Truyện ngắn - O’HENRY
O’Henry
( 1862-1910 ) , nhà văn Mỹ, tác giả của gần 400 truyện ngắn đăng trong các nhật
báo và tạp chí, sau được in trong mười tập truyện. Cuộc đời của Ông rất phong
phú : làm nhiều nghề khác nhau ( dược
sĩ, vẽ kỹ thuật và kiến trúc, thư ký, đầu bếp nhà hàng, nhân viên công ty địa ốc,
nhân viên xưởng in… ), từng tham gia ca hát, diễn kịch, vẽ hí họa, có
lúc bệnh nặng, có lúc ở tù. Có lẽ vì thế mà bối cảnh các truyện ngắn của Ông
cũng rất phong phú, khắc họa xã hội nước Mỹ thời kỳ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ
XX. Phần lớn truyện ngắn của Ông có cốt truyện đơn giản, với nhiều tình tiết
oái oăm, khắc nghiệt, có khi khôi hài để kết thúc bất ngờ. “Chiếc lá cuối cùng”
( The last leaf ) là một truyện ngắn nổi tiếng, được nhiều nước chọn đưa vào
sách giáo khoa.
Trong một khu phố nhỏ ở phía đông
Quảng trường Washington, các con đường chạy ngoằn ngoèo, cắt quãng và tạo thành
những khu vực nhỏ. Những khu vực này không đều nhau, có một dáng vẻ khác thường,
đầy những góc cạnh và đường cong kỳ lạ.
Một con đường cắt ngang chính nó một hai lần. Có một họa sĩ nhìn thấy địa hình
này cũng có cái lợi. Giả dụ như khi một nhân viên thu ngân được ủy thác đi thu
từ các nghệ sĩ tiền hóa đơn giấy, khung vải và tranh vẽ, giả dụ thế, anh ta đi
quanh khu vực này và vòng lại chỗ cũ mà không thu được đồng xu nào !
Chính vì thế mà chẳng bao lâu các
nghệ sĩ đua nhau kéo đến khu làng cổ Greenwich, săn lùng những chiếc cửa sổ trổ
hướng bắc, đầu hồi thế kỷ mười tám, gác mái của Hà Lan và giá thuê rẻ. Sau đó họ
mang đến vài hộp thiếc, một hay hai bếp lò, thế là hình thành một khu di dân.
Ở trên cùng một chung cư ba tầng
bằng gạch hai cô gái Sue và Johnsy đặt xưởng vẽ của mình. Một cô đến từ Maine,
cô kia, từ California. Hai người gặp nhau trong một quán ăn người Ý trên đường Số Tám và khám phá cả hai cùng
chung sở thích về nghệ thuật, rau diếp xoăn và ống tay áo phồng vai nên quyết định
thuê chung căn phòng. Chuyện đó xảy ra vào tháng 5. Đến tháng 11, có một nhân vật
giá lạnh và vô hình mà các bác sĩ gọi là Viêm Phổi lẻn vào khu vực này, lấy
ngón tay lạnh buốt như tử thần quệt vào nơi này nơi kia. Bên phía đông, kẻ tàn
phá này táo bạo lướt tới, hạ gục đến hai mươi nạn nhân, nhưng lại giảm bớt tôc
độ khi đi qua những lối chật hẹp và đầy rêu.
Viêm Phổi không thể được xem là một
quý ông hào hiệp. Một cô gái đôi mươi bé nhỏ, đờ đẫn vì những trận gió ở
California lẽ ra chẳng phải là miếng mồi ngon cho một lão con buôn rắn tay. Vậy
mà hắn vẫn tấn công Johnsy; thế là cô nằm bẹp trên chiếc giường sắt, hầu như
không cử động, đưa mắt nhìn qua cửa sổ bức tường trơ trụi sầu thảm của căn nhà
gạch kế bên.
Một buổi sáng, vị bác sĩ ra dấu mời
Sue ra ngoài hành lang, nhướng đôi mày rậm, ông nói:
“Cơ may cho cô ta là một phần mười,”
ông vừa nói vừa rảy cái nhiệt kế cho vạch thủy ngân tụt xuống. “ Và cơ may này
tùy thuộc ý chí muốn sống của cô ta. Cái cách mà nhiều con bệnh chỉ chờ công ty
mai táng đến làm cho sách thuốc nào cũng vô dụng. Bạn của cô cứ đinh ninh là
mình không qua khỏi. Cô ấy có ý gì thế?”
