jeudi 22 octobre 2020

BÁO LÂM ĐỒNG VIẾT VỀ THÂN TRỌNG SƠN

 


NHÀ GIÁO, DỊCH GIẢ THÂN TRỌNG SƠN:

''Người đi dạy là người đi học suốt đời''

Cập nhật lúc 05:10, Thứ Hai, 05/10/2020 (GMT+7)

40 năm dạy học, tác giả của hàng trăm truyện ngắn, thơ và bài viết dịch từ tiếng Pháp, tiếng Anh ra tiếng Việt và từ tiếng Việt ra tiếng Pháp, nhà giáo, dịch giả Thân Trọng Sơn được bạn bè trong và ngoài nước biết đến là tấm gương miệt mài cống hiến, góp phần làm đẹp cho cuộc đời.


 





Tôi biết anh Thân Trọng Sơn gần 30 năm trước, khi anh còn là Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Lâm Đồng, sau đó là cán bộ giảng dạy tiếng Pháp ở Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Anh sinh năm 1945 tại Huế, một lúc tốt nghiệp hai bằng đại học, Sư phạm tiếng Pháp và Văn khoa tiếng Pháp. 40 năm anh dạy học ở Buôn Mê Thuột, Huế và cuối cùng là thành phố Đà Lạt. Năm 1994-1995, anh tu nghiệp ở Pháp và là người vận động thành lập ngành đào tạo giáo viên tiếng Pháp bậc THCS cho tỉnh Lâm Đồng tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Yêu văn chương và sinh ngữ từ thời còn học đại học, anh Thân Trọng Sơn cùng nhóm bạn thành lập tờ báo sinh viên, phổ biến những tinh hoa văn chương cho cộng đồng. Cơ duyên này để khi định cư ở Đà Lạt và thôi nghiệp cầm phấn để nghỉ hưu, anh phát huy những thành tựu về dịch thuật. Tháng 9 năm 2020, tôi gặp anh Thân Trọng Sơn để cùng trò chuyện. 

 

Thưa anh Thân Trọng Sơn, tác phẩm dịch của anh được rất nhiều người đọc từ lâu và thích thú. Duyên nào mà anh thuần thục cả ngôn ngữ Pháp và ngôn ngữ Anh vậy?

 

Tôi được tiếp xúc tiếng Pháp và tiếng Anh từ thời học trung học. Lên đại học, tôi vừa học vừa dạy kèm học sinh luyện thi Tú tài 2. Dạy là phương pháp tốt để học ngoại ngữ, đó là kinh nghiệm đầu tiên của tôi. Tốt nghiệp đại học tôi được phân công dạy cả 2 ngoại ngữ nên càng có điều kiện học. Học là để dạy, dạy tức là học. Kinh nghiệm thứ hai là kết hợp việc học chính quy ở trường lớp với việc tự học, nhất là tự học những gì trường không dạy. Kinh nghiệm thứ ba là khi học một ngoại ngữ, nhất thiết phải tìm hiểu về đất nước và con người sử dụng ngôn ngữ đó. Tôi cũng phải nói thêm, vốn tiếng Anh của tôi được bồi đắp thêm chính từ dịch tiếng Pháp. 

 

Hình như anh còn biết cả tiếng Đức nữa? 

 

Năm 1966, tôi có học tiếng Đức, 2 năm. Năm 1986 tôi có học tiếng Nga, một năm. Lười biếng và thiếu nghị lực, tôi không tiếp tục, coi như không biết gì. Tiếc là do không biết nhiều ngoại ngữ nên tôi buộc phải làm việc tối kỵ là có khi phải dịch qua một bản dịch. 

 

Là người có 40 năm đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức cho học sinh, sinh viên, anh chia sẻ một chút vốn liếng nghề dạy học? 

 

Người đi dạy là người đi học suốt đời. Đã đi dạy là chấp nhận tiếp tục học, không thể bằng lòng với tấm bằng đã tốt nghiệp trước đó. Kiến thức của nhân loại vốn là biển lớn không có bờ. Với ngoại ngữ, ngôn ngữ luôn như một hàm thường biến, gọi là “sinh ngữ” nghĩa là luôn phát triển từ mới, nghĩa mới, do cuộc sống không ngừng vận động. Ngày nay, phương pháp dạy học đã khác nhiều, người thầy giáo càng cần thích ứng. Ví dụ, tính tương tác trước đây rất hẹp, chỉ là thầy-trò, bây giờ ngoài thầy-trò còn có trò-thầy, trò-trò… Tính ứng biến, năng lực ứng khẩu của người thầy càng cần nhiều linh hoạt, năng động, thông minh và sáng tạo hơn. Nghề thầy có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Tôi muốn nói là ngôn ngữ luôn phát triển trong môi trường giao tiếp một cách rất linh động. 

 

Đây cũng là động lực lớn để thầy giáo Thân Trọng Sơn bước sang lĩnh vực dịch thuật một cách đam mê, thưa anh?

 

Tôi tập dịch bài để đăng đặc san thời đi học trung học và đại học. Thập niên 90 của thế kỷ trước, tôi chủ yếu dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp. Làm việc này, tôi có chủ đích: Tôi không dịch cho bạn đọc người Việt biết tiếng Pháp, đọc vì tò mò, đọc chơi cho biết; nếu thích, họ đọc ngay nguyên bản tiếng Việt, hà cớ gì phải đọc vòng qua bản dịch. Tôi dịch thơ Việt sang tiếng Pháp cốt để những người Pháp và người nói tiếng Pháp (francophones) yêu thơ Việt mà không biết tiếng Việt có cơ hội đọc hiểu được. Tôi dịch sách về văn hóa, lịch sử triều Nguyễn. Sau đó, tôi chuyên dịch từ tiếng Anh, tiếng Pháp ra tiếng Việt. Dịch thơ và dịch văn xuôi, chủ yếu là truyện ngắn.

  






Theo tôi biết, đến nay dịch giả Thân Trọng Sơn đã có hàng trăm tác phẩm thơ, truyện ngắn của các nhà văn, nhà thơ, cả rất nổi tiếng, được giải Nobel và cả những tác giả còn khá xa lạ với bạn đọc Việt Nam. Cùng đó là những bài viết, đặc biệt trước mỗi tác giả hay tập sách, anh có bài giới thiệu rất công phu về tác giả và tác phẩm, như là một chuyên luận, càng dễ cho độc giả khi tiếp cận tác phẩm dịch. Độc giả Nguyễn Âu Hồng có nhận xét: “Chữ nghĩa trong các bản dịch của Thân Trọng Sơn mới mẻ, tươi nguyên và như của riêng ông. Đọc tác phẩm của các tác giả cổ điển, qua bản dịch của Thân Trọng Sơn, ta có cảm giác như ông đang giới thiệu một tài năng mới, kiệt xuất, nhưng còn ẩn danh của Việt Nam”. Còn nhà văn, nhà giáo Nguyễn Văn Uông từng nhận xét “không phân biệt được thơ dịch” của Thân Trọng Sơn. Anh có thể chia sẻ điều này?

 

Tôi dịch thơ vì có người nói thơ là thứ không thể dịch. Tôi cố gắng dịch thơ phải bằng thơ. Chọn từ để vừa sát nghĩa vừa đạt được đặc trưng của thi ca. 

 

Nghĩa là cùng lúc vốn ngoại ngữ và tiếng Việt đều phong phú và cảm thụ cao mới trở thành một bài thơ dịch đạt được chỉnh thể hoàn hảo. Đó là đóng góp không nhỏ của dịch giả Thân Trọng Sơn đem đến bạn đọc Việt Nam những áng thơ, văn xuất sắc của nhiều tác giả từ hàng chục quốc gia của cả 5 châu lục. Xin trân trọng cảm ơn năng lượng lao động sáng tạo của nhà giáo, dịch giả Thân Trọng Sơn! Trước khi dừng cuộc trò chuyện này, anh muốn gửi gắm và tâm tư gì thưa anh?

 

Hiện nay, hàng ngày tôi đều đọc và dịch, đọc nhiều thứ rồi mới dịch. Một thứ thể dục trí tuệ, vì nay cũng có tí tuổi rồi. Để đến với bạn đọc, người sáng tác đi đường thẳng, người dịch thuật đi đường vòng. Trên chiếu văn, người ta xếp anh này khép nép bên rìa, tội nghiệp ha! Tôi có nuối tiếc là, ở Đà Lạt dấu ấn nền văn minh Pháp còn rõ rệt; lại là điểm du lịch rất nổi tiếng, nhưng tiếng Pháp không được phát triển mạnh mẽ như mong muốn…

 

MINH ĐẠO (thực hiện)

,



 


Aucun commentaire: