mardi 16 janvier 2024

CON RỒNG CHÁU TIÊN

 



                           




    Năm Quý Mão sắp qua, năm Giáp Thìn lại đến. Trong mười hai con giáp, mỗi năm được đặt tên theo một con vật, nhỏ như chuột, mèo, to như trâu, ngựa, tất cả đều là những con vật quen thuộc. Chỉ có một con vật bí ẩn, được cho là không tồn tại trong thế giới hiện thực. Trong Từ điển tiếng Việt, con rồng được định nghĩa là  động vật tưởng tượng theo truyền thuyết, mình dài, có vảy, có chân, biết bay, được  coi là cao quý nhất trong các loài vật.  Tuy nhiên một điều đáng ngạc nhiên là từ xưa đến nay, tại khắp các quốc gia phương Đông, hình tượng con rồng hầu như thống nhất, không thay đổi. Trong miếu thờ, cung điện, sách vở, hội hoạ hay điêu khắc, hình tượng con rồng được thể hiện giống nhau. Sừng của con rồng giống như sừng của con hươu. Vảy rồng giống vảy cá chép. Móng vuốt của nó giống như móng vuốt chim ưng, còn thân lại giống như thân rắn.

       

 




      Một loài sinh vật tưởng như hư ảo lại hiện ra rất chân thật như vậy khiến cho con người vừa tò mò vừa hoài nghi. Người cổ đại cho rằng rồng là loài vật có khả năng ẩn hình, trừ khi chúng muốn hiện hình cho con người chứng kiến, con người không thể nhìn thấy chúng. Vì thế, người xưa tin rằng mỗi khi rồng xuất hiện thì sẽ có biến đổi lớn, sử sách phải kịp thời ghi chép.


      Người phương Tây quan niệm rằng con rồng là một sinh vật độc ác có khả năng phun ra lửa, hình dạng giống thằn lằn, thường đại diện cho những sức mạnh sâu xa. Trong tiếng Pháp, con rồng là dragon và từ điển Littré định nghĩa : “ Animal fabuleux qu'on représente avec des griffes, des ailes et une queue de serpent “ ( Con vật huyền thoại được biểu thị với móng vuốt, cánh và đuôi rắn ).


Theo truyền thuyết Hy lạp, có một vị thần là Achilles, dũng sĩ vô địch. Anh là con Thetis, nữ thần biển với vị vua Hylạp Pelus. Từ thưở nhỏ Achilles được tắm máu rồng nên cơ thể trở thành mình đồng da sắt, có sức mạnh vô song, nhưng chỉ có gót chân máu rồng không thấm tới nên chỗ này trở thành nhược điểm duy nhất của Achilles. Trong trận chiến thành Troy, Achilles bị trúng tên của Paris bắn vào gót chân và chết. Từ đây có ngạn ngữ  “ gót chân Achilles “ để ám chỉ một người dù có mạnh mẽ đến đâu vẫn có một yếu điểm nào đó.

Nếu ở phương Đông, rồng luôn là biểu tượng cho sự cao quý, may mắn và tốt đẹp thì ở phương Tây chưa hẳn đã vậy. Dragon ( tức là rồng ) còn ám chỉ một loại “ sư tử Hà Đông “ , đó là người đàn bà hung ác, dữ tợn. Trong tiếng Pháp ít thấy một thành ngữ mang từ dragon, ngoại trừ cụm từ “ dragon de vertu “ ám chỉ người đàn bà khó tính! 

Còn những câu thành ngữ có Rồng của ta khi chuyển sang tiếng Anh thì dáng Rồng cũng mất hút.

 - Nói như rồng leo, làm như mèo mửa. Great talkers are little doers hoặc Loud talking, little doing.

  • Trứng rồng lại nở ra rồng, liu điu lại hoá ra dòng liu điu : Like begets like, hoặc Like parents, like child..

      Người Việt luôn tự hào mình là “ Con Rồng Cháu Tiên “ qua truyền  thuyết    Lạc Long Quân - Âu Cơ.   


Tích xưa kể lại rằng:


Lạc Long Quân là vị thần của vùng biển, là con trai của Kinh Dương Vương và Long Nữ (con gái của Long vương), có thân hình một con rồng, sức khoẻ phi thường. Lạc Long Quân được cha trao cho nhiệm vụ cai quản miền Lĩnh Nam, diệt trừ yêu quái và dạy dân chúng trồng lúa nước, nấu cơm, đốn gỗ làm nhà.


Còn Âu Cơ, là con gái của thần Đế Lai, là tiên nữ ở trên trời.


Khi hai người gặp nhau, thì đã kết duyên với nhau. Bố rồng, mẹ tiên đã ăn ở với nhau, và sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành 100 con trai.


Trong cuộc sống hôn nhân, hai vợ chồng luôn có nhiều xung khắc bất đồng, nên một hôm, Lạc Long Quân mới nói với Âu Cơ:


“Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, Thủy và Thổ, luôn tương khắc với nhau, nên không thể nào sống lâu bên nhau được”.


Thế là, hai người đành thỏa thuận chia con ra, 50 con theo cha về biển, 50 con theo mẹ về núi.


Họ đã chia nhau, để cai quản các vùng, các miền.


Khi chia tay từ biệt nhau, hai vợ chồng đã hẹn ước: Sau này, nếu có gặp phải nguy hiểm nào, thì báo cho nhau hay, để cứu giúp lẫn nhau.


Trăm người con trai đó đã tỏa đi khắp các nơi, trở thành tổ tiên của người Bách Việt.


Chính cái truyền thuyết về Con Rồng Cháu Tiên là một thứ truyền thuyết Việt cổ đã bị khúc xạ bởi yếu tố văn hóa ngoại nhập, văn hóa Hán tộc.


    Suốt quá trình bị đô hộ và sau đó là giao lưu văn hóa với Trung Hoa, khái niệm rồng của Trung Hoa mới du nhập Việt Nam. Từ đó, người Việt mới có khái niệm rồng như là một con vật linh thiêng, trong hệ thống tứ linh: long, lân, quy, phụng.  Rồng trở thành biểu tượng quyền lực và sự uy nghi của vua chúa. Và từ đó, trong ngôn ngữ, từ long hay rồng mới gắn với cương vị đế vương, vua chúa, hay những thực thể cao quý.
Những vật dụng liên quan đến vua đều được gán cho chữ “ long “ như :

  

Long thể: thân thể vua
Long nhan: mặt vua. Mặt của nhà Vua được ví như mặt Rồng . Sách Sử ký có viết :  “ Cao tổ vi nhân long chuẩn nhi long nhan “ . Theo đó về sau gọi mặt vua là Long nhan
Long ngai: ngai vua
Long cổn, long bào: áo vua

Long châu, long thuyền: thuyền vua...

Long đình : Bàn sơn son thiếp vàng, làm giống như cái nhà, dùng để rước sắc chỉ nhà vua (Nha môn chực dưới, long đình đặt trên : Nhị Độ Mai) .

Long Hạm :Thuyền Rồng của nhà Vua (Trên Long hạm cờ bay phất phới)

Long Hưng : Chỉ sự hưng vượng, quật khởi của nhà Vua . Kinh Dịch có câu :  “ Phi long tại thiên “. Ban Cố thì viết :  “ Chân dĩ Long hưng, Tần dĩ Hổ thị “  đều chung ý tả sự hưng thịnh của Vương triều . Trong Ðại Nam Quốc sử Diễn Ca cũng có câu : Long hưng còn đợi số trời có khi .

Long Phi : Chỉ ông Vua đang trị vì .

Long Sàng : Giường chạm Rồng nơi Vua ngủ, theo ý nghĩa của câu : Ngự lê hưng khí phốc long sàng.

Long Xa : Xe của Vua đi, trích theo câu nói từ sách Hoa Ðiểu Tranh Năng : Bách thanh đâu đã đến gần long xa .

Long Thể : Mình Rồng để chỉ thân vua,( Vóc Rồng thì để hầu vua, vải thơ lụa xấu thì chừa cho dân .)


Và hình ảnh tưởng tượng của Rồng cũng đã chi phối cách mô tả ngoại hình các bậc vua chúa của nhà văn: râu rồng, mũi rồng, đi nhẹ như nước, ngồi vững như non v.v


Những vùng đất mang tên Rồng:


Vua Lý Công Uẩn dời kinh đô từ Hoa Lư ra Đại La và đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long, thể hiện khát vọng và tư thế vươn lên của một dân tộc.

Rất nhiều địa phương ở khắp nước ta mang tên con rồng. Vùng đất xưa nhất là Long Đỗ, tức Hà Nội ngày nay. Long Đỗ nghĩa là bụng, rốn con rồng. Phía bên kia sông Hồng là Long Biên.


   Xa hơn về phía tây có núi và sông Long Môn, thuộc huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình. Sách Đại Thanh nhất thống chí chép : “ Sông này có nhiều cá anh vũ, tương truyền giống cá này hoá rồng “. Tục truyền ngày xưa cá vượt vũ môn là ở đây.


        Xuống đến Hải Phòng có bán đảo Đồ Sơn, nơi nghỉ mát nổi tiếng. Ở đây có dãy núi chạy ra biển, nhấp nhô như rồng uốn khúc nên được đặt tên là Cửu Long Sơn. Xa hơn nữa về hướng Đông Nam, cách Đồ Sơn 10 km là đảo Bạch Long Vĩ. ( đuôi con rồng trắng ). Phải chăng đây là con rồng lạc đàn ? Vì theo truyền thuyết, vịnh Hạ Long và Bái Tử Long xưa là nơi rồng mẹ và rồng con hạ giới để giúp nhân dân ta đánh giặc giữ nước. ( Hạ Long có nghĩa là rồng xuống, Bái Tử Long nghĩa là rồng con bái lạy rồng mẹ ). Giữa vịnh Hạ Long có đảo Phù Long, tức rồng nổi, nay gọi là đảo Cát Bà.

      Ngược lên vùng cao Việt Bắc có núi Tụ Long ở Tuyên Quang chứa nhiều đồng và đá nam châm. 

    Nhiều ngọn núi liên tiếp chầu về giống như một đàn rồng nên núi có tên là Tụ Long.

     Xuống đến Hải Phòng có bán đảo Đồ Sơn, nơi nghỉ mát nổi tiếng. Ở đây có dãy núi chạy ra biển, nhấp nhô như rồng uốn khúc nên được đặt tên là Cửu Long Sơn. Xa hơn nữa về hướng Đông Nam, cách Đồ Sơn 10 km là đảo Bạch Long Vĩ. ( đuôi con rồng trắng ). Phải chăng đây là con rồng lạc đàn ? Vì theo truyền thuyết, vịnh Hạ Long và Bái Tử Long xưa là nơi rồng mẹ và rồng con hạ giới để giúp nhân dân ta đánh giặc giữ nước. ( Hạ Long có nghĩa là rồng xuống, Bái Tử Long nghĩa là rồng con bái lạy rồng mẹ ). Giữa vịnh Hạ Long có đảo Phù Long, tức rồng nổi, nay gọi là đảo Cát Bà.

      Ngược lên vùng cao Việt Bắc có núi Tụ Long ở Tuyên Quang chứa nhiều đồng và đá nam châm. 

    Nhiều ngọn núi liên tiếp chầu về giống như một đàn rồng nên núi có tên là Tụ Long.

    Ở Ninh Bình có núi Long Triều, còn gọi là Mã Yên Sơn. Dưới chân núi có đền vua Đinh và đền vua Lê. Ninh Bình còn có sông Hoàng Long (rồng vàng), gắn liền với sự tích Đinh Bộ Lĩnh chơi cờ lau tập trận, mổ trâu khao quân bị ông chú rượt đuổi đến bờ sông, may có rồng vàng hiện ra đưa sang bên kia bờ an toàn. Tên sông Hoàng Long có từ đó.

      Ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam có núi Long Đọi. Đây là quả núi gắn liền với lịch sử. Thuở xưa, vua Lê Đại Hành cùng các quan đến đây cày ruộng tịch điền vào dịp đầu xuân để mở đầu cho công việc đồng áng.

      Thanh Hóa nổi danh với núi Hàm Rồng thời đánh Mỹ cứu nước. Núi toàn sa thạch, đứng sừng sững, hiên ngang trên bờ sông Mã. Thuở xưa vua Lê Thánh Tông có đến đây ngoạn cảnh, làm thơ cho khắc vào đá núi.

      Xa hơn về phía nam, ở huyện Tĩnh Gia có núi Long Cương, hình dáng núi tròn và đẹp đẽ như mày ngài nên còn gọi là Nga Mi Sơn. Thuở xưa Đào Duy Từ dựng nhà đọc sách ở trên núi để làm khúc Long cương vãn bày tỏ chí khí, sau người ta nhân đó mà đặt tên cho núi là Long Cương.

         Ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An có mạch núi từ Đại Hoạch dẫn về rồi vọt lên cao như đầu rồng nên gọi là núi Đầu Rồng. Ở huyện Quỳnh Lưu có núi Long Sơn (núi rồng), vách đá dựng đứng, hang sâu thăm thẳm.

      Ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh có núi Long Mã Phụ Đồ, hai ngọn liền nhau, ngọn đằng trước nhô cao như đầu ngựa, ngọn phía sau bằng phẳng như thân ngựa mang đồ thư.

       Ở Quảng Bình có núi Long Tị, nghĩa là mũi rồng. Núi toàn đá giống cái mũi con rồng. Ở phía nam, trên dòng sông Gianh có bãi cát mang tên bãi Rồng. Thuở xưa, Lý Thường Kiệt mang quân đi đánh Chiêm Thành đã dừng ở đây.

      Ở Thừa Thiên - Huế có núi Kim Long, dáng núi thanh thoát, nên thơ, là phên giậu của kinh thành.

     Ở Quảng Ngãi, huyện Mộ Đức có ba ngọn núi mang tên Rồng: Long Phụng, Long Cốt và Lạc Long. Ở huyện Bình Sơn có núi Đầu Rồng tức “Long đầu hí thủy”, là một trong Quảng Ngãi thập cảnh. "Long đầu hí thủy" có nghĩa là đầu rồng giỡn nước.

     Gia Lai cũng có núi Hàm Rồng nằm ở tây nam thành phố Pleiku, là một thắng cảnh ở Tây nguyên.

    Ở Bình Định có núi Hàm Long, còn gọi là Úc Sơn, cách thành phố Quy Nhơn 8km về hướng bắc. Nơi đây từng là bãi chiến trường giữa quân Tây Sơn và quân Gia Định của Nguyễn Ánh.

     Đất Bà Rịa còn có tên “Cửu long thập phước”, nhưng địa danh nổi tiếng hơn cả là Long Hải, một bãi biển đẹp và hấp dẫn đối với khách nhàn du. Lại còn có các địa danh Long Sơn, Long Điền, Long Đất...

     Ở Biên Hòa (Đồng Nai) có núi Bửu Long, trên đỉnh có chùa Bửu Phong, có Long đầu thạch động, có Hàm Rồng, Hàm Hổ. Gần núi Bửu Long có hồ Long Ẩn và Long Vân, được xem như một tiểu Hạ Long ở Nam bộ.

      Sông Đồng Nai ngày xưa còn mang tên Phước Long Giang, còn đất Biên Hòa là huyện Phước Long thời Nguyễn Sơ, thuộc Gia Định thành.

     Miền Tây Nam bộ cũng có nhiều địa danh mang tên rồng như Cù Lao Rồng (Tiền Giang), Long Hồ, Vĩnh Long, Long Xuyên, Long Mỹ (Cần Thơ)...

      Cửu Long Giang là tên gọi của đoạn hạ lưu sông Mekong. Sông Cửu Long gồm hai nhánh là sông Tiền và sông Hậu đổ nước ra biển Đông bằng chín cửa.

      Ở Nam bộ còn tồn tại một số địa danh mang thành tố “luông” như sông Hàm Luông, Mỹ Luông, Bạch Bà Luông, Vũng Luông (tỉnh Bến Tre). Người địa phương cho biết cách đọc chệch từ âm Long mà thành do kiêng húy vua Gia Long.

        Điểm qua như thế mới thấy con rồng xuất hiện trong rất nhiều địa danh ở nước ta, từ Bắc vô Nam.


***


Con Rồng không thể thiếu trong ngôn ngữ và văn học dân gian. 


Có thể thấy dân gian quan niệm về rồng tản mạn như sau:

1. Cá gáy hóa rồng:

Quan niệm này cũng tiếp thu từ Trung Hoa. Ca dao ta nói:

Mồng bốn cá đi ăn thề.
Mồng tám cá về cá vượt Vũ môn.

Vũ môn, tức cửa Vũ gồm có ba tầng. Ở Trung Quốc và ở Việt Nam ta đều có địa điểm này. Đó là nơi mà người xưa tưởng là cá trải qua cuộc thi khảo sát về trình độ và năng lực. Nếu vượt qua ba cấp Vũ môn thì sẽ hóa rồng(!)

Từ khái niệm cụ thể đó, thành ngữ "cá hóa rồng" thường dùng để chỉ việc thi cử thành đạt của sĩ tử ngày xưa. Dân gian đã từng nuôi ước mơ:

Biết bao giờ cá gáy hóa rồng,
Đền công ơn thầy mẹ ẵm bồng ngày xưa

Khái niệm này cũng được mở rộng, dùng để chỉ cho việc người con gái lấy được người chồng xứng đáng:

Phận gái lấy được chồng khôn,
Xem bằng cá vượt Vũ môn hóa rồng.

2. Rồng nở từ trứng và ở hang.

Nhưng trong dân gian cũng có một quan niệm khác: rồng cũng sinh sản như rắn:

- Trứng rồng thì nở ra rồng
Liu điu thì nở ra dòng liu điu. 

Hay:
Trứng rồng thì nở ra rồng,
Hạt thông thì nẩy cây thông rườm rà.

Và rồng cũng ở hang:

- Lấy chồng thì phải theo chồng,
Chồng đi hang rắn, hang rồng, cũng đi.

Quan niệm này hẳn có màu sắc bản địa hơn quan niệm trên kia.

3. Trong ngôn ngữ và văn học dân gian, rồng là một yếu tố ví von, so sánh để biểu đạt một số mặt sinh hoạt của con người, như ăn, nói, viết, giao tế, thời vận, tình yêu, nhận định về con người và cuộc sống.

Trước hết về chuyện ăn. Chỉ có một thành ngữ: "ăn như rồng cuốn". Rồng cuốn tức là rồng hút, chỉ hiện tượng vòi rồng trong tự nhiên, như cách chiêm nghiệm thời tiết:

Rồng đen uống nước thì nắng,
Rồng trắng uống nước thì mưa.

Về chữ viết, người văn hay chữ tốt thường được ca ngợi "như rồng bay phượng múa".

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc
ngợi khen tài:
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay.

        ( Vũ Đình Liên )

  
Ngay cả lời nói: "nói như rồng" là nói thao thao bất tuyệt:

Trong lưng chẳng có một đồng,
Lời nói như rồng chúng chẳng thèm nghe.

Trên phương diện giao tế, dân gian dùng thành ngữ: "rồng đến nhà tôm" để vừa tỏ sự tự khiêm, nhún nhường của gia chủ, vừa ca ngợi người khách quý. Nhưng có khi, đó cũng là cách mai mỉa:

Mấy đời rồng đến nhà tôm.
Tôi đến nhà chị không môn thì bầu.

Âu cũng là một lối giao tế thực dụng. Và quen thuộc nhất là rồng chỉ thời vận. Hanh thông như là "rồng gặp mây". Thường chỉ người thành đạt khoa cử:

"Như cá gặp nước, như rồng gặp mây"

Nhưng mất yếu tố thời vận thì chỉ là "rồng nằm ở cạn", không còn vùng vẫy, múa may gì được, mà chỉ còn trơ hình hài:

Rồng nằm bể cạn giơ râu,
Mấy lời anh nói giấu đầu hở đuôi. 

Hay đau khổ hơn là:

Rồng vàng tắm nước ao tù,
Người khôn ở với đứa ngu bực mình.

Đó cũng là cái tình thế bất như ý:

Khốn nạn thay, nhạn ở với ruồi,
Tiên ở với cú, người cười với ma
Con công ăn lẫn với gà,
Rồng kia rắn nọ, coi đà sao nên.

Dễ thường mấy khi rồng mây được dùng để chỉ lứa đôi, vì những hình tượng khác quyến rũ hơn, như: mận - đào, loan - phượng, yến -oanh, gió - trăng v.v... nhưng điều đó cũng có:

Mấy khi rồng gặp mây đây,
Để rồng than thở với mây vài lời.
Nữa mai rồng ngược mây xuôi,
Biết bao giờ lại nối lời rồng mây.

Như thế, "lời rồng mây" cũng là lời hẹn thề, lời chung thủy, lời nước non.

Họa hoằn lắm, rồng được dùng như là một biểu tượng của ngăn trở, của cách chia:

Ngồi buồn gởi bức thư sang,
Có con rồng bạch chắn ngang giữa trời
Vậy nên thơ chẳng tới nơi,
Trông thơ, ai biết những lời làm sao.

Ở trên, đã nhắc đến những kết hợp rồng - phượng, rồng - rắn. Ngoài ra, còn có kết hợp rồng - hổ, theo dạng thức đối lập, trong cách ví von nhẹ nhàng mà không kém sâu sắc và mai mỉa, đồng thời lại là chơi chữ:

Xấu hổ nhưng mà tốt long
Đến khi no lòng, tốt cả long lẫn hổ.

Trong nghệ thuật dân gian và cung đình Việt Nam cũng như Trung Hoa, rồng là hình tượng trang trí quen thuộc trên lâu đài đình tạ am miếu, như những mô típ: lưỡng long tranh châu, lưỡng long triều nguyệt, long hý châu, long lộng vũ, long ẩn, và đặc biệt là các điệu hóa cả chiếc thuyền vua, long thuyền tức thuyền rồng.

Một kiểu nói khác bày tỏ sự ước ao sang cả, biểu hiện một tâm lý hưởng thụ, để trở thành phản bội:


Một ngày dựa mạn thuyền rồng,
Còn hơn chín tháng nằm trong thuyền chài.

Cách nói ấy tất nhiên bị phủ định bằng một suy nghĩ chín chắn hơn, xác thật hơn:

Chớ tham ngồi mũi thuyền rồng,
Tuy rằng tốt đẹp, nhưng chồng người ta.

Và quả thật, dân gian đã xét đoán đúng giá trị con người, nhìn đúng thực chất con người, không lệ thuộc những thứ trang sức phù hoa, những thứ trang hoàng sang trọng:

Dù ngồi cửa sổ chạm rồng
Chăn loan gối phượng, không chồng cũng hư

Nhưng sâu sắc và không kém chua chát là lời cảm thán sau đây:

Khen ai khéo dựng bình phong,
Bên ngoài long phượng, trong lòng gạch vôi!

Trong một cách nói ngoa ngữ, cường điệu, một chi tiết thiếu bình thường trên gương mặt người con gái cũng có thể bị châm biếm một cách dí dỏm:

Lỗ mũi em mười tám gánh lông,
Chồng thương chồng bảo râu rồng trời cho.

Đúng là người lớn lắm chuyện. Hãy trở về với thế giới trẻ em. Trong tâm tưởng hồn nhiên, ngây thơ của trẻ em qua đồng dao, rồng đã là một biểu tượng của hạnh phúc, của ấm no, giàu có như lời chúc tụng của trẻ em ngày xưa đối với gia chủ trong những ngày tết nguyên đán:

Súc sắc súc sẻ,
Nhà nào còn đèn còn lửa,
Mở cửa cho anh em chúng tôi vào,
Bước lên giường cao, thấy đôi rồng ấp.
Bước xuống giường thấp, thấy đôi rồng chầu.
Ông sống một trăm, thêm năm tuổi lẻ...


***

Con rồng còn được đặt tên trong nhiều vị thuốc

Thực ra rồng là con vật không có thật nên các phần cơ thể của nó không thể có tác dụng y học như những con vật khác (lợn, chó, trâu, khỉ…). Nhưng do tính linh thiêng, mạnh mẽ của rồng mà người ta dùng nó để đặt tên cho nhiều vị thuốc đặc biệt. 

Long nhãn (mắt rồng), là cùi nhãn phơi khô, sấy khô. Long nhãn là vị thuốc bổ chữa suy nhược thần kinh, mất ngủ, tim hay hồi hộp… 

Ban long (cao ban long): Sự thật cao ban long là thứ cao nấu từ sừng hươu sao (hươu có đốm sao nên gọi là ban long (rồng đốm). Cao ban long là loại thuốc bổ quí rất tốt cho những người gầy yếu, cơ thể suy nhược, ho lao, chẩy máu dạ dầy, đi tiểu nhiều, mồ hôi trộm… 

Địa long (rồng trong đất), là vị thuốc chế từ giun đất, đem rửa sạch, mổ bụng, sấy khô, tán bột hoặc sắc lấy nước uống. Địa long chữa sốt rét, cao huyết áp, xo cứng mạch máu, nhức đầu, hoa mắt… 

Long y (áo của rồng), chính là xác con rắn lột được dùng chữa trẻ con lên cơn co giật, đau họng, làm thuốc sát trùng bôi chữa ghẻ lở… 

Ô long vĩ (đuôi rồng đen), thực ra ra bồ hóng đen dính mạng nhện trên gác bếp đun bằng rơm rạ. Ô long vĩ là vị thuốc sát trùng, hay dùng trong những trường hợp đứt cân đứt tay, chầy xước chẩy máu. 

Long não (óc rồng), chất mầu trắng, óng ánh, cất từ cây, lá, rễ của cây long não. Là vị thuốc trợ tim, xoa bóp chữa đau nhức, thấp khớp, bôi xoa sát trùng… 

Phục long can (gan rồng, là vị thuốc chế từ đất giữa lòng bếp (bếp đun củi đặt trên nền bếp). Phải chăng vì đát ấy mầu vàng như gan nên gọi là phục long can. Thuốc này tác dụng chữa băng huyết, thổ huyết, tiểu tiện ra huyết, nôn oẹ… rất công dụng.

***


Một số danh nhân thế giới sinh năm rồng:


- Jean Jacques Rousseau: Nhà văn Pháp: 1712.

- Enghen: Nhà triết học Đức: 1770.

- A.M.Gorki: Đại văn hào Nga: 1868.

  • François Mitterand: Nguyên Tổng thống Pháp, 1916


Những nhân vật tuổi Thìn trong lịch sử nước ta.


- Phan Đình Phùng: Giáp Thìn (1844 – 1895). Đỗ Đình nguyên làm quan Ngự sử. Lãnh tụ cần vương chống Pháp (khởi nghĩa Hương Sơn ngót 10 năm).

- Trần Phú (1904 – 1931): Tổng bí thư đầu tiên của Đảng cộng sản Đông Dương.

- Đào Duy Anh: Giáp Thìn (1904 – 1988). Nhà sử học, học giả, tác giả Hán – Việt tự điển và nhiều công trình nghiên cứu lịch sử.

- Nguyễn Lương Bằng: Giáp Thìn (1904 – 1979). Nhà cách mạng, năm 1969 là Phó Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.

- Lê Văn Linh: Bính Thìn (1376 – 1447). Khai quốc công thần nhà Lê, được phong đến chức Thái phó.

- Phan Thanh Giản: Bính Thìn (1796 – 1867). Tiến sĩ đầu tiên ở Nam Bộ, đi sứ Pháp về làm Kinh lược sứ ở Vĩnh Long. Bị Pháp ép để mất ba tỉnh miền tây uống thuốc độc tự tử.

- Xuân Diệu: Bính Thìn (1916 – 1985). Nhà thơ tiêu biểu, nhà bình luận văn học sâu sắc.

- Nguyễn Thượng Hiền: Mậu Thìn (1628 – 1715). Đỗ Hoa giáp, làm đốc học, bỏ quan tham gia phong trào Đông du với Phan Bội Châu. Cuối đời đi tu và mất ở Trung Quốc.

- Nguyễn Phan Chánh: Mậu Thìn (1892 – 1984). Hoạ sĩ nổi tiếng về tranh lụa.

- Mạc Đĩnh Chi: Canh Thìn (1280 – 1350). Trạng nguyên, làm quan đời Trần, nổi tiếng liêm khiết, có tài văn học. Đi sứ sang Trung Quốc được phong là Lưỡng quốc trạng nguyên.

- Trương Định: Mậu Thìn (1760 – 1864). Chỉ huy nghĩa binh chống Pháp ở Nam kỳ, không chấp nhận Hoà ước cho Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông, được dân tôn là Bình Tây Đại nguyên soái.

  • Nguyễn Quang Bích: Nhâm Thìn (1832 – 1890). Đỗ Hoàng Giáp, kiên quyết chống Pháp, hưởng ứng Cần Vương, lãnh đạo phong trào kháng chiến ở Bắc kỳ.


    ***


    Nhiều người lại thích bàn luận về tốt xấu đối với ai sinh vào năm Thìn.

    Người Nhật Bản rất thích sinh con trai vào năm Rồng. Theo họ, trẻ con sinh năm Rồng sẽ hiếu động, nghịch ngợm, ngay từ nhỏ đã thích gánh vác những nhiệm vụ quan trọng, dù “chú nhóc” này là thành viên nhỏ nhất trong gia đình. Đứa trẻ tuổi Rồng lớn hơn một chút thường biết thay cha mẹ chăm nom, dạy dỗ đàn em nhỏ.


Tiềm năng người tuổi Rồng rất lớn, khát vọng cháy bỏng giống như ngọn lửa phun ra từ miệng Rồng trong chuyện ngụ ngôn vậy. Người Trung Quốc coi người tuổi Rồng là “vệ sĩ” của sự giàu có và quyền lực. Vì có tiềm lực lớn nên thường thích khua chiêng, gõ trống rầm rộ mỗi khi hành sự. Người tuổi Rồng rất mạnh mẽ, quyết đoán, nhưng không xảo quyệt, mưu mô. Khi bạn cần dược họ giúp đỡ thì họ sẵn sàng gạt phăng mọi tranh chấp sang một bên, quyết đoán và khảng khái giúp đỡ bạn hết mình. Người tuổi Rồng sống có mục đích rõ ràng, nếu nhàn rỗi chẳng có việc gì làm, thì thật bất lợi cho sức khỏe của họ. Họ phải có một sự nghiệp để phấn đấu, một mục tiêu phải đạt. Người tuổi Rồng thường thẳng thắn công khai bày tỏ quan điểm của mình. Họ rất phong độ, không đố kỵ với ai bao giờ. Là mẫu người hướng ngoại, vô cùng yêu thích thiên nhiên, có thể trở thành một vận động viên thể thao năng nổ, ham thích bơi lội. Tuổi Rồng có thể trở thành nhân viên marketing , tiếp thị, nhóm hội của mình. Không chấp nhận thất bại, họ cho rằng sinh ra trên đời này chính là để đạt mục đích cao nhất. Họ không hổ danh là người cầm đầu, ngay cả lúc buồn bã nhất, họ cũng không phụ lòng mong mỏi của mọi người.


Phụ nữ tuổi Rồng ưa thích tham gia chính trị, đấu tranh cho nam nữ bình đẳng. Qua cách phục sức của họ ta thấy rằng cô ta là người nghiêm túc, quần áo tiện dụng được cô ta ưa thích nhất. Trên áo cô ta không có vết nhàu, không cần đeo dải lưng, chẳng có chiếc cúc nào thừa hay hình dạng cầu kỳ nào. Cô ta rất ít khi trang điểm, trải chuốt bản thân, thường không có bất cứ một món trang sức nào có giá trị cao, hoàn toàn tự nhiên. Lòng tự trọng của cô ta rất cao, khi tiếp xúc không muốn người ta đón như một thánh nhân, chỉ cần bạn tôn kính thì cô ta sẽ làm bằng được điều mong muốn.


Mặt yếu của người tuổi Rồng là do ưu thế của là có tiềm lực nên tính khí của họ chẳng mấy ôn hòa, lại võ đoán song lại rất hiếu thuận với các bậc bề trên. Ai cạnh tranh với người tuổi Rồng là chuyên hết sức khó khăn, thậm chí không thể. Họ thường dùng thủ đoạn hù dọa để uy hiếp những ai dám khiêu chiến với họ. Rất ít khi người tuổi Rồng vòng vo, rào trước đón sau, khi anh ta lên tiếng thì hệt như ban sắc lệnh của Hoàng đế vậy. Người sinh năm Thìn, luôn có duyên với thành công, dám nói, dám làm và có thể đơn thương, độc mã chiến đấu, thị uy hoặc công kích mạn mẽ lãnh đạo, khi đó mới làm cho họ tránh được căn bênh stress, liên quan đến thần kinh. Có lúc họ bất chấp, không có lý và rất chuyên quyền, nhưng sau khi hết giận, họ liền có thể tha thứ cho bạn cũng như tha thứ cho chính họ. Có khi còn xin lỗi, xuống nước với bạn.


Người sinh năm Thìn rất có lý tưởng, cố chấp nhưng nhiệt tình và khảng khái nên được nhiều người yêu mến. Thông thường họ rất chủ động yêu người khác và hiếm khi thấy họ buồn rầu về chuyện tình yêu. Đa số các trường hợp là người tuổi Thìn bỏ rơi người ta chứ chẳng ai muốn chia lìa họ. Phụ nữ tuổi Thìn dễ mắc vào lưới tình. Khi đã thành vợ thành chồng thì họ sẽ giành nhiều thời gian để chăm chút gia đình, gánh vác trách nhiệm “vợ hiền dâu thảo”. Nam giới tuổi Thìn , do lòng tự trọng cao nên rất sợ làm tổn thương đối phương. Nói chung người tuổi Thìn hợp với người tuổi Tý, tuổi Thân và tuổi Dậu. Nếu kết được mối lương duyên ấy, tuổi già của họ vô cùng hạnh phúc.


Ta bàn chuyện Chuột, Trâu, Hổ , Rồng… cho vui trong ba ngày tết, chứ trong thực tế nó không có ý nghĩa gì cả.

 Từ con giáp mang tên con Rồng, tản mạn bàn về những điều liên quan. Chỉ là những chuyện đông tây kim cổ, để khỏi mong chờ xuân về, tết đến. Và tất nhiên kèm theo những lời chúc tốt đẹp gởi đến bạn đọc.



THÂN TRỌNG SƠN

( tháng chạp, năm Quý Mão )
























Aucun commentaire: