jeudi 30 mai 2019

ĐOẠN THƠ RỜI



                                       

卞之琳
BIỆN CHI LÂM ( Bian Zhilin )
1910-2000 




Biện Chi Lâm quê tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, sinh năm 1910. Từ thuở nhỏ, ông đã có thiên hướng yêu thích thơ ca kim cổ. Năm 1929, ông theo học khoa tiếng Anh, trường Đại học Bắc Kinh. Thời gian này, ông đọc nhiều và chịu ảnh hưởng các nhà thơ lãng mạn Anh và nhà thơ tượng trưng Pháp. Ông làm thơ rất sớm. Thi tập đầu tiên ông xuất bản là cuốn Tam thu thảo, (1934), trong đó nhiều bài nhuốm màu sầu muộn và tuyệt vọng, tình cảm phổ biến của giới trẻ lúc này.




Chịu ảnh hưởng của trường phái “ Tân nguyệt “, Biện Chi Lâm là người có nhiều đóng góp cho việc hiện đại hoá thơ ca Trung Quốc. Ông từng là đồng chủ biên tạp chí “ Tân Thi “ ( 新诗 ), cùng với Đái Vọng Thư ( Dai Wangshu, 戴望舒 ), 1905-1950, là nhà thơ trẻ từng du học ở Pháp, làm thơ bằng tiếng Pháp, sau có dịch thơ Pháp ( Les Fleurs du Mal, Baudelaire ), thơ Tây Ban Nha ( Federico Garcia Lorca ).

Ông cũng từng là giáo sư ngoại ngữ trường Đại học Bắc Kinh, chuyên viên nghiên cứu tại Sở văn học nước ngoài thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.

Một số tác phẩm tiêu biểu, sau cuốn Tam thu thảo nói trên:
Ngư mục tập (1935),
Hán viên tập (1936),
Uý lạo tín tập (1940),
Thập niên thi thảo (1942),
Điêu trùng kỷ lịch (1930-1958).


Bài thơ Đoạn chương giới thiệu dưới đây nguyên là bốn câu lấy từ một bài thơ dài. Tác giả cho biết cả bài ông thích nhất bốn câu này nên ông cắt ra, cho nó thành một bài độc lập. Chính vì vậy ông đặt tên là Đoạn chương ( Đoạn thơ rời ). Và đây là bài thơ tiêu biểu cho khuynh hướng sáng tác của Biện Chi Lâm, trở thành một trong những bài nổi tiếng nhất của ông. Con người với con người, cảnh vật với cảnh vật, con người với cảnh vật, tất cả hoà quyện trong mối quan hệ đan xen, người ngắm cảnh rồi người biến thành cảnh được nhìn ngắm. Giao thoa, giao cảm, giao tình, thiên nhiên cây cỏ là mình hay ta. Cầu in bóng ánh trăng tà, lầu cao ngắm xuống như là cầm tay. Hỡi ôi người đó ta đây, mà trong mộng tưởng ngày ngày gặp nhau.











你站在桥上看风景,   
看风景的人在楼上看你。   
明月装饰了你的窗子,   
你装饰了别人的梦。


Dịch âm

ĐOẠN CHƯƠNG

Nhĩ trạm tại kiều thướng khán phong cảnh
Khán phong cảnh đích nhân tại lâu thướng khán nhĩ
Minh nguyệt trang sức liễu nhĩ đích song tử
Nhĩ trang sức liễu biệt nhân đích mộng.


Bài dịch 1:

Em đứng trên cầu ngắm phong cảnh
Người trên lầu ngắm cảnh nhìn em
Trăng sáng trang trí cửa sổ nhà em
Em tô điểm giấc mộng người khác.

Bài dịch 2:

Dừng bước trên cầu em ngắm cảnh
Lầu cao ai đứng ngắm nhìn em
Trăng vàng tô điểm phòng em nhỏ
Hình em vẽ mộng người đẹp thêm.


Bài dịch 3:

Dừng chân ngoạn cảnh bên cầu
Nào hay người đứng trên cao ngắm nhìn
Phòng em trăng sáng lung linh
Ai kia ủ mộng bằng hình bóng em.


Bài dịch 4:

You stand on a bridge, enjoying the view
From a balcony someone’ s watching you.
The bright moon adorns your window
And you adorn someone’s dreams.


Bài dịch 5:

Debout sur le pont tu contemples le paysage
Celui qui regarde le paysage te voit de l’étage
La lune brillante orne ta fenêtre
Et toi, tu ornes le rêve d’un autre.


Bài bonus:

Và em, Trần Nữ Kim Long hỡi
Bên cầu em đứng ngóng chờ ai?
Chùa gần vẳng tiếng chuông khàn đục
Chỉ thời gian một tiếng thở dài.

Đưa em trở về thời Song ngoại
Quỳnh Dao nữ sĩ gối đầu giường
Đường về Thành Nội còn xa lắm
Xuôi nam ngược bắc mấy dặm đường...

Cửa sổ phòng em trăng sáng quá
Trăng Nguyệt Biều, trăng Vĩ Dạ xưa
Trăng về tô điểm thời xa lắc
Áo trắng, tóc dài, tuổi mộng mơ.
Em chừ khuất nẻo đường xa,
Tưởng là thoáng chốc, hoá ra muôn đời.
Núi cao chi lắm núi ơi!



THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu
30/5/2019





mardi 21 mai 2019

THÔI EM ĐI NHÉ HÀ ƠI




Chưa kịp nghe em báo tin vui
Lạ lùng, vô lý, không thể nào tin được
Đúng thế không, có thật thế không?
Hà ơi!
Bé mở mắt
Và tiếng khóc ban đầu 
Không phải để chào đời
Như bao nhiêu trẻ khác
Mà lạc lõng, ngơ ngác
Quơ quào hai tay 
Tìm ai, tìm gì, chỉ mới được ngày một ngày hai...

Khao khát, đợi chờ lâu lắm 
Vượt cạn lần đầu hẳn em lo mà vẫn rất mừng
Một ngày qua tưởng mọi điều êm thắm
Bỗng dưng sao như có dấu hiệu khác thường
Em kêu đau đầu mà không thấy ai nói năng
Chậm tí nữa, họ nói em bị tai biến
Rồi chuyển em đi ba trăm cây số đường dài
Em bất động cả hai chuyến ngược xuôi
Vọng từ không trung tiếng em gọi con ơi!

Tất nhiên rồi bé chưa nghe được tiếng em gọi
Chưa biết vòng tay ôm ấm áp của mẹ hiền
Chưa nếm được vị mặn giọt sữa non
Trời xanh sao khéo bất công
Em hiền lành nhân ái sao mà vắn số
Trong tích tắc, mọi chuyện trong tích tắc
Em đi ra, và bỗng ra đi luôn.
Các bạn đến, không kịp hỏi han 
Chỉ nấc nghẹn trong ngậm ngùi thương tiếc
Chào gặp lại hoá ra chào vĩnh biệt
Không nghĩ, không dám nghĩ gì nữa
Rồi mai này, ngày bé lớn lên...

Thôi em đi nhé, Hà ơi
Tiễn em, thầy có mấy lời thương đau...


21/5/2019





dimanche 19 mai 2019

GẶP GỠ




GẶP GỠ (*)

Tuyết rơi ngập kín cả đường
Mái ngói nhà nhà tuyết phủ
Anh vừa đứng dậy duỗi chân
Em đứng bên ngoài khung cửa.

Em khoác chiếc áo mùa thu
Không giày, không cả nón mũ
Chừng như em đang phấn khích
Chống chọi cơn rét co ro.

Xa xa, hàng rào, cây cối
Chìm dần trong bóng tối mờ
Em đứng nép mình trong góc
Dưới màn tuyết trắng âm u.

Luồn theo hai bên tay áo
Nước chảy từ tấm khăn vuông
Trên mái tóc em, rất nhỏ
Lấp lánh từng giọt tuyết sương.

Dáng người và cả khuôn mặt
Áo mùa thu với khăn choàng
Hình ảnh của em rất thật
Đang được chiếu sáng rỡ ràng.

Trên đôi mi em tuyết ướt
Mắt em thoáng một nét buồn
Chỉ qua từng đường nét nhỏ
Em đà hiển hiện toàn thân.

Bút sắt nhúng vào hoá chất
Bằng cả nghệ thuật tuyệt vời
Tim anh có ai đã khắc
Hình em từng nét rạng ngời

Đường nét đơn sơ khiêm tốn
Vẫn còn lưu giữ rất lâu
Dẫu đời chua cay ác độc
Cũng không phai nhạt sắc màu.

Vào đêm tuyết lạnh hôm ấy
Thế là mọi thứ nhân đôi
Mặc ai phân chia ranh giới
Giữa hai chúng mình em ơi.

Ta là ai, từ đâu tới
Và rồi cũng phải ra đi
Nếu qua chuỗi ngày hiện tại
Chỉ còn những tiếng thị phi.

BORIS PASTERNAK

Thân Trọng Sơn dịch

( * nhan đề dịch theo bản tiếng Anh. Tham khảo nguyên tác tiếng Nga, bài này có tên là Cвидание, HẸN HÒ )

dimanche 12 mai 2019

TÁC PHẨM MỚI



TẬP TRUYỆN DỊCH






Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình.(*)


“ Ánh Trăng” là tên tập truyện ngắn của Guy de Maupassant vừa được hai anh em Thân Trọng Thuỷ và Thân Trọng Sơn tuyển dịch và phát hành.

Ai đã từng quan tâm đến văn học phương Tây hẳn cũng đã nhiều lần đọc Guy de Maupassant. Trong 10 năm văn nghiệp (1881-1890) ông đã để lại, riêng truyện ngắn, 300 tác phẩm. Với đề tài phong phú, cách diễn đạt giản dị mà độc đáo: diễn tiến câu chuyện đang đến hồi cao trào thì bỗng xoay sang một kết cuộc bất ngờ khiến người đọc ngạc nhiên xen lẫn thích thú, có thể nói Guy de Maupassant là một trong những người viết truyện ngắn tài ba.

Trong kho tàng truyện ngắn Maupassant để lại, hai anh em họ Thân đã tuyển chọn 24 truyện để giới thiệu cùng bạn đọc, Thân Trọng Thuỷ 16 và Thân Trọng Sơn 8. Tuy đây chưa hẳn là những truyện tiêu biểu của Maupassant nhưng đã chuyên chở nhiều đề  tài đa dạng trong cuộc sống: khi nghiệt ngã như cuộc đời Hélène với "Đứa Con" (TTS dịch), khi chua xót như nỗi đợi chờ vô vọng của người mẹ trong "Đợi Chờ", khi kinh dị như câu chuyện trong "Hiện Hình", khi làm ta bật cười với nỗi trớ trêu của anh chàng Henri Templier trong "Đêm Nô-en", và "Ánh Trăng", vâng, chỉ với cái đề tựa thôi cũng đã cho ta một hình ảnh lãng mạn, ngọt ngào.

Cái tên Thân Trọng Sơn không còn quá xa lạ đối với độc giả yêu thích truyện dịch. Các bài viết của ông được chọn đăng trên các trang báo nghiêm túc như Văn Việt, phamcaohoang.com, khoahocnet.com, art2all.net,... Ông cũng có những đầu sách đã được xuất bản như "Lãng Du Miền Đất Lạ", dịch thơ và "Cuộc Ly Hôn Trên Núi Cao", dịch truyện. Trong khi đó, Thân Trọng Thuỷ, người anh, xuất hiện dè dặt hơn, như bản tính kín đáo của ông. art2all.net, Chim Việt Cành Nam là nơi ông từng công bố những bài viết và dịch của mình.

Dù đã được bạn đọc đón nhận hay vẫn còn lạ lẫm, hai anh em họ Thân đã gởi gắm tất cả lòng đam mê và hiểu biết trên từng trang viết. Họ làm việc với tinh thần tự trọng và cầu tiến để tác phẩm của mình khi ra mắt bạn đọc có đủ "tín, đạt, nhã", ba tính chất không thể thiếu để có được một bản dịch đàng hoàng.

Guy de Maupassant có hai truyện ngắn cùng tên, Đứa Con, đều được chọn dịch và giới thiệu trong cuốn sách này. Riêng tôi cũng xin được trân trọng giới thiệu "đứa con" của Thân Trọng Thuỷ và Thân Trọng Sơn mang tên Ánh Trăng. Mời quý vị cùng đọc nhé.

(*) Thơ Nguyễn Duy 


TRẦN BÁ
Saigon, tháng 5/2019.



——————-

ÁNH TRĂNG
Truyện ngắn Guy de Maupassant
Bản dịch: Thân Trọng Thuỷ - Thân Trọng Sơn
Trình bày, trang bìa: Nguyễn Sông Ba
Việt Phương ấn hành 2019
Phát hành tháng 5 năm 2019
Liên lạc : cuanhado@gmail.com



TẠM BIỆT






Truyện ngắn 
Alberto Moravia


Protolongone là một lâu đài cổ nằm trên một mỏm đá nhô ra phía biển. Ngày tôi được trả tự do, cơn gió tây nam thổi rát mặt, nắng chói chang trên bầu trời quang đãng.

Phải chăng vì trời gió, vì mặt trời, hay là do còn ngất ngây khi được tự do, sao tôi thấy người lâng lâng. Bởi vậy, lúc đi ngang mảnh sân thấy ông giám đốc đứng trong nắng nói chuyện với một viên quản ngục, tôi không thể không lớn giọng chào: “ Xin tạm biệt ông giám đốc!” 

Tôi chợt thấy ân hận ngay vì câu tạm biệt không hợp thời này, nghe như có vẻ tôi còn muốn trở lại nơi đây, thậm chí tin chắc là thế nào cũng trở lại. Ông giám đốc nhân từ mỉm cười và vẫy tay chào tôi rồi nói chữa hộ: “ Chào vĩnh biệt, cậu muốn nói vậy chứ gì!” Tôi lặp lại: 
“ Vâng, vĩnh biệt ông giám đốc nhé! “ nhưng câu nói trễ mất rồi, vì tôi đã lỡ lời xằng bậy và không rút lại được.

Câu tạm biệt đó cứ vang mãi trong tai tôi trong suốt đường đi và ngay cả khi tôi về đến nhà ở Rome. Có lẽ nguyên do còn ở sự tiếp đón , phần mẹ tôi thì ân cần tất nhiên rồi, nhưng về phía những người khác, tệ hại hơn tôi tưởng. Em trai tôi, thằng bé chẳng có óc não, chuẩn bị đi đá banh, buông thõng một câu: “ Ê, chào anh Rodolfo.” Con em gái, một đứa dữ dằn, hời hợt, chạy ào từ phòng ngủ ra, hét lớn nó sẽ bỏ đi nếu tôi về ở trong nhà. Còn ba tôi, ít khi mở miệng, chỉ nhắc tôi là công việc ở xưởng mộc vẫn còn đó và nếu tôi muốn thì có thể đi làm lại ngay hôm nay. Thế rồi, ai nấy bỏ đi hết, tôi còn lại một mình với mẹ. Bà đang rửa chén bát trong bếp. Đứng trước bồn rửa, bà nhỏ bé, ăn mặc lôi thôi lếch thếch, tóc tai rối bù, chân xỏ đôi giày ủng bự bằng dạ, vì bị thấp khớp, vừa lau chùi mấy cái dĩa, vừa thuyết giảng tôi, thiệt tình là, tuy chủ ý là tốt, nhưng nghe ra còn tệ hại hơn lời rủa của em gái và sự lạnh lùng của ba tôi và em trai.

Vậy thì bà nói những gì? Thì cũng những điều quen thuộc như bao bà mẹ khác, mà như mọi lần chẳng để ý gì  rằng trong trường hợp này, lẽ phải là về phía tôi, bởi tôi đã vung nắm đấm để tự vệ thôi, và tôi có thể chứng minh điều đó khi toà xử nếu không có thằng Guglielmo làm chứng gian. “ Con trai à, con có thấy bạo lực dẫn tới đâu chưa? Hãy nghe mẹ, chỉ có mẹ thương con, khổ sở khi xa con. Nghe lời mẹ nghe con... Đừng hung dữ nữa...sống ở đời chịu đựng trăm lần còn hơn làm hại chỉ một lần... con có biết là chơi dao thế nào cũng đứt tay... dù con trăm ngàn lần là phải, nếu dùng bạo lực, sẽ thành quấy ngay. Chúa Giê-su, bị hãm hại đưa lên thập tự giá, nhưng Ngài đã tha thứ hết cho kẻ thù... con lại muốn hơn cả Chúa sao...” mẹ cứ dài dòng như thế... Tôi biết nói gì với bà đây? Nói là bà không rõ sự thật: chính tôi mới là người hứng chịu bạo lực, lỗi hoàn toàn ở thằng Guglielmo đốn mạt, đáng lẽ tên kia mới phải vào tù. Tuy nhiên tôi chọn cách im lặng, đứng dậy và bỏ đi.

Đáng lẽ tôi sẽ ra xưởng mộc, đường Saint- Théodore, ba tôi và mấy người bạn đang đợi tôi ở đó. Nhưng tôi không đủ can đảm ra đi, vào đúng cái ngày trở về này, làm như chưa có chuyện gì xảy ra, với lấy chiếc áo vét móc trên cái đinh, khoác thêm áo choàng còn vết dầu mỡ dính từ hồi hai năm về trước. Tôi lại muốn tận hưởng niềm vui tự do, chẳng lo âu gì, muốn nhìn lại thành phố Rome, rồi nghĩ về công chuyện của mình. Thế là tôi quyết định hôm đó chỉ đi dạo chơi thôi, gác lại việc làm cho hôm sau. 

Nhà chúng tôi ở phía đường Giulia. Tôi đi về hướng cầu Garibaldi.
Lúc còn trong tù, tôi thường nghĩ rằng, lúc được tự do, về đến Rome,  vào những ngày đầu tiên, mọi thứ với tôi sẽ đổi khác, khác một cách đặc biệt, tuỳ thuộc vào tình cảm của tôi khi nhìn thấy lại những cảnh vật đó: linh hoạt, mới mẻ, xinh đẹp, quyến rũ hơn. Vậy mà, trái lại, chẳng có gì thay đổi, chừng như tôi vốn ở Portolongone lâu đến thế, mà ngỡ như chỉ thấp thoáng trên bãi biển Ladispoli ít hôm thôi.

Hôm ấy là một trong những ngày thường xuyên có gió sa mạc thổi vào tại Rome: trời xám xịt, không gian u ám, hơi nóng ngột ngạt toả đè nặng cả những tường đá nhà cửa. Trong khi đi đường, tôi thấy lại cảnh vật như chúng vẫn xuất hiện, hôm nay cũng như ngày trước, không mới mẻ, không vui tươi: những con mèo xúm xít nơi góc đường, cạnh những đống rác, những nhà vệ sinh, những chữ viết nguệch ngoạc, những “ đả đảo “, “ hoan hô ai đó “ trên tường, những phụ nữ ngồi nơi ngưỡng cửa các tiệm bán buôn, tán gẫu với nhau, chân dạng ra; những nhà thờ có mấy người mù, người khuyết tật ngồi trên bậc thềm; những chiếc xe kéo nhỏ chở quả sung khô và quả cam, những quầy báo bày các tạp chí tranh ảnh và chân dung các nữ diễn viên nổi tiếng người Mỹ. Còn mọi người, tôi nhìn ai cũng thấy những khuôn mặt đầy ác cảm: người mũi quá dài, người miệng méo, người mắt sưng, người thì má xệ. Tóm lại vẫn là thành Rome và dân thành Rome, như lúc tôi bỏ họ ra đi, như tôi thấy lại họ bây giờ.

Lúc đến cầu Garibaldi, tôi đứng tựa tay vào lan can, nhìn dòng Tibre chảy: vẫn dòng sông Tibre đó, nước sáng loáng, dâng đầy, vàng bệch, những chiếc tàu neo đậu của các hãng cứu hộ, và anh chàng béo phì quen thuộc, mặc quần short đang luyện tập chèo thuyền, dưới con mắt của những kẻ hiếu kỳ quen thuộc.

Để lên tinh thần, tôi đi qua cầu với ý nghĩ tìm đến cái quán trong con hẻm “ del Cinque “, chủ quán Gigi là người bạn duy nhất của tôi trên đời. Tôi nói là tới đó để lên tinh thần, thực tế là tôi cũng bị cái tiệm mài dao kéo của Guglielmo ở gần quán lôi cuốn. Đúng vậy, nhìn thấy tiệm này từ xa, tôi sôi máu lên, cảm giác như đang vừa nóng vừa lạnh, có vẻ sắp ngất xỉu.

Vào giờ đó, quán vắng khách, tôi đến ngồi vào một góc tối, gọi nhỏ tên Gigi, hắn đang đọc báo sau quầy. Hắn đứng dậy, đến gần và nhận ra tôi, ôm chầm lấy tôi và luôn miệng nói rất mừng gặp lại tôi. Tôi cũng cảm thấy được an ủi, bởi lẽ, trừ mẹ tôi ra, hắn là người duy nhất có đạo đã bày tỏ thiện cảm với tôi từ khi tôi trở về. Tôi ngồi xuống, hơi thở đứt quãng, mắt đẫm lệ, còn hắn buột mồm, sau mấy câu xã giao:
  • Ôi, Rodolfo, có tay nào đã cho nói với tao là mày sắp về. À, đúng rồi, chính là Guglielmo.
Tôi không nói gì, nhưng nghe nhắc tới tên đó tôi cảm thấy choáng váng.   
-  Làm sao mà nó biết được? Gigi nói tiếp. Có điều chắc chắn là nó tới nói với tao như vậy với một bộ mặt đặc biệt! Nó đang sợ... thấy rõ như thế.
  • Sợ cái gì? Tôi nói mà không ngước mắt lên. Chẳng phải nó đã nói sự thật sao? Chẳng phải nó đã làm nhiệm vụ nhân chứng sao? Rồi cái đám cảnh sát đã sẵn sàng bảo vệ nó nữa?
  • Mày lúc nào cũng thế, Rodolfo à... Gigi vừa nói, vừa vỗ vai tôi. Không thay đổi chút nào hết... Nó sợ vì biết tính cách mày... Nó nói là nó không nghĩ là đã làm hại mày... Người ta lệnh cho nó nói sự thật, vậy là nó nói. ( Tôi vẫn không nói câu nào, Gigi ngừng một lát rồi tiếp ) Mày biết đó, tao thực sự tiếc là hai con người như mày và Guglielmo lại ghét nhau và sợ nhau... Bây giờ mày có muốn tao thuyết phục nó không... tao bảo nó là mày không giận nó...mày đã tha thứ cho nó?
Tôi bắt đầu hiểu hắn muốn đưa đến chuyện gì nên trả lời:
  •   Đừng nói gì với thằng ấy hết.
  • Sao vậy? hắn thận trọng thăm dò. Sau bao nhiêu thời gian rồi mà mày vẫn giận nó sao?
  • Thời gian chẳng nghĩa lý gì, tôi nói. Tao đến từ hiện tại, và với tao, mọi chuyện như mới xảy ra hôm qua... chuyện tình cảm thì thời gian chẳng có nghĩa gì đâu.
  • Thôi nào, thôi nào, hắn khẩn khoản, đừng cố chấp như thế... ích gì đâu... mày nhớ bài hát đó chứ: hãy quên đi quá khứ, uống cho ngày đã qua.
  • À, uống thì được... mang cho tao nửa lít đi... rượu “sec” thôi.
Giọng khô khốc, chẳng dài dòng thêm, hắn đứng dậy đi lấy rượu. Lúc trở lại, hắn chẳng chịu rót cho tôi ngay mà để cái bình qua một bên, rồi ra vẻ muốn đặt điều kiện cho tôi, hắn hỏi, giọng nghiêm túc:
  • Này, Rodolfo, mày sẽ không làm gì quấy chứ?
  • Rót rượu đi, đừng xía vô chuyện khác.
  • Suy nghĩ đi mày, hắn nài nỉ. Guglielmo thật tội nghiệp, nó có gia đình, vợ và bốn con... mày phải hiểu sự việc chứ.
  • Tao nói là rót rượu đi, mặc cho việc của tao.
Lần này thì hắn rót, nhưng từ từ thôi, và đưa mắt nhìn tôi.
  • Cầm lên, tôi bảo hắn, cùng nâng ly này... mày là thằng bạn duy nhất, bạn đúng nghĩa của tao. 
Hắn nhận lời ngay, rót đầy ly rượu, ngồi xuống, nói tiếp:
  • Chỉ vì tao là bạn mày, tao mới nói sẽ làm gì nếu ở địa vị mày: tao sẽ đến nhà Guglielmo, một cách tự nhiên, và tao sẽ bảo nó: đừng trở lại chuyện cũ, chúng ta sẽ ôm hôn nhau như những người anh em, không nói gì nữa cả. ( Hắn nâng ly lên ngang môi và chăm chăm nhìn tôi.)
  • Anh em là những con dao”, (1) tôi đáp, mày biết câu tục ngữ đó chứ? 
Vào đúng lúc này, có hai khách hàng vào quán, Gigi uống cạn ly rượu rồi từ giã tôi đi phục vụ khách.

Tôi chậm rãi uống hết nửa lít rượu, suy tư. Nghĩ đến việc Guglielmo đang sợ tôi chẳng làm tôi bình tâm mà trái lại gợi trong lòng tôi sự căm giận. “ Đồ hèn, tôi nghĩ, nó sợ à.” và tôi cầm siết cái ly dày, tưởng như đó là cổ của Guglielmo. Đúng là thằng hèn, sau khi làm chứng gian để tôi bị kết tội, hắn lại đi nói với Gigi để được tôi tha thứ. Uống hết bình nửa lít rượu, tôi gọi thêm bình khác. Gigi mang đến cho tôi:
  • Mày thấy khá hơn không? Mày suy nghĩ chưa?
  • Ừ, tao thấy đỡ rồi, tôi đáp, và tao suy nghĩ rồi.
Gigi rót đầy ly cho tôi, và nhận xét:
  • Trong sự việc này, phải thận trọng thôi... đừng để tình cảm lôi cuốn, mày ở về phía lẽ phải, điều khỏi phải bàn cãi, nhưng cũng chính vì vậy mà mày phải tỏ ra độ lượng.
Tôi không thể nén câu nhận định chua chát:
  •   Nó đã khéo lên lớp cho mày đó chứ, thằng Guglielmo.
Hắn không phật ý và nói thành thật:
  • Lên lớp gì đâu? Mày với nó đều là bạn tao... tao muốn hai đứa giảng hoà, thế thôi.
Tôi lại uống tiếp, và có lẽ do có men rượu, tôi lại suy nghĩ qua chuyện Guglielmo từ chuyện của mình, tôi thấy lại trong đầu mọi chuyện xảy ra trong hai năm vừa qua, đau khổ biết mấy, sỉ nhục dường nào. Nước mắt chảy đầm đìa, tôi vừa thương mình vừa thương người. Tôi là kẻ khốn khổ, đúng hay sai cũng chẳng để làm gì, tôi khốn khổ như bao người khác, như hết thảy mọi người... và Guglielmo chắc cũng khổ, và Gigi, ba tôi, em trai, mẹ và em gái tôi: tất cả đều là người khốn khổ! Lúc này, tôi nhìn Guglielmo dưới con mắt khác rồi và dần dà tôi nghiệm ra rằng có lẽ nó đã có lý, tôi phải tỏ ra độ lượng, tha thứ cho nó thôi. Ý nghĩ này làm tôi thấy mình cao cả hẳn, tôi hài lòng thấy mình nghĩ được như thế, bởi lẽ nếu trong đầu tôi, tôi tin là tha thứ tốt hơn báo thù, thì phải thừa nhận là con tim tôi đã mách bảo điều đó. Có điều là tôi ngại sự thừa nhận như thế sẽ chóng qua đi nên cảm thấy phải hành động ngay tức thì. Tôi không uống nữa, và gọi lớn:
  • Gigi, mày đến đây ngay.... một lát thôi.
Hắn đến và tôi dứt khoát:
  • Thực tình là Gigi ạ, mày có lý, tao nghĩ lại mọi chuyện rồi... nếu mày muốn, tao sẵn sàng rồi, mày đi với tao đến chỗ thằng Guglielmo.
  • Thì tao đã nói rồi: cố suy nghĩ một chút, thêm chút rượu lành và con tim lên tiếng thôi.

Tôi không trả lời, và đột nhiên, tôi bật khóc, hai tay ôm lấy mặt. Tôi vừa nhìn lại thấy chính mình hồi ở Portilongone, nơi xưởng lao động của trại giam, trong bộ quần áo tội nhân, đang ra sức bào những tấm ván đóng quan tài. Trong tù ai cũng cố làm việc, và từ cái xưởng mộc nơi đây đã ra đời những chiếc quan tài cho Portoferracio và những thành phố khác của đảo Elbe. Và khi làm quan tài như thế, tôi đã khóc mà nghĩ rằng mong sao một trong những quan tài đó sẽ dành cho tôi.
  • Được rồi, được rồi, Gigi vỗ vai tôi nói, đừng nghĩ gì về chuyện đó nữa... kết thúc cả rồi. ( Rồi một lát sau hắn tiếp:) Cứ thế này tiến bước đến nhà Guglielmo, mày với nó ôm nhau như bạn bè, rồi về cả đây uống ly rượu hoà giải.
Tôi lau nước mắt nói:
  • Cùng đi tới Guglielmo nào!

