mercredi 26 juillet 2023

NHƯ GIỌT SƯƠNG TRÊN ĐẦU NGỌN CỎ

 


NHƯ HẠT SƯƠNG ĐẦU NGỌN CỎ.


Đây là hình ảnh ví von trong bài Thị đệ tử của Thiền sư Vạn Hạnh. Tác giả nói chuyện thịnh suy ở đời cũng mong manh, chóng tàn như hạt sương đầu ngọn cỏ ( như lộ thảo đầu phô )


 



Thiền sư Vạn Hạnh ( 938-1018 ) là vị thiền sư thời Tiền Lê, có nhiều đóng góp trong việc mở ra triều đại nhà Lý, một trong những triều đại nổi bật nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông được xem là cố vấn của vua Lê Đại Hành, là người thầy của Lý Công Uẩn, đã hướng dẫn cho vị này một thời gian dài trước và sau khi triều Lý thành lập.


Thiền sư họ Nguyễn, quê châu Cổ Pháp ( nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ), từ thuở nhỏ đã thông minh học thông Nho, Phật, Lão, và nghiên cứu hàng trăm sách Phật. Năm 21 tuổi ông xuất gia tu học với Thiền sư Thiền Ông tại chùa Lục Tổ. Khi thầy mất, Ông bắt đầu chuyên thực tập Tống Tri Tam Ma Địa, nên sau này lời ông nói đều được cho là sấm truyền. Vua Lê Đại Hành rất tôn kính Ông. 

Ngày rằm tháng năm năm Thuận Thiên thứ 9, ( tức 30 tháng 6 năm 1018 ), khi công hạnh đã viên mãn, Thiền sư gọi đệ tử đến để dặn dò, đọc bài kệ rồi thị tịch. Đây là bài Kệ thị tịch, còn được gọi là Thị đệ tử, với câu kết có hình ảnh Như giọt sương đầu ngọn cỏ.


 

 

Thị đệ tử

 

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố uý

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.


Bài này vốn mang tên Kệ thị tịch, là bài kệ làm trước khi qua đời. Kệ là một hình thức văn chương nghi lễ của Phật giáo, như Kệ dâng hương, Kệ dâng hoa, Kệ vô thường buổi sớm. Các thiền sư thường làm Kệ thị tịch để căn dặn đệ tử trước khi qua đời. Tiểu truyện về các thiến sư thường có những bài kệ. Những bài này vừa nói về giáo lý nhà Phật. Thiền Uyển Tập Anh nổi tiếng với những bài kệ như Cáo tật thị chúng của đại sư Mãn giác. 

Cáo tật thị chúng có nghĩa là Báo cho mọi người biết là mình có bệnh:



告疾示眾

春去百花落,
春到百花開。
事逐眼前過,
老從頭上來。
莫謂春殘花落盡,
庭前昨夜一枝梅

  Xuân khứ bách hoa lạc,

  Xuân đáo bách hoa khai. 

  Sự trục nhãn tiền quá,

  Lão tùng đầu thượng lai !

  Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

  Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.


  Xuân đi trăm hoa rụng

  Xuân đến trăm hoa cười

  Việc đời qua trước mắt

  Đầu bạc tóc sương phơi

  Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết

  Đêm qua sân trước nở cành mai.


Khoá hư lục của Trần Thái Tông (1218-1277 ) có kệ ngũ giới, kệ bốn núi. Bài kệ ta nói ở đây là Kệ thị tịch của Thiền sư Vạn Hạnh. Căn cứ nội dung và ý nghĩa của nó, bài Kệ thị tịch thường được nhắc đến dưới tên Thị đệ tử, căn dặn học trò.


Bài kệ có ý nghĩa sâu sắc, gợi ra nhiều vấn đề triết lý, nhưng câu chữ không khó lắm.

Thị là nói rõ cho người khác biết, như khai thị, mở, bày ra, biểu thị, bày ra cho mọi người biết.

Điện ảnh không có nghĩa chiếu bóng, chiếu phim ( cinéma ) như ngày nay, mà là tia chớp. Kinh Kim Cang có mấy câu:


Nhất thiết hữu vô pháp

Như mộng huyễn bào ảnh

Như lộ diệc như điện

Ưng tác như thị quan.


Tất cả những gì hiện hữu trên đời

Đều như chiêm bao, như hạt nước bóng soi

Như hạt sương lằn chớp

Nên có cái nhìn như vậy.


Hoàn  nghĩa là quay lại, người đi tu cởi áo gọi là hoàn tục.

Mộc là cây, thảo mộc, cỏ cây. Độc mộc bất thành lâm, một cây không thành rừng, một cây làm chẳng nên non.

Vinh là  tươi tốt, phồn thịnh, đông đúc, hiểu như thành ngữ bồn cố chi vinh, gốc vững thì cành xum xuê.

Hựu : cũng, lại còn. Nhất thiên hựu nhất thiên, một ngày lại một ngày. Nhật tân hựu nhật tân, qua mỗi ngày thêm mới ( đây là câu nói của Thang Vương, vua nhà An, về việc phải nhớ mỗi ngay.

Khô hiểu như hải khô thạch lay, biển cạn đá mòn.

Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô, là cỏ cây tươi tốt vào mùa xuân, sang thu thì héo úa.

Nhậm là mặc cho. Nhậm tình phản đạo, lao nhi vô hoạch ( mặc theo ý thích mà làm phản tự nhiên, phí công vô ích.

Vận là xoay chuyển, biến đổi ( như trong vận hành ), mệnh vận là số phận.

Bố là sợ hãi, doạ nạt. Khủng bố: sử dụng bạo lực và nỗi sợ hãi để đạt được một mục đích về ý thức hệ. cũng là sợ sệt, ( hậu sinh khả uý, tham sinh uý tử ).

Lộ là hạt sương ( lộ châu ) , hơi nước gần mặt đất, đêm bám vào cây cỏ, gặp khí lạnh đọng lại thành giọt.

 “ Bạch lộ vi sương thu khí thâm

   Giang thanh thảo mộc cộng tiêu sâm… “

( Móc trắng thành sương, hơi thu đã già

  Cây cỏ quanh thành bên sông trông đến tiêu điều! )

         Thu dạ - Nguyễn Du.


Lộ thiên, lộ xuất ( ló ra )

Phô là  bày ra, ( phô trương: bày ra có ý khoe khoang ), trải ra ( phô trác bố, trải khăn bàn, phô sàng: trải giường )

“ Phô khai bị ngoạ, thoát liễu y thường, thướng sàng tiện thuỵ -/Trải chăn nệm ra, cởi y phục, lên giường ngủ “ - Thuỷ Hử.


Bài thơ mở đầu bằng sự khẳng định : Thân như điện ảnh hữu hoàn vô. Thân là biểu thị của thân nghiệp, sắc tướng, hiển lộ bằng hình hài con người. Ở đây có thể hiểu rộng ra thân là đời người. Cái thân con người chỉ là bóng chớp, hiện hữu rồi qua đi, có đó rồi sẽ trở về không. Muôn kiếp con người có từ cõi vô thuỷ vô chung, sinh ra và sống năm bảy chục năm rồi cũng tạ từ cuộc sống, lại trở về với cõi vô cùng, vô thuỷ vô chung.

Hai câu cuối là tâm huyết của tác giả khi mong muốn con người hãy hành động bằng thái độ không sợ hãi:


Nhậm vận thịnh suy vô bố uý

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.


Thiền sư Vạn Hạnh rất tinh tế trong việc sử dụng từ ngữ để nhấn mạnh tư tưởng Thiền trong hành động khi dùng Thịnh suy đến hai lần với biện pháp điệp ngữ để nhấn mạnh sự vô thường của lẽ sống ( thường nghĩa là trường tồn ). Thịnh được gì và suy mất gì, chẳng qua tất cả là giả tạm, vậy tại sao lại ôm nó vào lòng để phiện muộn, khổ đau. Hãy học cách hành xử theo tinh thần “ vô bố uý “ , không sợ hãi trước sóng gió của cuộc đời và mạnh mẽ buông bỏ những thứ không cần thiết có thể cản trở con đường đạt đạo. Bằng cách này hay cách khác, dù bước đi có khác nhau, chúng ta vẫn cần có sự tinh tấn, nỗ lực hết mình, trân quý những phút giây hiện tại để làm tươi mới mối tương thích giữa đạo và đời. Đó chính là giá trị tích cực mà Thiền Tông đem lại cho đời.


Nội dung xuyên suốt của bài thơ là giá trị hiện thực với những hình ảnh minh chứng cụ thể, rõ ràng. Chất Thiền trong bài thơ là nguồn động lực cho những ai từng vấp ngã trong cuộc sống, là tâm sự, là lời gởi gắm của vị thiền sư, là cả một bầu trời yêu thương gởi đến những người cùng khổ. Bài thơ càng có ý nghĩa hơn khi nó là bài cuối cùng của thiền sư trước khi viên tịch.




Diễn nghĩa


Đời người vô thường như bóng chớp, có rồi lại không

Như cây cối, mùa xuân tươi tốt, mùa thu héo vàng

Mặc cho vận đời, dù thịnh hay suy, đừng sợ hãi,

Vì sự suy thịnh mong manh như giọt sương đầu ngọn cỏ.


Dịch thơ


Bài 1:


Đời như tia chớp có rồi không

Cây xuân tươi tốt thu héo hon

Mặc cảnh thịnh suy đừng hãi sợ

Chỉ là sương đọng trên cỏ non.


Bài 2 :


Thân như chớp có rồi không

Cỏ cây xuân thắm sang đông lại tàn

Sợ gì suy thịnh thế gian

Thịnh suy như cỏ ngậm sương trên đầu.


Bài 3:


Đời người bóng chớp có lại không

Cây xuân tươi tốt thu não nùng

Mặc chuyện thịnh suy không sợ hãi

Chỉ là ngọn cỏ ngậm sương trong.


Bài 4 :


Muôn cây thu héo xuân tươi

Đời như tia chớp có rồi lại không

Sợ gì suy thịnh hưng vong

Chẳng qua ngọn cỏ ngậm sương mỗi ngày.


Bài 5 :


La vie humaine est un éclair sitôt né, sitôt disparu

Verdoyant au printemps, l’arbre se dépouille en automne

Grandeur et décadence, rien à s’en effrayer

Décadence et grandeur ne sont que goutte de rosée perlait sur un brin d’herbe.




Bài thơ thiền sư Vạn Hạnh làm trước khi viên tịch, tính đến nay đã hơn mười thế kỷ, vẫn được truyền tụng như một viên ngọc sáng ngời cả về ý tưởng lẫn nghệ thuật. Tư tưởng buông bỏ mọi thứ hậu sinh vẫn thấm nhuần:

Bận lòng chi nắm bắt

Trăm năm nữa còn không

Xin về làm mây trắng

Nhẹ nhàng trôi thong dong. 

          Thích Minh Nhiệm.


Còn gặp nhau thì hãy cứ vui

Cuộc đời như nước chảy hoa trôi

Lợi danh như bóng mây chìm nổi

Chỉ có tình thương để lại đời.

             Tôn Nữ Hỷ Khương.


Đọc lại và tìm hiểu Thị đệ tử giúp mỗi chúng ta tự tìm cho mình một lẽ sống…





THÂN TRỌNG SƠN 

dịch và giới thiệu 

Tháng 7/ 2023.

Aucun commentaire: