Truyện ngắn
O’HENRY
( 1862 - 1910 ).
O’Henry, bút danh của William Sydney Porter, nhà văn Mỹ, tác giả của 273 truyện ngắn đăng trong các nhật báo và tạp chí, sau được in trong mười tám tập truyện. Cuộc đời của Ông rất phong phú : làm nhiều nghề khác nhau ( dược sĩ, vẽ kỹ thuật và kiến trúc, thư ký, đầu bếp nhà hàng, nhân viên công ty địa ốc, nhân viên xưởng in… ), từng tham gia ca hát, diễn kịch, vẽ hí họa, có lúc bệnh nặng, có lúc ở tù. Có lẽ vì thế mà bối cảnh các truyện ngắn của Ông cũng rất phong phú, khắc họa xã hội nước Mỹ thời kỳ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Phần lớn truyện ngắn của Ông có cốt truyện đơn giản, với nhiều tình tiết oái oăm, khắc nghiệt, có khi khôi hài để kết thúc bất ngờ.
Những truyện ngắn nổi tiếng nhất của ông là: After 20 years ( Hai mươi năm sau ), The Gìft of the Magi ( Món quà của các nhà thông thái ; “Chiếc lá cuối cùng” ( The last leaf ) là một truyện ngắn nổi tiếng, được nhiều nước chọn đưa vào sách giáo khoa, tại Việt Nam truyện này được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn lớp 8.
Sau những năm tháng cùng quẫn, mặc dù đến lúc đã nổi danh và có tiền nhuận bút khá, O’ Henry vẫn không được hưởng hạnh phúc vào những năm cuối đời: khó khăn về tài chính vì chi tiêu quá cao, lại thêm chứng lao phổi lây từ người mẹ và tật nghiện rượu nhiễm từ người cha. Ông qua đời một cách khổ sở tại thành phố New York do bệnh lao cộng thêm chứng xơ gan khi mới 47 tuổi.
O’ Henry được xem như một trong những bậc thầy về truyện ngắn trên văn đàn thế giới, bên cạnh Tchekhov của Nga, Saki của Anh, Guy de Maupassant của Pháp.
Năm 1919, Hội Nghệ thuật và Khoa học ( Society of Arts and Sciences ) thiết lập
“ Giải thưởng Tưởng niệm O’ Henry” ( O’ Henry Memorial Awards ), hàng năm trao cho những truyện ngắn đặc sắc.
Truyện ngắn giới thiệu dưới đây nêu bật lối viết của O’ Henry, với kết cục bất ngờ gây ngạc nhiên : cốt truyện cứ phát triển, thắt dần, thắt dần, rồi đột nhiên chuyển sang một tình huống mỉa mai, châm biếm, kết thúc đột ngột đến không ngờ. Người đọc truyện của Ông không bao giờ đoán trước được đoạn kết. Chính vì lẽ đó, tác phẩm của Ông vẫn còn được tìm đọc. Để suy ngẫm. Để nhớ mãi…
***
Khi người ta yêu Nghệ thuật của mình thì hình như không có việc gì tỏ ra khó khăn cả.
Đó là giả thuyết của chúng tôi. Câu chuyện này sẽ rút ra một kết luận từ đó, và cùng lúc cho thấy rằng giả thuyết này không đúng. Đây sẽ là một điểm mới trong lý luận, và là một tiểu xảo trong thuật kể chuyện còn lâu đời hơn Vạn Lý Trường Thành của Trung hoa.
Joe Larrabee ra đời trong căn nhà bằng gỗ sồi ở miền Trung Tây nước Mỹ với nhịp đập của một tài năng thiên bẩm về nghệ thuật tạo hình. Mới lên sáu, chú đã vẽ được bức tranh máy nước công cộng với một người vội vã bước ngang qua. Nỗ lực này đã được đóng khung treo trong tủ kính của một cửa hàng dược phẩm, bên cạnh một bông lúa mì xoa những dãy hạt không đều nhau. Hai mươi tuổi, anh rời quê lên New York, với chiếc nơ hai dải thắt trên cổ áo và tất cả vốn liếng được gói ghém thành một bọc, còn thắt chặt hơn.
Delia Caruthers chơi dương cầm ở quãng tám đầy triển vọng tại một ngôi làng trồng toàn thông ở miền Nam, triển vọng tới mức họ hàng đã gom góp tiền bạc giúp cô lên miền Bắc để học cho thành tài. Người ta chưa được biết dung nhan của cô, nhưng đó là câu chuyện của chúng tôi.
Joe và Delia gặp nhau tại một xưởng vẽ, nơi các sinh viên mỹ thuật và âm nhạc thường gặp gỡ nhau để bàn luận về ánh sáng và bóng tối, về Wagner, âm nhạc, tác phẩm của Rembrandt, các tuyệt tác, Waldteufel, giấy dán tường, Chopin, và Oolong.
Joe và Delia đem lòng yêu nhau và cưới nhau sau một thời gian ngắn, vì như đã nói bên trên, khi người ta yêu Nghệ thuật của mình thì dường như không có việc gì khó cả.
Anh chị Larrabee bắt đầu sống chung trong một căn hộ. Đó là một căn hộ đơn độc - y như cung La thăng bên tay trái cuối bàn phím dương cầm vậy. Nhưng họ vẫn hạnh phúc, vì họ có nghệ thuật và họ có nhau. Và lời khuyên của tôi cho anh chàng trẻ tuổi giàu có này là hãy bán tất cả những gì mình có và đem cho người quản gia nghèo khổ kia, để đổi lấy đặc ân được sống trong căn hộ với Nghệ thuật của mình và Delia của mình.
Những người ở trong căn hộ sẽ xác nhận câu châm ngôn của tôi rằng hạnh phúc của họ là hạnh phúc chân chính nhất. Nếu căn nhà đã là hạnh phúc, nó không thể điều chỉnh cho chật hơn, hãy để người ở trong đó có thể ngả cái tủ áo xuống làm cái bàn billiard, biến cái mặt lò sưởi thành dụng cụ tập bơi thuyền, biến cái bàn viết thành một phòng ngủ dự trữ, cái giá để chậu rửa mặt thành chiếc dương cầm đứng, quây bốn bức tường lại với nhau, nếu họ muốn, với chàng và Delia của chàng vui vầy trong đó… Còn nếu không thì ngôi nhà phải thật rộng, thật dài, người ta vào qua eo biển Golden Gate, treo mũ ở mũi Hatteras, áo choàng ở mũi Cape Horn và bước ra qua bán đảo Labrador.
Joe học vẽ trong lớp của Thầy Magister vĩ đại - ai cũng nghe danh. Học phí của ông rất cao, nhưng cũng vì vậy mà ông nổi tiếng. Còn Delia theo học dương cầm dưới sự hướng dẫn của ông Rosenstock - bạn cũng đã biết tiếng tăm của ông ấy là người chuyên làm loạn bộ bàn phím của dương cầm.
Đôi vợ chồng trẻ sống hạnh phúc chừng nào họ còn tiền. Vợ chồng nào cũng thế cả, nhưng tôi sẽ không cao giọng yếm thế. Mục đích của họ rất rõ ràng. Joe phải phấn đấu để nhanh chóng có khả năng sáng tác được tranh tới mức các quý ông lịch sự, với hai bên tóc mai mong mỏng nhưng ví tiền lại dày dày, phải tới túc trực tại căn hộ của anh, để có được đặc ân mua tranh anh vẽ. Còn Delia thì phải điêu luyện về Âm nhạc tới mức có thể xem thường nó, để khi thấy các ghế hoặc các lô xem hoà nhạc trong nhà hát không bán được vé, nàng phải biết lập tức cảm thấy đau họng, ăn tôm hùm trong một phòng ăn riêng, và không chịu lên sân khấu biểu diễn nữa.
Nhưng theo tôi nghĩ, tuyệt nhất vẫn là cuộc sống gia đình trong căn hộ bé nhỏ xinh xinh ấy - những cuộc trò chuyện ríu rít, líu lo, sau một ngày đi học về, những bữa ăn tối ấm cúng, và những bữa điểm tâm nhẹ nhàng, tươi mát; sự trao đổi với nhau những hoài bão, những hoài bão được hoà quyện lẫn nhau, của người này quấn quýt với của người kia, không sao kể xiết, sự giúp đỡ cùng sự khích lệ nhau, và - xin bỏ qua sự vụng về chất phác của tôi nhé - cả món ô liu nhồi thịt và bánh mì sandwich kẹp phô mai lúc 11 g đêm.
Nhưng được một thời gian thì Nghệ thuật bắt đầu xuống dốc. Sự đời có lúc vẫn thế, cho dù người bẻ ghi xe lửa không ra hiệu như thế. Mọi thứ đều ra đi mà không có gì trở lại, như người đời thường nói. Họ thiếu tiền để trả học phí cho thầy Magister và Ông Rosenstock. Khi một người yêu Nghệ thuật của mình thì dường như không có gì là quá khó khăn. Vì thế Delia cho biết nàng sẽ dạy nhạc để nồi xúp có thể tiếp tục sôi trên bàn ăn.
Đã hai, ba ngày nay, nàng đi săn lùng học sinh muốn học nhạc. Một buổi tối, nàng về nhà, mặt mày hớn hở.
“ Anh Joe yêu quý, “ nàng nói, hân hoan, vui mừng. “ Em đã tìm được học trò rồi. Và, là người đáng yêu nhất nữa nhé! Đó là con gái của Tướng A.B. Pinkney - trên đường số 71. Chà, ngôi nhà của họ mới đẹp làm sao, Joe à, giá mà anh thấy được cái cửa trước của nó nhỉ! Mỹ thuật Byzantine, em nghĩ là anh sẽ nói như vậy. Còn nội thất bên trong nữa chứ! Ôi, anh Joe, em chưa bao giờ thấy những thứ như vậy.”
“ Học trò của em là Clementina, con gái Đại tướng. Em yêu cô bé kinh khủng. Đó là một cô gái tinh tế, bao giờ cũng mặc toàn đồ trắng với phong cách dịu dàng, giản dị. Mới mười tám tuổi thôi. Em sẽ dạy ba buổi một tuần, và anh nghĩ xem, anh Joe. Chỉ có 5 đô la một buổi. Em cũng không màng, bởi khi em có hai hay ba học sinh nữa, em sẽ tiếp tục đi học ông Rosenstock. Bây giờ thì anh đừng cau mày nữa nhé, và ta cùng thưởng thức một bữa tối ngọt ngào nào! “
“ Dele, đối với em thế là ổn rồi,” Joe vừa nói vừa ra sức mở hộp đậu Hoà Lan bằng một con dao phay và một chiếc rìu nhỏ. Nhưng phần anh thì sao? Em nghĩ rằng anh sẽ cam tâm để cho em lam lũ, bươn chải kiếm tiền, trong khi anh cứ rong chơi trên các nẻo đường phù phiếm của nghệ thuật được à? Không đời nào đâu ! Anh thấy là anh có thể bán báo hoặc đi lát đường, cũng có thể kiếm được đôi ba đồng chứ!”
Delia chạy đến ôm choàng lấy cổ Joe.
“ Ôi, anh Joe yêu quý của em, anh ngốc lắm! Anh phải tiếp tục học vẽ. Phải chăng em bỏ học nhạc và đi làm chỉ vì một vấn đề gì khác sao? Trong khi em dạy, em vẫn học đấy chứ. Chẳng lúc nào em rời âm nhạc của em cả. Với 15 đô la một tuần, chúng ta có thể sống ung dung như một ông hoàng. Anh không được nghĩ đến chuyện bỏ học Thầy Magister đấy nhé! “
“ Thôi được, “ vừa nói Joe vừa giơ tay với lấy chiếc dĩa sâu để xáo rau. “ Nhưng anh không thích để em đi dạy học tí nào! Đó không phải là Nghệ thuật. Em không phải sinh ra để làm những chuyện đó.”
“ Khi người ta yêu Nghệ thuật của mình thì dường như không có việc gì là khó khăn cả, “ Delia nói.
Thầy Magister khen nức nở bầu trời trong bức phác hoạ anh vẽ ở công viên. Joe nói. Và Tinkle đã đồng ý để anh treo hai bức trong số đó tại cửa hiệu của ông ấy rồi. Có thể anh sẽ bán được một bức nếu gã giàu có, ngốc nghếch đến xem tranh.
“ Em tin chắc là anh sẽ bán được tranh, “ Delia nói, giọng ngọt ngào. “ Bây giờ thì ta hãy cám ơn Tướng Pinkney và món bê thui này đã “
Trong cả tuần sau đó, đôi vợ chồng Larrabee đều ăn sáng rất sớm. Joe thì rất say sưa về mấy bức phác thảo cảnh bình minh mà anh vẽ ở Công viên Trung tâm, và Delia chuẩn bị thức ăn cho chồng một cách nâng niu, chìu chuộng, cùng những lời tán dương, khen ngợi và những nụ hôn nồng nàn trước khi ra khỏi nhà lúc 7 giờ sáng. Nghệ thuật quả là một thiếu nữ duyên dáng, quyến rũ biết bao ! Còn Joe thì nhiều khi 7 giờ tối mới về đến nhà.
Cuối tuần, Delia kiêu hãnh một cách duyên dáng nhưng có vẻ uể oải, mỏi mệt, đắc thắng đặt 3 tờ 5 đô la lên chiếc bàn rộng 8x10 inches kê giữa phòng khách rộng 8x10 feet.
“ Đôi khi, “ Delia nói, giọng hơi mệt mỏi. Clementina làm em phát mệt. Em ngờ rằng cô bé không chịu thực hành kỹ lưỡng, và em cứ phải nhắc đi nhắc lại một vấn đề nhiều lần, Và rồi, lúc nào cô bé cũng mặc toàn đồ trắng, trông đơn điệu quá. Tuy nhiên Tướng Pinkney thì thật là một ông già đáng mến. Có lúc ông vào phòng khi em đang đàn với Clementina - ông ấy goá vợ, anh biết đấy, - luôn đứng đó, tay vuốt chùm râu dê.” Tình hình nốt móc đôi và nốt móc ba tiến triển ra sao rồi cô giáo? “ bao giờ ông cũng hỏi như vậy.
“ Em ước sao anh có thể thấy ván ốp của căn phòng khách nhà ấy nhỉ. Và cả những tấm thảm lông cừu Astrakhan nữa chứ. Mà Clementina có lối ho rất ngộ. Em hy vọng cô bé khoẻ hơn cái bề ngoài ốm nhom của cô ấy. Ồ, em cảm thấy gắn bó với cô bé ấy rồi. Có bé dịu dàng và đài các biết mấy. Em trai của Tướng Pinkney có thời làm Công sứ ở Bolivia đấy.”
Và rồi, đến lượt Joe, với dáng vẻ của một Monte Cristo, anh rút ra một tờ mười đồng, một tờ năm, một tờ hai, và tờ một đồng, và đặt chúng bên cạnh những đồng tiền do Delia kiếm được.
“ Anh bán được bức tranh màu nước vẽ đài kỷ niệm cho một ông từ Peoria tới.”, Joe tuyên bố, với dáng vẻ áp đảo,
“ Đừng có giỡn với em nhé.” Delia nói, “ chẳng có chuyện từ Peoria gì hết.!”
“ Lặn lội từ Peoria tới thật đấy. Ước gì em được gặp ông ấy nhỉ! Delia Ông ta là một người to béo, quàng một khăn len to đùng, miệng ngậm một cái tăm xỉa răng bằng lông nhím. Ông nhìn thấy tranh nơi cửa hiệu của Tinkle, lúc đầu ông ấy tưởng là một cối xay gió, thế nhưng, ông ấy vui tính thật, ông mua luôn. Ông còn đặt ngay một bức nữa, bức phác thảo sơn dầu về Ga xe lử Lackawanna - để ông ấy mang theo về Peoria. Những bài học âm nhạc! Ôi, anh cho rằng nghệ thuật vẫn còn lẫn khuất trong đó”
“ Em vui biết bao vì anh vẫn tiếp tục học vẽ được.” Delia phấn khởi nói, “ Anh nhất định phải thắng, anh yêu ạ. Ba mươi ba đô la! Trước đây chúng ta chưa bao giờ có nhiều tiền đến thế để mà xài. Tối nay, chúng ta phải thưởng thức món sò huyết mới được.”
“ Và còn món thịt thăn om với nấm nữa chứ, “ Joe nói, “ Em này, cái nĩa lấy ô liu của nhà mình đâu rồi nhỉ? “
Vào buổi tối thứ bảy sau, Joe về tới nhà trước. Anh trải rộng 18 đô la anh kiếm được lên trên bàn phòng khách, rồi rửa sạch hai bàn tay dính đầy sơn sẫm màu.
Nửa giờ sau, Delia về tới nhà, bàn tay phải bị buộc băng lung tung không ra hình thù gì.
“ Thế này là sao? “ Joe thắc mắc sau khi chào hỏi theo lệ thường. Delia cười, nhưng không vui lắm.
“ Clementina, Delia giải thích, cứ khăng khăng đòi ăn món thịt thỏ xứ Wales vào lúc 5 giờ chiều. Ngài đại tướng cũng có mặt tại đó. Giá anh thấy được ông ấy chạy đi lấy cái lò hầm, anh Joe ạ, cứ như thể không có người giúp việc trong nhà vậy. Em thông cảm Clementina không được khoẻ lắm, cô bé lại vụng về nữa. Trong lúc múc món thỏ hầm, cô ấy đã làm đổ nước canh sôi sùng sục lên bàn tay và cổ tay em. Đau kinh khủng, anh ạ. Cô bé rất lấy làm tiếc! Còn Tướng Pinkley nữa. Ông ấy gần như hoá điên. Ông chạy vội xuống dưới nhà và sai một người nào đó - họ bảo đó là một công nhân lò sưởi hoặc một người làm gì đó đang ở dưới tầng hầm - chạy ra hiệu thuốc để mua dầu và các thứ để băng cho em. Bây giờ em không còn cảm thấy đau đến thế nữa.”
“ Thế cái gì đây vậy ? “ Joe vừa hỏi vừa nhẹ nhàng cầm lấy bàn tay rồi rút mấy sợi tơ trắng dưới những lớp băng gạc.
“ Đó là một thứ mềm làm đệm, có tẩm dầu, “ Delia nói, “ ồ, anh Joe, anh lại bán thêm được một bức nữa à? “ Nàng đã nhìn thấy tiền ở trên bàn.
“ À, sao vậy? “ Joe nói, “ Cứ hỏi ông già ở Peoria thì biết. Hôm nay ông ta đã lấy bức ga xe lửa rồi, ông ta còn không chắc lắm nhưng ông ấy nghĩ là ông muốn có một bức phong cảnh công viên và một bức cảnh Vịnh Hudson. Mà chiều nay em bị bỏng tay lúc mấy giờ nhỉ, Dele? “
“ Vào quãng năm giờ gì đó, “ Delia nói, giọng than vãn. Cái bàn ủi - à, em muốn nói là lúc đó món thỏ hầm vừa mới bắc ra khỏi lò. Giá mà anh được thấy Tướng Pinkney nhỉ, anh Joe ạ, khi đó… “
“ Em hãy ngồi xuống đây một lát đã, Dele, “ Joe nói. Anh dìu Delia tới chiếc sofa, ngồi xuống cạnh nàng và quàng tay qua vai nàng. “ Anh hỏi thực em nhé. Hai tuần qua em làm gì?”
Delia lặng thinh trong giây lát, cặp mắt chan chứa một tình yêu nồng nàn và một thái độ cứng cỏi, kiên cường, rồi lẩm nhẩm đôi lời một cách mơ hồ về Tướng Pinkney, nhưng cuối cùng nàng nói ra sự thật, nước mắt tuôn rơi lã chã.
“ Thực ra em chẳng kiếm được học sinh nào cả” Delia thú thật. “ Nhưng em không chịu được cảnh phải để anh bỏ học, em đã xin được một chỗ làm, chuyên ủi áo sơ mi, trong một tiệm giặt ủi lớn ở Đường số 24. Và em nghĩ em đã bịa chuyện về Tướng Pinkney và Clementina rất giỏi, phải không anh Joe? Và nếu như em không kiếm được việc làm thì rất có thể anh cũng chẳng bán được bức tranh nào cho ông già Peoria ấy.”
“ Ông ta chẳng phải từ Peoria tới, “ Joe chậm rãi nói.
“ Mà ông ta từ đâu tới cũng không thành vấn đề. Anh thông minh lắm, anh Joe ạ, bây giờ thì hôn em đi nào, anh yêu - mà điều gì khiến anh nghi ngờ rằng em đã không dạy nhạc cho Clementina thế? “
“ Anh chẳng nghi ngờ gì cả”, Joe nói, “ cho tới tận tối hôm qua. Chiều nay, anh cũng không nghi ngờ gì, anh chỉ gởi thứ bông xơ và dầu từ phòng máy lên cho một cô gái trên gác tay bị bỏng bàn ủi. Hai tuần nay, anh vẫn cho chạy máy trong xưởng giặt ủi đó mà.”
“ Thế thì anh đã không…” Delia thốt lên.
“ Cả ông già Peoria mua tranh. “ Joe nói, “ lẫn Tướng Pinkney ấy đều là những sáng tác của cùng một thứ Nghệ thuật. - nhưng người ta không thể gọi loại hình nghệ thuật này là hội hoạ hay âm nhạc được! “
Thế rồi, cả hai ôm nhau cười ngất, và Joe lại nói:
“ Khi người ta yêu Nghệ thuật của mình thì dường như không có việc gì là…”
Đến đây, Delia đã đặt tay lên môi anh không cho anh nói tiếp. “ Không” Delia nói, “ chỉ cần nói “ khi người ta yêu thôi “.
THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu
( tháng 9 / 2023 )
Nguồn:
https://etc.usf.edu/lit2go/131/the-four-million/2397/a-service-of-love/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire