samedi 27 juillet 2019

HÃY BUỘC DẢI RUY BĂNG VÀNG




           HÃY BUỘC DẢI RUY - BĂNG VÀNG 
                      QUANH CÂY SỒI GIÀ

             Câu chuyện đằng sau một bài hát.




Tháng 10/1972, nhà báo, nhà văn Pete Hamill đăng trên báo The New York Post truyện ngắn “ Going Home “. Ba tháng sau, truyện được in lại trong tạp chí Reader’s Digest.

Truyện kể một nhóm bạn trẻ ở New York trên một chuyến xe buýt đi nghỉ hè tại Florida, có người đồng hành là Vingo, là một cựu tù nhân vừa mãn hạn tù. Anh tâm sự với nhóm trẻ chuyện đời mình. Anh kể trước khi vào tù anh đã bảo cô vợ tên Martha nên bắt đầu cuộc sống mới không có anh vì anh sẽ vắng nhà lâu ngày, sợ người vợ không chịu đựng được.

Trong thời gian chấp hành án tù, anh không nhận được tin tức gì của vợ. Gần đến ngày về, anh lại viết cho vợ nói là nếu còn nhớ anh, muốn đón anh về thì hãy buộc chiếc khăn tay màu vàng quanh gốc cây sồi già ở trong thành phố gia đình anh ở. Khi xe chạy ngang, nhìn thấy dấu hiệu là anh tự hiểu. Còn nếu không nhìn thấy gì, anh sẽ ngồi lại trên xe, không trở về nữa. Nhóm trẻ hào hứng khi nghe câu chuyện, và muốn theo dõi cùng anh xem chuyện sẽ xảy ra thế nào. Trong khi Vingo không dám nhìn ra ngoài vì sợ sự thật không như mong đợi, thì đám trẻ chăm chú theo dõi, rồi bỗng bật dậy reo hò mừng vui: quanh cây sồi già có đến vài chục, không, cả trăm chiếc khăn tay, như đang chào đón người trở về. Thế là Vingo tự tin bước xuống xe và trở về nhà! 

Pete Hamill cho biết câu chuyện thú vị này anh từng nghe kể. Ít lâu sau, một cuốn phim truyền hình do hãng ABC-TV công bố, lấy tên là The Yellow Handkerchief, Chiếc khăn tay màu vàng, do diễn viên James Earl John thủ vai người cựu tù binh.

Sau đó, đến lượt Irwin Levine và L. Russell Brown sáng tác bài hát Tie a Yellow ‘ Round the Ole Oak Tree và lên tiếng cho biết họ nghe kể chuyện này khi phục vụ trong quân đội. Nội dung bài hát tương tự như truyện ngắn của Pete Hamill, chỉ khác ở chi tiết chiếc khăn tay ( handkerchief ) đổi thành dải ruy- băng ( ribbon ), có thể để dễ hát hơn. 
Bài hát nổi tiếng và được phổ biến rộng khắp rất nhanh ngay trong năm 1973. Pete Hamill đâm đơn kiện hai đồng tác giả xâm phạm bản quyền, biến truyện ngắn của ông thành bài hát mà không xin phép. Nhưng cuối cùng, bài hát được minh oan vì câu chuyện của Pete Hamill thực ra chẳng có gì mới mẻ, nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh nó đã tồn tại rất lâu dưới nhiều biến thể khác nhau. Pete Hamill đành phải rút lại đơn kiện.

Với ca từ rõ ràng và xúc động, giai điệu vui tươi pha lẫn âm hưởng nhạc đồng quê, Tie a yellow ribbon ‘ Round the Ole Oak Tree đã biến hình ảnh dải ruy băng vàng trở thành một biểu tượng quốc gia. Năm 1980, vụ khủng hoảng con tin ở Iran lên đến đỉnh điểm, dải ruy băng vàng tượng trưng cho sự trở về của 400 con tin người Mỹ, lúc này khắp nước Mỹ đi đâu cũng thấy dải băng vàng treo đầy những hàng cây.

Bài hát đạt tới thành công tột đỉnh qua giọng ca của ca sĩ Tony Orlando và nhóm nhạc Dawn. Ngay trong năm 1973, dĩa thu âm bài hát của nhóm nhạc này đã bán được ba triệu bản trong ba tuần lễ.

Từ đó đến nay, Tie a yellow ribbon ‘ Round the Ole Oak Tree vẫn tiếp tục là bài hát tủ của rất nhiều ca sĩ, giai điệu của nó vẫn tiếp tục vang lên, như một thông điệp về tình yêu chung thuỷ, về sự mong chờ ngày về của người thân yêu đi xa.


TIE A YELLOW RIBBON ‘ ROUND THE OLE OAK TREE.


I'm comin' home, I've done my time
Now I've got to know what is and isn't mine
If you received my letter telling you I'd soon be free
Then you'll know just what to do
If you still want me, if you still want me
Whoa, tie a yellow ribbon 'round the ole oak tree

It's been three long years, do you still want me?
If I don't see a ribbon round the ole oak tree
I'll stay on the bus, forget about us, put the blame on me
If I don't see a yellow ribbon 'round the ole oak tree

Bus driver, please look for me
'Cause I couldn't bear to see what I might see
I'm really still in prison and my love, she holds the key
A simple yellow ribbon's what I need to set me free
And I wrote and told her please
Whoa, tie a yellow ribbon 'round the ole oak tree

It's been three long years, do you still want me?
If I don't see a ribbon round the ole oak tree
I'll stay on the bus, forget about us, put the blame on me
If I don't see a yellow ribbon 'round the ole oak tree

Now the whole damned bus is cheerin'
And I can't believe I see
A hundred yellow ribbons round the ole oak tree
I'm comin' home

Tie a ribbon 'round the ole oak tree
Tie a ribbon 'round the ole oak tree
Tie a ribbon 'round the ole oak tree
Tie a ribbon 'round the ole oak tree


HÃY BUỘC DẢI RUY - BĂNG VÀNG QUANH CÂY SỒI GIÀ


Anh đang trên đường trở về nhà
Việc thụ án vậy là đã xong
Anh đã rõ chuyện nào thuộc về mình, chuyện nào không
Và nếu em đã nhận thư anh báo
Sắp đến ngày anh được tự do
Hẳn em biết cần phải làm gì
Nếu em vẫn một lòng một dạ yêu anh.
Nếu em vẫn còn yêu anh, xin em hãy
Buộc dải lụa vàng quanh cây sồi già em nhé.

Ba năm dài đằng đẵng trôi qua
Em vẫn còn yêu anh đấy chứ?
Còn nếu như anh không nhìn thấy dải lụa nào
Thì anh vẫn ngồi lặng yên trên xe buýt
Và quên đi chuyện hai chúng ta
Rồi chỉ tự trách mình mà thôi.

Bác tài ơi, xin hãy nhìn giúp tôi,
Vì tôi nào dám nhìn những gì sẽ xuất hiện trước mắt
Thực ra tôi vẫn còn trong tù ngục
Mà chính nàng, người tôi yêu, đang cầm giữ chìa khoá
Chỉ một dải lụa vàng là thứ tôi cần để được tự do.
Tôi đã gửi thư đi và kỹ lưỡng dặn dò
Em ơi hãy buộc dải lụa vàng quanh cây sồi xưa.

Ba năm dài đằng đẵng đã trôi qua
Em có còn một lòng một dạ yêu anh?
Còn nếu như anh không nhìn thấy dải lụa nào
Anh sẽ ngồi lại trên xe buýt,
Quên đi chuyện của hai ta
Và chỉ tự trách mình thôi
Nếu như anh không nhìn thấy dải lụa vàng quanh cây sồi.

Nhưng kìa, cả đám người chết tiệt trên xe đang mừng reo
Anh không sao tin được những gì hiện ra trước mắt
Cả trăm dải lụa vàng quanh gốc cây
Anh đang về nhà đây!

Hãy buộc dải ruy băng vàng quanh cây sồi già em nhé.
Hãy buộc dải ruy băng vàng quanh cây sồi già em nhé
Hãy buộc dải ruy băng vàng quanh cây sồi già em nhé,
Hãy buộc dải ruy băng vàng quanh cây sồi già em nhé.



THÂN TRỌNG SƠN
(7/2019).


Mời nghe Orlando hát




vendredi 26 juillet 2019

TRỞ VỀ NHÀ





Truyện ngắn
Pete Hamill
Nhà văn Hoa Kỳ
( 1935 -      )





Pete Hamill sinh tại New York, gia đình gốc người Ireland di cư sang Hoa Kỳ từ năm 1929. Học xong, Hamill thử làm nhiều công việc khác nhau cho đến khi thấy niềm đam mê nghề làm báo thôi thúc.

Mùa hè năm 1960, ông làm phóng viên tại báo The New York Post và bắt đầu học nghề từ đây. Những năm 1962-63, ông làm đặc phái viên cho tờ Saturday Evening Post và được cử sang châu Âu. Thời gian này, ông rong ruổi qua nhiều nước, phỏng vấn các nghệ sĩ, đạo diễn, nhà văn...

Đến năm 1964, ông trở về New York, làm tại báo New York Herald Tribune một thời gian, rồi chuyển về New York Post phụ trách một chuyên mục thường kỳ, đồng thời cộng tác với nhiều báo khác. Ông viết nhiều đề tài ( chiến tranh, âm nhạc, đời sống thị dân... ) và di chuyển nhiều nơi. Sau này, ông xuất bản hai tuyển tập các tác phẩm báo chí ( Irrational Ravings và Piecework ).

Hamill còn được biết đến như một nhà văn, tiểu thuyết đầu tiên là “ A Killing for Christ “, nói về âm mưu ám sát Đức Giáo Hoàng vào dịp lễ Phục Sinh tại La Mã. Sau đó là tiểu thuyết tự truyện The Gift, và vài cuốn khác. Ông còn viết hơn một trăm truyện ngắn, đăng từng kỳ trên báo với chuyên mục mang tên “ The Eight Million “ và “ Tales of New York “. Sau này ông tập hợp lại in trong hai cuốn “ The Invisible City: A New York Sketchbookm”, 1980, và “ Tokyo Sketches “ , 1992. 

Truyện ngắn Going Home giới thiệu dưới đây được đăng lần đầu trên báo The New York Post ngày 14/10/1971. Ba tháng sau, truyện được đăng lại trên tạp chí Reader’s Digest.


*******





Cả bọn cùng kéo về Fort Lauderdale, tiểu bang Florida. Tất cả gồm sáu người, ba chàng trai, ba cô gái, họ lên xe ở đường số 34, mang theo bánh mì sandwich và rượu vang, đựng trong những túi giấy. Họ đang mơ tưởng tới những bãi biển vàng và sóng thuỷ triều, bỏ lại sau lưng không khí lạnh lẽo, u ám của mùa xuân thành phố New York. Còn Vingo thì đã lên xe ngay từ đầu.

Khi xe chạy ngang New Jersey để tiến vào Philia, họ bắt đầu để ý Vingo ngồi thù lù một chỗ, không cựa quậy. Anh ngồi ngay trước mặt bọn trẻ, gương mặt bụi bặm khiến khó đoán tuổi, mặc bộ đồ màu nâu trơn không vừa lắm. Các ngón tay cáu bẩn khói thuốc lá, miệng mím lại. Anh ngồi lặng lẽ, chừng như chẳng quan tâm gì đến sự có mặt của những người khác. 

Đêm về khuya, xe chạy ngang vòng ngoài Washington thì dừng lại tại quán ăn Howard Johnson, mọi người đều xuống xe, ngoại trừ Vingo. Đám trẻ bắt đầu ngạc nhiên về Vingo, cố tưởng tượng ra cuộc đời của anh, có lẽ anh là một thuyền trưởng tàu biển, hoặc là người bỏ chạy trốn vợ, hay là cựu quân nhân trở về quê nhà? Khi cả bọn trở lại xe, một cô gái trong nhóm không kìm được tò mò nên đến bắt chuyện với anh. Cô đến ngòi cạnh và tự giới thiệu.

“ Tụi này đi Florida”, cô nói rõ giọng, “ anh cũng đi tới đó chứ? “ 
“ Tôi không biết nữa! “, Vingo đáp.
“ Tôi chưa hề tới đó. Nghe nói đẹp lắm. “
“ Đúng đó.”, anh khẽ nói, như muốn khêu lại điều đã cố quên.
“ Anh sống ở đó à? “
“ Trước tôi từng ở đó, khi còn trong hải quân, tôi ở căn cứ Jacksonville.”
“ Anh dùng chút rượu vang nhé!”  
Anh mỉm cười và cầm lấy chai rượu làm ngay một tợp. Anh cảm ơn và tiếp tục vùi trong cơn im lặng. Một lát sau, cô gái quay lại với nhóm bạn, anh lim dim ngù.

Đến sáng, họ lại dừng ở một quán Howard Jackson khác, lần này Vingo cùng đi với nhóm trẻ. Anh tỏ vẻ ngại ngùng, gọi ly cà phê đen và rít thuốc liên hồi, trong khi đám trẻ vẫn huyên thuyên chuyện nằm ngủ trên bãi biển.

Khi trở lại xe buýt, cô gái vẫn đến ngồi cạnh Vingo. Một lát sau, anh ngập ngừng chậm rãi kể chuyện, giọng khổ sở. Đã bốn năm rồi anh bị giam ở New York và nay đang trở về nhà.
“ Anh có gia đình chưa?”
“ Tôi cũng không biết nữa.”
“ Ủa, anh không biết sao?”
“ À, vâng, hồi còn trong tù, tôi có viết cho vợ. Martha à, anh sẽ thông cảm nếu em không thể gắn bó với anh. Tôi nói là tôi vắng nhà lâu quá, nếu nàng không chịu nổi, nếu lũ nhóc cứ dò hỏi, và nàng thấy đau xót, nàng có thể quên tôi đi. Cứ tìm một người đàn ông khác - nàng là một phụ nữ tuyệt vời, thực sự rất đáng giá. Nàng có thể quên tôi đi. Tôi bảo là nàng không cần phải trả lời thư tôi gì cả, và nàng đã không viết gì thật. Cũng đã ba năm rưỡi rồi.

“ Và bây giờ anh trở về nhà, vẫn không biết tình hình thế nào?”
Anh ngại ngùng đáp:
“ Đúng vậy. Mới tuần trước thôi, khi biết chắc sẽ được phóng thích, tôi lại viết cho nàng nữa. Tôi nói nếu nàng có người mới, tôi sẽ thông cảm thôi. Nhưng giả sử nàng vẫn chưa có ai, nàng vẫn chờ đợi tôi về thì hãy cho tôi biết. Chúng tôi vẫn sống ở thành phố Brunswick này, và ở lối vào thành phố có một cây sồi thật to, hùng vĩ lắm, ai cũng biết. Tôi bảo nàng là nếu muốn đón tôi trở về, nàng hãy cột chiếc khăn tay vàng trên cây, tôi nhìn thấy và sẽ xuống xe trở về nhà. Còn trái lại, nàng không yêu tôi nữa thì quên chuyện đó đi. Không có khăn tay, tôi tự hiểu và tiếp tục chuyến đi. 

Cô gái kể cho các bạn nghe chuyện và ngay lập tức cả bọn ùa đến khi xe gần tới Brunswick, chăm chú nhìn Vingo cho xem ảnh vợ và ba đứa nhóc. 

Còn 20 dặm nữa là đến Brunswick, nhóm trẻ đổ xô về những chiếc ghế cạnh cửa sổ phía bên phải, nóng lòng chờ nhìn cây sồi. Vingo không nhìn ra ngoài nữa, khuôn mặt người cựu tù co rúm lại, cố gượng để khỏi chịu đựng sự thất vọng tiếp theo. Còn 10 dặm, rồi 5 dặm, cả chuyến xe đều im thin thít, ngập chìm trong cõi lặng thinh của xa vắng, của những năm tháng đánh mất, của khuôn mặt hiền lành người phụ nữ, của lá thư không mong đợi trên bàn ăn điểm tâm, của bầy trẻ ngơ ngác, của những chấn song sắt lạnh lẽo.

Và đột nhiên, tất cả đều đứng bật dậy, reo hò, la hét, khóc thét, rồi ôm nhau nhảy múa trong nỗi hân hoan, phấn khích. Chỉ trừ Vingo .

Vingo vẫn ngồi đó, sững sờ nhìn ra cây sồi già. Cái cây có treo những chiếc khăn tay vàng, có đến 20, 30 chiếc, có lẽ đến hàng trăm chiếc. Cái  cây hiện ra như tấm biểu ngữ chào mừng, cuồn cuộn, phất phơ trong gió, cây biến thành một hình tượng rực rỡ khi xe buýt chạy ngang qua. Khi cả nhóm trẻ vẫn tiếp tục reo hò, người cựu tù binh rời khỏi ghế, vươn mình bước dần ra phía trước xe, chuẩn bị trở về nhà.




THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu
( 7/2019 )

Nguồn:










samedi 20 juillet 2019

CÂY HỒNG VÀNG







Truyện ngắn
Marjorie Bannard
(1897-1987)
Nhà văn Úc.





Có lẽ tác giả tâm đắc lắm với truyện này nên mới chọn để đặt tên cho cả tuyển tập. “ The Persimmon Tree and Other Stories “ gồm 15 truyện ngắn, góp phần mang lại chỗ đứng vững vàng trong văn đàn nước Úc cho nhà văn nữ Marjorie Barnard, người có thể sáng tác nhiều thể loại khác nhau, kể cả phê bình và lịch sử.

Trong toàn tập, “ Cây hồng vàng, The Persimmon Tree “ có nội dung và văn phong khác hẳn những truyện còn lại. 







Nhưng, tại sao chọn Cây hồng vàng? Theo tác giả, “ chúng không bao giờ mất đi vẻ lạ lùng, kỳ bí của loài cây thần thoại. “. Bản dịch tạm dùng “ loài cây thần thoại “ để dịch “ Hesperidean Trees “ là loại cây, theo thần thoại Hy Lạp, được trồng trong vườn Hesperides, được các nữ thần canh gác để bảo vệ những cây táo vàng ( golden apples ). Và cây hồng vàng khiến tác giả liên tưởng cây táo vàng và nhắc đến với mỹ từ “ lạ lùng và kỳ bí “ tất nhiên sẽ đóng vai trò quan trọng trong truyện ngắn này, cũng lạ lùng và kỳ bí không kém. 

Nhân vật trong truyện không hề có tên, lai lịch, thân phận cũng không rõ. Người xưng tôi, tức là nhân vật - người thuật chuyện, là một phụ nữ trong thời kỳ phục hồi sức khoẻ sau cơn bệnh, chọn sống cô đơn, không muốn giao tiếp. Nhân vật thứ hai cũng là một phụ nữ, ở nhà đối diện, cũng một mình và lựa chọn để sống cô đơn. 

Gạch nối giữa hai người là một “nhân vật ” im lặng, không nói, không cảm xúc. Đó chính là cây hồng vàng trồng bên đường, mà chỉ cần cái bóng cây chiếu lên tường, giúp người nữ bên này quan sát người nữ bên kia, và phát hiện lắm điều thú vị. Cái bóng rọi cho thấy chậu cây gieo hạt mầm đang nhú lên. Cái bóng tạo ra sự tương phản giữa cô đơn, mặc cảm thu mình, và cuộc sống mới, mời chào, hy vọng. 

Hình ảnh cuối truyện, người nữ căn hộ bên kia đứng yên, khoả thân, chỉ nhìn thấy qua rèm cửa, khuôn mặt chìm trong cái bóng. Chuyện gì xảy ra tiếp theo? Cách kết thúc mở, người đọc tự viết thêm. Chỉ biết nhân vật tự thú “ tôi thấy trái tim như vỡ ra “, trong khi cây với chồi non vẫn đổ bóng trên tường.

Chỉ thế thôi. Đâu cần phải nói ra: Một cuộc sống mới đang mở ra, chờ đón hai tâm hồn cô đơn lặng lẽ, nụ mầm trong chậu, chồi non trên cây đang mạnh mẽ vươn lên.


*********



Có lần tôi đã nhìn thấy mùa xuân và tôi sẽ không quên được. Chỉ một lần. Tôi bệnh suốt cả mùa đông và đang dần hồi phục. Không còn đau nhức, không còn điều trị hay đi bác sĩ. Cái khuôn mặt nhìn tôi từ chiếc gương bạc đã cũ là khuôn mặt của một phụ nữ vừa khỏi bệnh. Giờ tôi chỉ cần lấy lại sức. Muốn thế, tôi cần ở một mình, một động lực xưa cũ và tự nhiên. Tôi đã xa lạ mọi thứ từ khá lâu rồi và cần nỗ lực nhiều để quay trở lại. Trí óc tôi trong suốt và nhẹ nhàng như làn da non. Tất cả mọi chuyện, kể cả thứ quen thuộc nhất, dường như mới xẩy ra lần đầu, và mang cái vỏ trống rỗng, khác nào âm nhạc được tấu lên trong căn phòng không có người.

Tôi chọn một căn hộ trong một con đường cụt yên tĩnh, có hai hàng cây trồng dọc hai bên. Đó là căn phòng rộng, trần cao, tường màu nhạt, mộc mạc như giọt mật trong tổ ong. Phòng được trang trí theo kiểu hững hờ đúng mực của một nhà thiết kế nội thất hợp thời trang. Phòng đón nhận được ánh sáng ban trưa, tôi thích như thế hơn vì tôi muốn buổi sáng có bóng dim và mát mẻ, để đêm tối êm dịu có vẻ kéo dài thêm ra. Khi tôi đến ở, hàng cây còn trơ trụi và yên lặng trong bóng tối màu hoa tử đinh hương. Có một khối căn hộ đối diện, kín đáo, được chăm sóc cẩn thận, cổng vào rộng. Đêm đêm, khối chữ nhật của những căn hộ này hắt ánh sáng hồng và vàng lên bầu trời cao. Một cánh cửa sổ nằm ngay trước cửa sổ phòng tôi. Tôi nhận thấy là nó lúc nào cũng đóng kín, như để ngăn không khí. Con đường rộng nhưng yên tĩnh quá nên cửa sổ xem có vẻ gần hơn. Tôi vui vì thấy cửa sổ đó luôn được đóng, bởi lẽ tôi thường dành nhiều thời gian đứng bên cửa sổ, điều duy nhất khiến người khác có thể dòm ngó và can thiệp vào cõi riêng tư của tôi.

Tôi thích căn phòng này ngay từ đầu. Nó như chiếc vỏ, vừa khít tôi mà không chạm vào người. Mặt trời chiều in bóng ngọn cây vào bức tường màu nhạt phòng tôi. Chính trong cái bóng đó tôi lần đầu tiên nhận ra là những cành cây trơ trụi bắt đầu nhú mầm. Một bức tranh màu nước, đẹp mà tẻ nhạt, treo trên tường. Hôm nọ, tôi nhờ người phụ nữ ít nói giúp việc tôi hạ bức tranh xuống. Sau đó, bóng cây chiếm trọn bức tường, và tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản, như vừa giũ sạch một hạt cát khỏi tâm trí.

Tôi quen thuộc dần với người dân ở trên con đường này. Họ đến rồi đi đều đặn lạ thường, và ít nhiều như được cắt ra từ một khuôn mẫu rất chính xác. Họ là một phần của một kịch bản dàn dựng, chẳng hề có thực, và tôi không mảy may thích được làm quen với bất kỳ ai trong số này. Chỉ có một phụ nữ tôi để ý, cô trạc tuổi tôi. Cô ở bên kia đường. Tôi nghĩ trước cô này chắc xinh đẹp lắm, mà bây giờ vẫn còn xinh, dáng người cao thanh tú. Cô luôn ăn mặc trang phục màu sẫm, cắt may riêng, và tỏ ra chừng mực trong từng cử chỉ. Cô ấy thường chỉ đi về một mình, nhưng bạn cảm thấy như đó là lựa chọn của cô, những gì cô làm đều do sự lựa chọn kiên định của cô. Cô mạnh mẽ bước lên các bậc cấp, và mất hút dứt khoát trong toà nhà yên lặng kín đáo phía bên kia. Điều này khiến tôi cảm thấy chút ganh tỵ mơ hồ, rất mơ hồ, với ai đó đang hoàn toàn điều chỉnh cuộc đời cô.

Rồi có một ngày ấm áp hơn mọi ngày, ấm áp, yên lặng, thanh bình. Ngay khi mới ngủ dậy, tôi nhận thấy cửa sổ bên kia hé mở vài phân. “ Mùa xuân đang đến, ngay cả những con tim thận trọng nhất cũng thấy.” Tôi thầm nghĩ. Và sáng hôm sau, không những cửa sổ mở ra mà còn cả hàng cây hồng vàng trước ngưỡng cửa cũng vươn ra, mạnh dạn, dứt khoát, để ửng chín dưới ánh nắng. Vừa nhú ra như bộ ngực của thiếu nữ trẻ, căng mọng, dồi dào với sắc màu vàng cam, chúng trông như ngời sáng trong ánh ban mai thanh tịnh mùa xuân. Tôi ngỡ ngàng trước hình ảnh này. Tôi nhớ khi còn nhỏ ở nhà cũng có một lùm cây hồng vàng bên hông nhà. Mùa thu, chúng đỏ thẫm một màu, khiến bạn như nín thở. Chúng hắt ánh sáng màu hồng vào các phòng phía bên hông nhà giống như có lửa cháy bên ngoài. Sau đó, lá rụng hết, để lại những quả vàng đậm lủng lẳng trên cành cây trơ trụi. Chúng không bao giờ mất đi vẻ lạ lùng, kỳ bí của loài cây thần thoại. Khi tôi nhìn những con chim lửa (1) nhảy múa, trái tim tôi rung lên đau đớn vì hồi tưởng lại những cây hồng vàng vào những buổi sớm mai trước bóng tối những cây sơn trà Nhật Bản. Tại sao đang xuân tôi lại nghĩ đến mùa thu? 

Trái hồng vàng thuộc về mùa thu, và bây giờ là mùa xuân. Tôi ra đứng nhìn nơi cửa sổ. Vâng, những quả hồng đang ở đó, chúng có thật. Không phải tôi tưởng tượng ra, những trái cây mùa thu được sưởi ấm đến độ chín mọng trong ánh nắng xuân. Hẳn là chúng đã được đóng gói đắt tiền trong những thùng mùn cưa chuyển từ California đến, hoặc là chúng nằm trong kho lạnh suốt mùa đông. Trái cây trái mùa.

Đến lúc chiều muộn, mặt trời đã lặn khuất ngoài ngưỡng cửa, tôi thấy cửa sổ mở và một bàn tay thò ra gom lại mấy quả hồng. Một khuôn mặt phụ nữ hiện ra trên nền những mảnh rèm cửa. Cô ấy sống ở đó. Và cửa sổ đối diện với cửa sổ phòng tôi là của cô.

Bây giờ thì cửa sổ mở thường xuyên hơn. Tự nó như thế, giống như nụ mầm mở ra. Một cái chậu sứ màu kem có hình chiếc thuyền xuất hiện nơi ngưỡng cửa. Có cây trồng trong chậu. Tôi nghĩ là loại cây thân hành. Cô ta thường tưới nước cho nó bằng những cái bình nhỏ xíu, có vòi dài và được sơn bằng tay, loại thường dùng để đổ nước vào chậu. Cô cẩn thận xới đất bằng cái nĩa bạc loại dùng ở bàn ăn. Cô không nhìn lên, không nhìn sang bên kia đường. Không lần nào.

Đôi lúc, khi nhàn tản dạo chơi tôi đi ngang qua cô trên đường. Giờ thì tôi biết cô khá tường tận, biết nước da, đôi bàn tay, những bộ quần áo và cả từng cử chỉ điệu bộ. Cái cách mà ta biết ai đó và tin chắc rằng sẽ không cố tìm cách tiếp cận. Tôi có thể dễ dàng tìm ra tên cô ấy. Chỉ cần đến tiền sảnh của toà nhà và tìm tên cô trong danh sách những người thuê nhà, hoặc xem danh thiếp để lại trước cửa nhà cô. Tôi không bao giờ làm thế.

Cô ấy là người phụ nữ cô đơn, tôi cũng thế. Đó là rào cản, không phải là điều gắn kết. Những phụ nữ cô đơn thường ở trạng thái tự vệ. Tôi thì không thực sự cô đơn hẳn. Tôi chỉ tạm thời xếp cuộc sống của tôi vào một góc, thế thôi. Tôi có thể có hàng tá bạn bè bên cạnh suốt cả ngày. Nhưng không hề có một người bạn tôi yêu thương và tin cậy hơn những người khác, không có người yêu, bí mật hay công khai. Nhưng cô ấy, tôi nghĩ cô có một đời sống nội tâm phong phú cuốn hút cô. 

Cái cây thân hành trong chậu của cô đã đâm chồi. Tôi có thể nhìn thấy những cái mầm màu xanh nhạt nhú lên từ lớp đất mùn đen. Tôi thực sự quan tâm đến chúng, không hiểu chúng là cây gì. Tôi hy vọng đó là hoa tulip. Chẳng hiểu tại sao. Giò thì cửa sổ phòng cô mở suốt ngày, những chiếc màn cửa mỏng, mịn treo đằng trước, chúng không bao giờ được vén lên. Đôi khi màn lay động nhưng chỉ khi có gió nhẹ.

Hàng cây bên đường nay chuyển sang màu xanh lục, dày đặc lá mầm non. Bóng cây đổ trên tường nhà tôi giờ cũng tạo hình phong phú, rối rắm hơn. Không còn sắc thái khắc khổ của mùa đông như ban đầu. Ngay cả chuyển động của cành cây trước gió trông cũng khác rồi. Lúc nghỉ trưa, tôi hay nằm ngắm bóng cây trên tường. Tôi thường hay mỏi mệt những lúc đó và thấy dễ xúc động. Tôi thường nghĩ đến những chồi non, chúng thật là mỏng manh, yếu ớt, nhưng không thể khuất phục. Theo cách như đứa trẻ chưa ra đời cũng không chịu khuất phục vậy. Nếu thế giới loài người có thành tro bụi thì mùa xuân vẫn cứ tới. Tôi nhắm nhìn những cành lá lay động mà con tim bỗng xao xuyến theo trong nỗi sầu mong manh, pha chút ngọt ngào. 

Một buổi chiều, tôi ngồi nhìn ra ngoài thay vì nhìn vô trong. Lúc này đã là chiều muộn, mặt trời sắp lặn, nhưng không khí vẫn còn ấm áp. Có những hạt bụi vàng trên không, ánh sáng như thẫm hơn. Bóng cây và bóng toà nhà đổ xuống đường với vẻ quyến rũ lạ thường như thỉnh thoảng vẫn thấy vào những ngày đẹp trời như thế này. Cô ấy đang đứng kia, sau những bức rèm cửa, cuộn mình trong tấm áo choàng sẫm, chừng như vừa tắm xong, sắp mặc trang phục để sớm đi ra ngoài tối nay. Cô đứng đó thật lâu, bất động, nhìn đăm đăm  -vào hàng cây đang đâm chồi, tôi nghĩ vậy. Đầu óc tôi bắt đầu căng ra. Mạch máu trong tôi đập rộn ràng như tiếng đồng hồ tích tắc. Cô chậm rãi vươn hai cánh tay lên và tấm áo choàng rơi xuống. Cô vẫn đứng đó, khoả thân, sau tấm rèm cửa, hình dáng khó phân biệt nhưng không thể nhầm lẫn của một người phụ nữ với khuôn mặt chìm trong chiếc bóng.

Tôi quay mặt đi. Những cành cây với những chồi non vẫn đổ bóng trên bức tường trắng. Tôi nghĩ trái tim mình sắp vỡ ra.


———-
(1) Chim lửa: firebird. Trong văn hoá dân gian và truyện cổ tích Slave, đây là loài chim phát sáng kỳ diệu từ vùng đất xa xôi, nó vừa là phước lành, vừa là người mang đến sự diệt vong cho ai bắt giữ nó.




THÂN TRỌNG SƠN 
dịch và giới thiệu 
(7/2019)

Nguyên bản tiếng Anh:



vendredi 19 juillet 2019

TRÚNG SỐ






Truyện ngắn
Marjorie Barnard 
(1897 -1987) 
Nhà văn Úc


Marjorie Barnard sinh tại Ashfield, Sydney, lúc nhỏ bị bệnh sốt tê liệt nên chỉ được nuôi dạy ở nhà, đến 10 tuổi mới vào trường. Năm 1911, cô học trường Nữ Trung học Sydney, tỏ ra rất ham học. Tiếp tục bậc đại học, M.Barnard tốt nghiệp năm 1920, được khen thưởng vì kết quả xuất sắc môn lịch sử, và do vậy, được cấp học bổng du học Đại học Oxford. Tuy nhiên gia đình không đồng ý cho cô đi, Barnard chọn học và sau đó công tác ở ngành thư viện, phụ trách Thư viện Công Cộng Sydney, ít lâu sau, tại Đại học Kỹ thuật Sydney.

Trong thời gian này, ban ngày công tác, tối về cô tập tành viết lách. Tác phẩm đầu tiên là tuyển tập truyện ngắn viết về tuổi thơ của mình, cuốn “ The Ivory Gate “, Chiếc cổng ngà, hoàn thành ngay trong năm 1920.




Con đường sáng tác của Marjorie Barnard có cơ hội phát triển nhanh với sự xuất hiện của cô bạn thân thời sinh viên là Flora Eldershaw. Trong những lần gặp gỡ, đôi bạn cùng nhau đàm đạo văn chương và nảy ra ý tưởng cộng tác viết tiểu thuyết. Cả hai thấy thôi thúc hơn khi Tạp chí The Bulletin loan báo tổ chức trao giải sáng tác. Họ gởi tác phẩm “ A House is Built “ , Căn nhà được xây, vào năm 1928, lấy bút hiệu chung là M.Barnard Eldershaw. Điều bất ngờ là tác phẩm, viết với chủ đề xã hội gia trưởng, vấn đề lớn của thời đó, được đồng giải nhất với một tác giả khác. Cũng với bút hiệu đó, họ viết thêm năm tiểu thuyết khác nữa,   ngoài các sách về lịch sử và phê bình. Tác phẩm cộng tác cuối cùng là cuốn Ngày mai và Ngày mai và Ngày mai (“ Tomorrow and Tomorrow and Tomorrow“) , xuất bản năm 1945, được Patrick White, nhà văn Úc duy nhất đạt Giải Nobel Văn chương, hết lời khen ngợi.

Bên cạnh những tác phẩm viết chung, Marjorie Barnard cũng thử sức ngòi bút độc lập của mình, chủ yếu ở thể loại truyện ngắn, thành công nhất là cuốn “ The Persimmon Tree and Other Stories “ ( Cây hồng vàng và những truyện ngắn khác ), xuất bản năm 1943, viết về mối quan hệ giữa nam giới và nữ giới, hệ luỵ của xã hội gia trưởng, hậu quả những cuộc tình vụng trộm...
Những tác phẩm với đề tài lịch sử cũng góp phần làm nên tên tuổi của Marjorie Bânrd, nổi bật là cuốn Lịch sử nước Úc, xuất bản năm 1963.

Năm 1983, bà được trao Giải thưởng Patrick White.
Năm sau, Giải thưởng đặc biệt của Thống đốc Tiểu bang New South Wales.
Năm 1986, trường Đại học Sydney phong tặng bà Bằng Tiến sĩ Danh dự.

Marjorie Barnard qua đời năm 1987.

****

Truyện ngắn Trúng số giới thiệu dưới đây ( dịch từ nguyên bản The Lottery, Xố số ), trích từ tập The Persimmon and Other Stories, là chuyện của hai vợ chồng Ted và Grace, chồng đi làm và vợ lo việc nội trợ. Công việc của người chồng là giao tiếp xã hội, kiếm tiền và khỏi bận tâm việc gì khác. Anh nghĩ thế là nặng nhọc rồi, còn vợ anh“ chẳng làm gì cả “, chỉ chăm sóc nhà cửa, con cái, cơm nước lo sẵn đợi anh về. Khi nghe tin vợ trúng số, anh chỉ ngạc nhiên không hiểu bà lấy đâu ra tiền để mua vé số, vì tiền chi tiêu hàng tháng là do anh cung cấp hết, tính toán chi ly từng khoản một, không thể nào dư một xu! Và người vợ cam chịu cuộc sống đó cho đến lúc thấy cần tự tìm ra lối thoát. Chị bán số nữ trang riêng và bắt đầu mua vé cho đến lúc hết tiền, mong chờ một Hy vọng cuối cùng.

Câu chuyện về thân phận người phụ nữ trong xã hội đề cao vai trò gia trưởng, tưởng như là hình ảnh xã hội Việt Nam, nhưng ở đây là xã hội Úc những năm 30, 40 thế kỷ trước.

Cái khác biệt là ở cách giải quyết số phận của mình. Kiểu như Grace làm ở đây không hiểu phụ nữ Việt Nam có từng chọn lựa? 





———

Người đầu tiên báo cho Ted Bilborough biết tin vợ anh mới phát tài là một trong những người bạn của anh, một người có tuổi, hay đùa. Ông ta bắt tay anh với vẻ nghiêm trang giả tạo  và nói nhỏ với sự cảm thông mạnh mẽ lạ thường. Ted chẳng hiểu câu chuyện ông nói ra sao nữa. 

Anh vừa bước lên tầng hai chiếc phà chuyến 6 giờ 15 chiều từ thị trấn về. Fred Lewis dường như đã đợi sẵn với tờ báo. Fred nhe răng cười, vẻ phấn khích ngầm ý chế giễu. Mọi thứ cứ như là trò đùa nhắm vào anh. Anh cảm thấy sự tự tin bị đe doạ. Khoé miệng anh xệch ra trên cái má phính trong khi anh cố tỏ ra dửng dưng không để ý.

Ted bảo người soát vé: ” Cứ giữ lại tiền thối.”

“ Anh ta không biết đâu, thực sự không biết đâu.”
“ Vợ anh trúng số đấy!” có người nói.
“ Anh ta không tin anh đâu. Đưa anh ấy xem tờ báo. Rõ như ban ngày đây này. Bà Grace Bilborough, số 52, đường Cuthbert.” Một ngón tay cáu bẩn thô kệch chỉ vào dòng chữ “ Giải nhất, 5000 bảng. Công ty Hy vọng cuối cùng.”

Fred Lewis lắc đầu: “ Anh ta có vẻ chẳng hào hứng gì.”

Họ bắt đầu vỗ lưng Ted.  Chiếc phà này suốt mười năm qua ngày nào  đi làm anh cũng đi, mỗi năm chỉ nghỉ nửa tháng vào tháng 1,  nên hầu như ai anh cũng quen. Ngay những người anh không quen cũng dự phần vào trò vui hôm nay. Ted hờ hững nhồi ống tẩu, ngón tay có vẻ hơi run. Anh cố giấu cái cảm giác run rẩy đó, nhưng lại cảm thấy nó ẩn sâu trong lồng ngực. May mà đồng nghiệp ở nơi làm chưa hay biết gì, vì hôm nay trong văn phòng chật hẹp dưới những ống thông khí bằng crôm, họ bận rộn túi bụi việc giao dịch chứng khoán hay là kiểm tra các khoản tín dụng. Đó là giờ giao dịch. 

Lẽ ra Grace phải báo cho anh biết chứ. Cô có thể nhờ nhà Thompson gọi điện thoại cho anh. Bill thường qua mượn máy cắt cỏ hay cái thang, vì vậy nhờ vả một chút cũng chẳng khó khăn gì. Nhưng tất cả chỉ tuỳ ở Grace thôi, cái kiểu “ Nếu tôi không có thứ gì thì anh sẽ là người tôi muốn tìm tới để mượn.”

Mà đúng như thế thật. Mọi người ai cũng thích Ted theo kiểu nào đó. Một người tốt, theo cả hai nghĩa của từ này.  
Không màu mè, lúc nào cũng sẵn sàng đùa vui, nhưng anh là công dân tốt, người chồng tốt, người cha tốt. Anh không phải là hạng người từ chối đẩy xe đẩy trẻ con. Anh vui vẻ làm việc ấy. Vợ anh có thể ngẩng cao đầu, 
họ trả các chi phí theo hoá đơn hàng tuần, anh còn để dành được chút ít, chẳng nhiều lắm nhưng vậy là tốt rồi, theo cách hợp lý nhất, mười phần trăm trích ra từ lương trong tình hình khủng hoảng chưa chấm dứt, lại còn lo việc này việc khác nữa. Và anh vẫn luôn luôn vui vẻ, hài hước với mọi người. Tất cả những điều đó luôn hiện hữu trong tâm trí anh. Anh  vẫn hy vọng thế nào cũng được đền bù xứng đáng, nhưng không phải nhờ vào Grace.

“ Ted, anh sẽ làm gì với số tiền ấy? “
“ Cậu sẽ không thấy anh ấy cả tuần này đấy, anh ấy bận tiệc tùng rồi “. Câu nói thật khôi hài, bởi Ted có bao giờ tiệc tùng gì đâu, ngay cả vào ngày Anzac. (1)

Ai đó cất giọng buồn rầu mà chẳng ai quan tâm: “ Tôi mua vé số hàng tuần từ khi nó mới khai trương và chẳng trúng được một xu.” 

“ Anh sẽ đi nghỉ ở đâu đó chứ? “

“ Người ta sẽ bầu anh làm chủ tịch Câu lạc bộ Quần vợt và anh sẽ phải đóng góp một chiếc cúp bạc.

Mọi người tâng bốc anh bằng những câu khôi hài.

“ Tôi hy vọng là bà Bilborough sẽ bỏ ra chút ít để lo cho tương lai lũ trẻ.”. Cuối cùng, Ted lên tiếng, gần như cách người ta trả lời báo chí phỏng vấn. Anh thấy hài lòng vì mình đã nói điều đúng đắn. Trước mặt mọi người anh vẫn thường gọi Grace  là bà Bilborough. Anh nghĩ mình thật lịch thiệp khi gọi là “bà “.

Ted để mọi người chuyện vãn, còn mình nhìn ra ngoài cửa sổ. Anh chẳng quan tâm tới tin tức trong báo tối nay. Chiếc phà rung lắc mạnh và để lại một vạch nước trắng xoá trên dòng sông tĩnh lặng. Chiều xuống dần. Mặt trời chìm sau đám mây xám, êm đềm, không hình dạng như lớp sương. Không gian nhập nhoạng tối, khiến những tia sáng như co rút lại, dễ dàng nhìn thấy, một chiếc dĩa tròn màu vàng trông giống mặt trăng trôi trên lớp sương khói hơn là ánh mặt trời. Nó chiếu lên mặt sông một cột ánh sáng màu cam. Sóng từ chiếc phà loang ra về phía đó, và những khoảng tối li ti cắt vụn nó ra. Bờ sông dựng đứng, bao gọn con sông, khiến sông biến thành như cái hồ, đã bị bóng tối xâm chiếm. Hình dáng hai ngôi nhà thờ và cái vành đứt khúc những cây thông đứng vươn lên bầu trời êm ả, không rõ nét nhưng vẫn phô bày nét duyên dáng hấp dẫn. Những sườn dốc, có cây và rải rác vài ngôi nhà, trông mờ ảo và phủ không khí thanh bình thôn dã. Con sông toả chút sáng mỏng trên nền đất xám. Ted có thể nhận thấy làn nước phẳng lì thực ra là một lớp vàng nâu với nhiều mảng bị những đợt thuỷ triều làm cho xù xì, chuyển màu xanh lạnh lẽo. Chỉ lúc nào bạn chăm chú nhìn, quan sát kỹ thì mới phân biệt được sắc màu. Quay nhìn xuống dòng suối khuất ánh hoàng hôn, mặt nước loáng lên những tia sáng yếu ớt màu xám bạc. Lúc này, rõ ràng có hai thế giới, một dưới ánh hoàng hôn với mặt đất xám mơ màng và yên tĩnh, thế giới kia phía bên dòng suối bên trên con sông bạc bờ bên kia, ánh sáng gom lại phía này hết. Những ngôi nhà có cửa sổ vàng rực, đám cây tối đen, một trụ chứa khí to đùng, những thùng dầu trắng trông như những tai nấm xấu xí, những toà nhà cao xẻ bầu trời, ngay cả hình ảnh những mái nhà được nhìn thấy hay chỉ là tưởng tượng, tất cả tỏ ra diệu ký trong thứ ánh sáng trên cao đó.

Ted ngẫm nghĩ: “ Năm nghìn bảng. Năm nghìn bảng đấy.” Năm nghìn bảng với khoản năm phần trăm, sẽ âm thầm sinh lãi, tuổi già sẽ yên ổn. Anh có thể làm bất cứ gì mình muốn với năm nghìn bảng. Chỉ mới nghĩ đến điều đó thôi đã là một cảm giác dễ chịu lắm rồi. Thật khó có thể tưởng tượng số tiền đó lại liên quan đến Grace. Lẽ ra cô ấy phải nói cho anh biết chứ? Mà lấy đâu ra năm bảng và ba xu để mua vé số? Anh không thể khỏi ngạc nhiên về chuyện này.  Khi việc chi tiêu đã được tính toán chi ly cặn kẽ như họ vẫn làm thì làm sao dôi ra được năm bảng ba xu. Nếu có dôi ra, cũng không đem mua vé số được, anh sẽ đưa vào ngân hàng ngay. Anh không thấy có gì khác lạ trong việc chi tiêu trong gia đình, anh vẫn tự hào là mình luôn để mắt đến mọi sự. Chắc chắn cô ấy không thể kê cao hoá đơn để  lấy tiền mua vé. Đầu óc anh nghi ngờ lung tung. Grace có vẻ gì bí mật, vậy mà lâu nay anh vẫn tưởng là chuyện gì cô ấy cũng kể cho anh. Anh đã xem như không có gì để nói trong câu chuyện thường ngày. Anh thấy tâm trí thanh thản hơn. Dẫu sao, thực tế là Grace đã trúng năm nghìn bảng. Anh khoan dung thừa nhận rằng Grace là một người vợ tốt. Nghĩ vậy, anh liền nhớ tới hình ảnh miếng lót trên áo sơ mi, chiếc quần mới giặt để anh mặc đi đánh tennis, bọn trẻ lúc nào cũng sạch sẽ và căn nhà gọn gàng tươm tất. Như thế là người vợ tốt. Còn anh, anh cũng là chồng tốt, lĩnh lương đem hết về nhà và không tơ tưởng người phụ nữ nào khác. Ai cũng công nhận gia đình anh là một gia đình mẫu mực, thế nhưng - anh vẫn thấy ở nhà người khác dễ chịu hơn nhà mình. Lỗi là tại Grace. Cô ấy chẳng lúc nào vui vẻ và dễ tính cả. Lúc nào trông cũng ủ rũ. Anh ăn mặc biết cách hơn Grace, ai cũng thấy vậy, tuy anh làm lụng vất vả hơn. Tất cả những gì Grace phải làm là trông nom việc nhà, chăm sóc lũ trẻ. Không có gì khác hơn. Vậy mà lúc nào cũng thấy Grace như bận rộn hơn, anh thì cho chả có gì khiến cô ta mất nhiều thời gian cả. Chỉ là thói ngang bướng của phụ nữ thôi. Cũng chẳng phải là do Grace đã lớn tuổi. Mười năm lấy chồng rồi hai đứa con vẫn chưa xoá hết chút nét con gái nơi cô - non nớt, trẻ con chưa bao giờ dịu ngọt. Cô vẫn vậy thôi, không tốt hơn, không xấu hơn. Có thể là cô thông minh hơn chút đỉnh. Anh không khỏi ngạc nhiên chuyện cô ấy lấy đâu ra năm bảng ba xu đó. Nếu cô ấy đã hoang phí năm bảng ba xu kiểu ấy, phải chăng anh đã đưa cô quá nhiều tiền để lo việc nhà? Và tại sao Grace lại chọn cái tên Hy vọng cuối cùng quái quỷ kia? Liệu có phải là còn có hy vọng khác? Có lẽ chẳng phải để gọi tên một sự vật, mà chỉ là cái nhãn mang đến may mắn thôi?

Cô gái ngồi đối diện đang ngồi khâu mấy dải đăng-ten cho mấy thứ hàng sẽ mang đi theo về nhà chồng, chăm chú làm trong ánh sáng lờ mờ.
“ Lại một người nữa sắp lên đường” , Ted nghĩ.
Người đàn ông ngồi cạnh anh nói: “ Vậy là sao nhỉ.” 
Ted không chú ý nghe.

Phà vào bến. Ted bước lên bờ. Anh cố ý không để lộ trong bước đi của mình là người có vợ vừa mới trúng số năm nghìn bảng. Anh vừa thấy vui vẻ vừa mỏi mệt. Anh leo lên đồi cùng vài người bạn đồng hành, là những  người hàng xóm. Họ vẫn còn trêu chọc anh về số tiền, có vẻ như không biết làm sao ngưng trò đùa. Chiều yên lặng, hơi nóng. Mặt trời đã lặn hẳn, để lại những đám mây nhiều hình dạng, dồn thành khối, với tia sáng vàng viền quanh.

Người đi cùng lần lượt tách ra, rẽ vào đường nhánh hoặc những khu vườn mở sẵn cửa vào. Còn lại mình Ted với người đàn ông sống trong ngôi nhà hơi tách biệt ở cuối con đường. Đột nhiên giữa hai người có vẻ yên lặng và nghiêm trang. Ted cảm thấy đau mỏi nơi khoé miệng khi anh phải mỉm cười liên tục.

“ Tôi rất vui khi anh gặp vận may này.”
Ted đáp nhẹ: “ Tôi tin là ông thật lòng, ông Eric“.
“ Tôi không mong muốn  ai  ngoài anh ra được may mắn như vậy.”
“ Ông thật tử tế.”
“ Tôi nói thật đấy mà “.
“ Ồ, tôi không kiếm tìm điều đó.”
“ Gia đình chúng tôi sẽ giải quyết mọi chuyện ổn thoả hơn với một chút may mắn như vậy.”
“ Chắc là sẽ ổn thôi.”
“ Tháng sau là tới kỳ trả tiền nhà tiếp theo, mà Nellie sắp trở về nhà. Bob thì không có việc làm. Có vẻ như chúng tôi không lo liệu gì được cho đám cưới.”
“ Tệ thật đấy.”
“ Con bé đang mang bầu, vì vậy tôi cho rằng bố mẹ nó sẽ phải chuẩn bị cho việc này.”
“ Tưởng như mới đây thôi Nellie còn bé xíu, chạy vòng vòng với chiếc xe đẩy.”
Eric đồng tình: “ Chúng nó lớn nhanh. Khoản tiền nhà là cái khó bây giờ. Đầu tháng tới đó. Họ yêu cầu đúng hạn. Nếu không có khoản đó lơ lửng trên đầu thì chúng tôi chẳng lo gì mấy việc Nellie trở về nhà. Nó là con gái chúng tôi và rất vui đón được nó về nhà.”
“ Vâng, ông sẽ tự hào khi lên chức ông ngoại đấy.”
“ Hẳn thế.”

Tới cổng nhà Eric, hai người đứng lại, im lặng. Một ý nghĩ thoáng qua đầu Ted, cùng với đó là cảm giác ngọt ngào, hạnh phúc và mạnh mẽ anh chưa từng trải nghiệm.
Ted nói: “ Hy vọng ông sẽ vượt qua thôi.”
“ Anh thật tốt.”
“ Tôi nói thật đó”.

Hai người bắt tay nhau và rời đi. Ted chỉ còn vài bước là tới nhà, anh đi chậm lại. Trời nóng và khô, anh nghĩ, phải tưới vườn rồi. Giờ thì anh đang đứng trước cổng nhà mình. Không thấy ai cả. Anh đứng đó một lát, nhìn quanh, như thể giờ anh mới nhìn thấy lần đầu ngôi nhà nơi anh đã ở
từ mười năm nay. Anh nhận ra rằng căn nhà trông tồi tàn, mặt tiền chật hẹp. Mái ngói đã phai màu, gỗ cần được sơn lại, còn mặt sàn anh đã lát với cả hăng say nay có cái dáng nhố nhăng, khó chịu. Một ý tưởng thúc giục thay đổi mạnh mẽ hình thành trong đầu anh: “ Ta có thể rời khỏi nơi đây.” Dựa vào những khả năng trước mắt, nó có vẻ tồi tàn và nhỏ bé quá. Ngay cả cái tên “ Emon Ruo “ cũng không ổn, nghe như nhà tù. 

Ted ngần ngại, chưa muốn bước vào nhà. Đã lâu rồi chẳng có sự kiện gì quan trọng xảy ra giữa anh và Grace. Điều đó khiến anh ngượng ngùng. Anh không rõ cô ấy sẽ tiếp nhận câu chuyện này thế nào. Liệu Grace có bất ngờ xúc động mà quên luôn bữa ăn tối không? Anh hy vọng là vậy mà cũng sợ không phải vậy.

Anh bước vào phòng trước, treo mũ lên và gọi to bằng cái giọng cục mịch của mình: “ Đâu rồi, bà vợ giàu có của tôi đâu rồi. “

Grace đang dọn bữa tối trong bếp.
“ Anh về muộn. Bữa ăn nguội cả rồi.”

Mấy đứa trẻ im lặng, nhưng bồn chồn muốn rời khỏi bàn ra ngoài chơi. 
“ Tôi đã rứt được cái đám phóng viên.” Grace nói, giọng buồn nản. Grace là người có cá tính. Có thể tin tưởng chuyện cô dễ dàng đối phó với các phóng viên non tay nghề. Có vẻ như cô cũng không thiết nói chuyện đó với chồng. Ted cảm thấy thân hình và giọng nói của mình như thu nhỏ lại. Anh nhìn cô nghiêm nghị. “ Cô ấy lấy đâu ra tiền mua vé số nhỉ”. Anh lại băn khoăn, lần này câu hỏi vọng lên rõ ràng hơn.

Giờ thì chỉ còn hai người. Khoảng im lặng kéo dài. Grace bắt đầu dọn bàn. Ted cảm thấy anh phải làm cái gì đó. Anh vụng về kéo cô vào trong vòng tay: “ Grace, em không hài lòng sao?”

Cô nhìn Ted một giây, khuôn mặt cô trở nên nhăn nhúm, một thứ gì còn tệ hơn nước mắt chực trào ra. Nhưng cô giật ra khỏi người anh. “ Đúng vậy “. Cô đáp, rồi nhặt  chồng bát dĩa đi xuống bếp. Ted đi theo.

“ Em thật kín tiếng, không nói gì với anh về chuyện đó cả.”
“ Cô ấy quá lạnh lùng”, Ted nghĩ. Grace đi đi lại lại trong bếp, bộ điệu mau lẹ, bồn chồn. Một lát sau, cô trả lời cho câu hỏi đang lởn vởn trong đầu Ted:

“ Tôi đã bán sợi dây chuyền và chiếc nhẫn của mẹ tôi. Có người thu mua nữ trang cũ ngay tận nhà. Mỗi tuần tôi mua một vé số cho đến khi hết nhẵn tiền.”

“ Ồ “, Ted nói. Vậy là Grace đã bán nhẫn cưới của mẹ cô để mua vé số.
“ Đấy là tiền của tôi.”
“ Tôi có nói không phải tiền cô đâu!”
“ Không, anh không nói.”

Tiếng bát dĩa lạch cạch trong tay cô. Cô đang cảm nhận rõ điều gì đó đang tới, rất rõ. Nhưng Ted không biết là điều gì. Anh không thể bảo cô nói rõ. 

Cô đến đứng trước mặt anh, lưng quay về chiếc bàn ăn bừa bãi, toàn thân căng thẳng. “ Tôi nghĩ rằng anh đang muốn biết tôi sẽ làm gì. Tôi sẽ nói cho anh rõ. Tôi sẽ ra đi. Tự tôi sẽ đi. Trước khi mọi chuyện quá trễ. Ngay ngày mai tôi sẽ đi.”

Ted có vẻ chưa hiểu hết.

“ Beattie sẽ đến chăm sóc anh và lũ trẻ. Cô ấy sẽ hài lòng về chuyện đó. Anh chẳng phải tốn một đồng xu nào cả so với hiện nay, “ cô nói tiếp.

Ted nhìn cô chăm chú, hai tay buông thõng, mặt xịu xuống.

“ Thì ra ý cô đúng là như vậy, như trong báo viết: Hy vọng cuối cùng?”
Grace đáp: ” Đúng vậy.”


—————
Chú thích của người dịch:

  1. Anzac Day : ngày tôn vinh các cựu binh. (  được tổ chức vào ngày 25 tháng 4 hàng năm để tưởng nhớ những thành viên của quân đội Úc và New Zealand đổ bộ vào Gallipoli của Thổ Nhĩ Kỳ trong Thế Chiến I.    Anzac là từ viết tắt của “Australia and New Zealand Army Corps. )
Hiện nay ngày này là ngày nghỉ lễ quốc gia. Các lễ kỷ niệm được tổ chức ở các đài tưởng niệm chiến tranh trên khắp đất nước và các cuộc diễu hành diễn ra qua các thành phố lớn. Các cựu binh đều tham gia diễu hành. Có năm thấy trong đoàn diễu hành ở Sydney có cả cựu quân nhân từng tham chiến tại Việt Nam.




THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu từ nguyên bản tiếng Anh.
(7/2019)