samedi 26 septembre 2020

HỘI CHỢ NEUILLY



Truyện ngắn

ANDRÉ MAUROIS

Nhà văn Pháp

(1885-1967).





Tên thật là  Émile Salomon Wilhelm Herzog, lấy bút danh André Maurois khi viết tác phẩm đầu tiên: " Sự im lặng của đại tá Bramble "( Les Silences du colonel Bramble ) năm 1918. Bút danh này trở thành tên chính thức của ông kể từ năm 1947 bằng một nghị định của Tổng thống Pháp. Ông được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp ( Académie française ) năm 1938. 


André Maurois để lại hơn 100 tác phẩm thuộc đủ mọi thể loại: Nhiều tiểu thuyết tâm lý ( Bernard Quesnay, Climats – có người dịch là Tâm cảnh -, Terre promise – Đất hứa – Les Roses de septembre – Những đóa hồng tháng chín -) có cuốn gần với truyện vừa và truyện ngắn, có khi có hơi hướng truyện giả tưởng ( Le peseur d’âmes – Người cân linh hồn -, La machine à lire les pensées – Máy đọc tư tưởng - . Có những tác phẩm nghiên cứu, khảo luận ( Un art de vivre – Một nghệ thuật sống -, Sept visages de l’amour – Bảy khuôn mặt tình yêu – Au commencement était l’action – Khởi đầu là hành động…) Ông còn là nhà viết sử với các cuốn Histoire de l’Angleterre ( Lịch sử nước Anh ), Histoire des Etats-Unis ( Lịch sử Hoa Kỳ ), Histoire de France ( Lịch sử nước Pháp ). Ông nổi tiếng nhất với một loạt tác phẩm viết tiểu sử các văn nghệ sĩ ( Shelley, Byron, Victor Hugo, George Sand, Balzac, Tourgueniev, Voltaire, Chateaubriand, Marcel Proust ), các chính trị gia ( Disraeli, Lyautey ), và cả nhà khoa học ( Alexandre Flemming )… 


Độc giả Việt Nam đã biết đến Ông với bản dịch ( của Nguyễn Hiến Lê ) các tác phẩm “Thư gởi người đàn bà không quen biết” ( Lettre à une inconnue ) và nhất là “Thư ngỏ gửi tuổi đôi mươi” ( Lettre ouverte à un jeune homme sur la conduite de la vie ), là tác phẩm Ông viết ở tuổi 80, trong đó ông giải đáp mọi thắc mắc của thanh niên về nhiều vấn đề: quan niệm sống, tu dưỡng, hôn nhân, việc làm, viết văn, tiêu khiển, tình yêu, tín ngưỡng…

Ông cũng chính là người đã dịch bài thơ IF nổi tiếng của Rudyard Kipling ra tiếng Pháp với nhan đề Tu seras un homme, mon fils.


Truyện ngắn của André Maurois là một bộ phận có vị trí quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Ông. Đó là những tác phẩm văn chương có giá trị, mang đầy đủ, trọn vẹn tính đa dạng và phong cách, khuynh hướng của nhà văn. André Maurois thường đơn giản hoá những vấn đề éo le, phức tạp, được kể với giọng văn giản dị, tự nhiên. Kiểu kết thúc câu truyện cũng rất độc đáo với một tình huống bất ngờ, thường trái với sự chờ đợi của người đọc.


Một số truyện nổi tiếng của Ông là Người tù trở về ( Le retour du prisonnier ), Hoa violet ngày thứ tư ( Les violettes du mercredi ) rất được tán thưởng.




Bonnivet hơn tôi khoảng năm, sáu tuổi gì đó, Maufras nói, nhưng con đường sự nghiệp của ông ta chói lọi và nhanh chóng đến nỗi lúc nào tôi cũng xem ông như  ông chủ hơn là bạn. Tôi chịu ơn ông nhiều lắm. Chính ông đã gọi tôi đến làm việc tại văn phòng của ông lúc ông lên làm bộ trưởng Bộ Công chánh, rồi, khi bộ này giải thể,  cũng chính ông ta đã khéo léo “ xếp “ tôi vào Toà Thị chính.


Khi trở lại chính quyền, ông nắm Bộ Thuộc Địa, lúc này tôi đang có một nhiệm sở dễ chịu ở Paris nên xin ông cứ để tôi yên ở lại đó. Quan hệ giữa hai chúng tôi vẫn thân thiết và hai gia đình vẫn thường mời nhau đến nhà ăn cơm.Bà Nelly Bonnivet là một phụ nữ trạc tứ tuần, còn xinh đẹp, được chồng cưng chiều, tỏ ra là một phu nhân bộ trưởng hoàn hảo. Còn tôi cũng đã lập gia đình mười năm rồi và sống hạnh phúc với Madeleine.


Vào đầu tháng sáu, vợ chồng Bonnivet mời chúng tôi ăn tối tại một nhà hàng trong “ Rừng “ (2). Chúng tôi có sáu người, buổi tối thật vui vẻ, đến nửa đêm vẫn chưa muốn chia tay. Bonnivet, người đã lâng lâng, ngỏ ý muốn đi Hội chợ Neuilly. Khi còn nắm quyền, ông thích đóng vai quốc trưởng Haroun- al - Raschid (3) để được nghe mọi người trầm trồ khi ông ấy đi qua : “ Kìa, ngài Bonnivet đấy! “


Ba cặp vợ chồng đã quá xuân cố tìm mà không ra cái hương vị trẻ trung trong những trò chơi con trẻ, thật ra chẳng vui vẻ gì. Chúng tôi chơi nhiều trò xổ số và trúng giải những chiếc bánh, những con thuyền bằng thuỷ tinh và những con vật nặn từ bột mì. Ba người đàn ông đã bắn trúng những con tàu quay, những vỏ trứng trôi lờ đờ trên mặt nước. Sau đó chúng tôi đi tới chỗ chiếc tàu hoả chạy vòng tròn, có lúc lộ ra ngoài trời, có lúc chui vào trong tấm bạt như chui vào đường hầm. Nelly Bonnivet đề nghị lên tàu chơi. Madeleine có vẻ như thấy trò chơi chẳng hào hứng gì và những chiếc đệm ghế không mấy sạch sẽ, nhưng không muốn mọi người mất vui, thế là chúng tôi đến mua vé. Trong lúc chen chúc để lên tàu, nhóm chúng tôi bị cắt làm hai. Chỉ có mình tôi cùng toa với Nelly Bonnivet.


Chiếc tàu nhỏ quay rất nhanh và vòng quay thiết kế làm sao mà hành khách trên toa cứ ngã nhào vào nhau. Ngay khúc cua đầu tiên, bà Bonnivet đã suýt ngã vào lòng tôi. Đúng vào lúc này, tấm bạt đã dìm chúng tôi vào bóng tối và tôi hoàn toàn không thể giải thích với anh chuyện gì đã xảy ra trong vài giây sau đó. Đôi khi người ta có những hành động mà ý thức không kiểm soát được. Tôi chỉ có thể nói được rằng Nelly gần như nằm dài trên đùi tôi và tôi đã vuốt ve bà ấy như một anh lính mới hai mươi vuốt ve cô gái mà anh đã dẫn đi hội chợ. Vẫn không ý thức được mình đang làm gì, tôi tìm đôi môi bà ấy, và không bị cưỡng lại, hai đôi môi gặp nhau, nhằm lúc con tàu chui ra vùng ánh sáng. Như có sự thoả hiệp, chúng tôi vội buông nhau ra ngay và nhìn nhau, choáng váng, sững sờ.


Tôi còn nhớ là lúc đó tôi đã cố tìm hiểu xem khuôn mặt bà Nelly Bonnivet biểu lộ điều gì. Bà vuốt lại mái tóc, chăm chú nhìn tôi không nói gì. Cái giây phút ngượng ngùng đó trôi qua nhanh thôi. Tàu dừng lại, chúng tôi gặp lại trên sân Bonnivet, Madeleine, và hai người cùng đi kia.


  • Trò chơi này quá trẻ con đối với chúng ta, Bonnivet mệt mỏi nói, thôi đã đến giờ chúng ta về đi ngủ.

Madeleine tán thành và chúng tôi quay lại Cửa Maillot (4) và từ biệt nhau. Khi hôn tay bà Nelly, tôi nhìn vào mắt bà, bà vẫn nói cười vui vẻ với Madeleine, không để lộ một dấu hiệu nào.


Tôi không thể nào ngủ được. Sự việc bất ngờ xảy đến làm xáo động cuộc sống bình lặng lâu nay của tôi. Tôi chưa bao giờ là kẻ hay theo đuổi phụ nữ, từ khi lấy vợ lại càng không. Tôi rất mực yêu thương Madeleine và chúng tôi hoàn toàn tin tưởng nhau. Còn đối với Bonnivet thì tôi vẫn yêu quý và biết ơn. Vậy mà ma quỷ xui khiến sao mà tôi cứ nôn nóng muốn gặp lại Nelly, muốn biết cái nhìn của bà ấy khi chúng tôi rời nhau có ý nghĩa gì. Sửng sốt? Hận thù? Anh biết đấy, con người dù khiêm tốn nhất cũng giấu trong lòng đôi chút kiêu ngạo. Tôi tưởng tượng một ham muốn kín đáo bỗng trỗi dậy trong giờ khắc ngẫu nhiên. Nằm trên giường sát cạnh giường tôi, Madeleine vẫn thở đều một cách nhẹ nhõm.


Sáng hôm sau, tôi bận nhiều việc, không có thì giờ nghĩ đến câu chuyện kia nữa. Hôm sau nữa, có ai gọi tôi qua điện thoại. Bộ Thuộc địa gọi ông đấy. Ông giữ máy, Ngài bộ trưởng muốn nói chuyện với ông.


Tôi chợt thấy ớn lạnh. Chưa bao giờ Bonnivet  đích thân gọi điện thoại. Mời mọc hay trả lời gì cũng thông qua hai bà vợ của chúng tôi. Chỉ có thể là chuyện ngu ngốc hôm trước thôi.


“ Allô, giọng Bonnivet đột ngột vang lên. À, anh đó hả, Maufras? Anh có thể đến văn phòng tôi được không? Vâng, cần lắm. Tôi sẽ trực tiếp giải thích với anh sau. Vậy nhé, đến ngay nhé. Cám ơn.”


Tôi gác máy. Vậy là Nelly thuộc hạng đàn bà đáng ghê tởm đi cám dỗ đàn ông ( vâng tôi thề là đêm hôm ấy bà đã cố tình ngã vào lòng tôi ) rồi sau đó lại than thở với chồng: “ Anh à, anh tin tưởng Bernard là nhầm rồi. Hắn không phải là bạn như anh nghĩ đâu..” Thật là loại đàn bà đáng ghét!


Trong khi đang tìm kiếm tắc xi để đi tới chỗ Bonnivet, tôi tự hỏi không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Đấu súng chăng? Tôi cũng muốn như vậy, ít ra đây cũng là một giải pháp đơn giản, tuy nhiên từ khi chiến tranh kết thúc, không ai đánh nhau kiểu này nữa. Không, chắc hẳn Bonnivet sẽ mắng tôi không tiếc lời và tuyên bố mọi quan hệ giữa chúng tôi coi như hết rồi. Thế là kết thúc một tình bạn cao quý, sự nghiệp của tôi cũng đi đời vì Bonnivet là người có quyền lực. Ai cũng nói ông ta sắp lên làm Thủ tướng. Và tôi sẽ giải thích với Madeleine thế nào đây về sự đoạn giao khó hiểu này.


Những ý nghĩ đó, và nhiều ý nghĩ khác bi thảm hơn cứ đè nén tôi trên đường đi tới văn phòng bộ trưởng. Có khi tôi chợt hiểu rằng tự sát là lối thoát cho tất cả những ai rơi vào tình huống quá khó khăn cho lòng dũng cảm của họ.


Tôi phải chờ lâu ở phòng đợi đầy người đến cầu cạnh và những người phụ trách đón khách. Tim tôi đập lúc nhanh lúc chậm. Tôi ngắm nhìn bức tranh có cảnh những người Việt Nam vào mùa thu hoạch. Cuối cùng, tôi nghe gọi tên và tôi đứng lên. Cửa phòng Bonnivet mở ra ngay trước mặt tôi. Liệu có nên để ông ta nói trước? Hay ngược lại, chính mình tính trước bằng cách tự thú hết mọi tội lỗi?


Chính ông ta đã đứng lên và bắt tay tôi. Tôi rất ngạc nhiên về sự đón tiếp ân cần này. Hay là ông ta quá thông minh để hiểu rằng sự việc là do ngẫu nhiên và vô tình thôi.


  • “ Trước hết, ông ấy nói, tôi xin lỗi vì đã gọi anh vội vã như vậy, nhưng anh biết là mọi việc cần được quyết định ngay. Chuyện là thế này. Anh biết đấy, Nelly và tôi sẽ phải đi sang Tây Phi vào tháng tới. Với tôi đây là chuyến đi làm việc, còn với Nelly thì đi là để du lịch và khám phá. Tôi quyết định là mang theo ngoài các nhân viên của Bộ còn có vài nhà báo bởi vì là người Pháp họ phải biết đến lãnh thổ nước mình nữa chứ. Cho đến nay, tôi vẫn chưa nghĩ đến việc nói với anh về chuyện này vì anh không phải là viên chức của Bộ, cũng không phải là nhà báo, vả lại anh còn công việc của anh nữa chứ. Thế nhưng tối hôm qua Nelly đã nói với tôi là chuyến đi này gần như là trùng với thời gian nghỉ hè của anh. Anh và chị nhà sẽ là những người đồng hành thân thiết và dễ chịu hơn đoàn tuỳ tùng của tôi, và có thể chuyến đi thăm Châu Phi trong hoàn cảnh hiếm hoi này có thể khiến anh thích thú chăng. Bởi vậy, nếu anh đồng ý, gia đình anh sẽ cùng đi với vợ chồng tôi. Có điều là tôi cần biết quyết định của anh ngay để văn phòng kịp lập danh sách và chương trình.


Tôi cám ơn ông và xin ông vài giờ để bàn với vợ. Đầu tiên tôi cũng thấy thích thú. Nhưng khi còn lại một mình, tôi hình dung hết mọi phiền toái và tệ hại. Một âm mưu tình ái trước đôi mắt đầy cảnh giác của Madeleine trong thời gian tôi là khách của Bonnivet. Đành rằng, Nelly đẹp nhưng tôi đã phán xét bà ta một cách nghiêm khắc. Trong bữa ăn trưa, tôi đã thuật lại lời mời và tất nhiên không nói rõ vì đâu mà có lời mời đó và cùng với cô ấy tìm cách từ chối sao cho khỏi bất lịch sự. Cô ấy chẳng khó khăn gì mà không tưởng tượng ra những lời hẹn từ trước và vì thế chúng tôi không đi châu Phi được.


Tôi biết là từ đó, Nelly Bonnivet nhắc đến tới không những có ý giễu cợt mà còn cả thù hận. Ông bạn tôi là Lambert Leclerc có lần trước mặt bà nhắc đến tên tôi như là một ứng viên cho chức Quận trưởng Quận Seine. Bà ấy bĩu môi: Maufras ấy à. Ông nghĩ gì vậy ? Anh ta dễ thương đấy nhưng không có chút nghị lực. Đó là một con người không biết mình muốn gì.


Bonnivet trả lời: “ Nelly nói đúng đấy.” và tôi đã không được bổ nhiệm.


———

  1. Neuilly: tức Neuilly-sur-Seine, ngoại ô của thủ đô Paris, gần Rừng  Boulogne ( Bois de Boulogne ), công viên lớn ở Paris, nơi người dân ưa tới dạo chơi. Mùa hè ở Neuilly thường tổ chức Hội chợ rất lớn.
  2. Rừng, tức là Bois de Boulogne.
  3. Haroun-al-Raschid, vua của Vương quốc Bagdad ( Irak ngày nay ), thường vi hành để lắng nghe dư luận nhân dân. 
  4. Cửa Maillot, Porte de Maillot, cửa đi vào Rừng Boulogne.




THÂN TRỌNG SƠN

dịch và giới thiệu

từ nguyên bản tiếng Pháp

La foire de Neuilly.


https://www.rulit.me/books/nouvelles-read-339373-35.html







mardi 22 septembre 2020

CÔ BÉ BÁN DIÊM




Truyện ngắn

Hans Christian Anderson 

Nhà văn Đan Mạch

( 1805 - 1875 )


Hans Christian Andersen sinh tại Odense, Đan Mạch, thuộc gia đình bình dân, cha là thợ đóng giày, mẹ là thợ giặt. Tuy gia cảnh tầm thường, cha ông lại say mê văn học, ông có cả một tủ sách văn học quý giá. Từ sau khi cha qua đời ( năm Andersen 11 tuổi ), cậu bé đã được thoả thích đọc những quyển sách cha để lại.

Cũng nhờ vậy mà trí thông minh và óc tưởng tượng tuyệt vời được biểu lộ ở Andersen từ khá sớm. Ông ham mê đọc những tác phẩm văn học, đặc biệt là các vở kịch của William Shakespeare.


Sau khi cha qua đời, Andersen phải làm đủ nghề để kiếm sống, có thời gian làm diễn viên trong Nhà hát Hoàng gia Đan Mạch. Bị vỡ giọng, ông chọn nghề viết văn để gắn bó suốt đời. Dù ông viết nhiều thể loại như kịch, tiểu thuyết, thi ca, ông được biết nhiều nhất qua các câu chuyện cổ tích dành cho thiếu nhi. Truyện cổ Andersen đã được dịch sang 125 ngôn ngữ, thể hiện những bài học đạo đức và sự bền bỉ kiên cường trước nghịch cảnh. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến người đọc, trẻ em và cả người lớn. Một số câu chuyện nổi tiếng nhất là : “ Bộ quần áo mới của hoàng đế “, “ Nàng tiên cá “, “ Bà cháu tuyết “, “ Con vịt xấu xí “...


Nhìn chung, bút pháp của Andersen rất mới mẻ, khác với cách viết truyện cổ tích thông thường. Có truyện kết thúc kiểu có hậu, thể hiện niềm tin vào những điều tốt lành, đẹp đẽ, nhưng cũng có truyện khép lại với nỗi buồn sâu thẳm của những ước mơ không thành hiện thực. Dù ở trường hợp nào, ông cũng bày tỏ sự thông cảm sâu sắc đầy thương cảm cho những số phận không may, bởi chính ông cũng đã trải qua một tuổi thơ nhọc nhằn. 


Truyện “Cô bé bán diêm” được giới thiệu dưới đây không dài nhưng rất thú vị. Truyện kể hoàn cảnh thương tâm của một em bé nghèo, với chính em là nhân vật duy nhất, không có tên. Ba người khác trong gia đình được nhắc đến một cách gián tiếp. Mẹ, đã khuất, với đôi giày quá khổ. Cha, nghiêm khắc đến độc ác, khiến cô bé hãi sợ không dám về nhà khi không kiếm được xu nào. Và người bà hiện diện qua ảo ảnh của những que diêm cháy. Suốt cả câu chuyện bộc lộ những nét tương phản : một bên là cảnh tối tăm, đói rét, cô đơn, chết chóc ngược với ánh sáng, ấm cúng, thức ăn ngon, niềm hy vọng ở cuộc sống nơi thiên đường.

Cái chết của em bé ở đoạn kết rất bi thảm, nhưng bù lại là hình ảnh đôi má em ửng hồng và nụ cười của em khi lên cõi thiên đường, giải thoát khỏi mọi khổ đau, sầu muộn.


Mùa xuân năm 1872, Andersen bị té từ trên giường nằm và bị thương nặng, không thể hồi phục. Ông được phát hiện dấu hiệu bệnh ung thư gan và qua đời ba năm sau trong ngôi nhà vợ chồng người bạn thân ở Copenhagen. 

Ngay sau khi ông qua đời, nhà điêu khắc August Saabye thực hiện một  bức tượng lớn để vinh danh ông. Hiện nay tượng được dựng tại “ Vườn của Nhà vua” ở Copenhagen.




 



Trời lạnh như cắt, tuyết rơi nhiều, không gian đêm cuối năm tối tăm mờ mịt. Trong bóng tối lạnh lẽo đó, một em bé vẫn còn lang thang ngoài đường, đầu trần, chân đất. Thực ra, khi ra khỏi nhà, em có đôi giày vải nhưng có cũng như không, vì giày là của mẹ em, quá rộng cho chân em. Giờ này thì đôi giày đã mất khi em vội qua bên kia đường để tránh một chiếc xe ngựa đang lao tới với tốc độ kinh hoàng.

Một chiếc lạc chỗ nào tìm không ra, chiếc kia bị một thằng nhóc bụi đời chạy tới chộp lấy, hắn nghĩ là rồi sau này khi có con hắn sẽ dùng nó làm chiếc nôi chơi cho con. Do vậy, em đành đi chân đất, đôi chân đỏ ửng rồi tím bầm vì lạnh. Em có mang theo một số bao diêm trong chiếc tạp dề cũ, còn mấy bao khác em cầm trong tay. Chẳng ai mua diêm suốt cả ngày nay, cũng chẳng ai cho em lấy một xu!


Em bước lê trên đường, lạnh và đói đến run lên - đúng là hình ảnh bi thảm, một cô bé tội nghiệp. 

Những bông tuyết phủ đầy mái tóc dài, cuộn thành từng búp xinh xắn quanh cổ em; mà thật ra em không hề quan tâm đến nữa. Cửa sổ nhà nhà đều sáng loà ánh nến, sực nức mùi ngỗng quay hấp dẫn, đêm Giao Thừa mà!


Em ngồi nép vào một góc giữa hai ngôi nhà, nhà này thụt sâu vào hơn nhà kia một chút. Em cố co hai chân sát vào người, nhưng mối lúc em càng thấy lạnh hơn. Tuy nhiên, em không dám về nhà, vì em chưa bán được bao diêm nào, không ai bố thí đồng nào. Cha em chắc sẽ đánh em, mà về nhà cũng lạnh như thế này thôi, gió lạnh vẫn lọt qua mái lá, dù các lỗ hổng trống hoác đã được giẻ rách và rơm rạ chèn lại.


Hai bàn tay em gần như lạnh cứng đờ ra. Ôi chao, lúc này thì một que diêm có thể mang đến cho em cả một trời hơi ấm, nếu em liều rút một que diêm ra, quẹt vào tường và hơ những ngón tay vào. Thế là em rút ra một que diêm. “ Xoẹt!” Diêm cháy ngay ấm và sáng như một ngọn nến. Em hơ đôi bàn tay vào. Một thứ ánh sáng tuyệt vời! Em tưởng chừng như đang ngồi trước một lò sưởi lớn bằng sắt, có chân bằng đồng bóng và những hoa văn cũng bằng đồng bên trên. Ngọn lửa cháy ấm áp vô cùng, thật là hạnh phúc. Cô bé định duỗi chân ra cùng sưởi luôn thì ngọn lửa đã tắt ngấm, lò sưởi biến mất, chỉ còn trên tay em que diêm đã tàn!


Em quẹt que diêm thứ hai, diêm cháy sáng rực lên, chiếu vào bức tường. Bức tường biến thành một tấm rèm bằng vải thưa, cho em nhìn thấu tận trong nhà. Bàn ăn đã dọn, khăn trải trắng tinh, trên đó bày toàn bát dĩa bằng sành sứ quý giá, và có cả một con ngỗng quay, nhồi đầy táo và mận khô, còn bốc khói ngon lành.


Nhưng điều lớn nhất cần chú ý là con ngỗng đó nhảy phốc ra khỏi dĩa, lăn quay trên sàn, trên ngực còn cắm cả dao và nĩa, tiến về phía em, bất chợt cây diêm vụt tắt, trước mặt em chỉ còn những bức tường dày đặc, lạnh lẽo và ẩm ướt. Em lại quẹt một que diêm khác. Lúc này, em đang ngồi dưới gốc một cây thông Giáng Sinh. Cây này lớn hơn, trang hoàng lộng lẫy hơn cây Giáng Sinh mà trước đây em đã thấy qua ô cửa kính nhà một thương gia giàu có.


Hàng ngàn ngọn nến sáng rực trên cành lá xanh tươi, và những bức tranh nhiều màu, giống như em đã nhìn thấy trong các tủ hàng, đang nhìn xuống em. Cô bé tội nghiệp giang tay ra về phía cây Giáng Sinh. Những ngọn đèn trên cây vươn cao lên, cao mãi , em thấy chúng như biến thành những ngôi sao trên thiên đàng và một ngôi sao rơi xuống làm thành một vệt lửa sáng ngời.


“ Có lẽ ai đó vừa qua đời!”, em nghĩ, vì bà của em, người duy nhất trên đời thương yêu em, đã từng nói khi một ngôi sao rơi xuống là một linh hồn bay lên trời với Thượng Đế.


Em lại quẹt một que diêm nữa vào tường: ánh sáng lại toả ra, em thấy bóng dáng già nua của bà mình, rạng rỡ, huy hoàng, hiền dịu, nét mặt chan chứa yêu thương.

“ Bà ơi, em bé kêu lên, cho cháu đi với bà. Rồi diêm tắt bà cũng ra đi, bà sẽ biến mất với cái lò sưởi ấm áp, với con ngỗng quay, và cây Giáng Sinh rực rỡ hồi nãy. Thế rồi em vội vã quẹt hết cả những que diêm còn lại trong bao, vì muốn níu kéo người bà ở lại. Những que diêm nối tiếp nhau sáng lên như giữa ban ngày: chưa bao giờ em thấy bà đẹp đẽ, cao lớn như thế này. Bà đưa tay ôm lấy em và cả hai cùng bay vút lên cao trong ánh sáng và niềm vui, lên cao, cao mãi, đến một nơi không còn lạnh lẽo, đói khát, lo âu - họ đã về với Thượng Đế.


Rồi hôm sau, ở một góc tường, trong giờ khắc bình minh giá lạnh, em bé tội nghiệp có đôi má ửng hồng, miệng hé mỉm cười, ngồi tựa vào tường, em đã chết vì giá lạnh trong đêm giao thừa! 

Em ngồi đó giữa những bao diêm, một bao đã cháy hết. Mọi người bảo nhau: Chắc cô bé muốn sưởi ấm mình đây mà! Không ai nghi ngờ về những điều tốt đẹp như thế nào em đã nhìn thấy. Không ai mơ thấy được khung cảnh huy hoàng tráng lệ như thế nào, lúc hai bà cháu cùng hân hoan rạng rỡ bước vào năm mới.




—————-

THÂN TRỌNG SƠN

Dịch và giới thiệu.


Tháng 9/2020

Dịch từ nguyên bản tiếng Anh

( The Little Match Girl 

Hans Christian Andersen)


(https://americanliterature.com/author/hans-christian-andersen/short-story/ ) 


jeudi 17 septembre 2020

MỘT TÁCH TRÀ

Truyện ngắn
Katherine Mansfield
Nhà văn New Zealand
(1888-1923)


Kathleen Mansfield Beauchamp sinh tại Wellington, New Zealand ngày 14.10. 1888, và nổi tiếng với bút danh Katherine Mansfield khi viết truyện ngắn. Tuy cuộc đời quá ngắn ngủi ( mất năm 1923 vì bệnh lao ) bà vẫn kịp để lại những tuyển tập trứ danh. Năng khiếu văn chương của bà đã bộc lộ từ thời còn học trung học. 
Những truyện ngắn đầu tiên của bà xuất hiện trên các tạp chí học đường từ 1898 và 1899. Năm sau, bà in truyện “ Cô bạn nhỏ của chàng” ( His Little Friend ) trong tờ New Zealand Graphic and Ladies Journal.

Cùng với các chị em, bà được gởi sang nước Anh học tập gần 4 năm rồi trở về quê hương. Nhưng bà lại muốn quay sang Anh trở lại vì đã bị đời sống văn hoá nơi này chinh phục rồi. Ý muốn này được thân phụ chấp thuận, năm 1908, bà lại sang Anh và không bao giờ trở về New Zealand nữa. Tại xứ sở sương mù, Katherine bắt đầu cuộc sống tự do, phóng khoáng. Bà gặp và lui tới với một người, có thai với người ấy nhưng lại kết hôn với người khác. Bà phá thai và hệ luỵ từ cuộc giải phẫu ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ về sau.

Năm 1911, ở tuổi 23, bà gặp John Middleton Murry, chủ biên một tạp chí văn học. Bà dành hết khoản tiền gia đình cung cấp để đầu tư cho tạp chí. Cả hai cộng tác thực hiện nhiều dự án văn chương, giúp bà thâm nhập văn đàn Luân Đôn. Bà kết thân với nhà văn D.H. Lawrence ( tác giả của Sons and Lovers, Con trai và Người tình ) cả hai trở thành đôi bạn lớn cho đến cuối đời. Thời gian này  Katherine di chuyển qua lại giữa Luân Đôn và Paris , rồi cả Bỉ và Đức.

Bà được chẩn đoán đã mắc bệnh lao. Như để chạy đua với thời gian, bà sáng tác không ngừng, cho ra đời liên tiếp nhiều tuyển tập truyện ngắn, ấn phẩm đầu tiên là “ In a German Pension ( 1911 ), và tiếp theo là  Bliss ( Hạnh phúc ), The Garden Party   ( Bữa tiệc trong  vườn ), được bạn đọc tán thưởng. Bà không muốn vào dưỡng đường điều trị vì ngại mất cảm hứng sáng tác mà chọn một khách sạn vắng vẻ, ở Bandon, Pháp. Ở đây bà tiếp tục viết. Đây là thời gian bà sáng tác truyên “Tôi không nói tiếng Pháp “( Je ne parle pas français ) - nhan đề tiếng Pháp. 

Bà qua đời tại Pháp năm 1923, trong sự luyến tiếc một văn tài vắn số, an táng tại Nghĩa Trang Avon, gần Fontainebleau.

Hiện nay, nhiều trường trung học tại New Zealand có nhà tưởng niệm mang tên bà. Trường  Karori ở Wellington  còn dựng tượng  bà trong sân trường với biển ghi lại thời gian bà theo học ở trường và tóm tắt các tác phẩm. Và ngay trên đất Pháp, thành phố Menton, nơi bà có thời gian sống và sáng tác, có một con đường mang tên bà.

Nhà văn Katherine Mansfield (1888 - 1923)

Rosemary Fell thực ra không đẹp. Vâng, không nên nói cô ấy đẹp. Hay là xinh? Nếu bạn soi kỹ cô ta từng chi tiết một... Mà sao lại nỡ lòng làm việc đó nhỉ? Nàng trông trẻ trung, sắc sảo, rất tân tiến, ăn mặc hợp thời trang, am tường một cách đáng kinh ngạc những gì mới nhất trong các ấn phẩm mới nhất, và những bữa tiệc nàng khoản đãi là tập hợp thú vị những người thực sự quan trọng, ... cả giới nghệ sĩ nữa, những sinh vật dị thường  chính nàng phát hiện ra, có người ăn nói rất chi là đáng ngại, nhưng những người khác thật thanh nhã và vui tính.
    
Rosemary lập gia đình đã hai năm, sinh được một bé trai kháu khỉnh. Không, chẳng phải Peter mà cũng chẳng phải Michael. Chồng nàng cưng chiều nàng hết mực. Vợ chồng giàu có, thực sự giàu có, không phải loại nhà giàu hợm hĩnh, đáng ghét, kiểu con ông cháu cha. Mỗi lần Rosemary muốn mua sắm, nàng chỉ việc chạy thẳng sang Paris giống như mọi người đi tới đường Bond (1) vậy. Còn nếu muốn mua hoa, xe sẽ đưa nàng đến một cửa hiệu sang trọng trên Đường Regent (2). Tại đây, nàng tha hồ nhìn ngắm ra vẻ xa xăm mà rạng rỡ, rồi bảo: “ Tôi chọn thứ này, thứ này và thứ này nữa. Cho tôi bốn bó hoa này. Và bình hoa hồng kia nữa. Vâng, lấy hết hồng trong bình cho tôi. Ồ không, đừng lấy tử đinh hương. Tôi không thích loại này. Chẳng ra hình thù gì cả “. Người quản lý cửa hàng cúi đầu, cất hoa tử đinh hương đi, như thể việc thiếu vóc dáng thảm hại của tử đinh hương  là sự thật hiển nhiên. “ Cho tôi thêm những đoá uất kim hương nhỏ nhắn xinh xắn kia nữa. Loại hoa đỏ và hoa trắng đấy”! Thế là cô gái bán hàng  mảnh khảnh loạng choạng ôm cả đống giấy khổng lồ bọc hoa theo chân nàng ra tận xe.
    
Một buổi chiều mùa đông, nàng đang chọn mua một món hàng tại một cửa hiệu đồ cổ nhỏ trên đường Curzon (3). Nàng rất thích cửa hiệu này. Có thứ hàng ai đã thích rồi thì cố mua cho được. Người quản lý cửa hàng tỏ ra đặc biệt ưa thích phục vụ nàng. Thấy nàng đến là ông tươi cười vồn vã. Ông chập hai bàn tay vào nhau, vui mừng đến mức không nói thành lời được. Cái kiểu tâng bốc xu nịnh đấy mà. Dẫu sao, hôm nay ông cũng có thứ muốn giới thiệu với khách.
  
“ Bà biết đấy, thưa bà,” giọng ông nhỏ nhẹ, vẻ cung kính. Tôi rất quý những món hàng của tôi. Thà tôi cứ giữ chúng lại đây còn hơn bán cho những người không am hiểu giá trị của chúng,  và đó là điều rất hiếm...” Rồi, hít vào thật sâu, ông lần mở tấm khăn vuông nhung nhỏ xíu màu xanh biếc rồi lấy đầu ngón tay xanh xao khẽ đặt lên quầy hàng mặt kính. Món hàng hôm nay là chiếc hộp nhỏ đó. Ông đã giữ nó lâu nay dành cho nàng. Ông chưa hề giới thiệu với ai khác. Một chiếc hộp nhỏ bằng sứ tinh xảo với lớp men tráng mịn tưởng chừng như nó được nung trong kem.  Trên nắp hộp một sinh vật tí hon đứng dưới tán cây trổ hoa, và một sinh vật nhỏ hơn đang vòng tay bá cổ nó. Chiếc nón của cô, không lớn hơn cánh hoa phong lữ, treo trên cành buộc mấy dãi nơ màu xanh lục. Rosemary tháo găng tay ra, nàng thường làm vậy khi xem món hàng kiểu này. Nàng thấy thích lắm. Mê nữa là khác, đúng là báu vật. Nàng phải mua cho được. Nàng xoay chiếc hộp mịn màng, mở nắp ra rồi đóng nắp lại, nàng không thể cưỡng lại không  để ý bàn tay xinh xắn của mình sao mà duyên dáng trên nền nhung xanh biếc này. Người chủ cửa hàng, trong tận cõi suy tưởng, có vẻ như cũng cùng ý nghĩ như vậy. Ông cầm bút chì, cúi rạp trên quầy hàng, và những ngón tay gầy ốm xanh xao rón rén trườn dần đến cạnh những ngón hồng mỹ miều kia, khẽ thầm thì:  “ Cho phép tôi chỉ cho bà thấy những bông hoa nhỏ trên vạt áo người thiếu nữ kia.” Rosemary ngắm nghía những bông hoa:” Tuyệt đẹp!”. Nhưng giá cả thế nào nhỉ? Người quản lý cửa hàng ban đầu làm như không nghe thấy gì rồi đáp rất khẽ:” Hai mươi tám đồng ghi-nê, (4) thưa bà!”

Hai mươi tám đồng ghi- nê. Rosemary chẳng biểu lộ gì. Nàng đặt chiếc hộp xuống chỗ cũ và đeo găng tay vào. Hai mươi tám đồng ghi-nê. Thậm chí nếu bạn là người dư dả thì .. Rosemary có vẻ bối rối. Nàng đưa mắt nhìn sững cái ấm đun trà bầu bĩnh như một con gà mái được trưng bày phía bên trên người đàn ông bán hàng rồi hững hờ nói:” Được rồi! Làm ơn giữ nó cho tôi nhé! Tôi sẽ...”.

Người quản lý cửa hàng đã cúi khom người như thể giữ món hàng cho nàng là tất cả những gì trên đời mà bất kỳ người nào có thể yêu cầu. Ông sẽ sẵn lòng, đương nhiên rồi, giữ nó vĩnh viễn cho Rosemary. Cánh cửa kín đáo khép lại với âm thanh khô khốc. Nàng bước ra ngoài trên bậc tam cấp và ngắm nhìn cảnh buổi chiều mùa đông. Trời đang mưa, và với cơn mưa hầu như bóng tối cũng đến theo, quay cuồng như tro bụi. Trong không khí có vị lạnh buốt, và những ngọn đèn đường mới bật trông thật buồn bã. Hiu hắt những ánh đèn trong những căn nhà đối diện, chiếu tù mù như thể đang nuối tiếc điều gì. Vài khách bộ hành hối hả rảo bước dưới những chiếc dù đáng ghét. Bỗng nhiên Rosemary cảm thấy một nỗi buồn lạ kỳ . Nàng ép nhẹ đôi găng tay vào ngực, ước chi nàng sở hữu được chiếc hộp xinh xắn kia. Nhưng xe của nàng đang chờ sẵn kia rồi. Nàng chỉ cần băng qua đường. Thế mà nàng vẫn cứ chần chừ. Trong đời có những lúc , những giờ khắc khủng khiếp, ta muốn thoát khỏi nơi trú ẩn và nhìn ra ngoài, và thật là khốc liệt. Người ta không thể nhượng bộ được. Phải về nhà  ngồi nhâm nhi tách trà tuyệt hảo. Lúc nàng đang suy tư như thế thì một thiếu nữ gầy guộc, ảm đạm, mờ nhạt - cô ấy từ đâu tới? - đang đứng kề bên và thủ thỉ vào tai nàng bằng một giọng nghẹn ngào, thổn thức: “ Bà cho phép tôi hầu chuyện một lát, được không ạ, thưa bà!” 

“ Nói chuyện với tôi ư? Rosemary quay lại. Nàng nhìn thấy một hình hài tơi tả với đôi mắt to tròn, trông còn trẻ  lắm, không hơn tuổi nàng, đôi bàn tay ửng đỏ níu cổ áo choàng, và run rẩy , rõ là vừa mới dầm mưa. Cô gái lắp bắp: “ Vâng, thưa bà, xin bà giúp cho tôi ít tiền chỉ để uống một tách trà thôi.”
“ Chỉ một tách trà?” Giọng cô gái giản dị, chân thành, ít nhất nó không phải là giọng một người hành khất. Rosemary  hỏi, Cô không có tiền thật ư?  “ Thật tình là không có, thưa bà,” Ồ, lạ nhỉ! Rosemary hé mắt nhìn cô gái trong bóng đêm, cô gái cũng chăm chăm nhìn lại nàng.  Thật là chuyện ly kỳ! Bỗng nhiên Rosemary cảm thấy như đang ở trong trạng thái phiêu lưu, giống như trong tiểu thuyết của Dostoevsky, cái chuyện gặp gỡ tình cờ trong đêm như thế này. Giả dụ giờ đây nàng đưa cô gái về nhà? Giả dụ nàng thực hiện một trong những điều nàng vẫn thường đọc trong truyện hay xem trên sân khấu thì chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ? Chắc sẽ thú vị lắm đây. Nàng thấy như nghe chính nàng sau này  nói với bạn bè trố mắt ngạc nhiên: Tôi đưa cô ấy về nhà đấy! khi nàng bước tới và nói với cái bóng mờ bên cạnh:  “Cô đi với tôi, về nhà tôi uống trà! “
   
Cô gái sửng sốt bước giật lùi. Thậm chí cô tạm ngừng run rẩy trong chốc lát. Rosemary đưa tay nắm lấy cánh tay cô, mỉm cười độ lượng. Và nàng cảm thấy nụ cười của nàng sao mà đơn giản và độ lượng.” Tôi mời cô mà, đừng ngại. Lên xe tôi cùng về nhà uống trà với tôi. - Bà... bà không định nói như thế chứ? Cô gái nói, có chút gì đau đớn trong chất giọng. 

Rosemary kêu lên: Tôi nói thật lòng mà. Tôi muốn cô ưng thuận. Cho vừa lòng tôi. Nào, hãy về cùng tôi. Cô gái đặt mấy ngón tay lên môi và đưa  mắt nhìn Rosemary, ấp úng: “ Bà không ... bà không định giao nộp tôi cho cảnh sát chứ?” 

Rosemary bật cười:” Cảnh sát ư? Sao tôi lại tàn ác như thế? Không đâu, tôi chỉ muốn cô được sưởi ấm rồi nghe cô tâm sự với tôi điều gì đó thôi. “ 

Cơn đói khiến người ta dễ bị thuyết phục. Người lái xe mở cửa và cả hai nhanh chóng lướt đi trong màn đêm.

 “Xong!”  Rosemary nói. Nàng có cảm giác thuyết phục khi luồn tay vào chiếc quai nhung. Nàng cũng có thể nói: “Bây giờ tôi đã có được cô” khi nàng ngắm nhìn tù nhân bé nhỏ của nàng. Nhưng dĩ nhiên nàng có hảo ý. Ồ, còn hơn hảo ý nữa chứ. Nàng muốn cô ta hiểu rằng việc tử tế có thật trên đời này, rằng những bà tiên hiền là có thật, rằng người giàu cũng có từ tâm, và phụ nữ là chị em với nhau hết. Nàng quay sang bảo cô gái: Cô đừng sợ. Sao cô không dám về với tôi. Chúng ta đều là phụ nữ cả. Nếu tôi khá giả hơn một tí, cô có thể hy vọng rằng...”

Nàng không biết phải kết thúc câu nói thế nào thì chiếc xe đã dừng lại. Nghe tiếng chuông bấm, cửa mở, và nàng ân cần, thái độ che chở, thân thiết, đưa cô gái vào tiền sảnh. Hơi ấm, sự êm đềm, ánh sáng, hương thơm, tất cả những thứ quá quen thuộc với nàng mà nàng chẳng hề nghĩ đến, nàng quan sát khi người kia tiếp nhận. Thật là kỳ diệu. Cô như cô bé nhà giàu trong phòng chơi với những ngăn tủ để mở, những chiếc hộp để tháo ra xem.

“ Đi, đi lên lầu,” Rosemary nói, háo hức muốn tỏ ra hào phóng. “ Lên phòng tôi.” Và, ngoài ra, nàng muốn tránh cho bạn nhỏ đáng thương này khỏi bị những người hầu nhìn xoi mói, nàng quyết định là khi bước lên thang lầu nàng sẽ không gọi Jeanne, mà sẽ tự mình cởi bỏ trang phục. Điều cốt yếu là cứ tự nhiên.

Và “ Đấy! “ Rosemary kêu lên lần nữa khi họ đến cửa phòng ngủ lớn và đẹp với những tấm rèm buông, ánh lửa chập chờn trên mặt bàn ghế láng bóng, trên những chiếc gối màu hoàng kim và những tấm thảm vàng nhạt và xanh biếc.

Cô gái đứng lại ngay bên trong cánh cửa, có vẻ ngập ngừng. Nhưng Rosemary không bận tâm điều đó.

“ Hãy lại đây và ngồi xuống đi!” nàng gọi và lôi chiếc ghế lớn đến bên lò sưởi, “  ngồi xuống trong chiếc ghế thoải mái này. Hãy sưởi ấm đi. Cô có vẻ rét cóng rồi kìa! “
“ Tôi không dám đâu, thưa bà.” cô gái nói, rụt rè thụt lùi.
“ Ô hay, Rosemary chạy tới - Đừng, cô đừng sợ hãi thế. Ngồi xuống đi, tôi thay áo xong sẽ cùng cô qua phòng bên thưởng trà và nghỉ ngơi. Sao cô e ngại? “ Và nàng nhẹ nhàng đẩy thân hình mảnh khảnh kia vào lòng chiếc ghế sâu.

Nhưng không có tiếng trả lời. Cô gái ngồi yên chỗ đã được đặt cho ngồi, hai bàn tay để lên hông, miệng hé mở. Thật tình, cô trông hơi ngớ ngẩn. Song Rosemary chẳng lấy làm điều. Nàng nghiêng qua cô và bảo: “ Sao cô không cởi nón? Mái tóc đẹp của cô ướt hết rồi. Và không đội nón sẽ dễ chịu hơn nhiều, phải không? “ 

Có tiếng thì thầm nghe như “ Vâng, thưa bà!” và chiếc nón nhàu nhĩ được gỡ ra.

“ Và để tôi giúp cô cởi áo choàng luôn thể, Rosemary nói.

Cô gái đứng dậy. Nhưng cô bám một tay vào thành ghế và để mặc  Rosemary lôi kéo. Quả là một thử thách. Người kia chẳng mảy may phụ giúp. Cô dường như nghiêng ngả tựa trẻ nhỏ, và Rosemary chợt nghĩ rằng nếu muốn được giúp đỡ người ta cũng nên hưởng ứng một chút, chỉ chút ít thôi cũng được, bằng không mọi việc sẽ quá nhiêu khê. Và nàng sẽ làm gì với chiếc áo khoác bây giờ đây? Nàng thả nó xuống sàn, cùng với chiếc nón nữa. Nàng định lấy điếu thuốc từ trên kệ lò sưởi thì cô gái nói nhanh, nhưng rất khẽ và lạ: “ Tôi xin lỗi, thưa bà, tôi sắp xỉu đến nơi rồi. Tôi sẽ xỉu ngay đây nếu không có thứ gì vào bụng.”

“ Trời ơi! Sao tôi vô ý thế! “  Rosemary vội đến rung chuông. “ Trà! Dọn trà ngay. Và rượu nữa, dọn nhanh lên.” 

Người giúp việc đã quay đi nhưng cô gái gần như nức nở. “ Không, tôi không cần rượu. Tôi chẳng bao giờ uống rượu. Chỉ xin một tách trà thôi, thưa bà.” Và cô bật khóc.

Đấy là một khoảnh khắc khốc liệt và mê hoặc. Rosemary quỳ bên cạnh chiếc ghế của nàng.

“ Đừng khóc, cô nhỏ tội nghiệp, nàng nói. Đừng khóc.” Và nàng đưa người kia chiếc khăn tay thêu ren của nàng. Nàng quá xúc động không nói nên lời. Nàng quàng tay ôm lấy đôi vai gầy như cánh chim kia.

Bây giờ rốt cuộc người kia không còn rụt rè nữa, quên hết mọi sự, ngoại trừ họ cũng là phụ nữ với nhau, và thốt lên:” Tôi không thể tiếp tục như thế này nữa. Tôi không chịu đựng nổi. Tôi phải tự kết liễu đời mình. Tôi hết sức chịu đựng rồi.”

“ Cô không phải làm vậy. Tôi sẽ chăm sóc cô. Đừng khóc nữa. Cô không thấy việc gặp tôi là cơ duyên tốt lành sao? Chúng ta sẽ uống trà và cô sẽ kể cho tôi nghe tất cả. Và tôi sẽ thu xếp. Tôi hứa.Thôi đừng khóc nữa. Mệt mỏi lắm. Tôi xin cô.”

Người kia ngừng khóc vừa đúng lúc Rosemary đứng dậy trước khi bữa tiệc trà được bày ra. Nàng cho kê chiếc bàn giữa hai người. Nàng tiếp người khách khốn khổ với đủ mọi thứ, đủ các loại bánh kẹp, bánh mì và bơ, và mỗi lần tách của cô vừa cạn nàng đã rót đầy vào, và thêm kem với đường. Người ta vẫn bảo đường rất bổ dưỡng. Riêng nàng không ăn, nàng hút thuốc và kín đáo ngó lơ để tránh cho người kia khỏi ngượng ngùng. 

Và quả thực, hiệu quả bữa ăn nhẹ đó thật tuyệt diệu. Khi bàn trà được dọn đi thì một sinh linh mới, một con người mong manh, yếu đuối, với tóc rối, môi thâm, mắt sáng, ngả người trong lòng ghế rộng, dáng vẻ lơ đãng dịu dàng, mơ màng nhìn ánh lửa hồng trong lò sưởi. Rosemary châm một điếu thuốc mới; đã đến lúc khơi mào.
Nàng nhẹ nhàng hỏi:” Lần cuối cùng cô được ăn là lúc nào vậy?”

Nhưng ngay lúc ấy tay nắm cửa xoay.
Rosemary, anh vào được không? Đó là Philip.
Được chứ.

Chàng bước vào. “ Ồ, anh xin lỗi”. chàng nói, và dừng lại trố mắt nhìn.

“ Không sao đâu,“  Rosemary mỉm cười nói, “đây là bạn em, cô .... “
“ Smith, thưa bà, “ thân hình lừ thừ nói, giờ này không cử động, không rụt rè nữa.
“ Smith, “ Rosemary nói, “ chúng em sắp sửa chuyện trò chút đỉnh thôi mà. “
“ À ra thế. Philip nói. “ Được rồi, và mắt chàng nhác thấy áo choàng và chiếc nón trên sàn nhà. Chàng tiến gần đến lò sưởi và đứng quay lưng với nó. “ Chiều nay trời xấu thê thảm,” chàng nói dò hỏi, mắt không hề rời cái thân hình uể oải kia, nhìn đôi tay và giày ống, rồi nhìn Rosemary lần nữa.
“ Vâng, phải thế không anh? “Rosemary nói một cách sốt sắng. “ Thật tồi tệ!”

Philip nhoẻn nụ cười duyên dáng. “ Thực ra, chàng nói, anh muốn em qua phòng đọc sách một lát. Được không? Cô Smith cảm phiền nhé ".

Đôi mắt to nhướng lên phía chàng, Rosemary đã đỡ lời: “ Đương nhiên cô ấy sẽ không phiền.” Và họ cùng rời khỏi phòng.

“ Này em, Philip nói ngay khi họ ở riêng trong phòng. Hãy giải thích đi. Cô ấy là ai ? Chuyện này là thế nào?”

Rosemary cười ngất, tựa vào cửa nói “ Em nhặt được cô ta trên đường Curzon. Thật đấy, cô ấy là của rơi. Cô xin em tiền cho một tách trà, và em đưa cô về nhà.”

“ Nhưng em sẽ làm quái gì với cô ta”, Philip nói lớn.
“ Tử tế với cô ấy.” Rosemary nói vội. Đối xử tử tế với cô ấy. Chăm sóc cô ấy. Em không biết sẽ làm sao. Chưa bàn tới chuyện này.  Nhưng để cô ta thấy ... tiếp đãi cô ấy... để cô ấy cảm thấy... “
“ Cưng của anh ơi,” Philip nói, “ Em điên quá đi mất, em biết không. Đơn giản không thể làm vậy được.”
“ Em biết anh sẽ nói như thế, “ Rosemary đáp lại. “ Tại sao không? Em muốn vậy mà. Như thế chả là lý do sao? Hơn nữa, những chuyện ấy mình vẫn đọc nhan nhãn. Em định... “
“ Nhưng, “ Philip chậm rải nói, chàng xén đầu điếu xì gà, “ và cô ấy xinh mê hồn!”
“ Xinh ư?” Rosemary quá ngạc nhiên đến độ nàng thẹn đỏ mặt. “Anh nghĩ vậy sao? Em chưa hề nghĩ đến điều đó".
“ Trời ạ, “ Philip quẹt cây diêm, “ Cô ấy xinh tuyệt trần. Hãy nhìn lại đi, cưng ạ. Anh đã choáng váng khi anh vào phòng em lúc nãy. Tuy nhiên... Anh nghĩ là em đang vấp phải lỗi tày đình đó. Nói em đừng giận, em yêu, nếu anh có khiếm nhã hay đại khái thế... Nhưng liệu cô ta có đi ăn tối với chúng mình, để anh còn kịp xem báo Milliner Gazette .”
“ Anh quái đản! “Rosemary nói, và nàng ra khỏi phòng đọc sách, nhưng không quay lại phòng ngủ. Nàng vào thư phòng của mình và ngồi xuống cạnh bàn viết. Xinh! Xinh tuyệt trần! Choáng váng! Tim nàng đập thình thịch. Xinh! Xinh tuyệt trần! Nàng kéo cuốn ngân phiếu về phía mình. Mà không, ngân phiếu chẳng ích gì trong tình huống này. Nàng mở ngăn kéo, và lấy ra năm tờ giấy bạc, nhìn chúng, bỏ lại hai tờ, rồi vò chặt trong tay ba tờ, trở về phòng ngủ.

Nửa tiếng đồng hồ sau, Philip vẫn còn ngồi trong phòng đọc sách khi Rosemary bước vào.
“ Em chỉ muốn báo cho anh biết rằng,” nàng nói, tựa vào cánh cửa phòng một lần nữa và nhìn chàng với ánh mắt quyến rũ kỳ ảo, “ cô Smith sẽ không dùng bữa với chúng mình tối nay.”

Philip đặt tờ báo xuống. “ Sao thế? Bận hẹn trước rồi à?”

Rosemary lại gần và ngồi trên đầu gối chàng. “ Cô ấy khăng khăng đòi đi. “, nàng nói, “ nên em cho người khốn khổ ấy một ít tiền làm quà. Em chẳng nên giữ cô ta lại trái ý cô, phải không? “ Nàng khẽ nói thêm. 

Rosemary mới vừa sửa soạn mái tóc, tô nhẹ quầng mắt, và đeo chuỗi hạt ngọc. Nàng nâng đôi bàn tay khẽ chạm vào má Phillip.
“ Anh có thích em không?” nàng nói, và giọng nói của nàng, khàn khàn, ngọt ngào, khiến chàng rung động.
“ Anh thích em lắm lắm,” chàng nói, và ôm nàng siết chặt hơn. “ Hôn anh đi!”

Có một khoảnh khắc ngưng đọng.

Chợt  Rosemary cất giọng mơ màng. “ Hôm nay em thấy một chiếc hộp tuyệt vời. Nó giá hai mươi tám ghi- nê. Anh cho em nhé!”

Phillip đẩy nhẹ nàng trên đầu gối. “ Em sẽ có, em yêu xài hoang ạ”
Nhưng thật ra đó không phải điều Rosemary muốn nói.
“ Phillip, “ nàng thì thầm, và nàng ghì đầu chàng vào ngực mình, “ em có xinh không? “

________________ 
(1)  (2) (3) Tên những con đường khu mua sắm đắt tiền ở Luân Đôn.
(4) Đơn vị tiền tệ cũ, trị giá 21 shilling.

THÂN TRỌNG SƠN
Dịch từ nguyên bản tiếng Anh ( A cup of tea )
Tháng 9.2020
Nguồn