầy Nguyễn Đức Mai, giáo sư Anh văn, vào dịp lễ phát thưởng năm tôi học đệ nhị.

Nhã cắt đứt dòng suy tưởng của tôi bằng cách kéo tôi đi vào dãy nhà sau, phía sân vận động của trường. Tôi lặng người ngẩn ngơ khi dừng chân trước căn phòng cuối cùng của dãy nhà. Đây là phòng học năm đệ tam của tôi. Mười lăm tuổi, tôi rời ngôi trường nhỏ trong Thành nội để “lên” học đệ nhị cấp ở đây, hãnh diện được mặc bộ đồng phục quần tây xanh áo sơ mi trắng với chiếc huy hiệu thêu chỉ xanh tên mình và một vạch nằm ngang gắn trên túi áo. Một vạch là đệ tam, lên một lớp thêm một vạch, chờ đến khi huy hiệu có ba vạch là rất oai vì đã vượt qua cái ngưỡng Tú tài bán phần, rất sướng vì được tự xem mình thuộc lớp đàn anh và nhất là rất thích vì được … học chung với con gái ! Thuở đó con trai con gái không học chung trường nhưng vì trường nữ bên cạnh chỉ mở đến lớp đệ nhị nên lên đến đệ nhất các nàng đều chuyển sang đây. Sau năm học 62-63, trong trường lại không còn tà áo dài trắng nào nữa, trường nữ đã mở lớp đệ nhất rồi. Có một ngàn người vui và một ngàn người buồn vì “biến cố” này.

Mười lăm tuổi vào trường là đúng độ tuổi đi học, cùng lớp nhiều bạn lớn hơn ba bốn tuổi vì trường nhận học sinh đệ nhất cấp từ các trường ở “phố” và cả các trường ở “làng” nữa, mà học sinh trường làng đi học chậm vài ba năm là chuyện thường. Cả khối lớp đệ tam hầu hết là ban B và ban A, chỉ có một lớp ban C. Bạn cũ từ đệ tứ lên đều vô B hết, tôi chọn ban C bị tụi nó chọc là đứa nào dốt quá không học toán nổi mới vô C. May mà còn một ít bạn đã quen thân từ trước. Hồ văn Tiếu, ở đường kiệt phía sau nhà tôi, mỗi lần rủ hắn đi học tôi chỉ đứng ngoài cổng chờ, không dám vô nhà vì sợ gặp anh của Tiếu là Thầy Hồ văn Thuyết, dạy Việt văn lớp tôi. Tống văn Thịnh có tới hai nhà, một ở ngả giữa, buôn bán đặc sản hồ Tịnh, một ở kiệt Âm hồn. Thịnh thích chơi thể thao, đánh bóng bàn và vũ cầu rất giỏi, lại mê nghe nhạc vì nhà có sẵn dàn máy Akai, trong khi bọn tôi chẳng biết gì thì Thịnh thuộc nằm lòng bao nhiêu bài của Françoise Hardy và Sylvie Vartan. Vĩnh Thuyên, nhà ở bên kia cầu Đông Ba, có vườn rộng, thường rủ tôi vào đó học bài. Thuyên thường khoe với tôi về cô em họ, thua bọn tôi hai ba lớp gì đó, lúc đầu chỉ nói tên là Bích Hoàng, mãi lâu sau mới chỉ cho biết người biết mặt, để tau giới thiệu em tau cho mi. Thì ra O này cũng ở gần nhà tôi, thỉnh thoảng tôi nhìn thấy tung tăng áo trắng đi học trên đường Ngọ Môn, trông cũng “ hay hay”. Để rồi tau giới thiệu, V.T. cứ nói đi nói lại mãi nhưng không hề cho tôi cơ hội “ tiếp cận” cô em. Một dạo tôi thấy B.H. biến mất, hỏi Thuyên mới biết O về ở đâu phía sau chùa Diệu Đế. Có lần tôi đi về phía đó, tình cờ thấy O đi đàng trước, tôi đạp xe chậm lại cố ý theo cho biết nhà, ngờ đâu o phát hiện ra nên vụt bỏ chạy. Thế là tôi bỏ cuộc, không tìm cơ hội gặp gỡ nói chuyện gì nữa. Hoàng mênh mang sương khói còn tôi ngơ ngác nai vàng, người chưa quen biết mà tưởng là đã thân thiết, nên trong sách vở tôi viết đầy tên Bella Helena – là Bích Hoàng tôi “dịch” ra như thế ! Sau khi đậu Tú tài tôi ít gặp Vĩnh Thuyên vì hắn học khác ngành tôi, và cũng không nghe nhắc đến B.H. nữa.

Mang tiếng dốt toán, vậy thì phải cố gắng các môn văn chương và sinh ngữ cho khỏi mất mặt ! Lớp chủ trương làm báo và trưởng lớp Văn Bạc Chinh nói đứa nào cũng phải viết bài hết. Viết thì viết, sợ gì. Nói thì dễ nhưng sao làm quá khó, hết thời hạn nộp bài tôi không có chữ nào, xin anh Chinh gia hạn một tuần, vẫn đầu hàng. Tôi rất xấu hổ khi cầm tờ báo lớp, thấy rất nhiều bạn tham gia, truyện ngắn, tùy bút, thơ lục bát, thơ tự do, đủ thứ, với tên thật, bút danh bút hiệu kêu rổn rảng. Lê văn Linh ký là Kim Lê văn, Nguyễn Giảng ký Hoài Nhân, rồi Lê văn Giá, Tôn Thất Hành, Trần Hưởng … Đọc thơ của Lam Kiều, bút danh của Nguyễn Đoán, tôi mới phục và hoảng. Buổi chiều thắt cổ bằng sợi chỉ hoàng hôn. Làm sao có thể viết được một câu như thế khi mà Chinh phụ ngâm khúc và Cung oán ngâm khúc hắn hiểu không bằng tôi ? Thì ra học văn với viết văn khác nhau xa.

Vậy mà quá tin vào “tài năng” dân ban C của tôi, Nguyễn Tâm Hiếu bên lớp B đến nhờ : Thanh phải giúp mình, báo lớp mình ít bài quá. Không viết thì dịch cũng được, Thanh có cuốn Les mains sales của Jean Paul Sartre không, dịch cho mình vài trang cũng được. Không cách chi từ chối được, tôi liều mạng làm theo lời Hiếu để ít lâu sau nghe H. kể tụi lớp mình phục Thanh ghê lắm. Tôi hỏi nhưng tụi nó đọc bài dịch có hiểu chi không. H. ngập ngừng không nghe đứa mô nói chi, chắc là không hiểu ! Mà đúng thôi, tôi dịch tôi cũng không hiểu thì tụi nó làm sao mà hiểu được !

Về môn sinh ngữ thì tôi phấn chấn hơn. Mỗi tuần học 6 giờ Pháp và 6 giờ Anh, cả lớp đều thích, không phân biệt sinh ngữ chính sinh ngữ phụ gì cả. Hai năm đệ tam và đệ nhị, lớp tôi học Anh văn với thầy Nguyễn văn Lâu. Thầy còn trẻ, chắc là ra trường chưa lâu, hiền nhưng rất nghiêm, có phương pháp dạy linh hoạt, rất chú ý việc luyện nói cho chúng tôi. Sau này khi tôi cầm sự vụ lệnh thuyên chuyển về trường đến trình diện thì hiệu trưởng lại chính là thầy. Lên đệ nhất thì thầy Nguyễn văn Chương thay thầy Lâu. Thầy Chương có thói quen bước chân vào lớp là dạy ngay, không mất thời gian cho những thủ tục. Thầy giúp chúng tôi tự tin nhiều bằng cách thường xuyên tổ chức thảo luận, thuyết trình những đề tài gần gũi với đời sống. Những bộ sách chúng tôi học ( Let’s learn English, Practice your English, Improve your English ) đều do người Mỹ soạn, chú trọng kỹ năng thực hành ngôn ngữ, đồng thời giới thiệu về đất nước và con người , tạo hứng thú cho người học.

Sách tiếng Anh là thế, trong khi đó sách tiếng Pháp vẫn còn theo phương pháp cũ, nặng về văn chương, về ngôn ngữ viết. Cả 3 năm chúng tôi học cuốn Littérature expliquée, dạy văn học sử Pháp từ thời trung cổ đến thế kỷ 20, mỗi thời kỳ học các tác giả tiêu biểu và trích giảng tác phẩm tiêu biểu. Còn về văn phạm thì các thầy chọn sách để dạy, chủ yếu là cuốn Traité d’analyse, phân tích từ loại và chức năng của từ, với lại phân tích mệnh đề. Chính vì nội dung giáo trình như thế cho nên chúng tôi ít được rèn luyện kỹ năng nói mà chỉ chú ý đọc và viết. Mãi về sau, khi tôi bắt đầu đi dạy mới thấy chương trình đổi sang dùng bộ sách Cours de Langue et de Civilisation françaises của Mauger, nội dung và phương pháp tiến bộ hơn. Ba năm chúng tôi học với 4 giáo sư là các Thầy Nguyễn Văn Thường, Nguyễn Văn Kháng, Ngô Đốc Khánh, Phạm Kiêm Âu.

( Thầy Thường chỉ dạy một thời gian ngắn, sau đó Thầy chuyển sang ngành luật. ) Chính lòng tận tụy và sự uyên bác của các Thầy đã khiến tôi càng yêu mến ngôn ngữ này hơn..

Rời phòng học năm đệ tam, Nhã dẫn tôi ra phía sân vận động. Tôi lóa mắt trước sự “hoành tráng” của nơi này. Sân bóng cỏ mượt và dày, các đường chạy bao quanh, sân và hố nhảy cao, nhảy xa, khu vực khán đài với các hàng ghế bậc cấp, các thiết bị tập luyện thể dục… Nhã cho biết trường còn có hồ bơi nữa. Chúng tôi đi ngược trở ra. Nhã giới thiệu ký túc xá của trường, dành cho học sinh các huyện về học hệ chuyên. Đến cuối dãy nhà phía trái này tôi muốn đi lên lầu nhưng cửa khóa không lên được. Tôi muốn đi lên lầu để trở lại phòng học năm cuối cùng của bậc trung học. Năm này, có thêm học sinh trường nữ chuyển qua, sĩ số đông hơn nên lớp tách đôi, C1 sinh ngữ chính Pháp, C2 sinh ngữ chính Anh. Chia tay một số bạn cũ, bắt đầu làm quen bạn mới. Công Huyền Tôn Nữ Thanh Hoa, nhà ở đầu đường Mai Thúc Loan, người cũng dịu dàng như tên, học giỏi nhất trong số nữ mới qua. Cao Thị Tú Quỳnh, mặt đẹp, mắt đẹp, tóc đẹp, dáng đi rón rén, Thịnh đặt biệt danh là người bắt chuồn chuồn. Hồ Thị Trúc Mai, thường lặng lẽ kín đáo. La Thị Quế Trinh, nhà ở phố, trong các bài luận tiếng Pháp luôn bày tỏ nguyện vọng trở thành nhà giải phẫu thẩm mỹ. Trần Thị Thùy Trang, chăm chỉ, cẩn thận, sau học Y khoa. Nguyễn Thị Tố Liên, em gái một quan chức nổi tiếng trong ngành giáo dục ở thành phố. Không đầy một tháng sau ngày nhập học, mọi người đã thân nhau và đã quen với không khí lớp học có nam có nữ như thế này. Hình như có bạn học giỏi và học chăm hơn trước, hình như có bạn học sút đi, hình như có đôi bạn thân nhau hơn mức bình thường. Nhưng nói gì thì nói, ai cũng lo cho kỳ thi cuối năm, kết thúc một quãng đời làm học trò, mà lo nhất là cái môn học lạ lẫm đến lớp này mới được học. Một môn học mà có đến ba giáo sư dạy. Bỡ ngỡ, ngại ngùng, xen lẫn với tò mò , hào hứng. Cô Tôn Nữ Diệu Trang dạy tâm lý, cô Tống Nữ Lan dạy luận lý, thầy Trần Như Uyên dạy siêu hình. Cả ba phân môn này của triết học đều hấp dẫn và thú vị nhưng ý kiến chung có vẻ thích môn tâm lý hơn vì nhiều bài học nói đến những vấn đề gần gũi, thiết thực, không quá khó như siêu hình, không quá khô như luận lý. Cô Diệu Trang chinh phục ngay cả lớp bởi lòng nhiệt tình, vẻ quý phái và nét trẻ trung của một giáo sư mới ra trường được một năm. Không biết từ khi nào, tôi bỗng thấy hình như mình thân với Tố Liên hơn hay nói khác đi tôi và Tố Liên thân nhau hơn các bạn khác. Không hiểu ai rủ ai, thường buổi chiều ra về T.L. thường dừng lại ở cổng trước ( dành cho giáo sư và nữ sinh ) chờ tôi ra cổng sau đạp xe vội đến gặp rồi cùng đi dọc theo đường áo trắng rẽ về hướng cầu An Cựu, lang thang quanh quẩn đến lúc chiều tà. Vẫn gặp nhau hàng ngày ở lớp nhưng nói chuyện có vẻ mất tự nhiên. Sau đó T.L. thường đến nhà tôi, nói là để cùng nhau soạn bài nhưng thường thì khi T.L. về rồi tôi mới bắt đầu soạn được. Những hôm trời mưa T.L. vẫn đến, trời lạnh quá, cho Liên luồn tay vào trong áo len của Thanh. Hôm sau đến lớp, nói chuyện lại mất tự nhiên hơn. Chúng tôi bày ra trò viết chung nhật ký, lấy cuốn sổ tay, T.L. và tôi thay nhau viết rồi chuyền tay mỗi ngày. Tôi nghĩ cách viết sao cho kín đáo để không ai đọc được :

Uiboi ohig epo ebk yvoh rvboi

Ikoi oiv ip opk divoh nkoi xpk oibv.

Tôi cho chìa khóa của mật mã : B = A , Liên dịch ra :

Thanh nghe đồn đãi xung quanh

Hình như họ nói chúng mình với nhau.

Bằng cách này chúng tôi viết cho nhau mỗi ngày đến gần hết cuốn sổ ( T.L. nhỏ vào cái bìa đỏ mấy giọt nước hoa Immortelle, cầm đến là nghe mùi hương gợi nhớ ) mà không bị ai phát hiện bí mật ! T.L. cũng quen với cách viết này :

Tboh oba uiba Qip ipk cbk nb Uiboi evoh dibp dp upk ohkgq rvb !

Tôi đọc được ngay : Sáng nay thầy Phò hỏi bài mà Thanh đứng chào cờ tội nghiệp quá !

Mà tội nghiệp thật. Thầy Lê Khắc Phò dạy sử địa rất hay vì thầy rất thông thái ( nghe nói thầy tốt nghiệp ĐH Montpellier bên Pháp ), hôm đó thầy dạy bài địa lý châu Âu, thầy gọi tôi lên bảng, anh nhìn bản đồ và chỉ coi con sông Danube ở đâu, chảy qua những nước nào. Trời đất, sao thầy không hỏi thủ đô, diện tích, dân số …, tôi thuộc lòng, còn kỹ năng đọc bản đồ tôi mù tịt. Tôi toát mồ hôi, đưa cây thước rà qua rà lại vùng Bắc Âu, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, không thấy con sông nào hết, hay là phía Nam, tôi chạy xuống vùng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, có thấy sông nhưng chắc không phải là dòng sông xanh thầy hỏi. Tôi đứng như trời trồng. Cả lớp lặng thinh, ngạc nhiên. Tôi cúi gầm mặt, không dám nhìn xem phản ứng của Tố Liên thế nào. Không biết thầy cho tôi mấy điểm, chắc không tới 18/20 ! Đến khi tôi học năm thứ ba ĐH tôi gặp lại thầy Phò, thầy dạy môn dịch và tôi lại khâm phục sự uyên bác của thầy ở lĩnh vực ngôn ngữ !

Nhã tiếp tục giới thiệu, anh biết rồi đó, đây là một trong ba trường chất lượng cao của cả nước, Hà Nội thì có Chu Văn An, Saigon có Lê Hồng Phong, nhà nước đầu tư cả chục tỷ, tụi N. dạy lớp chuyên thì được phụ cấp lương 150%, kết quả tốt lắm năm nào cũng trên 90% đậu đại học, học sinh giỏi quốc gia cũng rất nhiều. Nhã còn nói nhiếu thứ nữa nhưng tôi không quan tâm mấy đến ngôi trường của Nhã, tôi chỉ nghĩ về ngôi trường của tôi. Cuối năm học đệ nhất, thành phố nhiều biến động, có tin chiến sự bên ngoài, có tin biểu tình bên trong. Mà trong tôi cũng có biến động, không biết từ khi nào tôi và Tố Liên không thân nhau nữa. Tháng sáu thi tú tài, môn chính môn phụ gì cũng thi hết, đậu thi viết còn phải vô vấn đáp nữa, kết quả thi xếp hạng ưu, bình, bình thứ, thứ. Và rồi mỗi người tự chọn đường đi vào tương lai.

Tôi lặng lẽ theo chân Nhã ra khỏi trường, lòng nặng trĩu. Tôi học trò xa trường năm 63, tôi thầy giáo rời trường năm 78. Từ đó tôi sống ở xứ lạnh, ít dịp trở về.Lần này trong chuyến đi liên tỉnh với các đồng nghiệp trẻ, ghé lại chốn cũ, dừng chân đâu khoảng sáu chục phút mà đẩy lùi thời gian đến bốn chục năm. Hạnh phúc thay những ai còn có quê cũ để trở về, còn có tình xưa mà ngậm ngùi, còn có người xưa để tưởng tiếc. Tôi đọc thầm câu thơ của Tố Hữu “Ôi cơ chi tôi được về với Huế !”

THÂN TRỌNG SƠN

( Huế 7/2005 - Dalat 5/2008 )

Aucun commentaire: