samedi 11 novembre 2023

CUỘC THÍ NGHIỆM CỦA BÁC SĨ HEIDEGGER

 


Truyện ngắn 

Nathalie Hawthorn

(1804 - 1864 )



 




        Nathaniel Hawthorn sinh trong một gia đình Thanh giáo ( Puritanism ) ở thị trấn Salem, Massachusetts. Cha ông là thuyền trưởng viễn dương, qua đời khi mới được 59 tuổi. Nathaniel lớn lên do mẹ chăm sóc. Hai mẹ con sống với nhau cho đến khi bà mẹ qua đời. 

     Sau khi tốt nghiệp đại học, Nathaniel bắt đầu theo đuổi văn chương, bắt đầu ông viết những tiểu phẩm lịch sử và tiểu thuyết, gộp dưới nhan đề Fanshawe, đồng thời làm biên tập và nhân viên kiểm hoá của hải quan. Ông từ bỏ công việc này không lâu sau đó.

     Vào năm 1842, sau khi lấy vợ, ông về sống ở một ngôi nhà được đặt tên là The Old Manse tại thị trấn Concord, Massachusetts. Bốn năm sau, ông xuất bản tập tiểu luận và truyện ngắn Mosses from an Old Manse, và được giới văn học chú ý ngay.

     Năm 1853, người bạn đồng môn thời đại học của ông là Franklin Pierce, nay là Tổng thống, cử ông vào chức vụ Lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Liverpool, nước Anh. Ông làm việc này trong 4 năm. Hơn một năm sau ông sống tại Ý.

     Nathaniel trở về nước ít lâu trước khi cuộc Nội chiến Hoa Kỳ ( 1861 - 1865 ) xảy ra. Ông qua đời trong một chuyến đi du lịch. Một số tác phẩm được xuất bản sau khi ông mất.


    Nathaniel Hawthorne đã đóng góp không nhỏ vào nền văn học Mỹ.

    Ông để lại nhiều tác phẩm giá trị gồm tiểu thuyết ( đáng kể là cuốn Chữ cái màu đỏ - The Scarlet Letter - xuất bản năm 1850 ). Đây là tác phẩm tiêu biểu phản ánh băn khoăn tội lỗi mang dấu ấn Thanh giáo. Câu chuyện được đặt trong khung cảnh miền New England, miền đất nhập cư đầu tiên của những người Anh thấm nhuần giáo lý và luật lệ khắt khe của Thanh giáo. Truyện kể về mục sư trẻ tuổi Arthur Dimmesdale, là người nêu tấm gương trong sạch , thuyết giáo hùng biện và sống khắc khổ. Vậy mà ông vẫn bị ngọn sóng đam mê xác thịt dập tắt. Ông đã yêu say đắm cô thợ thêu trẻ đẹp, vợ một thầy thuốc xấu xí và độc ác đang ở đâu đó bên châu Âu. Mối tình giữa hai người không giấu được mọi người : nàng sinh ra một đứa con gái trong khi người tình đi xa.Có con hoang, nàng bị đưa lên bục kẻ có tội, đứng trước công chúng ba tiếng đồng hồ để bị sỉ nhục, suốt đời nàng phải đeo trên ngực chữ A đỏ chói tố cáo nàng là đàn bà chửa hoang ( A là chữ đầu của Adultery nghĩa là ngoại tình. 


Ngoài tiểu thuyết, Nathaniel Hawthorne còn có nhiều tập truyện ngắn. Truyện Cuộc thí nghiệm của bác sĩ Heidegger, công bố năm 1837, thường được nhắc đến là truyện tiêu biểu của ông. Truyện nhắc đến “ Dòng suối Trường xuân “ ( The Fountain of Youth ). Theo truyền thuyết của dân da đỏ, suối này có năng lực hồi xuân, nó nằm ở một hòn đảo hoang đường tên là Bimini thuộc nhóm Bahaman. Nó là mục tiêu tìm kiếm của Juan Ponce de Leon ( 1460 - 1521 ) và nhiều nhà thám hiểm châu Mỹ. Truyện dẫn dắt người đọc theo dõi từng chặng của cuộc thí nghiệm và cuối cùng là bài học rút ra từ ý muốn cải lão hoàn đồng.



* * * *

      


    Cái con người rất kỳ lạ ấy, vị bác sĩ già Heidegger, một lần kia đã mời bốn người bạn đáng kính đến thư phòng của mình. Đó là ba ông râu bạc: ông Medbourne, đại tá Killigrew, ông Gascoigne và một quý bà nhan sắc đã về chiều là quả phụ Wycherly. Cả bốn người đều là những hình nhân già nua, buồn rầu, đã từng trải qua nhiều rủi ro trong đời, và nỗi bất hạnh lớn nhất của họ là ngày xuống mộ chẳng còn xa nữa. Ông Medbourne hồi còn trai trẻ đã từng là nhà buôn ăn nên làm ra, nhưng rồi phá sản sau một vụ đầu cơ điên rồ, bây giờ chẳng hơn gì kẻ ăn xin là mấy. Đại tá Killigrew thì đã phung phí những năm tháng đẹp nhất đời mình, cũng như sức khoẻ và sản nghiệp, trong việc đeo đuổi những lạc thú tội lỗi. Lối sống này đã sinh ra một mớ khổ đau như bệnh gút, cộng thêm những nỗi dày vò về thân xác lẫn tinh thần. Ông Gascoigne là một chính trị gia thân bại danh liệt, một con người có tiếng độc ác, hoặc ít ra cũng đã từng như thế, cho đến khi tên tuổi bị thời gian chôn vùi, không ai thuộc thế hệ hiện tại còn nhớ đến ông, thay vào đó là tiếng xấu đã mang, ông đã chìm vào bóng đêm quên lãng. Bà goá Wycherly, theo lời người đời, đã từng là giai nhân nổi tiếng, nhưng từ lâu bà đã sống ẩn dật vì những câu chuyện tai tiếng làm cho những người danh giá trong thành phố có thành kiến với bà. Điều đáng nói là cả ba lão ông Medbourne, đại tá Killigrew và Gascoigne, đều từng là người tình của quả phụ Wycherly và có lần suýt cắt cổ nhau vì người đẹp. Và, trước khi kể tiếp, tôi chỉ muốn nhắc khéo rằng bác sĩ Heidegger và cả bốn vị khách của ông đôi khi bị người ta cho là hơi thất thần thảng thốt, điều bình thường với những người già khi họ lo âu trước những rắc rối hiện tại và những ký ức đau buồn.


     “ Hỡi các bạn già thân mến,” bác sĩ Heidegger khoác tay mời họ ngồi “ tôi ước mong quý vị giúp tôi làm một trong những thí nghiệm nhỏ đã khiến tôi vui trong thư phòng này”.


     Nếu mọi chuyện người ta nói là đúng thật thì thư phòng của bác sĩ Heidegger hẳn là một nơi rất kỳ lạ. Đó là một căn phòng kiểu cổ thiếu ánh sáng, mạng nhện kết thành tràng hoa trang trí, lớp bụi thời gian phủ lên mọi vật. Quanh những bức tường là những tủ sách bằng gỗ sồi, tầng dưới chứa nhưng tập hồ sơ và sách khổ lớn in chữ đen, ngăn trên là những cuốn sách khổ nhỏ bọc da. Trên đầu kệ sách kê ở giữa là bức tượng bán thân bằng đồng của Hippocrates, mà theo lời những người hiểu chuyện, bác sĩ Heidegger thường tham vấn mỗi khi gặp khó khăn trong lúc hành nghề. Nơi cái góc tối tăm nhất của căn phòng có kê một tủ cao và hẹp, cánh mở hé, bên trong chừng như có một bộ xương người. Giữa hai trong số những tủ sách có treo một cái gương soi, bày ra một mặt kính cao ám bụi bẩn, đóng khuôn lại trong một cái khung mạ vàng đã xỉn mốc. Trong số những câu chuyện ly kỳ liên quan đến tấm gương này người ta thêu dệt rằng linh hồn những bệnh nhân đã qua đời của bác sĩ vẫn lẩn khuất bên rìa tấm gương và thường trố mắt nhìn ông mỗi khi ông hướng mắt về phía ấy. Ở phía tường đối diện treo một bức tranh toàn thân của một cô gái, tạo dáng với cái lộng lẫy của mớ gấm vóc lụa là, màu sắc xiêm y đã nhạt, má hồng đã phai như xiêm y của nàng vậy. Hơn nửa thế kỷ trước, bác sĩ Heidegger sắp kết hôn với thiếu nữ này, nhưng vì một chứng rối loạn nhẹ thôi mà nàng đã nốc hết các loại thuốc do người yêu kê toa, để rồi lìa đời ngay trong tối tân hôn. Vẫn còn một thứ kỳ quái trong thư phòng này cần được nhắc đến, đó là một cuốn sách khổ lớn dày cộm, bìa bọc da, cài chặt bằng những cái kẹp bạc to lớn. Không có chữ nào in trên gáy sách và không ai biết nhan đề cuốn sách. Thế nhưng ai cũng biết đó là cuốn sách ma thuật; một lần nọ, khi cô hầu nhấc cuốn sách lên chỉ để quét bụi, bộ xương trong tủ kêu lên rổn rảng, người đẹp trong tranh đã bước một chân ra sàn nhà và vài gương mặt ma quái hiện ra trong gương, trong khi cái đầu bằng đồng của Hippocrates thì cau mày thốt lên: “ Dừng tay! “


     Thư phòng của bác sĩ là như thế đấy. Một chiều mùa hè kia, để ngay giữa phòng là một cái bàn tròn nhỏ, gỗ đen như mun, trên bàn có một bình thuỷ tinh hình dáng rất đẹp, được chạm khắc tinh xảo. Nắng xuyên qua cửa sổ, len giữa hai tấm màn vải hoa đã phai màu, chiếu thẳng xuyên qua cái bình thuỷ tinh rồi hắt ngược cái thứ ánh sáng lung linh lên những gương mặt xám tro củ năm người già nua đang ngồi quanh bàn. Trên bàn đã có sẵn bốn cái ly loại dùng để uống sâm banh.

 

     “ Này, các bạn già thân mến,” bác sĩ Heidegger nhắc lại, “ liệu tôi có thể nhờ các bạn giúp tôi làm cuộc thí nghiệm hết sức kỳ lạ này không ?”


     Này đây, bác sĩ Heidegger là một ông già rất kỳ lạ, tính lập dị của ông đã trở thành hạt nhân cho hàng ngàn câu chuyện kỳ quái. Một số trong những câu chuyện này, nói ra thật xấu hổ, có thể truy nguyên là do tính tôn trọng sự thật của tôi, và nếu có phần nào trong câu chuyện đang kể làm lay chuyển đức tin của người đọc thì tôi sẵn sàng chịu mang tiếng là kẻ hay bịa chuyện hoang đường.


     Khi bốn người bạn của bác sĩ nghe ông nói về cái thí nghiệm mà ông đề xuất, họ đoán rằng chẳng có gì hay ho hơn việc giết một con chuột trong cái bơm hơi,     hoặc là quan sát mạng nhện bằng kính hiển vi, hoặc vài việc vớ vẩn nào đó mà ông đã quen thói liên tục đem ra làm phiền những người bạn thân của mình. Nhưng không chờ họ trả lời, bác sĩ Heidegger bước lảo đảo qua căn phòng rồi trở lui với cuốn sách ma thuật. Mở những cái kẹp bằng bạc, ông giở sách, lấy ra từ giữa hai trang giấy in chữ đen, một cánh hoa hồng, dù giờ này những ngọn lá xanh và những cánh hoa đỏ thắm đã nhuốm một màu nâu nâu, và cái hoa cổ đại ấy chừng như sắp vụn ra thành bột trong tay bác sĩ.


     “ Đoá hoa hồng này,” bác sĩ thở dài, “ cái đoá hoa tàn úa và sắp vỡ vụn này, đã bừng nở năm mươi lăm năm về trước. Sylvia Ward đã tặng nó cho tôi, mà kia là chân dung của nàng, và tôi đã định cài nó lên ngực hôm làm lễ cưới. Bây giờ quý vị có tin là đoá hoa năm mươi lăm tuổi này có thể thắm tươi trở lại hay không?”


        “ Vô lý! “ bà goá Wycherly nói với cái hất đầu bực bội. “ Nói thế chẳng khác nào ông hỏi cái mặt nhăn nheo của một bà già có thể trở lại mặt hoa da phấn hay không.”


     “ Nhìn đây!” bác sĩ Heidegger đáp.


     Ông mở nắp bình rồi thả cái hoa hồng tàn úa vào trong thứ nước chứa trong đó. Thoạt đầu, nó nổi trên mặt chất lỏng, có vẻ như không hút vào chút chất ẩm nào. Nhưng rồi, một thay đổi kỳ lạ bắt đầu hiện lên. Những cánh hoa khô nhăn nheo bắt đầu lay động, màu đỏ nhuốm dần mỗi lúc một thắm, như thể đoá hoa hồng đang hồi sinh sau giấc ngủ say như chết, cuống hoa mảnh mai và những nhánh lá nhỏ xanh dần lên, và kia là đoá hồng nửa thế kỷ lại tươi tắn như khi nàng Sylvia Ward lần đầu tặng cho người yêu. Nó chưa hẳn mãn khai, vì một số cánh hoa đỏ mỏng manh đang khép nép uốn mình quanh nhuỵ hoa ẩm ướt, trong đó đôi ba giọt sương đang sáng long lanh.


     “ Quả là một trò lừa bịp rất khéo, “ mấy người bạn nói, một cách hững hờ, vì họ đã từng xem những trò ảo thuật tuyệt kỹ hơn, “ xin cho biết ông đã làm cách nào vậy. “


         “ Quý vị chưa từng nghe nói đến “ Dòng Suối Thanh Xuân “, bác sĩ Heidegger hỏi lại, “ mà nhà thám hiểm Tây Ban Nha Ponce de Leon đã lùng kiếm từ hai ba thế kỷ trước hay sao?”


     “ Thế Ponce de Leon có tìm được hay không? “ bà goá Wycherly hỏi.


       “ Không”, bác sĩ Heidegger trả lời, “ vì ông ta tìm không đúng chỗ. Theo chỗ tôi biết, Dòng Suối Thanh Xuân nổi tiếng nằm ở phía nam bán đảo Florida, cách hồ Manaco không xa. Nguồn của nó bị một vài cây mộc lan khổng lồ che khuất, và dù đã có tuổi không biết mấy trăm năm, những cây mộc lan này vẫn tươi xanh như những đoá hoa violet, là nhờ thứ nước thần kỳ này đây. Một người quen của tôi, biết tôi hay tò mò những chuyện thế này, đã gởi cho tôi chất nước các bạn đang thấy trong bình nầy.”


      “ Ai chà!” đại tá Killigrew trước sau không hề tin câu chuyện chút nào lên tiếng,” thế thứ nước này có tác dụng gì cho cơ thể người hay không?”


     “ Ông sẽ tự xét đoán lấy, ông bạn đại tá thân mến,” bác sĩ Heidegger trả lời, “ và các bạn đáng kính của tôi, xin cứ tự nhiên uống thứ nước kỳ diệu này đến chừng nào phục hồi được tuổi thanh xuân của các bạn thì thôi. Riêng tôi đã phải trải qua lắm nỗi truân chuyên với tuổi già nên tôi không vội gì để được trẻ lại. Vậy xin mạn phép chỉ theo dõi diễn biến thí nghiệm mà thôi.”


      Vừa nói, bác sĩ vừa rót Nước Suối Thanh Xuân vào bốn cái ly sâm banh. Rõ ràng thứ nước này là nước có gas, vì những bọt li ti không ngừng nổi lên từ đáy ly, rồi vỡ ra trên bề mặt thành những tia nước nhỏ ánh bạc. Vì chất nước toả ra một mùi hương dễ chịu nên đám khách già tin chắc rằng nó sở hữu những đặc tính sảng  khoái thú vị nào đó, và mặc dù là những người hoài nghi cực độ về khả năng hồi xuân của nó, họ cũng sẵn sàng nốc ngay lập tức. Nhưng bác sĩ Heidegger năn nỉ họ chờ một chút.


        “ Trước khi uống nước thánh, hỡi các bạn đáng kính của tôi,” ông nói, “ lấy sự từng trải của cả đời dài làm kim chỉ nam, quý vị nên nghĩ ra một vài quy tắc chung để tự dẫn đường cho mình, khi sẽ trải qua lần thứ hai những nguy nan của tuổi trẻ. Hãy nghĩ, thực là tội lỗi và đáng hỗ thẹn biết bao, nếu khi có được những lợi thế đặc biệt quý vị lại không trở thành mẫu mực về đức hạnh và khôn ngoan cho giới trẻ ngày nay.”


      Bốn người bạn đáng kính không trả lời mà chỉ phát ra tiến cười run run yếu ớt. Thật là lố bịch cái ý tưởng cho rằng khi đã biết lòng hối hận đi sát ngay sau những bước chân lầm lỗi, thì còn ai mà lầm đường lạc lối thêm lần nữa chứ.


     “ Vậy hãy uống đi, “ bác sĩ nghiêng mình nói. “ Tôi rất vui đã chọn đúng chủ thể cho thí nghiệm của mình “


     Những bàn tay run rẩy nâng ly lên môi. Chất rượu này, nếu nó thật sự sở hữu những đặc tính như bác sĩ Heidegger gán cho nó, lẽ ra không nên ban cho bốn con người đang thiết tha cần đến nó. Trông họ như thể họ chưa từng biết thế nào là tuổi trẻ và lạc thú, mà chỉ như là đám con cháu của Bà Mẹ Thiên Nhiên, mà chỉ luôn luôn là những sinh vật bạc nhược tàn tạ, cạn kiệt nhựa sống, giờ đây đang còm cõi ngồi quanh bàn của bác sĩ, không còn chút sinh khí nào trong linh hồn hay thể xác để được khởi sắc bởi cái viễn cảnh trẻ lại lần nữa.


     Không sai chút nào, một sự chuyển biến hầu như ngay lập tức diễn ra nơi đám khách, y hệt tác dụng của một ly rượu vang hào phóng, kèm theo sắc hồng bất chợt của ánh nắng vui tươi, bừng sáng tức khắc trên gương mặt họ. Trên má họ ửng lên vẻ hồng hào khoẻ mạnh thay cho cái màu tro xám xịt khiến họ trông như những xác chết. Họ giương mắt nhìn nhau, và tưởng tượng một quyền năng mầu nhiệm nào đó đã bắt đầu san phẳng những vết hằn sâu buồn thảm mà Cha Già Thời Gian đã khắc trên trán họ. Quả phụ Wycherly chỉnh lại cho ngay chiếc mũ trên đầu, vì bà cảm thấy mình đã gần như trở thành một nữ trung niên.


     “ Cho chúng tôi thêm thứ nước thánh kỳ diệu này!” họ kêu lên hăm hở. “ Chúng tôi đã trẻ hơn nhưng vẫn còn già lắm! Nhanh lên, - cho chúng tôi uống thêm đi!”


      “ Kiên nhẫn, kiên nhẫn!” bác sĩ Heidegger nói, quan sát cuộc thí nghiệm với vẻ điềm tĩnh của một triết gia. “ Quý vị già dần qua một thời gian rất dài. Chắc chắn quý vị sẽ hài lòng khi được trẻ lại chỉ sau nửa giờ! Thứ nước này là để phục vụ quý vị!”


     Ông lại rót đầy ly cho họ, trong bình vẫn còn đủ để cải lão hoàn đồng cho nửa số bô lão trong thành phố này. Những bọt li ti chưa kịp tan hết trong miệng ly, bốn vị khách đã chộp lấy nốc một hơi. Ảo giác chăng? Chỉ mới trôi qua cổ họng thôi mà nước thánh dường như thay đổi hẳn cơ thể họ. Mắt họ sáng ra, những lọn tóc bạc đen dần lên. Đang ngồi quanh bàn là ba quý ông đang độ trung niên, và một phụ nữ vẫn chưa hết thời xuân sắc.


      “ Ôi quả phụ yêu dấu của tôi, em đẹp lắm! “ đại tá Killigrew thốt lên, dán mắt vào gương mặt người đàn bà, trên gương mặt đó những bóng đêm tan nhanh như trước một bình minh hồng.


     Bà goá biết rõ, ngay từ hồi xưa, rằng những lời khen của đại tá Killigrew không phải luôn luôn được đo lường bằng sự thật tỉnh táo nên bà đứng lên chạy đến tấm gương soi, trong lòng vẫn sợ phải nhìn thấy một mụ già xấu xí. Trong khi đó, ba quý ông xử sự theo cái cách như thể Nước Suối Thanh Xuân sở hữu một những phẩm chất làm người ta say ngất ngây, trừ khi cơn hoan lạc của họ chẳng qua chỉ là một cơn choáng váng nhẹ nhàng do gánh nặng năm tháng đã được nhấc đi đột ngột. Đầu óc của ông Gascoigne dường như đang tập trung vào những chủ đề chính trị, nhưng dù liên quan đến quá khứ, hiện tại hay tương lai thì cũng không thể xác định được vì những quan niệm và những ngôn từ ngày xưa vẫn luôn thời thượng suốt 59 năm nay, Lúc thì ông ta đang nói oang oang về lòng ái quốc, về vinh quang dân tộc, và về quyền của nhân dân, lúc thì ông ta lẩm bẩm những thứ nguy hại gì đó bằng những tiếng thì thầm ranh mãnh đầy hoài nghi, quá thận trọng đến độ chính lương tâm ông ta cũng không hiểu được điều bí mật, giờ đây một lần nữa ông lại phát ngôn một cách chừng mực với cái giọng khác hẳn, như thể một vị vương gia nào đó đang lắng nghe những lời thanh tao của ông. Trong lúc ấy, đại tá Killigrew đang cất giọng hát một bài hát vui thường nghe ở các cuộc nhậu, rung lanh canh cái ly cho ăn nhịp với bài ca, trong khi đôi mắt lang thang về phía dáng người tròn lẳng gợi cảm của bà goá Wycherly. Bên kia bàn, ông Medbourne đang bận tính toán chi li những đồng đô la và những đồng xu đang đổ vào một đề án cung cấp nước đá cho vùng Đông Ấn, bằng cách thắng dây một đàn cá voi vào những những núi băng ở Bắc Cực để kéo về.


      Còn bà goá Wycherly thì đang đứng trước gương làm duyên làm dáng với chính bóng mình, chào hỏi chính mình như thể đang chào một người bạn thân yêu nhất trên đời. Bà dán mặt gần sát vào gương để xem những nếp nhăn kỳ cựu và những vết chân chính đã biến mất hẳn chưa. Bà ngắm nghía thật kỹ để xem lớp tuyết đã hoàn toàn tan chảy khỏi  mái tóc chưa, liệu đã có thể vứt bỏ cái mũ trùm đầu trang trọng chưa. Cuối cùng nhanh nhẹn xoay người, bà nhảy chân sáo trở lại bàn.


     “ Bác sĩ thân mến của tôi ơi, “ bà reo lên. “ Làm ơn cho tôi một ly nước thánh nữa được không “

       “ Được chứ, thưa quý bà, được chứ! “ vị bác sĩ sẵn lòng chiều ý, “ đấy, tôi rót đầy lại rồi đấy! “


     Quả thực bốn cái ly trên bàn đầy đến tận miệng thứ nước thánh kỳ diệu mà những tia nước mỏng manh nổi lên từ đáy ly trông giống như ánh lấp lánh của kim cương. Trời sắp tối nên căn phòng trở nên nhá nhem, nhưng một thứ ánh sáng lung linh như ánh trăng chiếu ra từ trong lòng chiếc bình toả lên mặt bốn vị khách, và trên dáng người uy nghi của vị bác sĩ. Ông đang ngồi trên một ghế bành lưng dựa cao, chạm trổ công phu, với dáng vẻ đạo mạo rất hợp với dáng vẻ của Cha Già Thời Gian mà quyền năng không ai phủ nhận, ngoại trừ bị phủ nhận bởi chính cái đám khách may mắn này. Ngay cả khi nốc ly thứ ba thứ nước thánh hồi xuân này, họ vẫn có tâm trạng gần như là lòng kinh sợ cái vẻ mặt đầy bí ẩn của ông.


     Liền ngay sau đó, dòng sinh lực ngây ngất của tuổi trẻ tuôn tràn qua huyết quản của họ. Họ đang giai đoạn thanh xuân hạnh phúc. Tuổi tác, kéo theo nó một chuỗi những âu lo sầu muộn và bệnh tật, chỉ còn được nhớ lại như một giấc mơ phiền toái mà họ đã vui mừng quên đi khi tỉnh giấc. Cái hào nhoáng tươi mát của tâm hồn, đã mất đi trước đây, mà không có nó thì những cảnh tượng kế tiếp nhau của thế gian chẳng qua chỉ là một phòng trưng bày những bức tranh phai màu nhợt nhạt, giờ đây đang khoác lên đời họ một niềm vui khôn tả.Họ có cảm tưởng mình mới sinh ra trong một vũ trụ mới khai sáng.


“ Ta trẻ lại rồi ! Ta trẻ lại rồi! “ họ hào hứng kêu lên.


     Tuổi trẻ, như là đối cực với tuổi già, đã xoá hết những dấu vết đặc trưng của tuổi trung niên, và đồng hoá tất cả bọn họ. Giờ đây họ là một nhóm thanh niên vui tươi, gần như muốn phát điên vì niềm vui tràn trề của tuổi trẻ. Tác dụng kỳ lạ nhất của niềm hân hoan ấy là sự thôi thúc chế nhạo sự yếu đuối rã rời mà họ đã là nạn nhân vừa mới đây thôi. Họ lớn tiếng cười cợt bộ y phục lỗi thời của mình, thanh niên gì mà lại mặc áo khoác rộng xoè và áo gi lê tà đắp chéo, thiếu nữ hơ hớ gì mà lại đội mũ trùm đầu và áo choàng kiểu cổ. Một người giả vờ đi cà nhắc trong phòng như một ông cụ đang bị bệnh gút, người khác đeo một cặp mục kỉnh lên mũi rồi giả vờ lọ mọ đọc những trang giấy chữ đen của cuốn sách ma thuật, người thứ ba thì chễm chệ trong cái ghế bành, giả vờ bắt chước vẻ đạo mạo của bác sĩ Heidegger. Rồi cả bọn reo ầm lên nhảy nhót khắp phòng. Quả phụ Wycherly - nếu một cô nàng đỏm dáng tươi tắn như thế có thể gọi là quả phụ - chạy tới bên ghế của bác sĩ, niềm vui tinh quái lộ rõ trên gương mặt hồng hào.


      “ Bác sĩ ơi, bạn già thân mến ơi,” cô nàng reo lên, “ đứng lên cùng nhảy với em đi!” Và bốn con người trẻ trung cười lớn hơn bao giờ hết, nghĩ đến hình ảnh kỳ quái của vị bác sĩ già nua.


       “ Xin miễn cho tôi,” bác sĩ khẽ trả lời, “ tôi đã già, lại thêm bệnh phong thấp, qua lâu rồi những ngày tôi còn biết đến khiêu vũ là gì. Nhưng một trong hai quý ông trẻ tuổi này sẽ rất vui với người bạn nhảy xinh đẹp thế này.”


     “ Nhảy với anh đi, Clara! “ đại tá Killigrew thốt lên.


      “ Cô ấy đã hứa hôn với tôi 50 năm trước! “ chàng Medbourne dõng dạc.


     Ba chàng vây lấy cô ta. Một chàng âu yếm cầm lấy bàn tay nàng, chàng khác quàng tay ôm eo, chàng thứ ba luồn tay vào những lọn tóc quăn dưới cái mũ trùm đầu của quả phụ. Đỏ mặt, thở dốc, vùng vẫy, mắng mỏ, cười vang, hơi thở ấm áp của người đẹp lần lượt phả vào mặt từng công tử một, nàng cố dứt mình ra, nhưng vẫn ở yên trong cái ôm của bộ ba. Chưa từng thấy một hình ảnh nào sinh động hơn cảnh ganh đua của người trẻ, mong tranh cái nhan sắc đầy mê hoặc này. Tuy vậy, do một sự tráo trở kỳ lạ, do bóng tối nhá nhem của gian phòng, và do những bộ trang phục cổ lỗ họ đang mặc, người ta nói rằng tấm gương cao đã phản chiếu hình ảnh của ba lão ông hom hem đang lố bịch tranh giành cái xấu xí xương xẩu của một cụ bà nhan sắc héo hon.


     Nhưng họ vẫn đang trẻ: những đam mê cháy bỏng đang chứng minh điều đó. Lửa dục sôi sục đến muốn phát điên vì vẻ đa tình của nàng gái goá đang lấp lửng không ban phát cũng không giữ những ân huệ của mình, ba chàng địch thủ trẻ tuổi đang ném cho nhau những cái nhìn đe doạ. Vẫn chưa chịu buông cô gái, họ hung hãn tóm lấy cổ nhau. Màn ẩu đả diễn ra, cái bàn lật nghiêng, chiếc bình rơi vỡ tan tành. Thần dược Hồi Xuân quý báu chảy tràn trên sàn nhà thành một dòng nước sáng loáng, làm ướt đôi cánh một con bướm đã già đi khi mùa hè sắp qua, bướm đậu xuống đó để chờ chết. Con bướm này vỗ cánh bay qua căn phòng, rồi đậu lại trên mái tóc trắng phau của bác sĩ Heidegger.


     “ Thôi nào, thôi nào, các quý ông! Thôi nào, quý bà Wycherly,” bác sĩ thốt lên, “ tôi phải phản đối cơn náo loạn này! “


      Cả bọn đứng lại, run rẩy như thể Cha Già Thời Gian đang gọi họ từ bỏ thanh xuân rực rỡ để về lại cái thung lũng âm u lạnh lẽo của tuổi già. Họ giương mắt nhìn lão bác sĩ Heidegger đang ngồi trên chiếc ghế bành chạm trổ, tay cầm đoá hoa hồng nửa thế kỷ mà ông đã nhặt lại được giữa những mảnh vụn của chiếc bình vỡ. Ông khoác tay cho bốn kẻ làm loạn ngồi xuống chỗ cũ, họ sẵn sàng ngồi vì tuy đang trai tráng nhưng đã đủ mệt sau trận thư hùng. 


     “ Đoá hồng tội nghiệp của Sylvia! “ bác sĩ Heidegger cảm thán, ông đưa đoá hồng lên soi ánh sáng của buổi chiều tà, “ hình như nó sắp tàn úa trở lại.”


     Quả không sai. Trong khi cả bọn đang theo dõi, đoá hồng tiếp tục oằn lên cho đến khi héo khô như trước khi bác sĩ thả nó vào trong bình nước. Ông vẩy mạnh cho văng hết mấy giọt nước còn bám trên cành hoa.


     “ Tôi vẫn yêu nó dẫu nó như thế này, vẫn yêu khi nó còn tươi đẫm sương, “ vừa nói ông vừa đưa đoá hoa lên đôi môi khô héo của mình. Giữa lúc đó, con bướm bay sà xuống từ trên mái tóc bạc của ông rồi rơi xuống sàn nhà.


     Các vị khách lại run rẩy. Một cái lạnh kỳ lạ, họ không biết là lạnh thể xác hay lạnh linh hồn, đang dần lan toả toàn thân. Họ trố mắt nhìn nhau, tưởng như cứ mỗi giây trôi qua là mỗi nét quyến rũ rơi rụng, rồi để lại một nếp nhăn sâu ở chỗ trước đây chưa có. Ảo tưởng chăng? Phải chăng những thay đổi của một đời người đang xô nhau tới trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, và phải chăng đang có bốn kẻ già nua ngồi chung bàn với bạn cũ là bác sĩ Heidegger?


     “ Chúng ta già lại rồi, mau thế sao ?” lời than thảm thiết.


     Đúng vậy, họ đã già lại. Thần Dược Hồi Xuân chỉ sở hữu một phẩm chất còn phuc du hơn phẩm chất của rượu vang. Cơn ngất ngây mà nó tạo ra đã tan như bọt nước. Đúng! Họ già trở lại. Bất chợt rùng mình, cái rùng mình chứng tỏ mình vẫn là đàn bà, quả phụ ôm mặt lại, vì nó chẳng còn xinh đẹp gì nữa.


     “ Vâng, các bạn ạ, các bạn đã già trở lại, “ bác sĩ Heidegger nói, “ và nhìn kia, lênh láng biết bao nước thánh Hồi Xuân trên sàn nhà. À, tôi chẳng buồn tiếc gì. Nếu cả một dòng suối có chảy tràn trước cửa nhà tôi, tôi cũng không vục mặt xuống để uống. Không, dù cơn ngây ngất có kéo dài hàng năm thay vì trong thoáng chốc. Đấy là bài học các bạn dành cho tôi.”


      Nhưng bốn người bạn của ông chẳng tự học được bài học nào. Họ quyết định làm một chuyến hành hương đến Florida, để uống từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối, dòng Nước Suối Hồi Xuân.


———————————



THÂN TRỌNG SƠN


dịch và giới thiệu 

( tháng 11 / 2023 )



Nguồn:


https://americanliterature.com/author/nathaniel-hawthorne/short-story/dr-heideggers-experiment



Aucun commentaire: