dimanche 31 décembre 2023

TRỞ VỀ

 


Truyện ngắn

Fernando Sorrentino

Nhà văn Argentina.

( 1942 - … )



   Ông sinh tại Buenos Aires. Tuổi thơ của ông trải qua trong khung cảnh buồn tẻ của những con đường trong khu phố ông ở. Có thời gian, ông là nhân viên thường trong một công sở. Rồi ông dạy ngôn ngữ và văn chương tại nhiều trường trung học, được học sinh và đồng nghiệp quý mến. Giữa thời gian làm việc, ông cố đọc và viết. Ông thừa nhận mình nhạy cảm với cái đẹp của thơ ca nhưng lại thấy không đủ tài để viết một bài thơ. Ông xé hết những bài thơ đã làm vì thấy chúng vô nghĩa.

Ông thấy bằng lòng với bản thân, ông không thích tham gia các hội đoàn văn chương.

Năm 2006 ông in một tuyển tập truyện ngắn bao gồm tất cà tác phẩm của ông, sau đó được dịch ra tiếng Ý, rồi được in trong tạp chí văn học Progetto Babelle. Cũng tạp chí này, mười bảy năm sau lại công bố tuyển tập mới. 

   Theo lời kể của chính ông, truyện của ông thường pha trộn tưởng tượng và khôi hài. Ông thú nhận mình thích đọc hơn viết và hiện nay ông viết không nhiều lắm. Vì 

cho đến nay ông chỉ viết trong ba mươi hai năm nên số lượng tác phẩm của ông không nhiều lắm, chỉ có 6 tập truyện ngắn ( in từ 1969 đến 1994 ), một bút ký dài và một tiểu thuyết ngắn. Ông còn viết truyện thiếu nhi và thanh niên. Ông còn là tác giả hai cuốn phỏng vấn.


   Khi viết, ông luôn muốn xác định khung cảnh của truyện là một địa điểm ông biết rõ. Ông chỉ nhắm mắt lại và “ nhìn thấy “ được ngay, chẳng hạn, đó là đường Cóta Rica, ở Buenos Aires, nơi ông sinh ra, sống thời thơ ấu. Khung cảnh của truyện “ Trở về “ giới thiệu dưới đây chính là nơi này.


    Tác phẩm của ông được dịch sang tiếng Anh, Bồ Đào Nha, Ý, Đức, Pháp, Phần Lan, Hungary, Ba Lan, tiếng Ba Tư, tiếng Trung và tiếng Việt.


    Người dịch xin nói thêm: Truyện này không phải chỉ để giải trí, nó gợi ra nhiều suy nghĩ:

    “ Tôi “ trong truyện là người thuật chuyện, hay là nhân vật, hay là chính tác giả?

     Một người ở tận đất nước Nam Mỹ xa xôi sao lại nghĩ ra được chuyện nghiệp báo: Ông lão Don Cesareo chết bằng cái cách ông đã giết gã hành khất, còn gã hành khất chết rồi lại hồi sinh và đầu thai làm bé Gustavo, của gia đình Bernaconi, và cuối cùng biến mất. Gustavo cũng vậy.



****



Năm 1965, tôi hai mươi ba tuổi và đang học để làm giáo viên trung học dạy ngôn ngữ và văn chương. Một buổi sáng tháng chín mùa xuân kia, tôi ngồi học trong phòng. Nhà tôi là căn hộ chung cư duy nhất trong dãy phố này, và chúng tôi sống ở tầng sáu.


    Tôi cảm thấy hơi lười và thỉnh thoảng lại nhìn bâng quơ ra ngoài cửa sổ. Từ nơi đó tôi có thể quan sát con đường và qua vỉa hè ngang đường, thấy cả khu vườn được tỉa tót cẩn thận của ông lão Don Cesareo, nhà ông nằm ngay góc phố, cắt chéo con đường, thế nên nhà ông có hình dạng giống như một ngũ giác không đều.


    Cạnh bên nhà ông Don Cesareo là ngôi nhà xinh xắn của gia đình Bernaconi, những người dễ mến luôn làm những điều tử tế. Họ có ba cô con gái, và tôi đang yêu cô chị đầu Adriana. Thế nên, tôi cứ liếc nhìn về phía vỉa hè bên kia đường, vì trái tim xui khiến nhiều hơn vì mong nhìn thấy nàng vào giờ khắc còn sớm này.

      Như mọi ngày, ông Don Cesareo đang tưới cây và chăm sóc khu vườn yêu của ông. Mảnh vườn này được ngăn cách với con đường bởi một hàng rào sắt thấp và ba bậc tam cấp đá.

     Phố xá giờ này vắng tanh, thế nên tôi khó lòng không chú ý đến một người đàn ông đang xuất hiện ở dãy nhà bên kia và đang tiến gần đến dãy nhà của chúng tôi  theo vỉa hè dẫn đến trước cửa nhà ông Don Cesareo và gia đình Bernasconi. Làm sao tôi không bị cuốn hút cho được bởi người đàn ông kia, bởi đấy là một gã ăn mày hay người lang thang, đang khoác trên mình những tấm giẻ cũ kỹ đủ màu sắc hệt như cầu vồng?

    Rậm râu và gầy giơ xương, gã đội trên đầu một chiếc mũ rơm màu vàng nhạt, méo mó. Dù trời nóng bức, gã lại khoác một chiếc áo choàng màu xám rách tả tơi. Thêm vào đó, gã vác theo một bao tải lớn, dơ bẩn, và tôi đoán ắt hẳn trong đó đựng của bố thí và những thức ăn thừa gã lượm lặt được.

      Tôi tiếp tục quan sát. Gã lang thang dừng lại trước cửa nhà ông Don Cesareo và gia đình Bernasconi và gã hỏi ông ấy điều gì đó qua cái hàng rào sắt. Don Cesareo là một ông lão cộc cằn, tính tình cáu bẩn. Ông không thèm nghe gã nói mà khua tay làm những cử chỉ như muốn đuổi gã đi. Nhưng gã hành khất vẫn cố nài nỉ, lẩm bẩm van nài. Lát sau tôi nghe ông quát lên :

   “ Này anh kia, cút đi, đừng quấy rầy tôi nữa! “

     Tuy nhiên, gã lang thang vẫn nài nỉ, và giờ đây gã đã leo lên ba bậc đá và vịn vào cái cổng sắt. Thế là, hoàn toàn mất kiên nhẫn, ông Don Cesareo xô gã ra xa với một cú đẩy dữ tợn. Gã hành khất trượt chân trên một hòn đá ẩm ướt, cố gắng chộp lấy một thanh rào nhưng vô hiệu và ngã mạnh xuống đất. Cùng lúc đó, nhanh như chớp mắt, tôi thấy gã té chổng hai chân lên trời, và nghe tiếng xương sọ gã đập vào bậc đá thứ nhất nứt rạn.


       Ông Don Cesareo liền chạy xuống đường, cúi xuống xem ngực gã hành khất có còn đập không. Quá hoảng sợ, ông già lập tức túm lấy hai chân và kéo lê gã xuống vỉa hè. Sau đó ông vội vã đi vào nhà, đóng cửa lại để tránh không cho ai thấy tội ngộ sát của mình. 

     Nhân chứng duy nhất chính là tôi. Chẳng bao lâu, một người đàn ông đi ngang qua và dừng lại bên cạnh gã ăn mày đã chết. Sau đó còn nhiều người khác và thêm nhiều người nữa. Cảnh sát cũng đã tới. Gã hành khất được đặt vào xe cứu thương và chở đi.

     Tất cả chỉ có thế, và câu chuyện cũng không bao giờ được nhắc lại nữa.


     Về phần mình, tôi cũng cẩn thận không hề hé răng. Có thể hành xử như vậy không tốt, nhưng tôi được lợi lộc gì nếu tôi tố cáo cái người chẳng làm hại gì tôi cả? Mặt khác, ông ta cũng không cố ý giết gã hành khất, và thật là bất nhẫn nếu tôi khiến những năm cuối đời ông ta đầy đau khổ. Tôi nghĩ tốt hơn hết nên để ông một mình cho lương tâm phán xét.

       Dần dà tôi cũng đã nguôi ngoai sự việc này, nhưng mỗi khi thấy ông Don Cerareo, tôi lại có cảm giác bứt rứt, khó chịu vì nghĩ rằng ông ấy không thể ngờ tôi là kẻ duy nhất trên thế giới đã chứng kiến bí mật khủng khiếp của ông. Từ đó về sau, tôi không hiểu tại sao tôi lại tránh ông ta và không dám nói chuyện với ông nữa.


***

    

     Năm 1969, khi tôi hai mươi sáu tuổi và đã có bằng giáo viên giảng dạy ngôn ngữ và văn chương Tây Ban Nha. Adriana Bernasconi đã không lấy tôi mà lấy một kẻ đã theo đuổi cô, và nào ai biết được hắn có yêu cô, có xứng đáng với cô như tôi không.

    Khoảng thời gian đó, Adriana có thai sắp đến ngày sinh nở. Nàng vẫn ở trong căn nhà xinh đẹp như trước và mỗi ngày nàng trông càng đẹp hơn. Một buổi sáng tháng mười hai ngột ngạt, tôi đang dạy thêm ngữ pháp cho một nhóm học sinh trung học sắp làm bài kiểm tra, và, như lệ thường, tôi buồn rầu liếc mắt qua phía bên kia đường.

     Đột nhiên, trái tim tôi bỗng nhảy loạn xạ, và tôi nghĩ mình bị ảo giác.

     Đang đi dọc  theo cũng chính con đường như bốn năm về trước là gã hành khất mà ông Don Cesareo đã giết: vẫn bộ đồ rách rưới đó, vẫn cái áo khoác xám nhạt đó, cái mũ rơm méo mó đó và cái bao tải bẩn thỉu nữa.

     Quên mất bọn học trò, tôi chạy đến cửa sổ. Gã hành khất vội rảo bước như thể sắp gần đích đến.

     “ Gã đã hồi sinh,” tôi nghĩ, “ và gã đến trả thù ông Don Cesario.”

       Tuy nhiên, vẫn đi trên vỉa hè của ông già, gã hành khất bước ngang qua hàng rào sắt và tiếp tục đi. Rồi gã dừng lại trước cửa Adriana Bernasconi, đẩy chốt cửa và đi vào nhà.

      “ Thầy sẽ quay trở lại!” tôi nói với học sinh, và lòng đầy lo âu, tôi đi thang máy xuống dưới, lao ra đường và chạy nhanh vào nhà Adriana.

      Mẹ nàng đang đứa gần cửa như sắp ra đi, nói với tôi: 

     “ Ồ, cháu, sao cháu lại ở đây? Thật là một phép mầu! “

      Bà luôn có thiện cảm với tôi. Bà ôm hôn tôi, nhưng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Sau đó tôi được biết Adriana vừa được làm mẹ, họ rất vui mừng, phấn khởi, tôi chẳng còn biết làm gì hơn là bắt tay đối thủ của mình.

        Tôi không biết nên hỏi gì và phân vân không biết có nên tiếp tục im lặng hay không. Rồi tôi cũng có một quyết định nhanh chóng. Với vẻ bình tĩnh giả vờ, tôi lên tiếng:

“ Thật ra cháu không bấm chuông vì cháu nghĩ mình đã thấy một gã hành khất vác một bao tải lớn dơ bẩn đi vào nhà bác, và cháu sợ có thể hắn sẽ trộm thứ gì.”

    Họ tỏ vẻ ngạc nhiên: “ hành khất? bao tải? trộm? “ Sao lại thế, nãy giờ họ đang ở trong phòng khách và không biết tôi đang nói gì.

    “ Vậy hẳn là cháu lầm rồi” tôi nói.

     Sau đó họ mời tôi vào phòng nơi Adriana và em bé đang nằm. Trong tình huống như thế, tôi không biết nên nói gì. Tôi chúc mừng nàng, hôn tay nàng, và nhìn đứa bé, tôi hỏi nàng định đặt tên gì. Họ bảo tên Guútavo, giống tên bố cháu, tôi lại thích tên Fernando hơn nhưng tôi không nói gì.

    Về đến nhà, tôi nghĩ: Chính là gã hành khất mà Don Cerasio đã giết, mình chắc chắn thế. Gã không đến trả thù, tuy thế, đúng hơn là gã đầu thai làm con của  Adriana.

     Tuy nhiên, hai hay ba ngày sau, giả thuyết của tôi có vẻ kỳ cục và rồi tôi cũng quên mất.


***

   Và lẽ ra tôi hoàn toàn quên mất rồi nếu không có một sự kiện vào năm 1979 khiến tôi nhớ lại.

     Thời gian cứ thấm thoắt trôi qua, tôi không còn nhiều nhiệt huyết như xưa. Mỗi khi đọc sách bên cạnh cửa sổ, tôi vẫn để tâm trí mình lơ đãng đây đó và thỉnh thoảng lại phóng tầm mắt liếc nhìn qua bên kia đường.

     Con trai của Adriana, Gustavo, đang chơi trên sân thượng nhà mình. Đó là một trò chơi khá trẻ con so với tuổi của nó. Tôi nghĩ thằng nhỏ ắt hẳn phải thừa hưởng trí thông minh khá khiêm tốn của cha nó, bởi nếu nó là con tôi, chắc chắn nó sẽ tìm ra một trò chơi ít nhạt nhão hơn.

     Nó đặt một dãy những vỏ lon rỗng trên bức tường chìa ra và cố lấy những viên đá ném cho rơi xuống từ khoảng cách ba hay bốn thước. Đương nhiên phần lớn mấy viên đá đều rơi xuống khu vườn của ông hàng xóm Don Cerasio. Ông lão không có ở đó và tôi cam đoan rằng ông sắp sửa nổi trận lôi đình khi phát hiện ra nhiều bông hoa của ông bị huỷ hoại cả.

    Và ngay lúc đó, Don Cerasio ra khỏi nhà đi vào vườn. Ông đã già nên đi đứng chậm chạp, ông run rẩy đi từng bước một. Ông không đi vào vườn mà  ra cổng, sắp sửa bước xuống ba bậc tam cấp để đi xuống vỉa hè.

     Cùng lúc đó, Gustavo,  - không thấy ông già - rốt cuộc ném trúng một cái vỏ lon. Cái lon văng xuống hai hay ba bậc bao lơn chìa ra khỏi mấy bức tường, rồi rớt xuống vườn ông Don Cerasio gây ra một tiếng động rất lớn. Vừa lúc ấy, ông lão đang ở lưng chừng bậc tam cấp bỗng giật mình khi nghe tiếng động. Ông loạng choạng rồi bất ngờ trượt chân đột  ngột không kiểm soát được, đầu đập mạnh vào bậc đá đầu tiên.

     Tôi thấy tất cả điều đó, nhưng thằng bé lẫn ông già thì không nhìn thấy nhau. Vì lý do nào đó, Gustavo đi khỏi sân thượng. Một vài giây sau, rất nhiều người đã tụm lại quanh xác của Don Cerasio, và hiển nhiên là cú ngã là nguyên nhân cái chết của ông lão.

    Ngày hôm sau, tôi dậy từ rất sớm và lập tức đến ngay cửa sổ nhìn sang bên kia đường. Đám tang của ông Don Cesareo được tổ chức trong ngôi nhà hình ngũ giác. Một vài người đang hút thuốc và trò chuyện trên lề đường trước cửa nhà ông.

    Một lát sau, những người này bỗng đứng giạt ra một bên, có vẻ bối rối khi một gã hành khất từ nhà cô Adriana Bernasconi bước ra, lại một lần nữa khoác cái áo rách rưới, đội chiếc mũ rơm , và cả cái túi. Gã chậm chạp băng qua đám đàn ông và đàn bà đang tụ tập, rồi dần dần mất hút ở đằng xa, cùng một hướng mà hai lần trước gã đã tới.

    Đến trưa, thật đáng buồn nhưng không hề bất ngờ khi tôi nghe tin rằng sáng hôm đó mọi người không còn thấy thằng bé Gustavo ở trên giường của nó. Gia đình Bernasconi đã bắt đầu tuyệt vọng. Với hy vọng mong manh, họ vẫn tiếp tục tìm kiếm cho đến bây giờ. Mà tôi thì chẳng thể nhẫn tâm bảo họ thôi hãy đừng tìm nữa.




THÂN TRỌNG SƠN

dịch và giới thiệu

( cuối năm 2023 )



Nguồn


https://www.eastoftheweb.com/short-stories/UBooks/Retu.shtml

vendredi 22 décembre 2023

GIẾNG NƯỚC

 



Truyện ngắn

Nabil NAOUM


( 1944 -     )



    Nabil Naoum là nhà văn, nhà phê bình người Ai Cập. Ông sinh tại Cairo năm 1944, học kỹ sư tại Đại học Cairo, sau đó sang Mỹ hành nghề trong 10 năm. Trong thời gian này, ông viết những truyện ngắn đầu tiên, vài truyện được đăng trên các tạp chí văn học ở địa phương. Năm 1977, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông (Cánh cửa) ra mắt tại Ai Cập. Năm 1979, ông quay về Cairo, mở phòng triển lãm nghệ thuật hiện đại và dành nhiều thời gian hơn để viết văn. Trong thập niên 1980, ông xuất bản một loạt những tập truyện ngắn với các bản dịch tiếng Pháp và tiếng Anh. Từ năm 2000, ông tham gia ban tuyển chọn của Liên hoan Phim Á Rập tại Viện Thế giới Á Rập ở Paris, nơi ông sinh sống nhiều năm.


        Hiện nay ông vẫn tiếp tục sáng tác.

     Tác phẩm mới nhất của ông là tuyển tập những truyện ngắn bằng tiếng Á Rập, in năm 2019.

 

















Truyện ngắn giới thiệu dưới đây là bản dịch tiếng Pháp của Luc Barbulesco, đăng trên báo Le Monde.




***********



    Bác sĩ Amad lấy ống nhòm ra khỏi túi, quan sát kỹ lưỡng cái chấm kỳ bí xuất hiện ở đằng xa, đang khó phân biệt. Điểm đó trở thành mối hy vọng duy nhất của anh từ khi chiếc xe bị hư. Nước dự trữ gần hết mà chung quanh là sa mạc khô cằn vô tận.

  • Có thể có tên du mục nào ở đó chăng?

    Anh nói với vợ, vẻ bực tức. Đây là chuyến du lịch đầu tiên họ đi với nhau mấy tháng sau khi hai người kết hôn.

     Lần đầu tiên Samia nhìn thấy vùng ốc đảo, cũng là kinh nghiệm đầu đời trên những con đường bất an như vậy, và thái độ của chị trước tình huống này đã khiến chồng bực bội, sự bực bội mà anh đổ lỗi là do tính trẻ con và sự không ý thức được thực tế vấn đề của vợ.


  - Chắc là một giếng nước hay cái lều.


    Anh vừa lặp lại vừa sải bước xuống những đụn cát di động ngăn cách giữa họ với cao nguyên tận chân trời, chỗ vừa phát hiện cái điểm kỳ bí qua ống nhòm.


  • Sao không ở cạnh xe chờ xem có xe nào khác tới không?

    Samia hỏi, khó nhọc theo chân chồng trong cuộc viễn du không có điểm mốc này. Amad trả lời khô khan:


  • Và để chết bên cạnh nó! Cả đêm qua, rồi suốt từ sáng tới trưa… và bây giờ thì mặt trời ở ngay trên đỉnh đầu, mà mình cũng chẳng thấy một bóng xe hay bóng người nào! 


    Anh dừng lại để nhìn vào ống nhòm lần nữa. Bây giờ anh có thể thấy rõ một thân cây nhỏ gần cái điểm sậm màu.


     Samia, mình lạc mất con đường chính rồi …

     Amad nhắc đi nhắc lại những tiếng anh đã nói không biết bao nhiêu lần. Và cũng không biết bao nhiêu lần rồi anh đã chỉ trỏ suốt đêm trên bản đồ, dưới ánh sáng đèn pin, con đường kia đáng lẽ phải theo, và con đường này chẳng dẫn đến đâu mà không may họ đã chọn.


    - Và mình cũng không biết đã tách khỏi con đường đúng bao xa!


     Thình lình Amad im lặng, phải nói chuyện, cộng với cố gắng nhấc bước trong cát, với nỗi sợ hãi và sự lo âu, làm anh thấy trong người khó chịu. Anh đưa tay lên ngực và cơn suy kiệt buộc anh phải tựa vào tay Samia rồi ngồi bệt xuống cát. Cổ họng khô khốc. Amad thì thào:


    - Huyết áp lại hạ… Anh sợ chết mất… Phải tiếp tục…

      Vài phút sau Samia giúp chồng đứng lên và khuyến khích anh đi tiếp tới đích đã nhắm. Hai vợ chồng lại lên đường.

     Amad tưởng tượng đủ mọi thứ có thể xảy ra mà không nói cho Samia nghe vì nói thì anh mệt… Chắc đó là một nguồn nước… Có thể có cả vài tên du mục ở đấy để dẫn mình ra đường lớn. Chớ phải chết như thế này thì buồn quá. Cũng có thể chẳng có ai… Nhưng nếu có người thì có nên cùng đi tới đó không… hay tốt hơn là mình đi trước còn Samia chờ ở đây…

    - Em nên cỡi nhẫn cưới và chiếc đồng hồ vàng ra.

    Cuối cùng anh thốt lên, rồi tự tay tháo đồng hồ và dây xích bằng vàng ra. Samia không có cùng nỗi sợ, nhưng chị vẫn làm theo để chồng bớt lo lắng.


    Khoảng cách giữa họ và điểm cứu tinh rút ngắn lại. Cạnh cái thân cây, bây giờ trông rất rõ, là một căn lều vải màu, chung quanh có vài con dê đang gặm cỏ. Và còn nữa : bên cạnh là gờ miệng giếng đá gây cho Amad một nỗi hạnh phúc vô biên.


     - Một cái giếng. Anh hớn hở nói, rồi…

   -  Tạ ơn Trời! Những chữ đó tuôn ra khỏi miệng anh, và Samia nhận ra âm hưởng của một lời cầu khẩn.

     - Anh chắc chắn mà. À, nếu mình đi từ lúc rạng đông … thì đã không phải chờ muốn chết như thế này. Giọng anh lại bắt đầu có vẻ phàn nàn trách móc.


     Mệt mỏi vì những trò đó, Samia không nói gì. Amad không ngớt nói về mình, về các đức tính và thành công của mình. Đối với chị, niềm vui trông thấy cái giếng gắn liền với cảnh lộng lẫy hoang dã của sa mạc. Từ lúc xe hư, không lúc nào chị không nghĩ đến cái chết. Họ còn một bình nước đầy, đủ sống vài ngày, và một ít lương thực. Thêm vào đó là cuộc du hành mà ngay từ đầu, đối với chị, đã ít thú vị như khoảng đời đã sống mấy tháng qua: Amad biết hết mọi thứ, quyết định hết mọi chuyện. Lúc đầu chị thử phát biểu vài ý kiến, nhưng rồi để tránh đụng chạm, chị luôn thuận theo ý chồng.


     Chỉ còn vài phút nữa là họ tới lều mà không thấy ai xuất hiện. Để trấn an, Amad đặt tay một cách máy móc lên dây nịt có đeo con dao mà cho tới lúc đó chỉ dùng để lột vỏ cam hay cắt phó mát.


    - Là để coi thử xem nó còn đó không. Anh nói với Samia khi bắt gặp chị trố mắt nhìn. Ờ đây không có chó! Cái lều này chắc bỏ hoang… Nỗi lo sợ lại xâm chiếm anh.

     - Nhưng mà mấy con dê… anh nói tiếp.

     Từ nãy giờ Samia không nghe anh nữa, chị bị thu hút bởi tình cảnh lạ lùng mà mình đang sống. Giữa sa mạc hoang vu này, ai có thể ở trong căn lều này và… còn sống?


Với sự thận trọng, Amad tiến gần căn lều. Anh đập tay vào nhau nhiều lần để báo động với người bên trong. Không ai trả lời. Anh liếc nhìn Samia cũng đang tiến gần căn lều và khẽ dỡ tấm thảm dùng làm rèm cửa lên. Ánh sáng chan hòa tràn vào lều giúp chị phân biệt được, sau cái nhìn bao quát, một người đàn ông nằm ngủ trong góc, phần lớn khuôn mặt dưới chăn. Dù vậy, chị cũng thấy được diện mạo thanh tú của ông ta : nếu không còn trẻ thì chắc chắn chưa quá năm mươi. Chị cảm thấy Amal đứng bên cạnh và anh tiếp tục đập tay vào nhau để đánh thức người đang ngủ. Chị bảo : 

     - Khẽ thôi, ông ta đang ngủ.

     - Phải đánh thức ông ta dậy. Này, Cheikh, bậc đáng kính ! Anh lớn giọng kêu lên.


Người đàn ông khó nhọc mở mắt nhìn chỗ ra vào có hai người lạ mặt đang đứng trong ánh sáng chói chang.


    - Chào Cheikh, bậc đáng kính của dân tộc Á rập! Amad nói từ cửa lều.

     - Chào ông bà! Người đàn ông vừa thì thào vừa kéo tấm màn che mắt để ngủ ra, lộ khuôn mặt với những đường nét đều đặn. Ông ta ráng ngồi lên mà không được.

     - Người này bị bệnh. Samia vừa nói vừa tiến tới.

     - Khoan đã… Amad nhanh nhẹn níu chị lại, không cho tới gần.

     - Chúng tôi lạc đường, Cheikh ạ, Amad tiếp, và gần hết nước rồi. Ông có nước không? Ông có biết đường Fafafra ở đâu không? Ông có biết chỗ nào tìm ra xăng không? 


Những câu hỏi dồn dập và người đàn ông không trả lời. Mắt ông ta nhắm nghiền và không cử động nữa.

     - Người này bị bệnh, Samia vừa nói vừa bước vào lều. Chị quỳ xuống bên cạnh người đàn ông:

     - Chào tôn sư! Chị dịu dàng nói.

Người đàn ông khó nhọc mở mắt ra để trả lời tiếng chào. Ông ta lại cố ngồi lên và vẫn không được.

     - Ông bệnh hả ? Chị vừa nói vừa đưa tay sờ vào cái trán nóng bỏng với mồ hôi vả ra vì đã cố gắng.

Amad thì thầm : Lại một tai hoạ nữa rồi… Vị cứu tinh của ta phải được cứu chữa trước đã…

     - Khám bệnh cho ông ta đi, Amad. Samia bảo.


Amad từ từ tiến lại phía họ và quỳ xuống bên cạnh người đàn ông để sờ trán ông ta :

     - Tôn sư đau bệnh gì ?

Amad vừa nói nhanh vừa đưa mắt dò la nhìn vào bên trong căn lều. Chỉ có cái thùng nhỏ, vài cái đai da, mấy mẩu gỗ, và hai bình nhựa đựng nước. Amad chồm tới nhấc bình lên coi thử có đầy không, và trọng lượng của chúng làm anh yên lòng. Anh hỏi người đàn ông:

     - Trong giếng có nước không? 

     - Có.

     - Ông có biết đường Farafra ở đâu không?

     - Biết.

     - Chúng ta đang ở đâu đây ? Gần đây có trại lính không ? Ai có thể giúp chúng tôi ? 

Người đàn ông lại gượng ngồi dậy, lại vẫn không được. Ông ta khó nhọc nói:

     - Trại lính … cách đây chừng hai … giờ đường… về phía tây.


Bây giờ thì Amad yên tâm. Anh đứng lên và ra dấu cho Samia đi theo. 

     - Người này đang bệnh. Phải làm gì giúp ông ta chứ.

     - Ông ta bị sốt mà mình không có thuốc men gì. Nên thử đi tới trại lính trước khi trời tối, rồi trở lại đây trong chuyến về.

     - Anh không biết trại lính ở đâu cả… Mình ở đây là an toàn rồi, tại sao phải vội? Bộ không có thuốc gì trong xe có thể làm cho ông ta bớt sốt sao ?

     - Nhưng mình đang ở đâu? Còn xe hơi thì ở đâu?

Người đàn ông mở mắt trong tích tắc và bắt gặp ánh mắt Samia làm chị bối rối - trong mắt Samia long lanh một tia chớp. Chị nói với vẻ cả quyết:

     - Phải cứu ông ta.

     - Chẳng có gì trầm trọng cả… Thân nhiệt hơi cao một chút thôi… Mình phải gấp lên trước khi mặt trời lặn.

     - Mình để ông ta chết à ? 

     - Ông ta không chết đâu. Bà con ông ta sẽ tới cứu. Cái chính của mình là không nên mất thì giờ.


Người đàn ông nhắm mắt lại và quay mặt tránh cuộc cãi vã, mà cũng có thể là ông ta hôn mê rồi. Samia hỏi Amad với vẻ oán giận:

     - Ít nhất anh cũng biết anh đi đâu chứ?

     - Ừ, thì như ông ta đã nói, chỉ hai giờ đi bộ là tới trại thôi.

     - Trại nào? Tốt hơn hết là ở đây qua đêm rồi mai hẵng đi.

     - Trái lại, mình phải tới trại ngay tối nay.

Người đàn ông có vẻ đau đớn và run lên vì sốt.

Amad bước ra khỏi lều. Anh dừng lại ở cửa rồi rút cái la bàn vẫn không bao giờ lìa anh trong suốt chuyến đi để định hướng đâu là phía tây. Tìm ra rồi, anh chực bước đi và bảo Samia:

     - Nhanh lên !

     Samia trả lời, giọng chắc nịch:

     - Em không đi đâu. Khi về thì ghé qua đây đón em. Em không còn sức để bước nữa.

     - Được mà. Em còn đi được mà. Chớ em ở lại với người đàn ông xa lạ này à ? Amad nói với giọng chê trách. Anh chờ.

     - Không, em chờ cho tới khi anh trở lại. 

Samia nói với giọng cả quyết, không để lại chút nghi ngờ gì về ý định của chị. Amad hiểu cố thuyết phục nữa cũng vô ích.

     - Cô điên rồi. Việc cô muốn làm thật là điên rồ. Anh giận dữ nói rồi làm như thể trút bỏ hết trách nhiệm trước sự bướng bỉnh đó. Được, tuỳ cô. 


Rồi anh bỏ đi.


Samia canh chừng người bệnh suốt đêm. Thỉnh thoảng chị nhúng khăn quàng của mình vào nước và áp lên trán ông nóng hổi.


Nhiều ngày như vậy trôi qua. Chị đã săn sóc người đàn ông chu đáo. Ông ta bình phục. Và Amad không trở lại.




THÂN TRỌNG SƠN 

dịch và giới thiệu 

( tháng 12/2023 )



Nguồn:


https://www.lemonde.fr/archives/article/1985/01/14/le-puits_2761766_1819218.html