ĐỐ TRĂNG MẤY TUỔI TRĂNG GIÀ.
Đây là lời của nhạc sĩ Phạm Duy. Trước đó, ông đã đố lúa mấy cây, sông mấy khúc, mây mấy tầng. Lại đố ai quét sạch lá rừng, đố ai biết gió ở đâu nữa. Nhưng ông đố trăng mấy tuổi trăng già chỉ là “ để tôi lên tiếng mặn mà yêu em “.
Kiểu đố này cũng có thể gặp ngay trong ca dao:
Đố ai đếm được lá rừng
Đố ai đếm được mấy tầng trời cao
Đố ai đếm được vì sao
Đố ai đếm được công lao Mẹ, Thầy.
Đố và đáp trước đây vốn là một hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian khá phổ biến ở nông thôn, những lúc rảnh rỗi sau giờ lao động. Ai cũng biết, cũng thuộc vài ba câu đố hoặc được nghe người khác đố. Những người có học lại phát triển câu đố qua hình thức văn thơ, đố bằng nói lái, lấy truyện Kiều ra đố, đố chuyện lịch sử… Thiết nghĩ tìm hiểu kỹ hơn về câu đố hẳn sẽ có nhiều điều thú vị.
Nhưng trước tiên, câu đố là gì? Câu đố lúc nào cũng có hai vế, lời đố và lời giải. Đó là một cuộc chơi sử dụng hình ảnh, từ và ý nghĩa, là một hình thức chơi chữ, nhằm mục đích giải trí tinh thần, người chơi chủ yếu sử dụng trí tuệ, óc phán đoán, lý luận, đó là một bài toán văn học. Nói gọn lại, câu đố là một sinh hoạt trí thức, cuộc đấu trí thi đua vận dụng trí thông minh của cả người đố lẫn người giải.
Vấn đề tiếp theo là câu đố được sử dụng trong hoàn cảnh nào? Ít nhất phải có hai người, nhiều thì năm bảy người, không ấn định số lượng. Và hỏi đố nhau cũng tuỳ lúc, tuỳ nơi, có khi đang đi trên đường, khi làm việc ngoài đồng ruộng, lúc nhàn rỗi ngồi tụm năm, tụm ba trên phản, ngoài hè… ra câu đố giải trí. Hoàn cảnh phổ biến hơn cả là buổi tối, sau khi ăn cơm, chưa đi ngủ, khi trời lạnh hay mưa, không có sinh hoạt giải trí nào khác, trong gia đình đủ hạng tuổi ngồi với nhau nghe kể chuyện cổ tích hay ra câu đố. Có thể đố câu đã nghe, cũng có thể nghĩ ra câu đố mới.
Nhưng, hỏi và đố nhau với mục đích gì? Tất nhiên để giải trí, như đã thấy ở trên. Mà đâu phải giải trí tầm thường vì cả người đố lẫn người giải đều phải vận dụng trí thông minh, óc lý luận, cả kiến thức mới ra được câu đố hay hoặc có lời giải hợp lý. Câu đố còn có mục đích giáo dục nếu hỏi về kiến thức lịch sử, thậm chí hỏi về những đồ vật xung quanh… Cũng chính vì lý do đó mà câu đố rất đa dạng, thiên biến vạn hoá, tuỳ trường hợp mà đố mà giải. Để tiện việc giải câu đố, người hỏi lắm lúc phải xác định: Là cái gì, là con gì, là hiện tượng gì, là ai, v.v. Có lúc người ta ghi là xuất, hỏi về cây là xuất mộc, hỏi cỏ là xuất thảo, hỏi người là xuất nhân…
Dưới đây là vài dạng câu đố hay gặp:
1. Đố về nhân vật lịch sử:
- Vua nào mặt sắt đen sì?
Vua nào trong thuở hàn vi ở chùa?
Đáp: Vua Mai Hắc Đế và Vua Lý Thái Tổ.
- Đông Du ai đã đưa người
Còn ai đập đá giữa trời trơ trơ?
Đáp: Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh
- Đố ai nêu lá quốc kỳ
Mê Linh đất cũ còn ghi muôn đời?
Yếm, khăn đội đá vá trời
Giặc Tô mất vía rụng rời thoát thân ?
Đáp: Hai bà Trưng
- Đố ai trên Bạch Đằng Giang
Làm cho cọc nhọn dọc ngang sáng ngời
Phá quân Nam Hán tơi bời
Gươm thần độc lập giữa trời vang lên ?
Đáp: Ngô Quyền.
- Đố ai nổi sáng sông, rừng
Đã vui Hàm Tử lại mừng Chương Dương
Vân Đồn cướp sạch binh cường
Nồi bàng mai phục chặn đường giặc lui?
Đáp: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn
- Đố ai gian khó chẳng lùi
Chí Linh mấy lượt nếm mùi đắng cay
Mười năm Bình Định ra tay
Thành Đông Quan, mất vía bầy Vương Thông?
Đáp: Lê Lợi
- Muốn cho nước mạnh dân giàu
Tâu vua xin chém bảy đầu mạt dân
Mũ cao áo rộng không cần
Lui về ẩn chốn lâm sơn một mình?
Đáp: Chu Văn An
- Vì nhà vì nước giao tranh
Thanh gươm, yên ngựa, phá thành đốc quân
Sa cơ nào quản tấm thân
Mặc voi dày xéo, chết gần chồng con?
Đáp: Bùi Thị Xuân
- Phò vua trải đã ba triều
Vào Nam, ra Bắc, một điều tập trung
Bị thương, thuốc giặc chẳng dùng
Nhịn ăn, tìm cái chết hùng mà vinh?
Đáp: Nguyễn Tri Phương.
2. Cũng có khi đố về những người nổi tiếng trong giới văn chương.
- Câu đố về Tương Phố, tác giả bài thơ nổi tiếng Giọt lệ thu:
Chẳng có đỗ cũng thành tương
Cũng mang ra khắp phố phường
Thu về nước mắt ròng ròng
Có chồng rồi lại mất chồng như chơi
Gió mưa, sông nước sụt sùi
Thế nhân quên cả giọng cười Xuân Hương.
- Quyết tâm rửa sạch quân thù
Ô hô cặp mắt công phu lỡ làng
( Nguyễn Đình Chiểu )
- Đem chuông lên đánh Sài Gòn
Để cho nữ giới biết con ông đồ.
( Sương Nguyệt Anh )
- Cái ấm còn cả nguyên vòi
Bày bán chợ đời chỉ thấy người coi
Nếu đêm lên bán chợ trời
Mấy nàng tiên nữ cũng cười không mua.
Hỏi sao người đẹp ỡm ờ
Thì ra toàn những tiên cô tiên khồng.
( Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu ).
- Ngậm tăm đứng ở phương Nam
Giả danh giả nghĩa đá vàng Trần Châu
Tiễn chồng chẳng biết đi đâu
Đưa chồng khẩu trầu nước mắt chứa chan.
( Á Nam Trần Tuấn Khải )
3. Những câu đố sử dụng nói lái không khó giải vì thường lời giải đã có sẵn :
- Khoan mũi, khoan lái, khoan khứ, khoan lai
Bò la, bò liệt đố ai biết gì? - (đáp: khoai lang).
- Con gì ở cạnh bờ sông,
Cái mui thì nát cái cong thì còn - (đáp: con còng - cong còn nói lái thành con còng)
- Cái gì bằng ngón chưn cái mà chai cứng - (đáp: ngón chưn cái)
- Khi đi cưa ngọn, khi về cũng cưa ngọn - (đáp: con ngựa)
- Miệng bà ký lớn, bà ký banh
Tay ông cai dài, ông cai khoanh - (đáp: canh bí, canh khoai)
- Ông cố ngoài Huế ông cố ai. (đáp : cái ô )
- Ông đánh cái chen, bà bảo đừng. (đáp : cái chưn đèn - chen đừng ) .
4. Đố Kiều
Ai cũng biết Truyện Kiều. Có điều có thể ít người biết là truyện Kiều còn có thể đem làm câu đố nữa.
Thử nghe vài câu:
- Này chồng, này mẹ, này cha,
Này là em rể, này là chị dâu
Là trái gì?
( đáp: trái đu đủ )
- Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không.
( đáp: trái mơ )
- Trót vì tay đã nhúng chàm
Cỏ phai mũ áo nhuộm non da trời.
( đáp: thợ nhuộm )
Đố Kiều theo dạng đối đáp.
- Truyện Kiều anh đã thuộc lòng
Đố anh kể được hai dòng năm “ cho “
Đáp: Làm cho cho mệt cho mê
Làm cho đau đớn ê chề cho coi !
- Tiện đây hỏi thật một điều
Em đây chưa biết nàng Kiều ai sinh.
Đáp: Hổ sinh ra phận thơ đào
Nàng Kiều hổ đẻ chớ nào ai sinh.
- Truyện Kiều anh thuộc đã làu
Đố anh biết được cô nào sinh đôi.
Đáp: Đầu lòng hai ả tố nga
Hai con đầu cả… ắt là sinh đôi.
- Truyện Kiều anh đọc đã nhiều
Nhớ chăng đoạn nói nàng Kiều có mang.
Đáp: Đầy sân gươm tuốt sáng loà
Thất kinh nàng chửa…. hẳn là có mang.
- Rằng: Năm Gia Tĩnh triều Minh
Thuý Kiều có lấy thương binh không chàng.
Đáp: - Một tay trời bể ngang tàng
Kiều lấy Từ Hải rõ ràng thương binh.
- Một tay gây dựng sơn hà
Lấy chàng Từ Hải đúng là thương binh.
- Truyện Kiều anh đã thuộc làu
Đố anh kể được một câu bốn mình
Đáp: Oan kia theo mãi với tình
Một mình mình biết, một mình mình hay.
- Nỉ non căn vặn đến điều
Tại sao lại bảo nàng Kiều sứt răng.
Đáp: Hở môi ra cũng thẹn thùng
Sứt môi nàng sợ chúng trông bạn cười.
- Thời Kiều đã có ngân hàng
Em đây chưa kể xin chàng chỉ cho.
Đáp: Nhà băng đưa mối rước vào
Tiền nong thanh toán việc nào chẳng xong.
- Chày sương chưa nện cầu Lam
Đố chàng Kim Trọng xưa làm nghề chi.
Đáp: Nàng ơi chớ hỏi thêm phiền
Xưa chàng Kim Trọng giáo viên vỡ lòng
Đề huề lưng túi gió trăng
Sau chân theo một vài thằng con con.
- Ai cắt buồng trứng đi rồi
Mà còn đẻ giống sinh nòi hở em?
Đáp: Hoạn bà bà Hoạn chứ ai
Hoạn rồi mà vẫn sinh nòi Hoạn Thư.
- Truyện Kiều có mấy chữ bông
Anh mà kể được, tơ hồng xin trao.
Đáp: Truyện Kiều có bốn chữ bông
Anh mà kể hết, nhớ không quên lời
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điệm một vài BÔNG hoa.
Một vùng cỏ áy bóng tà
Gió hiu hiu thổi một và BÔNG lan.
Ngoài song thỏ thẻ oanh vàng
Nách tường BÔNG liễu bay sang bên nhà
Dưới trăng Oanh đã gọi hè
Đầu tường lửa lưu lập loè đâm BÔNG.
Hứa gì em có nhớ không.
- Bây giờ em đố một bài
Anh mà giải được đôi hài em trao
Truyện Kiều kể lại tiêu hao
Hai câu anh kể làm sao hết Kiều?
Em đố anh lại giảng ra
Anh giảng chẳng được người ta chê cười
Đôi hài của đáng mấy mươi
Bây giờ anh giảng em thời đem ra:
Trăm năm trong cõi người ta
…
Mua vui cũng được một và trống canh.
5. Đố mẹo, chơi chữ:
- Con gì đầu dê, mình ốc?
( Con dốc ).
- Tìm điểm sai trong câu: Dưới ánh nắng sương long lanh khoe sắc thắm
( Khoe sắc khoé ).
- Từ gì mà 100% người Việt Nam đều phát âm sai?
( Từ “ SAI “ ).
- Tại sao khi bắn súng người ta lại nhắm một mắt?
( Vì nhắm cả hai mắt không nhìn thấy mục tiêu )
- Tại sao ăn trộm thường nhìn trước nhìn sau rồi mới chun vào nhà?
( Vì không thể nhìn hai hướng cùng một lúc được )
- Khi nào 5 chia 3 bằng 2?
( Khi ta làm sai )
- Lịch nào dài nhất? Lịch sử
- Đường nào dài nhất? Đường đời
- Xã nào đông nhất? Xã hội.
- Quần nào rộng nhất? Quần đảo.
- Bệnh nào bác sĩ bó tay? Bệnh gãy tay.
- Bên trái đường có một căn nhà xanh, bên phải đường có một căn nhà đỏ. Vậy nhà trắng ở đâu? ( Bên Mỹ ).
- Tháng nào có 28 ngày? ( Tất cả các tháng )
- Tháng nào ngắn nhất? ( Tháng ba, tháng tư ).
- Cái gì của người con gái lúc nào cũng ẩm ướt? ( Cái lưỡi )
- Cái gì Adam có 2 mà Eva chỉ có 1? ( Chữ A ).
- Cái gì của người chồng mà người vợ thích cầm nhất? ( Tiền lương )
- Cái gì của người chồng mà chỉ người vợ mới dùng được? ( Cái tên )
- Cái gì đi thì nằm, đứng cũng nằm, nhưng nằm lại đứng? ( Bàn chân ).
- Ở Việt Nam, rồng bay ở đâu và đáp xuống ở đâu? ( Bay ở Thăng Long và đáp ở Hạ Long ).
- Cắm vào run rẩy toàn thân
Rút ra nước chảy từ chân xuống sàn
Hỡi chàng quân tử giàu sang
Cắm vào xin chớ vội vàng rút ra.
Là cái gì? ( Cái tủ lạnh ).
- Ngả lưng cho thế gian nhờ
Vừa êm vừa ấm lại ngờ bất trung.
( Cái phản )
- Việc mình không phải việc ai
Nay làm không hết thì mai sẽ làm.
( Cái bàn - Bàn tới bàn lui. )
- Khi xưa em trắng như ngà
Bởi chàng ngủ lắm nên đà em thâm
Lúc bẩn chàng đánh chàng đâm
Đến khi rửa sạch chàng nằm lên trên.
( Cái chiếu )
- Thân em xưa ở bụi tre
Mùa đông xếp lại mùa hè mở ra.
( Cái quạt )
- Mẹ không ý tứ vạy vò
Đẻ con sao lại tréo giò lạ thay.
( Cái kéo )
- Có sống mà chẳng có lưng
Có lưỡi có mũi mà không có mồm.
( Con dao )
6. Đố chữ.
Ngày trước có nhiều câu đố chữ Hán, nay ít người biết nên bày ra đố chữ quốc ngữ:
- Hai người đứng bắt tay nhau
Chạm trán chạm đầu mà chẳng chạm chân. - ( Chữ A ).
- Tôi là con bố mẹ bò
Trước xê mà lại sau a mới kỳ. ( Chữ B ).
- Bắc thang xem hát phường chèo
Hỏi thang một nấc mà leo nỗi gì. ( Chữ H )
- Có cây mà chẳng có cành
Có trái cam sành lơ lửng trên không. ( Chữ I ).
- Một ngang vắn, một sổ dài
Cùng mình chết đứng, đố ngài đoán ra ( Chữ T ).
- Cái ly để giữa bàn tròn
Để lâu coi lại vẫn còn như xưa ( Chữ Y - y nguyên ).
- Đầu bò mà gắn đuôi heo
Ai mà thấy nó lăn queo tức thì
Đầu trâu mà gắn đuôi nai
Trơ trơ như đá không ai sợ nào ( Chữ Beo và chữ Trai )
- Con dê ăn cỏ bờ ao
Be be dứt tiếng, té nhào giơ râu. ( Chữ Dao ).
- Hai anh kèm một chiếc ghe
Ở trên có sắc thè lè bụng ra. ( Chữ Nghén ).
***
Câu đố rất phong phú và đa dạng, khó xác định ai là tác giả. Cùng lời giải là Mặt trời, có rất nhiều câu khác nhau.
- Trên trời có một cái bông
Mưa sa thì héo, nắng hồng thì tươi.
- Quê em ở thôn đông
Em đi lấy chồng thôn Thượng thôn Tây
Em thời lên xuống hàng ngày
Nhìn em ai cũng mặt mày nhăn nheo.
- Bằng cái nồi rang
Cả làng phơi thóc.
- Cái gì tròn vo tròn vỏ
Không nhuộm mà đỏ
Đi miết cả ngày
Mà đứng một chỗ.
Nếu đố mặt trăng thì thay đổi một chút:
- Bằng trang cái dĩa
Đêm xỉa xuống ao
hay:
Tròn như cái dĩa đêm xỉa xuống ao
Một trăm cái cuốc mà đào chẳng lên.
- Vừa bằng cái vung
Vùng xuống ao
Đào chẳng thấy
Lấy chẳng được.
- Mười lăm mười sáu tốt bông
Đến ba mươi tuổi không chồng chết queo.
- Thuở bé em có hai sừng
Đến khi nửa chừng thì lớn bụng ra
Đến năm ba mươi tuổi già
Em nhớ lúc cũ lại ra hai sừng.
- Đang xuân tôi mới lú sừng
Lớn lớn lưng chừng lại rụng sừng đi
Thần thông biến hoá một khi
Hai sừng mọc lại như thì đang xuân.
Kết hợp quan sát thực tế với tưởng tượng mới nghĩ ra những câu đố như thế. Nếu không cho lời đáp trước e cũng không dễ đoán ra.
Vài câu đố sau đây không cho lời giải trước để thử tài người đọc:
- Cong cong như thể cây cung
Ai lên cửu trùng mà muốn bắc thang.
- Sinh ra liền, tử đi liền
Sinh ra các xã, các miền đều trông.
Sinh ra không chú không o
Sinh ra một nó nằm co một mình.
- Xanh xanh đỏ đỏ vàng vàng
Bắc cầu thiên lý, nằm ngang một mình.
Cả ba câu đó đều có lời giải là Cầu vồng.
Ngoài ra còn có câu đố về rừng ( Bao nhiêu thú dữ đều ở trong lòng ), về núi ( Sừng sững mà đứng giữa trời
Trời xô không đổ, trời dời không đi )
Lại có những câu nếu không nói trước là đố về cái gì thì khó mà giải ra:
- Trên lông, dưới lông, tối lồng làm một.
hay:
- Sông tròn vành vạnh, nước đục lờ lờ
Cỏ mọc trên bờ, thằng bé đứng chơi ở giữa.
- Con gì có đuôi có lông
Trẻ già trai gái đều cùng mang theo.
Cả ba câu đều đố về con mắt đó.
Bên trên chỉ là những điều ghi nhận về Câu đố, không thể nào kể hết, nói hết được.
Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu không nói thêm rằng Câu đố không phải chỉ người Việt Nam chúng ta mới có. Ai biết tiếng Pháp cũng biết trong ngôn ngữ đất nước hình lục giác cũng có câu đố, họ gọi là devinette, cũng thú vị không kém.
- Qu’est - ce qui voyage dans le monde entier tout en restant dans un coin? ( Cái gì đi khắp thế giới trong lúc vẫn ở yên trong góc. Đáp là con tem ( un timbre )
- Qu’est-ce qui augmente mais ne diminue jamais ? ( L’âge )
Cái gì tăng mà không bao giờ giảm ? ( Tuổi ).
- Qu’est-ce qui ne peut pas parler mais répond quand on lui parle? ( L’écho ). Cái gì không nói được nhưng khi ta nói thì biết trả lời ( Tiếng vọng ).
- J’ai un chapeau mais pas de tête, j’ai un pied mais pas de chaussures. Qui suis-je ? ( Un champignon )
Tôi có mũ mà không có đầu, có chân mà không có giày. Tôi là ai? ( Nấm).
- Qu’est-ce qui a des pieds mais ne marche pas? ( Une chaise )
Cái gì có chân mà không đi được? ( Ghế )
- Quand je mange, je grossis, quand je bois, je meurs. Qui suis-je ? Le feu.
Khi tôi ăn, tôi mập ra, khi tôi uống, tôi chết. Tôi là ai? ( Lửa. )
Cũng có những câu đố phải đọc và hiểu ngay trong tiếng Pháp, không thể dịch được:
- Qu’est-ce qui se trouve une fois dans une minute, deux fois dans un moment, mais jamais dans une heure? ( La lettre M ). ( Chữ M . Có một chữ trong minute, hai trong moment còn heure thì không có chữ nào. )
- Qu’est- ce qui est à la fin d’un arc en ciel? ( La lettre L. )
- Quel mot contient une lettre? ( Enveloppe )
Đây là cách chơi chữ. Lettre có nghĩa là chữ cái, cũng có nghĩa là bức thư. Enveloppe có nghĩa là phong bì.
- Je suis Franck, mais je ne suis pas Franck. Qui suis-je ? ( Son chien ).
- Đây cũng là chơi chữ, suis có nghĩa là “ là “, cũng có nghĩa là đi theo.
- Je suis le commencement de tout et la fin de tout. .Qui suis- je? ( La lettre T ) . Chữ T bắt đầu và kết thúc chữ Tout.
Tương tự như thế, trong tiếng Anh câu đố được gọi là Riddle.
- What has many teeth but can’t bite? ( A comb ).
Cái gì có nhiều răng nhưng không cắn được? ( Cái lược ).
- What has words but never speaks? ( A book ).
Cái gì có nhiều từ mà không nói được ? Cuốn sách.
- What can fill a room buts takes up no space? ( Light. )
Cái gì có thể tràn đầy căn phòng nhưng không chiếm chỗ? ( Ánh sáng).
- What is always in front of you but can’t be seen? The future.
- What has a neck but no head ? ( A bottle )
Cái chai có cổ mà không có đầu.
Và cũng có những câu đố không dịch được, chỉ hiểu trực tiếp qua tiếng Anh thôi.
- Where does today comes before yesterday? ( The dictionary ).
( Trong từ điển, today có trước yesterday ).
- What building has the most stories? ( The library )
Đây là chơi chữ: story, stories vừa có nghĩa là tầng lầu, vừa có nghĩa là câu chuyện.
- What is 3/7 chicken, 2/3 cat, and 2/4 goat? ( Chicago ).
( Lấy 3/7 chữ chicken tức là chi … )
- What word is pronounced the same if you take away four of its five letters? ( Queue ). Queue và Q đọc giống nhau.
- What is the longest word in the dictionary?
smiles, because there is a mile between each S.
Chữ smiles là chữ dài nhất vì hai chữ S cách nhau tới một dặm ( mile ).
***
Đến đây có thể kết luận: Câu đố là một trò chơi ngôn ngữ khá thú vị, không của riêng một dân tộc nào. Truy tìm nguồn gốc sâu xa nhất có lẽ phải dẫn tới câu đố từ thần thoại Hy lạp, thường được gọi là énigme de Sphinx. “ Con vật gì sáng đi bốn chân, trưa đi hai chân, chiều đi ba chân ? “ Lời giải là con người. Nhỏ phải bò, hai tay và hai chân. Lớn đi vững trên hai chân. Về già chống gậy mới đi được, xem như là ba chân.
Sphinx tức là Nhân sư, một động vật thần thoại được thể hiện như một con sư tử nằm với một cái đầu người. Nhân sư được cho là kẻ gác cửa vào thành Thebes Hy lạp, và đưa ra một câu đố bí hiểm cho ai muốn vào thành. Đó là câu đố bên trên. Nhân sư bóp cổ ăn thịt tất cả những người không thể trả lời. Chỉ có Oedipus giải được và trả lời là con người.
Câu chuyện kể tiếp rằng khi bị giải đố, Nhân sư tự lao mình xuống thềm đá và chết. Và cũng từ đó Oedipus có thể được công nhận là một nhân vật giúp tạo ra sự chuyển tiếp giữa việc thực hành tôn giáo cũ đại diện bởi cái chết của nhân vật Nhân sư, và sự trỗi dậy của giá trị mới, các vị thần Olympia.
Câu chuyện thần thoại về câu đố của Sphinx góp thêm phần thú vị cho những ghi nhận về câu đố Việt Nam. Mong rằng bài viết trên 3600 chữ này cũng mua vui được dăm ba phút cho người đọc bốn phương.
THÂN TRỌNG SƠN
( tháng 5 / 2023 )
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire