Truyện ngắn Trung Quốc
Tô Đồng ( Su Tong 苏童 )
Tên thật là Đồng Trung Quý, sinh năm 1963 tại Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, cha là cán bộ, mẹ công nhân. Năm 9 tuổi bị viêm thận, dẫn tới nhiễm trùng máu, phải nghỉ học một năm để điều trị. Tuy nhiên, điều này cũng không ảnh hưởng gì nhiều lắm, vì đây là thời cách mạng văn hoá, cũng chẳng học hành gì được. Lúc này, nhà cửa thường dán những trang báo lên tường ngoài, thay cho tranh vẽ. Thế là, cứ mỗi sáng, sau khi nốc bao nhiêu là thuốc, Tô Đồng chạy dọc theo các dãy nhà, gỡ từng trang báo mang về đọc. Và cũng mỗi ngày, anh nóng lòng chờ đợi chị gái đi học mang về những cuốn sách cấm từng bị tịch thu: "Đỏ và đen" ( Stendhal ), " Hồi sinh "( Leo Tolstoy )... Những tác phẩm này tác động không ít đến đam mê văn chương của Tô Đồng, và sau đó anh tìm cách bổ sung bằng sách của các tác giả khác như Faulkner, Hemingway, Garcia Marquez, Borges.
Năm 1980, Tô Đồng thi đỗ vào khoa tiếng Trung trường Đại học Bắc Kinh. Anh tập tễnh làm thơ rồi chuyển sang viết truyện. Năm 1983, anh gởi truyện ngắn đầu tay" Cái thứ tám là bức tượng đồng "đăng trên tạp chí Thanh xuân, ngay lập tức truyện được trao giải thưởng.
Năm 1985, Tô Đồng được bổ nhiệm về một trường trung học ở Nam Kinh, nhưng anh chẳng thấy hứng thú gì việc dạy học, mà chỉ chăm chú thức đêm viết văn và giao du với các thành viên câu lạc bộ văn học tại thành phố này. Anh nghỉ dạy về làm biên tập tại tạp chí văn học Chung Sơn. Công việc này phù hợp hơn với năng khiếu của anh, giúp anh tự tin để lần lượt công bố những tác phẩm mới: " Tang viên lưu niệm " ( Kỷ niệm vườn dâu ), và " Thê thiếp thành quần " ( Năm thê bảy thiếp ). Khi mới xuất bản, cuốn sau chẳng gây được chú ý nào, nhưng đến năm 1991, khi nó được đạo diễn tài hoa Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim với nhan đề " Treo cao lồng đèn đỏ "( tên tiếng Anh là Raise the Red Lantern ),được giải Sư tử bạc tại Liên hoan phim Venise, thì Tô Đồng bắt đầu nổi tiếng trên văn đàn. Những lần tái bản, cuốn truyện lấy luôn tên phim làm nhan đề.
Về sau, nhiều tác phẩm khác của Tô Đồng cũng được chuyển thể thành kịch bản điện ảnh.
Ngoài tiểu thuyết, Tô Đồng còn viết truyện ngắn, và chính ở thể loại này, tài năng của anh mới được bộc lộ rõ nét hơn, với một bút pháp trộn lẫn hiện thực và hư cấu, trình bày những mối quan hệ xã hội trong vũ trụ thu nhỏ, ở thành thị hoặc nông thôn, những mâu thuẫn gia đình, những khuôn mặt khác nhau của đời sống muôn màu muôn vẻ. Truyện ngắn của Tô Đồng đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Ý và nhiều nhất là tiếng Pháp.
Truyện ngắn giới thiệu dưới đây, viết từ năm 1992, phảng phất nét tươi mát của tuổi thơ, sự dịu dàng của tuổi già, với chút hoài niệm về quá khứ và truyền thống.
Không đứa nào trong hai đứa nhỏ đã nhìn thấy con hạc trắng, chúng không còn nhỏ lắm nhưng chúng chưa hề thấy. Ông lão nói là ngày nào hạc cũng đến uống nước cạnh cái hồ vào lúc hoàng hôn, bộ lông mượt mà không tì vết, trắng tinh hơn cả bông gòn mới tách sợi, chim bay đến rất gần cây phỉ, cắm chiếc mỏ dài xuống nước, nhưng cũng có khi có con ếch phóng ra từ bụi cây ngay trên bờ khiến hạc bay đi mất. Vào mùa xuân ông lão bắt đầu kể cho hai đứa trẻ chuyện con hạc bất tử đến uống nước hồ, nhưng chúng bảo là chúng đã đi tưới cây nơi cánh đồng gần đó và chúng chưa bao giờ nhìn thấy hạc.
Đi tới gần gốc cây phỉ, ông lão chắp tay sau lưng cúi người tìm dấu vết con hạc để lại trên bờ hồ. Ông nghĩ là nếu tìm thấy vết chân hay vài cái lông, ông có thể chứng minh rằng con hạc đã tới đó, tiếc thay chim vụt tới rồi bay đi chẳng để lại dấu vết nào. Nhưng dẫu sao, ông không nghi ngờ đôi mắt mình. Suốt đời, ông vẫn nhờ đôi mắt đó mà quan sát thời tiết, mùa màng, nhìn mọi người qua lại, đã bảy mươi hai tuổi, mắt ông vẫn còn sáng lắm, chỉ có người mù mới nói trái ngược lại.
Ông đi vòng quanh cây phỉ hai ba vòng, ngẩng đầu nhìn lên cây nhưng không có cọng lông nào trên cành trên lá, ngưỡng lên nhìn quá lâu nên ông thấy đau cổ, phải đến ngồi tựa gốc cây.
Lúc này là hoàng hôn, mây trên trời có hình như một nhóm củi nhỏ bị đốt và đang cháy mãi, cảnh vật quen thuộc với ông - cái cây trơ trọi, cánh đồng, cái hồ và nhà cửa xung quanh - có tiếng thở dài trầm nhỏ, chỉ riêng mình ông nhận biết, lũ trẻ có tai mà không nghe thấy, chúng cũng không tin khi nghe ông nói thiên nhiên thường thở dài như thế khi đêm xuống.
Ngồi dưới gốc cây, ông lão lấy ống điếu ra hút thuốc, bỗng nổi cơn ho dữ dội, tưởng chừng như làm lay động cả cái cây sau lưng ông. Có lẽ bọn trẻ đã đúng khi nói là ông hút thuốc như thế là huỷ hoại sức khoẻ, phải bỏ đi thôi, ông lấy thuốc lá ra khỏi ống điếu: sao thế này, ông tự nhủ, ta trở thành lão già ngớ ngẩn rồi sao? Đồng ý là thôi không hút, nhưng sao lại vứt bỏ thuốc lá ngon thế này.
Thoáng chút vẻ ăn năn hiện lên trên khuôn mặt ông lão đang ngồi dưới gốc cây phỉ. Những người làm việc nơi cánh đồng bên kia hồ đã bỏ đi, bọn trẻ cũng không còn ở đó; chỉ còn mảnh đất ruộng đen đã cày xới, chỉ còn tiếng thở dài từ lòng đất sâu, mọi thứ đều toát lên vẻ thanh bình, ngay cả mặt trời, phía bên kia, cũng đang lặng lẽ thiếp ngủ, và ông lão nhận ra rằng đêm sắp xuống, ở nhà mọi người sắp gọi ông về ăn cơm, họ không tệ bạc với ông, không phiền việc ông nay già yếu, bệnh tật, nhưng cứ nhắc mãi: bố ơi, về ăn đi, về ngủ đi. Họ chẳng biết thâm tâm ông suy nghĩ gì, mà ai biết được? May ra có cây phỉ biết, có con hạc trắng bay đến gốc cây cũng biết, nhưng chúng không biết nói; ông nói điều đó với bọn trẻ nhưng chúng không hiểu, chúng cũng không tin là con hạc trắng đến uống nước bên hồ. Ông lão nghe từ xa có tiếng gọi ông về nhà. Ông liền đứng dậy, nhặt lấy một cành cây, lùi mấy bước và vẽ một vòng tròn to trên nền đất bùn giữa cây phỉ và cái hồ.
Ông có hai đứa cháu, một trai một gái. Ông dẫn hai cháu đi xem con hạc trắng nhưng chúng không nhìn thấy dấu vết nào, thằng cháu trai bận đi câu cá diếc bên hồ, đứa con gái lo đi bắt bướm dưới tàn cây phỉ, còn ông nằm ngủ, dựa vào gốc cây.
Tại sao con hạc trắng không còn ở đây? đứa cháu gái không bắt được bướm kéo tai ông và hỏi: ông nói là con hạc trắng đến uống nước bên hồ, vậy thì tại sao ta không nhìn thấy?
Mặt trời vẫn còn ở trên cao, hạc trắng không thể đến được. Ông lão giụi đôi mắt ngái ngủ nhìn lên trời. Phải đến lúc mặt trời khuất sau núi hạc mới đến được.
Mà con hạc, nó ở đâu? Trên núi cao ư? Đứa cháu gái hỏi.
Nhưng, nó đến từ nơi xa lắm, rồi lại trở về đó. Ông cũng không biết chính xác nó ở đâu, nơi đó ông cháu ta không nhìn thấy được.
Đứa cháu trai câu được con cá diếc, nó nhét trong vạt áo và chạy đến khoe với ông: ông nhìn này, cháu câu được con cá, ông cắt nó ra thành nhiều miếng rồi ném xuống nước, sẽ kéo con chim lớn đến liền, chim lớn thường thích cá diếc.
Không phải chim lớn đâu, ông lão nói. Đó là con hạc trắng. Hạc trắng là loài chim mang điềm tốt; người ta có thể bay trên lưng nó để lên thiên đàng.
Đứa cháu hỏi: Ông thích bay trên lưng hạc trắng để lên thiên đàng sao? Ông thích lắm, nhưng không biết hạc trắng có chịu chở ông trên lưng nó không. Ông lão cười buồn trả lời. Ông đứng dậy bước đến gần cái vòng tròn ông đã vẽ dưới đất: Không phải bất cứ ai cũng có thể bay trên lưng hạc trắng được, ông cũng không dám nghĩ đến điều đó. Ông chỉ nói điều ông muốn, ông không thích người ta đưa ông đến Tây quan.
Đứa cháu hỏi: sao lại đưa ông đến Tây quan? Ai đưa ông tới đó?
Ở Tây quan có một lò hoả táng lớn, ông lão vung tay giải thích cho cháu, bắt chước tiếng nổ lốp bốp của lò lửa, nơi đó, người ta sẽ biến thành làn khói đen; khi ông chết, bố cháu, chú cô cháu muốn đưa ông tới đó, họ đã sắp xếp mọi chuyện để đưa ông đến lò hoả táng.
Nếu ông không muốn đến đó thì ông đừng có đi, thằng cháu nói, nhưng rồi nó chợt nhận ra là điều này không thể được nên phá lên cười. Khi ông chết, ông không làm gì được cả, cháu biết vậy, mọi người sẽ đưa ông tới nơi nào họ muốn.
Đúng vậy, họ sẽ đưa ông tới nơi họ muốn, ông lão vuốt đầu hai đứa cháu trả lời, bỗng nhiên ông lên cơn ho dữ dội, ông cố gằn giọng nói giữa hai cơn ho: ...nhờ có ông ... chúng mới... thành người... vậy mà... chúng muốn ... ông biến thành... khói.
Thằng cháu thấy ông đẫm nước mắt, lấy tay chùi cho ông. Nó suy nghĩ một hồi để an ủi ông, ông đừng có sợ, chỉ là chuyện nhảm nhí để doạ ông thôi, làm sao người biến thành khói được? Không có chuyện đó đâu.
Có đấy cháu ạ, ông lão dựa vào gốc cây đáp lại, bây giờ cơn ho đã dịu, có chuyện đó mà, có thể biến thành khói mà.
Buổi chiều mùa xuân, ánh nắng chiếu soi ông lão và hai đứa cháu, mấy con chuồn chuồn lượn lờ bay trên mặt nước hồ, hạt ngũ cốc bắt đầu đâm chồi trên mảnh đất ẩm ướt chung quanh, mấy đoá hoa bồ công anh nhỏ màu vàng nở bên lề đường. Không gian đầy thú vật và hoa cỏ non tươi, bay nhảy và khởi sắc, vây quanh ông lão bảy mươi ba tuổi, ông đưa tay vẫy chào chúng, rồi nhắm mắt dựa vào gốc cây phỉ, vừa mới thiếp ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng kêu của bọn trẻ.
Đứa cháu gái đang vui thích chạy nhảy trong vòng tròn ông vẽ dưới đất rồi nói lớn: ông vẽ cái vòng tròn này làm gì vậy?
Ông lão giụi mắt rồi lắc đầu nói: cháu đừng chơi ở đó. Vòng tròn này dành cho ông, cháu hãy đi chơi chỗ khác.
Ông ngủ ở đây sao? Ông có giường ở nhà, ông phải ngủ ở đó chứ.
Ông lão giải thích: khi ông chết, ông không thể ngủ trên giường ở nhà nữa, ông phải ngủ ở đây; mà như thế cũng không được, bố cháu, chú cô của cháu chắc chắn sẽ đưa ông tới Tây quan.
Mắt sáng rực, nắm lấy tay ông lão, đứa cháu trai nói, nếu ông trốn ở đây, họ sẽ không tìm ra ông để đưa đi Tây quan, nếu ông đào lỗ và nằm chết ở đây, họ sẽ không tìm ra, vậy là ông có thể yên nghỉ nơi đây ngàn đời, đúng vậy không?
Ông không thể ngủ ở đây được, đứa cháu gái cao giọng nói, không có giường nằm, với lại, rắn độc sẽ cắn ông đấy.
Ông lão quay đầu nhìn chăm chú thằng cháu, ôm nó vào lòng và hỏi: cháu vừa nói gì vậy? Ông trốn dưới đất ở đây để chết à? Ý kiến hay đó, nhưng làm thế nào được?
Chôn sống ông, thằng cháu nheo mắt suy nghĩ một lát rồi nói thêm , giọng rõ to: chôn sống tức là đào một cái lỗ rồi thả ai đó xuống và lấp đất, họ không thở được và chết thôi. Ông không muốn làm vậy sao?
Cháu chẳng ngốc nghếch chút nào, ông lão run run nói, nhìn xa vắng, khuôn mặt đượm buồn. Ông ôm chặt cháu vào lòng: cháu thật thông minh, nhưng ai sẽ đào lỗ cho ông đây? Ông già quá rồi, không đủ sức để đào cái lỗ như thế, ai làm cho ông đây?
Cháu sẽ làm, thằng bé nói, cháu có thể đào được cái lỗ!
Cháu cũng làm được nữa, đứa cháu gái lên tiếng, không muốn làm người thừa.
Hai cháu còn nhỏ quá, ông lão chùi mắt, buông đứa cháu ra, đầu cúi xuống. Đào một cái lỗ như thế cần nhiều sức lắm, các cháu làm không nổi đâu.
Chắc chắn cháu sẽ làm được, thằng cháu đáp lại, rồi thì thầm vào tai ông, vẻ phấn khích lắm: ông có nhớ con cừu của chú ba không? Không phải nó đi lạc, cháu chôn sống nó đấy!
Bằng một phản xạ tự nhiên, ông lão đưa tay kéo tai thằng cháu, nhưng rồi lại thả ra, và run run để trên đầu gối. Ông nói thêm: chôn sống con cừu và chôn sống một người, không phải như nhau, cừu là thú vật, còn ông của cháu là người, một người còn sống.
Thằng bé phản bác, người thì cũng thế thôi, chỉ cần đào cái lỗ to hơn, phải không?
Nhưng ông của cháu còn sống, làm sao cháu chôn được? Không có ông, sao có bố cháu, và cả cháu nữa, dù sao cháu cũng không thể chôn ông khi còn sống được. Ông lão vuốt ngực, lên cơn ho, lấy tay áo chùi mắt rồi nói tiếp: thôi, không được đâu, bố cháu mà biết là cháu no đòn đó!
Đứa cháu nói, chỉ cần giữ bí mật, không nói thì không ai biết. Rồi quay sang em gái, nó thêm: ông cũng không ngại gì nó, nó không dám nói gì đâu, nếu không, cháu sẽ có cách trị nó.
Ông lão bật cười, không nói gì nữa. Ông nhắm mắt, suy nghĩ về lời đứa cháu, thoáng nụ cười khoan dung, nhưng không cầm được nước mắt âm thầm chảy mà ông không hay, lúc này điều duy nhất ông nghe được là tiếng thở dài trầm trầm vọng từ lòng đất, chung quanh ông.
Thằng cháu để tay dưới mũi ông lão và hỏi: Ông ơi, ông còn thở không?
Có chứ, ông vẫn thở, ông còn sống đây, ông lão nhắm nghiền đôi mắt, lưng tựa vào gốc cây, trả lời cháu. Cháu ra ngoài hồ chơi với em đi, nhớ đừng làm ồn, các cháu có muốn thấy con hạc trắng không? Các cháu làm ồn chim sợ và sẽ không đến đâu.
Thằng bé chạy đi, kéo em gái ra hồ câu cá, hai đứa lội bì bõm một lát nơi con mương ai đó vừa mới đào mà không câu được con cá nào, chúng nhìn thấy một cái cuốc và cái xẻng có người bỏ quên sau khi đào xong mương. Mới đầu nó chẳng để ý gì đến hai dụng cụ này, rồi chẳng thấy hạc cũng không có con cá nào, nó đâm ra chán, nhặt hai dụng cụ đó lên, một tay kéo cái cuốc, tay kia kéo cái xẻng, trở lại chỗ cây phỉ. Vừa đi nó vừa giải thích cho em: em không hiểu chuyện gì đâu, nhưng ông nội rất sợ bị hoả táng, ông không muốn bị thiêu và biến thành khói, ông chỉ muốn chôn, nhưng muốn chôn ông thì phải đào cái lỗ đã!
Tới cây phỉ, chúng thấy ông đang ngủ, khuôn mặt ngái ngủ của ông khiến liên tưởng đến trái bí cuối cùng sót lại trên giàn vào cuối đông, chúng đứng vào trong vòng tròn vẽ dưới đất nhìn ông một lát, rồi khẽ bàn luận với nhau, sau đó, thằng bé bắt chước động tác người lớn vung cuốc lên, nó bổ nhát đầu tiên vào lớp đất sét ngay giữa vòng tròn.
Tiếng cuốc làm ông lão giật mình thức giấc, ông giụi mắt nói: ông đã bảo hai cháu đừng làm ồn, sao cứ tiếp tục mãi thế? Các cháu làm con hạc sợ bay đi rồi.
Không có hạc trắng nào đâu ông ơi, ông chỉ nói chuyện vu vơ thôi, con bé nói, bố nói vì ông nhìn không rõ, chỉ có con ngỗng nơi hồ mà ông tưởng là hạc trắng.
Hạc trắng sẽ tới thôi, ông lão ngẩng đầu nhìn lên trời và nói, giờ này mặt trời còn cao, khi mặt trời khuất sau núi, hạc sẽ bay tới.
Thằng bé giấu chiếc cuốc sau lưng và đạp chân lên chiếc xẻng dưới đất, nhưng nó biết không tránh được mắt nhìn của ông lão, và tia nhìn thờ thẫn của ông đã lấy lại được vẻ linh hoạt. Nhìn chăm chú hai dụng cụ, nó lấy lại hơi thở. Với chút lo sợ, nó bảo ông: chính ông muốn được chôn, ông đừng trách bố gì cả.
Ông lão cười nói: Ông không trách ai điều gì, ông cúi đầu chùi mắt. Ông ngủ nhiều quá nên đầu óc lộn xộn, quên mất đã nói gì. Ông muốn được chôn chỉ vì không thích bị thiêu và biến thành khói, ông ao ước con hạc trắng sẽ chở ông trên lưng.
Ông ơi, ông quên rồi sao? Nếu ông muốn chôn thì phải đào cái lỗ trước đã, thằng bé nói.
Tất nhiên phải đào lỗ trước, nhưng lỗ phải lớn và sâu để ông chui vào được, cháu có nghĩ là có thể đào được cái lỗ đủ lớn và đủ sâu không?
Thằng bé nói lại, không cần phải đào cái lỗ lớn quá đâu, chỉ cần đào thật sâu, ông có thể đứng trong đó cũng được.
Thằng nhỏ thiệt là thông mình, ông lão tự nhủ, ông trìu mến nhìn đứa cháu tay đang cầm cuốc và cái xẻng ở dưới chân. Cuối cùng ông nói: thôi được rồi, cháu đào đi, giơ cuốc lên thật cao, vậy sẽ dễ hơn. Và nếu có ai hỏi cháu làm gì, cứ bảo là cháu đào lỗ trồng cây.
Thằng bé lại bổ cuốc xuống và cất giọng nói trong trẻo: em chẳng làm được việc gì, ra khỏi đây đi, đừng quấy rầy anh.
Con bé chạy đến gần ông, ngồi xuống, tựa đầu vào gối ông lão, nhìn anh đào đất.
Ông ơi, đừng để bị chôn, chôn xuống rồi, ông không thở được, ông chết mất thôi.
Ông lão hôn vào má cháu và nói: cháu ngoan lắm, nhưng thế nào rồi ông cũng chết, nhưng chôn rồi chết tốt hơn là bị thiêu, nếu ông bị lửa thiêu rụi, ông sẽ thành khói, còn nếu chôn thì ông còn có thể nhìn thấy con hạc trắng và nhờ nó mang đi. Ông ôm chặt cháu gái vào lòng và nhìn thằng bé tiếp tục đào đất. Ông bảo cháu, cháu nghỉ một lát đi, đừng phí sức nhiều, ông đã khoẻ lại rồi, để ông thay cháu một lát.
Tình cờ có mấy người đi ngang trên đường cạnh hồ. Nhìn thấy mấy ông cháu đào đất họ nghĩ là để trồng cây, mấy năm rồi ông lão không cày xới gì nữa rồi nhưng không ai cấm một ông lão muốn trồng cây. Có người thấy ông lão nhìn quanh quẩn, nghe ông kể với mấy đứa cháu chuyện con hạc trắng, mà chính họ cũng chưa bao giờ nhìn thấy, họ bỏ đi vừa cười thầm: giờ này ông lão lại dắt cháu đi xem hạc trắng nữa đây!
Lúc hoàng hôn, vẫn không thấy bóng dáng con hạc trắng đến uống nước bên bờ hồ, trong khi cái lỗ dưới cây phỉ đã khá sâu, cả ba ông cháu đều thấm mệt. Họ ngồi trên khoanh đất ẩm, quan sát cái lỗ sâu dưới chân, ngắm nhìn những tia nắng chậm rãi xuyên qua tàn lá cây phỉ chiếu sáng bên trong, trông như một tấm màn lấp lánh ngàn đốm sáng vàng rực, gây một ấn tượng ấm áp và huyền bí. Ông lão chùi mồ hôi trên trán thằng cháu: nhìn xem cháu mệt nhoài thế này rồi, cháu đã giúp cho ông một việc quý báu lắm đó.
Cháu chưa mệt đâu, nhưng cháu để dành sức để lát nữa còn lấp lỗ lại.
Ông lão bảo cháu lắng nghe tiếng động vẳng lên từ dưới cái lỗ: cháu nghe thấy gì không? Đất bên dưới đang thở dài đó, thực ra, lúc nào đất cũng thở dài như thế cả.
Thằng bé nghiêng mình xuống cái lỗ để chú ý nghe nhưng một lát sau lại ngẩng lên và nói: không có, chẳng nghe thấy gì, làm gì có tiếng thở dài.
Cháu không nghe, không ai nghe thấy, chỉ riêng ông biết đất thở dài, giờ đây đất vì ông mà thở dài đó.
Ông ơi, bây giờ ông muốn xuống lỗ không? Thằng bé nhìn vào mặt ông lão và hỏi, sao ông khóc? Chính ông muốn cháu làm vậy, nhưng giờ nếu ông không muốn chôn nữa thì thôi khỏi chôn, ông cháu mình về nhà.
Ông lão nhẹ nhàng đứng dậy, tựa vào vai cháu và tuyên bố: Không, ông sẽ xuống lỗ, ông vui quá nên khóc đó thôi, cháu còn nhỏ mà đã giúp được ông một việc lớn, bây giờ cháu núp ở kia, rồi đừng ngại đổ đất lên người ông, phải phủ cho kín, để không ai nhìn thấy ông, cốt nhất là cháu đừng có sợ, nhớ là cháu đang giúp ông, để ông khỏi biến thành khói.
Thằng bé nhìn cái xẻng trong tay đáp: cháu không sợ đâu, cháu biết cách sử dụng xẻng, dễ thôi mà.
Ông lão thờ thẫn nhìn cái hồ, thì thầm cho riêng mình: mặt trời sắp lặn sau núi, con hạc trắng sắp bay tới. Ông cẩn thận cài nút áo khoác rồi quay sang cháu gái đang ngồi bất động kế bên: bây giờ cháu đừng nhìn ông nữa mà nhìn cạnh hồ đi, cháu sẽ thấy con hạc trắng bay tới uống nước.
Rồi ông lão nhẹ nhàng bước xuống lỗ, với sự thận trọng tối đa, đây là một công việc tuyệt vời ông thực hiện với hai đứa cháu, cái lỗ vừa vặn với tầm vóc của ông, ông nằm dài xuống, tỏ vẻ hài lòng, mặt tươi cười nhìn thằng cháu và bảo nó: tốt lắm, bây giờ cháu bắt đầu lấp đất, nhớ kỹ là, từng nhát xẻng một, không được ngừng tay, thế nhé, làm đi.
Thằng cháu nghe lời ông, bắt đầu xúc đất vào xẻng, không nghe ông nói gì nữa, chỉ có mấy tiếng ho nghèn nghẹn. Ông đã bảo nó đừng ngừng tay, vậy thì không ngừng. Nó đổ từng nhát xẻng một vào lỗ, nhưng đến lúc thấy mớ đất đen lạnh và ẩm che mất mái tóc bạc của ông, nó thấy chút ngần ngại và nói: ông ơi, cháu lấp xong là ông không thở được đấy. Nó nghe tiếng ông trả lời từ dưới lớp đất sâu: đừng ngừng lại, cứ tiếp tục đổ đất xuống, cháu nhớ bảo họ là ông đã bay đi trên lưng con hạc trắng. Giọng nói ông chừng như vọng đến từ rất xa nhưng vẫn nghe rất rõ. Nhớ lại những lời cuối cùng của ông, thằng bé tự nhủ có lẽ ông vẫn còn thở, nằm dưới đất, ông vẫn nói được, ông nói đã bay đi trên lưng con hạc trắng.
Tối hôm đó, thằng bé trở về nhà, tay níu em gái, tay cầm xẻng, đến ngưỡng cửa, nó phủi bụi đất còn bám trên người, và bỗng nhiên cảm thấy sợ, nó nói to với bố mẹ: ông đã bay đi trên lưng con hạc trắng.
( theo bản tiếng Pháp của Brigitte Duzan )
Nguồn : chinese-shortstories.com
Thân Trọng Sơn dịch và giới thiệu.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire