dimanche 28 mai 2017

HAI MƯƠI NĂM SAU




Truyện ngắn
O'Henry

       Người cảnh sát đi tuần ngược lên đại lộ một cách oai nghiêm. Vẻ oai nghiêm cố hữu chứ không phải để phô trương vì chẳng mấy ai chứng kiến. Lúc này mới chỉ gần mười giờ đêm, nhưng những cơn gió lạnh kèm hơi mưa làm cho đường phố vắng hẳn người.
      Thử đẩy mấy cánh cửa, tay xoay chiếc dùi cui bằng những động tác phức tạp và điệu nghệ, thỉnh thoảng quay người đưa mắt cảnh giác nhìn xuống khu phố yên tĩnh, viên cảnh sát là hình ảnh đẹp đẽ của người bảo vệ an ninh.
      Khu vực này người ta thường đi ngủ sớm. Thỉnh thoảng thấy có ánh đèn từ một tiệm bán thuốc xì gà hoặc từ một quầy bán thức ăn phục vụ suốt đêm, còn phần lớn những nơi buôn bán đã đóng cửa từ lâu.
      Khi đi được nửa đường một dãy nhà, viên cảnh sát bỗng đi chậm lại. Ở ô cửa một cửa hàng bán đồ sắt tối thui có một người đàn ông đứng dựa vào đấy, miệng ngậm điếu xì gà chưa đốt.
       Khi viên cảnh sát đến sát bên, người đàn ông vội vàng lên tiếng:
      - " Không có gì đâu ông cảnh sát", y nói, giọng chắc nịch, " chỉ là tôi đang chờ một người bạn. Cuộc hẹn từ hai mươi năm trước. Ông nghe có vẻ buồn cười phải không? Vậy để tôi giải thích để ông thấy không có gì khuất tất. Cách đây cũng gần khoảng hai mươi năm, ngay chỗ này có một tiệm ăn tên là Big Joe Brady.
      - " Người ta đã phá tiệm đó cách đây năm năm rồi", viên cảnh sát nói.
      Người đàn ông đứng ở ô cửa bật que diêm châm điếu xì gà. Ngọn lửa soi rõ một khuôn mặt tái lợt, quai hàm vuông, cặp mắt sắc sảo, có cái sẹo trắng nhỏ gần chân mày phải. Cái kẹp cà vạt nạm một viên kim cương to tướng thật kỳ quặc.
       "Tối nay là hai mươi năm rồi", người đàn ông nói, " tôi ăn tối ở tiệm Big Joe Brady này với Jimmy Wells, thằng bạn thân nhất của tôi, một tay tuyệt nhất trần đời. Hắn và tôi cùng lớn lên ở New York, như hai anh em ruột. Lúc đó tôi 18 tuổi, và hắn hai mươi. Sáng hôm sau tôi phải đi miền Tây để kiếm sống. Không thể nào  kéo Jimmy ra khỏi đất New York, bởi hắn nghĩ không đâu hơn được nơi này. Rồi đêm đó chúng tôi đã giao ước với nhau là sẽ gặp lại tại nơi này đúng hai mươi năm sau,  đúng ngày này, giờ này, dù cho hoàn cảnh sinh sống như thế nào, dù cho đường sá xa xôi cách trở ra sao. Chúng tôi tin rằng trong vòng hai mươi năm, số phận mỗi đứa đã an bài, cơ đồ cũng đã ổn định, dù là gì chăng nữa."
      - " Nghe thú vị đấy nhỉ ", viên cảnh sát nói. " Tuy nhiên, tôi thấy thời gian giữa hai cuộc gặp có hơi lâu. Anh không có tin tức gì của bạn từ lúc ra đi sao?"
      - " Có chớ. Chúng tôi có liên lạc một thời gian", người kia nói, " nhưng một hai năm sau thì bặt tin nhau. Ông cũng thấy đó, miền Tây là nơi có quá nhiều hứa hẹn, còn tôi phải bươn chãi kiếm sống. Nhưng tôi biết Jimmy sẽ gặp tôi ở đây nếu hắn còn sống, vì hắn là thằng bạn chân thật và trung thành nhất trên đời. Hắn sẽ không bao giờ quên. Tôi vượt cả ngàn cây số để tới đây đêm nay và cũng bõ công nếu bạn tôi cũng tới."
      Người đứng chờ rút trong túi ra chiếc đồng hồ rất sang, vỏ nạm hột xoàn.
      - " Mười giờ kém ba phút rồi! ", hắn nói to. " Hồi ấy, lúc chúng tôi chia tay ở quán này, chính xác là mười giờ."
      - " Anh làm ăn khấm khá ở miền Tây chứ? " viên cảnh sát hỏi.
      - " Còn phải nói! Tôi hy vọng Jimmy được một nửa như thế. Hắn vẫn thuộc loại chậm chạp, tuy vậy vẫn là bạn tốt của tôi. Tôi đã phải đánh vật với nhiều tay sừng sỏ nhất mới kiếm được chút đỉnh bây giờ đây chứ! Ở New York con người thường ù lì. Có đến miền Tây mới sắc sảo được." 
      Viên cảnh sát xoay xoay cái dùi cui và bước tới vài bước.
      - " Tôi đi đây. Mong là bạn anh sẽ đến. Nếu anh ta không đến vào đúng mười già anh có bỏ đi không?"
      - " Ồ không, người kia nói. Ít nhất tôi cũng đợi hắn nửa giờ. Nếu Jimmy còn sống, hắn sẽ đến đây trong khoảng thời gian đó. Xin chào ông cảnh sát."
      - " Chào anh! ", viên cảnh sát nói và tiếp tục cuộc tuần tra, đẩy thử cửa mỗi nhà khi đi ngang qua.
      Lúc này trời đổ cơn mưa bụi lạnh lẽo và những làn gió ngập ngừng đã nổi lên thành từng cơn. Một vài khách bộ hành còn quanh quẩn trong khu phố vội rảo bước, âm thầm lặng lẽ, cổ áo kéo cao, tay đút vào túi. Và ở cửa tiệm bán đồ sắt, người đàn ông đã vượt qua cả ngàn cây số để giữ đúng một lời hẹn vu vơ đến mức vô lý với người bạn thời trẻ, vẫn đứng hút xì gà chờ đợi. 
      Được chừng hai mươi phút thì một người cao lớn mặc áo khoác dài, cổ áo dựng đứng tận mang tai, từ phía bên kia đường vội vã băng qua. Anh ta chạy thẳng đến chỗ người đàn ông đứng chờ.
      - " Cậu đấy hả, Bob?" Anh ta hỏi, nghi hoặc.
      - " Ôi, cậu đấy phải không, Jimmy Wells? ", người đàn ông đứng ở cửa kêu lên.
      - " Trời đất ơi! ", người mới tới reo lên và nắm chặt cả hai bàn tay người kia. " Đúng là Bob đây rồi. Tớ chắc chắn sẽ gặp cậu ở đây nếu cậu còn sống. Hưm hưm.. , hai mươi năm quả là dài. Bob này, cái tiệm cũ mất rồi, tớ ước chi nó vẫn còn đó để tớ với cậu còn ăn tối một bữa nữa với nhau. Đất miền Tây đãi cậu ra sao hả bạn hiền? "
      - " Tuyệt! Miền Tây đã cho tờ những gì tớ mong muốn. Cậu thay đổi nhiều đấy, Jimmy. Tớ không nghĩ cậu lại cao thêm lên đến năm sáu phân. (1) 
      - " Ừ, sau năm hai mươi tuổi tớ có cao thêm một chút.
      - " Ở New York cậu làm ăn khá chứ, Jimmy?"
      - " Tàm tạm thôi. Tớ làm ở một công sở của thành phố. Đi thôi, Bob, tụi mình sẽ tới một chỗ tớ quen, rồi cùng hàn huyên chuyện ngày xưa."
      Hai người khoác tay nhau đi ngược đường phố. Người từ miền Tây tới, do thành công nên tỏ ra tự cao, bắt đầu kể qua quá trình làm ăn của mình. Còn người kia, thân hình chìm trong chiếc áo khoác, chăm chú lắng nghe.
      Ở góc đường có một nhà thuốc, đèn điện sáng trưng. Khi họ bước tới chỗ ánh sáng chói loà ấy, cả hai người cùng lúc quay lại nhìn chằm chằm vào mặt nhau. Người từ miền Tây đến bỗng dừng lại và rút tay ra.
      - " Anh đâu phải là Jimmy Wells! ", hắn cáu kỉnh nói. " Hai mươi năm dài thật nhưng cũng chưa đủ để thay đổi mũi của một con người, từ mũi cao đến mũi tẹt như thế kia được.
      - " Đôi khi thời gian ấy cũng đủ để biến một người chân thực thành kẻ bất lương! " người cao lớn nói. " Anh đã trong tình trạng bị bắt từ 10 phút rồi, Bob "lành" ạ. Chicago nghĩ là có thể anh sẽ qua chỗ chúng tôi nên đã điện báo cho chúng  tôi là họ muốn tán gẫu với anh một chút. Yên mà đi thôi chứ? Vậy là biết điều đó. Bây giờ, trước khi về đồn, đây là mấy chữ mà người ta nhờ tôi trao tận tay anh. Anh có thể đọc ngay ở đây, chỗ cửa sổ này. Cảnh sát tuần tra Wells gởi cho anh đó."
      Người từ miền Tây đến mở miếng giấy nhỏ người kia đưa. Khi bắt đầu đọc, tay hắn vẫn vững như thường, nhưng khi đọc xong thì hơi run run. Mảnh giấy ghi ngắn gọn thế này:
      Bob. Tớ đã đến chỗ hẹn đúng giờ. Khi cậu bật diêm hút thuốc, tớ đã nhận ra khuôn mặt người đang bị truy nã ở Chicago. Làm sao tớ lại có thể tự mình làm việc này nên đành phải nhờ một nhân viên mặc thường phục thực hiện đó Bob à. Jimmy.

______________________
 Nguyên tác : by two or three inches.  1 inch = 2,54 cm 



THÂN TRỌNG SƠN dịch
từ nguyên tác tiếng Anh
 After twenty years - O' Henry

http://www.newagepublishers.com/samplechapter/000558.pdf





lundi 22 mai 2017

LỜI THÚ TỘI





Truyện ngắn
Guy de Maupassant


Hầu hết truyện ngắn của Maupassant đều được đăng lần đầu trên các nhật báo. Ông cộng tác với nhiều báo và sử dụng nhiều bút danh khác nhau. Trong vòng một năm, Ông viết ba truyện cùng chung nhan đề " Lời thú tội " ( La Confession ). Truyện thứ nhất, đăng trên tờ Le Gaulois ngày 21/10/1883, là lời thú tội của người chị đã đầu độc người sắp cưới em gái mình chỉ vì chị cũng yêu người ấy. Truyện thứ hai đăng trên tờ Gil Blas, ngày 12/8/1884, là lời thú tội của người chồng nghi vợ ngoại tình nên đã giết oan một mạng người. Truyện dưới đây đăng trên tờ le Figaro ngày 10/11/1884, là lời thú tội của một người cha đã giết con trai của mình. Những tình tiết bất ngờ xuất hiện theo diễn biến tâm lý của nhân vật khiến người đọc hồi hộp theo dõi câu chuyện cho đến hồi kết.


      Tất cả người dân hạt Véziers-le- Réthel đã đi theo đoàn đưa tang ông Badon-  Leremincé, và những lời cuối cùng trong điếu văn của đại diện địa phương vẫn còn in đậm trong ký ức mọi người: " Ít nhất, ông ấy là một người trung thực!"
      Vâng, ông là người trung thực qua tất cả những hành vi có thể nhận xét được trong cuộc đời, trong lời nói, trong ứng xử, trong thái độ, trong cách ăn mặc, đi đứng, trong kiểu râu, loại mũ của ông nữa. Chưa bao giờ ông nói lời nào mà không có ý nêu gương, chưa bao giờ giúp đỡ ai mà không khuyên nhủ, chưa bao giờ bắt tay ai mà không chúc phúc.
      Ông để lại hai người con: một trai một gái, con trai ông là uỷ viên hội đồng tỉnh, con gái kết hôn với công chứng viên Poirel de la Voulte, thuộc tầng lớp thượng lưu ở Véziers. Cả hai chưa nguôi nỗi buồn mất cha, vì họ yêu cha thực lòng.
      Tang lễ vừa xong, họ trở về nhà người vừa mất, con trai, con gái và con rể, cả ba tự giam mình trong phòng rồi mở chúc thư, chính họ mới được mở niêm phong và chỉ mở sau khi quan tài đã nằm sâu trong lòng đất. Một ghi chú trên bao thư đã nói rõ di nguyện đó.
      Ông Poirel de la Voulte xé bao thư, theo tư cách một công chứng viên đã quen với công việc đó, rồi, chỉnh lại cặp kính, ông đọc bằng cái giọng buồn tẻ vốn thường đọc các chi tiết những khế ước.
      - Các con của cha, các con yêu quý của cha, cha sẽ không thể an giấc ngàn thu nếu như từ dưới mộ sâu cha không gửi đến các con một lời thú tội, thú nhận về một tội ác khiến cha đã bị ăn năn dày vò suốt đời. Phải, cha đã phạm một tội ác, một tội ác tày trời, kinh tởm.
        Hồi ấy, cha mới hai mươi sáu tuổi, bắt đầu làm nghề luật sư ở Paris, sống cuộc sống của thanh niên tỉnh lẻ lạc lõng nơi chốn thị thành, không người quen, không bạn bè, không họ hàng.
      Cha có một tình nhân. Biết bao nhiêu người nghe nói " tình nhân " là phẫn nộ, tuy nhiên cũng có những người không  chịu nổi cuộc sống cô đơn. Cha là người trong số đó. Sự cô đơn khiến lòng cha tràn ngập một nỗi lo sợ khủng khiếp, sự cô đơn trong căn phòng, bên lò sưởi, khi đêm về.
      Lúc này cha cảm thấy dường như cha chỉ có một thân một mình, trơ trọi đớn đau trên thế gian này, lại bị bủa vây bởi những hiểm hoạ mơ hồ, những điều khủng khiếp không biết rõ, và bức tường ngăn cách cha với người hàng xóm chưa hề biết mặt, khiến cho cha với anh ta xa nhau một khoảng cách vời vợi, khác nào những vì sao cha nhìn thấy qua cửa sổ. Một thứ như cơn sốt xâm chiếm lấy cha, cơn sốt bồn chồn và lo sợ, và sự yên lặng của các bức tường khiến cha hãi hùng. Ôi, cái yên lặng của gian phòng ta sống đơn độc mới sâu lắng và sầu thảm làm sao! Chẳng phải chỉ là sự yên lặng bao quanh thân xác, mà còn là sự yên lặng bao quanh tâm hồn, và khi bỗng có tiếng đồ đạc kêu răng rắc, ta run rẩy cả cõi lòng, bởi trong căn phòng sầu muộn này, nào ai có chờ mong một tiếng động nào đâu.
      Biết bao nhiêu lần, căng thẳng, sợ hãi vì sự lặng lẽ im lìm đó, cha đã cất tiếng, thốt lên những lời rời rạc, không ý nghĩa, cốt chỉ để có âm thanh thôi. Giọng cha lúc ấy nghe ra lạ lùng quá đỗi khiến cha cũng thấy sợ.
      Có điều gì khủng khiếp hơn là một mình cất tiếng nói trong căn phòng trống hoắc? Giọng phát ra chừng như giọng của ai khác, xa lạ, vu vơ, không nhằm vào ai, đi vào hư không, chẳng có đôi tai nào lắng nghe, bởi vì ta biết lời nào sẽ được thốt ra trước khi chúng tan vào cảnh tịch liêu của căn phòng. Và khi những lời ấy vang lên sầu thảm trong thinh lặng, dường như chúng chỉ như là một tiếng vọng, tiếng vọng lạ kỳ của những lời thì thầm trong ý nghĩ một người.  
      Cha có nhân tình, một cô gái trẻ cũng như nhiều cô gái khác, sống ở Paris bằng cái nghề không đủ nuôi sống mình. Cô ấy dịu dàng, nhân hậu, giản dị, có bố mẹ sống ở Poissy, thỉnh thoảng cô về đấy sống với họ vài ngày.
      Trong suốt một năm, cha sống yên ổn với cô ấy, và có ý sẽ rời bỏ cô khi nào  tìm được người mà cha yêu thương để có thể cưới làm vợ. Cha sẽ chu cấp chút ít cho cô gái, bởi trong xã hội chúng ta, ai cũng thừa nhận là yêu thương phụ nữ phải  trả công, bằng tiền nếu cô ấy nghèo, bằng quà cáp nếu cô ta giàu.
      Nhưng bỗng một ngày, cô ấy báo cha biết là cô có thai. Cha nghe mà rụng rời và trong thoáng chốc nhận ra là cuộc đời cha sẽ bi thảm rồi. Cha thấy rõ gông xiềng mà cha sẽ đeo cho đến chết, ở mọi nơi, trong gia đình tương lai của cha, lúc cha về già, mãi mãi: gông xiềng của một người đàn bà trói buộc đời cha bằng đứa con, gông xiềng của đứa bé mà cha phải nuôi nấng, trông nom, che chở, nhưng phải làm như không biết nó, phải che giấu nó với mọi người.
      Tâm trí cha xáo động bởi cái tin đó, và một mong muốn mơ hồ, cha không bày tỏ được, mà chỉ cảm thấy nó ở trong tim cha, sẵn sàng bộc lộ ra, chẳng khác nào những người núp sau rèm cửa chờ nghe lệnh lộ mặt ra, một mong muốn tội lỗi rình rập tận nơi sâu thẳm của tâm trí cha! Có thể nào một tai nạn xảy ra nhỉ? Phải rồi, cũng đã có nhiều sinh linh bé nhỏ đã chết trước khi sinh ra đó thôi!
      Ôi! Cha không muốn người tình của cha chết. Cô gái tội nghiệp, cha yêu cô ấy lắm! Nhưng có lẽ, cha mong đứa bé sẽ chết trước khi cha thấy mặt nó. 
      Thằng bé được sinh ra. Vậy là cha có một gia đình trong căn hộ nhỏ của trai độc thân, một gia đình giả tạo có trẻ con, thật là chuyện khủng khiếp. Nó cũng giống mọi đứa trẻ khác. Cha chẳng thương nó chút nào. Các con biết đó, tình yêu của những ông bố chỉ đến về sau. Người bố không có sự dịu dàng bản năng và mãnh liệt của người mẹ, tình cảm yêu thương của họ cần được đánh thức dần dần, tinh thần của họ cần được nối kết bằng những sợi dây hình thành mỗi ngày giữa những người cùng sống chung  với nhau.
      Một năm nữa trôi qua: bây giờ cha thường tránh về nhà, nơi chật chội bừa bãi áo quần, tã lót, những đôi vớ cỡ găng tay, cả ngàn thứ linh tinh ngổn ngang trên đồ đạc, nơi tay dựa ghế bành, ở khắp mọi nơi. Cha bỏ đi chủ yếu là để khỏi nghe nó kêu thét lên vì lúc nào nó cũng kêu thét lên được, khi thay quần áo, khi tắm rửa, khi người ta đụng vào, khi được dỗ ngủ, khi được bế dậy, nó kêu thét không dứt.
      Rồi cha cũng có những mối quen biết khác, và trong một buổi tiệc cha đã gặp người phụ nữ sau này là mẹ các con. Cha yêu nàng và mong muốn được cưới nàng. Cha đã tỏ tình, đã xin gia đình nàng cho cưới và đã được chấp nhận.
      Lúc này cha mới thấy mình đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan. Hoặc là đang có con, cưới cô gái mà cha yêu thương này, hoặc là nói ra sự thật và từ bỏ nàng, từ bỏ hạnh phúc, tương lai, từ bỏ tất cả, vì cha mẹ nàng, vốn khắt khe và thận trọng, sẽ không chấp thuận cho cha cưới nàng nếu họ biết chuyện.
      Cha đã trải qua một tháng khủng khiếp đầy lo sợ và dày vò tinh thần, một tháng bị ám ảnh bởi những ý nghĩ kinh người, và cha cảm thấy dấy lên sự căm ghét đối với con trai của cha, cái khối thịt nhỏ bé sống động và hay kêu thét đó, chính nó đã chặn đường, cản lối cha, buộc cha phải sống một cuộc đời không mong đợi, không còn hy vọng mơ hồ khiến cho tuổi trẻ tươi đẹp ra.
      Rồi ngày nọ, mẹ cô người tình bị bệnh và cha ở một mình với đứa bé. Lúc này vào tháng mười hai. Trời lạnh khủng khiếp. Một đêm thật kinh hoàng! Người tình của cha vừa đi khỏi, cha ăn tối một mình trong căn phòng nhỏ và bước khẽ vào phòng thằng bé đang ngủ.
      Cha ngồi xuống chiếc ghế bành trước lò sưởi. Gió thổi, làm những cánh cửa kêu lách cách, một cơn gió khô, lạnh buốt, xuyên qua khung cửa sổ, cha nhìn thấy những vì sao đang toả ra thứ ánh sáng sắc lạnh như thường thấy những đêm băng giá.
      Rồi cái ý nghĩ đã từng ám ảnh cha từ một tháng nay lại thấm vào đầu cha. Ngay khi cha ngồi im, nó trở lại, nhập vào người cha, gặm nhấm cha. Nó gặm nhấm cha như những ý niệm đã định hình, như những ung nhọt gặm nhấm da thịt. Cha thấy như nó cứ ở đó, trong đầu cha, trong tim cha, trong toàn thân thể cha, và nó nuốt chửng cha như một con thú dữ. 
     Cha muốn xua đuổi nó, đẩy lùi nó, muốn mở tâm trí mình ra với những thứ khác, những hy vọng mới, như người ta mở cửa sổ đón gió mát ban mai để xua đi  không khí ô nhiễm đêm khuya. Nhưng cha không thể nào xua nó ra khỏi đầu óc dù chỉ trong một giây. Cha không biết giải thích sự dày vò này ra sao. Nó gặm nhấm tâm hồn cha, cha cảm được từng vết răng của nó với sự đau đớn ghê người, cả thể xác lẫn tinh thần.
      Đời cha thế là tàn rồi! Làm sao thoát khỏi tình thế này? Làm sao có thể rút lui, làm sao thú tội?
      Và cha đã yêu người phụ nữ sau này là mẹ các con bằng một niềm đam mê dữ dội và càng tệ hại hơn bởi điều chướng ngại không thể vượt qua này.
      Một cơn giận khủng khiếp đang bừng dậy, bóp nghẹt cổ họng cha, cơn giận  dần dần gần sự điên loạn! Đúng vậy, tối hôm đó cha đã điên loạn.
      Đứa bé đang ngủ. Cha đứng nhìn nó ngủ. Chính nó, cái đồ trẻ ranh này, cái đồ quái quỷ này, cái đồ không ra gì này, đã buộc cha lâm vào cảnh bất hạnh không thoát được.
      Nó đang ngủ, miệng há ra, người bọc trong lớp chăn mền, nằm trong nôi, cạnh giường của cha, còn cha thì không sao chợp mắt được!
      Làm sao cha đã thực hiện được điều cha đã làm? Sao cha biết được? Sức lực nào đã thúc đẩy cha? Thế lực xấu xa nào đã chế ngự cha? Chao ôi! Sự cám dỗ gây tội ác đã đến với cha mà cha nào thấy được báo trước. Cha chỉ còn nhớ là tim cha đập dữ dội. Tim đập mạnh đến nỗi cha nghe thấy được, như ta nghe tiếng búa đập sau bức vách. Cha chỉ nhớ có thế. Tim cha đập loạn xạ.
      Trong đầu cha là một sự hỗn loạn lạ kỳ, một sự xáo động, một sự lạc hướng khỏi lý trí, khỏi bình tâm. Cha đang ở vào một trong những giờ phút hoang mang đầy ảo giác, khi con người không còn ý thức về hành động cũng không điều khiển được ý muốn của mình.
      Cha nhẹ nhàng kéo mấy cái mền che cơ thể đứa bé ra, ném chúng phía dưới nôi, và cha thấy nó trần truồng hoàn toàn. Nó vẫn không thức giấc. Rồi cha bỏ đi ra phía cửa sổ, thật khẽ, thật khẽ, và mở cửa sổ ra.
      Một làn khí lạnh len vào phòng như tên sát thủ, lạnh đến nỗi cha phải lùi lại, hai ngọn nến chập chờn. Và cha vẫn đứng cạnh cửa sổ, không dám quay lại như thể để khỏi nhìn thấy những gì xảy ra sau lưng, nhưng cha vẫn cảm thấy cái khí lạnh chết chóc đó không ngừng lướt qua trán, qua má, qua hai bàn tay cha. Cha đứng vậy một lúc lâu.
      Cha không nghĩ gì, không suy tư việc gì. Bỗng nhiên có một tiếng ho nhỏ khiến cha sợ hãi rùng mình từ chân đến đầu, cơn rùng mình mà giờ đây cha vẫn còn cảm thấy đến tận chân tóc. Và bằng một động tác hoảng loạn, cha đột ngột đóng hai cánh cửa sổ lại và quay lui, chạy đến bên nôi.
      Đứa bé vẫn ngủ, miệng há ra, hoàn toàn trần truồng. Cha sờ hai chân nó, chân lạnh ngắt, cha đắp chân lại.
      Trái tim cha bỗng dịu lại, đau đớn, ngập tràn lòng trắc ẩn, dịu dàng, yêu thương dành cho sinh linh ngây thơ tội nghiệp mà cha đã muốn giết đi. Cha hôn trên mái tóc mịn màng của nó thật lâu, rồi cha đến ngồi trước lò sưởi.
      Cha ngẫm nghĩ với sự kinh ngạc và khiếp sợ về những gì cha vừa làm, tự hỏi những cơn bão lòng này từ đâu tới, khiến con người mất hết khái niệm về sự việc, mất hết khả năng điều khiển bản thân, để hành động trong một cơn say điên cuồng, không biết mình đang làm gì, không biết mình đang đi đâu, như con thuyền trong bão tố.
      Đứa bé còn ho lần nữa, và cha cảm thấy nát cả cõi lòng. Lẽ nào nó chết! Ôi! Chúa ôi! Chúa ôi! Cha sẽ ra sao đây?
      Cha đứng dậy đến bên đứa bé, cầm ngọn nến trong tay, cha cúi xuống nhìn nó,  thấy nó vẫn thở ổn cha cố trấn an, khi nó ho lần thứ ba. Và cha cảm thấy choáng váng, cha phải lùi ra sau, như khi xáo động nhìn một cảnh tượng hãi hùng nào đó, đến mức đánh rơi cả ngọn nến.
      Nhặt nến lên đứng dậy, cha nhận ra là thái dương ướt đẫm mồ hôi, thứ mồ hôi vừa nóng hổi vừa lạnh giá, toát ra do những khắc khoải của tâm hồn, chừng như từ một nỗi đau tinh thần, nỗi dày vò không gọi tên được, quả thực là vừa nóng rực như lửa, lại vừa lạnh như băng, nó thoát ra từ xương từ da của sọ não.
      Và từ lúc đó cho đến rạng sáng, cha cứ cúi xuống con trai, yên tâm khi đứa bé yên lặng được lâu và lòng nát tan khi một cơn ho yếu ớt thoát ra khỏi miệng nó.
      Đứa bé tỉnh dậy, mắt đỏ, họng nghẽn, có vẻ đau đớn.
      Khi người làm phòng đến, cha bảo bà mời bác sĩ ngay. Một tiếng sau bác sĩ đến khám cho đứa nhỏ rồi ông hỏi:
      - Nó không bị nhiễm lạnh chứ?
      Cha bắt đầu run, như kiểu người già yếu, cha ấp úng:
      - À không, tôi không nghĩ vậy.
      Rồi cha hỏi:
      - Chuyện thế nào? Có trầm trọng không?
      Bác sĩ đáp:
      - Tôi vẫn chưa biết được. Tối nay tôi trở lại.
      Bác sĩ đến lại vào buổi tối. Gần như suốt cả ngày con trai cha cứ mê man uể oải, và một chốc lại ho. Đến tối thì cơn viêm phổi bắt đầu.
      Chuyện đó kéo dài mười ngày. Cha không thể diễn tả được những gì cha phải chịu đựng trong những giờ phút dài vô tận đó, hết sáng lại tối, hết tối lại sáng.
      Rồi đứa bé chết.
      Và kể từ... kể từ giờ khắc đó, cha không còn có một giờ nào, không còn một giờ nào, mà cái hồi ức ác độc, cay đắng đó gặm nhấm, dày vò tâm trí cha không sống dậy trong cha như một con thú hung dữ bị nhốt dưới đáy tâm hồn cha. Ôi! Giá mà cha có thể phát điên được!
      Ông Poirel de la Voulte nhấc kính lên với một động tác quen thuộc khi ông đọc xong một văn kiện, và ba người thừa kế nhìn nhau, tái nhợt, bất động, không nói lời nào.
      Một phút sau, ông công chứng viên tiếp tục:
      - Phải tiêu huỷ cái này thôi.
      Hai người kia cúi đầu, tỏ dấu hiệu đồng ý. Ông công chứng viên thắp một ngọn nến, cẩn thận tách rời những trang chứa lời thú tội nguy hiểm khỏi những trang nói đến việc phân chia tài sản, rồi ông ta cho chúng lên ngọn nến và ném vào lò sưởi.
      Họ nhìn những tờ giấy trắng đang cháy. Một lát sau chúng chỉ còn là những mảnh vụn đen. Và khi thấy vẫn còn vài chữ đọc được trên mẩu giấy trắng, người con gái lấy mũi giày dẫm lên những phần cháy dở, đẩy nó lẫn vào đám tro cũ.
      Rồi cả ba đứng nhìn một lúc nữa, như sợ điều bí mật đã bị đốt cháy còn có thể thoát ra khỏi lò sưởi.



THÂN TRỌNG SƠN
dịch từ nguyên tác
La confession / 10 novembre 1884
Guy de Maupassant

      

dimanche 21 mai 2017

ÁNH TRĂNG




Truyện ngắn
Guy de Maupassant


      Bà Julie Roubère đang đợi người chị cả là bà Henriette Létoré trở về sau chuyến đi Thuỵ Sĩ.
           Gia đình Létoré đã đi gần năm tuần nay rồi. Bà Henriette để chồng một mình quay về trang trại của họ ở Calvados, nơi công việc có lợi đang chờ ông, còn bà đến nhà em gái ở Paris vài ngày.
      Chiều xuống. Trong căn phòng khách nhỏ, bình dị, mờ tối trong ánh hoàng hôn, bà Roubère ngồi đọc, lơ đãng, cứ nghe tiếng động là ngước mắt lên nhìn.
      Cuối cùng chuông cũng reo và bà chị xuất hiện, người trùm kín trong tấm áo đi đường rộng. Và, ngay lập tức, hai người không chỉ nhận ra nhau mà ôm chặt lấy nhau, tạm ngừng rồi lại ôm nhau tiếp.
      Sau đó, họ chuyện vãn, hỏi han nhau về sức khoẻ, gia đình và trăm ngàn chuyện khác, huyên thuyên, tuôn ra những lời dồn dập, ngắt quãng, chuyện nọ xọ chuyện kia, trong lúc bà Henriette gỡ mạng che mặt và mũ.
      Đêm xuống. Bà Roubère gọi mang đèn tới, và ngay khi có ánh sáng, nàng nhìn chị, sắp sửa ôm hôn nữa. Nhưng nàng cứ thẫn thờ, hốt hoảng, không thốt nên lời. Trên thái dương, bà Létoré có hai chòm tóc bạc. Phần còn lại trên đầu có màu đen tối và sáng, nhưng ở đó, chỉ ở đó thôi, từ phía hai bên, chảy xuống như hai dòng suối bạc đổ nhanh vào mảng tóc sẫm màu. Vậy mà nàng chỉ mới hai mươi bốn tuổi và chuyện này đột ngột xảy ra từ khi nàng đi Thuỵ Sĩ. Ngồi bất động, bà Roubère nhìn chị sững sờ, sắp sửa khóc,  chừng như một nỗi bất hạnh bí ẩn và khủng khiếp nào đó đã sập xuống chị của mình, nàng lên tiếng hỏi:
      - Có chuyện gì thế, chị Henriette?
      Thoáng nở một nụ cười buồn bã, nụ cười đau yếu, người kia đáp:
      - Chẳng có gì đâu, chị bảo đảm đó. Hay là vì em thấy tóc chị bạc?
      Bà Roubère nắm chặt vai chị, săm soi nhìn và nhắc lại:
      - Chuyện gì đã xảy ra? Chị có chuyện gì? Nói cho em nghe đi!
      Hai người vẫn đối diện nhau, bà Henriette biến sắc, xanh xao, yếu đuối, giọt lệ rơi xuống từ khoé mắt.
      Lúc này, bằng giọng nói cam chịu, người kia thì thào:
      - Chị... chị có nhân tình.
      Và rồi, tựa đầu trên vai cô em, nàng nức nở.
      Khi trấn tỉnh lại chút ít, khi cơn phập phồng trong ngực lắng xuống, nàng bỗng lên tiếng, chừng như muốn trút bỏ khỏi mình sự bí mật này, thổ lộ hết nỗi đau khổ này với một tâm hồn bè bạn.
      Và hai người phụ nữ siết chặt tay nhau cùng đến ngồi trên ghế tràng kỷ, nơi phòng khách tối mờ, người trẻ hơn vòng tay qua cổ và ôm chị vào lòng, lắng nghe.
      - Ôi, chị thừa nhận là chẳng biện minh gì được, chị không hiểu được chính mình, chỉ đã điên rồ từ ngày hôm đó. Em hãy coi chừng, em gái bé bỏng, em hãy coi chừng chính mình đó. Nếu em hiểu được chúng ta yếu đuối đến mức nào, chúng ta hay nhượng bộ đến thế nào, chúng ta gục ngã nhanh chóng ra làm sao! Chỉ cần một điều chẳng là gì cả, chỉ một chút, một chút thôi, một sự yếu đuối, một chút bâng khuâng bất chợt thoáng qua hồn, một sự khao khát được mở rộng vòng tay, được yêu thương và ôm ấp, là những thứ chúng ta đều có cả, vào những khoảnh khắc nào đó.
      Em biết chồng chị, và em biết chị yêu anh ấy đến mức nào, nhưng anh ấy chín chắn và sống bằng lý trí, chẳng hiểu gì về những rung động tế nhị của trái tim phụ nữ. Anh ấy vẫn luôn luôn, luôn luôn là như thế, luôn luôn tốt bụng, luôn luôn tươi cười, luôn luôn chiều chuộng, luôn luôn hoàn hảo. Ôi! Chị mong sao có lần anh bất chợt ôm chị vào lòng, trao cho chị những nụ hôn chậm rãi và ngọt ngào, làm hoà quyện hai con người, như trao gởi những lời tâm sự thầm lặng, mong sao anh có phút giây buông bỏ, cả yếu đuối nữa, để cảm thấy cần có chị, cần những vuốt ve của chị, cần những giọt nước mắt của chị.
      Tất cả những thứ đó thật là rồ dại, nhưng phụ nữ chúng ta là thế. Chúng ta có làm được gì đâu? Tuy thế, chưa bao giờ chị có ý nghĩ muốn lừa dối anh ấy. Ngày hôm nay, chuyện đã xảy đến, không có tình yêu, không có lý trí, không có gì hết, bởi đã có trăng, có đêm, trên hồ Lucerne.
      Từ một tháng nay đi du lịch với nhau, bằng sự lạnh lùng điềm tĩnh của mình, chồng chị đã làm tê liệt tất cả nhiệt tình, dập tắt mọi hứng khởi của chị. Có hôm, vào lúc bình minh, bọn chị đi xuống sườn đồi trên cỗ xe tứ mã đang phóng nước đại.  Trong làn hơi nước trong suốt của ban mai, đi qua những thung lũng dài, những cánh rừng, những con sông, những làng mạc, chị vui thích vỗ tay và nói với anh ấy:" Ôi, đẹp quá, anh yêu, ôm hôn em đi!" Anh ấy hơi nhún vai đáp lại: " Không phải là lý do để hôn nhau, chẳng qua vì em thích cảnh đẹp thôi!"
       Và điều đó khiến chị băng giá cả cõi lòng. Thế mà chị nghĩ là khi yêu, lúc nào người ta cũng muốn yêu nhau nhiều hơn nữa trước những phong cảnh cảm động.
      Cuối cùng chị cảm thấy bừng dậy trong người những tình cảm sôi nổi mộng mơ mà anh ấy cố ngăn cản không để lan toả. Chị biết nói gì với em đây? Chị gần giống như một nồi hơi bị bịt kín.
      Một tối kia ( anh chị đang ở khách sạn Fluclen từ bốn hôm rồi ), Robert cảm thấy đau đầu và ăn xong là đi ngủ sớm, chị dạo chơi một mình quanh hồ. 
      Đêm như trong chuyện thần tiên. Mặt trăng tròn vành vạnh toả rộng giữa bầu trời, những ngọn núi lớn có tuyết trông như phủ bạc và mặt nước lóng lánh có gợn sóng nhỏ lung linh. Không khí êm dịu, thứ êm dịu thấm vào người khiến ta uỷ mị đến yếu ớt, suy sụp vô cớ. Nhưng tâm hồn lại nhạy cảm làm sao vào những lúc đó! Tâm hồn rung động nhanh chóng và cảm nhận mạnh mẽ biết bao!
      Chị ngồi trên cỏ, đưa mắt nhìn mặt hồ rộng lớn, u buồn và quyến rũ, và một điều lạ lùng đã xảy ra trong chị: chị cảm thấy một nỗi khát khao yêu đương không thoả được, một tình cảm chống lại sự nhạt nhẽo buồn tẻ của cuộc đời. Vậy mà, làm sao đây? Có bao giờ chị sẽ được ở trong vòng tay một người đàn ông yêu thương đi dọc theo bờ sông ngập ánh trăng? Có bao giờ chị sẽ được đón nhận những nụ hôn say đắm, ngọt ngào và bàng hoàng người ta vẫn trao nhau vào những đêm êm ái mà Thượng đế dường như đã tạo ra dành cho những tình cảm âu yếm? Sẽ có lúc nào chị được siết chặt mê say bởi những vòng tay đắm đuối, trong ánh sáng mờ tỏ một đêm mùa hè?
      Rồi chị oà lên khóc như một người điên.
      Chị nghe có tiếng động đàng sau. Một người đàn ông đứng nhìn chị. Khi chị quay đầu lại, anh ta nhận ra chị và đi tới gần.
      - Bà khóc đấy à, thưa bà?
      Đó là một luật sư trẻ, cùng đi du lịch với mẹ mà bọn chị đã gặp nhiều lần. Anh ấy vẫn thường dõi mắt nhìn theo chị.
      Chị bối rối đến độ không biết trả lời sao, không biết nghĩ thế nào. Chị đứng dậy và tự nhủ cố chịu đựng.
      Anh ta đi bên cạnh chị, tự nhiên và kính cẩn, anh ta nói với chị về chuyến du lịch. Tất cả những gì chị cảm thấy, anh diễn dịch cả ra, tất cả những gì khiến chị xúc động, anh ấy cũng hiểu như chị, hơn cả chị. Rồi bất ngờ anh ấy đọc thơ cho chị nghe, những câu thơ của Musset. Chị cảm thấy một nỗi xúc động khó tả khiến ngạt thở. Chị thấy hình như ngay hững ngọn núi, cái hồ, ánh trăng, tất cả đều hoà ca những điều ngọt ngào khó diễn thành lời.
      Chuyện đó xảy ra, chị chẳng hiểu như thế nào, chị chẳng hiểu tại sao, như một kiểu ảo giác.
      Còn anh ấy, chị chỉ gặp lại vào ngày hôm sau, lúc ra đi.
      Và bà Létoré, rũ xuống trong đôi tay em gái, thốt lên những tiếng rên rỉ, gần như là tiếng kêu la.
      Lúc này bà Roubère, tĩnh tâm lại, nghiêm trang, tuyên bố nhẹ nhàng:
      - Chị ơi, chị thấy không, nhiều lúc không phải chúng ta yêu một người đàn ông nào đâu, mà là yêu chính tình yêu đó thôi. Và tối hôm đó, chính ánh trăng mới là người yêu đích thực của chị.


THÂN TRỌNG SƠN
dịch từ nguyên tác
Clair de lune ( 1er juillet 1882 )
Guy de Maupassant.

ANH HỀ



ANH HỀ

Truyện ngắn
Alberto Moravia.


      Mùa đông năm nọ, vì đã nếm trải đủ mọi nghề, tôi quyết định đi một vòng các tiệm ăn để đệm đàn ghi ta cho một anh bạn hát. Anh ấy tên là Milone, biệt danh " ông giáo  " vì có thời anh dạy thể dục vận động (1). Đấy là một người to con, không mập lắm nhưng dáng thô, mặt phì ra méo mó, thân hình đồ sộ ngồi lên ghế là nghe kêu răng rắc. Phần tôi, tôi chơi ghi ta nghiêm chỉnh, không lắc người, mắt nhìn xuống, vì tôi là nghệ sĩ chứ không phải là anh hề. Còn Milone, anh diễn trò. Anh bắt đầu như chưa chuẩn bị trước, đứng tựa vào tường, mũ sụp xuống tận mắt, hai ngón tay cái luồn vào nách áo, bụng phình ra khỏi quần, thắt lưng kéo trễ xuống, trông tuồng như một anh say đang nghêu ngao hát dưới trăng. Thế rồi, anh hăng dần lên, thay vì hát cho ra hát vì anh chẳng có giọng mà cũng không có tai âm nhạc, anh chuyển sang diễn trò, hoặc đúng hơn, như tôi vừa nói, anh làm hề. Bài tủ của anh là những bài ca ngắn lâm ly, anh chọn những bài đang thịnh hành, những bài thường gây xúc động, xao xuyến, nhưng khi anh hát, những bài này thay vì làm rung động lại gây cười vì anh giỏi biến chúng thành trò lố, bằng cách riêng của mình, khó chịu, ghê người. Tôi không biết con người này có chuyện gì, có lẽ khi còn trẻ có phụ nữ nào đó đã hại anh ta, hoặc bản tính anh sinh ra đã như thế, muốn biến mọi thứ tốt đẹp thành tệ hại cả. Thực ra, không phải anh làm những trò diễu nhại đó như một diễn viên tồi, anh để vào đó một thứ tức giận quá mức và đám người đang ăn uống kia phải u mê lắm mới không nhận ra là anh chẳng hài hước gì mà đang đau đớn lắm. Anh thật nổi bật mỗi khi cố bắt chước những cử chỉ nhỏ nhặt, những cái nhăn mặt, những nét làm duyên của phụ nữ.
      Một phụ nữ đỏm dáng thích làm gì? Mỉm cười ư? Còn Milone, sau mép chiếc nón, anh phác một nụ cười ranh mảnh của người đàn bà lẳng lơ. Phụ nữ hất mông chút ít? Anh sẽ múa bụng, phình cặp mông vuông đồ sộ ra. Còn giọng nói dịu dàng ư? Anh mím môi, rít lên một giọng the thé, ngầy ngậy, ghê tởm. Tóm lại, anh không tiết chế, luôn đẩy thật xa, làm thành thô lỗ, đáng ghét. Đến mức tôi có lúc thấy xấu hổ, vì đệm ghi ta cho một ca sĩ là một chuyện, còn phụ diễn cho một anh hề là khác. Tôi nhớ trước đây đã từng chơi những bản nhạc ấy, mà một ca sĩ có tài biểu diễn, bây giờ thật tệ hại khi nghe chúng bị làm hỏng thế này, thật méo mó, không nhận ra được.  Có lần khi đang trên đường đi giữa hai tiệm, tôi đã bày tỏ cảm nghĩ với anh ta:" Này, đàn bà đã làm gì cậu vậy?" Như thường lệ, sau những trò hài hước, anh tỏ ra lơ đãng, u sầu, không biết đầu óc đang nghĩ gì. " Với tớ, họ chẳng làm gì cả", anh nói. Tôi giải thích: " Tớ hỏi vậy vì thấy cậu thường phát khùng lên khi chế diễu họ." Lần này anh không trả lời, câu chuyện dừng ở đó.
      Tôi đã có thể bỏ rơi công việc này ở đó nếu không có chút lợi lộc xen vào. Bởi lẽ, tuy có vẻ vô lý, anh bạn kiếm được nhiều tiền với những trò nhảm nhí hơn là những ca sĩ trình diễn lưu động những bài tình ca du dương. Chúng tôi thường hay đến diễn tại cái tiệm đắt tiền tuy chẳng sang trọng gì, một địa điểm bình thường người ta đến để ăn nhậu, vui chơi.
      Ngay khi chúng tôi bước vào, trong khi tôi lặng lẽ lấy đàn ra khỏi vỏ, có tiếng  ồ lên từ cái bàn chen chúc người: " À, ông giáo, ông giáo kìa! Mời đến đây ông giáo ơi! " Vặn người, lếch thếch, mắt láo liên, kéo lê chân, Milone chào nói: " Xin tuân lệnh!" với kiểu nói quái gỡ của riêng anh làm cả phòng phá ra cười. Tuy nhiên, nhà hàng vẫn chuẩn bị món mì sợi và trong khi các bồi bàn hối hả phục vụ thì Milone cất giọng rè rè: " Xin phục vụ một bài hát du dương: Khi Rosine về làng, tôi đóng vai Rosine..." Hãy tưởng tượng, khi nhìn anh ta trong vai Rosine với những câu bông đùa thường lệ và lối diễn thông tục quen thuộc, tất cả như ngẩn người cả ra, những sợi mì chưa vào đến miệng treo lơ lửng đầu nĩa. Và đừng tưởng đây là không gian của thợ thuyền gì đấy, không phải, toàn là những người tử tế, đàn ông mặc còm lê xanh đậm, tóc chải bóng mượt, cà vạt đính ngọc, đàn bà khoác áo lông, đeo đầy nữ trang, duyên dáng, điệu đàng. Trong khi Milone làm trò, họ nói với nhau: " Thật xuất sắc...xuất sắc..." , có người còn thốt lên vẻ hốt hoảng: " Cho tôi xin, đừng có nói chuyện ai cũng biết rồi... nếu không, lỡ dịp mất đó!" Chen vào những thứ nhảm nhí, Milone có hát một bài mà có đoạn anh chế nhạo nhân vật bằng cách chu mồm làm một âm thanh bất lịch sự mà tôi không tiện nói rõ. Vậy mà, các bạn tin được không, những quý bà xinh đẹp điệu đàng kia là những người đầu tiên yêu cầu hát lại bài đó!
      Cần phải nói là bởi luôn được tán thưởng nên Milone tỏ ra choáng ngợp. Anh trọ ở một căn phòng có đồ đạc ở nhà một cô thợ may trên đường Cimarra. Thời gian này, mỗi lần đến đón, tôi lại thấy anh đứng trước gương tập dượt vài động tác kệch cỡm, vài trò mới. Anh chú tâm làm, chẳng khác một diễn viên lớn chuẩn bị một buổi diễn, và tôi ngồi trên giường nhìn anh múa may trước cái tủ gương, đôi lúc tôi tự hỏi không biết anh có điên không. " Tại sao cậu không nghĩ ra một cái gì tao nhã hơn, cảm động hơn nhỉ? " , tôi hỏi anh ta. " Cậu thấy đó, cậu chẳng hiểu gì cả... những người đang ăn uống kia chỉ muốn cười chứ đâu cần cảm xúc, và tớ, anh vừa nói vừa méo miệng, tớ chọc cười họ! " Ít hôm sau, vẫn với ý muốn cải tiến tiết mục, anh mang theo một cái túi nhỏ đựng một ít trang phục phụ nữ,  nón, khăn quàng, váy... để thỉnh thoảng tròng vào, cốt để trò diễu gây cười hơn. Anh còn ưa thích đặc biệt trò giả gái. Thật đau khổ nhìn anh uốn éo người, đầu đội nón, váy trùm bên trên quần. Cuối cùng, không biết bày trò gì thêm, anh muốn tôi diễn trò bằng cách véo vào dây đàn. Nhưng điều này thì tôi từ chối. 
      Từ mười hai giờ trưa đến ba giờ chiều, buổi tối từ tám giờ đến nửa khuya, chúng tôi đi qua nhiều tiệm ăn chừng nào còn sức. Chúng tôi đi theo khu vực và tuỳ ngày: lần này, các tiệm quanh quảng trường Espagne, lần khác tiệm gần quảng trường Venise, lần khác nữa, các tiệm ở khu Transvere, hoặc ở khu nhà ga. Chúng tôi chạy nhanh trên đường giữa các khu phố, không trò chuyện gì, giữa chúng tôi cũng chẳng có gì thân mật. Hết vòng, chúng tôi ghé lại một cái quán và chia tiền. Rồi tôi lặng lẽ hút điếu thuốc, Milone làm cốc rượu. Buổi chiều, Milone tập tuồng trước gương, còn tôi thì ngủ hoặc đi xem phim.
      Một tối kia, gió bấc thổi mạnh, sau khi đi một vòng các tiệm ở khu Transvere, chúng tôi ghé vào một quán cà phê đàng sau quảng trường Masti, cốt tìm nơi ấm hơn là để chơi nhạc.  Đây là một phòng hẹp, gần như một hành lang, bàn xếp dọc theo tường, ngồi ở đấy là những người nghèo uống rượu quán tự nấu, ăn thức ăn gói giấy báo mang tới. Tôi không hiểu tại sao, chẳng do lợi lộc gì mà hẳn chỉ vì thích thôi nên Milone đến hát ở đây. Anh ta chọn một trong những bài ưa thích, vẫn với phong cách quen thuộc, qua những ngụ ý, những cử chỉ thô tục, anh biến bài hát thành rác rưởi. Anh hát xong, có tiếng vỗ tay rời rạc, sau đó từ một bàn ngồi có tiếng cất lên: " Bây giờ tôi xin hát bài này!"
      Tôi quay đầu lại, nhìn thấy một chàng trai tóc vàng, mặc đồ xanh công nhân, đẹp trai như thiên thần, anh tiến gần lại, nhìn Milone với đôi mắt giận dữ như muốn ăn tươi nuốt sống anh ta. Anh bảo tôi, giọng quyền uy: " Anh đệm đi, chơi lại  từ đầu ấy! " Milone lo sợ, làm bộ mệt mỏi, buông người trên chiếc ghế cạnh của lớn. Chàng trai đưa tay ra dấu cho tôi bắt đầu và cất giọng hát. Tôi không nói anh ta là ca sĩ tài năng, nhưng anh hát rất tình cảm, giọng ấm và vững, đúng phong cách của bài hát. Ngoài ra, như tôi đã nói, anh khá đẹp trai,tóc xoăn, càng đẹp hơn khi so với Milone cục mịch, thô kệch. Anh hướng về cử toạ mà hát, mắt nhìn chăm chú vào chiếc bàn có một cô gái đang ngồi một mình, ra vẻ như chỉ hát riêng cho nàng. Hát xong, anh khoát tay về phía Milone, cử chỉ như muốn nói: Đấy, phải hát như vậy đó! rồi quay về cái bàn chỗ cô gái đang đợi, cô vòng tay qua cổ anh. Thực tình mà nói, anh ít được cổ vũ bằng Milone, mọi người ở đó không hiểu vì sao anh phải mất công ra hát. Nhưng tôi thì hiểu, và Milone cũng hiểu.
      Trong khi đệm đàn, tôi đã hơn một lần nhìn về phía Milone và thấy anh đưa tay vuốt mặt, và luồn dưới mớ tóc phủ trên trán, kiểu như đang buồn ngủ không tỉnh táo được. Nhưng anh ta không thể che giấu một cảm xúc cay đắng tôi chưa từng thấy nơi anh, cứ mỗi đoạn nhạc chàng trai kia hát, anh càng thấy cay đắng hơn. Cuối cùng, anh vươn vai đứng dậy, vờ ngáp rồi nói: " Thôi đến giờ ngủ rồi, tôi buồn ngủ lắm..."
     Chúng tôi chia tay nhau ở góc đường, hẹn nơi gặp lại ngày hôm sau. Chuyện xảy ra trong đêm, sau này tôi mới dựng lại, nhưng chỉ là giả thiết thôi. Tôi có nói là Milone đã tự kiêu, vì anh tưởng mình là một nghệ sĩ lớn, trong khi thực sự anh chỉ là một con người đáng thương, chỉ biết làm hề giải khuây cho thiên hạ trong bữa ăn. Chính vì thế mà một cử chỉ nhỏ của chàng trai đã làm cho anh rơi từ trên cao xuống. Có thể là trong khi chàng trai đang hát, anh bất ngờ nhận ra con người thực của mình, không phải như đã tưởng tượng lâu nay: một gã đàn ông mập béo tuổi đã ngũ tuần. Nhưng tôi cũng nghĩ là anh đã hiểu là mình không thể ca hát gì được. Tóm lại, anh chỉ có thể làm trò cười, bằng cách chế nhạo một số điều, chính xác là những điều anh thiếu trong cuộc sống.
  
    Nhưng, tôi đã nói, đấy chỉ là những giả thiết. Chỉ có điều chắc chấn là: ngày hôm sau, cô thợ may cho anh thuê nhà đã phát hiện ra anh treo cổ giữa tấm màn và cửa sổ, đúng ở vị trí thường ngày treo lồng chim hoàng yến. Người qua đường dòm qua cửa kính đã nhìn thấy đôi chân anh treo lơ lửng trên không. Cảm thấy xấu hổ như mọi người tự sát, anh đã khoá kín phòng, đẩy cái tủ kính chận cái cửa, và biết đâu anh cũng muốn nhìn thấy mình thòng cổ qua sợi dây như mỗi lần tập dượt trò nhăn mặt. Người ta phải đập mạnh cái cửa làm tấm gương rơi xuống vỡ ra từng mảnh. Anh được đưa đến nghĩa trang Verano, tôi là người duy nhất đưa tiễn, nhưng lần này không có đàn. Cô thợ may cho lắp lại tấm gương mới, nhưng tự an ủi là cũng bán được sợi dây, thu được ít tiền.


THÂN TRỌNG SƠN
dịch từ bản tiếng Pháp
Le pitre / trích Nouvelles romaines,
Claude Poncet.

vendredi 19 mai 2017

ĐỢI CHỜ



Truyện ngắn 
 Guy de Maupassant (1850 – 1893)


   Sau bữa ăn tối, nhóm đàn ông trò chuyện trong phòng hút thuốc. Họ bàn về những vụ thừa kế bất ngờ, những gia tài kỳ lạ. Lúc đó luật sư Le Brument mà khi thì người ta gọi là luật sư nổi tiếng, khi thì thầy cãi lừng danh, đến dựa lưng vào bên lò sưởi. Ông nói:
“ Hiện tôi đang tìm một người thừa kế mất tích trong một trường hợp hết sức đặc biệt. Đâylà một trong những bi kịch đơn giản và bất nhẫn nhất trong cuộc sống, một chuyện có thể xẩy ra hằng ngày nhưng là một trong những chuyện ghê sợ nhất mà tôi được biết. Chuyện như thế nầy:
   Khoảng sáu tháng trước tôi được gọi đến bên giường một bà sắp chết. Bà ấy nói:  
“ Thưa ông, tôi muốn nhờ ông một việc có lẽ là tế nhị nhất, khó khăn nhất và mất nhiều thời gian nhất. Ông vui lòng xem qua chúc thư của tôi trên bàn kia.. Một khoản  thù lao năm ngàn quan sẽ dành cho ông nếu ông không thành công, còn nếu thành công thì sẽ là một trăm ngàn quan.Tôi muốn ông tìm con trai tôi sau khi tôi chết.
   Bà ta nhờ tôi đỡ ngồi dậy trên giường để nói cho dễ hơn, vì giọng bà đứt quãng, thều thào,  rít trong cổ họng.
   Tôi đang đứng trong một ngôi nhà rất giàu. Căn phòng xa hoa nhưng giản dị được bọc bằng vải dày như bức tường, nhìn mát mắt đến nỗi ta có cảm giác như được vuốt ve mơn trớn, yên lặng đến nỗi dường như tiếng nói lọt vào đó sẽ biến mất, hòa tan mất.
   Người phụ nữ hấp hối nói tiếp: “Ông là người đầu tiên nghe tôi kể câu chuyện khủng khiếp của tôi. Tôi sẽ cố sức để nói cho hết. Tôi biết ông là người tốt bụng và  lịch duyệt nữa nên tôi muốn ông đừng quên bất cứ chuyện gì tôi sắp nói để có thể tận dụng khả năng mà giúp tôi.Ông nghe tôi kể đây :
   “Trước khi lập gia đình, tôi đã yêu một người nhưng gia đình tôi không chấp nhận lời cầu hôn vì anh ấy không giàu. Sau đó ít lâu tôi cưới một người rất giàu. Tôi lấy ông ấy vì thiếu hiểu biết, vì sợ, vì vâng lời, vì chẳng quan tâm, nhiều cô gái cũng thương lấy chồng như thế mà!
   “Tôi có sinh một đứa con, một đứa con trai. Vài năm sau chồng tôi qua đời. Người mà trước kia tôi yêu cũng đã có vợ. Khi biết tôi đã góa chồng ông ấy vô cùng đau khổ, là vì ông không còn tự do nữa. Ông đến thăm, khóc nức nở trước mặt tôi làm cho tôi rất đau lòng. Ông  trở thành bạn của tôi. Lẽ ra tôi đừng tiếp ông ấy. Nhưng biết làm sao được? Tôi cô đơn, quá buồn, quá trơ trọi, quá tuyệt vọng. Và tôi cũng còn yêu ông ấy. Lắm khi người ta buồn khổ biết bao!
   Tôi chỉ còn mỗi một mình ông ấy trên đời. Cha mẹ tôi cũng đã qua đời hết. Ông ấy thường đến thăm tôi, ngồi lại với tôi suốt buổi tối. Lẽ ra tôi không nên để ông ta thường xuyên đến như thế vì ông ấy đã có vợ. Nhưng tôi không có can đảm để ngăn ông ta. Phải nói sao với ông đây? …Ông ấy trở thành người tình của tôi. Chuyện nầy đã xẩy ra như thế nào? Tôi có biết không? Người ta có biết không? Ông có nghĩ là khi sức mạnh không gì cưỡng nổi của tình yêu đã đẩy hai con người lại gần với nhau thì còn có thể xẩy ra chuyện gì khác chăng? Ông có tin là lúc nào ta cũng có thể cưỡng lại, lúc nào cũng có thể chống chọi, lúc nào cũng có thể từ chối những đòi hỏi kèm theo van lơn, năn nỉ, những giọt nước mắt, những lời nói thiếu kiềm chế, những cái quì gối, những cảm xúc quá trớn của người mà mình yêu tha thiết, của người mà mình muốn thấy sung sướng trước từng ước mơ vụn vặt nhất, người mà mình muốn trao hết mọi niềm vui nếu có thể, người mà mình gây thất vọng vì muốn phục tùng những khuôn phép về đạo hạnh trong đời.Muốn làm được những điều đó ắt phải mạnh mẽ, phải từ bỏ hạnh phúc, phải quên mình, thậm chí phải hy sinh cả tính ích kỷ của đạo đức nữa, không đúng sao?
  “Cuối cùng tôi trở thành người tình của ông ta, ông à, và tôi rất hạnh phúc. Tôi sống hạnh phúc trong mười hai năm. Tôi trở thành bạn của vợ ông ấy. và đây chính là nhược điểm trầm trọng nhất của tôi, là sự hèn nhát lớn lao nhất của tôi.
   “Chúng tôi cùng nhau nuôi dạy đứa con riêng của tôi trở thành một con người trung thực, thông minh, đầy ý chí và cương nghị, có tư tưởng khoát đạt. Đứa con đã đến tuổi mười bảy.
   “Thằng bé cũng yêu thương tình nhân của tôi như tôi yêu ông ấy, bởi vì nó được cả hai chúng tôi chăm sóc, cưng chiều. Nó gọi ông ấy là “bạn tốt” và rất kính trọng ông vì lúc nào ông cũng dạy nó điều hay lẽ phải và làm gương về tính thẳng thắn, trọng danh dự và trung thực. Nó coi ông như một người bạn thân thiết, trung thành và tận tụy của mẹ nó, như một người cha tinh thần, người đỡ đầu, người bảo trợ nó, đại khái như vậy.
   “Có lẽ nó cũng chẳng thắc mắc hỏi han gì vì từ nhỏ nó đã quen thấy ông ấy ở trong nhà, bên cạnh tôi, bên cạnh nó, luôn chăm sóc chúng tôi.
  “ Một hôm cả ba chúng tôi cùng ăn tối với nhau (đó là những dịp trọng đại nhất của tôi). Tôi đang chờ cả hai người, tự hỏi không biết ai sẽ đến trước. Cửa sịch mở: đó là ông ấy. Tôi bước tới, dang tay ra và ông ấy đặt lên môi tôi một nụ hôn hạnh phúc. Bỗng có tiếng sột soạt rất khẽ. Linh tính cho biết có người xuất hiện khiến chúng tôi giật mình quay lại. Jean, con trai tôi đang đứng nhìn chúng tôi, mặt tái mét.
   “Sau một giây hốt hoảng tột cùng, tôi lùi lại, đưa tay về phía con tôi như van lơn.Từ lúc đó tôi không còn gặp nó nữa. Nó đã bỏ đi.
  “ Chúng tôi mặt đối mặt, rụng rời, không nói được lời nào. Tôi buông mình xuống ghế bành. Một ước muốn mơ hồ nhưng mãnh liệt đang hình thành trong tôi, tôi muốn trốn chạy, muốn bỏ đi ngay trong đêm, muốn biến mất vĩnh viễn. Cổ họng tôi nghẹn ngào nức nở, tôi khóc, người run lên từng cơn, ruột đau như xé, thần kinh căng thẳng bởi cái cảm giác khủng khiếp về một sự bất hạnh không thể cứu vãn được và cũng bởi trong lòng người làm mẹ lúc đó quá ư hỗ thẹn.
  “ Ông ấy… hốt hoảng đứng trước mặt tôi, không dám đến gần, không nói gì và cũng không chạm vào tôi vì sợ thằng bé trở về. Cuối cùng ông mới nói:
“ Tôi đi tìm nó,…nói với nó…giải thích cho nó hiểu. Tóm lại tôi phải gặp nó…nó cần phải hiểu…”
  “ Và ông ta đi ra.
  “ Tôi chờ…Tôi cuống cuồng chờ đợi, những tiếng động nhỏ nhất cũng khiến tôi run rẩy giật mình vì sợ, mỗi tiếng lách tách của lửa trong lò sưởi cũng làm tôi xúc động không chịu được.
   “Tôi chờ một giờ, hai giờ, càng lúc càng bồn chồn lo sợ, sợ đến nỗi ngay cả đối với một tù nhân phạm trọng tội có lẽ tôi cũng sẽ không mong cho nó chịu được mười phút trong khoảnh khắc đó đâu. Con tôi giờ đó ở đâu? Nó đang làm gì?
   “Lúc nửa đêm, một người đưa tin mang cho tôi một mảnh giấy mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn thuộc lòng những gì ghi trên đó : “ Con em về chưa? Tôi vẫn chưa tìm được nó. Tôi đang ở dưới nầy. Tôi không thể lên vào giờ nầy được.”
  “ Tôi ghi lại bằng bút chì ngay trên mảnh giấy đó: “ Jean chưa về. Anh phải tìm cho được nó.”
 “Và tôi ngồi trên ghế bành chờ suốt đêm. Tôi hóa điên. Tôi muốn gào thét, muốn chạy, muốn lăn xuống đất. Nhưng tôi vẫn bất động ngồi chờ. Chuyện gì đã xẩy ra ? Tôi cố tưởng tượng, cố suy đoán nhưng chẳng hình dung được gì, dù đã rất cố gắng, dù trong lòng rất giằn vặt.
   “Bây giờ tôi lại sợ họ gặp nhau. Họ sẽ làm gì? Con tôi sẽ làm gì? Những sự ngờ vực ghê gớm và những phỏng đoán khủng khiếp như xé ruột xé gan tôi. Ông hiểu rõ điều đó chứ, phải không, thưa ông?
   “ Cô hầu phòng của tôi vì không biết gì hết, không hiểu gì hết, nên cứ không ngừng ra vào phòng, có lẽ cô ấy tưởng tôi điên. Tôi xua đuổi cô ra, bằng lời hoặc bằng cử chỉ. Cô ta đi tìm bác sĩ. Bác sĩ thấy tôi đang vật vã vì khủng hoảng thần kinh.
   “Họ đặt tôi nằm lên giường. Tôi bị sốt viêm não. Sau một trận đau dài, tôi tỉnh lại và tôi thấy ngồi bên giường tôi là….một mình ông ấy. Tôi kêu lên:
   “Con tôi? Con tôi đâu?”
   “Ông ta làm thinh. Tôi lắp bắp:
   “Chết…chết… Nó tự tử rồi à?
“ Ông ta trả lời: - “Không, không, tôi thề với em. Nhưng mà chúng ta không thể tìm được nó dù tôi đã rất cố gắng.” 
 “ Thế là tôi bỗng thấy tức tối, thậm chí phẫn nộ bởi ta thường giận dữ một cách khó hiểu và vô lý như thế. Tôi tuyên bố :
   “ Tôi cấm anh về gặp tôi nếu anh chưa tìm được nó. Anh đi đi!”
  “ Ông ta đi ra. Từ đó tôi chẳng còn gặp lại họ, cả con tôi lẫn ông ấy.Và tôi sống như thế nầy từ hai mươi năm nay, ông ạ.
  “ Ông có mường tượng ra điều đó không? Ông có hiểu cái hình phạt khủng khiếp nầy, nỗi đau khổ từ từ và liên miên nầy trong lòng người mẹ, trong lòng người đàn bà, ông có cảm nhận được chăng sự chờ đợi đáng sợ không dứt nầy… không bao giờ dứt…không! …sự chờ đợi nầy sắp chấm dứt, bởi vì tôi đang chết. Tôi chết mà không gặp lại họ, không gặp lại một ai cả!
  “ Ông ấy, ông bạn tôi, từ hai mươi năm nay ngày nào cũng viết thư cho tôi, nhưng tôi chẳng bao giờ muốn tiếp ông ta, dù chỉ một giây, bởi vì tôi có linh cảm rằng lúc ông ấy trở về đây thì cũng chính là lúc tôi thấy con tôi xuất hiện lại. Con tôi! Con tôi! Nó còn sống hay đã chết? Nó đang trốn nơi nào? Có thể là ở bên kia đại dương, tại một nơi xa xôi nào đó mà ngay cả cái tên gọi tôi cũng chẳng biết. Nó có nghĩ đến tôi không? Ôi! giá mà nó biết! Con cái thật quá  nhẫn tâm!
   “Nó có hiểu rằng trong khi tôi, mẹ nó, đã yêu thương nó bằng tấm lòng mẫu tử mãnh liệt nhất thì nó đã phạt tôi phải chịu khổ sở như thế nào không, phải lâm vào tình cảnh tuyệt vọng như thế nào không, phải chịu những nỗi giằn vặt ghê sợ như thế nào không, từ khi tôi đang còn ở tuổi thanh xuân cho đến bây giờ là lúc cuối đời…nó có hiểu không? Ôi! Thật quá tàn nhẫn!
  “ Thưa ông, xin ông hãy nói với nó mấy điều đó. Ông hãy lập lại cho nó nghe những lời cuối cùng nầy của tôi:
   “ Con của mẹ, con yêu quí của mẹ, con nên bớt cứng rắn đối với những kẻ khốn khổ. Đời đã quá tàn nhẫn và hung ác. Con yêu, hãy nghĩ đến cuộc sống đã qua của mẹ, của người mẹ tội nghiệp của con, kể từ khi con bỏ mẹ mà đi. Con ơi, bây giờ mẹ đã chết, hãy tha thứ cho mẹ, hãy yêu thương mẹ vì mẹ đã phải chịu hình phạt khủng khiếp nhất.
   Bà ta thở hổn hển, run rẩy, như thể bà đang nói với con bà đang đứng trước mặt. Rồi bà nói tiếp :
   “ Thưa ông, xin ông nói thêm với nó rằng tôi chưa hề gặp lại …ông ấy”
   Bà ta ngừng bặt rồi nói tiếp, bằng giọng đứt quãng:
   “ Bây giờ xin ông vui lòng để tôi yên, Tôi muốn chết đơn độc bởi vì họ chẳng ở bên cạnh tôi.”
   Ông Le Brument nói thêm:
“Thưa các ngài, tôi vừa đi khỏi đó vừa khóc như điên, đến nỗi người đánh xe của tôi phải quay lại nhìn. Cũng phải nói rằng những thảm kịch tương tự như thế xảy ra hằng ngày chung quanh chúng ta nhiều lắm!
   Tôi đã không tìm được đứa con…đứa con ấy. Các ngài nghĩ sao về nó thì tùy các ngài. Riêng tôi, tôi nói…đứa con nầy…có tội!

THÂN TRỌNG THỦY (5/2017)
Dịch từ nguyên bản L’attente của
GUY DE MAUPASSANT
(11/11/1883)

jeudi 18 mai 2017

MÓN QUÀ CỦA NHỮNG NGƯỜI THÔNG THÁI


Truyện ngắn
O' Henry

 O’Henry ( 1862-1910 ) , nhà văn Mỹ, tác giả của gần 400 truyện ngắn đăng trong các nhật báo và tạp chí, sau được in trong mười tập truyện. Cuộc đời của Ông rất phong phú : làm nhiều nghề khác nhau ( dược sĩ, vẽ kỹ thuật và kiến trúc, thư ký, đầu bếp nhà hàng, nhân viên công ty địa ốc, nhân viên xưởng in… ), từng tham gia ca hát, diễn kịch, vẽ hí họa, có lúc bệnh nặng, có lúc ở tù. Có lẽ vì thế mà bối cảnh các truyện ngắn của Ông cũng rất phong phú, khắc họa xã hội nước Mỹ thời kỳ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Phần lớn truyện ngắn của Ông có cốt truyện đơn giản, với nhiều tình tiết oái oăm, khắc nghiệt, có khi khôi hài để kết thúc bất ngờ.

 Giới văn học thường cho rằng đây là truyện ngắn hay nhất viết về đề tài Giáng sinh.








          Một đô la và tám mươi bảy xu. Tất cả chỉ có thế. Và trong đó sáu mươi xu là những đồng xu lẻ, tích cóp mỗi lần một hay hai xu khi kỳ kèo với những người bán tạp hóa, rau cải hay thịt thà cho đến khi mặt mày xấu hổ đỏ bừng lên vì cái kiểu mặc cả như thế bị ngầm hiểu là bủn xỉn. Della đếm tới đếm lui ba lần. Một đô la và tám mươi bảy xu. Và hôm sau là lễ Giáng sinh.
         Tình cảnh này thì không biết làm gì hơn là ngồi bệt xuống chiếc ghế nhỏ tồi tàn và gào khóc. Della làm như thế thật. Đúng với cái quy luật tâm lý con người rằng cuộc sống hình thành từ những tiếng nức nở, tiếng sụt sùi và tiếng cười, trong đó nổi trội là tiếng sụt sùi.

          Trong khi cô chủ nhà đang từ từ giảm bớt từ  nức nở sang sụt sùi , ta thử nhìn một chút vào cái tổ ấm. Một căn hộ có sẵn đồ đạc tiền thuê 8 đô la một tuần. Không hẳn là không đủ từ ngữ để tả cái tồi tàn của nó, nhưng căn hộ này phải coi chừng đội cảnh sát chống hành khất để mắt tới.
           Trước phòng ngoài ở bên dưới có một thùng thư mà lâu rồi không lá thư nào gởi tới, và một nút chuông điện mà hầu như không ai đụng vào. Cạnh bên là một tấm các ghi tên “ Ông James Dillingham Young”.


Danh xưng “Dillingham” đã nức tiếng xa gần trong suốt thời kỳ huy hoàng khi mà sở hữu chủ được trả tới 30 đô la một tuần. Giờ đây, khi thu nhập đã tụt xuống còn 20 đô la một tuần thôi, đành phải nghĩ đến việc viết tắt lại thành một chữ D. khiêm tốn, nhún nhường. Dẫu sao, mỗi lần Ông James Dillingham Young đi về căn hộ nói trên, ông vẫn được bà James Dillingham Young, tức là Della như đã được giới thiệu, gọi là “Jim” và ân cần ôm chặt lấy. Điều này thật tuyệt vời.
         Della không khóc nữa và lấy phấn hồng thoa lên má. Cô đến đứng tựa cửa sổ, buồn rầu nhìn con mèo xám đang lững thững trên bức tường thành xám trong khoảng sân u tối. Ngày mai là lễ Giáng sinh và cô chỉ có một đô la tám mươi bảy xu để mua quà cho Jim. Kết quả đó là cô đã tằn tiện để dành từ mấy tháng nay. Hai mươi đô la mỗi tuần thì chẳng làm được gì. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Chỉ có một đô la tám mươi bảy xu để mua quà cho Jim. Jim của cô. Cô đã mất nhiều giờ tính toán nghĩ cho ra món quà gì thật đẹp dành cho anh. Món quà đẹp, hiếm và có giá trị … món quà thực sự xứng đáng cho Jim hãnh diện.
         Trên tấm vách ngăn giữa hai cửa sổ có một chiếc gương lớn. Có lẽ bạn đã thấy một chiếc gương như vậy trong căn hộ thuê 8 đô la. Một người thon gầy, mảnh mai soi vào đấy, ngắm hình ảnh phản chiếu qua những đường nét theo chiều thẳng đứng, có thể hài lòng về ngoại hình của mình. Della vóc người thon thả từng cảm thấy như vậy.
      Cô chợt quay lưng phía cửa sổ và đến đứng trước gương, mắt sáng rực, nhưng trong vòng hai mươi giây mặt cô tái nhợt dần. Cô vội thả mái tóc cho nó chảy dài xuống lưng.
         Vợ chồng James Dillingham Young có hai vật sở hữu mà cả hai người đều tự hào. Một là chiếc đồng hồ vàng của Jim, do bố anh và trước nữa là ông nội anh để lại. Thứ hai là mái tóc của Della. Nếu hoàng hậu Sheba sống ở căn hộ trước mặt, có ngày Della sẽ ngồi hong tóc bên cửa sổ để thấy bao ngọc ngà châu báu của hoàng hậu lu mờ đi. Nếu hoàng đế Salomon là người gác dan, với cả kho vàng chất dưới hầm, Jim sẽ rút chiếc đồng hồ ra mỗi lần đi ngang qua, chỉ để thấy ông bứt đầu bứt tai vì ganh tị.
        Giờ này đây Della buông suối tóc của cô chảy dài xuống, óng ả, mượt mà. Mái tóc thả dài xuống tận gối, ôm lấy người như một chiếc áo khoác ngoài. Rồi cô cuộn tóc lại, bồn chồn, vội vã. Cô loạng choạng một lát, rồi đứng yên, một giọt nước mắt chảy xuống, loang trên tấm thảm đỏ tồi tàn.

       Thoắt cái cô khoác chiếc áo nâu cũ, thoắt cái cô đội cái mũ nâu cũ. Chân xoay vòng làm tung chiếc váy, mắt lóe sáng, cô lách ra khỏi cửa và xuống bậc cấp bước ra đường. Nơi cô dừng có tấm biển ghi : “ Bà Sofronie, Tóc thật tóc giả đủ loại”. Della vụt chạy đến, và dừng lại, kìm hơi, trấn tĩnh. Bà chủ mập mạp, nhợt nhạt, lạnh lùng, chẳng có chút hình ảnh mà cái tên Sofronie gợi lên.
      - “Bà có mua tóc tôi không?” Della hỏi.
      - “Tôi chuyên mua tóc mà. Chị giở mũ ra cho tôi xem tóc của chị thế nào.”
       Suối tóc huyền buông xuống.
      - “Hai mươi đô la”, bà vừa nói vừa nâng mái tóc với bàn tay thành thạo.
      - “ Bà đưa tiền đây cho tôi nhanh lên”, Della nói. 
      Trong hai tiếng đồng hồ sau đó, Della tung tăng trên đôi cánh hy vọng. Xin hãy bỏ qua lối ẩn dụ linh tinh đó. Cô xục xạo hết các cửa hiệu để tìm cho ra món quà tặng Jim.
      Cuối cùng cũng tìm ra. Có vẻ như nó dành sẵn cho Jim chứ không ai khác. Không có cái nào giống như thế trong bất cứ tiệm nào cô đã ghé đến, đã săm soi săn lùng từ trong ra ngoài. Đấy là cái dây đeo đồng hồ bằng bạch kim, kiểu dáng đơn sơ giản dị, giá trị thực sự từ chất liệu, không cần trang trí hoa hòe hoa sói. Nó xứng đáng với Chiếc Đồng Hồ. Vừa nhìn thấy nó là cô biết ngay rằng nó phải là của anh, thanh nhã và quý giá, giống như anh vậy. Cô trả hai mươi mốt đô la để mua rồi vội vàng trở về với tám mươi bảy xu còn lại. Với chiếc dây đồng hồ này từ nay Jim có thể đàng hoàng xem giờ ở bất cứ nơi nào. Chiếc đồng hồ quý như thế mà thỉnh thoảng Jim phải kín đáo xem giờ chỉ vì chiếc dây bằng da tạm bợ hiện nay.

      Về đến nhà, cơn phấn khích của Della dần dần nhường chỗ cho tính thận trọng, đắn đo. Cô lấy những kẹp sắt uốn tóc ra, bật bếp ga và bắt tay vào việc sửa chữa những thiệt hại do tình yêu và lòng độ lượng gây ra. Đúng là một công việc vất vả, tốn nhiều công sức.
      Trong vòng bốn mươi phút, đầu cô đầy những lọn tóc nhỏ xoăn tít khiến cô trông giống như một cậu học trò lêu lổng. Xong việc cô đến soi gương thật lâu, lòng đầy lo âu.
      “Nếu Jim không giết mình,” cô tự nhủ, “khi nhìn kỹ lại có lẽ anh sẽ bảo mình giống như một vũ nữ ở hý viện. Nhưng biết làm gì, ôi, biết làm gì được với môt đô la tám mươi bảy xu?”
        Bảy giờ. Cà phê đã pha sẵn, chảo đã bắc lên lò chuẩn bị cho món sườn chiên.       Jim không bao giờ về trễ. Della nắm chặt chiếc dây đồng hồ trong lòng bàn tay, đến ngồi ở góc bàn cạnh cửa ra vào. Cô nghe tiếng bước chân của anh đi lên từ bậc thang đầu tiên, mặt tái xanh một lúc. Có thói quen việc gì cũng cầu nguyện, cô thì thầm: “ Lạy Chúa, cầu sao trong mắt anh mình vẫn còn đẹp.”
      Cửa mở, Jim bước vào rồi đóng lại.Trông anh gầy và trầm lặng. Tội nghiệp, anh chỉ mới hăm hai đã phải lo gánh nặng gia đình. Đến áo khoác ngoài và găng tay anh cũng chẳng có.
      Jim dừng chân và đứng bất động, như chó săn đánh hơi thấy con mồi. Anh nhìn chăm chăm vào Della với một ánh mắt kỳ lạ khiến cô không hiểu nổi và lo sợ. Không phải là giận dữ, ngạc nhiên, chê bai, ghét bỏ, không phải một trong những tình cảm mà Della chuẩn bị đón nhận. Anh chỉ nhìn cô chăm chú, vẻ khác thường.
      Della lách khỏi chiếc bàn đến bên anh.
     - “Jim yêu quý, đừng nhìn em như thế. Em đã cắt tóc bán rồi vì em không thể thấy lễ Giáng sinh đến gần mà không tặng anh món quà nào. Tóc sẽ mọc lại nhanh thôi – anh không lo điều đó phải không? Em phải làm như vậy. Tóc em mọc lại nhanh lắm. Thôi, chúc mừng Giáng sinh đi, chúng ta sẽ hạnh phúc. Anh không biết món quà em tặng anh đẹp đến cỡ nào đâu!”
      - “Em đã cắt tóc rồi sao?”, Jim hỏi một cách khó nhọc, chừng như anh không thể hiểu được sự thực hiển nhiên đó tuy đã mất công suy nghĩ.
      - “Cắt rồi và bán rồi,” Della đáp, “ Nhưng anh vẫn cứ yêu em chứ? Không có tóc em vẫn là Della của anh thôi, phải không anh?”
      Jim thẫn thờ nhìn khắp phòng.
      - “Em nói là em bán tóc rồi à?”, Jim hỏi lại như một kẻ ngớ ngẩn.
      - “Đừng mất công tìm kiếm”, Della nói, “Em nhắc lại là em bán rồi. Ngày mai là lễ Giáng sinh. Đừng giận, em bán tóc cũng vì anh đó. Người ta có thể đếm tóc trên đầu em, cô nói tiếp, giọng đột nhiên rất dịu dàng êm ái , nhưng không ai tính được  tình yêu em dành cho anh, Jim ạ. Bây giờ em chiên sườn nhé! "

      Jim như chợt tỉnh cơn mê. Anh ôm ghì lấy Della. Ta hãy kín đáo quay nhìn chỗ khác trong mười giây. Tám đô la mỗi tuần hay một triệu mỗi năm, điều ấy có gì khác nhau? Nhà toán học hay người  thông thái đều trả lời sai. Những đạo sĩ  mang đến các món quà giá trị, nhưng trường hợp này không phải thế. Điều quả quyết khó hiểu này sẽ được soi sáng lát nữa đây.
       Jim lấy một gói nhỏ từ túi áo khoác và ném lên bàn.
      - “Đừng hiểu sai về anh, Della. Không thể nào có chuyện một kiểu tóc cắt hay uốn hay gội khác đi lại làm cho anh bớt yêu em. Nếu em mở gói này ra thì em sẽ hiểu tại sao lúc nãy anh lại ngỡ ngàng như thế.”
       Những ngón tay thon mềm lanh lẹ tháo tung dây buộc và mở gói giấy. Một tiếng reo mừng thích thú, và rồi, hỡi ơi, lập tức chuyển thành tiếng sụt sùi nức nở, cần có ngay sự vỗ về an ủi kịp lúc của chủ nhân căn hộ.
     Bởi vì, trước mắt Della là những chiếc lược, cả một bộ lược, xếp xuôi và ngược, mà Della từng khao khát nhìn trong tủ kính một cửa tiệm ở Broadway. Những chiếc lược xinh xắn, làm bằng đồi mồi thật, viền nạm ngọc – Della biết là rất đắt tiền, lâu nay cô chỉ thầm mong ước mà không mảy may hy vọng có ngày sắm được. Giờ đây chúng đã là của cô nhưng những lọn tóc cho chúng trang điểm lại không còn nữa.
      Della ôm mấy chiếc lược vào lòng, mơ màng nhìn chúng rồi nở nụ cười dịu dàng nói: “Tóc em mọc nhanh lắm, Jim à!”
       Rồi Della nhảy nhót như chú mèo con phỏng lửa và kêu lên :”Ôi, ôi”.
      Jim vẫn chưa thấy món quà của anh. Cô vội vàng xòe bàn tay đưa quà ra. Ánh kim khí lóe sáng như phản chiếu nét hân hoan rạng rỡ trong cô.
     - “Thật tuyệt vời, đúng không, Jim? Em lùng khắp phố mới tìm được đấy. Bây giờ anh có thể mỗi ngày xem giờ cả trăm lần. Đưa đồng hồ đây, để em xem có dây này nó trông ra sao.”
      Thay vì làm theo lời cô, Jim đến ngồi trên ghế, tay ôm lấy đầu và mỉm cười.
“Della, cứ cất những món quà Giáng sinh này đi. Chúng thật quý, không cần phải dùng ngay . Anh đã bán đồng hồ, lấy tiền mua lược cho em. Thôi, em chiên sườn đi!”

     Magi, như các bạn biết đấy, là những người thông thái, những nhà thông thái tuyệt vời - đã tặng quà cho chúa Hài đồng trong máng lừa. Họ đã sáng tạo ra nghệ thuật tặng quà Giáng sinh. Bởi họ là nhà thông thái nên quà tặng của họ chắc chắn cũng khôn ngoan, có thể được ưu tiên thay đổi trong trường hợp trùng lặp. Và ở đây tôi đã chắp vá thuật lại cho bạn một chuyện thời sự chẳng mấy ly kỳ về hai đứa bé ngu ngốc sống trong một căn hộ  đã hi sinh cho nhau một cách ngớ ngẩn để mất đi những tài sản quí báu nhất. Tuy nhiên điều muốn nói sau cùng với những người khôn ngoan ngày nay là: trong tất cả những người tặng quà, hai người này là thông thái nhất. Trong tất cả người tặng quà và nhận quà, họ là hai người thông thái nhất. Ở nơi đâu họ cũng là người thông thái nhất. Họ là những Magi.



THÂN TRỌNG SƠN
dịch ( The Gift of the Magi ).

mardi 16 mai 2017

NGƯỜI TÙ TRỞ VỀ






Truyện ngắn  
André Maurois

      

      Câu chuyện tôi kể đây là chuyện thật, xảy ra vào năm 1945 trong một làng ở nước Pháp mà chúng tôi gọi là Chardeuil, dù nó không phải tên của làng, tên thật chúng tôi không nói ra vì những lý do hiển nhiên ai cũng hiểu. Chuyện bắt đầu trên chuyến tàu lửa đưa những người tù Pháp từ nước Đức trở về. Cả thảy có mười hai người trên toa tàu thường chỉ chở mười hành khách, chật chội khủng khiếp, mệt mỏi nhọc nhằn, nhưng phấn khích và sung sướng, vì cuối cùng họ đều biết rằng, sau 5 năm xa cách, nay họ sắp được trở về với quê hương, nhà cửa, gia đình.
     Đối với hầu hết mọi người, hình ảnh luôn ngự trị trong tâm trí của họ suốt cuộc hành trình là hình ảnh người phụ nữ. Tất cả nghĩ đến người đó với thương yêu, hy vọng, có người lại lo lắng. Người họ sẽ gặp lại có thuỷ chung không? Người đó đã gặp ai, đã làm gì trong suốt thời gian dài đằng đẵng sống một mình? Những người đã có con đỡ phần lo lắng hơn. Vợ của họ đã phải bận rộn chăm sóc con cái, và có chúng với niềm vui con trẻ ắt sẽ làm cho những ngày đầu chung sống trở lại dễ dàng hơn.
      Ngồi tận trong góc toa tàu là một người cao lớn, gầy ốm, gương mặt xúc động, đôi mắt sáng rực, là những nét có vẻ là dân Tây Ban Nha hơn là dân Pháp. Tên anh ta là Renaud Leymarie, người làng Chardeuil,  ở Périgord. Khi con tàu lăn bánh trong đêm, thỉnh thoảng tiếng còi tàu vang lên trên âm thanh trầm buồn của bánh xe nghiến trên đường sắt, anh nói chuyện với người bên cạnh:
      - Anh có vợ rồi chứ, Saturnin?
      - Tất nhiên, tôi đã lấy vợ. Hai năm trước khi chiến tranh xảy ra, đã có hai thằng nhóc. Cô ấy tên là Marthe, anh muốn xem hình không?
      Saturnin, người nhỏ nhắn, vui vẻ, mặt đầy sẹo, lôi từ túi áo trong một cái ví cáu bẩn, kiêu hãnh chìa ra khoe một tấm hình đã rách.
      - Cô ấy thật đẹp quá, Leymarie nói. Trở về lần này anh không thấy lo ngại sao?
      - Lo ngại à? Tôi sướng điên lên đây này, sao lại lo?
      - Vì cô ấy đẹp, vì cô ấy sống một mình, vì có bao nhiêu thằng đàn ông khác.
      - Anh làm tôi buồn cười quá! Không bao giờ có người  đàn ông nào khác đối với Marthe. Chúng tôi đã sống với nhau rất hạnh phúc. Anh muốn xem những lá thư cô ấy viết cho tôi từ 5 năm nay không?
      - Ôi dào! Thư từ ! Chúng chẳng chứng tỏ được gì. Tôi đây cũng nhận được cơ man nào là thư rất nồng nàn, vậy mà tôi vẫn lo ngại.
      - Anh không tin vợ à?
      - Có chứ... Hoặc giả, trước đây thì tin, có lẽ tin hơn hết thảy mọi người. Chúng tôi lấy nhau đã sáu năm, chưa bao giờ nghi kỵ điều gì.
      - Vậy thì sao?
      - Đây là một vấn đề bản tính thôi, anh bạn à. Tôi thuộc trong số những người không bao giờ tin vào hạnh phúc. Lúc nào tôi cũng tự nhủ Hélène quá tốt cho tôi, quá xinh đẹp, quá thông minh. Đó là một phụ nữ có học thức, việc gì cũng làm được. Nàng chạm tay vào mớ giẻ, nó biến thành chiếc áo. Nàng bày biện một căn nhà nhỏ của nông dân, nó biến thành Thiên đường... Thế là tôi lại nghĩ, trong chiến tranh, hẳn có nhiều người đến tá túc nhà chúng tôi và trong số đó có những người hơn tôi nhiều. Có thể có cả người ngoại quốc, những người thuộc quân đồng minh. Người đàn bà đẹp nhất làng thế nào mà chẳng làm chúng để mắt tới!
      - Và rồi sao? Nếu cô ấy vẫn yêu anh?
      - Vâng, anh bạn ạ, nhưng anh cứ tưởng tượng cảnh sống một thân một mình như thế trong suốt năm năm đi.  Vả lại, Chardeuil không phải là quê hương cô ấy, mà là quê của tôi. Cô ấy không có gia đình ở đây. Như thế sẽ dễ bị cám dỗ hơn nhiều. 
      - Anh làm tôi buồn cười. Đầu óc anh thế nào ấy! Rồi, giả sử là nếu đã có chuyện gì... Có sao đâu, nếu nàng đã quên nó rồi? Chỉ có anh là đáng kể thôi! Nếu là tôi, có ai nói với tôi là Marthe... Chẳng sao, tôi sẽ trả lời họ: " Khỏi cần nói thêm gì nữa! Cô ấy là vợ tôi, vừa qua là thời chiến tranh, cô ấy sống một mình, bây giờ là thời bình. Chúng tôi sẽ bắt đầu lại từ số không!    
      - Tôi thì không như thế được, Leymarie nói. Nếu ngày về tôi biết có chuyện gì dù nhỏ nhặt đến đâu....
      - Anh sẽ làm gì? Anh giết cô ấy? Anh không gàn dở đấy chứ?
      - Không, tôi sẽ không làm gì hết. Một lời trách móc cũng không. Nhưng tôi sẽ ra đi. Tôi sẽ đến sống ở nơi khác dưới một cái tên khác. Tôi sẽ để lại cho cô ấy tất cả tiền bạc, nhà cửa... Tôi chẳng cần gì, tôi có nghề nghiệp. Tôi sẽ làm lại cuộc đời. Có thể làm như vậy là ngu ngốc, nhưng tính tôi là vậy, hoặc có tất cả, hoặc không có gì.
      Còi hụ, đường ray bẻ ghi, con tàu đi vào ga. Hai người đàn ông không nói gì nữa.

      Xã trưởng làng Chardeuil là một thầy giáo. Ông ấy là người trung hậu, nhân từ và cẩn trọng. Một buổi sáng, ông nhận được thông báo từ trên Bộ là Renaud Leymarie sẽ trở về vào ngày hai mươi tháng tám, trên đoàn tàu chạy theo hướng Tây Nam, ông quyết định tự mình đến báo tin cho người vợ. Ông đến khi vợ Leymarie đang làm vườn, mảnh vườn đẹp nhất làng với những khóm hồng leo hai bên thành cửa.
      - Chị Leymarie này, tôi biết chị không ở trong số những người  phụ nữ  cần phải báo trước ngày chồng về để tránh sự đột ngột có thể tai hại. Không, và hơn nữa, nếu chị cho phép tôi nói, cách cư xử của chị, sự chừng mực của chị đã khiến dân ở đây khâm phục... Ngay cả những người đàn bà lắm lời vốn chẳng tử tế gì với người khác cũng chẳng nói gì được chị.
      - Thế nào người ta cũng tìm ra được chuyện gì đó chứ, thưa ông xã trưởng, chị vừa cười vừa nói.
      - Tôi cũng có thể nghĩ như thế, chị à, tôi có thể nghĩ thế thật. Nhưng chị đã khiến họ nín thinh hết. Không, lý do tôi đến báo tin trước hết là để thấy chị vui... Và thật tình thì điều đó cũng làm tôi sung sướng, thêm nữa, tôi nghĩ chắc chị cũng muốn sửa soạn đón chồng về cho nó tươm tất... Chị cũng như chúng tôi thôi, ngày thường ăn uống chẳng ra làm sao, nhưng với một dịp như thế này...
      - Ông nói chí lý, ông xã trưởng ạ. Tôi sẽ đón anh ấy thật đàng hoàng. Ông nói ngày hai mươi? Theo ông, mấy giờ anh ấy sẽ về tới đây?
      Trên Bộ nói: " Đoàn tàu rời Paris lúc hai mươi ba giờ ". Tàu loại đó  chạy chậm lắm. Anh ấy sẽ phải xuống ga Thiviers, như vậy là phải cuốc bộ 4 cây số. Sớm nhất là giữa trưa anh ấy mới về tới.
      - Tôi bảo đảm với ông xã trưởng là sẽ có một bữa ăn thịnh soạn. Và tôi tin rằng ông hiểu vì sao tôi không mời ông tới dự. Nhưng dù sao tôi cũng rất biết ơn ông đã tới báo tin.
      -  Dân Chardeuil này ai cũng quý mến chị, chị Leymarie ạ. Chị không phải là người ở đây, nhưng mọi người đã coi chị như người nhà vậy.

      Sáng ngày 20, Hélène Leymarie thức dậy lúc sáu giờ. Suốt đêm chị không chợp mắt. Hôm trước, chị đã quét dọn nhà cửa, lau các ô cửa kính, chùi sàn nhà sạch bóng, thay mới các diềm trên các màn cửa sổ. Sau đó  chị đến anh Martial, thợ uốn tóc của Chardeuil, để làm dợn sóng lại mái tóc, chị giữ mãi cái mạng trên đầu lúc ngủ để giữ nếp đến sáng dậy. Chị xem qua một lượt tất cả áo lót của mình và tình tứ chọn chiếc áo lụa mà chị không hề mặc tới trong suốt thời gian vắng chồng. Còn váy áo sẽ mặc gì đây? Ngày xưa anh ấy thích cái áo xanh có sọc trắng. Chị lấy ra ướm thử và buồn bã nhận ra rằng chiếc áo quá rộng so với thân hình gầy sụt hẳn do ăn uống thiếu thốn. Thôi, chị sẽ mặc chiếc áo đen do chị tự may, và sẽ diện thêm chiếc cổ và thắt lưng màu cho bớt ảm đạm. 
      Trước khi chuẩn bị bữa ăn, chị nhớ lại những gì trước đây anh thích... Nước Pháp năm 1945, thiếu thốn đủ thứ! Sô cô la tráng miệng? Đúng là anh ấy thích, nhưng giờ kiếm đâu ra? May thay, chị còn có mấy quả trứng tươi nhờ có nuôi gà, anh ấy vẫn bảo chị làm món trứng chiên ngon nhất trần gian. Anh ấy cũng thích thịt đỏ, khoai tây chiên, nhưng hàng thịt Chardeuil đóng cửa hai hôm nay rồi. Chị còn có con gà làm thịt từ hôm trước, sẽ mang ra rô ti. Rồi nghe hàng xóm nói trên thị trấn có chỗ bán sô cô la " chui ", chị quyết đi tìm mua cho được.
      " Mình ra đi lúc tám giờ, chín giờ về tới rồi... Trước khi đi mình chuẩn bị hết mọi thứ, lúc về khỏi bận tâm chuyện bếp núc nữa. "
      Rất xúc động, chị vẫn tỏ ra vui mừng rạng rỡ. Trời thật đẹp. Chưa bao giờ trên thung lũng này, mặt trời ban mai rực rỡ đến thế. Chị vừa dọn bàn vừa khẽ hát: " Chiếc khăn trải bàn ca rô trắng đỏ. Khăn bữa ăn ngày xưa mới cưới đó... Những chiếc dĩa hồng với bao hình ảnh anh ưa... Chai rượu nhiều bọt ... và thêm bình hoa. Anh vẫn thích bàn ăn có  hoa, anh còn bảo mình cắm hoa rất nghệ thuật..."
      Chị chuẩn bị một bó hoa ba màu: cúc dại trắng, mào gà đỏ, cúc ngô xanh, thêm vào vài nhánh lúa mạch nữa. Sau đó, trước khi ra đi, tựa trên xe đạp, qua cửa sổ chị nhìn căn phòng thật lâu. Vâng, thực sự, mọi thứ đều hoàn hảo, sau bao nhiêu bất trắc, Renaud sẽ ngạc nhiên khi thấy lại căn nhà và người vợ chẳng thay đổi mấy. Qua cửa sổ, chị nhìn lại mình trong gương. Hơi gầy một chút, hẳn rồi, nhưng thật trắng trẻo, thật trẻ trung, và nhất là vẫn rất tình tứ... Chị thấy như tan ra trong hạnh phúc.
      - Thôi, đi thôi, chị tự nhủ. Mấy giờ rồi nhỉ? Đã chín giờ rồi. Ôi trời, chừng ấy chuyện mà mất nhiều thời gian hơn mình nghĩ. Nhưng ông xã trưởng nói là đoàn tàu sẽ đến vào lúc mười hai giờ... Mình sẽ trở về trước giờ đó.

      Căn nhà nhỏ của Leymarie nằm cách biệt ở cuối làng, cho nên không một ai thấy một anh lính gầy gò, đôi mắt cháy rực lẻn vào trong vườn. Anh ta đứng đó một lát, choáng ngợp vì ánh sáng và hạnh phúc, say sưa trước những bông hoa đẹp đẽ, lắng nghe tiếng rì rầm của đàn ong. Lát sau, anh khẽ gọi:
      - Hélène!
      Không có tiếng trả lời. Anh gọi thêm nhiều lần.
      -  Hélène! Hélène!
      Im ắng khiến anh hoảng sợ, anh tới gần và nhìn qua cửa sổ chiếc bàn ăn dọn sẵn cho hai người, bình hoa, chai rượu bọt. Anh thấy như ai đấm vào tim, phải đứng tựa vào tường: " Trời ơi! Cô ấy không sống một mình! " Anh nghĩ thầm.
      Một tiếng sau, khi Hélène trở về, chị hàng xóm nói lại:
      - Tôi đã trông thấy anh ấy, anh Renaud của chị đó. Anh ấy chạy trên đường, tôi đã gọi, nhưng anh chẳng hề ngoái lại.
      - Anh ấy chạy? Về hướng nào?
      - Về hướng thôn Thiviers.
      Chị chạy xộc về nhà xã trưởng, ông cũng chẳng biết gì hơn.
      - Tôi sợ, ông xã trưởng ơi, tôi sợ lắm. Renaud vốn nóng tính, cả ghen và hay xúc động... Anh ấy đã nhìn thấy hai bộ đồ ăn... Anh ấy không hiểu chính anh là người tôi đang mong. Phải đi tìm anh ấy ngay, ông xã trưởng ạ.  Cần phải... Có thể anh ấy không về nữa... Mà tôi yêu anh ấy xiết bao!
      Ông xã trưởng phái ngay một người đạp xe ra ga Thiviers, báo ngay cảnh sát đi tìm, nhưng Renaud Leymarie đã biệt tăm. Hélène ngồi thâu đêm bên cạnh bàn, trời nắng nóng hoa héo dần hết. Chị không ăn gì được.
      Một ngày trôi qua, rồi một tuần, một tháng.
      Đến nay, đã hai năm trôi qua kể từ cái ngày bi thảm đó. Chị vẫn không có tin tức gì của chồng. Tôi viết câu chuyện này, hy vọng rằng anh ấy sẽ đọc và sẽ quay về.




THÂN TRỌNG SƠN
dịch từ nguyên tác
Le retour du prisonnier - André Maurois.

LẬP LUẬN





Truyện rất ngắn

Lu Xun (鲁迅)
LỖ TẤN

      Lỗ Tấn là bút danh của Châu Chương Thọ ( sau đổi là Chu Thụ Nhân ), người tỉnh Chiết Giang, Trung quốc.

      Đã từng học trường hàng hải, trường mỏ địa chất, rồi sang Nhật học tiếng Nhật và ngành y.
      Từng dịch và giới thiệu văn học châu Âu ( thơ Pushkin, truyện Jules Vernes ).
     Từ 1920-1925 Lỗ Tấn làm việc tại các trường Đại học và Cao đẳng tại Bắc Kinh, Phúc Kiến, Hạ Môn.
      Về truyện ngắn, Lỗ Tấn có các tác phẩm: 
      - Gào thét ( 14 truyện ), trong đó có các truyện nổi tiếng là Nhật ký một người điên,
      - Bàng hoàng ( 11 truyện )
      - Chuyện cũ viết lại ( 8 truyện ), viết lại truyện cổ và truyện thần thoại.

      Về tạp văn, có tới sáu, bảy trăm bài đăng báo, sau in lại trong 7 tập.

        Về thơ, có tập Cỏ dại, gồm những bài thơ văn xuôi. Ngoài ra còn có 77 bài thơ vần, kiểu cổ điển.






            Tôi mơ về thời còn học tiểu học, đang ngồi trong lớp làm bài, tôi hỏi thầy làm cách nào để trình bày các lập luận. Thầy liếc nhìn tôi qua đôi kính rồi nói: " Khó đấy, nhưng thầy sẽ chỉ cho 
con..."
      Có gia đình kia mới sinh con, lại là con trai nên được quý lắm. Khi đứa bé đầy tháng, gia đình mời khách đến để trình diện đứa nhỏ, đồng thời cũng mong nhận được những lời chúc mừng.
       " Thằng bé này sẽ phát tài phát lộc ", một vị khách lên tiếng, và được cám ơn nồng nhiệt.
       " Thằng bé này sẽ được hoạn lộ hanh thông ", vị khách khác nói, và cả nhà cám ơn rối rít.
    
   Nhưng một người khác lại nói : " Thằng bé này thế nào cũng sẽ chết ", ngay tức thì mọi người rượt đánh đuổi đi. 
      " Nói nó sẽ chết là nói điều chắc chắn sẽ xảy ra, nói nó phát tài phát lộc là nói điều hứa hẹn lừa phỉnh, vậy mà người nói dối thì được cám ơn, còn người nói thật thì bị trách phạt. Còn con thì sao... "
     " Con không thích nói dối, cũng không muốn bị đánh đập. Vậy, thưa thầy, con phải nói gì đây? "
     " He he ! He he he he !"
     " Con phải nói vậy đó : " À, thằng bé này! Nhìn nó này ! Thực là... Ôi, xem này! A, thấy chưa! He he, he he...! " 


THÂN TRỌNG SƠN
Dịch từ tiếng Pháp
( Nguồn:   http://www.chinese-shortstories.com/index_nouvelles.htm )