mercredi 9 septembre 2009

PHÓ BẢNG THÂN TRỌNG NGẬT




PHÓ BẢNG THÂN TRỌNG NGẬT

( 1877 – 1946 )

Phan Thuận An*



Là con của Tri phủ Thân Trọng Trữ, Thân Trọng Ngật (1877 - 1946) đỗ Cử nhân năm 1903 dưới thời Thành Thái tại trường thi Thừa Thiên, rồi năm sau (1904), thi đỗ Phó bảng trong khoa thi Hội, lúc 28 tuổi.

Ông làm quan suốt 28 năm, từ 1905 đến 1933 thì về hưu. Hoạn lộ của ông đại khái như sau:


- Năm 1905, được bổ dụng làm Thừa phái ở Bộ Công.

- Từ năm 1909 đến năm 1919, làm Tri huyện rồi Tri phủ ở Thanh Hóa, Khánh Hòa và Quảng Bình.

- Năm 1919 - 1924, về Huế giữ chức Chưởng ấn Ngự sử ở Viện Đô Sát.

- Từ năm 1924 - 1928, ra làm Án Sát ở Quảng Trị, rồi Thanh Hóa.

- Từ năm 1828 đến năm 1832, vào giữ chức Bố chánh Quảng Nam, ra làm Bố chánh Hà Tĩnh, rồi trở lại Bố chánh Quảng Nam.

- Năm 1932, về Huế giữ chức Thự Tham tri ở Bộ Hình, qua năm sau thì về hưu với hàm Tham tri thực thụ.

Về tư liệu liên quan đến phó bảng Thân Trọng Ngật , tôi xin cung cáp một tư liệu chữ Hán và một tư liệu chữ Pháp, trong đó có in tấm ảnh chụp chân dung bán thân của ông.


2. 1. Đoạn văn chữ Hán viết về Phó bảng Thân Trọng Ngật trong “Quốc triều khoa bảng lục” [1]:


“Thân Trọng Ngật: Thừa Thiên, Phong Điền, An Lỗ. Cử nhân Nhiếp chi tôn, Cảnh chi đệ, Thoan chi điệt, Bính chi thúc. Đinh Sửu, nhị thập bát. Quý Mão Cử nhân. Hiện Hoằng Hóa Tri huyện”.


(Thân Trọng Ngật: người làng An Lỗ, huyện Phong Điền, phủ Thừa Thiên. Là cháu nội của Cử nhân Nhiếp, em của Cử nhân Cảnh, cháu của Cử nhân Thoan, chú của Cử nhân Bính. Sinh năm Đinh sửu 1877, đỗ năm 28 tuổi. Nguyên đỗ Cử nhân năm Quí Mão 1903. Hiện làm Tri huyện Hoằng Hóa [2]).


2. 2. Đoạn văn chữ Pháp viết về Thân Trọng Ngật trong quyển “Souverains et Notabilités d’Indochine” do phủ Toàn quyền Đông Dương xuất bản vào năm 1943 tại Hà Nội. Rất đáng tiếc là trong đoạn tiểu sử này, chữ Thân đã bị in nhầm thành chữ Trần và có một số lỗi ‘morasse” khác. Tôi xin mạo muội hiệu chính như sau:


“M.Thân Trọng Ngật, né en 1877 à An Lỗ (Thừa Thiên, An Nam).

Fils de feu M. Thân Trọng Trữ, ancien Tri phủ.

Reçu Cử nhân en 1903, Phó bảng en 1904.

Nommé Thừa phái au Ministère des Travaux Publics en 1905.

Tri huyện de Hoằng Hóa en 1909.

Tri phủ de Ninh Hòa en 1915.

Tri phủ de Vĩnh Linh en 1917.

Ngự sử au Conseil de Censure en 1919.

Án sát de Quảng Trị en 1924.

Án sát de Thanh Hóa en 1926.

Bố chánh de Quảng Nam 1928.

Bố chánh de Hà Tĩnh en 1929 puis Bố chánh de Quảng Nam en 1930.

Tham tri au Ministère de Justice en 1932.

Admis à la retraite avec le grade de Tham tri titulaire en 1933.

promu Ministre honoraire en retraite (1934).

Officier du Dragon d’Annam (1932).

Grand Officier du Mérite Agricole (1937)” [3].


(Ông Thân Trọng Ngật sinh năm 1877 tại làng An Lỗ, phủ Thừa Thiên, Trung Ky).

Con trai thừa tự của cựu Tri phủ Thân Trọng Trữ.

Thi đỗ Cử nhân năm 1903, Phó bảng năm 1904.

Được bổ dụng làm Thừa phái ở Bộ Công năm 1905.

Tri huyện huyện Hoằng Hóa năm 1909.

Tri phủ phủ Ninh Hòa năm 1915.

Tri phủ phủ Vĩnh Linh năm 1917.

Ngự sử ở Viện Đô Sát năm 1919.

Án sát tỉnh Quảng Trị năm 1924.

Án sát tỉnh Thanh hóa năm 1926.

Bố chánh tỉnh Quảng Nam năm 1928.

Bố chánh tỉnh Hà Tĩnh năm 1929 rồi Bố chánh tỉnh Quảng Nam năm 1930.

Tham tri ở Bộ hình năm 1932.

Được về hưu với hàm Tham tri thực thụ năm 1933.

Được tặng quan hàm danh dự Thượng thư Trí sự (1934).

Nhận huân chương Long bội tinh (1932).

Huân chương Đại hạng Nông nghiệp Bội tinh (1937).


Nhìn chung, trên đây chỉ là một ít tư liệu về hai nhà khoa bảng đỗ đạt cao nhất của Thân tộc dưới triều Nguyễn và một số nét về hoạn lộ của họ. Ngoài ra, sử sách cho biết họ Thân còn có 9 vị khác thi đỗ Cử nhân và ra làm quan từ thời Gia Long đến thời Bảo Đại. Cho nên, trong những sách viết về khoa cử triều Nguyễn, các tác giả cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần những cụm từ “Nhiều đời thi đậu”, “Anh em cùng thi đậu”, “Cha con anh em cùng thi đậu”, khi viết về sự đỗ đạt của những ông nghè, ông cống họ Thân. Đó là chưa kể đến nhiều thành viên khác nữa thuộc Thân tộc đã từng ở chốn quan trường dưới triều đại ấy. Điều này chứng tỏ câu truyền ngôn “Nhất Thân nhì Hà...” có lý của nó.


Huế,tháng 9/2004


[1] Cao Xuân Dục, Quốc triều khoa bảng lục, quyển 4, tờ 9b, bản viết tay, nguyên được lưu trữ tại Trường Viễn Đông Bác Cổ, Hà Nội.

[2] Tham khảo thêm: Quốc triều Đăng khoa lục, bản dịch của Lê Mạnh Liêu, Sđd, tr244.

Huyện Hoằng Hóa thuộc tỉnh Thanh Hóa. Phó bảng Thân Trọng Ngật làm Tri huyện Hoằng Hóa từ năm 1809 - 1815.

[3] Souverains et Notabilités d’ Indochine, Editions du Gouvernement Général de l’Indochine, Nhà in Viễn Đông Bác Cổ (I.D.E.O), Hà Nội, 1943, tr58.



GHI CHÚ 1 :
Bài này của tác giả PHAN THUẬN AN. Trong đoạn trích tư liệu tiếng Pháp, tác giả đã dịch : " Fils du feu M. Thân Trọng Trữ, ancien tri Phủ " là " Con trai thừa tự của Cựu Tri phủ Thân Trọng Trữ". Thật ra, "feu" có nghĩa là "quá cố". Vậy xin hiểu là : Con trai của Cựu Tri phủ Thân Trọng Trữ - đã quá cố.
( THÂN TRỌNG SƠN).


GHI CHÚ 2 :
Thông tin thêm :

Các kỳ thi ở triều Nguyễn :

Thi Hương


Thi Hương là khoa thi được tổ chức cho sĩ tử ở một khu vực trong nước, có thể là một trấn hoặc tỉnh trực thuộc trung ương, có thể là một số trấn, tỉnh gần nhau.

Trong đời Lê mỗi khoa thi Hương có 4 kỳ ( xưa gọi là 4 trường) kéo dài khoảng 1 tháng, nội dung thi cơ bản như sau:

-Kì 1 : bài thi gồm 5 đề về tứ thư, ngũ kinh
-Kì 2: bài thi hỏi về chiếu, chế, biểu. Mỗi loại một bài viết theo lối cổ thể. Ngày xưa gọi là thể văn tứ lục,hay là văn biền ngẫu.Văn xuôi có hai vế, vế 6 tiếng, vế 4 tiếng đối nhau.
-Kì 3: làm một bài thơ và một bài phú. Thơ làm thể Đường luật, thất ngôn bát cú; phú cũng làm theo cổ thể( còn gọi là Tao uyển) qui định từ 300 tiếng trở lên.
-Kì 4: làm một bài văn gọi là văn sách, đề tài rút ra từ các kinh sử, tử, tập hỏi về thế vụ (ý thức về việc giúp nước, cứu đời) đòi hỏi phải viết được 1000 tiếng trở lên.

Trong đời Nguyễn lúc đầu nội dung thi cũng giống đời Lê. Năm 1834 vua Minh Mạng đã cải tiến cho thi 3 kỳ cho đỡ nặng nề, bỏ không thi chế, chiếu, biểu. Năm 1850 thấy nội dung 3 kỳ thi quá sơ sài, vua Tự Đức lại cho thi 4 kỳ, nội dung như sau: Kỳ I thi kinh nghĩa, thư nghĩa; Kỳ II thi văn sách; Kỳ III thi chiếu, chế, biểu; Kỳ IV thi thơ phú. Nhà vua thi sĩ coi trọng thơ phú đã để thi cuối cùng chăng?

Thi xong kỳ nào chấm bài kỳ ấy, ai đỗ vào thi tiếp kỳ sau, ai trượt thì có thể về.

Thi đỗ kỳ III, vào kỳ IV không đỗ thì được nhận học vị Sinh đồ, đỗ cả 4 kỳ được nhận học vị Hương cống . Đỗ Hương cống sẽ được dự kỳ thi Hội, sinh đồ thì không. .

Hương cống và sinh đồ là tên gọi do vua Lê Thánh Tông đặt năm 1466. Đến năm 1829 vua Minh Mạng mới đổi gọi Hương cống, sinh đồ là cử nhân, tú tài. Người nào đỗ tú tài hai khoa thì gọi là tú kép, ba khoa thì gọi là tú mền gọi tắt là ông mền, bốn khoa thì gọi là tú đụp gọi tắt là ông đụp.

Số hương cống hoặc cử nhân mỗi trường thi được lấy đỗ từng khoa do triều đình quy định căn cứ vào phong trào học tập chung của khu vực, của số sĩ tử dự thi. Trong đời Lê, cứ lấy đỗ một hương cống được lấy đỗ 9 hoặc 10 sinh đồ. Trong đời Nguyễn, cứ lấy đỗ một cử nhân được lấy đỗ 2 tú tài (sau cho thêm 1 là 3).

Thi Hội

Thi hội là kì thi quốc gia dành cho những người đã kinh qua thi hương và đã có bằng cử nhân và các giám sinh đã mãn khóa ở Quốc tử giám. Sau khi thí sinh đỗ kỳ thi Hương thì năm sau mới được dự thi kỳ thi Hội. Khoa thi này được gọi là "Hội thi cử nhân" hoặc "Hội thi cống sĩ" (các cử nhân, cống sĩ, tức là người đã đỗ thi Hương ở các địa phương, tụ hội lại ở kinh đô để thi) do đó gọi là thi Hội.

Theo quy định từ năm 1434, thi Hội tương tự như thi Hương cũng có 4 kỳ.
• Kỳ I: kinh nghĩa, thư nghĩa;
• Kỳ II: chiếu, chế, biểu;
• Kỳ III: thơ phú;
• Kỳ IV: văn sách.
Trước năm 1442 thí sinh đỗ cả 4 kỳ được công nhận là trúng cách thi Hội, nhưng không có học vị gì. Nếu không tiếp tục thi Đình thì vẫn chỉ có học vị hương cống hoặc cử nhân. Chỉ sau khi thi Đình, người trúng cách thi Hội mới được xếp loại đỗ và mới được công nhận là có học vị các loại tiến sĩ.

Từ năm 1442 thí sinh đỗ thi Hội mới có học vị Tiến sĩ (tức Thái học sinh - tên dân gian là ông Nghè). Người đỗ đầu gọi là Hội Nguyên.

Thái học sinh xuất hiện từ khoa thi Nhâm Thìn (1232) đời Trần Thái Tông cho đến khoa thi Canh Thìn(1400) đời Hồ Quý Li.

Tiến sĩ bắt đầu có từ khoa thi Nhâm Tuất(1442) dời Lê Thái Tông cho tới khoa thi kết thúc lịch sử khoa cử Nho giáo ở nước ta vào năm Kỉ Mùi( 1919) đời Khải Định.

Tiến sĩ chia làm 6 bậc:

1.Trạng nguyên ( đỗ đầu )
2.Bảng nhãn.
ỗ hạng hai )
3. Thám Hoa
. (đỗ hạng ba )

=>Thuộc đệ nhất giáp người đời mệnh danh là tam khôi, có thời gọi là tiến sĩ cập đệ.

4.Hoàng giáp thuộc đệ nhị giáp (chính bảng), cũng có thời gọi là tiến sĩ xuất thân.
5. Tiến sĩ thuộc đệ tam giáp, gọi là đồng tiến sĩ xuất thân.
6. Phó bảng là sản phẩm khoa cử thời Nguyễn bắt đầu xuất hiện từ khoa thi Kỉ Sửu (1829) đời Minh Mạng.

Học vị này có từ năm 1829 khi vua Minh Mạng chủ trương lấy thêm học vị phó bảng "để bổ dụng trước cho được phân biệt với cử nhân, giám sinh không cập cách" (trích Đại Nam thực lục). Từ năm này các thí sinh đỗ thi Hội được chia làm hai bảng theo số điểm bài thi: chánh bảng và phó bảng. Chánh bảng là đỗ chính thức, phó bảng là bảng phụ, lấy đỗ thêm.

Chính bảng và phó bảng cách biệt khá xa. Ngày ra bảng thi Hội, bảng danh sách các chánh bảng được đặt lên án đỏ, có khăn đoạn vàng trùm kín, che lọng đỏ. Án khiêng đi trước, các quan giám thí tuần sát đem quân lính đi sau hộ vệ, rồi đến quan chủ khảo, quan Tri cống cử ngồi võng đi theo, đến Ngọ môn thì dừng lại đem danh sách vào trình vua theo nghi thức, sau đó lại đem ra rồi cả đoàn lại cứ thế đi đến Phu văn lâu đem bảng treo lên 3 ngày. Bảng danh sách Phó bảng chỉ được đem treo lên một ngày, hôm sau cất đi, không có nghi lễ gì.

Phó bảng không được dự thi Đình để xếp loại tiến sĩ. Từ năm 1851 vua Tự Đức có cho thêm một số Phó bảng có điểm số thi Hội gần với điểm chuẩn đỗ chánh bảng được tham dự thi Đình để có thêm cơ hội phấn đấu. Nếu đạt điểm chuẩn đỗ tiến sĩ thì được công nhận là tiến sĩ, nếu không đạt vẫn được công nhận là Phó bảng.

Giữa tiến sĩ và phó bảng được qui định về tỉ lệ và ngạch đỗ.Ví dụ: ở khoa thi 1843 đời Thiệu Trị có 25 người đỗ, thì chỉ cho 10 người đỗ tiến sĩ, còn 15 phó bảng. Nếu tính 30 khoa thi ở Huế ( 1822-1892 ) lấy đỗ 560 người thì có 229 tiến sĩ, số còn lại là phó bảng.


Thi Đình


Thi Đình là một khóa thi cử về nho học cao cấp nhất do triều đình phong kiến tổ chức để tuyển chọn người có tài, học rộng. Người thi đỗ được cấp bằng và có thể nhờ đó mà được vào làm quan chức trong triều chính. Sau khi thí sinh đỗ kỳ thi Hội thì mới được dự thi kỳ thi Đình. Đỗ đầu thi Đình gọi là đình nguyên hay điện nguyên. Gọi là thi Đình vì thi trong điện của vua. Vua ra đề và chấm khảo thi.

Từ 1829, thang điểm thi Đình là:

  • Đạt 10 điểm, đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ nhất danh (Đình nguyên, đỗ đầu thi Đình, tương đương với Trạng nguyên trước kia, vì nhà Nguyễn chủ trương không lấy Trạng nguyên).
  • Đạt 9 điểm, đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ nhị danh (Bảng nhãn).
  • Đạt 8 điểm, đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ tam danh (Thám hoa).
  • Đạt 7 và 6 điểm, đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp).
  • Đạt 5 điểm trở xuống đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (đồng tiến sĩ).
  • Đạt 5 điểm trở xuống đỗ phó bảng.

Năm 1851 khi cho một số phó bảng dự thi Đình, vua Tự Đức giữ nguyên tiêu chuẩn đỗ tiến sĩ cập đệ và tiến sĩ xuất thân, sửa lại tiêu chuẩn đỗ đồng tiến sĩ xuất thân như sau:

  • Đạt 4 điểm đến 5 điểm đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (đồng tiến sĩ).
  • Đạt 3 điểm trở xuống đỗ phó bảng.

Việc phân chia loại đỗ tiến sĩ và phó bảng như trên chẳng khác mấy với việc phân chia các loại đỗ thành giỏi, khá, trung bình và thường hiện nay.

( Nguồn : wikipedia tiếng Việt ).

Trăm năm các nhà yêu nước Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng đỗ đại khoa

Đưa Công chúa Mai Am về nơi an nghỉ cuối cùng xong, một người cháu của ông Thân Văn Di (chồng bà Mai Am) là Thân Trọng Ngật chuẩn bị lều chõng đi dự khoa thi Hội năm Giáp Thìn (1904) - Thành Thái thứ 16.

Khoa này có ông Đặng Văn Thụy, 47 tuổi, người Nghệ An đậu Hòang Giáp sau làm đến Tế tửu trường Quốc Tử Giám;

Năm 5 ông Tiến sĩ là các vị 1.Trần Quý Cáp, 35 tuổi người Quảng Nam; 2.Hòang Kiêm, 31 tuổi người Nghệ An; 3. Hùynh Thúc Kháng, 29 tuổi, người Quảng Nam; 4.Hồ Sĩ tạo, 36 tuổi người Bình Định; 5. Nguyễn Mai, 29 tuổi, người Hà Tĩnh.

Năm ông Phó bảng là các vị: 1.Tạ Thúc Đĩnh, 25 tuổi, ngừơi Thừa Thiên; 2. Hòang Văn Cư, 45 tuổi, người Nghệ An; 3. Nguyễn Đình Tiến, 26 tuổi, người Thừa Thiên, 4. Nguyễn Tư Tái, 36 tuổi, người Nghệ An; 5. Thân Trọng Ngật, 28 tuổi người Thừa Thiên.


Ba năm mới có một khoa thi Hội, chỉ lấy được 11 người. Trong 11 người đó có hai ông Tiến sĩ nổi tiếng yêu nước là Trần Quý Cáp và Hùynh Thúc Kháng. Ông Hòang Giáp Đặng Văn Thụy - một trong bốn người giỏi nhất xứ Nghệ. Ông Thụy làm rể cụ Cao Xuân Dục, ông có người cháu nội là Đặng Văn Việt anh hùng đường số 4 thời chống Pháp. Và, cũng trong khoa nầy có ông Nguyễn Mai (Tiến sĩ thứ 5) là cháu nội đại thi hào Nguyễn Du. Ông Mai chính là người đã đem giống Hồng tiến ở Nghi Xuân quê của Nguyễn Du vào trồng ở vườn An Hiên của bà Nguyễn Đình Chi ở Huế mà ngày nay ta còn thấy phát triển tốt.


( Nguồn : Huế - chuyện 100 năm trước 14:56 06/04/2004 (GMT+7) –

Nguyễn Đắc Xuân – Net Cố Đô : http://netcodo.com.vn/service/printversion?article_id=449 ).

Bài đăng ở báo Thừa Thiên-Huế, Xuân Giáp Thân 2004.










1 commentaire:

thantrongthuy a dit…

Hoàn toàn đồng ý với nhận xét của S. :Phan Thuận An đã dịch chữ "feu'' là "thừa tự" là không đúng.
Ngoài ra anh còn có nhận xét sau:
1)- Bài văn bia cho biết "...ngài Giáp Thừa Quí trở thành Phò mã từ đầu đời Lý (họ Thân1010 - 1225),ân điển ngự ban họ Thân thành Thân Thừa Quí ...."
2)- Nhưng trong bài HỌ THÂN tác giả Thân Trọng Ninh viết:"Giáp Thừa Quí được vua Lý Thái tổ (Lý Công Uẩn) gả con gái, trở thành phò mã của triều đình. Từ đây, ông đổi tên họ Giáp thành họ Thân và lấy tên là Thân Thừa Quí ..."
Vậy sự thật như thế nào?
TTT