vendredi 14 juillet 2017
SỰ THẤT BẠI CỦA MỘT PHỤ NỮ
Truyện ngắn
LÃO XÁ
老舍 Lao She
( 1899 - 1966 )
Lão Xá, tên thật là Thư Khánh Xuân ( 舒庆春 ), sinh tại Bắc Kinh năm 1899, trong một gia đình gốc Mãn Châu.
Sau bậc tiểu học, trong hoàn cảnh mồ côi cha, đáng lẽ phải đi học nghề để sớm đi làm phụ giúp mẹ đỡ lo toan gánh nặng cho cả gia đình, Lão Xá thi vào trường sư phạm ở Bắc Kinh, nơi ông được ăn ở miễn phí và được cung cấp y phục và sách vở.
Năm 1918 tốt nghiệp, ông được bổ làm giám thị tại các trường ở Giang Tô và Chiết Giang. Ba năm sau, ông chuyển về công tác tại một trường tư ở Bắc Kinh. Năm 1919 nổi lên phong trào Ngũ Tứ của sinh viên, học sinh, trí thức, công nhân ( gọi tên như thế do ngày phát động là 4 tháng 5 ). Tuy không tham gia nhưng Lão Xá thừa nhận đã chịu ảnh hưởng nhiều từ những tư tưởng cách tân của thời kỳ này. " Phong trào này đã gợi mở một tinh thần mới và mang lại cho tôi một ngôn ngữ văn học mới. Tôi biết ơn phong trào đã giúp tôi trở thành một nhà văn." Tuy nhiên ông vẫn chú tâm vào việc dạy học và chỉ mới viết được những truyện ngắn đầu tiên.
Ông bắt đầu học tiếng Anh và chuyển sang sống tại Luân Đôn khi được nhận vào dạy tiếng Trung tại khoa Đông phương học của trường đại học thành phố này. Thời gian sống tại nước Anh giúp ông tiếp cận với nền văn học nghệ thuật rực rỡ của đất nước này. Ông đặc biệt yêu thích Charles Dickens (1) và chịu ảnh hưởng nhà văn này trong những cuốn tiểu thuyết ông viết vào thời gian đó: " Triết học của Lão Trương » (老张的哲学 ), " Triệu Tử viết " ( 赵子曰) và " Nhị Mã " (二马).
Năm 1929, Lão Xá rời nước Anh để đi Singapore, nơi ông lưu lại một thời gian ngắn, vừa đủ để cho ra đời một tiểu thuyết khác, về đề tài trẻ em: " Sinh nhật của Tiểu Ba " ( 小坡的生日 ).
Ngày 2 tháng 3 năm 1930, tại Thượng Hải, Lỗ Tấn thành lập Liên minh các tác gia cánh tả Trung Quốc ( 中国左翼作家联盟 - Trung quốc tả dực tác gia liên minh ) thu hút trên ba trăm nhà văn. Lỗ Tấn tuyên bố: " Chính trị là ưu tiên, nghệ thuật phải phục vụ chính trị ". Với tư tưởng độc lập, Lão Xá không tham gia và tránh mọi cuộc tranh luận. Ông trở về Sơn Đông, dạy tại các đại học Tề Lỗ và Tế Nam. Trong thời gian này, ông viết thêm các tác phẩm " Miêu thành ký " ( 猫城记 ), " Ly hôn " ( 离婚), " Lạc đà tường tử " ( 骆驼祥子 ).
Trong thời kỳ chiến tranh Trung - Nhật ( bắt đầu từ tháng 7/1937 ), Lão Xá được bầu làm chủ tịch của tổ chức các nhà văn và nghệ sĩ toàn quốc kháng Nhật (中华全国文艺界抗敌协会, Trung hoa toàn quốc văn nghệ giới kháng địch hiệp hội ) . Ông làm chủ biên tờ báo " Văn học kháng chiến ", tập san văn học tồn tại từ 1938 đến tháng 6/1945, đồng thời ông viết nhiều thơ, kịch và tiểu luận.
Năm 1946, Lão Xá, cùng nhà viết kịch Tào Ngu, được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mời sang nghiên cứu và sáng tác. Đây cũng là lúc ông khởi thảo cuốn tiểu thuyết với đề tài chiến tranh " Tứ đại đồng đường " ( 四世同堂 ), tác phẩm nổi tiếng được nhà văn Le Clézio (2) dịch sang tiếng Pháp với nhan đề "Quatre générations sous un même toit".
Tháng 12/1949, sau khi nước Cộng hoà nhân dân Trung hoa được thành lập, chính Chu Ân Lai mời ông về nước. Lão Xá trở thành một nhân vật có ảnh hưởng trong lĩnh vực nghệ thuật văn chương, là thành viên uỷ ban văn hoá giáo dục của chính phủ. Vở kịch " Trà thất " ( 茶馆 ) và một số tiểu thuyết, truyện ngắn khác, ra đời trong thời gian này.
Trong thời Cách mạng văn hoá, cũng như nhiều trí thức khác, ông bị gán tội " phản động " và bị ngược đãi, thể xác và tinh thần. Ngày 24 tháng 8 năm 1966, ba ngày sau khi ông bị hồng vệ binh bắt, tra khảo, đánh đập và dẫn đi ngoài đường phố, gia đình được thông báo là xác ông được tìm thấy ở hồ Thái bình, cảnh sát kết luận đây là một vụ tự tử.
Năm 1968, Lão Xá được chọn để nhận giải Nobel về văn chương. Trước khi công bố chính thức, để xác minh nguồn tin là ông đã qua đời, Đại sứ quán Thuỵ Điển đã viết thư cho nhà chức trách Trung quốc nhưng không được hồi đáp. Cuối cùng, trong số bốn ứng viên đạt giải còn lại, nhà văn Nhật Bản Kawabata Yasunari đã được chọn để lãnh giải.
Truyện ngắn được giới thiệu dưới đây có một ý nghĩa đặc biệt trong văn nghiệp của Lão Xá: đây là tác phẩm đầu tiên của ông thuộc thể loại ông ưa thích ( viết năm 1921, khi ông mới 22 tuổi ). Truyện là thể nghiệm ban đầu của một nhà giáo tập tễnh bước vào trường văn. Cùng với Lão Xá, nhiều nhà văn khác cũng khai thác thể loại truyện cực ngắn này ( được gọi là " tiểu tiểu thuyết (小小说) " ). Tuy nổi tiếng hơn nhờ vào tiểu thuyết, Lão Xá cho rằng độc giả thường dễ tính chấp nhận những cuốn truyện chưa hoàn hảo, còn với truyện ngắn thì khó khăn hơn nhiều.
Charles Dickens (1812 - 1870 ), nhà văn Anh, tác giả của những tiểu thuyết nổi tiếng " Oliver Twist ", " David Copperfield ", " Bleak House "...
Jean- Marie Gustave Le Clézio, thường được nhắc tới là J.M.G. Le Clézio, , nhà văn song tịch Pháp - Maurice, sinh năm 1940, giải thưởng Nobel Văn chương năm 2008.
Cơn gió bắc xua về phía trước những cuộn mây làm tối bầu trời giữa ngày nắng nóng. Chỉ mới hơn bốn giờ mà trong căn nhà nhỏ này đã tối sầm cả. Nàng ngồi trên ghế, đọc hết cả tờ tạp chí giải phóng, nhưng rốt cuộc cũng không hiểu báo nói chuyện gì. Xong việc, nàng vẫn ngồi đấy, đối mặt với gương soi, nhìn mông lung.
Cả châu thân chừng như ngập tràn buồn nản, thế rồi, một lát sau, nàng tưởng có tiếng giày da vọng từ ngoài sân, nhưng nàng chỉ khoan thai nhìn ra, thầm nghĩ âm thanh đó là thực tại nhưng không phải từ những người ở kế bên.
Có người gõ cửa, con chó nhỏ cất tiếng sủa thất thanh, khoảng sân mất đi phần nào vẻ đờ đẫn.
" Lan Hương! Em ra xem ai gõ cửa đấy!"
" Có lẽ anh bưu tá đem thư đến!" Lan Hương trả lời, giọng dứt khoát.
Cô trở vào, đọc lớn: " Phổ Am tự, số mười lăm, nữ sĩ Tần Tâm Diên, thư mùa thu."
Nàng vội vàng đứng dậy cầm lấy lá thư, chẳng biết làm sao để mở ra. Lan Hương vốn đã quen nhìn thấy nàng như thế, nay đặc biệt để ý nét biểu cảm trên gương mặt nàng.
Bất chợt, nàng hơi đỏ mặt, rồi dần dần trở lại nước da tái xanh; không muốn gây xáo động xung quanh khi biểu lộ cảm xúc, nàng quay đầu lại nói:
" Lan Hương, em vào pha trà nhanh đi!"
Nàng vẫn ở đấy, đứng tựa vào lưng ghế, không biết nghĩ thế nào, nhìn gương mặt tái xanh của mình trong gương, rồi bỗng bật lên cười cay độc và thét lên như phát rồ: " Mà tại sao mình lại phải khuất phục những áp lực của anh ta? Tại sao phải sẵn sàng làm vừa lòng, thậm chí là lấy anh ta? " Rồi nàng lại dịu dàng ngồi xuống.
Ngoài sân, vào ban ngày, đàn chim sẻ đua nhau ríu rít, bỗng đồng loạt bay vụt lên. Lan Hương mang trà vào.
" Lan Hương, em biết chứ, ta tin là trong vũ trụ, người ta thường phạm sai lầm khi buông mình theo lòng nhiệt thành. Ta có nên để lương tri mình bị giam hãm trong quy luật đó không? "
Lan Hương như một tiên nữ giáng trần.
" Cô nương ơi, hôm nọ, em gặp ông ấy ngoài đường. " Này các cô, ông ấy bảo em, quả thực các cô đều hoàn hảo, có điều là thiếu vài thứ trang sức, đúng là hay xao lãng đó! " cô nương, cho phép em đọc thư của cô nương nhé! "
" Vâng, Lan Hương, đọc cho ta đi!"
" A, cô nương ơi, chẳng những thiếu trang sức cho câu cú, mà thiếu cả giọng văn hồn nhiên chân thật, và đó là căn do khiến cô thất bại."
THÂN TRỌNG SƠN
dịch theo bản tiếng Pháp
của Brigitte Duzan
http://www.chinese-shortstories.com/Tres_courtes_nouvelles_Lao_She_L_echec_d_une_femme.htm
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire