samedi 18 mars 2023

ẦU Ơ TIẾNG MẸ RU CON

 


ẦU Ơ TIẾNG MẸ RU CON



Ầu ơ ( à ơi ) là tiếng đưa hơi trước hoặc sau mỗi đoạn hát ru, với giọng ngân nga kéo dài. Tiếng hò ru con có nhạc điệu chậm buồn, êm ái, du dương, gắn liền với những mái nhà tranh nhỏ, khu vườn xanh. Tiếng hò vẳng lên giữa trưa vắng hay đêm tối. Mẹ ru con khi bé còn ẵm trên tay, lắc nhẹ qua lại khi cất tiếng hò. Bé lớn lên tí nữa, mẹ sẽ cho vào võng hoặc phổ biến hơn là nôi, 

chiếc nôi nhỏ xinh đan bằng mây, có bốn sợi dây cột ở bốn góc, treo thẳng lên hoặc kéo sang hai bên. Sợi dây đó gọi là “tao”.

    Hai tay cầm bốn tao nôi

    Tao thẳng tao dùi tao nhớ tao thương 

    Tao thì báo bổ mẫu thân 

    Tao thì kết nghĩa Châu Trần với anh.

 

Mẹ lắc nhẹ chiếc nôi đong đưa và cất tiếng ru. Nếu là nhà gỗ thì nôi treo cao trên giường để mẹ vừa ru vừa làm việc khác.


Hát ru rất quan trọng vì tâm hồn và thể xác của bé được nuôi dưỡng từng ngày, nghe tiếng ru à ơi bé sẽ ngủ ngon, rồi dần dà bé sẽ không ngủ nếu thiếu vắng tiếng hò ru quen thuộc.

Tuỳ theo người ru là mẹ, chị hay bà của bé, ta có thể gặp ở những lời ru những sắc độ tình cảm khác nhau, có khi hồn nhiên thơ ngây, có khi nặng trĩu tâm sự, lời ru buồn làm ta rung động về những hình ảnh quen thuộc của quê hương, về những tâm tình mộc mạc, hiếu thảo, chan chứa yêu thương của người phụ nữ Việt Nam.


Có thể là những câu ai cũng biết:

    Ru em em théc cho muồi

    Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu

    Mua vôi Chợ Quán, Chợ Cầu,

    Mua cau Nam Phổ mua trầu Chợ Dinh

    Chợ Dinh bán áo con trai

    Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim.

Rồi từ “ kim “ mà hát tiếp:

    Kim Liên ơi hỡi Kim Liên

    Đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê

    Trải qua dấu thỏ đàng đê

    Chim kêu vượn hú bốn bề nước non.

Mấy câu này là của truyện Lục Văn Tiên.


Và từ hình ảnh chim kêu vượn hú mà bắt sang câu:

    Má ơi đừng đánh con đau

    Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu

    Má ơi đừng đánh con đau

    Để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ.

    Má ơi đừng đánh con đau

Để con hát bội làm đào má coi.


Hình ảnh con chim làm mẹ liên tưởng rồi hát tiếp:

    Chim xa rừng thương cây nhớ cội

    Người xa người tội lắm người ơi

    Chẳng thà không biết thì thôi

    Biết rồi mỗi đứa một nơi cũng buồn.

Rồi dây dưa hát tiếp:

    Núi cao chi lắm núi ơi

    Núi che mặt trời không thấy người thương.

    Thương em anh cũng muốn vô

    Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang

    Phá Tam Giang ngày rày đã cạn

    Truông nhà Hồ, Nội tán cấm nghiêm.


Nhớ người thương, thêm nỗi nhớ nhà:

    Chiều chiều ra đứng ngõ sau

    Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

    Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

    Nhớ người quân tử khăn điều vắt vai.


Nhớ quê hẳn là nhớ hình ảnh con cò bay lả bay la:

    Con cò mà đi ăn đêm

    Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

    Ông ơi ông vớt tôi nao

    Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng

    Có xáo thì xáo nước trong 

    Đừng xáo nước đục đau lòng có con.


Còn bao nhiêu câu nữa có hình ảnh con có, tiếng hò vẫn miên man.

    Cái cò lặn lội bờ sông

    Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.

Và:

    Cái cò cái vạc cái nông

    Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò

    Không không tôi đứng trên bờ

    Mẹ con cái vạc đổ thừa cho tôi

    Chẳng tin ông bắt cả đôi

    Mẹ con nhà nó còn ngồi ở kia.

Lại còn:

    Cái cò đi đón cơn mưa

    Tối tăm mờ mịt ai đưa cò về

    Cò về thăm quán cùng quê

    Thăm cha thăm mẹ cò về thăm anh.

Có thể bé đã ngủ nhưng tiếng hò ru vẫn tiếp:

    Cái cò là cái cò ca

    Bắt về làm thịt lấy ra ba phần

    Miếng nạc thì để phần chồng

    Miếng xương mẹ gặm miếng lòng phần con.


Tiếng hò vẫn chưa dứt: 

    Cái cò là cái cò quăm

    Mày hay đánh vợ tối nằm với ai

    Có đánh thì đánh sớm mai

    Đừng đánh chặp tối chẳng ai cho nằm.


Câu này nối sang câu khác. Bé nghe quen rồi đâm ghiền! Có khi là tâm sự buồn, nghe như lời than thân trách phận:


    Chàng ơi phụ thiếp làm chi

    Thiếp là cơm nguội đỡ khi đói lòng

    Đói lòng ăn nửa trái sim

    Uống lưng bát nước đi tìm người thương.

    

    Nhớ ai em những khóc thầm

    Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa

    Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ 

    Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai.


    Chàng ơi xin chớ lo phiền

    Tóc xe trăm ngọn em liền gỡ xong

    Rối tơ em gỡ còn suôn

    Rối đầu có lược, rối lòng có em.


    Yêu nhau chả lấy được nhau

    Con lợn bỏ đói, buồng cau bỏ già

    Bao giờ sum họp một nhà

    Con lợn lại béo, cau già lại ngon.


    Gió đưa bụi chuối sau hè

    Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ

    Con thơ tay ẵm tay bồng

    Tay dắt mẹ chồng, đầu đội thúng bông.


    Tay bưng dĩa muối chấm gừng 

    Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau.


Hết tâm sự buồn lại đến chuyện hiếu thảo:


    Cây khô chưa dễ mọc chồi

    Bác mẹ chưa dễ ở đời với ta

    Non sông bao tuổi mà già

    Bởi vì sương tuyết hoá ra bạc đầu.


    Ngậm đắng nuốt cay thương thay lòng mẹ

    Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn

    Con ăn con ngủ mẹ đỡ băn khoăn

    Khi con trở trời hơi gió, mẹ chẳng an tâm chút nào.


    Khôn ngoan nhờ ấm cha ông 

    Làm nên phải nhớ tổ tông ông bà

    Đạo con chớ có hững hờ 

    Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm.


    Ăn chi ngon bằng cơm với cá

    Ai thương bằng tình mẹ thương con

    Bao giờ cá lý hoá long

    Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa.


Nếu là chị ru em, đã có những câu phù hợp hơn:


    Em tôi buồn ngủ buồn nghê

    Buồn ăn cơm nếp, cháo kê, thịt gà,

    Buồn ăn bánh đúc, bánh đa

    Củ từ, khoai nướng cùng là cháo kê

    Em tôi buồn ngủ buồn nghê

    Con tằm đã chín, con dê đã muồi

    Con tằm đã chín thì để lại nuôi

    Con dê đã muồi thì để em ăn.


Chị thuộc nhiều bài ca dao dài hơn nên đem ra hò, những bài đại khái như:


    Trèo lên cây bưởi hái hoa,

     Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân…


    Thằng Bờm có cái quạt mo, 

    Phú ông xin đổi ba bò chín trâu…


    Hôm qua tát nước đầu đình

    Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen…


Tiếng hò ru con, miền nào cũng có, nghe là biết ngay:


   May mô may chút nữa em lầm

   Khoai lang khô xắt lát em tưởng Cao ly sâm bên Tàu.


   Thiếu chi rau mà ăn rau bát bát

   Thiếu chi bạc mà tiêu bạc Đông dương?

   Thiếu chi người thương mà thương người bảo vệ

   Thiếu chi người tử tế mà em lại lấy Tây?


    Dao vàng mà rọc trầu vàng

    Đem têm cánh phượng gát ngang khay cừ

    Ba bốn nơi tới nói không ừ

    Quyết tâm đợi bạn bây chừ tới đây.


Vô Nam bộ thì nghe:


    Ví dầu cầu ván đóng đinh

    Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi

    Khó đi mẹ dắt con đi

    Con đi trường học mẹ đi trường đời.

    Ví dầu cá bống đánh đu

    Tôm càng hát bội, cá thu cầm chầu

    Ví dầu ví dầu ví dâu

    Ví qua ví lại ví trâu vô chuồng.

    Ví dầu ví dẫu ví dâu

    Ví qua ví lại ví trâu vô rừng

    Vô rừng bứt một sợi mây

    Đem về thắt võng cho nàng đi buôn

    Đi buôn không lỗ thì lời

    Đi ra cho biết mặt trời mặt trăng.


    Gió mùa thu mẹ ru con ngủ

    Năm canh chầy thức đủ về năm

    Hỡi chàng chàng ơi

    Em nhớ tới chàng…


Rồi có khi chị ru những câu thiệt khó:


    Thiên sanh nhơn hà nhơn vô lộc

    Địa sanh thảo hà thảo vô căn

    Một mình em đứng giữa lòng thuyền

    Dưới nước trên trăng

    Biết cùng ai trao duyên gởi phận

    Cho bằng với thế gian.


Chị không cần ai có hiểu hay không ( Trời sinh người, người nào mà không có lộc, Đất sinh cỏ, cỏ nào mà không có rễ, ý nói ai cũng có phước riêng, lộc riêng của Trời cho. Hơn không hơn cũng kiếm cho bằng, có đâu thua bạn, bạn hòng cười chê.


Rồi chị hò tiếp:


   Tiền tài như phấn thổ

   Nhân nghĩa tựa thiên kim

   Con le le mấy thuở chết chìm

   Người thương ở bạc

    Nỏ kiếm với tìm mần chi.


Câu hò mang ý nghĩa “ tiền bạc rồi sẽ như bụi đất, chỉ có tình nghĩa còn mãi với thời gian.


Ai kia xin đừng thắc mắc liệu những câu hò đó có ai nghe ai hiểu không. Có đấy: chính người ru, ru cho bé mà cũng ru cho chính mình!


Tiếng ru là tiếng tự tình của dân tộc, của quê hương, lúc nào nghe cũng thấy da diết. Không còn nghe tiếng ru thấy như mất đi cái gì quí giá lắm. Thôi, hoài niệm vẫn còn đấy.


    Mai rồi con lớn khôn

    Trên đường xa nắng gió

    Lời ru là bóng mát

    Lúc con lên núi thẳm

    Lời ru cũng gập ghềnh

    Khi con ra biển rộng

    Lời ru thành mênh mông.


Đọc lại và chia sẻ với nhà thơ Xuân Quỳnh để yên lòng hơn vậy.



THÂN TRỌNG SƠN


( tháng 3 - 2023 ).

Aucun commentaire: