jeudi 27 avril 2017

ÔNG CỤ MILON




Truyện ngắn
Guy de Maupassant


     Từ một tháng nay, mặt trời to lớn đổ xuống cánh đồng ánh nắng như thiêu như đốt. Cuộc sống rạng rỡ nở bừng dưới trận mưa lửa đó. Mặt đất là một mảng xanh mênh mông ngút ngàn.   Bầu trời xanh thẳm tít tận đường chân trời. Các nông trại vùng Normandie rải rác trên cánh đồng nhìn từ xa trông như những cánh rừng nhỏ, vây quanh bởi hàng rào cây dẻ gai cao vút. Tới gần, khi mở tấm rào bị mọt ruỗng, tưởng chừng như nhìn thấy một khu vườn khổng lồ, vì tất cả những cây táo cổ thụ, cũng khẳng khiu như những nông dân, đều đua nhau trổ hoa. Những thân cây đen già cỗi, cong queo, vặn vẹo, chạy thẳng hàng dọc theo sân, bày ra dưới trời xanh vòm hoa rực rỡ, trắng hồng. Mùi hương dễ chịu của hoa nở  quyện vào mùi gây gây của những chuồng bò mở ngỏ và quyện vào hơi đống phân đang dậy mùi, với bầy gà mái bên trên.
    Bấy giờ là giữa trưa. Cả gia đình đang dùng bữa dưới bóng cây lê trồng trước cửa: ông bố, bà mẹ, bốn  đứa con, hai chị giúp việc, ba người đầy tớ trai. Không ai nói gì với nhau. Mọi người ăn xúp, rồi mở nắp đĩa đựng món hầm đầy khoai tây nấu mỡ.
      Thỉnh thoảng một chị giúp việc đứng dậy đi vào hầm rượu rót đầy hũ rượu táo.
       Chủ nhân, một gã cao to trạc tứ tuần, ngắm nghía một cây nho trơ trụi, trồng sát nhà, và chạy vằn vèo như con rắn, dưới các cửa sổ, suốt dọc men tường. Cuối cùng, ông nói: " Cây nho của cha năm nay ra lộc sớm. Chắc sẽ sai quả đấy! "
        Bà vợ cũng quay lại nhìn, không nói gì.
        Cây nho này trồng đúng vào chỗ ông cụ đã bị bắn chết.

       Chuyện xảy ra vào thời chiến tranh 1870 (1). Quân Phổ chiếm cả nước.  Tướng Faidherbe, với binh đoàn phương Bắc, đương đầu với bọn chúng.
     Bấy giờ, bộ tham mưu quân Phổ đóng ở nông trại này. Người nông dân chủ trại, cụ Pierre Milon, đã tiếp nhận chúng và cố thu dọn chỗ ở cho chúng.
    Từ một tháng nay, đội tiền quân của Đức dò xét tình hình trong làng. Quân Pháp bất động ở cách đó 10 dặm (2), vậy mà đêm đêm vẫn có những kỵ binh xung kích mất tích.
    Tất cả những trinh sát lẻ, bọn được phái đi tuần, mỗi lần đi nhóm hai hay ba tên thì chẳng bao giờ thấy trở về. Sáng ra, người ta nhặt được xác chúng trong cánh đồng, sát rìa sân hay dưới hào. Ngay những con ngựa của chúng cũng nằm phơi thây dọc đường cái, cổ họng bị chém đứt. Những cuộc sát hại này dường như do   cùng một số người làm mà không sao phát hiện được.   
      Cả vùng bị khủng bố. Chúng đem bắn những nông dân qua lời tố cáo suông, chúng bắt giam các phụ nữ, chúng muốn hăm doạ trẻ em cho khiếp sợ mà nói ra. Nhưng chúng vẫn không khám phá được gì.
      Thế rồi một buổi sáng, người ta tìm thấy ông cụ Milon nằm sóng sượt trong chuồng ngựa, mặt bị chém một vết dài.
        Hai tên kỵ binh xung kích bị đâm thủng bụng được tìm thấy cách nông trại 3 km. Một trong hai tên còn cầm trong tay thanh gươm dính máu. Hắn đã chống cự.
       Ngay lập tức một toà án quân sự được thành lập ở ngoài trời, trước nông trại, ông cụ  bị dẫn tới.
        Ông đã 68 tuổi.  Người nhỏ bé, gầy gò, hơi vẹo, hai bàn tay to giống như hai càng cua. Tóc ông nhàn nhạt, thưa thớt và phất phơ như lông tơ vịt non, để lộ da thịt trên đầu. Nước da xám và nhăn ở cổ lộ ra những mạch máu lớn chạy ẩn vào dưới quai hàm rồi lại hiện ra ở thái dương. Trong làng ai cũng cho là ông hà tiện và tính toán trong làm ăn.
      Chúng để ông đứng giữa bốn tên lính, trước cái bàn lấy từ trong bếp ra. Năm tên sĩ quan và tên đại tá ngồi trước mặt ông.
        Tên đại tá cất giọng nói, bằng tiếng Pháp:
        - Cụ Milon, từ khi chúng tôi đến nơi đây, chúng tôi luôn thấy hài lòng về cụ. Cụ lúc nào cũng tỏ ra hay giúp đỡ và rất chu đáo với chúng tôi. Nhưng hôm nay cụ bị cáo buộc một chuyện ghê gớm lắm và mọi việc cần phải sáng tỏ. Vết thương trên mặt cụ là do đâu vậy?
      Người nông dân không trả lời.
      -  Sự im lặng là lời buộc tội cụ đấy, cụ Milon ạ! Nhưng tôi muốn cụ trả lời, cụ nghe rõ chưa? Cụ có biết ai đã giết hai người kỵ binh mà sáng nay người ta tìm thấy gần đồi Thánh giá không?
       Ông lão trả lời rành rọt:   
       - Chính tôi!
       Tên đại tá, sững sờ, nín thinh một giây, chăm chú nhìn người tù. Ông cụ Milon tỏ ra thản nhiên, vẻ ngây dại nhà quê, mắt cúi nhìn xuống như khi nói chuyện với cha xứ. Chỉ có một điều cho thấy sự bối rối bên trong là ông cứ nuốt nước bọt liên tiếp, với sự gắng sức thấy rõ, tuồng như cuống họng đang bị bóp nghẹt.
      Gia đình ông cụ, Jean con trai, con dâu, hai đứa cháu nhỏ, đứng lùi sau mười bước, kinh hãi, rụng rời.
       Tên đại tá lại nói:
       - Cụ có biết ai đã giết tất cả các trinh sát của chúng tôi mà từ một tháng nay cứ sáng đến mới tìm thấy xác ngoài đồng không?
       Ông cụ trả lời, vẫn với cái vẻ thản nhiên ngây dại:
      - Tôi đấy!
      - Cụ đã giết tất cả?
      - Tất cả, phải, chính tôi.
      - Một mình cụ?
      - Một mình tôi.
      - Cụ hãy nói cho tôi biết làm sao mà cụ giết được?
     Lần này ông cụ tỏ ra xúc động, ông lúng túng vì cần phải nói dài. Ông ấp úng:
      - Tôi biết sao được? Việc đến thế nào tôi cứ vậy mà làm thôi.
     Tên đại tá lại nói:
      - Tôi báo cho cụ biết là cụ phải kể hết cho tôi nghe. Tốt nhất là cụ quyết định ngay đi. Cụ bắt đầu thế nào?
      Ông cụ đưa mắt ái ngại nhìn gia đình đang chăm chú nghe đằng sau. Ông do dự một lát rồi bất chợt quyết định:  
      - Một buối sáng tôi trở về nhà, lúc đó chừng đã mười giờ, sau hôm các ông đến đây. Ông, rồi binh lính của ông, đã lấy của tôi hơn năm mươi đồng cỏ khô với con bò cái và hai con cừu. Tôi tự nhủ:  Chúng mày lấy của tao bao nhiêu lần hai mươi đồng, tao sẽ buộc chúng mày trả lại chừng ấy mạng cho mà xem! Và rồi tôi còn nhiều chuyện khác nữa, tôi sẽ nói cho ông nghe. Thế rồi tôi thấy một anh lính kỵ mã của các ông đang rít tẩu thuốc trên bờ hào, sau vựa cỏ của tôi. Tôi đi lấy cái lưỡi hái và rón rén trở lại phía sau, hắn chẳng nghe thấy gì. Và tôi chém đứt đầu hắn, chỉ một nhát thôi, như phát một bông lúa, hắn không kịp kêu được tiếng " ối " nào. Ông cứ tìm dưới ao, ông sẽ thấy xác  hắn trong cái túi than, với một tảng đá lấy ở chỗ rào chắn.
      Tôi đã có ý định trước. Tôi lấy hết tư trang của hắn , từ ủng đến mũ, đem giấu kín trong lò thạch cao nơi khu rừng Martin, đằng sau sân. 
        Ông già im tiếng. Những tên sĩ quan sững sờ nhìn nhau. Cuộc thẩm vấn lại tiếp tục, và đây là những gì chúng biết được:
         Sau khi hạ sát tên lính xong, ông già sống với ý nghĩ: " Giết bọn Phổ ". Ông căm thù chúng với lòng căm thù ngấm ngầm và mãnh liệt của người nông dân tham lam và yêu nước nữa. Ông đã có ý định của mình như ông nói. Ông chờ thêm vài ngày. 
     Ông được  chúng cho  tự do đi lại, vào ra tuỳ thích vì lâu nay vẫn tỏ ra nhún nhường đối với những kẻ thắng trận , phục tùng và hay chiều ý. Ông thấy cứ tối tối là những tên lính liên lạc ra đi, và một tối, ông cũng đi, sau khi nghe được tên cái làng nơi các kỵ binh sẽ tới, trong khi giao dịch với bọn lính ông đã học được một vài tiếng Đức cần dùng.
      Ông ra khỏi làng, lẻn vào rừng, đến lò thạch cao, đi sâu vào con đường hầm và tìm lại bộ quần áo của tên lính chết, ông lấy mặc vào.
      Thế rồi ông bắt đầu đi rình rập qua các cánh đồng, bò men theo bờ dốc để ẩn mình, lắng nghe những tiếng động nhỏ nhất, hồi hộp như người đi săn bắt trộm.
       Khi ông cảm thấy đã đến giờ, ông tiến gần ra đường cái và nấp trong một bụi rậm. Ông chờ đợi. Cuối cùng, khoảng nửa đêm, có tiếng vó ngựa nện trên nền đất cứng. Ông áp tai xuống đất để biết chắc chỉ có một kỵ binh đang đi tới gần và ông chuẩn bị.              
       Tên kỵ binh xung kích  đi lấy công văn về đang phi nước đại.  Y đi tới, mắt trông chừng, tai nghe động tĩnh. Ngay khi y chỉ còn cách mười bước, ông cụ Milon lê ngay ra giữa đường và rên rỉ" Hilfe! Hilfe!  Giúp tôi với! Giúp tôi với! " Tên kỵ binh dừng lại, nhận ra một người Đức bị ngã ngựa, nghĩ là ông ta bị thương, nhảy xuống bước lại gần chẳng chút ngờ vực. Và ngay khi y cúi mình xuống người lạ mặt, y bị lưỡi kiếm dài đâm vào bụng. Y gục xuống, không kịp hấp hối, chỉ giẫy lên vài cái.
      Lúc đó, ông già người Normandie, hớn hở một nỗi vui mừng kín đáo của người nông dân già, bèn đứng dậy, và để thoả ý thích, ông cắt cổ xác chết, lôi nó đến rảnh và đẩy xuống.
      Con ngựa lặng lẽ đợi chủ. Ông cụ Milon nhảy lên yên và phóng nước đại qua cánh đồng.
      Một giờ sau, ông cụ còn thấy hai tên kỵ binh xung kích đi hàng đôi trở về doanh trại. Ông tiến thẳng tới chúng, miệng lại kêu: " Hilfe! Hilfe! " . Bọn Phổ để ông tới gần, nhận ra bộ quân phục, chẳng ngờ vực gì. Và ông cụ, nhanh như viên đạn vút qua hai tên lính, hạ sát cả hai bằng gươm và súng.
       Rồi ông cắt cổ những con ngựa, những con ngựa Đức. Ông lặng lẽ trở về lò thạch cao, giấu con ngựa ở cuối đường hầm tối tăm. Ông cởi bỏ quân phục, mặc lại bộ quần áo rách rưới rồi trở về giường đánh một giấc tới sáng.
      Trong bốn hôm ông không ra khỏi nhà, chờ cho cuộc điều tra kết thúc, nhưng sang ngày thứ năm, ông lại đi và giết thêm hai tên lính nữa cũng bằng mưu kế ấy. Từ đó ông không dừng lại nữa. Đêm đêm ông rình rập, lang thang đây đó, hạ sát những tên Phổ chỗ này, chỗ kia, phóng nước đại qua những cánh đồng hoang, dưới ánh trăng, làm tên kỵ binh xung kích lạc lối, kẻ đi săn người. Rồi khi xong việc, bỏ lại đằng sau những xác chết nằm dọc đường, tay kỵ sĩ già trở về giấu kín con ngựa và bộ quân phục ở phía bên trong cùng lò thạch cao.
      Khoảng giữa trưa, ông bình tĩnh đem lúa mạch và nước uống cho con ngựa ở trong đường hầm, ông nuôi nó tận tình vì cần nó làm việc nhiều.
      Nhưng hôm qua, một trong những tên bị ông tấn công đã thủ thế và chém một nhát vào mặt ông. Tuy nhiên ông cũng đã giết được cả hai tên.
      Ông lại trở về, giấu con ngựa và lấy lại bộ quần áo tồi tàn của mình, nhưng rồi trên đường về, ông bị đuối sức, cố lết về chuồng ngựa và không sao về đến nhà.
      Người ta đã tìm thấy ông như thế, người bê bết máu, nằm trên đống rơm.
      Kể xong chuyện, ông chợt ngẩng cao đầu kiêu hãnh nhìn đám sĩ qua Phổ.
      Tên đại tá vuốt râu mép hỏi ông:
      - Cụ không còn gì để nói nữa chứ?
      - Không, chả còn gì, tính toán sòng phẳng rồi đấy, tôi giết cả thảy 16 tên, không hơn, không kém.
      - Cụ có biết sắp phải chết không?
      - Thì tôi có xin các ông tha đâu!       - Trước đây cụ có đi lính không?
      - Có, hồi xưa, tôi có ra trận. Và rồi, chính các ông đã giết cha tôi là lính của Hoàng đế đệ nhất. Chưa kể là các ông đã giết François, con thứ của tôi, mới tháng trước đây, ở gần Eineux. Tôi đã mắc nợ các ông, nay tôi đã trả rồi. Thế là chúng ta thanh toán xong nợ nần.
      Bọn sĩ quan nhìn nhau.
      Ông già nói tiếp:
      - Tám đứa cho cha tôi, tám đứa cho con tôi, thế là xong nợ. Tôi đây, tôi không đi tìm các ông để gây sự! Tôi không biết các ông là ai! Thế mà các ông đến ở nhà tôi, ra lệnh y như đang ở nhà các ông vậy. Tôi đã trả thù vào các đứa khác. Tôi không ân hận gì.
      Và, ưỡn thẳng thân hình còn đau ê ẩm, ông già khoanh tay trong tư thế một người anh hùng bình dị.
      Bọn Phổ nói nhỏ với nhau hồi lâu. Một tên đại uý mới mất con trai tháng trước bênh vực ông lão nghèo khổ cao cả ấy.
      Tên đại tá đứng dậy, tiến gần đến cụ Milon, hạ giọng:
      - Này, ông già, có lẽ chỉ còn một cách giúp ông thoát chết, đó là...
      Nhưng ông cụ không thèm nghe, mắt nhìn thẳng tên sĩ quan thắng trận, trong khi gió phất phơ những sợi lông tơ trên đầu, ông nhăn mặt một cách ghê sợ khiến khuôn mặt gầy gò đang còn vết chém co rúm lại, và rồi, căng phồng ngực, ông lấy hơi nhổ thẳng vào mặt tên Phổ.
      Tên đại tá kinh hoảng giơ tay lên và ông cụ lại nhổ vào mặt hắn lần thứ hai.
      Tất cả bọn sĩ quan đứng hẳn dậy và đồng loạt ra lệnh.
      Chưa tới một phút sau, ông cụ, vẫn bình thản, bị áp sát vào tường và bị bắn, trong khi vẫn mỉm cười với Jean, con trai đầu, với con dâu và hai đứa cháu nhỏ, tất cả đang đứng nhìn, kinh hoàng.

                                                                              22 tháng 5 1883.



__________________________

 (1) Tức là Chiến tranh Pháp - Phổ ( 19 tháng 7 năm 1870 - 10 tháng 5 năm 1871 ). Ngày 19-7-1870 là ngày Pháp chính thức tuyên chiến với Phổ. Ngày 10-5-1871 là ngày ký Hiệp định Franfurt, kết thúc chiến tranh. Chế độ quân chủ Pháp cáo chung ( Đế chế II ), nền Đệ tam Cộng hoà ra đời.
Maupassant có tham gia cuộc chiến tranh Pháp - Phổ, sau đó có viết nhiều truyện ngắn về đề tài này ( Boule de suif, Mademoiselle Fifi, Deux amis ... ), trong đó, ông lên án bọn xâm lược, đồng thời phê phán tầng lớp thượng lưu, quý tộc, chỉ biết quyền lợi riêng, không quan tâm đến số phận dân tộc.

(2) lieue, đơn vị chiều dài cũ, bằng 4.444 m.
         


THÂN TRỌNG SƠN dịch
nguyên tác : Le père Milon.

ĐỨACON




Truyện ngắn
Guy de Maupassant
( 1850 - 1893 )


     Tên thật là Henri René Albert Guy de Maupassant, sinh ra trong một gia đình quý tộc bị phá sản. Vì cha mẹ bất hoà, ngay từ nhỏ Maupassant theo mẹ về sống tại Étretat, vùng quê cạnh biển, lớn lên trong tình yêu thiên nhiên. Khi tròn 13 tuổi, Maupassant được gởi đến học một trường dòng tại Yvetot nhưng vốn hiếu động và đa cảm, Maupassant tỏ ra không thích nghi với kỷ luật nghiêm khắc của nhà trường: trong giờ học thường hay vẽ viết bậy trên giấy và làm đầu têu nhiều trò nghịch ngợm. Bị đuổi học, Maupassant được gởi đến học ở trường trung học tại Rouen, rồi trường luật ở Caen.
        Năm 20 tuổi, ông nhập ngũ, tham gia cuộc chiến tranh Pháp - Phổ ( 1970-1971 ). Sau đó ông làm viên chức ở Bộ Hải quân (1873) rồi Bộ Giáo dục (1878 ).
           Được sự dìu dắt  tận tình của nhà văn Gustave Flaubert, một người bạn thân của mẹ ông, năm 1873, Maupassant bắt đầu viết văn. Nhưng mãi đến năm 1880, ông mới thực sự nổi tiếng với truyện ngắn Boule de suif, với bối cảnh cuộc chiến tranh Pháp - Phổ, trong đó, ông kịch liệt châm biếm, đả kích bọn quý tộc hèn nhát, bạc nhược, không hề tỏ ra chút dũng khí nào trước kẻ thù. Bên cạnh những người thuộc tầng lớp thượng lưu, nhân vật cô gái điếm, biệt danh là Boule de suif, lại tỏ ra lương thiện và tử tế nhất. ( Truyện này, khoảng 40 trang, đã được dịch sang tiếng Việt với nhan đề " Viên mỡ bò ". Trước đây, Nguyễn Hiến Lê dịch là Thùng nước lèo. ) Thành công lớn của tác phẩm này khiến ông quyết định từ bỏ cuộc sống viên chức và chuyển hẳn sang nghề viết văn. Ông cộng tác với nhiều tờ báo ( Le Figaro, Gil Blas, Le Gaulois, l'Écho de Paris... ) và ký nhiều bút danh khác nhau.
          Văn nghiệp của ông chỉ vẻn vẹn mười năm ( 1881-1890 ) nhưng ông cũng để lại cho đời trên 300 truyện ngắn, 6 tiểu thuyết, 3 tập ký sự du lịch và một tuyển tập thơ.
             Về tiểu thuyết, ông thành công nhất với tác phẩm Une vie ( Một cuộc đời ) mà ông đã bỏ ra 6 năm để hoàn thành (1883). Trong vòng một năm, tác phẩm đã phát hành được 25 ngàn bản và Lev Tolstoy không tiếc lời ca ngợi: " Đây là tác phẩm lớn nhất của văn học Pháp, sau Những kẻ khốn cùng. (1) ".
                Đề tài trong các truyện ngắn của Maupassant rất phong phú, đa dạng, gắn liền với cuộc sống thường ngày của tầng lớp trung lưu và hạ lưu của xã hội đương thời. Maupassant là một trong những bậc thầy của thể loại truyện ngắn. Các tác phẩm của ông thể hiện tài quan sát chính xác, đi sâu vào bản chất sự vật, và nghệ thuật chọn lựa chi tiết điển hình làm nổi bật tâm lý và tính cách của nhân vật. Tất cả nội dung đó được diễn đạt bằng ngòi bút trong sáng, giản dị, tự nhiên, súc tích.
             Những năm cuối đời, Maupassant mắc bệnh thần kinh, luôn bị ám ảnh bởi sự cô đơn và cái chết. Người đọc theo dõi các tác phẩm của Maupassant sẽ nhận ra rằng từ năm 1883, ông đã viết nhiều truyện ngắn về đề tài cái chết, hoặc liên quan đến cái chết: Auprès d'un mort ( Bên một người chết ), Suicide ( Tự sát ), Lettre trouvée sur un noyé ( Bức thư tìm thấy ở người chết đuối ), La tombe ( Ngôi mộ ), La morte ( Người đã khuất ), Le Noyė ( Người chết đuối ), Le condamnė  à mort ( Người bị kết án tử hình ) ...
 Bệnh tình ngày càng trầm trọng, ông đã có lần tự sát nhưng không chết. Sau 18 tháng hầu như hôn mê hoàn toàn, năm 1893, ông từ trần trong một dưỡng trí viện ở Paris.

Les misérables, tác phẩm của Victor Hugo.




   Sau bữa ăn tối, mọi người bàn luận về vụ phá thai mới xẩy ra trong làng. Bà bá tước phẫn nộ:  Sao lại có chuyện như vậy được! Cô gái, bị anh hàng thịt quyến rũ, đã ném đứa con của mình vào trong hầm mỏ! Khủng khiếp quá! Người ta đã xác nhận là đứa bé chưa chết ngay được.
   Ông thầy thuốc, tối hôm đó cũng đến lâu đài dùng bữa, đưa ra những chi tiết ghê rợn bằng một vẻ trầm tĩnh, ông tỏ ra thán phục sự can đảm của bà mẹ khốn khổ sau khi một mình sinh đẻ đã đi bộ cả hai cây số để sát hại đứa con. Ông nhắc đi nhắc lại: " Cô ấy vững như sắt thép! Và quả là phải có một nghị lực mãnh liệt để ban đêm băng rừng, ôm đứa con đang rên siết trong tay! Tôi thực sự thán phục trước những đau đớn tinh thần tương tự! Xin mọi người hãy nghĩ đến nỗi kinh hoàng của tâm hồn ấy, sự dày vò của con tim ấy! Cuộc đời sao bỉ ổi và khốn nạn quá! Những định kiến ghê người, vâng, thưa bà, định kiến ghê người, danh tiết trá hình, đáng tởm hơn cả tội ác, cả một loạt những tình cảm giả dối, tiếng tăm tệ hại, đã thúc đẩy cô gái tội nghiệp phải yếu đuối tuân phục cái luật lệ khắc nghiệt của cuộc sống mà phạm tội giết con. Thật xấu hổ cho loài người đã dựng lên một thứ đạo đức như thế và biến sự yêu đương tự do của hai con người trở thành tội lỗi! "
   Bà bá tước tức giận tới tái người.
   Bà phản bác: " Thưa bác sĩ, như vậy là ông đã đặt tính xấu lên trên đức hạnh, đặt gái lăng loàn đứng trước phụ nữ đoan chính! Cô gái buông thả theo những bản năng đáng hổ thẹn ông xem như ngang bằng với người vợ hoàn hảo làm tròn nghĩa vụ của mình với lương tâm liêm khiết! "

  Người thầy thuốc, một ông già đã chạm tay vào nhiều vết thương, đứng dậy lớn giọng nói: " Vâng, thưa bà, bà cứ giữ cái tính bao dung, nhân từ, độ lượng, bà không biết đâu! Bất hạnh thay cho những người mà tạo hoá trớ trêu đã trao cho những nhục cảm không thể nguôi dịu được. Những người trầm tĩnh, sinh ra chẳng có bản năng mãnh liệt, vẫn sống lương thiện theo phép tắc. Những người không hề bị hành hạ bởi những ham muốn điên loạn thì rất dễ làm tròn nghĩa vụ. Tôi biết nhiều phụ nữ trưởng giả có tâm thái bình tĩnh, cư xử cứng nhắc, tinh thần ôn hoà, tâm hồn chừng mực, họ luôn tỏ ra tức giận khi nghe nói đến lỗi lầm của những phụ nữ sa ngã. 

   Nhưng, thưa bà, đối với những người vô tình sinh ra đã sa vào vòng đam mê thì những nhục cảm không dễ gì khuất phục. Bà có thể nào làm dịu cơn gió thổi, bà có thể nào ngăn được sóng biển dâng? Bà có thể nào ngăn được sức mạnh của thiên nhiên? Không! Nhục cảm cũng giống như sức mạnh của thiên nhiên, không đánh bại được, như sóng biển và cơn gió. Chúng nhấc bổng và lôi kéo con người, ném vào cơn khoái lạc mà không sao chống lại được sự mãnh liệt của ham muốn. Những người phụ nữ hoàn hảo là những người không ham muốn. Họ đông lắm. Tôi chẳng ca ngợi gì đức hạnh của họ vì họ không phải chống chọi gì. Nhưng, không bao giờ, bà hiểu chứ, không bao giờ một cô gái như Messaline (1), như Catherine (2) tỏ ra đứng đắn được. Cô ta không thể như thế được. Cô ta được tạo ra dành cho sự vuốt ve mãnh liệt. Những cơ quan của cô ta không giống như bà, da thịt cô ta khác hẳn, nhiều rung cảm hơn, nhạy cảm hơn với sự tiếp xúc nhẹ nhàng nhất với một da thịt khác, và dây thần kinh của cô ta hoạt động, làm cho cô ta rối loạn và ngã gục trong khi bà không cảm thấy gì. Bà cứ thử nuôi chim bồ cắt với những hạt nhỏ tròn mà bà cho con vẹt ăn xem sao! Ấy vậy mà cả hai loài chim này đều có chiếc mỏ nhọn cứng. Bản năng của chúng khác hẳn nhau.

   Ôi! Nhục cảm! Giá mà bà hiểu được sức mạnh của chúng! Nhục cảm khiến ta hổn hển suốt đêm trường, da thịt nóng bừng, con tim rạo rực, tâm thần xao động bởi những hình ảnh tưởng tượng điên cuồng! Bà thấy không, thưa bà, những người chừng mực chỉ là những người lạnh lùng, ghen tuông vô vọng mà không hay biết.

   Xin nghe tôi kể đây:    
   Người mà tôi gọi là Hélène có nhiều nhục cảm. Ngay từ lúc còn rất nhỏ. Ở cô ta, nhục cảm đã trổi dậy ngay khi mới biết nói. Bà sẽ cho cô ta là con bệnh. Tại sao? Chẳng phải bà vốn thường yếu lòng? Cô ta được đưa đến tôi khi mới mười hai tuổi. Tôi nhận thấy là cô đã là phụ nữ, bị thôi thúc không ngừng bởi những cơn khát tình. Chỉ nhìn cô ta là nhận ra điều đó. Cô ta có đôi môi dày và cong, hé mở như những cánh hoa, cái cổ thẳng, làn da nóng rực, cái mũi lớn, hơi nở ra và phập phồng, đôi mắt to và sáng với tia nhìn đốt cháy đàn ông.
   Vậy thì ai có thể làm dịu được nguồn máu hừng hực của con thú khao khát kia? Nhiều đêm cô ta khóc lóc vô cớ. Cô quằn quại vì thiếu giống đực. 
    Cuối cùng người ta cho cô lấy chồng ở tuổi mười lăm. Hai năm sau, anh chồng ho lao chết. Cô đã làm anh ta kiệt sức. Người chồng khác cũng cùng số phận sau mười tám tháng. Người thứ ba cầm cự được ba năm rồi cũng rời bỏ cô. Đến lúc phải như thế!
    Trở lại sống một mình, cô cố tỏ ra đứng đắn. Đúng như  những định kiến của bà. Rồi một hôm bị khủng hoảng tinh thần, cô mời tôi đến. Tôi nhận ra ngay rằng cô sẽ chết vì hoàn cảnh goá bụa của mình. Tôi nói với cô điều đó. Thưa bà, đấy là một phụ nữ đàng hoàng, dù đang chịu hành hạ, cô vẫn không muốn nghe lời tôi khuyên là kiếm lấy một người tình.
   
    Trong vùng, mọi người nói cô điên. Ban đêm cô ra khỏi nhà và hoảng hốt bỏ chạy cốt để làm nguội lạnh cơ thể nổi loạn của mình. Rồi cô ta rơi vào những triệu chứng dẫn đến những cơn co thắt dữ dội.
    Cô sống một mình trong lâu đài ở gần lâu đài của bà mẹ và lâu đài của những người thân thích. Thỉnh thoảng tôi đến thăm cô mà không biết phải làm gì chống lại sự sắp đặt khắc nghiệt của tạo hoá hoặc chống lại ý nguyện của chính cô.
    Một hôm, vào khoảng tám giờ tối, cô đến nhà tôi khi tôi vừa ăn xong. Ngay khi chúng tôi ngồi riêng với nhau cô nói:
   - Tôi thua rồi. Tôi đã có thai.
   Tôi giật thót mình trên ghế.
    - Cô bảo sao?
    - Tôi có thai. 
    - Cô?
    - Vâng, tôi. 
    Và đột nhiên, bằng một giọng ngắt quãng, cô nhìn thẳng vào mặt tôi và nói:
    - Có thai với anh làm vườn của tôi, thưa bác sĩ. Khi đi dạo trong vườn, tôi chớm bị ngất xỉu. Anh chàng thấy tôi ngã vội chạy đến ôm lấy tôi để dìu tôi đi. Tôi đã làm gì? Tôi cũng không biết nữa. Tôi đã ôm chặt anh ta, đã hôn anh ta? Có lẽ thế. Bác sĩ đã biết nỗi bất hạnh và xấu hổ của tôi. Cuối cùng anh ta đã chiếm đoạt tôi. Tôi là thủ phạm, bởi tôi còn dâng hiến cũng bằng cách như thế ngày hôm sau và nhiều lần khác nữa. Thế là hết! Tôi không cưỡng lại được! 
    Cô nấc nghẹn rồi tiếp tục với giọng đầy kiêu hãnh:
    - Tôi tự nguyện, tôi thích như thế, còn hơn là đi kiếm một người tình như bác sĩ đã khuyên tôi. Anh ta đã làm tôi mang thai. Ôi! Tôi xin thú nhận với bác sĩ điều này, không dè dặt, không ngần ngại. Tôi đã cố phá thai. Tôi tắm nước nóng, tôi cỡi lên những con ngựa cứng đầu, tôi đu xà treo, tôi dùng ma tuý, ngải đắng, nghệ, và nhiều thứ khác nữa. Nhưng không thành công. Bác sĩ biết cha tôi, các anh em tôi? Tôi thua rồi. Chị tôi kết hôn với một người danh giá. Sự ô nhục của tôi sẽ ảnh hưởng đến họ. Và còn bạn bè, hàng xóm, tên tuổi của gia đình, còn mẹ tôi...
    Cô bắt đầu khóc nức nở. Tôi cầm lấy tay, hỏi han cô. Rồi tôi khuyên cô nên đi đâu đó thật xa để sinh con.
     Cô đáp: " Vâng... vâng... vâng... chắc phải vậy..." mà chẳng có vẻ sẽ nghe lời.
    Rồi cô bỏ đi.

    Tôi còn gặp cô ta nhiều lần nữa. Cô phát điên lên rồi. Ý nghĩ về đứa con đang lớn dần trong bụng, về sự nhục nhã rõ rệt kia xuyên qua tâm hồn cô như một mũi tên nhọn. Cô không lúc nào dứt khỏi ý nghĩ đó, ban ngày không dám ra khỏi nhà, không gặp ai, sợ bị phát hiện bí mật kinh tởm kia. Tối đến cô đứng trước tủ kính, cởi quần áo và ngắm nhìn cạnh sườn đã biến dạng của mình, rồi cô lăn xuống đất, nhét khăn vào mồm để chặn tiếng khóc than. Có đến hai mươi lần cô đứng dậy, thắp nến lên và đến trước chiếc kính lớn phản chiếu hình ảnh căng phồng của tấm  thân trần. Cô điên loạn đấm vào bụng để giết đi cái sinh linh đang làm lụi bại cô. Giữa cô và nó là một cuộc đánh vật khủng khiếp. Nhưng nó không chết mà cứ cựa quậy mãi, chừng như đang tự vệ. Cô lăn xuống sàn nhà để chèn nó xuống đất, khi ngủ cô cố đè lên người bằng vật nặng để cho nó ngạt. Cô căm ghét nó như người ta căm ghét kẻ thù bướng bỉnh đang đe doạ cuộc sống. 
    Sau những vẫy vùng vô ích, những cố gắng bất lực để thoát khỏi nó như thế, cô bỏ đi ra đồng, mải miết chạy, phát điên lên vì đau đớn và hoảng sợ.

    Một sáng kia, người ta bắt gặp cô đang nhúng chân vào dòng suối, đôi mắt thất thần, ai cũng nghĩ cô đang mắc phải một cơn khủng hoảng hoang tưởng gì đấy, nhưng cũng không phát hiện ra điều gì.
    Một ý nghĩ không thay đổi bám lấy cô. Dứt bỏ đứa con tồi tệ kia khỏi cơ thể mình.
    Có lần, buổi tối, bà mẹ cười nói với cô: " Hélène, dạo này con mập ra đấy, nếu con có chồng, mẹ nghĩ là con đang mang thai."
     Câu nói làm cô chết điếng. Cô bỏ đi về nhà ngay. 
    Cô ta đã làm gì? Hẳn là cô đã nhìn thật lâu cái bụng to chướng lên của mình, hẳn là cô đã đấm nó, làm tổn thương nó, đập nó vào góc bàn góc tủ như cô vẫn làm hằng đêm. Thế rồi, cô đi chân trần xuống nhà bếp, mở tủ và lấy con dao chặt thịt ra. Cô đi lên nhà trên, thắp bốn ngọn nến lên, ngồi trên chiếc ghế mây, ngay trước tấm kính.
    Lúc này đây, cô căm ghét tột độ cái bào thai lạ lẫm và ghê tởm kia, muốn bóc gỡ nó ra mà giết đi, cầm nó trong tay, bóp nghẹt nó và quẳng ra xa; cô ấn tay vào vị trí con ấu trùng kia đang cựa quậy, và bằng một nhát dao sắc gọn, cô tự xẻ bụng mình.
   Ôi! Cô hành động thật nhanh và thật khéo, bởi cô đã nắm được nó, kẻ thù mà lâu nay cô chưa thể chộp bắt được. Cô tóm lấy một chân nó, kéo ra khỏi mình và muốn ném nó vào bếp lửa than. Nhưng mà nó cố cưỡng lại bằng những sợi dây mà cô chưa kịp cắt bỏ, và trước khi cô hiểu ra phải làm gì nữa để tách khỏi hắn thì cô đã ngã ra bất tỉnh đè lên đứa con ngập ngụa trong vũng máu.
    Cô gái có phạm tội không, thưa bà?

    Ông thầy thuốc im lặng, chờ đợi. Bà bá tước không trả lời.


----

1. Messaline: Tức là Valeria Messalina ( 25-48 ), vợ thứ ba của Hoàng đế La Mã Claudius, người đã đi vào lịch sử với tai tiếng là dâm loạn. Khi trở thành hoàng hậu, Messaline cho mở nhiều căn phòng bí mật để có thể quan hệ với nhiều người đàn ông khác nhằm thoả mãn dục tình vô độ của mình.

2. Catherine: Tức là Ekaterina, tiếng Nga : Екатерина II Великая ( 1729 - 1796 ), còn gọi là Ekaterina Đại đế, Nữ hoàng Nga, cai trị toàn bộ lãnh thổ đế quốc Nga từ 28/6/1762 cho đến khi qua đời. Cũng như Messaline, bà là người rất phóng đãng trong cuộc sống riêng tư. Từ khi lấy chồng năm 15 tuổi cho đến khi qua đời, bà có rất nhiều nhân tình, từ giới quý tộc đến kẻ tầm thường, có người kém bà gần 40 tuổi.



THÂN TRỌNG SƠN dịch và giới thiệu
 từ nguyên tác " l' Enfant ",  18 septembre 1883