vendredi 19 mai 2017
ĐỢI CHỜ
Truyện ngắn
Guy de Maupassant (1850 – 1893)
Sau bữa ăn tối, nhóm đàn ông trò chuyện trong phòng hút thuốc. Họ bàn về những vụ thừa kế bất ngờ, những gia tài kỳ lạ. Lúc đó luật sư Le Brument mà khi thì người ta gọi là luật sư nổi tiếng, khi thì thầy cãi lừng danh, đến dựa lưng vào bên lò sưởi. Ông nói:
“ Hiện tôi đang tìm một người thừa kế mất tích trong một trường hợp hết sức đặc biệt. Đâylà một trong những bi kịch đơn giản và bất nhẫn nhất trong cuộc sống, một chuyện có thể xẩy ra hằng ngày nhưng là một trong những chuyện ghê sợ nhất mà tôi được biết. Chuyện như thế nầy:
Khoảng sáu tháng trước tôi được gọi đến bên giường một bà sắp chết. Bà ấy nói:
“ Thưa ông, tôi muốn nhờ ông một việc có lẽ là tế nhị nhất, khó khăn nhất và mất nhiều thời gian nhất. Ông vui lòng xem qua chúc thư của tôi trên bàn kia.. Một khoản thù lao năm ngàn quan sẽ dành cho ông nếu ông không thành công, còn nếu thành công thì sẽ là một trăm ngàn quan.Tôi muốn ông tìm con trai tôi sau khi tôi chết.
Bà ta nhờ tôi đỡ ngồi dậy trên giường để nói cho dễ hơn, vì giọng bà đứt quãng, thều thào, rít trong cổ họng.
Tôi đang đứng trong một ngôi nhà rất giàu. Căn phòng xa hoa nhưng giản dị được bọc bằng vải dày như bức tường, nhìn mát mắt đến nỗi ta có cảm giác như được vuốt ve mơn trớn, yên lặng đến nỗi dường như tiếng nói lọt vào đó sẽ biến mất, hòa tan mất.
Người phụ nữ hấp hối nói tiếp: “Ông là người đầu tiên nghe tôi kể câu chuyện khủng khiếp của tôi. Tôi sẽ cố sức để nói cho hết. Tôi biết ông là người tốt bụng và lịch duyệt nữa nên tôi muốn ông đừng quên bất cứ chuyện gì tôi sắp nói để có thể tận dụng khả năng mà giúp tôi.Ông nghe tôi kể đây :
“Trước khi lập gia đình, tôi đã yêu một người nhưng gia đình tôi không chấp nhận lời cầu hôn vì anh ấy không giàu. Sau đó ít lâu tôi cưới một người rất giàu. Tôi lấy ông ấy vì thiếu hiểu biết, vì sợ, vì vâng lời, vì chẳng quan tâm, nhiều cô gái cũng thương lấy chồng như thế mà!
“Tôi có sinh một đứa con, một đứa con trai. Vài năm sau chồng tôi qua đời. Người mà trước kia tôi yêu cũng đã có vợ. Khi biết tôi đã góa chồng ông ấy vô cùng đau khổ, là vì ông không còn tự do nữa. Ông đến thăm, khóc nức nở trước mặt tôi làm cho tôi rất đau lòng. Ông trở thành bạn của tôi. Lẽ ra tôi đừng tiếp ông ấy. Nhưng biết làm sao được? Tôi cô đơn, quá buồn, quá trơ trọi, quá tuyệt vọng. Và tôi cũng còn yêu ông ấy. Lắm khi người ta buồn khổ biết bao!
Tôi chỉ còn mỗi một mình ông ấy trên đời. Cha mẹ tôi cũng đã qua đời hết. Ông ấy thường đến thăm tôi, ngồi lại với tôi suốt buổi tối. Lẽ ra tôi không nên để ông ta thường xuyên đến như thế vì ông ấy đã có vợ. Nhưng tôi không có can đảm để ngăn ông ta. Phải nói sao với ông đây? …Ông ấy trở thành người tình của tôi. Chuyện nầy đã xẩy ra như thế nào? Tôi có biết không? Người ta có biết không? Ông có nghĩ là khi sức mạnh không gì cưỡng nổi của tình yêu đã đẩy hai con người lại gần với nhau thì còn có thể xẩy ra chuyện gì khác chăng? Ông có tin là lúc nào ta cũng có thể cưỡng lại, lúc nào cũng có thể chống chọi, lúc nào cũng có thể từ chối những đòi hỏi kèm theo van lơn, năn nỉ, những giọt nước mắt, những lời nói thiếu kiềm chế, những cái quì gối, những cảm xúc quá trớn của người mà mình yêu tha thiết, của người mà mình muốn thấy sung sướng trước từng ước mơ vụn vặt nhất, người mà mình muốn trao hết mọi niềm vui nếu có thể, người mà mình gây thất vọng vì muốn phục tùng những khuôn phép về đạo hạnh trong đời.Muốn làm được những điều đó ắt phải mạnh mẽ, phải từ bỏ hạnh phúc, phải quên mình, thậm chí phải hy sinh cả tính ích kỷ của đạo đức nữa, không đúng sao?
“Cuối cùng tôi trở thành người tình của ông ta, ông à, và tôi rất hạnh phúc. Tôi sống hạnh phúc trong mười hai năm. Tôi trở thành bạn của vợ ông ấy. và đây chính là nhược điểm trầm trọng nhất của tôi, là sự hèn nhát lớn lao nhất của tôi.
“Chúng tôi cùng nhau nuôi dạy đứa con riêng của tôi trở thành một con người trung thực, thông minh, đầy ý chí và cương nghị, có tư tưởng khoát đạt. Đứa con đã đến tuổi mười bảy.
“Thằng bé cũng yêu thương tình nhân của tôi như tôi yêu ông ấy, bởi vì nó được cả hai chúng tôi chăm sóc, cưng chiều. Nó gọi ông ấy là “bạn tốt” và rất kính trọng ông vì lúc nào ông cũng dạy nó điều hay lẽ phải và làm gương về tính thẳng thắn, trọng danh dự và trung thực. Nó coi ông như một người bạn thân thiết, trung thành và tận tụy của mẹ nó, như một người cha tinh thần, người đỡ đầu, người bảo trợ nó, đại khái như vậy.
“Có lẽ nó cũng chẳng thắc mắc hỏi han gì vì từ nhỏ nó đã quen thấy ông ấy ở trong nhà, bên cạnh tôi, bên cạnh nó, luôn chăm sóc chúng tôi.
“ Một hôm cả ba chúng tôi cùng ăn tối với nhau (đó là những dịp trọng đại nhất của tôi). Tôi đang chờ cả hai người, tự hỏi không biết ai sẽ đến trước. Cửa sịch mở: đó là ông ấy. Tôi bước tới, dang tay ra và ông ấy đặt lên môi tôi một nụ hôn hạnh phúc. Bỗng có tiếng sột soạt rất khẽ. Linh tính cho biết có người xuất hiện khiến chúng tôi giật mình quay lại. Jean, con trai tôi đang đứng nhìn chúng tôi, mặt tái mét.
“Sau một giây hốt hoảng tột cùng, tôi lùi lại, đưa tay về phía con tôi như van lơn.Từ lúc đó tôi không còn gặp nó nữa. Nó đã bỏ đi.
“ Chúng tôi mặt đối mặt, rụng rời, không nói được lời nào. Tôi buông mình xuống ghế bành. Một ước muốn mơ hồ nhưng mãnh liệt đang hình thành trong tôi, tôi muốn trốn chạy, muốn bỏ đi ngay trong đêm, muốn biến mất vĩnh viễn. Cổ họng tôi nghẹn ngào nức nở, tôi khóc, người run lên từng cơn, ruột đau như xé, thần kinh căng thẳng bởi cái cảm giác khủng khiếp về một sự bất hạnh không thể cứu vãn được và cũng bởi trong lòng người làm mẹ lúc đó quá ư hỗ thẹn.
“ Ông ấy… hốt hoảng đứng trước mặt tôi, không dám đến gần, không nói gì và cũng không chạm vào tôi vì sợ thằng bé trở về. Cuối cùng ông mới nói:
“ Tôi đi tìm nó,…nói với nó…giải thích cho nó hiểu. Tóm lại tôi phải gặp nó…nó cần phải hiểu…”
“ Và ông ta đi ra.
“ Tôi chờ…Tôi cuống cuồng chờ đợi, những tiếng động nhỏ nhất cũng khiến tôi run rẩy giật mình vì sợ, mỗi tiếng lách tách của lửa trong lò sưởi cũng làm tôi xúc động không chịu được.
“Tôi chờ một giờ, hai giờ, càng lúc càng bồn chồn lo sợ, sợ đến nỗi ngay cả đối với một tù nhân phạm trọng tội có lẽ tôi cũng sẽ không mong cho nó chịu được mười phút trong khoảnh khắc đó đâu. Con tôi giờ đó ở đâu? Nó đang làm gì?
“Lúc nửa đêm, một người đưa tin mang cho tôi một mảnh giấy mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn thuộc lòng những gì ghi trên đó : “ Con em về chưa? Tôi vẫn chưa tìm được nó. Tôi đang ở dưới nầy. Tôi không thể lên vào giờ nầy được.”
“ Tôi ghi lại bằng bút chì ngay trên mảnh giấy đó: “ Jean chưa về. Anh phải tìm cho được nó.”
“Và tôi ngồi trên ghế bành chờ suốt đêm. Tôi hóa điên. Tôi muốn gào thét, muốn chạy, muốn lăn xuống đất. Nhưng tôi vẫn bất động ngồi chờ. Chuyện gì đã xẩy ra ? Tôi cố tưởng tượng, cố suy đoán nhưng chẳng hình dung được gì, dù đã rất cố gắng, dù trong lòng rất giằn vặt.
“Bây giờ tôi lại sợ họ gặp nhau. Họ sẽ làm gì? Con tôi sẽ làm gì? Những sự ngờ vực ghê gớm và những phỏng đoán khủng khiếp như xé ruột xé gan tôi. Ông hiểu rõ điều đó chứ, phải không, thưa ông?
“ Cô hầu phòng của tôi vì không biết gì hết, không hiểu gì hết, nên cứ không ngừng ra vào phòng, có lẽ cô ấy tưởng tôi điên. Tôi xua đuổi cô ra, bằng lời hoặc bằng cử chỉ. Cô ta đi tìm bác sĩ. Bác sĩ thấy tôi đang vật vã vì khủng hoảng thần kinh.
“Họ đặt tôi nằm lên giường. Tôi bị sốt viêm não. Sau một trận đau dài, tôi tỉnh lại và tôi thấy ngồi bên giường tôi là….một mình ông ấy. Tôi kêu lên:
“Con tôi? Con tôi đâu?”
“Ông ta làm thinh. Tôi lắp bắp:
“Chết…chết… Nó tự tử rồi à?
“ Ông ta trả lời: - “Không, không, tôi thề với em. Nhưng mà chúng ta không thể tìm được nó dù tôi đã rất cố gắng.”
“ Thế là tôi bỗng thấy tức tối, thậm chí phẫn nộ bởi ta thường giận dữ một cách khó hiểu và vô lý như thế. Tôi tuyên bố :
“ Tôi cấm anh về gặp tôi nếu anh chưa tìm được nó. Anh đi đi!”
“ Ông ta đi ra. Từ đó tôi chẳng còn gặp lại họ, cả con tôi lẫn ông ấy.Và tôi sống như thế nầy từ hai mươi năm nay, ông ạ.
“ Ông có mường tượng ra điều đó không? Ông có hiểu cái hình phạt khủng khiếp nầy, nỗi đau khổ từ từ và liên miên nầy trong lòng người mẹ, trong lòng người đàn bà, ông có cảm nhận được chăng sự chờ đợi đáng sợ không dứt nầy… không bao giờ dứt…không! …sự chờ đợi nầy sắp chấm dứt, bởi vì tôi đang chết. Tôi chết mà không gặp lại họ, không gặp lại một ai cả!
“ Ông ấy, ông bạn tôi, từ hai mươi năm nay ngày nào cũng viết thư cho tôi, nhưng tôi chẳng bao giờ muốn tiếp ông ta, dù chỉ một giây, bởi vì tôi có linh cảm rằng lúc ông ấy trở về đây thì cũng chính là lúc tôi thấy con tôi xuất hiện lại. Con tôi! Con tôi! Nó còn sống hay đã chết? Nó đang trốn nơi nào? Có thể là ở bên kia đại dương, tại một nơi xa xôi nào đó mà ngay cả cái tên gọi tôi cũng chẳng biết. Nó có nghĩ đến tôi không? Ôi! giá mà nó biết! Con cái thật quá nhẫn tâm!
“Nó có hiểu rằng trong khi tôi, mẹ nó, đã yêu thương nó bằng tấm lòng mẫu tử mãnh liệt nhất thì nó đã phạt tôi phải chịu khổ sở như thế nào không, phải lâm vào tình cảnh tuyệt vọng như thế nào không, phải chịu những nỗi giằn vặt ghê sợ như thế nào không, từ khi tôi đang còn ở tuổi thanh xuân cho đến bây giờ là lúc cuối đời…nó có hiểu không? Ôi! Thật quá tàn nhẫn!
“ Thưa ông, xin ông hãy nói với nó mấy điều đó. Ông hãy lập lại cho nó nghe những lời cuối cùng nầy của tôi:
“ Con của mẹ, con yêu quí của mẹ, con nên bớt cứng rắn đối với những kẻ khốn khổ. Đời đã quá tàn nhẫn và hung ác. Con yêu, hãy nghĩ đến cuộc sống đã qua của mẹ, của người mẹ tội nghiệp của con, kể từ khi con bỏ mẹ mà đi. Con ơi, bây giờ mẹ đã chết, hãy tha thứ cho mẹ, hãy yêu thương mẹ vì mẹ đã phải chịu hình phạt khủng khiếp nhất.
Bà ta thở hổn hển, run rẩy, như thể bà đang nói với con bà đang đứng trước mặt. Rồi bà nói tiếp :
“ Thưa ông, xin ông nói thêm với nó rằng tôi chưa hề gặp lại …ông ấy”
Bà ta ngừng bặt rồi nói tiếp, bằng giọng đứt quãng:
“ Bây giờ xin ông vui lòng để tôi yên, Tôi muốn chết đơn độc bởi vì họ chẳng ở bên cạnh tôi.”
Ông Le Brument nói thêm:
“Thưa các ngài, tôi vừa đi khỏi đó vừa khóc như điên, đến nỗi người đánh xe của tôi phải quay lại nhìn. Cũng phải nói rằng những thảm kịch tương tự như thế xảy ra hằng ngày chung quanh chúng ta nhiều lắm!
Tôi đã không tìm được đứa con…đứa con ấy. Các ngài nghĩ sao về nó thì tùy các ngài. Riêng tôi, tôi nói…đứa con nầy…có tội!
THÂN TRỌNG THỦY (5/2017)
Dịch từ nguyên bản L’attente của
GUY DE MAUPASSANT
(11/11/1883)
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire