vendredi 2 octobre 2020

NGƯỜI ĐÀO NGŨ

LE DÉSERTEUR

( NGƯỜI ĐÀO NGŨ )


TIẾNG HÁT HOÀ BÌNH


Sáng tác của Boris VIAN.


Giai điệu chậm rãi, đơn giản, dễ thuộc, dễ nhớ. Tác giả cố ý làm điều đó để người nghe ghi nhận rõ ca từ với đầy đủ ý nghĩa của nó. Lập luận vững chắc, đanh thép, cốt để truyền đi thông điệp:” Tôi đã nhận được giấy gọi nhập ngũ nhưng tôi sẽ KHÔNG thực hiện. Tôi sinh ra ở đời không phải để giết người đồng loại. Lòng tôi đã quyết: Tôi sẽ đào ngũ.”


Lời bài hát thực chất là một bài thơ gồm 12 khổ bốn câu 6 âm tiết ( hexasyllabe ) . Những lời lẽ nầy của một chàng trai trẻ gởi trực tiếp cho Tổng thống. Boris Vian sáng tác bài này vào ngày 16/2/1954, vào thời điểm chiến tranh Đông Dương chưa kết thúc, và cuộc chiến ở Algérie sắp sửa bùng nổ. Tung ra bài hát có nội dung như thế vào lúc này quả là một hành động dũng cảm. Boris Vian đề nghị nhiều ca sĩ thể hiện, nhiều người từ chối, rốt cuộc chỉ có Mouloudji nhận lời với yêu cầu sửa lại hai câu cuối:



   Que j’ emporte des armes

   Et que je sais tirer .

 ( Rằng tôi có vũ khí

    Và tôi biết bóp cò )

thành:


   Que je n’aurai pas d’ armes

    Et qu’ils pourront tirer.


( Rằng tôi không vũ khí

   Họ cứ việc bóp cò ).


Boris Vian đành chấp nhận: Anh muốn sao cũng được, chính anh là người hát mà!

Và Mouloudji đã hát với chỉnh sửa như trên, sau đó trở thành bản chính thức luôn.


Đầu năm 1955, Boris Vian trực tiếp biểu diễn bài hát của mình tại một hí viện lớn ở Paris rồi đi về các tỉnh. Phản ứng của công chúng rất đa dạng, đa số tán thưởng nhưng cũng có người chống đối, thậm chí thị trưởng Dinard cầm đầu đoàn biểu tình phản đối.


Bài hát vẫn duy trì sức sống của nó, được dịch ra nhiều ngôn ngữ, qua sự trình bày của nhiều danh ca ( Richard Anthony, Marc Lavoine, Juliette Gréco, Serge Reggiany, Johnny Hallyday...). Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, chiến tranh vùng Vịnh và nhiều sự kiện khác nữa, Le déserteur đều có dịp cất tiếng. Mãi cho đến năm 2012, bài hát vẫn vang lên với lời cải biên của phong trào chống vũ khí hạt nhân:


“ Monsieur le Président

  Je ne peux plus me taire.

  L’ énergie nucléaire

  Peut tuer nos enfants. “


Xin mời nghe bản nhạc đã:


https://youtu.be/gjndTXyk3mw



Và đây là ca từ:


LE DÉSERTEUR


Monsieur le Président

Je vous fais une lettre

Que vous lirez peut-être

Si vous avez le temps


Je viens de recevoir

Mes papiers militaires

Pour partir à la guerre

Avant mercredi soir


Monsieur le Président

Je ne veux pas la faire

Je ne suis pas sur terre

Pour tuer des pauvres gens


C'est pas pour vous fâcher

Il faut que je vous dise

Ma décision est prise

Je m'en vais déserter.



Depuis que je suis né

J'ai vu mourir mon père

J'ai vu partir mes frères

Et pleurer mes enfants


Ma mère a tant souffert

Elle est dedans sa tombe

Et se moque des bombes

Et se moque des vers


Quand j'étais prisonnier

On m'a volé ma femme

On m'a volé mon âme

Et tout mon cher passé


Demain de bon matin

Je fermerai ma porte

Au nez des années mortes

J'irai sur les chemins


Je mendierai ma  vie

Sur les routes de France

De Bretagne en Provence

Et je dirai aux gens:


Refusez d'obéir

Refusez de la faire

N'allez pas à la guerre

Refusez de partir.


S'il faut donner son sang

Allez donner le vôtre

Vous êtes bon apôtre

Monsieur le Président


Si vous me poursuivez

Prévenez vos gendarmes

Que je n'aurai pas d'armes

Et qu'ils pourront tirer



NGƯỜI ĐÀO NGŨ


Kính thưa ngài Tổng thống

Tôi  gởi Ngài lá thư

Nếu có chút thì giờ

Ngài sẽ ghé mắt đọc.


Tôi vừa nhận giấy gọi

Buộc tôi thi hành ngay

Việc đầu quân nhập ngũ

Trước thứ tư tuần này.


Nhưng thưa ngài Tổng thống

Tôi không muốn tòng quân

Lẽ nào tôi chỉ sống

Để giết hại lương dân.


Chẳng muốn ngài phật ý

Tôi xin nói lời này

Rằng tôi đà quyết định

Tôi sẽ đào ngũ ngay.


Từ khi tôi ra đời

Đã thấy cha tôi chết

Thấy anh em ra trận

Thấy các con khóc than


Mẹ tôi quá đau đớn

Yên nghỉ dưới mộ rồi

Không ngán gì bom đạn

Chẳng sợ giống bọ giòi.


Khi tôi bị giam giữ

Vợ tôi đã không còn

Linh hồn tôi cũng mất

Với kỷ niệm thân thương.


Từ sáng sớm ngày mai

Tôi sẽ đóng chặt cửa

Khép lại ngày tháng cũ

Theo muôn dặm đường dài.


Tôi sống đời khất thực

Trên vạn nẻo quê hương

Bretagne rồi Provence

Với mọi người tôi nói:


Xin đừng chịu phục tùng

Hãy từ chối ra trận

Xin đừng chịu cầm súng

Hãy từ chối tòng quân. 


Nếu cần phải đổ máu

Kính thưa ngài Tổng thống

Ngài vốn giỏi hô hào

Hãy hiến máu mình đi!


Nếu ngài muốn truy bắt

Hãy báo cho cảnh sát

Rằng tôi không có súng

Họ cứ việc bóp cò.


(TTS dịch)



Bài hát thực ra là một bức thư, xác định rõ người gởi “ tôi “ ( je, mon, ma, mes, m’ ) và người nhận “ ngài tổng thống “ ( Monsieur le Président ). Lời thưa gởi đó xuất hiện nhiều lần trong bài với giọng điệu tôn kính ( si vous avez le temps ).


Bức thư cũng xác định những chỉ dẫn về thời gian ( mercredi soir, demain de bon matin ) và về không gian ( routes de France, de Bretagne en Provence ).


Và chính xác hơn, đây là một bức THƯ NGỎ, của một công dân gửi đến vị Tổng thống của nước mình ( năm 1954, đó là Tổng thống René Cotty ). Giọng văn gần gũi với lối nói bình dân ( C’est pas pour vous fâcher, Je m’en vais déserter, Elle est dans sa tombe.)  thậm chí là ngây ngô, trẻ con với việc sử dụng động từ faire một cách dễ dãi ( faire une lettre, faire la guerre ...)


Những nhận xét trên đưa đến mục đích của tác giả là truyền đi thông điệp của mình. Ông muốn hướng tới nhân dân với lời hô hào ( Refusez, n’allez pas ...) qua đó chứng minh sự tàn độc của chiến tranh: từ đau khổ ( pauvres, mourir, pleurer, tombe, sang ) đến bi thương, hiện thực qua hình ảnh “ những con giòi bọ “ Et se moque des vers “.


Mỗi người hãy cảnh giác vì chiến tranh gieo đau thương đến từng nhà, từng người ( mon père, mes frères, ma mère, mes enfants, ma femme ). Và hơn ai hết, Boris Vian đã khẳng định vị thế của mình: thái độ dấn thân để cất lên Tiếng Hát Hoà Bình. Ông dứt khoát: Je ne veux pas, Ma décision, Je dirais...


Chính điều này đã khiến cho bài hát được trường tồn.


****


Nhưng Boris Vian là ai?


Đây là một nhân vật kỳ lạ nhất trong những người kỳ lạ mọi người được biết. Cuộc đời ngắn ngủi (1920-1959) không hề ngăn trở việc ông kinh qua hàng chục hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau: nhà văn, nhà thơ, người viết ca từ, ca sĩ, nhà phê bình âm nhạc, nhạc công trompette, giám đốc nghệ thuật, kỹ sư, nhà dịch thuật ( tiếng Anh ), diễn giả, hoạ sĩ.

Riêng trong lĩnh vực văn học, ông ký 31 bút danh khác nhau khi sáng tác thơ, ký sự, truyện vừa, kịch, kịch bản điện ảnh. Khó mà sưu tầm để liệt kê hết tác phẩm của ông vì thường không được ghi ngày tháng sáng tác. Lúc sinh thời, ông ít được biết đến nhưng giới trẻ thập niên 1960 lại thích thú tìm đọc ông.


Boris Vian sinh tại ngoại ô thủ đô Paris trong một gia đình gồm bốn anh chị em, sống vui vẻ hoà thuận với sự giáo dục đề cao giá trị văn hoá và tự do.Cái tên Boris do mẹ chọn, dựa vào tên một nhân vật nhạc kịch. Do sức khoẻ mong manh, Boris được cô giáo đặc biệt kèm dạy ở nhà và sớm biết đọc, biết viết. Đến 10 tuổi,  Boris đã đam mê tác phẩm văn học cổ điển. Không may là năm lên 12, anh đã có dấu hiệu bệnh tim.


Anh học trung học tại các trường ở Paris, chuyên ban cổ điển, ngôn ngữ la tinh và Hy lạp. Anh tự học thêm tiếng Anh, đến 17 tuổi đã đỗ Tú tài. Chẳng những ham thích văn học, Boris còn mê cả nhạc jazz, là loại nhạc lúc này chưa phổ biến lắm ở Pháp. Năm 1942, anh đỗ bằng kỹ sư, chuyên ngành luyện kim. 


Công việc kỹ sư chỉ giúp anh cảm hứng để làm văn và viết nhạc.Một số tiểu thuyết của Anh đã được Nhà Gallimard xuất bản. Anh lao vào cổ xuý cho phong trào phát triển nhạc jazz, mở hộp đêm trình diễn loại nhạc này.


Từ thời gian này, Boris Vian bay nhảy, lượn lờ qua nhiều địa danh, trên những lĩnh vực hoạt động nghệ thuật khác nhau. Anh làm việc không mỏi mệt. Sau nhiều năm khước từ đời sống hôn nhân, tháng 2 năm 1954, Boris kết hôn với Ursula Kübler, một cô gái Đức gốc Thuỵ sĩ. Đôi vợ chồng trẻ dọn nhà đến một căn hộ tại khu phố gần quảng trường Blanche, trở thành láng giềng với nhà thơ nổi tiếng Jacques Prévert


Đến tháng 6 năm 1956, Boris bắt đầu suy sụp do bệnh phù phổi, vì làm việc quá sức và vì đã từng bị bệnh tim mạch.

Ngày 23/6/1959, ông dự buổi trình chiếu phim chuyển thể từ tiểu

thuyết J’ irai cracher sur vos tombes. Ông phản đối nhà sản xuất vì vài chi tiết không đúng với ý tưởng của ông và yêu cầu rút tên ông khỏi phần giới thiệu. Khi ngồi xem thấy tên vẫn còn xuất hiện, ông hét lớn: “ Không được !” và gục ngã trên ghế rồi hôn mê. Ông trút hơi thở cuối cùng trên đường tới bệnh viện, kết thúc cuộc đời đầy sóng gió của một nghệ sĩ tài hoa.



THÂN TRỌNG SƠN

( tháng 10/2020 ).



Aucun commentaire: