mardi 26 décembre 2017

NHÀ VĂN, ANH LÀ AI?



NHÀ VĂN, ANH LÀ AI?
Paulo Coelho.


Đây là trích đoạn bài tựa của cuốn tản văn "Như dòng sông đang chảy" của Paulo Coelho, nhà văn người Brazil. Sinh năm 1947 tại Rio de Janeiro, 40 tuổi mới viết và xuất bản cuốn sách đầu tiên, Paulo Coelho được xem là nhà văn ( còn sống ) được đọc nhiều nhất thế giới: tuy số lượng tác phẩm đến nay chỉ trên 30 cuốn, nhưng đã phát hành đến 210 triệu bản tại 170 quốc gia, trong đó có nhiều cuốn luôn ở trong danh sách best-seller ( số liệu tính đến tháng 6/ 2015 ). Ngày 22/12/2016, trong danh sách 200 tác giả có ảnh hưởng lớn nhất thế giới do công ty Richtopia đề xướng, Paulo Coelho được kể tên ở vị trí thứ 2.

"Như dòng sông đang chảy" không phải là tiểu thuyết, vừa như tuỳ bút, vừa như truyện ngắn, tạm gọi là tản văn. Đây là tập hợp 101 bài viết ông đã đăng trong nhiều nhật báo và tạp chí khắp nơi trên thế giới từ năm 1998 đến năm 2005. Chuyện kể về lẽ sống, cái chết, về định mệnh, số phận, về tình yêu lỡ mất và tìm thấy lại..., giọng văn có khi hài hước, có khi nghiêm túc, nhưng lúc nào cũng thâm trầm sâu sắc. Viết đăng báo nên bài ngắn nhất chỉ dăm bảy dòng, dài nhất là hai ba trang. Đọc "Như dòng sông đang chảy"  ta như bắt gặp bản tóm tắt những giai đoạn của cuộc đời sống động của tác giả, nhiều trắc trở lắm gian truân mà không thiếu những lắng đọng trầm tư.

( Nhan đề bài viết này do người dịch đặt.)


Khi lên mười lăm, tôi nói với mẹ:
" Con đã thấy được thiên hướng của mình. Con muốn làm nhà văn."
Mẹ buồn rầu đáp: " Con ạ, ba con là kỹ sư. Ba là người biết lẽ phải, có cái nhìn rất rõ ràng về nhân gian. Con có thực sự biết làm nhà văn là thế nào không?"
" Là làm một người viết sách."
" Chú Haroldo của con là bác sĩ, chú cũng viết sách, và cũng đã xuất bản mấy cuốn. Nếu con học kỹ sư, con vẫn có thể viết sách khi rảnh."
" Không đâu mẹ, con muốn làm nhà văn, không phải là kỹ sư viết sách."
" Nhưng con có gặp nhà văn nào chưa? Con có thấy nhà văn nào chưa?"
" Chưa hề. Chỉ nhìn ảnh thôi."
" Vậy sao con có thể muốn trở thành nhà văn khi chưa thực sự biết nhà văn là thế nào? "

Để trả lời câu hỏi của mẹ, tôi quyết định đi tìm tòi nghiên cứu. Và đây là những gì tôi tìm hiểu được về việc làm nhà văn là thế nào vào đầu thập niên 1960.

Nhà văn luôn luôn đeo kính và không bao giờ chải đầu. Một nửa thời gian ông cảm thấy tức giận về mọi chuyện, một nửa kia thì thấy buồn chán. Ông mất nhiều thời gian trong đời ở quán rượu, mải tranh cãi với những nhà văn tóc rối và đeo kính khác. Ông   nói những chuyện "thâm sâu". Lúc nào ông cũng có những ý tưởng làm kinh ngạc về tình tiết cuốn tiểu thuyết sắp viết của mình và ghét bỏ cuốn vừa mới in.
Nhà văn có bổn phận và nghĩa vụ không bao giờ để cho người cùng thế hệ thấu hiểu,  ông đoan chắc rằng, người như ông đã sinh ra trong một thời đại tầm thường, ông tin tưởng được thấu hiểu là mất đi cơ hội để được coi như là thiên tài. Nhà văn xem lại, và viết lại một câu cả ngàn lần. Vốn từ vựng của một người trung bình bao gồm 3000 từ, một nhà văn thực thụ không bao giờ dùng từ nào trong số đó, vì còn tới 189 000 từ khác nữa trong từ điển, và ông không phải là người trung bình.
Chỉ những nhà văn khác mới hiểu được những gì mà nhà văn cố diễn đạt. Dù vậy, ông cũng ghét tất cả nhà văn khác, bởi vì hết thảy họ đều mưu mô tranh giành mấy chỗ trống mà văn học sử qua nhiều thế kỷ để lại. Và vì thế mà nhà văn với những người đại loại như thế phải ganh đua tranh giải thưởng " cuốn sách rắc rối nhất ", cuốn nào đạt giải sẽ là cuốn thành công trong việc trở nên khó đọc nhất.
Nhà văn hiểu về những thứ mang những cái tên gây hoang mang, như là ký hiệu học, nhận thức luận, tân cụ thể luận. Khi ông muốn làm ai đấy kinh sợ, ông sẽ nói những điều như là: " Einstein là một người điên", hoặc " Tolstoy là anh hề của tầng lớp tư sản." Mọi người đều thấy bị xúc phạm, tuy nhiên họ sẽ không đi nói với người khác rằng thuyết tương đối là nhảm nhí, hay Tolstoy là người bảo vệ tầng lớp quý tộc Nga.
Khi muốn quyến rũ một phụ nữ, nhà văn sẽ nói: " Tôi là nhà văn" và viết nguệch ngoạc một bài thơ trên khăn bàn ăn. Làm như thế lúc nào cũng chắc ăn.
Phô bày kiến thức rộng rãi của mình, nhà văn có thể hoạt động như một nhà phê bình văn học. Với vai trò này, ông có thể tỏ ra độ lượng khi viết về tác phẩm của bằng hữu. Phân nửa những bài phê bình như thế được lấy từ trích dẫn các tác giả nước ngoài, phân nửa kia là phân tích câu cú, luôn luôn dùng những thuật ngữ như " lát cắt nhận thức luận", hay " một cách nhìn cuộc đời hai chiều được hợp nhất lại". Bất cứ ai đọc bài phê bình này cũng sẽ nói: " Thật là một con người học cao biết rộng!" Nhưng họ sẽ không mua sách vì sợ sẽ không biết đọc làm sao khi lát cắt nhận thức luận xuất hiện.
Khi được mời phát biểu về cuốn sách đang đọc, nhà văn luôn nêu tên cuốn sách mà không ai nghe tới bao giờ.
Chỉ có một cuốn sách gợi lên sự khâm phục thống nhất cho nhà văn và những người đại loại như thế: cuốn Ulysse của James Joyce. Không có nhà văn nào phát biểu bất lợi về tác phẩm này nhưng khi có ai hỏi sách viết về vấn đề gì, thì ông không giải thích được, gây nên sự nghi ngờ rằng không biết ông ta đã đọc sách này chưa.

Trang bị tất cả thông tin này, tôi trở về giải thích cho mẹ chính xác nhà văn là thế nào. Mẹ tôi hơi ngạc nhiên.
" Vậy làm kỹ sư vẫn dễ hơn con ạ. Hơn nữa, con có đeo kính đâu!"




THÂN TRỌNG SƠN
 giới thiệu và dịch

( Trích tuyển tập  LIKE THE FLOWING RIVER -
Nguyên tác tiếng Bồ Đào Nha, bản tiếng Anh của Margaret Jull Costa.
NXB Madison Park Press, New York, 2006 ) 




mardi 7 novembre 2017

NGƯỜI THÍCH ĐÙA



Truyện ngắn

Robert Arthur, Jr.
Nhà văn Hoa Kỳ
(1909-1969)

Robert Arthur, Jr. sinh năm 1909, tại Philippines, nơi cha của ông, sĩ quan quân lực Hoa Kỳ, đóng quân. Tuổi thơ của ông cũng theo chân cha nay đây mai đó, có điều là ông không nối nghiệp cha ( dù đã được nhận vào trường West Point ), mà chọn học ngành văn chương.
Tốt nghiệp năm 1930, ông đi làm biên tập viên cho các báo, rồi trở về học tiếp để hoàn tất bằng M.A. ngành báo chí.
Ông chuyển đến sống tại New York City và bắt đầu viết truyện ngắn, hầu hết đăng ở các tạp chí giật gân, chuyên khai thác chuyện ly kỳ, bí mật, trinh thám, đại loại như Wonder Stories, Detective Fiction Weekly, Mystery, The Illustrated Detective Magazine...

Ông lại tiếp tục học đại học, lần này chuyên ngành viết truyện truyền thanh, và sáng tác cho chương trình Mystery Time của đài phát thanh.
Đến 1959, ông chuyển đến Hollywood và viết kịch bản truyền hình. Ông cộng tác với các chương trình  Alfred Hitchcock's TV show và Alfred Hitchcock Presents của nhà đạo diễn lừng danh với thể loại phim kinh dị.
Ngoài ra, ông còn viết loạt truyện trinh thám dưới tên chung là The Three Investigators, xuất bản liên tục được 10 cuốn, rất nổi tiếng.

Truyện ngắn giới thiệu dưới đây nguyên là kịch bản truyền hình trong chương trình Alfred Hitchcock Presents, đã được phát vào ngày 19/10/1958. Sau này, truyện được  Alfred Hitchcock in, cùng với truyện của các tác giả khác, trong cuốn " Stories They Wouldn't Let Me Do On TV" .



Ý tưởng do nơi Bradley. Cả buổi tối buồn thiu, đám phóng viên phụ trách chuyên mục hình sự của các nhật báo đang tụ họp lại trong gian phòng nhỏ bẩn thỉu của trụ sở cảnh sát; Bradley, của tờ Tin nhanh, tỏ ra chán trò đánh bài tay ba, và cứ ngóng xem có chuyện gì xảy ra không.

"Tôi có ý này, anh vừa ném mấy quân bài vừa nói, ta sẽ chơi già Pop một vố."
Pop Henderson là nhân viên trực đêm của nhà xác, dưới hầm toà nhà này. Lão đã qua ngưỡng bảy mươi, hoạt động chậm chạp, trí óc còn chậm chạp hơn. Cơ quan thành phố muốn cho lão nghỉ hưu mấy năm nay rồi, nhưng do lão còn nặng gánh gia đình, có chuyện bà vợ đau ốm nữa, và nghỉ hưu rồi cũng chẳng làm gì hơn được. Vả lại, công việc của lão cũng không nặng nhọc gì cho nên cấp trên lơ đi chuyện tuổi tác mà để lão cứ tiếp tục. 

" Chơi kiểu gì đây?", Furness, chàng trai cao gầy, phụ trách mục tội phạm của tờ Kỷ lục, lên tiếng hỏi, Bradley giải thích và Furness lắc đầu:
" Tôi không thích chuyện đó, già Pop không còn lanh lợi nữa, để yên cho lão đi!"

Nhưng can ngăn Bradley không phải là chuyện dễ. Anh là người mà đùa dai đã thành cố tật, nổi tiếng với những trò đùa độc đáo. Với anh ta, điều quan trọng là trò đùa, đối tượng là ai chẳng cần biết.

Anh cứ khẩn khoản, rốt cuộc thì Furness cũng nhượng bộ vì không thích tranh luận. Morgan, thuộc tờ Sự kiện, có uống một hai ly rồi, tỏ ra dễ dãi thôi. Cả ba cùng nhau đi xuống tận căn phòng âm u, nơi già Pop Henderden, ngồi ở cái bàn nhỏ xíu, chờ hết giờ làm việc. Lão không bao giờ đọc sách báo gì vì mắt cận thị nặng. Lão cũng chẳng nghe đài. Lão đang ngồi đấy, chờ đến hết giờ.

Dọc theo một trong những bức tường gian phòng chính là hai mươi ngăn nhỏ, khoảng bốn lăm trên sáu mươi centimet, vừa đủ rộng để nhét vào một người lớn to xác, miễn là anh ta đừng có cao hứng xoay người. Mà thực ra không ai nằm trong đó lại có ý nghĩ như thế. Những ngăn này đều được làm lạnh, giữ ở nhiệt độ dưới 0 độ, và bởi vì đây là thành phố lớn luôn có cả một đội ngũ những nạn nhân tai nạn và những thi thể chưa được nhận dạng nên hầu hết các ngăn thường có người chiếm chỗ.

" Ông Pop, Bradley nói, chúng tôi muốn kiểm tra số 11. Chúng tôi mới có nguồn tin rằng có thể đây là ông chủ nhà băng ở Nữu Ước bị mất tích."
" Số 11 à?"
Pop chậm rãi đứng dậy, đưa mấy người này đi theo dãy các ngăn hộc, lão đẩy cái then cửa nơi có ghi số 11 và kéo cái khay có thanh trượt ra.  Nằm trên đó là một hình hài phủ tấm drap. Bradley lật tấm drap ra và làm bộ xem kỹ khuôn mặt.

" Trông giống ông ta lắm, Bradley gật đầu nói.  Đúng thế, phù hợp với mô tả. Ông vui lòng đi lấy phiếu của người này đi.".
" Vâng ạ, ông Bradley."

Người gác đêm quay trở lại và đi ra xa với bước đi nặng nhọc. Bradley nheo mắt về phía Furness đang đi theo ông Hendersen về văn phòng. Khi lão đã đi khuất tầm nhìn, Bradley và Morgan, lúc này vẫn còn say, bắt đầu chuẩn bị trò đùa.
Furness, muốn cầm chân già Pop tại văn phòng, giả bộ chăm chú nghiên cứu phiếu chuyển vào của số 11, cho đến lúc Morgan đi tới.

" Thôi ông khỏi mất công tìm, ông Pop, anh ta cố nén cười và nói. Tôi nghĩ là chúng tôi đã lầm. Ông có thể cho số 11 vào chỗ cũ. Nào, Furness, ta đi lên thôi, và chơi thêm vài ván."

Hai chàng nhà báo rút lui, và đi đến cuối hành lang thì đứng đợi. Pop cẩn thận, kiên nhẫn, sắp xếp lại mớ giấy tờ trong bộ hồ sơ. Sau đó, cũng với động tác chậm rãi, không vội vã gì, như người luôn cứ chờ đợi - điều lão quen làm do công việc - lão lê gót trở lại phòng nhà xác, tiến tới ngăn để mở, cái khay đã kéo ra, và hình hài phủ tấm drap.

Lão chỉ còn cách bốn mét thì cái drap động đậy. Một tiếng làu nhàu như diễn kịch phát ra, rồi cái hình nhân phủ drap đó ngồi dậy từ từ, tấm vải trắng rớt xuống từ khuôn mặt mà vùng tranh tối tranh sáng và cặp mắt cận thị của ông già không thể nhận ra là mặt của Bradley.

" Tôi ở đâu thế này? Chàng phóng viên hỏi, giọng khàn khàn. Các người đã làm gì tôi thế?"

Pop Hendersen ngập ngừng dừng lại, Bradley giơ cánh tay bọc xoắn trong chiếc drap và chìa về phía ông già vẻ đe doạ.

" Ông! anh nói giọng ê a, ông đã làm gì tôi? Ông định giết tôi!... ". 

Trò đùa rất là thô thiển, giống như những trò khác của Bradley. Nhưng anh ta chỉ nhằm gây cảm giác đối với một ông già đầu óc đã kém minh mẫn do tuổi tác. Theo anh ta thì hiệu quả hoàn toàn như ý.  Trong một lát, Pop Hendersen đứng yên tại chỗ, sửng sốt, nghẹt thở. Sau đó, lão quay ngoắt lại tháo chạy, cố kéo đôi chân lẹ làng hơn bất cứ lúc nào từ hai mươi năm nay và vội tiến tới cầu thang.

" Ơn Trời! Ông ấy còn sống! lão la to chói tai. Ông ấy còn sống! Ông ấy tỉnh lại! Đội trưởng, đội trưởng Roberts! Ông đến đây ngay đi! Một trong những tử thi đã tỉnh lại!"

Lão thở hổn hển, đi ngang chỗ Furness và Morgan, bước lên cầu thang đi kiếm đội trưởng trực. Bradley cố nén tiếng cười từng hồi, nhảy xuống dưới chiếc khay ở ngăn số 11, ném vào trong chiếc drap phủ người và  đóng sập cửa lại.

Anh cười rúc rích: " Nào, mấy ông tướng", rồi bật cười to khi gặp các bạn. "Nhanh lên, ta lên cầu thang bên kia, trước khi đội trưởng đi xuống. Từ khi bị loét bao tử, chẳng có người nào rầu rĩ làm mất vui hơn ông ta đâu, và ông ta sẽ nổi cáu đấy! "

Ba người đã trở lại phòng báo chí lúc nghe thấy trong hành lang tiếng bước chân của người canh nhà xác và viên đội trưởng. Già Pop vẫn còn càu nhàu, giọng rời rạc:

" Ông ta đã ngồi dậy, đội trưởng à... Tôi nói là ông ta đã ngồi dậy, ông nhìn tôi, và ông..."

Không nghe giọng ai nói nữa khi họ cùng bước xuống cầu thang đi tới nhà xác. Bradley ngửa người trên ghế, cười rũ rượi. Morgan cười rúc rích, rồi luống cuống, im bặt. Furness, vẫn còn tự giận mình vì đã chấp nhận phụ giúp hai người kia, châm điếu thuốc rồi giụi tắt ngay.

Ba phút sau, viên đội trưởng mập mạp trở lại, dọc theo hành lang. Ông dừng lại bên ngoài gian phòng, ném về phía họ tia nhìn nhanh như chớp.

" Lại trò đùa dai, ông càu nhàu. Chả khác mấy tay hề rạp hát!"

Và rồi, ông cũng biết ông có thể đi tới đâu và cái giới hạn không nên vượt qua nếu trút cơn giận lên đám nhà báo, ông bèn nện gót giày trở lại phòng làm việc.

" Các cậu đã thấy khuôn mặt ông đội trưởng! Bradley nấc lên, cười vặn cả người lên như vẫn thường làm mỗi lần diễn trò. Ông ta đau đớn chẳng khác con lạc đà bị chém vào lưng. Ông ta... nhưng mà này, các cậu có chuyện gì thế?" Anh ta ngừng lại hỏi, vì thấy Furness  và Morgan không theo dõi lời mình nói. Các cậu không còn vui cười khi có trò đùa nữa à?"

" Tôi ra ngoài đây, Furness nói trống không, anh đưa tay ra lấy cái mũ. Nếu có ai gọi đến, bảo là tôi đang xác minh một chuyện."  

Anh đi ra.
" Lại một tên làm mất vui!" Bradley càu nhàu.
Morgan nhún vai, có vẻ đã tỉnh rượu.
" Dầu sao, có vẻ như ý tưởng chưa hay lắm. Tôi ra ngoài kiếm vội chút gì lót lòng, rồi về nhà luôn. Báo đang lên khuôn rồi."

Rồi anh ta cũng bỏ đi. Bradley nhăn mặt, rồi lấy ra điếu xì gà, cắn vào đầu và nhả ra trên sàn.

" Tôi ghét nhất những tên xem thường những trò đùa", anh lầm bầm.

Anh ta đang châm điếu xì gà thì Pop Hendersen lê gót đi tới, ngừng ngoài cửa và nhìn vào trong phòng.

" Cũng chẳng có gì quan trọng đâu, ông Bradley ạ, lão nói mà chẳng lên án anh ta, cũng không cao giọng hơn bình thường. Tôi bị một vố đau, nhưng tôi không phiền hà gì. Có điều là, ông thấy đó, tôi sẽ gặp rắc rối với đội trưởng Roberts. Ông ta không ngừng phàn nàn tôi, ông nổi cáu vì tôi bất ngờ kéo ông vào chuyện.
Ông đi với tôi xuống hầm và thấy các tử thi vẫn nằm yên chỗ. Ông bảo là tôi bị ảo giác. Nhưng khi tôi nói là nhóm nhà báo các ông vừa ghé qua đây, ông ta hiểu ngay rằng đây là trò đùa của các ông." 

Pop ngừng một lát để lấy hơi, mắt nhìn Bradley, nhưng không chút oán giận. Bradley chậm rãi châm thuốc. 
" Ông ta nói nếu tôi còn nhầm lẫn như vậy thêm một lần nữa, ông ta sẽ làm việc phải làm, tức là cho tôi về, như đáng lẽ tôi phải chịu từ nhiều năm nay rồi. Mà tôi thì không muốn về, tôi cần tiền. Vậy đó, ông Bradley, ông làm ơn đừng đùa nữa!"

Lão vẫn đứng ngay tại chỗ một lúc nữa, rồi bỏ đi, dáng nặng nhọc. Dave Bradley nhún vai, nhả vòng khói tròn, và cầm lấy điện thoại.

" Báo Tin nhanh phải không ạ? Thư ký toà soạn đấy à? Tôi, Bradley đây. Chẳng có gì sốt dẻo ở đây cả . Báo đang lên khuôn sao? Tốt. Tôi về nhà đây. Từ giờ đến sáng mai, đừng đợi tôi."

Anh gác máy, thở vòng khói tròn nữa, rồi đi ra.
Bên ngoài, trời lạnh và tối, anh do dự. Tâm trạng anh lúc này chuyển sang khó chịu, bởi điều thiết yếu đối với anh, hơn cả rượu hay phụ nữ, là được vui, được cười, được bày trò. Uống chút gì đã, anh quyết định, nhưng không muốn đến nơi nào có thể gặp Furness và Morgan . Anh chọn một quán rượu nhỏ ở khu bến tàu, nơi không có cánh nhà báo lai vãng.

Quán chật và dơ, nhưng uống rượu vào cũng ấm người. Sau ly thứ ba, anh thấy vui trở lại. Lại thấy linh hoạt. Thêm một ly nữa, niềm vui bừng bừng trong người như thường lệ. Anh bắt đầu suy nghĩ một trò mới. Một buổi tối còn có ý nghĩa gì nếu không có trò đùa, không có trận cười ngả nghiêng, không có bầu bạn cùng góp vui? Chán cho hai tay Furness và Morgan. Những tên rầu rĩ mất vui!

Anh liếc nhìn quanh. Đã khuya lắm, hai giờ sáng. Quán đã vắng khách. Chỉ còn mình anh, chủ quán và một người nhỏ bé, gầy còm, chân gác lên thanh chắn đồng, đang uống bia. Nhìn bên ngoài thì có vẻ chủ quán cũng biết cười đùa, còn anh chàng nhỏ thó kia rồi cũng thế thôi, cái ngữ chỉ còn da bọc xương thế kia thì còn làm gì khác được.

Bradley vừa cười khẽ vừa cúi xuống cột giây giày.  Với bàn tay lanh lẹ, anh nhét một que diêm giữa đế giày và thân giày anh chàng bé nhỏ đang ngồi uống kia. Anh châm que diêm rồi đứng dậy, gọi thêm một ly rượu nữa.

Anh nháy mắt cho chủ quán khi người này rót rượu. Rồi anh hất đầu về phía khách hàng:
" Rồi anh xem!", anh thì thầm.

Chủ quán không hiểu gì, mở to mắt. Bradley, miệng toe toét, cố nén khỏi cười to. Người khách nhỏ thó bỗng hét lên, nhảy lò cò về phía sau, rồi lấy tay dập mạnh lên que diêm đang cháy.
Bradley để cho tiếng cười lan toả, tìm sự hưởng ứng nơi chủ quán. Người nhỏ thó đặt chân xuống đất, làu bàu mấy tiếng rồi quay về phía nhà báo: 

" Thằng ... " y nói ngắn gọn, không buồn tiếp cho hết câu. Sau đó y đấm.
Cú đấm trúng ngay vào miệng Bradley khi anh quay đầu lại, khiến môi anh va mạnh vào răng. Anh lảo đảo, không bám được vào các thanh chắn, ngã lăn cả người, cổ đụng kêu thật to vào thanh ngang bằng đồng ở quầy rượu. Anh chỉ còn đủ thời gian để cảm thấy tiếng kêu rắc đáng sợ ở đâu đó trên sọ và thấy ánh sáng tắt hết.

Người nhỏ thó đưa mắt khinh bỉ nhìn anh.  
" Tên khốn kiếp. Muốn đốt chân tao. Đụng đến tao, Kid Wilkins hả!"

Chủ quán  đi lắc lư ngang qua quầy rượu, chùi tay trên chiếc tạp dề dơ bẩn.

" Chú mày đánh mạnh quá đó, Kid, ông thì thầm, mắt giương to. Hắn ta yên lặng lắm  rồi đây này."

" Có gì đâu! Cú đấm thẳng từ bên trái vào ngay mồm, anh chàng càu nhàu, đủ để bay một, hai cái răng thôi mà.  Lần tới, y sẽ suy nghĩ trước khi bày trò kiểu đó."
" Cái đầu anh ta, chủ quán nói, vẻ lo lắng, nó nghẹo kỳ khôi lắm. Chú mày có nghĩ là..."

Ông ngồi xổm xuống, không nói hết câu. Ông tìm mạch của Bradley và luồn tay dưới áo sơ mi. Thế rồi, khuôn mặt hồng hào của ông bỗng trở nên xám xịt, ông liền đứng dậy, nói giọng khàn khàn:

" Hắn chết rồi. Chết như con cá trích đông lạnh."
" Chết à?" Chàng nhỏ thó vuốt nhanh tay lên môi." Mẹ kiếp! Chỉ là tai nạn thôi! Tôi đâu có nện mạnh lắm khiến hắn ta đau. Tai nạn thôi, ông hiểu chứ?"
" Tất nhiên, tất nhiên rồi. Kid, một tai nạn."

Chủ quán bước thật lẹ đến cửa, vặn chìa khoá, hạ tấm rèm xuống như thể quán đóng cửa nghỉ và tắt tất cả đèn bên ngoài. Sau đó ông tới gần Bradley.

" Rầy rà rồi đó Kid, ông thì thầm, tay lục các túi quần Bradley. Không có cái xác chết trong nhà tao cũng đã đủ chuyện cãi cọ với bọn cớm, còn chú mày, mày đã có hai tiền án vì gây thương tích."
" Được thôi, được thôi, Kid Wilkins nói lạnh lùng, tôi dân máu lạnh và biết sử dụng nắm đấm. Dẫu sao, cũng có chuyện rồi. Giờ ta phải làm gì đây?"

Chủ quán vội xem xét những thứ trong chiếc ví ông lấy ra từ túi Bradley. 
" Này Kid, ông nói, không chỉ là chuyện phiền toái đâu. Rắc rối to đấy. Tay này là phóng viên báo Tin nhanh. Thứ tệ hại chẳng kém bọn cớm đâu."
" Phóng viên sao? Kid Wilkins cay đắng nói. Vậy sao y lại đốt chân tôi, sao tôi lại đấm vào mặt y, sao tôi lại làm y gãy cổ! Tại sao vậy? Nói cho tôi biết đi! Tại sao?"

" Đừng hỏi tại sao. Tao có ý này. Đem hắn ra khỏi đây. Quẳng nó đằng kia, trên bến tàu. Làm sao cho có vẻ là nó bị đấm vào mõm... hoặc là vì quá say nên nó bị té."
" Vâng, vâng, và tạm biệt!" chàng nhỏ thó vui ra mặt. " Sáu giờ tàu của tôi đã nhổ neo, tôi không bao giờ trở lại bến cảng này, thế thôi. Nếu người ta lần theo dấu vết tìm tới đây, hắn đã say khi ra về, và ông chẳng biết gì."
" Đúng vậy. Bây giờ chú mày đến đây. Ta phải lấy hết các thứ trên người hắn. Như vậy họ sẽ mất nhiều thời gian hơn để xác minh lai lịch. Cuộc điều tra sẽ kéo dài. Sau đó, ta sẽ lôi hắn ra tận bến tàu.

Ônh nhanh nhẹn lục hết các túi của Dave Bradley, chuyển hết các thứ vào túi mình, rồi tắt hết đèn và mở cánh cửa sau trông ra con đường mòn tối tăm và tắc nghẽn. 

Một lát sau, hai người lặng lẽ đi ra, dìu Bradley hai bên như dìu một kẻ say rượu đi không vững, và cánh cửa khép lại.

Bradley bất chợt tỉnh lại, đúng ra là nửa tỉnh nửa mê, đủ để anh nhận ra là mình còn sống. Anh thử cựa quậy, nhưng toàn thân tê cóng và các cơ không chịu theo ý anh. Anh không cảm thấy chút đau đớn nào, chẳng có chút cảm giác nào. Cũng không thể biết đích xác đang ở tư thế ra sao, tuy là thấy như đau ở lưng. Một ý nghĩ mơ hồ chợt lướt qua tâm trí:

" Cái cổ, mình bị đụng mạnh vào cổ khi té xuống. Còn cột sống, ngày trước khi chơi đá bóng mình đã bị vẹo. Sau đó còn bị một lần nữa. Cũng giống lần trước, phải nằm suốt tháng, hầu như không động đậy. Nhưng cú này, tệ hại hơn. Đau hơn. Mình nghe tiếng gãy khi té xuống."

Sau đó, anh nghe có tiếng nói. Nghe nhỏ thôi, hình như từ rất xa vọng lại:
" O.K. Bây giờ là việc của ông. Anh ta được tìm thấy phía bên bến tàu. Nhìn mặt thì thấy anh bị đấm ngay vào mồm. Anh ta đã lạnh cóng khi bác sĩ nội trú tới gần, nằm dài ngoài trời vào đêm tối buốt giá thế này chẳng tốt chút nào. Bác sĩ trực không tìm thấy mạch, cũng không thấy tim đập.  Bởi thế bác sĩ chuyển đến cho ông. Hãy đặt anh ta nằm xuống và trông nom cẩn thận. Ngày mai sẽ giải phẫu tử thi."

Tiếng nói im hẳn. Bradley cảm thấy có người nhấc ông lên và di chuyển ông. Nghe có tiếng cạch nơi cổ, và bỗng nhiên ông mở mắt ra được, như thể dây thần kinh được ấn nhẹ vào.

Cho dù chỉ tỉnh táo chút đỉnh, khung cảnh chung quanh anh thấy rất quen, có thể nhận ra được.
" Pop, anh thì thầm, Pop Hendersen."
 Ông già chẳng để ý, cứ xoay chuyển tay chân của Bradley cho ngay ngắn. Bradley lại cố tiếp tục nỗ lực lần nữa.

" Pop, lần này nói to hơn một chút. Pop, tôi còn sống."

Ông lão canh nhà xác cúi người xuống, quay lại, nhíu mày. Bradley, cố hết sức, thử gọi lần nữa:
" Pop!"
Lần này nghe như tiếng quạ kêu. 
" Tôi đây mà, Dave Bradley đây. Tôi còn sống. Cho mời bác sĩ nhanh lên!"

Pop tỏ vẻ hoảng sợ. Ông cúi xuống sát Bradley, nhìn chăm chú.
" Ông Bradley, lão bàng hoàng nói. Mặt ông sưng phù như thế tôi không nhận ra được. Không ai nhận ra được."
" Ông đừng bận tâm điều đó. ( mỗi tiếng nói ra là một cố gắng vượt bực anh ta chưa hề phải làm như vậy ). Tôi còn sống. Hãy đưa tôi ra khỏi đây. Tìm cho tôi một bác sĩ."

Pop Hendersen do dự, bối rối, không quyết đoán được. Rồi lão cầm lấy chiếc drap mở ra. 
" Ông Bradley ạ, tôi nói với ông rồi, đừng đùa nữa. Tối nay đã một lần, vậy là đủ rồi."

Lão cẩn thận phủ tấm drap trên tấm thân nằm dài. 
" Đội trưởng Roberts sẽ không tha thứ cho tôi nếu tôi bị lừa một lần nữa, lão nghiêm khắc nói. Thôi, ông Bradley, một đêm không thể hai lần đâu!"

Rồi ông thong thả đẩy chiếc khay có rãnh trượt vào trong ngăn, đóng cửa lại, đánh số 12, và xoay cái nút bấm giữ cho cửa đóng chặt.

Sau đó, bước đi nặng nề, ông trở lại phòng làm việc, ngồi xuống, kiên nhẫn chờ đến giờ ra về.


THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu.
( Trích Alfred Hitchcock présente Histoires Abominables, 
coll. Livre de Poche Policier, nxb Robert Laffont, 1973 )





dimanche 29 octobre 2017

PHƯƠNG THUỐC






Truyện ngắn

Lu Xun (鲁迅)
LỖ TẤN ( 1881 - 1936 )





" Phương thuốc"   ( nguyên tác có tên là 药 Dược )  là truyện ngắn rất nổi tiếng của Lỗ Tấn, với nghệ thuật độc đáo, vừa hiện thực, vừa có nhiều hình tượng ẩn dụ sâu sắc, mở cho người đọc, tuỳ nhãn quan và kinh nghiệm, nhiều cách hiểu và cảm thụ khác nhau.

Phương thuốc ở đây là phương thuốc chữa bệnh lao bằng chiếc bánh bao tẩm máu người. Thật ghê rợn, lạc hậu và phản khoa học ( truyện viết năm 1919 ). Cũng giống như phương thuốc trị bệnh phù thủng của bố Lỗ Tấn ( rễ cây mía đã kinh sương ba năm, và đôi dế, con đực và con cái ). Hậu quả còn hơn tiền mất tật mang mà là tính mạng người bệnh. Không phải chỉ một gia đình tin vào phương thuốc lạ lùng đó mà còn có biết bao nhiêu người, xô nhào nhau để mong kiếm được.
Tập quán chữa bệnh phản khoa học đó là một trong những biểu hiện của tình trạng mê muội của nhân dân Trung Quốc trong xã hội cũ, kể cả u mê lạc hậu về chính trị nữa. Người tử tù, hẳn là một chiến sĩ cách mạng, bị mọi người cho là làm giặc, là điên, bị người thân tố cáo để được thưởng...
Tác giả đã cho hai người mẹ, mẹ của người bệnh và mẹ của tử tù, gặp nhau khi đi thăm mộ con nơi nghĩa địa phân biệt hai bên, dành cho người chết chém hoặc chết tù một bên, và bên kia dành cho người nghèo. Hai người hai tâm trạng, rồi cùng ngạc nhiên khi thấy có vòng hoa ai lén đặt trên mộ người tử tù. " Thế là thế nào? " không ai lý giải được. Và kết thúc là hình ảnh con chim quạ đen vụt bay thẳng về phía chân trời xa.

Phương thuốc nào để chữa được bệnh, bệnh y học và bệnh xã hội? Ý tứ tác giả chỉ nêu sự kiện ( tất nhiên có phê phán ) và mở ra hướng nhìn xa thế thôi.  
Cũng nên ghi nhận thêm là từ năm 2010, truyện Phương thuốc này đã được loại ra khỏi sách giáo khoa ngữ văn của Trung Quốc. ( theo 广州日报 Quảng châu nhật báo : 各地语文课本内容大改, 鲁迅作品接近消失 ( các vận ngữ văn khoá bản nội dung đại cải, Lỗ Tấn tiếp cận tác phẩm tiêu thất ). 

Dịch từ một bản dịch là điều " chẳng đặng đừng " vì luôn có nhiều rủi ro, nếu không dựa vào một nguồn có uy tín và được tin cậy.
Bản Việt dịch này lấy từ nguồn trang http://www.chinese-shortstories.com của Brigitte Duzan, nhà văn, nhà ngôn ngữ, dịch giả, tốt nghiệp trường luật và ngoại giao của Hoa Kỳ ( Fletcher School of Law and Diplomacy ), viện ngôn ngữ Luân Đôn của Anh ( Institute of Linguists ) và viện ngôn ngữ và văn hoá phương Đông của Pháp ( INALCO, Institut national des langues et civilisations orientales ). 
Trang web nêu trên, tuy lấy tên tiếng Anh, chuyên giới thiệu bằng tiếng Pháp truyện ngắn Trung Quốc hiện đại, với những chỉ dẫn về tác giả, tác phẩm và những chú thích cặn kẽ về từ vựng. 
Ngoài ra, Brigitte Duzan còn chủ trương một trang khác, chuyên về điện ảnh  ( http://chinesemovies.com.fr ).

Trong bản dịch dưới đây, xin được phép chuyển một đôi chữ để hợp với tiếng Việt, petit pain dịch là bánh bao, chẳng hạn. 








Một đêm thu, lúc tờ mờ sáng, trăng đã lặn nhưng mặt trời chưa lên, chỉ một dải trời xanh thẫm, mọi thứ đều ngủ yên, trừ vài con vật ăn đêm. Lão Hoa Thuyên bất chợt ngồi dậy trên giường, bật que diêm, châm ngọn đèn bê bết dầu, ánh đèn xanh nhạt sáng khắp hai gian quán trà.
" Ông đi đấy à? ", tiếng một người đàn bà đã có tuổi. Ở căn phòng nhỏ bên cạnh nổi lên một cơn ho.
" Ừ..." Lão Thuyên đáp, vừa lắng tai nghe, vừa cài nút áo, rồi, chìa tay ra, nói tiếp: 
" Đưa đây tôi! "

Bà Hoa mò dưới cái gối một lát, lấy ra một gói bạc đồng đưa cho chồng. Lão cầm lấy bỏ vào túi, tay run run vuốt hai lần phía ngoài túi, rồi thắp cái đèn lồng, thổi tắt ngọn đèn dầu, đi về phía giữa phòng. Bên trong có tiếng sột soạt, chợt ngắt quãng bởi một cơn ho dữ dội. Lão Thuyên chờ cơn ho dịu lại mới khẽ nói: " Thuyên à, con khỏi phải dậy...  Cửa hàng, đã có mẹ con lo".

Không nghe con trả lời, lão nghĩ là nó đã ngủ yên lại rồi nên đi ra. Trời vẫn còn tối đen, đường sá vắng lặng. Chỉ trông thấy được mặt đường xam xám. Chiếc đèn lồng chiếu vào trước và sau chân lão. Thỉnh thoảng gặp vài con chó, nhưng chẳng có con nào buồn sủa. Trời lạnh hơn trong nhà nhiều nhưng lão cảm thấy mát mẻ, sảng khoái như bỗng dưng mình trẻ lại và ai cho phép thần thông cải tử hoàn sinh, lão sãi bước dài. Trời cũng sáng dần, càng lúc càng nhìn rõ đường hơn.

Đang chăm chú đi, lão bỗng giật mình, xa xa thấy ngã ba đường hiện rõ. Lão bước lui vài bước ngập ngừng, đến ẩn mình dưới mái hiên một cửa hiệu còn đóng kín mít, đứng tựa cửa. Một lúc sau, lão chợt thấy lạnh. 
 " Kìa, một ông già."
" Ông có vẻ hài lòng..."

Lão lại giật mình, trố mắt nhìn, có mấy người đi ngang qua. Một người trong bọn quay đầu lui phía lão, lão không trông rõ mặt, nhưng từ đôi mắt toát ra vẻ thèm thuồng, như người đói đã lâu nay thấy thức ăn. Lão nhìn chiếc đèn lồng, đèn đã tắt. Lão sờ vào túi, cái gói cồm cộm vẫn còn đó. Lão ngước đầu nhìn xung quanh và thấy đám đông người kỳ dị từng nhóm hai, ba người một đi đi lại lại như những bóng ma, tuy nhiên, nhìn kỹ lại thì không thấy gì quái lạ nữa cả.

Một lát sau, lại thấy mấy người lính từ xa đi tới, lão thấy rõ miếng vải tròn trắng trên lưng và trên vạt trước áo đồng phục, khi họ đi ngang qua, lão nhìn thấy cả đường viền màu đỏ thẫm thêu vào áo. Tiếng chân bước ào ào, trong nháy mắt, cả nhóm người tụm lại, những người đi theo nhóm hai ba người lúc nãy cũng dồn lại thành khối, rồi tất cả xô nhào tới như cơn sóng, khi sắp tới chỗ ngã ba thì dừng lại, vây thành nửa vòng tròn.

Lão Thuyên cố nhìn, nhưng chỉ thấy lưng của đám người đang hết sức giương cổ lên, như những con vịt bị bàn tay vô hình nào nắm lấy cổ xách lên. Yên lặng được một lát, rồi như có tiếng nổ, đám đông xô đẩy nhau, ồn ào lùi lại phía sau, rồi tản ra ngay chỗ lão đứng, suýt chen ngã lão.

" Này! Đưa tiền đây rồi cầm lấy hàng này", một người mặc toàn đồ đen đứng ngay trước mặt lão nói. Lão co rúm người lại, cảm thấy đôi mắt gã kia xoáy vào người như những lưỡi dao găm. Hắn chìa một bàn tay to lớn ra, tay kia cầm một chiếc bánh bao nhúng vào một thứ nước đỏ tươi nhỏ từng giọt xuống đất.

Lão Thuyên vội nắm lấy tiền định đưa cho hắn, nhưng không dám cầm thứ hắn đang nắm trong tay. Gã kia nổi cáu, nói to: " Sợ cái gì? Sao không cầm lấy?" Thấy Lão Thuyên vẫn do dự, hắn giật lấy cái đèn lồng, xé mảnh giấy lấy gói cái bánh và ấn vào tay lão, rồi  chộp lấy bạc, nắn nắn và quay gót bỏ đi, miệng càu nhàu: " Cái lão già này!" 

Lão Thuyên có cảm tưởng như nghe có ai hỏi:" Để chữa bệnh gì đấy?" nhưng lão không trả lời, tâm trí lão chỉ chú ý tới cái gói đang cầm, như nhà mười đời độc đinh nâng niu đứa con, không nghĩ chuyện gì khác. Hiện lão đang đem mầm sống mới trong tay về cấy trong gia đình lão, và chờ đợi hạnh phúc vô biên nó hứa hẹn mang lại. Mặt trời đã mọc, soi rõ con đường lớn dẫn thẳng đến nhà lão, và chiếu sáng luôn, sau lưng lão, nơi ngã ba, cái bảng mục nát trên có ghi mấy chữ thếp vàng đã nhạt màu: " Cổ ... đình khẩu " (1)


2.   

Khi lão Thuyên về tới nhà, quán trà đã được quét dọn, sắp xếp, các dãy bàn sạch bóng xếp đặt ngăn nắp. Nhưng quán không có khách, chỉ có thằng nhỏ Thuyên đang ngồi ăn nơi dãy bàn giữa, mồ hôi nhễ nhại trên trán nhỏ giọt, chiếc áo kép dính vào lưng, làm hai xương bả vai gồ lên thành hình chữ V lộn ngược in nổi (2). Thấy con như vậy, lão không khỏi chau mày. Vợ lão từ dưới bếp chạy ra, nhìn lão chằm chặp, đôi môi run run.
" Ông có đấy chưa?"    
" Có rồi."

Hai người cùng đi vào bếp, bàn bạc một hồi. Bà Hoa đi ra, một lát cầm về một lá sen khô, trải lên mặt bàn. Lão mở mảnh giấy từ chiếc đèn lồng, lấy chiếc bánh bao đỏ ra, bọc trong lá sen. Thằng Thuyên vừa ăn xong, mẹ nó vội nói: " Thuyên, con cứ ngồi đó, đừng vào trong này."

Lão Thuyên thổi lửa trong bếp, rồi  cho vào bếp cái gói lá xanh và mảnh giấy trắng đỏ xé từ lồng đèn: một ngọn lửa đỏ sẫm bốc lên, và một mùi thơm quái lạ tràn ngập cả quán trà.
" Thơm quá nhỉ! Các bác đang ăn gì đấy?"  Đó là cậu Năm Gù vừa mới tới. Ngày nào cậu cũng ghé lại quán trà, sáng đến đầu tiên, chiều về cuối cùng. Vào ngay lúc này, cậu vừa đi bước thấp bước cao đến cái bàn kê ở góc, phía đường cái, ngồi xuống rồi lên tiếng hỏi. Nhưng không ai trả lời.
"  Cơm chiên đấy à?" Vẫn không ai trả lời. Lão Thuyên vội đi ra pha trà cho cậu.

" Thuyên ơi! Vào đây con! " 
Bà Hoa cao giọng gọi con từ phòng bên kia, bà đặt chiếc ghế đẩu ngay giữa nhà cho con ngồi, mang cái dĩa nhỏ lại, trên dĩa có vật gì tròn tròn, đen như than, bà nhỏ nhẹ nói với con: " Ăn đi con... Tốt cho con lắm đó!"

Thằng Thuyên cầm lấy vật đen thui đó, nhìn kỹ một lúc, có cảm giác lạ lùng không sao nói được, như đang cầm mạng sống của mình trong tay. Nó cẩn thận bẻ ra, và từ bên dưới lớp vỏ cháy sém bốc lên một làn khói trắng, khi làn hơi tan đi, lộ ra hai nửa của chiếc bánh bao làm bằng bột mì trắng. Hắn nuốt trọn ngay vào bụng, chẳng còn nhớ mùi vị thế nào, trước mặt chỉ còn cái dĩa trống trơn. Cạnh nó, bà mẹ đứng một bên, cha nó đứng một bên, đưa mắt nhìn nó như thể muốn rót vào người con một cái gì, đồng thời cũng muốn lấy ra một cái gì. Tim nó đập mạnh, nó không sao ngăn được, tay đè lên ngực, và lại nổi cơn ho.
" Ráng ngủ một lát con, sẽ đỡ hơn đấy!" 

Thuyên nghe lời mẹ, đi ngủ, nhưng vẫn còn ho. Bà Hoa đợi nghe tiếng thở đều mới nhẹ nhàng lấy cái mền vá chằng chịt đắp cho con.


3.

Quán trà rất đông khách, Lão Thuyên bận rộn, tay xách cái ấm đồng đi rót trà cho khách, hai mắt lão thâm quầng. 
"  Bác Thuyên, bác có gì không ổn sao? Hay là bệnh rồi?", một ông râu hoa râm nói.
" Có sao đâu."
" Không sao à?... Mà trông rạng rỡ thế kia, chắc là không phải..." Ông râu hoa râm bỏ lửng câu nói.

" Chỉ tại ông ta bận rộn quá đấy thôi. Giá mà thằng con... " cậu Năm Gù cũng chưa nói hết câu thì một người có khuôn mặt khó coi đâm sầm vào, hắn mặc chiếc áo vải thô đen, hở ngực, thắt lưng đen cẩu thả quấn ngang người. Vừa bước vào khỏi cửa, hắn đã nói lớn với Lão Thuyên:" Nó ăn chưa? Đỡ rồi chứ? Ông Thuyên, may phúc cho nhà ông đó! May phúc thật đó, nếu tôi không khôn khéo biết được tin..."

Một tay xách ấm trà, Lão Thuyên đứng yên vẻ cung kính, cười thật tươi đón nhận những lời kia. Mọi người ngồi trong quán cũng chăm chú nghe có vẻ kính trọng. Bà Hoa, mắt cũng thâm quầng, nhưng mặt tươi rói, đem đến một cái tách, bỏ vào mấy lá trà và thêm một quả trám, Lão Thuyên chế nước sôi vào.

" Hiệu quả bảo đảm đấy! Đâu phải như các thứ khác. Ông cứ nghĩ coi, đem về còn nóng hổi, ăn ngay tức thì." người có khuôn mặt khó coi vẫn cứ oang oang.
Bà Hoa hết lời cám ơn hắn. " Đúng vậy đấy, nếu bác Khang đây không giúp thì làm sao chúng tôi có thể..."
" Ăn ngay khi còn nóng hổi như thế, cam đoan thế nào cũng khỏi, thế nào cũng khỏi. Bánh bao tẩm máu người như vậy, bệnh lao gì cũng khỏi! "

Nghe nhắc đến " lao ", Bà Hoa hơi tái mặt, như bất chợt không được vui, nhưng  cũng gượng cười, rồi xin lỗi, bỏ đi. Tuy nhiên, ông Khang đó vẫn không để ý, cứ tiếp tục cao giọng huyên thuyên, phòng bên cạnh, thằng Thuyên đang nằm ngủ phải ho lên như phụ hoạ theo.

" Phải nói là thằng Thuyên nhà ông may phúc thật. Hắn sẽ khỏi hẳn, chắc chắn rồi, thảo nào ông cười tươi thế.", người có râu hoa râm vừa nói vừa đi tới gần ông Khang và hạ thấp giọng hỏi:" Tôi nghe nói tên tội phạm mới bị xử hôm nay là con nhà họ Hạ, nhưng là đứa nào? Và chính xác là tội gì?"

" Đứa nào à? Thì con trai mụ Tư Hạ chứ còn ai, cái thằng vô lại đó."

Thấy mọi người chăm chú lắng nghe mình, ông Khang ưỡn ngực, mặt thoả mãn phị ra, lớn tiếng nói: " Cái thằng vô tích sự đó không muốn sống nữa, thế thôi. Trong vụ này, tôi chẳng lợi lộc gì, ngay bộ áo quần hắn mặc cũng rơi vào tay viên quản lao rồi. Người may mắn nhất ở đây là lão Thuyên, người thứ hai là cụ Hạ, cụ ẵm trọn khoản tiền thưởng, hai mươi lăm lạng bạc trắng như tuyết, một mình hưởng trọn, chẳng phải chia cho ai một xu."

Thằng Thuyên từ phòng bên cạnh từ từ bước ra, hai tay khoanh trước ngực, ho lấy ho để. Nó đi tới gần bếp, lấy một bát cơm nguội, chan nước nóng vào và ngồi xuống ăn.  Bà Hoa theo dõi nó, dịu dàng hỏi:" Thuyên, con thấy đỡ hơn không?  Con vẫn cứ hay đói bụng thế à?" 

" Bảo đảm là sẽ khỏi! Bảo đảm là sẽ khỏi!" Ông Khang lén nhìn thằng Thuyên, rồi quay sang nói với đám đông khách hàng: " Cụ Ba thiệt là khôn lanh, giá như cụ không đi trình quan trước thì cụ đã bị chém cả nhà, tài sản bị tịch thu sạch. Vậy mà bây giờ? Cụ có khối bạc! Còn thằng nhỏ kia, đúng là thứ vô lại, ngay khi ở trong tù, hắn còn cố xui tay quản lao bạo loạn nữa đó."

" Vậy sao, thật không tưởng tượng nổi", một anh chàng trạc hai mươi tuổi, ngồi ở dãy bàn sau, tức giận nói.

" Các vị cũng nên nhớ rằng viên quản lao đã tới hỏi hắn để thăm dò, nhưng nó lại tranh luận với ông ta. Hắn bảo ông là thiên hạ nhà Thanh là tài sản chung của tất cả chúng ta. Nghĩ coi, nói vậy có phải lẽ không? Quản lao biết rằng nhà hắn chỉ còn bà mẹ già, nhưng không bao giờ nghĩ là hắn nghèo đến thế, chẳng moi được đồng xu nào, chừng đó đã giận lắm rồi. Thế mà tay kia vượt quá giới hạn đi, ông mới cho ăn hai cái bạt tai."

" Quản lao là người giỏi võ, hai cái tát đó cũng đủ thấm đòn rồi", người gù trong góc lên tiếng, có vẻ bất ngờ sảng khoái.
" Tên vô lại đâu có ngán đòn. Hắn còn nói thật tội nghiệp, tội nghiệp."
" Tên đó bị sửa trị như thế là đúng rồi, chẳng có gì tội nghiệp ", người có râu hoa râm nói.

Ông Khang nhìn chàng kia, vẻ khinh khỉnh và lạnh lùng đáp: " Ông không hiểu ý tôi nói rồi. Theo cách mà tên kia nói, rõ ràng hắn muốn nhắc đến quản lao khi nói tội nghiệp."

Những tia nhìn bỗng nhiên chùng xuống, cuộc thảo luận cũng ngừng. Thằng Thuyên vừa ăn xong, mặt mũi đầy mồ hôi như có hơi toát ra.

" Quản lao tội nghiệp -- hoạ có điên mới nói vậy, phải tin là hắn đã phát điên rồi", người có râu hoa râm nói, như bất chợt vỡ lẽ ra..
" Điên rồi đó ", chàng trai trạc hai mươi lặp lại, cũng có vẻ như bỗng vỡ lẽ ra.

Không khí trong quán trà sôi nổi trở lại, mọi người lại đua nhau nói nói cười cười. Thằng Thuyên nhân lúc ồn ào bật ho rũ rượi, ông Khang tới gần vỗ vai nó nói:   
" Bảo đảm sẽ khỏi thôi! Thuyên à, cháu sẽ không còn ho như thế nữa. Bảo đảm sẽ khỏi!"
" Điên thật rồi!" Cậu Năm Gù gật đầu nói.


4.


Miếng đất nằm dọc tường thành bên ngoài cửa Tây vốn là đất công, ở giữa có con đường mòn ngoằn nghoèo nhỏ hẹp, do những người muốn đi đường tắt giẫm mãi lên mà thành, giờ nó lại biến thành cái mốc giới tự nhiên. Bên trái là nơi chôn những người chết chém hoặc chết tù, bên phải là nghĩa địa của người nghèo. Cả hai nơi, mộ chôn dày khít từng hàng, như bánh bao nhà giàu sắp lớp ngày mừng thọ.  

Lễ thanh minh năm ấy, trời lạnh bất thường, những cây liễu và cây dương (3) chỉ mới đâm ra được những mầm non bằng nửa hạt gạo. Trời vừa rạng sáng đã thấy bà Hoa đứng trước một ngôi mộ mới, phía bên phải con đường, bà bày ra bốn dĩa thức ăn và một chén cơm, rồi khóc. Sau khi đốt vàng mã, bà ngồi bệt xuống đất, thẫn thờ như đang chờ đợi cái gì, mà thực ra chính bà cũng không biết nữa. Gió hiu hiu thổi vào mớ tóc ngắn của bà, tóc đã bạc nhiều đi từ năm ngoái đến nay.

Một người đàn bà khác trên đường đi tới, cũng đầu bạc một nửa, áo quần rách rưới, xách cái giỏ tròn nhỏ sơn đỏ đã cũ nát, phía ngoài giắt thếp vàng mã, cứ đi tới ba bước lại dừng lại để thở. Chợt thấy bà Hoa ngồi dưới đất đang nhìn mình, bà thoáng chút ngập ngừng, trên khuôn mặt xanh xao hiện rõ nét xấu hổ. Rồi bà cũng lấy hết can đảm đi về phía ngôi mộ bên trái, đặt chiếc giỏ xuống.

Ngôi mộ này và mộ của nhỏ Thuyên nằm cùng hàng, chỉ cách nhau con đường mòn. Bà Hoa thấy bà già này đặt bốn dĩa thức ăn và chén cơm, rồi khóc một hồi mới đốt vàng giấy, thì nghĩ thầm trong bụng: " Chắc cũng là con trai bà nằm đấy rồi! " Bà kia nhìn quanh, bước vài bước, bỗng bật run lên, loạng choạng đi thụt lùi, mắt trợn trừng, nhìn ngơ ngác mông lung. 

Bà Hoa thấy thế, sợ bà kia thương con quá phát điên rồi, cầm lòng không đậu, bà đứng dậy, sang bên kia đường, khẽ nói: " Bà ơi, thôi đừng thương khóc chi nữa. Ta về đi thôi!" 

Bà kia gật đầu, mắt vẫn nhìn trừng trừng rồi nói khẽ như đang thở dài: 
" Kìa, bà nhìn kìa, cái gì thế này?"

Bà Hoa nhìn về phía ngón tay chỉ, thấy nấm mộ trước mặt: cỏ chưa phủ hết, lỗ chỗ còn thấy đất vàng khè, rất khó coi, nhìn kỹ phía trên, bất giác giật mình: thấy rõ ràng một vòng hoa đỏ và trắng, nằm khoanh trên nấm mộ.

Cả hai bà, mắt đã loà từ lâu rồi, nhưng những bông hoa đỏ trắng này thì trông rõ lắm. Hoa không nhiều, cũng không nổi bật lắm, nhưng được xếp thành vòng tròn, ngay ngắn. Bà Hoa ngắm kỹ mộ con mình và những nấm mộ khác, chỉ thấy  rải rác vài nụ hoa bé tí, nhợt nhạt, vẫn chống chọi với giá lạnh, bà chợt thấy lòng trống trải, thiếu vắng, không muốn tìm hiểu thêm. Bà kia tiến thêm vài bước, nhìn kỹ dưới đất, như nói cho chính mình: " Chúng không có gốc, không tự nở ở đây được. Vậy thì ai đến đây? Trẻ con đâu có đứa nào chơi ở đây, bà con họ hàng cũng không đến sớm vậy... Thế là thế nào?"

Bà kia nghĩ đi nghĩ lại, bỗng bật lên khóc, nói lớn: 
" Con ơi (4) , chúng vu oan cho con, và con không quên được, đau lòng lắm, vậy giờ này đây con hiển hiện lên cho mẹ biết, được không con?"
Bà nhìn quanh, chỉ thấy có con quạ, đậu trên cây trụi lá, bà nói tiếp:
" Mẹ biết rồi, con ơi... Chúng chôn sống con, nhưng ông trời có mắt, rồi một ngày kia chúng sẽ trả giá, thôi nhắm mắt đi con, đừng bận lòng nữa con... nếu con ở nơi đây, con nghe mẹ nói, báo cho mẹ biết đi con, con xui con quạ đến đậu trên mộ con đi."

Gió đã dịu, ngọn cỏ khô dựng đứng, cứng như dây đồng, một giọng rên rỉ vang lên trong không trung, nhỏ dần, nhỏ dần, rồi im bặt. Không khí vắng lặng chết chóc. Đứng giữa đống cỏ khô, đầu ngẩng lên, hai người đàn bà nhìn con quạ: nó vẫn đậu thẳng trên cành cây, rụt cổ vào, như đúc bằng đồng. Thời gian qua, những người đi viếng mộ ngày càng thêm nhiều, đủ mọi lứa tuổi, họ đi ngang qua những nấm mộ, như những bóng ma.

Bà Hoa cảm thấy như trút bỏ được một gánh nặng mà chính bà cũng không giải thích được, bà bỗng muốn đi về nhà, nói với bà kia: " Thôi ta về đi!" Bà kia thở ra, gom mấy dĩa thức ăn lại, vẻ uể oải, ngập ngừng một lúc, rồi chậm rãi ra về, miệng vẫn lẩm bẩm: " Thế là thế nào nhỉ?"   ...

Cả hai mới đi chưa tới hai chục bước thì nghe có tiếng " Oạ..." rất to từ phía sau. Họ kinh hoàng ngoảnh lại, chỉ là con quạ thôi, nó xoè đôi cánh, nhún mình, lao vút như mũi tên, bay thẳng về phía chân trời xa.



Tháng tư 1919.



__________________ 
Pavillon des jours anciens. Từ khó dịch, tham khảo và dịch theo bản gốc: 
古□亭口. ( Cổ ... đình khẩu ). 
Tức là chữ "bát " 八.
Dịch từ " les saules et les peupliers".  Đúng ra phải là cây dương liễu, như trong nguyên tác 杨柳 .
(4) Du ơi.  Dịch giả bản tiếng Pháp đã lược bỏ tên nhân vật ( Du ). Nguyên tác 瑜儿 ( Du nhi ) . Đây là tử tù được nói đến trong đoạn 3. ( Hạ Du ).
  

Có thể nghe đọc bản tiếng Pháp ( le remède ) ở đây:
http://www.litteratureaudio.org/mp3/Lu_Xun_-_Le_remede.mp3





THÂN TRỌNG SƠN
dịch từ bản tiếng Pháp

http://www.chinese-shortstories.com/Nouvelles_de_a_z_LuXun_Le_remede.htm






mercredi 18 octobre 2017

CHA VÀ CON GÁI






Con gái còn nhỏ mà năm nào cha cũng đi xa. Để cha viết cho con vậy.

" Cha hái cho con bông hoa này trên cồn cát... Bông hoa dại tưới bằng sóng nước đại dương... Sau đó, thiên thần của cha ơi, cha đã viết tên con trên cát: DIDI. Đêm nay sóng nước sẽ xoá sạch đi, nhưng có một thứ không có gì xoá được, là tình yêu cha dành cho con đó. (...) "

" Tạm biệt con, Didi của cha. Con giữ thư này lại nhé. Khi con lớn lên, cha sẽ già đi, con đưa thư cho cha xem và cha con ta sẽ yêu thương nhau nhiều, rồi đến khi con già, cha không còn nữa, con sẽ đưa thư cho các con của con xem, chúng sẽ yêu con như cha yêu con vậy. Hẹn con lần sau."


Didi, Didine, là tên thân mật. Tên thật của con gái dài lắm, Léopoldine Cécile Marie-Pierre Catherine Hugo. Con gái thứ hai, nhưng vì anh trai vắn số, chỉ thấy mặt trời được 5 tháng nên con gái thay làm trưởng, và, tất nhiên rồi, được cha cưng chiều lắm. Con gái thường quấn quít bên cha và lớn lên trong không khí gia đình văn nghệ sĩ, với sự hiện diện thường xuyên của các nhà văn, nhà thơ như Théophile Gautier, Lamartine, Georges Sand, Balzac...

Con gái lớn nhanh, và biết yêu sớm.  Mùa hè năm 1839, khi mới 14 tuổi, nhân dịp cùng cả nhà đến thăm người bạn của gia đình, là chủ tàu buôn ở le Havre, con gái gặp con trai chủ nhà, Charles Vacquerie, 21 tuổi, và cả hai cùng bị tiếng sét ái tình ngay lần đầu gặp gỡ này và muốn tiến xa.

Cha nghĩ là con gái còn nhỏ quá nên chưa tán thành việc hôn nhân. Cha không thích chàng trai kia lắm, cha thấy hắn có vẻ tẻ nhạt, hơi nhu nhược và nhất là chẳng có chút kiến thức văn chương, trong khi con gái thật thông minh, linh hoạt. Nhưng rồi cũng chỉ trì hoãn được 5 năm. Hôn lễ tổ chức tại nhà thờ Saint-Paul  ngày 15 tháng 2 năm 1843, khi con gái được 19 tuổi.

Ngày hôm đó, ngay trong nhà thờ, cha viết cho con một bài thơ ( bởi cha là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch, nhà chính trị Victor Hugo ) bày tỏ nỗi niềm " hạnh phúc đớn đau " khi giao con gái yêu quý của mình cho người khác  ( bonheur désolant de marier sa fille):

" Aime celui qui t’aime, et sois heureuse en lui !
Adieu !- sois son trésor, ô toi qui fus le nôtre !
Va, mon enfant chéri, d’une famille à l’autre.
Emporte le bonheur et laisse-nous l’ennui !

Ici, l’on te retient ; là- bas on te désire.
Fille, épouse, ange, enfant, fais ton double devoir.
Donne-nous un regret, donne lui un espoir.
Sors avec une larme ! entre avec un sourire !"


Dịch nghĩa:

" Hãy yêu người yêu con, cùng sướng vui bên người ấy
- Tạm biệt - hãy là kho báu nhà người, nhé con, kho vàng bao ngày nhà ta,
Con gái yêu ơi, từ nhà này chuyển sang nhà kia, 
Cứ đi, đem theo hạnh phúc,  buồn lo hãy để lại nhà !

Nơi đây, muốn  giữ con lại,  ở kia, mong đón con về
Con thảo, vợ hiền, thiên thần, trẻ nhỏ, bổn phận đôi bên hãy lo tròn,
Để lại  nhung nhớ, mang tới ước mong,
Bước ra lệ tràn khoé mắt! Đi vào nụ cười trên môi! "


Tình cảm quyến luyến, lời dặn dò tiễn con đi, tưởng đâu chỉ có ở người phụ nữ, như trong bài Lòng mẹ của Nguyễn Bính:

        Gái lớn ai không phải lấy chồng
        Can gì mà khóc, nín đi không!
        Nín đi, mặc áo ra chào họ
        Rõ quý con tôi, các chị trông!

        (...)

        Ðưa con ra đến cửa buồng thôi,
        Mẹ phải xa con, khổ mấy mươi!
        Con ạ! đêm nay mình mẹ khóc
        Ðêm đêm mình mẹ lại đưa thoi.

Vậy mà, ở đây người cha cũng chẳng khác:

" Tôi buồn lắm, cái buồn sâu lắng, khác nào tình cảm của người trồng hoa khi khách qua đường ngắt đi đoá hoa của mình. Lúc nãy, tôi đã khóc..."

Bài thơ không có nhan đề, sau này in lại trong tập Contemplations  ( Trầm tư ) chỉ ghi là " 12 février 1843 ".

Vì không có nhan đề nên đã có lúc, thoát khỏi hoàn cảnh xuất xứ của bài, có người đã giới thiệu nó như lời nhắn gởi cô dâu mới ( À une jeune mariée ) và mang ra đọc trong các tiệc cưới, có thể kèm theo bản dịch của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc:

Đáp lòng yêu tân lang,
Hạnh phúc cùng chia xẻ,
Con đến chốn người thương
Như ở đây ta quý.



Bước sang thềm nhà chồng
Con cho người hoan hỉ.
Ở nhà ta ra đi,
Ưu tư, con luống để.


Nhà ta giữ con lại,
Nhà người đứng trông chờ.
Đấy, làm con làm vợ,
Đây, thiên thần, trẻ thơ :
Con ơi, nhớ bổn phận,
Đôi vai chớ hững hờ ...


Cho ta chút luyến tiếc,
Cho người một ước mong.
Rời đây tuôn giọt lệ,
Sang đó nở  môi hồng ...

(Gửi Cô Dâu Mới, bản dịch của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – 1907- )



 Rồi cha vẫn tiếp tục sự nghiệp văn chương của mình, còn con gái cùng chồng về xứ. Mọi việc sẽ êm xuôi nếu không có cái ngày 4 tháng 9 định mệnh đó.


Ngày 4 tháng 9 năm 1843.
Sáng sớm, Charles Vacquerie chuẩn bị đi gặp luật sư để hỏi về thủ tục thừa kế. Nơi đến cách nhà vài cây số, ven sông Seine. Cùng đi là ông chú, Pierre Vacquerie, và con trai của chú. Léopoldine không tháp tùng vì chuẩn bị chưa xong. Cả ba khởi hành trên chiếc thuyền buồm ông chú mới tậu, hẹn sẽ về kịp bữa ăn trưa. Một lát sau, thuyền quay trở lại để trang bị thêm tải trọng dằn cho vững hơn. Léopoldine lúc này đã sẵn sàng ngỏ ý muốn đi cùng. ( Ôi! Định mệnh trớ trêu! )
Sau khi đến nơi, làm việc xong, vị luật sư đề nghị mọi người trở về bằng xe ngựa vì trời lặng gió, thuyền buồm di chuyển chậm, sẽ về rất trễ. Tuy nhiên đoàn khách không chịu và vẫn đi thuyền về.

Chú Pierre, cựu thuỷ thủ, cầm lái điều khiển con thuyền êm ả lướt về. Đến khúc sông giữa hai ngọn đồi, một cơn lốc mạnh bất ngờ đập trên cánh buồm khiến con thuyền lật úp. Hai cha con người chú bị cuốn trôi. Dân trên bờ bên kia thấy có người nhô lên ngụp xuống nơi chiếc thuyền, cứ tưởng là trò đùa nghịch, nào hay đó là những nỗ lực của anh chồng muốn nắm lấy tay vợ kéo lên vì quần áo Léoploldine vướng vào đáy thuyền cột chặt lấy cô. Tuy biết bơi rất giỏi, anh vẫn không thể cứu được vợ và đành  chấp nhận buông xuôi để dòng nước cuốn theo. 

Léopoldine lúc này mới 19 tuổi và lấy chồng chưa đầy 7 tháng.

Khi con gái gặp nạn, cha đang cùng nhân tình ( Juliette Drouet ) du lịch tận miền Nam, và năm ngày sau, lúc đọc báo mới biết được tin dữ. Cha trở về Paris thì con gái đã yên nghỉ tại nghĩa trang Villequier, trong cùng huyệt mộ với chồng. Ba năm sau, cha mới có dịp về thăm mộ con gái, nhìn tấm bia khắc tên đôi vợ chồng trẻ, ngày cưới và ngày mất.

Suốt nhiều năm sau khi con gái bị nạn, cha không công bố thêm tác phẩm nào. Năm 1845, cha bắt đầu đi vào chính trị. Năm 1848, ông được bầu làm nghị sĩ hội đồng lập hiến. Ông lên án cuộc đảo chính ngày 2 tháng 12 năm 1851 của hoàng tử Louis-Napoléon (cháu của Napoléon Bonaparte). Ngay lập tức, Ông bị buộc đi đày ở Bỉ, sau đó là đảo Jersey và Guernesey.

Mãi đến 1853 cha mới cho ra đời tập thơ: "les Châtiments", và sau đó "les Contemplations" (1856) và  tiểu thuyết les Misérables (1862) . 

Cha dành cuốn số 4  ( 17 bài ) trong sáu cuốn của tập thơ les Contemplations để viết về con gái, kỷ niệm ấu thơ, chiêm nghiệm về tình yêu, lẽ sống và cõi chết. Bài thơ viết trong nhà thờ ngày con gái vu quy nói trên ( 12 février 1843 ) được in kèm với bài 4 septembre 1843 là trang giấy trắng, với một dòng gồm những dấu chấm lửng.

Cũng trong tập này, có bài thơ không tên, thường được nhắc tới với mấy chữ đầu tiên là Demain, dès l'aube:

Demain, dès l'aube, à l'heure où blanchit la campagne,
Je partirai. Vois-tu, je sais que tu m'attends.
J'irai par la forêt, j'irai par la montagne.
Je ne puis demeurer loin de toi plus longtemps.

Je marcherai les yeux fixés sur mes pensées,
Sans rien voir au dehors, sans entendre aucun bruit,
Seul, inconnu, le dos courbé, les mains croisées,
Triste, et le jour pour moi sera comme la nuit.

Je ne regarderai ni l'or du soir qui tombe,
Ni les voiles au loin descendant vers Harfleur,
Et quand j'arriverai, je mettrai sur ta tombe
Un bouquet de houx vert et de bruyère en fleur.

Dịch nghĩa:
                                    

Ngày mai, ngay lúc rạng đông, khi vùng quê bừng sáng,
Cha sẽ lên đường. Con thấy không, cha biết con đang chờ đợi cha
Cha sẽ đi qua rừng, cha sẽ đi qua núi.
Cha không thể nào ở xa con lâu hơn nữa.


Cha sẽ bước đi, mắt chìm sâu trong suy tưởng
Không nhìn quanh, chẳng nghe động tĩnh chi,
Cô đơn, lạc lõng, lưng khòm, tay chắp,
Sầu đau, với cha ngày cũng sẽ như đêm.


Cha sẽ không ngắm ánh chiều vàng đang xuống,
Cũng không nhìn những cánh buồm xa thẳm hướng Harfleur,
Và khi tới, cha sẽ đặt  trên mộ con
Chùm ô rô xanh lá và thạch thảo trổ hoa.

( Dịch sang tiếng Việt nên je - tu phải viết ngay là cha - con. Đọc nguyên bản tiếng Pháp, với những câu như " je sais que tu m'attends ", " Je ne puis demeurer loin de toi plus longtemps " ..., cho đến hết câu thứ 10, người đọc dễ cảm nhận đây là cuộc hẹn hò của đôi tình nhân.
Đến hai câu cuối
Et quand j'arriverai, je mettrai sur ta tombe
Un bouquet de houx vert et de bruyère en fleur.
thì mới bàng hoàng vì cuộc hẹn hò đặc biệt này. )



Bản dịch của Trần Mai Châu 

Cha đã biết ngày mai con đợi 
Nên khởi hành lúc mới rạng đông 
Quá dài ngày tháng chờ trông 
Xăm xăm vượt núi băng rừng đến con. 

Đầu óc cha dập dồn mọi nỗi 
Mắt biếng nhìn tai mỏi không nghe. 
Tay khoanh đầu cúi ủ ê 
Một mình ngày nắng khác gì đêm mưa. 

Cha không thấy trời vừa chạng vạng 
Mấy cánh buồm ghé cảng Haflơ 
Viếng con cha đặt trên mồ 
Một chùm thạch thảo đến giờ nở hoa.



Bản dịch của Vương Ngọc Long


Rạng ngày mai khi cánh đồng trắng xoá 
Cha sẽ đi... vẫn biết con chờ cha 
Băng rừng sâu vượt núi thẳm non xa 
Cha không thể đợi chờ lâu mòn mỏi 

Đôi mắt mãi trầm tư cha bước vội 
Không nhìn quanh chẳng nghe tiếng động nào 
Khom lưng cong tay vắt chéo nghẹn ngào 
Đêm sầu đau cũng như ngày nuối tiếc 

Hoàng hôn phủ chiều vàng cha chẳng thiết 
Chẳng nhìn xa phía cảng ngập màn sương 
Cha đến đặt trên mồ con gái thương 
Hoa thạch thảo ô rô màu thắm biếc...


Con gái yêu thương Léopoldine, Didine, Didi, mười chín mùa xuân, là một nốt nhạc buồn trong cuộc đời lắm vinh quang mà đầy sóng gió của người cha Victor Hugo, đại văn hào nước Pháp.



THÂN TRỌNG SƠN
(10/2017)













mercredi 11 octobre 2017

BẢN DI CHÚC




Truyện ngắn
Guy de Maupassant 



Tôi quen anh chàng cao cao tên là René de Bourneval đó. Anh có thái độ đối xử dễ thương, tuy hơi âu sầu, hình như ngán ngẩm mọi chuyện, khá hoài nghi, một kiểu hoài nghi chính xác và cay độc, đặc biệt khéo léo vạch trần mọi thói đạo đức giả của người đời chỉ bằng một từ thôi. Anh thường nói:" Chẳng có người lương thiện đâu, hoặc ít ra họ chỉ lương thiện tương đối so với bọn bất lương."

Anh có hai người anh mà anh chẳng mấy khi gặp, những người mang họ de Courcils. Tôi nghĩ anh là anh em khác cha vì thấy mang họ khác. Nhiều lần tôi nghe nói trong gia đình này có chuyện ly kỳ lắm, nhưng không nói rõ chi tiết.

Tôi rất thích anh chàng này và chúng tôi đã sớm kết thân. Một tối kia, trong khi chỉ hai người cùng ăn tối chung, tôi buột miệng hỏi: " Anh là con của cuộc hôn nhân đầu hay thứ hai?" Tôi thấy mặt anh hơi tái rồi đỏ bừng, anh lặng im vài giây, lộ rõ vẻ bối rối. Rồi, nở nụ cười buồn bã và hiền lành quen thuộc, anh nói: " Bạn thân mến, nếu anh không chán, tôi sẽ kể cho anh những chi tiết lạ lùng về gốc gác của tôi. Tôi biết anh là người thông minh, nên tôi không ngại chuyện kể sẽ ảnh hưởng đến tình bạn của anh, mà nếu có ảnh hưởng thì tôi cũng không thiết tha chuyện coi anh là bạn nữa". 

Mẹ tôi, bà de Courlis, là một phụ nữ nhỏ bé, rụt rè, đáng thương, do có của cải mà được cưới làm vợ. Cuộc đời bà là cả một nỗi thống khổ. Với tâm hồn nhân hậu, sợ sệt, tế nhị, bà bị ngược đãi không ngừng bởi người đáng lẽ là cha tôi, là một trong những nông dân mà người ta gọi là quý tộc nhà quê. Lấy vợ được một tháng, ông sống với một người tớ gái. Ngoài ra, ông còn lấy vợ và con của các tá điền làm nhân tình, trong khi vợ vẫn sinh cho ông hai đứa con, nếu tính cả tôi nữa thì là ba. Mẹ tôi chẳng hó hé gì, trong căn nhà lúc nào cũng ồn ào này bà sống như những con chuột nhắt lén lút dưới bàn ghế. Mờ nhạt, ẩn khuất, run rẩy, bà nhìn mọi người bằng đôi mắt sáng đầy âu lo, luôn linh hoạt, đôi mắt hốt hoảng do nỗi sợ không rời. Tuy nhiên, bà đẹp, rất đẹp, mái tóc vàng, màu vàng xám, một sắc vàng  nhợt nhạt, chừng như tóc bà vì sợ hãi liên miên mà phai màu đi. 

Trong số những người bạn hay lui tới lâu đài của ông de Courcils, có một cựu sĩ quan kỵ binh, goá vợ, người được nể sợ, dịu dàng và mạnh mẽ, có thể đưa ra những quyết định cương quyết nhất, đó là ông de Bourneval, mà tôi đang mang họ đây. Ông ấy cao lớn, mảnh khảnh, râu mép đen rậm. Tôi giống ông lắm. Ông đọc nhiều và  tư tưởng của ông không giống chút nào những người cùng tầng lớp với ông. Bà cố của ông từng là bạn của J.J.Rousseau (1), và có thể nói là ông đã thừa hưởng chút gì từ mối quan hệ này của tiền nhân. Ông thuộc lòng " Khế ước xã hội " (2) , " Héloïse mới" (3) và tất cả các sách thuyết lý chuẩn bị từ sớm sự đảo lộn sau này của các tập quán xưa cũ, các thành kiến, các luật lệ lỗi thời, nền luân lý ngu xuẩn.

Có vẻ như ông yêu mẹ tôi, và được yêu lại. Mối quan hệ này hoàn toàn bí mật đến độ không ai nghi ngờ gì. Người phụ nữ đáng thương, rầu rĩ, bị bỏ rơi, hẳn phải tuyệt vọng gắn bó với ông, mong nhờ sự giao thiệp này mà có được lối nghĩ, tư tưởng tình cảm tự do, yêu đương táo bạo, nhưng, do bản tính rụt rè, chẳng bao giờ bà dám lên tiếng, tất cả những điều kia bị dồn nén, cô đọng, ép chặt lại trong con tim không cởi mở bao giờ của bà.

Hai người anh của tôi, cũng như cha, đối đãi thô bạo với bà, chẳng lúc nào dịu ngọt, và ở trong nhà chẳng xem bà ra gì cả, phần nào chỉ xem là con ở thôi.

Tôi là con trai độc nhất yêu bà thực sự và được bà yêu.

Bà qua đời. Lúc đó tôi mười tám tuổi. Để anh hiểu chuyện tiếp theo, tôi phải nói thêm rằng chồng bà đã  biết được sự tư vấn pháp lý quyết định việc phân chia tài sản có lợi cho mẹ tôi, nhờ vào sự vận dụng khôn khéo pháp luật và sự tận tuỵ thông minh của công chứng viên, bà được giữ quyền lập di chúc để lại tài sản theo ý mình.

Như vậy, chúng tôi được thông báo là bản di chúc hiện có tại văn phòng công chứng, và được mời tới nghe công bố.

Tôi còn nhớ như chuyện mới xảy ra hôm qua. Quang cảnh hôm đó thật long trọng, kịch tính, khôi hài, bất ngờ, dẫn dắt bởi sự phản kháng muộn màng của người đã khuất, bởi tiếng thét đòi tự do, bởi nguyện vọng từ đáy mồ của người phụ nữ thống khổ bị phong tục đè nén suốt cả cuộc đời, và giờ đây, từ chiếc quan tài đóng kín, cất lên tiếng gọi đầy tuyệt vọng kêu đòi độc lập.

Người lâu nay vẫn tự cho là cha tôi, to béo, đỏ lừ, gợi hình ảnh anh hàng thịt, và các ông anh tôi, hai chàng khoẻ mạnh hai mươi và hai mươi hai tuổi, ngồi yên trên ghế chờ đợi. Ông de Bourneval, được mời tới dự, bước vào ngồi sau lưng tôi. Người bó sát trong chiếc áo choàng, ông trông xanh xao, thỉnh thoảng nhay nhay bộ râu mép nay đã hơi bạc. Hẳn là ông đã biết trước chuyện gì sẽ xảy ra.

Viên công chứng khoá kín cửa, mở chiếc phong bì gắn xi đỏ mà chính ông cũng không rõ nội dung, và bắt đầu đọc.

Đột nhiên bạn tôi ngừng lại, đứng lên đến ngăn kéo tủ lấy ra một mảnh giấy cũ, mở ra, hôn tờ giấy thật lâu, rồi mới nói tiếp. Đây là bản di chúc của người mẹ yêu quý của tôi.

" Tôi, ký tên dưới đây, Anne- Catherine- Geneviève- Mathilde de Croixluce, vợ hợp pháp của Jean- Léoplod-Joseph Gontran de Courcils, thể chất khoẻ mạnh, tinh thần tỉnh táo, bày tỏ ước nguyện cuối cùng của tôi như sau:

Trước tiên tôi cầu xin Chúa, sau đó là René con trai tôi, tha thứ cho hành động tôi sắp sửa phạm phải sau đây. Tôi nghĩ là con tôi đủ bao dung để hiểu và tha thứ cho tôi. Tôi đã đau khổ suốt đời. Chồng tôi đã cưới tôi vì tính toán, sau đó không ngừng khinh miệt, lạnh nhạt, ức hiếp, lừa dối tôi.
Tôi tha thứ cho ông ta, nhưng tôi không mắc nợ gì ông ta cả.
Những đứa con trai lớn của tôi không yêu thương, chiều chuộng tôi chút nào, chỉ bất đắc dĩ xem tôi là mẹ. 
Suốt đời tôi, tôi đã đối xử với chúng như bổn phận phải làm, tôi chết đi cũng chẳng nợ nần gì chúng.  Những mối quan hệ huyết thống không thể có được nếu không có tình thương bền vững, thiêng liêng, biểu lộ hàng ngày. Đứa con bất hiếu còn tệ hơn người dưng, mà là tên tội phạm, bởi nó không được phép tỏ ra dửng dưng với mẹ đẻ của mình. 
Tôi lúc nào cũng run sợ trước nam giới, trước những luật lệ bất công, những thói quen bất nhân, những thành kiến bất lương của họ. Trước Thượng đế, tôi không còn sợ nữa. Chết đi, tôi vứt bỏ thói đạo đức giả đáng hỗ thẹn khỏi mình, tôi dám nói lên điều mình nghĩ, bộc bạch và chịu trách nhiệm bí mật của con tim. 

Bởi lẽ đó, tôi chuyển cho ông Pierre-Germer-Simon de Bourneval, người tình yêu quý của tôi, toàn bộ phần tài sản mà luật pháp cho phép tôi sử dụng, để sau đó sẽ về phần con trai René thân yêu của chúng tôi.

( Ngoài ra ước nguyện này còn được ghi nhận cụ thể hơn trong một văn bản công chứng ).

Và, trước Đấng phán xử tối cao đang lắng nghe tôi đây, tôi xin tuyên bố là lẽ ra tôi đã nguyền rủa đất trời và lẽ sống nếu tôi không nhận được tình thương sâu sắc, tận tuỵ, ngọt ngào, bền vững của người yêu của tôi, nếu trong vòng tay ông ấy tôi không hiểu được rằng đấng Sáng tạo đã tạo ra con người là để yêu thương nhau, che chở nhau, an ủi nhau, và để cùng khóc trong những giờ phút cay đắng.

Hai con trai lớn của tôi đã có cha là ông de Courcils. Chỉ René là con ông de Bourneval. Tôi cầu xin đấng Quyền uy của con người và số phận của họ hãy nâng cha và con vượt lên trên những định kiến xã hội và hãy khiến hai cha con yêu thương nhau cho đến cuối đời và yêu cả tôi trong quan tài nữa.

Đấy là ý nghĩ cuối cùng và ước nguyện cuối cùng của tôi.
MATHILDE DE CROIXLUCE".

Ông de Courcils đứng dậy la lớn: " Đây là di chúc của một người điên!". Ngay lúc đó, ông de Bourneval nhích lên một bước và tuyên bố, giọng rõ ràng, quả quyết: 
" Tôi, Simon de Bourneval, tuyên bố rằng bản viết đó chứa đựng hoàn toàn sự thật. Tôi sẵn sàng bảo vệ nó trước bất cứ ai, và sẵn sàng chứng minh điều đó bằng số thư từ tôi đang giữ đây."

Ông de Courcils liền bước về phía ông. Tôi nghĩ là họ sẽ đánh nhau. Họ đứng kia, cả hai đều cao lớn, người mập, người gầy, đều giận run cả người. Chồng của mẹ tôi lắp bắp nói: " Đồ khốn nạn!". Người kia đáp trả, cũng giọng cương quyết và khô khan: " Chúng ta sẽ gặp nhau chỗ khác, thưa ông. Lẽ ra tôi đã tát vào mặt ông và thách đấu với ông từ lâu rồi nếu tôi không nghĩ đến, hơn mọi thứ, sự bình yên trong tâm hồn người phụ nữ tội nghiệp mà ông đã gây ra quá nhiều đau khổ".

Rồi, quay sang tôi, ông nói: " Con là con của cha. Con muốn đi theo cha không? Cha không có quyền đưa con đi, nhưng cha sẽ nhận trách nhiệm đó nếu con đồng ý đi theo cha.".
Tôi bắt tay ông mà không đáp. Và chúng tôi cùng ra về. Người tôi cứ lâng lâng.

Hai ngày sau, ông de Bourneval bắn hạ ông de Courcils trong cuộc thách đấu . Mấy người anh của tôi đã nín thinh vì ngại tai tiếng xấu xa. Tôi nhường cho họ và họ đã nhận một nửa gia tài mẹ tôi để lại.
Tôi lấy lại họ của người cha thực sự của tôi, từ khước cái họ không đúng mà luật 
pháp gán cho tôi. 
Ông de  Bourneval mất đã năm năm rồi. Tôi vẫn chưa nguôi ngoai nỗi buồn.

Bạn tôi đứng dậy, tiến vài bước tới ngồi trước mặt tôi: " Tôi cho rằng bản di chúc của mẹ tôi là một trong những thứ đẹp đẽ nhất, trung thực nhất, cao cả nhất mà một người phụ nữ có thể thực hiện. Ý anh chẳng phải vậy sao? "
Tôi chìa ra cả hai tay cho anh:  " Vâng, chắc chắn là tôi cũng nghĩ thế, bạn ạ!"



_________________________

J.J. Rousseau (1712-1778),nhà tư tưởng, nhà giáo dục học, nhà văn.
Khế ước xã hội, Contrat social,  tiểu luận triết học chính trị của Rousseau, 1762.
Julie, ou la nouvelle Héloïse, tiểu thuyết, 1762.




THÂN TRỌNG SƠN
dịch từ nguyên bản tiếng Pháp
( Le testament - 7 novembre 1882 )

http://www.bmlisieux.com/litterature/maupassant/testamen.htm



   

ALEXANDRE



ALEXANDRE

Truyện ngắn
Guy de Maupassant


Đúng là ngày hôm đó, vào lúc 4 giờ như mọi ngày, Alexandre đẩy đến cửa căn nhà nhỏ của gia đình Maramballe chiếc xe lăn ba bánh, từ đấy, theo toa bác sĩ, ông sẽ đưa bà chủ già yếu và bại liệt đi dạo cho đến 6 giờ. 

Khi ông đưa chiếc xe nhẹ hều này vào bậc cấp, đúng vào chỗ ông có thể dìu bà già to béo bước lên dễ dàng, ông đi vào trong nhà, và ngay lúc đó, bên trong nghe có tiếng nói giận dữ, giọng khàn đục của cựu chiến binh, đang gào thét chửi rủa, chính là giọng của ông chủ, cựu đại uý pháo binh hưu trí, Joseph Maramballe. 

Sau đó là tiếng cửa đóng dập mạnh, tiếng ghế bị xô đẩy, tiếng chân bước vội vã, rồi không còn gì. Một lát sau, Alexandre xuất hiện nơi ngưỡng cửa ra đường, cố hết sức dìu bà Maramballe đã mệt lữ vì xuống cầu thang. Khi bà đã yên vị, chẳng phải là không khó khăn, trong chiếc xe lăn, Alexandre đi lui sau, nắm lấy thanh quay dùng để đẩy xe, cho xe đi về hướng bờ sông.

Ngày nào họ cũng đi qua thành phố nhỏ này giữa những lời chào hỏi tôn kính có lẽ gởi đến người giúp việc cũng như bà chủ, bởi nếu bà chủ được mọi người yêu quý, nể trọng, thì người lính già râu bạc, râu lão này vẫn được xem như là gương mẫu trong số gia nhân.

Mặt trời tháng bảy dữ dội đổ trên đường, nhấn chìm những ngôi nhà thấp dưới ánh sáng ảm đạm do quá chói chan và gay gắt. Mấy con chó nằm ngủ trên những vỉa hè dưới bóng râm các bức tường, và Alexandre thở dốc rảo bước để nhanh tới đại lộ dẫn ra sông.

Bà Maramballe đã thiu thiu ngủ dưới chiếc dù trắng có đầu mũi nhọn đôi lúc hờ hững chạm vào gương mặt thản nhiên của người đàn ông.

Khi họ đi tới ngõ Tilleuls,  trong bóng cây bà già tỉnh hẳn, bà cất giọng ân cần:
" Đi thong thả thôi, ông bạn tội nghiệp, nắng thế này ông sẽ đuối đấy."

Bà lão hiền lành, với thói ích kỷ ngây thơ, đâu có nghĩ là, nếu bà muốn đi chậm hơn, là chỉ vì bà vừa mới tới nơi khuất dưới tán lá cây xanh.

Gần con đường bao phủ bởi những cây đoạn già cắt tỉa thành vòm, dòng sông Nanterre chảy quanh co giữa hai hàng liễu. 

Tiếng nước xoáy ồng ộc, tiếng nước đổ trên đá, tiếng nước ngoặt dòng đột ngột, hoà thành khúc ca êm dịu của nước và không khí mát lành ướt át trong suốt cuộc dạo chơi này.

Được hít thở và tận hưởng sự ướt át dễ chịu của nơi này một lúc lâu, bà Maramballe thì thầm:
" Bây giờ khá hơn rồi. Nhưng hôm nay ông ấy thức dậy không được khoẻ."
Alexandre đáp:
" Ồ, vâng, thưa bà."

Đã ba mươi lăm năm ông phục vụ gia đình này, ban đầu là lính hầu cận sĩ quan, sau đó là người hầu đơn thuần không muốn rời xa chủ, và sáu năm trở lại đây, mỗi chiều ông đẩy xe đưa bà chủ quanh các con đường hẹp của thành phố.

Từ việc chăm sóc tận tuỵ lâu ngày này, sau đó, từ việc giáp mặt tay đôi hàng tuần như thế này, giữa bà già và người giúp việc đã nảy sinh tình cảm thân mật, trìu mến ở bà, kính trọng ở ông.

Hai người nói về việc trong nhà như cách nói của những người bình đẳng. Ngoài ra, chủ đề chuyện vãn và bận tâm chính của họ là tính xấu của ông đại uý, nặng nề dần vì sự nghiệp lâu dài bắt đầu khá hiển hách, rồi trôi đi không thăng tiến, và kết thúc chẳng vẻ vang.

Bà Maramballe nói tiếp:
" Sáng thức dậy, ông ấy có tâm trạng không thoải mái. Điều này thường xảy ra từ khi ông thôi công tác."

Alexandre thở dài nói tiếp ý bà chủ:
" Ôi! Bà muốn nói là chuyện ấy xảy ra hàng ngày và xảy ra cả trước khi ông rời quân ngũ." 
" Đúng vậy đó. Nhưng ông ấy cũng là người kém may mắn. Ông khởi nghiệp với một chiến công nên được thưởng huy chương khi mới hai mươi, thế mà từ hai mươi đến năm mươi tuổi, ông không thăng cao hơn cấp đại uý, trong khi từ đầu ông cứ nghĩ lúc về hưu ít ra ông cũng phải đại tá."

Bà vẫn có thể nói rằng dẫu sao cũng chỉ là lỗi do ông thôi. Nếu ông đừng tỏ ra lúc nào cũng mềm mỏng như cái roi ngựa thì cấp trên của ông đã quý mến và bảo bọc ông hơn. Cứ cứng cỏi có được gì đâu, cũng phải chiều ý người khác để gây thiện cảm chứ. Còn chuyện ông đối xử với chúng ta như thế này, cũng là lỗi của chúng ta thôi vì chúng ta thích ở bên ông, nhưng đối với mọi người, thì khác đấy.

Bà Maramballe suy nghĩ. Ôi! Bao nhiêu năm nay rồi, mỗi ngày bà cứ nghĩ như thế đến thói thô bạo của ông chồng mà xưa kia bà đã cưới, lâu lắm rồi, bởi hồi đó ông là sĩ quan đẹp trai, còn trẻ đã có huy chương, và đầy triển vọng, như mọi người nói. Ở đời cũng lắm khi lầm lẫn!  

Bà nói nhỏ nhẹ:
" Dừng lại một chút đi, Alexandre đáng thương của tôi, và đến cái ghế của ông mà nghỉ. "

Đấy là một ghế băng nhỏ bằng gỗ, mục mất một nửa rồi , đặt ở chỗ rẽ lối đi dành cho những người dạo chơi ngày chủ nhật. Mỗi lần đi đến góc này, Alexandre thường ghé đến chiếc ghế đó ngồi thở vài phút.

Ông ngồi đấy, và với một cử chỉ quen thuộc, đầy tự hào, hai tay vuốt chòm râu bạc xoè ra như cánh quạt, nắm lấy rồi khép ngón tay lại mà vuốt nhẹ từ trên xuống dưới  và ép vào trước rốn một lát như thể muốn gắn dính nó ở đó và thêm một lần cảm nhận được rằng cái thứ còn có thể phát triển nữa này giờ đã dài lắm.

Bà Maramballe nói tiếp:
" Tôi thì tôi đã lấy ông ấy, thật ra chuyện tôi phải chịu đựng những bất công của ông ấy cũng phải lẽ và tự nhiên thôi, nhưng điều tôi không thể nào hiểu được là chính ông cũng phải chịu đựng như thế, là sao vậy, ông Alexandre trung hậu của tôi?"
Ông khẽ nhún vai và nói bâng quơ:
" Ôi, tôi mà... thưa bà."

Bà nói thêm:
" Thật vậy. Tôi thường nghĩ đến điều đó. Ông đã là lính hầu cận của ông ấy khi tôi kết hôn và ông chẳng làm gì khác ngoài việc chịu đựng ông ấy. Tại sao ông cứ ở với chúng tôi, lương thì thấp, đối đãi lại tệ, trong khi ông có thể làm như mọi người, lập nghiệp, lấy vợ, có con, tạo một mái ấm?"
Ông lặp lại:
" Ồ, thưa bà, với tôi thì khác chứ." Rồi ông im bặt, nhưng lại kéo chòm râu như thể muốn gõ cho tiếng chuông trong lòng ông ngân lên, như thể cố giật chòm râu ra,  đảo tròn đôi mắt hốt hoảng của một người đang cơn bối rối.

Bà Maramballe vẫn theo đuổi ý nghĩ của mình:
" Ông đâu phải là nông dân. Ông có học thức mà."
Ông kiêu hãnh ngắt lời:
" Tôi có học làm nhân viên đo đạc địa hình, thưa bà."
" Vậy cớ sao ông cứ ở với chúng tôi, hỏng cả cuộc đời mình? "
Ông ấp úng:
" Chuyện là thế thôi! Chuyện là thế thôi! Do tại bản tính tôi thôi."
" Sao ạ? Do bản tính ông? "
" Vâng, tôi đã gắn bó là gắn bó mãi, không còn gì khác." 
Bà bật cười.
" Ôi chao, ông đừng cố thuyết phục tôi rằng những cách đối xử tử tế và dịu dàng của Maramballe đã khiến ông gắn bó suốt đời với ông ấy."
Ông cựa quậy trên ghế, vẻ luống cuống thấy rõ và lầm bầm qua hàng râu mép:
" Không phải ông ấy, mà là bà!"

Bà chủ già  với gương mặt hiền lành viền bên trên, giữa vầng trán và mái tóc,  bởi một vành tóc xoăn màu tuyết được uốn cẩn thận hàng ngày và sáng bóng như lông  thiên nga, nhích người trong xe lăn và nhìn người giúp việc với đôi mắt ngạc nhiên.
" Ôi, Alexandre đáng thương của tôi, thế là thế nào? "

Ông đưa mắt nhìn lên trời, rồi nhìn sang bên, nhìn ra phía xa, đầu quay lại, như  kiểu người nhút nhát vẫn thường làm khi bị buộc phải thổ lộ những bí mật đáng xấu hổ. Cuối cùng, ông bày tỏ, với sự can đảm của người lính được lệnh ra mặt trận:

" Chuyện như vậy đó. Lần đầu tiên tôi mang thư của trung uý đến cho cô nương  và cô cho tôi hai mươi xu và còn mỉm cười với tôi, chuyện coi như đã định đoạt xong."
Bà không hiểu, khẩn khoản:
" Nào, ông hãy giải thích đi."

Thế là ông buột miệng, với nỗi lo sợ của kẻ khốn khổ phải thú nhận tội lỗi và hoàn toàn rối trí:
" Tôi đã có cảm tình với bà, thưa bà. Thế đấy! " 

Bà không nói lại gì, thôi không nhìn ông nữa, cúi đầu xuống và suy nghĩ. Bà vốn có từ tâm, thẳng thắn, dịu dàng, đầy lý trí và nhạy cảm.
Trong giây lát, bà nghĩ tới sự tận tuỵ vô hạn của con người khốn khổ này, người đã từ bỏ mọi thứ để được sống cạnh bà mà chẳng bao giờ hé môi. Bà chợt thấy muốn khóc.

Rồi, lấy vẻ mặt nghiêm trang, nhưng không chút giận dữ, bà nói:
" Ta về thôi."
Ông đứng dậy, đến sau chiếc xe lăn và bắt đầu đẩy.
Khi về gần làng, họ nhìn thấy ngay giữa đường đại uý Maramballe  tiến về phía họ.
Ngay khi bắt kịp họ, ông nói với vợ, vẻ muốn tỏ ra nổi cáu thấy rõ
" Chúng ta ăn tối món gì đấy?"
" Gà giò nấu đậu."
Ông nổi khùng:
" Gà giò, lại gà giò, mấy cũng gà giò, mẹ kiếp! Tôi chán ngấy gà giò của bà rồi! Bộ đầu óc bà không có ý tưởng gì ngoài việc ngày nào cũng bắt tôi ăn có một thứ?"
Bà nhẫn nhục trả lời:
" Nhưng mà, mình biết là bác sĩ cho toa vậy mà. Đó cũng là thứ tốt nhất cho dạ dày của mình. Nếu mình không đau dạ dày, tôi sẽ cho mình ăn nhiều món mà tôi không dám dọn cho mình."
Thế là, ông nổi giận đứng sững ngay trước mặt Alexandre:

" Tôi đau dạ dày cũng bởi cái tên súc vật này. Ba mươi lăm năm nay hắn đầu độc tôi với cái kiểu bếp núc tệ hại của hắn. "

Bất chợt bà Maramballe quay đầu lại hẳn để nhìn người giúp việc. Hai đôi mắt của họ gặp nhau và người này lẫn người kia đều nói: "Cám ơn" chỉ bằng tia nhìn như thế thôi.


THÂN TRỌNG SƠN
dịch từ nguyên bản tiếng Pháp
( Alexandre )

http://maupassant.free.fr/cadre.php?page=oeuvre