“Chị ấy… chị ấy mong có ngày được
vẽ vịnh Naples.” Sue đáp.
“Không! Không! Cái gì khác,
nghiêm túc hơn hội họa kìa. Cô ấy có … cô ấy có bận tâm về điều gì…một người
đàn ông chẳng hạn ?”
“Một người đàn ông à ? Sue trả lời,
giọng rung lên, “một người đàn ông thì có thể nào… mà không, thưa bác sĩ, không
có chuyện đó.”
“ Vậy thì chỉ là do yếu sức
thôi”, vị bác sĩ nói. Tôi sẽ làm mọi cách mà khoa học cho phép, hoặc ít nhất là
với tất cả hiểu biết khoa học của tôi. Nhưng khi mà con bệnh của tôi bắt đầu nhẩm
tính số lượng xe trong đoàn xe tang thì xem như hiệu lực của thuốc men đã giảm
đi một nửa. Nếu cô làm cách nào khiến cô ấy hỏi cô về tay áo măng tô của thời
trang mùa đông ra sao, tôi đoan chắc với cô là cơ may khỏi bệnh của bạn cô sẽ
là một phần năm chứ không còn là một phần mười.”
Sau khi bác sĩ đi khỏi, Sue đi
vào xưởng vẽ và khóc đau đớn. Rồi cô lau nước mắt đi vào phòng Johnsy, tay mang
giá vẽ, miệng huýt sáo một điệu nhạc vui. Johnsy nằm không động đậy, mặt quay về
phía cửa sổ. Sue ngưng huýt sáo, nghĩ là bạn đang ngủ. Cô đặt giá vẽ và bắt đầu
dùng bút mực vẽ tranh minh họa cho một tạp chí. Các họa sĩ trẻ phải tự tìm đường
đến nghệ thuật bằng cách vẽ hình minh họa cho các truyện đăng trong tạp chí, truyện
mà các nhà văn trẻ viết để dọn đường đi đến văn học.
Trong khi Sue đang phác họa cái
quần bảnh bao và chiếc kính một mắt cho nhân vật chính, một chàng cao bồi
Idaho, cô nghe một tiếng nói nhỏ, lặp đi lặp lại vài lần. Cô vội đi đến mép giường.
Mắt Johnsy mở to. Cô nhìn ra cửa
sổ và đếm, đếm ngược: “Mười hai”, rồi sau một lát: “mười một”, sau đấy, “mười”,
rồi “chín”, rồi “tám” và “bảy” gần như liền nhau.
Sue tò mò nhìn ra ngoài cửa sổ.
Có gì ở ngoài đó mà đếm? Chỉ có một khoảng sân trống, buồn thảm và bức tường
trơ trụi của căn nhà gạch cách đó chưa tới mười thước. Một dây thường xuân già
, gân guốc, cằn cỗi, leo lên đến nửa bức tường gạch. Gió thu lạnh buốt đã vặt gần
hết lá, chỉ còn những nhánh khẳng khiu, trơ trụi bám vào mảng tường gạch vỡ vụn.
“Chuyện gì thế, cô nàng?” Sue hỏi.
“Sáu,” Johnsy đáp, gần như thì
thào. “ Bây giờ chúng rụng nhanh quá. Ba hôm trước vẫn còn cả trăm, đếm muốn nhức
đầu. Giờ thì dễ rồi. Đấy, một chiếc nữa. Chỉ còn có năm thôi.”
“Năm gì chứ, cưng? Nói cho Sue của
cưng biết đi.”
“Chiếc lá. Trên dây leo thường
xuân. Khi chiếc cuối cùng rụng, mình sẽ ra đi. Mình nghiệm ra điều đó từ ba hôm
nay. Bác sĩ không nói cho bồ biết sao?”
“Ồ, mình chưa bao giờ nghe chuyện
tầm phào đó,” Sue càu nhàu, giọng giả vờ tức giận.” Mà mấy chiếc lá thường xuân
thì liên quan gì đến việc bạn hồi phục? Mà lâu nay bạn vẫn thích cây thường
xuân mà! Đừng ngốc nghếch thế nữa. Sáng nay ông bác sĩ nói với mình là cơ may bạn
khỏi bệnh hẳn là…, để xem ông ấy nói gì nào, à ông ấy nói cơ may là mười trong
một! Đấy, cũng bằng với cơ may khi ở New York chúng mình đáp tàu điện hay đi bộ
ngang qua một căn nhà đang xây. Cố ăn tí cháo đi, để cho Sue vẽ nốt tranh này rồi
đem bán cho tạp chí, mua rượu vang cho cô bé đang bệnh và mua sườn heo cho nó
đang thèm đây.”
“Khỏi cần rượu vang nữa,” Johnsy
vẫn dán mắt ra ngoài cửa sổ,”Thêm một chiếc rụng nữa kìa. Không, mình không ăn
cháo. Thế là chỉ còn có bốn. Mình muốn nhìn thấy chiếc cuối cùng rụng trước khi
trời tối. Khi ấy mình cũng sẽ ra đi.”
“Johnsy cưng ơi,” Sue nghiêng mình
gần bạn, “ bồ có hứa với mình là nhắm mắt lại và không nhìn ra ngoài cửa sổ nữa
cho đến khi mình vẽ xong không? Mình phải đem giao tranh này ngay ngày mai.
Mình cần ánh sáng, nếu không mình sẽ kéo rèm xuống.”
“Bạn không thể sang phòng bên mà
vẽ sao?”, Johnsy lạnh lùng hỏi.
“Mình muốn ở bên cạnh bạn,” Sue nói, “ Hơn nữa,
mình không muốn bạn cứ mãi nhìn mấy cái lá thường xuân như thế.”
“Khi nào bạn làm xong thì cho
mình biết,” Johnsy nói, mắt nhắm lại, tái nhợt và bất động như một pho tượng nằm
dài, “ vì mình muốn nhìn chiếc lá cuối cùng rụng. Mình chờ đợi mệt quá rồi.
Mình suy nghĩ mệt quá rồi Mình muốn
buông xuôi tất cả, rồi rơi xuống, quay tròn rơi xuống như một trong những
chiếc lá mỏi mệt kia.”
“Thôi ráng ngủ đi,” Sue nói, “
Mình phải đi mời ông Berhman lên ngồi làm mẫu cho mình vẽ ông thợ mỏ già sống ẩn
dật. Mình chỉ đi một phút. Đừng cựa quậy cho đến khi mình trở lại.”
Ông già Berhman là họa sĩ sống ở
tầng trệt, bên dưới phòng hai cô gái. Ông ngoài sáu mươi, có chòm râu dài và
xoăn chảy dài từ cái đầu to tướng xuống một thân hình thấp nhỏ, kiểu như ông
Moses trên bức điêu khắc của Michael Angelo. Berhman là cả một sự thất bại
trong nghệ thuật. Ông đã cầm cọ vẽ suốt
bốn mươi năm mà chưa bao giờ mon men đến được mép ngoài của cõi nghệ thuật. Lúc
nào ông cũng muốn vẽ nên một kiệt tác nhưng chưa bao giờ bắt đầu. Vài năm nay
ông không vẽ được gì, chỉ thỉnh thoảng vài bức tranh tồi mang tính thương mại
hay quảng cáo. Ông chỉ kiếm tiền chút đỉnh bằng cách ngồi làm mẫu cho đám họa
sĩ trẻ không đủ tiền trả theo giá người
mẫu chuyên nghiệp. Ông uống rượu gin như hũ chìm và cứ luôn nhắc đến kiệt tác sắp
đến của mình. Ngoài ra, đấy là một ông già nhỏ thó mà dữ dằn, thường hay mạt
sát cay độc thói yếu đuối của bất cứ ai, và tự coi mình là người bảo vệ trung
thành cho hai cô họa sĩ trẻ sống ở tầng trên.
Sue tìm thấy Barhman nồng nặc mùi
rượu dâu trong căn phòng tối mù ở bên dưới. Trong góc, trên giá vẽ là một khung
vải trống trơn đang chờ đợi từ hai mươi lăm năm nay nét cọ đầu tiên của một kiệt
tác. Cô cho ông biết ý nghĩ hão huyền của Johnsy và nói cô rất sợ thấy cô bạn sẽ trôi đi, nhẹ nhàng và mỏng manh
như một chiếc lá khi sự bám víu sơ sài vào trần thế yếu dần đi.
Ông già Barhman, với cặp mắt đỏ
ngầu, thét lớn, tỏ rõ sự khinh thường và nhạo báng những ý tưởng ngốc nghếch
như thế.
“ Cái gì? Ở đời sao lại có người
ngu ngốc muốn chết vì mấy cái lá cây thường xuân rụng đi? Lão chưa bao giờ nghe
chuyện như vậy. Không, lão sẽ không ngồi làm mẫu cho cái ông già ẩn dật của cô
đâu. Tại sao cô lại cho phép nó nhét những ý nghĩ ngu ngốc như thế vào trong đầu?
Ôi, cái con bé Johnsy khốn khổ!”
“Chị ấy bệnh nặng và yếu lắm,”
Sue nói, “ và cơn sốt đã khiến cho tâm trí chị ấy trở nên hỗn loạn với những
hoang tưởng kỳ quái. Thôi được rồi, ông Barhman, ông không muốn ngồi làm mẫu
cũng được, không sao cả. Nhưng tôi nghĩ
ông là một lão già xấu xa, ghê khiếp.”
“Cô đúng là cái giống đàn bà”,
ông Barhman tru tréo, “ai nói là lão không ngồi làm mẫu? Đi lên đi, lão sẽ đi với
cô. Cả nửa tiếng đồng hồ lão đã nói là lão sẵn sàng ngồi làm mẫu. Trời ơi, đây
không phải là chỗ một người tử tế như cô Johnsy nằm dưỡng bệnh được. Một ngày
nào đó lão sẽ vẽ một kiệt tác và chúng ta sẽ dời đi nơi khác. Phải như vậy thôi.”
Johnsy đang ngủ khi họ lên. Sue hạ
tấm rèm xuống và ra dấu cho ông Barhman theo cô sang phòng bên. Ở đó, xuyên qua
cửa sổ họ nhìn dây thường xuân, lòng cảm thấy lo sợ. Rồi cả hai nhìn nhau môt
lúc mà không ai nói gì. Một cơn mưa lạnh lẽo vẫn tiếp tục rơi, hòa cùng với tuyết.
Ông Barhman, mặc chiếc sơ mi cũ màu xanh, ngồi lên một cái ấm nước đặt lộn ngược
giả làm tảng đá để làm mẫu ông thợ mỏ ẩn cư.
Sáng hôm sau khi Sue thức dậy sau
chừng một giờ ngủ mê, cô thấy Johnsy đang nhìn tấm rèm đã buông xuống với đôi mắt
đờ đẫn mở to.
“Kéo rèm lên đi, mình muốn nhìn một
chút,” cô thì thào ra lệnh.
Sue uể oải làm theo lời bạn.
Nhưng, kìa! Mặc dù trận mưa vùi dập
và những cơn gió dữ dội đã kéo dài liên tục
suốt đêm hôm qua, vẫn còn một chiếc lá thường xuân bám vào bức tường gạch.
Đó là chiếc lá cuối cùng của dây leo. Cuống lá vẫn màu xanh thẫm, rìa mép hình
răng cưa đã nhuốm màu vàng úa, nó vẫn hiên ngang bám vào cái cành cao cách mặt
đất.gần bảy thước.
“Đó là chiếc lá cuối cùng,”
Johnsy nói.” Mình nghĩ là đêm qua nó đã rụng rồi. Mình nghe gió thổi dữ lắm.
Hôm nay nó sẽ rụng, và lúc đó mình cũng sẽ ra đi.”
“ Cưng ơi, cưng ơi!”, Sue vừa nói
vừa dúi khuôn mặt mệt mỏi xuống chiếc gối, “ hãy nghĩ đến mình, nếu bạn không
nghĩ đến bản thân. Mình sẽ ra sao nếu không có bạn?”
Nhưng Johnsy không trả lời. Cái
điều thảm thiết nhất trên đời là một linh hồn chuẩn bị cho một chuyến đi bí ẩn,
xa xăm. Ý nghĩ hoang tưởng ám ảnh cô ta ngày càng mãnh liệt hơn khi mà những sợi
dây níu cô ta với tình bạn và trần gian ngày càng lơi lỏng.
Ngày dần trôi, đến lúc hoàng hôn
họ vẫn thấy chiếc lá thường xuân trơ trọi bám vào cuống dính vào tường. Và rồi,
khi đêm xuống, gió bấc lại thổi, mưa vẫn đập vào cửa sổ, nước mưa tuôn xối xả dọc
theo khung cửa kính.
Khi trời vừa hừng sáng, con người
lạnh lùng lại đòi kéo tấm rèm lên.
Chiếc lá thường xuân vẫn còn đó.
Johnsy nằm nhìn chiếc lá trong
giây lát. Rồi cô lên tiếng gọi Sue khi bạn đang khuấy nồi súp gà trên bếp ga.
“Mình là đứa hư, Sue à”, Johnsy
nói, “ Có điều gì đó đã khiến cho chiếc lá vẫn bám ở đấy để cho mình hiểu là
mình tệ hại đến mức nào. Muốn chết là điều tội lỗi. Bây giờ bạn có thể đem cho
mình một chút cháo, và ít sữa pha chút rượu vang, và – à không, trước hết hãy
mang cho mình chiếc gương soi cầm tay, rồi kê giùm mình mấy cái gối, mình sẽ ngồi
dậy nhìn bạn nấu nướng.”
Một giờ sau, cô nói:
“ Sue à, mình hy vọng có ngày vẽ
được vịnh Naples.”
Buổi chiều vị bác sĩ ghé đến, khi ông ra về, Sue có cớ để
đi ra ngoài hành lang.
“ Cơ may ngang bằng,” bác sĩ cầm
bàn tay gầy guộc và run rẩy của Sue và nói, “ ráng chăm sóc thì cô sẽ thắng.
Bây giờ tôi phải đi thăm người bệnh khác ở tầng dưới, tên là Berhman - chừng đâu là một nghệ sĩ gì đó,
tôi nghĩ thế. Cũng Viêm Phổi. Một ông lão già nua yếu đuối, cơn bệnh lại là cấp
tính. Không còn hy vọng gì cho ông ta, nhưng vẫn phải đưa vào bệnh viện để được
tiện nghi hơn.”
Ngày hôm sau bác sĩ nói với Sue:
“ Qua cơn nguy rồi. Cô đã thắng. Ăn uống bồi bổ và chăm sóc chu đáo, bây giờ chỉ
cần thế thôi.”
Chiều hôm đó, khi Sue đến gần giường,
Jonhsy đang vui vẻ đan chiếc khăn quàng với những sợi len xanh, cô vòng tay ôm
lấy cổ bạn, rồi ôm chiếc gối.
“ Mình có chuyện này nói với bạn,
con chuột bạch ạ,” Sue nói. “ Ông Barhman qua đời hôm nay ở bệnh viện vì chứng
viêm phổi. Ông chỉ mới nhuốm bệnh hai hôm nay thôi. Sáng ngày đầu tiên người
gác dan tìm thấy ông trong căn phòng tầng dưới, có vẻ đau đớn lắm. Đôi giày và
quần áo ướt đẫm, lạnh như đá. Không ai nghĩ ra ông đã đi đâu vào cái đêm gió
mưa kinh khủng như vậy. Rồi người ta phát hiện cây đèn bão, vẫn còn cháy sáng,
và một cái thang đã được kéo ra khỏi nơi cất giữ, và vài cây cọ vứt bừa bãi dưới
đất, và chiếc khay vẽ pha trộn hai màu xanh và vàng, và – bạn nhìn ra ngoài cửa
sổ đi, nhìn cái lá thường xuân cuối cùng trên tường đó. Bạn có thắc mắc tại sao
nó không hề lung lay động đậy gì khi gió thổi không? Ôi, cưng ơi, đó là kiệt
tác của ông Barhman đấy – ông đã vẽ nó đúng vào cái đêm mà chiếc lá cuối cùng rụng
xuống.”
THÂN TRỌNG SƠN dịch
( The Last Leaf – O’HENRY )
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire