Truyện ngắn
Katherine Mansfield
Nhà văn New Zealand
(1888-1923)
Kathleen Mansfield Beauchamp sinh tại Wellington, New Zealand ngày 14.10. 1888, và nổi tiếng với bút danh Katherine Mansfield khi viết truyện ngắn. Tuy cuộc đời quá ngắn ngủi ( mất năm 1923 vì bệnh lao ) bà vẫn kịp để lại những tuyển tập trứ danh. Năng khiếu văn chương của bà đã bộc lộ từ thời còn học trung học.
Những truyện ngắn đầu tiên của bà xuất hiện trên các tạp chí học đường từ 1898 và 1899. Năm sau, bà in truyện “ Cô bạn nhỏ của chàng” ( His Little Friend ) trong tờ New Zealand Graphic and Ladies Journal.
Cùng với các chị em, bà được gởi sang nước Anh học tập gần 4 năm rồi trở về quê hương. Nhưng bà lại muốn quay sang Anh trở lại vì đã bị đời sống văn hoá nơi này chinh phục rồi. Ý muốn này được thân phụ chấp thuận, năm 1908, bà lại sang Anh và không bao giờ trở về New Zealand nữa. Tại xứ sở sương mù, Katherine bắt đầu cuộc sống tự do, phóng khoáng. Bà gặp và lui tới với một người, có thai với người ấy nhưng lại kết hôn với người khác. Bà phá thai và hệ luỵ từ cuộc giải phẫu ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ về sau.
Năm 1911, ở tuổi 23, bà gặp John Middleton Murry, chủ biên một tạp chí văn học. Bà dành hết khoản tiền gia đình cung cấp để đầu tư cho tạp chí. Cả hai cộng tác thực hiện nhiều dự án văn chương, giúp bà thâm nhập văn đàn Luân Đôn. Bà kết thân với nhà văn D.H. Lawrence ( tác giả của Sons and Lovers, Con trai và Người tình ) cả hai trở thành đôi bạn lớn cho đến cuối đời. Thời gian này Katherine di chuyển qua lại giữa Luân Đôn và Paris , rồi cả Bỉ và Đức.
Bà được chẩn đoán đã mắc bệnh lao. Như để chạy đua với thời gian, bà sáng tác không ngừng, cho ra đời liên tiếp nhiều tuyển tập truyện ngắn, ấn phẩm đầu tiên là “ In a German Pension ( 1911 ), và tiếp theo là Bliss ( Hạnh phúc ), The Garden Party ( Bữa tiệc trong vườn ), được bạn đọc tán thưởng. Bà không muốn vào dưỡng đường điều trị vì ngại mất cảm hứng sáng tác mà chọn một khách sạn vắng vẻ, ở Bandon, Pháp. Ở đây bà tiếp tục viết. Đây là thời gian bà sáng tác truyên “Tôi không nói tiếng Pháp “( Je ne parle pas français ) - nhan đề tiếng Pháp.
Bà qua đời tại Pháp năm 1923, trong sự luyến tiếc một văn tài vắn số, an táng tại Nghĩa Trang Avon, gần Fontainebleau.
Hiện nay, nhiều trường trung học tại New Zealand có nhà tưởng niệm mang tên bà. Trường Karori ở Wellington còn dựng tượng bà trong sân trường với biển ghi lại thời gian bà theo học ở trường và tóm tắt các tác phẩm. Và ngay trên đất Pháp, thành phố Menton, nơi bà có thời gian sống và sáng tác, có một con đường mang tên bà.
Nhà văn Katherine Mansfield (1888 - 1923)
Rosemary Fell thực ra không đẹp. Vâng, không nên nói cô ấy đẹp. Hay là xinh? Nếu bạn soi kỹ cô ta từng chi tiết một... Mà sao lại nỡ lòng làm việc đó nhỉ? Nàng trông trẻ trung, sắc sảo, rất tân tiến, ăn mặc hợp thời trang, am tường một cách đáng kinh ngạc những gì mới nhất trong các ấn phẩm mới nhất, và những bữa tiệc nàng khoản đãi là tập hợp thú vị những người thực sự quan trọng, ... cả giới nghệ sĩ nữa, những sinh vật dị thường chính nàng phát hiện ra, có người ăn nói rất chi là đáng ngại, nhưng những người khác thật thanh nhã và vui tính.
Rosemary lập gia đình đã hai năm, sinh được một bé trai kháu khỉnh. Không, chẳng phải Peter mà cũng chẳng phải Michael. Chồng nàng cưng chiều nàng hết mực. Vợ chồng giàu có, thực sự giàu có, không phải loại nhà giàu hợm hĩnh, đáng ghét, kiểu con ông cháu cha. Mỗi lần Rosemary muốn mua sắm, nàng chỉ việc chạy thẳng sang Paris giống như mọi người đi tới đường Bond (1) vậy. Còn nếu muốn mua hoa, xe sẽ đưa nàng đến một cửa hiệu sang trọng trên Đường Regent (2). Tại đây, nàng tha hồ nhìn ngắm ra vẻ xa xăm mà rạng rỡ, rồi bảo: “ Tôi chọn thứ này, thứ này và thứ này nữa. Cho tôi bốn bó hoa này. Và bình hoa hồng kia nữa. Vâng, lấy hết hồng trong bình cho tôi. Ồ không, đừng lấy tử đinh hương. Tôi không thích loại này. Chẳng ra hình thù gì cả “. Người quản lý cửa hàng cúi đầu, cất hoa tử đinh hương đi, như thể việc thiếu vóc dáng thảm hại của tử đinh hương là sự thật hiển nhiên. “ Cho tôi thêm những đoá uất kim hương nhỏ nhắn xinh xắn kia nữa. Loại hoa đỏ và hoa trắng đấy”! Thế là cô gái bán hàng mảnh khảnh loạng choạng ôm cả đống giấy khổng lồ bọc hoa theo chân nàng ra tận xe.
Một buổi chiều mùa đông, nàng đang chọn mua một món hàng tại một cửa hiệu đồ cổ nhỏ trên đường Curzon (3). Nàng rất thích cửa hiệu này. Có thứ hàng ai đã thích rồi thì cố mua cho được. Người quản lý cửa hàng tỏ ra đặc biệt ưa thích phục vụ nàng. Thấy nàng đến là ông tươi cười vồn vã. Ông chập hai bàn tay vào nhau, vui mừng đến mức không nói thành lời được. Cái kiểu tâng bốc xu nịnh đấy mà. Dẫu sao, hôm nay ông cũng có thứ muốn giới thiệu với khách.
“ Bà biết đấy, thưa bà,” giọng ông nhỏ nhẹ, vẻ cung kính. Tôi rất quý những món hàng của tôi. Thà tôi cứ giữ chúng lại đây còn hơn bán cho những người không am hiểu giá trị của chúng, và đó là điều rất hiếm...” Rồi, hít vào thật sâu, ông lần mở tấm khăn vuông nhung nhỏ xíu màu xanh biếc rồi lấy đầu ngón tay xanh xao khẽ đặt lên quầy hàng mặt kính. Món hàng hôm nay là chiếc hộp nhỏ đó. Ông đã giữ nó lâu nay dành cho nàng. Ông chưa hề giới thiệu với ai khác. Một chiếc hộp nhỏ bằng sứ tinh xảo với lớp men tráng mịn tưởng chừng như nó được nung trong kem. Trên nắp hộp một sinh vật tí hon đứng dưới tán cây trổ hoa, và một sinh vật nhỏ hơn đang vòng tay bá cổ nó. Chiếc nón của cô, không lớn hơn cánh hoa phong lữ, treo trên cành buộc mấy dãi nơ màu xanh lục. Rosemary tháo găng tay ra, nàng thường làm vậy khi xem món hàng kiểu này. Nàng thấy thích lắm. Mê nữa là khác, đúng là báu vật. Nàng phải mua cho được. Nàng xoay chiếc hộp mịn màng, mở nắp ra rồi đóng nắp lại, nàng không thể cưỡng lại không để ý bàn tay xinh xắn của mình sao mà duyên dáng trên nền nhung xanh biếc này. Người chủ cửa hàng, trong tận cõi suy tưởng, có vẻ như cũng cùng ý nghĩ như vậy. Ông cầm bút chì, cúi rạp trên quầy hàng, và những ngón tay gầy ốm xanh xao rón rén trườn dần đến cạnh những ngón hồng mỹ miều kia, khẽ thầm thì: “ Cho phép tôi chỉ cho bà thấy những bông hoa nhỏ trên vạt áo người thiếu nữ kia.” Rosemary ngắm nghía những bông hoa:” Tuyệt đẹp!”. Nhưng giá cả thế nào nhỉ? Người quản lý cửa hàng ban đầu làm như không nghe thấy gì rồi đáp rất khẽ:” Hai mươi tám đồng ghi-nê, (4) thưa bà!”
Hai mươi tám đồng ghi- nê. Rosemary chẳng biểu lộ gì. Nàng đặt chiếc hộp xuống chỗ cũ và đeo găng tay vào. Hai mươi tám đồng ghi-nê. Thậm chí nếu bạn là người dư dả thì .. Rosemary có vẻ bối rối. Nàng đưa mắt nhìn sững cái ấm đun trà bầu bĩnh như một con gà mái được trưng bày phía bên trên người đàn ông bán hàng rồi hững hờ nói:” Được rồi! Làm ơn giữ nó cho tôi nhé! Tôi sẽ...”.
Người quản lý cửa hàng đã cúi khom người như thể giữ món hàng cho nàng là tất cả những gì trên đời mà bất kỳ người nào có thể yêu cầu. Ông sẽ sẵn lòng, đương nhiên rồi, giữ nó vĩnh viễn cho Rosemary. Cánh cửa kín đáo khép lại với âm thanh khô khốc. Nàng bước ra ngoài trên bậc tam cấp và ngắm nhìn cảnh buổi chiều mùa đông. Trời đang mưa, và với cơn mưa hầu như bóng tối cũng đến theo, quay cuồng như tro bụi. Trong không khí có vị lạnh buốt, và những ngọn đèn đường mới bật trông thật buồn bã. Hiu hắt những ánh đèn trong những căn nhà đối diện, chiếu tù mù như thể đang nuối tiếc điều gì. Vài khách bộ hành hối hả rảo bước dưới những chiếc dù đáng ghét. Bỗng nhiên Rosemary cảm thấy một nỗi buồn lạ kỳ . Nàng ép nhẹ đôi găng tay vào ngực, ước chi nàng sở hữu được chiếc hộp xinh xắn kia. Nhưng xe của nàng đang chờ sẵn kia rồi. Nàng chỉ cần băng qua đường. Thế mà nàng vẫn cứ chần chừ. Trong đời có những lúc , những giờ khắc khủng khiếp, ta muốn thoát khỏi nơi trú ẩn và nhìn ra ngoài, và thật là khốc liệt. Người ta không thể nhượng bộ được. Phải về nhà ngồi nhâm nhi tách trà tuyệt hảo. Lúc nàng đang suy tư như thế thì một thiếu nữ gầy guộc, ảm đạm, mờ nhạt - cô ấy từ đâu tới? - đang đứng kề bên và thủ thỉ vào tai nàng bằng một giọng nghẹn ngào, thổn thức: “ Bà cho phép tôi hầu chuyện một lát, được không ạ, thưa bà!”
“ Nói chuyện với tôi ư? Rosemary quay lại. Nàng nhìn thấy một hình hài tơi tả với đôi mắt to tròn, trông còn trẻ lắm, không hơn tuổi nàng, đôi bàn tay ửng đỏ níu cổ áo choàng, và run rẩy , rõ là vừa mới dầm mưa. Cô gái lắp bắp: “ Vâng, thưa bà, xin bà giúp cho tôi ít tiền chỉ để uống một tách trà thôi.”
“ Chỉ một tách trà?” Giọng cô gái giản dị, chân thành, ít nhất nó không phải là giọng một người hành khất. Rosemary hỏi, Cô không có tiền thật ư? “ Thật tình là không có, thưa bà,” Ồ, lạ nhỉ! Rosemary hé mắt nhìn cô gái trong bóng đêm, cô gái cũng chăm chăm nhìn lại nàng. Thật là chuyện ly kỳ! Bỗng nhiên Rosemary cảm thấy như đang ở trong trạng thái phiêu lưu, giống như trong tiểu thuyết của Dostoevsky, cái chuyện gặp gỡ tình cờ trong đêm như thế này. Giả dụ giờ đây nàng đưa cô gái về nhà? Giả dụ nàng thực hiện một trong những điều nàng vẫn thường đọc trong truyện hay xem trên sân khấu thì chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ? Chắc sẽ thú vị lắm đây. Nàng thấy như nghe chính nàng sau này nói với bạn bè trố mắt ngạc nhiên: Tôi đưa cô ấy về nhà đấy! khi nàng bước tới và nói với cái bóng mờ bên cạnh: “Cô đi với tôi, về nhà tôi uống trà! “
Cô gái sửng sốt bước giật lùi. Thậm chí cô tạm ngừng run rẩy trong chốc lát. Rosemary đưa tay nắm lấy cánh tay cô, mỉm cười độ lượng. Và nàng cảm thấy nụ cười của nàng sao mà đơn giản và độ lượng.” Tôi mời cô mà, đừng ngại. Lên xe tôi cùng về nhà uống trà với tôi. - Bà... bà không định nói như thế chứ? Cô gái nói, có chút gì đau đớn trong chất giọng.
Rosemary kêu lên: Tôi nói thật lòng mà. Tôi muốn cô ưng thuận. Cho vừa lòng tôi. Nào, hãy về cùng tôi. Cô gái đặt mấy ngón tay lên môi và đưa mắt nhìn Rosemary, ấp úng: “ Bà không ... bà không định giao nộp tôi cho cảnh sát chứ?”
Rosemary bật cười:” Cảnh sát ư? Sao tôi lại tàn ác như thế? Không đâu, tôi chỉ muốn cô được sưởi ấm rồi nghe cô tâm sự với tôi điều gì đó thôi. “
Cơn đói khiến người ta dễ bị thuyết phục. Người lái xe mở cửa và cả hai nhanh chóng lướt đi trong màn đêm.
“Xong!” Rosemary nói. Nàng có cảm giác thuyết phục khi luồn tay vào chiếc quai nhung. Nàng cũng có thể nói: “Bây giờ tôi đã có được cô” khi nàng ngắm nhìn tù nhân bé nhỏ của nàng. Nhưng dĩ nhiên nàng có hảo ý. Ồ, còn hơn hảo ý nữa chứ. Nàng muốn cô ta hiểu rằng việc tử tế có thật trên đời này, rằng những bà tiên hiền là có thật, rằng người giàu cũng có từ tâm, và phụ nữ là chị em với nhau hết. Nàng quay sang bảo cô gái: Cô đừng sợ. Sao cô không dám về với tôi. Chúng ta đều là phụ nữ cả. Nếu tôi khá giả hơn một tí, cô có thể hy vọng rằng...”
Nàng không biết phải kết thúc câu nói thế nào thì chiếc xe đã dừng lại. Nghe tiếng chuông bấm, cửa mở, và nàng ân cần, thái độ che chở, thân thiết, đưa cô gái vào tiền sảnh. Hơi ấm, sự êm đềm, ánh sáng, hương thơm, tất cả những thứ quá quen thuộc với nàng mà nàng chẳng hề nghĩ đến, nàng quan sát khi người kia tiếp nhận. Thật là kỳ diệu. Cô như cô bé nhà giàu trong phòng chơi với những ngăn tủ để mở, những chiếc hộp để tháo ra xem.
“ Đi, đi lên lầu,” Rosemary nói, háo hức muốn tỏ ra hào phóng. “ Lên phòng tôi.” Và, ngoài ra, nàng muốn tránh cho bạn nhỏ đáng thương này khỏi bị những người hầu nhìn xoi mói, nàng quyết định là khi bước lên thang lầu nàng sẽ không gọi Jeanne, mà sẽ tự mình cởi bỏ trang phục. Điều cốt yếu là cứ tự nhiên.
Và “ Đấy! “ Rosemary kêu lên lần nữa khi họ đến cửa phòng ngủ lớn và đẹp với những tấm rèm buông, ánh lửa chập chờn trên mặt bàn ghế láng bóng, trên những chiếc gối màu hoàng kim và những tấm thảm vàng nhạt và xanh biếc.
Cô gái đứng lại ngay bên trong cánh cửa, có vẻ ngập ngừng. Nhưng Rosemary không bận tâm điều đó.
“ Hãy lại đây và ngồi xuống đi!” nàng gọi và lôi chiếc ghế lớn đến bên lò sưởi, “ ngồi xuống trong chiếc ghế thoải mái này. Hãy sưởi ấm đi. Cô có vẻ rét cóng rồi kìa! “
“ Tôi không dám đâu, thưa bà.” cô gái nói, rụt rè thụt lùi.
“ Ô hay, Rosemary chạy tới - Đừng, cô đừng sợ hãi thế. Ngồi xuống đi, tôi thay áo xong sẽ cùng cô qua phòng bên thưởng trà và nghỉ ngơi. Sao cô e ngại? “ Và nàng nhẹ nhàng đẩy thân hình mảnh khảnh kia vào lòng chiếc ghế sâu.
Nhưng không có tiếng trả lời. Cô gái ngồi yên chỗ đã được đặt cho ngồi, hai bàn tay để lên hông, miệng hé mở. Thật tình, cô trông hơi ngớ ngẩn. Song Rosemary chẳng lấy làm điều. Nàng nghiêng qua cô và bảo: “ Sao cô không cởi nón? Mái tóc đẹp của cô ướt hết rồi. Và không đội nón sẽ dễ chịu hơn nhiều, phải không? “
Có tiếng thì thầm nghe như “ Vâng, thưa bà!” và chiếc nón nhàu nhĩ được gỡ ra.
“ Và để tôi giúp cô cởi áo choàng luôn thể, Rosemary nói.
Cô gái đứng dậy. Nhưng cô bám một tay vào thành ghế và để mặc Rosemary lôi kéo. Quả là một thử thách. Người kia chẳng mảy may phụ giúp. Cô dường như nghiêng ngả tựa trẻ nhỏ, và Rosemary chợt nghĩ rằng nếu muốn được giúp đỡ người ta cũng nên hưởng ứng một chút, chỉ chút ít thôi cũng được, bằng không mọi việc sẽ quá nhiêu khê. Và nàng sẽ làm gì với chiếc áo khoác bây giờ đây? Nàng thả nó xuống sàn, cùng với chiếc nón nữa. Nàng định lấy điếu thuốc từ trên kệ lò sưởi thì cô gái nói nhanh, nhưng rất khẽ và lạ: “ Tôi xin lỗi, thưa bà, tôi sắp xỉu đến nơi rồi. Tôi sẽ xỉu ngay đây nếu không có thứ gì vào bụng.”
“ Trời ơi! Sao tôi vô ý thế! “ Rosemary vội đến rung chuông. “ Trà! Dọn trà ngay. Và rượu nữa, dọn nhanh lên.”
Người giúp việc đã quay đi nhưng cô gái gần như nức nở. “ Không, tôi không cần rượu. Tôi chẳng bao giờ uống rượu. Chỉ xin một tách trà thôi, thưa bà.” Và cô bật khóc.
Đấy là một khoảnh khắc khốc liệt và mê hoặc. Rosemary quỳ bên cạnh chiếc ghế của nàng.
“ Đừng khóc, cô nhỏ tội nghiệp, nàng nói. Đừng khóc.” Và nàng đưa người kia chiếc khăn tay thêu ren của nàng. Nàng quá xúc động không nói nên lời. Nàng quàng tay ôm lấy đôi vai gầy như cánh chim kia.
Bây giờ rốt cuộc người kia không còn rụt rè nữa, quên hết mọi sự, ngoại trừ họ cũng là phụ nữ với nhau, và thốt lên:” Tôi không thể tiếp tục như thế này nữa. Tôi không chịu đựng nổi. Tôi phải tự kết liễu đời mình. Tôi hết sức chịu đựng rồi.”
“ Cô không phải làm vậy. Tôi sẽ chăm sóc cô. Đừng khóc nữa. Cô không thấy việc gặp tôi là cơ duyên tốt lành sao? Chúng ta sẽ uống trà và cô sẽ kể cho tôi nghe tất cả. Và tôi sẽ thu xếp. Tôi hứa.Thôi đừng khóc nữa. Mệt mỏi lắm. Tôi xin cô.”
Người kia ngừng khóc vừa đúng lúc Rosemary đứng dậy trước khi bữa tiệc trà được bày ra. Nàng cho kê chiếc bàn giữa hai người. Nàng tiếp người khách khốn khổ với đủ mọi thứ, đủ các loại bánh kẹp, bánh mì và bơ, và mỗi lần tách của cô vừa cạn nàng đã rót đầy vào, và thêm kem với đường. Người ta vẫn bảo đường rất bổ dưỡng. Riêng nàng không ăn, nàng hút thuốc và kín đáo ngó lơ để tránh cho người kia khỏi ngượng ngùng.
Và quả thực, hiệu quả bữa ăn nhẹ đó thật tuyệt diệu. Khi bàn trà được dọn đi thì một sinh linh mới, một con người mong manh, yếu đuối, với tóc rối, môi thâm, mắt sáng, ngả người trong lòng ghế rộng, dáng vẻ lơ đãng dịu dàng, mơ màng nhìn ánh lửa hồng trong lò sưởi. Rosemary châm một điếu thuốc mới; đã đến lúc khơi mào.
Nàng nhẹ nhàng hỏi:” Lần cuối cùng cô được ăn là lúc nào vậy?”
Nhưng ngay lúc ấy tay nắm cửa xoay.
Rosemary, anh vào được không? Đó là Philip.
Được chứ.
Chàng bước vào. “ Ồ, anh xin lỗi”. chàng nói, và dừng lại trố mắt nhìn.
“ Không sao đâu,“ Rosemary mỉm cười nói, “đây là bạn em, cô .... “
“ Smith, thưa bà, “ thân hình lừ thừ nói, giờ này không cử động, không rụt rè nữa.
“ Smith, “ Rosemary nói, “ chúng em sắp sửa chuyện trò chút đỉnh thôi mà. “
“ À ra thế. Philip nói. “ Được rồi, và mắt chàng nhác thấy áo choàng và chiếc nón trên sàn nhà. Chàng tiến gần đến lò sưởi và đứng quay lưng với nó. “ Chiều nay trời xấu thê thảm,” chàng nói dò hỏi, mắt không hề rời cái thân hình uể oải kia, nhìn đôi tay và giày ống, rồi nhìn Rosemary lần nữa.
“ Vâng, phải thế không anh? “Rosemary nói một cách sốt sắng. “ Thật tồi tệ!”
Philip nhoẻn nụ cười duyên dáng. “ Thực ra, chàng nói, anh muốn em qua phòng đọc sách một lát. Được không? Cô Smith cảm phiền nhé ".
Đôi mắt to nhướng lên phía chàng, Rosemary đã đỡ lời: “ Đương nhiên cô ấy sẽ không phiền.” Và họ cùng rời khỏi phòng.
“ Này em, Philip nói ngay khi họ ở riêng trong phòng. Hãy giải thích đi. Cô ấy là ai ? Chuyện này là thế nào?”
Rosemary cười ngất, tựa vào cửa nói “ Em nhặt được cô ta trên đường Curzon. Thật đấy, cô ấy là của rơi. Cô xin em tiền cho một tách trà, và em đưa cô về nhà.”
“ Nhưng em sẽ làm quái gì với cô ta”, Philip nói lớn.
“ Tử tế với cô ấy.” Rosemary nói vội. Đối xử tử tế với cô ấy. Chăm sóc cô ấy. Em không biết sẽ làm sao. Chưa bàn tới chuyện này. Nhưng để cô ta thấy ... tiếp đãi cô ấy... để cô ấy cảm thấy... “
“ Cưng của anh ơi,” Philip nói, “ Em điên quá đi mất, em biết không. Đơn giản không thể làm vậy được.”
“ Em biết anh sẽ nói như thế, “ Rosemary đáp lại. “ Tại sao không? Em muốn vậy mà. Như thế chả là lý do sao? Hơn nữa, những chuyện ấy mình vẫn đọc nhan nhãn. Em định... “
“ Nhưng, “ Philip chậm rải nói, chàng xén đầu điếu xì gà, “ và cô ấy xinh mê hồn!”
“ Xinh ư?” Rosemary quá ngạc nhiên đến độ nàng thẹn đỏ mặt. “Anh nghĩ vậy sao? Em chưa hề nghĩ đến điều đó".
“ Trời ạ, “ Philip quẹt cây diêm, “ Cô ấy xinh tuyệt trần. Hãy nhìn lại đi, cưng ạ. Anh đã choáng váng khi anh vào phòng em lúc nãy. Tuy nhiên... Anh nghĩ là em đang vấp phải lỗi tày đình đó. Nói em đừng giận, em yêu, nếu anh có khiếm nhã hay đại khái thế... Nhưng liệu cô ta có đi ăn tối với chúng mình, để anh còn kịp xem báo Milliner Gazette .”
“ Anh quái đản! “Rosemary nói, và nàng ra khỏi phòng đọc sách, nhưng không quay lại phòng ngủ. Nàng vào thư phòng của mình và ngồi xuống cạnh bàn viết. Xinh! Xinh tuyệt trần! Choáng váng! Tim nàng đập thình thịch. Xinh! Xinh tuyệt trần! Nàng kéo cuốn ngân phiếu về phía mình. Mà không, ngân phiếu chẳng ích gì trong tình huống này. Nàng mở ngăn kéo, và lấy ra năm tờ giấy bạc, nhìn chúng, bỏ lại hai tờ, rồi vò chặt trong tay ba tờ, trở về phòng ngủ.
Nửa tiếng đồng hồ sau, Philip vẫn còn ngồi trong phòng đọc sách khi Rosemary bước vào.
“ Em chỉ muốn báo cho anh biết rằng,” nàng nói, tựa vào cánh cửa phòng một lần nữa và nhìn chàng với ánh mắt quyến rũ kỳ ảo, “ cô Smith sẽ không dùng bữa với chúng mình tối nay.”
Philip đặt tờ báo xuống. “ Sao thế? Bận hẹn trước rồi à?”
Rosemary lại gần và ngồi trên đầu gối chàng. “ Cô ấy khăng khăng đòi đi. “, nàng nói, “ nên em cho người khốn khổ ấy một ít tiền làm quà. Em chẳng nên giữ cô ta lại trái ý cô, phải không? “ Nàng khẽ nói thêm.
Rosemary mới vừa sửa soạn mái tóc, tô nhẹ quầng mắt, và đeo chuỗi hạt ngọc. Nàng nâng đôi bàn tay khẽ chạm vào má Phillip.
“ Anh có thích em không?” nàng nói, và giọng nói của nàng, khàn khàn, ngọt ngào, khiến chàng rung động.
“ Anh thích em lắm lắm,” chàng nói, và ôm nàng siết chặt hơn. “ Hôn anh đi!”
Có một khoảnh khắc ngưng đọng.
Chợt Rosemary cất giọng mơ màng. “ Hôm nay em thấy một chiếc hộp tuyệt vời. Nó giá hai mươi tám ghi- nê. Anh cho em nhé!”
Phillip đẩy nhẹ nàng trên đầu gối. “ Em sẽ có, em yêu xài hoang ạ”
Nhưng thật ra đó không phải điều Rosemary muốn nói.
“ Phillip, “ nàng thì thầm, và nàng ghì đầu chàng vào ngực mình, “ em có xinh không? “
________________
(1) (2) (3) Tên những con đường khu mua sắm đắt tiền ở Luân Đôn.
(4) Đơn vị tiền tệ cũ, trị giá 21 shilling.
THÂN TRỌNG SƠN
Dịch từ nguyên bản tiếng Anh ( A cup of tea )
Tháng 9.2020
Tháng 9.2020
Nguồn
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire