samedi 25 août 2012

CHIẾC LÁ CUỐI CÙNG



                                                        
Truyện ngắn -  O’HENRY


 O’Henry ( 1862-1910 ) , nhà văn Mỹ, tác giả của gần 400 truyện ngắn đăng trong các nhật báo và tạp chí, sau được in trong mười tập truyện. Cuộc đời của Ông rất phong phú : làm nhiều nghề khác nhau ( dược sĩ, vẽ kỹ thuật và kiến trúc, thư ký, đầu bếp nhà hàng, nhân viên công ty địa ốc, nhân viên xưởng in… ),  từng tham gia ca hát, diễn kịch, vẽ hí họa, có lúc bệnh nặng, có lúc ở tù. Có lẽ vì thế mà bối cảnh các truyện ngắn của Ông cũng rất phong phú, khắc họa xã hội nước Mỹ thời kỳ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Phần lớn truyện ngắn của Ông có cốt truyện đơn giản, với nhiều tình tiết oái oăm, khắc nghiệt, có khi khôi hài để kết thúc bất ngờ. “Chiếc lá cuối cùng” ( The last leaf ) là một truyện ngắn nổi tiếng, được nhiều nước chọn đưa vào sách giáo khoa.


Trong một khu phố nhỏ ở phía đông Quảng trường Washington, các con đường chạy ngoằn ngoèo, cắt quãng và tạo thành những khu vực nhỏ. Những khu vực này không đều nhau, có một dáng vẻ khác thường, đầy những góc cạnh  và đường cong kỳ lạ. Một con đường cắt ngang chính nó một hai lần. Có một họa sĩ nhìn thấy địa hình này cũng có cái lợi. Giả dụ như khi một nhân viên thu ngân được ủy thác đi thu từ các nghệ sĩ tiền hóa đơn giấy, khung vải và tranh vẽ, giả dụ thế, anh ta đi quanh khu vực này và vòng lại chỗ cũ mà không thu được đồng xu nào !

Chính vì thế mà chẳng bao lâu các nghệ sĩ đua nhau kéo đến khu làng cổ Greenwich, săn lùng những chiếc cửa sổ trổ hướng bắc, đầu hồi thế kỷ mười tám, gác mái của Hà Lan và giá thuê rẻ. Sau đó họ mang đến vài hộp thiếc, một hay hai bếp lò, thế là hình thành một khu di dân.
Ở trên cùng một chung cư ba tầng bằng gạch hai cô gái Sue và Johnsy đặt xưởng vẽ của mình. Một cô đến từ Maine, cô kia, từ California. Hai người gặp nhau trong một quán ăn người Ý  trên đường Số Tám và khám phá cả hai cùng chung sở thích về nghệ thuật, rau diếp xoăn và ống tay áo phồng vai nên quyết định thuê chung căn phòng. Chuyện đó xảy ra vào tháng 5. Đến tháng 11, có một nhân vật giá lạnh và vô hình mà các bác sĩ gọi là Viêm Phổi lẻn vào khu vực này, lấy ngón tay lạnh buốt như tử thần quệt vào nơi này nơi kia. Bên phía đông, kẻ tàn phá này táo bạo lướt tới, hạ gục đến hai mươi nạn nhân, nhưng lại giảm bớt tôc độ khi đi qua những lối chật hẹp và đầy rêu.

Viêm Phổi không thể được xem là một quý ông hào hiệp. Một cô gái đôi mươi bé nhỏ, đờ đẫn vì những trận gió ở California lẽ ra chẳng phải là miếng mồi ngon cho một lão con buôn rắn tay. Vậy mà hắn vẫn tấn công Johnsy; thế là cô nằm bẹp trên chiếc giường sắt, hầu như không cử động, đưa mắt nhìn qua cửa sổ bức tường trơ trụi sầu thảm của căn nhà gạch kế bên.

Một buổi sáng, vị bác sĩ ra dấu mời Sue ra ngoài hành lang, nhướng đôi mày rậm, ông nói:
“Cơ may cho cô ta là một phần mười,” ông vừa nói vừa rảy cái nhiệt kế cho vạch thủy ngân tụt xuống. “ Và cơ may này tùy thuộc ý chí muốn sống của cô ta. Cái cách mà nhiều con bệnh chỉ chờ công ty mai táng đến làm cho sách thuốc nào cũng vô dụng. Bạn của cô cứ đinh ninh là mình không qua khỏi. Cô ấy có ý gì thế?”
“Chị ấy… chị ấy mong có ngày được vẽ vịnh Naples.” Sue đáp.
“Không! Không! Cái gì khác, nghiêm túc hơn hội họa kìa. Cô ấy có … cô ấy có bận tâm về điều gì…một người đàn ông chẳng hạn ?”
“Một người đàn ông à ? Sue trả lời, giọng rung lên, “một người đàn ông thì có thể nào… mà không, thưa bác sĩ, không có chuyện đó.”
“ Vậy thì chỉ là do yếu sức thôi”, vị bác sĩ nói. Tôi sẽ làm mọi cách mà khoa học cho phép, hoặc ít nhất là với tất cả hiểu biết khoa học của tôi. Nhưng khi mà con bệnh của tôi bắt đầu nhẩm tính số lượng xe trong đoàn xe tang thì xem như hiệu lực của thuốc men đã giảm đi một nửa. Nếu cô làm cách nào khiến cô ấy hỏi cô về tay áo măng tô của thời trang mùa đông ra sao, tôi đoan chắc với cô là cơ may khỏi bệnh của bạn cô sẽ là một phần năm chứ không còn là một phần mười.”

Sau khi bác sĩ đi khỏi, Sue đi vào xưởng vẽ và khóc đau đớn. Rồi cô lau nước mắt đi vào phòng Johnsy, tay mang giá vẽ, miệng huýt sáo một điệu nhạc vui. Johnsy nằm không động đậy, mặt quay về phía cửa sổ. Sue ngưng huýt sáo, nghĩ là bạn đang ngủ. Cô đặt giá vẽ và bắt đầu dùng bút mực vẽ tranh minh họa cho một tạp chí. Các họa sĩ trẻ phải tự tìm đường đến nghệ thuật bằng cách vẽ hình minh họa cho các truyện đăng trong tạp chí, truyện mà các nhà văn trẻ  viết  để dọn đường đi đến văn học.

Trong khi Sue đang phác họa cái quần bảnh bao và chiếc kính một mắt cho nhân vật chính, một chàng cao bồi Idaho, cô nghe một tiếng nói nhỏ, lặp đi lặp lại vài lần. Cô vội đi đến mép giường.
Mắt Johnsy mở to. Cô nhìn ra cửa sổ và đếm, đếm ngược: “Mười hai”, rồi sau một lát: “mười một”, sau đấy, “mười”, rồi “chín”, rồi “tám” và “bảy” gần như liền nhau. 
Sue tò mò nhìn ra ngoài cửa sổ. Có gì ở ngoài đó mà đếm? Chỉ có một khoảng sân trống, buồn thảm và bức tường trơ trụi của căn nhà gạch cách đó chưa tới mười thước. Một dây thường xuân già , gân guốc, cằn cỗi, leo lên đến nửa bức tường gạch. Gió thu lạnh buốt đã vặt gần hết lá, chỉ còn những nhánh khẳng khiu, trơ trụi bám vào mảng tường gạch vỡ vụn.
“Chuyện gì thế, cô nàng?” Sue hỏi.
“Sáu,” Johnsy đáp, gần như thì thào. “ Bây giờ chúng rụng nhanh quá. Ba hôm trước vẫn còn cả trăm, đếm muốn nhức đầu. Giờ thì dễ rồi. Đấy, một chiếc nữa. Chỉ còn có năm thôi.”
“Năm gì chứ, cưng? Nói cho Sue của cưng biết đi.”
“Chiếc lá. Trên dây leo thường xuân. Khi chiếc cuối cùng rụng, mình sẽ ra đi. Mình nghiệm ra điều đó từ ba hôm nay. Bác sĩ không nói cho bồ biết sao?”
“Ồ, mình chưa bao giờ nghe chuyện tầm phào đó,” Sue càu nhàu, giọng giả vờ tức giận.” Mà mấy chiếc lá thường xuân thì liên quan gì đến việc bạn hồi phục? Mà lâu nay bạn vẫn thích cây thường xuân mà! Đừng ngốc nghếch thế nữa. Sáng nay ông bác sĩ nói với mình là cơ may bạn khỏi bệnh hẳn là…, để xem ông ấy nói gì nào, à ông ấy nói cơ may là mười trong một! Đấy, cũng bằng với cơ may khi ở New York chúng mình đáp tàu điện hay đi bộ ngang qua một căn nhà đang xây. Cố ăn tí cháo đi, để cho Sue vẽ nốt tranh này rồi đem bán cho tạp chí, mua rượu vang cho cô bé đang bệnh và mua sườn heo cho nó đang thèm đây.”
“Khỏi cần rượu vang nữa,” Johnsy vẫn dán mắt ra ngoài cửa sổ,”Thêm một chiếc rụng nữa kìa. Không, mình không ăn cháo. Thế là chỉ còn có bốn. Mình muốn nhìn thấy chiếc cuối cùng rụng trước khi trời tối. Khi ấy mình cũng sẽ ra đi.”
“Johnsy cưng ơi,” Sue nghiêng mình gần bạn, “ bồ có hứa với mình là nhắm mắt lại và không nhìn ra ngoài cửa sổ nữa cho đến khi mình vẽ xong không? Mình phải đem giao tranh này ngay ngày mai. Mình cần ánh sáng, nếu không mình sẽ kéo rèm xuống.”
“Bạn không thể sang phòng bên mà vẽ sao?”, Johnsy lạnh lùng hỏi.
 “Mình muốn ở bên cạnh bạn,” Sue nói, “ Hơn nữa, mình không muốn bạn cứ mãi nhìn mấy cái lá thường xuân như thế.”
“Khi nào bạn làm xong thì cho mình biết,” Johnsy nói, mắt nhắm lại, tái nhợt và bất động như một pho tượng nằm dài, “ vì mình muốn nhìn chiếc lá cuối cùng rụng. Mình chờ đợi mệt quá rồi. Mình suy nghĩ mệt quá rồi  Mình muốn buông xuôi tất cả, rồi  rơi  xuống, quay tròn rơi xuống như một trong những chiếc lá mỏi mệt kia.”
“Thôi ráng ngủ đi,” Sue nói, “ Mình phải đi mời ông Berhman lên ngồi làm mẫu cho mình vẽ ông thợ mỏ già sống ẩn dật. Mình chỉ đi một phút. Đừng cựa quậy cho đến khi mình trở lại.”

Ông già Berhman là họa sĩ sống ở tầng trệt, bên dưới phòng hai cô gái. Ông ngoài sáu mươi, có chòm râu dài và xoăn chảy dài từ cái đầu to tướng xuống một thân hình thấp nhỏ, kiểu như ông Moses trên bức điêu khắc của Michael Angelo. Berhman là cả một sự thất bại trong nghệ thuật.  Ông đã cầm cọ vẽ suốt bốn mươi năm mà chưa bao giờ mon men đến được mép ngoài của cõi nghệ thuật. Lúc nào ông cũng muốn vẽ nên một kiệt tác nhưng chưa bao giờ bắt đầu. Vài năm nay ông không vẽ được gì, chỉ thỉnh thoảng vài bức tranh tồi mang tính thương mại hay quảng cáo. Ông chỉ kiếm tiền chút đỉnh bằng cách ngồi làm mẫu cho đám họa sĩ trẻ không đủ tiền trả theo giá  người mẫu chuyên nghiệp. Ông uống rượu gin như hũ chìm và cứ luôn nhắc đến kiệt tác sắp đến của mình. Ngoài ra, đấy là một ông già nhỏ thó mà dữ dằn, thường hay mạt sát cay độc thói yếu đuối của bất cứ ai, và tự coi mình là người bảo vệ trung thành cho hai cô họa sĩ trẻ sống ở tầng trên.

Sue tìm thấy Barhman nồng nặc mùi rượu dâu trong căn phòng tối mù ở bên dưới. Trong góc, trên giá vẽ là một khung vải trống trơn đang chờ đợi từ hai mươi lăm năm nay nét cọ đầu tiên của một kiệt tác. Cô cho ông biết ý nghĩ hão huyền của Johnsy và nói cô rất sợ  thấy cô bạn sẽ trôi đi, nhẹ nhàng và mỏng manh như một chiếc lá khi sự bám víu sơ sài vào trần thế yếu dần đi.
Ông già Barhman, với cặp mắt đỏ ngầu, thét lớn, tỏ rõ sự khinh thường và nhạo báng những ý tưởng ngốc nghếch như thế.
“ Cái gì? Ở đời sao lại có người ngu ngốc muốn chết vì mấy cái lá cây thường xuân rụng đi? Lão chưa bao giờ nghe chuyện như vậy. Không, lão sẽ không ngồi làm mẫu cho cái ông già ẩn dật của cô đâu. Tại sao cô lại cho phép nó nhét những ý nghĩ ngu ngốc như thế vào trong đầu? Ôi, cái con bé Johnsy khốn khổ!”
“Chị ấy bệnh nặng và yếu lắm,” Sue nói, “ và cơn sốt đã khiến cho tâm trí chị ấy trở nên hỗn loạn với những hoang tưởng kỳ quái. Thôi được rồi, ông Barhman, ông không muốn ngồi làm mẫu cũng được, không sao cả.  Nhưng tôi nghĩ ông là một lão già xấu xa, ghê khiếp.”
“Cô đúng là cái giống đàn bà”, ông Barhman tru tréo, “ai nói là lão không ngồi làm mẫu? Đi lên đi, lão sẽ đi với cô. Cả nửa tiếng đồng hồ lão đã nói là lão sẵn sàng ngồi làm mẫu. Trời ơi, đây không phải là chỗ một người tử tế như cô Johnsy nằm dưỡng bệnh được. Một ngày nào đó lão sẽ vẽ một kiệt tác và chúng ta sẽ dời đi nơi khác. Phải như vậy thôi.”

Johnsy đang ngủ khi họ lên. Sue hạ tấm rèm xuống và ra dấu cho ông Barhman theo cô sang phòng bên. Ở đó, xuyên qua cửa sổ họ nhìn dây thường xuân, lòng cảm thấy lo sợ. Rồi cả hai nhìn nhau môt lúc mà không ai nói gì. Một cơn mưa lạnh lẽo vẫn tiếp tục rơi, hòa cùng với tuyết. Ông Barhman, mặc chiếc sơ mi cũ màu xanh, ngồi lên một cái ấm nước đặt lộn ngược giả làm tảng đá để làm mẫu ông thợ mỏ ẩn cư.

Sáng hôm sau khi Sue thức dậy sau chừng một giờ ngủ mê, cô thấy Johnsy đang nhìn tấm rèm đã buông xuống với đôi mắt đờ đẫn mở to.
“Kéo rèm lên đi, mình muốn nhìn một chút,” cô thì thào ra lệnh.
Sue uể oải làm theo lời bạn.
Nhưng, kìa! Mặc dù trận mưa vùi dập và những cơn gió dữ dội đã kéo dài liên tục  suốt đêm hôm qua, vẫn còn một chiếc lá thường xuân bám vào bức tường gạch. Đó là chiếc lá cuối cùng của dây leo. Cuống lá vẫn màu xanh thẫm, rìa mép hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa, nó vẫn hiên ngang bám vào cái cành cao cách mặt đất.gần bảy thước.
“Đó là chiếc lá cuối cùng,” Johnsy nói.” Mình nghĩ là đêm qua nó đã rụng rồi. Mình nghe gió thổi dữ lắm. Hôm nay nó sẽ rụng, và lúc đó mình cũng sẽ ra đi.”
“ Cưng ơi, cưng ơi!”, Sue vừa nói vừa dúi khuôn mặt mệt mỏi xuống chiếc gối, “ hãy nghĩ đến mình, nếu bạn không nghĩ đến bản thân. Mình sẽ ra sao nếu không có bạn?”  
Nhưng Johnsy không trả lời. Cái điều thảm thiết nhất trên đời là một linh hồn chuẩn bị cho một chuyến đi bí ẩn, xa xăm. Ý nghĩ hoang tưởng ám ảnh cô ta ngày càng mãnh liệt hơn khi mà những sợi dây níu cô ta với tình bạn và trần gian ngày càng lơi lỏng. 
Ngày dần trôi, đến lúc hoàng hôn họ vẫn thấy chiếc lá thường xuân trơ trọi bám vào cuống dính vào tường. Và rồi, khi đêm xuống, gió bấc lại thổi, mưa vẫn đập vào cửa sổ, nước mưa tuôn xối xả dọc theo khung cửa kính.
Khi trời vừa hừng sáng, con người lạnh lùng lại đòi kéo tấm rèm lên.
Chiếc lá thường xuân vẫn còn đó.
Johnsy nằm nhìn chiếc lá trong giây lát. Rồi cô lên tiếng gọi Sue khi bạn đang khuấy nồi súp gà trên bếp ga.
“Mình là đứa hư, Sue à”, Johnsy nói, “ Có điều gì đó đã khiến cho chiếc lá vẫn bám ở đấy để cho mình hiểu là mình tệ hại đến mức nào. Muốn chết là điều tội lỗi. Bây giờ bạn có thể đem cho mình một chút cháo, và ít sữa pha chút rượu vang, và – à không, trước hết hãy mang cho mình chiếc gương soi cầm tay, rồi kê giùm mình mấy cái gối, mình sẽ ngồi dậy nhìn bạn nấu nướng.”
Một giờ sau, cô nói:
“ Sue à, mình hy vọng có ngày vẽ được vịnh Naples.”
Buổi chiều vị  bác sĩ ghé đến, khi ông ra về, Sue có cớ để đi ra ngoài hành lang.
“ Cơ may ngang bằng,” bác sĩ cầm bàn tay gầy guộc và run rẩy của Sue và nói, “ ráng chăm sóc thì cô sẽ thắng. Bây giờ tôi phải đi thăm người bệnh khác ở tầng dưới, tên  là Berhman - chừng đâu là một nghệ sĩ gì đó, tôi nghĩ thế. Cũng Viêm Phổi. Một ông lão già nua yếu đuối, cơn bệnh lại là cấp tính. Không còn hy vọng gì cho ông ta, nhưng vẫn phải đưa vào bệnh viện để được tiện nghi hơn.”
Ngày hôm sau bác sĩ nói với Sue: “ Qua cơn nguy rồi. Cô đã thắng. Ăn uống bồi bổ và chăm sóc chu đáo, bây giờ chỉ cần thế thôi.”
Chiều hôm đó, khi Sue đến gần giường, Jonhsy đang vui vẻ đan chiếc khăn quàng với những sợi len xanh, cô vòng tay ôm lấy cổ bạn, rồi ôm chiếc gối.
“ Mình có chuyện này nói với bạn, con chuột bạch ạ,” Sue nói. “ Ông Barhman qua đời hôm nay ở bệnh viện vì chứng viêm phổi. Ông chỉ mới nhuốm bệnh hai hôm nay thôi. Sáng ngày đầu tiên người gác dan tìm thấy ông trong căn phòng tầng dưới, có vẻ đau đớn lắm. Đôi giày và quần áo ướt đẫm, lạnh như đá. Không ai nghĩ ra ông đã đi đâu vào cái đêm gió mưa kinh khủng như vậy. Rồi người ta phát hiện cây đèn bão, vẫn còn cháy sáng, và một cái thang đã được kéo ra khỏi nơi cất giữ, và vài cây cọ vứt bừa bãi dưới đất, và chiếc khay vẽ pha trộn hai màu xanh và vàng, và – bạn nhìn ra ngoài cửa sổ đi, nhìn cái lá thường xuân cuối cùng trên tường đó. Bạn có thắc mắc tại sao nó không hề lung lay động đậy gì khi gió thổi không? Ôi, cưng ơi, đó là kiệt tác của ông Barhman đấy – ông đã vẽ nó đúng vào cái đêm mà chiếc lá cuối cùng rụng xuống.”


THÂN TRỌNG SƠN dịch
( The Last Leaf – O’HENRY )

lundi 23 juillet 2012

NHÀ KÍNH



            
          Ông bà Lerebour  cùng tuổi nhưng trông ông trẻ hơn, mặc dầu trong hai người ông là kẻ yếu đuối hơn. Họ sống trong một ngôi nhà xinh đẹp ở vùng quê gần Nantes (1) mà họ đã tạo dựng sau khi kiếm được tiền nhờ bán vải bông của Rouen (2).
             Quanh nhà là một mảnh vườn xinh xắn có sân gà vịt, có nhà cảnh và một nhà kính nhỏ ở cuối vườn. Ông Lerebour thấp, mập và vui tính, cái vui tính của một ông chủ tiệm hoạt bát.Gầy ốm, bướng bỉnh và luôn bất mãn, vợ ông không có được cái tính khí vui vẻ như ông. Bà tự nhuộm tóc, thường hay đọc những cuốn tiểu thuyết làm cho bà mộng mơ, mặc dầu bà giả bộ khi dể loại truyện nầy. Người ta nói bà đam mê, dù bà chẳng hề làm gì khiến họ nghĩ như thế. Nhưng đôi khi chồng bà cũng nói:” Vợ tôi là người vui tính”, mà ông nói với vẻ tinh quái khiến họ phải đoán già đoán non.
       Tuy nhiên từ vài năm nay bà cứ hay gây gổ với ông Lerebour, luôn cáu kỉnh và khó tính, như đang bị dằn vặt vì có chuyện buồn phiền gì sâu kín không nói ra được. Từ đó sinh ra bất hòa với nhau. Họ gần như không còn trò chuyện với nhau nữa và bà (tên bà là Palmyre) cứ luôn bắt ông (tên ông là Gustave) phải chịu đựng những lời khen mỉa làm mất lòng, những câu bóng gió chạm tự ái, những lời lẽ gay gắt mà chẳng có lý do gì cả.
        Ông nhẫn nhục chịu đựng, chán nản nhưng dù sao cũng vui.Tư chất sẵn giàu cá tính thích làm vui lòng kẻ khác, đến mức ông sẵn sàng chấp nhận những phiền nhiễu sâu kín đó. Nhưng ông tự hỏi do đâu mà vợ mình cau có như thế, vì ông thấy sự giận dữ của bà ấy ắt phải có một lý do thầm kín, nhưng khó thấu triệt đến nỗi ông đã phí sức để tìm hiểu.
       Ông thường hỏi bà:”Này em, nói anh biết em chống đối anh chuyện gì vậy? Anh cảm thấy em giấu anh điều gì.” Bà luôn luôn đáp lại rằng:”Đâu có gì! Tuyệt đối chẳng có chuyện gì cả. Vả lại, nếu tôi có điều gì không bằng lòng thì anh cứ việc đoán xem. Tôi không thích những người đàn ông chẳng biết gì cả, nhu nhược và kém cỏi đến nỗi phải nhờ người khác giúp đỡ mới thấu hiểu được những điều nhỏ nhặt nhất.” Ông chán nản lẩm bẩm:” Tôi thấy  rõ là em  chẳng muốn nói “ Và ông tránh ra chỗ khác, cố tìm hiểu.
         Ban đêm càng trở nên rất nặng nề khó thở đối với ông; bởi vì họ luôn luôn ngủ chung giường, giống như những cặp vợ chồng hòa thuận. Những lúc đó chẳng có chuyện gì mà bà không làm để quấy rầy ông. Bà chọn lúc họ nằm bên cạnh nhau để liên tục chê bai ông hết sức gay gắt. Chủ yếu là bà chê ông mập:” Anh chiếm hết chỗ, vì nay anh mập quá. Mồ hôi trên lưng anh đổ ra như là mỡ chảy. Anh tưởng vậy là làm tôi dễ chịu sao!” Bà kiếm bất kỳ lý do nhỏ nhặt nào để buộc ông phải dậy, nào là xuống tìm tờ báo bà bỏ quên, nào là kiếm chai nước ngọt hương hoa cam mà làm sao ông kiếm ra được vì trước đó bà đã giấu đi rồi. Và bà nổi giận tru tréo:” Lẽ ra anh phải biết tìm ở đâu ra chứ, ông ngốc!” Sau một tiếng đồng hồ sục sạo khắp nơi trong căn nhà vắng lặng, ông trở về tay không thì bà nói như để cám ơn:”Thôi, anh đi ngủ đi, anh nhão như một miếng bọt biển, đi dạo một chút thế cho ốm bớt...”
          Bà đánh thức ông dậy bất cứ lúc nào để cho biết bà đau vì dạ dày co thắt, và bà nhờ ông lấy miếng vải thấm dầu thơm xoa lên bụng bà. Lo bà bị bệnh, ông hết lòng cứu chữa và ông đề nghị xuống thức cô giúp việc Céleste dây. Tức thì bà giận dỗi la lối:”Có cần phải ngốc vậy không, anh khờ! Thôi, hết rồi, tôi hết đau rồi, ngủ tiếp đi, đồ nhu nhược!” Ông hỏi:” Có chắc là em đã hết đau không?” Bà đáp thẳng mặt: “ Chắc. Anh im đi cho tôi ngủ, đừng làm tôi bực mình thêm nữa! Anh chẳng có khả năng làm được việc gì hết, kể cả việc xoa bóp cho đàn bà.” Ông thất vọng:”Nhưng...em yêu...” Bà điên tiết:” Không nhưng không nhị gì cả...Đủ rồi. Bây giờ hãy để cho tôi yên...” Và bà quay mặt vào tường.
        Vậy mà một đêm nọ,bất thình lình bà lay mạnh ông, đến nỗi ông hoảng sợ ngồi phắt dậy, nhanh lạ thường. Ông lắp bắp:” Cái gì?...Có chuyện gì vậy?...” Bà nắm lấy tay ông, véo thật đau,và thì thầm vào tai ông:”Em nghe có tiếng động dưới nhà.”
Đã thường quen với những kiểu báo động như thế nầy của bà Lerebour nên ông không mấy lo lắng mà bình tĩnh hỏi: “Tiếng động nào, em yêu?” Bà run lập cập, hốt hoảng đáp: “ Tiếng động...thì tiếng động...tiếng chân...có ai...” Ông tỏ vẻ hoài nghi: “Có ai? Em tưởng có ai à, không đâu, chắc em lầm rồi. Em nghĩ là ai chứ?” Bà run rẩy: “Ai?...ai?... Thì ăn trộm chứ ai nữa, đồ ngốc!” Ông lẳng lặng chui vào mền,: “ Không mà, chẳng có ai đâu, em à, chắc em nằm chiêm bao đó.” Tức thì bà tung mền ra, nhảy khỏi giường, nổi cáu: “ Anh quả là vừa hèn nhát, vừa kém cỏi! Dù sao đi nữa tôi cũng không để mình phải bị giết vì sự nhát gan của anh đâu.” Cầm cái kẹp than củi ở lò sưởi, bà đứng thẳng người trước cánh cửa đã cài then trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
          Cảm động trước tấm gương dũng cảm đó, hổ thẹn thì đúng hơn, đến lượt ông nhăn nhó đứng dậy và, vẫn không rời chiếc mũ bông trùm đầu, ông cầm cái xẻng đến đứng đối diện với vợ mình.
         Họ chờ trong hai mươi phút, giữa sự im lặng hoàn toàn. Chẳng có thêm tiếng động nào quấy rối giấc ngủ của căn nhà. Thế rồi bà giận dữ quay về giường ngủ và nói: “ Dẫu sao tôi vẫn tin chắc rằng đã có ai đó.” Để tránh gây gổ, suốt ngày hôm đó ông chẳng hề đá động đến bất cứ chuyện gì có thể gợi đến cơn hoảng sợ  vừa qua của bà .
         Nhưng đến hôm sau, bà Lerebour đánh thức chồng dậy còn mạnh hơn đêm trước nữa. Bà vừa thở hổn hển vừa lắp bắp:
-         " Gustave, Gustave, có người vừa mở cổng vườn.”
Ngạc nhiên trước sự khăng khăng của vợ, ông ngỡ là bà mắc chứng mộng du và ông đang cố lay cho bà tỉnh cơn mê nguy hiểm đó thì dường như  ông có nghe một tiếng động nhỏ thật, ở phía những bức tường. Ông đứng dậy, chạy lại cửa sổ và ông nhìn thấy, vâng, ông nhìn thấy một bóng trắng lướt nhanh qua đường. Ông thì thầm :” Có người!”
       Rồi ông lấy lại bình tĩnh, tự trấn an mình, và đột nhiên bừng lên cơn giận của một người chủ đất bị lấn hàng rào. Ông tuyên bố: “Đợi đó, đợi đó rồi ngươi sẽ thấy!”

       Ông lao vào tủ bàn giấy, mở ngăn kéo lấy khẩu súng lục ra và chạy nhanh xuống cầu thang. Vợ ông cuống cuồng vừa chạy theo vừa la: “Gustave, Gustave, đừng bỏ em, đừng bỏ em một mình, Gustave, Gustave!”Nhưng ông chẳng nghe thấy gì cả, ông đã đến cổng vườn.
     Bà bèn chạy thật nhanh lên núp trong phòng của hai vợ chồng họ.
    Bà chờ trong năm phút, mười phút, mười lăm phút. Một nỗi sợ khủng khiếp đang xâm chiếm bà. Nhất định là chúng đã bắt trói, bóp cổ, giết chết ông ấy rồi. Bà mong được nghe sáu tiếng súng nổ để biết rằng ông ấy đã chiến đấu, đã tự vệ. Nhưng hoàn toàn yên lặng. Sự yên lặng đáng sợ của căn nhà đã khiến bà hoảng loạn.
    Bà bấm chuông gọi Céleste. Céleste không tới, cũng không trả lời. Bà gọi tiếp, cảm thấy suy sụp, muốn xỉu. Cả căn nhà vẫn hoàn toàn câm lặng.
    Bà áp cái trán nóng bỏng vào cửa kính, cố nhìn xuyên qua màn đêm  bên ngoài. Bà chẳng thấy gì cả ngoài bóng đen của những lùm cây bên cạnh những vệt xám của những lối đi.
       Đồng hồ điểm nửa giờ khuya. Chồng bà đã vắng mặt bốn mươi lăm phút rồi. Chắc bà chẳng còn gặp lại ông ấy nữa. Không! Chắc chắn là bà sẽ không còn gặp lại ông ấy nữa! Bà khuỵu gối, thổn thức.
       Hai tiếng gõ nhẹ vào cửa phòng khiến bà nhảy thót lên. Ông Lerebour gọi bà:
-          “Mở cửa đi, Palmyre, anh đây!”. Bà lao đến, mở cửa và đứng trước mặt ông, tay chống nạnh, mắt còn đẫm lệ: “Anh ở đâu về thế, đồ ác nhân ác đức! A! Anh bỏ tôi một mình sợ muốn chết như vậy đó hả, a! Anh không còn lo cho tôi nữa, làm như tôi chẳng còn sống không bằng!...” Ông đóng cửa lại, và ông cười, ông cười như điên, cái miệng cười làm hai gò má chè ra, hai tay ông ôm bụng, đôi mắt đầm đề.
Bà Lerebour sửng sốt, im bặt.
Ông nói cà lăm cà cặp: “Kẻ đó là...là... Céleste, cô ta có hẹn trong nhà kính...Nếu em biết anh đã...anh đã...anh đã thấy gì...” Bà bỗng tái xanh mặt, khó thở vì phẫn nộ.”Hả?...Anh nói gì?...Céleste? ...tại nhà tôi?...trong nhà...của...của tôi...trong nhà kính của tôi? Vậy mà anh không giết thằng đàn ông, đứa đồng lõa? Anh có súng mà anh không giết... Tại nhà tôi...tại nhà tôi...” Bà ngồi xuống, không nói được nữa.
       Ông nhảy tréo chân, búng ngón tay, đánh lưỡi tách tách và luôn miệng cười: “Nếu mà em biết được...Phải chi em biết được...” Bất thình lình ông ôm hôn bà. Bà đẩy ông ra Giọng bà đứt quãng vì giận: “Tôi không muốn con bé kia ở lại trong nhà một ngày nào nữa, anh hiểu không? Một ngày,không, một giờ cũng không! Khi nó trở vào, mình sẽ đuổi nó.”


Ông Lerebour bế bà lên và đặt lên cổ bà những chiếc hôn thẳng hàng kêu chùn chụt như ngày trước. Bà lại im tiếng, đờ người ra vì ngạc nhiên, Nhưng ông đã ôm chặt bà và kéo bà đến giường...
       Khoảng chin giờ rưỡi sáng Céleste ngạc nhiên vì chưa thấy ông bà chủ dậy, xưa nay họ vẫn luôn thức dậy rất đúng giờ cơ mà. Cô bèn đến gõ nhẹ vào cánh cửa
       Họ vẫn còn nằm bên nhau, chuyện trò vui vẻ. Cô đứng sững, rồi nói: “Thưa bà, cà-phê sữa đây ạ.” Bà Lerebour nói bằng một giọng rất dịu dàng: “Con đem tới đây, con gái! Chúng tôi hơi mệt, đêm qua mất ngủ.”
      Cô giúp việc vừa ra khỏi phòng là ông Lerebour phá lên cười, vừa mơn trớn vợ vừa lập đi lập lại:” Phải chi em biết được! Ôi,phải chi em biết được!” Bà cầm lấy tay ông: “Kìa, yên nào, anh. Nếu anh cứ cười mãi như thế thì anh sẽ tự làm mình đau đó.” Và bà hôn lên mắt ông.
      Bà Lerebour không còn tính gay gắt nữa. Thỉnh thoảng vào những đêm trăng, hai vợ chồng rón rén bước dọc theo những lùm cây và những bồn hoa, đến tận cái nhà kính nhỏ sau vườn. Họ dừng lại đó cạnh nhau, thu mình sát mặt kính như thể đang hào hứng nhìn một sự lạ gì đó ở bên trong.
      Họ đã tăng tiền công cho Céleste.
      Ông Lerebour đã gầy đi.

Chú thích:
(1)   Nantes: tỉnh lỵ của tỉnh Loire-Atlantique, thuộc vùng hành chánh Pays de la Loire của nước Pháp.
(2)   Rouen: tỉnh lỵ của tỉnh Seine-Maritime thuộc vùng hành chánh Haute-Normandie, nước Pháp.


THÂN TRỌNG THỦY
dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “La Serre”
của GUY DE MAUPASSANT
  


mercredi 4 juillet 2012

ROSALIE PRUDENT



                       
                        Trong vụ án nầy quả có một điều bí ẩn mà từ bồi thẩm đoàn, ông chánh án, cho đến công tố viên đều không sao hiểu nổi.
                 Cô Rosalie Prudent, đầy tớ của vợ chồng ông Varambot ở quận Mantes (1), bỗng dưng có chửa mà ông bà chủ không hề hay biết. Cô Prudent đã sinh nở vào ban đêm, trên  gác thượng, rồi giết đứa bé và chôn sau vườn

                  Những vụ giết con mà thủ phạm là các tớ gái là chuyện thường xẩy ra. Nhưng có một chi tiết không giải thích được. Khi khám xét căn buồng của cô Prudent, người ta phát hiện một lô quần áo trẻ sơ sinh mà cô đã thức đêm để cắt may trong suốt ba tháng trời. Đến làm chứng có ông chủ tiệm tạp hóa mà cô Prudent đã dùng tiền lương của mình mua đèn cầy để dùng trong công việc rất dài ngày đó. Ngoài ra còn phải kể đến bà đỡ trong vùng. Được cô Prudent cho biết hoàn cảnh của cô, bà đã hướng dẫn đủ mọi điều cho cô và căn dặn những việc cô cần làm lỡ sau nầy lúc xẩy ra sự việc không có ai giúp. Bà đỡ còn tìm cho cô một chỗ làm ở Poissy nữa (2).Prudent biết trước cô sẽ bị đuổi việc, vì xưa nay vợ chồng Varambot không hề đùa cợt với đạo đức bao giờ. 
                        Họ có mặt ở đó để dự phiên tòa. Cả chồng và vợ đều sống nhờ chút ít lợi tức trong tỉnh. Họ lộ vẻ phẫn nộ “con điếm kia” đã làm dơ dáy nhà họ. Có vẻ như  họ muốn thấy cô ta bị xử chém ngay lập tức, không cần xét xử..Họ tố cô dồn dập bằng những lời khai đầy ác ý, những lời khai thốt ra từ miệng họ đã trở thành những lời buộc tội .
                       Tội nhân là một cô gái cao lớn xinh đẹp ở vùng Basse- Normandie. Cô ý thức được tình trạng của mình nên chỉ khóc suốt chứ không chịu trả lời lấy một tiếng. Tuy nhiên vì mọi chứng cớ đều chứng tỏ  rằng cô gái đã có ý muốn giữ đứa bé để nuôi cho nên tòa đành tin rằng cô đã phạm tội ác dã man đó trong môt lúc tuyệt vọng và điên cuồng.
                        Ông chánh án cố gắng một lần nữa để làm cho cô mở miệng nhận tội.Và sau khi lấy giọng ngọt ngào thúc giục cô, ông đã khiến cô cuối cùng cũng hiểu ra rằng những người họp ở đây để xét xử cô không hề muốn cô phải chết, trái lại có thể họ còn  thương hại cô là đằng khác.
                        Vì thế cô quyết định nói.
             Ông chánh án hỏi: “Nào, trước hết hãy cho chúng tôi biết cha đứa bé là ai?”

     Đó là điều mà từ đầu cho đến lúc nầy cô vẫn khăng khăng giấu kín. Nhưng bỗng nhiên cô vừa trả lời vừa nhìn ông bà chủ, là những người vừa mới vu cáo cô một cách ác độc:
-           “Là ông Joseph, cháu ông Varambot.”
Hai vợ chồng giật nẩy mình, cùng la lớn:” Không đúng! Nó nói láo! Bỉ ổi quá!”
Ông chánh án yêu cầu họ im lặng rồi nói: “Cô vui lòng nói tiếp. Cho chúng tôi biết chuyện xẩy ra thế nào

              Thế là đột nhiên cô nói một hơi một mạch như để  cho khuây khỏa con tim khép kín, con tim cô đơn và tan nát khốn khổ của cô, để làm vơi đi tất cả mọi buồn phiền của cô trước những kẻ nghiêm khắc đó, những người mà cho đến lúc nầy đây cô xem như kẻ thù và những quan tòa cứng rắn, không làm xiêu lòng được.
                        - Phải, chính là ông Joseph Varambot , khi ông ấy đến nghỉ phép năm ngoái.          
                        - Ông Joseph Varambot ấy làm nghề gì?
                        - Thưa ông, ông ấy là hạ sĩ quan pháo binh. Ông ấy ở lại trong nhà hai tháng. Hai tháng hè. Cháu chẳng  nghĩ gì cả khi ông ấy bắt đầu nhìn cháu, rồi tán tỉnh cháu, rồi mơn trớn cháu suốt ngày. Thưa ông, cháu cứ để mặc…Ông ấy cứ nhắc đi nhắc lại rằng cháu là một cô gái đẹp, cháu vui tính, cháu hợp với ông ấy. Còn cháu thì chắc chắn là cháu đã thích ông ta. Cháu có thể làm gì chứ? Cháu đang cô đơn, rất cô đơn, mà nghe nói thế… Thưa ông, cháu một thân một mình trên cõi đời nầy, không có ai để trò chuyện, không ai để trao gởi những nỗi buồn phiền. Cháu không còn cha, không còn mẹ, không có anh, không có chị, không có em, không có ai cả. Khi ông ấy trò chuyện với cháu thì cháu chỉ xem ông ấy như một người anh mới về mà thôi. Thế rồi một buổi tối ông ấy rủ cháu xuống bờ sông nói chuyện để khỏi làm ồn người khác. Cháu đã đến đó…. Cháu chẳng biết tại sao nữa! Cháu chẳng biết chuyện gì sau đó…Ông ta đã ôm cháu…Quả thật là cháu đã không muốn… không…không…cháu không thể… cháu muốn khóc…không khí thì mát dịu… trời sáng trăng… Cháu không thể…không…cháu xin thề…cháu không thể…Ông ấy đã làm những gì ông ấy muốn… Chuyện đó còn kéo dài ba tuần lễ nữa khi ông ấy còn ở lại trong nhà…Lẽ ra cháu đã theo ông ấy đến tận cùng thế giới….Ông ấy đi rồi…mà cháu thì không hề biết mình đã mang thai… Một tháng sau cháu mới biết.
              Cô ta bật khóc lớn đến nỗi tòa phải dành thời gian cho cô bình tĩnh lại.
              Rồi ông chánh án tiếp tục nói bằng cái giọng của linh mục nói trong phòng xưng tội: “Nào, nói tiếp đi!”
             
                    Cô gái nói tiếp: “Khi cháu biết cháu có thai, cháu liền báo cho bà đỡ Boudin biết.  Bà ấy đang có mặt ở đây để làm chứng. Và cháu đã hỏi bà ấy phải làm sao trong trường hợp xảy ra chuyện mà không có bà . Sau đó, đêm đêm cháu thức may đồ em bé cho đến một giờ sáng, rồi cháu tìm sẵn một chỗ làm khác vì cháu biết trước thế nào cháu cũng bị chủ đuổi việc. Tuy vậy cháu muốn nấn ná lại trong nhà cho đến giờ phút chót để tiết kiệm tiền, vì cháu chẳng có là bao, với lại còn cần tiền để chi dùng cho đứa bé nữa…
-          Vậy nghĩa là cô đã không muốn giết nó?
-          Ồ, thưa ông chánh án, chắc chắn là không.
-          Thế tại sao cô lại giết nó?
-             Chuyện là thế nầy. Chuyện ấy đến sớm hơn cháu tưởng. xảy ra trong nhà bếp khi cháu vừa rửa chén xong. Ông bà Varambot đã ngủ. Cháu níu tay vịn cầu thang để lết lên gác một cách khó nhọc. Rồi cháu nằm ngay xuống nền gạch, để khỏi làm dơ giường.Việc đó kéo dài chừng một giờ, hai giờ hay ba giờ cháu không biết nữa. Cháu đau lắm, và rồi cháu lấy hết sức để rặn, cháu cảm thấy nó lọt ra và cháu nhặt nó lên.
-             Ồ, phải rồi, cháu đã hài lòng, chắc chắn vậy Cháu đã làm tất cả những gì bà đỡ Boudin dặn, tất cả mọi chuyện! Rồi cháu đặt nó xuống giường, là đứa bé ấy. Nhưng rồi một cơn đau nữa lại đến, lần nầy đau muốn chết đi được. Nếu quí vị đây biết việc đó có nghĩa là gì thì chắc hẳn quí vị đã không xem vụ nầy lớn vậy. Cháu khuỵu gối rồi té ngửa xuống đất và chuyện ấy lại tiếp tục chừng một giờ hay hai giờ nữa, cháu nằm đó môt mình…và rồi lọt ra một đứa khác, một đứa bé nữa…hai…vâng,…hai đứa…. thế đấy! Cháu bế nó lên như đứa trước và đặt nó lên giường, bên cạnh nhau…hai đứa…. Được không?, nói đi! Hai đứa bé! Mỗi tháng cháu chỉ kiếm được hai mươi quan! Nói đi, được không?...Một đứa thì còn có thể được, phải, nếu nhịn hết mọi thứ…nhưng hai đứa thì không thể! Đầu óc cháu quay cuồng, cháu biết tính sao đây? Cháu có thể chọn lựa không? Nói đi!
Cháu biết làm gì đây? Cháu thấy ngày tàn của cháu đã tới! Cháu để chiếc gối lên trên người chúng mà không biết tại sao. Cháu không thể giữ lại cả hai đứa…Và…cháu nằm lên trên…Rồi cháu vừa lăn qua lăn lại vừa khóc cho đến khi nhìn qua cửa sổ cháu thấy trời sáng. Chúng đã chết ở dưới gối, chắc chắn như vậy.
Thế rồi cháu ôm chúng xuống cầu thang, đi ra vườn rau , lấy cái xẻng của bác làm vườn để chôn chúng, sâu đến mức không thể đào sâu hơn được nữa, một đứa chỗ nầy, một đứa chỗ kia , chứ không chôn chung, để cho chúng không thể nói với nhau về mẹ chúng, nếu như chúng – những đứa bé đã chết – có thể nói được. Điều đó làm sao cháu biết được?
Rồi về nằm trên giường, cháu đau đến nỗi không thể dậy được. Họ mời bác sĩ đến và bác sĩ hiểu hết mọi chuyện… Đó là tất cả sự thật, thưa ông chánh án. Giờ quí ông muốn xử sao tùy ý. Cháu đã sẵn sàng.
Phân nửa quí vị bồi thẩm hỉ mũi liên tục để khỏi khóc. Các bà trong phòng xử đều thổn thức.
Ông chánh án hỏi:                                                                                                    
-          Cô chôn đứa kia ở đâu?
Cô gái hỏi lại:
-          Quí vị đã tìm thấy đứa nào?
-          Thì… đứa …đứa chôn dưới bụi ác-ti-sô.
-          À, thưa…đứa kia chôn dưới mấy cây dâu tây, bên bờ giếng.
Và cô bật khóc nức nở, lớn đến nỗi tiếng rên của cô đã xé cả lòng người.

Cô Rosalie Prudent được tha bổng.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú thích : (1) Mantes: quận lỵ của một trong 4 quân của tỉnh Yvelines
(2) Poissy: tổng-lỵ của một trong 39 tổng của tỉnh Yvelines.  Yvelines (gồm 4 quận, 39 tổng) là một trong 8 tỉnh của vùng Ile- de- France . Thủ phủ của vùng Ile- de- France là Paris  

Thân Trọng Thủy dịch
 từ nguyên bản tiếng Pháp “Rosalie Prudent” của Guy de Maupassant.
(Truyện nầy được đăng lần đầu tiên trên nhật báo Gil Blas , tháng 3 năm 1886)

NGƯỜI MÙ




      

Giới thiệu truyện ngắn “Người mù” của:
Guy de Maupassant
(1850 – 1893)

           Guy de Maupassant (tên đầy đủ là Henri René Albert Guy de Maupassant) là nhà văn Pháp,  tác giả những tiểu thuyết và truyện ngắn có khuynh hướng  hiện thực và tự nhiên ( nhưng cũng có một số truyện có nội dung hư ảo). Ông sinh tại Fe1camp, một thị trấn của vùng hành chánh Haute- Normandie. Thời thơ ấu ông được gần gũi dân quê, tiếp cận với thổ ngữ và những sinh hoạt bình thường ở vùng Normandie nên đã tích lũy được nguồn cảm hứng dồi dào cho các truyện ngắn của ông. Ông được xem là một trong những tác giả viết truyện ngắn hiện đại lỗi lạc nhất.
       Tác phẩm của ông gồm 6 cuốn tiểu thuyết, 3 tập ký sự du lịch, một tuyển tâp thơ và trên dưới 300 truyện kể và truyện ngắn.
       Chịu ảnh hưởng của Flaubert, người thầy và cũng là cha đỡ đầu của ông, nên văn phong của ông luôn thể hiện thái độ khách quan hiện thực, nhận xét tinh tế, miêu tả chi tiết tỉ mỉ, sâu sắc.
      Ông chết bệnh năm 1893 tại một dưỡng trí viện tư nổi tiếng ở Paris, hưởng dương 43 tuổi
   
  Truyện ngắn L’Aveugle đã được đăng tải lần đầu ngày 31 tháng 3 năm 1882 trên tờ  Le Gaulois, nhật báo văn học và chính trị mà Maupassant là cộng tác viên.

NGƯỜI  MÙ
       Ánh nắng đầu tiên trong ngày đem lại niềm vui nào cho ta vậy? Tại sao ánh nắng ấy khi chiếu xuống mặt đất lại làm cho ta tràn trề  vui sống như thế? Bầu trời rất xanh, đồng quê rất xanh, nhà cửa thì toàn màu trắng; và mắt ta hân hoan đón nhận những sắc màu ấy để làm cho tâm hồn ta được tươi tắn. Và ta cảm thấy muốn nhảy múa, muốn chạy, muốn hát; cảm thấy một ý tưởng thật nhẹ nhàng và hạnh phúc đang đến với ta, một thứ cảm giác êm dịu đang lan tỏa...Ta như muốn ôm lấy mặt trời.
      Giữa sự tươi vui mới lạ ấy, những người mù ngồi trước ngưỡng cửa như mọi khi vẫn giữ vẻ yên lặng, bình thản trong bóng tối vĩnh viễn của họ, và, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, họ níu giữ mấy con chó lại vì có vẻ như chúng muốn nhảy nhót.
      Đến cuối ngày đứa em trai hoặc cô em gái sẽ dắt họ về nhà, nếu đứa em nói:” Hôm nay trời đẹp ghê” thì người kia sẽ đáp:” Anh đã biết rõ là hôm nay trời đẹp, bởi vì con Loulou đã không chịu ở yên một chỗ”.
      Tôi biết một người trong bọn họ. Cuộc đời anh ấy là một trong những kiếp sống đọa đầy, khổ ải nhất mà ta có thể tưởng tượng được.
      Anh ấy là một nông dân, con một chủ trang trại người Normandie(1). Lúc cha mẹ anh còn sống thì anh còn được chăm sóc đôi chút, anh không có gì đau khổ ngoài sự khuyết tật khủng khiếp của mình, nhưng ngay sau khi cha mẹ qua đời thì cuộc sống khốn khổ bắt đầu.
     Anh được một người chị thu nhận, nhưng tất cả mọi người trong trang trại đối xử với anh chẳng khác gì với một kẻ ăn xin, ăn nhờ phần cơm của người khác. Mỗi bữa ăn họ đều nói nặng nói nhẹ về phần ăn của anh. Họ gọi anh là đồ ăn không ngồi rồi, đồ cục cằn thô lỗ, và mặc dầu người anh rể đã chiếm đoạt phần gia tài thừa kế của anh, người ta chỉ nuôi ăn anh một cách miễn cưỡng, vừa đủ để cho anh khỏi chết đói mà thôi.
      Mặt anh xanh xao nhợt nhạt, đôi mắt to và trắng như bột mì làm hồ dán. Bị chửi rủa, anh vẫn  thản nhiên, đến nỗi người ta không biết anh có cảm thấy mình bị sỉ nhục hay không nữa.Ngoài ra anh chưa hề biết đến một sự dịu dàng nào cả. Mẹ anh không thương anh, thường bạc đãi anh. Bởi vì ở ngoài đồng những người không hữu dụng đều là những kẻ có hại, và nhà nông họ sẵn sàng làm y như những con gà mẹ loại bỏ những chú gà khuyết tật trong đàn.
      Ngay sau khi ăn xong anh ấy ra ngồi trước cửa nếu là mùa hè, còn mùa đông thì lại ngồi cạnh lò sưởi, và không nhúc nhích động đậy  cho đến tối. Không một cử chỉ, không một động tác; duy chỉ có đôi mi do thần kinh bị tổn thương, căng thẳng nên thỉnh thoảng sụp xuống đôi mắt trắng dã . Anh ấy có trí óc không? Có suy nghĩ không? Có ý thức  rõ về cuộc sống của mình không? Chẳng ai bận tâm về điều đó cả.

      Mọi chuyện cứ diễn ra như thế trong vài năm. Nhưng sự thiếu khả năng làm việc cũng như sự  thản nhiên cam chịu của anh khiến những người bà con của anh bực tức. Thế là anh trở thành  kẻ bị bắt nạt, thành cái đích cho mọi người trêu chọc, thành nạn nhân của tính ác độc bẩm sinh, của những trò đùa dã man cho loại người thô lỗ chung quanh anh.
      Họ nghĩ ra toàn những trò đùa độc địa mà sự mù lòa của anh có thể gợi ý cho họ. Và để anh trả giá những gì anh đã ăn của họ, họ đã biến những bữa ăn của anh thành những giờ phút vui đùa cho những người chung quanh nhưng là những giờ phút khổ ải đối với người khuyết tật .
      Nông dân những nhà lân cận đã đến tham gia trò giải trí nầy; từ nhà nầy qua nhà khác người ta truyền miệng cho nhau, và bếp của trang trại ngày nào cũng chật người. Một lần họ đem một con mèo hay một con chó nào đó để trước dĩa xúp của anh trên bàn khi anh sắp ăn.Nhờ bản năng, con vật đánh hơi được sự khiếm khuyết của anh nên nhẹ nhàng tiến đến liếm hết dĩa xúp một cách nhanh gọn, và khi lưỡi nó khua nước xúp phát ra một tiếng động nhỏ gây sự chú ý của gã nghèo khổ đáng thương thì nó khéo léo dạt ra để tránh cái thìa mà gã đập hú họa xuống phía trước .
       Thế là phát ra tiếng cười, tiếng xô đẩy, tiếng dậm chân của đám khán giả chen chúc dọc theo những bức tường. Và anh ấy thì, chẳng nói chẳng rằng, tiếp tục ăn bằng bàn tay phải, còn bàn tay trái thì đưa ra phía trước để che chắn và bảo vệ cái dĩa.
       Một lần khác họ cho anh ấy nhai nút chai, mảnh gỗ, lá cây hoặc cả rác rến mà anh không hề biết.
      Rồi sau đó họ cũng chán cả những trò đùa nầy; và do tức giận vì cứ phải nuôi anh ấy mãi nên người anh rể đã đánh anh, vừa liên tục tát vào mặt anh, vừa cười nhạo những cố gắng vô ích của anh để chống đỡ hoặc đáp trả. Thế là có thêm trò chơi mới: trò chơi tát tai. Những người cày thuê, đám vô công rồi nghề, bọn tớ gái liên tục vả vào mặt anh khiến mi mắt anh chớp lia lịa. Anh không biết trốn vào đâu, chỉ biết không ngừng đưa hai tay ra để ngăn chận những ai lại gần.
       Cuối cùng người ta ép buộc anh ấy đi ăn xin. Những ngày có phiên chợ họ dẫn anh ấy ra đường và mỗi khi nghe tiếng chân bước gần hoặc tiếng xe chạy qua là anh chìa nón ra, ấp úng:”Xin làm ơn bố thí...”
      Nhưng người nông dân thì không hoang phí và suốt nhiều tuần lễ anh chẳng kiếm được xu nào để đem về.
       Thế là anh bị căm ghét đến tột độ, không  chút thương hại .Và đây là cách anh chết.
       Vào một mùa đông, tuyết phủ kín mặt đất. Trời giá rét khủng khiếp. Vậy mà một buổỉ sáng người anh rể dẫn anh đi ăn xin ở một nơi rất xa trên con đường cái, rồi bỏ mặc anh ở đó một mình suốt ngày. Khi đêm đến ông ta báo cho mọi người biết là không tìm thấy người ăn xin đâu cả. Rồi ông nói thêm :”Chậc! Không cần lo! Chắc có ai dắt nó đi vì thấy nó lạnh . Nó không lạc đường đâu. Mai nó sẽ về ăn thôi.
        Ngày hôm sau anh ấy không về.
        Sau nhiều giờ chờ đợi, quá lạnh và cảm thấy mình sắp chết, anh mù bắt đầu bước đi. Không dò được đường vì đường đã bị tuyết phủ, anh mò mẫm đi bừa, phó mặc cho may rủi. Anh bị  ngã xuống mương, rồi đứng lên, không nói tiếng nào, tiếp tục đi nữa, mong tìm được một cái nhà.
      Nhưng cơ thể anh càng lúc càng bị tê cóng vì tuyết, đôi chân khẳng khiu yếu ớt không còn sức để đưa anh đi tiếp được . Anh ngồi xuống giữa một cánh đồng. Anh không đứng dậy được nữa.
      Những nụ tuyết trắng vẫn không ngừng rơi xuống, phủ lấy người anh. Thân thể tê cứng của anh biến mất dưới lớp tuyết mỗi lúc một dày thêm, và chẳng còn gì nữa để đánh dấu nơi cái thây người mù nằm.
      Mấy người bà con của anh làm ra vẻ hỏi thăm tin tức và kiếm tìm anh trong tám ngày.Thậm chí họ còn khóc nữa.
      Mùa đông thật khắc nghiệt và tuyết chẳng tan nhanh. Thế rồi một ngày chủ nhật khi đi lễ nhà thờ, mấy nông dân chú ý đến một bầy quạ rất đông cứ lượn đi lượn về bên trên cánh đồng rồi  sà xuống như một cơn mưa màu đen đổ sụp xuống một chỗ, chúng cứ bay lên rồi lại sà xuống mãi.
       Tuần lễ kế tiếp bầy quạ đen vẫn còn đó. Bầy quạ như một đám mây đen che phủ cả bầu trời, như thể chúng từ khắp chân trời tụ lại.Chúng vừa kêu inh ỏi vừa đáp xuống mặt tuyết sáng loáng, chúng vấy bẩn chỗ đó một cách khác thường, rồi chúng bới, chúng rỉa mãi.
       Một chàng trai trẻ đến gấn để xem bọn quạ làm gì và phát hiện thi thể người mù, đã bị xé tơi tả một nửa. Cặp mắt nhợt nhạt đã mất vì bị những cái mỏ dài háu ăn mổ,rỉa.
      Và tôi chẳng bao giờ còn có thể cảm thấy sự tươi vui rực rỡ của những ngày nắng mà không khỏi nhớ đến một kỷ niệm buốn và một ý nghĩ sầu muộn về một kẻ nghèo khổ, bị cuộc đời ruồng bỏ, đến nỗi cái chết khủng khiếp của người ấy lại là một sự thanh thản cho tất cả những ai quen biết anh ta.


(1) Normandie(=đất của người phương bắc) : Một tỉnh cũ ở Tây Bắc nước Pháp. Bây giờ là một vùng địa lý văn hóa gồm 3 đơn vị hành chánh là :Haute-Normandie,  Basse-Normandie và Duché de Normandie (đất của công tước Normandie).

THÂN TRỌNG THỦY
dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “L’aveugle” 
của  Guy de Maupassant


jeudi 24 mai 2012

LÚC NÀO MỚI LÀ GIÀ ?




Tôi vẫn nhớ hồi mới vừa lên sáu,
Cứ nghĩ rằng mười tuổi đã là già.
Vậy mà đến lúc tuổi đời chẵn chục
Lại ngỡ mười lăm tuổi hạc mới qua.
Rồi sau đó, lớn thêm năm tuổi nữa,
Tuổi già hăm mốt, tôi nghĩ còn xa.

Chẳng bao lâu tôi cũng tròn hăm mốt,
Thôi đúng rồi, già chắc phải ba mươi !
Năm ba mươi, thật là chuyện nực cười,
Tôi tự nhủ : Già phải sang bốn chục  !

Vào trạc tứ tuần, vẫn còn linh hoạt,
“Vậy thì chắc phải đến tuổi năm mươi.”
Lúc đã đến tuổi tri thiên mệnh rồi,
“Mình còn trẻ khi nào chưa sáu chục.”

Và giờ đây, cổ lai hy thất thập,
Lại thấy mình trẻ như lên bảy thôi.
Chỉ có điều tóc đã muối tiêu rồi,
Và chân bước, lưng hơi còng một chút.
Lũ trẻ theo sau chừng như sốt ruột,
Cứ giục hoài :“ Hãy nhanh bước, ông ơi !”

Dẫu sao đến giờ này tôi vẫn trẻ
Như cái thời tưởng mười tuổi đã già.
Với thời gian giờ đã thấy khôn ra
Và cũng không còn hão huyền, ảo tưởng.
Mặc cho tuổi đời ngày càng chồng chất
Tôi vẫn mong được biết điều này :
Đến lúc nào mới thật là già đây ?


                                              Bản tiếng Pháp từ Internet
                                                  THÂN TRỌNG SƠN chuyển ngữ




                                    QUAND EST-CE QU’ON DEVIENT VIEUX ?

                                     A six ans, je pensais, je m'en souviens très  bien,
                                    Que tous étaient vieux sitôt les dix ans atteints;
                                     Mais lorsque furent mes dix ans bien sonnés,
                                     C'est  à quinze ans que je voyais la maturité ;
                                    Puis, longtemps après , lorsque j'attrapai mes quinze ans,
                                    Je croyais qu'on est vieux à 21 ans seulement...

                                    Mais lorsque je fus bientôt arrivé à cet âge ,
                                     J'opinais qu' à 30 ans on doit devenir sage;
                                    Puis, une fois rendu  à 30 ans, c'est curieux,
                                    Je disais: "C'est à  40 ans qu'on devient vieux."

                                     Mais la quarantaine vint et, tout fringant;
                                    "Alors, me dis-je, ça doit être à  50 ans ?"
                                     Puis arrivé à cet âge , je résolus
                                    Qu'on est jeune jusqu’à 60 ans révolu.

                                     Mais voici que j'en ai 70 des ans,
                                     Et me trouve aussi jeune qu’à sept quasiment,
                                    Bien suâûr, mes cheveux sont un tantinet gris,
                                    Et je marche un peu courbé aussi;
                                    Il est vrai que mes garnements, suivant mes pas,
                                    Me disent parfois: "Dépêche-toi, grand-papa !"

                                     Malgré tout, je suis aussi jeune maintenant,
                                    Qu'aux jours où je croyais les gens vieux à dix ans.
                                    Un peu assagi, peut-être  par les années,
                                    Et peut- être quelques illusions envolées ,
                                    Malgré le poids des ans, dis-moi, ô mon Dieu

                                    Quand est-ce donc qu'on devient vraiment vieux ?...


                                                                    Source: Anonyme.
                                                                    www.lespasseurs.com