Affichage des articles dont le libellé est THÂN TRỌNG THỦY. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est THÂN TRỌNG THỦY. Afficher tous les articles
vendredi 19 mai 2017
ĐỢI CHỜ
Truyện ngắn
Guy de Maupassant (1850 – 1893)
Sau bữa ăn tối, nhóm đàn ông trò chuyện trong phòng hút thuốc. Họ bàn về những vụ thừa kế bất ngờ, những gia tài kỳ lạ. Lúc đó luật sư Le Brument mà khi thì người ta gọi là luật sư nổi tiếng, khi thì thầy cãi lừng danh, đến dựa lưng vào bên lò sưởi. Ông nói:
“ Hiện tôi đang tìm một người thừa kế mất tích trong một trường hợp hết sức đặc biệt. Đâylà một trong những bi kịch đơn giản và bất nhẫn nhất trong cuộc sống, một chuyện có thể xẩy ra hằng ngày nhưng là một trong những chuyện ghê sợ nhất mà tôi được biết. Chuyện như thế nầy:
Khoảng sáu tháng trước tôi được gọi đến bên giường một bà sắp chết. Bà ấy nói:
“ Thưa ông, tôi muốn nhờ ông một việc có lẽ là tế nhị nhất, khó khăn nhất và mất nhiều thời gian nhất. Ông vui lòng xem qua chúc thư của tôi trên bàn kia.. Một khoản thù lao năm ngàn quan sẽ dành cho ông nếu ông không thành công, còn nếu thành công thì sẽ là một trăm ngàn quan.Tôi muốn ông tìm con trai tôi sau khi tôi chết.
Bà ta nhờ tôi đỡ ngồi dậy trên giường để nói cho dễ hơn, vì giọng bà đứt quãng, thều thào, rít trong cổ họng.
Tôi đang đứng trong một ngôi nhà rất giàu. Căn phòng xa hoa nhưng giản dị được bọc bằng vải dày như bức tường, nhìn mát mắt đến nỗi ta có cảm giác như được vuốt ve mơn trớn, yên lặng đến nỗi dường như tiếng nói lọt vào đó sẽ biến mất, hòa tan mất.
Người phụ nữ hấp hối nói tiếp: “Ông là người đầu tiên nghe tôi kể câu chuyện khủng khiếp của tôi. Tôi sẽ cố sức để nói cho hết. Tôi biết ông là người tốt bụng và lịch duyệt nữa nên tôi muốn ông đừng quên bất cứ chuyện gì tôi sắp nói để có thể tận dụng khả năng mà giúp tôi.Ông nghe tôi kể đây :
“Trước khi lập gia đình, tôi đã yêu một người nhưng gia đình tôi không chấp nhận lời cầu hôn vì anh ấy không giàu. Sau đó ít lâu tôi cưới một người rất giàu. Tôi lấy ông ấy vì thiếu hiểu biết, vì sợ, vì vâng lời, vì chẳng quan tâm, nhiều cô gái cũng thương lấy chồng như thế mà!
“Tôi có sinh một đứa con, một đứa con trai. Vài năm sau chồng tôi qua đời. Người mà trước kia tôi yêu cũng đã có vợ. Khi biết tôi đã góa chồng ông ấy vô cùng đau khổ, là vì ông không còn tự do nữa. Ông đến thăm, khóc nức nở trước mặt tôi làm cho tôi rất đau lòng. Ông trở thành bạn của tôi. Lẽ ra tôi đừng tiếp ông ấy. Nhưng biết làm sao được? Tôi cô đơn, quá buồn, quá trơ trọi, quá tuyệt vọng. Và tôi cũng còn yêu ông ấy. Lắm khi người ta buồn khổ biết bao!
Tôi chỉ còn mỗi một mình ông ấy trên đời. Cha mẹ tôi cũng đã qua đời hết. Ông ấy thường đến thăm tôi, ngồi lại với tôi suốt buổi tối. Lẽ ra tôi không nên để ông ta thường xuyên đến như thế vì ông ấy đã có vợ. Nhưng tôi không có can đảm để ngăn ông ta. Phải nói sao với ông đây? …Ông ấy trở thành người tình của tôi. Chuyện nầy đã xẩy ra như thế nào? Tôi có biết không? Người ta có biết không? Ông có nghĩ là khi sức mạnh không gì cưỡng nổi của tình yêu đã đẩy hai con người lại gần với nhau thì còn có thể xẩy ra chuyện gì khác chăng? Ông có tin là lúc nào ta cũng có thể cưỡng lại, lúc nào cũng có thể chống chọi, lúc nào cũng có thể từ chối những đòi hỏi kèm theo van lơn, năn nỉ, những giọt nước mắt, những lời nói thiếu kiềm chế, những cái quì gối, những cảm xúc quá trớn của người mà mình yêu tha thiết, của người mà mình muốn thấy sung sướng trước từng ước mơ vụn vặt nhất, người mà mình muốn trao hết mọi niềm vui nếu có thể, người mà mình gây thất vọng vì muốn phục tùng những khuôn phép về đạo hạnh trong đời.Muốn làm được những điều đó ắt phải mạnh mẽ, phải từ bỏ hạnh phúc, phải quên mình, thậm chí phải hy sinh cả tính ích kỷ của đạo đức nữa, không đúng sao?
“Cuối cùng tôi trở thành người tình của ông ta, ông à, và tôi rất hạnh phúc. Tôi sống hạnh phúc trong mười hai năm. Tôi trở thành bạn của vợ ông ấy. và đây chính là nhược điểm trầm trọng nhất của tôi, là sự hèn nhát lớn lao nhất của tôi.
“Chúng tôi cùng nhau nuôi dạy đứa con riêng của tôi trở thành một con người trung thực, thông minh, đầy ý chí và cương nghị, có tư tưởng khoát đạt. Đứa con đã đến tuổi mười bảy.
“Thằng bé cũng yêu thương tình nhân của tôi như tôi yêu ông ấy, bởi vì nó được cả hai chúng tôi chăm sóc, cưng chiều. Nó gọi ông ấy là “bạn tốt” và rất kính trọng ông vì lúc nào ông cũng dạy nó điều hay lẽ phải và làm gương về tính thẳng thắn, trọng danh dự và trung thực. Nó coi ông như một người bạn thân thiết, trung thành và tận tụy của mẹ nó, như một người cha tinh thần, người đỡ đầu, người bảo trợ nó, đại khái như vậy.
“Có lẽ nó cũng chẳng thắc mắc hỏi han gì vì từ nhỏ nó đã quen thấy ông ấy ở trong nhà, bên cạnh tôi, bên cạnh nó, luôn chăm sóc chúng tôi.
“ Một hôm cả ba chúng tôi cùng ăn tối với nhau (đó là những dịp trọng đại nhất của tôi). Tôi đang chờ cả hai người, tự hỏi không biết ai sẽ đến trước. Cửa sịch mở: đó là ông ấy. Tôi bước tới, dang tay ra và ông ấy đặt lên môi tôi một nụ hôn hạnh phúc. Bỗng có tiếng sột soạt rất khẽ. Linh tính cho biết có người xuất hiện khiến chúng tôi giật mình quay lại. Jean, con trai tôi đang đứng nhìn chúng tôi, mặt tái mét.
“Sau một giây hốt hoảng tột cùng, tôi lùi lại, đưa tay về phía con tôi như van lơn.Từ lúc đó tôi không còn gặp nó nữa. Nó đã bỏ đi.
“ Chúng tôi mặt đối mặt, rụng rời, không nói được lời nào. Tôi buông mình xuống ghế bành. Một ước muốn mơ hồ nhưng mãnh liệt đang hình thành trong tôi, tôi muốn trốn chạy, muốn bỏ đi ngay trong đêm, muốn biến mất vĩnh viễn. Cổ họng tôi nghẹn ngào nức nở, tôi khóc, người run lên từng cơn, ruột đau như xé, thần kinh căng thẳng bởi cái cảm giác khủng khiếp về một sự bất hạnh không thể cứu vãn được và cũng bởi trong lòng người làm mẹ lúc đó quá ư hỗ thẹn.
“ Ông ấy… hốt hoảng đứng trước mặt tôi, không dám đến gần, không nói gì và cũng không chạm vào tôi vì sợ thằng bé trở về. Cuối cùng ông mới nói:
“ Tôi đi tìm nó,…nói với nó…giải thích cho nó hiểu. Tóm lại tôi phải gặp nó…nó cần phải hiểu…”
“ Và ông ta đi ra.
“ Tôi chờ…Tôi cuống cuồng chờ đợi, những tiếng động nhỏ nhất cũng khiến tôi run rẩy giật mình vì sợ, mỗi tiếng lách tách của lửa trong lò sưởi cũng làm tôi xúc động không chịu được.
“Tôi chờ một giờ, hai giờ, càng lúc càng bồn chồn lo sợ, sợ đến nỗi ngay cả đối với một tù nhân phạm trọng tội có lẽ tôi cũng sẽ không mong cho nó chịu được mười phút trong khoảnh khắc đó đâu. Con tôi giờ đó ở đâu? Nó đang làm gì?
“Lúc nửa đêm, một người đưa tin mang cho tôi một mảnh giấy mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn thuộc lòng những gì ghi trên đó : “ Con em về chưa? Tôi vẫn chưa tìm được nó. Tôi đang ở dưới nầy. Tôi không thể lên vào giờ nầy được.”
“ Tôi ghi lại bằng bút chì ngay trên mảnh giấy đó: “ Jean chưa về. Anh phải tìm cho được nó.”
“Và tôi ngồi trên ghế bành chờ suốt đêm. Tôi hóa điên. Tôi muốn gào thét, muốn chạy, muốn lăn xuống đất. Nhưng tôi vẫn bất động ngồi chờ. Chuyện gì đã xẩy ra ? Tôi cố tưởng tượng, cố suy đoán nhưng chẳng hình dung được gì, dù đã rất cố gắng, dù trong lòng rất giằn vặt.
“Bây giờ tôi lại sợ họ gặp nhau. Họ sẽ làm gì? Con tôi sẽ làm gì? Những sự ngờ vực ghê gớm và những phỏng đoán khủng khiếp như xé ruột xé gan tôi. Ông hiểu rõ điều đó chứ, phải không, thưa ông?
“ Cô hầu phòng của tôi vì không biết gì hết, không hiểu gì hết, nên cứ không ngừng ra vào phòng, có lẽ cô ấy tưởng tôi điên. Tôi xua đuổi cô ra, bằng lời hoặc bằng cử chỉ. Cô ta đi tìm bác sĩ. Bác sĩ thấy tôi đang vật vã vì khủng hoảng thần kinh.
“Họ đặt tôi nằm lên giường. Tôi bị sốt viêm não. Sau một trận đau dài, tôi tỉnh lại và tôi thấy ngồi bên giường tôi là….một mình ông ấy. Tôi kêu lên:
“Con tôi? Con tôi đâu?”
“Ông ta làm thinh. Tôi lắp bắp:
“Chết…chết… Nó tự tử rồi à?
“ Ông ta trả lời: - “Không, không, tôi thề với em. Nhưng mà chúng ta không thể tìm được nó dù tôi đã rất cố gắng.”
“ Thế là tôi bỗng thấy tức tối, thậm chí phẫn nộ bởi ta thường giận dữ một cách khó hiểu và vô lý như thế. Tôi tuyên bố :
“ Tôi cấm anh về gặp tôi nếu anh chưa tìm được nó. Anh đi đi!”
“ Ông ta đi ra. Từ đó tôi chẳng còn gặp lại họ, cả con tôi lẫn ông ấy.Và tôi sống như thế nầy từ hai mươi năm nay, ông ạ.
“ Ông có mường tượng ra điều đó không? Ông có hiểu cái hình phạt khủng khiếp nầy, nỗi đau khổ từ từ và liên miên nầy trong lòng người mẹ, trong lòng người đàn bà, ông có cảm nhận được chăng sự chờ đợi đáng sợ không dứt nầy… không bao giờ dứt…không! …sự chờ đợi nầy sắp chấm dứt, bởi vì tôi đang chết. Tôi chết mà không gặp lại họ, không gặp lại một ai cả!
“ Ông ấy, ông bạn tôi, từ hai mươi năm nay ngày nào cũng viết thư cho tôi, nhưng tôi chẳng bao giờ muốn tiếp ông ta, dù chỉ một giây, bởi vì tôi có linh cảm rằng lúc ông ấy trở về đây thì cũng chính là lúc tôi thấy con tôi xuất hiện lại. Con tôi! Con tôi! Nó còn sống hay đã chết? Nó đang trốn nơi nào? Có thể là ở bên kia đại dương, tại một nơi xa xôi nào đó mà ngay cả cái tên gọi tôi cũng chẳng biết. Nó có nghĩ đến tôi không? Ôi! giá mà nó biết! Con cái thật quá nhẫn tâm!
“Nó có hiểu rằng trong khi tôi, mẹ nó, đã yêu thương nó bằng tấm lòng mẫu tử mãnh liệt nhất thì nó đã phạt tôi phải chịu khổ sở như thế nào không, phải lâm vào tình cảnh tuyệt vọng như thế nào không, phải chịu những nỗi giằn vặt ghê sợ như thế nào không, từ khi tôi đang còn ở tuổi thanh xuân cho đến bây giờ là lúc cuối đời…nó có hiểu không? Ôi! Thật quá tàn nhẫn!
“ Thưa ông, xin ông hãy nói với nó mấy điều đó. Ông hãy lập lại cho nó nghe những lời cuối cùng nầy của tôi:
“ Con của mẹ, con yêu quí của mẹ, con nên bớt cứng rắn đối với những kẻ khốn khổ. Đời đã quá tàn nhẫn và hung ác. Con yêu, hãy nghĩ đến cuộc sống đã qua của mẹ, của người mẹ tội nghiệp của con, kể từ khi con bỏ mẹ mà đi. Con ơi, bây giờ mẹ đã chết, hãy tha thứ cho mẹ, hãy yêu thương mẹ vì mẹ đã phải chịu hình phạt khủng khiếp nhất.
Bà ta thở hổn hển, run rẩy, như thể bà đang nói với con bà đang đứng trước mặt. Rồi bà nói tiếp :
“ Thưa ông, xin ông nói thêm với nó rằng tôi chưa hề gặp lại …ông ấy”
Bà ta ngừng bặt rồi nói tiếp, bằng giọng đứt quãng:
“ Bây giờ xin ông vui lòng để tôi yên, Tôi muốn chết đơn độc bởi vì họ chẳng ở bên cạnh tôi.”
Ông Le Brument nói thêm:
“Thưa các ngài, tôi vừa đi khỏi đó vừa khóc như điên, đến nỗi người đánh xe của tôi phải quay lại nhìn. Cũng phải nói rằng những thảm kịch tương tự như thế xảy ra hằng ngày chung quanh chúng ta nhiều lắm!
Tôi đã không tìm được đứa con…đứa con ấy. Các ngài nghĩ sao về nó thì tùy các ngài. Riêng tôi, tôi nói…đứa con nầy…có tội!
THÂN TRỌNG THỦY (5/2017)
Dịch từ nguyên bản L’attente của
GUY DE MAUPASSANT
(11/11/1883)
lundi 2 décembre 2013
ĐỀ NGHỊ NÓI LẠI CHO ĐÚNG
Trong bài “Họ Thân ở Huế” (mục Sự kiện dòng họ) đăng trên trang mạng www.hothan.org, phần nói về khu tẫm mộ của Phò mã Thân Trọng Di và công chúa Mai Am và nhà thờ họ Thân ở Nguyệt Biều, đoạn kể chuyện Phò mã Di bỏ nhà đi ra Quảng Trị tìm vua Hàm Nghi , tác giả (không ký tên) viết như sau:
“Sau cuộc binh biến ở kinh thành Huế đêm 22 rạng ngày 23/5 Ất Dậu (đêm 3 rạng ngày 4/7/1885), Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi xuất bôn, phò mã Di cũng bỏ nhà ra đi. Trong gia phả, phần tiểu sử Thân Trọng Ngật (1877 – 1949),cháu gọi ông bằng bác, kể rằng lúc ấy Ngật mới chin tuổi, cũng khăn gói chạy theo tìm vua, đến bến đò Phú Ốc thì gặp ông, ông bảo:
“Anh em ta con nhà thế gia chữ thích dữ đồng, vua đi đều đi theo là phải. Nhưng kẻ đi cũng phải có kẻ ở nhà, vậy chú nên ở lại, một mình tôi đi cũng được.”
Cháu về rồi, ông tiếp tục hành trình, nhưng mất hút dấu vua, vì ngự đạo đã đổi hướng để tránh sự truy lùng của giặc Pháp.”
(hết trích)
Tôi đoán đoạn trên đây có lẽ tác giả đã trích dẫn trong cuốn “Thơ Tuệ Mai và Huệ Phố” của Lương An, (nhà xuất bản Thuận Hóa, 2004) vì trong sách nầy, trang 23 và 24 có một đoạn giống từng câu, từng chữ với đoạn trích ở trên. Và có lẽ vì tin vào sách cho nên tác giả bài viết trên trang mạng đã vô tình lập lại 4 chi tiết mà đoạn sách đã nhầm lẫn.
Để tránh lan truyền thêm những sai sót nầy đến những thế hệ con cháu chúng ta về sau, nhất là thế hệ tuổi trẻ họ Thân đang háo hức tìm hiểu cội nguồn của mình, tôi không ngại sự hiểu biết còn nông cạn, xin nêu ra 4 chi tiết mà tác giả Lương An đã nhầm lẫn (khiến người khác nhầm theo) như sau:
1)-Đêm 22 rạng ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu tương ứng với đêm 4 rạng ngày 5 tháng 7 năm 1885 chứ không phải là đêm 3 rạng ngày 4 tháng 7.
2)- Năm mất của cụ Thân Trọng Ngật là 1946 chứ không phải 1949. Dĩ nhiên bản thân tôi thì không thể nhớ lầm chi tiết nầy được vì ông nội tôi mất cùng năm 1946 với cha tôi, chỉ sau hơn 2 tháng. Trong cuốn gia phả, Bác tôi, ông Thân Trọng Hy đã chép như sau: “Trước cái cảnh tàn phá đó (của bom đạn, chú thích của TTT),Cụ chúng tôi đâm ra chán đời buồn bã, dồn đến cái tin em BÁI chúng tôi từ trần đột ngột, 17-6-1946 làm cho cụ chúng tôi ăn suy ngủ kém, sức khỏe hao mòn,đến 9 giờ ngày 5-8-1946 từ dưới thuyền đậu ở bến Song Ngư đưa lên nhà mát tại làng An Lỗ thì mệnh chung, hưởng thọ được 60 tuổi” (hết trích).
3)- Nhầm lẫn thứ ba là thành ngữ “chữ thích dữ đồng”. Tra từ điển không thấy cụm từ“chữ thích dữ đồng”. Ba từ sau là từ Hán Việt, còn “chữ” là từ thuần Việt. Nếu là “chử” (dấu hỏi) thì cả 4 từ
đều là từ Hán Việt, hợp lý hơn nhưng “chử thích dữ đồng” thì không có nghĩa. Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu có giải nghĩa “hưu thích tương quan” là “mừng lo cùng quan hệ”, với chữ hưu là tốt lành, thích là buồn lo. Đại Nam Quấc Âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng giải thích: “hưu thích tương quan” giống như “hưu thích dữ đồng”nghĩa là “chung cùng trong cuộc buồn vui”.Như vậy phải chăng câu nói của phò mã Di không phải là “Chữ thích dữ đồng”…mà là “hưu thích dữ đồng”…, ý nói hai anh em ta lúc vui hay lúc buồn đều cùng có nhau?
4)-Nhầm lẫn thứ tư; Thân Trọng Ngật (ở thời điểm đó 9 tuổi ta) có chạy theo vua Hàm Nghi không?
Chúng ta hãy xem gia phả họ Thân chép sự kiện đó ra sao:(trang 82)
“ Năm Giáp Thân hiệu Kiến Phước thứ 1 (1884) ông (tức Thân Trọng Ngật, ghi chú của TTT) mới 8 tuổi, theo ông Cụ (tức là thân phụ ông Ngật, ghi chú của TTT) vào phủ Tuy An, mới bắt đầu đi học khai tâm chừng được 11 tháng, thời ông Cụ can khoản, ông cùng bà sanh mẫu phải về trước. Qua năm Hàm Nghi thứ nhất (1885) ông Cụ mới về. Trong dịp đó, vừa kinh thành thất thủ, xe vua phải ra cửa An Hòa.(chỗ nầy gia phả nhầm, thật ra là cửa Hữu, ghi chú của TTT). Cụ ông nghe tin (TTT nhấn mạnh), mang gói tìm theo tới đò Phú Ốc ….Ông Phò nói với Cụ rằng: Anh em ta con nhà thế gia,….. vậy chú nên ở lại để một mình tôi đi cũng được”. Rõ ràng Cụ ông tức là cụ Thân Trọng Trữ (thân sinh của ô.Thân Trọng Ngật), Phò mã Di khuyên bảo em mình cho nên mới gọi bằng chú và xưng tôi, chứ đâu phải là Phò mã nói chuyện với ông Ngật? Bác sao lại chú chú tôi tôi với cháu?
Đọc tới câu tiếp theo rồi đem so với đoạn tiểu sử của cụ Thân Trọng Trữ thì sẽ sáng tỏ thêm (trang 82 tiếp theo):…”Rồi Cụ ông nghe lời trở lui. Lui đến nhà thời ý đã chán đời, mà cũng không muốn cho con theo nghề thi đậu làm quan nữa….Nhưng ý nghĩ cụ như vậy mặc dầu, rồi liền Cụ tìm lên núi Cơ Thánh đóng trại, khẩn điền. Bao nhiêu việc đời đều bỏ cả.”
Còn sau đây là trích đoạn tiểu sử cụ Thân Trọng Trữ (thân sinh cụ Ngật) (trang 61):
“…Năm (Tự Đức) thứ 36 (1883) tháng giêng thăng đồng Tri phủ lãnh Tri phủ phủ Tuy An. Buổi ấy ông đã 46 tuổi.
Hiệu Kiến Phước năm thứ nhất (1884) tháng 7 can việc khám mạng không nhằm, phải giải chức hậu cứu. Tháng tư hiệu Hàm Nghi năm thứ nhất (1885) cứu xong về nhà chực bổ, vừa nhân Kinh thành thất thủ, không muốn làm quan nữa. Tháng bảy năm Đồng Khánh thứ hai (1887) làm trại ở sau núi Cơ Thánh , lo việc khai khẩn làm ăn.”(Gia phả họ Thân, trang 61)
.Đến đây thì mọi chuyện đã rõ. Thiết tưởng chỉ cần trình bày thêm về thế thứ từ ông Thân Văn Quyền (Thân Trọng Quyền) cho đến ông Thân Trọng Ngật để biết rõ hơn về quan hệ giữa ông Di và ông Trữ, cũng như giữa ông Di và ông Ngật.
Ông Quyền (đời thứ 2, tính từ Kỷ Sau, bắt đầu từ ông Thái sơ tổ tên THANH gọi là đời thứ nhất) có 3 người con trai:
Ông Duy, ông Tuyến, ông Nhiếp (đời 3).
Ông Duy (đời 3) có 2 người con trai là Ông Di và ông Tiết.(đời 4)
Ông Nhiếp(đời 3) có 6 người con trai (không kể những người mất sớm):
-Ông Trữ (con trưởng), ÔÔ.Để, Tích, Hoài, HUỀ, Thoan.(đời 4)
-Ông Trữ (đời 4) có 2 người con trai(không kể 2 người mất sớm):
- Ông Cảnh và Ông Ngật (đời 5).
Như vậy Ông Di và ông Trữ là anh em chú bác ruột. Ông Di gọi ông Nhiếp bằng chú. Ông Ngật gọi ông Di bằng bác và gọi ông Huề bằng chú.
Trước khi kết thúc bài nầy, xin đính chính thêm một sai sót khác cũng trên trang mạng Thân Tộc Nhất Gia, bài viết về tiểu sử cụ Phó bảng Thân Trọng Ngật. Tác giả bài nầy là nhà nghiên cứu Phan Thuận An.
Khi trích dịch tiểu sử cụ Thân Trọng Ngật từ quyển Souverains et Notabilités d’Indochine, ông Phan Thuận An đã đính chính một số lỗi morasse trong đó có lỗi ghi họ Thân thành Trần, việc nầy rất đáng trân trọng, nhưng ông An có nhầm một chữ: “Fils de feu M. Thân Trọng Trữ, ancien Tri phủ, chữ feu nầy nghĩa là quá cố, chứ không phải thừa tự; Fils de feu M. Thân Trọng Trữ, ancien Tri phủ dịch là con trai của cựu Tri phủ Thân Trọng Trữ (đã quá cố) chứ không phải là con trai thừa tự của cựu Tri phủ Thân Trọng Trữ.
2011
Thân Trọng Thủy
lundi 23 juillet 2012
NHÀ KÍNH
Ông bà Lerebour cùng tuổi nhưng trông ông trẻ hơn, mặc dầu
trong hai người ông là kẻ yếu đuối hơn. Họ sống trong một ngôi nhà xinh đẹp ở
vùng quê gần Nantes (1)
mà họ đã tạo dựng sau khi kiếm được tiền nhờ bán vải bông của Rouen (2).
Quanh
nhà là một mảnh vườn xinh xắn có sân gà vịt, có nhà cảnh và một nhà kính nhỏ ở
cuối vườn. Ông Lerebour thấp, mập và vui tính, cái vui tính của một ông chủ tiệm
hoạt bát.Gầy ốm, bướng bỉnh và luôn bất mãn, vợ ông không có được cái tính khí
vui vẻ như ông. Bà tự nhuộm tóc, thường hay đọc những cuốn tiểu thuyết làm cho
bà mộng mơ, mặc dầu bà giả bộ khi dể loại truyện nầy. Người ta nói bà đam mê,
dù bà chẳng hề làm gì khiến họ nghĩ như thế. Nhưng đôi khi chồng bà cũng nói:”
Vợ tôi là người vui tính”, mà ông nói với vẻ tinh quái khiến họ phải đoán già
đoán non.
Tuy nhiên từ vài năm nay bà cứ hay gây gổ
với ông Lerebour, luôn cáu kỉnh và khó tính, như đang bị dằn vặt vì có chuyện
buồn phiền gì sâu kín không nói ra được. Từ đó sinh ra bất hòa với nhau. Họ gần
như không còn trò chuyện với nhau nữa và bà (tên bà là Palmyre) cứ luôn bắt ông
(tên ông là Gustave) phải chịu đựng những lời khen mỉa làm mất lòng, những câu
bóng gió chạm tự ái, những lời lẽ gay gắt mà chẳng có lý do gì cả.
Ông nhẫn nhục chịu đựng, chán nản nhưng dù sao
cũng vui.Tư chất sẵn giàu cá tính thích làm vui lòng kẻ khác, đến mức ông sẵn
sàng chấp nhận những phiền nhiễu sâu kín đó. Nhưng ông tự hỏi do đâu mà vợ mình
cau có như thế, vì ông thấy sự giận dữ của bà ấy ắt phải có một lý do thầm kín,
nhưng khó thấu triệt đến nỗi ông đã phí sức để tìm hiểu.
Ông thường hỏi bà:”Này em, nói anh biết
em chống đối anh chuyện gì vậy? Anh cảm thấy em giấu anh điều gì.” Bà luôn luôn
đáp lại rằng:”Đâu có gì! Tuyệt đối chẳng có chuyện gì cả. Vả lại, nếu tôi có điều
gì không bằng lòng thì anh cứ việc đoán xem. Tôi không thích những người đàn
ông chẳng biết gì cả, nhu nhược và kém cỏi đến nỗi phải nhờ người khác giúp đỡ
mới thấu hiểu được những điều nhỏ nhặt nhất.” Ông chán nản lẩm bẩm:” Tôi thấy rõ là em
chẳng muốn nói “ Và ông tránh ra chỗ khác, cố tìm hiểu.
Ban đêm càng trở nên rất nặng nề khó
thở đối với ông; bởi vì họ luôn luôn ngủ chung giường, giống như những cặp vợ
chồng hòa thuận. Những lúc đó chẳng có chuyện gì mà bà không làm để quấy rầy
ông. Bà chọn lúc họ nằm bên cạnh nhau để liên tục chê bai ông hết sức gay gắt.
Chủ yếu là bà chê ông mập:” Anh chiếm hết chỗ, vì nay anh mập quá. Mồ hôi trên
lưng anh đổ ra như là mỡ chảy. Anh tưởng vậy là làm tôi dễ chịu sao!” Bà kiếm bất
kỳ lý do nhỏ nhặt nào để buộc ông phải dậy, nào là xuống tìm tờ báo bà bỏ quên,
nào là kiếm chai nước ngọt hương hoa cam mà làm sao ông kiếm ra được vì trước
đó bà đã giấu đi rồi. Và bà nổi giận tru tréo:” Lẽ ra anh phải biết tìm ở đâu
ra chứ, ông ngốc!” Sau một tiếng đồng hồ sục sạo khắp nơi trong căn nhà vắng lặng,
ông trở về tay không thì bà nói như để cám ơn:”Thôi, anh đi ngủ đi, anh nhão
như một miếng bọt biển, đi dạo một chút thế cho ốm bớt...”
Bà đánh thức ông dậy bất cứ lúc nào để
cho biết bà đau vì dạ dày co thắt, và bà nhờ ông lấy miếng vải thấm dầu thơm
xoa lên bụng bà. Lo bà bị bệnh, ông hết lòng cứu chữa và ông
đề nghị xuống thức cô giúp việc Céleste dây. Tức thì bà giận dỗi la lối:”Có cần
phải ngốc vậy không, anh khờ! Thôi, hết rồi, tôi hết đau rồi, ngủ tiếp đi, đồ
nhu nhược!” Ông hỏi:” Có chắc là em đã hết đau không?” Bà đáp thẳng mặt: “ Chắc.
Anh im đi cho tôi ngủ, đừng làm tôi bực mình thêm nữa! Anh chẳng có khả năng
làm được việc gì hết, kể cả việc xoa bóp cho đàn bà.” Ông thất vọng:”Nhưng...em
yêu...” Bà điên tiết:” Không nhưng không nhị gì cả...Đủ rồi. Bây giờ hãy để cho
tôi yên...” Và bà quay mặt vào tường.
Vậy mà một đêm nọ,bất thình lình bà lay
mạnh ông, đến nỗi ông hoảng sợ ngồi phắt dậy, nhanh lạ thường. Ông lắp bắp:”
Cái gì?...Có chuyện gì vậy?...” Bà nắm lấy tay ông, véo thật đau,và thì thầm
vào tai ông:”Em nghe có tiếng động dưới nhà.”
Đã
thường quen với những kiểu báo động như thế nầy của bà Lerebour nên ông không mấy
lo lắng mà bình tĩnh hỏi: “Tiếng động nào, em yêu?” Bà run lập cập, hốt hoảng
đáp: “ Tiếng động...thì tiếng động...tiếng chân...có ai...” Ông tỏ vẻ hoài
nghi: “Có ai? Em tưởng có ai à, không đâu, chắc em lầm rồi. Em nghĩ là ai chứ?”
Bà run rẩy: “Ai?...ai?... Thì ăn trộm chứ ai nữa, đồ ngốc!” Ông lẳng lặng chui
vào mền,: “ Không mà, chẳng có ai đâu, em à, chắc em nằm chiêm bao đó.” Tức thì
bà tung mền ra, nhảy khỏi giường, nổi cáu: “ Anh quả là vừa hèn nhát, vừa kém cỏi!
Dù sao đi nữa tôi cũng không để mình phải bị giết vì sự nhát gan của anh đâu.” Cầm
cái kẹp than củi ở lò sưởi, bà đứng thẳng người trước cánh cửa đã cài then
trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Cảm động trước tấm gương dũng cảm đó,
hổ thẹn thì đúng hơn, đến lượt ông nhăn nhó đứng dậy và, vẫn không rời chiếc mũ
bông trùm đầu, ông cầm cái xẻng đến đứng đối diện với vợ mình.
Họ chờ trong hai mươi phút, giữa sự im
lặng hoàn toàn. Chẳng có thêm tiếng động nào quấy rối giấc ngủ của căn nhà. Thế
rồi bà giận dữ quay về giường ngủ và nói: “ Dẫu sao tôi vẫn tin chắc rằng đã có
ai đó.” Để tránh gây gổ, suốt ngày hôm đó ông chẳng hề đá động đến bất cứ chuyện
gì có thể gợi đến cơn hoảng sợ vừa qua của
bà .
Nhưng đến hôm sau, bà Lerebour đánh thức
chồng dậy còn mạnh hơn đêm trước nữa. Bà vừa thở hổn hển vừa lắp bắp:
- "
Gustave, Gustave, có
người vừa mở cổng vườn.”
Ngạc
nhiên trước sự khăng khăng của vợ, ông ngỡ là bà mắc chứng mộng du và ông đang
cố lay cho bà tỉnh cơn mê nguy hiểm đó thì dường như ông có nghe một tiếng động nhỏ thật, ở phía những
bức tường. Ông đứng dậy, chạy lại cửa sổ và ông nhìn thấy, vâng, ông nhìn thấy
một bóng trắng lướt nhanh qua đường. Ông thì thầm :” Có người!”
Rồi ông lấy lại bình tĩnh, tự trấn an
mình, và đột nhiên bừng lên cơn giận của một người chủ đất bị lấn hàng rào. Ông
tuyên bố: “Đợi đó, đợi đó rồi ngươi sẽ thấy!”
Ông
lao vào tủ bàn giấy, mở ngăn kéo lấy khẩu súng lục ra và chạy nhanh xuống cầu
thang. Vợ ông cuống cuồng vừa chạy theo vừa la: “Gustave, Gustave, đừng bỏ em,
đừng bỏ em một mình, Gustave, Gustave!”Nhưng ông chẳng nghe thấy gì cả, ông đã
đến cổng vườn.
Bà bèn chạy thật nhanh lên núp trong phòng
của hai vợ chồng họ.
Bà
chờ trong năm phút, mười phút, mười lăm phút. Một nỗi sợ khủng khiếp đang xâm
chiếm bà. Nhất định là chúng đã bắt trói, bóp cổ, giết chết ông ấy rồi. Bà mong
được nghe sáu tiếng súng nổ để biết rằng ông ấy đã chiến đấu, đã tự vệ. Nhưng
hoàn toàn yên lặng. Sự yên lặng đáng sợ của căn nhà đã khiến bà hoảng loạn.
Bà
bấm chuông gọi Céleste. Céleste không tới, cũng không trả lời. Bà gọi tiếp, cảm
thấy suy sụp, muốn xỉu. Cả căn nhà vẫn hoàn toàn câm lặng.
Bà
áp cái trán nóng bỏng vào cửa kính, cố nhìn xuyên qua màn đêm bên ngoài. Bà chẳng thấy gì cả ngoài bóng đen
của những lùm cây bên cạnh những vệt xám của những lối đi.
Đồng hồ điểm nửa giờ khuya. Chồng bà đã
vắng mặt bốn mươi lăm phút rồi. Chắc bà chẳng còn gặp lại ông ấy nữa. Không! Chắc
chắn là bà sẽ không còn gặp lại ông ấy nữa! Bà khuỵu gối, thổn thức.
Hai tiếng gõ nhẹ vào cửa phòng khiến bà
nhảy thót lên. Ông Lerebour gọi bà:
-
“Mở cửa đi, Palmyre,
anh đây!”. Bà lao đến, mở cửa và đứng trước mặt ông, tay chống nạnh, mắt còn đẫm
lệ: “Anh ở đâu về thế, đồ ác nhân ác đức! A! Anh bỏ tôi một mình sợ muốn chết
như vậy đó hả, a! Anh không còn lo cho tôi nữa, làm như tôi chẳng còn sống
không bằng!...” Ông đóng cửa lại, và ông cười, ông cười như điên, cái miệng cười
làm hai gò má chè ra, hai tay ông ôm bụng, đôi mắt đầm đề.
Bà
Lerebour sửng sốt, im bặt.
Ông
nói cà lăm cà cặp: “Kẻ đó là...là... Céleste, cô ta có hẹn trong nhà kính...Nếu
em biết anh đã...anh đã...anh đã thấy gì...” Bà bỗng tái xanh mặt, khó thở vì
phẫn nộ.”Hả?...Anh nói gì?...Céleste? ...tại nhà tôi?...trong nhà...của...của
tôi...trong nhà kính của tôi? Vậy mà anh không giết thằng đàn ông, đứa đồng
lõa? Anh có súng mà anh không giết... Tại nhà tôi...tại nhà tôi...” Bà ngồi xuống,
không nói được nữa.
Ông nhảy tréo chân, búng ngón tay, đánh
lưỡi tách tách và luôn miệng cười: “Nếu mà em biết được...Phải chi em biết được...”
Bất thình lình ông ôm hôn bà. Bà đẩy ông ra Giọng bà đứt quãng vì giận: “Tôi
không muốn con bé kia ở lại trong nhà một ngày nào nữa, anh hiểu không? Một
ngày,không, một giờ cũng không! Khi nó trở vào, mình sẽ đuổi nó.”
Ông
Lerebour bế bà lên và đặt lên cổ bà những chiếc hôn thẳng hàng kêu chùn chụt
như ngày trước. Bà lại im tiếng, đờ người ra vì ngạc nhiên, Nhưng ông đã ôm chặt
bà và kéo bà đến giường...
Khoảng chin giờ rưỡi sáng Céleste ngạc
nhiên vì chưa thấy ông bà chủ dậy, xưa nay họ vẫn luôn thức dậy rất đúng giờ cơ
mà. Cô bèn đến gõ nhẹ vào cánh cửa
Họ vẫn còn nằm bên nhau, chuyện trò vui
vẻ. Cô đứng sững, rồi nói: “Thưa bà, cà-phê sữa đây ạ.” Bà Lerebour nói bằng một
giọng rất dịu dàng: “Con đem tới đây, con gái! Chúng tôi hơi mệt, đêm qua mất
ngủ.”
Cô giúp việc vừa ra khỏi phòng là ông
Lerebour phá lên cười, vừa mơn trớn vợ vừa lập đi lập lại:” Phải chi em biết được!
Ôi,phải chi em biết được!” Bà cầm lấy tay ông: “Kìa, yên nào, anh. Nếu anh cứ
cười mãi như thế thì anh sẽ tự làm mình đau đó.” Và bà hôn lên mắt ông.
Bà Lerebour không còn tính gay gắt nữa.
Thỉnh thoảng vào những đêm trăng, hai vợ chồng rón rén bước dọc theo những lùm
cây và những bồn hoa, đến tận cái nhà kính nhỏ sau vườn. Họ dừng lại đó cạnh
nhau, thu mình sát mặt kính như thể đang hào hứng nhìn một sự lạ gì đó ở bên
trong.
Họ đã tăng tiền công cho Céleste.
Ông Lerebour đã gầy đi.
Chú thích:
(1)
Nantes:
tỉnh lỵ của tỉnh Loire-Atlantique, thuộc vùng hành chánh Pays de la Loire của
nước Pháp.
(2)
Rouen:
tỉnh lỵ của tỉnh Seine-Maritime thuộc vùng hành chánh Haute-Normandie, nước
Pháp.
THÂN
TRỌNG THỦY
dịch
từ nguyên bản tiếng Pháp “La Serre”
của
GUY DE MAUPASSANT
mercredi 4 juillet 2012
ROSALIE PRUDENT
Trong vụ án nầy quả có một điều bí ẩn mà từ bồi thẩm đoàn, ông chánh án, cho đến công tố viên đều không sao hiểu nổi.
Cô Rosalie Prudent, đầy tớ của vợ chồng ông Varambot ở quận Mantes (1), bỗng dưng có chửa mà ông bà chủ không hề hay biết. Cô Prudent đã sinh nở vào ban đêm, trên gác thượng, rồi giết đứa bé và chôn sau vườn
Những vụ giết con mà thủ phạm là các tớ gái là chuyện thường xẩy ra. Nhưng có một chi tiết không giải thích được. Khi khám xét căn buồng của cô Prudent, người ta phát hiện một lô quần áo trẻ sơ sinh mà cô đã thức đêm để cắt may trong suốt ba tháng trời. Đến làm chứng có ông chủ tiệm tạp hóa mà cô Prudent đã dùng tiền lương của mình mua đèn cầy để dùng trong công việc rất dài ngày đó. Ngoài ra còn phải kể đến bà đỡ trong vùng. Được cô Prudent cho biết hoàn cảnh của cô, bà đã hướng dẫn đủ mọi điều cho cô và căn dặn những việc cô cần làm lỡ sau nầy lúc xẩy ra sự việc không có ai giúp. Bà đỡ còn tìm cho cô một chỗ làm ở Poissy nữa (2).Prudent biết trước cô sẽ bị đuổi việc, vì xưa nay vợ chồng Varambot không hề đùa cợt với đạo đức bao giờ.
Những vụ giết con mà thủ phạm là các tớ gái là chuyện thường xẩy ra. Nhưng có một chi tiết không giải thích được. Khi khám xét căn buồng của cô Prudent, người ta phát hiện một lô quần áo trẻ sơ sinh mà cô đã thức đêm để cắt may trong suốt ba tháng trời. Đến làm chứng có ông chủ tiệm tạp hóa mà cô Prudent đã dùng tiền lương của mình mua đèn cầy để dùng trong công việc rất dài ngày đó. Ngoài ra còn phải kể đến bà đỡ trong vùng. Được cô Prudent cho biết hoàn cảnh của cô, bà đã hướng dẫn đủ mọi điều cho cô và căn dặn những việc cô cần làm lỡ sau nầy lúc xẩy ra sự việc không có ai giúp. Bà đỡ còn tìm cho cô một chỗ làm ở Poissy nữa (2).Prudent biết trước cô sẽ bị đuổi việc, vì xưa nay vợ chồng Varambot không hề đùa cợt với đạo đức bao giờ.
Họ có mặt ở đó để dự phiên tòa. Cả chồng và vợ đều sống nhờ chút ít lợi tức trong tỉnh. Họ lộ vẻ phẫn nộ “con điếm kia” đã làm dơ dáy nhà họ. Có vẻ như họ muốn thấy cô ta bị xử chém ngay lập tức, không cần xét xử..Họ tố cô dồn dập bằng những lời khai đầy ác ý, những lời khai thốt ra từ miệng họ đã trở thành những lời buộc tội .
Tội nhân là một cô gái cao lớn xinh đẹp ở vùng Basse- Normandie. Cô ý thức được tình trạng của mình nên chỉ khóc suốt chứ không chịu trả lời lấy một tiếng. Tuy nhiên vì mọi chứng cớ đều chứng tỏ rằng cô gái đã có ý muốn giữ đứa bé để nuôi cho nên tòa đành tin rằng cô đã phạm tội ác dã man đó trong môt lúc tuyệt vọng và điên cuồng.
Ông chánh án cố gắng một lần nữa để làm cho cô mở miệng nhận tội.Và sau khi lấy giọng ngọt ngào thúc giục cô, ông đã khiến cô cuối cùng cũng hiểu ra rằng những người họp ở đây để xét xử cô không hề muốn cô phải chết, trái lại có thể họ còn thương hại cô là đằng khác.
Vì thế cô quyết định nói.
Ông chánh án hỏi: “Nào, trước hết hãy cho chúng tôi biết cha đứa bé là ai?”
Đó là điều mà từ đầu cho đến lúc nầy cô vẫn khăng khăng giấu kín. Nhưng bỗng nhiên cô vừa trả lời vừa nhìn ông bà chủ, là những người vừa mới vu cáo cô một cách ác độc:
- “Là ông Joseph, cháu ông Varambot.”
Hai vợ chồng giật nẩy mình, cùng la lớn:” Không đúng! Nó nói láo! Bỉ ổi quá!”
Ông chánh án yêu cầu họ im lặng rồi nói: “Cô vui lòng nói tiếp. Cho chúng tôi biết chuyện xẩy ra thế nào
Thế là đột nhiên cô nói một hơi một mạch như để cho khuây khỏa con tim khép kín, con tim cô đơn và tan nát khốn khổ của cô, để làm vơi đi tất cả mọi buồn phiền của cô trước những kẻ nghiêm khắc đó, những người mà cho đến lúc nầy đây cô xem như kẻ thù và những quan tòa cứng rắn, không làm xiêu lòng được.
- Phải, chính là ông Joseph Varambot , khi ông ấy đến nghỉ phép năm ngoái.
- Ông Joseph Varambot ấy làm nghề gì?
- Thưa ông, ông ấy là hạ sĩ quan pháo binh. Ông ấy ở lại trong nhà hai tháng. Hai tháng hè. Cháu chẳng nghĩ gì cả khi ông ấy bắt đầu nhìn cháu, rồi tán tỉnh cháu, rồi mơn trớn cháu suốt ngày. Thưa ông, cháu cứ để mặc…Ông ấy cứ nhắc đi nhắc lại rằng cháu là một cô gái đẹp, cháu vui tính, cháu hợp với ông ấy. Còn cháu thì chắc chắn là cháu đã thích ông ta. Cháu có thể làm gì chứ? Cháu đang cô đơn, rất cô đơn, mà nghe nói thế… Thưa ông, cháu một thân một mình trên cõi đời nầy, không có ai để trò chuyện, không ai để trao gởi những nỗi buồn phiền. Cháu không còn cha, không còn mẹ, không có anh, không có chị, không có em, không có ai cả. Khi ông ấy trò chuyện với cháu thì cháu chỉ xem ông ấy như một người anh mới về mà thôi. Thế rồi một buổi tối ông ấy rủ cháu xuống bờ sông nói chuyện để khỏi làm ồn người khác. Cháu đã đến đó…. Cháu chẳng biết tại sao nữa! Cháu chẳng biết chuyện gì sau đó…Ông ta đã ôm cháu…Quả thật là cháu đã không muốn… không…không…cháu không thể… cháu muốn khóc…không khí thì mát dịu… trời sáng trăng… Cháu không thể…không…cháu xin thề…cháu không thể…Ông ấy đã làm những gì ông ấy muốn… Chuyện đó còn kéo dài ba tuần lễ nữa khi ông ấy còn ở lại trong nhà…Lẽ ra cháu đã theo ông ấy đến tận cùng thế giới….Ông ấy đi rồi…mà cháu thì không hề biết mình đã mang thai… Một tháng sau cháu mới biết.
Cô ta bật khóc lớn đến nỗi tòa phải dành thời gian cho cô bình tĩnh lại.
Rồi ông chánh án tiếp tục nói bằng cái giọng của linh mục nói trong phòng xưng tội: “Nào, nói tiếp đi!”
Cô gái nói tiếp: “Khi cháu biết cháu có thai, cháu liền báo cho bà đỡ Boudin biết. Bà ấy đang có mặt ở đây để làm chứng. Và cháu đã hỏi bà ấy phải làm sao trong trường hợp xảy ra chuyện mà không có bà . Sau đó, đêm đêm cháu thức may đồ em bé cho đến một giờ sáng, rồi cháu tìm sẵn một chỗ làm khác vì cháu biết trước thế nào cháu cũng bị chủ đuổi việc. Tuy vậy cháu muốn nấn ná lại trong nhà cho đến giờ phút chót để tiết kiệm tiền, vì cháu chẳng có là bao, với lại còn cần tiền để chi dùng cho đứa bé nữa…
- Vậy nghĩa là cô đã không muốn giết nó?
- Ồ, thưa ông chánh án, chắc chắn là không.
- Thế tại sao cô lại giết nó?
- Chuyện là thế nầy. Chuyện ấy đến sớm hơn cháu tưởng. xảy ra trong nhà bếp khi cháu vừa rửa chén xong. Ông bà Varambot đã ngủ. Cháu níu tay vịn cầu thang để lết lên gác một cách khó nhọc. Rồi cháu nằm ngay xuống nền gạch, để khỏi làm dơ giường.Việc đó kéo dài chừng một giờ, hai giờ hay ba giờ cháu không biết nữa. Cháu đau lắm, và rồi cháu lấy hết sức để rặn, cháu cảm thấy nó lọt ra và cháu nhặt nó lên.
- Ồ, phải rồi, cháu đã hài lòng, chắc chắn vậy Cháu đã làm tất cả những gì bà đỡ Boudin dặn, tất cả mọi chuyện! Rồi cháu đặt nó xuống giường, là đứa bé ấy. Nhưng rồi một cơn đau nữa lại đến, lần nầy đau muốn chết đi được. Nếu quí vị đây biết việc đó có nghĩa là gì thì chắc hẳn quí vị đã không xem vụ nầy lớn vậy. Cháu khuỵu gối rồi té ngửa xuống đất và chuyện ấy lại tiếp tục chừng một giờ hay hai giờ nữa, cháu nằm đó môt mình…và rồi lọt ra một đứa khác, một đứa bé nữa…hai…vâng,…hai đứa…. thế đấy! Cháu bế nó lên như đứa trước và đặt nó lên giường, bên cạnh nhau…hai đứa…. Được không?, nói đi! Hai đứa bé! Mỗi tháng cháu chỉ kiếm được hai mươi quan! Nói đi, được không?...Một đứa thì còn có thể được, phải, nếu nhịn hết mọi thứ…nhưng hai đứa thì không thể! Đầu óc cháu quay cuồng, cháu biết tính sao đây? Cháu có thể chọn lựa không? Nói đi!
Cháu biết làm gì đây? Cháu thấy ngày tàn của cháu đã tới! Cháu để chiếc gối lên trên người chúng mà không biết tại sao. Cháu không thể giữ lại cả hai đứa…Và…cháu nằm lên trên…Rồi cháu vừa lăn qua lăn lại vừa khóc cho đến khi nhìn qua cửa sổ cháu thấy trời sáng. Chúng đã chết ở dưới gối, chắc chắn như vậy.
Thế rồi cháu ôm chúng xuống cầu thang, đi ra vườn rau , lấy cái xẻng của bác làm vườn để chôn chúng, sâu đến mức không thể đào sâu hơn được nữa, một đứa chỗ nầy, một đứa chỗ kia , chứ không chôn chung, để cho chúng không thể nói với nhau về mẹ chúng, nếu như chúng – những đứa bé đã chết – có thể nói được. Điều đó làm sao cháu biết được?
Rồi về nằm trên giường, cháu đau đến nỗi không thể dậy được. Họ mời bác sĩ đến và bác sĩ hiểu hết mọi chuyện… Đó là tất cả sự thật, thưa ông chánh án. Giờ quí ông muốn xử sao tùy ý. Cháu đã sẵn sàng.
Phân nửa quí vị bồi thẩm hỉ mũi liên tục để khỏi khóc. Các bà trong phòng xử đều thổn thức.
Ông chánh án hỏi:
- Cô chôn đứa kia ở đâu?
Cô gái hỏi lại:
- Quí vị đã tìm thấy đứa nào?
- Thì… đứa …đứa chôn dưới bụi ác-ti-sô.
- À, thưa…đứa kia chôn dưới mấy cây dâu tây, bên bờ giếng.
Và cô bật khóc nức nở, lớn đến nỗi tiếng rên của cô đã xé cả lòng người.
Cô Rosalie Prudent được tha bổng.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú thích : (1) Mantes: quận lỵ của một trong 4 quân của tỉnh Yvelines
(2)
Poissy: tổng-lỵ của một trong 39 tổng của tỉnh Yvelines. Yvelines (gồm
4 quận, 39 tổng) là một trong 8 tỉnh của vùng Ile- de- France . Thủ phủ
của vùng Ile- de- France là Paris
Thân Trọng Thủy dịch
từ nguyên bản tiếng Pháp “Rosalie Prudent” của Guy de Maupassant.
(Truyện nầy được đăng lần đầu tiên trên nhật báo Gil Blas , tháng 3 năm 1886)
NGƯỜI MÙ
Giới thiệu truyện ngắn “Người mù” của:
Guy de Maupassant
(1850 – 1893)
Guy de Maupassant (tên đầy đủ là Henri René Albert Guy de Maupassant) là nhà văn Pháp, tác giả những tiểu thuyết và truyện ngắn có khuynh hướng hiện thực và tự nhiên ( nhưng cũng có một số truyện có nội dung hư ảo). Ông sinh tại Fe1camp, một thị trấn của vùng hành chánh Haute- Normandie. Thời thơ ấu ông được gần gũi dân quê, tiếp cận với thổ ngữ và những sinh hoạt bình thường ở vùng Normandie nên đã tích lũy được nguồn cảm hứng dồi dào cho các truyện ngắn của ông. Ông được xem là một trong những tác giả viết truyện ngắn hiện đại lỗi lạc nhất.
Tác phẩm của ông gồm 6 cuốn tiểu thuyết, 3 tập ký sự du lịch, một tuyển tâp thơ và trên dưới 300 truyện kể và truyện ngắn.
Chịu ảnh hưởng của Flaubert, người thầy và cũng là cha đỡ đầu của ông, nên văn phong của ông luôn thể hiện thái độ khách quan hiện thực, nhận xét tinh tế, miêu tả chi tiết tỉ mỉ, sâu sắc.
Ông chết bệnh năm 1893 tại một dưỡng trí viện tư nổi tiếng ở Paris, hưởng dương 43 tuổi
Truyện ngắn L’Aveugle đã được đăng tải lần đầu ngày 31 tháng 3 năm 1882 trên tờ Le Gaulois, nhật báo văn học và chính trị mà Maupassant là cộng tác viên.
NGƯỜI MÙ
Ánh nắng đầu tiên trong ngày đem lại niềm vui nào cho ta vậy? Tại sao ánh nắng ấy khi chiếu xuống mặt đất lại làm cho ta tràn trề vui sống như thế? Bầu trời rất xanh, đồng quê rất xanh, nhà cửa thì toàn màu trắng; và mắt ta hân hoan đón nhận những sắc màu ấy để làm cho tâm hồn ta được tươi tắn. Và ta cảm thấy muốn nhảy múa, muốn chạy, muốn hát; cảm thấy một ý tưởng thật nhẹ nhàng và hạnh phúc đang đến với ta, một thứ cảm giác êm dịu đang lan tỏa...Ta như muốn ôm lấy mặt trời.
Giữa sự tươi vui mới lạ ấy, những người mù ngồi trước ngưỡng cửa như mọi khi vẫn giữ vẻ yên lặng, bình thản trong bóng tối vĩnh viễn của họ, và, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, họ níu giữ mấy con chó lại vì có vẻ như chúng muốn nhảy nhót.
Đến cuối ngày đứa em trai hoặc cô em gái sẽ dắt họ về nhà, nếu đứa em nói:” Hôm nay trời đẹp ghê” thì người kia sẽ đáp:” Anh đã biết rõ là hôm nay trời đẹp, bởi vì con Loulou đã không chịu ở yên một chỗ”.
Tôi biết một người trong bọn họ. Cuộc đời anh ấy là một trong những kiếp sống đọa đầy, khổ ải nhất mà ta có thể tưởng tượng được.
Anh ấy là một nông dân, con một chủ trang trại người Normandie(1). Lúc cha mẹ anh còn sống thì anh còn được chăm sóc đôi chút, anh không có gì đau khổ ngoài sự khuyết tật khủng khiếp của mình, nhưng ngay sau khi cha mẹ qua đời thì cuộc sống khốn khổ bắt đầu.
Anh được một người chị thu nhận, nhưng tất cả mọi người trong trang trại đối xử với anh chẳng khác gì với một kẻ ăn xin, ăn nhờ phần cơm của người khác. Mỗi bữa ăn họ đều nói nặng nói nhẹ về phần ăn của anh. Họ gọi anh là đồ ăn không ngồi rồi, đồ cục cằn thô lỗ, và mặc dầu người anh rể đã chiếm đoạt phần gia tài thừa kế của anh, người ta chỉ nuôi ăn anh một cách miễn cưỡng, vừa đủ để cho anh khỏi chết đói mà thôi.
Mặt anh xanh xao nhợt nhạt, đôi mắt to và trắng như bột mì làm hồ dán. Bị chửi rủa, anh vẫn thản nhiên, đến nỗi người ta không biết anh có cảm thấy mình bị sỉ nhục hay không nữa.Ngoài ra anh chưa hề biết đến một sự dịu dàng nào cả. Mẹ anh không thương anh, thường bạc đãi anh. Bởi vì ở ngoài đồng những người không hữu dụng đều là những kẻ có hại, và nhà nông họ sẵn sàng làm y như những con gà mẹ loại bỏ những chú gà khuyết tật trong đàn.
Ngay sau khi ăn xong anh ấy ra ngồi trước cửa nếu là mùa hè, còn mùa đông thì lại ngồi cạnh lò sưởi, và không nhúc nhích động đậy cho đến tối. Không một cử chỉ, không một động tác; duy chỉ có đôi mi do thần kinh bị tổn thương, căng thẳng nên thỉnh thoảng sụp xuống đôi mắt trắng dã . Anh ấy có trí óc không? Có suy nghĩ không? Có ý thức rõ về cuộc sống của mình không? Chẳng ai bận tâm về điều đó cả.
Mọi chuyện cứ diễn ra như thế trong vài năm. Nhưng sự thiếu khả năng làm việc cũng như sự thản nhiên cam chịu của anh khiến những người bà con của anh bực tức. Thế là anh trở thành kẻ bị bắt nạt, thành cái đích cho mọi người trêu chọc, thành nạn nhân của tính ác độc bẩm sinh, của những trò đùa dã man cho loại người thô lỗ chung quanh anh.
Họ nghĩ ra toàn những trò đùa độc địa mà sự mù lòa của anh có thể gợi ý cho họ. Và để anh trả giá những gì anh đã ăn của họ, họ đã biến những bữa ăn của anh thành những giờ phút vui đùa cho những người chung quanh nhưng là những giờ phút khổ ải đối với người khuyết tật .
Nông dân những nhà lân cận đã đến tham gia trò giải trí nầy; từ nhà nầy qua nhà khác người ta truyền miệng cho nhau, và bếp của trang trại ngày nào cũng chật người. Một lần họ đem một con mèo hay một con chó nào đó để trước dĩa xúp của anh trên bàn khi anh sắp ăn.Nhờ bản năng, con vật đánh hơi được sự khiếm khuyết của anh nên nhẹ nhàng tiến đến liếm hết dĩa xúp một cách nhanh gọn, và khi lưỡi nó khua nước xúp phát ra một tiếng động nhỏ gây sự chú ý của gã nghèo khổ đáng thương thì nó khéo léo dạt ra để tránh cái thìa mà gã đập hú họa xuống phía trước .
Thế là phát ra tiếng cười, tiếng xô đẩy, tiếng dậm chân của đám khán giả chen chúc dọc theo những bức tường. Và anh ấy thì, chẳng nói chẳng rằng, tiếp tục ăn bằng bàn tay phải, còn bàn tay trái thì đưa ra phía trước để che chắn và bảo vệ cái dĩa.
Một lần khác họ cho anh ấy nhai nút chai, mảnh gỗ, lá cây hoặc cả rác rến mà anh không hề biết.
Rồi sau đó họ cũng chán cả những trò đùa nầy; và do tức giận vì cứ phải nuôi anh ấy mãi nên người anh rể đã đánh anh, vừa liên tục tát vào mặt anh, vừa cười nhạo những cố gắng vô ích của anh để chống đỡ hoặc đáp trả. Thế là có thêm trò chơi mới: trò chơi tát tai. Những người cày thuê, đám vô công rồi nghề, bọn tớ gái liên tục vả vào mặt anh khiến mi mắt anh chớp lia lịa. Anh không biết trốn vào đâu, chỉ biết không ngừng đưa hai tay ra để ngăn chận những ai lại gần.
Cuối cùng người ta ép buộc anh ấy đi ăn xin. Những ngày có phiên chợ họ dẫn anh ấy ra đường và mỗi khi nghe tiếng chân bước gần hoặc tiếng xe chạy qua là anh chìa nón ra, ấp úng:”Xin làm ơn bố thí...”
Nhưng người nông dân thì không hoang phí và suốt nhiều tuần lễ anh chẳng kiếm được xu nào để đem về.
Thế là anh bị căm ghét đến tột độ, không chút thương hại .Và đây là cách anh chết.
Vào một mùa đông, tuyết phủ kín mặt đất. Trời giá rét khủng khiếp. Vậy mà một buổỉ sáng người anh rể dẫn anh đi ăn xin ở một nơi rất xa trên con đường cái, rồi bỏ mặc anh ở đó một mình suốt ngày. Khi đêm đến ông ta báo cho mọi người biết là không tìm thấy người ăn xin đâu cả. Rồi ông nói thêm :”Chậc! Không cần lo! Chắc có ai dắt nó đi vì thấy nó lạnh . Nó không lạc đường đâu. Mai nó sẽ về ăn thôi.
Ngày hôm sau anh ấy không về.
Sau nhiều giờ chờ đợi, quá lạnh và cảm thấy mình sắp chết, anh mù bắt đầu bước đi. Không dò được đường vì đường đã bị tuyết phủ, anh mò mẫm đi bừa, phó mặc cho may rủi. Anh bị ngã xuống mương, rồi đứng lên, không nói tiếng nào, tiếp tục đi nữa, mong tìm được một cái nhà.
Nhưng cơ thể anh càng lúc càng bị tê cóng vì tuyết, đôi chân khẳng khiu yếu ớt không còn sức để đưa anh đi tiếp được . Anh ngồi xuống giữa một cánh đồng. Anh không đứng dậy được nữa.
Những nụ tuyết trắng vẫn không ngừng rơi xuống, phủ lấy người anh. Thân thể tê cứng của anh biến mất dưới lớp tuyết mỗi lúc một dày thêm, và chẳng còn gì nữa để đánh dấu nơi cái thây người mù nằm.
Mấy người bà con của anh làm ra vẻ hỏi thăm tin tức và kiếm tìm anh trong tám ngày.Thậm chí họ còn khóc nữa.
Mùa đông thật khắc nghiệt và tuyết chẳng tan nhanh. Thế rồi một ngày chủ nhật khi đi lễ nhà thờ, mấy nông dân chú ý đến một bầy quạ rất đông cứ lượn đi lượn về bên trên cánh đồng rồi sà xuống như một cơn mưa màu đen đổ sụp xuống một chỗ, chúng cứ bay lên rồi lại sà xuống mãi.
Tuần lễ kế tiếp bầy quạ đen vẫn còn đó. Bầy quạ như một đám mây đen che phủ cả bầu trời, như thể chúng từ khắp chân trời tụ lại.Chúng vừa kêu inh ỏi vừa đáp xuống mặt tuyết sáng loáng, chúng vấy bẩn chỗ đó một cách khác thường, rồi chúng bới, chúng rỉa mãi.
Một chàng trai trẻ đến gấn để xem bọn quạ làm gì và phát hiện thi thể người mù, đã bị xé tơi tả một nửa. Cặp mắt nhợt nhạt đã mất vì bị những cái mỏ dài háu ăn mổ,rỉa.
Và tôi chẳng bao giờ còn có thể cảm thấy sự tươi vui rực rỡ của những ngày nắng mà không khỏi nhớ đến một kỷ niệm buốn và một ý nghĩ sầu muộn về một kẻ nghèo khổ, bị cuộc đời ruồng bỏ, đến nỗi cái chết khủng khiếp của người ấy lại là một sự thanh thản cho tất cả những ai quen biết anh ta.
(1) Normandie(=đất của người phương bắc) : Một tỉnh cũ ở Tây Bắc nước Pháp. Bây giờ là một vùng địa lý văn hóa gồm 3 đơn vị hành chánh là :Haute-Normandie, Basse-Normandie và Duché de Normandie (đất của công tước Normandie).
THÂN TRỌNG THỦY
dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “L’aveugle”
của Guy de Maupassant
Inscription à :
Articles (Atom)