samedi 4 avril 2009

VỀ HIỆN TƯỢNG THƠ BÚT TRE



Có người gọi là trường phái thơ Bút Tre, có người lại nói dòng thơ Bút Tre, tuy không hề có lý thuyết, tuyên ngôn, không hề có chủ soái, thủ xướng phong trào, đơn giản chỉ vì cứ nghe những câu như thế này thì ai cũng biết : thơ Bút Tre đó :


Thi đua ta quyết tiến lên

Tiến lên, ta quyết tiến lên hàng đầu

Hàng đầu không biết đi đâu

Đi đâu không biết hàng đầu cứ đi


Con đò dịch đít sang ngang

Bên kia có một cái làng thò ra.


Anh đi chiến dịch bản Mường

Tè xong rồi lại tìm đường về xuôi.


Phụ nữ thường rất hay lươi

Ri êng em anh thấy là người cần cu.



Thơ Bút Tre tất nhiên là thơ của tác giả Bút Tre nhưng đồng thời cũng là thơ của … ai đó không biết làm theo kiểu Bút Tre ( những câu trên thuộc cả hai trường hợp này).


Bút Tre tên thật là Đặng Văn Đang ( 1911-1987 ), người xã Đồng Lương, Sông Thao, Vĩnh Phú. Từng đỗ Tú tài Pháp, từng viết báo, in sách, dạy học, từng công tác trong ngành văn hóa, có khi lên đến chức trưởng ty. Và công việc này hẳn là nhiều lúc yêu cầu Ông phát biểu ý kiến, mà Ông lại thích phát biểu bằng … thơ. Đại loại như thế này, nói về nhiệm vụ của ngành văn hóa hoặc ca ngợi lao động sản xuất, hô hào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp :


Bây giờ đang đứng trưởng ty

Bút Tre thơ phú tôi thì có sau

Cuối cùng xin nhắc một câu

Văn hóa cơ sở là đầu chúng ta.


Ông Khiêm kể cũng đã tài

Trong chuồng sáu lợn có vài con to

Ông Lai theo Đảng dặn dò

Chuồng ông bảy lợn chăm cho béo tròn.


Những câu “thơ” như thế chắc là không sống được lâu, nhưng Ông vẫn tiếp tục làm và nhiều lúc là ứng tác, kịp thời phản ánh một sự kiện, ca ngợi một nhân vật nào đó :


Anh đi đồng ruộng lắng nghe

Lúa mừng phân bắc, khoai che mảnh vườn.

( Anh đây là Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương Nguyễn Chí Thanh ).


Chú sang công tác bảo tàng

Đó cũng là việc cách màng giao cho.


Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên

Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về.



Nhiều người thấy là lạ, ngồ ngộ cái kiểu thơ đó : hình ảnh, chữ nghĩa bất ngờ, ngắt câu hạ chữ độc đáo, và nhất là cái lối đổi thanh, đổi dấu cho hợp luật trắc bằng. Mà thú vị nhất là những câu như thế chỉ được “xuất bản miệng” cho nên thiên hạ mặc sức “tái bản” và tự dành quyền chỉnh sứa, thêm thắt . Nếu “anh đi đồng ruộng lắng nghe” có người không biết anh nào đây thì cứ nói rõ ra :


Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh

Anh về phân bắc phân xanh đầy đồng.


Và từ đó hoan hô tiếp :


Hoan hô đồng chí Phạm Tuân

Bay vào vũ trụ một tuần về ngay.


Hoan hô đồng chí Trần Hoàn

Lên làm bộ trưởng chiếu toàn phim hay !


Hoan hô bác Võ Chí Công

Cho làm khoán hộ ruộng đồng tốt tươi.


Chẳng thấy ai đòi bản quyền, mà thật ra làm sao biết được ai là tác giả đầu tiên, cứ thấy thích thì mô phỏng và sáng tác thêm, và cứ thế dần dà lúc này lúc khác, chỗ nọ chỗ kia lan truyền những bài thơ, câu thơ kiểu như vậy để hình thành một hiện tượng gọi là thơ Bút Tre dân gian. Qua bao nhiêu bài được phổ biến ta có thể rút ra mấy đặc điểm sau đây :



1. Đầu tiên là việc sử dụng những hình ảnh sáng tạo, bắt nguồn từ những liên tưởng bất ngờ, có khi tưởng như ngây ngô nhưng ngầm dụng ý gây cười :


Tiễn anh lên bến ô tô

Đêm về em khóc ... tồ tồ cả đêm


Nhớ quê ra đứng đỉnh đèo

Bỗng đâu thấy một chú mèo gâu gâu

Dừng chân đứng lại trên cầu

Bỗng đâu thấy một con trâu vàng vàng


Hôm nay trên quốc lộ hai

Thể nào cũng có một vài ô tô.


Ta đi bầu cử tự do

Chọn người xứng đáng mà cho vào hòm


Anh đi giường chiếu lặng câm

Anh về giường chiếu reo ầm cả lên

Anh đi em bấm đốt tay

Anh về em bấm chỗ này chỗ kia.



2. Thứ hai là những câu thơ viết sai vần. Nên biết rằng luật thơ lục bát thường yêu cầu phải có vần : chữ thứ sáu của câu “lục” phải cùng vần với chữ thứ sáu của câu “bát”, rồi chữ cuối của câu “bát” lại vần với chữ cuối của câu “lục” tiếp theo.


Cô em má đỏ hồng hồng

Buôn xuôi bán ngược có chồng hay chưa ?

Xe đò ai đón ai đưa ?

Mà em đi sớm về trưa một mình. ( Bàng Bá Lân ).


“Hồng” và “chồng”, “chưa”, “đưa” và “trưa” : tất cả đều cùng một âm, như thế là vần chính.


Đèo nhau ta dạo phố vui
Thong dong xe đạp ngược xuôi dòng đời
Chở theo khúc khích tiếng cười
Chuyện trò như thể không người chung quanh. ( Diệp Minh Tuyền )


“Vui” và “xuôi”, không cùng âm mà chỉ tương tự,“đời” và “cười” cũng vậy, như thế gọi là vần thông.


Còn không cùng âm mà cũng không có âm tương tự thì đích thị là thơ lạc vận, thơ sai vần.


Phải đâu muốn được ai yêu

Là tôi cứ nói dông dài trước sau . ( LMQ)

( Muốn cho có vần thì viết : Là tôi cứ việc nói nhiều nói dai, chẳng hạn.)


Lạc vận có thể vì bí, có thể vì trọng ý tứ nên hy sinh vần điệu. Nhưng thơ Bút Tre thì lạc vận một cách cố ý, để cho người đọc tự sửa lại cho có vần :


- Khen thay giám đốc sở mình

Làm việc thì ít xuất… ngoại thì nhiều.


- Đồ Sơn sóng biển dập dồn

Mấy cô thiếu nữ ngứa chân chạy quanh. ( hoặc : … ngửa lưng ra phơi ).


( Thì cũng giống như Vân Tiên ngồi cạnh bụi môn / Chờ cho trăng khuất bóp …chân Nguyệt Nga , chọn chữ nào cho hợp vần ở đây thật là gay, chả thế mà người ta dặn nhau : “Làm thơ nên tránh vần ‘ôn” / Uống rượu nên tránh làm ồn nói to ! )


- Trên cành con khỉ đánh đu,

Có anh cán bộ vạch cây bên đường.


( Hai câu này khiến ta liên tưởng đến khổ thơ đầu của bài “Con cá nhỏ và người đánh cá ”, Nguyễn Văn Vĩnh dịch thơ ngụ ngôn La Fontaine :


Miễn là cá sống dưới hồ

Cỏn con cũng có ngày to kếch xù

Nhưng mà cá đã cắn cu

Thả ra tôi nghĩ còn ngu nào tày.

“cắn cu” nghĩa là “cắn câu ” ! )


3. Đổi dấu các chữ cho hợp luật thơ ( Tam Đao hiểu là Tam Đảo, cần cu thay cho cần cù …) bởi lẽ thơ lục bát yêu cầu viết đúng luật bằng (B) trắc (T) .


Câu lục : Các chữ thứ 2, 4, và 6 : - B – T – B

Câu bát : Các chữ thứ 2, 4, 6, và 8 : - B - T – B – B


Mặt khác, hai chữ thứ 6 và 8 của câu bát tuy cùng là Bằng nhưng phải khác thanh, nếu chữ thứ 6 không dấu ( phù bình thanh ) thì chữ thứ 8 phải dấu huyền ( trầm bình thanh ), và ngược lại.

Bốn câu thơ sau đáp ứng tất cả yêu cầu về bằng trắc và về thanh nói trên :


Nắng chia (B) nửa bãi (T) chiều rồi (B)

Vườn hoang (B) trinh nữ (T) khép đôi (B) lá rầu (B)

Sợi buồn (B)con nhện (T)giăng mau (B)

Em ơi (B)hãy ngủ (T) , anh hầu (B) quạt đây (B). ( Huy Cận )


Cái việc sửa dấu thế này trong thơ Bút Tre có lúc làm cho chữ mang một nghĩa khác :


Một lần đến nghỉ Tam Đao,

Loanh quanh không biết chỗ nào để ngu.

Một giường bố trí hai cù

Mỗi cù kiếm một cái mu gối đầu. ( hoặc : Sướng khô đành chịu đến chu nhật về ).


Ngày nay khắc phục gian kho

Ngày mai mới có ấm no tương lài.


Liên Xô rất đỗi tự hào

Anh Ga-ga-rỉn bay vào vũ tru.


Đoàn vừa ghé xuống Mũi Ne

Ngó ra thấy những chiếc ghe thật bừ.


4. Ngắt câu, xuống dòng bất ngờ. Dòng trên chưa hết ý, phải đọc tiếp dòng sau mới hiểu, kiểu như ” Lúa ở đồng tôi và lúa ở / Đồng nàng và lúa ở đồng quanh” - Nguyễn Bính ).


Nhớ nhung về thị xã Phan

Thiết tha tơ tưởng cô hàng nước măm.


Anh đi công tác Cam Pu

Chia chiến lợi phẩm ở tù ba năm.


Mời anh vào quán kara

OK em đã mở ra sẵn sàng.


Mấy em mặc váy đánh cầu

Lông bay phất phới trên đầu các anh.


Hôm qua anh đến chơi nhà

Thấy mẹ chăn vịt thấy cha chăn ngồng

Thấy em hát nhạc Trịnh Công

Sơn xanh sơn đỏ anh không dám vào.


Lần đầu đến nước Xin-Ga

Po vào rồi lại po ra hại đồ

Tuần sau lại đến nước Bồ

Đào Nha rồi lại đào nhô mệt quà

Thế rồi lại đến nước Hoa

Kỳ đi kỳ lại Cu Ba đây rồi.


Cũng có khi dòng trên đã có nghĩa, nhưng nối với dòng sau lại là nghĩa khác :


Chị em nô nức đặt vòng

Hoa mộ liệt sĩ tỏ lòng biết ơn.


Tại vì em chẳng có kinh

Nghiệm nên không thể một mình giúp anh.


5. Từ một bài, một câu thơ Bút Tre không rõ tác giả, mọi người có thể thêm bớt, mô phỏng và đưa ra câu khác, không ngại ai nói đạo văn, đạo thơ gì.


Hai câu sau đây, phổ biến từ lâu, hầu như ai cũng biết :

Anh đi công tác Pơ Lây

Ku dài dằng dặc biết ngày nào ra.


được ai đó thêm vào :

Còn em em ở lại nhà

Cửa mình em mở người ra người vào.

( chắc là lấy cảm hứng từ câu : Chị em du kích tài thay / Bắn tàu bay Mỹ rơi ngay cửa mình !)

hoặc sửa một chữ rồi viết tiếp :


… Ku dài dằng dặc biết ngày nào vê

Anh đi công tác Buôn Mê

Thuột xong một cái anh về với em.


Cũng mấy câu quen thuộc khác :

Chưa đi chưa biết Đồ Sơn


Đi rồi mới biết chẳng hơn đồ nhà

Đồ nhà tuy có hơi già ( hoặc : tuy rất tương cà )

Nhưng là đồ thật chẳng là đồ sơn.


Và nhiều người tiếp tục cải biên :


Chưa đi chưa biết Vũng Tàu

Đi rồi mới biết ta giàu hơn tây

Đúng là họ thiếu vải may

Hai mảnh bé xíu làm vày làm ao.


Chưa đi chưa biết Cà Mau

Đi rồi mới biết không đâu bằng nhà

Cà nhà tuy có hơi già

Nhưng là cà chậm không là cà mau.


Từ hai câu “ Nhớ nhung về thị xã Phan / Thiết tha tơ tưởng cô hàng nước măm ”, có người đã nối theo :


Vội vàng về thị xã Phan

Rang ngay đậu phụng đón bàn tới thăm.


Và :

Gặp nhau ở thị trấn Phan

Rí ra rí rủm chuyện vàn suốt đêm.


Có thể nói đặc điểm thứ năm này đã làm nên sức sống cho thơ Bút Tre, làm cho nó tồn tại, phát triển, lan truyền rộng khắp. Ai cũng đã từng nghe, từng thuộc, từng làm, từng phổ biến loại thơ này, trong Nam ngoài Bắc, người già người trẻ, trí thức bình dân, có cơ hội là viết cho nhau đọc, đọc cho nhau nghe để cùng cười với nhau. Có khi chỉ là tiếng cười dễ dãi, vô thưởng vô phạt.( Chồng người du kích sông Lô / Chồng em ngồi bếp nướng ngô cháy quần ). Mà đâu chỉ có vậy, đọc đi rồi đọc lại, nghe qua và nghe nữa thì mới thấy tiếng cười của thơ Bút Tre là tiếng cười của truyện tiếu lâm dân gian, của hò vè, ca dao. Nó phản ánh muôn mặt đời sống xã hội một cách trào lộng, châm biếm và nhiều khi ngụ ý phê phán nữa. Người ta thích câu “Mừng ngày bầu cử tự do / Những người xứng đáng thì cho vào hòm ” đâu phải chỉ vì tác giả chơi chữ ( hòm = hòm phiếu, thùng phiếu, và hòm = quan tài ) ! Nhiều câu nghe có vẻ ngây ngô, ngớ ngẩn ( Từ trong hang đá đi ra / Vươn vai một cái rồi ta đi vào ) nhưng phải chăng chỉ là sự ngớ ngẩn giả vờ để diễu cợt. ( “… Hàng đầu không biết đi đâu / Đi đâu không biết hàng đầu cứ đi.” “ Mấy ông lãnh đạo của mình / Trước rất ghét Mỹ nay hình như thương !” ).



Trên hết thảy vẫn là cái thông minh, dí dỏm thường thấy trong văn học dân gian, không hề thô sơ, thô thiển mà đầy tính nghệ thuật , với nhiều biện pháp tu từ, chơi chữ , nào điệp âm điệp ngữ, ngoa ngữ, nói lái, nào từ đống âm, từ nhiều nghĩa, chuyển đổi từ loại …


Bốn ông chung một dĩa lòng

Lợn ngồi chễm chệ bên thùng bia hơi.


Con ruồi là giống hiểm nguy

Bốn chân của nó rất vi trùng nhiều.


I-meo anh viết thật bay

Bướm em mong đợi cả ngày lẫn đêm.


Nhà máy sản xuất nhiều mu

Để đem đi bán các chu đội đầu

An toàn ta nhắc nhở nhau

Hễ đi xe máy hàng đầu là mu .



Tất nhiên bên cạnh những người thích thơ Bút Tre vẫn có người không thích, thậm chí chê, nhưng ai cũng phải thừa nhận : hiện tượng thơ Bút Tre, với những đặc điểm về hình thức và nội dung như trên, là có thật, một hiện tượng khá độc đáo chưa từng thấy trong văn học nước nhà. Thơ Bút Tre đã và vẫn đang đi vào quần chúng.


Khen chê thì cũng chẳng sao

Thơ Bút Tre vẫn đi vào quần chung

Chê khen có sái có đùng

Thơ Bút Tre vẫn quần chùng mà ra !


---------------------------

Tài liệu tham khảo :

Wikipedia tiếng Việt.

Thơ Bút Tre đời mới - Nguyễn Vũ Tiềm – nxb THANH NIÊN 2001.



THÂN TRỌNG SƠN



Aucun commentaire: