samedi 23 mai 2009

SƯƠNG KHÓI




1.- Điện cúp từ sáng sớm, lúc đầu giờ. Từ khi trường dời về đây, hôm nay là lần đầu tiên tôi thấy khu vực thuộc trung tâm thành phố lớn nầy bị cúp điện . Phòng làm việc của tôi nằm ở tầng lửng . Gọi là phòng làm việc cho “oai vệ” một chút, chứ thật ra trước đây chỗ nầy chỉ là một phòng ngủ 3x4 mét vuông, nếu tính cả phòng vệ sinh phía sau nữa thì “giang sơn tôi ngự trị” cũng chỉ rộng khoảng 16 mét vuông, nhưng cũng có cửa kính và cửa sổ để mỗi ngày tôi có thể nhìn xuống cầu thang hình xoắn ốc trống vắng tiếng chân và bóng người , để mà ngậm ngùi nhớ lại thời vàng son của trường những năm 1985 đến 1995, tức là từ 10 năm đến 20 năm về trước; có tủ âm tường đủ lớn để tôi có thể nhốt hết những đống hồ sơ giấy mỏng và vàng khè có số tuổi thọ xấp xỉ bằng thâm niên công tác của tôi tại trường nầy. Di chuyển từ trú sở cũ về đây, mọi thứ đều có thể vứt bỏ cho nhẹ bớt hành trang, nhưng hồ sơ kế toán thì không thể bỏ được, ít ra là đối với những hồ sơ trong vòng 10 năm trở lại đây :”thập niên thời hiệu” mà! Với lại, đối với hồ sơ kế toán, mọi thứ không phải chỉ là đống giấy tờ vô tri vô giác. Chúng biết nói cả đấy! Chúng có ngôn ngữ riêng của chúng mà chỉ có người trong cuộc mới đọc hiểu được. Chúng gắn liền với nhiều kỷ niệm khó quên của tôi.


2.- Tôi dò dẫm bước lên cầu thang và mở cửa phòng. Theo quán tính, tôi thò tay bật công tắc điện rồi sực nhớ ra, tôi cười thầm mình lẩm cẩm. Tôi bước ra sau mở toang cánh cửa phòng toilette để cho ánh sáng bên ngoài hắt vào phòng qua mấy ô kính mờ trên cao. Tôi ngồi vào bàn, bất động một lúc để cho cặp mắt có đủ thời gian làm quen với ánh sáng hắt hiu nhợt nhạt đang len vào phòng, thứ ánh sáng mà tôi vẫn thường thấy xuất hiện ở các bông gió trên bức tường trông ra đường phố mỗi buổi sáng khi những hồi chuông nhà thờ đột ngôït đánh thức tôi.

Tại thành phố nầy từ lâu mọi người đã quá quen với những lần cúp điện “ngang xương” như vậy . Người ta đón nhận sự kiện dó một cách thản nhiên và cam chịu,xem đó cũng giống như là một trong những hiện tượng tự nhiên của đất trời, như đang nắng chợt ào ào đổ mưa, đang sáng bỗng tối sầm…

Tôi không biết chừng nào có điện trở lại, tuy vậy tôi cũng không dám bỏ về. Nhưng tôi cũng không thể làm việc trong tình trạng không có điện được,huống chi phần lớn công việc của tôi là làm trên máy. Ánh sáng nhợt nhạt như thế nầy thích hợp cho sự mơ mộng hơn.

Sổ sách, hồ sơ, những bản thống kê, kế hoạch, báo cáo ,… tất cả những thứ khô khan và lỉnh kỉnh trước mắt tôi đây đã đeo bám lấy tôi ngày nầy qua tháng khác như một định mệnh u buồn, ảm đạm gần suốt nửa đời rồi !

Một cách máy móc tôi lật từng cái một đống hồ sơ trên bàn : Mắt tôi bỗng dừng lại một tấm hình phụ nữ để trong bìa “hồ sơ đang giải quyết”. Sực nhớ ra đây là ảnh nàng mà tôi đã in ra từ máy vi tính, tôi cầm tấm hình lên ngắm nghía : Vẫn khuôn mặt trái soan, tóc ngắn kiểu “Lollo úp vô”, chiếc mũi thẳng và kín, đôi môi mềm và thật ướt, còn đôi mắt thì phải nói là “buồn như cuộc đời”… nhưng sao hôm nay trông người trong ảnh có vẻ gì là lạ.Tôi nhớ lần đầu ngắm tấm ảnh nầy tôi chú ý ngay đến cặp mắt. Cặp mắt buồn u uất, vừa toát ra nét cương nghị của một phụ nữ biết tìm cách vượt qua những khó khăn của cuộc sống, vừa phảng phất vẻ yếu đuối nhi nữ thường tình. Tôi đã tự hỏi không biết khách má hồng nầy có gặp nhiều nỗi truân chuyên không đây?

Nhưng cái “vẻ là lạ” mà tôi chợt phát hiện khi ngắm nhìn tấm hình nàng hôm nay có lẽ là do cái dáng ngồi hơi nghiêng đầu, cằm tựa nhẹ vào hai bàn tay xếp chồng lên nhau, còn khuỷu tay thì chống xuống bàn. Dáng vẻ nầy thoạt đầu tôi cho là của một người đang trầm tư, nhưng hôm nay tôi lại thấy thoáng một chút tinh nghịch , cái vẻ tinh nghịch thường thấy nơi các cô gái thông minh và dạn dĩ. Tấm ảnh đó nàng đã gởi cho tôi qua thư điện tử, với lời rào đón kín kẻ như hàng rào kẽm gai nhưng rất chân tình, cởi mở : “Dặn dò anh, Vân biết là thừa : anh xem hình một mình thôi nhé . Vân biết gởi hình cho anh như thế nầy có thể bị hiểu lầm, nhưng… anh thông cảm là đủ!”

Lần đầu tiên tôi “biết mặt” nàng là như vậy đó. Còn trước đó, chúng tôi “gặp” nhau rất tình cờ. Nhân dịp nàng về thăm quê, có người gởi quà cho tôi nhờ nàng đem đến nhà. Nàng có đem quà về, nhưng không tìm gặp tôi để giao tận tay mà lại gửi ở nhà một người em họ của nàng trước khi trở lại nơi định cư. Thế rồi chẳng biết bằng cách nào nàng dò được địa chỉ “i-meo” của tôi để viết thư phân trần :”Vân làm mất tờ giấy ghi số nhà và số phone của anh nên đành quay về với sứ mệnh không hoàn thành nên lòng chẳng an… Vân với anh quả là chẳng có duyên gặp gỡ!” Thế rồi thư qua thư lại, cuối cùng tôi cũng nhận được gói quà, do em nàng đem đến nhà. Tôi ngạc nhiên nghe em nàng nói giọng Huế . Trong thư cám ơn, tôi viết thêm một câu thật lòng :” Xa Huế đã lâu , nay bỗng nhiên được nghe lại một giọng Huế đặc sệt, tôi thấy ấm lòng dễ sợ!”. Thế là nàng phúc đáp ngay :” Vân không phải người Huế đâu anh. Nhưng Vân biết tiếng Huế, biết nhiều nữa là đằng khác .Vân còn nói được giọng Huế … hơi trọ trẹ. Để Vân gởi anh đọc một bài viết của Vân đã được đăng trên các báo bên nầy. Anh đọc rồi sẽ hiểu tại sao Vân biết tiếng Huế , yêu tiếng Huế , thứ tiếng trước kia rất xa lạ đối với Vân, xa lạ đến nỗi Vân đã từng tuyên bố với bạn bè :

“ Ai ra xứ Huế thì ra ….. còn tôi thì không!”


Quả thật tôi không tài nào hiểu được sự tình cờ nào, cơ duyên nào đã khiến nàng nhanh chóng thay đổi thái độ từ thờ ơ với Huế đến chỗ có cảm tình với Huế , từ chỗ đang ngoảnh mặt quay lưng với Huế, đang dị ứng với Huế, bỗng trở nên ân cần, thân thiết, gần gũi với bất cứ ai, bất cứ cái gì , việc gì có dính dáng đến Huế, có liên quan xa gần đến Huế. Tôi chẳng hiểu tại sao bỗng dưng nàng say mê tìm đọc những sách báo viết về Huế, nàng cố gắng học thuộc những câu ca dao tục ngữ nói về con người Huế, tính cách Huế, sinh hoạt xã hội ở Huế v.v… Sau đó nàng tập ăn và tập nấu những món ăn Huế như bún bò giò heo, cơm hến, bánh tráng xúc mít trộn, vải trộn v.v… Chẳng bao lâu nàng đã trở thành một phụ nữ Huế, ít ra là dưới mắt bạn bè.


3.- Nói về sự thay đổi đó, trong một thư điện tử, nàng viết : “ Anh Trọng biết không, lúc trước Vân không ăn được nước mắm và không ăn được ớt đâu. Vân sợ ớt từ lúc còn bé cơ . Số là trong một bữa ăn,lúc ăn rau sống, chị của Vân đã cắn nhầm một trái ớt .Thật khủng khiếp. Cho đến bây giờ Vân vẫn còn nhớ rất rõ vẻ hoảng hốt cuống cuồng của chị lúc đó. Đang ăn, bỗng chị “ối” một tiếng rồi buông vội bát đũa , chạy như bị ma đuổi xuống bếp , ho sặc sụa.Vân lật đật chạy theo chị, không biết chuyện gì xẩy ra.Vẻ mặt của chị trông thật thảm thương , nước mắt nước mũi lòng thòng, mặt đỏ gay, miệng thì vừa xuýt xoa vừa kêu : nước! nước !Vân chẳng hiểu gì cả, nhưng khi mẹ Vân cuống quít bảo :” Mau rót cho nó một cốc nước, nó cắn phải trái ớt mọi đó” thì Vân mới biết sự lợi hại của những quả ớt bé tí tẹo kia.Từ đó chỉ mới nhìn thấy trái ớt thôi là Vân đã sợ rồi, có cho vàng cũng chẳng dám đụng tới!”

“ Còn nước mắm. Vân cũng không nhớ vì sao từ nhỏ Vân đã rất sợ nước mắm. Mâm cơm trong gia đình không bao giờ có chén nước mắm , vì hễ có mùi nước mắm là Vân hết muốn ăn cơm. Các món ăn đều được nêm bằng nước tương thay vì nước mắm. Nước tương thì Vân chịu được, không dị ứng. Trong bữa ăn ai cần nước mắm thì cứ việc xuống bếp mà tự phục vụ. Chẳng có ai phản đối hay phàn nàn gì về điều đó cả vì cả nhà ai cũng cưng chìu Vân . Lâu dần thành quen, hình như trong nhà không ai còn nhớ còn thèm món gia vị ấy nữa. Ba của Vân thường mắng yêu :” Nước mắm là món “quốc hồn quốc túy”mà con không dùng được, lớn lên chắc mày ở giá thôi con ạ” Lúc đó Vân mắc cỡ nên bỏ chạy không trả lời Ba.Nhưng tối đến nằm suy nghĩ, Vân thì thầm một mình :”Con thà ở vậy suốt đời chứ lấy chồng mà phải ăn nước mắm thì con không thể,con không chịu được đâu Ba ạ. Hoặc con ở giá, hoặc người nào muốn làm chồng con thì phải lập tờ cam kết suốt đời suốt kiếp không ăn nước mắm, thì con mới chịu lấy.”

Rứa mà, anh Trọng biết không, Vân đã ăn được nước mắm hơn 2 năm nay rồi. Hơn thế nữa, Vân còn ghiền nước mắm xắn ớt nữa đó.Anh muốn biết lý do à? Không nói cho anh biết đâu!”

“Không nói đâu” nghĩa là dần dà nàng nói hết! Khi yêu, hình như phụ nữ nào cũng tìm cách chia sẻ tâm sự với một người thứ ba mà họ tin cậy. Chưa thổ lộ được tâm sự thì ngủ chưa yên. Thổ lộ được rồi mới thấy thanh thản, thoải mái, thôi thì ca hát líu lo suốt ngày, lòng như mở hội.

Lý do nàng quay 180 độ từ chỗ đang sợ nước mắm trở thành thích ăn nước mắm thật ra chẳng có gì khó hiều. Chẳng có phép lạ nào ở đây cả. Cũng chẳng giống như trường hợp một anh kia – vốn rất ghét thịt cầy – vô tình ăn phải thịt cầy ngày nầy qua ngày khác mà cứ ngỡ là thịt dê, ăn riết đâm ghiền , đâu biết rằng đó chính là thịt “mộc tồn “ mà vợ anh nói dối là thịt dê để gạt anh (1).

Trường hợp của nàng không phải thế – không phải do phép lạ, cũng không phải bị ai gạt, ăn lâu rồi thành quen , hết dị ứng. Thế thì chỉ có một sức mạnh ghê gớm lắm mới có thể làm thay đổi con người nàng . Phải, đó là sức mạnh của tình yêu.

“Thương ai thương cả đường đi…”

Đường đi còn được thương lây, huống chi cái ăn cái uống!



(1) Câu chuyện đánh tráo khái niệm “dê” / “chó” nầy như sau : Có hai vợ chồng kia nhà nghèo, anh chồng thèm ăn thịt dê nhưng không có tiền mua. Chị vợ nghĩ ra cách làm thịt cầy cho chồng ăn, nhưng nói dối là thịt dê. Anh chồng khen ngon, đòi ăn “thịt dê”â mãi. Bữa nào không có thì thèm lắm, biểu vợ kiếm mua cho bằng được. Ít lâu sau, chồng hỏi :

- “Mình ơi, nhà ta nghèo khó, mình lấy đâu ra tiền mà ngày nào cũng đãi tôi thịt dê thế ? Chị vợ rơm rớm nước mắt :

- Em xin lỗi mình. Em đã nói dối. Em làm gì có tiền để mua thịt dê. Thịt cầy đó.

- Trời đất! Mình nói thật chứ?

- Thật đó ! Trước đây mình vẫn cho rằng ăn thịt cầy vừa tội lỗi, vừa kém văn minh, lại vừa tỏ ra mình quá tầm thường, quá thô tục trong cái ăn cái uống. Còn bây giờ mình nghĩ thế nào? Mai mình còn muốn ăn món “thịt dê” đặc biệt nầy nữa không?

- Có chứ! Ăn chứ ! Ngon mà ! Qua bàn tay nột trợ đảm đang của mình, món gì mà chẳng ngon ! Có dở cũng trở thành ngon ngay ! Thịt cóc cũng ngon!

- Mình chỉ được cái tài nịnh là không ai bằng !

- Còn cái tài ăn “thịt dê” nữa chứ !



4.- Trong một thư điện tử khác, Vân viết :” Thú thật với anh Trọng, Vân gặp Huy rất tình cờ, trong một buổi mạn đàm về văn chương. Thái độ nhã nhặn, cách ăn nói văn vẻ nhưng khiêm tốn của “anh chàng Huế” ấy khiến Vân chú ý. Rồi ngạc nhiên. Ngạc nhiên với chính mình. Thì ra cái mớ phương ngữ “răng mô ri tê” mà xưa nay Vân rất “dị ứng”, hôm nay nghe cũng chẳng đến nỗi nào! Cũng hay hay ! Nhất là qua giọng nói ấm áp gợi cảm kia, tiếng Huế nghe cũng “dễ thương” quá đi chứ ! Cuối buổi sinh hoạt, Vân cố chen lên đằng trước để trêu chàng Huế bằng một câu mà Vân cố ý phát âm các từ có dấu sắc, hỏi, ngã đều thành dấu nặng, nghe ngây ngô và khó chịu như người miền thượng phát âm tiếng Việt.

Thật không ngờ, chàng Huế chẳng mảy may để ý gì đến sự “chọc quê” của Vân mà chỉ mỉm cười rất hiền lành , không nói gì. Thú thật với anh, lúc đó Vân ức lắm. Không ngờ đàn ông Huế nghèo đến nỗi một câu nịnh đầm cũng không có !



“ Trở về nhà đêm hôm ấy Vân trằn trọc mãi. Từ khi bắt đầu “trổ mã” cho đến nay, chưa bao giờ Vân bị “coi thường” đến như vậy. Từ khi biết làm dáng, biết “điệu”, Vân đã quen với những sự săn đón, theo đuổi, mời mọc, chìu chuộng (và nhiều khi cả tán tỉnh nữa) của rất nhiều những chàng trai đã quen cũng như chưa hề quen biết . Dường như bất cứ ai hễ đã gặp Vân là đều muốn nhanh chóng “bắt được “ Vân ngay. Và mặc dầu với ai Vân cũng đối xử như nhau, rất chừng mực, rất dè dặt, tránh những cử chỉ hay lời nói thân mật tuy rất tự nhiên nhưng có thể gây ngộ nhận , thế mà Vân vẫn có cảm tưởng rằng người nào trong bọn họ cũng chủ quan cho rằng Vân đã là “của họ” rồi. Có người còn cư xử như muốn quản lý mọi giao thiệp của Vân nữa. Họ bảo Vân phải làm thế nầy, không được làm thế nọ. Vân thấy vừa tức cười vừa bực mình quá . Họ khiến Vân nghĩ đến mấy câu thơ của Nguyễn Bính :


…. Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười

Những lúc gần tôi

Và mắt chỉ

Nhìn tôi những lúc tôi xa xôi…


Vân biết chỉ tại trời cho Vân có chút nhan sắc nhưng mọi chuyện xẩy ra khiến Vân e ngại. Vân nghĩ rằng có lẽ Vân sẽ phải khổ (hồng nhan đa truân mà!) và Vân cho rằng không ai thương yêu gì Vân đâu. Họ chỉ yêu bản thân họ đó thôi. Nói rõ hơn, họ chỉ theo đuổi Vân để thỏa mãn tính tự cao tự đại và bản năng muốn chinh phục của họ mà thôi.

Vì vậy, đối với mọi người, cho đến nay Vân chỉ đáp lại bằng một thái độ chừng mực, không quá thờ ơ lạnh nhạt để khỏi mang tiếng kiêu kỳ mà cũng không quá vồn vã thân mật để khỏi gây hiểu lầm tai hại. Nhiều khi lỡ nói với ai một câu thân mật hoặc vô tình nhìn ai hơi lâu một tí là cứ y như rằng câu nói ấy, cái nhìn ấy lập tức bị “giải mã “sai lệch ngay.Đàn ông là chúa ưa hiểu lầm , phải không anh? (không biết có anh trong số đó không nhỉ?)

Thế mà…… anh Trọng ơi, Vân không ngờ lần nầy có một người chẳng thèm quan tâm gì đến Vân cả. Vân đứng sừng sững trước mặt anh ta mà anh ta coi như …khúc cây, hay cái cột. Thật không ngờ người mà Vân định chọc quê lại chẳng “quê” chút nào cả, mà chính Vân mới là kẻ bị “quê”.

“ Hôm đó Vân trở về nhà vừa hoang mang vừa buồn bực mà không rõ lý do. Vân trở nên hay gắt gỏng một cách vô lý với mọi người trong nhà và tự nhiên thấy không thích đi ra ngoài nữa . Suốt ngày Vân cứ thui thủi trong phòng, đến giờ cơm nghe mẹ gọi mới ra khỏi phòng.Nhưng cũng kể từ đó Vân cố học để mong trở thành một người Huế, hay ít ra để cho giống với mẫu người Huế, càng giống nhiều chừng nào tốt chừng đó. Anh có cười Vân không đó ?

“ Bẵng đi một thời gian, cho đến một hôm………

Hôm ấy hội tổ chức một buổi văn nghệ. Vân sẽ đóng góp một tiết mục đơn ca (vì là hoạt động từ thiện nên Vân không thể khước từ được). Vân hoạt động văn nghệ đã khá lâu và trong cái thành phố nhỏ bé nầy hình như hầu hết mọi người đều biết đến Vân như một phụ nữ có nhiều” nghề mọn riêng tay” : ca hát, sáng tác nhạc, làm thơ, viết truyện ngắn, … nói như một người bạn nhà báo “mâm nào cũng có Vân” . Rứa mà không hiểu sao hôm ấy trước giờ trình diễn Vân thấy hồi hộp dễ sợ. Vân có tâm trạng như một thí sinh lần đầu tiên tham dự hội thi. Có lẽ linh tính đang mách bảo cho Vân biết có một điều kỳ diệu nào đó sắp xẩy ra.

Quả nhiên đúng như vậy. “Điều kỳ diệu” là một mảnh giấy viết vội của Huy, do một cậu bé mang đến dúi vào tay Vân rồi bỏ chạy . Mảnh giấy vỏn vẹn chỉ có hai câu ngắn ngủi (mà sau đó Vân đã đọc đi đọc lại cả trăm lần không thấy chán). Câu thứ nhất Huy xin lỗi bận họp không đến nghe Vân hát được. Câu thứ hai nửa như dặn dò, nửa như kỳ vọng, nhưng rất thân thiết :” Gắng hát thật hay em nhé !”.Anh Trọng, nếu Vân nói rằng hôm ấy Vân đã không thể hát được, chứ đừng nói chi đến chuyện “hát cho thật hay”, thì anh có tin không?

Quả thật hôm ấy Vân đã cố gắng hết sức để bước lên sân khấu, nhưng khi cầm lấy micro Vân không còn nhớ gì để hát cả.Trước mắt Vân chỉ là hình ảnh một anh chàng Huế có khuôn mặt chữ điền với đôi mày rậm che khuất cặp mắt sâu hun hút, buồn da diết và xa xăm như cổ tích mẹ kể thời thơ ấu . Căp mắt có tia nhìn rất hiền lành nhưng lại làm cho Vân thấy bủn rủn . Vân ràn rụa nước mắt, thổn thức không nói được lời xin lỗi với khán thính giả. Vân chạy bay ra xe, phóng như điên như cuồng , bất chấp tiếng la ó của đám đông và sự hoảng hốt của ban tổ chức buổi diễn. Về đến nhà, Vân chạy biến ngay vào phòng, để nguyên quần áo trên người, sà xuống giường úp mặt vào gối khóc ngon lành như chưa bao giờ được khóc . Vừa sung sướng vừa mệt mỏi, Vân ôm trọn câu nhắn gởi “Gắng hát thật hay em nhé” đi vào giấc ngủ ………………

Ai ngờ đâu….. anh Trọng quí mến, anh có thể tưởng tượng nổi không, anh có thể ngờ được không: ngay khi Vân nghĩ là Vân đã gặp người trong mộng thì bất hạnh đã ập đến.Khi Vân vừa tìm được tình yêu, chưa kịp đưa tay ra để nắm bắt lấy nó thì tình yêu bỗng vuột mất, đã bay xa về nơi vô cùng vô tận, không còn cách nào tìm gặp lại được nữa, anh Trọng ạ.

Một đêm cuối tháng 7 dương lịch. Phải, cuối tháng 7, khoảng một tuần sau khi Vân nghe tin Huy về VN dự Festival Huế. Đêm hôm đó Vân nằm chiêm bao. Trong mơ Vân thấy Huy xuất hiện ở ngoài khung kính cửa sổ phòng Vân, đăm đăm nhìn Vân bằng một ánh mắt lạ lắm. Vân hoảng sợ định la lên nhưng không la được. Bóng Huy ở cửa sổ nhạt nhòa dần rồi mất hẳn , nhưng Vân còn kịp trông thấy một bàn tay đưa vẫy như muốn chào từ biệt. Vân giật mình tỉnh dậy, mồ hôi ướt đẫm cả người. Vân chạy đến cửa sổ nhìn ra ngoài. Trời tối đen như mực, Vân chẳng thấy gì ngoài một đốm sáng đang bay vút về phía cuối trời. Vân nghĩ có lẽ đó là một vì sao băng , và Vân chợt rùng mình, cảm thấy lành lạnh nên vội đóng kín cửa sổ . Vân trở vào cố ngủ tiếp nhưng không tài nào ngủ đươc nữa. Lúc đó Vân không dám nghĩ đến một điều xui xẻo có thể đã hoặc sắp sửa xẩy ra với Vân. Vân thấy bồn chồn, bứt rứt thế nào ấy!

Những điều Vân lo lắng lại là sự thực, anh Trọng ạ. Tờ báo sáng hôm ấy đã cho Vân biết điều mà Vân không dám nghĩ tới và không dám tin :


“Tai nạn máy bay vừa xẩy ra hôm qua ở VN. Một chiếc Air bus chở 123 người gồm hành khách và phi hành đoàn từ thành phố D. đi S. đã rớt ở tại một vùng rừng rậm gần thị xã P. Hành khách trên máy bay gồm 2 người Anh, 7 người Hàn quốc, 1 người Nhật , 11 người Trung quốc , 6 người Pháp , 1 người Thái Lan, 1 người Malaysia, 15 người Mỹ gốc Việt, số còn lại là người Việt Nam. Phần lớn trong số họ là khách du lịch. Một số khác vừa tham dự Festival Huế trở về. Tất cả nạn nhân đều được ghi nhận là mất tích. Chưa rõ nguyên nhân xẩy ra tai nạn. Cuộc điều tra đang được nhà đương cuộc sở tại tiến hành.”

Anh Trọng, đó là sự nghiệt ngã của định mệnh phải không ?


5.- Trong lá thư điện tử cuối cùng gởi cho tôi, nàng cho biết nàng đã quyết định sẽ theo đoàn thiện nguyện trở về VN tìm đến các trại cùi để chăm sóc và an ủi những kẻ bất hạnh đang sống trong sự lãng quên của cuộc đời đầy phong ba bão táp nầy . Họ đang rất cần tình thương . Nàng viết :”Đây có thể là một chuyến đi dài ngày và như vậy chắc là Vân sẽ lỗi hẹn với anh. Sẽ không còn có dịp:


……Bên tách cà phê góc quán nhỏ,

Xin một lần trút hết những niềm riêng


như đã hứa .Nhưng dù sao thì Vân cũng đã trút gần hết nỗi niềm tâm sự với anh rồi . Vân chỉ xin anh, nếu có thể được, làm giúp Vân một việc. Tháng tới có người quen về VN. Vân sẽ gởi anh giữ giùm Vân cuốn nhật ký .Đến ngày giỗ đầu của Huy (chắc anh không quên : ngày 23 tháng 7)anh lên chùa V.P đường L.Đ.H quận 11 – Vân được biết tất cả 15 bình cốt của 15 Việt kiều tử nạn trong chuyến bay định mệnh ấy đều được đem về thờ ở chùa Huế nầy nếu thân nhân của họ không có quyết định khác – anh sẽ thắp giùm Vân 3 nén hương cúng anh ấy, xong thay vì đốt vàng mã, anh đốt giùm Vân cuốn nhật ký của Vân. Vân tin rằng ở bên kia thế giới, Huy sẽ đọc và sẽ thấu hiểu được nỗi lòng của Vân….”


Cuốn nhật ký ấy tôi đã nhận đươc. Nó được bọc cẩn thận trong bao bì nylon. Ngoài bìa màu đỏ có ghi nắn nót một câu tiếng la tinh :

“In imagine per transit homo”


Dưới hàng chữ là hai chữ cái V và H viết lồng vào nhau theo kiểu chữ gothique rất đẹp. Trên góc trái bìa tôi thấy có gắn một chiếc băng đen nhỏ hình bình hành, loại băng tang mà người ta thường cài trên ngực áo.

Cầm cuốn nhật ký trong tay tôi thấy ngậm ngùi. Tôi rất muốn giở ra đọc nhưng tôn trọng sự riêng tư của nàng, tôi không dám.

Tôi nghĩ đến đôi mắt buồn u uất và tự hỏi không biết giờ nầy nàng đang làm công tác từ thiện trong trại cùi nào : Qui Nhơn, Huế hay ở tận miền Bắc xa xôi?

Miệt mài với công việc, liệu nàng có thể quên được mối tình vừa thầm lặng vừa sôi nổi đó không? Điều nầy tôi không biết. Nhưng có điều tôi biết chắc chắn là mai mốt đến ngày 23 tháng 7 tôi có thể lên chùa V.P, có thể thắp nhang tưởng niệm, nhưng tôi sẽ không thể cúng Huy và đốt cuốn nhật ký của nàng tại chùa như nàng dặn. Vì một lý do thật đơn giản : Huy không có tên trong số 15 người có cốt thờ ở chùa. Huy cũng không có tên trong danh sách 123 nạn nhân vụ rớt máy bay ngày 23 tháng 7 định mệnh.

Huy có về VN, có ra Huế dự Festival nhưng anh đã không vào D. cùng ngày với nhóm 15 Việt kiều và do đó không đi cùng chuyến bay với họ. Anh đã nán lại H. 1 ngày để liên hệ với nhà xuất bản T.H bàn về việc cho ra đời tập truyện ngắn thứ hai của anh. Tập truyện có tựa đề : “Tìm về kỷ niệm”

Tôi biết tin nhà văn Phan Tường Huy thoát chết khi Vân đã lên đường thực thi nhiệm vụ thiêng liêng cao quí của nàng. Tôi suy nghĩ mãi về việc có nên tìm cách báo cho Vân biết tin Huy còn sống không. Cuối cùng tôi quyết định giữ im lặng. Có lẽ như vậy sẽ tốt hơn. Cho Vân và cả cho Huy.

*

*

Ngày đã sắp hết mà điện vẫn chưa có . Tôi khép cửa phòng để ra về, lòng cảm thấy bồi hồi như vừa khép lại vĩnh viễn một câu chuyện tình không có khởi đầu cũng chẳng có kết cuộc, nhưng mà đẹp và thật buồn, buồn như cuộc đời !



THÂN TRỌNG THỦY

Trung thu năm Giáp Thân




Aucun commentaire: