mercredi 13 février 2019

TỪ DE PÈRE INCONNU ĐẾN CHA VÔ DANH




            

1. CHA VÔ DANH.


Nhan đề phụ là “ Chuyện kể cuộc đời một người Việt lai Pháp “, từ lúc mới sinh ra ( 1944) cho đến lúc tác giả hoàn thành tác phẩm ( 2018 ). Tất nhiên, cuộc đời một người gắn liền với thời đại và nơi chốn anh ta sống, liên quan đến thân nhân, bạn bè, đồng nghiệp, láng giềng... , tất cả những người quen biết cùng sống với anh ta. Tuy thời gian kéo dài như thế, với số lượng nhân vật đông đảo như thế, tác giả vẫn lôi cuốn người đọc bằng sự chọn lọc tinh tế những chi tiết được kể, bằng giọng văn nhẹ nhàng, giản dị mà không kém trau chuốt, bóng bẩy. Kể chuyện đời mình, tác giả không theo trình tự thời gian, lớp lang sau trước, mà theo dòng cảm xúc dẫn dắt người đọc từ một việc gần đây bỗng thụt lùi hai ba chục năm trước hoặc ngược lại. Kể chuyện đời mình, ít nhiều tác phẩm có tính chất một tự truyện, nhưng người đọc nhiều lứa tuổi, trình độ hiểu biết và nền tảng văn hoá khác nhau vẫn hào hứng theo dõi khi tác giả công bố dần dà ( theo nhịp độ viết ) trên facebook và blog cá nhân, mỗi lần một đoạn theo kiểu viết feuilleton. Và hẳn ai cũng mong thấy tác phẩm được xuất bản để có thể đọc liền mạch, khỏi thấp thỏm chờ đợi.   
Cuối năm 2018, tôi may mắn được đọc “ bản in thử “, hơn 400 trang trên cỡ giấy A4. Không đủ thời gian và trình độ để viết một review đầy đủ, tôi xin ghi lại đây đôi điều cảm nghĩ từ một người đọc trân trọng công sức và tài năng người viết.

Điều đáng nói đầu tiên là bất cứ ai đọc tác phẩm sẽ không khỏi ngạc nhiên và thán phục trước trí nhớ phi thường của tác giả: anh nhớ và kể lại tường tận tất cả những gì xảy ra từ thời đi học, tiểu học và trung học, tại Hà Nội và Đà Lạt, với đầy đủ thầy và bạn, chuyện học hành, vui chơi, giải trí. Sau đó là chuyện tốt nghiệp đại học, công việc làm, những biến cố của cuộc đời đi kèm biến cố lịch sử đất nước từ năm 1975, chuyện đi định cư ở Pháp rồi những chuyến về lại quê hương từ hơn hai mươi năm nay. Trí nhớ đó được sự trợ giúp hữu hiệu của hình ảnh và ghi chép mà không hiểu sao anh lưu giữ tài tình đến thế. ( Chỉ tiếc là ba tập vở học trò anh ghi chép tháng ngày “ học tập cải tạo “ đã bị thất lạc dù đã được gởi sang Pháp - nếu không sẽ là những trang viết quý giá.).

Đấy là những chuyện liên quan trực tiếp đến chính anh, còn chuyện của các nhân vật khác, có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của anh thì anh dùng thủ thuật “ chuyện kể của nhân vật “ để ghi nhận sự kiện. Có ba nhân vật chính đã kể chuyện kiểu này: người mẹ, bà ngoại và người cha dượng. Anh đã viết về bà mẹ qua các đoạn 2 ( Cô gái mồ côi hận đời - 1934 ), đoạn 3 ( Phải chăng là bốc đồng - 1943 ), nhảy qua vài đoạn để trở lại với đoạn 11 và 13. Qua chuyện kể của bà mẹ, anh đã dựng lại những chi tiết cặn kẽ về cuộc đời đấy sóng gió và gian truân của người thân yêu nhất của anh. Đọc những trang này, người đọc có thể thấy rằng ngoài lời kể chuyện của nhân vật, thấp thoáng có sự can thiệp của tác giả, tức là sử dụng thủ pháp “ nhân vật - người kể chuyện “, personnage - narrateur, xen kẽ với “ tác giả - người kể chuyện “ , auteur - narrateur . Điều này rõ ràng hơn với “ chuyện kể của cha dượng “, suốt những đoạn 8, 9 và 10. Kể chuyện gia đình vào những năm chiến tranh ( từ 1945 ), rồi chuyện tản cư, hồi cư, anh say sưa nói rất dài 
( về đảo chính Nhật, cách mạng tháng tám, các đảng phái chính trị, các nhân vật lịch sử  Bảo Đại, Hồ Chí Minh )...

Tất nhiên tôi hiểu thiện ý của anh muốn lồng câu chuyện đời mình trong bối cảnh lịch sử, giúp người đọc hiểu thêm về một giai đoạn cần được tìm hiểu và giải thích từ nhiều góc nhìn khác nhau. Nhưng nói nhiều như thế làm cho ý nghĩa của chuyện kể của cha dượng giảm bớt phần đáng tin ( vraisemblable ). Giá mà anh lược bớt đi, để dành phần lớn chi tiết cho phần Ghi chú ở cuối sách!  

Phần này, anh ghi là Chú thích, thực chất là những ghi chú lịch sử, địa lý và văn hoá. Trong bản in thử, anh đã dành ra 33 trang chữ nhỏ để viết đến 149 ghi chú, giải thích nhiều vấn đề khác nhau về ba lĩnh vực nói trên, căn cứ vào những tư liệu, chứng cứ và tham khảo phong phú từ nhiều nguồn đáng tin cậy, đặc biệt là những nguồn khó tiếp cận, mà bằng kinh nghiệm của một người từng làm công tác nghiên cứu để viết luận án muốn chia sẻ với độc giả. Ghi chú liên quan đến địa lý, giải thích các địa danh nổi tiếng và chưa nổi tiếng, Hà Đông, Hà Nội, Lạng Sơn, Ban Mê Thuột, Đèo Cả, Sông Gianh, Bà Điểm... Ghi chú về lịch sử phong phú hơn và đầy bất ngờ, từ các nhân vật lớn ( Bảo Đại, Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm, Vua Thành Thái, Trương Vĩnh Ký , Yersin, Alexandre de Rhodes, Kennedy, Nguyễn Văn Thiệu...) đến các sự kiện quan trọng ( về thời Đệ Nhất, Đệ Nhị Cộng Hoà, các cuộc đảo chính, phong trào đấu tranh đô thị, hiệp định Paris, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam... ) và bao nhiêu việc lớn nhỏ khác. Ghi chú về văn hoá, các danh nhân, nhạc sĩ, các ca khúc, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ... ). Thật lạ lùng, không thiếu một thứ gì, bằng những lời giải thích ngắn gọn, súc tích, đủ để thoả mãn sự tò mò muốn tìm hiểu của người đọc.
Phần chú thích này có thể được đọc độc lập, tách khỏi cuốn truyện, mà không hề nhàm chán.

Tách phần chú thích ra, để dành thời gian mà đọc chính tác phẩm 74 đoạn, không theo kiểu đọc ngấu nghiến, mà thong thả nghiền ngẫm từng đoạn một, để thưởng thức, hồi hộp, ngạc nhiên, bật cười rồi lắng đọng, chìm trong tận cùng cảm xúc qua phận người lận đận, vận nước nổi trôi, tất cả qua ngọn bút tài hoa của người dược sĩ, thầy giáo, nhạc sĩ, ca sĩ “ thấm nhuần hai nền văn hoá Việt - Pháp.”

74 đoạn này có thể có thêm một nhan đề phụ nữa là : Chuyện kể cuộc truy tìm tung tích người “ cha vô danh “, công việc mà nhân vật chính, cũng là tác giả, đã thực hiện từ lúc ông mới đặt chân sang đất Pháp, có lúc gián đoạn, rồi lại tiếp tục và kết thúc trong tuyệt vọng khi ông nhận được câu trả lời của cơ quan lịch sử quân đội Pháp là không thể tìm ra hồ sơ cá nhân của người ông muốn tìm ( tháng 11/2008 ). Cuối cùng, tác giả phải ngậm ngùi thốt lên: “ Cha tôi không muốn cho tôi biết ông là ai, ông muốn tiếp tục là người cha vô danh.” ( kết thúc đoạn 74 ). 

Lẽ nào điều đó lại xảy đến với một người nặng tình quê hương, thiết tha gắn bó với gia đình, một người xa quê lâu năm lúc có dịp trở về là làm ngay các cuộc “ hành hương “ về với kỷ niệm, nơi sinh ra, nơi sống những ngày tuổi thơ xa lơ xa lắc? 
Nếu đây là một tác phẩm hư cấu, độc giả mong muốn có một happy ending, một cái kết có hậu hơn. Còn nếu đây là chuyện kể “ về những người có thật đã sống trên đất nước Việt Nam “ thì độc giả lại càng mong muốn công sức của người truy tìm phải được đền đáp, sự thiệt thòi mất mát của người có lòng phải được bù đắp. Cho hợp lẽ trời, cho thuận lòng người!

Đọc hết 74 đoạn, độc giả tưởng chừng sẽ gấp sách lại với tâm trạng ngậm ngùi như chính tác giả với câu cảm thán nhắc đến bên trên.

Nhưng mà KHÔNG! 
Tiếp theo sau đó còn có mấy trang nữa, tác giả không ghi đoạn 75 mà là LỜI CUỐI. Và đây là bất ngờ thú vị không hề chờ đợi, không thể tưởng tượng nổi dành cho mọi người. Đến lúc hầu như không còn chút hy vọng gì và đành chấp nhận bỏ cuộc thì anh được người có trách nhiệm ở kho lưu trữ, sau khi tìm kiếm, chính thức báo tin “ Tôi tìm ra hồ sơ cá nhân của cha ông rồi.” Đây là thông tin chính xác tuyệt đối, nhờ đó anh đã lần theo dấu vết người cha, tìm ra lai lịch, quê hương, gia đình, và nhờ những hình ảnh, kỷ vật gia đình lưu giữ, anh đã dựng lại tiểu sử người thân của mình, đã tìm gặp gia đình, chú bác, anh chị em họ. Và thuyết phục hơn hết thảy là anh đã công bố ảnh của người cha lúc 25 tuổi và ảnh chính tác giả tức là người con, lúc 24 tuổi. Cùng một khuôn mặt, mũi miệng mắt trán giống hệt nhau! 

Đoạn “ lời cuối “ này là những trang viết cảm động nhất, gây ấn tượng mạnh nơi người đọc. 
Sở dĩ câu chuyện chuyển hướng bất ngờ thế này là do việc anh trở lại lâu đài Vincennes, tức là văn khố của quân đội Pháp, cốt để tặng thư viện ở đây cuốn sách anh mới xuất bản, bởi nhiều người làm việc ở văn khố đã từng giúp đỡ anh nhiệt tình và chu đáo trong suốt bao nhiêu năm tìm kiếm. Lần này thì anh được toại nguyện. ( Sự việc xảy ra vào tháng 4/2015, hai tháng sau khi xuất bản cuốn sách ).

Cuốn sách nói đến đây là DE PÈRE INCONNU, do chính anh viết bằng tiếng Pháp, được nhà xuất bản L’ Harmattan công bố vào tháng 2/2015. 
CHA VÔ DANH chính là phiên bản tiếng Việt,  “ không phải là bản dịch từ tiếng Pháp, mà là cuốn sách viết bằng tiếng Việt bởi một người Việt cho người Việt đọc”. 


2. DE PÈRE INCONNU
Chuyện kể về đất nước Việt Nam nửa sau thế kỷ XX.

Cuốn sách tiếng Pháp ra đời trước có nhan đề phụ như trên, tức là khác với phiên bản tiếng Việt, đơn giản vì đối tượng nhắm đến hoàn toàn khác ( thế hệ trẻ người Việt sống ngoài nước, giúp họ hiểu thêm quê hương của tổ tiên mình ). 
Vẫn là câu chuyện truy tìm tung tích người cha vô danh ( À la recherche du père inconnu ) được tác giả thuật lại trong bốn phần, anh gọi là hồi ( acte ), hồi 1 ngay đầu sách, ba hồi còn lại dồn hết vào phần cuối. Còn lại là những chuyện kể, được trình bày như những chương ( chapitre ) tương đối ngắn, có thể đọc riêng rẽ. 

Cũng do đối tượng độc giả được xác định như thế nên trong 500 trang của cuốn sách, tác giả luôn lưu tâm nhắc đến, giải thích, có khi bình luận, những vấn đề về văn hoá Việt Nam, bên cạnh những sự kiện lịch sử tất nhiên không thể thiếu. Anh nói về truyền thống dân tộc, việc thờ cúng tổ tiên, tình cảm gia đình, quan hệ láng giềng, làng mạc... Rất thú vị khi đọc về Tết cổ truyền, bánh chưng, bánh tét, các loại mứt ( trang 168, 169 ), thậm chí cả rau muống luộc ( t 122 ), tiết canh vịt ( t 123 ). Rồi các quan niệm về hôn nhân, chuyện môn đăng hộ đối ( t 35 ), hôn nhân khác tôn giáo, các nghi thức hôn lễ ( t 36 ). Làm sao giải thích khái niệm “ làm dâu “ cho một bạn trẻ Pháp gốc Việt hiểu? Anh nói giản dị: “ Vivre avec la grande famille du mari pour la servir en tant que bru”.Thật tài tình mấy chữ “ pour la servir “ ! Anh không bỏ lỡ cơ hội để giải thích mọi chuyện lớn nhỏ, “ xe ôm “ chẳng hạn. Thật khó, phải không? Anh phải dịch, littéralement, “ véhicule où il faut enlacer “, “ véhicule où il faut serrer dans ses bras “. Vậy thôi, ( tôi đề nghị thêm vào moto-taxi ).

Ngay cả chuyện tình yêu, anh cũng nhìn bằng con mắt dân gian. Chương “ Peut-on résister au destin?” trang 209, ngoài chuyện học hành thi cử ở đại học là chuyện anh tình cờ gặp cô gái ở Saigon, khi anh đi dạy kèm về tình cờ đi ngang chỗ nàng tạm nghỉ trong lần từ Đà Lạt về chơi. Gặp rồi nói chuyện, nhận ra đã quen biết, thư từ qua lại sau đó, và bén duyên nhau. Trước đó nhiều năm, cả hai cùng sống ở thành phố hoa, có lúc là láng giềng khi cùng ở trên đường Graffeuil, nàng đã có lần đi xem anh đấu bóng chuyền, vậy mà chưa một lần gặp gỡ chuyện trò. Còn lần này thì tình cờ quá đỗi mà nên vợ nên chồng. Anh nói chỉ là “duyên số” thôi!

Những điều bên trên là dành cho bạn đọc ham hiểu biết, còn những người yêu văn chương lại có mối quan tâm khác. Và họ không khó khăn để nhận ra nét chủ đạo của ngòi bút PHẠM NGỌC LÂN. Kể chuyện nửa thế kỷ, đầy ắp sự kiện, ngồn ngộn biến cố, anh vẫn không quên cốt lõi tác phẩm là nhân vật chính anh nêu ngay trong nhan đề sách. Dấu ấn của nhà văn có tài là việc chọn lọc CHI TIẾT, tưởng là nhỏ nhặt, thoáng qua, nhưng thực ra là điểm mở nút thắt ( dénouement ) tài tình. 

Anh ra đời trong hoàn cảnh nào? Trong các chương “Récit d’une mère “, anh để bà mẹ thuật lại cuộc đời đầy sóng gió từ lúc mới sinh, nhắc đến ông bà ngoại, tuổi thơ vất vả, tình yêu dang dở, cuối cùng, qua sự giới thiệu của bạn, chấp nhận làm quen,  đồng ý kết hôn sau khi gia đình nhận lễ vật của một sĩ quan Pháp dù chỉ mới trao đổi thư từ, hình ảnh. Bằng một quyết định bất ngờ ( anh gọi là coup de tête ), bà một thân một mình tìm đến với chàng trai trên một hòn đảo nơi chưa hề nghe tên. Và cũng lạ lùng nữa, bà bỏ ra về chỉ sau mười bảy ngày sống chung ở đó. Không giải thích lý do. Và sau đó, không liên lạc, tin tức gì nữa. Kết thúc câu chuyện dài này là tiết lộ gọn lỏn: “ J’ étais enceinte .” ( Mẹ đã mang thai. )

Từ chi tiết mịt mù thân phận đó mới dẫn tới cuộc truy tìm tung tích người cha của nhân vật chính, với nhiều công sức, mất nhiều thời gian, gần ra manh mối rồi lại rơi vào ngõ cụt. Người đọc thắc mắc, lẽ nào ngoài cái tên của người cha ra, bà mẹ không để lại cho anh một chứng cứ gì khác sao? Mẹ đã kể là có viết thư, gởi ảnh cho nhau kia mà? Anh giải đáp thắc mắc này một cách khéo léo bằng một chi tiết trong đoạn “ chuyện kể của bà ngoại “. Đó là thời kỳ gia đình chuyển vào sống ở Saigon, gặp lúc chiến tranh, tối nào cũng bị máy bay ném bom. Cả nhà phải tìm chỗ ẩn nấp buổi tối. Bà ngoại tìm được chỗ nấp an toàn hơn, nhà một gia đình người Pháp. Cứ tối tối là chạy đến đó, không quên mang theo chiếc va-li nhỏ đựng giấy tờ và những thứ quý giá nhất. Một tối, nhà đó bị trộm, cả nhà ra về không kịp lấy chiếc va-li. Lúc trở lại định lấy mới biết cảnh binh thu hết để điều tra, bà sợ liên luỵ nên không dám lấy nữa.
“ C’est ainsi que ta mère perdit toute trace de ton père, car dans cette valise, il y avait toutes les lettres, les photos, les cadeaux... tout ce qu’elle avait de lui.” ( trang 50 ).
( Và như thết, mẹ con đã mất hết vết tích của ba con, vì trong chiếc va li đó là tất cả thư từ, hình ảnh, quà cáp... tất cả những gì mẹ lưu giữ của ba con. )

Cái cách sử dụng những chi tiết rất “ đắt “ như thế khiến ta liên tưởng đến một bậc thầy truyện ngắn của văn học Pháp là Guy de Maupassant.

Từ De père inconnu đến Cha vô danh, câu chuyện có những nét tương đồng, nhưng cách diễn đạt khác, cách khai thác đậm nhạt khác, tuỳ đối tượng độc giả, cho nên ban đầu tưởng là truyện tuy hai mà một, nhưng đọc kỹ, hoá ra tuy một mà hai. Và cả hai tác phẩm, tiếng Pháp và tiếng Việt, đều cho thấy tài năng một nhà văn đích thực. Tài năng đó, chủ yếu thể hiện ở tính sáng tạo. Không có sáng tạo, nội dung có phong phú đến đâu, văn phong có lưu loát đến đâu, cũng không đủ làm nên giá trị của tác phẩm.

3. BẢN PHÁC THẢO ĐẦU TIÊN.

Tôi không quá lời khi nhận định như thế: 

 Khoảng chục năm trước khi khởi công viết De père inconnu, Phạm Ngọc Lân đã gởi về cho thân hữu tin cậy nhất của mình bản thảo đầu tiên của tập truyện. Đây là bản đánh máy vỏn vẹn 40 trang, gồm các phần sau.

Mở đầu là “ Retrouvailles manquées.”
Kể chuyện nhân vật đi tìm tung tích cha lần đầu tiên khi đến lâu đài Vincennes, dẫn đến manh mối thứ nhất: tìm ra người trùng tên, anh đến thăm mộ nhưng vẫn hồ nghi có phải là cha mình đây không.

Sau phần này là các chuyện kể của bà mẹ, bà ngoại, cha dượng.
Récit d’une mère. Récit d’une grand-mère. Récit d’un beau-pėre.
Các chuyện kể này còn sơ sài chỉ ghi những nét chính.
Xen kẽ giữa những phần chuyện kể là các đoạn tường thuật những chuyến anh về Việt Nam, chia làm ba phần, anh gọi là Hành hương ( pèlerinages ). Đây là chuyến đi xuyên Việt anh thực hiện cùng vợ chồng cô em, qua Tây nguyên, ra miền Trung và đến tận Ninh Bình, Phát Diệm, ngoài Bắc. Phần 1 trọng tâm là thăm đảo Bình Ba, nơi mẹ anh gặp cha anh. Phần 2 là lúc về thăm quê ngoại Hà Hồi. Phần 3 nói riêng về Hà Nội và những thắng cảnh của thành phố này. Bản thảo kết thúc với chuyện kể anh tìm đến trường tiểu học Sainte- Marie , nơi lần đầu tiên anh đi học, và giờ này biến thành bệnh viện.

Tất cả chỉ có thế. 

Dựa vào đó, tác giả đã dụng công sửa chữa, bổ sung, phát triển rất nhiều, ngay từ những chi tiết nhỏ. Trong bản sơ thảo, bà mẹ kể chuyện tiết lộ thân phận của nhân vật khi anh 15 tuổi ( Tu avais 15 ans ), lúc viết chính thức, anh sửa lại 17. ( Tu avais dix-sept ans ).
Ban đầu, anh cũng do dự, chưa biết chọn nhan đề nào cho cuốn sách. 
Citoyen de nulle part?
Hay là L’homme aux quatre identités?
Cái titre sau hơi khó hiểu, chỉ biết được khi đọc tác phẩm chính thức, ở chương Les quatre identités, từ trang 137, đấy là anh nói chuyện mình thay tên đổi họ, thay đổi quốc tịch.
Đầu tiên là quốc tịch Pháp, tên họ Pháp, sau đó nhập tịch Việt Nam, tên họ Việt, có tên mẹ nhưng không có tên cha. Lần thứ ba, năm 1958, làm lại Chứng thư thay giấy khai sinh, lần này đổi họ theo họ cha dượng, và khai tên cha dượng. Cuối cùng, lúc đã sang Pháp lấy lại tên Pháp, quốc tịch Pháp. Bốn lần thay đổi, bốn identité khác nhau. Bản tiếng Việt ( Cha vô danh ) anh dịch identité là “ bản sắc “ ( đoạn 27, Bản sắc và giấy tờ ). Trong ngữ cảnh này, đây là một thuật ngữ pháp lý, theo định nghĩa của Larousse : “ personnalté civile d’un individu, légalement reconnue ou constatée “. Nghĩa này thấy dùng ở pièces d’identité, carte d’identité. Tôi thích dùng “ căn cước “ hơn.

Thế đó, từ bản phác thảo đơn giản, sơ sài đến tác phẩm hoàn chỉnh, phân thành chương hồi, ra mắt bạn đọc qua nhà xuất bản l’ Harmattan có uy tín. Mất đến 8 năm để hoàn thành cuốn sách, trong điều kiện vẫn làm việc, sinh hoạt bình thường, chẳng phải là thành quả của một nhà văn Việt, viết bằng ngôn ngữ Pháp, xứng đáng được phổ biến rộng rãi, mở đường cho phiên bản tiếng Việt, Cha vô danh, sắp xuất bản hay sao?



THÂN TRỌNG SƠN
Đà Lạt, 1/2019.






1 commentaire:

Angelika a dit…

Tôi không thể cảm ơn Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đủ để giúp tôi khôi phục lại cuộc hôn nhân của mình với niềm vui và sự an tâm của nhiều vấn đề gần như dẫn đến ly hôn. Cảm ơn Chúa, tôi đã tổ chức Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đúng giờ. Hôm nay tôi có thể nói với bạn rằng Tiến sĩ EKPEN TEMPLE là giải pháp cho vấn đề này trong hôn nhân và mối quan hệ của bạn. Liên lạc với anh ấy tại (ekpentemple@gmail.com)