vendredi 16 septembre 2022

AMANDA GORMAN, nhà thơ trẻ đọc thơ trong lễ nhậm chức tổng thống.

 AMANDA GORMAN, nhà thơ trẻ đọc thơ trong lễ nhậm chức tổng



Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, Joe Biden, chính thức nhậm chức vào ngày 20/1/2021, và vào ngày long trọng này, một nhà thơ mới 22 tuổi , cô Amanda Gorman, có vinh dự đọc bài thơ của chính mình. Sự kiện này không phải là ngoại lệ vì trước cô đã có 5 nhà thơ làm nhưng cô là người trẻ nhất:

  • Năm 1961, Robert Frost đọc trong lễ nhậm chức của Tổng Thống John F. Kennedy.
  • Năm 1993, Maya Angelou đọc trong lễ nhậm chức của Tổng Thống Bill Clinton.
  • Năm 1997, Miller William đọc trong lễ nhậm chức của Tổng Thống Bill Clinton nhiệm kỳ 2.
  • Năm 2009, Elizabeth Alexander đọc trong lễ nhậm chức của Tổng Thống Barack Obama.
  • Năm 2013, Richard Blanco đọc trong lễ nhậm chức của Tổng Thống Barack Obama nhiệm kỳ 2



  • Đứng tại bậc thềm của Điện Capitol, với chiếc băng đô màu đỏ và áo khoác màu vàng, tay đeo chiếc nhẫn có hình con chim trong lồng gợi đến nhà thơ Maya Angelou với tác phẩm “ Tôi biết vì sao chim trong lồng hót , I know why the caged bird sings “. ( chiếc nhẫn là quà tặng của Oprah Winfrey, MC và diễn viên nổi tiếng ),  Amanda Gorman đã chinh phục toàn thể người nghe tại 

chỗ cũng như những người theo dõi qua truyền hình. Cô nói to, rõ ràng, đĩnh đạc,  kèm theo ngôn ngữ hình thể và không ai biết rằng cách đây vài năm, cô còn nói ngọng. Cho đến lúc trở thành sinh viên đại học, cô không phát âm được âm “R”. Từ nhỏ cô bị chứng rối loạn cảm nhận âm thanh ( auditory processing disorder ) và cô kiên trì tập luyện để vượt qua khiếm khuyết này bằng cách  nghe đi nghe lại bài hát trong vở nhạc kịch Hamington “ Aaron Burr “ , bài hát đầy chữ R. 


Đây không phải là lần đầu Amanda Gorman đọc thơ trong một dịp long trọng như thế, năm 2018 cô đã đọc bài thơ Making Mountains as we run trong lễ nhậm chức hiệu trưởng thứ 29 Đại học Harvard của Giáo sư Lawrence S. Bacon. 


Sinh ra và lớn lên tại Los Angeles, Amanda Gorman được mẹ là giáo viên tiếng Anh khuyến khích đọc và viết từ nhỏ. Học năm cuối bậc trung học, cô được học bổng đại học của tổ chức  Milken Family Foundation để theo học tại Đại học Harvard danh tiếng. Cô tốt nghiệp  ngành  xã  hội  học  loại  xuất  sắc  ( cum laude ) năm 2020 , trong thời gian này cô được học bổng sang Madrid, Tây Ban Nha, học trong một học kỳ .   Cô trở thành người đầu tiên đoạt được Giải nhà thơ trẻ quốc gia  ( National Youth Poet Laureate ) vào năm 2017. Cô sớm tham gia nhiều hoạt động cộng đồng tập trung vào các vấn đề áp bức, nữ quyền, chủng tộc, biến đổi khí hậu. Cô xuất bản tập thơ đầu tiên vào năm 2015 ( The One for Whom Food Is Not Enough ).

Năm 2017, cô đã đọc thơ của mình trên đài truyền hình MTV . Thư viện và Bảo tàng Morgan đã mua bài thơ “ In this Place ( An American Lyric ) “ và trưng bày vào năm 2018 bên cạnh các tác phẩm của các nhà thơ khác. Cô đã viết bài ca ngợi các vận động viên da đen cho Nike và có hợp đồng với Viking Children Books để viết sách cho trẻ em. Hoạt động của cô mở rộng nhiều lĩnh vực, cô sáng lập tổ chức phi lợi nhuận One Pen One Page, là tổ chức điều hành chương trình lãnh đạo và viết văn cho giới trẻ. 


Cô đã từng tuyên bố sẽ tranh cử tổng thống vào năm 2036 và nhiều lần lặp lại nguyện vọng này. Sau khi nghe cô đọc thơ trong lễ nhậm chức của tổng thống Biden, bà Hillary Clinton và cả bà Michelle Obama  cho biết họ ủng hộ nguyện vọng này. Liên tiếp nhiều năm, các tạp chí danh tiếng đều có bài viết về cô, đăng ảnh lên trang bìa. ( Time, số tháng 2/2021; Vogue, số tháng 5/2021 ). 


Chính phu nhân tổng thống vừa đắc cử Jill Biden đã đề nghị cô đọc thơ cho lễ nhậm chức. Cô nhận thông báo được chọn đọc vào ngày 30/12/2020 và được yêu cầu viết bài thơ phù hợp với chủ đề chung của lễ nhậm chức là “ Nước Mỹ đoàn kết “, không có hướng dẫn nào khác. Mỗi ngày cô viết vài dòng, viết được nửa bài thì xảy ra vụ bạo loạn ủng hộ Trump tại điện Capitol vào ngày 6/1/2021. Trong không khí đó cô hoàn tất bài thơ ngay trong đêm. Cô đã nhắc đến sự kiện này trong bài thơ: “ … a force that would shatter our nation rather than share it.” ( một quyền lực có thể làm tan vỡ đất nước chúng ta thay vì chia sẻ nó).


Bài thơ gồm 7 khổ, 723 từ, viết theo thể thơ tự do ( free verse poetry ), toàn bài cũng có nhịp điệu ( rythme ) và vần điệu ( rhymes), ( shade và wade,) When day comes, we ask ourselves where can we find light in this never ending shade?The loss we carry, a sea we must wade/. và beast và peace : We braved the belly of the beast.We've  learned that quiet  isn't always peace //  dễ nhận thấy nếu đọc thành tiếng thay vì đọc thầm. Dịch bài thơ này sẽ khó chuyển hết những thủ pháp về điệp thanh ( alliteration) : somehow we’ve weathered and witnessed,       braved…belly…beast / norms and notions ; đảo ngữ ( inversion ): .. in this truth/ in this faith/ we trust ;  gối câu ( enjambement): … but that doesn’t mean we are/ striving to forge a union with purpose; lặp lại ( repetition): That even as we grieved, we grew/ That even as we hurt, we hoped/  That even as we tired, we tried/; ám chỉ ( allusion): … everyone shall sit under their own/ vine and fig tree/ and no one shall make them afraid. Câu này mượn từ Kinh thánh: But everyone shall sit under his vine and under his fig tree/ And no one shall make them afraid/ For the mouth of the Lord of hosts has spoken. 

Cũng có lúc cô khéo léo sử dụng từ đồng âm khác nghĩa: “ we lay down our arms/ so we can reach out our arms/ to one another “ ( arms 1 nghĩa là vũ khí, arms 2 là cánh tay ).


 Để chuẩn bị viết bài thơ The hill we climb, cô đã tìm đọc lại diễn văn của những người nổi tiếng như Frederick Douglass, Winston Churchill, Abraham Lincoln, Martin Luther King Jr, và nghiên cứu cả bài của những người đã đọc thơ trước cô, đặc biệt là Maya Angelou. Một tuần trước lễ nhậm chức, cô nói với Ron Charles, nhà phê bình sách của tờ The Washington Post: “ Tôi hy vọng là bài thơ của tôi sẽ đại diện cho một khoảnh khắc đoàn kết cho đất nước chúng ta” và  “ với những lời nói của mình, tôi sẽ có thể nói tới một chương mới, một kỷ nguyên mới cho dân tộc chúng ta”.


Bài thơ đọc đúng lúc, đúng chỗ, đã được đánh giá cao không những cho dịp  đặc biệt này mà nó sẽ tồn tại lâu dài.

Có người gọi nó là điểm sáng trong buổi lễ và hoan nghênh ý tưởng của Gorman như là một thông điệp của sự đoàn kết, phản ảnh quá khứ và hy vọng ở tương lai.

Không lâu sau lễ đăng quan, nhà xuất bản Penguin Young Readers thông báo việc ấn hành 150 000 bản bìa cứng in bài thơ vào mùa xuân 2021, bắt đầu từ tháng 4. Bài thơ cũng được in vào tuyển tập cùng với Change Sings do nhà Viking và trở thành 2 cuốn bán chạy nhất trên Amazone.


Những thành công trong sự nghiệp văn chương, kèm thêm là những hưởng ứng trong các hoạt động xã hội đối với cô gái sinh năm 1998 này khiến chúng ta vững lòng tin ở những bước tiến vững chắc của cô về sau này. Ai dám bảo là ý tưởng tranh cử tổng thống vào năm 2036 là hão huyền.










THE HILL WE CLIMB 


When day comes, we ask ourselves where can we find light in this never ending shade? The loss we carry, a sea we must wade. We braved the belly of the beast.


We've  learned that quiet  isn't always peace and the norms and notions of what just is, isn't always justice. And yet the dawn is hours before we knew it,  somehow we do it, somehow we’ve weathered and witnessed  a nation that isn't broken but simply unfinished.


We, the   successors of a   country and a time, where  a  skinny black girl   descended from  slaves  and raised  by a single mother can dream of becoming president, only to find herself reciting for one.


And yes, we are far from polished, far from pristine, but that doesn't mean we are   striving to form a union that is perfect. We are striving to forge our union  with purpose, to compose a country  committed to all cultures, colors, characters, and conditions of man. And so we lift our gazes not to what stands between us but what stands  before us. We close the divide because we know to put our future first. We must first  put our differences aside.


We lay down our arms so we can reach out our arms to one  another . We seek harm to none and harmony for all. Let the globe, if nothing else, say this is true, that even as we grieved, we grew. That even as we hurt, we hoped.


That even as we tired, we tried. That we’ll forever  be tied together, victorious, not because we will never again know defeat, but because we will never again sow division.


Scripture tells us to envision that everyone shall sit under their own vine and fig tree, and no one shall make them afraid.


If we’re to live up to our own time, then victory won't  lighten the blade but in all the bridges we've made, that is the promise to glade, the hill we climb if only we dare, it's because  being  American  is more than a pride we inherit. It's the past we stepped into and how we repair it.


We've seen a force  that would shatter our nation rather than share  it, would destroy our country if it meant  delaying democracy.


And this effort very nearly succeeded. But while democracy can be  periodically delayed, it can never be permanently defeated. In this truth, in this faith, we trust. For while we have our eyes on the future, history has its eyes on us.


This is the era of just redemption. We feared  -- at its deception. We did not feel prepared to be the heirs of such a terrifying hour, but within it we found the power to author a new chapter, to offer hope and laughter to ourselves.


So, while  once we asked, “how  could we  possibly prevail over catastrophe?”, now we assert, “how could catastrophe possibly prevail over us?” We will not march back to what was, but move to what shall be, a country that is  bruised but whole, benevolent  but bold, fierce and free. We will not be turned around or   interrupted by intimidation.


Because we know our inaction and   inertia will be the  inheritance of the next generation. Our  blunders become their burdens . But one  thing is certain. If we   merge mercy with  might  and   might with right, then love becomes  our  legacy and change, our children's  birth right.


So let us leave  behind a country better than one we were left with, every breath from my bronze pounded chest, we will raise this wounded world into a  wondrous one. We will rise through the gold-limbed hills in the west, we will rise from the windswept northeast  where our  forefathers first  realized  revolution. We will rise from the lake-rimmed cities of the  Midwestern states.


We will rise from the sun-baked South. We will rebuild, reconcile, and recover, in every  known nook of our nation, in  every corner  called our country, our  people diverse and beautiful, will  emerge battered and beautiful.


When day comes, we step out of the shade, aflame and unafraid.


The new dawn blooms  as we free it for there is always  light if only we're   brave enough to see it, if only we're  brave  enough to be it.



AMANDA GORMAN


( Có thể nghe bản ghi âm  toàn bài thơ được đọc ở đây : )


https://youtu.be/Wz4YuEvJ3y4



Bản dịch


NGỌN ĐỒI TA LEO 



Khi ngày đến ta phân vân tự hỏi 

Tìm đâu ra ánh sáng trong bóng tối mịt mùng 

Mất mát ta cưu mang 

Biển sâu ta phải lội 

Trong bụng quái vật hiên ngang chống chọi.


Chúng ta học được rằng lặng yên không cứ là hoà bình

Và chuẩn mực lẫn khái niệm về những điều hiện hữu đâu phải luôn là công lý.

Thế mà bình minh đã xuất hiện trước khi ta nhận ra

Bằng cách nào đó ta đã nhận ra 

Bằng cách nào đó chúng ta đã vượt sóng gió 

Và chứng kiến một quốc gia không tan rã 

mà chỉ là chưa vẹn toàn.

Chúng ta,  người thừa kế một quốc gia vào thời điểm có đứa bé gái gầy gò da đen, tổ tiên là nô lệ, lớn nhờ mẹ đơn thân, mơ làm tổng thống, chỉ để thấy mình đọc thơ cho một tổng thống nghe.


Và vâng, chúng ta không bóng lộn, cũng chẳng nguyên trinh, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta muốn dựng lên một khối hoàn hảo. Chúng ta đang cố tạo nên khối cùng chủ đích, để có một đất nước cam kết bảo vệ mọi văn hoá, mọi màu da, mọi cá tính và mọi thân phận con người. Và vì vậy chúng ta nâng tầm nhìn không phải chỉ để thấy những gì đứng giữa chúng ta mà là những gì đứng ngay phía trước. Khép lại khoảng cách vì ta biết đặt tương lai mình trên hết. Trước hết chúng ta phải gác qua một bên mọi dị biệt của mình.


Chúng ta hạ vũ khí xuống để cánh tay vươn đến nhau. Chúng ta không tìm cách hãm hại ai mà chỉ muốn tìm sự hài hoà với mọi người. Hãy để trái đất, chứ không ai khác, khẳng định điều này, rằng ngay cả khi đau buồn, ta lớn lên, rằng ngay cả khi bị tổn thương, ta đã hy vọng.


Rằng ngay cả khi mỏi mệt, ta đã cố gắng, rằng chúng ta sẽ mãi mãi gắn bó với nhau đi đến thắng lợi, chẳng phải vì chúng ta không bao giờ nếm mùi thất bại, mà bởi lẽ chúng ta sẽ không thêm lần nữa gieo rắc rẽ chia.


Kinh thánh cho chúng ta hình dung rằng nếu mọi người sẽ ngồi dưới gốc nho và cây vả của mình thì không ai làm cho họ sợ hãi.


Nếu chúng ta sống ngang tầm thời đại thì chiến thắng không nằm ở lưỡi dao, mà ở những chiếc cầu chúng ta xây được, đó là lời hứa sẽ vượt qua, ngọn đồi ta leo, chỉ cần chúng ta dám, vì làm người Mỹ không chỉ là niềm tự hào chúng ta thừa hưởng. Mà đó là quá khứ chúng ta bước vào và chúng ta sẽ sửa chữa nó ra sao.


Chúng ta đã thấy một quyền lực có thể làm tan vỡ đất nước này, thay vì chia sẻ nó, có thể hủy diệt đất nước này nếu điều đó đồng nghĩa với việc trì hoãn nền dân chủ.


Và nỗ lực này gần như đã thành công. Tuy nhiên khi dân chủ có thể định kỳ bị trì hoãn, nó sẽ không bao giờ bị đánh bại mãi mãi. Vào sự thật này, vào niềm tin này, chúng ta kỳ vọng. Và trong khi chúng ta hướng về tương lai, lịch sử vẫn dõi theo mong ngóng.


Đây là kỷ nguyên của cứu chuộc công bằng. Chúng ta sợ hãi khi nó bắt đầu. Chúng ta chưa cảm thấy sẵn sàng trở thành người kế thừa của một giờ phút kinh hoàng như vậy, nhưng khi ở trong nó rồi, chúng ta đã tìm thấy sức mạnh để viết ra một trang sử mới, mang lại hy vọng và tiếng cười cho chính chúng ta.


Cho nên khi ta từng hỏi: “ Làm thế nào vượt qua thảm họa?” thì bây giờ ta đã quả quyết: “ Thảm họa đánh bại ta sao được?” Chúng ta không lặp lại chuyện quá khứ, mà hướng đến chuyện trước mặt, một đất nước bị tàn phá nhưng nguyên vẹn, nhân từ nhưng táo bạo, khốc liệt và tự do. Chúng ta sẽ không sợ bị đẩy lùi, hay bị đe dọa mà phải bỏ dở dang.


Và chúng ta biết rằng bất động và ù lì của chúng ta sẽ là di sản cho thế hệ mai sau. Những sai lầm của chúng ta sẽ là gánh nặng cho chúng. Nhưng có một điều chắc chắn: nếu ta kết hợp lòng nhân từ với sức mạnh và sức mạnh với lẽ phải, thì tình thương yêu sẽ trở thành di sản và sự đổi thay trở thành quyền bẩm sinh của con cháu chúng ta.


Thế nên hãy để lại phía sau một đất nước tốt hơn lúc mà ta đã nhận về, mỗi hơi thở từ lồng ngực nâu đồng của tôi, chúng ta sẽ nâng thế giới bị tổn thương này thành một thế giới diệu kỳ. Chúng ta sẽ vươn lên từ những ngọn đồi óng vàng ở miền Tây, chúng ta sẽ đứng dậy từ miền Đông Bắc lộng gió, nơi tổ tiên chúng ta lần đầu tiên làm cách mạng. Chúng ta sẽ trỗi dậy từ những thành phố ven hồ của những tiểu bang vùng Trung Tây.


Chúng ta sẽ đứng dậy từ phương Nam rực nắng. Chúng ta sẽ tái thiết, sẽ hòa giải, sẽ phục hồi trong mọi ngóc ngách quen thuộc của đất nước chúng ta, mọi ngóc ngách mang tên đất nước chúng ta, những con người đa dạng  và xinh đẹp, sẽ bước ra mạnh mẽ, đẹp xinh trong bầm dập.


Khi ngày đến, chúng ta từ bóng tối bước ra, bừng cháy, chẳng hãi  hùng .


Bình minh chớm nở khi ta thở tia nắng ra vì chỉ có ánh sáng khi ta có đủ can đảm để nhận biết nó, chỉ khi ta đủ dũng khí để là ánh sáng.




THÂN TRỌNG SƠN 

dịch và giới thiệu 

( Tháng 9/2022 )

mardi 13 septembre 2022

CHARLES BUKOWSKI

 

CHARLES BUKOWSKI

( 1920 - 1994 )

 



Charles Bukowski là nhà thơ, nhà văn viết truyện ngắn và tiểu thuyết người Mỹ gốc Đức. Sinh tại Đức với tên ban đầu là Heinrich Karl Bukowski, ông theo gia đình sang Mỹ khi mới ba tuổi và được mang tên Charles Bukowski. Tuổi thơ đầy nhọc nhằn vì thường xuyên bị cha ngược đãi, người cha thất bại trong công việc dồn sự bực tức vào con và cả vợ. Mẹ cậu chỉ biết cam chịu không phản ứng gì.  Thêm vào đó, giọng Đức của cậu trở thành trò đùa cho các bạn học. Một bất hạnh khác nữa là bệnh mụn trứng cá khiến các nữ sinh ở trường xa lánh. 


Khi lên mười, cậu Charles sớm có cơ hội hiếm hoi để thấy mình có thể là nhà văn: thầy giáo yêu cầu cậu viết một bài luận để đọc trước cả lớp ( như một hình phạt    vì hôm trước không đi dự buổi viếng thăm của tổng thống Hoover  do bị cha cấm  ) cậu đã bịa ra câu chuyện với đầy đủ chi tiết một sự kiện cậu không hề dự.


Người cha mất việc làm vì tình hình khủng hoảng kinh tế. Trong thời gian này cậu sớm làm quen với rượu khi được bạn mời về nhà và được tha hồ nhấm nháp vì nhà bạn sẵn có cả hầm rượu. Bi kịch cha con lên đến đỉnh điểm vào năm cậu 16 tuổi: hôm đó cậu uống rượu say về nhà và bị cha mắng chửi. Lần đầu tiên cậu phản ứng đánh lại: cả hai lao vào nhau đánh đấm trước mắt bà mẹ bất lực đứng nhìn. Sức trẻ chiến thắng, cậu hạ gục cha, quyết định rời khỏi nhà và rời ông bố tội nghiệp.


Sau bậc trung học, Bukowski theo các khoá học văn học và báo chí tại trường Cao đẳng Thành phố Los Angeles. Ông mơ ước trở thành nhà văn, sống ở khách sạn hay nhà trọ gần quán rượu, và bắt đầu làm nhiều công việc nhỏ khác nhau: người gác cổng, nhân viên trạm xăng, người rửa bát, nhân viên giao nhận hàng hoá, thủ kho, nhà thầu, tài xế xe tải, nhân viên bưu điện, giữ xe, có lúc còn làm ở lò mổ. 

Bukowski bắt đầu viết, khởi đầu là phác thảo những tiểu thuyết có khuynh hướng tự truyện đầy rẫy chuyện nghèo đói, đi hoang, việc làm tủi nhục, đàn bà, nghiện ngập. Những thứ này ông cố làm để thay thế các truyện ngắn ông viết đăng báo nhưng đều thất bại. Ông tìm đến thư viện thành phố và đọc ngấu nghiến các tác phẩm của Ernest Hemingway, Louis Ferdinand Céline, Albert Camus và các tác giả Nga, nhất là Dostoïevski ). 


Năm 26 tuổi, ông gặp Jane Cooney Baker trong một quán rượu. Người phụ nữ hơn ông mười tuổi này nghiện rượu và sống phóng đãng lâu nay. Hai người sống chung với nhau trong mười năm rồi chia tay. Tham vọng viết lách của Bukowski không có gì sáng sủa tuy có đăng được ít bài trên báo. Ông làm quen với cô Barbara Frye, trưởng ban biên tập giàu có, sống chung hai năm rồi bỏ nhau. Ông về lại Los Angeles. Năm 1958, cha ông qua đời, vài năm sau mẹ ông cũng mất. Ông thừa kế căn nhà và sớm bán ngay. Ông trở lại làm nhân viên bưu điện, một công việc ông không thích lắm. Định mệnh xui khiến ông gặp gỡ John Martin, người rất thích thơ ông nên đã thành lập nhà xuất bản Black Sparrow Press. Martin đề nghị ông nghỉ việc ở bưu điện và dành toàn bộ sức lực cho sự sáng tạo. Nhà xuất bản sẽ trả cho ông 100 đô la mỗi tháng trong suốt cuộc đời còn lại dù ông có viết gì hay không. Bukowski đồng ý.


Ông tiếp tục viết rồi dần dần được biết đến, được tham gia các sinh hoạt các nhà văn, nhà xuất bản.


Năm 1969, tác phẩm mới ra đời ( Nhật ký một ông già dơ bẩn) do một nhà xuất bản lớn. Cuốn này tập hợp những bài đã đăng trong chuyên mục các báo địa phương, phát hành tới 20 000 bản, là một thành công bất ngờ.


Năm 1976, ông gặp Linda Lee kém ông 25 tuổi, chủ một tiệm ăn và quyết định cưới nàng. Có thể đây là bước ngoặt trong đời sống tình cảm của mình, ông viết cuốn Phụ nữ, tiểu thuyết tự truyện đồ sộ trong đó ông kể lại những cuộc phiêu lưu tình ái với phụ nữ, được xuất bản năm 1977. Khoảng năm 60 tuổi, ông về ở hẳn tại San Francisco, mỗi ngày viết vài bài thơ. Ông sống nhờ nhuận bút và nhờ thù lao những buổi đọc thơ. Tiếng tăm của Bukowski bắt đầu lan đến Đức và nhất là Pháp.


Sau nhiều năm sống chung, ông chính thức kết hôn với Linda Lee năm 1985, in những tác phẩm truyện và thơ cuối cùng, và qua đời năm 1994 vì bệnh bạch cầu.

Năm 2008, căn nhà của ông được thành phố Los Angeles xếp loại “ di tích lịch sử “ sau đó trở thành viện bảo tàng.


Cuộc đời đầy tai tiếng của một người thường được nhắc tới như một kẻ bê tha, nghiện rượu, sống chung rồi chia tay nhiều phụ nữ như là thay áo lại là cuộc đời của một nhà văn nhà thơ với di sản để lại gồm ( theo thống kê trên trang web của chính ông ) : 4848 bài thơ, 560 truyện ngắn, 5250 công trình đủ loại in trong 133 cuốn sách, 2950 công trình in trong 1413 tạp chí, 1583 bài thơ dạng bản thảo, 264 bản thảo thư tín. Ông còn đọc thơ của chính mình và ghi âm qua băng đĩa. Năm 1972, Ông đã từng đọc thơ trong một thính phòng tại San Francisco. Sáu năm sau ông được mời sang Đức đọc tại Hamburg, rồi cả Canada nữa.


Tác phẩm của Bukowski còn được phổ biến qua âm nhạc và phim ảnh.


Ông đã tự tổng kết đời mình bằng cách cho ghi ở bia mộ hai chữ “ Đừng cố!” ( Don’t try ) và hình ảnh một võ sĩ vẽ ở khoảng trống giữa ngày sinh và ngày mất. Đừng cố là triết lý của ông về cuộc đời như ông từng giải thích. Có người hỏi tôi, ông viết thế nào, ông sáng tạo thế nào. Và tôi nói, đừng cố, quan trọng lắm đó, đừng cố làm gì, dù để giàu sang, để sáng tạo hay bất tử. Nếu không có gì xảy ra, hãy đợi đi. Cứ như hình ảnh con bọ trên tường. Nếu bạn tới gần, bạn sẽ chộp được nó, đè bẹp để giết nó. Còn nếu bạn thích vẻ bên ngoài của nó thì cứ coi nó như bạn. Ông trở lại ý này trong nhiều bài thơ của mình.



Nếu nó không nổi bật lên từ bạn

bất chấp mọi thứ 

đừng cố làm 

Nếu nó không tự đến từ trong

tim từ óc từ miệng 

và gan ruột của bạn 

đừng cố làm.

Nếu bạn phải ngồi hàng giờ 

trước màn hình máy vi tính 

hoặc cong người qua

máy đánh chữ 

tìm kiếm ngôn từ 

đừng cố làm.

Nếu bạn làm vì tiền tài 

hay danh vọng 

đừng cố làm 

Nếu bạn làm vì muốn có 

đàn bà trên giường 

đừng cố làm 

Nếu bạn phải ngồi đấy 

viết đi viết lại mãi 

đừng cố làm

Nếu chỉ nghĩ đến nó thôi đã thấy khó rồi 

đừng cố làm…


Bài viết này chỉ gợi lên vài khía cạnh nhỏ của một người được mệnh danh là “ nhà thơ vinh danh khu ổ chuột “ qua 30 bài thơ với nhiều chủ đề khác nhau.


****



1. LỜI KHUYÊN CHÂN TÌNH CHO NHIỀU BẠN TRẺ.



Hãy đi Tây Tạng 

Cỡi lạc đà 

Đọc Thánh kinh

Nhuộm xanh đôi giày 

Để râu mọc rậm 

Xếp thuyền giấy đi quanh thế giới 

Mua dài hạn tờ “ Bưu điện Chiều thứ bảy “

Nhai với hàm bên trái thôi

Cưới một phụ nữ thọt chân và cạo mặt với dao cạo thẳng.


Hãy chải răng với dầu nhớt

Ngủ suốt ngày và đêm thì leo cây 

Làm tu sĩ và uống chì và bia

Xối nước lên đầu và chơi vĩ cầm 

Múa bụng trước những cây nến hồng

Giết con chó đi

Tranh cử chức thị trưởng 

Sống trong thùng tròn

Hãy lấy rìu bổ vào đầu 

Hãy trồng hoa dưới cơn mưa.


Nhưng nhớ đừng làm thơ!



2. THƠ VIẾT CHO SINH NHẬT THỨ 43.



Kết thúc một mình

trong ngôi mộ của căn phòng 

không có thuốc lá 

rượu cũng không 

chỉ một bóng đèn 

cái bụng phệ 

cái bóng đèn

nhưng bằng lòng đã có 

căn phòng này.


… Sáng mai

họ đến cả rồi 

lo kiếm sống 

thẩm phán, thợ mộc,

thợ ống nước, bác sĩ,

trẻ bán báo, cảnh sát,

thợ hớt tóc, rửa xe,

nha sĩ, người bán hoa,

bồi bàn, đầu bếp,

và tài xế tắc xi.


Và anh quay đầu lại 

về phía bên trái 

để cho mặt trời 

chiếu trên lưng 

và khuất tầm mắt.



3. KHÔNG PHẢI NHỮNG NGƯỜI TỪNG SỐNG NƠI ĐÂY.



Nhưng những người đã chết nơi này 

Và không phải khi nào 

và ra làm sao

Không phải những người nổi tiếng 

nhưng những người vĩ đại chết vô danh 

Không phải 

là lịch sử 

những quốc gia 

Mà là cuộc sống những con người 

Ngụ ngôn là giấc mộng 

không phải lời dối trá 

sự thật đổi thay 

như

con người thay đổi 

và khi sự thật bền vững 

con người 

sẽ 

chết đi 

côn trùng

và lửa và 

lũ lụt 

sẽ trở thành sự thật.




4. THIẾU PHỤ XINH ĐẸP



Chúng ta tụ họp ở đây hôm nay 

để chôn cất nàng trong

bài thơ này.


Nàng đã không lấy một người nghiện ngập thất nghiệp 

từng đánh đập nàng hàng đêm.


Mấy đứa con nàng sẽ không bao giờ mặc 

những chiếc sơ mi dính đầy nước dãi

hay những chiếc váy sờn rách.


Thiếu phụ xinh đẹp 

giản dị

lặng lẽ

qua đời.


Mong sao nàng sẽ được chôn cất 

chỉ với lớp bụi 

của bài thơ này.


Với thi thể nàng 

và đồ nữ trang 

những chiếc lược và

những bài thơ.


Với đôi mắt xanh mét 

và 

ông chồng 

tươi cười

giàu có

kinh hãi.




5. CHÚT BĂNG GIÁ CHO CHIM ĐẠI BÀNG 



Tôi vẫn còn nhớ những con ngựa 

dưới ánh trăng 

Tôi nhớ đã cho chúng ăn 

đường 

những viên đường hình chữ nhật màu trắng 

trông giống những cục băng

và có đầu giống 

như chim đại bàng 

đầu hói có thể cắn

nhưng chúng không làm.


Những con ngựa còn thật hơn 

cha tôi

Thật hơn cả Thượng đế

lẽ ra chúng có thể dẫm bẹp tôi 

dưới chân nhưng chúng không làm.


Tôi sắp lên năm

nhưng tôi không hề quên

Trời ơi chúng thật cứng và ngon

Những chiếc lưỡi đỏ đang nhỏ dãi

bên ngoài linh hồn.




6. NGUYÊN NHÂN VÀ HẬU QUẢ 



Những người tốt nhất thường chết bởi chính tay mình 

chỉ để ra đi

Và những người để lại phía sau 

không bao giờ hiểu được 

tại sao không ai 

muốn 

rời bỏ 

họ.




7. Ồ VÂNG.



Có những điều tệ hại hơn 

cứ mãi một mình 

nhưng có khi mất cả thập niên 

để nhận ra điều đó 

và rất lắm khi 

lúc bạn biết thế

đã trễ lắm rồi 

và không có gì tệ hại

hơn là

trễ lắm rồi.




8. LINH HỒN NHỮNG CON VẬT ĐÃ CHẾT.


Sau giờ làm ở lò sát sinh 

Có một quán nhậu ở góc đường 

Và tôi ngồi đấy 

ngắm mặt trời lặn 

qua cửa sổ 

các cửa sổ nhìn xuống bãi đất trống 

đầy cỏ khô mọc cao.


Tôi không bao giờ tắm vòi hoa sen với người khác 

ở lò mổ

sau giờ làm việc 

vì thế tôi bốc mùi mồ hôi và 

máu

mùi mồ hôi có giảm bớt sau

một lúc 

thế nhưng mùi máu lại tỏa ra 

và có vẻ trầm trọng hơn.


Tôi hút thuốc và uống bia 

cho đến lúc thấy thoải mái 

để lên xe buýt 

với linh hồn những con vật đó 

đã chết bên cạnh 

tôi

đầu hơi quay về phía 

tôi

Mấy người đàn bà đứng dậy tránh xa

tôi.


Khi tôi xuống 

xe buýt 

tôi chỉ còn một khối nhà 

và một cầu thang để tới

nhà tôi

nơi tôi sẽ bật radio 

châm điếu thuốc 

nơi không ai ngó ngàng

đến tôi.




9. THƠ MUỘN BAN ĐÊM



Họ nói rằng

Không có gì bỏ phí

Chỉ là thứ đó

hoặc

hết thảy.




10. BÀI THƠ LÀ MỘT THÀNH PHỐ


Bài thơ là một thành phố với đường sá và cống rãnh 

đầy thánh nhân, anh hùng, hành khất và người điên

đầy cả điều tầm thường và say khướt

đầy cả mưa gió, sấm sét và những thời kỳ

hạn hán, một bài thơ là một thành phố thời chiến.


Bài thơ là một thành phố chất vấn đồng hồ

Bài thơ là một thành phố đang bốc cháy

Bài thơ là một thành phố cầm vũ khí

có những tiệm hớt tóc đầy những người say rượu yếm thế

Bài thơ là một thành phố nơi Thượng đế khỏa thân cỡi xe

qua những con đường như Phu nhân Godiva (*),

nơi chó sủa ban đêm và chạy theo

sau những lá cờ, bài thơ là một thành phố của thi sĩ

phần lớn đều giống nhau

ganh tỵ và cay đắng


Bài thơ là một thành phố bây giờ

50 dặm cách nơi không người ở 

lúc 9 giờ 09 sáng

rượu và thuốc lá 

không có cảnh sát, không có tình nhân đi lại ngoài đường 

bài thơ này, thành phố này, đang đóng cửa 

bị chặn lại và hầu như vắng người

ảm đạm không tiếng khóc, già cỗi không thương hại,

những ngọn núi đá hoa cương 

đại dương giống như ngọn lửa màu hoa oải hương 

một mặt trăng thiếu sự vĩ đại 

tiếng nhạc nhỏ những ô cửa kính bị vỡ.


Bài thơ là một thành phố, bài thơ là một quốc gia,

Bài thơ là thế giới.


Và giờ này tôi lộng kiếng tất cả những thứ này 

để một biên tập viên chăm chú săm soi

đêm thì ở nơi khác 

và các bà buồn tẻ uể oải xếp hàng 

những con chó theo nhau ra cửa sông

những tiếng kèn báo hiệu lúc hành hình 

khi những người nhỏ nhoi huênh hoang về những điều 

họ không làm được.


(*) Lady Godiva : Công nương xứ Mercia (980- 1067) là một nữ bá tước đã khoả thân cỡi ngựa đi một vòng quanh thành phố Coventry để yêu cầu giảm thuế cho dân chúng.



11. MỘT MÌNH VỚI MỌI NGƯỜI.



Thịt bọc lấy xương 

Rồi người ta bỏ trí óc 

vào trong đó và

đôi khi có cả tâm hồn

và phụ nữ đập vỡ 

những chiếc lọ ném vào tường 

và đàn ông uống 

quá chén 

và không ai tìm ra 

một điều 

nhưng vẫn cứ 

kiếm tìm 

bò ra bò vào

những chiếc giường 

với xác thịt 

bọc lấy xương 

thịt cố tìm

thứ gì khác 

hơn là thịt.


Điều đó chẳng

có ích gì 

chúng ta đều là tù nhân 

của một số phận lạ kỳ.


Những bãi rác vun đầy

Những nơi đổ rác ngập đầy 

Những trại tâm thần tràn đầy 

Những bệnh viện chất đầy 

Những nghĩa trang chôn đầy 


Không có gì khác

chất đầy.




12. NGHỆ THUẬT.



Khi

tinh thần

xoá nhoà

Hình

thức

hiện ra.



13. ĐỊA NGỤC LÀ MỘT NƠI HIU QUẠNH



Ông 65, vợ ông 66, và bị

bệnh Alzheimer.


Ông bị ung thư

miệng

đã có 

giải phẫu, xạ trị

những cách điều trị 

làm mục 

xương hàm

người ta đã phải 

làm hàm giả.


Mỗi ngày ông lót cho vợ 

những chiếc tã cao su 

như là 

làm cho trẻ con 


Không thể nào lái xe

trong tình trạng đó 

ông phải đi taxi

đến nơi

chữa bệnh

Nói năng quá khó 

ông phải chỉ đường 

bằng cách viết ra giấy.


Lần khám cuối cùng 

họ nói với ông 

sẽ có một 

cuộc giải phẫu mới: một chút ở 

bên trái, và một chút ở 

lưỡi.


Khi ông về nhà 

ông lại thay tã

cho vợ 

bỏ thịt đông lạnh 

vào lò, và đọc

báo buổi chiều 

rồi đi vào phòng 

lấy ra 

khẩu súng, đưa lên

thái dương, và bóp cò.


Bà ngã người ra

bên trái, ông ngồi trên

ghế dài 

đút súng vào

miệng, và

bóp cò.

Tiếng súng nổ đánh thức 

hàng xóm.

Lát sau

thịt đông lạnh đã

nấu xong.

Có người đến, đẩy

cửa vào

và thấy.


Sau đó 

cảnh sát đến 

và tiến hành

thủ tục, và phát hiện 

mọi thứ:

một tài khoản tiết kiệm 

đã đóng, và

một chi phiếu với 

số dư

1,14 đồng.


Tự sát, họ

kết luận.


Ba tuần sau 

có hai

người thuê nhà mới 

một kỹ sư tin học 

tên là 

Ross

và cô vợ 

Anatana

đang học

vũ ballet.


Họ trông giống như 

một cặp 

với triển vọng 

rất đẹp.



14. CHIM XANH



Trong tim tôi có con chim xanh 

muốn bay ra ngoài 

nhưng tôi là người cứng rắn 

tôi nói, ở đó đi, ta không muốn 

có ai đó 

nhìn thấy mi.


Trong tim tôi có con chim xanh 

muốn bay ra ngoài 

nhưng tôi đổ rượu lên người nó và hít 

khói thuốc lá 

và gái điếm và người phục vụ quầy rượu 

và người bán tạp hoá 

không hề biết 

nó đang ở đó.


Trong tim tôi có con chim xanh 

muốn bay ra ngoài 

nhưng tôi là người cứng rắn,

tôi bảo nó 

ở dưới thấp đi,

mi muốn quấy rầy ta

phá hỏng tác phẩm của ta

làm mất giá việc ta bán sách 

bên châu Âu?


Trong tim tôi có con chim xanh 

muốn bay ra ngoài 

nhưng tôi khôn ngoan, tôi chỉ cho nó ra 

thỉnh thoảng vào ban đêm 

khi mọi người đang ngủ.

Tôi nói, ta biết mi đang ở đó 

Vậy đừng có buồn làm chi.


Rồi tôi đưa nó vào lại 

nhưng nó hót chút đỉnh 

khi vào trong, tôi chưa để 

nó chết 

và tôi với nó cùng ngủ 

như thể 

có một thỏa ước kín đáo 

nhưng thật khá dễ chịu 

khiến một người 

lại khóc, nhưng tôi thì 

không khóc, còn

bạn thì sao?




15. ÔNG CÓ UỐNG KHÔNG?



Rửa sạch, trên bờ, cuốn sổ tay vàng cũ

nổi bật

Tôi viết từ trên giường 

như đã từng làm 

năm ngoái 

sẽ đến khám bác sĩ 

ngày thứ hai 

“ Vâng, thưa bác sĩ, chân yếu, chóng mặt, đầu 

đau và lưng

nhức.”

“ Ông có uống không?” ông ấy sẽ hỏi 

“ Có tập thể dục, có uống 

vitamin không?”

Tôi nghĩ tôi chỉ mỏi mệt 

với cuộc sống, những triệu chứng như cũ mà

thay đổi bất thường 

ngay cả ở trường đua

tôi nhìn ngựa chạy qua 

và có vẻ như 

vô nghĩa 

Tôi bỏ đi sớm sau khi mua vé 

cho những cuộc đua tiếp đó 

“ Ông đi sao?” nhân viên khách sạn 

hỏi

“ Vâng, chán lắm “ 

Tôi bảo.

“ Nếu đằng kia ông lại chán, anh ta nói, hãy 

trở lại chỗ chúng tôi.!”

Vậy là tôi lại ở đây 

tựa đầu lên chiếc gối 

lần nữa 

như một ông già 

như một nhà văn già 

với cuốn sổ 

màu vàng 

có cái gì đó 

đang bước đi 

trên sàn

về phía 

tôi 

ồ chỉ là 

con mèo

lần 

này.




16. KHI TÔI ĐANG HẤP HỐI



Có một thời người ta lún sâu

vào chính mình, và có một thời 

mà đúng là dễ hơn 

ngây thơ hơn để chết 

như những máy bay ném bom 

xuống Santa Monica

và tôi lại thấy mình 

nằm dài trên cát,

Chính tôi thời hai mươi tuổi 

Đang đọc Faulkner

mà tôi thích cái tên 

mơ hồ được khích lệ 

bởi thứ gì đó 

không phải là tôi.

Tôi gấp sách lại 

và cảm thấy 

đau vì biển 

vì trời 

xanh xanh xanh 

với những đốm trắng 

hỗn độn hết trong cái bẫy 

và muốn thoát ra 

khi vẫn biết 

tôi bị kẹt ở đó 

như những con bọ trong cát 

mà tôi dẫm bẹp 

Và ông Faulkner

nằm liệt ra 

nóng bỏng bất tử 

với những ngón chân của tôi 

Và tất cả những gì đang nghiêng 

Và không hẳn là 

Thực.




17. HOÁ THÂN



Một bạn gái đã đến 

làm giường lại cho tôi 

con rửa và đánh bóng sàn nhà bếp,

cọ rửa tường nhà 

hút bụi 

lau sạch nhà vệ sinh 

và bồn tắm 

cọ rửa sàn nhà tắm 

cắt móng chân cho tôi 

và cắt tóc 

và 

cũng ngày hôm đó 

Thợ ống nước đến sửa vòi nước nhà bếp 

và nhà vệ sinh 

rồi thợ ga đến sửa lò sưởi 

và thợ điện đến sửa điện thoại 

bây giờ đây tôi ở trong thế giới hoàn hảo 

mọi thứ yên tĩnh 

Tôi đã chia tay ba người bạn gái.


Trước tôi thoải mái hơn khi mọi thứ 

còn lộn xộn 

Phải mất nhiều tháng để trở lại bình thường 

Thậm chí không có cả con gián để trao đổi 

Tôi đã đánh mất nhịp điệu 

Tôi không ngủ được 

Tôi ăn không vô

Người ta đã lấy mất 

Rác rưởi của tôi.




18. CON CHIM NHẠI



Chim nhại đã đi theo con mèo 

suốt mùa hè 

nó đã nhại nhại nhại 

khiêu khích, tin ở việc mình làm.

Con mèo trườn xuống dưới những ghế bành ở hiên nhà,

đuôi dựng lên 

ném vào chim nhại những câu giận dữ 

mà tôi không hiểu được.


Hôm qua con mèo đi chậm rãi ngược lên lối vào nhà 

miệng ngậm chim nhại còn sống 

cánh xoè ra, đôi cánh đẹp xoè ra và lắc lư

lông rụng ra như chân phụ nữ 

Và con chim không còn nhại nữa 

nó van nài, cầu khẩn 

nhưng con mèo 

cứ bước đi như hằng thế kỷ nay 

chẳng thèm lắng nghe.


Tôi thấy con mèo trượt dưới chiếc xe màu vàng 

với con chim 

đem đi thương lượng ở nơi khác.


Mùa hè đã qua.




19. MẤT NGỦ



Bạn có bao giờ ở trong căn phòng 

bên trên 32 người đang ngủ 

ở những tầng phía dưới

một mình bạn không ngủ 

đang lắng nghe tiếng động cơ 

tiếng còi liên hồi 

nghĩ đến những nhân ngư

nghĩ đến Sagovia

đang luyện tập năm tiếng mỗi ngày 

hay đến những bia mộ 

chẳng cần luyện tập 

chân bạn cuộn tròn trong những chiếc khăn trải giường 

và bạn nhìn thấy một bàn tay 

có thể là tay của một

ông lão 80, và bạn 

đang ở bên trên 32 người đang ngủ 

và bạn biết là phần lớn trong số đó 

sẽ thức dậy 

sẽ ngáp, sẽ ăn, sẽ đổ rác

có lẽ sẽ đại tiện

nhưng giờ đây họ thuộc về bạn 

họ đang cỡi nhân ngư

thổi những hơi nóng bỏng của tiếng bạn ca

hoặc hít thở những loài nấm 

sọ phẳng như quan tài 

những tình nhân đều chia tay 

còn bạn thức dậy, châm điếu thuốc 

Tất nhiên, 

vẫn còn sống.




20. VẬY LÀ BẠN MUỐN THÀNH NHÀ VĂN



Nếu nó không nổi bật lên từ bạn

bất chấp mọi thứ 

đừng cố làm 

Nếu nó không tự đến từ trong

tim từ óc từ miệng 

và gan ruột của bạn 

đừng cố làm.

Nếu bạn phải ngồi hàng giờ 

trước màn hình máy vi tính 

hoặc cong người qua

máy đánh chữ 

tìm kiếm ngôn từ 

đừng cố làm.

Nếu bạn làm vì tiền tài 

hay danh vọng 

đừng cố làm 

Nếu bạn làm vì muốn có 

đàn bà trên giường 

đừng cố làm 

Nếu bạn phải ngồi đấy 

viết đi viết lại mãi 

đừng cố làm

Nếu chỉ nghĩ đến nó thôi đã thấy khó rồi 

đừng cố làm

Nếu bạn muốn viết như ai 

khác 

hãy quên nó đi

Nếu bạn phải chờ để nó bật lên 

từ nơi bạn 

rồi kiên nhẫn chờ đợi 

nếu nó không bao giờ bật lên 

hãy làm việc khác đi.


Nếu bạn trước hết phải đọc cho vợ 

hay bạn gái hay bạn trai 

hay cha mẹ hay không ai hết 

bạn chưa sẵn sàng.


Đừng làm như nhiều nhà văn 

Đừng làm như hàng ngàn người 

tự xưng là nhà văn 

đừng tỏ ra chán ngắt tẻ nhạt 

kênh kiệu, đừng héo hon 

vì tự yêu bản thân 

những thư viện trên thế giới 

đã ngáp rồi 

ngủ

vượt qua hạng như bạn 

đừng thêm vào đó làm gì 

đừng cố làm 

trừ phi nó bật ra 

từ linh hồn bạn như một quả đạn pháo 

trừ khi ở yên lặng 

có thể dẫn bạn đến phát điên 

hay tự sát hay giết người 

đừng cố làm 

Trừ phi mặt trời bên trong bạn 

đang đốt cháy tâm can

đừng cố làm.


Khi thực sự đến lúc 

Và nếu bạn đã được chọn 

nó sẽ tự làm

tự nó và nó sẽ tự làm

đến khi bạn chết hoặc nó chết trong bạn.


Không có cách gì khác 


Và trước đây cũng chưa từng có bao giờ.




21. ĐÊM TÔI SẮP CHẾT.



Đêm tôi sắp chết 

Tôi vã mồ hôi trên giường 

và tôi có thể nghe tiếng dế kêu 

có con mèo cắn nhau bên ngoài 

và tôi có thể cảm thấy linh hồn nhỏ giọt xuống 

xuyên qua chiếc nệm 

và ngay trước khi nó chạm đến sàn tôi nhảy vọt lên.

Tôi yếu quá đi không nổi 

nhưng tôi đi quanh và bật hết đèn 

Khi tôi trở lại giường 

và thả hết xuống lại và

tôi ngồi dậy

bật hết đèn 

Tôi có con gái lên bảy

Và tôi tin nó không muốn tôi chết 

bằng không cũng chẳng 

có nghĩa gì 

nhưng suốt đêm hôm đó 

không ai gọi điện thoại 

không ai đến với cốc bia 

bạn gái tôi không gọi 

tôi chỉ nghe được tiếng dế kêu và 

trời thì quá nóng 

tôi cứ làm mãi thế 

ngồi dậy nằm xuống 

đến khi tia nắng đầu tiên soi qua cửa sổ 

xuyên qua bụi cây

đến tận giường ngủ 

linh hồn chịu nằm yên 

tôi thiếp ngủ 

giờ đây có người đến 

gõ vào cửa lớn cửa sổ 

chuông điện thoại reo 

reo hoài reo mãi 

Tôi nhận nhiều thư trong hộp thư 

những bức thư đáng ghét 

mọi thứ vẫn 

cứ y nguyên 

như cũ.




22. THƠ



Phải

cần tới

nhiều 

tuyệt vọng

bất mãn 

và 

vỡ mộng

để

viết 

một vài 

bài thơ 

hay

chẳng phải

cho 

mọi người 

nào khác 

để viết 

nó 

hoặc thậm chí để

đọc

nó.




23. NHỮNG CON BÒ TRONG LỚP HỌC NGHỆ THUẬT



Thời tiết tốt 

giống như

Phụ nữ tốt 

không thường xuyên xảy ra 

và nếu có 

nó không phải 

lúc nào cũng kéo dài.

Còn đàn ông 

ổn định hơn 

Nếu họ xấu 

thì rất có thể 

họ cứ vậy mãi 

Hoặc nếu họ tốt 

Có thể 

họ vẫn thế 

nhưng phụ nữ 

thường thay đổi 

bởi 

trẻ em 

tuổi tác 

ăn kiêng 

chuyện vãn

dục tính

mặt trăng 

sự thiếu vắng 

hay hiện diện của mặt trời 

hay thời tiết tốt 

Phụ nữ có lẽ cần phải nuôi dưỡng 

để tồn tại 

bằng tình yêu

trong khi đàn ông 

khoẻ mạnh hơn 

vì bị ghét.




24. NHỮNG CON MÈO CỦA TÔI



Tôi biết, tôi biết 

Chúng hạn chế, chúng có 

những nhu cầu 

và những mối quan tâm 

khác nhau.


Nhưng tôi quan sát và học hỏi từ chúng.

Tôi thích điều ít ỏi chúng biết 

thứ mà thực ra 

là nhiều lắm rồi.

Chúng phàn nàn nhưng không bao giờ 

lo lắng 

chúng bước đi với lòng tự trọng đáng ngạc nhiên 

Chúng ngủ với sự đơn giản trực tiếp 

mà loài người không bao giờ 

hiểu được.


Mắt của chúng 

đẹp hơn mắt chúng ta

chúng có thể ngủ 20 tiếng 

mỗi ngày 

mà không hề 

do dự hay

ân hận.


Khi tôi cảm thấy 

chán nản 

tất cả những gì cần cần làm 

là quan sát những con mèo của tôi 

và sự can đảm 

quay trở lại.


Tôi học hỏi 

những sinh vật này

Chúng là

thầy tôi.




25. NIẾT BÀN 



Không nhiều cơ hội

hoàn toàn tách rời khỏi 

mục đích 

Hắn là một chàng trai trẻ 

đi xe buýt 

xuyên qua Bắc Carolina

đến một nơi nào đó

và tuyết bắt đầu rơi

xe buýt dừng

tại một quán cà phê nhỏ 

ở trên đồi 

và hành khách 

đi vào

Hắn ngồi ở quầy 

với những người khác 

Hắn gọi món và

thức ăn đến

Bữa ăn

thật là 

ngon

và cà phê nữa.

Cô phục vụ 

không giống những phụ nữ 

hắn đã từng biết 

Cô không xúc động 

có một vẻ hài hước 

tự nhiên xuất phát 

tự nơi cô.

Người đầu bếp nói 

mấy câu điên rồ 

anh rửa bát 

phía sau

cười

cậu lau chùi

vui vẻ 

cười 

Chàng trai trẻ quét 

đống tuyết qua

khung cửa sổ 

Hắn muốn ở lại 

quán cà phê này 

mãi mãi.


Một ý nghĩ kỳ lạ 

lướt qua chàng, rằng 

mọi thứ

đều tốt đẹp 

ở nơi đây 

và mãi mãi nó 

vẫn đẹp 

ở nơi đây.

Nhưng bác tài xế xe buýt

bảo với hành khách 

đã đến giờ 

lên xe.

Chàng trai trẻ 

nghĩ, tôi chỉ ngồi 

đây, tôi chỉ ở lại đây 

nhưng rồi 

hắn đứng dậy và đi theo 

những người khác lên 

xe buýt 

Hắn tìm lại chỗ ngồi 

và nhìn quán cà phê 

từ trên cửa sổ 

xe buýt 

nhưng xe buýt chạy

qua một khúc quẹo 

phía dưới, rời khỏi 

ngọn đồi.


Và chàng trai

nhìn thẳng 

phía trước 

hắn nghe

những hành khách khác 

nói chuyện 

hoặc là họ

đang đọc sách

hoặc đang cố 

ngủ

Họ không để ý

điều

kỳ diệu.


Chàng trai trẻ 

gối đầu 

lên một bên 

nhắm 

mắt lại 

làm như đang 

ngủ

không có việc gì 

khác để làm

Chỉ có việc lắng nghe 

tiếng nổ

động cơ 

tiếng 

bánh xe 

lăn trên tuyết.




26. VIẾT.


Nhiều khi đó là điều 

duy nhất 

giữa bạn 

và thứ không thể có được 

không một thức uống nào 

không một tình yêu phụ nữ nào 

không một tài sản nào 

có thể 

sánh được nó.




27. XIN CHÀO, BẠN KHOẺ KHÔNG?



Nỗi sợ phải là trạng thái của họ:

chết.

ít nhất họ không ở ngoài đường, họ

cẩn thận ở yên trong nhà, những người 

xanh xao, yếu đuối, ngồi một mình trước TV.

đời sống của họ đầy tiếng cười thừa thãi, cắt xén .


Láng giềng lý tưởng của họ 

gồm những chiếc xe đậu một chỗ 

những bồn cỏ xanh 

những ngôi nhà nhỏ 

những cánh cửa nhỏ mở ra đóng vào 

khi bà con đến thăm 

suốt những kỳ nghỉ 

cửa đóng 

đằng sau những người chết đang chết chậm rãi 

đằng sau những người đã chết mà vẫn còn sống nhăn

trong láng giềng tĩnh lặng bình quân 

của con đường quanh quẹo

của hấp hối 

của mơ hồ 

của kinh hoàng 

của sợ hãi 

của mê muội 

một con chó đứng sau hàng rào 

một người làm thinh nơi cửa sổ.




28. BÂY GIỜ 



Tôi ngồi đấy ở tầng lầu 2

người gập lại trong bộ đồ ngủ 

màu vàng 

vẫn cố làm ra vẻ 

một nhà văn 

sự trơ tráo đáng ghét 

ở tuổi 71

Các tế bào não của tôi bị

ăn mòn

bởi đời sống 

Từng chồng sách 

đàng sau tôi 

Tôi cào đầu tóc 

thưa

để tìm 

câu chữ.



29. HEMINGWAY KHÔNG BAO GIỜ LÀM NHƯ VẬY



Tôi có đọc rằng ông ấy đánh mất tập bản thảo 

trên xe lửa và chúng không bao giờ được phục hồi 

Tôi không thể hiểu sự mất mát kiểu này 

Nhưng tối hôm kia tôi có viết bài thơ 3 trang

trên máy vi tính

nhưng do thiếu chăm chỉ 

và rèn luyện 

và do không rành ra lệnh nơi 

thanh công cụ

tôi vô tình xoá bài thơ 

mất hẳn rồi 

Tin tôi đi, điều như thế thật khó xảy ra 

kể cả với ngươi mới học.

Nhưng tôi đã làm như thế 

rồi.


Bây giờ tôi nghĩ ba trang giấy đó là bất tử 

Nhưng có những dòng điên cuồng hoang dại 

đã bay biến hết rồi 

nó gây hại hơn một va chạm, nhưng 

có chút gì giống như gõ vào một chai 

rượu vang ngon.


Và viết về nó có thể thành một

bài thơ hay,

vâng, và tôi nghĩ có thể bạn muốn 

biết.


Còn không, chí ít bạn cũng đã đọc nó lâu rồi 

và có thể có những việc tốt hơn 

từ những dòng chữ.


Hy vọng vậy đi, vì lợi ích của bạn 

và của tôi.




30. CHỈ LÀ MỘT THOÁNG VỪA QUA THÔI



Hầu như là bình minh

Những con chim xanh trong dây điện thoại 

đang chờ đợi 

khi tôi đang ăn mẩu bánh 

bị bỏ quên từ hôm qua 

vào lúc 6 giờ 

một buổi sáng chủ nhật yên tĩnh.


Một chiếc giày trong góc 

dựng thẳng đứng 

chiếc kia nằm 

ngả một phía 


Vâng, vài cuộc đời chỉ để 

bị lãng phí.




THÂN TRỌNG SƠN

dịch và giới thiệu

( Tháng 9 / 2022 )



Nguồn:



https://www.poemhunter.com/charles-bukowski/poems/