dimanche 18 juin 2017

CÁI CHẾT CỦA MỘT VIÊN CHỨC



Truyện ngắn

ANTON PAVLOVICH CHEKHOV
( Анто́н Па́влович Че́хов )
Nhà văn Nga
1860-1904 


Chekov sinh tại tỉnh Taganrog, miền Nam nước Nga, trong một gia đình lao động đông con. Tuy hoàn cảnh khó khăn, gia đình vẫn cho các con học hành tử tế. Hết bậc trung học, Chekov theo ngành y tại trường Đại học Lomonosov ở Mạc Tư Khoa từ năm 1879. Ông bắt đầu sáng tác từ thời gian này. Năm 1880 ông đã có 10 truyện ngắn gởi đăng báo. Tháng 9 năm 1884 ông tốt nghiệp và bắt đầu hành nghề bác sĩ, thu nhập không cao vì ông sẵn sàng khám chữa miễn phí cho nhiều bệnh nhân. Bù lại, ông viết truyện đăng báo để kiếm tiền, phần lớn là viết cho những tờ báo châm biếm, khôi hài. Ông sử dụng tới 14 bút danh khác nhau, gởi bài cho báo này báo khác với nhịp độ ba ngày một truyện. Năm 1885 ông in được 133 truyện, năm 1886, 112 truyện, năm 1887, 64 truyện. Cho đến lúc qua đời (1904), số truyện ngắn của ông đã lên đến con số trên sáu trăm, trong đó có những truyện dài hàng chục trang ( Thảo nguyên, Câu chuyện buồn tẻ, Phòng số 6 ...). Từ năm 1886, theo đề nghị của chủ bút tờ Thời mới, ông không ký bút danh nữa mà dùng tên thật. Và truyện của ông cũng không chỉ là khôi hài, châm biếm mà có những chủ đề nghiêm túc hơn, đề cập nhiều vấn đề xã hội. Truyện Chekov thường có bối cảnh là nông thôn hoặc vùng phụ cận các tỉnh lỵ, với nhân vật thuộc thành phần thị dân, trí thức, thợ thuyền trong xã hội nước Nga thế kỷ XIX. 
Ngoài truyện ngắn, Chekov còn viết kịch, nhiều vở nổi tiếng, đến nay vẫn còn  được dàn dựng ( Ba chị em, Hải âu, Vườn anh đào...).



Vào một buổi tối đẹp trời, Ivan Dmitritch Tchervviakov, một viên chức tư pháp cũng đẹp người không kém, ngồi ở hàng ghế bành thứ hai, nhìn lên sân khấu qua ống nhòm xem vở " Chuông Corneville " (1) . Anh cảm thấy trong lòng khoan khoái vô cùng. Bỗng dưng... Trong các truyện thường hay thấy " bỗng dưng ". Các tác giả đều có lý, cuộc đời luôn đầy rẫy những chuyện bất ngờ. Bỗng dưng, mặt anh nhăn nhó, mắt hoa lên, hơi thở nghẹn lại. Anh bỏ ống nhòm qua, khom người xuống và ... hách xì! Anh đã hắt hơi, như các bạn thấy đấy.
Không ai bị cấm hắt hơi, dù ở đâu cũng vậy. Người nông dân hắt hơi, cảnh sát trưởng hắt hơi, và có khi, các viên chức cũng hắt hơi. Mọi người đều hắt hơi cả thôi. Tcherviakov chẳng tỏ ra ngượng ngùng gì, lấy khăn tay ra lau, và làm người lịch sự, anh nhìn quanh xem thử mình hắt hơi như thế có làm phiền ai không.
Ngay lúc đó anh cảm thấy bối rối. Anh nhìn thấy một người có tuổi, ngồi ở hàng ghế đầu tiên trước anh, vừa càu nhàu vừa lấy găng tay cẩn thận lau cổ và cái đầu hói. Vị có tuổi này, Tcherviakov nhận ra là Brizjalov, quan chức cao cấp ở Tổng cục đường sắt, hàng ngũ cấp tướng.
" Mình đã làm bắn nước bọt vào ông ấy rồi ", Tcherviakov tự nhủ. Không phải thủ trưởng của mình, ông ấy ở đơn vị khác nhưng dù sao cũng rầy rà lắm. Phải xin lỗi mới được."
Tcherviakov đằng hắng, hơi cúi người ra trước và thì thào vào tai vị tướng:
Thưa Ngài, ngài thứ lỗi cho, tôi trót làm bắn nước bọt vào ngài, tôi không cố ý.
Không hề gì, không hề gì!
Xin ngài tha lỗi cho! Tôi... tôi không muốn thế đâu ạ!
Thôi được rồi! Yên cho tôi nghe chứ!
Tcherviakov bối rối, mỉm cười ngây ngô và ngồi xem tiếp. Anh vẫn xem nhưng không còn cảm thấy khoan khoái, lòng cứ thấy lo âu. Đến giờ giải lao, anh mon men tới gần chỗ Brizjalov, loanh quanh một lúc rồi đánh bạo lắp bắp nói:
Thưa ngài, tôi lỡ hắt hơi vào ngài. Xin ngài tha lỗi cho...Chẳng phải là...
Ôi! Đủ rồi! Tôi đã quên chuyện đó mà anh cứ lãi nhãi nhắc lại mãi, viên tướng bực dọc nói, môi dưới trề ra.
Ông nói đã quên, mà trong mắt ông lộ rõ vẻ cáu kỉnh, Tcherviakov nghĩ, và nhìn viên tướng tỏ vẻ nghi ngại. Ông cũng chẳng muốn nói chuyện. Cần phải giải thích cho ông ấy hiểu là mình chẳng cố ý, chỉ là quy luật tự nhiên thôi, không thì ông ấy nghĩ là mình muốn nhổ nước bọt vào ông ấy... Nếu bây giờ ông ấy không nghĩ thế, thì sau này ông có thể nghĩ...
Về đến nhà, Tcherviakov kể cho vợ nghe chuyện bất nhã vô tình của mình. Ông thấy vợ chẳng quan tâm lắm chuyện đó. Bà hơi lo ngại nhưng khi biết viên tướng ở cơ quan khác thì yên tâm trở lại. 
Dù sao ông cũng nên đến xin lỗi ông ấy, bà bảo ông. Không thì ông ấy nghĩ là ông không biết cư xử đúng mực nơi công cộng.
Chính là thế... Tôi đã xin lỗi nhưng thái độ ông ấy lạ lắm. Ông không nói một lời nào phải lẽ. Mà cũng đâu có thời gian để nói chuyện.
Ngày hôm sau, Tcherviakov mặc bộ lễ phục mới, hớt tóc tử tế rồi đi đến chỗ Brizjalov để thanh minh.  
Bước vào phòng khách, anh thấy có nhiều người ở đó và, ngồi giữa những người xin gặp, viên tướng bắt đầu nghe những lời thỉnh cầu. Sau khi hỏi vài người, Brizjalov đưa mắt nhìn Tcherviakov.
" Ngày hôm qua, tại rạp Arcadie, nếu ngài còn nhớ", anh viên chức bắt đầu lên tiếng, kiểu như đang đọc báo cáo, " tôi đã vô ý hắt hơi vào ngài.   Xin ngài tha... "
Thật vớ vẩn... Thiệt tình..., viên tướng nói...Anh muốn gì nào? Ông hỏi sang người khác.  
   Ông chẳng muốn nói với mình! Tcherviakov tự nhủ, mặt tái xanh. Như vậy là ông đang giận. Không, không thể để xảy ra như thế! Mình phải giải thích rõ!
Khi viên tướng xong việc với người cuối cùng và định quay vào bên trong, Tcherviakov tiến bước về phía ông và lắp bắp nói:
Thưa ngài, sở dĩ tôi xin quấy rầy ngài, chính xác chỉ vì tôi hối hận lắm ạ. Tôi chẳng cố ý làm như thế đâu ạ. Chắc ngài cũng đã rõ.
Viên tướng cau mặt, khoát tay.
Này anh kia, anh muốn giễu cợt tôi đấy hả? Viên tướng nói, và đi khuất vào sau cánh cửa.
Sao lại có chuyện giễu cợt ở đây? Tcherviakov nghĩ. Không có đùa cợt gì cả. Ông là tướng và không chịu hiểu. Đã thế thì mình không đến gặp người cao ngạo này để xin lỗi nữa. Quỷ tha ma bắt ông ấy! Mình sẽ viết thư, nhưng sẽ không đến. Chắc chắn vậy, mình sẽ không đến gặp!
Tcherviakov nghĩ như vậy trên đường đi về nhà, nhưng rồi anh không viết thư cho ông tướng. Anh nghĩ mãi, nghĩ hoài mà vẫn không biết phải viết cái gì, thế là sáng hôm sau anh vẫn phải đến đích thân xin lỗi.
Hôm qua tôi đã đến làm phiền ngài, anh ấp úng nói khi ông tướng nhìn anh dò hỏi, không phải để giễu cợt, như ngài nói. Tôi xin lỗi vì đã hắt hơi làm bắn nước bọt vào ngài. Tôi không nghĩ đến chuyện giễu cợt. Sao tôi dám làm thế được? Nếu cười cợt là tỏ ra thiếu tôn trọng với những bậc bề trên!
Cút đi! viên tướng bỗng quát to, mặt tái xanh, người run lên.
Làm sao ạ, thưa ngài? Tcherviakov thì thào, khiếp sợ.
Cút xéo đi! viên tướng giậm chân lặp lại.
Trong bụng của Tcherviakov như có cái gì vừa bung ra. Không thấy gì, không nghe gì, anh thụt lùi ra phía cửa và chậm rãi lê gót về nhà. Về đến nhà, chẳng buồn cởi bộ lễ phục, người viên chức nằm ngả mình trên ghế dài ... và tắt thở. 



__________________________

(1) Les Cloches de Corneville, vở nhạc kịch ba hồi của Robert Planquette ( 1848-1903), diễn lần đầu tại rạp Théâtre des Folies-Dramatique, ở Paris, ngày 19/4/1877.


THÂN TRỌNG SƠN
Dịch từ bản tiếng Pháp
La mort d'un fonctionnaire 



Aucun commentaire: