samedi 20 août 2011

CHUYỆN Ở SÂN BAY


Sau thời gian ở xứ nóng thăm con, tôi định trở về bằng xe đò như thường lệ nhưng con gái có ý muốn mua vé máy bay cho tôi đi để bớt nhọc nhằn. Thôi cũng được, chuyến bay 4 giờ chiều có nghĩa là được thêm buổi sáng thong thả. Hai giờ tôi chuẩn bị ra sân bay thì con gái gọi về nói bố chờ tí con hỏi lại, hình như chuyến bay hoãn rồi. Một lúc sau con xác nhận đúng rồi, thời tiết xấu nên hủy chuyến bay, sáng mai bố đi chuyến 8g30. Thôi cũng được, bay sớm thoải mái hơn. Tối mở TV xem, biết là suốt ngày có tới 30 chuyến bay bị hủy vì nghe có bão khẩn cấp. Cẩn thận như vậy là đúng quá. Bao nhiêu thuyền bè đã được gọi vào bờ, dân vùng nguy hiểm đã được chuyển đi lánh nạn. Sáng hôm sau lại nghe tin bão đã suy yếu và không đi vào đất liền. Đúng ra phải gọi là bão cấp tốc mới đúng, xoẹt một cái rồi biến ngay. Nhưng thôi cũng được, tôi chuẩn bị ra đi sớm và đến sân bay sau 7 giờ một tí. Vào làm thủ tục ngay và được báo ngay: chuyến bay 8g30 hoãn đến 14g30 chú ạ. Tôi ngạc nhiên: Bão tan rồi mà cháu? Dạ không, lý do kỹ thuật thôi, không phải vì thời tiết. Cháu cũng mới được báo thôi. Thế bên phòng vé không gọi cho chú à, chắc là vì chưa tới giờ hành chánh. Bây giờ chú về hay là cứ làm thủ tục rồi chờ đến chiều? Tôi tính nhanh, về nhà rồi quay lại đây, tiền taxi cũng gần bằng vé xe khứ hồi SG-ĐL, thôi đến đây thì ở lại đây, có chết ai đâu. Tôi trả lời và rất nhanh được giao lại cái thẻ lên tàu với mấy chữ viết tay nguệch ngoạc : “p/vụ ăn”. Có thế chứ, ít nhất cũng được bữa ăn miễn phí trong thời gian 7 tiếng chờ đợi.

Tại phòng chờ, tôi thong thả rảo quanh một hồi để tìm chỗ “p/vụ ăn”. À, đây rồi, Nhà hàng Hoa Mai, phục vụ hành khách bị trễ chuyến. ( không biết mình có thuộc đối tượng này không vì mình bị sớm chuyến – bất đắc dĩ – chứ có trễ đâu ). Tôi bước vào trình cái thẻ lên tàu. Cô nhân viên liếc nhìn nhanh rồi đưa cái menu, chỗ này mà cũng có bao nhiêu là món ngon, thích thật. Cô bé giúp tôi bớt băn khoăn chọn lựa : Chỉ có mì gói thôi chú ạ. Tôi đọc thấy 2 món, mì gói gà xé và mì gói bò viên, đồng giá 54 000 đồng, tôi chọn gà. Tô mì được mang ra, nhìn đã thấy mê : gói mì vàng vuông vức, xinh xắn còn nguyên sợi ( không biết loại 18g hay 20g) , 6 lát cà rốt đỏ(2x2cm) cắt tỉa răng cưa, 7 miếng thịt gà trắng ngà ( 2x3x4 cm ), cắt rất khéo chứ không phải xé, 3 lát hành tây trắng mờ, hành lá xanh xắt nhỏ rải đều trên mặt, 4 lát ớt đỏ đã bóc tách hạt, một ít tiêu đen rắc khéo lên trên, và tất nhiên có cả nước dùng, trắng trắng trong trong, không ngậy váng mỡ, không nồng bột màu. Đúng là tiền nào của nấy,ở nhà mình thường ăn mì gói Hảo Hảo 3 100 đồng, thêm thắt gì cũng chỉ tới 5 000 đ, sánh sao được với mì gói hàng không, đã được nâng tầm thành tác phẩm nghệ thuật, lắm hương vị, nhiều màu sắc!

Tám giờ, còn đến hơn sáu tiếng nữa để thể nghiệm “hạnh phúc thay những phút giây chờ đợi”, nhất là ở một nơi văn minh lịch sự như thế này. Khu vực phòng chờ là những sảnh dài rộng, từ ngoài vào trong còn mấy đường rẽ trái rẽ phải. Hàng trăm ghế ngồi bố trí thành từng dãy cố định sáu chiếc một, dẫn đến 14 cửa ra ngoài để lên máy bay. Tôi đi cửa cuối cùng nên có dịp qua hết những nơi này. Cứ một đoạn lại có một TV màn ảnh rộng, tất cả đều bật sẵn nhưng ít người xem vì chỉ thấy hình mà tiếng rất nhỏ. Điều dễ nhận thấy đầu tiên là tất cả các bảng thông báo chỉ dẫn ở đây chỉ sử dụng tiếng Anh. Cái bảng điện tử báo chuyến bay và giờ giấc chẳng hạn, sân bay quốc nội mà chỉ thấy ghi flight / destination /… may mà đoán được vì thông tin ở bên dưới ( VN 754, VN 163… , Hanoi, Vinh, Cam Ranh … ). Hai cột tiếp theo ghi giờ giấc dưới những chữ viết tắt STD, ETD, chắc ít người hiểu. Cột cuối cùng là Remarks, bên dưới hầu hết bỏ trống, vài ba dòng lại có chữ DELAYED, tôi đoán bừa nghĩa là ĐỢI ĐẤY vì thấy cùng âm. Một đôi chỗ ghi tiếng Anh và chú thêm tiếng Việt, như cái thiết bị gì ở cuối sảnh, trông giống cái tủ, đề là INDOOR HYDRANT CABINET và HỘP CHƯA CHÁY TRONG NHÀ, nhưng mấy chữ tiếng Việt có vẻ thừa vì nhìn vào là thấy hộp này còn nguyên chứ đã cháy đâu!


Chín giờ, tôi ngồi nghỉ, mắt thôi làm việc, nhường chỗ cho tai. Vài phút lại có thông báo : Xin mời hành khách T.V. Thanh hay Thành… , xin mời hành khách L.T. Đông hay Đồng… ( nhanh chóng ra cửa số … để lên máy bay… ). Thì ra máy in vé chỉ ghi tiếng Việt không dấu nên đọc tên phải đoán, có điều là ở đây hành khách chỉ nên mang tên không dấu hay dấu huyền, khách là Thạnh, Thảnh, Thánh, Đổng, Đổng, Động… có nguy cơ lỡ chuyến bay vì cứ tưởng là gọi người khác. Có những thông báo khác bắt đầu trịnh trọng hơn : Hãng hàng không quốc gia Việt Nam xin thông báo… Dần dần tôi nghiệm ra rằng khi nghe như thế thì chắc chắn đó là tin không vui cho hành khách, chắc chắn câu sau sẽ là: Chuyến bay … sẽ hoãn. Câu này tôi nghe quen tai rồi vì sáng hôm nay đã được nói nhiều lần, lần nào cũng có giải thích lý do. Vì máy bay đến chậm ( đây là ga xuất phát, không biết máy bay từ đâu đến mà chậm) , vì lý do kỹ thuật. Dù sao tôi cũng yên tâm vì hôm nay không chuyến nào hoãn vì thời tiết xấu. Tất cả những thông báo qua loa phóng thanh kế cả thông báo riêng cho ông Thanh hay Thành đều được nhắc lại bằng tiếng Anh.

Ngồi mãi cũng chán, tôi lại quanh quẩn tới lui, không xem giờ nữa cho đỡ sốt ruột. Khách phương xa chưa kịp ghé các trung tâm thương mại ở thành phố thì tận dụng thời gian chờ lên tàu để mua sắm, ở đây có bán nhiều mặt hàng lắm. Quầy hàng sạch sẽ, láng bóng, sang trọng, cứ bước thẳng vào, không cần xem bảng hiệu vì toàn viết tiếng Anh. Leather and Fashion, Fine Arts, Liquor, Tobacco, Tea&Coffee, Confectionery, Food, Fragrance, Dried Food, Accessories, Glasses, Liquor, Jewelry… Không mua hàng cũng có lợi vì được dịp ôn luyện tiếng Anh. Thấy bảng đề Fashion không biết là gì thì vô trong thấy bán toàn quần áo trẻ em may bằng thổ cẩm là hiểu ngay. Tôi ghé quầy rượu, tò mò xem bảng giá. Martell có mấy loại : XO 3 680 000 đ, VSOP 1 050 000 đ, Cordon Bleu

3 030 000 đ, Remy Martin 770 000 đ, Hennessy XO 3 299 000 đ. Chẳng biết mắc rẻ thế nào, chỉ thấy thú vị nhớ lại ai đó đã nói mấy thứ rượu này người mua không uống mà người uống thì không mua! Bước sang quầy bên cạnh thấy có bán bánh trung thu, một hộp nhãn hiệu Givral, rất đẹp, rất sang, giá chỉ có 119 000 đ. Lạ chưa, bánh tồn từ năm ngoái hay bánh sản xuất trước gần hai tháng nên bán giá rẻ thế này chăng? Tôi hỏi mua vài hộp về làm quà ( mấy khi gặp món hời thế này ) và được giải đáp thắc mắc ngay : Giá cái hộp thôi nghe chú. Còn bánh thì chú chọn bên này, mỗi chiếc 250g giá 99 000 đ.

Có đến hai quầy bán nữ trang, vàng bạc đá quý, mặt hàng phong phú, nhìn bắt mắt. Tôi không nghĩ ra hành khách nào dừng lại đây để mua những thứ này, thỉnh thoảng thấy vài người tò mò ghé xem và hỏi giá. Cô nhân viên rời màn hình vi tính tạm dừng chơi game để tiếp khách.

Đi vào cuối hành lang là cửa hàng sách Phương Nam, diện tích không rộng nhưng bày quá nhiều tủ kệ nên di chuyển hơi khó. Ở đây chủ yếu bán sách dịch và một số sách của các tác giả đang ăn khách. Cạnh đấy là Smoking Room, phụ chú tiếng Việt là Phòng hút thuốc, hành khách vào đây phần đông là giới trẻ, nam và nữ. Bên góc là một căn phòng nhỏ để bảng Foot Spa, không có tên tiếng Việt. Hiện nay có rất nhiều cơ sở chăm sóc sức khỏe và làm đẹp lấy tên spa, nhưng có lẽ hỏi spa là gì thì ít người trả lời chính xác. Wikipedia tiếng Việt ghi : “Có thể hiểu Spa về mặt ngữ nghĩa là suối nước khoáng, về mặt thuật ngữ được hiểu là cách trị bệnh bằng hơi nước và nước khoáng thiên nhiên. Theo cách hiểu và vận dụng thông thường ngày nay thì spa là dịch vụ chăm sóc sức khỏe và làm đẹp bằng nước và massage kết hợp với những sản phẩm làm đẹp có nguồn gốc thiên nhiên.” Giải thích như thế là chấp nhận được, nhưng từ điển mở này lại ghi thêm “ Spa là từ viết tắt của từ La Tinh "Sanitas per aqua" , tức là sức khoẻ tốt nhờ nước.” thì e là chưa chuẩn xác! Trước hết, phải viết là per aquam mới đúng, thứ hai, đây là một acronyme ( từ cấu tạo bằng chữ cái đầu tiên của những từ khác - chứ không phải từ viết tắt ) bịa ra để giải thích cho có vẻ bác học. Kiểu giải thích này cũng tương tự như nói tên thành phố Đà Lạt là từ câu la tinh : “Dat aliis laetetiam aliis temperiem”( cho người này niềm vui, người khác sức khỏe).Gốc của Spa nguyên là địa danh, tên của một thành phố thuộc tỉnh Liège, vùng nói tiếng Pháp của nước Bỉ ( Belgique/ Belgium ), nổi tiếng nhờ những suối nước khoáng, và sau đó, nhờ phương pháp trị liệu bằng nước khoáng. Dù hiểu thế nào thì căn phòng nhỏ ở đây mà gọi là spa thì không hợp rồi, nhất là khi đọc bảng giá các dịch vụ đặt trước cửa :

Đầu và vai, 120 000đ / 20 phút, Chân, 160 000đ / 30p, Chân - Đầu - Tay, 260 000đ / 60p , Chân- Đầu, 200 000đ / 45p. Những dịch vụ này chính là massage, cứ gọi thế ai cũng hiểu, cớ gì phải làm sang đặt tên là spa? ( Hay là dùng spa cho dễ đọc, còn massage thì lắm người đọc sai vì cứ tưởng âm cuối đọc giống như từ message? ) . Hình như cơ sở này biết rõ là hành khách đi máy bay thường chờ đợi rất lâu nên mới phục vụ đến 45, 60 phút!

Gần 1 giờ trưa, tôi trở lại hàng ăn, không đưa thẻ lên tàu và bùa chú p/vụ ăn nữa để có thể thong thả chọn món. Xong việc, tôi trở lại khu vực gần cửa 14 ngồi nghỉ. Gần đó có mấy chiếc máy vi tính nối mạng internet, các hành khách nhỏ tuổi đang sử dụng. Các cháu này đi với gia đình, chuyến bay 10g đi Hà Nội. Mỏi mệt, tôi định bắt chước mấy người bên cạnh, nằm duỗi người trên hàng ghế bỏ trống nhưng sợ bị chụp hình đăng báo nên thôi. 2 giờ, 2giờ 5 phút, sao chưa thấy mời ra cửa lên máy bay. Tôi thấp thỏm chờ đợi. Ôi, cái gì thế ? Hãng hàng không quốc gia Việt Nam trân trọng thông báo… Chết thật, chuyến bay 2g30 của mình chăng? Đúng vậy, nhưng may quá, chỉ hoãn có mười phút. Có thế chứ!

Cuối cùng cũng trèo lên được cái “phương tiện giao thông” tân tiến. Cuối cùng cũng về được đến nhà.

Hành khách đi máy bay thường chỉ đến sân bay trước giờ khởi hành từ vài phút đến vài chục phút. Mấy ai may mắn như tôi có đến hơn bảy tiếng đồng hồ, thong thả, thoải mái, nhởn nhơ đi lại, đứng ngồi, nhìn ngắm, trải nghiệm buồn vui?

Đi máy bay thú vị thật. Cám ơn con gái.



















Aucun commentaire: