lundi 29 avril 2019

NGƯỜI BÁN GIẤC MỘNG




      
Truyện ngắn
Gabriel Garcia Marquez.



Lúc chín giờ sáng, trong lúc chúng tôi đang dùng điểm tâm trên sân thượng khách sạn Habana Rievera, ngay giữa cơn nắng chói chan, một ngọn sóng khủng khiếp đã cuốn theo nhiều chiếc xe đang chạy trên đường Malećon hoặc đang đỗ trên lề đường, trong số đó, một chiếc đã bị hất dính vào tường khách sạn. Như một tiếng mìn nổ, tạo nên nỗi kinh hoàng suốt hai mươi tầng toà nhà, biến cánh cửa lớn vào đại sảnh thành cát bụi. Nhiều du khách đang đứng ở quầy tiếp tân bị hất tung lên trời, cùng lúc với đồ đạc, có người bị các mảnh kiếng vỡ cắt nát. Chắc hẳn là đợt sóng thần khổng lồ, bởi giữa con đường chắn Malećon và khách sạn, còn có cả một đại lộ rộng xe chạy hai chiều, cơn sóng đã tràn qua đó mà vẫn còn đủ mạnh để xé vụn thành mảnh các khoảng tường kính.

Các tình nguyện viên người Cuba nhiệt tình, có nhân viên cứu hộ giúp sức, đã mất gần sáu tiếng đồng hồ để dọn dẹp các đống đổ nát, bít lối đi ra biển, mở một cổng khác, và rồi mọi sự trở lại bình thường. Suốt buổi sáng, không ai để ý tới chiếc xe bị ghim dính trên tường, ai cũng nghĩ đó là một trong những chiếc đang đỗ bên lề. Nhưng đến khi xe cần cẩu kéo chiếc xe bị nạn ra, người ta mới phát hiện thi thể một phụ nữ dính vào tay lái nhờ chiếc dây an toàn. Cú va chạm mạnh đến mức không mảnh xương nào của bà còn nguyên vẹn. Khuôn mặt bà bị dập nát, đôi ủng rách bươm, quần áo nát thành mảnh vụn. Bà đeo một chiếc nhẫn vàng hình con rắn với đôi mắt ngọc bích. Cảnh sát xác nhận đây là người quản gia của viên tân đại sứ Bồ Đào Nha và gia đình. 
Bà ta đến La Havane cùng lúc với gia đình đại sứ cách đây hai tuần, và sáng hôm đó lái chiếc xe mới đi mua sắm. Khi đọc tin trên báo, tên của bà không gợi cho tôi điều gì, nhưng tôi lại thấy tò mò về chiếc nhẫn hình con rắn với đôi mắt ngọc bích. Tuy thế, tôi không thể nào xác minh được bà đeo nhẫn ở ngón tay nào.

Đấy là một chỉ dấu quan trọng, bởi tôi ngờ rằng bà ta hẳn là nhân vật khó quên mà tôi không biết được tên thật, người cũng đeo chiếc nhẫn tương tự như thế, điều rất khác thường vào thời kỳ đó. Tôi đã gặp bà ấy ba mươi bốn năm trước, tại Vienne, hôm tôi ngồi ăn xúc xích và khoai luộc, uống bia hơi trong một quán ăn mà đám sinh viên Mỹ la tinh hay lui tới. Tôi vừa từ Rome tới ngay sáng hôm đó, và còn nhớ cái ấn tượng đầu tiên khi nhìn thấy vóc dáng đẫy đà của bà, những chùm đuôi chồn nơi cổ áo khoác ngoài và chiếc nhẫn Ai cập hình rắn đó. Tôi nghĩ bà là người Áo duy nhất ngồi nơi chiếc bàn gỗ dài đó, vì bà nói không nghỉ lấy hơi một thứ tiếng Tây Ban Nha thô kệch với giọng kim. Tuy nhiên, bà sinh tại Colombie, và chỉ sang Áo vào thời giữa hai cuộc thế chiến, lúc còn nhỏ xíu, để học âm nhạc và ca hát. Vào lúc tôi quen bà, bà chỉ khoảng ba chục, nhưng nhìn có vẻ già hơn bởi bà chưa bao giờ xinh đẹp và như hơi già trước tuổi. Nhưng dù sao đó là một con người tuyệt vời. Và cũng là một trong những người đáng sợ.

Vienne vẫn còn là một đế đô cổ kính, do vị trí địa lý ở giữa hai thế giới không thể hoà hợp từ sau thế chiến thứ hai đã biến thành thiên đường của buôn bán chợ đen và gián điệp quốc tế. Tôi không hình dung ra được nơi nào thích hợp hơn cho người đồng hương lưu vong của tôi, người đã chọn đến ăn ở quán sinh viên do muốn trung thành với gốc gác của mình bởi lẽ bà có khả năng mua tiền mặt cả chỗ ngồi cả hết thảy khách ăn có mặt lúc đó. Bà không bao giờ tiết lộ tên thật của mình, lúc nào tôi cũng chỉ biết bà dưới cái biệt hiệu khó đọc mà đám sinh viên Mỹ la-tinh đặt cho bà: Frau Frida. Lúc ấy, tôi vừa mới được giới thiệu với bà thì phạm ngay một lỗi thất lễ là hỏi bà làm sao có thể sống được ở một nơi xa cách và khác biệt với những mỏm đá lộng gió của xứ Quindio đến thế, và bà trả lời ngay:
“ Tôi nằm mộng để có lương.”

Thực tế, đó là nghề nghiệp duy nhất của bà. Là con thứ ba trong số mười một người con của một thương gia giàu có của xứ Caldas cổ, ngay từ khi mới biết nói, bà đã tạo nên một thói quen tốt trong gia đình là thuật lại những giấc mơ của mình ngay khi mới ngủ dậy, chưa ăn uống gì, là lúc mà tính chất sấm truyền của các giấc mơ đang ở trạng thái thuần khiết. Lúc lên bảy, bà nằm mơ thấy một trong các anh em bị dòng nước cuốn trôi. Chỉ vì mê tín sùng đạo, bà mẹ cấm tiệt con trai không được tắm sông. Nhưng Frau Frida lại có hệ thống tiên đoán riêng của mình:
“ Giấc mơ trên không tiên đoán là anh sẽ chết đuối, mà là không nên ăn kẹo. ”

Lời tiên đoán này dường như là một sự sỉ nhục đơn thuần đối với cậu bé năm tuổi, cậu làm sao sống được nếu không có những viên kẹo vào ngày chủ nhật. Bà mẹ lại tin vào tài năng tiên đoán của con gái, yêu cầu tuân thủ tuyệt đối sự cảnh báo. Nhưng còn cậu nhỏ, lợi dụng phút lơ đễnh của mẹ, đã ăn lén một viên kẹo quế và bị hóc, không sao cứu được.

Frau Frida chưa hề nghĩ tới việc biến khả năng tiên đoán đó thành một nghề kiếm ăn cho đến khi đời sống khiến cô ngạt thở với những mùa đông khắc nghiệt ở Vienne. Lúc đó, cô mới đi gõ cửa xin việc ở bất kỳ nhà nào mà cô nghĩ là sống được. Người ta hỏi cô làm được việc gì và cô nói thật: “ Nằm mộng “. Chủ nhà hài lòng với lối giải thích vắn tắt đó và đồng ý mướn cô với khoản thù lao đủ cho những chi tiêu tằn tiện,  thêm vào đó, cô được ở một căn phòng xinh xắn, cơm ngày ba bữa - đặc biệt là bữa điểm tâm, là thời gian cả gia đình ngồi xuống để biết được tương lai gần nhất của mỗi người vào ngày hôm đó: ông bố, một nhà tài chính lỗi lạc, bà mẹ, một phụ nữ vui tính, say mê nhạc thính phòng lãng mạn, và hai đứa con, mười một và chín tuổi. Cả nhà đều sùng đạo, và do vậy, đều có xu hướng mê tín từ lâu. Họ nồng nhiệt đón tiếp Frau Frida và chỉ mong ở cô mỗi một việc là giải thích giấc mộng của cô để tiên đoán số mệnh hàng ngày của gia đình.

Cô làm việc đó khá tốt và lâu dài, nhất là trong những năm chiến tranh, thời gian mà thực tế còn bi thảm hơn ác mộng. Chỉ mình cô có quyền quyết định, lúc ăn điểm tâm, việc mỗi người trong nhà phải làm hôm đó, và làm như thế nào, cứ thế, những lời tiên đoán của cô trở thành quyền lực tối cao trong nhà. Ảnh hưởng của cô đối với gia đình trở nên tuyệt đối: ngay cả tiếng thở dài nhẹ cũng phải theo lệnh của cô. Thời gian tôi quen biết cô ở Vienne, ông chủ nhà vừa mới qua đời và đã ưu ái di tặng cô một phần tài sản, với điều kiện cô phải tiếp tục nằm mộng cho gia đình ông cho đến khi nào cô không nằm mộng được nữa.

Tôi lưu lại Vienne hơn một tháng, cùng chia sẻ hoàn cảnh thiếu thốn với các sinh viên, trong khi chờ một khoản tiền gởi chẳng bao giờ đến. Những lần viếng thăm bất ngờ và sự hào phóng của Frau Frieda tại quán ăn giống như những buổi yến tiệc đối với chế độ ăn uống kham khổ của chúng tôi. Một tối kia, trong cơn sảng khoái có chút men bia, cô đã thì thầm vào tai tôi, với sự tin chắc không cho phép chậm trễ:
“ Tôi đến đây để báo với bạn là tối qua tôi đã nằm mộng thấy bạn. Bạn phải rời nơi đây ngay và đừng trở lại Vienne trong vòng năm năm tới!”

Cô tỏ ra tin chắc đến mức ngay tối hôm đó, tôi đáp chuyến tàu cuối cùng đến Rome. Và tôi cũng bị ám ảnh bởi điều đó nên từ dạo ấy tôi cứ tự coi như là người sống sót cuối cùng thoát khỏi một tai ương mà thực ra chưa hề xảy đến với tôi. Tôi vẫn chưa dám trở lại Vienne.

Trước khi xảy ra cơn tai biến ở La Havane, tôi có gặp lại Frau Frieda ở Barcelona, trong một tình huống bất ngờ gần như là huyền bí đối với tôi. Hôm đó Pablo Neruda (1) đặt chân lên đất Tây Ban Nha lần đầu tiên kể từ khi xảy ra cuộc nội chiến, nhân lúc dừng chân tạm trong chuyến du lịch đường biển đến Valparaíso. Ông đã cùng chúng tôi lục lọi các hiệu sách cũ suốt buổi sáng, và đến tiệm Porter, ông mua được một cuốn sách cũ, sờn gáy, phai bìa, mà ông phải trả với số tiền không kém hai tháng lương làm lãnh sự ở Rangoon. Ông di chuyển giữa đám đông như một con voi bị thương, biểu lộ sự thích thú trẻ con về sự vận hành bên trong mỗi sự vật, bởi ông nhìn thế giới như một món đồ chơi cơ khí vĩ đại, giúp ông khám phá cuộc sống.

Tôi chưa từng thấy một người nào gần giống hơn với cái ý tưởng mà ta nghĩ về một vị Giáo hoàng thời Phục hưng: phàm ăn và thanh tao. Tuy không hề mong đợi, lúc nào ông cũng chủ toạ bàn ăn. Vợ ông, bà Matilde, quàng vào cổ ông một cái khăn ăn trông giống như khăn quàng khi hớt tóc hơn là khi ngồi ăn, nhưng chỉ có cách đó nước xốt mới khỏi vương vãi khắp người ông. Hôm đó, ở tiệm Carvalleiras, ông thật tiêu biểu. Ông ăn cả ba con tôm hùm, bóc vỏ chúng với nghệ thuật của một nhà phẫu thuật, mắt nhìn hau háu qua dĩa các thực khách khác, và, bị khuất phục bởi thói tham ăn đưa tới sự thèm thuồng, ông bổ vào hết dĩa này đến dĩa khác: món sò Galice, sen biển Bilbao, tôm hùm Alicante, hải sâm Costa Brava. Trong thời gian đó, theo lối những người Pháp, ông chỉ bàn về những tinh tế của nghệ thuật ẩm thực, giơ lên cao những sợi râu tôm hùm Chili, rồi nói thầm với tôi:
“ Có người nào sau lưng tôi cứ nhìn tôi nãy giờ đấy!”

Tôi liếc nhìn qua vai ông: đúng thế. Đằng sau ông, cách ba bàn, một phụ nữ không e dè, đội chiếc mũ phớt lỗi thời, cổ quàng khăn tím, đang chậm rãi ăn, mắt dán chặt vào ông. Tôi nhận ra bà ta ngay. Bà ta già đi, và mập ra, nhưng chính là bà, với chiếc nhẫn hình rắn trên ngón tay trỏ.
Bà từ Naples đến trên cùng chiếc tàu với ông bà Neruda, nhưng trên tàu họ không nhìn thấy nhau. Chúng tôi mời bà qua ngồi cùng bàn uống cà phê, và tôi xin bà kể về những giấc mộng, cốt để làm nhà thơ ngạc nhiên. Tuy nhiên ông chẳng hề chú tâm và tuyên bố thẳng thừng rằng ông không tin những chuyện đoán giải mộng.
“ Chỉ có thi ca có cái nhìn thấu suốt!”, ông nói.

Sau buổi ăn trưa, trong cuộc đi dạo không tránh được trên đường Ramblas, tôi cố ý đi chậm lại sau với Frau Frieda để cùng nhắc lại những kỷ niệm mà không tiện cho người khác nghe. Bà kể là bà đã bán hết điền sản bên Áo để về sống ẩn dật ở Porto, trong một căn nhà mà bà miêu tả như một lâu đài nằm cheo leo trên đồi, từ nơi này có thể nhìn thấy cả đại dương, tít tận châu Mỹ. Bà chẳng nói rõ với tôi, nhưng qua câu chuyện bà tiết lộ rằng cứ qua từng giấc mộng, bà đã thu tóm hết tài sản của những người chủ lừng danh của bà ở Vienne. Tôi không ngạc nhiên quá mức bởi tôi từng nghĩ chuyện giải đoán điềm mộng của bà chỉ là một mưu kế giúp bà sinh tồn. Tôi nói với bà như thế.
Bà bật lên cười, nụ cười không kềm chế được. “ Anh lúc nào cũng ngang ngược”, bà nói. Thế rồi bà im bặt, vì cả đám đã dừng lại để đợi Neruda kết thúc cuộc nói chuyện bằng thứ tiếng lóng Chili với những con vẹt. Khi chúng tôi tiếp tục câu chuyện, Frau Frieda đổi đề tài:
“ À này, anh có thể trở lại Vienne rồi đấy.”

Lúc này, tôi bỗng nhận ra là đã mười ba năm trôi qua kể từ lần chúng tôi mới gặp nhau. 

“ Ngay cả nếu các giấc mộng của bà trật lất, tôi cũng không trở lại nơi đó, tôi nói. Chẳng ai biết được ra sao.”

Lúc ba giờ, chúng tôi từ biệt bà để đi theo Neruda vào giấc ngủ trưa thiêng liêng của ông. Ông ngủ ở nhà chúng tôi sau khi chuẩn bị rất trọng thể khiến nghĩ tới nghi thức uống trà ở Nhật Bản. Có mấy cửa sổ phải mở ra, mấy cái khác khép lại để tạo nhiệt độ hoàn hảo, với ánh sáng chừng mực theo một hướng nào đó, và một sự yên lặng tuyệt đối. Neruda rơi vào giấc ngủ ngay và thức giấc sau mười phút, y như trẻ con, vào lúc chúng ta ít chờ đợi nhất. Ông xuất hiện nơi phòng khách, tươi tỉnh, vết hằn của chiếc gối trên má.

“ Tôi đã mơ thấy người đàn bà chuyên nằm mộng đó”, ông nói.
Matilde muốn ông thuật lại giấc mộng.
“ Tôi mơ thấy bà ấy nằm mơ về tôi, ông nói.”
  • Đấy là chuyện của Borges  (2) rồi, tôi đáp lại. 
Ông nhìn tôi thất vọng.
“ Chuyện đó có người viết rồi à? “
  • Nếu chưa viết thì có ngày ông ta sẽ viết thôi. Đó sẽ là một trong những mê cung  (2) của ông ta. “

Lúc sáu giờ chiều, ngay khi lên tàu, Neruda cáo từ chúng tôi, đến ngồi nơi một cái bàn riêng, bắt đầu viết những câu thơ tinh khiết, nhúng ngòi bút vào thứ mực xanh ông thường vẽ hoa, vẽ cá, vẽ chim, thay cho lời đề tặng các tác phẩm của mình. Khi nghe tiếng còi hụ lần đầu, chúng tôi đi tìm Frau Frieda và thấy bà trên cầu tàu hạng nhì vào lúc  chúng tôi sắp rời đi mà không kịp từ biệt bà. Bà cũng ngủ trưa vừa mới dậy.

“ Tôi nằm mộng thấy ông thi sĩ,” bà bảo chúng tôi.
Ngạc nhiên, tôi yêu cầu bà thuật lại giấc mộng.
“ Tôi nằm mộng thấy ông ấy nằm mộng về tôi”, bà nói, sững sờ vì cái nhìn ngạc nhiên của tôi, bà nói tiếp: “ Bạn muốn gì nữa, trong số các giấc mộng, có lúc cũng có khi mộng chẳng liên quan gì với thực cả.”

Tôi không còn gặp lại bà nữa và cũng chẳng bận tâm về số phận của bà, cho đến cái ngày tôi nghe tin có người đàn bà đeo nhẫn hình rắn chết trong vụ tai biến ở khách sạn Riviera. Tôi không thể cầm lòng không hỏi ông đại sứ Bồ Đào Nha vào lúc tôi có cơ hội làm quen ông, mấy tháng sau đó, trong một buổi tiếp tân ngoại giao. Ông đại sứ nói về bà đầy sôi nổi với lòng ngưỡng mộ hết mức. “ Ông không thể tưởng tượng bà ấy phi thường đến thế nào, ông nói. Hẳn là ông không thể không viết một câu chuyện về bà.” Và ông tiếp tục nói cùng một giọng điệu như thế, với những chi tiết bất ngờ, nhưng chẳng có chi tiết nào cho phép tôi đi đến một kết luận dứt khoát.
Cuối cùng tôi hỏi ông: “ Vậy thì, nói cụ thể ra là bà ấy đã làm gì!”


 “ Chẳng làm gì cả, ông đáp, giọng chán chường. Bà ấy chỉ nằm mộng.”

Tháng ba, 1980.


————-
(1) Pablo Neruda,  Nhà thơ Chile ( 1904 - 1973 ), Giải Nobel Văn học 1971.

(2) Borges, tức là Jorge Francisco Isidoro Luis Borges Acevedo, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng người Argentine ( 1899-1986 ). “ Mê cung “ là một trong những chủ đề quen thuộc, bên cạnh giấc mộng, thư viện, triết học, tôn giáo, được đề cập trong các truyện ngắn của ông, nhất là trong tuyển tập “ Ficcionnes “ ( Hư cấu ), xuất bản năm 1944.



THÂN TRỌNG SƠN dịch
( tháng 4/2019)

theo bản tiếng Pháp của Annie Morvan
( Trong cuốn Douze Contes vagabonds,
trang 59-65. NXB Grasset, 1995. )



vendredi 19 avril 2019

CHUYẾN BAY CỦA NGƯỜI ĐẸP NGỦ SAY




   Truyện ngắn  

Gabriel Garcia Marquez
(1928-2014)



Nàng xinh đẹp, dong dỏng cao, làn da mịn màu bánh mì, đôi mắt xanh màu hạnh đào, mái tóc mướt đen, xoã đến  lưng, toát ra mùi hương như là từ xứ Indonesia hay vùng núi Andes xa xôi tới. Nàng ăn mặc kiểu tinh tế: áo khoác ngoài bằng lông linh miêu, áo cánh bằng lụa thô in những bông hoa trang nhã, quần dạ mộc thô, giày đế phẳng,  màu hoa giấy. “ Đây là người phụ nữ xinh đẹp nhất ta chưa từng thấy trong đời”, tôi nghĩ thầm khi thấy nàng sải những bước đi êm ru như dáng sư tử cái, trong khi tôi đứng xếp hàng chờ đáp máy bay đi New York tại phi trường Charles de Gaule, Paris. Nàng xuất hiện lạ lùng trong thoáng chốc rồi tan biến vào đám đông trong phòng chờ.

Lúc này là chín giờ sáng. Trời đổ tuyết từ đêm hôm trước, sự lưu thông trở nên khó khăn hơn lệ thường trên các đường phố, và chậm hơn trên các xa lộ. Nhiều xe tải đỗ bên vệ đường, các xe khác toả hơi nóng trong tuyết. Ngược lại, trong các phòng chờ ở phi trường, cuộc sống vẫn tiếp tục như đang tiết xuân.

Tôi đang đứng xếp hàng tại quầy làm thủ tục, sau một bà Hà Lan lớn tuổi đang tranh cãi gần cả tiếng đồng hồ về trọng lượng mười một chiếc va li của bà. Tôi bắt đầu cảm thấy nản thì bỗng nhận ra sự xuất hiện thoáng qua khiến tôi bàng hoàng, không rõ cuộc xung đột chấm dứt khi nào. Cô nhân viên kéo tôi xuống mặt đất với lời trách tôi lơ đãng. Thay lời xin lỗi, tôi hỏi cô có tin vào tình yêu từ cái nhìn đầu tiên không. “ Dĩ nhiên là tin, cái đó mới là chân thực!”. Mắt vẫn nhìn vào màn hình máy vi tính, cô hỏi tôi muốn ngồi ở nơi được hút thuốc hay không hút thuốc.
“  Với tôi chuyện đó chẳng quan trọng gì ”, tôi cố ý nói, “ miễn là không  phải ngồi cạnh mười một chiếc va li.”
Cô cảm ơn tôi với nụ cười chuyên nghiệp nhưng tia nhìn vẫn không rời khỏi màn hình bóng sáng.

“ Ông hãy chọn một con số, cô bảo tôi. Ba, bốn hoặc bảy.”
“ Bốn.”
Nụ cười của cô ánh lên vẻ chiến thắng.
“ Trong suốt mười lăm nay tôi làm ở đây, ông là người đầu tiên không chọn số bảy.”

Cô ghi số ghế vào thẻ lên tàu và đưa cho tôi với tất cả giấy tờ liên quan, rồi nhìn tôi lần đầu tiên với đôi mắt nâu vàng, một điều an ủi cho tôi, cho đến khi tôi lại thấy người đẹp đi ngang qua. Cũng ngay lúc đó, cô nhân viên thông báo cho tôi rằng phi trường vừa đóng cửa và mọi chuyến bay đều bị hoãn.

“ Hoãn đến lúc nào?”
“ Trời mới biết được”, cô tươi cười nói.” Sáng nay đài phát thanh thông báo đang có trận bão tuyết lớn nhất trong năm.”

Cô ấy đã lầm: Đây là trận bão tuyết lớn nhất thế kỷ. Nhưng trong phòng đợi vé hạng nhất, mùa xuân chừng như vẫn có thực, hoa tươi cắm đầy các lọ, âm nhạc vẫn tuyệt diệu và êm ái, đúng như ý của những người sáng tạo ra nó. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy đây là nơi trú ẩn lý tưởng cho người đẹp của tôi, và tôi tìm nàng ở các phòng đợi khác, bối rối về sự táo bạo của mình. Nhưng phần đông ở đấy chỉ là những người đàn ông trong đời thực, đang đọc báo tiếng Anh, trong khi các bà vợ của họ đang mơ tưởng về những người đàn ông khác, qua khung cửa kính lớn, đưa mắt nhìn những chiếc máy bay chết dí trong tuyết, những nhà xưởng băng tuyết, những công trình to lớn của phi trường Roissy bị bầy sư tử tàn phá. Quá nửa trưa, không còn chỗ để ngồi và cái nóng trở nên oi nồng không chịu nổi, tôi thoát ra ngoài tìm chút không khí thở.

Bên ngoài, tôi thấy một cảnh tượng kinh khiếp.  Đủ mọi hạng người bỏ ra khỏi phòng đợi đến chôn chân nơi các hành lang biến thành lò sấy, nằm ngổn ngang nơi cầu thang, dưới đất với các thú vật, con cái, đồ đoàn. Bởi lúc này, mọi liên lạc với thành phố bị cắt đứt và toà nhà bằng chất nhựa trong trông giống một buồng du hành không gian bị vây hãm trong bão tố. Tôi không thể ngăn được ý nghĩ rằng người đẹp hẳn sẽ ở đâu đó giữa bầy đàn yên tĩnh kia, hình ảnh đó khiến tôi thêm kiên nhẫn để chờ đợi.

Đến giờ ăn trưa, chúng tôi ý thức được thân phận kẻ đắm tàu của mình. Mọi người xếp thành hàng dài vô tận trước bảy nhà hàng ăn, các quán bán thức ăn tự phục vụ, các quầy rượu bị tấn công, và chỉ ba tiếng sau, tất cả các nơi này phải đóng cửa vì không còn gì để ăn để uống cả. Trẻ em, có lúc tưởng chừng như bao nhiêu trẻ em trên thế giới đều tụ họp ở đây, bắt đầu khóc lên đồng loạt, và mùi bầy thú bốc lên từ đám đông. Đây là thời khắc của bản năng. Mọi người tranh giành nhau, và tôi chỉ có thể có được hai cốc kem cuối cùng trong một cửa hàng dành cho trẻ em. Tôi đứng ăn chậm rãi ở quầy, trong khi mấy người phục vụ hễ có khách rời đi là lấy ghế đặt ngược lên bàn, tôi tự ngắm mình trong gương, tay cầm cốc kem nhỏ cuối cùng, miệng ngậm muỗng kem nhỏ cuối cùng, và tơ tưởng đến người đẹp.

Chuyến bay đến New York, được dự tính khởi hành lúc mười một giờ sáng, đã rời đi lúc tám giờ tối. Đến lúc cuối cùng tôi lên tàu, các hành khách hạng nhất đã vào ngồi ghế và cô tiếp viên dẫn tôi đến tận chỗ ngồi. Tôi thấy khó thở.

Sát chỗ ngồi của tôi, cạnh cửa sổ, người đẹp chiếm hữu không gian của mình với sự tự tin của một hành khách có kinh nghiệm. “ Nếu có ngày tôi có viết lại câu chuyện này thì cũng chẳng ai tin,” tôi nghĩ vậy. Và tôi cố ấp úng thốt ra một lời chào ngập ngừng mà nàng như không hề nghe.

Nàng an toạ, kiểu như sẽ ngồi đó hàng năm trời, xếp đặt mỗi vật vào đúng vị trí, đúng trật tự, cho đến khi chỗ nàng ngồi được sắp xếp giống như ở nhà, nơi mọi vật có ngay trong tầm tay. Trong khi nàng loay hoay như thế, một tiếp viên mang đến cho chúng tôi cốc sâm banh chào mừng. Tôi cầm một cốc mời nàng, nhưng cũng cố chờ đúng lúc. Vì nàng chỉ nhận một ly nước và, trước hết bằng một thứ tiếng Pháp khó nghe hiểu, rồi sau đó bằng một thứ tiếng Anh chỉ tạm được hơn một chút, nàng yêu cầu tiếp viên đừng đánh thức trong suốt chuyến bay dù với bất cứ lý do nào. Giọng nàng trang trọng, ấm áp xen lẩn nét buồn Đông phương.

Khi tiếp viên mang ly nước lại, nàng đặt trên đầu gối túi đồ dùng du lịch với bốn góc viền đồng, như kiểu rương nhỏ của các cụ bà, lấy hai viên thuốc màu vàng từ một cái túi đựng những viên thuốc đủ màu. Mỗi một động tác của nàng đều chuẩn mực, từ tốn, như thể từ lúc nàng mới sinh ra chẳng có điều gì bất ngờ xảy ra với nàng hết. Cuối cùng, nàng kéo tấm màn che cửa sổ xuống, hạ thấp lưng ghế ngồi, trùm chăn đến nửa người mà không cởi giày, mang chiếc mặt nạ ngủ, quay lưng về phía tôi, rồi ngủ một mạch, không một tiếng thở dài, không hề thay đổi tư thế, trong suốt tám tiếng đồng hồ đằng đẵng cộng thêm mười hai phút nữa, là thời gian chuyến bay đến New York. 

Thật là một chuyến bay đầy cảm xúc. Tôi vẫn tin rằng trong thiên nhiên không có vẻ đẹp nào lớn lao hơn vẻ đẹp phụ nữ, đến mức tôi chẳng thể nào thoát khỏi, dù chỉ trong khoảnh khắc, hình ảnh thanh thoát của người đẹp cổ tích đang say giấc nồng bên cạnh tôi đây. Sau khi máy bay cất cánh, người tiếp viên nam biến đi ngay, một cô khác khéo léo hơn đến cố đánh thức nàng để đưa cho nàng hộp đựng đồ trang điểm và cặp tai nghe để nghe nhạc. Tôi nhắc lại cho cô lời dặn của nàng đã nói với anh tiếp viên lúc nãy, nhưng cô muốn nghe từ chính người đẹp rằng nàng cũng không muốn dùng món xúp. Anh chàng tiếp viên phải xác nhận điều đó, lại trách tôi bởi vì người đẹp không đeo ở cổ tấm bảng “ xin đừng đánh thức”.

Tôi ăn món xúp trong đơn độc, nghĩ tới những điều sẽ phải nói với nàng khi nàng thức giấc. Giấc ngủ của nàng thật sâu, đến độ tôi lo lắng nghĩ rằng những viên thuốc nàng uống không phải để ngủ mà để tự tử. Cứ uống một ngụm, tôi lại nâng ly chúc mừng: 
“ Chúc sức khoẻ người đẹp!”

Khi xong món xúp, đèn mờ đi, một bộ phim được chiếu lên, chẳng biết để ai xem, và hai chúng tôi chìm trong cõi tối tăm mịt mù của thế giới.

Cơn bão tuyết lớn nhất thế kỷ đã qua đi, đêm trên Đại Tây Dương thật mênh mông trong vắt, và chiếc máy bay chừng như bất động giữa trời sao. Tôi ngắm nhìn nàng, từng li, từng li một, trong nhiều giờ liền, và những dấu hiệu sự sống duy nhất tôi nhận thấy được là những bóng dáng của những giấc mơ thoáng qua trên vầng trán nàng, như những áng mây thoáng qua mặt nước. Nàng đeo ở cổ một sợi dây chuyền thật mỏng manh đến độ tưởng như không nhìn thấy được trên làn da vàng óng ả, đôi tai hoàn hảo không có vết đeo bông tai, móng tay hồng hào dấu hiệu sức khoẻ tốt, bàn tay trái đeo nhẫn.

Bởi nàng có vẻ chưa quá tuổi đôi mươi, tôi tự trấn an mình bằng ý nghĩ rằng đó không phải là nhẫn cưới, mà chỉ là chiếc nhẫn bình thường của một đính ước phù du. “ Biết em đang thiếp ngủ, thanh thản, tinh khôi, tin cậy, thật gần gũi trong vòng tay gắn bó của ta “, tôi nghĩ trên đầu bọt sóng sâm banh, ngân nga câu thơ thần kỳ của Gerardo Diego (1). Sau đó, tôi hạ thấp lưng ghế ngang tầm bằng ghế nàng, chúng tôi nằm duỗi bên nhau, sát gần nhau hơn là trên chiếc giường tân hôn.

Hơi thở của nàng ấm áp như giọng nói, và làn da toát ra hương vị tinh tế dịu dàng không khác hương thơm tự nhiên của nhan sắc. Chuyện thật khó tin: mùa xuân năm rồi, tôi vừa đọc một tiểu thuyết tuyệt vời của Yasunari Kawabata (2) viết về các bậc trưởng giả lớn tuổi ở Kyotok đã phải chi ra một khoản tiền rất lớn để trải qua một đêm dài chiêm ngưỡng những thiếu nữ đẹp nhất thành phố, khoả thân và đang chịu tác dụng của liều thuốc an thần, trong khi các vị này mê đắm trên cùng chiếc giường. Họ không được phép đánh thức các thiếu nữ dậy hay đụng chạm các nàng, mà thực sự họ cũng không hề có ý định đó , bởi điều tinh khiết nhất trong lạc thú của các vị này là được ngắm các nàng say sưa giấc nồng. Đêm đó, khi thức nhìn người đẹp ngủ, tôi không chỉ hiểu được sự tinh tế của người trải đời, mà còn hơn thế, tôi đã sống với nó trọn vẹn.

“ Ai có thể nghĩ được rằng”, tôi tự nhủ, “ với lòng tự ái được men rượu làm hưng phấn lên, tôi có ngày đã thay đổi thành một lão gia Nhật Bản? “

Có thể tôi đã ngủ nhiều giờ, do ngấm men sâm banh và ánh chớp câm lặng của cuốn phim đang chiếu, khi thức giấc, đầu tôi nhức như búa bổ. Tôi đi vào phòng vệ sinh. Sau chỗ tôi ngồi hai hàng ghế, bà già với mười một chiếc va- li đang nằm, bốn vó đưa lên cao. Bà giống như một tử thi phơi thây nơi chiến địa. Đôi kính lão của bà với vòng dây bằng hạt cườm nhiều màu rơi vãi dưới sàn, ngay giữa lối đi. Trong một lúc tôi cảm thấy niềm vui ranh mãnh là lờ đi, không nhặt lên cho bà.

Sau khi cố thoát khỏi ảnh hưởng của rượu, tôi nhìn mình trong gương, thật xấu xí, đáng chê, và ngạc nhiên nhận ra sự tàn phá của tình yêu lại khủng khiếp đến thế. Bỗng nhiên, máy bay mất độ cao, hết sức gượng dậy rồi lại phóng về phía trước. Dấu hiệu trở về chỗ ngồi được bật sáng. Tôi nhanh chân bước ra, với hy vọng là những cơn cuồng đảo của trời đất vừa qua đã đánh thức nàng dậy, và nàng sẽ hoảng hốt tìm nơi trú ẩn trong vòng tay của tôi. Trong lúc vội vàng, tôi suýt dẫm lên đôi kính của bà già, điều có lẽ chẳng làm tôi phật lòng. Nhưng tôi đã quay bước, nhặt đôi kính lên, và đặt lên đầu gối bà già, như để cám ơn bà đã không chọn ghế số bốn trước khi tôi chọn.

Giấc ngủ của người đẹp thật triền miên. Khi máy bay ổn định lại, tôi cố cưỡng lại sự cám dỗ muốn lay nàng dậy với một lý do nào đó, bởi vì tôi chỉ muốn một điều vào giờ bay cuối cùng này, là được thấy nàng thức giấc, dù nàng giận dữ, hầu có thể tìm lại được sự tự do và có lẽ cả tuổi trẻ của tôi. Thế nhưng, tôi không thể làm điều đó. “ Quỉ thật, tôi khinh miệt tự nhủ, sao mình không sinh ra dưới dấu hiệu Kim Ngưu! “ Nàng tự thức giấc đúng vào lúc các biển báo chiếu sáng được bật lên, nàng thật xinh đẹp, thật tươi tắn như đã trải qua một giấc ngủ êm đềm trên chiếc giường hoa.

Lúc này, tôi nhận ra rằng, trên máy bay, những hành khách ngồi cạnh nhau, như những đôi vợ chồng già, không chào hỏi nhau khi thức giấc. Nàng không phải là ngoại lệ. Nàng gỡ mặt nạ ra, mở đôi mắt rạng rỡ, nâng lưng ghế tựa, dẹp chăn đắp qua một bên, lắc nhẹ cho mái tóc duỗi ra tự nhiên, đặt hộp trang điểm trên gối và sửa soạn với vài động tác lẹ làng và có vẻ thừa thãi để khỏi nhìn tôi, trong khi chờ cửa mở. Sau đó nàng khoác chiếc áo veste lông linh miêu, gần như vượt qua tôi với lời xin lỗi ước lệ bằng tiếng Tây Ban Nha châu Mỹ, rồi ra đi mà không một lời từ giã, không cả lời cám ơn tôi về những gì tôi đã làm để chúng tôi có được một đêm hạnh phúc, và biến đi mất tăm mãi cho đến ngày hôm nay trong thành phố New York như rừng rậm này.

Tháng sáu 1982.



——————————————

Chú thích của người dịch:

  1. Gerardo Diego Cendoya, nhà thơ Tây Ban Nha, 1896-1987.
(2) Yasunari Kawabata, nhà văn Nhật Bản, 1899-1972. Giải Nobel văn học 1968. Cuốn tiểu thuyết được nhắc đến ở đây là “ Ngôi nhà những người đẹp ngủ say “, xuất bản năm 1961, bản tiếng Anh dịch là “ the House of the Sleeping Beauties “ . Tác giả Gabriel Garcia Marquez xem đây là một kiệt tác của văn chương đương đại.


THÂN TRỌNG SƠN dịch
Theo bản tiếng Pháp của Anne Morvan
( Douze contes vagabonds - nxb Grasset, 1993, trang 52-58 ).
4/2019











lundi 15 avril 2019

DƯỚI GỐC CÂY









Truyện ngắn
Thiết Ngưng  ( Tie Ning  铁凝 )
( 1957 -        )




Sinh năm 1957 tại Bắc Kinh, quê quán Hà Bắc, trong một gia đình nghệ sĩ, cha hoạ sĩ, mẹ giáo sư âm nhạc. Năm lên bốn, cả nhà trở về quê, Thiết Ngưng học hết bậc trung học ở đây, thời kỳ xảy ra cuộc cách mạng văn hoá. Năm 1975, học xong trung học, cô gái trẻ Thiết Ngưng về lao động nơi một nông trại ở quê nhà.

Lúc này, Thiết Ngưng đã bắt đầu viết văn, truyện ngắn “ Chiếc liềm biết bay “ ( 会飞的镰刀, hội phi đích liêm đao )  đăng trong Tạp chí văn học nghệ thuật Bảo Định, được xem là truyện ngắn đầu tiên của nhà văn, mở đầu cho một số truyện khác, sáng tác trong thời gian lao động này.

Năm 1979, Thiết Ngưng về làm biên tập viên chuyên mục văn học cho Tạp chí Hoa Sơn ( 花山 ), từ đây bắt đầu tham gia nhiều hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, để năm sau, cho xuất bản tuyển tập truyện ngắn đầu tiên.

Năm 1982 đánh dấu thành công ở tuổi 25 của nhà văn trẻ khi cô cho in truyện ngắn  “ Ồ, Hương tuyết “  ( 哦,香雪 ), lập tức gây tiếng vang lớn và đạt “ Giải thưởng những truyện ngắn hay nhất Trung quốc năm 1982 “.    

Những năm tiếp theo, Thiết Ngưng vẫn sáng tác đều đặn, hầu như năm nào cũng có tác phẩm được xuất bản:

  • 没有纽扣的红衬衫 ( Chiếc áo đỏ không cài cúc ), 1983, được chuyển thể thành phim, đạt các giải thưởng Gà vàng và Trăm hoa, 
  • 六月的话题, ( Đề tài câu chuyện tháng Sáu), 1984, chuyển thể thành phim truyền hình. Năm này, Thiết Ngưng được bầu làm Phó chủ tịch Hội nhà văn Hà Bắc. Năm sau, cô được bầu vào Ban chấp hành Hội nhà văn Trung quốc, tham gia phái đoàn các nhà văn sang Hoa Kỳ dự hội thảo văn học tại đại học Columbia, 
  • 麦秸垛 (  Mạch kiết đoá - ), 1986.   棉花垛 ( Miên hoa đoá ), 1986, 村路带我回家, (  Thôn lộ đái ngã hồi gia , Con đường làng dẫn tôi về nhà ), 1987.

Những truyện ngắn này đều viết về cuộc sống người phụ nữ ở nông thôn với vẻ đẹp chơn chất, số phận long đong, bất hạnh, nhưng luôn ý thức về vai trò của mình trong xã hội.

Tiểu thuyết đầu tiên của Thiết Ngưng là “ Cửa hoa hồng “ ( 玫瑰门, Mai khôi môn), xuất bản năm 1988. Sau đó là “ Thành phố không mưa “ (无雨之城, Vô vũ chi thành ), xuất bản năm 1994.

Thời gian này bà phải dành nhiều thời gian hơn cho công tác ở Hội nhà văn tỉnh và trung ương, liên tục xuất ngoại:  sang Hoa Kỳ, thăm viếng và nói chuyện tại 13 tiểu bang (1995), Hong Kong, Israël, Triều Tiên (1998). Mãi đến năm 2000 mới in thêm một cuốn tiểu thuyết khác là “ Những người đàn bà tắm “ ( 大浴女, Đại dục nữ ), cũng đã được chuyển thể thành phim truyền hình. Câu chuyện của ba người phụ nữ, hai chị em và một người bạn, kéo dài từ thuở thiếu thời, rồi trưởng thành và tới tuổi trung niên, thời gian trong và sau Cách mạng văn hoá. Mỗi một nhân vật nữ sống vẫy vùng trong những mối quan hệ khó khăn về gia đình và tình cảm, cố giành lấy tự do cho bản thân. Lấy ý tưởng từ bức tranh “ Les baigneuses “ của hoạ sĩ người Pháp Ceanne, nhưng với một ý nghĩa tượng trưng là cuộc “ tắm gội linh hồn “  ( 灵魂的洗浴, linh hồn đích tẩy dục ), là quá trình trưởng thành của người phụ nữ trong một xã hội đầy sóng gió trong một giai đoạn lịch sử có quá nhiều biến cố.

Năm 2006, Thiết Ngưng được bầu làm Chủ tịch Hội nhà văn Trung quốc, là phụ nữ đầu tiên và người trẻ nhất giữ cương vị này, mang đến triển vọng nhiều thay đổi. Đến năm 2011, bà tái đắc cử chức vụ này.

***

Truyện ngắn “ Dưới gốc cây “ giới thiệu dưới đây tiêu biểu cho chủ đề và văn phong quen thuộc của nhà văn nữ Thiết Ngưng. Đây là chân dung phác hoạ xã hội Trung quốc vào đầu thiên niên kỷ thứ hai. Hai nhân vật chính, Vu và Hạng Châu Châu đều là học sinh trung học xuất sắc, nhưng về sau, Vu chỉ là giáo viên trường làng, nghèo khó và đầy mặc cảm, trong khi cô bạn ngày càng thăng tiến trong sự nghiệp chính trị. Còn các bạn khác, cũng có bạn lao vào buôn bán làm ăn nên giàu có vượt bực. Trước sau Vu vẫn tỏ ra hay ngại ngùng, dè dặt, còn Hạng Châu Châu, tuy nay nhiều uy thế, quyền lực nhưng vẫn cởi mở và dễ mến. Tác giả miêu tả xã hội với những sự kiện như xảy ra, không có ý phê phán, chỉ trích gì. Câu chuyện kết thúc nhẹ nhàng, bằng những suy tư chân thành của nhân vật. Tính hiện thực vừa cay đắng vừa ngọt ngào, cuộc sống êm ả trôi qua, thế thôi!


*****



                                     Ảnh Thiết Ngưng 



 I. 

Vu thường vẫn không thích tham dự những buổi họp mặt với bạn học cũ, hoặc những sinh hoạt đại loại như thế. Giờ đã năm mươi tuổi rồi, những thứ này có nghĩa lý gì đâu? anh thường nói vậy với người thân, bằng một giọng dè bỉu. Theo anh, nói bạn đồng môn, tức là nhắc đến thời trai trẻ, và như thế họp bạn đồng môn chỉ hấp dẫn bọn trẻ thôi.

Vậy mà cách đây ba, bốn năm gì đó, Vu đã phải một lần tham dự buổi hội ngộ bạn cũ thời trung học. Người tổ chức là anh chàng hồi đi học có biệt danh là Sói Con. Dạo đó hắn gầy như cây sậy, nhưng đầy sức sống. Gần đây, nhờ làm ăn buôn bán mà phất lên, tuy vẫn cứ gầy và tràn trề năng lượng. Sói Con tha thiết muốn gặp Vu để mời anh đi dự họp lớp, hắn tìm kiếm rất lâu, cuối cùng mới tìm ra anh tại một trường trung học ở ngoại ô. Khi đến tuổi trung niên, Vu cắt đứt hết mọi liên lạc với bạn cũ thời trung học, bây giờ có vợ và hai con, anh là giáo viên dạy tiếng Trung tại một trung học. Anh và Sói Con lâu lắm không gặp nhau, nhưng ngay khi Sói Con xuất hiện ở phòng giáo viên, cả hai nhận ra nhau ngay.

Ông thấy chưa, tôi tìm ra ông rồi! Sói Con bảo anh. Vu cười cười, xoa hai tay dính đầy phấn, không biết nói gì. Sói Con nhắc đến buổi họp lớp và nói tất cả bạn cũ thời đó, dù ở chân trời góc biển nào cũng đã trả lời hưởng ứng, chỉ trừ anh thôi. Xa xôi hả, Tân Cương có xa không? Vậy mà, lần này X ( hắn nhắc tên một người bạn ) sẽ từ Ürumqi (1) chắc chắn sẽ tới đó. Hải Khẩu xa lắm chứ gì? Thế mà Y ( hắn nhắc tên một bạn khác ) cũng sẽ tới nữa đó. Và rồi, còn có Hạng Châu Châu - Sói Con tiếp - ông còn nhớ nàng này, hẳn rồi. Đây là đối thủ trực tiếp của ông trong các bài luận văn, bao giờ cô ấy cũng kém ông hai điểm lúc thi học kỳ. Hiện nay, cô là phó giám đốc sở ngoại thương của tỉnh, cô đã chính thức nhận lời và sẽ đến dự sau khi kết thúc phiên họp quan trọng ở sở. Vậy thì, Vu ơi, ông không thể nào từ chối được, ai cũng biết ông là người xuất sắc nhất nhóm mà. Thực ra, câu nói này lại làm phật ý Vu, anh cho đó là lời chế giễu.

Tuy vậy, lần đó anh vẫn đi dự, có lẽ để gặp Hạng Châu Châu. Anh nhớ lại dáng đi đặc biệt của nàng thời đi học, với vầng trán cao, đôi môi mịn màng, cái bím tóc buộc chặt, lưng đeo chiếc cặp bằng vải thô phai màu.
Thuở đó, tự Vu cho mình là đối thủ của nàng, bọn trong lớp chẳng đứa nào bén gót chân hai người. Vu thường nghĩ mình vượt hẳn các bạn. Một hôm, thầy giáo đem ra đọc trước lớp bài làm của Hạng Châu Châu với lời khen ngợi. Tới buổi học sau, Vu viết liền một hơi hai bài luận văn về hai đề tài khác nhau, bài nào cũng hóc búa, rồi đưa cho bạn đại diện lớp, như muốn chứng minh Hạng Châu Châu không thể trội hơn anh được. Tài năng xuất chúng khó tin đó được đánh giá đúng mức, thầy giáo khen ngợi, bạn bè ngưỡng mộ. Vu từng có ao ước trở thành nhà văn. 

Vu nhớ lại có lần mấy bạn tranh luận nhau về những nhà văn nổi tiếng, Vu nhắc đến tên Dostoïevski, và Hạng Châu Châu hỏi anh ngay: Là ai vậy? Anh vội vàng đọc lại rất nhanh tên nhà văn, và cô bạn nói anh đọc lại chậm hơn được không. Vu cảm thấy tự hào về mình, và trong thâm tâm, anh vẫn còn cảm thấy như thế khi nhớ lại chuyện này. Vài chục năm sau, hồi tưởng thời trung học huy hoàng, thầy giáo khiêm tốn là anh đây vẫn còn nhớ rõ nét mặt của Hạng Châu Châu khi nàng hỏi anh: là ai vậy? Ôi, chuyện lâu quá rồi! anh nhớ lại, thở dài.

Vào buổi họp mặt do Sói Con tổ chức, Hạng Châu Châu đến trễ, sau giờ hẹn đến sáu tiếng đồng hồ.  Có mặt trong một phòng riêng tại một tiệm ăn trung bình,  khoảng một chục bạn đang lắng nghe Sói Con nói chuyện qua điện thoại với Hạng Châu Châu, vấn đề là cô bận dự một cuộc họp ở cơ quan. Họp xong là nàng tức tốc đi đến khi đường đang kẹt xe. Thế là mọi chuẩn bị cho bữa ăn trưa bị đẩy xuống cuối buổi chiều. Ai cũng cảm thấy cái bụng rỗng không, vậy mà Sói Con chỉ gọi cho mỗi người một dĩa mì sợi, và bảo ráng chờ tí nữa, hắn nói, trong đám này, Hạng Châu Châu là người có vị trí công tác quan trọng nhất. Vu nghĩ thầm, sao lại thế được, chả lẽ vì cô ấy quyền cao chức trọng nên có thể bắt mọi người phải đói mốc đói meo trong khi chờ cô tới sao? Đây toàn là bạn học cũ, chứ đâu phải là thuộc cấp của cô! Nghĩ tới đây, nhiều lần anh muốn đứng dậy bỏ về, nhưng thấy các bạn say sưa, có vẻ nhiệt tình, trong khi chờ đợi, và lợi dụng thời khắc này để kể cho nhau về cuộc sống hiện tại của mình. Tất cả đều còn đó, kể cả các bạn đến từ Tân Cương, Hải Khẩu. Vu khó mà rút lui được. Nghe họ nói chuyện kiểu nhát gừng, anh thấy phần lớn là những kẻ xoàng xĩnh, đề tài câu chuyện tẻ nhạt, vô duyên, mà thực ra anh cũng đoán trước họ chỉ là vậy thôi. Nhưng anh cũng tin một điều là mức sống của anh thấp kém thua họ nhiều, điều này anh cũng đoán trước như vậy. Chẳng hạn, hiện anh đang thuê một căn hộ hai phòng, không có hệ thống sưởi, vợ anh là một nông dân anh đem về sau thời gian đi lao động cưỡng bức ở thôn quê, và hiện thời mỗi ngày kiếm được chút đỉnh bằng công việc quét dọn khu chợ quê gần nhà. Các bạn anh không biết gì việc này. Anh nghĩ, chẳng cần để họ thương cảm chuyện này, ích gì đâu? Chỉ đến khi nói đến thế hệ đang lớn Vu mới thấy hào hứng hơn. Con trai, con gái anh đều rất mực thông minh, cậu trai đầu vừa vào được đại học, khoa kinh tế, con gái đang học trung học, nhưng Vu thấy nó có óc tưởng tượng tuyệt vời. Anh nhớ lại dịp dắt tay con đi dạo, lúc đó nó mới lên hai. Anh chỉ tay lên bầu trời đầy sao và hỏi con đấy là cái gì, và con gái trả lời trên trời đầy cả những hạt gạo trắng tinh! Nghe đứa bé nói sao trời là những hạt gạo trắng, Vu tự nhủ, ai chẳng nghĩ nó là nhà thơ...


 II.  

Vu chưa kịp kể về con mình cho các bạn nghe thì xe của Hạng Châu Châu đã tới và tạo ra một làn sóng phấn khích ở mọi người, ngay cả Vu cũng nghĩ là không gian trước mặt nàng bỗng rực sáng hẳn lên. Hạng Châu Châu, bạn không thay đổi gì hết, rộ lên tiếng reo đồng loạt. Nhưng phải hơn thế nữa: đơn giản là vì, so với các bạn khác trong lớp, nàng vượt trội, vượt trội hẳn, có cái gì đó vượt lên hẳn, vậy thôi... cả lớp, Vu cũng vậy, đều thấy giữa nàng với họ khác biệt nhau lắm. Nàng đứng đó, trước mặt họ, dáng vẻ tươi tắn, thanh thản, không thấy chút nào là xa cách, mà cũng không dễ cảm nhận là nàng rất gần gũi. Nàng bắt tay từng người, và khi đến lượt Vu, nàng cố nhắc là đang nhớ lần anh viết hai bài luận văn trong lớp. Đến lúc ăn, Hạng Châu Châu cũng tỏ ra rất dễ mến, trong khi Vu thấy Sói Con đang nói những câu thô lỗ thì nàng tỏ ra chẳng bận tâm.

Chẳng hạn, hắn nói là tốt hơn hết mọi người nên nói chuyện học hành, nhưng nói chuyện học đại học chứ không phải lúc học tiểu học, đại học mới là siêu, chứ còn tiểu học thì ngu ngơ lắm, và như vậy chỉ có bạn thời trung học mới thân thiết nhau. Chuyện khác nữa là, hắn nói có được một người bạn đồng môn như Hạng Châu Châu thật là vinh dự cho cả lớp, giữa bạn bè khi có tuổi thế này mọi người có thể ủng hộ nhau, dìu dắt nhau, vv. ..., v.v. Vu tin chắc rằng Hạng Châu Châu cố ý không biểu lộ phản ứng gì, và nàng càng tỏ ra bất cần thì càng ra vẻ cao cả đối với người khác.

Khi ăn xong, Hạng Châu Châu nhờ nhân viên đi theo nàng trao cho mọi người món quà nàng chuẩn bị sẵn: những chiếc túi da thật để cất danh thiếp. Những thứ này đều thích đáng, Vu nghĩ, có điều là anh không có danh thiếp nên về nhà anh đem cho con gái.

Hai năm liền sau cuộc họp lớp đó, Sói Con còn tổ chức hai lần nữa, nhưng Vu không đi dự, anh cảm thấy bị tổn thương. Ai làm anh thấy tổn thương, Vu cũng không rõ. Hai lần sau đó, Sói Con đã lái chiếc BMW đến tận cửa nhà anh, nhưng hắn không đi xa hơn, có lẽ những gì hắn nhìn thấy đủ cho hắn quyết định như thế: sân nhà lồi lõm, con gái Vu tay đầy vết bầm tím, mấy con gà đẻ trứng nơi góc sân. Vu tự nhủ, chẳng có gì mặc cảm, sống ở ngoại ô nên mới nuôi được gà, con đang tuổi lớn, chúng cần ăn trứng. Còn những vết tím tái, đúng là cả vấn đề, con gái anh bị như vậy là vì nhà ở quá lạnh, và than đốt quá mắc.

Từ khi con trai vào đại học Bắc Kinh, hai vợ chồng phải vất vả lắm để trang trải chi tiêu hàng tháng, Vu bỏ thuốc lá, nhưng rồi tiền đâu mà mua than đốt? Vết bầm tím, là cả vết thương, khi gia đình có con gái... Tự an ủi mình, rồi tự lên án, Vu cương quyết từ chối đi dự, lộ rõ vẻ không lay chuyển, rốt cuộc, Sói Con không tới mời nữa. Một thời gian sau, Hạng Châu Châu thuyên chuyển từ nhiệm sở ở tỉnh đến  làm phó thị trưởng thành phố nơi Vu sinh sống. Dạo này, gia đình Vu thường thấy nàng trên TV. Vợ Vu hỏi anh: cô thị trưởng này là bạn học năm nào với anh phải không? Vu xác nhận. Con gái hỏi tiếp: ở trung học hay đại học vậy ba? Vu đáp, ở trung học, bạn cùng lớp đó. À, trung học, cả hai cùng thốt lên, ở trung học thì hay hơn đại học, bạn bè thân thiết nhau hơn. Ngay lúc đó, vợ Vu nói: anh không thể đến thăm cô ấy, xin cấp cho chúng ta một căn hộ hai phòng có hệ thống sưởi sao?
Vu đáp, anh sợ là đến xin như thế không hay lắm. Con gái xen vào, đâu có phải là người lạ đâu ba, cô ấy học chung với ba ở trung học mà. Lúc này cả nhà đang ăn tối, ánh mắt Vu dừng lại trên đôi bàn tay con gái, chúng sưng vù lên, vài mảng tối sẫm, hoặc tím lại, đôi tai cũng bị cóng lên. Vậy mà con gái vẫn ăn ngon, chẳng thấy khó khăn gì, nó ngấu nghiến nuốt bát bột mì, mặt mày đỏ au lên. Nó chưa làm thơ, từ buổi tối lúc hai tuổi nó nói các vì sao là những hạt gạo trắng, và cũng chưa biểu lộ năng khiếu thơ ca gì cả. Nhưng nó rất xuất sắc về toán, và mới đây, nó tham dự một cuộc thi cấp tỉnh trong khuôn khổ thi giỏi toán dành cho học sinh trung học, nó đạt được giải nhì. Sau đó, về nhà nó nói với ba là mục tiêu của nó là vào học Đại học Bắc Kinh hay Đại học Thanh Hoa, chứ không học trường nào khác. Vu phải ủng hộ nó chắc rồi, nhưng ủng hộ cái gì đây. Làm sao để ít nhất nó được ngồi học trong căn phòng được sưởi ấm, để cầm bút tay không đau vì tê cóng. Năm tới là năm học cuối cùng bậc trung học rồi, năm học quyết định. Anh sẽ ủng hộ con cách nào đây trong lúc gay go này? Có lẽ anh phải đi gặp cô bạn học cũ, giờ này đã là thị trưởng.

Đi gặp nàng, không được sao? Dẫu sao, khi nàng xuất hiện trên TV là với tư cách quan chức cao cấp của thành phố, người bảo vệ nhân dân, còn anh, anh là dân thường thôi. Hơn thế nữa, anh có đi gặp cho riêng mình đâu mà là cho con gái, một tài năng như thế không thể là của riêng trong gia đình, đó là tài sản của nhân dân, tài sản quốc gia. Có gì là bất thường khi yêu cầu những điều kiện chỗ ở tốt hơn cho một cá nhân với năng lực đã thuộc về nhân dân, về quốc gia? Anh chợt nhớ ra sự cố xảy ra hai ngày trước: con gái anh ngồi học ban đêm, thòng chân vô  lò lửa, lửa bén cháy đôi giày, hai chân may không hề hấn gì. Nếu căn hộ có hệ thống sưởi, con gái anh đâu phải cần tới bếp lửa để hong ấm chân. Càng nghĩ tới đó, anh càng quyết tâm với việc phải làm, và có chút ân hận là hai lần họp trước đã không đi dự. Đấy là phương cách lý tưởng để giữ đẹp mối quan hệ, nếu có cơ hội gặp nhau thường xuyên những dịp như thế, thì khi có việc cần nhờ, có phải là tự nhiên hơn không. Tuy thế, dẫu hai lần rồi anh không đi dự, Hạng Châu Châu cũng không thể chối bỏ rằng anh là bạn học cũ thời trung học. Nghĩ riết một hồi, cuối cùng anh dứt khoát sẽ đi gặp.

Vu không có điện thoai ở nhà. Ngày hôm sau anh đi làm sớm, đến trước các đồng nghiệp để có thể vào phòng giáo viên gọi cho văn phòng thị trưởng. Nhân viên hỏi tên và nơi anh làm rồi chuyển máy ngay cho Hạng Châu Châu. Phải công nhận là nói qua điện thoại, nàng tỏ ra rất thân thiện, nhưng thực tế. Sau vài câu thăm hỏi xã giao, nàng hỏi ngay là có thể giúp gì cho Vu không.  Nghe vậy, Vu đáp ngay là không, chẳng có gì, không phải vậy đâu, và cứ lặp đi lặp lại mãi, làm như đã bị cáo buộc sai là muốn xin xỏ điều gì. Hạng Châu Châu nói là nếu anh có vấn đề gì và nếu nàng có thể giúp được thì nàng sẵn lòng. Vu mạnh miệng nói anh không có việc gì, chỉ muốn gặp nàng thảo luận vài chuyện. Hạng Châu Châu cho anh số điện thoại và địa chỉ nhà riêng, và mời anh khi nào rảnh ghé chơi. Vu lấy hết can đảm nói ngay tối nay được không. Sau một lát do dự, Hạng Châu Châu đồng ý. Vu gác máy ngay, lẹ làng hơn kiểu lịch sự đòi hỏi, anh quá sợ là nàng sẽ xem xét lại đề nghị của anh. 




   III.  

Tối hôm đó, Vu đạp xe từ nhà anh, ở ngoại ô, đến nhà cô thị trưởng trẻ, mất năm mươi phút. Anh được một người hầu dáng vẻ thanh lịch dẫn vào phòng khách, Hạng Châu Châu xuất hiện, hai người ngồi trên hai ghế sofa đối diện nhau. Lúc đầu, Vu cảm thấy nóng bức, anh không để ý nên đã mặc áo quần và mang giày dày cộm. Ở nhà, không có hệ thống sưởi, anh cần mặc trang phục như vậy, vợ con anh còn đội mũ len suốt cả ngày nữa. Ngược lại, trong căn hộ ấm áp của cô thị trưởng, chỉ cần một chiếc áo mỏng là đủ, và Hạng Châu Châu đã ăn mặc như vậy: chiếc áo thun vải mỏng hở cổ. Vu nhận ra điều đó, trước anh chẳng để ý, cũng chẳng quan tâm xem đồ đạc trong phòng gồm những gì. Căn phòng rộng thênh thang, sàn nhà bóng loáng, có nhiều trái cây ngon lành đặt trong chiếc dĩa lớn, tách nước toả hương thơm chè xanh. Vu cảm thấy xa lạ mọi thứ, hay đúng hơn, anh càng cố thích ứng với khung cảnh và không gian đó thì càng mong cho câu chuyện vượt lên trên bầu không khí nơi cảnh vật và người ở đây. Anh bèn mở đầu chuyện văn chương.

Anh nhớ là thời đi học, nàng rất thích văn chương, và chính anh là người đầu tiên nói với nàng về Dostoïevski. Quả thực là Hạng Châu Châu ưa thích đặc biệt văn chương, nàng kể ra hàng loạt nhà văn đương thời, và các tác phẩm của họ, để hai người cùng thảo luận. Khi anh bày tỏ ý kiến riêng, anh để ý là nàng có vẻ bị thuyết phục.

Anh gợi ra vấn đề óc tưởng tượng nơi nhà văn, anh nói, theo anh nhiều nhà văn Trung quốc hiện nay thiếu óc tưởng tượng, phải nhờ đến người khác trong tác phẩm của mình. Anh dẫn ra một truyện ngắn của Mỹ anh vừa mới đọc. “ Băng nóng “ (2),  mà anh cho là tràn đầy tưởng tượng. Chuyện một cô gái nhảy xuống hồ chết, bố cô bỏ xác vào tủ đông lạnh để giữ được vĩnh viễn. Khi kể lại chuyện này, anh chợt nghĩ đến con gái, và nghĩ đến nhiệm vụ anh phải làm tối nay. Anh cảm thấy có chút tội lỗi vì mãi hoài không đưa đẩy câu chuyện đến đề tài chính. Nhưng có thể là Hạng Châu Châu không biết đến truyện ngắn đó, chẳng lý do gì nàng phải biết rộng về văn chương như Vu, và cũng không nhất thiết phải hiểu rằng cuộc sống nhạt nhẽo không dính dáng gì tới sự cao thượng và phong phú của thế giới nội tâm của anh. Và anh phải kể tiếp tục chuyện vãn:  [ anh kết thúc câu chuyện cô bé bị đông lạnh, một hôm cô được một công nhân của xí nghiệp điện lạnh phát hiện khi anh ta tình cờ mở tủ - anh ta cảm thấy dưới bàn  lồng ngực còn nóng bên dưới những ngón tay, rồi hôm sau các ngón tay đan vào nhau.] 

Vu rất cảm kích chuyện mình đang kể đến nỗi không sao dừng lại được. Có lúc anh nghĩ rằng mình đang có cơ hội lâu nay chưa hề biết để nói ra những điều sâu thẳm trong lòng, và anh cũng ngạc nhiên sao mình có lắm điều để giãi bày thế này. Không thể kềm chế được, anh lan man từ văn chương sang điện ảnh. Anh nhắc đến một cuốn phim anh vừa xem được ở phòng lưu trữ phim ảnh do được một học trò cũ mời. “ Cái chết của Mozart “. Anh nói, đây là phim về chuyện ganh tị. [ Anh kể chuyện nhân vật Salieri muốn gây ra cái chết cho Mozart để khỏi bị cản đường và mấy chục năm sau mới nhận ra rằng điều đó không thúc đẩy con đường sự nghiệp của anh ta chút nào.] (3)

Đến ngang đây, Vu uống một ngụm nước trà và nhận thấy, qua gương mặt của Hạng Châu Châu, có vẻ như nàng không chán mà lại bị cuốn hút bởi câu chuyện không dứt được của anh. Điều đó khiến anh hài lòng, nhưng đồng thời, anh thấy lo lắng. Chuyện căn hộ, đến lúc nào anh mới lên tiếng để hỏi xin căn hộ được?

Tuy nhiên, đúng ngay lúc này, Hạng Châu Châu lại thấy lôi cuốn và hỏi cuốn sách mới nhất anh vừa đọc là gì. Câu hỏi khiến anh quên mất chuyện căn hộ.  Anh kể tên một tác phẩm của Trần Dần Khác ( 4 ), mà tiếc thay, Hạng Châu Châu chưa hề nghe tới. Vu thấy không sao vì hà cớ gì lại đòi một cô thị trưởng phải biết Trần Dần Khác là ai. Vậy là Vu lại tiếp tục nói dông nói dài, nói huyên thuyên về một loạt tác phẩm khác nhau [ về người phát minh ra các chất silicon, aspirine, insuline... ] 
Và như thế, đề tài căn hộ cứ bị treo lại mãi.

Cứ nói mãi không dứt, anh nhận ra là càng lúc anh càng khó đi tới nơi cần đi, và trong tim anh đang ẩn nấp một anh Vu khác đang gây khó khăn cho anh. Mỗi lúc anh lại đề cập những đề tài rộng hơn, sang trọng hơn, và so sánh thì thấy đề tài căn hộ nông cạn hơn, tầm thường hơn, anh càng muốn lái sang nó, anh càng khó thành công. Vào lúc này, một bé gái khoảng bảy, tám tuổi, bước vào phòng khách, bé mặc bộ đồ ngủ mịn màng, có hoa nhỏ, ngái ngủ sà vào lòng Hạng Châu Châu và gọi mamy. Câu chuyện của Vu bị gián đoạn, anh ngạc nhiên nhìn đứa bé trong vòng tay nàng. Cô bạn mỉm cười nói do lấy chồng muộn nên nàng mới có con nhỏ như vậy. Cô bé nhắc cho anh thực tế: phòng khách, trái cây, tách trà thơm, người mẹ...

Giờ này đã mười một giờ, trễ quá rồi. Anh chưa nói việc của mình, nhưng không còn lý do ngồi lại nữa. Anh đứng dậy, Hạng Châu Châu đứng theo. Dựa vào kinh nghiệm và trực giác của mình, nàng đoán là anh đến nhờ nàng việc gì đó. Nàng hỏi lại: chắc chắn anh không có việc gì nói với tôi chứ? Ồ, không, không, không có gì, chắc chắn vậy, anh vừa nói vừa khoác tay và bước nhanh ra phía cửa. Có vẻ như hỏi lại lần nữa là thiếu lịch sự nên Hạng Châu Châu không hỏi nữa. Lúc ra ngoài, Vu thấy thật bối rối. Đầu óc lùng bùng, anh nới cổ áo để gió thổi mát. Đẩy chiếc xe đạp, anh đi vài bước trên đường, và dừng lại dưới gốc một cây keo. Anh đến nhà Hạng Châu Châu để hỏi xin căn hộ hai phòng có lò sưởi, và cả buổi chỉ nói lung tung đủ thứ chuyện. Băng nóng, Trần Dần Khác với Mozart thì có ăn nhập gì đâu. Họ liên quan gì đến cuộc sống của anh chứ? Anh nghĩ đến đứa bé ngái ngủ gọi Mamy. Nếu nó xuất hiện sớm hơn chắc là anh chuyển sang đề tài căn hộ tự nhiên hơn. Cái lối gọi Mamy khiến anh không thoải mái, chứng tỏ nó thuộc về thế giới cao cấp hơn. Con gái của anh có bao giờ gọi anh là Daddy đâu. Nhưng đâu phải vì vậy mà nó không vào được một trường đại học tốt hơn, có gì ngăn cấm nó đâu. Những ý nghĩ ám ảnh này như một tiếng kêu từ đáy lòng anh, khiến anh thấy suy sụp. Hay là tại Hạng Châu Châu? Không, nàng có từ chối anh điều gì đâu. Vậy thì tại sao? Vấn đề ở đâu ra?

Anh nghiệm ra rằng, chỉ do anh không thể hỏi căn hộ khi ngồi đối mặt Hạng Châu Châu. Anh ra đi lòng mang điều thỉnh cầu, giờ làm sao về nhà được khi nhiệm vụ chưa hoàn thành. Anh phải giải quyết cho xong. Vậy là anh đi tới gần cây dương hoè, như kiểu mấy người đi dạo mùa hè trốn nắng bằng cách núp dưới bóng cây. Anh cảm thấy khá hơn, tuồng như ngọn cây hoè đã bảo vệ anh, như một chiếc dù, chống lại cái nóng kinh người của đêm mùa đông này. Lúc ấy, lấy cái cây thay cho Hạng Châu Châu, anh ngỏ lời yêu cầu mà trước mặt nàng anh thấy khó nói nên lời. Thế là gỡ được gánh nặng đè lên con tim nãy giờ, anh cỡi lên xe đạp, rời ra xa.

Anh về đến nhà là gần nửa đêm. Anh đẩy xe vô sân, cố không gây tiếng động và thấy còn đèn sáng bên trong. Anh hiểu là vợ con anh chưa ngủ, chờ tin tức anh mang về. Anh đứng trong sân một lát, chưa vội bước vào, bởi bây giờ anh lại có một thỉnh cầu khác cũng khó nói không kém: anh chuẩn bị nói với vợ con là đừng bao giờ bắt anh đi gặp cô thị trưởng nữa! Anh không hiểu tại sao bỗng dưng anh phải thực hiện việc này. Phải chăng là đến tuổi anh, ai cũng tới bước này thôi? Anh tự nhủ, sang năm con gái anh vào đại học rồi, và chắc chắn sẽ rời khỏi nhà. Lúc đó nó sẽ được ở trong những toà nhà có hệ thống sưởi ở khu đại học. Trong nhà chỉ còn lại vợ chồng anh. Có chuyện gì đâu mà ầm ĩ! Tất cả rồi sẽ ổn cả thôi!


—————————

  1. thủ phủ của Tân Cương, phiên âm là Ô lỗ mộc tề.
  2. “ Hot Ice”, tác phẩm của nhà văn Hoa Kỳ Stuart Dybeck, đạt giải thưởng O’Henry năm 1985.
  3. Đây là phim Amadeus của Milos Forman (1984), kết thúc với việc Salieri tự sát và mong được Mozart tha thứ.
(4) 陈寅恪, Chen Yinke ( 1890-1969 ).




THÂN TRỌNG SƠN
dịch từ bản tiếng Pháp