samedi 18 mars 2023

ẦU Ơ TIẾNG MẸ RU CON

 


ẦU Ơ TIẾNG MẸ RU CON



Ầu ơ ( à ơi ) là tiếng đưa hơi trước hoặc sau mỗi đoạn hát ru, với giọng ngân nga kéo dài. Tiếng hò ru con có nhạc điệu chậm buồn, êm ái, du dương, gắn liền với những mái nhà tranh nhỏ, khu vườn xanh. Tiếng hò vẳng lên giữa trưa vắng hay đêm tối. Mẹ ru con khi bé còn ẵm trên tay, lắc nhẹ qua lại khi cất tiếng hò. Bé lớn lên tí nữa, mẹ sẽ cho vào võng hoặc phổ biến hơn là nôi, 

chiếc nôi nhỏ xinh đan bằng mây, có bốn sợi dây cột ở bốn góc, treo thẳng lên hoặc kéo sang hai bên. Sợi dây đó gọi là “tao”.

    Hai tay cầm bốn tao nôi

    Tao thẳng tao dùi tao nhớ tao thương 

    Tao thì báo bổ mẫu thân 

    Tao thì kết nghĩa Châu Trần với anh.

 

Mẹ lắc nhẹ chiếc nôi đong đưa và cất tiếng ru. Nếu là nhà gỗ thì nôi treo cao trên giường để mẹ vừa ru vừa làm việc khác.


Hát ru rất quan trọng vì tâm hồn và thể xác của bé được nuôi dưỡng từng ngày, nghe tiếng ru à ơi bé sẽ ngủ ngon, rồi dần dà bé sẽ không ngủ nếu thiếu vắng tiếng hò ru quen thuộc.

Tuỳ theo người ru là mẹ, chị hay bà của bé, ta có thể gặp ở những lời ru những sắc độ tình cảm khác nhau, có khi hồn nhiên thơ ngây, có khi nặng trĩu tâm sự, lời ru buồn làm ta rung động về những hình ảnh quen thuộc của quê hương, về những tâm tình mộc mạc, hiếu thảo, chan chứa yêu thương của người phụ nữ Việt Nam.


Có thể là những câu ai cũng biết:

    Ru em em théc cho muồi

    Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu

    Mua vôi Chợ Quán, Chợ Cầu,

    Mua cau Nam Phổ mua trầu Chợ Dinh

    Chợ Dinh bán áo con trai

    Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim.

Rồi từ “ kim “ mà hát tiếp:

    Kim Liên ơi hỡi Kim Liên

    Đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê

    Trải qua dấu thỏ đàng đê

    Chim kêu vượn hú bốn bề nước non.

Mấy câu này là của truyện Lục Văn Tiên.


Và từ hình ảnh chim kêu vượn hú mà bắt sang câu:

    Má ơi đừng đánh con đau

    Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu

    Má ơi đừng đánh con đau

    Để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ.

    Má ơi đừng đánh con đau

Để con hát bội làm đào má coi.


Hình ảnh con chim làm mẹ liên tưởng rồi hát tiếp:

    Chim xa rừng thương cây nhớ cội

    Người xa người tội lắm người ơi

    Chẳng thà không biết thì thôi

    Biết rồi mỗi đứa một nơi cũng buồn.

Rồi dây dưa hát tiếp:

    Núi cao chi lắm núi ơi

    Núi che mặt trời không thấy người thương.

    Thương em anh cũng muốn vô

    Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang

    Phá Tam Giang ngày rày đã cạn

    Truông nhà Hồ, Nội tán cấm nghiêm.


Nhớ người thương, thêm nỗi nhớ nhà:

    Chiều chiều ra đứng ngõ sau

    Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

    Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

    Nhớ người quân tử khăn điều vắt vai.


Nhớ quê hẳn là nhớ hình ảnh con cò bay lả bay la:

    Con cò mà đi ăn đêm

    Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

    Ông ơi ông vớt tôi nao

    Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng

    Có xáo thì xáo nước trong 

    Đừng xáo nước đục đau lòng có con.


Còn bao nhiêu câu nữa có hình ảnh con có, tiếng hò vẫn miên man.

    Cái cò lặn lội bờ sông

    Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.

Và:

    Cái cò cái vạc cái nông

    Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò

    Không không tôi đứng trên bờ

    Mẹ con cái vạc đổ thừa cho tôi

    Chẳng tin ông bắt cả đôi

    Mẹ con nhà nó còn ngồi ở kia.

Lại còn:

    Cái cò đi đón cơn mưa

    Tối tăm mờ mịt ai đưa cò về

    Cò về thăm quán cùng quê

    Thăm cha thăm mẹ cò về thăm anh.

Có thể bé đã ngủ nhưng tiếng hò ru vẫn tiếp:

    Cái cò là cái cò ca

    Bắt về làm thịt lấy ra ba phần

    Miếng nạc thì để phần chồng

    Miếng xương mẹ gặm miếng lòng phần con.


Tiếng hò vẫn chưa dứt: 

    Cái cò là cái cò quăm

    Mày hay đánh vợ tối nằm với ai

    Có đánh thì đánh sớm mai

    Đừng đánh chặp tối chẳng ai cho nằm.


Câu này nối sang câu khác. Bé nghe quen rồi đâm ghiền! Có khi là tâm sự buồn, nghe như lời than thân trách phận:


    Chàng ơi phụ thiếp làm chi

    Thiếp là cơm nguội đỡ khi đói lòng

    Đói lòng ăn nửa trái sim

    Uống lưng bát nước đi tìm người thương.

    

    Nhớ ai em những khóc thầm

    Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa

    Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ 

    Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai.


    Chàng ơi xin chớ lo phiền

    Tóc xe trăm ngọn em liền gỡ xong

    Rối tơ em gỡ còn suôn

    Rối đầu có lược, rối lòng có em.


    Yêu nhau chả lấy được nhau

    Con lợn bỏ đói, buồng cau bỏ già

    Bao giờ sum họp một nhà

    Con lợn lại béo, cau già lại ngon.


    Gió đưa bụi chuối sau hè

    Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ

    Con thơ tay ẵm tay bồng

    Tay dắt mẹ chồng, đầu đội thúng bông.


    Tay bưng dĩa muối chấm gừng 

    Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau.


Hết tâm sự buồn lại đến chuyện hiếu thảo:


    Cây khô chưa dễ mọc chồi

    Bác mẹ chưa dễ ở đời với ta

    Non sông bao tuổi mà già

    Bởi vì sương tuyết hoá ra bạc đầu.


    Ngậm đắng nuốt cay thương thay lòng mẹ

    Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn

    Con ăn con ngủ mẹ đỡ băn khoăn

    Khi con trở trời hơi gió, mẹ chẳng an tâm chút nào.


    Khôn ngoan nhờ ấm cha ông 

    Làm nên phải nhớ tổ tông ông bà

    Đạo con chớ có hững hờ 

    Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm.


    Ăn chi ngon bằng cơm với cá

    Ai thương bằng tình mẹ thương con

    Bao giờ cá lý hoá long

    Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa.


Nếu là chị ru em, đã có những câu phù hợp hơn:


    Em tôi buồn ngủ buồn nghê

    Buồn ăn cơm nếp, cháo kê, thịt gà,

    Buồn ăn bánh đúc, bánh đa

    Củ từ, khoai nướng cùng là cháo kê

    Em tôi buồn ngủ buồn nghê

    Con tằm đã chín, con dê đã muồi

    Con tằm đã chín thì để lại nuôi

    Con dê đã muồi thì để em ăn.


Chị thuộc nhiều bài ca dao dài hơn nên đem ra hò, những bài đại khái như:


    Trèo lên cây bưởi hái hoa,

     Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân…


    Thằng Bờm có cái quạt mo, 

    Phú ông xin đổi ba bò chín trâu…


    Hôm qua tát nước đầu đình

    Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen…


Tiếng hò ru con, miền nào cũng có, nghe là biết ngay:


   May mô may chút nữa em lầm

   Khoai lang khô xắt lát em tưởng Cao ly sâm bên Tàu.


   Thiếu chi rau mà ăn rau bát bát

   Thiếu chi bạc mà tiêu bạc Đông dương?

   Thiếu chi người thương mà thương người bảo vệ

   Thiếu chi người tử tế mà em lại lấy Tây?


    Dao vàng mà rọc trầu vàng

    Đem têm cánh phượng gát ngang khay cừ

    Ba bốn nơi tới nói không ừ

    Quyết tâm đợi bạn bây chừ tới đây.


Vô Nam bộ thì nghe:


    Ví dầu cầu ván đóng đinh

    Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi

    Khó đi mẹ dắt con đi

    Con đi trường học mẹ đi trường đời.

    Ví dầu cá bống đánh đu

    Tôm càng hát bội, cá thu cầm chầu

    Ví dầu ví dầu ví dâu

    Ví qua ví lại ví trâu vô chuồng.

    Ví dầu ví dẫu ví dâu

    Ví qua ví lại ví trâu vô rừng

    Vô rừng bứt một sợi mây

    Đem về thắt võng cho nàng đi buôn

    Đi buôn không lỗ thì lời

    Đi ra cho biết mặt trời mặt trăng.


    Gió mùa thu mẹ ru con ngủ

    Năm canh chầy thức đủ về năm

    Hỡi chàng chàng ơi

    Em nhớ tới chàng…


Rồi có khi chị ru những câu thiệt khó:


    Thiên sanh nhơn hà nhơn vô lộc

    Địa sanh thảo hà thảo vô căn

    Một mình em đứng giữa lòng thuyền

    Dưới nước trên trăng

    Biết cùng ai trao duyên gởi phận

    Cho bằng với thế gian.


Chị không cần ai có hiểu hay không ( Trời sinh người, người nào mà không có lộc, Đất sinh cỏ, cỏ nào mà không có rễ, ý nói ai cũng có phước riêng, lộc riêng của Trời cho. Hơn không hơn cũng kiếm cho bằng, có đâu thua bạn, bạn hòng cười chê.


Rồi chị hò tiếp:


   Tiền tài như phấn thổ

   Nhân nghĩa tựa thiên kim

   Con le le mấy thuở chết chìm

   Người thương ở bạc

    Nỏ kiếm với tìm mần chi.


Câu hò mang ý nghĩa “ tiền bạc rồi sẽ như bụi đất, chỉ có tình nghĩa còn mãi với thời gian.


Ai kia xin đừng thắc mắc liệu những câu hò đó có ai nghe ai hiểu không. Có đấy: chính người ru, ru cho bé mà cũng ru cho chính mình!


Tiếng ru là tiếng tự tình của dân tộc, của quê hương, lúc nào nghe cũng thấy da diết. Không còn nghe tiếng ru thấy như mất đi cái gì quí giá lắm. Thôi, hoài niệm vẫn còn đấy.


    Mai rồi con lớn khôn

    Trên đường xa nắng gió

    Lời ru là bóng mát

    Lúc con lên núi thẳm

    Lời ru cũng gập ghềnh

    Khi con ra biển rộng

    Lời ru thành mênh mông.


Đọc lại và chia sẻ với nhà thơ Xuân Quỳnh để yên lòng hơn vậy.



THÂN TRỌNG SƠN


( tháng 3 - 2023 ).

vendredi 10 mars 2023

VÌ AI MÀ TOẢ SÁNG

 VÌ AI MÀ TOẢ SÁNG

Truyện ngắn


ARESS MOHAMED.

Nhà văn Kenya



Truyện đăng trên trang magunga.com ( của tờ The Magunga, với tiêu đề Theatre of Stories Untold ) ngày 27/11/2017. Tên tác giả là Aress Mohamed kèm theo ghi chú A writer from Garissa, Kenya. Không chi tiết nào về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn. Nỗ lực tìm kiếm trên Google cũng không có kết quả.

Cần nói thêm Kenya hay Cộng hoà Kenya là một nước ở Đông Phi, thủ đô là Nairobi, dân số khoảng 53 triệu, một trong bảy nước đông dân nhất của châu Phi, ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh. Kenya vốn thuộc quyền bảo hộ của Anh, giành độc lập vào ngày 12/12/1964.


Bối cảnh câu chuyện là những cuộc di cư trên những chiếc tàu đầy hành khách nhằm chạy thoát khỏi áp bức, chiến tranh và nghèo đói của dân Bắc Phi và Trung Đông.

Truyện có nhắc đến Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn ( UNHCR ) tổ chức đã phát động chiến dịch nhằm huy động những nỗ lực chung của Cơ quan Tị nạn LHQ ( UN Refugee Agency ) và những nhân vật và hội đoàn có uy tín của châu Phi để cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, đóng góp nguồn lực, hỗ trợ những người kém may mắn ở châu Phi.

Trong truyện, chính sách nhân đạo nói trên đã bị những người mối lái, gọi đúng tên là những cò di cư, lợi dụng để bóc lột những người di cư bằng những biện pháp tàn nhẫn, mất nhân tính. Hoàn cảnh đẩy đưa hai mẹ con lâm vào bế tắc, tuy vẫn dành trọn thương yêu nhưng rồi phải đầu hàng số phận.



Con thuyền đang lênh đênh trên mặt biển mênh mông kéo theo mười hai người còn sót lại. Bảy người đàn ông, bốn phụ nữ và một đứa trẻ. Đứa bé hình như đang thiếp ngủ trong vòng tay mẹ. Con thuyền đã trôi mang theo những hành khách này được bốn ngày. Người phụ nữ thỉnh thoảng tỏ ra đờ đẫn, suy tư, tiếng ru con hoà lẫn tiếng thở dài, như người mẹ đong đưa đứa con trong lồng ngực. Đôi lúc chị giơ con hứng lấy sương mù Địa Trung Hải. Có lúc chị vốc nước biển lên rửa mặt cho nó khiến đứa nhỏ bị cay mắt vì nước biển. Đầu họ lắc lư khi nhìn lên trời, khi nhìn dưới lòng thuyền. Giữa lúc nửa thức nửa ngủ, tay người nào cũng bám lấy thành thuyền, níu chặt như bám víu một tử thi. Rồi quanh thuyền lắc mạnh, như một sự náo động đầy phấn khích. Những người trên thuyền mệt mỏi hướng nhìn phía mặt trời lặn để chộp lấy một hình ảnh chưa rõ nét, cổ nghển lên chậm hơn đầu óc vừa loé sáng. “ Nhìn kìa, Guleed », một phụ nữ chừng ngoài ba mươi nói với thiếu niên ngồi cạnh. Chị có vẻ thô cứng, như biển vậy. Chị trông thân thiện với cậu thiếu niên. “ Bờ biển đấy, thấy không”. Cậu bé nhìn quanh, mắt quay ra bốn phía. Chị lặp lại: “ Guleed “ . Chị vỗ vai cậu. Cậu quay sang phía chị. “ Nhìn kìa, phía bờ biển đó. Guleed như không nói chuyện với ai. Cậu chưa hề hé môi với ai từ lúc lên thuyền ở Tripoli ( Liban ), cũng không ăn uống gì, ngay cả mẩu bánh mì khô họ mang theo. Ai bắt chuyện cậu đều trả lời giọng gắt gỏng, nhưng người phụ nữ không bỏ cuộc. “ Con nhìn thấy ánh sáng” cậu nói, “ và mẹ cũng nhìn thấy, phải không? “ Người phụ nữ tiếp. Chị cố nhớ lại đã thấy cậu ngủ gật tuần qua nhưng không nhớ được . “ Chúng trông giống cái gì? “ Màu cam thì phải. “ giọng cậu nhỏ như tiếng thì thào. Lưỡi cậu quá yếu để nảy thành tiếng. Cậu tiếp. “ Chúng chuyển động và nhảy nhót”. Người phụ nữ nhíu mày. Con thuyền vẫn tiếp tục lướt, phát ra tiếng kẽo kẹt trước sức nặng của những người trên thuyền, cả những ước mong, hy vọng, thiếu hụt, sợ hãi và ký ức của họ nữa, cả những thế giới họ đã biết, những thế giới họ đã tạo ra, bảo tồn và mang theo. Từ cao nhìn xuống, con thuyền giống như một lục địa tí hon hoặc một phiến đã nhỏ xíu trôi trên vùng biển xanh ngắt.

Đứa bé tuột khỏi tay mẹ, trượt xuống lòng thuyền, đôi tay trườn tới chân những người đàn ông. Nó chưa có tóc, mặt úp xuống, như một con búp bê hỏng bị ướt. Mẹ nó không hề nhìn xuống, không có một cử động nào.

Người phụ nữ ngồi cạnh cậu thiếu niên xích đến gần mạn thuyền. Chị nhấc đứa bé lên và ôm vào lòng. Chị gỡ chiếc khăn trùm đầu ra đắp cho nó. “ Ngủ đi cháu “, chị nói với đứa bé. “ Giá mà mình cũng ngủ được.” Guleed lẩm bẩm. “ Ước gì chợp mắt được một lúc” Cậu lặp lại hai ba lần câu này. Cậu cứ ngấp nhổm hoài. Cơ thể cứ lắc lư. Cậu sợ thiếp đi trong giấc mơ, và cứ lặp lại câu nói đó để chắc chắn không bị như vậy. Khi nghỉ để thở, cậu ngờ rằng mình lại thiếp đi nữa. Thế là cậu nói lại câu nói đó và lắc lư thân hình. Cậu nghĩ là mình vẫn còn sống. “ Chúng ta chỉ còn đi một dặm nữa thôi, con yêu ! “ người phụ nữ quàng tay qua vai cậu, giữ cho cậu khỏi chao đảo.

“ Thành công rồi ! “ Người đàn ông mà họ gọi là người mối lái đứng dậy. ( Hắn đã mang họ từ Tripoli để đưa đi qua Địa Trung Hải tới tận bờ biển nước Ý. ) Hắn lấy một tay nắm chân đứa bé và cố giật nó khỏi tay người phụ nữ. Khi chị phản kháng, hắn đặt tay vào khẩu súng ở thắt lưng. Chị đành để hắn làm. Hắn đi tới cuối thuyền, đứa bé chúc đầu cắm xuống thuyền, kiểu như khi đi bộ xách chai nước vậy. Hắn quẳng thằng bé xuống nước. Biển vẫn mở rộng. Không động tĩnh. Chỉ nghe tiếng rơi tõm. Rồi thôi. Những gợn sóng nhỏ trên mặt biển, tựa như sóng tim của người bệnh đang hấp hối nhìn thấy trên điện tâm đồ.

“ A… Muhajiruun. , tên mối lái nói. “ Đã đến Đất Hứa rồi.” hắn dang rộng hai tay và nhìn về phía bờ biển. “ Chính là đây rồi, các bạn. Ta đã mang các ngươi đến Vùng Đất Hứa. “ Hắn quay lại nhìn các hành khách. Chiếc răng vàng loé sáng trong miệng. “ Đến đây nhiệm vụ của ta đã hoàn tất. Cầu mong Chúa sẽ cho  tách đôi nước biển cho người nào trong các ngươi không biết bơi.” Có người cầu nguyện. Có người phản kháng. Có người đề nghị trả thêm tiền. Họ quay nhìn về phía khẩu súng. Họ phải chọn một trong hai.


Một buổi sáng tháng 1/2016, người phụ nữ gọi cho tay trung gian ở địa phương lo việc đưa những người di cư từ Kenya vô Somalia đến những tên buôn lậu chuyên đưa thuyền đến Châu Âu. Họ gặp nhau tại bên ngoài căn lều tạm của chị ở Khu 4, trại tị nạn ở thành phố Garissa, Đông Bắc Kenya. Chị mời hắn dùng trà. Ngay lúc này, hai cậu bé chạy đến, trong đó một đứa là Guleed. Chúng nó vừa chơi đá bóng như mỗi buổi sáng thứ bảy vẫn chơi, đứa nào cũng lấm lem, mặt mũi tay chân nhợt nhạt. Chị la lớn: “ Guleed, mẹ đã bảo con bao nhiêu lần là đừng bén mảng tới cái ao dơ bẩn đó. Sao vậy chứ? “ “ Mẹ ơi con thề là con không nhảy xuống bơi. Con chỉ lau mồ hôi thôi.” Chị biết là nó nói dối. Lần nào cũng vậy, hễ trời vừa mưa xong là không ai ngăn được lũ trẻ bơi ở các ao, các vũng nước nơi dân làng dùng để tắm cho gia súc. Chị rất lo là những lúc thế này, rất có thể Guleed sẽ chết đuối và người ta sẽ mang xác nó về cửa nhà chị. Nó là con trai duy nhất, là tài sản duy nhất của chị. “ Thằng bé mấy tuổi rồi? “ Mukhalla hỏi, hất mặt về phía Guleed. Môi hắn nhích lên để lộ hàm răng ám khói thuốc lá. Tay hắn gợn lên những đường gân. Chị trả lời: “ Mười lăm.” “ Nhỏ quá. “

“ Con trai tôi đặc biệt lắm. “ “ Học giỏi không?”. “ Nó có năng khiếu đặc biệt về bóng đá. Ngoài môn này nó chẳng quan tâm đến gì cả. Cái lều này treo đầy giải thưởng của nó mang về. Đêm ngủ nó cũng nằm mơ thấy bóng đá. “ Sẽ thật là đáng tiếc nếu tuổi trẻ và tài năng đó bị mai một trong căn lều này. Hắn hớp một ngụm trà. “ Giống như tôi, giống như những người khác. “ “ Con trai tôi mơ mộng lắm. Nó ao ước được chơi cho Liverpool hay một đội bóng nước ngoài nào đó. Nó không thấy bức tường rào nào như người lớn nhìn thấy. Nó không bao giờ cam chịu sống ở nơi này. Makhalaan nói tiếp. “ Nhưng ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra với cái trại này. Chính quyền nước Kenya và Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc về người tị nạn đang định giải tán trại này và đưa những người tỵ nạn về nước. Mọi người đang hối hả đút lót để giành vé xe về Somalia. “ “ Nhưng tôi không có gia đình ở Somalia, chị nói. Chồng tôi chết nơi này. Một vài bộ tộc thù ghét nhau. Chúng tôi mới kết hôn chưa đầy ba tháng. “ “ Người Somalia là con rắn độc, lầm tưởng đuôi của nó là đuôi con rắn khác nên tự cắn đứt. “ “ Chuyện ông kể là đúng đấy “. Họ ngồi yên lặng một lúc, chỉ nghe tiếng nhấm nháp từng hớp trà.

Người phụ nữ nói:” Ông biết đó. Tôi có thể tiếp tục sống trong thành phố khô hạn tối tăm này. Tôi có thể tiếp tục sống qua ngày, chịu hạn chế về tiền bạc, không có nhà vệ sinh, không cả việc làm. Tôi chẳng ngại trở thành kẻ vô gia cư, chỉ là một con số, một bản thống kê. Tôi chịu được cảnh xếp hàng cả tuần trong cái nóng  chỉ

để có một ly bắp hay một chút muối. Tôi chịu được khi bị tình nghi vì tội mình không hề làm chỉ vì tôi là người Somalia. Tôi sống được với tất cả những thứ đó.

Chị nhìn thẳng vào mặt Mukhalaan . Đôi mắt chị như tỏa nhiệt, bừng bừng khí thế. “ Nhưng con tôi thì không. “ “ Chỉ cần bỏ ra vài ngàn đô, mẹ con chị có thể tới Ý, hay Thuỵ Điển hay Đức và chị có thể đảm bảo cho con một cuộc sống tốt. Tôi bảo đảm chị sẽ an toàn đến Châu Âu. “ “ Đừng tưởng tôi ngu” Chị nhìn thẳng mặt hắn , nhếch mép cười. “ Ông cũng biết là đi như thế nguy hiểm lắm. Chẳng khác gì tự sát. Tôi biết đó không phải là việc nên thử, ít nhất là cho một người phụ nữ và trẻ con. Nhưng tôi chấp nhận thử thách này, miễn là tương lai tốt đẹp hơn bây giờ. Vì con trai tôi nhảy vào địa ngục cũng không sao. Chị có sẵn một khoản tiền nhờ may vá và tiết kiệm thời gian sống tại căn lều này.

Chị vay mượn thêm từ bạn bè và người thân với lý do để buôn bán. Một tháng sau, chị kiếm đủ tiền. Cuộc hành trình bắt đầu.


Quay trở lại hiện tại, biển đang vẫy gọi những hành khách trên thuyền. Biển trong xanh và êm dịu. Nhưng cũng tàn ác cứng rắn. Thời gian lắng đọng đến ngạt thở, như mưa bụi trong hố đen. Mọi người nhìn nhau. Rồi nhìn lên trời. Họ trông chờ một dấu hiệu, một câu trả lời, gì cũng được. Họ nhìn quanh, nhìn người khác, nhìn mặt biển, bầu trời, nhìn mông lung… biết rằng đây là hình ảnh cuối cùng được nhìn thấy. Sau đó, từng người một lao xuống nước. Cuối cùng chỉ còn gã mối lái, Guleed và mẹ còn trên thuyền. Tên mối lái chờ đợi. Người phụ nữ nhìn những người dưới nước đang miệt mài bơi với những sãi tay mệt mỏi. Chị nhìn những người đang bơi, đàn ông, đàn bà, bụng họ đầy nước mặn và bây giờ phổi cũng bị nước lanh tràn vào. Chị có cảm tưởng vị mặn nước biển đang lan trên lưỡi và chảy xuống cổ họng. Chị rùng mình. Nước biển lạnh đến thế sao! Thằng bé bối rối. “ Mẹ đã làm hỏng con rồi. Cho mẹ xin lỗi.” Thằng bé đáp: “ Con đã quên mất đất liền như thế nào. Đất liền là sao đây? “ Chị nhìn về phía bờ và nói nhỏ: “ Thì như mình ở nhà vậy. “ Chị hồi tưởng đất liền với cảm tưởng như đi dạo trong vườn. “ Con sẽ được nhìn thấy. Mẹ biết con sẽ làm được.” Chị buông tay con, hôn hai má nó và ôm mặt con. Chị cười hiền từ, mắt híp lại.

Chị quay đầu, đối diện với tên mối lái. Chị nhìn vào khẩu súng trong tay hắn. Chị nhắm mắt và thấy hình ảnh những người ở Sahara. Chị còn cái cảm giác 

bàn tay thô ráp của họ trên mặt và lưng mình. Chị còn nghe tiếng họ càu nhàu trong gió. Chị còn hình dung ra được mùi ẩm mốc của dây da đeo súng dính đầy cát. Giờ đây chị nhìn biển lần cuối. Đây là lần đầu tiên trong đời chị đi biển.Cảnh mặt trời lặn đỏ thắm như trong tranh Raphael. Chị nhìn họng súng. Chị đứng yên, mắt kiên định, vô vọng, cố sức như bao nhiêu người khác, như thách thức cái chết, đứng yên như tượng, bình thản chịu khuất phục trước cô đơn và sợ hãi. Tiếng lách cách. Lửa loé lên.


 Khi cuộc hành trình bắt đầu, hai mẹ con đang ngồi trên chiếc Nissan  Caravan 14 chỗ cùng với 15 người khác, phần lớn là người Somalia và Ethiopia. Họ xuất phát từ Nairobi, băng qua thung lũng Great Rift tới Nam Sudan. Xuống Juba họ lại lên xe tải chở tới Khartoum, tiếp đến lại lên đường thẳng tới Sahara. Trên chiếc xe Nissan Navara  hai chỗ có gắn thêm những tấm ván để hành khách bám vào khỏi bị ngã. Sahara hệt như mảnh giấy màu cam  rộng mênh mông, gió thổi cát bay tạo ra những vệt dài và những ngọn đồi.


Chiếc xe tải lướt chạy, tung bụi mịt mù. Guleed liên tục thấy đói và khát. Mệt vô cùng, lưng đau nhức, rã rời. Nhưng cậu biết phải cứng cỏi lên vì mẹ cậu phải chiến đấu mọi  thứ dọc đường đi để chắc chắn rằng mẹ cậu sẽ tới nơi an toàn. Và khi đến Châu Âu, cuối cùng cậu sẽ là cầu thủ chuyên nghiệp như lâu nay mơ ước. Ở quê nhà, giải nào cậu cũng thắng nhưng vì thân phận người tị nạn nên cậu không được vào đội tuyển quốc gia. Khi chân lắc lư trên cánh xe tải, tay bám vào mảnh ván bấu víu lấy sự sống, khác những xác người chôn vùi  trong cát, cậu nghĩ sẽ tham gia Học viện bóng đá, sẽ cố rèn luyện để chơi trong những giải hàng đầu ở Châu Âu. Có lẽ ngày nào đó cậu sẽ đầu quân cho Câu lạc bộ Liverpool. Đến khi giàu và nổi tiếng, cậu sẽ về quê và xây dựng những học viện dành cho những cầu thủ trẻ đầy triển vọng trong những trại tị nạn.


Sau sáu ngày chạy trên sa mạc, họ tới Nam Libya. Dừng chân tại Ad Qatron, họ lại đợi thêm mấy ngày nữa trong một ngôi làng hoang vắng. Lương thực cạn kiệt, họ chỉ cầm hơi với nước và bánh mì khô. 

Họ không biết những người kia có xuất hiện không, hay là họ đã bị lừa và bỏ rơi rồi. Cứ chờ đợi. Sống là nỗ lực trì hoãn cái chết. Đối với họ, sự sống, sự sống như bị cắt thành từng lát nhỏ phải nuốt mỗi ngày.  Rồi những kẻ trung gian cũng xuất hiện. Ai nấy thở phào nhẹ nhõm. Họ bị nhét lên những xe tải có đục lỗ thông gió. Trong nóng bức và tăm tối, họ băng qua Sahara, theo hướng bắc chạy tới Tripoli, quần áo ướt đẫm mồ hôi. Nơi đây, họ phải chờ trong trong một ngôi nhà quét vôi trắng trong một khu không phân định rõ được. Chân loạng choạng. Mắt trũng sâu. Chiếc xe tiếp theo xuất hiện, người trung gian cầm danh sách đọc tên. Mẹ con Guleed và 2 phụ nữ khác không nghe tên mình. Họ được giải thích là người trung gian chỉ trả tiền đủ để tới Tripoli. Họ phản đối là đã trả toàn bộ hành trình nhưng người ta vẫn nói không nộp. Nếu muốn vượt biển sang Châu Âu họ phải gọi điện thoại cho người thân để nhận tiền nếu không họ sẽ bị trừng phạt. Sau ba ngày vẫn không có tiền, Guleed bị lôi ra một góc khuất của căn nhà, ở đó vài người đàn ông và trẻ nhỏ bị xích chân vào cột sắt. Tất cả đều trần truồng, Guleed cũng bị lột sạch, xích chân vào cột sắt khác. Da cậu tì vào kim loại nóng hổi. Cơn khát ngày càng dữ dội. Mồ hôi chảy xuống cát. Không khí nồng nặc mùi nước tiểu và máu. Năm gã đàn ông lực lưỡng đánh vào lưng họ, ép họ uống nước mặn. Chúng hút thuốc, giúi tàn thuốc vào da những người tù nhân. Chúng cười hô hố, át cả tiếng kêu la của họ. Những gã này lôi ba người phụ nữ vào trong nhà. Guleed nghe tiếng la khóc của họ - như là tiếng của mẹ- khi bị cưỡng bức. Tiếng kêu đâm thẳng vào tim cậu, tới tận nơi sâu thẳm chưa từng biết. Đây là tiếng khóc khàn đục, vô vọng hệt như tiếng kêu một người chết đuối trên biển xa. Cậu mong sao điều đó chấm dứt nhưng nó vẫn tiếp tục. Cậu không thể bịt tai. Cơn gió sà xuống mặt cát, tung bụi mù trời. Trông nó uyển chuyển, thanh cao như thể có ai đang khiêu vũ trong điệu nhạc của Beethoven trong đêm thanh vắng. Thiên nhiên đang nhảy múa trong âm điệu của bi kịch con người. Khi mẹ Guleed trở ra, người chị dính đầy bụi cát trắng bệch. Máu loang lỗ trên da. Mẹ như một bóng ma, tia nhìn cắt đứt cổ họng cậu.

Người đàn ông bên cạnh cậu nói:” Họ sẽ bị bán cho các nhà thổ làm gái điếm. Cho đến khi kiếm đủ tiền để trả phí thuyền di cư.”

Guleed nhìn theo bóng mẹ và 2 người phụ nữ bị giải đi . Cậu cảm thấy đã khiến mẹ thất vọng và không bảo vệ được mẹ.Bằng tất cả sức mạnh, cậu lao về phía trước. Sợi xích sắt cứa vào ngực. Guleed nhìn những người phụ nữ xa dần. Khi họ trở lại sau đó hai tháng, người nào cũng ốm tong như gió thổi bay được. Cậu không thể nhìn ra mẹ và không biết mẹ bị đưa đi bao lâu rồi. Từ đó cậu không thể ngồi yên được, thân hình cứ lắc lư. “ Con đã hại mẹ rồi.”

Bây giờ cậu chỉ nhìn thấy những ngọn đồi màu cam, chúng nhảy múa, quay tròn trước mắt cậu. Cậu nhảy xuống biển. Cậu rơi tõm xuống. Cơ thể cậu rất yếu nhưng cậu vẫn cố bơi, được nước biển nâng lên. Cuộc hành trình đã rút hết nơi cậu - năng lượng, thể trọng, ký ức, hy vọng. Cậu ngoái nhìn lui nhìn những người đàn ông đang chết đuối. Cậu nhìn về phía bờ biển và thấy một tàu đánh cá đang đến nhưng những người mập mạp trên tàu không nhìn thấy cậu. Mặt trời luôn quan tâm nhưng lịch sử thì không. Những ngọn đồi màu cam lại đong đưa trước mắt cậu. Đảo Lampedusa có màu trắng với những vách đá màu nâu buồn tẻ. Dưới mắt Guleed, đó là một con cá sấu khổng lồ bằng đá với cái đuôi dài nằm trên mặt nước. Có nhiều người đi dạo trên bờ biển nhưng mắt cậu chỉ thấy đám nhện chạy trên bãi cát. Cậu nằm dài trên phần bụng của con cá sấu và lũ nhện ào tới ăn óc não cậu cậu. Thi thể một người phụ nữ bị hất lên nằm sát cậu. Cậu không nhận ra được đó là mẹ mình.


THÂN TRỌNG SƠN

Dịch và giới thiệu

từ nguyên tác tiếng Anh

( For whom the light shines ).


Nguồn:

https://www.magunga.com/ for-whom-the-light-shines-by-aress- mohamed/ / the Magunga