Ra khỏi quán, chúng tôi đi khoảng năm chục thước, rồi phía góc bên kia đường, ở giữa tiệm bánh mì và tiệm bán đá hoa, tôi đã nhìn thấy cửa hàng mài dao kéo. Guglielmo cũng chẳng thay đổi gì: thấp lùn, xanh xao, béo tròn, hói đầu, với khuôn mặt mỡ màng của kẻ phản bội hay người ngoan đạo, tôi nhận ra nó ngay, nó đứng nghiêng một bên trước bánh xe, chăm chú việc mài con dao, lật qua lật lại trước giọt nước làm ướt đá mài, nó chẳng thấy chúng tôi bước vào. Mới nhìn qua, tôi bỗng thấy trào máu, không, tôi không thể đến ôm nó như Gigi mong. Có khi tôi  đã cắn đứt tai nó, tuy là không cố ý.

Thế rồi, Gigi lên tiếng, giọng vui vẻ:
  • Guglielmo, bạn Rodolfo đây này, bạn ấy đến bắt tay cậu đấy... quá khứ là quá khứ thôi nhé.

Tôi thấy Guglielmo tái xanh mặt, làm một động tác gì đó, chừng như muốn núp ở cuối cửa hàng. Gigi lại thúc giục: “ Nào! ôm hôn nhau đi và không nhắc chuyện cũ nữa”, tôi cảm thấy đắng họng, mắt tối sẫm lại.

  • Thằng hèn, mày đã phá nát đời tao!

Tôi lao vào nó, cố tóm lấy cổ. Nó kêu rú lên, xưa nay vốn nhút nhát, chạy về cuối cửa tiệm. Nó đã tính sai, bởi trước các kệ xếp đầy dao như thế, thánh cũng không thể thoát được. Mà tôi lại chờ giây phút này từ bao nhiêu năm rồi!
  • Rodolfo, bình tĩnh đi, Gigi hét lớn... giữ nó lại.

Guglielmo gào lên như con heo bị thọc huyết, và tôi vớ được một con dao, tôi lao thẳng về phía nó. Tôi định chém nó sau lưng, nhưng nó xoay người để tránh đòn nên tôi đâm thẳng nó ngay trên ngực. Tôi vung tay định đâm nhát thứ hai, nhưng bị ai đó giữ lại... Tôi ra ngoài, nhiều người vây lấy tôi, la hét và lợi dụng cuộc ẩu đả hỗn loạn, đánh cả tôi. 

“ Chào tạm biệt.”, tôi đã chào tạm biệt ông giám đốc trại giam, và đúng như vậy, ngay tối hôm đó, tôi đã nằm trong xà lim Regina Cœli với ba tên khác. Để khuây khoả, tôi kể chuyện của mình cho chúng nó nghe, một trong bọn chúng, có vẻ có hiểu biết hơn cả, nêu nhận xét:
“ Ôi, ông bạn già ơi, khi ông nói lời tạm biệt, thực ra tiềm thức của ông nói thay ông đó... lúc ấy ông đã biết rồi sẽ làm gì.

Có lẽ tên đó nói đúng, nó nói ra vẻ nghiêm trang lắm, ra vẻ biết rõ tiềm thức là gì... Nhưng dù sao, tôi đã bị tóm rồi, và lần này, tôi nói lời tạm biệt với tự do.



———————————————-
Chú thích của người dịch:
  1. Trong bản tiếng Pháp, ghi nguyên bản tiếng Ý : Fratelli, coltelli. Câu tục ngữ đầy đủ là : Relatives serpenti, fratelli coltelli , tạm dịch: “Thân nhân là những con rắn, anh em là những con dao “



THÂN TRỌNG SƠN 

( Dịch từ bản tiếng Pháp của Claude Poncet
    Au Revoir  trong Nouvelles romaines. 

       Nhà xuất bản Flammarion, 1982. )