GUILLAUME APOLLINAIRE
Nhà thơ Pháp
( 1880 - 1918 )
Viết nhà thơ nhưng thực ra Ông còn là nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình nghệ thuật. Là người Pháp gốc Ba Lan, sinh ở Roma, Ý, mẹ là một phụ nữ quý tộc chạy sang Ý sau cuộc bạo loạn 1863-1864 ở Ba Lan, bố không biết là ai. Năm 1887, ông
và mẹ cùng em trai chuyển về Monaco.
Từ năm 1899 chuyển về sống tại Paris, làm thơ, viết báo. Có lần Ông bị bắt vào tù vì bị nghi có tham gia vụ ăn cắp bức hoạ Mona Lisa nổi tiếng ở bảo tàng Louvre nhưng một tuần được thả vì không có chứng cứ.
Năm 1912 ông cùng các bạn thành lập tạp chí Chiều Paris - Les Soirées de Paris - (rồi năm sau làm chủ bút). Bài thơ nổi tiếng Le Pont Mirabeau và trường ca Zone đưa Apollinaire lên vị trí số một trong các nhà thơ đương thời.
Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, Ông tình nguyện ra trận và bị thương nặng do trúng mảnh đạn pháo vào đầu.
Apollinaire mất ở Paris vào năm Ông 36 tuổi vì bệnh cúm trong thời gian có dịch cúm Tây Ban Nha.
Apollinaire được coi là nhà thơ khơi dòng cho trường phái Siêu thực ( Surréalisme ), cách tân thơ tự do. Có những bài thơ ông sáng tác theo kiểu tạo hình ( calligramme ).
Tác phẩm của Apollinaire khá phong phú, một trong những tác phẩm nổi tiếng là Alcools, mở đầu với bài thơ dài, Zone. Đây là lời tâm sự trầm buồn của một người thất tình, bài thơ “ lạ lùng “ của Apollinaire, gắn liền với thành phố Paris.
À la fin tu es las de ce monde ancien
Bergère ô tour Eiffel le troupeau des ponts bêle ce matin.
Apollinaire như đang bay liệng trên thành phố Paris và tưởng tháp Eiffel là một kẻ chăn cừu ( con gái ) và những cây cầu rải rác là những con cừu. Cừu nào ở Paris?
Maintenant tu marches dans Paris tout seul parmi la foule
Des troupeaux d’autobus mugissants près de toi roulent
L’angoisse de l’amour te serre le gosier.
Những đàn cừu ô tô buýt kêu rống chạy gần mi
Nỗi khắc khoải tình yêu bóp cổ họng mi.
Chàng lại tiếp tục đi.
Aujourd’hui tu marches dans Paris les femmes sont ensanglantées.
Hôm nay mi đi bộ ở Paris những người đàn bà loang máu.
Những chuyến đi giang hồ như thế vẫn tiếp tục.
J’ai vécu comme un fou et j’ai perdu mon temps.
Tôi đã sống như một thằng điên và đã lãng phí thời gian.
Buồn nản, chán chường, chỉ còn cách uống rượu tiêu sầu thôi.
Et tu bois cet alcool brûlant comme ta vie
Ta vie que tu bois comme une eau-de-vie.
Đây có thể xem như hai câu hay nhất của bài thơ với những chỗ lặp lại và lối chơi chữ với eau-de-vie.
Apollinaire hẳn đã lấy câu này làm nhan đề cho cả tập Alcools.
Cả bài Zone có quá nhiều hình ảnh lạ lùng hoà nhập trộn lẫn vào nhau khiến biên giới không gian thời gian mờ nhạt đi, không còn thứ tự thường lệ nữa.
Zone là một bài rất dài ( 164 câu ), làm nản lòng ai muốn dịch.
Ngắn hơn và không kém phần nổi tiếng là các bài Le Pont Mirabeau và L’Adieu ( ít nhất đối với người đọc Việt Nam ).
Hãy đọc bài thứ nhất trước.
Ai đã từng đến thủ đô nước Pháp ắt đã biết sông Seine chảy qua thành phô này từ Đông sang Tây với 37 cây cầu bắc qua con sông. Mỗi cầu có một vẻ đẹp riêng. Cầu cổ nhất có tên là Cầu Mới ( Pont Neuf ).
Cầu đẹp nhất là Pont Alexandre III.
Cây cầu biểu hiện cho tình yêu đôi lứa là Pont des Arts, nơi đây vô số cặp tình nhân từ bốn phương đổ về gắn trên thành cầu những chiếc ổ khóa tình yêu. Với thời gian, số lượng ổ khoá ngày càng nhiều trở nên nặng nề, nguy hiểm cho cây cầu và làm mất vẻ đẹp của cầu. Thế nên thành phố đã phải cho gỡ tất cả các ổ khoá để bảo tồn cầu.
Cầu Mirabeau là cây cầu không có gì đặc biệt nhưng vẫn nổi tiếng nhờ bài thơ của Apollinaire. Trên cầu có tấm bảng khắc mấy câu đầu của bài thơ.
Trong bài thơ, Apollinaire ngụ ý nói về mối tình đoạn tuyệt của mình với Marie Laurencin, một nữ hoạ sĩ. Tác giả thường đi qua cầu này với nàng hoạ sĩ.
Nhan đề mang tên một cây cầu, nhưng Apollinaire không mô tả đúng nghĩa cây cầu, ông chỉ mượn cây cầu làm cái cớ để nói về nơi gặp gỡ, hò hẹn trước đây để từ đó gợi lên sự trôi đi của thời gian như nước dòng sông Seine chảy. Cây cầu biểu tượng cho những gì kết nối như tình yêu giữa hai con người.
Cây cầu, dĩ vãng và những mối tình xưa.
Les jours s’en vont je demeure.
Sau Apollinaire, nhà thơ Hoài Khanh cũng có cái cảm giác như thế:
Rồi em lại ra đi như đã đến
Dòng sông kia vẫn cứ chảy xa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu.
( Ngồi lại bên cầu ).
Và còn Cao Quảng Văn nữa. Nhà thơ xứ Huế cũng đã từng chia sẻ kinh nghiệm đó:
Mênh mang chiều chảy về đâu
Ngày run bóng xế, bên cầu lá rơi.
Cánh chim khuất nẻo xa rồi
Người mang theo cả ngậm ngùi trời mây
Gió về đâu, lạnh bên đầy
Bèo trôi lờ lững
Đêm ngày nước xuôi…
Tìm đâu từ thuở yêu người
Hồn đau mấy thuở…môi cười mà đau!
Mang đi xa mãi về đâu
Chiều nay nhạt nắng, bên cầu mình tôi…
( Nhạt nắng bên cầu ).
U ẩn, ngậm ngùi biết mấy.
Hai câu thơ
Vienne la nuit sonne l’heure
Les jours s’en vont je demeure
được lặp lại nhiều lần tạo nên một âm điệu than thở. Je demeure ( Anh vẫn còn đây ) nói lên nỗi cô đơn của tác giả.
Sous le pont Mirabeau coule la Seine
Et nos amours
Faut-il qu’il m’en souvienne
La joie venait toujours après la peine
Vienne la nuit sonne l’heure
Les jours s’en vont je demeure
Les mains dans les mains restons face à face
Tandis que sous
Le pont de nos bras passe
Des éternels regards l’onde si lasse
Vienne la nuit sonne l’heure
Les jours s’en vont je demeure
L’amour s’en va comme cette eau courante
L’amour s’en va
Comme la vie est lente
Et comme l’Espérance est violente
Vienne la nuit sonne l’heure
Les jours s’en vont je demeure
Passent les jours et passent les semaines
Ni temps passé
Ni les amours reviennent
Sous le pont Mirabeau coule la Seine
Vienne la nuit sonne l’heure
Les jours s’en vont je demeure.
1912
Bài thơ rất khó dịch vì làm sao chuyển tải cho được nhạc điệu độc đáo với những dòng hụt bỏ lửng để vắt qua dòng dưới như dòng nước chảy triền miên. Đã có nhiều người dịch theo cách hiểu, cách cảm của riêng mình. Sau đây là một bản dịch thể hiện cách cảm của cá nhân dẫu biết khó mà lột tả hết cái hay của nguyên tác.
Cầu Mirabeau
Dưới cầu Mirabeau dòng Seine trôi
Và tình đôi ta
Chẳng biết anh còn nên nhớ
Niềm hân hoan luôn đến sau nỗi buồn phiền
Đêm hãy đến giờ hãy điểm
Tháng ngày qua anh vẫn còn đây
Tay trong tay chúng ta cứ đối mặt nhau
Trong khi dưới
Cầu vòng tay bắc qua mãi
Dòng nước mệt mỏi vì những tia nhìn thiên thu.
Đêm hãy đến giờ hãy điểm
Tháng ngày qua anh vẫn còn đây
Tình yêu ra đi như dòng nước chảy
Tình yêu ra đi
Dòng đời sao mà lê thê
Khát vọng sao quá dữ dội
Đêm hãy đến giờ hãy điểm
Tháng ngày qua anh vẫn còn đây
Ngày qua rồi tuần lại qua
Mà quá khứ
Và những mối tình không trở lại
Dưới cầu Mirabeau dòng Seine trôi mãi
Đêm hãy đến giờ hãy điểm
Tháng ngày qua anh vẫn còn đây
Cùng trích trong tập Alcools ( Rượu ), ngoài một số bài quen thuộc khác như Zone, La chanson du Mal-Aimé, Les Colchiques… còn một bài nổi tiếng nữa đối với bạn đọc Việt Nam: l’Adieu. Mọi người đều biết rõ bản dịch của Bùi Giáng và bài hát Mùa thu chết của nhạc sĩ Phạm Duy, không ghi lời dịch của ai. Cả Bùi Giáng và Phạm Duy đều gây nhiều tranh cãi về cách hiểu cách dịch của họ.
Hãy đọc lại bài thơ:
L’Adieu
J’ai cueilli ce brin de bruyère
L’automne est morte souviens-t’en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t’attends
Bài thơ được đăng lần đầu trên báo Le Festin d’Europe, số 2, tháng 12 / 1903.
Hãy lưu ý tác giả viết L’Adieu, không phải Adieu. Adieu là thán từ ( interjection ),còn đây là danh từ: Sự vĩnh biệt, và nhan đề này đã tự nó báo trước một chuyện tình buồn, chia lìa lứa đôi, kể về hai người xa cách nhau trên cõi đời vì cái chết. Chàng vào nghĩa trang thăm nàng và tâm sự ( tất nhiên chỉ trong tâm tưởng, như những lời độc thoại, giữa cảnh trời thu buồn với những cành hoa thạch thảo mọc quanh mộ.
Apollinaire cố ý bỏ hết các dấu chấm câu và mỗi từ đều được chọn lọc kỹ. Câu đầu thôi cũng gây khó cho người dịch: động từ cueillir chia ở thì quá khứ và ce brin de bruyère ( cọng thạch thảo này ). Chỉ chừng đó cũng thấy thật không ổn khi viết “ Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo “. Cueillir là hái và brin là cọng. Sao lại là ngắt, mà ngắt một cụm lại càng không được. Chỉ ngắt một cành, một cọng thôi chứ cụm thì ngắt sao được. Cụm thì phải bứng, phải nhổ.
Đưa tay anh ngắt cọng ngò
Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ.
Bản dịch
LỜI VĨNH BIỆT
Anh đã hái cọng thạch thảo này
Mùa thu đã chết em hãy nhớ
Ta sẽ không thấy nhau nữa trên đời
Mùi thời gian cọng thạch thảo
Và em hãy nhớ rằng anh chờ em.
***
Ngoài những bài nhắc đến bên trên, trong tập Alcools còn nhiều bài khác nhưng khuôn khổ bài viết này không cho phép nói hết để điểm qua một tập khác “ Le bestiaire ou Cortège d’Orphée )
Ngụ ngôn cầm thú hay đoàn tuỳ tùng của Orphée.
Đây là một tập gồm 30 bài thơ ngắn ( in năm 1811 ). Theo kiểu Thơ ngụ ngôn của La Fontaine, mỗi bài thơ phác hoạ chân dung một con vật. Có 4 bài cùng tên Orphée, những bài khác là Con mèo, sư tử, thỏ, lạc đà, chuột, voi, sâu, ruồi, châu chấu, cá voi, mực, bồ câu, công, cú, bò… Người đọc có thể nhận ra sự đa dạng trong chủ đề các bài thơ: lời tâm sự buồn, ít nhiều cay đắng ( Chim bồ câu, Dê Tây Tạng ), khát vọng về cuộc sống chừng mực, nhiều chia sẻ ( Con mèo ), suy nghĩ về sự sáng tạo trong thơ ( Châu chấu ), suy nghĩ về thân phận nhà thơ ( con sâu )…Orphée theo thần thoại Hy lạp là một thi sĩ, nhạc sĩ đã sáng tạo ra hoặc cải tiến cây đàn lyre, có thể mê hoặc được tất cả các loài thú hoang.
Tập thơ Le Bestiaire là tập thơ đầu tiên của Apollinaire, không lôi cuốn như tập Alcools, nhưng thỉnh thoảng lại loé lên vài câu khiến người đọc giật mình:
Belles journées, souris du temps,
Vous rongez peu à peu ma vie.
Ôi chuột thời gian, mi gặm nhắm ăn mòn cuộc đời của ta
Để minh hoạ cho những điều bên trên, ta hãy đọc vài bài trong tập thơ.
Le chat
Je souhaite dans ma maison
Une femme ayant sa raison
Un chat passant parmi les livres
Des amis en toute saison
Sans lesquels je ne peux pas vivre.
Mèo.
Tôi mong ước trong nhà mình
Có một người đàn bà luôn biết điều
Có một con mèo lượn lờ qua đống sách
Mà thiếu họ tôi không sống nổi.
Le lion
Ô lion, malheureuse image
Des rois chus lamentablement,
Tu ne nais maintenant qu’en cage
À Hambourg, chez les Allemands.
Sư tử
Này sư tử, hình ảnh khốn khổ
Của ngai vàng sụp đổ thảm thương
Giờ đây mi chỉ sinh trong chuồng
Bên Đức quốc nơi vùng Hambourg.
L’écrevisse
Incertitude, ô mes délices
Vous et moi nous nous en allons
Comme s’en vont les écrevisses,
À reculons, à reculons.
Tôm
Nghi ngại, ôi thú vui của ta
Cùng nhau ta cùng bước đi ra
Như những con tôm đang búng nước
Cứ đi giật lùi, lui tới, lùi xa.
Le poulpe
Jetant son encre vers les cieux
Suçant le sang de ce qu’il aime
Et le trouvant délicieux,
Ce monstre inhumain, c’est moi-même.
Bạch tuộc
Mực phóng lên các tầng trời
Miên man hút máu những loài nó ưa
Thấy máu ngon lành tuyệt vời
Quỷ bất nhân ấy là người chính ta.
La chenille
Le travail mène à la richesse
Pauvres poètes, travaillons!
La chenille en peinant sans cesse
Devient le riche papillon.
Con sâu
Làm việc dẫn tới sang giàu
Hỡi nhà thơ khổ hãy lao động nhiều
Sâu kia vất vả ngày đêm
Mới thành con bướm mỹ miều lượn bay.
La carpe
Dans vos viviers, dans vos étangs,
Carpes, que vous viviez longtemps!
Est-ce que la mort vous oublie
Poissons de la mélancolie.
Cá chép.
Vốn sống trong hồ trong ao
Cá chép mày sống thiệt lâu
Hay là thần chết quên mất
Cá mày là giống đa sầu.
La colombe
Colombe, l’amour et l’éprit
Qui engendrâtes Jésus-Christ
Qu’avec elle je me marie.
Chim câu
Hỡi bồ câu, tình yêu và thần linh
Từng sinh thành nên Chúa Ki tô
Yêu Marie tôi cũng như các vị
Cùng nàng, chồng vợ kết duyên lành.
La souris
Belles journées, souris du temps,
Vous rongez peu à peu ma vie,
Dieu! Je vais avoir vingt-huit ans,
Et mal vécus, à mon envie.
Chuột
Ôi ngày đẹp, chuột thời gian
Mi gặm mi nhắm ăn mòn đời ta
Trời ơi, cũng gần hăm tám rồi mà
Mà sao vẫn sống dật dờ bấy lâu.
La puce
Puces. amis, amantes mêmes!
Qu’ils sont cruels ceux qui nous aiment!
Tout notre sang coule pour eux,
Les bien-aimés sont malheureux.
Rệp.
Rệp, bạn, hay là người tình
Những người thương ta mà sao quá dữ
Máu ta chảy cả trong người họ
Những người yêu quý càng khổ đau.
La sauterelle
Voici la fine sauterelle
La nourriture de Saint Jean
Puissent mes vers être comme elle,
Le régal des meilleures gens.
Châu chấu
Đây nàng châu chấu mảnh mai
Thức ăn hàng ngày của Thánh Saint Jean
Thơ mình mong được như nàng
Trở thành tiệc lớn của người khôn ngoan.
Le dauphin
Dauphins, vous jouez dans la mer,
Mais le flot est toujours amer,
Parfois, ma joie éclate-t-elle?
La vie est encore cruelle.
Cá heo
Này cá heo, các người vui chơi trên biển
Mà sóng nước bao giờ cũng đắng cay
Một đôi lúc, niềm vui có bừng nở?
Cuộc đời vẫn ác độc như xưa.
La méduse
Méduses, malheureuses têtes
Aux chevelures violettes
Vous vous plaisez dans les tempêtes,
Et je m’ y plais comme vous faites.
Sứa
Sứa ơi, cái đầu tội nghiệp
Mái tóc một màu tím ngắt
Sứa vui trong cơn bão tố
Và ta cũng thấy vui vui.
Le paon
En faisant la roue, cet oiseau
Dont le pennage traîne à terre
Apparaît encore plus beau
Mais se découvre le derrière.
Công
Chim công đuôi kéo dài thòng
Đến khi công múa đuôi vòng tròn xoe
Hình ảnh trông thật đẹp sao
Nhưng rồi để hở đàng sau mất rồi.
Le hibou
Mon pauvre cœur est un hibou
Qu’on cloue, qu’on décloue, qu’on recloue
De sang, d’ardeur, il est à bout
Tous ceux qui m’aiment, je les loue.
Con cú
Tim tôi là con cú hôi
Bị người đâm, rút, rồi người lại đâm
Cạn cả máu, hết nhiệt tâm,
Ai yêu tôi, tôi hết lòng ngợi khen.
Le bœuf
Ce chérubin dit la louange
Du paradis, où, près des anges
Nous revivrons, mes chers amis,
Quand le bon Dieu l’aura permis.
Bò
Thiên sứ nói lên lời ngợi ca
Chốn thiên đường gần các thiên thần
Các bạn ơi, chúng mình sống lại
Khi được phép của Chúa nhân từ.
Les sirènes
Saché-je d’où provient, Sirènes, votre ennui
Quand vous vous lamentez, au large, dans la nuit?
Mer, je suis comme toi, plein de voix machinées
Et mes vaisseaux chantants se nomment les années.
Những nàng tiên cá
Hỡi các nàng tiên cá, ta có biết chăng
Các em ưu phiền, ngoài biển rộng, trong đêm?
Và biển cả, cũng như người, ta cũng đầy tiếng nói mưu toan
Và những con tàu rộn rã của ta mệnh danh tháng năm.
Đọc thơ Apollinaire và dịch vài bài, chỉ là vài nét chấm phá để mong chia sẻ phần nào sự mến mộ. Nhà thơ tuy sống không lâu nhưng ảnh hưởng của Ông thật lớn, khó nói hết được trong mấy trang giấy…
THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu
Tháng 4 - 2023.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire