Truyện ngắn
Edgar Allan Poe
( 1809 - 1849 )
Edgar Allan Poe là một nhà văn nổi tiếng người Mỹ, xuất sắc trong thơ, truyện, tiểu thuyết, tiểu luận, báo chí lãng mạn và phê bình. Tác phẩm của ông nổi bật so với phần còn lại của văn học thời đó do bầu không khí tối tăm và kỳ dị của nó.
Edgar Poe họ tên đầy đủ là Edgar Allan Poe sinh ngày 19.1.1809 tại thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts trong một gia đình nghệ sĩ. Người cha, David Poe, mất khi cậu con trai Edgar chưa chào đời, còn người mẹ Eliza cũng từ trần lúc Edgar Poe mới tròn ba tuổi.
Cậu bé mồ côi được John Allan, một nhà buôn thuốc lá giàu có nhận về nuôi. Rồi Poe ghi danh vào Đại học Virginia, nhưng chỉ theo học được năm đầu và quyết định xung vào quân đội. Đó là khoảng giữa năm 1827, cũng là thời điểm xuất hiện cuốn sách đầu tiên của Poe.
Sau khi giải ngũ với quân hàm trung sĩ vào đầu năm 1829, Edgar Poe cho ấn hành đầu sách thứ hai có tựa đề Al Aaraf gây tiếng vang lớn. Kế tiếp Poe thi đậu vào Học viện Quân sự West Point và lại… bỏ dở để “dốc lòng” theo nghiệp văn chương.
Cuộc đời đầy những mất mát của Poe đã để lại một dấu ấn đậm nét trong những sáng tác của ông, tạo nên một không khí u uẩn và bi thương.
Trong suốt bốn mươi năm ngắn ngủi của cuộc đời mình, Poe đã nhiều lần phải đối mặt với những cái chết bi thảm xảy đến với người thân. Bố, mẹ, anh trai, mẹ nuôi, đặc biệt là người vợ trẻ Virginia.
Sau một thời gian dài đấu tranh với bệnh lao, người vợ của Edgar đã ra đi khi tuổi còn quá trẻ vào năm 1847. Một lần nữa, một người phụ nữ yêu dấu đã rời bỏ Edgar mà đi. Một lần nữa, Edgar lại chìm trong đau đớn. Điều này có thể đã để lại những vết thương tâm lý và tình cảm sâu sắc nơi ông, lý giải tại sao ông thường bị ám ảnh và nói nhiều về cái chết.
Cái chết của người vợ yêu dấu đẩy Edgar Poe tới chỗ kiệt quệ, sức khoẻ suy sụp, bởi Virginia luôn là nguồn sáng tạo mạnh mẽ của Poe, khiến Poe cảm thấy được những ấm áp mà từ nhỏ ông đã không thể có được.
Chỉ 2 năm sau, ngày 7.10.1849, người ta tìm thấy Edgar Poe trong một quán rượu tại Baltimore, quần áo tả tơi, mê sảng, không biết mình ở đâu. Nhà văn được đưa vào bệnh viện và qua đời 4 ngày sau đó, hưởng dương 40 tuổi.
Cái chết của ông cũng mang nhiều bí ẩn như chính những tác phẩm của ông. Theo hồ sơ bệnh án, Edgar Poe được đưa vào bệnh viện trong trạng thái bất tỉnh. Sau đó, ông có hồi tỉnh, người ra nhiều mồ hôi, bị chứng ảo giác và thường cãi nhau với một người tưởng tượng. Tiếp đến là giai đoạn ông bị mất trí nhớ, cấm khẩu rồi tắt thở.
Truyện ngắn giới thiệu dưới đây được đăng tải lần đầu tiên trong số tháng 11 năm 1846 của tạp chí Godey’s Lady Book.
* * *
Fortunato đã làm tôi chịu nhục rất nhiều và tôi đã phải âm thầm chịu đựng, nhưng nếu hắn còn liều lĩnh làm nhục tôi một lần nữa thì tôi thề là sẽ trả thù cho bằng được. Tuy nhiên, ắt hẳn là bạn là người đã hiểu tính tôi sẽ không tin rằng tôi nói điều này để doạ. Thế nào tôi cũng sẽ phục thù, nhưng tôi muốn hành động hết sức thận trọng. Không những tôi phải trừng phạt nó nhưng phải làm cách nào để khỏi bị tội. Như vậy là vẫn không rửa được thù. Hơn nữa mối thù sẽ không được rửa nếu Fortunato không biết hắn phải trả bằng giá nào và ai thúc đẩy hắn trả giá đó.
Phải hiểu rằng chưa bao giờ vì một lời nói hay một cử chỉ mà tôi làm cho Fortunato nghi ngờ lòng tốt của tôi. Trước mặt hắn, tôi vẫn mỉm cười và hắn không hề biết rằng nụ cười của tôi lúc này là vì liên tưởng đến việc tôi sẽ giết hắn.
Hắn có một nhược điểm mặc dù hắn là một người đáng kính, một kẻ đáng khiếp sợ. Hắn tự hào là rất sành rượu. Ít người Ý sành rượu. Phần nhiều họ chỉ nhiệt thành để sống cho hợp thời và để gạt mấy tay triệu phú người Anh, người Áo thôi. Về lĩnh vực hội hoạ và chạm trổ, cũng như dân xứ hắn, Fortunato không biết cóc khô gì hết, nhưng về rượu lâu năm thì hắn sành thật. Trên phương diện này, tôi chẳng thua gì hắn. Tôi cũng sành về các loại rượu nho của Ý và khi có điều kiện tôi mua khá nhiều.
Một hôm lúc chạng vạng, nhằm lúc mùa hội đang kỳ tấp nập nhất, tôi gặp hắn. Hắn tới gần chào tôi vô cùng nồng hậu, vì hắn đã uống đâu đó đã nhiều rồi. Hắn phục sức thật sặc sỡ. Hắn mặc một bộ đồ rằn may chẽn, đầu đội một cái mũ có gắn mấy cái chuông nhỏ. Tôi thấy bằng lòng được gặp hắn đến nỗi tôi nghĩ đáng lẽ mình cứ cầm tay hắn mãi chứ đừng buông ra.
Tôi nói với hắn - “ Hôm nay gặp ông anh là cả một vinh hạnh. Ông anh diện kẻng quá. Mà này, tôi mới kiếm được một thùng rượu mà thiên hạ bảo là rượu Amontillado, nhưng tôi còn ngờ. “
“ Sao? hắn hỏi, “ Amontillado , một thùng? Vô lý! Vào giữa mùa hội này! “
“ Tôi còn ngờ mà, “ tôi đáp, “ và tôi dại thật vì tôi không hỏi ý kiến ông anh mà đã trả đúng giá rượu Amontillado. Tôi tưởng là không tìm đâu ra ông anh và tôi sợ chậm sẽ mất mua thùng rượu.”
“ Rượu Amontillado !”
“ Tôi bảo tôi còn ngờ mà.”
“ Rượu Amontillado ! "
" Và tôi phải làm họ vừa lòng chứ. “
“ Rượu Amontillado ! “
“ Như ông anh đã bảo, bây giờ tôi đến Luchresi. Nếu có ai sành rượu thì phải nhắc đến y. Y sẽ nói cho tôi biết… “
“ Luchresi không thể phân biệt Amontillado với rượu Sherry.”
“ Thế mà có mấy thằng gàn cứ cho rằng y nếm rượu có thua gì ông anh đâu. “
“ Đi, ta đi đã.”
“ Đi đâu ? “
“ Đến hầm rượu của ông. “
“ Không được, ông anh ơi. Tôi không muốn lợi dụng lòng tốt của ông anh đâu. Tôi nghĩ là ông anh đã có cam kết với Luchresi…”
“ Tôi chẳng có cam kết nào cả. Đi! “
“ Ông anh ơi, không được. Không phải là chuyện cam kết, nhưng hình như ông anh đang bị cảm nặng. Hầm rượu ướt không chịu nổi. Nitơ dày đặc trong đó. “
“ Cứ đi thôi. Cảm lạnh ăn thua gì. Ôi, rượu Amontillado ! Ông bị lừa rồi ! Còn gã Luchresi, y không phân biệt rượu Sherry với rượu Amontillado đâu. “
Nói vậy, Fortunato cầm lấy tay tôi và mang chiếc mặt nạ bằng lụa đen vào và quấn chặt áo choàng vào người tôi, tôi đành để hắn lôi về nhà.
Không có ai ở nhà. Tụi gia nhân lợi dụng thời gian rảnh rỗi bỏ đi chơi hết. Tôi bảo sáng mai tôi mới về và căn dặn chúng không được bỏ nhà đi chơi. Những lời dặn như vậy tôi thừa biết chỉ làm chúng đi cho mau ngay khi tôi mới vừa quay lưng ra khỏi cổng.
Tôi lấy hai cây nến lớn, đưa cho Fortunato một cây, dẫn hắn qua hết dãy phòng này đến dãy phòng khác, đến tận hành lang mái vòm hình cung đưa xuống hầm rượu. Tôi đi xuống một cầu thang dài, quanh co và dặn chừng hắn cẩn thận khi theo tôi. Cuối cùng chúng tôi đi hết cầu thang và đứng trên nền đất ẩm ướt trong hầm rượu của dòng họ Montresors.
Hắn lảo đảo bước và mấy cái chuông kêu reng reng khi hắn bước.
- Thùng rượu đâu? hắn hỏi.
- Ở đầu xa kia, tôi đáp. Nhưng hãy coi chừng mấy tấm màn trắng chằng chịt sáng toả trên những bức tường trong hầm.
Hắn quay sang tôi và nhìn thẳng vào mặt tôi với cặp mắt đục ngầu vì rượu.
- Nitơ? Một lúc sau hắn hỏi.
- Vâng, nitơ, tôi đáp. Ông anh bị ho bao lâu rồi ?
Ừ ừ ừ….
Ông bạn khốn khổ của tôi cả mấy phút sau mới trả lời được.
- Không hề gì, hắn đáp.
- Này, tôi nói với giọng cứng rắn. Ta đi lui vậy. Sức khoẻ ông anh quí lắm. Ông anh giàu có, được trọng vọng, hâm mộ và mến chuộng, ông anh đang sung sướng giống như tôi xưa kia. Ông anh là người đáng được chờ mong. Tôi thì không kể làm gì. Ta đi trở lại, nếu không ông anh sẽ bị đau và tôi không chịu trách nhiệm được. Vả lại còn có Luchresi…
- Nói thế đủ rồi, hắn bảo, ho không ăn thua gì đâu, nó không giết tôi đâu. Tôi không thể chết vì ho được.
- Dĩ nhiên, dĩ nhiên rồi, tôi đáp, và thật ra thì tôi không có ý làm ông anh lo vô ích, nhưng ông anh phải cẩn thận. Uống một tí rượu Medoc này để khỏi sợ đất ướt.
Đến đây tôi đập cổ chai rượu tôi lấy trên hàng rượu kê trên vách.
- Uống đi, tôi bảo và đưa rượu cho hắn. Hắn đưa chai rượu lên môi, nhếch một nụ cười ham hố. Hắn dừng lại và gật gù nói với tôi rất thân mật trong khi mấy cái chuông kêu reng reng.
- Tôi uống, hắn nói, để chúc mừng những người chết nằm quanh chúng mình.
- Và tôi uống để chúc ông anh sống lâu.
Hắn lại nắm tay tôi và chúng tôi tiến bước.
Hắn nói: “ Hầm rượu rộng quá nhỉ! “
Tôi đáp: “ Dòng họ Montrersors là một gia đình tiếng tăm và đông đảo lắm. “
- Tôi quên mất biểu hiệu của họ nhà ông.
- Một bàn chân khổng lồ bằng vàng trên nền xanh da trời, bàn chân đạp nát một con rắn đang cắn sâu cặp răng nhọn vào gót chân.
- Và câu châm ngôn là gì nhỉ?
- Không ai hại ta mà không bị đền tội.
- Hay lắm ! hắn bảo.
Rượu sáng ngời trong mắt hắn và mấy cái chuông lại kêu reng reng. Tôi thấy ấm áp hơn nhờ rượu Medoc. Chúng tôi chen qua những bộ xương người chồng chất như những bức tường dài hun hút, đi giữa một đống hỗn loạn nào thùng lớn nào thùng nhỏ, đến tận những ngóc ngách trong hầm rượu. Tôi lại dừng bước và lần này tôi nắm mạnh tay Fortunato ở phía trên cùi chỏ.
- Nitơ! tôi nói. Xem kìa, nó tăng dần. Nó đọng lại như rêu trên nóc hầm. Ta đang ở dưới lòng sông. Nước ẩm rịn trên đống xương, thấy không. Ta phải trở lại không quá chậm. Ông anh bị ho.
- Không hề gì, hắn nói, cứ đi đi. Nhưng uống thêm Medoc đã. Tôi khui vỡ chai rượu và đưa cho hắn. Hắn uống một hơi cạn sạch. Mắt hắn sáng ngời dữ tợn. Hắn phá lên cười, ném cái chai lên cao, múa tay múa chân, tôi không hiểu gì cả.
Tôi nhìn hắn ngạc nhiên. Hắn lại múa tay chân lần nữa và có vẻ sỗ sàng hơn.
- Ông không hiểu à? hắn hỏi.
- Không, tôi đáp.
- Thế là ông không cùng một tôn phái với tôi.
- Thế nào ?
- Ông không phải dân thợ nề à ?
- Phải chứ, tôi đáp, phải mà.
- Ông? vô lý, ông thuộc dân thợ nề?
- Thợ nề, tôi đáp.
- Có gì chứng minh ? hắn hỏi.
- Cái này này. Tôi trả lời và lấy trong áo choàng ra một cái bay.
- Ông bông lơn, hắn nói lớn và lùi lại mấy bước. Nhưng cứ đến xem thùng rượu Amontillado đã.
- Vâng, thì đi, tôi nói. Tôi để cái bay vào lại dưới áo choàng và đưa tay dắt hắn. Hắn nặng nhọc tì tay lên tay tôi. Chúng tôi tiếp tục con đường đi tìm thùng rượu Amontillado. Chúng tôi chui qua một dãy những mái vòm hình cung thấp, đi xuống dần, lại chui qua rồi lại đi xuống nữa, đến một chỗ hầm sâu không khí bẩn thỉu làm hai cây nến cháy yếu ớt.
Đến nơi tận cùng của hầm rượu, chúng tôi qua một cái hầm hẹp hơn. Hàng đống xương người sắp quanh các bức tường cao đến quá đầu như kiểu các hầm nổi tiếng của Paris. Ba bức tường bên trong hầm này đều đầy xương như vậy cả. Ở phía còn lại, xương người vất bừa bãi thành một đống trên mặt đất, ở một điểm làm thành một gò cùng kích cỡ. Bên trong bức tường đó là một cái hầm nữa, nói đúng hơn là một cái hang dài hơn một thước, rộng khoảng chín tấc và chiều cao gần hai thước. Có vẻ như cái hang này đào ra chẳng dùng vào việc gì đặc biệt cả, nhưng đó chỉ là một khoảng trống ở giữa hai cây cột khổng lồ chống đỡ mái hầm và phía sau là một bức tường đá hoa cương kiên cố chắn ngang.
Đưa cây nến lên cao, Fortunato cố nhìn vào trong hang nhưng chẳng thấy gì cả. Ánh sáng lờ mờ không cho chúng tôi thấy được cái hang đến chỗ nào thì hết.
- Đi vào đi, tôi bảo, sẽ thấy thùng rượu Amontillado. Còn Luchresi thì…
- Y là một thằng ngu, hắn cắt ngang, loạng choạng bước tới, trong khi tôi theo sát gót hắn. Một lát sau hắn đến chỗ cuối cùng của cái hang và thấy một tảng đá lớn chắn ngang trước mặt, hắn dừng lại, ngẩn ngơ, bối rối. Liền đó tôi trói ngay hắn vào bức tường đá. Trên bức tường có hai chiếc móc sắt cách nhau khoảng sáu, bảy tấc theo chiều ngang. Một sợi dây xiềng ngắn gắn chặt vào một móc, còn trên móc kia là một ổ khoá! Cột chặt hắn vào cái xiềng quanh lưng hắn chỉ còn vài giây nữa là xong việc. Hắn ngạc nhiên đến nổi không còn sức chống cự nữa. Rút xong chìa khoá tôi quay lui ra khỏi hang.
- Sờ bức tường thử xem, tôi bảo. Mày làm sao tránh mùi nitơ. Hầm ướt quá nhỉ. Mày cho phép tao một lần nữa được van mày quay trở lại. Không à ? Thôi tao phải để đó vậy. Nhưng trước khi đi tao phải đem hết cố gắng ra săn sóc mày một lần cuối.
- Rượu Amontillado! Hắn hét lên và chưa hết ngạc nhiên.
- Vâng, tôi đáp, rượu Amontillado.
Trong khi nói thế, tôi bận rộn với đống xương tôi nói lúc nãy. Ném chúng qua hai bên, tôi đào lên một mớ đá và hồ để xây. Với những vật liệu này và cái bay, tôi bắt đầu xây một bức tường trám cửa hang lại.
Tôi mới xây được một bức đá thì thấy Fortunato tỉnh rượu. Điều trước tiên cho tôi thấy như vậy vì nghe trong hang vọng ra những tiếng rên nho nhỏ. Đấy không phải là tiếng kêu của một người say rượu. Sau đó lại im phăng phắc. Tôi xây bức đá thứ hai, thứ ba rồi thứ tư, rồi tôi nghe hắn lay chiếc xiềng giận dữ. Tiếng động kéo dài suốt mấy phút trong khi tôi thích thú lắng nghe, tôi ngừng tay và ngồi xuống trên đống xương. Khi tiếng rổn rảng của cái xiềng rất yếu, tôi cầm cái bay lên và xây một hơi hết cả bực đá thứ năm, thứ sáu và thứ bảy. Bức tường bây giờ cao gần đến ngực. Tôi lại nghỉ và đưa cây nến qua khỏi bức tường mới xây rọi những tia sáng le lói hắt hiu vào khuôn mặt bên trong.
Một tràng những tiếng kêu la rú lên xé cả tai thình lình vọt ra khỏi cổ họng hắn như muốn ném lại cho tôi một cách dữ dội. Tôi ngần ngại một lúc, tôi rùng mình. Rút cây dao găm ra khỏi vỏ, tôi quờ quạng mò vào trong hang, nhưng ý nghĩ trong một thoáng làm tôi vững tâm. Tôi đưa tay sờ bức tường đá kiên cố và cảm thấy an lòng. Tôi trở lại bức tường đang xây dở. Tôi trả lời những tiếng rên rỉ trong hang. Tôi nhại lại, thêm vào, cố la cho to và mạnh hơn. Tôi làm như vậy và tiếng rên im bặt.
Bây giờ đã nửa đêm và công việc của tôi cũng gần xong. Tôi đã xây hết bực đá thứ tám, thứ chín và thứ mười. Tôi hoàn thành một phần bực cuối cùng và bực thứ mười một , chỉ còn đặt một viên đá nữa và trám lại là xong. Tôi ráng sức bưng một viên đá lên và đặt vào gần chỗ đã định. Nhưng bây giờ có tiếng ai cười nghe xa xa ngoài cửa hầm làm tôi dựng tóc gáy. Tiếp theo là một giọng nói buồn buồn mà tôi phải khó nhọc lắm mới nhận ra là giọng của ông bạn Fortunato quý hoá này. Hắn bảo:
- Ha, ha, ha! Hi, hi, hi! đùa hay thật, đùa tuyệt thật. Mình sẽ có dịp kể lại và tha hồ mà cười khi về nhà. Hi, hi, hi! Khi mình nhậu với nhau. Hi, hi, hi !
- Uống rượu Amontillado! tôi nói.
- Hi, hi, hi ! Hi, hi, hi! Vâng, uống rượu Amontillado. Nhưng khuya lắm chưa? Không biết ở nhà có chờ tụi mình không? Mình về cho rồi.
- Vâng, tôi đáp, mình về cho rồi.
- Lạy Chúa, về đi thôi, Montresor.
- Vâng, lạy Chúa. Về đi thôi.
Nhưng rồi tôi chẳng nghe hắn trả lời nữa. Tôi hết kiên nhẫn. Tôi kêu to:
- Fortunato!
Không có tiếng trả lời. Tôi lại kêu:
- Fortunato!
Vẫn không có tiếng trả lời. Tôi ném cây nến qua lỗ hổng còn lại và để rơi vào bên trong. Tôi chỉ nghe vọng ra tiếng chuông reng reng. Tim tôi đau nhói - vì hầm rượu ướt quá. Tôi vội vã kết thúc công việc. Tôi nhét mạnh viên đá cuối cùng vào vị trí của nó và trám hồ lại. Tôi chất lại đống xương dọc theo bức tường mới xây suốt nửa thế kỷ nay chẳng ai động đến đống xương đó cả. Cầu cho mày yên nghỉ!
THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu
( tháng 10/2023 )
Nguồn:
https://americanliterature.com/author/edgar-allan-poe/short-story/the-cask-of-amontillado
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire