mercredi 24 avril 2024

TIẾC NUỐI

 



Truyện ngắn

Kate Chopin.

Nhà văn Hoa Kỳ

( 1850 - 1904 )

 



Catherine O' Flaherty sinh năm 1850 tại Saint - Louis, Missouri, bố gốc người Ái Nhĩ Lan, mẹ gốc Pháp, lớn lên trong môi trường đa văn hoá, từ nhỏ đã nói tiếng Pháp đồng thời với tiếng Anh. Theo học bậc tiểu học và trung học tại một trường công giáo với các nữ tu. Ở nhà, được nuôi dạy bởi mẹ, bà, và bà cố. Sự giao tiếp thường xuyên với những người phụ nữ ở chung quanh giúp cô bé sớm có nhận xét về vai trò của phái nữ trong gia đình và xã hội, định hình cho những ý tưởng và quan niệm cá nhân của nhà văn tương lai.


Kate Chopin ( Kate là Catherine, Chopin là họ chồng ) chịu nhiều đau thương mất mát ngay khi còn nhỏ. Cha chết vì tai nạn đường sắt khi mới lên năm (1855), bà cố, người đã dạy cho cô tiếng Pháp và văn hoá Pháp, qua đời năm 1863. Trong thời Nội chiến Hoa Kỳ ( 1861 - 1865 ), cô lại mất thêm người anh ( tham gia đội quân của Liên minh miền Nam - Confederate - ).

Kate Chopin kết hôn năm 1870 với Oscar Chopin, một thương gia chuyên buôn bán bông vải, và cũng là người gốc Pháp ).Từ năm 1871 đến 1879, Kate Chopin sinh được 5 trai và 1 gái, và số phận rủi ro vẫn không buông tha, Kate lại chịu tang chồng năm 1882, chỉ sau mười hai năm chung sống. Trở thành quả phụ năm 32 tuổi, Kate Chopin vừa nuôi con, vừa tiếp tục công việc của chồng, và không tái giá. 

Đây là chân dung Kate Chopin giai đoạn này, như ghi nhận của nhà phê bình Barbara Ewell: 


" Kate là một người khá nổi bật và quyến rũ. Không cao lắm, có khuynh hướng mập ra, thực sự xinh đẹp, mái tóc nâu dày, dợn sóng, sớm điểm bạc, đôi mắt nâu sáng trong. Bạn bè nhớ nhiều nhất là thói quen im lặng và sự nhanh trí kiểu Ái Nhĩ Lan, thêm điểm nhấn là biệt tài bắt chước. Một bà chủ nhà duyên dáng, dễ tính, thích cười, thích âm nhạc và khiêu vũ, đặc biệt là kiểu nói chuyện thông minh, bà có thể diễn đạt quan điểm cá nhân với sự thẳng thắn đáng ngạc nhiên."


Sau khi chồng chết không lâu, Kate Chopin trở về sống tại St- Louis để con cái có điều kiện học hành tốt hơn. Năm 1885, đến lượt mẹ Kate Chopin qua đời.


Một bác sĩ sản khoa, cũng là bạn thân của gia đình, khuyến khích Kate viết văn, như là một liệu pháp chống buồn nản và cô đơn sau khi chồng và mẹ lần lượt đi xa.  Nghe theo lời khuyên, Kate bắt đầu cầm bút và truyện ngắn đầu tiên của bà đã được đăng trên tờ St Louis Post Dispatch năm 1889, và một năm sau, bà hoàn thành cuốn tiểu thuyết At Fault.


Hơn mười năm tiếp sau đó, Kate Chopin vừa duy trì hoạt động xã hội, vừa không ngừng sáng tác, hoàn thành được trên dưới một trăm truyện ngắn. Truyện ngắn của Kate Chopin được công bố trên những tạp chí nổi tiếng như Vogue và Atlantic Monthly. Hai tuyển tập lần lượt ra mắt: Bayou Folk, 23 truyện (1894), A Night in Acadie, 21 truyện (1897). Giới phê bình có người cho là truyện chỉ có tính địa phương, chỉ phản ảnh những sinh hoạt tại vùng Louisiana và Missouri.  Đến năm 1899, bà cho xuất bản cuốn The Awakening ( Tỉnh  thức ), thu hút nhiều nhận định đánh giá trái ngược nhau. Một vài nhà phê bình khen ngợi tính nghệ thuật của tác phẩm, nhưng cũng không ít người cho là " nhàm chán ", " tầm thường", " không lành mạnh ",  thậm chí "  độc hại ". Tất cả chỉ vì Kate Chopin là người phụ nữ " đi trước thời đại ", thông qua các nhân vật của mình, bà đã bày tỏ quan niệm ( và phản ứng ) về gia đình, hôn nhân, ly dị, ngoại tình, nữ quyền, chống lại lề thói cổ truyền ( tradition ) và quyền hành ( authority ). ( Mà đâu chỉ trong tác phẩm, ngay trong sinh hoạt đời thường, Kate Chopin cũng tỏ ra " tiên phong " đấy chứ: thời còn sống tại New Orleans hay khi về một thị trấn nhỏ ở St- Louis, bà đã làm mọi người ngạc nhiên khi đi dạo một mình, hút thuốc, ăn mặc kiểu cách và cỡi ngựa hai chân hai bên. ) 


Kate Chopin qua đời đột ngột năm 1904, xuất huyết não. 

Trong một thời gian dài, tác giả và tác phẩm bị lãng quên, ngoại trừ một số rất ít truyện được giới thiệu trong các tuyển tập xuất bản mấy năm sau khi tác giả qua đời.


Sự lãng quên ( bất công và đau đớn ) này kéo dài tới gần ... 70 năm, mãi cho đến năm 1969, khi nhà phê bình người Na Uy, Per Seyersted viết cuốn chuyên luận về tiểu sử của Kate Chopin với nhận định: 

" ( Kate Chopin ) là nhà văn nữ đầu tiên trên đất nước mình nhìn nhận đam mê như là một chủ đề chính thống của tiểu thuyết nghiêm túc, công khai. Chống lại lề thói cổ truyền và quyền hành, với một sự táo bạo mà ngày nay chúng ta khó khăn mới thấu hiểu, với sự thành thực cương quyết, không có chút gì kích động, bà đảm đương việc nói lên sự thật không che đậy về mặt khuất của đời sống người phụ nữ. Bà như là người tiên phong đề cập thẳng thắn những vấn đề dục tính, ly dị, và sự thôi thúc của giới nữ mong muốn tồn tại thực sự. Trong nhiều khía cạnh, bà là một nhà văn hiện đại, nổi bật về nhận thức những phức tạp của  sự thật và tính đa dạng của tự do."


Phong trào nữ quyền ở Mỹ phát triển ngày càng mạnh từ những năm 1960 tạo thuận lợi cho việc đánh giá về tài năng và cống hiến của Kate Chopin. Tác phẩm của bà được tái bản và giới thiệu trở lại.


Thông thạo tiếng Pháp, thấm nhuần văn hoá Pháp, lúc sáng tác, Kate Chopin chịu nhiều ảnh hưởng của nhà văn Maupassant. Ở bậc thầy của thể loại truyện ngắn này, Kate Chopin nhận ra văn chương không phải chỉ là hư cấu, mà là chính cuộc sống, với những con người đang sống quanh ta. Nhà văn quan sát và ghi lại, trực tiếp và đơn giản, những gì mình nhìn thấy. Cũng như nhà văn Pháp, Kate Chopin thường viết lại, như kiểu ghi âm, những lời đối đáp của nhân vật với câu chữ, ngữ điệu nguyên thô, để người đọc tưởng mình đang nghe trực tiếp.


Một đặc trưng khác của Maupassant - mà Kate Chopin học tập - là cách kết cấu truyện ngắn, câu chuyện diễn tiến theo tâm lý nhân vật, tình tiết đan xen, và bỗng xoay sang một kết cuộc bất ngờ, tạo ngạc nhiên thú vị cho người đọc.


Hiện nay, Kate Chopin được xem là một khuôn mặt lớn trong nền văn học Mỹ. Tác phẩm của bà đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng, kể cả tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Mã Lai, tiếng Á Rập... và tiếng Việt.


Truyện Regret giới thiệu dưới đây đầu tiên được in ( năm 1897 ) trong tuyển tập truyện ngắn A Night in Arcadia của Kate Chopin.



*****




     Mamzelle Aurlie có một vóc dáng mạnh khoẻ, cân đối, đôi gò má hồng hào, mái tóc đã điểm bạc, và đôi mắt với ánh nhìn quả quyết. Bà thường đội một cái mũ rộng vành dành cho đàn ông khi ra đồng làm việc, và khoác tấm áo choàng lính màu xanh cũ kỹ mỗi khi trời trở lạnh, có khi bà còn mang giày ống cao.


      Mamzelle Aurlie chưa từng nghĩ về việc hôn nhân. Bà chưa hề yêu ai. Năm 20 tuổi, bà nhận được một lời cầu hôn, và bà thẳng thừng từ chối ngay. Khi ở tuổi 50, bà chẳng còn gì để tiếc nuối về điều ấy.


      Bởi vậy, bà sống hoàn toàn cô độc trên đời, chẳng có ai thân thích ngoài         con chó Ponto của bà, và những người da đen sống trong những căn nhà nhỏ bằng gỗ và giúp bà việc đồng áng; đàn gà, mấy con bò cái, một cặp la, một khẩu súng săn ( bà dùng để bắn lũ diều hâu bắt gà ), và niềm tin tôn giáo của mình.


        Một buổi sáng, Mamzelle Aurlie đứng trên hiên nhà, bần thần,  tay chống nạnh  , mấy đứa trẻ còn rất nhỏ, như từ trên trời xuống, ùa vào nhà bà thật bất ngờ. Chúng là những đứa con của Odile, người hàng xóm gần nhà bà nhất, Odile chỉ là hàng xóm, chẳng thân thiết gì mấy.


       Người phụ nữ trẻ đã có mặt trước đó năm phút, đi theo nàng là bốn đứa trẻ. Nàng ôm Ladie, đứa nhỏ nhất trong tay, tay kia nàng dắt Ti Nomme, trong khi Marcline và Marclette bước theo những  bước chân ngập ngừng của mẹ.

     Mặt nàng ửng đỏ và méo mó vì những giọt nước mắt và nỗi xúc động dâng trào. Nàng phải đi sang vùng bên vì mẹ nàng bị bệnh hiểm nghèo, chồng nàng bỏ đi xa, đến tận Texas - nàng nghĩ chắc là xa đến ngàn dặm - , một người tên là Valsin đang đợi trên cỗ xe la để chở nàng ra ga.


         Chẳng sao cả đâu, bác Mamzelle Aurlie ạ. Bác chỉ cần giữ mấy đứa nhỏ giùm cháu cho đến khi cháu trở về. Cháu sẽ không làm phiền bác nếu cháu có cách nào khác. Hãy xem các cháu là con bác. Cháu  xin bác đấy bác Mamzelle Aurlie, đừng bỏ rơi chúng. Cháu không thể như thế này, cháu gần như phát cuồng lên vì lũ trẻ,  cháu cô độc, không nơi nương tựa, và có thể sẽ không còn là một người mẹ tốt nữa. Nỗi đau đã khiến Odile vội vã, nôn nóng rời bỏ gia đình phiền muộn của nàng.


        Nàng lùa bọn trẻ đứng chen vào chỗ bóng mát ngoài hành lang của một ngôi nhà dài và thấp, ánh nắng chói chang chiếu vào những tấm ván trắng cũ kỹ, vài con gà đang vừa đi vừa bươi tìm trên cỏ, gần các bậc cấp, và một chú liều lĩnh nhảy phóc lên, bước từng bước chậm chạp, khoan thai, bâng quơ, ngang qua hiên nhà. Có mùi thoang thoảng dễ chịu của hoa cẩm chướng lan trong không khí, và tiếng cười của những người da đen vọng đến từ cánh đồng bông vải.


        Mamzelle Aurlie đứng đó, ngắm nhìn lũ trẻ. Bà đưa mắt dò xét nhìn Marcline , đứa nhỏ loạng quạng vì phải ẵm bé Lodie béo nục. Bà lại nhìn sang Marclette đang khóc thút thít vì buồn và đứa em Ti Nomme đang quấy phá. Sau một lát suy nghĩ, bà trấn tỉnh lại, quyết định làm những việc được xem như là bổn phận. Bà bắt đầu cho chúng ăn.

      Nếu trách nhiệm của bà Mamzelle Aurlie có thể bắt đầu và chấm dứt ở đó, lũ trẻ sẽ nhanh chóng bị quên đi ngay; vì tủ chạn của bà luôn có sẵn thức ăn phòng những trường hợp khẩn cấp như thế này. Nhưng lũ trẻ này đâu phải là những con heo nhỏ. Chúng muốn và cần được quan tâm chăm sóc, điều ấy hoàn toàn nằm ngoài sự mong đợi của bà Mamzelle Aurlie, bà vốn có rất ít khả năng để đem đến cho chúng việc này.

     Dĩ nhiên, bà không phải là người thích hợp để chăm sóc lũ trẻ nhà Odile trong vài ngày đầu tiên. Làm sao bà biết rằng Marclette luôn khóc nhè khi bà nói lớn và ra lệnh cho nó? Đấy là tính riêng của con bé. Bà dần quen với việc nhóc Ti Nomme rất thích hoa chỉ khi nó bứt những bông dành dành và cẩm chướng để tìm hiểu về cấu tạo của chúng.

      Không bảo được Ti Nomme đâu, bà Mamzelle Aurlie ạ, Marclette nói cho bà biết, bà phải bắt nó ngồi im vào ghế. Đấy là điều mẹ cháu thường làm mỗi khi nó nghịch. Chiếc ghế mà bà Mamzelle Aurlie đặt Ti Nomme ngồi vào rất rộng và thoải mái, cậu nhóc đánh một giấc trên chiếc ghế đó, vì buổi chiều trời thật ấm áp.


     Tối đến, khi bà sửa soạn cho lũ trẻ đi ngủ, giống như cho mấy con gà vào chuồng, bà vẫn chưa biết hết nhiều thứ. Những bộ đồ ngủ nhỏ màu trắng được làm từ áo gối như thế nào và giũ mạnh sao nó cứ kêu lách tách như những cái roi bò? Phải làm sao với chậu nước, cần phải lấy ra và đem đặt dưới nền nhà, để những đôi chân nhỏ lấm lem đất và rám nắng được rửa ráy sạch sẽ, thơm tho ? Và điều khiến cho Marcline và Marclette cười nắc nẻ là suy nghĩ của Mamzelle Aurlie, cho rằng không cần kể chuyện về ông kẹ hay ma sói, hoặc cả hai chuyện đó, thì bé Lodie vẫn có thể ngủ, mà cũng chẳng cần phải đưa nôi hay hát ru.


    “ Tôi nói với dì, dì Rudy ạ, Mamzelle Aurlie giải bày với người làm bếp tin cẩn, tôi thà chăm nom hàng loạt đồn điền còn đỡ hơn là săn sóc bốn đứa trẻ. Thật mệt mỏi! Đừng! Đừng nói với tôi về lũ trẻ ! “ 


“ Tôi không mong bà biết mọi thứ về lũ trẻ, Mamzelle Aurlie ạ. Tôi thấy rõ ràng là lũ trẻ đang nghịch phá cái rổ đựng chìa khoá của bà. Bà không biết thế là làm cho lũ nhóc ngày càng ương bướng, lì lợm. Đấy là những thứ bà phải biết về việc nuôi dạy trẻ con.” 

     Mamzelle Aurlie dĩ nhiên không có ý định hay mong muốn nắm được những kiến thức tinh tế như vậy về vấn đề này như dì Rudy - một bà mẹ năm con. Bà hài lòng  khi biết một vài mánh khoé để đáp ứng việc cần ngay bây giờ.


       Những ngón tay lấm bẩn của Ti Nomme làm dơ tấm tạp dề trắng mới lấy ra mà nhiều năm nay bà không hề mang, bà cũng tập cho quen dần với những nụ hôn  ươn ướt của nó - biểu hiện của tình cảm trìu mến tự nhiên. Bà lấy rổ may vá từ trên nóc tủ đứng xuống, đó là thứ bà hiếm khi dùng đến và đặt nó vào chỗ thuận tiện, dễ lấy, để sửa lại cái váy và chỗ thắt lưng không có khuy. Phải mất vài ngày bà mới quen với tiếng cười, tiếng khóc và những âm thanh huyên náo vang lên khắp nhà suốt ngày. Và đó là đêm đầu tiên hay đêm thứ hai mà bà có thể ngủ thoải mái với cơ thể ấm nóng, bụ bẫm của bé Lodie áp sát vào người mình. Hơi thở ấm áp của đứa trẻ phả vào gò má, giống như cái vỗ nhẹ của đôi cánh chim.


     Nhưng đến cuối tuần thứ hai, Mamzelle Aurlie đã quen với những điều này, bà không còn phàn nàn nữa. 

     Cũng vào một buổi tối của tuần đó, lúc Mamzelle Aurlie đang quay về phía chiếc cũi, nơi bà thường đứng cho gia súc ăn, bà nhìn thấy cỗ xe màu xanh dương của Valsin rẽ sang từ phía bên kia đường. Odile ngồi cạnh một gã người lai, lưng thẳng và đầy vẻ cảnh giác. Khi họ đến gần hơn, khuôn mặt rạng rỡ của người phụ nữ trẻ cho thấy một sự trở về đầy hạnh phúc.


    Nhưng sự trở lại này, hoàn toàn bất ngờ và không mong đợi, đã khiến cho Mamzelle Aurlie một cảm giác xao xuyến gần như run rẩy đến rối bời. Đám trẻ phải tập trung lại. Ti Nomme đâu rồi? Ngoài kia, phía nhà kho, nó đang miết lưỡi dao trên hòn đá mài. Và Marcline, Marclette nữa? Chúng đang chơi trò may quần áo cho búp bê ở góc hiên nhà. Còn bé Lodie, bé nằm ngoan ngoãn trong vòng tay Mamzelle Aurlie, hét lên đầy phấn khích khi thấy cỗ xe màu xanh quen thuộc đưa mẹ trở lại.


    Sự náo động không còn và đám trẻ đã ra đi. Sẽ như thế nào khi lũ trẻ đã rời xa. Mamzelle Aurlie đứng trên hiên nhà. Bà không còn nghe thấy tiếng khùng khục và cọt kẹt của bánh xe nữa. Nhưng bà có thể vẫn còn loáng thoáng nghe tiếng la gào, tiếng cười của lũ trẻ. Mamzelle Aurlie lặng nhìn và lắng nghe. Bà không còn thấy cỗ xe ngựa đâu nữa, ánh hoàng hôn đỏ rực và màu xanh xám chạng vạng hoà vào nhau thành đám mây rắc tía bay ngang cánh đồng và con đường, khiến cỗ xe mờ khuất dần trong mắt bà.


     Bà bước vào nhà. Còn nhiều việc đang đợi bà, vì lũ trẻ đã để lại một sự xáo trộn buồn bã, nhưng bà chưa thể ngay tức thì chỉnh đốn lại hết  được. Mamzelle Aurlie ngồi phịch xuống cạnh bàn. Bà chầm chậm nhìn quanh phòng, dò mắt vào bóng đêm đang luồn vào và khoét sâu hình bóng cô đơn của bà. Bà gục đầu xuống đôi cánh tay và bắt đầu khóc. Ôi, bà khóc đấy. Không nỉ non như một người đàn bà. Bà khóc như một người đàn ông, với những tiếng nức nở như xé ruột xé gan. Bà không để ý rằng con chó Ponto đang liếm tay mình.




THÂN TRỌNG SƠN 

dịch và giới thiệu

( tháng 4 / 2024/)



Nguồn:


https://americanliterature.com/author/kate-chopin/short-story/regret

      

Aucun commentaire: