Truyện ngắn
Thiết Ngưng ( Tie Ning 铁凝 )
( 1957 - )
Sinh năm 1957 tại Bắc Kinh, quê quán Hà Bắc, trong một gia đình nghệ sĩ, cha hoạ sĩ, mẹ giáo sư âm nhạc. Năm lên bốn, cả nhà trở về quê, Thiết Ngưng học hết bậc trung học ở đây, thời kỳ xảy ra cuộc cách mạng văn hoá. Năm 1975, học xong trung học, cô gái trẻ Thiết Ngưng về lao động nơi một nông trại ở quê nhà.
Lúc này, Thiết Ngưng đã bắt đầu viết văn, truyện ngắn “ Chiếc liềm biết bay “ ( 会飞的镰刀, hội phi đích liêm đao ) đăng trong Tạp chí văn học nghệ thuật Bảo Định, được xem là truyện ngắn đầu tiên của nhà văn, mở đầu cho một số truyện khác, sáng tác trong thời gian lao động này.
Năm 1979, Thiết Ngưng về làm biên tập viên chuyên mục văn học cho Tạp chí Hoa Sơn ( 花山 ), từ đây bắt đầu tham gia nhiều hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, để năm sau, cho xuất bản tuyển tập truyện ngắn đầu tiên.
Năm 1982 đánh dấu thành công ở tuổi 25 của nhà văn trẻ khi cô cho in truyện ngắn “ Ồ, Hương tuyết “ ( 哦,香雪 ), lập tức gây tiếng vang lớn và đạt “ Giải thưởng những truyện ngắn hay nhất Trung quốc năm 1982 “.
Những năm tiếp theo, Thiết Ngưng vẫn sáng tác đều đặn, hầu như năm nào cũng có tác phẩm được xuất bản:
- 没有纽扣的红衬衫 ( Chiếc áo đỏ không cài cúc ), 1983, được chuyển thể thành phim, đạt các giải thưởng Gà vàng và Trăm hoa,
- 六月的话题, ( Đề tài câu chuyện tháng Sáu), 1984, chuyển thể thành phim truyền hình. Năm này, Thiết Ngưng được bầu làm Phó chủ tịch Hội nhà văn Hà Bắc. Năm sau, cô được bầu vào Ban chấp hành Hội nhà văn Trung quốc, tham gia phái đoàn các nhà văn sang Hoa Kỳ dự hội thảo văn học tại đại học Columbia,
- 麦秸垛 ( Mạch kiết đoá - ), 1986. 棉花垛 ( Miên hoa đoá ), 1986, 村路带我回家, ( Thôn lộ đái ngã hồi gia , Con đường làng dẫn tôi về nhà ), 1987.
Những truyện ngắn này đều viết về cuộc sống người phụ nữ ở nông thôn với vẻ đẹp chơn chất, số phận long đong, bất hạnh, nhưng luôn ý thức về vai trò của mình trong xã hội.
Tiểu thuyết đầu tiên của Thiết Ngưng là “ Cửa hoa hồng “ ( 玫瑰门, Mai khôi môn), xuất bản năm 1988. Sau đó là “ Thành phố không mưa “ (无雨之城, Vô vũ chi thành ), xuất bản năm 1994.
Thời gian này bà phải dành nhiều thời gian hơn cho công tác ở Hội nhà văn tỉnh và trung ương, liên tục xuất ngoại: sang Hoa Kỳ, thăm viếng và nói chuyện tại 13 tiểu bang (1995), Hong Kong, Israël, Triều Tiên (1998). Mãi đến năm 2000 mới in thêm một cuốn tiểu thuyết khác là “ Những người đàn bà tắm “ ( 大浴女, Đại dục nữ ), cũng đã được chuyển thể thành phim truyền hình. Câu chuyện của ba người phụ nữ, hai chị em và một người bạn, kéo dài từ thuở thiếu thời, rồi trưởng thành và tới tuổi trung niên, thời gian trong và sau Cách mạng văn hoá. Mỗi một nhân vật nữ sống vẫy vùng trong những mối quan hệ khó khăn về gia đình và tình cảm, cố giành lấy tự do cho bản thân. Lấy ý tưởng từ bức tranh “ Les baigneuses “ của hoạ sĩ người Pháp Ceanne, nhưng với một ý nghĩa tượng trưng là cuộc “ tắm gội linh hồn “ ( 灵魂的洗浴, linh hồn đích tẩy dục ), là quá trình trưởng thành của người phụ nữ trong một xã hội đầy sóng gió trong một giai đoạn lịch sử có quá nhiều biến cố.
Năm 2006, Thiết Ngưng được bầu làm Chủ tịch Hội nhà văn Trung quốc, là phụ nữ đầu tiên và người trẻ nhất giữ cương vị này, mang đến triển vọng nhiều thay đổi. Đến năm 2011, bà tái đắc cử chức vụ này.
***
Truyện ngắn “ Dưới gốc cây “ giới thiệu dưới đây tiêu biểu cho chủ đề và văn phong quen thuộc của nhà văn nữ Thiết Ngưng. Đây là chân dung phác hoạ xã hội Trung quốc vào đầu thiên niên kỷ thứ hai. Hai nhân vật chính, Vu và Hạng Châu Châu đều là học sinh trung học xuất sắc, nhưng về sau, Vu chỉ là giáo viên trường làng, nghèo khó và đầy mặc cảm, trong khi cô bạn ngày càng thăng tiến trong sự nghiệp chính trị. Còn các bạn khác, cũng có bạn lao vào buôn bán làm ăn nên giàu có vượt bực. Trước sau Vu vẫn tỏ ra hay ngại ngùng, dè dặt, còn Hạng Châu Châu, tuy nay nhiều uy thế, quyền lực nhưng vẫn cởi mở và dễ mến. Tác giả miêu tả xã hội với những sự kiện như xảy ra, không có ý phê phán, chỉ trích gì. Câu chuyện kết thúc nhẹ nhàng, bằng những suy tư chân thành của nhân vật. Tính hiện thực vừa cay đắng vừa ngọt ngào, cuộc sống êm ả trôi qua, thế thôi!
*****
Ảnh Thiết Ngưng
I.
Vu thường vẫn không thích tham dự những buổi họp mặt với bạn học cũ, hoặc những sinh hoạt đại loại như thế. Giờ đã năm mươi tuổi rồi, những thứ này có nghĩa lý gì đâu? anh thường nói vậy với người thân, bằng một giọng dè bỉu. Theo anh, nói bạn đồng môn, tức là nhắc đến thời trai trẻ, và như thế họp bạn đồng môn chỉ hấp dẫn bọn trẻ thôi.
Vậy mà cách đây ba, bốn năm gì đó, Vu đã phải một lần tham dự buổi hội ngộ bạn cũ thời trung học. Người tổ chức là anh chàng hồi đi học có biệt danh là Sói Con. Dạo đó hắn gầy như cây sậy, nhưng đầy sức sống. Gần đây, nhờ làm ăn buôn bán mà phất lên, tuy vẫn cứ gầy và tràn trề năng lượng. Sói Con tha thiết muốn gặp Vu để mời anh đi dự họp lớp, hắn tìm kiếm rất lâu, cuối cùng mới tìm ra anh tại một trường trung học ở ngoại ô. Khi đến tuổi trung niên, Vu cắt đứt hết mọi liên lạc với bạn cũ thời trung học, bây giờ có vợ và hai con, anh là giáo viên dạy tiếng Trung tại một trung học. Anh và Sói Con lâu lắm không gặp nhau, nhưng ngay khi Sói Con xuất hiện ở phòng giáo viên, cả hai nhận ra nhau ngay.
Ông thấy chưa, tôi tìm ra ông rồi! Sói Con bảo anh. Vu cười cười, xoa hai tay dính đầy phấn, không biết nói gì. Sói Con nhắc đến buổi họp lớp và nói tất cả bạn cũ thời đó, dù ở chân trời góc biển nào cũng đã trả lời hưởng ứng, chỉ trừ anh thôi. Xa xôi hả, Tân Cương có xa không? Vậy mà, lần này X ( hắn nhắc tên một người bạn ) sẽ từ Ürumqi (1) chắc chắn sẽ tới đó. Hải Khẩu xa lắm chứ gì? Thế mà Y ( hắn nhắc tên một bạn khác ) cũng sẽ tới nữa đó. Và rồi, còn có Hạng Châu Châu - Sói Con tiếp - ông còn nhớ nàng này, hẳn rồi. Đây là đối thủ trực tiếp của ông trong các bài luận văn, bao giờ cô ấy cũng kém ông hai điểm lúc thi học kỳ. Hiện nay, cô là phó giám đốc sở ngoại thương của tỉnh, cô đã chính thức nhận lời và sẽ đến dự sau khi kết thúc phiên họp quan trọng ở sở. Vậy thì, Vu ơi, ông không thể nào từ chối được, ai cũng biết ông là người xuất sắc nhất nhóm mà. Thực ra, câu nói này lại làm phật ý Vu, anh cho đó là lời chế giễu.
Tuy vậy, lần đó anh vẫn đi dự, có lẽ để gặp Hạng Châu Châu. Anh nhớ lại dáng đi đặc biệt của nàng thời đi học, với vầng trán cao, đôi môi mịn màng, cái bím tóc buộc chặt, lưng đeo chiếc cặp bằng vải thô phai màu.
Thuở đó, tự Vu cho mình là đối thủ của nàng, bọn trong lớp chẳng đứa nào bén gót chân hai người. Vu thường nghĩ mình vượt hẳn các bạn. Một hôm, thầy giáo đem ra đọc trước lớp bài làm của Hạng Châu Châu với lời khen ngợi. Tới buổi học sau, Vu viết liền một hơi hai bài luận văn về hai đề tài khác nhau, bài nào cũng hóc búa, rồi đưa cho bạn đại diện lớp, như muốn chứng minh Hạng Châu Châu không thể trội hơn anh được. Tài năng xuất chúng khó tin đó được đánh giá đúng mức, thầy giáo khen ngợi, bạn bè ngưỡng mộ. Vu từng có ao ước trở thành nhà văn.
Vu nhớ lại có lần mấy bạn tranh luận nhau về những nhà văn nổi tiếng, Vu nhắc đến tên Dostoïevski, và Hạng Châu Châu hỏi anh ngay: Là ai vậy? Anh vội vàng đọc lại rất nhanh tên nhà văn, và cô bạn nói anh đọc lại chậm hơn được không. Vu cảm thấy tự hào về mình, và trong thâm tâm, anh vẫn còn cảm thấy như thế khi nhớ lại chuyện này. Vài chục năm sau, hồi tưởng thời trung học huy hoàng, thầy giáo khiêm tốn là anh đây vẫn còn nhớ rõ nét mặt của Hạng Châu Châu khi nàng hỏi anh: là ai vậy? Ôi, chuyện lâu quá rồi! anh nhớ lại, thở dài.
Vào buổi họp mặt do Sói Con tổ chức, Hạng Châu Châu đến trễ, sau giờ hẹn đến sáu tiếng đồng hồ. Có mặt trong một phòng riêng tại một tiệm ăn trung bình, khoảng một chục bạn đang lắng nghe Sói Con nói chuyện qua điện thoại với Hạng Châu Châu, vấn đề là cô bận dự một cuộc họp ở cơ quan. Họp xong là nàng tức tốc đi đến khi đường đang kẹt xe. Thế là mọi chuẩn bị cho bữa ăn trưa bị đẩy xuống cuối buổi chiều. Ai cũng cảm thấy cái bụng rỗng không, vậy mà Sói Con chỉ gọi cho mỗi người một dĩa mì sợi, và bảo ráng chờ tí nữa, hắn nói, trong đám này, Hạng Châu Châu là người có vị trí công tác quan trọng nhất. Vu nghĩ thầm, sao lại thế được, chả lẽ vì cô ấy quyền cao chức trọng nên có thể bắt mọi người phải đói mốc đói meo trong khi chờ cô tới sao? Đây toàn là bạn học cũ, chứ đâu phải là thuộc cấp của cô! Nghĩ tới đây, nhiều lần anh muốn đứng dậy bỏ về, nhưng thấy các bạn say sưa, có vẻ nhiệt tình, trong khi chờ đợi, và lợi dụng thời khắc này để kể cho nhau về cuộc sống hiện tại của mình. Tất cả đều còn đó, kể cả các bạn đến từ Tân Cương, Hải Khẩu. Vu khó mà rút lui được. Nghe họ nói chuyện kiểu nhát gừng, anh thấy phần lớn là những kẻ xoàng xĩnh, đề tài câu chuyện tẻ nhạt, vô duyên, mà thực ra anh cũng đoán trước họ chỉ là vậy thôi. Nhưng anh cũng tin một điều là mức sống của anh thấp kém thua họ nhiều, điều này anh cũng đoán trước như vậy. Chẳng hạn, hiện anh đang thuê một căn hộ hai phòng, không có hệ thống sưởi, vợ anh là một nông dân anh đem về sau thời gian đi lao động cưỡng bức ở thôn quê, và hiện thời mỗi ngày kiếm được chút đỉnh bằng công việc quét dọn khu chợ quê gần nhà. Các bạn anh không biết gì việc này. Anh nghĩ, chẳng cần để họ thương cảm chuyện này, ích gì đâu? Chỉ đến khi nói đến thế hệ đang lớn Vu mới thấy hào hứng hơn. Con trai, con gái anh đều rất mực thông minh, cậu trai đầu vừa vào được đại học, khoa kinh tế, con gái đang học trung học, nhưng Vu thấy nó có óc tưởng tượng tuyệt vời. Anh nhớ lại dịp dắt tay con đi dạo, lúc đó nó mới lên hai. Anh chỉ tay lên bầu trời đầy sao và hỏi con đấy là cái gì, và con gái trả lời trên trời đầy cả những hạt gạo trắng tinh! Nghe đứa bé nói sao trời là những hạt gạo trắng, Vu tự nhủ, ai chẳng nghĩ nó là nhà thơ...
II.
Vu chưa kịp kể về con mình cho các bạn nghe thì xe của Hạng Châu Châu đã tới và tạo ra một làn sóng phấn khích ở mọi người, ngay cả Vu cũng nghĩ là không gian trước mặt nàng bỗng rực sáng hẳn lên. Hạng Châu Châu, bạn không thay đổi gì hết, rộ lên tiếng reo đồng loạt. Nhưng phải hơn thế nữa: đơn giản là vì, so với các bạn khác trong lớp, nàng vượt trội, vượt trội hẳn, có cái gì đó vượt lên hẳn, vậy thôi... cả lớp, Vu cũng vậy, đều thấy giữa nàng với họ khác biệt nhau lắm. Nàng đứng đó, trước mặt họ, dáng vẻ tươi tắn, thanh thản, không thấy chút nào là xa cách, mà cũng không dễ cảm nhận là nàng rất gần gũi. Nàng bắt tay từng người, và khi đến lượt Vu, nàng cố nhắc là đang nhớ lần anh viết hai bài luận văn trong lớp. Đến lúc ăn, Hạng Châu Châu cũng tỏ ra rất dễ mến, trong khi Vu thấy Sói Con đang nói những câu thô lỗ thì nàng tỏ ra chẳng bận tâm.
Chẳng hạn, hắn nói là tốt hơn hết mọi người nên nói chuyện học hành, nhưng nói chuyện học đại học chứ không phải lúc học tiểu học, đại học mới là siêu, chứ còn tiểu học thì ngu ngơ lắm, và như vậy chỉ có bạn thời trung học mới thân thiết nhau. Chuyện khác nữa là, hắn nói có được một người bạn đồng môn như Hạng Châu Châu thật là vinh dự cho cả lớp, giữa bạn bè khi có tuổi thế này mọi người có thể ủng hộ nhau, dìu dắt nhau, vv. ..., v.v. Vu tin chắc rằng Hạng Châu Châu cố ý không biểu lộ phản ứng gì, và nàng càng tỏ ra bất cần thì càng ra vẻ cao cả đối với người khác.
Khi ăn xong, Hạng Châu Châu nhờ nhân viên đi theo nàng trao cho mọi người món quà nàng chuẩn bị sẵn: những chiếc túi da thật để cất danh thiếp. Những thứ này đều thích đáng, Vu nghĩ, có điều là anh không có danh thiếp nên về nhà anh đem cho con gái.
Hai năm liền sau cuộc họp lớp đó, Sói Con còn tổ chức hai lần nữa, nhưng Vu không đi dự, anh cảm thấy bị tổn thương. Ai làm anh thấy tổn thương, Vu cũng không rõ. Hai lần sau đó, Sói Con đã lái chiếc BMW đến tận cửa nhà anh, nhưng hắn không đi xa hơn, có lẽ những gì hắn nhìn thấy đủ cho hắn quyết định như thế: sân nhà lồi lõm, con gái Vu tay đầy vết bầm tím, mấy con gà đẻ trứng nơi góc sân. Vu tự nhủ, chẳng có gì mặc cảm, sống ở ngoại ô nên mới nuôi được gà, con đang tuổi lớn, chúng cần ăn trứng. Còn những vết tím tái, đúng là cả vấn đề, con gái anh bị như vậy là vì nhà ở quá lạnh, và than đốt quá mắc.
Từ khi con trai vào đại học Bắc Kinh, hai vợ chồng phải vất vả lắm để trang trải chi tiêu hàng tháng, Vu bỏ thuốc lá, nhưng rồi tiền đâu mà mua than đốt? Vết bầm tím, là cả vết thương, khi gia đình có con gái... Tự an ủi mình, rồi tự lên án, Vu cương quyết từ chối đi dự, lộ rõ vẻ không lay chuyển, rốt cuộc, Sói Con không tới mời nữa. Một thời gian sau, Hạng Châu Châu thuyên chuyển từ nhiệm sở ở tỉnh đến làm phó thị trưởng thành phố nơi Vu sinh sống. Dạo này, gia đình Vu thường thấy nàng trên TV. Vợ Vu hỏi anh: cô thị trưởng này là bạn học năm nào với anh phải không? Vu xác nhận. Con gái hỏi tiếp: ở trung học hay đại học vậy ba? Vu đáp, ở trung học, bạn cùng lớp đó. À, trung học, cả hai cùng thốt lên, ở trung học thì hay hơn đại học, bạn bè thân thiết nhau hơn. Ngay lúc đó, vợ Vu nói: anh không thể đến thăm cô ấy, xin cấp cho chúng ta một căn hộ hai phòng có hệ thống sưởi sao?
Vu đáp, anh sợ là đến xin như thế không hay lắm. Con gái xen vào, đâu có phải là người lạ đâu ba, cô ấy học chung với ba ở trung học mà. Lúc này cả nhà đang ăn tối, ánh mắt Vu dừng lại trên đôi bàn tay con gái, chúng sưng vù lên, vài mảng tối sẫm, hoặc tím lại, đôi tai cũng bị cóng lên. Vậy mà con gái vẫn ăn ngon, chẳng thấy khó khăn gì, nó ngấu nghiến nuốt bát bột mì, mặt mày đỏ au lên. Nó chưa làm thơ, từ buổi tối lúc hai tuổi nó nói các vì sao là những hạt gạo trắng, và cũng chưa biểu lộ năng khiếu thơ ca gì cả. Nhưng nó rất xuất sắc về toán, và mới đây, nó tham dự một cuộc thi cấp tỉnh trong khuôn khổ thi giỏi toán dành cho học sinh trung học, nó đạt được giải nhì. Sau đó, về nhà nó nói với ba là mục tiêu của nó là vào học Đại học Bắc Kinh hay Đại học Thanh Hoa, chứ không học trường nào khác. Vu phải ủng hộ nó chắc rồi, nhưng ủng hộ cái gì đây. Làm sao để ít nhất nó được ngồi học trong căn phòng được sưởi ấm, để cầm bút tay không đau vì tê cóng. Năm tới là năm học cuối cùng bậc trung học rồi, năm học quyết định. Anh sẽ ủng hộ con cách nào đây trong lúc gay go này? Có lẽ anh phải đi gặp cô bạn học cũ, giờ này đã là thị trưởng.
Đi gặp nàng, không được sao? Dẫu sao, khi nàng xuất hiện trên TV là với tư cách quan chức cao cấp của thành phố, người bảo vệ nhân dân, còn anh, anh là dân thường thôi. Hơn thế nữa, anh có đi gặp cho riêng mình đâu mà là cho con gái, một tài năng như thế không thể là của riêng trong gia đình, đó là tài sản của nhân dân, tài sản quốc gia. Có gì là bất thường khi yêu cầu những điều kiện chỗ ở tốt hơn cho một cá nhân với năng lực đã thuộc về nhân dân, về quốc gia? Anh chợt nhớ ra sự cố xảy ra hai ngày trước: con gái anh ngồi học ban đêm, thòng chân vô lò lửa, lửa bén cháy đôi giày, hai chân may không hề hấn gì. Nếu căn hộ có hệ thống sưởi, con gái anh đâu phải cần tới bếp lửa để hong ấm chân. Càng nghĩ tới đó, anh càng quyết tâm với việc phải làm, và có chút ân hận là hai lần họp trước đã không đi dự. Đấy là phương cách lý tưởng để giữ đẹp mối quan hệ, nếu có cơ hội gặp nhau thường xuyên những dịp như thế, thì khi có việc cần nhờ, có phải là tự nhiên hơn không. Tuy thế, dẫu hai lần rồi anh không đi dự, Hạng Châu Châu cũng không thể chối bỏ rằng anh là bạn học cũ thời trung học. Nghĩ riết một hồi, cuối cùng anh dứt khoát sẽ đi gặp.
Vu không có điện thoai ở nhà. Ngày hôm sau anh đi làm sớm, đến trước các đồng nghiệp để có thể vào phòng giáo viên gọi cho văn phòng thị trưởng. Nhân viên hỏi tên và nơi anh làm rồi chuyển máy ngay cho Hạng Châu Châu. Phải công nhận là nói qua điện thoại, nàng tỏ ra rất thân thiện, nhưng thực tế. Sau vài câu thăm hỏi xã giao, nàng hỏi ngay là có thể giúp gì cho Vu không. Nghe vậy, Vu đáp ngay là không, chẳng có gì, không phải vậy đâu, và cứ lặp đi lặp lại mãi, làm như đã bị cáo buộc sai là muốn xin xỏ điều gì. Hạng Châu Châu nói là nếu anh có vấn đề gì và nếu nàng có thể giúp được thì nàng sẵn lòng. Vu mạnh miệng nói anh không có việc gì, chỉ muốn gặp nàng thảo luận vài chuyện. Hạng Châu Châu cho anh số điện thoại và địa chỉ nhà riêng, và mời anh khi nào rảnh ghé chơi. Vu lấy hết can đảm nói ngay tối nay được không. Sau một lát do dự, Hạng Châu Châu đồng ý. Vu gác máy ngay, lẹ làng hơn kiểu lịch sự đòi hỏi, anh quá sợ là nàng sẽ xem xét lại đề nghị của anh.
III.
Tối hôm đó, Vu đạp xe từ nhà anh, ở ngoại ô, đến nhà cô thị trưởng trẻ, mất năm mươi phút. Anh được một người hầu dáng vẻ thanh lịch dẫn vào phòng khách, Hạng Châu Châu xuất hiện, hai người ngồi trên hai ghế sofa đối diện nhau. Lúc đầu, Vu cảm thấy nóng bức, anh không để ý nên đã mặc áo quần và mang giày dày cộm. Ở nhà, không có hệ thống sưởi, anh cần mặc trang phục như vậy, vợ con anh còn đội mũ len suốt cả ngày nữa. Ngược lại, trong căn hộ ấm áp của cô thị trưởng, chỉ cần một chiếc áo mỏng là đủ, và Hạng Châu Châu đã ăn mặc như vậy: chiếc áo thun vải mỏng hở cổ. Vu nhận ra điều đó, trước anh chẳng để ý, cũng chẳng quan tâm xem đồ đạc trong phòng gồm những gì. Căn phòng rộng thênh thang, sàn nhà bóng loáng, có nhiều trái cây ngon lành đặt trong chiếc dĩa lớn, tách nước toả hương thơm chè xanh. Vu cảm thấy xa lạ mọi thứ, hay đúng hơn, anh càng cố thích ứng với khung cảnh và không gian đó thì càng mong cho câu chuyện vượt lên trên bầu không khí nơi cảnh vật và người ở đây. Anh bèn mở đầu chuyện văn chương.
Anh nhớ là thời đi học, nàng rất thích văn chương, và chính anh là người đầu tiên nói với nàng về Dostoïevski. Quả thực là Hạng Châu Châu ưa thích đặc biệt văn chương, nàng kể ra hàng loạt nhà văn đương thời, và các tác phẩm của họ, để hai người cùng thảo luận. Khi anh bày tỏ ý kiến riêng, anh để ý là nàng có vẻ bị thuyết phục.
Anh gợi ra vấn đề óc tưởng tượng nơi nhà văn, anh nói, theo anh nhiều nhà văn Trung quốc hiện nay thiếu óc tưởng tượng, phải nhờ đến người khác trong tác phẩm của mình. Anh dẫn ra một truyện ngắn của Mỹ anh vừa mới đọc. “ Băng nóng “ (2), mà anh cho là tràn đầy tưởng tượng. Chuyện một cô gái nhảy xuống hồ chết, bố cô bỏ xác vào tủ đông lạnh để giữ được vĩnh viễn. Khi kể lại chuyện này, anh chợt nghĩ đến con gái, và nghĩ đến nhiệm vụ anh phải làm tối nay. Anh cảm thấy có chút tội lỗi vì mãi hoài không đưa đẩy câu chuyện đến đề tài chính. Nhưng có thể là Hạng Châu Châu không biết đến truyện ngắn đó, chẳng lý do gì nàng phải biết rộng về văn chương như Vu, và cũng không nhất thiết phải hiểu rằng cuộc sống nhạt nhẽo không dính dáng gì tới sự cao thượng và phong phú của thế giới nội tâm của anh. Và anh phải kể tiếp tục chuyện vãn: [ anh kết thúc câu chuyện cô bé bị đông lạnh, một hôm cô được một công nhân của xí nghiệp điện lạnh phát hiện khi anh ta tình cờ mở tủ - anh ta cảm thấy dưới bàn lồng ngực còn nóng bên dưới những ngón tay, rồi hôm sau các ngón tay đan vào nhau.]
Vu rất cảm kích chuyện mình đang kể đến nỗi không sao dừng lại được. Có lúc anh nghĩ rằng mình đang có cơ hội lâu nay chưa hề biết để nói ra những điều sâu thẳm trong lòng, và anh cũng ngạc nhiên sao mình có lắm điều để giãi bày thế này. Không thể kềm chế được, anh lan man từ văn chương sang điện ảnh. Anh nhắc đến một cuốn phim anh vừa xem được ở phòng lưu trữ phim ảnh do được một học trò cũ mời. “ Cái chết của Mozart “. Anh nói, đây là phim về chuyện ganh tị. [ Anh kể chuyện nhân vật Salieri muốn gây ra cái chết cho Mozart để khỏi bị cản đường và mấy chục năm sau mới nhận ra rằng điều đó không thúc đẩy con đường sự nghiệp của anh ta chút nào.] (3)
Đến ngang đây, Vu uống một ngụm nước trà và nhận thấy, qua gương mặt của Hạng Châu Châu, có vẻ như nàng không chán mà lại bị cuốn hút bởi câu chuyện không dứt được của anh. Điều đó khiến anh hài lòng, nhưng đồng thời, anh thấy lo lắng. Chuyện căn hộ, đến lúc nào anh mới lên tiếng để hỏi xin căn hộ được?
Tuy nhiên, đúng ngay lúc này, Hạng Châu Châu lại thấy lôi cuốn và hỏi cuốn sách mới nhất anh vừa đọc là gì. Câu hỏi khiến anh quên mất chuyện căn hộ. Anh kể tên một tác phẩm của Trần Dần Khác ( 4 ), mà tiếc thay, Hạng Châu Châu chưa hề nghe tới. Vu thấy không sao vì hà cớ gì lại đòi một cô thị trưởng phải biết Trần Dần Khác là ai. Vậy là Vu lại tiếp tục nói dông nói dài, nói huyên thuyên về một loạt tác phẩm khác nhau [ về người phát minh ra các chất silicon, aspirine, insuline... ]
Và như thế, đề tài căn hộ cứ bị treo lại mãi.
Cứ nói mãi không dứt, anh nhận ra là càng lúc anh càng khó đi tới nơi cần đi, và trong tim anh đang ẩn nấp một anh Vu khác đang gây khó khăn cho anh. Mỗi lúc anh lại đề cập những đề tài rộng hơn, sang trọng hơn, và so sánh thì thấy đề tài căn hộ nông cạn hơn, tầm thường hơn, anh càng muốn lái sang nó, anh càng khó thành công. Vào lúc này, một bé gái khoảng bảy, tám tuổi, bước vào phòng khách, bé mặc bộ đồ ngủ mịn màng, có hoa nhỏ, ngái ngủ sà vào lòng Hạng Châu Châu và gọi mamy. Câu chuyện của Vu bị gián đoạn, anh ngạc nhiên nhìn đứa bé trong vòng tay nàng. Cô bạn mỉm cười nói do lấy chồng muộn nên nàng mới có con nhỏ như vậy. Cô bé nhắc cho anh thực tế: phòng khách, trái cây, tách trà thơm, người mẹ...
Giờ này đã mười một giờ, trễ quá rồi. Anh chưa nói việc của mình, nhưng không còn lý do ngồi lại nữa. Anh đứng dậy, Hạng Châu Châu đứng theo. Dựa vào kinh nghiệm và trực giác của mình, nàng đoán là anh đến nhờ nàng việc gì đó. Nàng hỏi lại: chắc chắn anh không có việc gì nói với tôi chứ? Ồ, không, không, không có gì, chắc chắn vậy, anh vừa nói vừa khoác tay và bước nhanh ra phía cửa. Có vẻ như hỏi lại lần nữa là thiếu lịch sự nên Hạng Châu Châu không hỏi nữa. Lúc ra ngoài, Vu thấy thật bối rối. Đầu óc lùng bùng, anh nới cổ áo để gió thổi mát. Đẩy chiếc xe đạp, anh đi vài bước trên đường, và dừng lại dưới gốc một cây keo. Anh đến nhà Hạng Châu Châu để hỏi xin căn hộ hai phòng có lò sưởi, và cả buổi chỉ nói lung tung đủ thứ chuyện. Băng nóng, Trần Dần Khác với Mozart thì có ăn nhập gì đâu. Họ liên quan gì đến cuộc sống của anh chứ? Anh nghĩ đến đứa bé ngái ngủ gọi Mamy. Nếu nó xuất hiện sớm hơn chắc là anh chuyển sang đề tài căn hộ tự nhiên hơn. Cái lối gọi Mamy khiến anh không thoải mái, chứng tỏ nó thuộc về thế giới cao cấp hơn. Con gái của anh có bao giờ gọi anh là Daddy đâu. Nhưng đâu phải vì vậy mà nó không vào được một trường đại học tốt hơn, có gì ngăn cấm nó đâu. Những ý nghĩ ám ảnh này như một tiếng kêu từ đáy lòng anh, khiến anh thấy suy sụp. Hay là tại Hạng Châu Châu? Không, nàng có từ chối anh điều gì đâu. Vậy thì tại sao? Vấn đề ở đâu ra?
Anh nghiệm ra rằng, chỉ do anh không thể hỏi căn hộ khi ngồi đối mặt Hạng Châu Châu. Anh ra đi lòng mang điều thỉnh cầu, giờ làm sao về nhà được khi nhiệm vụ chưa hoàn thành. Anh phải giải quyết cho xong. Vậy là anh đi tới gần cây dương hoè, như kiểu mấy người đi dạo mùa hè trốn nắng bằng cách núp dưới bóng cây. Anh cảm thấy khá hơn, tuồng như ngọn cây hoè đã bảo vệ anh, như một chiếc dù, chống lại cái nóng kinh người của đêm mùa đông này. Lúc ấy, lấy cái cây thay cho Hạng Châu Châu, anh ngỏ lời yêu cầu mà trước mặt nàng anh thấy khó nói nên lời. Thế là gỡ được gánh nặng đè lên con tim nãy giờ, anh cỡi lên xe đạp, rời ra xa.
Anh về đến nhà là gần nửa đêm. Anh đẩy xe vô sân, cố không gây tiếng động và thấy còn đèn sáng bên trong. Anh hiểu là vợ con anh chưa ngủ, chờ tin tức anh mang về. Anh đứng trong sân một lát, chưa vội bước vào, bởi bây giờ anh lại có một thỉnh cầu khác cũng khó nói không kém: anh chuẩn bị nói với vợ con là đừng bao giờ bắt anh đi gặp cô thị trưởng nữa! Anh không hiểu tại sao bỗng dưng anh phải thực hiện việc này. Phải chăng là đến tuổi anh, ai cũng tới bước này thôi? Anh tự nhủ, sang năm con gái anh vào đại học rồi, và chắc chắn sẽ rời khỏi nhà. Lúc đó nó sẽ được ở trong những toà nhà có hệ thống sưởi ở khu đại học. Trong nhà chỉ còn lại vợ chồng anh. Có chuyện gì đâu mà ầm ĩ! Tất cả rồi sẽ ổn cả thôi!
—————————
- thủ phủ của Tân Cương, phiên âm là Ô lỗ mộc tề.
- “ Hot Ice”, tác phẩm của nhà văn Hoa Kỳ Stuart Dybeck, đạt giải thưởng O’Henry năm 1985.
- Đây là phim Amadeus của Milos Forman (1984), kết thúc với việc Salieri tự sát và mong được Mozart tha thứ.
(4) 陈寅恪, Chen Yinke ( 1890-1969 ).
THÂN TRỌNG SƠN
dịch từ bản tiếng Pháp
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire