vendredi 28 juillet 2017
CƠN BÃO
Truyện ngắn
Kate Chopin
Nhà văn Hoa Kỳ
( 1850 - 1904 )
Catherine O' Flaherty sinh năm 1850 tại Saint - Louis, Missouri, bố gốc người Ái Nhĩ Lan, mẹ gốc Pháp, lớn lên trong môi trường đa văn hoá, từ nhỏ đã nói tiếng Pháp đồng thời với tiếng Anh. Theo học bậc tiểu học và trung học tại một trường công giáo với các nữ tu. Ở nhà, được nuôi dạy bởi mẹ, bà, và bà cố. Sự giao tiếp thường xuyên với những người phụ nữ ở chung quanh giúp cô bé sớm có nhận xét về vai trò của phái nữ trong gia đình và xã hội, định hình cho những ý tưởng và quan niệm cá nhân của nhà văn tương lai.
Kate Chopin ( Kate là Catherine, Chopin là họ chồng ) chịu nhiều đau thương mất mát ngay khi còn nhỏ. Cha chết vì tai nạn đường sắt khi mới lên năm (1855), bà cố, người đã dạy cho cô tiếng Pháp và văn hoá Pháp, qua đời năm 1863. Trong thời Nội chiến Hoa Kỳ ( 1861 - 1865 ), cô lại mất thêm người anh ( tham gia đội quân của Liên minh miền Nam - Confederate - ).
Kate Chopin kết hôn năm 1870 với Oscar Chopin, một thương gia chuyên buôn bán bông vải, và cũng là người gốc Pháp ).Từ năm 1871 đến 1879, Kate Chopin sinh được 5 trai và 1 gái, và số phận rủi ro vẫn không buông tha, Kate lại chịu tang chồng năm 1882, chỉ sau mười hai năm chung sống. Trở thành quả phụ năm 32 tuổi, Kate Chopin vừa nuôi con, vừa tiếp tục công việc của chồng, và không tái giá.
Đây là chân dung Kate Chopin giai đoạn này, như ghi nhận của nhà phê bình Barbara Ewell:
" Kate là một người khá nổi bật và quyến rũ. Không cao lắm, có khuynh hướng mập ra, thực sự xinh đẹp, mái tóc nâu dày, dợn sóng, sớm điểm bạc, đôi mắt nâu sáng trong. Bạn bè nhớ nhiều nhất là thói quen im lặng và sự nhanh trí kiểu Ái Nhĩ Lan, thêm điểm nhấn là biệt tài bắt chước. Một bà chủ nhà duyên dáng, dễ tính, thích cười, thích âm nhạc và khiêu vũ, đặc biệt là kiểu nói chuyện thông minh, bà có thể diễn đạt quan điểm cá nhân với sự thẳng thắn đáng ngạc nhiên."
Sau khi chồng chết không lâu, Kate Chopin trở về sống tại St- Louis để con cái có điều kiện học hành tốt hơn. Năm 1885, đến lượt mẹ Kate Chopin qua đời.
Một bác sĩ sản khoa, cũng là bạn thân của gia đình, khuyến khích Kate viết văn, như là một liệu pháp chống buồn nản và cô đơn sau khi chồng và mẹ lần lượt đi xa. Nghe theo lời khuyên, Kate bắt đầu cầm bút và truyện ngắn đầu tiên của bà đã được đăng trên tờ St Louis Post Dispatch năm 1889, và một năm sau, bà hoàn thành cuốn tiểu thuyết At Fault.
Hơn mười năm tiếp sau đó, Kate Chopin vừa duy trì hoạt động xã hội, vừa không ngừng sáng tác, hoàn thành được trên dưới một trăm truyện ngắn. Truyện ngắn của Kate Chopin được công bố trên những tạp chí nổi tiếng như Vogue và Atlantic Monthly. Hai tuyển tập lần lượt ra mắt: Bayou Folk, 23 truyện (1894), A Night in Acadie, 21 truyện (1897). Giới phê bình có người cho là truyện chỉ có tính địa phương, chỉ phản ảnh những sinh hoạt tại vùng Louisiana và Missouri. Đến năm 1899, bà cho xuất bản cuốn The Awakening ( Tỉnh thức ), thu hút nhiều nhận định đánh giá trái ngược nhau. Một vài nhà phê bình khen ngợi tính nghệ thuật của tác phẩm, nhưng cũng không ít người cho là " nhàm chán ", " tầm thường", " không lành mạnh ", thậm chí " độc hại ". Tất cả chỉ vì Kate Chopin là người phụ nữ " đi trước thời đại ", thông qua các nhân vật của mình, bà đã bày tỏ quan niệm ( và phản ứng ) về gia đình, hôn nhân, ly dị, ngoại tình, nữ quyền, chống lại lề thói cổ truyền ( tradition ) và quyền hành ( authority ). ( Mà đâu chỉ trong tác phẩm, ngay trong sinh hoạt đời thường, Kate Chopin cũng tỏ ra " tiên phong " đấy chứ: thời còn sống tại New Orleans hay khi về một thị trấn nhỏ ở St- Louis, bà đã làm mọi người ngạc nhiên khi đi dạo một mình, hút thuốc, ăn mặc kiểu cách và cỡi ngựa hai chân hai bên. )
Kate Chopin qua đời đột ngột năm 1904, xuất huyết não.
Trong một thời gian dài, tác giả và tác phẩm bị lãng quên, ngoại trừ một số rất ít truyện được giới thiệu trong các tuyển tập xuất bản mấy năm sau khi tác giả qua đời.
Sự lãng quên ( bất công và đau đớn ) này kéo dài tới gần ... 70 năm, mãi cho đến năm 1969, khi nhà phê bình người Na Uy, Per Seyersted viết cuốn chuyên luận về tiểu sử của Kate Chopin với nhận định:
" ( Kate Chopin ) là nhà văn nữ đầu tiên trên đất nước mình nhìn nhận đam mê như là một chủ đề chính thống của tiểu thuyết nghiêm túc, công khai. Chống lại lề thói cổ truyền và quyền hành, với một sự táo bạo mà ngày nay chúng ta khó khăn mới thấu hiểu, với sự thành thực cương quyết, không có chút gì kích động, bà đảm đương việc nói lên sự thật không che đậy về mặt khuất của đời sống người phụ nữ. Bà như là người tiên phong đề cập thẳng thắn những vấn đề dục tính, ly dị, và sự thôi thúc của giới nữ mong muốn tồn tại thực sự. Trong nhiều khía cạnh, bà là một nhà văn hiện đại, nổi bật về nhận thức những phức tạp của sự thật và tính đa dạng của tự do."
Phong trào nữ quyền ở Mỹ phát triển ngày càng mạnh từ những năm 1960 tạo thuận lợi cho việc đánh giá về tài năng và cống hiến của Kate Chopin. Tác phẩm của bà được tái bản và giới thiệu trở lại.
Truyện ngắn Cơn bão ( the Storm ) giới thiệu dưới đây được viết năm 1898 nhưng tác giả không thể công bố ngay vì bà biết không nơi nào chịu in một truyện đề cập thẳng thắn và thẳng thừng về tình dục như truyện này. ( lần đầu tiên truyện xuất hiện trong The Complete Works of Kate Chopin, in năm 1969 ).
Ba nhân vật trong truyện, Calixta, Bobinôt và Alcée Laballière, cũng là nhân vật của truyện At the Cadian Ball, viết trước đó 6 năm, tuy nhiên hai truyện vẫn có thể được đọc độc lập. Những tên riêng nghe có vẻ rất Pháp, cũng như các nhân vật trong tiểu thuyết The Awakening: Edna Pontellier, Léonce Pontellier, Robert Lebrun, Adèle Batignole, Alcée Arobin... Những tên này nên đọc theo âm Pháp, đặc biệt là những tên có các âm tiết on, un, in, đọc với âm mũi ( nasal sound ), khác với tiếng Anh. Đọc tên tác giả Chopin cũng vậy.
Không những chỉ đặt tên Pháp, Kate Chopin còn chèn tiếng Pháp vào trong câu văn rất nhiều chỗ ( Ma foi, Dieu sait, Je vous réponds, Bonté...). Biện pháp này, ở những đoạn hội thoại, phù hợp với hoàn cảnh câu chuyện, không ảnh hưởng mấy đến việc đọc hiểu.
Thông thạo tiếng Pháp, thấm nhuần văn hoá Pháp, lúc sáng tác, Kate Chopin chịu nhiều ảnh hưởng của nhà văn Maupassant. Ở bậc thầy của thể loại truyện ngắn này, Kate Chopin nhận ra văn chương không phải chỉ là hư cấu, mà là chính cuộc sống, với những con người đang sống quanh ta. Nhà văn quan sát và ghi lại, trực tiếp và đơn giản, những gì mình nhìn thấy. Cũng như nhà văn Pháp, Kate Chopin thường viết lại, như kiểu ghi âm, những lời đối đáp của nhân vật với câu chữ, ngữ điệu nguyên thô, để người đọc tưởng mình đang nghe trực tiếp. Hãy thử đọc đoạn này, trích trong truyện Regret ( Nuối tiếc ) để thấy điều đó:
" T ain' ispected sich as you would know airy thing 'bout 'em, Mamzelle Aurlie. I see dat plainly yistiddy w'en I spy dat li'le chile playin' wid yo' baskit o' keys. You don' know dat makes chillun grow up hard-headed, to play wid keys? Des like it make 'em teeth hard to look in a lookin'-glass. Them's the things you got to know in the raisin' an' manigement o' chillun."
Một đặc trưng khác của Maupassant là cách kết cấu truyện ngắn, câu chuyện diễn tiến theo tâm lý nhân vật, tình tiết đan xen, và bỗng xoay sang một kết cuộc bất ngờ, tạo ngạc nhiên thú vị cho người đọc. Thủ pháp này biểu lộ rõ với truyện The Story of an hour ( Câu chuyện một giờ ), một trong những truyện ngắn hay nhất của Kate Chopin.
Có tin chồng của Louise bị tai nạn chết. Biết nàng bị bệnh tim nên người thân và bạn bè tìm cách báo tin khéo léo, tránh xúc động đột ngột. Ban đầu, nàng cũng đau đớn, vật vã khóc than, rồi rút về ngồi một mình trong phòng riêng. Nơi đây, khi bình tâm nhìn khung cảnh bên ngoài, dường như nỗi đau dần nguôi ngoai. Nàng quan sát những cảnh trí quen thuộc, mây bay, trời trong, cây xanh, mưa nhẹ hạt, nàng lắng nghe những âm thanh quen thuộc, tiếng rao hàng, tiếng nhạc, tiếng chim hót... Thế là một cảm giác lạ lùng, hân hoan, phấn khởi xâm nhập tâm hồn nàng. Nàng buột miệng nói: Tự do, tự do... và thanh thản nghĩ về tháng ngày dài phía trước. Nàng sẽ được tự do sống với sở thích và ước muốn của riêng mình.
Đến đây " câu chuyện một giờ " tưởng chừng kết thúc được rồi. Nhưng...
Ngay lúc này anh chồng bước vào: anh vẫn còn sống, vì trễ tàu! Khi nhìn thấy chồng trở về, Louise lăn ra chết. Bác sĩ kết luận nàng chết vì bệnh tim, vì quá vui mừng.
Câu chuyện kết thúc quá bất ngờ, để cho người đọc tiếp tục suy nghĩ: có phải thực sự Louise quá vui mừng mà chết không. Và từ đó mà bàn thêm những điều tác giả không nói, tình yêu giữa hai vợ chồng chẳng hạn...
Hiện nay, Kate Chopin được xem là một khuôn mặt lớn trong nền văn học Mỹ. Tác phẩm của bà đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng, kể cả tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Mã Lai, tiếng Á Rập... và tiếng Việt.
1. Lá cây phẳng lặng như tờ cho dù Bibi nghĩ là trời sắp mưa. Bobinôt, vốn đã quen trò chuyện với con trai nhỏ bé của mình bằng ngôn ngữ hoàn toàn bình đẳng, nhắc con chú ý nhìn những đám mây đen sẫm cuộn tới từ phía tây báo hiệu thời tiết xấu, kèm theo tiếng ầm ầm dữ dội đe doạ.
Hai cha con đang ở tiệm tạp hoá Friedheimer và định sẽ nán lại đó cho đến khi cơn bão qua đi. Họ ngồi phía bên trong cửa, trên hai cái thùng rỗng. Bibi bốn tuổi và trông có vẻ lanh lợi.
" Mẹ sẽ lo sợ lắm đấy", nó vừa nói vừa chớp mắt.
" Mẹ sẽ đóng cửa. Có thể mẹ sẽ nhờ cô Sylvie sang giúp chiều nay", Bobinôt đáp, giọng trấn an.
" Không, mẹ sẽ không nhờ Sylvie. Sylvie đã giúp mẹ chiều hôm qua rồi", Bibi nói lớn.
Bobinôt đứng dậy, đi tới quầy mua một lon tôm đóng hộp, thứ mà Calixta rất thích. Rồi anh quay lại chỗ ngồi của mình trên cái thùng và ngồi vô hồn, tay nắm hộp tôm, trong khi cơn bão bắt đầu bùng phát làm lay động chiếc rèm cửa bằng gỗ và hình như rạch những đường rãnh lớn nơi cánh đồng phía xa. Bibi đặt bàn tay bé nhỏ của mình trên đầu gối cha và không thấy sợ.
2. Ở nhà, Calixta không thấy lo ngại cho sự an toàn của hai cha con. Cô ngồi nơi cửa sổ phía một bên và mải miết đạp máy may. Cô quá bận rộn và không để ý cơn bão đang đến gần. Cô cảm thấy rất nóng nực và thỉnh thoảng phải ngừng tay để lau những giọt mồ hôi trên mặt. Cô nới lỏng chiếc khăn quàng màu trắng nơi cổ. Trời bắt đầu tối sẫm, cô chợt nhận ra tình hình nên vội đứng dậy đóng hết cửa sổ, cửa lớn.
Bên hiên ngoài, cô đã phơi quần áo mặc ngày chủ nhật của Bobinôt, cô chạy vội ra gom vào trước khi trời mưa xuống. Khi cô bước ra bên ngoài, Alcée Laballière cỡi ngựa đến trước cổng. Từ khi lấy chồng, cô ít khi gặp lại anh ta và không bao giờ gặp khi ở một mình. Cô đứng đấy, tay cầm cái áo khoác của Bobinôt; mưa bắt đầu rơi nặng hạt. Alcée cỡi ngựa đến chỗ trú ở mái hiên phía bên, nơi đàn gà con đang xúm xít và những cái cày, cái bừa chất đống bên góc.
" Tôi có thể vào hiên ngoài đợi cho đến lúc bão qua được không, cô Calixta? "
" Mời ông vào, M'sieur Alcée."
Giọng nói của ông và giọng nói của chính cô làm cô hoảng hốt như vừa ra khỏi cơn hôn mê. Cô nắm chặt cái áo của Bobinôt. Alcée bước lên hiên nhà, túm cái quần và chộp lấy cái áo vét có dãi viền vàng của Bibi suýt bị cơn gió mạnh đột ngột cuốn bay đi. Ông tỏ ý muốn đứng ở trước hiên, nhưng hiển nhiên như thế thì xem như ông đang ở ngoài trời: nước mưa dội mạnh vào các tấm ván lót sàn, ông bước vào bên trong, khép cửa lại sau lưng. Thậm chí phải chặn cái gì đó dưới cánh cửa để nước khỏi tràn vào.
" Chà! Mưa to quá! Dễ chừng hai năm nay mới có một trận mưa như thế này! ", Calixta thốt lên, tay cuộn tấm vải đang may, Alcée giúp cô nhét chúng vào một góc.
Cô trông có vẻ mập hơn so với lúc lấy chồng năm năm trước đây, nhưng vẻ rạng rỡ thì không kém chút nào. Đôi mắt xanh vẫn còn gợi cảm, và mái tóc vàng, mưa gió làm rối bù lên, bướng bỉnh bám chặt vào hai bên tai và thái dương.
Mưa dập vào mái lợp ván thấp ào ào dữ dội, đe doạ phá vỡ cánh cổng và ngập vào chỗ hai người. Họ đang ở trong phòng ăn, phòng khách, nhà bếp. Cạnh đấy là phòng ngủ của cô, chiếc giường nhỏ của Bibi đặt sát giường của cô. Cửa để mở, căn phòng với chiếc giường rộng màu trắng, các cánh cửa chớp khép kín, trông có vẻ mờ tối và đầy bí ẩn.
Alcée thả mình xuống chiếc ghế gỗ. Calixta bối rối nhặt dưới sàn nhà những mảnh vải bông cô đang may dở.
" Nếu cứ tiếp tục thế này, không biết mấy cái bờ đê có đứng vững được không?" Cô thốt lên.
" Cái gì khiến cô quan tâm đến những bờ đê đó?"
" Tôi phải quan tâm chứ! Bobinôt và Bibi sẽ gặp bão nếu họ chưa rời tiệm nhà Friedheimer."
" Cứ hy vọng đi, Calixta, Bobinôt đủ khôn ngoan để đối phó với cơn lốc ".
Cô đến đứng ở cửa sổ với vẻ mặt lo lắng. Cô lau khung của kính bị hơi nước làm mờ. Trời vẫn nóng ngột ngạt. Alcée đứng dậy, tới cửa sổ đứng gần và nhìn qua vai cô. Mưa vẫn như trút nước che mờ những căn nhà gỗ phía xa và phủ lên những cánh rừng một lớp sương mù xám. Những tia chớp vẫn loé lên không ngừng.
Một tiếng sét đánh vào một cây xoan cao bên rìa cánh đồng. Cả khoảng không gian trước mặt đều tràn ngập luồng ánh sáng chói loà và tiếng sấm nổ dường như phủ lên tấm ván chỗ họ đứng.
Calixta lấy tay che mắt, rồi khóc và loạng choạng lùi lại. Alcée quàng tay ôm lấy cô và kéo cô sát vào người mình trong chốc lát.
" Đừng!" cô khóc, vùng thoát khỏi vòng tay của ông và rời khỏi cửa sổ.
" Căn nhà đó không biết sẽ ra sao. Giá như tôi biết được Bibi đang ở đâu! " Nàng không thể tự trấn tỉnh, và không thể ngồi yên được. Alcée siết chặt bờ vai cô, và nhìn vào mặt cô. Sự cảm nhận cơ thể ấm áp, phập phồng của cô khi ông vô tình kéo sát cô vào vòng tay đã đánh thức trong ông niềm say mê và nỗi khao khát da thịt cô từ lâu.
" Calixta, ông nói, em đừng sợ. Sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu. Căn nhà ấy thấp lắm, lại có nhiều cây cao bao quanh, nó sẽ không bị gió lốc cuốn đi đâu. Thôi nào, bình tĩnh đi em!" Ông vuốt mớ tóc che khuôn mặt ấm áp của cô. Môi cô đỏ mọng và ướt như hạt lựu. Cái cổ trắng ngần và bầu ngực đầy đặn rắn chắc của cô làm ông rung động mãnh liệt. Khi cô ngước mắt nhìn lên, nỗi sợ hãi trong đôi mắt xanh trong của cô chuyển thành một tia sáng mơ màng vô tình tiết lộ sự khao khát nhục cảm. Ông cúi nhìn vào đôi mắt ấy và không thể làm gì khác là hôn lên môi cô. Nụ hôn nhắc ông nhớ đến kỷ niệm hôm lễ Thăng thiên.
" Em còn nhớ ngày lễ Thăng thiên không, Calixta?", ông hỏi, giọng thì thầm, xúc động. Ồ, cô nhớ chứ, hôm lễ Thăng thiên ông đã hôn cô, hôn và hôn mãi đến mất cảm giác, và để giữ gìn cho cô, ông đã tự đấu tranh mãnh liệt. Nếu ngày đó, cô không phải là con chim bồ câu trong trắng, cô vẫn không bị xâm phạm. Một sinh vật nồng nàn lấy chính sự yếu đuối làm phương thức bảo vệ đã ngăn cản không cho ông tìm cách chế ngự. Còn bây giờ đây, đôi môi, cái cổ tròn và trắng và bộ ngực còn trắng hơn của cô có vẻ như đang mời gọi.
Hai người không để ý đến cơn mưa như thác đổ và tiếng ầm ầm của sấm chớp khiến cô cười to khi cô đang nằm trong vòng tay ông. Cô là một hình ảnh phát lộ ra trong căn phòng mờ ảo, đầy bí ẩn kia, mình trắng muốt như chiếc ghế dài cô đang nằm lên trên. Da thịt rắn chắc, dẻo dai của cô lần đầu biết được quyền lực của mình, cũng giống như một cành hoa huệ trắng sữa mà ánh nắng mời gọi đem góp hơi thở thơm tho cho nhân sinh bất diệt.
Niềm đam mê của cô, không chút mưu mô, lọc lừa, giống như một ngọn lửa sáng xâm nhập và tìm được sự tương hoà ở nơi sâu kín của bản năng nhục cảm của ông, điều mà ông chưa từng đạt tới.
Khi tay ông chạm vào, bộ ngực cô run rẩy đê mê, mời gọi đôi môi ông. Miệng của cô là cả nguồn khoái cảm. Và khi ông chiếm hữu cô, họ như ngây ngất nơi ranh giới tận cùng của bí mật cõi sống.
Ông vẫn nằm bên trên cô, nín thở, ngẩn ngơ, kiệt sức, tim đập thình thịch. Cô đưa một tay ôm lấy đầu ông, môi hôn nhẹ lên trán ông. Tay kia vuốt nhẹ lên đôi vai rắn chắc của ông. Tiếng sấm rền ở xa rồi ngừng lại. Tiếng mưa rơi gõ nhẹ trên mái nhà lợp ván, đưa họ chìm vào giấc ngủ mơ màng. Nhưng họ không dám buông xuôi.
3. Cơn mưa đã tạnh, cả không gian xanh tươi mượt mà dưới ánh nắng trông như một lâu đài dát ngọc. Đứng ở hiên nhà, Calixta nhìn Alcée cỡi ngựa rời xa. Ông quay lui, cười với cô với vẻ mặt rạng rỡ, cô ngẩng cao chiếc cằm xinh xắn và cười lớn.
Bobinôt và Bibi mệt mỏi lê bước về nhà, dừng lại nơi bể nước, sửa soạn sao cho vẻ bên ngoài trông được một tí.
" Này, Bibi, mẹ sẽ nói sao đây? Con phải biết xấu hổ chứ! Con phải mặc cái quần tốt kia chứ! Nhìn xem kìa! Và còn vết bùn trên cổ áo nữa. Sao con lại để vấy bùn trên cổ áo? Bibi! Ba chưa thấy đứa trẻ nào như thế này. "
Bibi trông thật tội nghiệp. Bobinôt tỏ ra rất lo lắng khi cố sức xoá đi trên người mình và trên người con trai những dấu vết của chặng đường khó khăn vượt qua trên những cánh đồng ẩm ướt. Ông lấy cái que gạt bớt bùn trên hai chân trần của Bibi và cẩn thận xoá hết các vết bùn trên đôi giày của mình. Sau đó, chuẩn bị điều tồi tệ nhất - đối mặt với bà nội trợ kỹ tính - họ thận trọng đi vào cửa sau.
Calixta đang chuẩn bị bữa tối. Cô sắp đặt bàn ăn và cho cà phê nhỏ giọt trong chiếc phin để trên lò sưởi. Cô vui sướng nhảy lên khi hai cha con bước vào.
" Ồ! Bobinôt! Anh trở về! Ôi! Em lo lắm! Anh ở đâu khi trời mưa? Và Bibi, con có bị ướt không? Con có hề gì không? "
Cô ôm lấy Bibi và hôn con tới tấp. Những lời giải thích và xin lỗi mà Bobinôt đã chuẩn bị trên đường về tan biến hết vì Calixta đang sờ xem người anh có khô ráo không, cô chẳng nói gì được mà tỏ ra sung sướng thấy chồng con trở về an toàn.
" Anh có mang một ít tôm về cho em đấy, Calixta!" Bobinôt nói và lôi hộp tôm từ chiếc túi rộng ra và đặt lên bàn.
" Tôm à, ôi Bobinôt, anh lúc nào cũng chu đáo! Cô hôn thật kêu vào má ông. " Em sẽ đền bù cho anh, tối nay chúng ta sẽ vui vẻ, hưm..hưm "
Bobinôt và Bibi bắt đầu nghỉ ngơi và thư giãn. Khi cả ba người ngồi vào bàn ăn, họ liên tục cười to đến nỗi ai cũng có thể nghe thấy, kể cả ở nơi xa như nhà của Laballière.
4. Tối hôm đó, Alcée Laballière viết thư cho Clarisse, vợ ông. Đó là một lá thư chan chứa tình cảm. Ông dặn bà không cần vội trở về, bà và các con nếu thích Biloxi thì cứ ở lại thêm một tháng nữa. Ông ngày càng khá hơn rồi, và tuy rất nhớ vợ con, ông sẵn sàng chịu đựng sự xa cách này thêm một thời gian nữa, ông cho rằng sức khoẻ và sự vui thích của họ là đáng quan tâm hơn cả.
5. Về phía Clarisse, cô rất vui mừng nhận được thư chồng. Cô và các con vẫn khoẻ. Mọi người xung quanh đều dễ chịu, nhiều bạn bè cũ và người quen của cô đang sống ở vùng vịnh. Và chuyến đi nghỉ mát đầu tiên của cô từ ngày lấy chồng có vẻ như đang phục hồi sự thảnh thơi dễ chịu của tháng ngày độc thân. Cô vốn là người hết lòng hy sinh cho chồng, cuộc sống thân mật vợ chồng là chút gì cô mong muốn lãng tránh đi trong một thời gian.
Vậy là cơn bão đã đi qua và mọi người đều cảm thấy hạnh phúc.
THÂN TRỌNG SƠN
dịch từ nguyên bản tiếng Anh
https://eclass.uoa.gr/modules/document/file.php/ENL216/TEXTS/The%20Storm%20Chopin.pdf
jeudi 20 juillet 2017
TẤM THIỆP CHÚC MỪNG TRÊN TUYẾT
Tản văn
Bào Nhĩ Cát
( Bao'erji Yuanye )
鲍尔吉
Bào Nhĩ Cát ( Bao'erji Yuanye 鲍尔吉 ) là nhà văn gốc người Mông Cổ, sinh năm 1958 tại thủ đô nhưng lớn lên tại Xích Phong (赤峰), tây nam của Nội Mông, giáp ranh với tỉnh Liêu Ninh ( 辽宁 ). Ông bắt đầu sáng tác năm 1981, vài bài thơ và một tiểu thuyết, đáng chú ý nhất là các truyện ngắn và tiểu luận, phản ánh quan điểm của ông về bản chất thiện của con người.
Bào Nhĩ Cát thường được xem là tác gia đã đem lại một lối diễn đạt riêng biệt cho thể loại " tản văn " ( sanwen 散文 ). Theo ông, muốn viết tản văn hay cần phải chú ý đặc biệt hai khía cạnh quan trọng: tâm linh (心灵) và ngôn ngữ ( 语言).
" Một tản văn hay phải diễn đạt sự phong phú, tính mẫn cảm, sự thuần khiết và tình yêu nhân loại của tác giả. Và muốn diễn tả tất cả những thứ đó, cần phải có một ngôn ngữ linh động và chính xác. Vả chăng, đó cũng là bí quyết cơ bản của mọi thứ văn chương."
Với Bào Nhĩ Cát, tản văn là một thể loại khó, không loại trừ chút hài hước nhẹ nhàng, một nụ cười lặng lẽ phản ảnh đồng thời sự nhạy bén và lòng trắc ẩn. Tản văn phải xuất phát từ con tim.
Ông được nhắc đến như là một trong mười tác giả viết tản văn lớn nhất của Trung Quốc thập niên 1990 ( 90年代中国十大散文家 ).
Hiện nay, thể loại truyện cực ngắn ( xiao xiaoshuo / tiểu tiểu thuyết / 小小说 ) có khuynh hướng thể hiện gần giống với tản văn nên vai trò của Bào Nhĩ Cát ngày càng nổi bật.
Năm nay ở Thẩm Dương tuyết rơi nhiều lắm, tuyết ngập đến đầu gối và ở đâu cũng thấy có những ông người tuyết thật to.
Một hôm đi làm về, tôi đi ngang qua một người tuyết như thế trong sân kia, tôi chú ý một điều lạ: có một mảnh giấy nhét nơi ngực. Vốn là người tò mò, tôi tới lấy tờ giấy ra đọc, đấy là một tấm thiệp chúc mừng có vẽ hình một cậu bé mặt dính đầy vết đỏ, ăn mặc kiểu cao bồi, tay quệt nước mũi. Trên tấm thiệp có ghi:
" Ông người tuyết thân mến,
Ông mập và trắng, đôi môi là những miếng vỏ cam, trông đẹp vô cùng. Tất nhiên ông không sợ lạnh rồi, nhưng ông có sợ đêm tối không? Ông có đói không? Chúng ta kết bạn với nhau nhé!
Chúc ông tân niên hạnh phúc! vạn sự như ý!
Lưu Linh, nhị niên số 4, tiểu học Dương Quang.
24 tháng mười hai. "
Tôi đã từng gởi và nhận thiệp chúc mừng, nhưng tấm thiệp này có vẻ hơi khác thường, rất cảm động.
Tôi thấy hơi ganh tị với ông người tuyết này vì những tình cảm chân thành ông đã gợi ra cho bé Lưu Linh.
Tôi để lại tấm thiệp trên ngực ông người tuyết, chỉ để nhìn thấy một góc. Nhưng về đến nhà rồi tôi vẫn không quên câu chuyện, tôi viết thiệp chúc mừng thay lời ông người tuyết gởi cho Lưu Linh. Tôi không biết làm như vậy có đúng không, tôi chỉ mong không xúc phạm tình cảm của đứa bé.
" Cháu Lưu Linh thân mến,
Ông rất vui khi nhận được thiệp của cháu. Bao nhiêu mùa đông rồi, nay là lần đầu tiên có người gởi thiệp mừng ông. Cháu là bạn quý của ông.
Chúc cháu học hành tiến bộ và lúc nào cũng vui.
Ông người tuyết.
31 tháng mười hai."
Rồi tôi mang đi tấm thiệp có trang trí hình ông già Noel và chiếc xe kéo. Những ngày tiếp theo, tôi đến nhìn ông già tuyết xem thử Lưu Linh có đến không. Tôi nôn nóng muốn biết sớm. Ba ngày sau, tôi thấy một tấm thiệp khác nhét vào vai người tuyết, tôi vội vàng đến lấy đọc.
" Ông người tuyết thân mến,
Nhận được thiệp của ông, cháu nhảy lên vì sung sướng. Chuyện thần tiên trở thành hiện thực như thế này chăng?
Thế mà tụi bạn cháu ở trường bảo là trò bịp. Bố cháu thì nói có người lớn viết tấm thiệp đó. Ông làm ơn cho cháu biết có đúng như vậy không. Cháu cũng nghĩ là ông không thể viết được thiệp chúc mừng, nhưng còn người lớn đó, là ai vậy? Ông cho cháu biết được không? Trả lời đi ông, khẩn cấp đó! ( 15 dấu chấm than ).
Chúc ông vạn sự như ý, tâm tưởng sự thành!
Lưu Linh.
3 tháng một."
Tôi để lại tấm thiệp vào chỗ cũ. Lưu Linh may mắn còn tin như thế. Tôi phải cẩn thận trong trò chơi này, tốt hơn tôi không nên tiếp tục, dù cho Lưu Linh có nóng ruột trông chờ hồi âm.
Và hôm qua, chiều chủ nhật, tôi đã nhìn thấy một bé gái đứng trước ông người tuyết, quay lưng về phía cửa sổ nhà tôi. Cô bé vướng víu trong bộ quần áo quá dày đến nỗi khó khăn mới thòng tay xuống được . Hẳn là Lưu Linh đây rồi. Cô bé đứng đó, người ngây ra, bên cạnh ông người tuyết, thỉnh thoảng vốc nắm tuyết đắp vào chỗ này chỗ kia. Màu vỏ cam trên môi ông người tuyết vẫn sáng rực như mọi ngày. Tôi không có can đảm để Lưu Linh hy vọng như thế, tôi có cảm tưởng mình đang lừa cháu ấy. Nhưng tôi cũng không có can đảm phá giấc mơ của cháu. Tốt hơn là nên để cháu ngạc nhiên như vậy. Sau này, khi lớn lên, cháu sẽ kể cho các bạn nghe về câu chuyện tấm thiệp chúc mừng khó tin kia. Không gì hạnh phúc hơn một tuổi thơ với nhiều điều bí mật.
THÂN TRỌNG SƠN
dịch theo bản tiếng Pháp
http://www.chinese-shortstories.com/Sanwen_Bao_erji_Yuanye_Deux_sanwen.htm
ÁNH TRĂNG NHƯ CHIẾC KHĂN TAY
Tản văn
Bào Nhĩ Cát
( Bao'erji Yuanye ) 鲍尔吉
( 1958 - )
Bào Nhĩ Cát ( Bao'erji Yuanye 鲍尔吉 ) là nhà văn gốc người Mông Cổ, sinh năm 1958 tại thủ đô nhưng lớn lên tại Xích Phong (赤峰), tây nam của Nội Mông, giáp ranh với tỉnh Liêu Ninh ( 辽宁 ). Ông bắt đầu sáng tác năm 1981, vài bài thơ và một tiểu thuyết, đáng chú ý nhất là các truyện ngắn và tiểu luận, phản ánh quan điểm của ông về bản chất thiện của con người.
Bào Nhĩ Cát thường được xem là tác gia đã đem lại một lối diễn đạt riêng biệt cho thể loại " tản văn " ( sanwen 散文 ). Theo ông, muốn viết tản văn hay cần phải chú ý đặc biệt hai khía cạnh quan trọng: tâm linh (心灵) và ngôn ngữ ( 语言).
" Một tản văn hay phải diễn đạt sự phong phú, tính mẫn cảm, sự thuần khiết và tình yêu nhân loại của tác giả. Và muốn diễn tả tất cả những thứ đó, cần phải có một ngôn ngữ linh động và chính xác. Vả chăng, đó cũng là bí quyết cơ bản của mọi thứ văn chương."
Với Bào Nhĩ Cát, tản văn là một thể loại khó, không loại trừ chút hài hước nhẹ nhàng, một nụ cười lặng lẽ phản ảnh đồng thời sự nhạy bén và lòng trắc ẩn. Tản văn phải xuất phát từ con tim.
Ông được nhắc đến như là một trong mười tác giả viết tản văn lớn nhất của Trung Quốc thập niên 1990 ( 90年代中国十大散文家 ).
Hiện nay, thể loại truyện cực ngắn ( xiao xiaoshuo / tiểu tiểu thuyết / 小小说 ) có khuynh hướng thể hiện gần giống với tản văn nên vai trò của Bào Nhĩ Cát ngày càng nổi bật.
Cách đây đã lâu, tôi vào bệnh viện chăm sóc ba tôi. Khi các bệnh nhân đã ngủ, người nhà vào thăm nuôi không có chỗ đặt lưng. Ở vào tình trạng đó, lúc quá nửa đêm, tôi đi lang thang nơi các bậc cấp giữa tầng trệt và lầu hai. Giờ này, giữa đêm khuya, chẳng còn ai trong bệnh viện, có chăng là vài người nông dân từ miền quê lên, co mình trong chiếc áo vải bông, ngồi xổm hút thuốc nơi thềm nghỉ cầu thang. Cũng có lúc thấy có một cô y tá đeo khẩu trang nhẹ nhàng đi qua, tay cầm lọ thuốc.
Xuống tới dưới cầu thang, tôi chỉ việc đi ngược lên trở lại. Một hôm, tôi nhìn thấy một cô bé cỡ tuổi học sinh trung học, khoảng chừng đó, đang đi trước mặt tôi bỗng ngồi xuống nhặt cái gì đó, rồi vội vàng bước tránh ra trước khi quay đầu lại ném cái nhìn về phía tôi. Khi cô bé đã đi xa, còn lại trên mặt đất một vật nhỏ màu trắng, trông giống chiếc khăn tay. Tôi đi gần tới và nhìn ra đó không phải là khăn tay mà chỉ là ánh phản chiếu nhỏ xíu của mặt trăng dọi trên cầu thang. Tại sao ảnh chiếu nhỏ như thế? Bởi vì nó chỉ là chút ánh sáng chiếu xuống mặt đất từ một tia nhỏ rớt xuống xiên qua cửa sổ, và hiện ra trên mặt đất chỉ còn nhỏ như chiếc khăn tay. Lúc nửa đêm, mảnh trăng khuyết trên bầu trời chuyển về phía tây. Chiếu xuyên qua cửa sổ, rọi lên ô cầu thang đang chìm trong bóng tối, mặt trăng lúc này đang ngời lên chút ánh chói quý báu.
Cô bé đã nhầm, tưởng đó là chiếc khăn tay màu trắng sữa, cô cúi xuống, ngón tay chạm vào nền xi măng lạnh buốt nên rút lại ngay. Cô ta nhìn tôi, có lẽ cô sợ tôi chế nhạo.
Nhưng tôi không thể chế nhạo được, cử chỉ của cô linh hoạt thế kia. Cô cũng là thân nhân một người bệnh mà hẳn cô không rõ đau đớn thế nào trên giường, nhưng tâm hồn cô thật đẹp vô cùng, chẳng thế thì cô không thể lầm ánh trăng với một chiếc khăn tay được.
Trước khi nhìn thấy cảnh tượng nhầm lẫn này, tôi đã lên xuống cầu thang nhiều lần và hoàn toàn vô cảm với mọi vật xung quanh. Vì cô bé cúi xuống tôi mới chú ý nhìn ánh trăng như chiếc khăn tay, hoặc thứ gì như chiếc khăn tay. Tôi bỗng cảm thấy buồn vô hạn vì mình không có sự hồn nhiên như cô bé, mình đã đi qua mà không cúi xuống. Bởi vì tôi chỉ có cách nhìn thông thường và quen với việc phát hiện sự nhầm lẫn khi nhận biết ánh sáng trăng, nên tôi lỡ mất niềm vui của khoảnh khắc đẹp.
Nhiều năm sau, khi nhớ lại chuyện này, tôi nhìn sự vật khác đi. Bảo là tôi đã rất thích cái cử chỉ của cô bé khi hơi run run cúi xuống nhặt " chiếc khăn tay " thì không phải rồi. Thật ra, điều mà tôi nuối tiếc là cái ánh trăng đã ghi dấu sự tinh khôi nơi cử chỉ hồn nhiên của cô bé mới lớn khi vội vàng cúi xuống nhặt chiếc khăn tay lên.
THÂN TRỌNG SƠN
dịch theo bản tiếng Pháp
http://www.chinese-shortstories.com/Sanwen_Bao_erji_Yuanye_Deux_sanwen.htm
mardi 18 juillet 2017
CUỘC LY HÔN TRÊN NÚI CAO
Truyện ngắn
Robert Barr
Nhà văn Anh / Canada
( 1849-1912 )
Robert Barr sinh năm 1849 tại Glasgow, Scotland. Gia đình di cư sang Canada khi ông mới lên bốn. Lớn lên và học tập tại Toronto, ông khởi nghiệp bằng nghề dạy học. Trong thời gian làm giáo viên rồi hiệu trưởng tại Ontario, ông bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tiên, gởi đăng báo Detroit Free Press.
Năm 1876, ông từ bỏ ngành giáo dục và chính thức sống với nghề cầm bút. Ông thăng tiến nhanh đến vị trí trong ban biên tập tờ báo nói trên.
Từ năm 1881, Robert Barr sang Luân Đôn phụ trách ấn bản tuần san của báo, giảm bớt tính chất thông tin mà nghiêng về văn hoá, giải trí, được độc giả hoan nghênh.
Năm 1892, ông thành lập tờ Idler, ban đầu cộng tác với nhà viết kịch Jerome Klapka Jerome, sau trở thành chủ biên duy nhất. Có thể gọi tờ này là một nguyệt san văn hoá nghệ thuật, nội dung bao gồm những bài phỏng vấn, bút ký lữ hành, tường thuật và phê bình những sinh hoạt kịch nghệ, thể thao... và đáng chú ý nhất là truyện ngắn và tiểu thuyết ( đăng dưới dạng feuilleton ) của các nhà văn đã và sẽ nổi tiếng: Stephen Crane, Mark Twain, Arthur Conan Doyle, Sara Jeannette Duncan, và của chính Robert Barr.
Khi những truyện về thám tử Sherlock Holmes của Conan Doyle bắt đầu nổi tiếng thì Robert Barr tung ra cuốn nhại theo với nhan đề " The Adventures of Sherlow Kolms" ( năm 1892 ), và hơn 10 năm sau, thêm một cuốn nữa: " The Adventure of the Second Swag " ( năm 1904 ). Và như thế, trong toàn bộ tác phẩm của Robert Barr, có một loạt những truyện ngắn trinh thám, hình sự, thể loại đang thịnh hành lúc này. Điều đáng nói là ngay Conan Doyle cũng có lời khen Barr về những truyện này.
Ngoài một số vở kịch và truyện châm biếm, Robert Barr viết hơn 20 tiểu thuyết, đề tài từ những trải nghiệm cá nhân những năm sống tại Canada, những cuốn thường được nhắc tới là " The victors ", " In the midst of alarms", " The triumphs of Eugene Valmont".
Robert Barr qua đời ngày 21/10/1912 vì bệnh tim tại nhà riêng ở Luân Đôn.
Trong một số bản chất con người, không có sắc thái nửa vời, chẳng có gì ngoài những màu thô cơ bản. John Bodman là người lúc nào cũng thiên về thái cực này hoặc thái cực khác. Điều đó có lẽ sẽ bớt đi ý nghĩa nếu anh ta không cưới một cô vợ có bản tính giống hệt mình.
Không nghi ngờ gì rằng trên thế giới chính xác là có một người phụ nữ phù hợp cho bất cứ người đàn ông nào lấy làm vợ, và ngược lại. Nhưng khi ta tính đến chuyện một người có cơ hội làm quen với chỉ vài trăm người, và trong số vài trăm người đó, có chừng trên dưới một tá anh ta biết rõ, rồi trong số một tá đó lại mới có cùng lắm là một hay hai người bạn, điều dễ nhận thấy là, khi ta nhớ đến con số hàng triệu người sống trên thế giới, thì hầu như chắc chắn rằng, kể từ khi trái đất được tạo lập, những người đàn ông và phụ nữ hợp với nhau vẫn chưa hề gặp được nhau. Mọi cơ may toán học đều chống lại cuộc gặp gỡ kiểu đó, và đấy là lý do các toà án ly hôn tồn tại. Hôn nhân, trong điều kiện tốt nhất, chỉ là sự thoả hiệp, và nếu hai người đã gắn kết với nhau mà có tính cách không thể thoả hiệp được thì rắc rối đấy!
Trong đời sống của hai người trẻ tuổi này không có khoảng cách nào. Kết quả đương nhiên là hoặc yêu hoặc ghét, và trong trường hợp ông và bà Bodman thì đó là ghét, theo kiểu quyết liệt và ngạo mạn nhất.
Ở nhiều khu vực trên thế giới, tính khí xung khắc được xem như một lý do chính đáng để đòi được ly hôn, nhưng ở Anh thì không có sự khác biệt tế nhị như thế, bởi vậy, cho đến khi người vợ phạm tội, hoặc ông chồng vừa phạm tội vừa độc ác thì cả hai người này vẫn cứ gắn kết bằng một mối ràng buộc mà chỉ cái chết mới tách rời được. Không có gì tệ hại hơn tình trạng này, và vấn đề càng trở nên vô vọng hơn bởi thực tế là cuộc sống của bà Bodman không có gì để chê trách, còn chồng bà thì chẳng những không xấu hơn mà là tốt hơn phần đông đàn ông nữa. Tuy nhiên, có lẽ nhận định này chỉ đúng tới một điểm nào đó thôi bởi John Bodman đã tỏ ra quyết tâm dứt bỏ vợ mình cho dù nguy hiểm tới đâu. Nếu anh ta nghèo, hẳn là anh ta đã bỏ vợ rồi, nhưng anh lại giàu, và con người không dễ gì từ bỏ việc kinh doanh đang phát đạt chỉ vì đời sống gia đình không hạnh phúc.
Khi tâm trí một người tập trung quá vào một vấn đề nào đó, không ai có thể nói anh ta sẽ đi xa tới đâu. Tâm trí là một công cụ tế nhị và ngay cả luật pháp cũng thừa nhận là nó dễ bị đẩy ra khỏi thế cân bằng. Bạn bè của Bodman - anh ta cũng có bạn chứ - đều quả quyết là đầu óc anh ta rối lên rồi, nhưng bạn bè cũng như kẻ thù của anh không ai nghi ngờ về tính xác thực của sự kiện vốn là đáng ngại nhất nay đã chuyển thành sự kiện quan trọng nhất trong đời anh ta. Không bao giờ biết được John Bodman tỉnh táo hay điên rồ khi anh quyết định sẽ giết vợ, nhưng rõ ràng là anh đã nghĩ tới những phương thức đầy mánh khoé cốt để làm cho tội ác có vẻ như chỉ là hậu quả một vụ tai nạn. Song le, sự xảo quyệt vẫn thường là tính cách của một tâm trí lầm lạc.
Bà Bodman biết rõ sự hiện diện của mình làm chồng khổ sở tới mức nào, nhưng bản tính cô cũng tàn nhẫn như anh ấy vậy, và cô căm ghét anh ta nếu có thể còn gay gắt hơn là anh ta căm ghét cô. Anh ta đi đâu cô cũng đi theo và có lẽ ý tưởng giết người sẽ không nảy sinh trong đầu anh ta nếu cô không dai dẳng cố tình xuất hiện bên cạnh anh mọi lúc mọi nơi. Bởi thế, khi anh ta báo cho cô biết anh định sẽ sang Thuỵ sĩ hết cả tháng bảy, cô không nói gì nhưng cũng chuẩn bị các thứ cho chuyến đi. Lần này anh không phản đối như mọi khi, thế là đôi vợ chồng câm lặng cùng lên đường đi Thuỵ sĩ.
Đấy là một khách sạn gần đỉnh núi nằm trên một mỏm đất nhô ra bên trên một trong những sông băng hùng vĩ. Nó cao hơn mực nước biển một dặm rưỡi (1), nằm trơ trọi và được dẫn tới bởi một con đường hiểm trở dài 6 dặm (2) chạy ngoằn ngoèo lên núi. Từ những hàng hiên của khách sạn có thể nhìn thấy một quang cảnh ngoạn mục, những chóp núi phủ đầy tuyết và những sông băng. Còn ở khu vực cạnh đó thì có nhiều lối đi tuyệt đẹp dẫn tới những điểm ít nhiều nguy hiểm.
John Bodman biết rõ khách sạn này, vào thời kỳ còn hạnh phúc anh đã quen thuộc lắm với vùng lân cận. Bây giờ, khi ý nghĩ giết người nảy sinh trong đầu, có một vị trí cách chỗ trọ hai dặm thường xuyên ám ảnh anh. Đấy là một điểm nhìn bao quát mọi nơi, chỗ tận cùng được một bức tường thấp đổ nát che khuất. Một sáng kia, anh thức dậy lúc 4 giờ, lẻn ra ngoài khách sạn không để ai nhìn thấy và đi đến vị trí này, dân địa phương gọi là Chóp đỉnh Cheo leo. Trí nhớ vẫn trung thành với anh ta. Đúng là vị trí này, anh tự nhủ. Ngọn núi nhô lên phía sau nó thật hoang vu và dựng đứng. Không có dân cư ở gần đó để nhìn thấy nơi này. Khách sạn ở phía xa, khuất sau một mỏm đá. Những ngọn núi phía bên kia thung lũng cách nơi này quá xa khiến không có du khách tình cờ hay dân địa phương nào có thể nhìn thấy chuyện gì xảy ra tại Chóp đỉnh Cheo leo. Phía thung lũng thấp nơi xa kia chỉ có một thị trấn duy nhất trông giống như bộ sưu tập những ngôi nhà đồ chơi nhỏ xíu.
Chỉ cần liếc nhìn qua rìa bức tường đổ nát thường là đã đủ cho một du khách cho dù có thần kinh vững vàng nhất. Từ đây xuống bên dưới là một dốc dựng đứng hơn một dặm và dưới đáy xa xa là những tảng đá lởm chởm và đám cây còi cọc nhìn qua mây mù u tối tưởng như những bụi cây.
" Địa điểm là nơi này rồi", anh tự nhủ, " và thời điểm là ngày mai."
John Badman hoạch định tội ác của mình dứt khoát, tàn nhẫn và điềm tĩnh, như đã từng trù liệu một thoả thuận ở Sở Giao dịch Chứng khoán. Trong tâm trí anh ta không hề có một ý nghĩ khoan dung đối với kẻ nạn nhân của mình vốn vẫn không hay biết gì. Sự căm ghét đã kéo anh ta đi xa.
Sáng hôm sau, ăn điểm tâm xong, anh bảo vợ: " Anh định đi bộ lên núi. Em có đi cùng anh không?"
Có, cô ta trả lời ngắn gọn.
Tốt lắm, anh nói. Vậy thì anh sẽ sẵn sàng lúc 9 giờ.
Em sẽ sẵn sàng lúc 9 giờ, cô ta nhắc lại lời anh.
Đúng giờ đó, cả hai rời khách sạn, nơi anh định sẽ sớm trở về một mình sau đó. Trên đường đi tới Chóp đỉnh Cheo leo, hai người không nói với nhau lời nào. Con đường mòn gần như bằng phẳng, chạy vòng quanh những ngọn núi, vì Chóp đỉnh Cheo leo, so với khách sạn, cũng không cao hơn mực nước biển lắm.
John Badman chưa vạch ra kế hoạch cụ thể cho công việc của mình khi đã tới địa điểm. Anh quyết định cứ để hoàn cảnh đẩy đưa. Có lúc trong tâm trí anh nảy ra một nỗi sợ lạ lùng là cô ta sẽ bám lấy anh và có thể sẽ kéo anh cùng rơi xuống vực. Anh cảm thấy mình đang thắc mắc không hiểu cô ta có tiên đoán về số phận của mình không, và một trong những lý do khiến anh không nói chuyện là sợ rằng giọng anh run có thể làm cô ta nghi ngờ. Anh quyết định sẽ hành động dứt khoát và bất ngờ, làm sao để cô ta không có cơ may thoát được hoặc kéo anh cùng rơi với cô. Cô có la to nơi chỗ vắng vẻ này anh cũng không ngại. Không ai tới được nơi này nếu không xuất phát từ khách sạn, và sáng hôm nay, không người nào ra khỏi nhà, kể cả để đi thám hiểm sông băng, là một trong những chuyến đi dễ dàng và phổ biến nhất từ nơi đó.
Thật kỳ lạ, khi họ đến khu vực có thể nhìn thấy Chóp đỉnh Cheo leo, bà Bodman dừng lại và rùng mình. Bodman nhìn cô ta xuyên qua khe hở nhỏ của đôi mắt bịt kín và lại thầm hỏi liệu cô ta có nghi ngờ gì không. Khi hai người cùng đi bộ gần bên nhau, không ai có thể biết họ có thể liên lạc vô thức với nhau như thế nào.
" Có chuyện gì vậy? ", anh hỏi thô lỗ, " em mệt sao? "
" John", cô kêu lên, giọng thở hổn hển, từ bao nhiêu năm nay lần đầu tiên cô gọi anh bằng tên thánh. " Anh có nghĩ là nếu ngay từ đầu anh tử tế hơn với em thì mọi chuyện có thể khác không? "
" Anh có cảm tưởng là", anh ta trả lời mà không nhìn cô, " đến ngày này thì đã khá trễ để thảo luận về vấn đề đó."
" Em hối hận nhiều chuyện lắm", cô nói, giọng run run, " anh có vậy không?"
" Không", anh ta đáp.
" Vậy thì tốt", cô vợ nói, giọng cứng rắn trở lại. " Em chỉ muốn cho anh một cơ hội. Anh nhớ đấy!"
Người chồng nghi hoặc nhìn cô.
" Em nói vậy nghĩa là sao? ", anh hỏi. " Cho anh một cơ hội? Anh chẳng cần cơ hội, hay bất cứ thứ gì khác từ nơi em. Đàn ông không nhận gì hết từ người mình căm ghét. Anh nghĩ thế nào về em thì chắc là em không lạ gì. Chúng ta đã ràng buộc với nhau và em đã cố sức làm cho sự ràng buộc đó không thể chịu đựng được."
" Vâng", cô ta trả lời, mắt nhìn xuống đất, " chúng ta ràng buộc với nhau, chúng ta ràng buộc với nhau", cô ta thì thầm lặp lại những từ đó trong khi họ đi những bước cuối cùng đến Chóp đỉnh Cheo leo. Badman ngồi xuông bức tường đổ. Người phụ nữ thả cây gậy leo núi xuống tảng đá và bực dọc đi tới đi lui, tay siết chặt lại rồi lại thả ra. Người chồng nín thở khi khoảnh khắc kinh khủng đến gần.
" Tại sao cô cứ đi như một con thú hoang vậy?" anh hét lên. " Đến đây ngồi cạnh tôi và ở yên đấy!"
Cô đối mặt anh với ánh mắt anh chưa từng nhìn thấy, ánh mắt của sự mất trí và căm ghét.
" Tôi đi như con thú hoang, cô nói, vì chính tôi là thú hoang đây. Hồi nãy anh có nói anh căm ghét tôi, nhưng anh là đàn ông, lòng căm ghét của anh chẳng là gì cả đối với tôi. Anh vốn xấu xa, anh muốn phá vỡ mối dây ràng buộc chúng ta, nhưng vẫn còn nhiều thứ tôi biết là anh không thể hạ mình để làm. Tôi biết trong tim anh không có ý nghĩ giết người, nhưng trong tim tôi thì có đấy. Bodman, tôi sẽ cho anh thấy tôi căm ghét anh tới mức nào"
Người đàn ông hoảng hốt chụp lấy cục đá bên cạnh và bỗng giật mình tội lỗi khi nghe cô ta nói chuyện giết người.
" Vâng ", cô tiếp tục, " tôi đã báo cho tất cả các bạn của tôi ở Anh là tôi tin rằng anh muốn giết tôi ở Thuỵ Sĩ.
" Trời ơi! Trời ơi! " anh la lên, " sao cô lại có thể nói chuyện như thế!"
" Tôi nói thế để chứng tỏ tôi căm ghét anh đến mức nào, tôi đã chuẩn bị để trả thù như thế nào. Tôi đã báo cho những người ở khách sạn và khi chúng ta ra đi, có hai người đi theo chúng ta. Ông chủ khách sạn cố thuyết phục tôi đừng đi với anh. Chỉ lát nữa thôi hai người kia sẽ đến chóp đỉnh này. Hãy nói với họ, nếu anh nghĩ là họ tin anh, rằng đây chỉ là một tai nạn.
Người phụ nữ điên loạn xé nát những mảnh ren từ thân trước áo đầm và rải tung ra xung quanh. Bodman đứng dậy kêu thét lên: " Cô làm gì vậy?" Nhưng trước khi anh có thể tiến tới gần thì cô ta đã lao mình vào bức tường và hét lên khi xoay tròn rơi xuống đáy vực.
Ngay sau đó hai người đàn ông vội vàng chạy đến rìa tảng đá và nhìn thấy người chồng đứng một mình ở đó.
Ngay cả trong lúc bối rối anh ta vẫn nhận ra rằng nếu anh ta nói ra sự thật thì cũng chẳng ai tin.
---------------------
khoảng 2 500 m.
khoảng 10 km.
THÂN TRỌNG SƠN
dịch từ nguyên tiếng Anh.
https://americanliterature.com/author/robert-barr/short-story/an-alpine-divorce
vendredi 14 juillet 2017
SỰ THẤT BẠI CỦA MỘT PHỤ NỮ
Truyện ngắn
LÃO XÁ
老舍 Lao She
( 1899 - 1966 )
Lão Xá, tên thật là Thư Khánh Xuân ( 舒庆春 ), sinh tại Bắc Kinh năm 1899, trong một gia đình gốc Mãn Châu.
Sau bậc tiểu học, trong hoàn cảnh mồ côi cha, đáng lẽ phải đi học nghề để sớm đi làm phụ giúp mẹ đỡ lo toan gánh nặng cho cả gia đình, Lão Xá thi vào trường sư phạm ở Bắc Kinh, nơi ông được ăn ở miễn phí và được cung cấp y phục và sách vở.
Năm 1918 tốt nghiệp, ông được bổ làm giám thị tại các trường ở Giang Tô và Chiết Giang. Ba năm sau, ông chuyển về công tác tại một trường tư ở Bắc Kinh. Năm 1919 nổi lên phong trào Ngũ Tứ của sinh viên, học sinh, trí thức, công nhân ( gọi tên như thế do ngày phát động là 4 tháng 5 ). Tuy không tham gia nhưng Lão Xá thừa nhận đã chịu ảnh hưởng nhiều từ những tư tưởng cách tân của thời kỳ này. " Phong trào này đã gợi mở một tinh thần mới và mang lại cho tôi một ngôn ngữ văn học mới. Tôi biết ơn phong trào đã giúp tôi trở thành một nhà văn." Tuy nhiên ông vẫn chú tâm vào việc dạy học và chỉ mới viết được những truyện ngắn đầu tiên.
Ông bắt đầu học tiếng Anh và chuyển sang sống tại Luân Đôn khi được nhận vào dạy tiếng Trung tại khoa Đông phương học của trường đại học thành phố này. Thời gian sống tại nước Anh giúp ông tiếp cận với nền văn học nghệ thuật rực rỡ của đất nước này. Ông đặc biệt yêu thích Charles Dickens (1) và chịu ảnh hưởng nhà văn này trong những cuốn tiểu thuyết ông viết vào thời gian đó: " Triết học của Lão Trương » (老张的哲学 ), " Triệu Tử viết " ( 赵子曰) và " Nhị Mã " (二马).
Năm 1929, Lão Xá rời nước Anh để đi Singapore, nơi ông lưu lại một thời gian ngắn, vừa đủ để cho ra đời một tiểu thuyết khác, về đề tài trẻ em: " Sinh nhật của Tiểu Ba " ( 小坡的生日 ).
Ngày 2 tháng 3 năm 1930, tại Thượng Hải, Lỗ Tấn thành lập Liên minh các tác gia cánh tả Trung Quốc ( 中国左翼作家联盟 - Trung quốc tả dực tác gia liên minh ) thu hút trên ba trăm nhà văn. Lỗ Tấn tuyên bố: " Chính trị là ưu tiên, nghệ thuật phải phục vụ chính trị ". Với tư tưởng độc lập, Lão Xá không tham gia và tránh mọi cuộc tranh luận. Ông trở về Sơn Đông, dạy tại các đại học Tề Lỗ và Tế Nam. Trong thời gian này, ông viết thêm các tác phẩm " Miêu thành ký " ( 猫城记 ), " Ly hôn " ( 离婚), " Lạc đà tường tử " ( 骆驼祥子 ).
Trong thời kỳ chiến tranh Trung - Nhật ( bắt đầu từ tháng 7/1937 ), Lão Xá được bầu làm chủ tịch của tổ chức các nhà văn và nghệ sĩ toàn quốc kháng Nhật (中华全国文艺界抗敌协会, Trung hoa toàn quốc văn nghệ giới kháng địch hiệp hội ) . Ông làm chủ biên tờ báo " Văn học kháng chiến ", tập san văn học tồn tại từ 1938 đến tháng 6/1945, đồng thời ông viết nhiều thơ, kịch và tiểu luận.
Năm 1946, Lão Xá, cùng nhà viết kịch Tào Ngu, được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mời sang nghiên cứu và sáng tác. Đây cũng là lúc ông khởi thảo cuốn tiểu thuyết với đề tài chiến tranh " Tứ đại đồng đường " ( 四世同堂 ), tác phẩm nổi tiếng được nhà văn Le Clézio (2) dịch sang tiếng Pháp với nhan đề "Quatre générations sous un même toit".
Tháng 12/1949, sau khi nước Cộng hoà nhân dân Trung hoa được thành lập, chính Chu Ân Lai mời ông về nước. Lão Xá trở thành một nhân vật có ảnh hưởng trong lĩnh vực nghệ thuật văn chương, là thành viên uỷ ban văn hoá giáo dục của chính phủ. Vở kịch " Trà thất " ( 茶馆 ) và một số tiểu thuyết, truyện ngắn khác, ra đời trong thời gian này.
Trong thời Cách mạng văn hoá, cũng như nhiều trí thức khác, ông bị gán tội " phản động " và bị ngược đãi, thể xác và tinh thần. Ngày 24 tháng 8 năm 1966, ba ngày sau khi ông bị hồng vệ binh bắt, tra khảo, đánh đập và dẫn đi ngoài đường phố, gia đình được thông báo là xác ông được tìm thấy ở hồ Thái bình, cảnh sát kết luận đây là một vụ tự tử.
Năm 1968, Lão Xá được chọn để nhận giải Nobel về văn chương. Trước khi công bố chính thức, để xác minh nguồn tin là ông đã qua đời, Đại sứ quán Thuỵ Điển đã viết thư cho nhà chức trách Trung quốc nhưng không được hồi đáp. Cuối cùng, trong số bốn ứng viên đạt giải còn lại, nhà văn Nhật Bản Kawabata Yasunari đã được chọn để lãnh giải.
Truyện ngắn được giới thiệu dưới đây có một ý nghĩa đặc biệt trong văn nghiệp của Lão Xá: đây là tác phẩm đầu tiên của ông thuộc thể loại ông ưa thích ( viết năm 1921, khi ông mới 22 tuổi ). Truyện là thể nghiệm ban đầu của một nhà giáo tập tễnh bước vào trường văn. Cùng với Lão Xá, nhiều nhà văn khác cũng khai thác thể loại truyện cực ngắn này ( được gọi là " tiểu tiểu thuyết (小小说) " ). Tuy nổi tiếng hơn nhờ vào tiểu thuyết, Lão Xá cho rằng độc giả thường dễ tính chấp nhận những cuốn truyện chưa hoàn hảo, còn với truyện ngắn thì khó khăn hơn nhiều.
Charles Dickens (1812 - 1870 ), nhà văn Anh, tác giả của những tiểu thuyết nổi tiếng " Oliver Twist ", " David Copperfield ", " Bleak House "...
Jean- Marie Gustave Le Clézio, thường được nhắc tới là J.M.G. Le Clézio, , nhà văn song tịch Pháp - Maurice, sinh năm 1940, giải thưởng Nobel Văn chương năm 2008.
Cơn gió bắc xua về phía trước những cuộn mây làm tối bầu trời giữa ngày nắng nóng. Chỉ mới hơn bốn giờ mà trong căn nhà nhỏ này đã tối sầm cả. Nàng ngồi trên ghế, đọc hết cả tờ tạp chí giải phóng, nhưng rốt cuộc cũng không hiểu báo nói chuyện gì. Xong việc, nàng vẫn ngồi đấy, đối mặt với gương soi, nhìn mông lung.
Cả châu thân chừng như ngập tràn buồn nản, thế rồi, một lát sau, nàng tưởng có tiếng giày da vọng từ ngoài sân, nhưng nàng chỉ khoan thai nhìn ra, thầm nghĩ âm thanh đó là thực tại nhưng không phải từ những người ở kế bên.
Có người gõ cửa, con chó nhỏ cất tiếng sủa thất thanh, khoảng sân mất đi phần nào vẻ đờ đẫn.
" Lan Hương! Em ra xem ai gõ cửa đấy!"
" Có lẽ anh bưu tá đem thư đến!" Lan Hương trả lời, giọng dứt khoát.
Cô trở vào, đọc lớn: " Phổ Am tự, số mười lăm, nữ sĩ Tần Tâm Diên, thư mùa thu."
Nàng vội vàng đứng dậy cầm lấy lá thư, chẳng biết làm sao để mở ra. Lan Hương vốn đã quen nhìn thấy nàng như thế, nay đặc biệt để ý nét biểu cảm trên gương mặt nàng.
Bất chợt, nàng hơi đỏ mặt, rồi dần dần trở lại nước da tái xanh; không muốn gây xáo động xung quanh khi biểu lộ cảm xúc, nàng quay đầu lại nói:
" Lan Hương, em vào pha trà nhanh đi!"
Nàng vẫn ở đấy, đứng tựa vào lưng ghế, không biết nghĩ thế nào, nhìn gương mặt tái xanh của mình trong gương, rồi bỗng bật lên cười cay độc và thét lên như phát rồ: " Mà tại sao mình lại phải khuất phục những áp lực của anh ta? Tại sao phải sẵn sàng làm vừa lòng, thậm chí là lấy anh ta? " Rồi nàng lại dịu dàng ngồi xuống.
Ngoài sân, vào ban ngày, đàn chim sẻ đua nhau ríu rít, bỗng đồng loạt bay vụt lên. Lan Hương mang trà vào.
" Lan Hương, em biết chứ, ta tin là trong vũ trụ, người ta thường phạm sai lầm khi buông mình theo lòng nhiệt thành. Ta có nên để lương tri mình bị giam hãm trong quy luật đó không? "
Lan Hương như một tiên nữ giáng trần.
" Cô nương ơi, hôm nọ, em gặp ông ấy ngoài đường. " Này các cô, ông ấy bảo em, quả thực các cô đều hoàn hảo, có điều là thiếu vài thứ trang sức, đúng là hay xao lãng đó! " cô nương, cho phép em đọc thư của cô nương nhé! "
" Vâng, Lan Hương, đọc cho ta đi!"
" A, cô nương ơi, chẳng những thiếu trang sức cho câu cú, mà thiếu cả giọng văn hồn nhiên chân thật, và đó là căn do khiến cô thất bại."
THÂN TRỌNG SƠN
dịch theo bản tiếng Pháp
của Brigitte Duzan
http://www.chinese-shortstories.com/Tres_courtes_nouvelles_Lao_She_L_echec_d_une_femme.htm
Inscription à :
Articles (Atom)