Truyện ngắn
Gabriel Garcia Marquez.
Lúc chín giờ sáng, trong lúc chúng tôi đang dùng điểm tâm trên sân thượng khách sạn Habana Rievera, ngay giữa cơn nắng chói chan, một ngọn sóng khủng khiếp đã cuốn theo nhiều chiếc xe đang chạy trên đường Malećon hoặc đang đỗ trên lề đường, trong số đó, một chiếc đã bị hất dính vào tường khách sạn. Như một tiếng mìn nổ, tạo nên nỗi kinh hoàng suốt hai mươi tầng toà nhà, biến cánh cửa lớn vào đại sảnh thành cát bụi. Nhiều du khách đang đứng ở quầy tiếp tân bị hất tung lên trời, cùng lúc với đồ đạc, có người bị các mảnh kiếng vỡ cắt nát. Chắc hẳn là đợt sóng thần khổng lồ, bởi giữa con đường chắn Malećon và khách sạn, còn có cả một đại lộ rộng xe chạy hai chiều, cơn sóng đã tràn qua đó mà vẫn còn đủ mạnh để xé vụn thành mảnh các khoảng tường kính.
Các tình nguyện viên người Cuba nhiệt tình, có nhân viên cứu hộ giúp sức, đã mất gần sáu tiếng đồng hồ để dọn dẹp các đống đổ nát, bít lối đi ra biển, mở một cổng khác, và rồi mọi sự trở lại bình thường. Suốt buổi sáng, không ai để ý tới chiếc xe bị ghim dính trên tường, ai cũng nghĩ đó là một trong những chiếc đang đỗ bên lề. Nhưng đến khi xe cần cẩu kéo chiếc xe bị nạn ra, người ta mới phát hiện thi thể một phụ nữ dính vào tay lái nhờ chiếc dây an toàn. Cú va chạm mạnh đến mức không mảnh xương nào của bà còn nguyên vẹn. Khuôn mặt bà bị dập nát, đôi ủng rách bươm, quần áo nát thành mảnh vụn. Bà đeo một chiếc nhẫn vàng hình con rắn với đôi mắt ngọc bích. Cảnh sát xác nhận đây là người quản gia của viên tân đại sứ Bồ Đào Nha và gia đình.
Bà ta đến La Havane cùng lúc với gia đình đại sứ cách đây hai tuần, và sáng hôm đó lái chiếc xe mới đi mua sắm. Khi đọc tin trên báo, tên của bà không gợi cho tôi điều gì, nhưng tôi lại thấy tò mò về chiếc nhẫn hình con rắn với đôi mắt ngọc bích. Tuy thế, tôi không thể nào xác minh được bà đeo nhẫn ở ngón tay nào.
Đấy là một chỉ dấu quan trọng, bởi tôi ngờ rằng bà ta hẳn là nhân vật khó quên mà tôi không biết được tên thật, người cũng đeo chiếc nhẫn tương tự như thế, điều rất khác thường vào thời kỳ đó. Tôi đã gặp bà ấy ba mươi bốn năm trước, tại Vienne, hôm tôi ngồi ăn xúc xích và khoai luộc, uống bia hơi trong một quán ăn mà đám sinh viên Mỹ la tinh hay lui tới. Tôi vừa từ Rome tới ngay sáng hôm đó, và còn nhớ cái ấn tượng đầu tiên khi nhìn thấy vóc dáng đẫy đà của bà, những chùm đuôi chồn nơi cổ áo khoác ngoài và chiếc nhẫn Ai cập hình rắn đó. Tôi nghĩ bà là người Áo duy nhất ngồi nơi chiếc bàn gỗ dài đó, vì bà nói không nghỉ lấy hơi một thứ tiếng Tây Ban Nha thô kệch với giọng kim. Tuy nhiên, bà sinh tại Colombie, và chỉ sang Áo vào thời giữa hai cuộc thế chiến, lúc còn nhỏ xíu, để học âm nhạc và ca hát. Vào lúc tôi quen bà, bà chỉ khoảng ba chục, nhưng nhìn có vẻ già hơn bởi bà chưa bao giờ xinh đẹp và như hơi già trước tuổi. Nhưng dù sao đó là một con người tuyệt vời. Và cũng là một trong những người đáng sợ.
Vienne vẫn còn là một đế đô cổ kính, do vị trí địa lý ở giữa hai thế giới không thể hoà hợp từ sau thế chiến thứ hai đã biến thành thiên đường của buôn bán chợ đen và gián điệp quốc tế. Tôi không hình dung ra được nơi nào thích hợp hơn cho người đồng hương lưu vong của tôi, người đã chọn đến ăn ở quán sinh viên do muốn trung thành với gốc gác của mình bởi lẽ bà có khả năng mua tiền mặt cả chỗ ngồi cả hết thảy khách ăn có mặt lúc đó. Bà không bao giờ tiết lộ tên thật của mình, lúc nào tôi cũng chỉ biết bà dưới cái biệt hiệu khó đọc mà đám sinh viên Mỹ la-tinh đặt cho bà: Frau Frida. Lúc ấy, tôi vừa mới được giới thiệu với bà thì phạm ngay một lỗi thất lễ là hỏi bà làm sao có thể sống được ở một nơi xa cách và khác biệt với những mỏm đá lộng gió của xứ Quindio đến thế, và bà trả lời ngay:
“ Tôi nằm mộng để có lương.”
Thực tế, đó là nghề nghiệp duy nhất của bà. Là con thứ ba trong số mười một người con của một thương gia giàu có của xứ Caldas cổ, ngay từ khi mới biết nói, bà đã tạo nên một thói quen tốt trong gia đình là thuật lại những giấc mơ của mình ngay khi mới ngủ dậy, chưa ăn uống gì, là lúc mà tính chất sấm truyền của các giấc mơ đang ở trạng thái thuần khiết. Lúc lên bảy, bà nằm mơ thấy một trong các anh em bị dòng nước cuốn trôi. Chỉ vì mê tín sùng đạo, bà mẹ cấm tiệt con trai không được tắm sông. Nhưng Frau Frida lại có hệ thống tiên đoán riêng của mình:
“ Giấc mơ trên không tiên đoán là anh sẽ chết đuối, mà là không nên ăn kẹo. ”
Lời tiên đoán này dường như là một sự sỉ nhục đơn thuần đối với cậu bé năm tuổi, cậu làm sao sống được nếu không có những viên kẹo vào ngày chủ nhật. Bà mẹ lại tin vào tài năng tiên đoán của con gái, yêu cầu tuân thủ tuyệt đối sự cảnh báo. Nhưng còn cậu nhỏ, lợi dụng phút lơ đễnh của mẹ, đã ăn lén một viên kẹo quế và bị hóc, không sao cứu được.
Frau Frida chưa hề nghĩ tới việc biến khả năng tiên đoán đó thành một nghề kiếm ăn cho đến khi đời sống khiến cô ngạt thở với những mùa đông khắc nghiệt ở Vienne. Lúc đó, cô mới đi gõ cửa xin việc ở bất kỳ nhà nào mà cô nghĩ là sống được. Người ta hỏi cô làm được việc gì và cô nói thật: “ Nằm mộng “. Chủ nhà hài lòng với lối giải thích vắn tắt đó và đồng ý mướn cô với khoản thù lao đủ cho những chi tiêu tằn tiện, thêm vào đó, cô được ở một căn phòng xinh xắn, cơm ngày ba bữa - đặc biệt là bữa điểm tâm, là thời gian cả gia đình ngồi xuống để biết được tương lai gần nhất của mỗi người vào ngày hôm đó: ông bố, một nhà tài chính lỗi lạc, bà mẹ, một phụ nữ vui tính, say mê nhạc thính phòng lãng mạn, và hai đứa con, mười một và chín tuổi. Cả nhà đều sùng đạo, và do vậy, đều có xu hướng mê tín từ lâu. Họ nồng nhiệt đón tiếp Frau Frida và chỉ mong ở cô mỗi một việc là giải thích giấc mộng của cô để tiên đoán số mệnh hàng ngày của gia đình.
Cô làm việc đó khá tốt và lâu dài, nhất là trong những năm chiến tranh, thời gian mà thực tế còn bi thảm hơn ác mộng. Chỉ mình cô có quyền quyết định, lúc ăn điểm tâm, việc mỗi người trong nhà phải làm hôm đó, và làm như thế nào, cứ thế, những lời tiên đoán của cô trở thành quyền lực tối cao trong nhà. Ảnh hưởng của cô đối với gia đình trở nên tuyệt đối: ngay cả tiếng thở dài nhẹ cũng phải theo lệnh của cô. Thời gian tôi quen biết cô ở Vienne, ông chủ nhà vừa mới qua đời và đã ưu ái di tặng cô một phần tài sản, với điều kiện cô phải tiếp tục nằm mộng cho gia đình ông cho đến khi nào cô không nằm mộng được nữa.
Tôi lưu lại Vienne hơn một tháng, cùng chia sẻ hoàn cảnh thiếu thốn với các sinh viên, trong khi chờ một khoản tiền gởi chẳng bao giờ đến. Những lần viếng thăm bất ngờ và sự hào phóng của Frau Frieda tại quán ăn giống như những buổi yến tiệc đối với chế độ ăn uống kham khổ của chúng tôi. Một tối kia, trong cơn sảng khoái có chút men bia, cô đã thì thầm vào tai tôi, với sự tin chắc không cho phép chậm trễ:
“ Tôi đến đây để báo với bạn là tối qua tôi đã nằm mộng thấy bạn. Bạn phải rời nơi đây ngay và đừng trở lại Vienne trong vòng năm năm tới!”
Cô tỏ ra tin chắc đến mức ngay tối hôm đó, tôi đáp chuyến tàu cuối cùng đến Rome. Và tôi cũng bị ám ảnh bởi điều đó nên từ dạo ấy tôi cứ tự coi như là người sống sót cuối cùng thoát khỏi một tai ương mà thực ra chưa hề xảy đến với tôi. Tôi vẫn chưa dám trở lại Vienne.
Trước khi xảy ra cơn tai biến ở La Havane, tôi có gặp lại Frau Frieda ở Barcelona, trong một tình huống bất ngờ gần như là huyền bí đối với tôi. Hôm đó Pablo Neruda (1) đặt chân lên đất Tây Ban Nha lần đầu tiên kể từ khi xảy ra cuộc nội chiến, nhân lúc dừng chân tạm trong chuyến du lịch đường biển đến Valparaíso. Ông đã cùng chúng tôi lục lọi các hiệu sách cũ suốt buổi sáng, và đến tiệm Porter, ông mua được một cuốn sách cũ, sờn gáy, phai bìa, mà ông phải trả với số tiền không kém hai tháng lương làm lãnh sự ở Rangoon. Ông di chuyển giữa đám đông như một con voi bị thương, biểu lộ sự thích thú trẻ con về sự vận hành bên trong mỗi sự vật, bởi ông nhìn thế giới như một món đồ chơi cơ khí vĩ đại, giúp ông khám phá cuộc sống.
Tôi chưa từng thấy một người nào gần giống hơn với cái ý tưởng mà ta nghĩ về một vị Giáo hoàng thời Phục hưng: phàm ăn và thanh tao. Tuy không hề mong đợi, lúc nào ông cũng chủ toạ bàn ăn. Vợ ông, bà Matilde, quàng vào cổ ông một cái khăn ăn trông giống như khăn quàng khi hớt tóc hơn là khi ngồi ăn, nhưng chỉ có cách đó nước xốt mới khỏi vương vãi khắp người ông. Hôm đó, ở tiệm Carvalleiras, ông thật tiêu biểu. Ông ăn cả ba con tôm hùm, bóc vỏ chúng với nghệ thuật của một nhà phẫu thuật, mắt nhìn hau háu qua dĩa các thực khách khác, và, bị khuất phục bởi thói tham ăn đưa tới sự thèm thuồng, ông bổ vào hết dĩa này đến dĩa khác: món sò Galice, sen biển Bilbao, tôm hùm Alicante, hải sâm Costa Brava. Trong thời gian đó, theo lối những người Pháp, ông chỉ bàn về những tinh tế của nghệ thuật ẩm thực, giơ lên cao những sợi râu tôm hùm Chili, rồi nói thầm với tôi:
“ Có người nào sau lưng tôi cứ nhìn tôi nãy giờ đấy!”
Tôi liếc nhìn qua vai ông: đúng thế. Đằng sau ông, cách ba bàn, một phụ nữ không e dè, đội chiếc mũ phớt lỗi thời, cổ quàng khăn tím, đang chậm rãi ăn, mắt dán chặt vào ông. Tôi nhận ra bà ta ngay. Bà ta già đi, và mập ra, nhưng chính là bà, với chiếc nhẫn hình rắn trên ngón tay trỏ.
Bà từ Naples đến trên cùng chiếc tàu với ông bà Neruda, nhưng trên tàu họ không nhìn thấy nhau. Chúng tôi mời bà qua ngồi cùng bàn uống cà phê, và tôi xin bà kể về những giấc mộng, cốt để làm nhà thơ ngạc nhiên. Tuy nhiên ông chẳng hề chú tâm và tuyên bố thẳng thừng rằng ông không tin những chuyện đoán giải mộng.
“ Chỉ có thi ca có cái nhìn thấu suốt!”, ông nói.
Sau buổi ăn trưa, trong cuộc đi dạo không tránh được trên đường Ramblas, tôi cố ý đi chậm lại sau với Frau Frieda để cùng nhắc lại những kỷ niệm mà không tiện cho người khác nghe. Bà kể là bà đã bán hết điền sản bên Áo để về sống ẩn dật ở Porto, trong một căn nhà mà bà miêu tả như một lâu đài nằm cheo leo trên đồi, từ nơi này có thể nhìn thấy cả đại dương, tít tận châu Mỹ. Bà chẳng nói rõ với tôi, nhưng qua câu chuyện bà tiết lộ rằng cứ qua từng giấc mộng, bà đã thu tóm hết tài sản của những người chủ lừng danh của bà ở Vienne. Tôi không ngạc nhiên quá mức bởi tôi từng nghĩ chuyện giải đoán điềm mộng của bà chỉ là một mưu kế giúp bà sinh tồn. Tôi nói với bà như thế.
Bà bật lên cười, nụ cười không kềm chế được. “ Anh lúc nào cũng ngang ngược”, bà nói. Thế rồi bà im bặt, vì cả đám đã dừng lại để đợi Neruda kết thúc cuộc nói chuyện bằng thứ tiếng lóng Chili với những con vẹt. Khi chúng tôi tiếp tục câu chuyện, Frau Frieda đổi đề tài:
“ À này, anh có thể trở lại Vienne rồi đấy.”
Lúc này, tôi bỗng nhận ra là đã mười ba năm trôi qua kể từ lần chúng tôi mới gặp nhau.
“ Ngay cả nếu các giấc mộng của bà trật lất, tôi cũng không trở lại nơi đó, tôi nói. Chẳng ai biết được ra sao.”
Lúc ba giờ, chúng tôi từ biệt bà để đi theo Neruda vào giấc ngủ trưa thiêng liêng của ông. Ông ngủ ở nhà chúng tôi sau khi chuẩn bị rất trọng thể khiến nghĩ tới nghi thức uống trà ở Nhật Bản. Có mấy cửa sổ phải mở ra, mấy cái khác khép lại để tạo nhiệt độ hoàn hảo, với ánh sáng chừng mực theo một hướng nào đó, và một sự yên lặng tuyệt đối. Neruda rơi vào giấc ngủ ngay và thức giấc sau mười phút, y như trẻ con, vào lúc chúng ta ít chờ đợi nhất. Ông xuất hiện nơi phòng khách, tươi tỉnh, vết hằn của chiếc gối trên má.
“ Tôi đã mơ thấy người đàn bà chuyên nằm mộng đó”, ông nói.
Matilde muốn ông thuật lại giấc mộng.
“ Tôi mơ thấy bà ấy nằm mơ về tôi, ông nói.”
- Đấy là chuyện của Borges (2) rồi, tôi đáp lại.
Ông nhìn tôi thất vọng.
“ Chuyện đó có người viết rồi à? “
- Nếu chưa viết thì có ngày ông ta sẽ viết thôi. Đó sẽ là một trong những mê cung (2) của ông ta. “
Lúc sáu giờ chiều, ngay khi lên tàu, Neruda cáo từ chúng tôi, đến ngồi nơi một cái bàn riêng, bắt đầu viết những câu thơ tinh khiết, nhúng ngòi bút vào thứ mực xanh ông thường vẽ hoa, vẽ cá, vẽ chim, thay cho lời đề tặng các tác phẩm của mình. Khi nghe tiếng còi hụ lần đầu, chúng tôi đi tìm Frau Frieda và thấy bà trên cầu tàu hạng nhì vào lúc chúng tôi sắp rời đi mà không kịp từ biệt bà. Bà cũng ngủ trưa vừa mới dậy.
“ Tôi nằm mộng thấy ông thi sĩ,” bà bảo chúng tôi.
Ngạc nhiên, tôi yêu cầu bà thuật lại giấc mộng.
“ Tôi nằm mộng thấy ông ấy nằm mộng về tôi”, bà nói, sững sờ vì cái nhìn ngạc nhiên của tôi, bà nói tiếp: “ Bạn muốn gì nữa, trong số các giấc mộng, có lúc cũng có khi mộng chẳng liên quan gì với thực cả.”
Tôi không còn gặp lại bà nữa và cũng chẳng bận tâm về số phận của bà, cho đến cái ngày tôi nghe tin có người đàn bà đeo nhẫn hình rắn chết trong vụ tai biến ở khách sạn Riviera. Tôi không thể cầm lòng không hỏi ông đại sứ Bồ Đào Nha vào lúc tôi có cơ hội làm quen ông, mấy tháng sau đó, trong một buổi tiếp tân ngoại giao. Ông đại sứ nói về bà đầy sôi nổi với lòng ngưỡng mộ hết mức. “ Ông không thể tưởng tượng bà ấy phi thường đến thế nào, ông nói. Hẳn là ông không thể không viết một câu chuyện về bà.” Và ông tiếp tục nói cùng một giọng điệu như thế, với những chi tiết bất ngờ, nhưng chẳng có chi tiết nào cho phép tôi đi đến một kết luận dứt khoát.
Cuối cùng tôi hỏi ông: “ Vậy thì, nói cụ thể ra là bà ấy đã làm gì!”
“ Chẳng làm gì cả, ông đáp, giọng chán chường. Bà ấy chỉ nằm mộng.”
Tháng ba, 1980.
————-
(1) Pablo Neruda, Nhà thơ Chile ( 1904 - 1973 ), Giải Nobel Văn học 1971.
(2) Borges, tức là Jorge Francisco Isidoro Luis Borges Acevedo, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng người Argentine ( 1899-1986 ). “ Mê cung “ là một trong những chủ đề quen thuộc, bên cạnh giấc mộng, thư viện, triết học, tôn giáo, được đề cập trong các truyện ngắn của ông, nhất là trong tuyển tập “ Ficcionnes “ ( Hư cấu ), xuất bản năm 1944.
THÂN TRỌNG SƠN dịch
( tháng 4/2019)
theo bản tiếng Pháp của Annie Morvan
( Trong cuốn Douze Contes vagabonds,
trang 59-65. NXB Grasset, 1995. )
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire